Biên khảo,  Nguyễn Hồng Dũng

THĂNG HOA CUỘC ĐỜI: Kỳ 55 – Nguyễn Ánh Xưng Vương Ngoại Bang Phò Tá.

Thăng Hoa Cuộc ĐờiNhư Ninh Nguyễn Hồng Dũng

Kỳ 55 Nguyễn Ánh Xưng Vương Ngoại Bang Phò Tá

Nói đến tôn thất nhà Nguyễn bị càn quét sau khi Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ giăng bủa khắp nơi, nhiều người trong dòng tộc bị sát hại hoặc đổi họ để làm thứ dân cho an thân; duy chỉ sót người thanh niên mười bảy tuổi của dòng dõi chúa Nguyễn còn sống sót, đó chính là Nguyễn Phúc Ánh, nhờ trốn xuống tàu thủy của giám mục Bá Đa Lộc đang neo thuyền ở sông rạch Cần Thơ. Mấy tháng sau tình thế lắng đọng, các quan tướng đất Nam hà tìm được Nguyễn Phúc Ánh cử làm Đại nguyên soái Nhiếp quốc chính để hội tụ quần thần khanh tướng triều chúa Nguyễn trong mục đích phục hoạt cơ đồ, chống Tây Sơn, nối ngôi nghiệp chúa.

 Từ thành Hoàng Đế vua Tây Sơn đã nghe được tin Nguyễn Phúc Ánh gom góp tất cả binh tàn tướng bại nổi lên tại miệt Long Xuyên, Cần Thơ làm cho đất Nam hà lắm phen can qua (can là cái mộc làm bằng da để che thân; qua là cái giáo, ý của can qua là chiến tranh) chinh chiến, vì vậy Thái Đức hoàng đế sai Tổng đốc Chu, Phạm Ngạn và Tư khấu Uy dẫn hơn ngàn lính thiện chiến đem quân tiễu trừ.

Quân binh của Nguyễn Phúc Ánh chỉ mới kết hợp được vài tháng nên lực lượng còn khá lỏng lẻo, tuy nhiên cánh quân của Đỗ Thành Nhân lại rất hùng hậu nên sau đó tái chiếm lại thành Gia Định và ra sức phò tá đắc lực cho Nguyễn Phúc Ánh nhằm khôi phục giang sơn nhà chúa Nguyễn.

Kế hoạch không được ăn khớp khi quân Tây Sơn do các tướng Chu, Ngạn, Uy đưa quân vào bằng ba ngã Phiên Trấn, Sài Gòn và Trấn Biên không đồng bộ để thực hiện chiến lược nhất thời ba mặt giáp công, do điểm yếu đó mà phía quân Tây Sơn không đánh thủng phòng tuyến của Nguyễn Phúc Ánh. Trái lại, quân binh của Nguyễn Phúc Ánh do cai đội Lê Văn Câu, Nguyễn Văn Hoàng, Tống Phước Khuông phản công mãnh liệt giết chết Tư khấu Uy, đồng thời đẩy lui quân Tây Sơn ngược ra Quy Nhơn; nhân đó Tống Phước Khuông phối hợp với quân binh của Tống Phước Lương thừa cơ đem binh lấy thành Bình Thuận và thành Diên Khánh.

Nguyễn Phúc Ánh khôi phục được đất Gia định, củng cố binh lực rồi sai sứ sang nước Xiêm La thông giao, đồng thời sai Đỗ Thành Nhân và Hồ Văn Lân đem quân chinh phạt nước Chân Lạp nhằm bảo hộ đặng làm hậu thuẩn, đưa Nặc In là con của Nặc Tân lên làm vua xứ này rồi đặc cử Hồ Văn Lân ở lại coi sóc việc triều chính với Tân vương Chân Lạp.

Việc Nam hà đang phát triển một cách thuận lợi cho chúa Nguyễn đã không làm cho triều đình Tây Sơn nao núng, thực lực của Nguyễn Phúc Ánh như thế nào thì điệp báo của Tây Sơn đã nắm rõ nhưng Long Nhượng tướng quân Nguyễn Huệ không nở để dân tình khốn khổ với chuyện chiến tranh triền miên, do vậy mà quân binh Tây Sơn nhân đấy lo tập luyện tượng mã đợi thời thế thuận tiện xuất binh hòng tiêu diệt toàn bộ triều thần Nguyễn Phúc Ánh.

Năm Canh Tý (1780) Nguyễn Phúc Ánh xưng vương hiệu đặt triều nghi và chiêu dụ bá tính hợp lực gầy dựng nghiệp chúa, phong cho Đỗ Thành Nhân làm chức Ngoại Hữu Phụ Chính Thượng Tướng Công cùng ban phát tiền bạc để khen thưởng binh lính.

               Trong khoảng năm tháng ấy vua Xiêm La là Trịnh Quốc Anh có hiềm khích với tướng Chất Tri (Chakhri) và Sô Si nên muốn đẩy họ xa khỏi triều đình bèn cách sai hai anh em Chất Tri và Sô Si dẫn binh mã đánh chiếm nước Chân Lạp. Như đã nói ở trên, lúc này Chân Lạp đang được bảo hộ bởi Hồ Văn Lân nên chúa  Nguyễn  Phúc  Ánh  cử  Nguyễn Hữu Thoại đem binh trợ giúp Chân Lạp.

Đang khi hai anh em Chất Tri và Sô Si kéo quân qua Chân Lạp thì tại quê nhà, vua Xiêm La là Trịnh Quốc Anh bắt vợ con của Chất Tri và Sô Si giam vào ngục tối để làm con tin với ý đồ thúc ép Chất Tri quyết lấy đất Chân Lạp cho kỳ được.

Vừa nghe hung tin bay từ đất Xiêm, anh em Chất Tri và Sô Si liền giao kết với Nguyễn Hữu Thoại để đem quân ngược lại phía nam đánh Trịnh Quốc Anh hầu cứu vợ con. Chưa tới thủ đô Vọng Các thì nghe Trịnh Quốc Anh đã bị tướng Phan Nha Văn Sản nổi lên đánh chiếm triều đình và cướp ngôi vua. Chất Tri và Sô Si liền cho quân bao vây Vọng Các tiến vào thành giết chết Phan Nha Văn Sản, đồng thời sát hại luôn Quốc vương Trịnh Quốc Anh rồi Chát Tri tự lên ngôi hoàng đế xưng là Phật Vương, phong cho Sô Si là Đệ nhị Quốc vương.  Do đó mối giao hòa, thân tín giữa vua Xiêm La Phật Vương và triều đình Nguyễn Phúc Ánh rất ư mặn nồng

Khi gặp hoạn nạn, Nguyễn Phúc Ánh đã được sự trợ giúp của Giám mục Bá Đa Lộc nên Nguyễn Vương nghĩ ngay đến việc cầu cứu giúp sức từ phương tây mà vai trò Bá Đa Lộc có thể làm được. Nghe tin chẳng tốt lành từ phương nam khi chúa Nguyễn có ý đồ cậy nhờ người ngoại quốc can thiệp vào nội tình đất nước, Thái Đức Hoàng đế vội hạ chiếu truyền Long Nhượng tướng quân Nguyễn Huệ vào nam một phen nữa để tiêu diệt Nguyễn Phúc Ánh. Sau gần ba mùa đông yên tịnh, giờ đây chinh chiến lại bắt đầu khởi động dưới sự chỉ huy trực tiếp từ vị tướng trẻ vang lừng Nguyễn Huệ.

Nói về Đỗ Thành Nhân sau khi được phong chức Ngoại Hữu Phụ Chính Thượng Quốc Công thì oai danh vang lừng đất Gia Định, bản chất của cái ngã quá lớn đã khiến vị tướng tài ba này tỏ ra tự phụ, chuyên quyền, áp bức và không nể trọng đến chúa Nguyễn, vì thế mà Nguyễn Phúc Ánh đã tìm cách giết chết Đỗ Thành Nhân trước khi quân Tây Sơn  kéo vào Gia Định thành.

Đại thần Tây Sơn là Bùi Đắc Tuyên người thôn An Khương, xã Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn có người con gái khá sắc sảo đã đến tuổi trăng tròn tên là Bùi Thị Loan. Để thêm vây cánh với hoàng gia, Thái Đức Hoàng đế tứ hôn cho Long Nhượng tướng quân Nguyễn Huệ cùng Bùi Thị Loan nên nghĩa vợ chồng. Cuộc sống hôn nhân hạnh phúc chưa qua những ngày trăng mật nhưng việc quân binh hệ trọng đã buộc Nguyễn Huệ dồn nổ lực luyện tập võ nghệ cho binh sĩ và tìm thời gian rảnh để nghiền ngẫm binh thư Tôn Tử, phối hợp với loại võ công đặc biệt phát xuất từ vùng An Lão, Tam Quan, một môn võ thuật kết hợp giữa Thiếu Lâm Tự và võ Ta cùng sáng tạo những quyền cước độc đáo hầu thích nghi với chốn sơn lâm vốn nhiều thú dữ như cọp, báo, hùm, beo.

Để nâng cao những kỹ năng tuyệt công trong binh pháp và củng cố lực lượng thật tinh nhuệ, Long Nhượng tướng quân Nguyễn Huệ thân hành cung kính mời các ẩn sĩ, mưu thuật chính trị cũng như những tay cao thủ võ lâm cùng nhau hợp tác và huấn luyện. Biết bao nhiêu anh tài, tuấn kiệt thấy cảnh đất nước tan hoang vì xâu xé, nạn tai sứ quân từng vùng lại nổi lên, ngai vua của triều Lê thì quá mục nát được dựng trên hư vị như một biểu tượng bù nhìn làm nơi mượn danh của nhiều phe phái chia chác quyền uy mà điển hình là hai chúa Trịnh-Nguyễn vẫn tranh giành thế lực cả bao nhiêu năm ròng, điều này đã khiến cho các danh sĩ tìm cách theo về với Tây Sơn rất đông qua ý hướng thống nhất sơn hà.

Trong đoàn quân của Long Nhượng tướng quân có nữ tướng Bùi Thị Xuân là một anh hoa nhi nữ, sức mạnh phi thường, tinh thông võ nghệ, mưu trí dũng lược và thường dùng đội chiến tượng với hơn một trăm thớt voi đã từng làm cho Nguyễn Phúc Ánh nghe danh bà đã vỡ mật khớp hồn.

Bùi Thị Xuân là vợ của tướng quân Trần Quang Diệu, một hổ tướng Tây Sơn đã có công đánh nam dẹp bắc, hạng mã công lao phi thường. Thân phụ của Bùi Thị Xuân là Bùi Đắc Kế, bào huynh của Bùi Đắc Tuyên, như vậy Bùi nữ tướng là vai chị vợ của Long Nhượng tướng quân Nguyễn Huệ.

Cứ mỗi chiều nắng nhạt nơi thôn Xuân Hòa, trên gò đình rộng lớn và phẳng phiu ước chừng hơn mươi lăm mẫu, dân làng thường thấy vị nữ tướng đầu chít khăn đen, vai mang cung tiễn, áo quần gọn gàng trong bộ giáp trận thật uy nghi đã tập dượt trên trăm thớt voi để chờ ngày khởi binh xung trận.

Hoàng Đế thành được bao bọc bởi bờ lũy khá vững chắc, có đường hào chạy quanh như cách biệt nội ngoại cung đình với hàng trăm thớt voi sẵn sàng bảo vệ hoàng thành. Vòng ngoài cũng khá kiên cố, những bờ cây chắn gió thẳng tắp và xanh um cùng các đội vệ binh canh giữ nghiêm mật khiến cho vua Tây Sơn cảm thấy vững vàng với cơ đồ đang bắt đầu gây dựng.

Năm Tân Sửu (1781) khoảng tháng tư âm lịch khi gió nồm thổi từ hướng nam ra bắc thì Nguyễn Phúc Ánh vận động tàu chiến Bồ Đào Nha, đưa các tướng Châu Văn Tiếp, Nguyễn Hữu Thụy cùng quan tiết chế Bình Thuận là Tôn Thất Dụ, Tống Phúc Thiêm điều khiển ba vạn quân, hơn trăm thuyền bè, ba đại chiến thuyền có trang bị súng thần công, thêm ba tàu chiến Tây Ban Nha yểm trợ tấn công Bình thuận, Bình khang và Phú yên. Nhờ hỏa lực quá mạnh của tây phương thêm thời cơ lúc sức gió thuận lợi cho thuyền buồm căng chạy, quân Nguyễn vương thắng lợi khi vừa vào đất liền tiến đánh thành Phú Yên.

Hoàng đế Nguyễn Nhạc được cấp báo vội vã họp các tướng, cử Long Nhượng tướng quân Nguyễn Huệ cùng nữ tướng Bùi Thị Xuân thống lĩnh bảy ngàn bộ binh, năm mươi thớt voi trực chỉ hướng Phú Yên nghinh địch. Đại quân Tây Sơn vừa tới mạn bắc bờ sông Đà Rằng đã gặp quân binh của chúa Nguyễn ngồi trên thuyền buồm kéo đến, Nguyễn Huệ truyền cho nữ tướng Bùi Thị Xuân cắt đặt năm mươi thớt voi xếp thành hình chữ nhất bao vây hai bên bờ sông đặng yểm trợ cho bộ binh tấn công thuyền Nguyễn Vương. Tờ mờ sáng Long Nhượng tướng quân đã đốc thúc toàn bộ lực lượng giao chiến, cung tiễn trên bờ bắn ra như mưa, đội cảm tử quân lặn xuống nước đục thuyền, đôi bên giao chiến ác liệt cho đến lúc chiều tà thì các chiến thuyền của Nguyễn Vương tan tác, số còn lại phải mở đường máu rút chạy ra biển để về lại đất Gia định.

Đêm hôm đó Nguyễn Huệ cho đốt đuốc khao quân chiến thắng và sáng hôm sau sai quân lính vớt hơn ngàn xác của cả đôi bên đem lên gò Nống để chôn cất tử tế và đốt huơng làm lễ chiêu hồn hết sức trang nghiêm. Dịp này Long Nhượng tướng quân Nguyễn Huệ nói với ba quân rằng:

“-Ta không muốn việc đao binh kéo dài chỉ làm khổ dân lành vốn là người anh em một nhà. Nguyễn Phúc Ánh muốn khôi phục giang sơn trên cơ đồ đổ nát mà mượn tay ngoại bang thì qua mùa gió bấc sang năm ta sẽ quyết  tiễu trừ một đợt nữa rồi an bang cho dân lành làm ăn sinh sống”.

Đầu năm Nhâm Dần (1782), Nguyễn Huệ chuẩn bị binh mã, tu bổ chiến thuyền, rèn thêm giáo mác, chế thuốc súng, luyện tập những thế võ bí truyền cho đội quân cảm tử xáp lá cà, vót thêm cung tên chờ ngày xuất binh.

Tháng ba năm ấy thì đứa con đầu lòng của Nguyễn Huệ ra đời đặt tên là Nguyễn Quang Toản có khuôn mặt phương phi phúc tướng dáng vẽ hào hùng. Nguyễn Huệ vừa đặt tên con xong thì nghe tin Nguyễn Phúc Ánh chuẩn bị binh mã tấn công quân Tây Sơn. Nguyễn Huệ liền dùng kế “tiên hạ thủ vi cường” (Ra tay trước để giành thắng lợi) nên dốc toàn lực để hộ giá Thái Đức hoàng đế cùng hai trăm chiến thuyền giương cờ tiến quân vào nam. Long Nhượng tướng quân Nguyễn Huệ làm hậu tập dẫn theo đội binh cảm tử và một số hổ tướng tài ba vừa hộ giá, vừa bao vây phía sau.

Như đã nói ở trên, Nguyễn Phúc Ánh nhờ Giám mục Bá Đa Lộc can thiệp nên một số nước phương tây lợi dụng việc giúp đỡ để tạo đầu cầu bước vào các nước phương đông cho việc truyền đạo, làm ăn và chiếm đất nên phái các chiến thuyền, súng đạn và những vũ khí tinh xảo dưới sự dẫn dắt của giám mục này. Đội thủy quân của Nguyễn Phúc Ánh tương đối khá hùng hậu, dàn trận trên sông nước có nghiên cứu hẳn hoi để chờ các chiến thuyền Tây Sơn vào trận đặng xáp chiến.

Mùa Hè năm Nhâm Dần (1782) thì hai trăm chiến thuyền của Tây Sơn đã vào cửa Cần giờ. Nguyễn Vương phối hợp với Tống Phúc Thiêm mang gần bốn trăm chiến thuyền dang theo hình chữ bát [/ \] đến khúc sông ngã bảy nghênh chiến.

Hơn nữa, lợi thế của chúa Nguyễn là nhờ vào sự yểm trợ của gần một trăm thuyền buồm chở người Trung quốc và một chiến thuyền của Manvel người Bồ Đào Nha điều khiển đi sau hỗ trợ về hỏa lực. Long Nhượng tướng quân lên mũi tàu quan sát tình hình và nghe báo cáo lại số quân binh cùng thuyền bè đối phương, dù gấp đôi số lượng chiến thuyền và hỏa công vững vàng của chúa Nguyễn, Long Nhượng tướng quân Nguyễn Huệ vẫn không nao núng, đầy tự tin với sự điều binh vô cùng siêu phàm, Nguyễn Huệ động viên binh sĩ trước lúc xuất binh và truyền lịnh nghiêm minh cho từng người chiến sĩ, những người lính vốn đã gan dạ và có nhiều kinh nghiệm chiến đấu trên bộ và trên sông càng thêm tin tưởng.

Thủy binh Tây Sơn tuy yếu về hỏa lực và số lượng nhưng từ lúc khai hỏa, Nguyễn Huệ đã thúc dục binh tướng gan dạ xông thẳng vào thuyền đối phương xáp trận theo các bí kiếp tập luyện hàng ngày; phía hỏa công của Nguyễn Phúc Ánh không phát huy nỗi vì sợ hãi uy danh của Tây Sơn, phần chưa tập luyện thành thục trên sông nước nên binh lính thật lúng túng với những kỹ thuật tây phương đầy tinh xảo.

Qua ba tiếng đồng hồ xông trận trên sông, Tống Phúc Thiêm liệu bề chống không nỗi vội truyền khẩu lịnh kéo hết chiến thuyền rút lui. Thừa thắng xông lên, Nguyễn Huệ thúc ba quân lướt thuyền con tới chận đầu, hai bên hỗn chiến khoảng nửa giờ thì chiến thuyền của Manvel có trang bị đại bát và lựu đạn tiếp cứu chống trả kịch liệt.

Dù bị chướng ngại vật ngăn trở, quân Tây Sơn vốn có tiếng biến hóa lẹ làng, đội cảm tử quân lặng xuống sông rồi đồng loạt leo lên thuyền của người Bồ Đào Nha. Sự gan dạ, quả cảm và yếu tố quyết thắng ngoại bang đã khiến cho binh sĩ bất chấp thần công bắn ra như mưa, lớp này ngả xuống đã có lớp khác hăng say tiến lên, chẳng mấy chốc đội cảm tử đã vào được cabin, chém những địch quân đang hốt hoảng khiến Manvel không kịp trở tay bèn quyết định cho nổ tàu rồi tự sát.

Lửa cháy trên sông đã lan vào bờ làm cho những bụi cây dừa nước bén lửa. Thế trận càng ngày càng trở nên thuận lợi, quân Tây Sơn xông trận như bay nhảy trên đất liền, tiếng chỉ huy của các tổng binh la hét để tìm bắt cho được soái tướng Nguyễn Vương trên cùng một khúc sông đã làm cho binh sĩ Tây Sơn nức lòng, gom thu được thêm một trăm chiến thuyền rồi tốc lực đuổi bắt Nguyễn Phúc Ánh.

Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng

error: Content is protected !!