Cao Mỵ Nhân,  Văn Thơ

CHÙM THƠ CAO MỴ NHÂN & CÁC BÀI VIẾT

NÀNG MỘC NỮ. 

CAO MỴ NHÂN 

Người ta lấy tên em

Làm tên người yêu của họ 

Anh giữ tên em trong lòng anh

từ thủa đó 

Nhưng không kêu lên một lần 

Phải tại anh… mắc cở

*

Mắc cở ? Sao lại mắc cở ?

Tên em như công chúa Mỵ Nương

Hay nàng Mỵ Châu si tình khốn khổ 

Còn có Mỵ Ê bé nhỏ 

Rồi một lần nữa Mỵ Nương Trương Chi

Sao em che miệng cười chớ ?

*

Thật ra chữ Mỵ rất vô tư

Chẳng chứa chấp gì trong đó 

Nó chỉ là cách gọi người nữ chung chung

Như chữ ả, chữ thị 

Ở lâm nguyên Chapa xưa

Chữ Mỵ là cách ghép 2 âm Mộc, Nữ

*

Tại sao Mộc đứng cạnh Nữ ? 

Ấy bởi vì người nữ ở rừng xanh

duyên dáng, mong manh, long lanh

Như giọt sương, làn khói 

Em cũng như sương rơi, khói phủ 

mịt mù trong tâm tư anh

*

Vì thế nơi thượng tầng thoáng mát, cao thanh

Em se tơ cho mơ màng nắng biếc 

Nàng Mộc Nữ bên trời xa tha thiết 

Thả tên mình lên bè mây diễm tuyệt 

Anh giữ tên Mỵ êm đềm 

Suốt đời này và kiếp tới thần tiên …

*

Cao Mỵ Nhân

TÁI NGỘ.    CAO MỴ NHÂN 

Chỉ nhìn thôi, chỉ nhìn thôi

Thấy anh trong kiếp luân hồi tái sinh 

Ô hay mình gặp lại mình 

Trái tim cùng với ảnh hình thân quen 

*

Anh cười: Vẫn chỗ đứng em 

Vẫn phong lan trắng trên thềm tuyết sương

Vẫn nguyên tơ tóc vấn  vương 

Khói hoa  tình tự, mây tương tư sầu 

*

Vẫn ngàn đời đắm say nhau 

Phương nam vẫn cuộc tình sau tuyệt vời 

Bâng khuâng ấp ủ nụ cười 

Cho quên hiu quạnh khắp trời vắng anh

*

Núi mùa xuân nắng mầu xanh

Tháng năm dừng lại long lanh lệ mừng 

Ôi bao nhiêu kiếp vô thường 

Bấy nhiêu mộng mị anh nhường cho em …

*

     CAO MỴ NHÂN 

***

  AM MÂY.    CAO MỴ NHÂN 

Am mây từ thủa yêu người

Ta đi hong nắng bên trời, đợi ai

Khói sương phủ kín đồi mai

Hỡi anh yêu dấu có hoài nhớ ta

*

Người rằng anh có đâu xa

Lắc đầu, cúi mặt, lệ sa ngập ngừng

Am mây lóng lánh vạt sương

Hỡi anh yêu dấu vấn vương tình này

*

Một người ngó bè mây bay

Một người xuống núi đưa tay đón chờ

Hỡi anh yêu dấu trong thơ

Cho ta nhận lại ước mơ thủa nào 

*

Lỡ khi mộng mị trăng sao

Dấu thân khổ luỵ ta vào gối chăn

Am mây ủ kiếp mê lầm 

Hỡi anh yêu dấu vô vàn nhớ thương …

*

        CAO MỴ NHÂN 

***


ĐỢI Ở LUÂN HỒI.   CAO MỴ NHÂN 

Chín tầng ngũ sắc mây xa

Sáng nay rời biển bao la, bay về

Hồi chuông thức tỉnh u mê

Bàn tay rời khỏi tóc thề ngát hương

*

Anh đang nhốt khói, ủ sương

Bút pha mực đậm, vẽ chương thơ buồn

Dáng ai thấp thoáng trong hồn

Nén nhang tắt lửa đâu còn hiển linh

*

Sân chùa vắng cánh bướm xinh

Anh chưa đến hẹn mà tình đã phai

Ngọc lan tám hướng nguyên khai

Thơ em hay chuỗi thở dài chờ mong

*

Này đây sợi thắm tơ hồng

Cột vào tay để nhắc lòng nhớ nhau

Tháng năm xa xót , sầu đau

Hãy tin rằng có kiếp sau luân hồi …

*

     CAO MỴ NHÂN 

***

TAN CƠN MÊ HOANG.    CAO MỴ NHÂN 

Một người xoã tóc làm thơ

Một người ngửa mặt giữa trưa ngắm trời 

Ngày đang đứng bóng, mây cười

Lá thi nhau trải thảm, ngồi buồn tênh

*

Ý thơ dậy sắc bình minh

Sao lời thơ nhuốm mầu tình hoàng hôn

Người ngồi xoã tóc gọi hồn

Người đang ngửa mặt thoắt cuồng điên hơn

*

Hai người trong buổi tàn cơn

Đắm say xuân cạn, mùa còn tiêu dao

Bỗng từ mặt biển, bờ dâu

Nổi lên những đoá hoa sầu tím xanh

*

Mơ hồ tiếng chim vàng anh

Kêu khan, khản giọng mong manh ngập ngừng

Thoáng hơi gió thoảng sau lưng

Giật mình tỉnh mộng, mơ chừng ấy thôi…

*

      CAO MỴ NHÂN 

VĂN – CAO MỴ NHÂN

***

GỞI ĐI XA.    CAO MỴ NHÂN 

Thường trong văn chương Hán Nôm xưa, có những cảnh rất thực tế, mà cũng rất …cổ phong. Tôi chẳng biết nói thế nào cho đúng, nhưng trộm nghĩ, dùng chữ “cổ phong” có vẻ được. 

Số là tôi muốn kể một chuyện buồn… cổ phong, nhưng cũng đời nay. Hoá cho nên tôi sẽ dấu bớt những phong hoa tuyết nguyệt Đường thi, mà chỉ đề cập tới ” chuyện như tưởng niệm ” một bậc nữ lưu nào khi đã âm dương cách trở. 

Bắt đầu Tiểu Bích gởi cho tôi sau khi đọc 2 bài nhà thơ Trần Từ Mai dịch: 

”  Ký Viễn của Lý Bạch và Giang Lâu Thư Hoài của Triệu Hổ “.

Hôm nay đặc biệt chỉ nhắc tới Ký Viễn Lý Bạch mà nhà thơ Trần Từ Mai dịch là:” Gởi đi xa “.

Vậy nhà thơ Trần Từ Mai gởi gì, cho ai đi xa ? 

Thì đang nói chuyện thơ, nên gởi thơ cho nhân vật nữ đi xa , 

” Chăn thêu cuốn gọn ai nằm

Ba năm vẫn lắng âm thầm dư hương…”

          ( Trần Từ Mai ) 

Nguyên bản là: 

Sàng trung tú bị quyển bất tẩm

Chí kim tam tải văn dư hương 

          ( Lý Bạch ) 

Diễn nghĩa: 

Trong giường chăn thêu đã cuốn lại, không ai nằm

Tới nay đã ba năm, vẫn còn nghe hương thừa 

          ( Trần Từ Mai ) 

Hai câu này sui ta nhớ đến 2 câu vua Tự Đức khóc Bàng Phi: 

” Đập cổ kính ra tìm lấy bóng 

Xếp tàn y lại để dành hơi…” 

          ( Vua Tự Đức) 

Tiểu Bích thấm ý câu : 

” Ba năm vẫn lắng âm thầm dư hương” nhà thơ Trần Từ Mai dịch, nói lên nỗi buồn trống vắng của một người nhớ một người, mà biết chắc không bao giờ gặp nữa . 

Do đó, Tiểu Bích chia sẻ cho tôi đọc 2 bài thơ dịch của nhà thơ Trần Từ Mai viết, đặc biệt câu : 

” Ba năm vẫn lắng âm thầm dư hương ” 

Được dùng làm tiêu  đề cho nội dung thư qua thư lại giữa Tiểu Bích và tôi.  

Tôi vốn sính hồi âm kiểu thơ khứ hồi xướng họa này, tôi bèn viết bài thứ nhất gởi Tiểu Bích, ý nói về câu chuyện 3 năm trên. 

    BA NĂM HƯƠNG LỬA 

Ba xuân nào đủ chuyện trăm năm

Chắc phải thiên thu ấm chỗ nằm 

Khi cỏ vàng trời trên mộ đất

Lúc nàng xanh tóc buổi cài trâm

Người đi hoa úa tàn thương tiếc

Ta đợi trăng xa xót lỗi lầm 

Khách vắng bao lâu chưa trở lại 

Thời gian ấp ủ tháng ngày câm …

Hawthorne.  12 .am.  23-7-2017

          CAO MỴ NHÂN 

Tiểu Bích hồi đáp : 

…Chưa ngớt đóa hương, chị đã xong nhất tuyệt tác…

…Bài của chị khiến em đọc xong lại ngẩn ngơ, mong bài thơ dài thêm…

Làm sao dài thêm được trừ phi MỴ tỷ làm thêm thử họa với chính mình . 

Tự mình xướng họa không cô đơn đâu, mà chính là sự thanh vị tao nhã .

Chao ôi, người đẹp văn khoa Hán học này, khiến chi cũng có vẻ như ý thiên hạ quá . 

Cao Mỵ Nhân lãnh ý đề bài tự họa ngay : 

          LÃNG ĐÃNG BÊN TRỜI 

Khách vẫn bên trời rỡn tháng năm

Cho ta hờn tủi nỗi riêng nằm

Đêm qua thơ đến còn chưa tạ 

Sáng tới tình tan mãi thả trâm

Cứ tưởng xuân tàn, nên nhận lỗi

Nào hay tuổi ngọc, chắc không lầm

Người ơi, e cũng như mình nhỉ

Tuyệt đỉnh sầu thương bóng dáng câm ..

  Hawthorne  11.11 am  23-7-2017 

          CAO MỴ NHÂN 

Tiểu Bích xuất thân “Văn Khoa”, là đệ tử của giáo sư Trần Huy Bích, tức thi sĩ Trần Từ Mai nêu trên , có lẽ cảm kích  2 bài dịch của giáo sư thi sĩ, nên có ý cho tôi và quý vị phụ nữ đọc dể thấy cái hay, của một nhận định bao dung từ bậc thầy Tiểu Bích như sau: 

…Tất cả những người nữ trong thế gian theo ” giáo sư” trên, bất cứ người nữ nào sau khi từ biệt cõi đời này, cũng xứng đáng được chồng( hay ý trung nhân ) nghĩ tưởng nhớ đến bằng những lời lẽ tình cảm chân thành như thế …

Cuối cùng vị giáo sư thấy tôi múa gậy vườn…hoa ( không phải vườn hoang đâu nhé) của anh, người đang luyện kiếm bên trời, nhân vật thơ của Cao Mỵ Nhân, giáo sư Trần Huy Bích bèn họa một bài cho đệ tử, cũng là nghĩa muội ông, để nàng chuyển cho Cao Mỵ Nhân tôi, làm tài liệu xướng họa cho vui. 

  TRẦN TỪ MAI  KÍNH HOẠ 

Đừng nói làm chi chuyện tháng năm

Nhân gian đâu phải chỗ vui nằm

Tam niên tam nhật là tiên cảnh

Ngàn dặm ngàn ly với bảo trâm

” Dao thảo ngọc sa” ghi chốn hẹn 

” Chung minh đỉnh thực ” tránh nơi lầm 

Thầy Uyên vẫn đợi bên ngòi biếc 

Hạc trắng loan vàng vốn chẳng câm . 

           23-7-2017 

          TRẦN TỪ MAI 

Chú thích: 

Ba năm chốn nhân gian là 3 ngày tiên giới 

Bảo trâm : với chiếc ngọc trâm của tiên tử ngàn dặm chỉ thu còn 1000 millimetre = 1 metre thôi . 

Thế là mình cấp tốc gởi cho anh, thấy chưa,  một nhà mô phạm khuôn vàng thước ngọc còn biết cảm thương người nữ mệnh chung, còn anh, chắc mình : ” Khi cỏ vàng trời trên mộ đất” , anh cũng xem như ánh thép vụt ngang trời thôi…

Ô hay, người tình thì yên nghỉ ở mộ thơ, chứ mộ đất , mộ cát sao được, còn người thơ xin nằm dưới mộ hoa, biết thế rồi mà, nhưng người thơ đòi ở đời tới 105 tuổi, nhớ không ? 

Anh sẽ trồng cả một rừng hoa khi người thơ vãng thế …Đẹp chưa? 

                   CAO MỴ NHÂN 

VĂN

CHAPA  BIÊN GIỚI HOA ĐÀO 

 (Bài tặng Tiểu Thu) 

                                                             CAO MỴ NHÂN 

Cái biên giới được hình thành là một đường dài từ tây sang đông, ở tận cực bắc quê hương xa xôi, nơi đó tôi đã được người mẹ chất phác sinh ra.

Con đường ngoằn  ngoèo, mong manh, nhưng vô cùng sạch sẽ, tự thiên nhiên trồng cho toàn những cây hoa đào cánh kép, mầu phấn hồng rực rỡ. 

Người mẹ này không hề nói tuổi tác, bà là ” sơn nữ ” mang vóc dáng người miền suôi. 

Tính tuổi theo mùa hoa đào nở, rừng hoa đào cánh kép, mỗi tháng ba âm lịch là thêm lên một tuổi.

Nhưng giữa mùa đào năm tân mão, người mẹ luôn sống với mộng mơ suốt tháng năm thầm lặng ấy, đã từ giã gia đình, ở giữa phố thị lãng mạn hơn bất cứ đâu, để gởi hồn về non cao, núi thẳm, Chapa .

Người bố đã nhìn ngay đồng hồ lớn treo ở phòng khách : 6 giờ chiều ngày 19 / 3 âm lịch. 

Ông nói nhỏ : ”  Thôi về rừng nhé, sang năm mùa đào nở, ta lại gặp nhau ” .

Ngay 6 giờ sáng hôm sau, chiếc xe 4 ngựa với đầy đủ tang nghi, mọi người đã đưa mẹ ra đồng hoa đào cánh kép ngủ yên. 

Mấy chị em tôi lúc thúc chạy theo, áo tang ai may trắng mầu sương khói, bố mặc đồ veste trắng , cravats đen…

Như vậy người mẹ chỉ ở lại trong nhà có 12 tiếng đồng hồ thôi sao ? 

Bố bảo : có để lâu hơn, mẹ cũng phải đi thôi. Đi sớm cho tất cả được thanh tịnh sớm. 

Chị lớn mình chưa tới tuổi thiếu nữ “, chị khóc nhiều nhất. Còn chị kế với mình cứ nhìn đám ma ngơ ngác. Hinh như bố mình không khóc, nhưng ngó ra mênh mông, đôi mắt buồn vời vợi . Bố mình mới vừa ngoài bốn chục tuổi . 

Bố mình sợ phải nhìn chặng đường biên giới đó quá, nó gây cho ông cái  ấn tượng cách chia, dẫu không phải tại nó, nhất là những cây hoa  đào cánh kép rực rỡ mầu xác pháo . 

Những cây hoa đào cánh kép chỉ có ở biên giới Việt Hoa, cánh hoa nó dày hơn anh đào Nhật, phảng phất hoa trúc đào ở Huế của …anh bây giờ.

Vì thế, mình muốn kể cho anh nghe, ngày mình làm dâu Huế. 

Mình phải từ Đà Nẵng ra Huế, rồi lên tận Kim Long, tới tận Ngự Bình để chào họ hàng, nơi cái nhà thờ họ, ngoài vườn xanh um lá biếc …

Nhưng ở vườn đó, có một  cây  trúc đào …

” Mệ Nội ” dặn đi dặn lại là, khi mô mình có thai, 

thì đừng đứng gần cây trúc đào, vì lỡ vô tình bứt lá hoa, nhựa  nó làm hư thai ngay. 

Ôi ôn mệ ơi, cô dâu mới mà nói chuyện thai với chả thiết, có lẽ Mệ ngó mình mới quá, mượt quần Jean, đi giày bata, Mệ lo cháu Mệ có con sớm chăng ? 

Sự kiện làm mình nhớ mẹ ngày xưa, hồn nhiên cho tới chết. Và nhớ luôn đến cái lằn ranh toàn những cội đào cánh kép ở Chapa, đã thực sự nghìn trùng xa cách. 

Nhưng anh vừa nhắc đến một lằn ranh, đủ thứ khía cạnh giữa anh với mình trưa nay . 

Anh có biết là, anh chất phác đến tuyệt vời không ? 

Anh rất tuyệt vời nhưng lại làm ra vụng dại, rồi còn sợ mình không hiểu nổi tính chất vụng về, hóm hỉnh của anh, anh bèn nói anh ” tối tăm ” lắm . 

Mình không khiến anh phải hoá bướm như Trang Sinh, cũng chẳng hề bắt anh phải biến thành chàng A Phủ, xoá bỏ cái biên giới toàn hoa đào rực rỡ, ở cố quận sầu tư của mình . 

Chúng mình vẫn có một lằn ranh tuyệt tác trong văn chương lẫn ngoài cuộc đời . ..Anh biết không ? 

Mình chỉ thoáng giả vờ, như mình đang lạc trong rừng đào cánh kép xa xôi kia , …vì cuộc sống mình là liên tiếp những tình cờ, một sự tình cờ huyền diệu, tuyệt tác, đến không tưởng tượng được, mới kỳ lạ chứ …

Mỗi lần Tết đến, Xuân về…

Ngồi bên lò sưởi ấm áp của thế giới văn minh ngày nay, tôi không thể nào không nhớ lại quãng thời gian dài dằng dặc xa xưa, khi gia đình tôi cư ngụ ở một thành phố nhỏ với chỉ hơn 9 ngàn cây số vuông ( Sa Pa : 9274 m 2 ) cho chưa đầy  9 ngàn người ( 8975 người ), theo thống kê của ngành Du Lịch năm 2009 . 

Thế thì quý vị cũng tưởng tượng ra Sa Pa chỉ là một Phường của Thị Xã Sa Pa, thuộc tỉnh Lao Cai, Bắc Phần Việt Nam . 

Trong giấy khai sinh của tôi, thời người Pháp chiếm cứ 3 nước Đông Dương, gồm Việt Miên Lào, thì Sa Pa được gọi là

” Village Chapa “, còn dịch ra là Xã Xuân Viên, tỉnh Laokay. 

Song song với tên gọi Chapa  có vẻ Tây này, thì đa số người Kinh xưa, cứ quen miệng kêu Sa Ba . 

Nghe Chapa xưa, hay Sa Pa giờ, đẹp như thế, mà người Trung Hoa cổ lại sẵn sàng giải thích Sa Pa là phát âm của Sa Pá, tức Bãi Cát, thuộc Phố Cổ Lão Nhai ( Lao Cai ) đó.

Ôi thôi, Chapa hay Sa Pa, thậm chí Bãi Cát đi nữa, âm hưởng cũng tuyệt đẹp như một bài thơ . 

Với tôi, Chapa là nơi sanh của tôi, thì dư âm, dư ảnh đó đã đồng vọng trong tôi, như một bài ru tình ái của những cặp uyên ương dẫu ở bản địa hay từ nơi xa xứ tới . 

Huống chi ít năm sau này, Sa Pa còn có những Chợ Tình , Bản Hẹn từ Hà Nội ” di chuyển ” lên lâm nguyên vốn an lành , huyền bí . 

Thủa gia đình tôi ở Chapa, không biết tại tôi còn nhỏ, hay sự thực không có những nơi kể trên, Chợ Tình, Bản Hẹn vv…

Sao ngày nay đặt ra nhiều điểm ăn chơi như ở các thành phố miền suôi vậy. 

Tôi cũng mới về Chapa xưa, thăm chàng ” A phủ ” trong văn chương, hay thật sâu thẳm, tận đáy tâm hồn tôi trong ký ức. Thì tôi rất lạ lùng là Sa Pa ” đô thị hoá ” đến nỗi không để lại một dấu vết rừng sâu, núi cao, đúng với hình ảnh mà tôi thực sự không quên khi rời khỏi Chapa năm ấy . 

Nếu những ” a phủ ” sinh lão ở Chapa sau quá nửa  trăm năm , nay quý chàng đã lên chức ” cụ “, mà vẫn ngây ngô hồn nhiên đếm tuổi bằng mấy con trăng, dông bão hay ngó rừng anh túc nở hoa nha phiến đẹp như hương trầm, sắc quế ma quái , huyễn hư … thì làm sao Chapa đổi mới theo mầu sắc châu thổ văn minh như hiện nay. 

Người ta đã biến Chapa của tôi thành một điểm du lịch giống như tất cả mọi điểm du lịch khác ở bất cứ đâu có rừng có núi . 

Những thiếu nữ miền Chapa xưa, nay là các thiếu nữ phấn son , mỹ phẩm . Nước hoa đổ trên vai, trên tóc, thay vì hương rừng, phấn núi tự nhiên . 

Tôi nói với chàng ” a phủ ” là tôi không tìm thấy ở đâu cái biên giới hoa đào như thủa 3 chị em tôi còn bé, tha thẩn chạy chơi    trên cái lằn ranh không có chông gai và bảng cấm . 

Và dù vậy, ngày xưa Biên Giới Hoa Đào cũng không hề có một bóng người qua lại . 

Chàng ” a phủ ” bảo rằng: ” Không có bóng người nên không có trộm cướp, nay lằn ranh trắng đất, người đi thấp thoáng nhưng toàn gian manh, chúng giết nhau trên mỗi tầng cây số. 

Chúng, bọn gian manh, như những con tắc kè khổng lồ, thích hợp với lằn ranh, mà lằn ranh vẫn không ngăn chặn được

” tội ác ” . 

” A phủ ” tiếp lời : ” Cái năm xưa, người ta kéo bỏ những rặng cây hoa đào, để thay thế vào các thứ gỗ kinh tế , biên giới loã lồ xiêm áo văn hoa, trông nó trơ trẽn lắm, mà thôi, có lẽ hồn hoa xưa về tưởng tượng ” . 

Thế còn bao lâu ” a phủ ” ở đây ? Thềm anh túc trước nhà sàn, mầu phù dung còn thơm mùi thuốc phiện, hay cũng như hoa đào phủ kín Cầu Mây, còn ai qua con phố tối om bên kia vực, để đổi muối cho bữa cơm được đậm đà ? 

Không nữa rồi, người ta đi honda thay cho ngựa, đi ủng da thay cho giầy vải bó chân, quần jean thay cho váy thổ cẩm, hở ngực kiểu khác, thay cho ở trần . 

Đồng bào sắc tộc đã ngồi trên đỉnh Fang Si Pan cao 3143 m 

ở Sa Pa, thay cho lên đỉnh Lang Bian Đà Lạt chỉ cao có 2167m

 Nhưng dù ở Lao Cai hay Lâm Đồng, cũng có những đồng thuận ngô nghê, hồn nhiên như thần thoại . 

Bạn đồng hành của tôi rủ tôi đi Cát Cát coi đồng rau xanh, mấy cô bé ” Mèo ” bây giờ lanh lợi vượt xa thiếu nữ Kinh, nói English hay hơn giọng Hà Nội. 

Chúng tôi vô ngôi nhà lá dựng theo kiểu miền suôi, chủ nhà lịch duyệt hởi thăm : ” Ông bà đến Sa Pa lần thứ mấy  ? ” . 

Bạn đường tôi trả lời : ” Không nhớ, nhưng bà bạn này ở đây quá lâu rồi, nhà bà ấy ở đầu dốc cửa rừng đó . 

” A phủ ” ngơ ngác : ” Rừng cũng chẳng rừng xưa đâu, bên trong toàn đất của chủ lạ hết rồi, bà có tìm ra nhà bà ở trước kia không ? ” 

Tôi cười vui vẻ : ” Vẫn còn khung nhà với 3 lớp cửa kính dày, phía sau dựa vào vách núi …” 

Nhưng bà về, đâu phải kiếm lại cái nhà 70 năm trước hả ? 

Phải bà muốn tìm lại lằn ranh mầu hoa đào cánh kép, khởi từ Lai Châu tới Cao Bằng, nhưng để làm chi chứ . 

Dẫu còn những cây hoa đào đó, bà vẫn có một lằn ranh vô hình, rộng hơn , xa hơn, là cái biên giới không thể xoá được trong tâm tư tình cảm của bà đâu, bà Mỵ ơi. 

Chắc đúng vậy . 

Lại trả 300 dollars cho chuyến xe từ Sa Pa về Hà Nội, như mỗi dịp về thăm ” a phủ ” già nua, của một người không chịu mất dĩ vãng Chapa của mình .

       Los Angeles  mùa Xuân 2021

          CAO MỴ NHÂN