-
Viết Về Một Người Sắp Ra Đi, Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh
Trần Việt Hải
GS. Nguyễn Xuân Vinh Theo tin từ BS Nguyễn Thượng Vũ ngày 11 tháng 07, 2022 cho biết là sức khỏe của GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đã suy sụp rất nhiều. Bệnh viện đồng ý là với tình trạng sức khỏe của GS Vinh, ở tuổi 92 của GS Vinh thì không thể nào có hy vọng hồi phục được. Bác sĩ điều trị sẽ áp dụng Hospice Care cho anh GS Vinh. (Hospice Care có nghĩa là bác sĩ điều trị sẽ dùng mọi phương tiện để GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh sẽ thoải mái, không bị đau đớn trong thời gian sắp tới).
Sáng nay khi tôi (Việt Hải) đuợc tin về GS. Nguyễn Xuân Vinh đã vào tình trạng hospice care unit, tôi buồn lắm. Tôi còn nhớ khi ông dọn từ San Jose về Huntington Beach (Orange County), 12 anh chị em nhóm chúng tôi đến thăm thầy, lý do riêng GS. Phạm Hồng Thái bàn về sách Thiên Chức Của Nhà Giáo với GS. Vinh sẽ khởi sự: Nguyen X Vinh (Vietnamese Edition) Paperback – June 20, 2018, do NXB Amazon. Vietnamese Edition by Nhân Văn Nghệ Thuật (Author), GS Đào Đức Nhuận (Editor), GS Phạm Hồng Thái (Editor, Designer).
THIÊN CHỨC CỦA NHÀ GIÁO – Nhân Văn Nghệ Thuật phát hành năm 2018 Những năm khi NASA thám hiểm cung trăng, Apollo 11 là chuyến bay không gian đã hạ cánh cùng người đầu tiên đáp xuống Mặt Trăng, hai phi hành gia Hoa Kỳ là Neil Armstrong và Buzz Aldrin, vào ngày 20 tháng 7, năm 1969, lúc 20:18 UTC. Armstrong trở thành người đầu tiên bước chân lên bề mặt của Mặt Trăng sáu giờ sau vào ngày 21 tháng 7, lúc 02:56 UTC. Armstrong dành hai tiếng rưỡi bên ngoài con tàu không gian, trong khi Aldrin có ít thời gian hơn một chút và cùng nhau, họ thu thập 47.5 pounds (21.5 kg) Đá Mặt Trăng cho chuyến trở về Trái Đất. Thành viên thứ ba của Phi hành đoàn, Michael Collins, lái Module (space lab unit) Điều Khiển một mình quanh quỹ đạo của Mặt Trăng cho đến khi Armstrong và Aldrin quay về Module Điều Khiển chỉ một ngày trước khi họ phải bắt đầu hành trình quay về Trái Đất. Vê sau KHG David Scott chỉ huy tàu Apollo 15 đáp xuống Mặt trăng vào tháng 7, 1971. Trong chuyến thám hiểm này, ông cùng cộng sự đã điều khiển 3 chiếc xe điện chuyên dụng để thu thập các mẫu đất đá và mang về nghiên cứu. James Irwin bên cạnh lá quốc kỳ Mỹ trong chuyến thám hiểm Mặt trăng.
Những năm này thế giới khoa học gia không gian chú ý đến GS. Nguyễn Xuân Vinh, người đã lead team dùng toán học tính quỹ đạo bay ra ngoài không gian và về trái đất (During this expedition, he and his colleagues drove 3 specialized electric vehicles to collect soil and rock samples and bring them back for research. James Irwin next to the American flag during his exploration of the Moon. In these years, the world of space scientists paid attention to Prof. Nguyen Xuan Vinh, who led the team to apply math to calculate the orbiter flight path by space vehicles, fly to space and back to earth).
Tôi viết về thầy Vinh: “Tưởng cũng nên ghi nhận tác giả là một vị giáo sư toán giảng dạy bậc cấp cao (advanced mathematics), và cũng là một khoa học gia ngành không gian, mà đề tủ của ông là Optimal Trajectories, ông viết sách về Quỹ Đạo Tối Ưu, sách toán hay không gian học của Mỹ, Pháp, Nga, Nhật,… đều có đăng những bài do ông viết. Do vậy tác giả Nguyễn Xuân Vinh là người của thế giới, họ biết ông qua những kiến thức chuyên môn của ông, mà toán học và không gian học là hai yếu tố then chốt tạo nên tên tuổi của tác giả. Nói như vậy không có nghĩa là Vui Đời Toán Học được ươm mầm bởi những lý thuyết toán học cao siêu của những Joseph Lagrange, Laplace, Euler, Fourier, Boole, Cauchy, Leibniz, Isaac Newton, Jacob Bernoulli, Johann Bernoulli, Bourbaki, Neumann, Niels Abel, Plato, Blaise Pascal, Pythagore, René Descartes,… “.
GS. Vinh đi bên toán học, không gian học và văn học thì đã có nhiều nhiều campus fans vốn hâm mộ. Khi làm về ngành R&D, Weapon Innovation Development, tính đường bay của phi đạn, tôi quý môn toán học (missile systems flight path). GS. Vinh là một sharp scientist như những Johannes Kepler hay Katherine Johnson, Dr. Katherine Johnson đã góp công lớn cho những thành tựu về toán học, nhà toán học Mỹ, tính toán và phân tích đường bay của nhiều con tàu vũ trụ.
Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, Một Tấm Gương Kiên Nhẫn Cho Giới Trẻ, bài viết của ông Nguyễn Tường Tâm, 4/10/2005
Cựu Tư Lệnh Không Quân VNCH, Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh Trong môt bài viết bằng tiếng Anh để gửi tới giới trẻ trong buổi hoàng hôn của cuộc đời mình, nhà văn, nhà khoa học và cũng là một vị cựu Tư Lệnh Không Quân VNCH, Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đã tâm sự:
Our journey across life can be compared to the flight of an aircraft across a vast ocean. Sometimes we are favored by a tail wind which gives us a faster ground speed. But sometimes on other occasions, we may face a head wind with adverse effects. As the first generation of immigrants, we are the pioneers, and we may run into obstacles. Just as the aircraft has to get to the other side of the ocean because it has passed the point of no return, when facing the head wind in our life, such as in the case of social injustice, we should keep our heads high, our chins up, and then with physical endurance, technical expertise, and with spiritual strength, by dedication and dignity, we shall join force together to overcome adversity and fulfill our dream of equal opportunity, equal rights and equal responsibility, and in so doing, make it a reality.
Đoạn văn có ý khuyên người đọc rằng trong cuộc đời nếu muốn thực hiện một điều gì cho riêng mình hay cùng nhau chiến đấu cho một lý tưởng quốc gia mà gặp khó khăn trở ngại thì cứ nên giữ vững lòng tin vào chính nghĩa, để với quyết tâm và tự trọng và cùng nhau liên kết thì cũng như một chiếc phi cơ phải bay qua đại dương, sẽ có lúc sang được phía bờ bên kia. Câu viết này có thể dùng cho những đoạn đời đã qua của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh. Con người ông đã là một kết hợp của một loạt những ước mơ thường là tương phản nhau mà ông đã hoá giải được để cùng thực hiện. Ông mơ những giấc mơ mâu thuẫn nhau và ông thường làm ngược với những người cùng hoàn cảnh. Nhưng cuối cùng ông đã thực hiện được tất cả những ước mơ tưởng chừng như không thể nào kết hợp được trong cùng một con người và trong thời gian hạn hẹp của đời người .
Trước tiên, thấm nhuần nho học gia đình nhưng chàng tuổi trẻ Nguyễn Xuân Vinh lại ham mê tây học và khoa học và có ước mơ canh tân đất nước. Trong một xã hội Việt nam thời đó, khi mà người ta thường nói “phi cao đẳng bất thành phu phụ!” nghĩa là nếu không có bằng Bác sĩ , Luật sư thì không được người đời qúy trọng, tuy ông có khả năng để đạt được những mảnh bằng đó một cách dễ dàng, mà ông lại không theo con đường chung của mọi người. Ông chọn môn Toán học mà ông mê thích và đi theo con đường này thì vừa khó khăn gấp bội mà lại chẳng có danh, cũng không có lợi. Người sinh viên theo ngành này, nếu không phát minh được một lý thuyết nào và đạt được trình độ tiến sĩ thì sẽ chỉ trở thành một ông giáo bình thường mà thôi . Ông mê học toán tới độ khi kháng chiến bùng nổ, ông theo gia đình tản cư nhưng vẫn tiếp tục học để lấy chứng chỉ Toán đại cương trong hoàn cảnh thiếu thầy, thiếu lớp và thiếu cả sách vở. Giữa năm 1950, vừa theo gia đình hồi cư về Hà Nội, ông tiếp tục ghi tên theo học ngay hai trường đại học dược khoa và đại học khoa học để học lại lần thứ nhì lớp Toán đại cương mà ông chưa hoàn tất ở khu kháng chiến. Tại đại học Hà Nội, ngoài giờ trong lớp ông còn làm phụ tá cho giáo sư để lấy tiền theo đuổi việc học. Và ông đã đỗ đầu kỳ thi chứng chỉ Toán đại cương vào đầu hè năm 1951 và được tuyển làm giáo sư trường Trung học Nguyễn Trãi Hà Nội .
Năm 1951, bất ngờ ông nhận được giấy gọi nhập ngũ theo học khoá I Sĩ quan Trừ bị Nam Định và được chuyển theo học chuyên môn về công binh ở Thủ Đức. Ông là một trong số chỉ chừng vài chục người có thể tự nhận rằng đã được theo học tại cả hai quân trường Võ khoa Nam Định và Võ khoa Thủ Đức. Ra trường ông là một sĩ quan công binh và nơi đồn trú đầu tiên của ông là tỉnh Thái Bình .
Khoảng thời gian này, một lần nữa ông lại phải lấy một trong hai chọn lưạ mâu thuẫn nhau. Là một người ham học, đáng lẽ ông có thể vừa ở nhiệm sở vừa ghi tên theo học toán tại Đại học Hà Nội, nhưng vì ôm mộng hải hồ nên trước khi đi nhận nhiệm sở sĩ quan công binh, ông đã nạp đơn dự thi vào trường Không Quân Pháp. Vào thời điểm đó, Không Quân Việt Nam chưa được thành lập. Một đại uý không quân được cử từ Pháp sang Saigon để phát bài thi cho thí sinh đồng thời ông ta cũng sẽ là giám khảo phần thi vấn đáp. Có chừng 20 người dự thi . Nhưng có lẽ bài thi viết cuả ông quá xuất sắc nên vị sĩ quan giám khảo thay vì khảo hạch ông trước bảng đen cuả lớp học thì lại mời ông ra đứng ở lan can phòng thi kể cho ông nghe viễn tượng đang chờ đợi ông ở quân trường không quân ở miền Nam nước Pháp . Nghe thấy vậy ông đã tin gần chắc là ông sẽ đỗ. Quả nhiên mấy ngày sau, trong số 5 thí sinh trúng tuyển, ông đã được chọn đỗ đầu, trong khi lúc chính thức vào phòng vấn đáp ông không phải nói một câu nào ngoài câu chào lúc bắt đầu và câu cám ơn lúc kết thúc .
Sau mấy tháng làm sĩ quan công binh tại Thái Bình ông nhận được giấy vào Saigon đi học trường không quân Ecole de l’Air cuả Pháp nằm ở tỉnh Salon de Provence. Trước đó điều kiện để được nhập học trường này rất khó, vì phải vừa là dân Tây vừa phải theo học một lớp toán học cao cấp sau tú tài 2. Cho nên trước đó mới chỉ có 2 người Việt quốc tịch Pháp được theo học, trong đó có trung tướng Nguyễn văn Hinh. Trước ông 2 năm cũng có một sĩ quan người Việt là ông Lê Trung Trực, sau này là chuẩn tướng không quân, được nhận như là một sinh viên ngoại quốc. Như vậy ông Nguyễn Xuân Vinh là một trong 5 khóa sinh Việt nam đầu tiên học trường này qua một kỳ thi tuyển lựa như thí sinh Pháp và cũng là một trong 3 người Việt nam đầu tiên được trúng tuyển theo học ngành phi hành với 2 người nữa theo học ngành kỹ thuật.
Sang Pháp , trước tiên ông được gửi tới trường phi hành (École de pilotage) ở Marrakech. Sau chín tháng được huấn luyện bay ông nhận được giấy tới Salon de Provence để nhập học Khoá sĩ quan không quân 1953. Tại thời điểm này, Nguyễn Xuân Vinh lại kết hợp 2 con người mâu thuẫn trong ông, một con người quân sự, vẫy vùng, ngang tàng, và con người sinh viên chăm chỉ nơi giảng đường đại học. Trước ngày khai trường, được nghỉ hai tháng hè, lợi dụng thời gian này ông tới Nice để học thi chứng chỉ Toán Vi Phân và Tích Phân mà ông đã ghi tên học từ đầu năm ở Đại Học Marseille. Ông đã từng viết lên tâm sự rằng, trong khoảng thời gian những năm cuối cùng sống trên đất Pháp, ông cố thu thập những lý thuyết quân sự, tổ chức hành chánh, kỹ thuật và hành quân trong Không Quân, và đồng thời cũng nhân dịp còn ở nước người, học thêm về toán học, về những môn chưa được giảng dậy tại quê nhà để sau này có dịp đưa kiến thức và sở học ra phục vụ quê hương một cách đắc lực hơn. Với suy nghĩ như vậy cho nên , sau đó, cùng với việc tốt nghiệp một trường sĩ quan phi công nổi tiếng cuả Pháp, ông cũng đã lấy được bằng cao học Toán tại đại học Marseille. Trong một lần tâm sự, tôi có hỏi ông rằng, trong thời gian học phi công quân sự tại Pháp, nhất là tại kinh thành Ánh Sáng, cuối tuần các sinh viên sĩ quan thường đưa đào đi chơi, uống rượu, nhẩy đầm, thì làm sao GS lấy được bằng cử nhân rồi cao học toán . Ông nhìn tôi bằng đôi mắt to và lúc nào trông cũng có vẻ hiền lành, thản nhiên cho biết: “cuối tuần, trong lúc các sinh viên sĩ quan khác đi chơi thì tôi đi học .” Thật không thể tưởng tượng được ! Ông đã kết hợp được trong ông, hai con người có hai thái cực khác nhau.
Sự thể là sau ba năm du học, vào năm 1955 từ Pháp trở về, ngoài bằng phi công quân sự, thiếu uý phi công NXV còn mang theo về nước một bằng kỹ sư hàng không và một bằng cử nhân cộng thêm cao học toán .
Khi mới về nước, đồn trú tại căn cứ không quân Nha Trang, nơi có biển đẹp và những người con gái có làn da ngăm ngăm, săn chắc, xinh đẹp, và quyến rũ, thay vì theo đuổi một bóng hồng nơi miền thuỳ dương cát trắng để có những buổi chiều mơ mộng sau giờ bay đưa người đẹp đi uống nước bên bãi biển như những chàng phi công khác, ngoài giờ công tác và đi bay, theo lời yêu cầu của bộ Quốc Gia Giáo Dục, và với giấy phép đặc biệt của bộ Quốc Phòng, chàng sĩ quan không quân trẻ Nguyễn Xuân Vinh, cũng để mỗi tuần vài giờ tới trường trung học Võ Tánh ở Nha Trang, để truyền đạt kiến thức toán học của ông cho thế hệ sau.
Ông gắn bó với nghề giáo từ đây. Lại một lần nữa ông kết hợp trong ông hai con ngươì hoàn toàn mâu thuẫn nhau: một con người không quân trẻ tuổi, hào hùng và hào hoa, và một con người nhà giáo, mô phạm, nghiêm túc . Với khả năng văn võ của ông, ông đươcï cả Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Quốc Gia lẫn Bộ Quốc Phòng xử dụng trong nhiều chức vụ mà một sĩ quan cấp úy trung bình không thể đảm đương nổi. Trong vòng 2 năm từ một trung úy phi công ở Phi Đoàn Liên Lạc và Tác chiến ở Nha Trang, ông được chuyển về Phòng Tổng Nghiên cứu và Kế hoạch ở Bộ Tổng Tham Mưu, rồi được Bộ Tham Mưu Không Quân xin về để giữ chức vụ Trưởng Phòng Tư, sau đó lại được Bộ Quốc Phòng cử sang Sứ Quán Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn như là một vị đại úy Phụ Tá Tùy Viên Quân Lực. Chưa đầy một năm sau, vì nhu cầu quân vụ khẩn thiết nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh được Bộ Quốc Phòng gọi về để giữ chức vụ Trưởng Phòng Báo Chí Nha Chiến Tranh Tâm Lý. Thật ra trong chúng ta ít ngưòi biết là trong chức vụ này đã có môt thời ông là chủ bút của hai tờ báo Quân Đội và Phụng Sự của Quân Đội Quốc Gia với một ban biên tập có những nhà văn nhà thơ và nhà báo nổi danh đương thời như Thanh Nam, Tô Kiều Ngân, Huy Sơn, Huy Quang, Tường Linh, Nguyễn Ang Ca, …. Nhưng nghiệp bay vẫn trở lại với ông và cuối năm 1957 Thiếu tá Nguyễn Xuân Vinh được bổ nhiệm vào chức vụ Tham Mưu Trưởng Không Quân Việt Nam và năm tiếp theo, khi mới 28 tuổi, Trung tá phi công Nguyễn xuân Vinh, qua những nhiệm vụ liên tiếp, đã chứng tỏ được khả năng tham mưu và chỉ huy để được Tổng Thống VNCH giao cho đảm nhận chức vụ Phụ tá Không quân cho Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia Viêït Nam. Trong cương vị này, với tổ chức buổi đầu của Không quân Việt Nam vẫn còn sơ sài, ông Nguyễn Xuân Vinh là người đầu tiên chịu trách nhiệm hoạch định tất cả các chương trình phát triển để Không Quân thành một quân chủng riêng biệt, có một Bộ Tư Lệnh Không Quân, có khả năng kỹ thuật và hành quân, tạo được sự kính nể của các Không Quân bạn trong vùng Thái Bình Dương.Nguyễn Xuân Vinh tiếp đón Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson năm 1961
với cương vị Tư Lệnh KQVNCHTrong thời điểm này, một bí mật quân sự quốc gia được thực hiện, và nay đã giải mật, đó là chương trình thả “Biệt kích nhẩy Bắc.” Lại chính con người có bề ngoài hiền lành này, với tư cách là tư lệnh quân chủng không quân, là một trong những người đầu tiên tham gia cùng với các vị tư lệnh quân binh chủng và đại đơn vị khác hoạch định kế hoạch. Trong những phi vụ thả “Biệt kích Nhẩy Bắc” đầu tiên, Tư lệnh không quân Nguyễn Xuân Vinh, không những là người tham gia hoạch định kế hoạch mà còn là người tiễn chân các “Kinh Kha” tại ngay phi đạo .
Tiếp kiến Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan (1961) Nhưng tư lệnh không quân Nguyễn Xuân Vinh không từ bỏ được nghề giáo, môi trường duy nhất lúc đó có thể giúp ông sống với toán học. Với giấy phép của Bộ Quốc Phòng vẫn còn hiệu lực, ông xắp xếp công việc để có thể dậy thêm ít giờ tại hai trường trung học Chu Văn An và Petrus Ký về hai môn Hình học Không gian và Thiên Văn học. Trong khoảng thời gian này, con người mê thơ văn từ thuả thiếu thời trong ông lại trỗi dậy. Ông đã từng nhắc lại một câu của toán học gia lừng danh Đức quốc là ông Karl Weierstrass (1815-1897) rằng, “một toán gia, nếu không là một thi sĩ thì không thể nào là một toán gia toàn vẹn được!”. Cho nên, vừa chỉ huy đại đơn vị, vừa nghiên cứu toán học, vừa dậy học, ông vừa làm thơ. Và có lẽ chính ông đã mở đường cho một trào lưu thơ, mà nhiều người đã gọi một cách vui là “Thơ Tình Toán Học .” Tôi xin nhắc lại vài câu mở đầu trong bài “Tình Hư Ảo” cuả Toàn Phong sau đây:
Tình Hư Ảo
Anh tìm em trên vòng tròn lượng giác,
Nét diễm kiều trong tọa độ không gian.
Đôi trái tim theo nhịp độ tuần hoàn,
Còn tất cả chỉ theo chiều hư ảo.
Bao ước mơ , phải chi là nghịch đảo,Bóng thời gian, qui chiếu xuống giản đồ .
Nghiệm số tìm, giờ chỉ có hư vô,
Đường hội tụ, hay phân kỳ giải tích.Cũng chính trong thời gian này, cuốn “Đời phi công” ra đời làm nô nức mọi thanh niên thiếu nữ, đang mơ mộng hải hồ hay mơ có ngừơi yêu là một chàng không quân hào hoa cưỡi gió, đè mây. Cuốn tiểu thuyết này đã đoạt giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1961. Định mệnh đã làm cho hoạt động của người không quân Nguyễn Xuân Vinh vượt khỏi tầm vóc quốc gia để sau này tên ông được thế giới biết đến. Cho nên , sau khi đã tạo ra được cái khung để lực lượng không quân non trẻ của VNCH dưạ theo đó mà phát triển, tư lệnh Nguyễ Xuân Vinh, có lẽ một phần cũng do bản chất lớn lên trong một gia đình thấm nhuần nho giáo, nên ông đã xuất xử theo phong cách cuả kẻ sĩ đông phương, là “gác kiếm từ quan!” Ông đệ đơn xin từ chức tư lệnh không quân để đi du học. Năm 1962, ông lên đường đi du học nhưng vẫn còn là một quân nhân. Có lần tôi hỏi ông thế không phải ông bị tổng thống Diệm cho bãi chức tư lệnh và đẩy ông đi du học vì vụ hai phi công Quốc và Cử ném bom dinh Độc Lập à? Ông ngạc nhiên, không biết rằng bên ngoài dân chúng người ta tưởng và tin như thế. Như thường lệ, ông nhỏ nhẹ cho biết việc ông nghỉ chức tư lệnh không quân không liên quan gì tới vụ ném bom của hai phi công Quốc, và Cử. Ông đã làm tư lệnh không quân gần 5 năm trong khi ở các nước tân tiến nhiệm kỳ của các tư lệnh quân chủng thường chỉ là 4 năm mà thôi. Ông cho biết tiếp lúc vụ ném bom xảy ra ông đang ở nước ngoài. Và sau khi xẩy ra biến cố này phải 6 tháng sau ông mới lên đường du học. Ông có vẻ tin ở số mạng. Ông cho biết thêm trong đời ông có nhiều may mắn, và thường trong công việc bao giờ cũng được trên thuận dưới hoà. Ông tâm tình cho biết, các cấp chỉ huy trong Không Quân Hoa Kỳ rất nể trọng ông và họ đã đặc biệt dành trong ngân sách viện trợ một học bổng cho ông được đưa theo cả gia đình theo học chương trình tiến sĩ khoa học hàng không và không gian tại University of Colorado . Ở nơi đó họ cũng mời ông tới thuyết giảng hai lần ở trường Võ Bị Không Quân ở Colorado Springs.
Chỉ ba năm sau, vào năm 1965, vị cựu tư lệnh Không Quân VNCH đã được ghi tên vào lịch sử của tiểu bang Colorado như là người đầu tiên được cấp bằng tiến sĩ (Ph.D) về ngành Aerospace Engineering Sciences tại trường Đại học Colorado. Ông được mời ở lại dậy học và xin được bộ Quốc Phòng Việt Nam cho từ dịch và được cấp thẻ thường trú của Hoa Kỳ để nhận chức giảng sư của Đại học Colorado . Năm 1968, Ông được mời tới dậy ở Đại học Michigan và năm 1972 ông được thăng chức giáo sư thực thụ (tenured full professor). Tới khi về hưu năm 1998, ông được phong chức “Giáo sư vĩnh viễn” (Professor emeritus) tại trường đại học này.
Cũng năm 1972 ông dành được thêm bằng tiến sĩ quốc gia toán học tại Đại học Paris . Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã là thày dậy cho vào khoảng gần hai ngàn kỹ sư hàng không và không gian cho nhiều trường đại học ở Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới. Học trò của ông nhiều người đã trở thành giáo sư đại học và nhà nghiên cứu xuất sắc. Ông đã xuất bản 3 cuốn sách và gần 100 bài khảo luận về toán học, về chuyển động của các thiên thể và phi thuyền không gian và về quĩ đạo tối ưu. Nhiều bài viết của ông đã được chuyển dịch sang Pháp, Nga và Hoa ngữ. Nhiều công thức ông tìm ra đã được dùng trong những sách giáo khoa ở các nước Pháp, Nga và Nhật Bản mà những tác giả đã căn cứ lên những tài liệu và sách ông viết ở Hoa Kỳ.
Thành quả về nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học không gian tại các trường đại học trên thế giới cuả ông được liệt kê khá nhiều trong những tài liệu để ở những thư viện chuyên khoa. Ông cũng nhận được nhiều giải thưởng trên nhiều lãnh vực, chưa kể trong lãnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học không gian là lãnh vực chuyên môn của ông. Tôi thấy thật là khó viết cho đầy đủ hay nói cho trọn vẹn trong một khuôn khổ hạn hẹp những thành quả của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh. Tôi nhớ là nhà thơ và triết gia Võ Thạnh Văn đã có lần nói ông muốn có dịp để nói trong ba giờ liền sự nghiệp của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh. Suốt năm qua, có dịp cùng với bác sĩ Phạm Đức Vượng làm việc chung với ông, tôi được biết thêm nhiều điều mà người ngoài không biết.Giáo sư Toàn Phong Nguyễn xuân Vinh không chỉ là một khoa học gia không gian “đầu tiên” và “hàng đầu” của Việt Nam , mà ông còn có vị trí rất lớn trong ngành không gian thế giới. Điều này ngày xưa ở Việt nam tôi chỉ nghe nói nhưng cũng không hiểu thấu đáo nhất là Việt nam ta hay “nói quá” về những thành tích cuả người mình. Nhưng có lần cùng bác sĩ Vượng đứng với ông trong căn phòng làm việc nhỏ bé tràn đầy sách vở dưới sàn, bít cả lối đi, tôi giật mình rung động trước những tấm plaques và bằng khen ngợi của các cơ quan quốc tế và Hoa Kỳ dành cho những đóng góp cuả ông cho khoa học không gian thế giới. Đặc biệt tôi chú ý tới cái bằng và huy chương của American Institute of Aeronautics and Astronautics (viết tắt là AIAA) là Hiệp Hội của tất cả các kỹ sư và khoa học gia Hoa Kỳ trong ngành Hàng không và Không gian mới khen ngợi các đóng góp cuả ông trong cả 2 lãnh vực vừa trong bầu khí quyển (atmosphere) vừa trong không gian ngoại từng khí quyển (space). Huy chương này, mỗi năm AIAA chỉ tặng cho một khoa học gia không gian duy nhất. Gần ông và được thấy những chồng sách trong phòng làm việc của ông tôi mới được biết ông là người Á châu đầu tiên và là người Việt nam độc nhất được bầu vào Hàn Lâm Viện Hàng không và Không gian Pháp quốc, một Hàn Lâm Viện mà số hội viên hạn chế, đã có những danh nhân như nhà kiến trúc hàng không Marcel Dassault, như cựu thủ tướng Michel Debré, một trong 40 ông viện sĩ bất tử trong Hàn Lâm Viện Pháp . Sau GS Vinh, người Á châu thứ nhì được bầu vào Hàn Lâm Viện này là kỹ sư hàng không Bacharuddin Habibie, cựu tổng thống của Nam Dương. Trong những bảng lưu niệm tặng cho những thuyết trình viên danh dự ở các hội nghị, tôi thấy ông được mời tới nói chuyện ở Hội Nghị Thường Niên của Ủy Ban Điều Hợp Nguyên Tử Lực Hoa Kỳ ở Maryland và ở Hội Nghị Lưỡng Niên Toàn Cầu của Công ty Hoá chất Dupont ở Delaware. Tôi không ngờ là ông cũng nổi tiếng trong hai lãnh vực Nguyên Tử Lực và Hoá Học nên hỏi ông về điều này. Ông lắc đầu trả lời: “Kiến thức về Vật Lý và Hoá Học của tôi chỉ ở mức trung bình như một người thường. Họ không mời tôi đến nói về những môn khoa học chuyên môn mà về một đề tài tôi tự lựa chọn. Như ở Hội Nghị Nguyên Tử Lực tôi nói về đề tài “Exploration of Inner Space” có ý nghĩa là con người đã có những thám hiểm ở ngoài không gian (outer space) thì cũng nên có lúc tìm hiểu về nội tâm (inner space) của chính mình.”
Câu nói trên của ông có thể dùng để biểu hiện con người và thành tích của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh. Ông là một kết hợp của những mâu thuẫn; nhưng đó là một sự kết hợp hài hoà khiến ông trở thành một con người tài hoa, đa dạng. Vừa là một quân nhân, vừa là một phi công, vừa là một tư lệnh, vừa là một nhà giáo, vừa là một nhà văn, vừa là một nhà thơ, vừa là một nhà hoạt động quần chúng, nhưng thành quả to lớn nhất trong cuộc đời ông theo tôi nghĩ đã vượt biên giới quốc gia, và vượt thời gian là những đóng góp cuả ông trong ngành hàng không không gian thế giới . Với công trình to lớn đó, mà tôi nghĩ là ông đã thành tựu với ý nguyện góp phần của một người Việt vào sự tiến hoá của nhân loại, ông thực đã mang lại sự hãnh diện chung cho dân tộc.
Nguyễn Tường Tâm, 4/10/2005
GS NGUYỄN XUÂN VINH Tác phẩm Vui đời toán học ra mắt cộng đồng người Việt tai Orange County lúc 11:00 SÁNG, NGÀY CHỦ NHẬT, NGÀY 13 THÁNG 1 NĂM 2013, tại HỘI TRƯỜNG VĂN LANG, 14861 Moran Street, Westminster, CA 92683.
Trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, rất nhiều vật dụng, đồ đạc, phương tiện chúng ta cần dùng, ít nhiều liên quan đến toán, ví dụ như hệ thống định vị toàn cầu (GPS, Global Positioning Systems) dùng trong các xe ô tô, máy computer, Ipod, cell phone,… to lớn hơn có phi cơ, tàu thùy, freeways, cầu cống,… Các thứ này do con người thiết kế dùng toán học tính ra. Do vậy toán học thực sự quan trọng đối với con người. Và con người đam mê, gần gủi với toán học, và gần gủi trong đề tài này, tôi nghĩ đến tác giả sách Vui Đời Toán Học, của GS Nguyễn Xuân Vinh. Tựa đề như vậy nghe có vẻ như tác phẩm này quá chuyên về toán chăng? Thưa rằng theo tôi đúng và không đúng. Đúng đối với những độc giả ít va chạm đến môn toán, ví dụ các trang như trang 53 đến 85 phần Đường trời muôn vạn nẻo, tính Đạn đạo tầm xa của phi đạn khai hỏa đến bài theo ánh tinh cầu, tác giả ôn qua đề tủ Lý Thuyết Phương Sách Tối Ưu (Theory of Optimal Process). Những trang từ 95 đến 118, phần Địa cầu trong không gian có những công thức cơ bản tính toán trong môn Thiên văn học. Có những chương tác giả chỉ đi phớt qua ý niệm toán ứng dụng nhập môn, không đào sâu vào tận gốc rễ của vấn đề như sách giáo khoa hay những bài tham luận chuyên ngành (technical term papers). Phần tác phẩm không đúng là sách toán vì có những trang lại thuần văn chương thi ca, một khía cạnh mà tác giả mê say.
Tưởng cũng nên ghi nhận tác giả là một vị giáo sư toán giảng dạy bậc cấp cao (advanced mathematics), và cũng là một khoa học gia ngành không gian, mà đề tủ của ông là Optimal Trajectories, ông viết sách về Quỹ Đạo Tối Ưu, sách toán hay không gian học của Mỹ, Pháp, Nga, Nhật,… đều có đăng những bài do ông viết. Do vậy tác giả Nguyễn Xuân Vinh là người của thế giới, họ biết ông qua những kiến thức chuyên môn của ông, mà toán học và không gian học là hai yếu tố then chốt tạo nên tên tuổi của tác giả. Nói như vậy không có nghĩa là Vui Đời Toán Học được ươm mầm bởi những lý thuyết toán học cao siêu của những Joseph Lagrange, Laplace, Euler, Fourier, Boole, Cauchy, Leibniz, Isaac Newton, Jacob Bernoulli, Johann Bernoulli, Bourbaki, Neumann, Niels Abel, Plato, Blaise Pascal, Pythagore, René Descartes,… Nhưng theo ý tôi như trên đã đề cập tác giả chỉ dùng những khía cạnh toán học để chia sẻ sang những đề mục khác như: cuộc sống, văn chương, xã hội, kỷ niệm khi dạy học,… ví dụ như chương về Đường Trời Muôn Vạn Nẻo (trang 29 qua các bài viết như Tâm sự qua một bài thơ, Mấy nhịp cầu treo, Lời tiên tri của Voltaire, Theo ánh tinh cầu,…), Nguyễn Du với dòng thời gian (trang 285 trích thơ Nguyễn Du đầy ắp, đây là chương hoàn toàn mang nét Toàn Phong, bút hiệu viết văn, chương này tác giả bình luận về thơ của thi hào Nguyễn Du qua cái nhìn của mình trong cuộc sống, rồi sau cụ Nguyễn Du lại đến Nhớ về Thăng Long (trang 313 tác giả dùng thơ của nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan làm đề tài diễn giải), Cây Tháp ở Hà Nội, Nhớ về Hà Nội,…, phần kế là Tình toán học (chương sách kể sự liên hệ giữa tác giả và sự đam mê toán học, trang 365 như Thuở ban đầu, Chuyên khoa toán học, Chương trình tiến sĩ,…), Trở về trường xưa (trang 405),…
GS NGUYỄN XUÂN VINH nhà khoa học cự phách của cơ quan Quản Trị
Hàng Không-Không Gian Quốc Gia Hoa Kỳ (NASA)Tham khảo:
http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=279&ia=5992Các chủ đề hay các bài viết của Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh mà tôi vốn thích là Theo Ánh Tinh Cầu, Mộng Viễn Phương, và Tình Toán Học. Toàn Phong viết về quê hương trong hoài niệm thuở nhỏ như trong bài “Một Thuở Học Trò” đề cập về buổi khai trường lần đi học đầu tiên, nghe như thư tác của nhà văn Edmondo de Amicis, hoặc là của Thanh Tịnh của “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường….“
Tôi mê thuở đi học từ Việt Nam sang Huê Kỳ, những buổi học xưa sẽ lý tưởng khi mà rảo bước trong campus mùa thu lá maple vàng úa rụng nhiều, chạnh lòng đến văn chương của Thanh Tịnh, của Amicis hay của Toàn Phong. Theo Ánh Tinh Cầu cho tôi nghĩ ngợi lan man về văn học mà khoa học viễn tưởng của những chuyến du hành vào vũ trụ tiên khởi của Jules Verne, hay Hoàng Tử Bé (danh tác của Pháp là Le Petit Prince) của nhà văn kiêm phi công gốc Pháp Antoine de Saint-Exupéry. Với Mộng Viễn Phương, nhà văn Toàn Phong hoài niệm về giấc mộng tung hoành xé không trung qua tổ quốc không gian hay tác phẩm bestseller Đời Phi Công, mà tôi đọc nhiều lần nó có những địa danh như Marrakech, hoặc école de pilotage à Aix-en-Provence,…
Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh : Từ Chiến Sĩ Đến Khoa Học Gia do Văn Đàn Đồng Tâm ấn hành năm 2008, ành từ GS Trần Huy Bích Nhà văn kiêm nhà giáo môn toán Nguyễn Xuân Vinh yêu thích thi ca, Vui Đời Toán Học ghi nhận trong nhiều trang sách. Trong tương quan đó nữ toán học gia gốc Nga Sophia Kovalevskaya của thế kỷ 19 cho là: Bạn không thể là một nhà toán học mà không có tâm hồn của một nhà thơ (Il est impossible d’être un mathématicien sans avoir poète dans l’âme). Còn nhà toán học người Đức nổi danh trong môn toán Calculus, Karl Weierstrass (cuối thế kỷ 19) cho nhận định: Một nhà toán học không mang một nét gì đó của một nhà thơ thì chả bao giờ là một nhà toán học trọn vẹn được (Un mathématicien qui n’est pas aussi quelque peu poète ne sera jamais un mathématicien complet). Tôi thầm nghĩ chả nhẽ hai cụ Sophia Kovalevskaya và Karl Weierstrass đã cho hai câu nói đúng y bong để giới thiệu về nhà văn kiêm giáo sư có hai đam mê trong tâm hồn, toán học và văn học, GS. Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh.
Như phần mở đầu đề cập mối liên hệ giữa toán học và cuộc sống, tôi xin đúc kết bài giới thiệu qua ý tưởng của toán học gia John von Neumann (Mỹ gốc Hung, thế kỷ 20), nôm na cho ý là: Nếu mọi người không tin rằng toán học là đơn giản, cũng bởi vì họ không nhận chân ra là cuộc sống phức tạp như thế nào (Si les gens ne croient pas que les mathématiques sont simples, c’est uniquement parce qu’ils ne réalisent pas combien la vie est compliquée.)
Thật vậy nhờ môn học toán được phổ thông hóa giảng dạy ở trường học ở các cấp, và rồi nó được đem vào ứng dụng trong đời sống, các phát minh khoa học kỹ thuật tân tiến, cuộc sống con người tiện nghi hơn, thoải mái hơn, GS. Nguyễn Xuân Vinh cho nhiều cảm nghĩ trong tác phẩm mới của ông, tôi đơn cử một bài viết khác như dưới đây.
Theo website Nguồn Cội đăng bài giới thiệu về sách Vui Đời Toán Học, qua bài viết Vẻ Tuyệt Mỹ của Hình Tròn của GS. Nguyễn Xuân Vinh. Xin mời đọc.
VUI ĐỜI TOÁN HỌC của Giáo Sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Vinh, dựa theo như lời của GS Vinh thì tập truyền này dài khoảng 350 trang, bao gồm nhiều chương xoay quanh TOÁN HỌC, cũng như Văn Hóa, Tình Yêu, kỷ Niệm trong Toán Học như: Địa Cầu Trong Không Gian; Galois, Thiên Tài và Bất Hạnh; Nguyễn Du Với Dòng Thời Gian; Nhớ Về Thăng Long; Con Ong Giỏi Toán; Một Bài Toán Thần Sầu; Một Thuở Học Trò; Tình Toán Học; Mười Hai Bến Nước; Trải Hương Theo Gió; Trở Về Trường Xưa; The 3 D’s of Nguyen Xuan Vinh …vân vân…và trong mỗi chương lại có thêm nhiều tiểu đề nhỏ nữa .
Trích theo lời giới thiệu của Nguồn Cội, đăng tiểu đề Vẻ Tuyệt Mỹ của Hình Tròn, tiểu đề này gồm có 5 tiểu đề nhỏ như sau:
1) Những tiên đề của Euclid và hình tam giác của phương Đông
2) Hình lục lăng của phương Tây và những cây cầu của thành phố Konigsberg
3) Hình ngũ giác của phương Nam và điện Parthenon của Hy Lạp
4) Hình vuông của phương Bắc và định lý của Pythagoras
5) Hình tròn và tính chất siêu việt của số PiGiáo Sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Vinh Trong câu chuyện này, tôi sẽ nói về những vẻ đẹp tuyệt vời của hình tròn. Từ khi loài người biết suy nghĩ, ban đêm nhìn thấy sao hiện ra rồi lấp ló có ánh trăng. Chờ đợi từng ngày, cho đến ngày rằm, lúc trăng tròn, hiện ra suốt đêm từ hoàng hôn cho đến rạng đông, hình thể mặt trăng lúc đó được coi là tuyệt mỹ. Ðứng bên một mặt hồ phẳng lặng, ta có thể bỗng nhiên nghe tiếng cá đớp và nhìn ra sẽ thấy những ngấn nước loang dần dần theo những vòng tròn đồng tâm. Hay có thể một buổi sáng, sau cơn mưa nhìn về phía Tây, con người nhìn thấy một cầu vồng mầu sắc vẽ một vành cung lớn trên nền trời. Ðó là những hình tròn thiên nhiên con người nhìn thấy từ thời thạch động. Khi con người nghĩ ra được bánh xe tròn là lúc đó phương tiện chuyển vận đã được một bước nhẩy vọt không khác gì khi chế ra được chiếc thuyền để đi trên mặt nước hay khi dùng được máy hơi nước để chuyển vận những toa tầu trên đường sắt. Thi nhân đã không tiếc lời ca tụng mặt trăng, cho đến nỗi khi tả sắc đẹp của mỹ nhân cũng nghĩ rằng mặt người nếu tròn như mặt trăng đêm rằm là mặt đẹp như đoạn Nguyễn Du tả Thúy Vân:
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”Nhưng bạn đọc có thể hỏi tại sao lại chọn hình tròn và cho hình này là hình đặc sắc nhất. Trước đây ta đã có dịp gặp những hình Cycloid, đã được gọi là nàng tiên đẹp Helen của thành Troy, ta đã thấy hình Catenary tức là hình nếp áo treo của tiên nữ, ngoài ra còn biết bao nhiêu hình khác các nhà toán học đã tìm ra trải qua ba nghìn năm nghiên cứu. Vì vậy để hiểu được vị trí của hình tròn trong toán học, chúng ta trước hết hãy duyệt qua một số hình đặc sắc khác trước khi đi đến kết luận hình nào là hình đẹp tuyệt vời.
Chúng ta chắc nhiều người đã đọc những chuyện võ hiệp và đã được biết có một thời trong võ lâm có năm bậc tài năng tới mức thượng thừa. Năm vị lãnh tụ võ lâm ấy là Hoàng Dược Sư, Âu Dương Phong, Ðoàn Nam Ðế, Hồng Thất Công và Vương Trùng Dương mỗi vị trấn một phương, uy thế ngất trời. Một lần họ họp với nhau suốt bẩy ngày và bẩy đêm trên đỉnh núi Hoa Sơn để bàn luận võ công, tuy không thực sự quần thảo nhưng dùng lý thuyết và biểu diễn tranh tài cao thấp. Chung cuộc họ đi đến kết luận là người nào cũng đã đến tuyệt đỉnh môn phái võ của mình. Âu Dương Phong có môn Hàm Mô Công thật là ác độc, Hoàng Dược Sư là một nhà thông thái võ công huyền ảo, kỳ bí, có phần chính, có phần tà, vị Ðế Vương miền Vân Nam họ Ðoàn được thừa hưởng môn võ Nhất Dương Chỉ truyền đời, chỉ dùng ngón tay mà tạo ra những đường kiếm linh hoạt, ảo diệu. Ngoài ra Hồng Thất Công là vị bang chủ Cái bang, tính tình hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, môn Giáng Long có mười tám thế đánh bằng tay sức mạnh ví như có thể di sơn, đảo hải, lại thêm môn võ đánh gậy trúc gọi nôm na là Ðả Cẩu Bổng Pháp tuy nhẹ nhàng nhưng lại huyền diệu lợi hại khôn lường. Tuy không tôn một ai làm minh chủ của võ lâm nhưng các vị lãnh tụ đều phải nhận là giáo chủ Vương Trùng Dương, xưa nay vẫn ẩn cư ở núi Chung Nam, võ nghệ, kiến thức tuyệt luân, tính tình lại từ hòa nhân ái đáng giữ ngôi vị ở trung ương. Từ đó truyền bá ra Võ Lâm theo phương vị là Ðông Tà, Tây Ðộc, Nam Ðế, Bắc Cái, Trung Thần Thông, ý nói là Hoàng Dược Sư giữ ngôi vị chúa đảo ngoài Ðông Hải, trong khi đó Âu Dương Phong hùng cứ miền Tây Nguyên, Ðoàn Vương Gia là thủ lãnh suốt miền Nam và Hồng bang chủ trấn ngự toàn phía Bắc. Ở trung ương thì ngôi vị phải nhường cho con người võ nghệ siêu phàm là Vương Trùng Dương chân nhân.
Tôi nghĩ rằng trong hình học, lựa chọn ra một hình có tính chất tuyệt luân huyền diệu cũng khó như cuộc luận kiếm trên đỉnh Hoa Sơn. Vì vậy tôi tưởng tượng ra đây một trại Hè tôi và một số bạn trẻ đã qua mấy ngày đêm thảo luận về những nét hay đẹp của một số hình trong toán học và giờ đây duyệt lại xem hình nào đáng giữ ngôi vị trung ương. Ðể buổi hội thảo có trật tự, ta tạm chia nhiệm vụ là đã có bốn nhóm trại sinh, mỗi nhóm đã nghiên cứu và chọn ra được một hình như là cao thủ võ lâm để dự cuộc tuyển chọn và hiện nay 4 nhóm này đã ngồi chung quanh theo bốn phương vị Ðông, Tây, Nam và Bắc. Số người còn lại, hoặc chưa có ý kiến, hoặc chưa đưa ra hình dự cuộc vì còn muốn giữ bí mật nay ngồi ở phần giữa của hội trường.MỘT VÀI TÁC PHẨM VIẾT BẰNG TIẾNG ANH, HÌNH ẢNH DO GS TRẦN HUY BÍCH CUNG CẤP
Những Tiên Ðề của Euclid và Hình
Tam Giác của Phương ÐôngNgồi ở Ðông vị là một nhóm trông có vẻ hăng hái hơn cả vì muốn được xuất quân trước nhất. Một bạn đại diện đứng lên và đưa đề nghị thật giản dị:
“Hình đẹp nhất phải là hình tam giác được tạo ra bởi ba điểm A, B và C không thẳng hàng nối với nhau bằng những đoạn thẳng và trong tất cả các hình tam giác vẽ được trong thế gian, hình tuyệt mỹ là hình tam giác có ba cạnh đều nhau.”
đó có nhiều bạn trong nhóm Ðông mỗi người đứng lên nói một câu biện minh cho sự chọn lựa của nhóm này. Tôi ghi lại đây những ý chính:
Nếu chỉ có hai điểm thì không vẽ ra được một hình. Phải có ít nhất là ba điểm. Vậy tam giác là hình giản dị nhất, thiên nhiên nhất và dĩ nhiên là đẹp nhất.
Làm một cái bàn chỉ có hai chân thì không thành cái bàn. Phải cần có ba chân, thành ra ba điểm đặt, và ba điểm là vững vàng nhất. Dùng bốn điểm có thể thành khập khễnh.
Tam giác ba cạnh đều là tam giác cân xứng nhất vì có ba cạnh bằng nhau và ba góc đỉnh cũng bằng nhau. Ngoài ra, trên một mặt phẳng, muốn ghép những hình đều cạnh mà không để chừa ra khoảng trống, như lát sàn bằng gạch hoa, thì chỉ có thể dùng hình tam giác đều, hình vuông và hình lục lăng đều như Hình 1. Trong ba kiểu hình này thì tam giác đều có ít cạnh nhất, như vậy giản tiện mà lại thỏa mãn điều kiện lát gạch.HÌNH 1 Ðến đây với tính cách là người điều khiển buổi hội thảo đầy hứng thú này, tôi muốn có ít lời nhận xét vì lời đề nghị của nhóm Ðông có liên quan đến những tiên đề của hình học.
Trước hết tiên đề là gì? Ở thế kỷ này và trong tương lai, ở những thế kỷ tiếp nối, hay cả ở những hành tinh khác trong vũ trụ, nếu có những người thông minh xây dựng được môn toán học riêng của họ, thì môn nào cũng phải dựa vào luận lý. Lấy thí dụ trong hình học là môn toán học ta tìm ra được những tính chất gọi là a, b và c mà những tính chất này được suy đoán một cách minh bạch, không ai chỉ trích nổi, từ những tính chất mà ta gọi là d, e và f thì những tính chất sau này được coi là những tính chất khởi thủy để dùng luận lý mà xây dựng ra môn hình học. Nay ta lại xét đến những tính chất d, e và f khi những tính chất này không phải dùng những lý luận loanh quanh mà suy ra lẫn nhau mà lại được suy ra một cách rất rõ ràng từ những tính chất khác mà ta gọi là g và h, thì những tính chất sau này mới gọi là tính chất khởi thủy vì tự nhóm này mà ta đã dùng luận lý để suy ra những tính chất d, e và f, và tiếp theo đó suy ra những tính chất a, b và c. Mỗi lần suy luận một cách minh bạch, dựa vào những gì đã được công nhận để tìm ra những tính chất tiếp theo ta nói là đã chứng minh được một định lý. Nếu ta đi ngược lại về nguồn thì sẽ tới được những tính chất nguyên thủy không có thể dựa lên những tính chất nào khác nữa để chứng minh những tính chất nguyên thủy này mà ta gọi là tiên đề.
Vậy tiên đề là những khái niệm gì ta phải công nhận, không cách gì chứng minh được, và căn cứ vào đó ta xây dựng nên cả môn toán học.Người đầu tiên đã đặt thành hệ thống môn hình học dựa vào những tiên đề là nhà giáo Euclid, viết sách và mở trường dậy vào khoảng những năm 330-275 trước Công nguyên ở Alexandria bên Ai Cập, tuy ông lại là người Hy Lạp. Ông đúng là nhà soạn sách thành công nhất tự cổ xưa tới nay vì hơn hai ngàn năm qua, môn hình học đã được khai triển dựa vào những tiên đề và những căn bản viết trong bộ sách 13 cuốn của ông được đặt tên là “Các Cơ Sở”
Ðúng ra thì Euclid viết 10 tiên đề, áp dụng chung cho toán học, nhưng riêng cho môn hình học, sau nhiều thế kỷ tranh luận, sửa đổi, người ta lấy 5 tiên đề, mà 4 tiên đề đầu được lập theo từ chương mới trong những sách giáo khoa hình học như sau:
1. Qua hai điểm có thể xác định được một đường thẳng và chỉ một mà thôi.
2. Qua ba điểm không thẳng hàng có thể xác định được một mặt phẳng và chỉ một mà thôi.
3. Nếu đường thẳng có hai điểm nằm trong mặt phẳng thì đường thẳng đó hoàn toàn nằm trong mặt phẳng này.
4. Nếu hai mặt phẳng có một điểm chung thì chúng sẽ có thêm một điểm chung thứ hai nữa.
5. Tiên đề thứ năm là tiên đề được tranh luận nhiều nhất, tôi sẽ nói ở phần cuối của mục này. Tới đây ta cần nhận định rằng, theo định nghĩa thì tiên đề là những mệnh đề toán học phải công nhận vì không còn mệnh đề nào khác để chứng minh được. Vì vậy ta phí mất công sức để chẳng hạn dùng tiên đề 1, 2 và 3 để chứng minh tiên đề 4 vì nếu chứng minh được thì mệnh đề 4 không còn được gọi là tiên đề nữa. Phần khác ta sẽ thấy là không thể nào thêm được một tiên đề nào khác nữa Chẳng hạn, ta tự nghĩ rằng mình là một thiên tài toán học mà đặt thêm tiên đề thứ sáu.
6. Hai mặt phẳng cắt nhau theo một đường thẳng.
Ðọc lên nghe có vẻ ngon lành như khi vào một tiệm ăn cầm thực đơn mở đôi ra thì sẽ như hiển hiện ra tiên đề thư sáu. Vả chăng, nếu ta đọc lại những tiên đề 1, 2 và 3 thì thấy cũng như là thể hiện những gì hữu hình thường nhật, chẳng hạn một sợi chỉ căng giữa hai điểm (tiên đề 1), một tấm bìa cứng đặt trên ba mũi nhọn (tiên đề 2) và đặt cái thước trên một mặt bàn (tiên đề 3). Vậy tại sao mệnh đề 6 không được gọi là tiên đề nhỉ ?
Ta phải lý luận như sau. Nếu hai mặt phẳng cắt nhau thì chúng phải có một điểm chung và theo tiên đề 4 chúng sẽ có thêm một điểm chung thứ hai nữa. Theo tiên đề 1, ta thấy chỉ có một đường thẳng qua hai điểm này và, theo tiên đề 3 đường thẳng nằm trong mỗi mặt phẳng. Vậy là ta đã dùng tiên đề 1, 3 và 4 để chứng minh mệnh đề 6, và mệnh đề này là một định lý chứ không được gọi là một tiên đề.
Một nhận xét khác nữa là ta đã hình dung ra những điểm, đường thẳng hay mặt phẳng theo định nghĩa hình thể được lý tưởng hóa. Chính vị tổ sư Euclid cũng nhầm lẫn về vấn đề này. Ông tưởng tượng điểm là cái gì không thể thu nhỏ được nữa cũng như một đường là chỉ có chiều dài chứ không có chiều rộng, một mặt thì chỉ có chiều dài, chiều rộng chứ không có bề dầy. Hay đôi khi dùng những cuốn sách nhập môn về Hình Học, để khỏi lúng túng, khi đọc tiên đề 1, học sinh hỏi vặn lại là đường thẳng là gì, hay khi đọc tiên đề 2 có người thắc mắc muốn được biết định nghĩa về mặt phẳng, một nhà giáo khi chỉ có trình độ trung cấp về toán học có thể trả lời là nhìn một sợi chỉ căng là có ý niệm về đường thẳng, hay nhìn một mặt hồ không gợn sóng là có thể hình dung ra được một mặt phẳng. Sự thực ra thì ta có thể công nhận các tiên đề như đã nêu ở trên và không cần phải có định nghĩa về điểm, đường thẳng và mặt phẳng. Thật vậy, nếu bạn đọc có cách nào để quên được những ý niệm hình thể về đường thẳng và mặt phẳng hay tạm cho là đường thẳng có hình hơi cong cong, và mặt phẳng hơi vềnh vồng thì những tiên đề kể trên vẫn đúng như thường vì ta đã mặc nhiên công nhận những tiên đề này. Nếu vì lấy đường thẳng cong cong mà không thích hợp với tiên đề 1 chẳng hạn thì tức là ta đã dùng ý niệm “đường thẳng là cái gì rất thẳng” để chứng minh tiên đề 1 là đúng. Như thế mệnh đề 1 đâu đáng được gọi là tiên đề. Phần khác bạn đọc có thể coi lại đoạn chứng minh mệnh đề 6 khi dùng những tiên đề 1, 3 và 4 sẽ thấy là trong lý luận này chúng ta có dùng ý niệm “đường thẳng là cái gì rất thẳng” và “mặt phẳng là cái gì rất phẳng” để làm hậu thuẫn đâu!
Nay trở lại phát biểu của nhóm Ðông thì ta thấy hình tam giác nằm trong một mặt phẳng và ba cạnh của hình hoàn toàn nằm trong mặt phẳng này. Nhóm Ðông được dành nửa giờ để trình bầy những tính chất đặc biệt của hình tam giác. Dĩ nhiên là có nói nửa ngày trời cũng không hết. Vì vậy các bạn đã nhấn mạnh tính chất hội tụ như sau.HÌNH 2 Dựa theo Hình 2: Ba đường trung tuyến vẽ từ 3 đỉnh A, B và C như là đường AM, vẽ từ đỉnh A đến trung điểm M của cạnh đối diện BC, ba đường này gặp nhau ở điểm G là trọng tâm của tam giác và ở 2/3 các trung tuyến kể từ đỉnh.
– Ba đường trung trực tức là những đường thẳng góc với các cạnh như BC vẽ từ trung điểm M, ba đường này cũng gặp nhau ở điểm O là một điểm cách đều ba đỉnh A, B và C. Như vậy, O là tâm điểm cuả vòng tròn ngoại tiếp với tam giác ABC.
– Ba đường cao là là những đường như AH vẽ từ đỉnh A thẳng góc với cạnh đối diện BC, ba đường này cũng gặp nhau ở một điểm I gọi là trực tâm của tam giác.
– Ðặc biệt ba điểm O, G và I lại thẳng hàng với nhau và điểm G ở 2/3 đoạn IO kể từ điểm I. Ðường thẳng này gọi là đường thẳng của Euler.
Nhóm Ðông có vẻ thích thú về những tính chất hội tụ của những đường đặc biệt vẽ trên hình tam giác và các bạn trẻ cho rằng những tính chất này không có ở các hình khác. Một thành viên của nhóm Ðông còn thêm tính chất rằng:
– Nếu vẽ những đường phân giác nghĩa là những đường chia những góc A, B và C, mỗi góc làm hai phần đều nhau thì ba đường này cũng gặp nhau tại một điểm J và điểm này lại đặc biệt ở một vị trí cách đều ba cạnh BC, CA và AB. Như vậy J là tâm điểm của vòng tròn nội tiếp với tam giác ABC.
Sau phần trình bầy của nhóm Ðông tới phần đặt câu hỏi. Câu khó trả lời nhất là:
“Tại sao lại chọn hình tam giác có ba cạnh đều? Ngoài tính chất cốt dùng để lót gạch hoa không có khoảng trống như trên Hình 1, hình tam giác có ba cạnh đều còn có gì đặc biệt? Vả chăng muốn lát kín thì cần gì phải chọn hình có cạnh đều. Chẳng hạn trên Hình 1, thay vì chọn hình vuông, dùng hình chữ nhật có sao đâu ? Những viên gạch xây tường có hình chữ nhật cũng vẫn xếp kín được như thường. Vậy ta cũng vẫn có thể thay hình tam giác ba cạnh đều bằng những hình tam giác cân, chỉ có hai cạnh bằng nhau vẫn xếp kín được như thường chứ ?”
Nghe câu hỏi hóc búa này, thay vì lúng túng, tất cả các bạn trong nhóm Ðông lại vỗ tay reo mừng. Lúc đó họ mới đưa ra môn võ bí hiểm bằng cách trưng ra những Hình 3 và Hình 4. Theo nhóm này thì Hình 3 biểu diễn một định lý tìm ra bởi Hoàng Ðế Napoléon Bonaparte (1769-1821).HÌNH 3 Theo Hình 3: lấy một hình tam giác ABC bất kỳ nào và sau đó, trên những cạnh, kiến trúc ba hình tam giác đều. Trên mỗi tam giác đều, vẽ những điểm gặp nhau của những đường trung trực như điểm O đã cắt nghĩa trên hình 2. Ba tâm điểm này là ba đỉnh của một tam giác ba cạnh đều. Tính chất đặc biệt của định lý này là bất kỳ hình tam giác ABC nào cũng tạo được ra một hình tam giác ba cạnh đều. Ðịnh lý này đã làm cho nhóm ngồi phía Tây là nhóm sắp sửa ra thuyết trình có vẻ nao núng. Tuy vậy, họ cũng có lời phê bình là: “Ðịnh lý của Napoléon phải dùng đến ba hình tam giác đều để kiến trúc ra hình tam giác đều thứ tư. Vậy có gì là bất kỳ đâu ?” Câu hỏi này đi vào bẫy sập của nhóm Ðông vì họ trả lời rằng: “Hãy thử coi Hình 4 sẽ thấy hình tam giác nào cũng đưa đến hình tam giác đều, hay nói văn vẻ hơn, đường nào cũng dẫn đến kinh thành La Mã.
HÌNH 4 vậy theo Hình 4: bạn thử vẽ một tam giác bất kỳ nghĩa là không có cạnh nào bằng cạnh nào, và như thế cũng có nghĩa là không có góc nào bằng góc nào. Sau đó ở mỗi góc vẽ hai nửa đường thẳng để chia góc làm ba phần đều nhau. Những đường thẳng này cắt nhau tại những điểm là đỉnh của những hình tam giác có ba cạnh đều. Hình vẽ nét đậm trên Hình 4 là một trong những hình tam giác đều được tạo ra.
Sau phần trình bày rất ngoạn mục này, nhóm Ðông đã nhận được một tràng pháo tay cổ võ rất nồng nhiệt. Trước khi giới thiệu phần trình bày của nhóm Tây, chắc cũng không kém phần hào hứng, tôi có chút nhận xét sau đây:
Trở lại lời phát biểu là dùng một cái bàn ba chân là vững vàng nhất, ta thấy là nhóm Ðông đã đi vào phạm vi Cơ học, hay đúng hơn là phần Tĩnh học của Toán áp dụng này. Một cái bàn hay một cái ghế đẩu có ba chân chỉ có thể đứng vững ở vị thế tĩnh khi trọng lực của cố thể này đi qua tam giác hợp thành bởi những điểm đặt. Bạn đọc thử hình dung một mặt bàn đá, nghĩa là khá nặng, có ba chân song song và khá dài. Sau đó, cắt ngắn một chân bàn chút ít sẽ nhận thấy ngay rằng tuy vẫn có ba điểm đặt vững chãi nhưng đường trọng lực, phát xuất tự trọng tâm ở khá cao sẽ đi ra ngoài tam giác đế của chân bàn và chiếc bàn chắc chắn sẽ bị lật nghiêng.
Tiên đề thứ năm của Euclid là: Từ một điểm A ở ngoài đường thẳng b bao giờ ta cũng kéo được một và chỉ một đường thẳng a song song với b. Như đã nói ở trên, trong tập “Các Cơ Sở”, Euclid mở đầu bằng cách phát biểu 10 tiên đề mà trong môn Hình Học dùng 5 tiên đề viết lại theo lối mới như trên. Trải qua hơn hai ngàn năm, nhiều nhà toán học, có những vị là những thiên tài, cho rằng tiên đề 5 chỉ là một định lý hình học có thể suy ra được bằng cách dựa trên các tiên đề khác.
Sau nhiều lần thất bại, phải tới thế kỷ thứ 19, ba nhà toán học lỗi lạc là Carl Friedrich Gauss (1777-1855) người Ðức, Nicolai Ivanovitsch Lobatschewsky (1793-1856) người Nga và Johann Bolyai (1802-1860) người Hung, mới sáng suốt nhận chân rằng tiên đề thứ năm này quả thật là một tiên đề, không chứng minh được vì không suy ra được từ những tiên đề khác. Vị thủy tổ Euclid giữ toàn vẹn chiếc ngai Hình Học, được gọi là Hình Học Euclid. Nhưng mặt khác, các nhà toán học nói trên nghĩ rằng nếu thay thế tiên đề 5 bằng một tiên đề thật trái ngược mà dùng suy luận để đi đến một nghịch lý thì tức là đã chứng minh được tiên đề này, đó là điều đã không ai làm được. Vậy thì có thể dùng một tiên đề khác thay thế cho tiên đề 5 để xây dựng nên một môn hình học mới tức là Hình Học Phi Euclid. Lobatschewsky và Bolyai dựng nên môn hình học mới bằng cách thay tiên đề 5 bằng tiên đề
LB. Từ một điểm A, ở ngoài đường thẳng b, có thể kéo nhiều đường song song với b.
Dùng tiên đề này có thể làm thành một môn hình học trong đó không có gì nghịch lý cả và môn này được gọi là Hình Học Hy-pe-bol. Một môn hình học thứ ba nữa có thể được dựng ra bằng cách dùng một tiên đề trái ngược với tiên đề 5, do nhà toán học Bernhard Riemann (1826-1866) phát biểu là:
R. Từ một điểm A ngoài đường thẳng b không thể kéo đường thẳng nào song song với b.
Môn hình học phi Euclid này được gọi là Hình Học Ellip.
Một nhận xét sau cùng nữa là nhóm Ðông không thể nào chỉ dùng thước kẻ thẳng và com-pa để vẽ nên Hình 4 được. Ðó là vì trong Hình Học có ba bài toán đố không thể nào dùng thước kẻ thẳng và com-pa để tìm lời giải được là các bài sau đây:
1. Chia một góc phẳng bất kỳ làm ba góc bằng nhau.
2. Kiến tạo một hình lập phương có thể tích gấp hai lần thể tích một hình lập phương cho sẵn.
3. Vẽ một hình vuông có diện tích bằng một hình tròn cho sẵn.
Đó là những lời trích từ Vui Đời Toán Học của GS Nguyễn Xuân Vinh.Việt Hải sưu tầm và nghiên cứu
California 2013 -
Tin Vui Rất Lớn: Giáo Hội Công Giáo VN Có Thêm Một Vị Thánh! LÊ VĂN HẢI
Tin vui rất lớn: Giáo Hội Công Giáo VN có thêm một Vị Thánh!
Mùa Hè 2023, tiến trình Phong Thánh cho LM Phanxicô Trương Bửu Diệp vào giai đoạn hoàn tất!
*LM Diệp sau khi tử đạo, đã làm nhiều phép lạ, ban ơn lạ nhiều nhất từ xưa tới nay! Nhiều người cầu xin, toại nguyện và biết đến danh Cha nhất! Hay hơn nữa, người được ơn, lại không phân biệt tôn giáo!
*Sau ngày Cha Diệp tử nạn, 76 năm chờ đợi, giờ đã “Sinh Hoa Kết Trái!” Một trong những niềm vui chung, lớn nhất của Giáo hội Công Giáo VN.
*Việt Nam được xếp vào các Quốc Gia, có nhiều Vị Thánh nhất trong Giáo Hội Thiên Chúa Hoàn Vũ! Minh chứng đã được Thiên Chúa thương yêu cách riêng!
Loan Báo Tin Mừng:
Trong Thánh Lễ long trọng tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, thuộc Giáo Phận Orange, Santa Ana, Nam California. Thứ Bảy, Ngày12 Tháng Ba, Năm 2022 vừa qua. Gồm trên 500 giáo sĩ và giáo dân tham dự để cầu nguyện, nhân ngày giỗ 76 năm, “Tôi Tớ Chúa” là Linh Mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, bị Việt Minh sát hại vì đức tin! (Khi chưa tuyên bố mình là Cộng Sản, sợ lộ bộ mặt gian ác, dân sẽ không theo, nên lúc đó, họ hoạt động, lấy tên là Việt Minh! Nên Việt Minh hay Cộng Sản, cũng là một!)
Trong thánh lễ, Linh Mục Dương Hữu Nhân, đã báo một tin vô cùng vui mừng, hoan hỉ với người Công giáo nói riêng, với VN nói chung: “Hội Đồng Sử Gia của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, tiến trình khó khăn nhất Tuyên Thánh Cha Phanxicô Xaviê đã thông qua! và mọi việc sẽ hoàn tất vào mùa hè 2023!”
Tiếng đồng loạt vỗ tay vang dội như pháo nổ! Bầu khí hân hoan vỡ òa! chan hòa niềm vui sung sướng! Giáo Hội Công Giáo VN lại có thêm một Vị Thánh! Hình ảnh “Ông Thánh Người Việt” sẽ được đặt trên bàn thờ Người Công Giáo khắp nơi trên thế giới, để thờ lạy tôn kính! Niềm hãnh diện vô biên! khó tả!
Tiến Trình Tuyên Thánh
Từ năm 2012, cuộc điều tra phong Thánh cấp thấp nhất từ giáo phận cho Linh mục Trương Bửu Diệp bắt đầu được tiến hành. Ngày 31 tháng 10 năm 2014, Bộ Giáo Lý Đức Tin ra tuyên bố có tên “Nihil obstat” (Không có gì ngăn trở) chấp thuận việc tiến hành hồ sơ tuyên thánh cho Cha Diệp.
Giữa Tháng Mười Hai, 2021, Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ đã minh xác: Linh Mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp bị CS còn gọi là Việt Minh hạ sát vì đức tin, tử vì đạo thay cho đoàn chiên của Ngài vào ngày 12 Tháng Ba, 1946 tại Giáo Xứ Tắc Sậy, Việt Nam.
Đây là kết quả tiến trình xem xét cẩn trọng và độc lập kéo dài mất nhiều thời gian của Hội Đồng Sử Gia Phong Thánh, gồm nhiều chuyên gia nghiên cứu lịch sử của Giáo Hội Công Giáo.
Sau khi tra cứu kỹ lưỡng, xem xét các lời khai từ phép lạ, hình ảnh minh chứng của mọi giới, nhân chứng, vật chứng, đúc kết trong một tập tài liệu điều tra dày trên 400 trang!
Tiếp theo là những cuộc “điều trần” được mở ra, để các chuyên gia lịch sử và cơ chế liên quan đến tiến trình Tuyên Thánh Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, căn cứ theo đó mà điều tra tìm hiểu hư thực.
Và Hội Đồng Sử Gia Giáo Hội đi đến kết luận chung: “Bản văn tái hiện bối cảnh chính trị xã hội chống lại đạo Công Giáo một cách quyết liệt. Qua đó, lịch sử cho mọi người thấy, một linh mục quyết tâm hướng dẫn đàn chiên và những người ngoài đạo về Đức Tin, mang nặng lòng vị tha, quên mình và dũng cảm chịu chết một cách gương mẫu!”
Văn bản đồng thời cũng minh chứng rằng, Linh Mục Diệp đã sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì lợi ích tha nhân, vì tình mến Chúa yêu Người. Nhờ đó, có thể thấy được giá trị cuối cùng, đó là linh mục quyết định noi theo gương Vị Mục Tử là Chúa Nhân Lành, không bỏ đàn chiên trong lúc gian nguy nhất! Chấp nhận để Việt Minh xử tử! chịu nhiều nhát chém, nát bấy thân thể, Ngài đã chết cho niềm tin và yêu thương tha nhân.
Hiện tại, hồ sơ Tuyên Thánh cho Linh Mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp đang được cứu xét ở giai đoạn cuối cùng, nơi chín nhà thần học làm việc độc lập, không ai biết ai. Khi có tuyên bố kết quả, toàn bộ hồ sơ với thẩm định sau cùng sẽ được trình Đức Giáo Hoàng Francis.
Sau khi Đức Thánh Cha đương kim phê chuẩn, thì Linh Mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp được tôn lên bậc Đáng Kính, cùng lúc với danh hiệu Á Thánh! Qua niền tin Công Giáo, qua Dức Giáo Hoàng, những gì được “vinh danh dưới đất, sẽ được vinh danh trên trời. Trái lại, những gì được gỡ bỏ dưới đất, thì cũng được xóa bỏ trên trời!”
Người Công Giáo Chúng ta, hãy tiếp tục gia tăng lời cầu nguyện, cho ước vọng chung cao đẹp này sớm thành hiện thực. Để có ngày huy hoàng, Ngài được tôn kính trên bàn thờ của mọi Kitô hữu, trên toàn thế giới!
Nếu Mùa Xuân năm 1946, giáo dân Giáo Xứ Tắc Sậy đã mang niềm đau, mất vị Mục Tử yêu thương chia sẻ nâng đỡ và bảo vệ mọi người, thì như sự kiện “hạt lúa mì gieo vào lòng đất” đã đến giờ chín vàng, tỏa hương thơm ngào ngạt trên quê hương Việt Nam.
Nay đang trổ sinh hàng triệu hoa trái, làm cho hàng triệu con tim Công Giáo vui mừng, cảm tạ vì những ơn lành Chúa đã tuôn đổ rõ ràng, hiển thị trước mắt, qua những phép lạ được minh chứng, trên đời sống của những ai tin và cầu xin Linh Mục Phanxicô Xaviê đều được đáp ứng!
Tiểu Sử Người Mục Tử Tốt Lành!
Cha phanxicô Trương Bửu Diệp sinh ngày 1 tháng 1 năm 1897 tại làng Tấn Đức, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới tỉnh An Giang. Thân phụ là ông Micae Trương Văn Đặng (1860-1935), thân mẫu là bà Lucia Lê Thị Thanh. Được linh mục Giuse rửa tội ngày 2 tháng 2 năm 1897 tại họ đạo Cồn Phước, lấy tên thánh là Phanxicô.
Năm 1904, lúc lên bảy tuổi thì mẹ mất, theo cha đến Battambang, campuchia sinh sống bằng nghề thợ mộc. Tại đây, người cha lấy bà Maria Nguyễn Thị Phước, sinh năm 1890, quê quán họ Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang.
Năm 1909, linh mục Phêrô Lê Huỳnh Tiền đưa cậu Trương Bửu Diệp nhập Tiểu Chủng Viện Cù Lao Giêng, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Mãn tiểu chủng viện, thầy Diệp lên Đại Chủng Viện Nam Vang, Campuchia vì thời ấy, các họ đạo trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều trực thuộc Giáo phận Nam Vang.
Năm 1924, sau thời gian tu học, thầy Diệp được thụ phong linh mục tại Nam Vang, thời Giám mục Valentin Herrgott cai quản. Năm 1924-1925, linh mục Phanxicô được bề trên bổ nhiệm làm cha phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt sinh sống tại Kandal, Campuchia. Năm 1927-1929, ông về làm giáo sư tại Chủng Viện Cù Lao Giêng.
Cha Xứ Họ Đạo Tắc Sậy
Tháng Ba năm 1930, Linh Mục Phanxicô Diệp về nhận nhiệm sở tại họ đạo Tắc Sậy. Trong những năm làm chính xứ, ngài đã liên kết, giúp đỡ để thành lập thêm nhiều họ đạo lân cận như: Bà Đốc, Cam Bô, An Hải, Đầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Đồng Gò, Rạch Rắn. Năm 1945-1946, chiến tranh loạn lạc, giáo dân phải di tản khắp nơi, linh mục bề trên của giáo phận là Trần Minh Ký ở Bạc Liêu và cả người Pháp cũng khuyên ngài đi lánh nạn, khi nào tình hình yên ổn thì hãy trở về họ đạo, nhưng ngài đã từ chối và cương quyết trả lời: “Phận sự tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết, cũng chết giữa đoàn chiên! Tôi sẽ không đi đâu hết!”
Cuộc Tử Đạo Của Người Mục Tử!
Năm 1945, toàn dân vùng Tây Nam Việt, nổi lên phong trào vùng dậy chống Pháp. Khi đó phần lớn vùng này Việt Minh vừa tiếp quản từ quân Nhật giao lại. Ngày 12 tháng 3 năm 1946, ngài bị Việt Minh bắt cùng với trên 70 giáo dân của họ đạo Tắc Sậy, bị giam chung với con chiên bổn đạo trong lẫm lúa của ông Giáo Sự tại Cây Dừa. Vì bênh vực quyền lợi của giáo dân, cự tuyệt, kháng cự những hành động tàn bạo đàn áp người dân. Nên Ngài đã xin chết thay cho những người bị bắt chung. Dĩ nhiên CS ghét Ngài cay đắng từ lâu, nên đồng ý liền! Và ngài bị Việt Minh giải đi hành quyết, xử tử bằng gươm, chém nhiều nhát trên thân thể!
Đêm đó ngài linh thiêng, hiện về báo mộng và giáo dân tìm đến nơi ngài chỉ, tìm thấy xác ngài dưới một cái ao nhà ông Giáo Sự, với rất nhiều vết chém sau ót, sau lưng, ngang mang tai, bê bết máu. Và tội nghiệp, đau thương, thân xác Ngài trần truồng, không một miếng vải! Có lẽ Việt Minh rất căm thù Ngài, nên cho hình ảnh Ngài chết giống Chúa Kitô trên Thập Giá! Sau đó, thi hài Ngài được chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Đến năm 1969, hài cốt được dời về nhà thờ Tắc Sậy, là nơi Ngài làm quản xứ trong 16 năm.
Tiếng Lành… Đồn Xa! Khắp Nơi Kéo Đến Hành Hương Với Lòng Tôn Kính:
Hàng năm, vào những ngày 11 và 12 tháng Ba dương lịch (ngày Cha Trương Bửu Diệp qua đời) là lúc rất nhiều người không kể lương giáo, từ khắp nơi đến họ đạo Tắc Sậy, một họ đạo nhỏ nay thuộc Giáo phận Cần Thơ, nằm trong địa bàn của xã Tân Phong, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, là nơi chôn cất hài cốt và di ảnh của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp để khấn xin. Hiện nay, cứ vào ngày “Giỗ” của Ngài, quy tụ đông đảo, ít nhất từ 60 đến hằng trăm ngàn người tham dự, đông nghẹt như kiến! Khách sạn, nhà trọ, không đủ chỗ, nhiều người phải đóng lều, trước đó vài ngày, mới có cơ hội chen vào tham dự lễ giỗ này.
Rất nhiều ơn lạ đã nhận được, nhất là những người ngoài Công Giáo. Hình ảnh của Ngài đã được truyền đi khắp thế giới. Chân dung Ngài được treo khắp nơi! Trong nhà, ngoài ngõ, trên xe, ngoài chợ, Ngài trở thành nơi nương tựa tâm linh, an ủi tâm hồn, không phân biệt tôn giáo.
Một Phép Lạ Của Cha Trương Bửu Diệp: Với Dòng Nước Thánh Không Bao Giờ Cạn!
-Hiện nay tại nhà thờ Khúc Tréo nơi an nghỉ đầu tiên của Cha Diệp từ năm 1946 đến năm 1969, rồi di dời Hài Cốt Cha về nhà thờ Tắc Sậy, cách Nhà Thờ Tắc Sậy nơi an nghỉ của Cha khoảng 4 dặm về hướng Cà Mau. Nơi đây đã trở thành “đất thánh!” đón nhận không biết bao nhiêu phép lạ mà Ngài đã làm, nên mới có những niềm tin tuyệt đối như thế.
-Trong một điềm báo cho một giáo dân của Cha Diệp, vì Cha thấy lương dân rất nhiều người hiện nay đang đau khổ vì bệnh tật, Cha rất xót thương. Nên nơi chôn cất Cha, Cha báo, nhờ ai cào xuống đất khoảng hai gang tay! là sẽ có nước trong sạch phun lên! Ai đến với lòng tin tưởng nguyện xin Thiên Chúa, bệnh tật sẽ thuyên giảm, hay sẽ khỏi hẳn! “Tin thì sẽ được, gõ thì sẽ mở!”
-Điều lạ lùng, không thể tin được, là phần mộ trong phòng thánh nhà thờ cao hơn mặt đất, mà chỉ cần “cào đất xuống hai gang tay là có nước!” Mỗi ngày hàng trăm khách hành hương đến đây, múc hoài uống và mang về, mà mãi không thấy cạn!
-Hàng ngàn nhân chứng đã nhận được ơn lành từ Ngài ban, kể hoài không bao giờ hết. Đặc biệt, không phải trong nước, mà trên các báo chí Hải ngoại, đăng rất nhiều lời Cảm Tạ với Cha Diệp, sau khi đã nhận được Ơn Lành, tuần nào cũng nhận được vài ba mẫu mới là thường!
Lời Thơ Nguyện Cầu:
Cha Trương Bửu Diệp đấng anh minh
Đoàn chiên sói đến Ngài che chở
Mục Tử hy sinh hiến mạng mình
Hiến tế dâng lên muôn của lễ
Toàn thiêu nhỏ xuống nhất trung trinh
Linh thiêng bảo trợ ai tìm đến
Khấn nguyện cầu thay đến Thánh Linh.
Kết
Biến cố lớn có tính cách toàn cầu, Phong Thánh cho Cha Trương Bửu Diệp, là một cái tát thẳng vào mặt nhà cầm quyền Cộng Sản VN hiện nay. Chứng minh bản chất vô thần đàn áp tôn giáo từ xưa đến nay, không thay đổi, bằng chứng không thể chối bỏ.
CSVN cũng có nhiều nỗ lực, ngăn cản tiến trình Phong Thánh này, nhưng âm mưu xóa bỏ tội ác giết người tàn bạo, vì lý do đàn áp tôn giáo này đã không thành!
Luật Trời không bao giờ thay đổi, “gieo gì gặt đó” thôi! “Kẻ chơi gươm, sẽ chết vì gươm!” Kẻ CS sát hại, giờ lại được Phong Thánh! Sắp được cả thế giới tôn kính! Bộ mặt thật đàn áp tôn giáo thô bạo, lại một lần nữa, được dịp phơi bày trên toàn thế giới! để mọi người yêu chuộng tự do, cùng phỉ nhổ! (Nhưng chúng có bộ mặt dày như da trâu, da bò! nên nào biết xấu hổ!)
Có lẽ Cha Diệp còn theo lời dạy của Chúa “yêu cả kẻ thù!” nên CS mới sống đến ngày nay! Chứ cứ như người thường, nhìn là muốn…bẻ cổ! chết đi cho…cả nước nhờ! thì CS đã xóa sổ từ lâu!
Xin Chúc Mừng Giáo Hội Công Giáo VN, Với Niềm Vui Thêm Một Vị Thánh!
-
DÂN Ukraine Quyết Tâm Bảo Vệ Đất Nước – LÊ NGỌC CHÂU (Từ Đức Quốc)
Cả thế giới đang chứng kiến Nga sử dụng vũ lực xâm lăng Ukraine !.
Dân Ukraine quyết tâm bảo vệ đất nước dù quân đội và vũ trang rất rất yếu so với Nga. Dân số Ukraine (51 triệu) cũng ít hơn Nga (144 triệu).
Cái gì cung có nguyên nhân của nó … Mời quý vị đọc bài phóng dịch cách đây 15 năm (phổ biến trên nhiều tờ báo và websites nhưng chỉ có Vietbao.USA còn lưu trữ !) khi tình cờ thấy báo chí Đức đăng tải sẽ hiểu tại sao Ukraine quyết tâm bảo vệ đất nước dù trong thế yếu.
Đơn giản vì dân Ukraine không muốn một lần nữa sống lại cảnh đã xảy ra trong quá khứ do Nga gây ra mà chắc chắn lần này sẽ đau đớn hơn NẾU NGA cưỡng chiếm được Ukraine.
Mời đọc:
Ulkraine, khi Stalin làm cho con người ăn thĩt đồng chủng !
Ulkraine, Khi Stalin Làm Cho Con Người Ăn Thịt Đồng Chủng
29/01/2007F. Fascar (Ngọc Châu dịch)
Ulkraine, Khi Stalin Làm Cho Con Người Ăn Thịt Đồng Chủng
(Lời phi lộ: Nói đến cộng sản, dân chúng thuộc khối Đông Âu hay Nga đã có nhiều kinh nghiệm. Hôm nay, nhân đọc bài này của F Fasca vừa được phổ biến, nhắc lại nạn đói Holodomor tại Ulkraine cách đây khoảng 75 năm, tôi phóng dịch giới thiệu độc giả để biết rằng, cho đến ngày Nga và toàn khối Đông Âu sụp đổ, trước sau đường lối cộng sản đã sử dụng không có gì thay đổi, y chang như nhau, có chăng chúng chỉ thay đổi phương thức thực hiện mà thôi …)
Lúc đầu người ta ăn lá cây, sau đó đến thịt chó và mèo, một số đã trở thành những kẻ ăn thịt người. Trước đây 70 năm, Stalin đã tạo ra cho Ulkraine có một nạn đói rất ư khủng khiếp! Hàng triệu người bị chết, nhưng “Holodomor” vẫn là một sự cấm kỵ từ hàng chục năm qua, cho tới bây giờ …
Tại thành phố Budapest, mỗi khi người ta nghe đến chữ “Holodomor” là thiên hạ tự nhiên bật khóc. Bà Natalia Mikitiwna Nidzelska, 86 tuổi, có dáng dấp nhỏ và mảnh khảnh xuất thân từ làng Pilipi, thuộc phía Tây Ulkraine, chỉ vào trái tim bà ta và đã thét lên trong nỗi buồn thê thảm: “Tim tôi đau nhói ghê gớm, khi mà đã nhìn cảnh người ta quằn quại chết! Holodomor, đó là một từ của Ulkraine, ám chỉ cho nạn đói và có nghĩa giống như Holocaust của thời Đức quốc Xã.
Người ta đã ăn lá cây và nụ hoa, đã ăn thịt chó và thịt mèo, đã phải nuốt khoai thúi và tranh dành nhau cám dành cho gia súc ăn và cuối cùng, họ đã phải ăn luôn cả thịt người chết. Ai đã may mắn thoát chết trong nạn đói tại Ulkraine vào thời điểm từ 1932 – 1933 đều hồi nghĩ lại nhiều các chi tiết liên quan đến nạn đói này. Nhưng tiếc một điều là cho đến nay, nạn nhân còn sống không được phép công khai nói về những sự kiện đã xảy ra.Natalia Mikitiwna Nidzelska đã thoát chết nạn đói Holodomor. Năm 1991 bà ta di dân sang Hung gia Lợi (Ungarn) và tại đây bà ta được quyền nói công khai về nạn đói đã xảy ra tại quê hương bà ta trong khi đồng hương, theo như lời của bà Nidzelska thì vì sợ cộng sản nên cho đến thời gian ngắn trước đây vẫn phải im lặng, không được đề cập đến. Bà Nidzelska không thể nào quên được cảnh lúc đó nhiều người chỉ vì một miếng bánh mì thôi mà phải đày đoạ, đến nỗi họ phải làm sao tranh đấu để sống còn hay đến những trường hợp mà láng giếng đã trở thành kẻ ăn thịt người …
Như sử gia Miklos Kun của Hung đã cho biết, sự khiếp sợ vẫn còn ăn sâu trong trí nhớ của những nạn nhân thời đó, không thể nào hủy diệt nó đi được. Theo sử gia Kun, đây là một sự giết người có hệ thống, có tính toán đã giết hại hàng triệu người trong khi Stalin đi nghỉ hè ở vùng biển Schwarz Meer (Black Sea). Sử gia Kun đã tìm hiểu, nghiên cứu từ hơn hai chục năm qua qua các dữ liệu trên toàn cầu về nguyên nhân và hậu quả của thảm kịch đã xảy ra, nhằm mục đích bẻ gãy sự vô liêm sỉ của cộng sản Nga và Ulkraine, hai quốc gia vẫn muốn tiếp tục cho rằng Holodomor chỉ là một sự khủng hoảng, không hơn không kém.
a) Chết tập thể sau khi tập thể bị tước đoạt sỡ hữu chủ
Tài liệu còn lưu trử của Ulkrain cho thấy dấu hiệu đúng như những sử gia hay nạn nhân sống sót từng nhắc đến là “nạn đói trên đã được chính phủ Stalin từ Moskau điều hành và tổ chức có hệ thống và được phần tử cốt cán, tích cực tại địa phương, vốn là những người dân Ulkraine nghèo bị Nga mua chuộc, thực hiện hầu bẻ gãy sự chống đối của khối nông dân Ulkraine đang bộc phát chống lại sự cưỡng bách tập thể hoá và truất quyền sở hữu chủ của dân.
Nga đã không chính thức phủ nhận nạn đói và cũng không đề cập đến vai trò của Stalin. Nga chỉ nói có lệ là cũng có một sự mất mùa! Theo sử gia Kun thì đây là sự nhạo báng vì Ulkraine là một quốc gia nông nghiệp, có đất đai rất tốt và thường cung cấp cho Nga trên phương diện này.
Tuy nhiên sự thật cũng không thể che đậy mãi ở Ulkraine. Tổng Thống Viktor Juschtschenko đã đệ trình một bản phát thảo tại quốc hội, trong đó qui định là sẽ bị trừng phạt nếu “vu khống nạn đói” tại Ulkraine. Hình phạt không ấn định rõ ràng, nhưng đạo luật đã là một viên gạch trong chính trường Ulkraine: Cái chết tập thể, theo sau một sự truất hữu tập thể cách đây 75 năm bây giờ coi như được quốc hội công nhận.
Sự chịu đựng đói khổ bắt đầu từ cuối năm 1930 tại nhiều vùng thuộc Ulkraine, nhiều người nói là nhiều nơi nạn đói đã có từ 1929. Lúc đó cộng sản Moskau quyết định thực hiện chính sách tập trung cho Ulkraine. Trong vòng hai năm chiến lược này phải được hoàn thành, qua hình thức truất đi quyền sở hữu của giới nông dân nhằm mục đích đẩy mạnh chính sách kỷ nghệ hoá của Sowjetunion được sớm thực hiện hơn.
Ông Juri Krawtschenko, 44 tuổi, cháu của một nạn nhân tại làng Petriwka thuộc vùng Nam Ulkraine may mắn sống sót, kể như sau: “Trước hết, những điền chủ bị truất hữu, sau đó đến những dân làng nghèo. Ai không tự ý nhập vào những hãng lớn của Nga thì bị xem như là kẻ thù của nhà nước, không nhận được việc làm và bị truất hữu, tịch thu tài sản”. Bảy (7) anh chị em của ông nội Krawtschenko bị chết vì “nạn đói Holodomor”. Còn ai tự ý gia nhập vào Kolchosen (hãng lớn của Nga) thì lúc đầu được cấp ít tiền, về sau chỉ còn là một nấm tay đồ ăn!
Làng Petriwka ngày nay không còn hiệu hữu nữa, 90% trong tổng số 300 người dân trong vùng đã chết vì nạn đói khủng khiếp nói trên .
b) Trẻ con đuổi bắt nòng nọc và bắn chim sẻ
Bà Natalia Nidzelska cho biết là trước khi nạn đói xảy ra, gia đình của bà thuộc giới trung lưu. Họ ăn uống đầy đủ, ngày ba bữa. Cha bà ta là người thợ rèn duy nhất tại Pilipi và có đầy đủ việc để làm. Năm 1931 xuất hiện những kẻ cốt cán, tích cực đầu tiên và họ phong toả khu vực làng. Chúng bắt mỗi cá nhân phải nộp ruộng đất của họ và gia nhập vào Kolchosen. Kế đến là họ tịch thâu trâu bò và tất cả những thức ăn dự trữ, cho đến khi người dân trắng tay. Cha của bà cũng phải nộp luôn dụng cụ làm việc. Đặc biệt, tại những làng như làng Pilipi hay phía Nam Ulkraine là những nơi chống đối mạnh mẽ chính sách cưỡng bách tập trung của nhà nước thì chịu ảnh hưởng rất nặng nề vì nạn đói. Ngay cả dầu đốt hay que diêm cũng bị tước đoạt…
Bốn chị em bà Nidzelska và cha mẹ của bà còn sống sót được là nhờ họ còn đủ sức lực để làm việc. “Anh bà thì thử tìm cách bắn chim sẻ hay bắt nòng nọc để nuôi mình. Bà ta kể, tiếng run run: “Chị tôi và tôi thì không biết săn bắn. Chân cẳng thì cứng như bê tông vì đói. Mẹ chúng tôi phải bí mật đưa cho chúng tôi một ít bột, nhiều hơn là cho anh tôi. Sau đó đẩy chúng tôi ra đồng làm việc. Trên đường về, lúc đó mới 12 tuổi, bà ta phải ăn miếng bánh mì to bằng hộp diêm quẹt lửa, lương ngày của bà ta vì sợ những người láng giềng quá đói giật mất đi phần ăn (lương) của mình. Mẹ của bà ta phải nấu bột, lấy từ vỏ khoai vào ban đêm vì sợ người xung quanh thấy khói bốc lên”!
Tình cảnh dành cho những đại gia đình đông con thì xem như không có lối thoát. Năm 1933 còn tệ hại hơn nữa. Tài liệu trong khoảng thời gian này chứng minh cho thấy rằng Stalin và sau đó là ngoại trưởng Wjatscheslaw Michalowitsch Molotow đã ra lệnh cấm không cho nông dân trốn về thành phố. Nhiều gia đình đã phải bỏ con của họ lại ở Kiew và thủ đô trước đây là Charkow, với hy vọng là có ai đó thương cho chúng ít đồ ăn. Nhưng những “tay sai” đã bắt chở những đứa trẻ này trả về quê cũ và vứt bỏ chúng giữa đồng hoang và cuối cùng, trẻ con đã chết một cách đau đớn.
Ngay cả những chuyện buôn bán quần áo hay đồ trang sức mà dân cất dấu đâu đó cũng bị cấm đoán. Nhưng nhiều người cũng mạo hiểm với những chuyến tàu đi rất xa đến những tỉnh nhỏ để đổi đồ đạt lấy một ít bánh mì, như mẹ của bà Nidzelska đã làm. Cha bà làm công nhân máy liên hợp gặt đập đã cạo lấy những hạt nhỏ còn sót lại trong những đường nẻ của máy hầu đem về nuôi sống gia đình, mặc dầu trên máy có đề hàng chữ cấm, nếu không thì sẽ bị xử tử!
* Ngọc Châu phóng dịch (Munich 27.01.2007, nhân ngày kỷ niệm 62 năm Holocaust)
-
Mai Thanh Truyết: Một nhà báo, nhà chính trị hay một nhà Khoa Học?
Tài liệu sưu tầm. Nguồn: Internet
Mai Thanh Truyết: Một nhà báo, nhà chính trị hay một nhà Khoa Học?
Nói đến Tiến si Mai Thanh Truyết thì đồng bào hải ngoại, nhất là những ai sống ở Nam Cali hẳn không xa lạ. Lại càng không xa lạ đối với những ai hằng quan tâm đến những vấn đề thời sự, khoa học và môi trường v.v…
Nói về những bài viết của Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, chúng tôi nhận thấy ông không viết về đề tài nào khác hơn ngoài những vấn đề có liên quan đến khoa học. Ông không viết về một xứ sở nào khác ngoài đất nước Việt Nam cùng với những vấn đề nóng bỏng của nó. Và nếu có đi vào tìm hiểu một số khía cạnh thuộc về môi trường, hoặc phương thức sản xuất của một số nước nào đó thì cung chỉ là cốt để soi sáng cho tình trạng chậm tiến của đất nước Việt Nam. Chúng ta có thể thấy rõ chủ trương (chính trị) của cầm quyền CSVN đã và đang “ăn thông” với CSTQ để làm hại đất nước và người dân về nhiều phương diện. Sự kiện này được thấy rõ qua việc làm vô trách nhiệm cùng thái độ ươn hèn, khuất phục của CSVN đối với sự xâm thực một cách có chiến lược của CSTQ cùng những hiểm hoạ của nó.
Những đề tài mà ông đã nói lên hoặc viết ra thực tình mà nói, trong khuôn khổ một bài nhận định ngắn này, với một kiến thức hạn hẹp của người viết như thế này, không sao kể hết và nói xuể. Sở dĩ như vậy vì các bài viết hoặc nói chuyện của ông vô cùng phong phú và đa dạng. Đại để có thể nói một cách không đắn đo rằng: Dù dưới bất cứ một đề tài nào, ông cũng chứng tỏ một sự vững vàng trong lập luận, chính xác về nguồn tin, rất khoa học khi phân tích và không thể phủ nhận chất hăng hái trong lối trình bày. Nếu bảo rằng ông là một nhà hùng biện thì cũng không đúng, và cũng không đúng hẳn khi nói rằng ông có “khoa ăn nói” như những người có tiếng là nói năng hay. Nhưng ông có một cái độc đáo riêng, “Mai thanh Truyết” là Mai Thanh Truyết. Không thể lầm lẫn với một Phan văn Song hay Nguyễn văn Trần-hai người bạn thân mà trong quá trình hoạt động Cộng Đồng chúng tôi có hân hạnh được biết. Lại càng không giống như Luật sư Trần Thanh Hiệp, một nhà tranh đấu có tiếng từ lâu, và là một trong những người bạn thân cũ của ông.
Điều quan trọng người viết muốn nhấn mạnh ở đây chính là giá trị của những bài viết của ông. Nó phản ảnh rất trung thực con người ông, lời nói cũng như việc làm. Nhất là có một tác dụng đáng kể: vừa chính xác, vừa có tính cách vô vị lợi. Và đó cũng chính là con người của ông. Có thể nói kể ra cũng bằng thừa, những điều ông đã viết, đã lên án, đã vạch trần và đã tố cáo cho mọi người, khắp nơi, trong cũng như ngoài nước biết rõ, biết chính xác về những điều ông thấy, đọc, nghe và nghiên cứu. “Tự giác, giác tha”, ông không chỉ là một nhà khoa học, một ông thầy dạy học, một đảng viên kỳ cưụ của Đại Việt Quốc Dân Đảng, một nhà tranh đấu, và thêm vào đó là một Phật tử chân chính nhưng không câu nệ. Nếu đi sâu vào từng khía cạnh một thì không thể kể hết, nên chỉ còn cách là mời các thức giả vào nghiên cứu những khía cạnh ông viết, nói và chia xẻ.
Những đề tài trong quá trình tranh đấu của Tiến sĩ Mai Thanh Truyết có thể nói “vô tận”, nghĩa là “không có điểm bắt đầu và cũng không có điểm kết thúc” (lời ông nói trong một cuộc phỏng vấn về vấn đề hâm nóng toàn cầu). Một nhà chính trị không lập thuyết, một nhà khoa học không ngồi trong tháp ngà tư tưởng để chỉ nghiên cứu trên lý thuyết, nói cách khác một nhà hoá học thực nghiệm, Ông không chỉ mãn nguyện và an vị trong phòng thí nghiệm là đủ. “Con người” ông quả có nhiều “nghịch lý”. Là một chuyên viên phụ trách vấn đề phát thải tại Mỹ lại thường xuyên nghiên cứu về môi trường mãi tận Việt Nam. Từ bãi rác Đông Thạnh miền Nam đến vấn đề những dòng sông chết ở miền Bắc. Từ vấn đề Đồng Bằng sông Cửu, đến việc khai thác Bauxite tại Cao nguyên Trung phần Việt Nam. Ông “đi” khắp nơi, và đặc biệt chú trọng đến vấn đề môi trường ô nhiễm theo nghĩa toàn diện (không khí, đất và nước…vốn là những điều kiện cần cho cuộc sinh tồn của nhân sinh).
Đó là việc làm và là con người của Tiến sĩ Mai Thanh Truyết. Nhưng vượt trên hết là một con người đấu tranh, đấu tranh theo nghĩa thiết thực nhất. Về điểm này có thể nói, ông còn nặng nợ với núi sông; mà hai điểm chính yếu và nổi bật nhất là đất nước và người dân: Nặng lòng với đất nước, quan tâm cho cuộc sống người dân. Phi tâm huyết, một người không thể làm được như vậy. Rõ ràng là ông đa đoan, cho nên:
Lại mang lấy một chữ tình,
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong” (Kiều)
như một nàng Kiều nặng tình với Kim Trọng. Nhưng “tình” đây chính là tình đối với đất nước, thiên nhiên, môi trường thiên nhiên và mối quan tâm đến con người. Và, ông không chịu ngồi yên một chỗ, hết “keo” này, ông bày “keo” khác.
Cho nên khi nói đến việc làm của ông mà không nói đến con nguời thì quả là một điều thiếu sót. Tôi không sống ở Mỹ nhung qua những mẩu đối thoại cá nhân, hoặc những bài nói chuyện với cộng đồng thì có thể biết được ông nghĩ gì và muốn gì… Chưa bao giờ ông đề cập đến con người của ông nhưng qua lối diễn tả, cách tiếp xúc, và lời lẽ đặc biệt “Nam Kỳ“ của ông người ta thấy thể hiện một sự chân chất, không màu mè, kiểu cách. Ông thân thiện với tất cả mọi người, dễ dàng và cởi mở. Quả thực Tiến si MTT có một cái gì làm người ta quý mến và cảm phục. Cảm phục không phải vì “tài năng xuất chúng” nhưng vì sự kiên tâm tranh đấu không mệt mỏi của ông. Đối với cộng đồng chúng tôi thì mối liên hệ với ông Tiến Sĩ họ Mai này lại có phần hơi đặc biệt. Đặc biệt là vì chúng tôi có những ý kiến chia xẻ cùng những nhận định về thời cuộc hay nói chung là về vấn đề liên quan đến Việt Nam. Có thể nói, không “ngoa”, rằng Mai Thanh Truyết là một người có tâm huyết với đất nước, một trong số hiếm những nhà tranh đấu chân chính hiện nay.
Hơn thế nữa, có thể nói khá chính xác rằng hiện nay ở Cali ông là người duy nhất gióng lên tiếng chuông báo động cho đồng bào thường xuyên nhất, tích cực nhất, những điều nóng bỏng nhất và cũng thiết thực nhất . Chỉ nguyên phản ứng của quần chúng đối vấn đề thực phẩm có độc tố, dù là tán thành hay phản đối- mà đa số vì muốn bảo đảm sức khỏe an toàn- đều hưởng ứng khá mạnh mẽ. …cũng đủ thấy việc làm của ông không phải là thừa. Ấy là chưa kể còn nhiều lãnh vực khác mà ông luôn luôn một mình, một ngựa có ông đi hàng đầu”.
Nhưng điều tôi muốn nói ở đây không phải chỉ là vì những hoạt động của ông đối với đất nước trong suốt hai mươi năm qua- Những đóng góp ấy không phải là nhỏ, trái lại rát phong phú và đa dạng. Đa dạng như chính con người của ông – mà là ý nghĩa và cộng đồng chúng tôi được hân hạnh gặp Tiến si Mai Thanh Truyết vào buổi xế chiều một ngày tháng 7 tại một thành phố Miền Tây Canada. Lúc ấy là vào mùa hè nên thời tiết thật đẹp, nắng vàng ấm và không khí trong trẻo. Thời tiết này giúp cho việc tham dự buổi nói chuyện của ông về một đề tài tưởng là khô khan nhưng lại vô cùng hấp dẫn.
Hôm ấy, ông đến với cộng đồng theo lời mời của Hội Ái Hữu Đồng Bằng sông Cửu Long, đồng thời cũng là chỗ anh em thân tình cũ với ông. Chúng tôi đến tham dự buổi nói chuyện của ông về vấn đề “Dioxin và Chất Độc Da Cam” mà ông mới xuất bản không lâu trước đó và đã cho ra mắt, cách đây hai năm. Buổi nói chuyện thật sôi nổi với nhiều câu hỏi sâu sắc được đặt ra. Và ông đã giải đáp thấu đáo với những dẫn chứng cụ thể và chính xác. Thật là cần thiết để đồng bào Việt Nam có thể được nghe chính lời của một nhà hoá học đã chịu bỏ công nghiên cứu kỹ lưỡng; để có thể đưa ra những luận cứ có giá trị, hầu “giải độc” cho mọi người về tất cả những gì mà CSVN đã gây ra, và rêu rao khiến người dân hoang mang.
Nhưng đây chỉ mới là một ví dụ trong nhiều ví dụ về những công việc mà Tiến si Mai thanh Truyết đã và đang theo đuổi. Chỉ trong suốt hai năm qua kể từ ngày đó, ông đã làm không biết bao nhiêu việc. Những thức giả hằng quan tâm đến thời cuộc và theo dõi việc làm của những nhà tranh đấu thì sẽ dễ thấy. Hình như ông không chịu ngồi yên để chỉ “khóc cười theo vận nước nổi trôi” như nhiều người khác, mà ông càng tranh đấu càng hăng say. Ông không chỉ dừng ở địa hạt Dioxin để nói lên cái thực chất của sự giả dối che đậy của nhà nước CSVN khi nhân danh vấn đề nhân đạo để …vòi tiền Mỹ .
Ông còn lưu tâm đến nhiều khía cạnh thiết thực khác như vấn đề ô nhiễm Việt Nam- một sự ô nhiễm toàn diện – và là một vấn đề nóng bỏng hiện nay. Ông đã nêu lên những dẫn chứng thật cụ thể cho việc làm của mình. Ông đã báo động cho mọi người thấy đây là một vấn đề trầm trọng không thể bỏ qua. Như đã nói trên, đây là một vấn đề toàn diện và bao trùm mọi lãnh vực, từ y tế (ô nhiễm dược phẩm), kinh tế (sản xuất hàng loạt thu hoạch lợi nhuận tối đa), cho đến đời sống xã hội (ô nhiễm thực phẩm, môi trường)… Những sự kiện này đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc nhân sinh (vụ nhà máy lọc dầu Dung Quất đã không thực hiện đúng tiêu chuẩn sản xuất nên có khả năng làm hại môi trường, và qua đó ảnh hưởng tai hại cho sức khỏe và cuộc sống người dân nói chung. Mặc dù chẳng bao lâu nhà máy này đã phải đóng cửa vì một số lỗi lầm trong xây cất, ông vẫn thấy có bổn phận phải nêu lên vì còn rất nhiều những công ty sản xuất với tính cách làm ăn tắc trách như vậy .
Hoặc như vụ công ty chế tạo Bột Ngọt Vedan đã mặc sức thải ra lòng sông những chất phế thải mà không hề xót xa cho sự sống của dòng sông. Sự kiện này và nhiều trường hợp tương tự cho thấy các công ty sản xuất tại Việt Nam hầu như chỉ nhắm vào nguồn lợi kinh tế mà không quan tâm đến phẩm chất của việc sản xuất cũng như của những thành phẩm. Và nhất là không hề để ý đến hậu quả của việc làm của họ. Hiện tượng này không những đã làm ô nhiễm môi trường vật lý mà còn ô nhiễm cả cuộc sống người dân v.v… Đứng trước tình cảnh và nông nỗi ấy của đất nước, ông không thể “im lặng là vàng” được.
Là một nhà hoá học, Giám Đốc một cơ quan xử lý chất phế thải (nói nôm na là rác) tại Hoa Kỳ ông đã biết lợi dụng những tiện nghi khoa học, và đem kiến thức gặt hái trong ngành ra ứng dụng vào thực tế để soi rọi vào những gì đang được CSVN thực hiện ngay trên đất nước Việt Nam. Chính cái nhìn “soi mói” cần thiết này đã mang lại tác dụng đôi:
- Một đàng người dân có thể thấy rõ cái sai trái và âm mưu che giấu ở bên trong những việc làm lấy lệ, vô trách nhiệm và vụ lợi của kẻ cầm quyền vô minh nhưng “bá đạo”.
- Mặt khác, việc làm này cũng không ngoài mục đích cảnh báo nhóm người nắm quyền sinh sát ở trong nước về những hiểm họa đang và sẽ xảy ra. Với một niềm mong muốn, họa may họ có còn một chút nhất điểm lương tâm mà thay đổi phương thức quản lý sản xuất và môi trường tử tế hơn. Không khó để nhận thấy rằng trong mọi vấn đề, ông luôn muốn hữu hiệu hoá kiến thức của mình, nghiên cứu, tìm tòi thêm để sau đó mới đúc kết lại và quảng bá cho quần chúng. Về phương diện này, có người đã coi ông như là một học giả và luôn đi tiên phong.
Nói về việc làm của Tiến si Mai Thanh Truyết thì còn nhiều điều để nói. Mối ưu tư toàn diện của ông đối với sự lành mạnh của môi trường là gì nếu không phải xuất phát từ một khối óc hiểu biết và một trái tim sôi sục vì sự tồn vong của đất nước, muốn làm một cái gì ích cho nước, lợi cho dân.
Trên đây, người viết mới chỉ đan cử một vài ví dụ tiêu biểu trong vô số những hoạt động của Tiến si Mai Thanh Truyết mà độc giả có thể thấy trên mạng, trên báo chí, truyền thanh, truyền hình v.v…
Về phương diện chính trị, như đã nói trên, tuy ông không phải là một nhà chính trị thuần túy, hay nhà bình luận thời cuộc vì ông không “sống” vì chính trị, nhưng chính bản thân, ống đã dấn thân vào công cuộc chung. Trong vai trò Đệ Nhất Phó Chủ Tịch của Đại Việt Quốc Dân Đảng Đại Việt, Tiến si Mai Thanh Truyết tin vào sức vươn lên của con người trong nhiều lãnh vực, để tiến tới tương lại. Trong bài viết cũng như trong các mẩu đối thoại, ông chủ trương một thái độ lành mạnh. “Lành” trong chính trị có nghĩa là không chỉ dừng tại chỗ để ca ngợi thành quả đã qua hoặc tiếc thương những gì đã mất. “Mạnh”, vì Ông quả là một con người đa diện, mà “diện” nào cũng dám nói thẳng thắn, không do dự.
Về mặt tôn giáo, ông đã chứng tỏ là một Phật tử sống với chân tâm, không vụ hình thức. Với ông, nhận thức và hành động là một: Ông không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước những gì sai trái. Biết mà không nói, không phải là hiểu biết thật sự. Ông không chỉ bo bo giữ cho riêng mình những kiến thức thâu thập trong cuộc sống, trong xã hội, trên thế giới, nhất là trong địa hạt chuyên môn của mình. Cho nên ông phải truyền bá, phổ biến sau khi đã hấp thụ thấu đáo và tiêu hóa. Công việc này xuất phát từ một đam mê, một khối óc hiểu biết và một tấm lòng đối với đất nước.
Nói như thế, để thấy rằng Tiến sĩ họ Mai mặc dù không có ý định làm chính trị, cũng không phải là nhà lập thuyết về chính trị; nhưng cũng như bao nhiêu người có lòng khác, ông đã dấn thân vào đại cuộc từ lâu. Trong vai trò Đệ Nhất Phó Chủ Tịch của Đại Việt Quốc Dân Đảng, ông luôn chứng tỏ một thái độ năng động – của một người lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm cao- trong việc hướng dẫn người trẻ nhận định tình hình và đi theo đúng con đường chính bằng một cái nhìn khai phóng và sáng tạo (website daiviet.us)
Từng giữ chức Trưởng Ban Hoá học tại trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, và Giám đốc Học Vụ Viện Đại Học Tây Ninh, nơi ông đã từng giảng dạy vừa điều hành, ông đã đem kinh nghiệm giảng dạy và tổ chức trong quá khứ phối hợp với kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn nước ngoài để tiếp tục dìu dắt đàn em đi tiếp con đường tranh đấu cho dân tộc. Ông đã từng nhắn nhủ họ, trong những buổi nói chuyện, hội thảo, nhìn về tương lai với một niềm tin vững chãi. Vai trò hướng dẫn của một người thầy còn được thể hiện trong việc ông tham gia vào các sinh hoạt giáo dục, đóng góp ý kiến, tìm tòi tài liệu, liên lạc mọi giới. Và mỗi khi có cơ hội là ông bắt tay vào để phổ biến những kiến thức và kinh nghiệm của mình.
Để có thể hiểu thấu đáo việc làm của Tiến sĩ đa dạng họ Mai này, theo thiển ý, cách tốt nhất là xin đi vào “Blog” của ông (maithanhtruye.blogspot.com), hoặc vào trang website của Hội khoa Học kỹ Thuật (vastvietnam.com) hay của Đại Việt Quốc Dân Đảng (daiviet.us).
Vancouver, một ngày Mùa Hạ, 2010
Nguyễn thị Ngọc Dung
Nguyên Chủ tịch Cộng đồng vùng Great Vancouver
-
Oneness – Once and for All – Tất cả là Một – GS TS MAI THANH TRUYẾT
-
Lời trối trăng của T.T. Ngô Đình Diệm
-
Giao Chỉ -67 năm nhìn lại, 300 thanh niên Hà Nội vào nam nhập ngũ Tòng Chinh
-
THÀNH NGỮ VIỆT NAM
Phan Lục
Trong kho tàng văn học Việt Nam có những thể loại như dân ca, cách ngôn, ngạn ngữ, ca dao, tục ngữ, đặc ngữ, thành ngữ v.v… là những câu, những ý hoặc những lời nói ngắn gọn được lưu truyền trong dân gian rất lâu ngày quen miệng để trở thành những mảng văn học.
Thành ngữ là tập hợp những từ cố định quen dùng, có nghĩa, gọi tên sự vật, hiện tượng, tính chất, hành động v.v… mà thường không thể suy ra từ nghĩa của từng từ riêng biệt. Trong mọi thứ tiếng của các nước trên thế giới cũng đều có thành ngữ mà ta thường không thể cắt nghĩa riêng từng từ được. Ví dụ, trong tiếng Anh có thành ngữ “buckle down” nghĩa là “dùng nhiều sức lực hơn” chứ không phải là “hãy mở khóa ra” trái nghĩa với “buclkle up’ là “hãy thắt chặt khóa lại”. Trong tiếng Việt có thành ngữ “chó cậy gần nhà” nghĩa là “ỷ thế, nhờ cậy vào thế thuận lợi mà tỏ ra hung hăng, dọa nạt, bắt chẹt hay làm tình, làm tội người khác” chứ không có ý gọi ai đó là “chó”. Hoặc thành ngữ “gái đĩ già mồm” nghĩa là “đã sai rành rành mà còn to tiếng cãi vã, chửi rủa ầm ĩ để lấp liếm” chứ không có ý mạt sát “mày là con đĩ” v.v…
Vì vậy, khi đọc tiếng Việt cũng như khi dạy con cháu chúng ta học tiếng Việt thì cần phải tra cứu để hiểu rõ nghĩa của các từ ngữ Hán-Việt, nhất là các thành ngữ, để tránh những hiểu lầm đáng tiếc. Là người Việt, bất cứ định cư ở nơi nào, ta cũng cần phải nói và hiểu tiếng Việt một cách chính xác để lưu truyền cho con cháu chúng ta gìn giữ tinh hoa của nền văn hóa dân tộc.
Sau đây, xin nêu định nghĩa của một số ít thành ngữ tiếng Việt (khác nhau từng địa phương):
Ác báo ác lai: Làm điều ác cho người thì điều ác ấy sẽ đến với mình.
Bã chà bợt chợt: Có lời nói, cử chỉ lẳng lơ.
Cá mè một lứa: Đồng loạt, cùng một giuộc với nhau cả, coi ngang hàng nhau, không phân biệt đối xử cho hợp lẽ.
Cả vú lấp miệng em: Dùng quyền lực, thế mạnh của mình để chèn ép, lấn át người khác.
Cha chung không ai khóc: Những việc chung liên quan đến nhiều người mà không có người nào chịu trách nhiệm chính nên thường bị bỏ mặc, bê trễ, không ai lo liệu.
Chó cùng dứt giậu: Liều lĩnh, làm xằng bậy một cách thiếu cân nhắc, tính toán do bị đẩy vào bước đường cùng.
Chó nhảy bàn độc: Bất tài, dốt nát, thiếu năng lực, kém cỏi nhưng gặp cơ hội nên chiếm được địa vị cao sang rồi cứ bám mãi,
Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng: Chưa chi đã vội hợm hĩnh, lên mặt với người khác.
Chưa học bò đã lo học chạy: Hấp tấp làm những việc quá khả năng nên khó bề thực hiện được.
Đội váy nát mẹ: Hợm hĩnh, tinh ranh, ra vẻ ta đây để lòe bịp, dọa dẫm người từng trải và hiểu biết hơn mình.
Gieo gió gặt bão: Gây ra điều ác thì phải chuốc lấy hậu quả to lớn của hành động độc ác ấy.
Khẩu tâm bất nhất: Nói lời tốt đẹp nhưng nghĩ và làm những việc xấu xa, vô đạo đức.
Miệng quan trôn trẻ: Tùy tiện, đúng sai bất chấp, thường hay tráo trở không đáng tin cậy trong lời nói của bọn có quyền thế.
Mồm loa mép giải: Lắm lời, đanh đá, nói lấy được bất chấp đúng sai.
Nát giỏ còn tre: Dù mất mát nhưng vẫn còn vốn liếng, còn khắc phục được.
Nát đá phai vàng: Không giữ được lòng chung thủy và phản lại tình cảm đã có.
Ngậm máu phun người: Đặt điều gièm pha, vu khống một cách độc ác, đê tiện nhằm làm hại, gieo tai vạ cho người khác.
Ngư long biến hóa: Đỗ đạt, thành đạt trong học hành, thi cử.
Ngư thủy duyên hài: Hợp nhau, dễ gắn bó với nhau, dễ nên duyên vợ chồng.
Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã: Những kẻ xấu tìm đến với nhau để thực hiện những mưu đồ xấu xa, đồi bại của chúng.
Quân sư quạt mo: Người bày mưu kế, mách nước tồi, kém.
Quấy hôi bôi nhọ: Làm những việc không hay, không tốt gây tiếng xấu.
Râu ông nọ cắm cằm bà kia: Chắp vá, lẫn lộn một cách tùy tiện nên trở thành khập khiễng không ăn khớp, không phù hợp với nhau.
Sông sâu sóng cả: Khó khăn, gian truân, nguy hiểm phải trải qua.
Sống chết mặc bay: Thái độ ích kỷ, thờ ơ, vô trách nhiệm, bỏ mặc, không để ý, không quan tâm đến ai, chỉ lo cho riêng mình.
Sờ chẳng ra, rà chẳng thấy: Túng thiếu quá đến mức chẳng có tí gì hoặc chẳng biết lần tìm ở đâu để mà sống.
Sủa càn cắn bậy: Nói năng xằng bậy, linh tinh, bạ đâu nói đó, thiếu đắn đo suy nghĩ, thiếu đứng đắn.
Sứa vượt qua đăng: Làm một việc vượt quá khả năng của mình.
Sưng mày sưng mặt: Có vẻ bực bội, tức giận, tỏ ra bất đắc dĩ phải chấp nhận làm một việc gì.
Tép lặn tép lội: Lắm mồm, hay nói điêu ngoa.
Tiền có đồng, cá có con: Rõ ràng, minh bạch, không mập mờ được.
Thần hồn nát thần tính: Hoảng sợ, tự huyễn hoặc, gây cho mình nỗi sợ hãi do non gan, yếu bóng vía, không tự chủ được mình.
Thế thần bịch thóc: Nhờ có của cải mà tỏ rõ uy lực, quyền thế.
Tránh hùm mắc hổ: Rủi ro, không thoát khỏi tai họa.
Trâu lấm vẩy càn: Người có khuyết điểm, có tội lỗi mà cứ đổ vấy cho người khác.
Trên đe dưới búa: Ở vào tình thế bị kìm kẹp, thúc ép từ nhiều phía, khó bề đối xử và giải quyết cho hợp lý.
Trên răng dưới dái: Trắng tay, nghèo khổ, không còn chút của cải, tài sản hoặc chức vụ nào.
Trơ như mặt thớt: Trơ lì, không biết hổ thẹn khi làm điều sai trái dù bị chống đối.
Trơ tráo như gáo múc dầu: Trơ lì, ngang ngược, không biết hổ thẹn.
Vắng như chùa bà Đanh: Trở nên vắng lặng, ít người đến, gây nên cảnh u buồn (ở nơi mà trước kia có người hay lui tới).
Vào trong mắc đó, ra ngoài mắc đăng: Ở vào thế bị kẹt, bí bách, không có lối thoát.
Vắt nước không lọt tay: Keo kiệt, giữ từng chút một, không hề mất cho ai cái gì.
Xôi hỏng bỏng không: Mất tất cả, mất trắng, không được cái gì.
Trên đây chỉ đơn cử một ít thành ngữ tiếng Việt trên muôn ngàn lời nói trong văn học dân gian. Qua các định nghĩa, ta thấy các thành ngữ cũng thật khó hiểu nếu không tra cứu kỹ mà chỉ nhìn vào nghĩa đen của từng từ thì sẽ có sự hiểu lầm rất tai hại. Ta có thể dùng một thành ngữ làm đề tài cho một bài học để dạy con cháu chúng ta không những về cách dùng tiếng Việt chính xác mà còn về đạo lý làm người nữa.
Phan Lục
-
Liên Đoàn Kiểm Báo KQ-VNCH
Trần Đình Giao
TỔNG QUÁT:
Là một trong 7 đơn vị Trung Ương KQ:
– Bộ Chỉ Huy Hành Quân KQ
– Bộ Chỉ Huy Kỹ-Thuật & Tiếp Vận KQ
– Trung Tâm Huấn-Luyện KQ
– Liên-Đoàn Kiểm Báo
– Trung Tâm Y Khoa KQ
– Khu Tạo Tác Tân Sơn Nhất
– Sở Hành Chánh Tài Chánh KQ), trực thuộc Bộ Tư Lệnh KQ,
Liên-đoàn Kiểm-Báo bao gồm hệ thống radar của KQ gồm có 2 Trung-Tâm và 3 Đài Kiểm Báo.
1. Sự Hình Thành và Phát Triển:
Từ đầu thập niên 60, KQVN bắt đầu xúc tiến việc đào tạo các chuyên viên Hành-Quân và Kỹ-Thuật cần thiết qua các đợt huấn luyện liên tiếp tại các quân trường của KQ Hoa Kỳ. Mặt khác việc xây cất cơ sở và việc thành lập các đơn vị radar cũng lần lượt được thực hiện.
Hệ thống radar được hình thành và phát triển qua những giai đoạn chuyển tiếp sau:
A) Giai đoạn trắc nghiệm và huấn-luyện:
Một số chuyên viên sau các khóa huấn luyện đầu tiên được bổ nhiệm ở Trung Đội Radar Tân Sơn Nhất, đơn vị radar đầu tiên do KQVN thành lập. Thiết bị điện tử của đơn vị kém hiện đại và cũ nên hoạt động của đơn vị phần lớn chỉ giới hạn trong việc trắc nghiệm và huấn luyện. Việc hỗ trợ không-hành (navigation aid) chỉ được thực hiện theo tình trạng khả dụng của phương tiện điện-tử hay khi cần thiết. Nhiệm vụ của đơn vị nầy chấm dứt sau một thời gian hoạt động ngắn.
B) Giai đoạn điều hành chuyển tiếp:
Liên-Đoàn Truyền-Tin Điện-Tử được thành lập khoảng năm 1961 với trách nhiệm chỉ huy, điều hành các đơn vị radar đang lần lượt hình thành với số nhân viên được phối trí song song với các thành phần đối nhiệm (counterparts) của KQ Hoa-Kỳ tại cấp đơn vị ở Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Ban Mê Thuột, PleiKu, CầnThơ. Hoạt động của các đơn vị radar được cải tiến dần dần theo nhịp độ bổ sung quân số và công tác huấn luyện tại đơn vị. Nhiệm vụ của Liên-Đoàn Truyền-Tin Điện-Tử chấm dứt khoảng năm 1963.
C) Giai đoạn trực thuộc các Không-Đoàn và Căn cứ KQ (1963- 1965):
Trong giai đoạn nầy, các đơn vị radar được sát nhập vào tổ chức của Bộ Chỉ Huy Không Chiến, rồi tới các Không-Đoàn và Căn-Cứ KQ. Danh hiệu và danh số đơn vị được chính thức qui định trong bảng cấp-số của Không Quân. Do đó, khoảng năm 1964 danh từ Kiểm Báo (KB) bắt đầu được xử dụng trên giấy tờ cũng như trên thực tế. Các đơn vị Kiểm Báo có danh số của các Không Đoàn và Căn Cứ KQ nơi các đơn vị ấy đồn trú hoặc ở gần nhất.
Có 2 trung-Tâm và 3 Đài Kiểm Báo:
* Trung-Tâm KB 33 đồn trú trong Không-Đoàn 33 ở Tân Sơn Nhất.
*Trung-Tâm KB 41 ở bên ngoài Không-Đoàn 41 Đà Nẵng.
* Đài KB 741 đồn trú trong Không-Đoàn 74 ở Cần Thơ (con số sau cùng là mã số riêng của đơn vị)
* Đài KB 621 có Không-Đoàn gần nhất là KĐ 62 ở Nha trang.
* Đài KB 921 đồn trú trong Căn-Cứ KQ 92 ở PleiKu.
Trong giai đoạn 63- 65, việc chỉ huy và điều hành hệ thống kiểm báo khá phức tạp. Tùy theo vấn đề, việc theo dõi và kiểm soát điều hành được thực hiện bởi nhiều cấp bộ khác nhau: Bộ Tư-Lệnh KQ, Bộ Chỉ-Huy Không-Chiến, Không-Đoàn, Căn-Cứ.
Khoảng cuối năm 1964, hệ thống Kiểm Báo được chính thức xác nhận. Do Huấn-Thị của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, quy định tổ chức Điều-Kiểm Chiến-Thuật (Tactical Control System) gồm các phần hành thuộc Lục-Quân và Không Quân. Về phía KQ, hệ thống Kiểm Báo được tổ chức song hành với hệ thống Hành-Quân của KQ, bao gồm các Trung Tâm HQ Không trợ (ASOC=Air Support Operation Center, sau cải danh là DASC=Direct Air Support Center) đặt tại mỗi Quân-Đoàn và trực thuộc Bộ Chỉ-Huy Hành-Quân KQ (AOC=Air Operation Center, sau cải danh là TACC=Tactical Air Control Center). Hệ thống Kiểm Báo là phương tiện chủ yếu (tai mắt) trong công tác Điều-Kiểm Chiến-Thuật của Không Quân.
Để cải tiến việc thống nhất chỉ huy và điều hành hệ thống, LIÊN ĐOÀN KIỂM BÁO được thành lập đầu năm 1965, thời điểm mà hoạt động kiểm báo gia tăng đáng kể theo nỗ lực và nhu cầu hành quân của Không Quân Việt Nam.
Bộ Chỉ-Huy Liên-Đoàn Kiểm-Báo đồn trú trong Căn Cứ Tân Sơn Nhất cạnh Bộ Chỉ Huy của Liên-Đoàn Kiểm-Soát Chiến-Thuật 505 (505th Tactical Control Group) của Không Quân Hoa Kỳ (USAF)
Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của Liên-Đoàn Kiểm-Báo là Trung Tá Hoàng-Ngọc-Bào, nguyên Chỉ Huy Trưởng Trung-Tâm KB 33 TSN, từ 1961.
2. Nhiệm Vụ:
Chỉ huy và điều hành hệ thống Kiểm Báo để hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản của hệ thống về các mặt:
PHÒNG KHÔNG:
Kiểm soát toàn bộ không phận VNCH, chống lại mọi sự xâm nhập bất hợp pháp của các phi cơ lạ hay của địch.
Hướng dẫn phi cơ nghênh cản (Interceptors) lên ngăn chặn và áp dụng mọi biện pháp cần thiết theo tiêu-lệnh hay chỉ thị của tổ chức Phòng-Không Trung-Ương thông qua Trung-Tâm Phòng-không Vùng (1 đặt tại BCH/HQKQ ở TSN cho Vùng Nam và 1 ở Trung-Tâm KB ở Đà Nẵng cho Vùng Bắc).
Trong cuộc chiến ở VN, KQVN và KQHK đă phối hợp rất chặt chẽ trong nhiệm vụ phòng-không. KQHK dùng phi cơ F-102 và về sau thay thế bằng F-4E. KQVN xử dụng phi cơ F-5E, và tùy theo nhu cầu hay tình trạng báo động, các phi cơ nghênh cản này được đặt túc trực cho hai Vùng Phòng Không Nam và Bắc tại các phi trường Biên Hòa, Phan Rang và Đà Nẵng.
ĐIỀU KIỂM CHIẾN THUẬT:
Theo dõi tất cả các phi vụ Hành Quân Chiến-Thuật KQ bằng các đoản-lệnh (frag order) từ Bộ Chỉ Huy Hành-Quân KQ (TACC) và các Trung-Tâm HQ Không-Trợ (DASC) gửi đến bằng viễn-ấn (teletype).
Đầu thập niên 70, do nhu cầu chiến-thuật, KQVN được trang bị thêm phương tiện hướng dẫn oanh tạc ở cao độ (BOBS=Beacon Only Bombing System). Các đài Hướng-Dẫn được thành lập để hướng dẫn các phi vụ oanh tạc và thả dù chính xác vật liệu ở độ cao của KQ.
HUẤN LUYỆN:
Ngoài việc xúc tiến và kiểm soát điều hành các công tác huấn luyện thường xuyên để duy trì khả năng của đơn vị, Liên-Đoàn KB phối hợp với Liên-Đoàn 505 (USAF) thực thi và hoàn thành Kế-hoạch Tự-Lực (Self Sufficiency Plan) của hệ thống kiểm Báo của KQVN theo kế hoạch chung của KQ Việt-Mỹ.
TRÁCH NHIỆM ĐẶC BIỆT VỀ PHÒNG THỦ CỦA CÁC ĐƠN VỊ KIỂM BÁO ĐỒN TRÚ BIỆT LẬP.
Trách nhiệm này rất quan trọng đối với các đơn vị KB ở ngoài phạm vi hay ở xa nơi đồn trú các đơn vị lớn của KQ (Sư Đoàn, Căn Cứ KQ) như trường hợp TT2KB ở Đà Nẵng và Đ12KB ở Ban Mê Thuột. Các đơn vị KB này cùng với các đơn vị hay thành phần phòng thủ biệt phái, trên thực tế được tổ chức thành các Yếu-Khu trực thuộc các Tiểu Khu địa phương về mặt phòng thủ. Vì đơn vị KB là đơn vị lớn nhất trong Yếu-Khu, nên trách nhiệm chỉ huy phòng thủ yếu khu được giao cho Chỉ Huy Trưởng đơn vị KB kiêm nhiệm.
Có 2 yếu khu liên quan đến công tác phòng thủ cơ sở Kiểm Báo:
Yếu Khu “Sơn Chà” thuộc Tiểu Khu Tiên Sa (Hải Quân) ở Đà Nẵng, có phạm vi phòng thủ bao gồm TT2KB Đà Nẵng.
Yếu Khu 3 của Ban Mê Thuột thuộc Tiểu Khu Darlac, có phạm vi phòng thủ bao gồm Đ12KB ở Ban Mê Thuột và phi trường L-19 trong thành phố BMT.
3. Tổ Chức:
Từ năm 1965, KQVN phát triển mạnh mẽ với sự thành lập các Sư-Đoàn KQ, với tổ chức mới bao gồm thêm các Không-Đoàn, Phi-Đoàn, hoạt động của KQ gia tăng theo nhu cầu hành quân. Hệ thống Điều-Kiểm Chiến-Thuật đã đi vào lề lối hoạt động theo dự trù. Liên-Đoàn Kiểm-Báo sau khi thành lập, đã được tổ chức như sau:
– Bộ Chỉ-Huy Liên-Đoàn
– 2 Trung-Tâm Kiểm Báo:
. TT1KB ở Tân Sơn Nhất (danh hiệu PARIS CONTROL).
. TT2KB ở Đà Nẵng (danh hiệu PANAMA CONTROL)
– 3 Đài Kiểm Báo:
. Đ11KB ở Bình Thủy, Cần Thơ (danh hiệu PADDY CONTROL),
. Đ12KB ở Ban Mê Thuột (danh hiệu PYRAMID CONTROL), và
. Đ21KB ở PleiKu (danh hiệu PEACOCK CONTROL)
– 3 Đài Hướng Dẫn (BOBS) ở Biên Hòa, Đà Nẵng và PleiKu.
Quân số:
Quân số cơ hữu Liên-Đoàn Kiểm-Báo gồm khoảng 1000 người (80% so với bảng cấp số) không kể các thành phần biệt phái theo nhu cầu phòng thủ và tổng vụ cho các đơn vị KB đồn trú ở ngoài hay ở xa các Căn Cứ, Sư Đoàn KQ.
– Quân số của Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn gồm 60 người.
– Quân số của Trung Tâm Kiểm Báo theo bảng cấp số gồm từ 250 đến 300 người.
– Quân số mỗi Đài Kiểm Báo từ 150 đến 250 người (chưa kể các thành phần phòng thủ hay tổng vụ biệt phái từ Sư-Đoàn KQ, hay Tiểu-Khu tăng cường cho các đơn vị KB ở xa hoặc ở ngoài phạm vi các Sư-Đoàn KQ gần nhất như trường hợp TT1KB ở Đà Nẵng và Đ12KB ở Ban Mê Thuột.
– Quân số các Đài Hướng Dẫn (BOBS) gồm 21 người mỗi đài.
BỘ CHỈ HUY LIÊN ĐOÀN KIỂM BÁO:
* Đồn trú ở Căn Cứ Tân Sơn Nhất trong lãnh thổ của Sư Đoàn 5 KQ. Ngoài ban Văn Thư Bộ Chỉ Huy, có 5 phòng:
PHÒNG HÀNH QUÂN: Có trách vụ tham mưu và theo dõi hàng ngày các hoạt động hành quân của các đơn vị Kiểm báo qua ban trực HQ bằng phương tiện liên lạc trực tiếp (hot line) với các đơn vị.
PHÒNG KỸ THUẬT: Trách vụ tương tự như Phòng HQ, nhưng về mặt kỹ thuật, qua Ban Kiểm Soát Bảo Trì và Tiếp Liệu, liên lạc trực tiếp với các đơn vị và với Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật Tiếp Vận KQ để theo rõi, kiểm soát điều hành các công tác bảo trì và tiếp liệu ở các đơn vị kiểm báo.
PHÒNG KẾ HOẠCH VÀ NHU CẦU: Theo rõi việc thực thi kế hoạch Tự Lực của LĐKB và các kế hoạch nội bộ của Liên Đoàn.
PHÒNG NHÂN HUẤN: (Personel&Training) Khi thành lập Liên Đoàn có hai phòng Nhân Viên và Huấn Luyện riêng biệt, nhưng sau tổ chức thay đổi, hai phòng được sát nhập làm một và trở thành phòng Nhân Huấn. Phòng NH có trách nhiệm quản trị nhân viên, đảm bảo việc phối trí chuyên viên nhanh chóng tới các đơn vị theo dự trù hay nhu cầu. Theo dõi việc huấn luyện chuyên viên hành quân và kỹ thuật ở cấp đơn vị theo đúng tiêu chuẩn và kế hoạch huấn luyện của Liên Đoàn.
PHÒNG CHIẾN TRANH CHÍNH TRỊ: Theo dõi việc thực thi công tác CTCT tại các đơn vị theo đúng chỉ thị hay tiêu chuẩn của Bộ Tư Lệnh KQ, qua các toán CTCT hướng dẫn học tập, công tác Tâm Lý Chiến và Xã Hội ở cấp đơn vị.
* Công việc của các phòng đều được thuyết trình cho Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn vào mỗi buổi sáng với sự tham dự của các Trưởng phòng.
CÁC ĐƠN VỊ TRƯỞNG TRONG HỆ THỐNG KIỂM BÁO:
Các cấp chỉ huy của Hệ-thống kiểm-báo có nhiệm kỳ tới khi cuộc chiến chấm dứt:
– Chỉ Huy Trưởng LĐKB : Đại Tá Phạm-Duy-Thân
– TT1KB /Tân Sơn Nhất : Trung Tá Cung-Đinh-Mộc
– TT2KB /Đà Nẵng : Trung Tá Nguyễn-Cầu
– Đ11KB /Cần Thơ : Thiếu Tá Nguyễn-Bửu-Lộc
– Đ12KB /Ban Mê Thuột : Thiếu Tá Hoàng-Bá-Mỹ
– Đ21KB /PleiKu : Thiếu Tá Trần-Quốc-Ban
– Đài Hướng dẫn (BOBS) Biên Hòa : Đại Úy Võ-Văn-Thông
– Đài Hướng dẫn (BOBS) Đ� Nẵng : Đại Úy Trần-Văn-Han
– Đài Hướng dẫn (BOBS) PleiKu : Đại Úy Đào-Đức-Vinh
CÁC ĐƠN VỊ KIỂM BÁO:
Hệ thống kiểm báo bao gồm 2 Trung-Tâm Kiểm-báo, 3 Đài Kiểm-báo và 3 Đài Hướng Dẫn (Bobs).
Trung Tâm và Đài Kiểm báo: Nhiệm vụ chung của các Trung Tâm và Đài Kiểm báo là kiểm soát không phận (Air Surveillance) và vùng phòng không xác đoán được giao phó (ADIZ=Air Defence Identification Zone), yểm trợ, hướng dẫn những phi vụ chiến thuật, (Tactical Air Control) liên lạc chặt chẽ với các Trung Tâm HQ không Trợ (Quân Đoàn), kiểm soát và yểm trợ không hành (Air Radar Control) cho các phi cơ quân sự và dân sự bay trong vùng không phận trách nhiệm.
Tổ chức: các trung-Tâm và Đài Kiểm báo có tổ chức tương tự như nhau, chỉ khác biệt về quân số và máy móc trang bị. Mỗi Trung Tâm hay Đài Kiểm báo đều có :
– Bộ Chỉ Huy và Ban Văn-thư
– phòng hành quân gồm Tổ chức phòng tối (Dark Room) và Ban Huấn Luyện và Duy trì khả năng.
– phòng tối : gồm 3 toán hành quân A, B, C, mỗi toán hướng dẫn bởi một sĩ quan Chỉ Đạo Trưởng(cấp bậc Đại-Úy) và một sĩ quan Phụ tá kiêm sĩ quan Nghênh cản phòng không (Đại-Úy). Ba toán hành quân A, B, C, luân phiên làm việc 24/24 giờ trong phòng Tối. Mỗi toán HQ trong phòng Tối được phân chia theo các ban:
+ Ban Hoạt động và Xác đoán: (M&I=Movement & Identification) theo dõi các phiếu kiểm soát không-lưu (flight strip) của các phi cơ bay vào vùng cũng như bay ra khỏi vùng không phận trách nhiệm.
+ Ban không cảnh (Plotter& Scope reading) quan sát các dấu vết phi cơ trong vùng trên máy radar scope (UPA-35).
+ Ban không Kiểm (Tactical Air Control) xử dụng hệ thống và tuyến viễn liên trên tần số VHF và UHF để liên lạc, hướng dẫn những phi vụ yểm trợ chiến trường bằng máy Radar và giữ liên lạc chặt chẽ với Trung Tâm HQ không Trợ (DASC).
+ Ban Kiểm soát không Hành (Air Radar Control) theo dõi tất cả các phi cơ quân và dân sự bay trong vùng kiểm soát.
+ Ban phòng không Nghênh Cản có nhiệm vụ hướng dẫn phi cơ nghênh cản (F5E) cất cánh nhận dạng (ID) những phi cơ lạ (unknown tracks) và áp dụng mọi biện pháp cần thiết đối với những phi cơ lạ theo tiêu lệnh căn bản về phòng không và chỉ thị của Bộ Chỉ Huy phòng không qua trung gian các Trung Tâm phòng không vùng.
+ Ban Huấn Luyện và Duy Trì khả năng : Theo dõi khả năng chuyên môn của các chuyên viên trong mọi vị trí và trách vụ trong phòng Tối và huấn luyện các chuyên viên HQ và KT theo tiêu chuẩn và kế hoạch của LĐKB.
– phòng Kỹ Thuật gồm Ban Bảo trì Radar và Ban Tiếp Liệu.
Ban Bảo Trì Radar có nhiệm vụ bảo toàn hiệu năng tối đa của các máy điện tử như máy dò phương hướng (Direction finder), máy đo cao độ (Height Finder), các Radar scope và hệ thống truyền tin viễn liên VHF, UHF, Hot Line, Tacan, Beacon v.v…
Ban Tiếp Liệu phụ trách việc liên lạc với phòng Kỹ Thuật LĐKB và Bộ Chỉ Huy KTTV KQ xin bổ xung, dự trữ các bộ phận thay thế cho các máy radar điện tử. Ngoài ra còn một tiểu ban Tiếp liệu tổng quát liên lạc với các Căn cứ hay Sư Đoàn KQ để lo về quân trang, vũ khí, quân xa, xăng nhớt cho Trung Tâm hay Đài Kiểm báo.
ĐÀI HƯỚNG DẪN (BOBS)
các Đài Hướng Dẫn BOBS được thành lập từ đầu thập niên 70 do nhu cầu yểm trợ hành quân của KQ trong giai đoạn chót của cuộc chiến. Về tổ chức, các Đài nầy đều trực thuộc Trung-Tâm hay Đài KB liên hệ nhưng cò cơ sở điều hành riêng biệt. Có 3 Đài hướng dẫn:
– Đài Hướng dẫn Biên Hòa, đồn trú trong căn cứ của SĐ3KQ ở Biên Hòa, trực thuộc TT1KB Tân Sơn Nhất.
– Đài Hướng dẫn PleiKu ở ngoài căn cứ SĐ6KQ ở PleiKu, trực thuộc Đài21KB.
– Đài Hướng dẫn Đà Nẵng, ở kế cận và trực thuộc TT2KB trên đỉnh núi Sơn Chà Đà nẵng.
4. Hoạt Động hành quân và thành Tích công tác:
Là một đơn vị Yểm Trợ hành quân góp mặt khắp 4 vùng Chiến Thuật, Liên Đoàn Kiểm báo với các Trung Tâm và Đài Kiểm báo, đã làm tròn trách vụ được không quân giao phó : kiểm soát không phận 24/24, yểm trợ không hành 24/24 cho các phi cơ quân sự cũng như dân sự, ngoài ra còn phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ Huy hành quân KQ và các Trung Tâm hành quân không Trợ, theo rõi, yểm trợ, hướng dẫn những phi vụ chiến thuật trên khắp các chiến trường trong nhiệm vụ bảo vệ Miền Nam Tự Do.
TrungTâm Kiểm báo 41 Đà nẵng năm 1965 dưới sự chỉ huy của Đại úy Đặng Văn Tiếp đã hướng dẫn những phi vụ Bắc phạt của không Lực Việt Nam mở đầu là phi vụ ngày 5 tháng 2- 1965 do Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ Tư Lệnh KQ hướng dẫn 8 phi tuần khu trục A1H oanh tạc Vĩnh Linh phía Bắc vỹ tuyến 17. Các mục tiêu địch bị tiêu hủy, tất cả phi cơ trở về căn cứ vô sự.
Trong phi vụ ngày 28- 2- 65, TTKB 41 đã hướng dẫn chiếc A1H do Trung Tá Dương Thiệu Hùng Tư Lệnh KĐ 41 lái bị trúng đạn phòng không của địch tại Đồng Hới bay về tới vịnh Đà Nẵng nhảy dù xuống biển an toàn và được trực thăng cứu cấp đưa về Tổng Y Viện Duy Tân.
Trong phi vụ ngày 19- 4- 65, hướng dẫn phi vụ oanh tạc căn cứ tiếp liệu của cộng sản Bắc Việt tại Hà Tĩnh do Trung Tá Tư Lệnh KĐ 23 CT Phạm Phú Quốc chỉ huy đã đạt được kết quả như dự trù nhưng phi cơ Tr/Tá Quốc lái bị trúng đạn phòng không của địch đã đâm xuống gần mục tiêu. TTKB 41 đã phối hợp chặt chẽ với TACC/North Sector của USAF, US Navy 7th Fleet, ASOC 1, hướng dẫn các phi cơ rescue cố cứu Tr/Tá Quốc nhưng vì thời tiết xấu (giông báo) nên phải bỏ cuộc. Trung Tá Phạm Phú Quốc được ghi nhận là mất tích.
Đài Hướng Dẫn (BOBS) Pleiku thuộc Đài Kiểm báo 921 trong chiến dịch Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, đã hướng dẫn nhiều phi tuần A37 thuộc Căn Cứ 60 CT Phù Cát (SĐ 6KQ) và Căn cứ 20 CT Phan Rang (SĐ 2KQ) đánh tập thể và chính xác vào vị trí của một trung Đoàn quân CSBV làm chúng thiệt hại nặng, la hoảng trên Đài phát thanh Hà Nội là Mỹ đã cho B52 oanh tạc trở lại.
Đài BOBS Pleiku cũng hướng dẫn phi cơ A37 đánh sập cầu Duyên Bình trên Quốc lộ 14 ngăn chặn xe tăng T54 của CSBV từ Campuchia tiến sang uy hiếp quân Đoàn II, đã được Tư Lệnh vùng 2 CT (Tr/Tướng N.V. Toàn) tặng thưởng 200 ngàn đồng.
Trung Tâm Kiểm Báo 41 trong trận hải chiến ngoài quần đảo Hoàng Sa tháng 4 năm 1974 giữa Hải quân VNCH do Hải quân Đại Tá Hồ Văn Ngạc chỉ huy và Hải quân Trung Cộng, đã hướng dẫn phi cơ F5E của KQVN nghênh cản phi cơ MIG 21 của cộng sản Tầu định tấn công các chiến hạm của ta trên đường rút về Đà nẵng.
Đài BOBS Sơn Chà thuộc TTKB 41 đầu năm 1975 đã hướng dẫn 9 chiếc C130 của SĐ 5KQ đánh một trận hỏa công thật đẹp ở Thu Bồn, tiêu diệt một Trung Đoàn Việt Cộng đang âm mưu xâm nhập thị xã Đà nẵng.
Đài Kiểm báo 621 Ban Mê Thuột là đơn vị Kiểm báo đầu tiên được tuyên dương công trạng trước quân-Đoàn II. Trong trận tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 của Cộng sản Bắc Việt và mặt trận GPMN, Đài Kiểm báo 621 dưới sự chỉ huy của Đại úy Trần-Đình-Giao đã tử thủ chống trả mãnh liệt nhiều đợt tấn công của quân VC, bảo vệ được cơ sở không bị địch xâm chiếm. Đại úy Giao đã được Trung Tướng Tư Lệnh quân-Đoàn II (Tr/Tg Vĩnh Lộc) thăng cấp Thiếu Tá tại mặt trận và ân thưởng Anh Dũng Bội-Tinh với ngôi sao vàng.
Đài 12 Kiểm báo Ban Mê Thuột, một lần nữa đã chứng tỏ tinh thần chiến đấu anh dũng quyết Tâm bảo vệ cơ sở. ngày 10 tháng 3 năm 1975, dưới sự chỉ huy của Thiếu Tá Hoàng Bá Mỹ, 310 anh em SQ, HSQ, BS thuộc Đài 12 Kiểm báo cùng với thành phần phòng thủ biệt phái, đã chiến đấu chống trả mãnh liệt trước sức tấn công của Trung Đoàn 25 VC và Tiểu Đoàn Đặc công 401 với chiến xa T54 hỗ trợ, cho đến khi bắn hết viên đạn cuối công và bị quân địch tràn ngập.
– CHT Đài là Thiếu Tá Hoàng-Bá-Mỹ bị thương và bị địch bắt.
– CHP Đài là Thiếu Tá Nguyễn-Văn-Phước cũng bị địch bắt.
các Anh hùng Kiểm báo đã anh dũng đền nợ nước trong trận nầy gồm:
– Đại úy Trần Văn Điệp, SQ Phụ tá phòng hành quân
– Thiếu úy Nguyễn Thế Minh, Trưởng ban Truyền Tin
– Thiếu úy Trần Hữu Thanh, SQ Chiến Tranh Chính Trị.
các Hạ sĩ quan: Thượng Sĩ Phạm Văn Hoa, Th/Sĩ Nguyễn Văn Phước, Th/Sĩ Nguyễn Văn Mẹo, Trung Sĩ I Hoàng Trung Chánh, Tr/Sĩ Nguyễn Văn Mẹo, Th/Sĩ Đào Huy Bích (HQ), Th/Sĩ Đỗ Dự, Th/Sĩ Hàn Bố Quang (TL), Th/Sĩ Trần Văn Khương (BT Radar), Th/Sĩ Trần Quang Tri (Ban VT), Th/Sĩ Y-Braham, Th/Sĩ Y-Wong (phòng vệ) và một số binh sĩ.
Tổ Quốc ghi ơn các anh !
Chú thích:
Tài liệu nầy được soạn thảo và trình bày do sự đóng góp của cựu Đại Tá Phạm-Duy-Thân (CHT/LĐKB), cựu Trung Tá Nguyễn-Cầu (CHT/TT2KB Đà Nẵng) và cựu Trung Tá Trần-Đình-Giao (cựu CHT/ĐKB Ban Mê Thuột 1965- 1969)
Hoàn tất ngày 5- 5- 2003
HQPD chân thành cám ơn quý Niên Trưởng và xin mạn phép đăng lại bài viết nầy từ http://khongquan-ucchau.cjb.net/, cũng xin gởi đến CB Sĩ Quan Kiểm Báo thuộc khóa 72E đã may mắn thóat chết trong trận đánh Ban Mê Thuộc 1975 nầy với tất cả sự ngưỡng mộ.Nguyễn-Anh
-
Việt Nam Những Tấm Hình Quý Hiếm.
Một kho tàng lịch sử bằng hình ảnh quý báu.
Xin quý vị click vào link để xem hình. -
GRIGORI PERELMAN :Thiên tài từ chối giải thưởng toán học
https://en.wikipedia.org/wiki/Grigori_Perelman
Thiên tài từ chối giải thưởng toán học “Fields Medal” cùng triệu đô tiền thưởng G. Perelman.
Thoạt nhìn, ai cũng sẽ nhầm lẫn người đàn ông này là một gã vô gia cư nào đó, với mái tóc bù xù, và quần áo xộc xệch. Nhưng thật ra, ông chính là Grigori Perelman, người được mệnh danh là thiên tài toán học, khi trở thành người duy nhất giải được bài toán hóc búa Poincaré trong 1 thế kỷ qua.Hai nhà báo Marc Nexon và Katia Swarovskaya của tờ Le Point (Pháp) từng tổ chức một chuyến đi dài ngày tới nước Nga, tìm người đàn ông được mệnh danh là thiên tài toán học Grigori Perelman. Khác với những gì người ta có thể tưởng tượng, Perelman sống trong một căn hộ 3 phòng ngủ 65m², tại một tòa chung cư đã cũ, và thậm chí còn không có thang máy. Ông từ chối mọi lời phỏng vấn của phóng viên, cũng như mọi giải thưởng danh giá, và danh tiếng mà mọi người muốn ông nhận.
Mỗi khi có phóng viên tìm đến, ông chỉ trả lời ngắn gọn: “Tôi không trả lời phỏng vấn”. Và khi phóng viên cố nán lại để được trò chuyện với ông lâu hơn: “Nhưng anh vẫn mạnh khỏe chứ?”. Ông trả lời: “Vẫn khỏe, cám ơn và xin chào”. Sau đó, ông vội đóng nhanh cánh cửa lại trước khi phóng viên có cơ hội hỏi thêm câu nào khác nữa.
Đam mê với toán học từ khi còn nhỏ
Grigori Perelman, tên khai sinh đầy đủ là Grigori Yakovlevich Perelman, sinh vào 13/6/1966 tại Leningrad (nay là Saint Petersburg, Nga) trong một gia đình gốc Do Thái. Vào thời điểm mà Liên bang Xô Viết còn chưa sụp đổ, mẹ ông, bà Ludmila là giáo viên dạy toán cho một trường trung cấp kỹ thuật, còn cha là một kỹ sư điện.
Năm 11 tuổi, Perelman đã tỏ ra vượt trội hơn những bạn đồng trang lứa về khả năng lý giải các môn khoa học, và chơi đàn violon. Ông ham học, và yêu thích việc học hơn bất cứ thứ gì trên đời. Có lần Perelman bị sốt cao 39,5 độ C, nhưng sau đó, ông đã lén đem cặp nhiệt kế nhúng vào nước đá để tiếp tục được đến trường.
Năm 14 tuổi, Perelman vào học ở trường số 239 Leningrad (nay là Saint- Pétersbourg), lớp chuyên toán.
Đến năm 1982, khi Perelman 16 tuổi, ông tiếp tục lọt vào danh sách 1 trong 6 thành viên thuộc đội tuyển Liên Xô tham dự cuộc thi Olympic toán quốc tế (IMO) lần thứ 23, tổ chức tại Budapest (Hungary), và giành được huy chương vàng với điểm số tuyệt đối 42/42.
Tuy nhiên, mặc dù thông minh nhưng Perelman được nhiều người nhận xét là có tính cách khá lập dị. Ông hầu như không tha thiết bất cứ thứ gì ngoài việc học tập và nghiên cứu, những gì người khác muốn ông đều không muốn, thậm chí cũng không hề bận tâm đến.
Ví dụ chuyện ăn mặc, có khi người ta thấy ông cài lệch mất một khuy áo, khi lại quên buộc dây giày, và không đi tất vào mùa đông.
Có lúc ông đột nhiên để móng tay rất dài, tận 5cm, và khi có ai hỏi thì ông trả lời: “Giống như việc người ta vẫn để những củ hành mọc ở ban công đó thôi”.
Evgueni Abakoumov, một người bạn từng đi trại hè với Perelman cho biết: “Đừng mất công rủ cậu ấy đi uống bia , bởi tâm trí cậu ấy luôn vẩn vơ ở một nơi nào đó rất xa”. “Thế đối với các cô gái thì sao?”, Evgueni trả lời: “Cậu ấy cũng không quan tâm”.
Perelman sau đó được đặc cách vào học ở trường đại học tổng hợp quốc gia Leningrad (LGU), và nhận được học bổng toàn phần mang tên ‘Lênin’ để chuyển lên làm nghiên cứu sinh.
Năm 1991, Perelman được trao giải thưởng của hội Toán học trẻ Leningrad về những đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên môn, và cũng là giải thưởng duy nhất trong đời mà ông nhận.
Năm 1996, Perelman tiếp tục được trao giải thưởng của hiệp hội Toán học châu Âu (EMS) cho các nhà toán học trẻ. Một giải thưởng mà nhiều người ao ước, vì sẽ bảo đảm cho người lĩnh giải được nhận vào làm tại các trường đại học danh giá nhất ở Mỹ và các nước châu Âu. Nhưng Grigori Perelman đã không chần chừ mà nhất quyết từ chối.
Ông tốt nghiệp bằng phó tiến sĩ khoa Toán cơ của LGU, chuyên về lĩnh vực nghiên cứu hình dáng các vật thể trong không gian, và được nhận về công tác cho Phân nhánh Leningrad thuộc viện Toán học cao cấp Steklov (LOMI, hiện là PDMI) lừng danh.
Người đầu tiên giải được giả thuyết Poincaré trong suốt 1 thế kỷ
Trong các lĩnh vực, ông say mê nhất là với hình học. Ở tuổi 26, Perelman từng bay sang Mỹ, dành 3 năm để đọc một loạt bài giảng tại các trường đại học hàng đầu. Và từ đó giả thuyết Poincaré cũng bắt đầu ám ảnh tâm trí Perelman.
(Giả thuyết Poincaré là công thức hình thể của vũ trụ, được nhà toán học người Pháp Jules Henri Poincaré (1854-1912) nêu ra vào năm 1904, là một trong những mệnh đề toán học hóc búa nhất suốt 1 thế kỷ qua chưa có lời giải đáp).
Ông luôn tự giam mình trong nhà, và đắm chìm trong thế giới của mình, nghiên cứu và tìm tòi để giải quyết bài toán hóc búa ấy.
Vào tháng 11/2002, ông đã bất ngờ công bố nghiên cứu dài 59 trang về giả thuyết Poincaré của mình lên mạng xã hội, không thông quá bất cứ tạp chí danh tiếng nào. Dường như, ông không hề quan tâm đến việc đặt bài nghiên cứu mình ở đâu, mà chỉ để thỏa mãn câu trả lời ấy cho riêng mình. Thời điểm ấy, công bố của ông đã trở thành một cú sốc lớn trên toàn thế giới.
“Chúng tôi đã phải cần tới 6 tháng nghiền ngẫm để có thể hiểu được những lập luận trong phần đầu của bài nghiên cứu này”. Gérard Besson, thành viên trong nhóm nghiên cứu, được giao nhiệm vụ đọc và giải mã các kết quả của Perelman.
Tuy nhiên, việc trở nên quá nổi tiếng, khiến ông không hề thoải mái, mà còn tỏ ra khó chịu và kỳ lạ khi nhiều người có thái độ đố kỵ với mình.
“Anh ấy là như vậy. Perelman luôn nghĩ rằng các nhà toán học phải là một cái gì đó rất thuần khiết và trong sáng”. Serguei Roukchine, giáo viên cũ của Perelman, người điều hành một trong các câu lạc bộ toán học nổi tiếng nhất của Saint – Pétersbourg lý giải.
Cũng từ đó, ông càng sống khép mình hơn, không cần đến bất kỳ người bạn nào. “Khi các thành viên của viện ngồi quanh bàn trò chuyện, uống nước chè và ăn bánh ngọt thì Perelman vẫn luôn nán lại ở góc phòng, trước màn hình máy vi tính”.
Từ chối tất cả để quy ẩn
Năm 2005, Perelman bất ngờ nộp đơn từ nhiệm cho Viện Steklov và tuyên bố rút khỏi cộng đồng toán học. Ông cũng yêu cầu hủy hết những thư từ liên lạc có liên quan đến mình.
“Tôi không có bạn và tôi cũng đã tỉnh mộng”, Perelman tuyên bố với viện trưởng Serguei Kisliakov.
Khi Kisliakov ngỏ lời mời Perelman quay trở lại viện bất cứ lúc nào anh muốn, ông đã cám ơn và nói rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra.
Không màng đến danh tiếng, hay tiền bạc, những giải thưởng như nỗi ám ảnh đối với ông. Perelman liên tục phải từ chối chúng.
Năm 2006, Liên minh Toán học Quốc tế (IMU) với trụ sở tại Berlin (Đức) quyết định trao huy chương Fields, phần thưởng cao quý vốn được mệnh danh là “giải Fields Medal Toán học” cho Perelman, nhưng ông thẳng thừng từ chối, mặc cho ban tổ chức có thuyết phục thế nào.
Năm 2007, tạp chí học thuật hàng đầu Sience đã tôn vinh danh hiệu Breakthrough of the Year (Khám phá của năm) cho Perelman. Đây là lần đầu tiên trong hơn một thế kỷ tồn tại của mình, tạp chí Sience mới phong danh hiệu này cho lĩnh vực toán học.
Đầu năm 2010, Viện Toán học Clay (CMI), một tổ chức phi lợi nhuận lừng danh có trụ sở ở thành phố Cambridge (Massachusetts, Mỹ), ra quyết định trao giải thưởng Thiên niên kỷ cho ông, vì đã chứng minh được Giả thuyết Poincaré kèm phần thưởng là 1 triệu USD.
Biết tích cách của ông, nên họ thậm chí còn đến tận nhà để trao giải, nhưng cũng như mọi giải thưởng kia, ông đều không nhận, cũng không quan tâm đến.
“Sau khi cân nhắc kỹ giữa việc nhận hay không nhận giải thưởng, tôi tuyên bố từ chối giải thưởng mà Quỹ Clay dự định trao cho tôi”, Perelman cho hay.
Trong những lần hiếm hoi chia sẻ suy nghĩ của mình, ông khẳng định rằng: “Tôi không hứng thú với tiền bạc hay danh vọng. Tôi không muốn bị trưng bày như động vật trong sở thú. Tôi không phải là một anh hùng toán học. Đó là lý do tại sao tôi không muốn mọi người nhìn mình”.
Năm 2011, Grigori Perelman lại một lần nữa, mất công phải từ chối trở thành viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Nga. Tuy đây chỉ là danh hiệu trong nước nhưng xét về giá trị vật chất thì nó còn lớn hơn tất cả những giải thưởng mà ông từng từ chối trước kia.
“Anh ấy có một đòi hỏi rất cao về đạo đức và từ chối tất cả các dạng thương mại hóa những nghiên cứu khoa học”, Serguei Roukchine lý giải.
Thậm chí, trong thời gian ở ẩn, vẫn còn rất nhiều các trường đại học như Princeton, Berkeley, MIT… những trường hàng đầu của Mỹ thường xuyên gửi lời mời tới Perelman, mong mỏi ông cùng cộng tác và định cư vĩnh viễn ở Mỹ. Nhưng Grigori Perelman kiên quyết từ chối tất cả.
Không ai rõ hiện tại ông sống bằng cái gì, bởi gia đình ông chẳng có nguồn thu nhập nào khác ngoài tiền lương hưu của mẹ và khoảng tiền nhỏ mà Léna, cô em gái, hiện sống ở Thụy Điển thỉnh thoảng gửi về.
Thậm chí ông cũng rất ít khi đi ra ngoài, và thường chỉ đi ra để mua sắm một cái gì đó. Hàng xóm xung quanh khu chung cư cũng không ai biết nhiều về ông, vì họ thường chỉ trả lời nhau trong một vài câu xã giao nho nhỏ. Thỉnh thoảng cánh nhà báo vẫn tìm đến ông, nhưng đều bị ông từ chối.
Lý giải về việc không muốn nổi tiếng của mình, ông trả lời rằng: “Tôi đã có tất cả những gì mình muốn, nên không quan tâm đến tiền bạc hay danh vọng!”.
“Perelman đã mơ ước chinh phục được đỉnh Everest trong toán và cậu ấy đã làm được điều đó. Giờ đây cậu ấy cảm thấy trống rỗng và muốn rằng mọi người để cậu ấy được yên”, Valery Ryzhik, cựu giáo viên môn toán của Perelman chia sẻ.
Theo Internet
-
Người Việt đầu tiên đến nước Mỹ
Hà Đình Nguyên
Hiện ở P.Long Bình, Q.9, TP.HCM có con đường mang tên Trần Trọng Khiêm. Có lẽ ít ai biết đây chính là người đã đặt chân đến nước Mỹ cách đây hơn 170 năm.
Tranh vẽ minh họa hành trình của ông Trần Trọng Khiêm
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1842 (năm Minh Mạng thứ 23) ở làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao (Phú Thọ) có một chàng thanh niên 21 tuổi tên Trần Trọng Khiêm phạm trọng án. Số là người vợ mới cưới của anh bị tên chánh tổng ép bức, làm nhục rồi sát hại. Căm giận, Trần Trọng Khiêm quyết báo thù. Sau khi tương kế tựu kế giết chết tên vô lại, anh trốn xuống Phố Hiến (Hưng Yên) rồi xin vào làm việc trên một chiếc tàu buôn ngoại quốc, khởi đầu cho những chuyến phiêu lưu khắp năm châu bốn biển.
Suốt 12 năm (1842 – 1854), Trần Trọng Khiêm đã đi qua nhiều vùng đất từ Á sang Âu: Hồng Kông, Anh, Hà Lan, Pháp… Nhờ trí thông minh, đi đến đâu anh cũng cố gắng học tiếng địa phương. Năm 1849, anh đặt chân đến thành phố New Orleans (Mỹ), bắt đầu chặng đường 4 năm phiêu bạt ở Mỹ cho đến khi tìm đường về cố hương.
Sau khi đến Mỹ, Trần Trọng Khiêm bấy giờ 28 tuổi, cải trang thành một người Trung Hoa tên là Lê Kim rồi gia nhập đoàn người đi tìm vàng ở miền Viễn Tây. Trong gần 2 năm, Lê Kim sống cuộc đời của một cao bồi miền Tây thực thụ. Anh đã tham gia đoàn đào vàng do một người Canada tên Mark khởi xướng. Để tham gia đoàn này, tất cả thành viên phải góp tiền mua lương thực và chuẩn bị lên đường. Lê Kim góp 200 USD vào thời điểm năm 1849. Do biết nhiều ngoại ngữ, anh được ủy nhiệm làm liên lạc cho thủ lĩnh Mark và làm phiên dịch cho những thành viên trong đoàn gồm tiếng Hà Lan, Trung, Pháp… (trong cuốn sách La Ruée Vers L’or của tác giả Rene Lefebre (nhà xuất bản Dumas, Lyon, 1937) có kể về con đường tìm vàng của Lê Kim và những người đa quốc tịch Canada, Anh, Pháp, Hà Lan, Mexico…). Anh nói với mọi người rằng anh còn biết một thứ tiếng nữa là tiếng Việt nhưng không cần dùng đến. Lê Kim cũng nói anh không phải người Hoa nhưng đất nước của anh nằm cạnh nước Tàu.
Lê Kim và những người tìm vàng đã vượt sông Nebraska, qua dãy núi Rocky, đi về Laramie, Salt Lake City, vừa đi vừa hát bài ca rất nổi tiếng thời đó là Oh! Suzannah (Oh! My Suzannah! Đừng khóc nữa em! Anh đi Cali đào vàng. Đợi anh hai năm, anh sẽ trở về. Mình cùng nhau cất ngôi nhà hạnh phúc…). Trong đoàn, Lê Kim nổi tiếng là người lịch thiệp, cư xử đàng hoàng, tử tế nên rất được kính trọng, nhưng đó đúng là một chuyến đi mạo hiểm – họ thường xuyên đối mặt với hiểm họa đói khát và sự tấn công của người da đỏ. Sốt rét và rắn độc cũng đã cướp đi quá nửa số thành viên trong đoàn.
Sau khi tích trữ được một chút vàng làm vốn liếng, Lê Kim quay trở lại San Francisco. Vào giữa thế kỷ 19, nơi đây còn là một thị trấn đầy bụi bặm, trộm cướp. Là người tháo vát, xông xáo lại biết nhiều ngoại ngữ, Lê Kim nhanh chóng xin được làm phóng viên tự do cho nhiều tờ báo như: Alta California, Morning Post rồi làm biên tập cho tờ nhật báo Daily Evening.
Lê Kim hướng sự thương cảm sâu sắc đến những người da vàng làm việc ở những mỏ khai thác vàng là nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc. Nhiều bài báo của anh đăng trên tờ Daily Evening hiện vẫn còn lưu giữ ở thư viện Đại học California. Đặc biệt, trong số báo ra ngày 8.11.1853, có một bài báo đã kể chi tiết về cuộc gặp giữa Lê Kim và vị tướng Mỹ John A.Sutter. Tướng Sutter vốn trước là người có công khai phá thị trấn San Francisco. Khi Lê Kim mới đến đây, anh đã được tướng Sutter giúp đỡ rất nhiều. Sau khi bị lật đổ, tướng Sutter bị bệnh tâm thần và sống lang thang ở các bến tàu để xin ăn, bạn bè thân thiết đều không ai đoái hoài đến.
Khi gặp lại, Lê Kim đã cho vị tướng bất hạnh 200 USD và chê trách thái độ của người dân San Francisco cũng như nước Mỹ đối với người khai phá ra vùng đất San Francisco.
Sang năm 1854, khi đã quá mệt mỏi với cuộc sống nhiễu nhương ở Mỹ, cộng thêm nỗi nhớ quê hương ngày đêm thúc giục, Lê Kim đã tìm đường trở lại Việt Nam. Nhưng anh cũng đã kịp để lại nước Mỹ dấu ấn của mình, trở thành người Việt Nam đầu tiên cưỡi ngựa, bắn súng như một cao bồi và cũng là người Việt đầu tiên làm ký giả cho báo chí Mỹ.
“Người Minh Hương” cầm quân chống Pháp
Năm 1854, Trần Trọng Khiêm trở về Việt Nam vẫn dưới cái tên Lê Kim. Để tránh bị truy nã, ông không dám trở về quê nhà mà phải lấy thân phận là người Minh Hương (người gốc Hoa, không chịu thần phục nhà Thanh nên di dân sang Việt Nam – NV) đi khai hoang ở tỉnh Định Tường. Ông là người có công khai hoang, sáng lập ra làng Hòa An, phủ Tân Thành, tỉnh Định Tường. Tại đây, ông tục huyền với một người phụ nữ họ Phan và sinh được hai người con trai.
Trong bức thư bằng chữ Nôm gửi về cho người anh ruột Trần Mạnh Trí ở làng Xuân Lũng vào năm 1860, Lê Kim đã kể tường tận hành trình hơn 10 năm phiêu dạt của mình từ một con tàu ngoại quốc ở Phố Hiến đến những ngày tháng đầy khắc nghiệt ở Mỹ rồi trở về an cư lạc nghiệp ở Định Tường.
Chưa đầy 10 năm sau khi Pháp xâm lược Việt Nam, Lê Kim từ bỏ nhà cửa, ruộng đất, dùng toàn bộ tài sản của mình cùng với Võ Duy Dương mộ được mấy ngàn nghĩa binh phất cờ khởi nghĩa ở Đồng Tháp Mười, trở thành một vị tướng giỏi. Năm 1866, trong một đợt truy quét của Pháp do tướng De La Grandière chỉ huy, quân khởi nghĩa thất thủ, Lê Kim đã tuẫn tiết chứ nhất quyết không chịu rơi vào tay giặc. Trên mộ của Lê Kim ở Giồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp) có khắc đôi câu đối: “Lòng trời không tựa, tấm gương tiết nghĩa vì nước quyên sinh/Chính khí nêu cao, tinh thần hùng nhị còn truyền hậu thế”.
-
Máu của loài CUA MÓNG NGỰA
Cua móng ngựa là một loài động vật chân đốt thuộc họ Limilidae. Tồn tại trên Trái Đất từ cách đây 450 triệu năm, loài cua này còn được mệnh danh là những hóa thạch sống. Máu của chúng có màu xanh da trời.
Và có thể bạn chưa biết, thứ chất lỏng đó là một trong những nguồn tài nguyên đắt nhất thế giới. Mỗi lít máu cua móng ngựa có giá khoảng 16.000 USD, tương đương 370 triệu VNĐ. Nhưng tại sao nó lại đắt đến vậy?
Mỗi lít máu của loài cua này có giá 370 triệu đồng
Tồn tại trên Trái Đất từ cách đây 450 triệu năm, loài cua máu xanh này còn được mệnh danh là những hóa thạch sống
Thứ làm nên màu xanh trong máu cua móng ngựa chính là đồng. Nhưng bạn không thể khai thác đồng trong một lít máu mà lãi tới hơn 370 triệu được.
Hợp chất đắt giá nhất mà những con cua móng ngựa nắm giữ trong máu mình là Limulus Amebocyte Lysate (LAL), chất đông máu duy nhất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ bắt buộc sử dụng cho các thử nghiệm độ an toàn của vắc-xin.
Trước khi biết đến LAL, các nhà khoa học không hề có cách nào để biết vắc-xin họ sản xuất ra, hoặc các dụng cụ y tế mà họ đang sử dụng, có bị nhiễm khuẩn hay không. Để kiểm tra điều đó, họ phải tiêm trước vắc-xin vào những con thỏ, và chờ đợi xem chúng sống chết ra sao, có xuất hiện triệu chứng nhiễm trùng hay không.
Cho đến năm 1970, phát hiện về LAL đã thay đổi toàn bộ quy trình thử nghiệm đó. Một nhà khoa học bây giờ chỉ cần nhỏ một lượng cực nhỏ LAL vào vắc-xin hoặc dụng cụ y tế. Nếu vi khuẩn gram âm xuất hiện trong đó, LAL sẽ bao chúng lại bằng một cái kén thạch nhìn thấy được.
Mặc dù kén thạch này không tiêu diệt vi khuẩn, nhưng nó là hoạt động như một chiếc chuông báo cháy. LAL thông báo cho chúng ta biết về sự hiện diện của mầm bệnh, về khả năng nhiễm trùng có thể gây tử vong nếu vẫn sử dụng vắc-xin hoặc dụng cụ y tế nhiễm khuẩn.
Với tính chất đặc biệt ấy, FDA yêu cầu mọi công ty dược phẩm phải kiểm tra vắc-xin của mình với LAL trước khi đưa ra thị trường. Để có được lượng LAL cần thiết, mỗi năm Hoa Kỳ phải bắt tới 600.000 con cua móng ngựa.
Chúng được đưa vào nhà máy, trích 30% máu sau đó thả trở lại tự nhiên. Chuyến ghé thăm hiến máu cho con người kéo dài từ 24-72 tiếng đồng hồ. Và không phải con cua nào cũng có thể sống sót sau thủ thuật khắc nghiệt ấy.
Có khoảng 30% số lượng cua sẽ chết ngay trong quá trình rút máu. Trong khoảng vài ngày sau đó, sẽ lại có từ 10-25% cua móng ngựa tiếp tục chết vì thiếu máu. Ngay cả khi sống sót, những con cua này nhiều khả năng cũng gặp vấn đề trong việc xác định phương hướng hoặc sinh sản.
Chỉ có những con cua móng ngựa sống trên 2 tuần sau khi mất máu mới có thể hồi phục và tiếp tục sống khỏe mạnh sau đó.
Các nhà khoa học biết nguồn tài nguyên từ máu cua móng ngựa rất quan trọng đối với ngành dược phẩm. Bởi vậy, hoạt động bảo tồn loài cua này rất được chú trọng.
Con người cần bảo tồn cua móng ngựa, nếu không muốn mất đi một nguồn tài nguyên quan trọng
Khai thác máu cua móng ngựa trong hàng thập kỷ đã khiến quần thể loài sinh vật này giảm sút. Trong 40 năm tới, các nhà khoa học ước tính một lượng 30% cua móng ngựa sẽ biến mất.
Năm 2016, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã buộc Mỹ đưa loài cua này vào sách đỏ. Nhiều nhóm vận động bảo đang kêu gọi ngành dược phẩm đối xử nhân đạo với những con cua, trong khi đó, cấm hoàn toàn việc sử dụng loài cua này làm mồi câu cá.
Với những động thái này, quần thể cua móng ngựa ở Nam Carolina đang có dấu hiệu hồi phục trở lại. Bảo vệ loài cua cổ xưa chính là bảo vệ sự an toàn cho những liều vắc-xin của chúng ta.
-
HỐ THIÊN THẠCH 50000 NĂM TUỔI
Nhìn từ trên cao , hố thiên thạch khổng lồ này thường bị nhầm là núi lửa .
Hố thiên thạch Barringer là một trong những hố sâu khổng lồ trên trái đất , hình thành do va chạm với thiên thạch .
Hố này nằm ở phía bắc sa mạc Arizona , cách thành phố Las Vegas – Mỹ khoảng 300 dặm .
Hố nằm ở độ cao trên mặt nước biển khoảng 1.740 m .
Đường kính 1.200 m , sâu 170 m và được bao quanh bởi vành đai 45 m so với đồng bằng xung quanh .
Hố sâu này được tạo nên , một trong những vụ rơi thiên thạch Vevivs hego 300.000 tấn và bay với vạn tốc khoảng 45 đến 60.000 km / giờ .
Bởi kích thước khổng lồ . Trước năm 1960 , mọi người tưởng nhầm đây là miệng núi lửa .
Một trong những đặc điểm thú vị của hố thiên thạch 50.000 năm tuổi này là , định dạng hình vuông của nó . Có thể thấy rõ nếu nhìn từ trên cao .
Điều này được cho là do các mối nối khu vực hiện tại ( các vết nứt ) ở tầng địa chất tại nơi đây tác động .
Sở hữu địa hình gồ ghề , khắc nghiệt đáng sợ . Được ví như mặt trăng trên trái đất .
Khu vực hố thiên thạch là một trong những nơi đào tạo các phi hành gia , trước khi lên mặt trăng .
Hố thiên thạch cũng là điểm du lịch nổi tiếng của Arizona , thuộc sở hữu tư nhân Barringer .
Tại đây , du khách có thể ghé thăm các triển lãm về thiẻn thạch , tiểu hành tinh , không gian , hệ mặt trời và Sao Chổi .
Điều thú vị là du khách có thể thấy thiên thạch nặng 637 pound , được tìm thấy trong khu vực cũng như các mãnh vỡ của miệng núi lửa thiên thạch , được tìm thấy ở Arizona .
Thiên thạch nặng 637 pound được trưng bày tại điểm du lịch hố thiên thạch Barringer .
Người dân địa phương thường đồn đại về sự xuất hiện của UFO ở khu vực này .
-
Nữ sinh Đồng Khánh nói về bài thơ ‘Hai sắc hoa ti gôn’
Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn,
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc,
Tôi chờ người đến với yêu đương.
Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong,
Và phương trời thẳm mờ sương, cát,
Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng.
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài trong lúc thấy tôi vui,
Bảo rằng: “Hoa, dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!”
Thuở ấy, nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly,
Cho nên cười đáp: “Màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy”
Đâu biết lần đi một lỡ làng,
Dưới trời đau khổ chết yêu đương.
Người xa xăm quá! – Tôi buồn lắm,
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường…
Từ đấy, thu rồi, thu lại thu,
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ…
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ.
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết,
Vẫn giấu trong tim bóng “một người”.
Buồn quá! hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ.
Và đỏ như màu máu thắm pha!
Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi…
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã,
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ,
Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng,
Người ấy sang sông đứng ngóng đò.
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
Trời ơi! Người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa… vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?
Tác giả: TTKH
Nguồn:
1. Tiểu thuyết thứ bảy, số 179, 30-10-1937
2. Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2005
Tác giả bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn” là người Phủ Lý?
Vietnamnet vừa đăng bài viết “Giai nhân Hà thành tiết lộ về tác giả bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn“, theo đó, một cựu nữ sinh trường Đồng Khánh đã tiết lộ tác giả bài thơ nổi tiếng trên là người Phủ Lý. Xin giới thiệu bài viết này.
Giai nhân Hà thành tiết lộ về tác giả bài thơ ‘Hai sắc hoa ti gôn’
Một ngày cuối tháng 5, tại căn nhà nằm khuất sâu trong con ngõ nhỏ Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Hà Nội, chúng tôi có dịp gặp gỡ bà Viên Thị Thuận, năm nay 94 tuổi, một trong những nữ sinh Đồng Khánh thuở nào.
Trường nữ sinh Đồng Khánh – Hà Nội (College de Jeunes Filles) được thành lập năm 1917, nay là trường THCS Trưng Vương – Hà Nội, là ngôi trường duy nhất của miền Bắc dành riêng cho nữ sinh tới cấp trung học.
Lớp của bà Viên Thị Thuận khóa 1934 – 1942.
Ngôi trường được xây dựng vào những thập niên đầu thế kỷ 20, khi vấn đề nữ quyền đang gặp nhiều rào cản của tư tưởng phong kiến.
Từ đây, nhiều tiểu thư khuê các nhanh chóng bước ra khỏi chốn “màn che trướng rủ” để nhập cuộc với thời đại, trở thành những nữ sinh Đồng Khánh có tiếng duyên dáng và nết na.
Trong số họ có rất nhiều người là bậc kỳ nữ tài hoa sau này, như giáo sư Lê Thi (Dương Thị Thoa) con gái GS Dương Quảng Hàm, nhà giáo Hoàng Xuân Sính – nữ tiến sĩ toán học đầu tiên ở Việt Nam…
Bên cạnh đó, trường Đồng Khánh còn được nhiều người biết đến là ngôi trường của những giai nhân…
Ngôi trường của những giai nhân
Trong tâm trí người Hà Nội xưa, trường nữ sinh Đồng Khánh nổi tiếng với những cô học trò xinh đẹp đầy mộng mơ, hồn thiên thướt tha trong tà áo dài đã trở thành một miền kí ức khó phai.
Một ngày cuối tháng 5, tại căn nhà nằm khuất sâu trong con ngõ nhỏ Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Hà Nội, chúng tôi có dịp gặp gỡ bà Viên Thị Thuận, năm nay 94 tuổi, một trong những nữ sinh Đồng Khánh thuở nào.
Thời gian dẫu nhuốm màu tuổi tác, nhưng vẻ quý phái, thanh tao của giai nhân Hà thành ngày đó vẫn toát ra từ người đàn bà ở tuổi cửu thập cổ lai hy này.
Bằng chất giọng nhỏ nhẹ với phong thái đoan trang, bà Thuận kể: “Muốn vào trường Đồng Khánh học, các học trò phải vượt qua các kỳ thi gắt gao, chỉ ai thực sự học giỏi mới đỗ được vào trường Đồng Khánh”.
Theo bà Thuận, ngày xưa nữ sinh Đồng Khánh được học toàn diện, họ không chỉ được dạy văn hóa, dạy tiếng Pháp mà còn được dạy nữ công gia chánh, hát, đàn piano, thể dục thể thao.
Bên cạnh đó, trường còn dạy thêu thùa may vá, cách tắm và chăm sóc cho trẻ sơ sinh, cách chi tiêu sao cho hợp lý bằng cách phân loại ra tiền điện, tiền nước, tiền ăn…
Ngày đó, nữ sinh Đồng Khánh nổi tiếng không chỉ thông minh, xinh đẹp mà còn hết sức nết na thuỳ mị. Ai cũng dịu dàng đài các, rất đỗi đa cảm nhưng vô cùng kín đáo, tế nhị. Dù có thích ai họ cũng chỉ giữ kín trong lòng hoặc gửi gắm vào những trang lưu bút.
Cựu nữ sinh Đồng Khánh cho biết: “Ngày đó cuộc sống của chúng tôi nói riêng và các tiểu thư đương thời nói chung rất lãng mạn. Chúng tôi thường đọc thơ và chép thơ vào những quyển lưu bút”.
Một cô bạn cùng lớp bà Thuận, so với các bạn có phần cá tính, mạnh mẽ hơn nhưng tâm hồn cũng không kém phần lãng mạn, cô là con gái một bác sĩ.
Cô bạn này có tình cảm với thầy giáo dạy thể thao người Pháp, đẹp trai và phong độ. Bị các bạn trong lớp phát hiện, trêu đùa, cô thường hay ngượng ngùng.
Rồi mối tình đơn phương đó cũng sớm kết thúc khi thấy giáo kết hôn cùng người phụ nữ khác. Còn cô thì gửi nỗi buồn da diết của mối tình đầu tan vỡ vào những quyển sổ lưu bút.
Bà Viên Thị Thuận cho biết thêm, các nữ sinh Đồng Khánh thường mặc áo dài thướt tha, thả mái tóc dài mượt, gọn gẽ đến trường.
Đặc biệt, theo nội quy nhà trường, không ai được phép trang điểm khi đi học. Thế mà các nữ sinh Đồng Khánh lại rất đẹp, đẹp đến hút hồn khiến bao trái tim nam sinh các trường THPT, ĐH phải si mê, ngơ ngẩn. heo đó nam nữ học riêng, buổi chiều tan học, nam sinh từ các trường khác thường mon men đến cổng trường Đồng Khánh, đứng ngắm, nhìn trộm từ xa lúc các cô gái tan học về. Hầu như chàng trai nào cũng mơ được làm quen với một nữ sinh Đồng Khánh.
Họ coi đó là niềm hãnh diện, tự hào để khoe với bạn bè, nhưng điều này quả là chuyện khó, bởi mấy nữ sinh Đồng Khánh luôn lạnh như băng, thâm trầm như biển sâu. Với họ nữ sinh Đồng Khánh luôn là… một ẩn số.
Tác giả bí ẩn của bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn”
Bà Thuận cho biết, học sinh nữ từ các tỉnh miền Bắc về đây học tập, phần lớn là con gái gia đình trung lưu, có địa vị trong xã hội. Vào thời gian bà Thuận học năm 3 ở trường Đồng Khánh, có người bạn rất xinh đẹp, tên là Phạm Thị Lý (SN 1922, quê ở Phủ Lý).
Người bạn này của bà được mệnh danh là hoa khôi trường Đồng Khánh, xinh đẹp, thông minh nhưng gia đình muốn bà lấy một người chồng bà không có tình cảm. Vốn có tâm hồn đa sầu, đa cảm nên khi phải lấy người mình không yêu, bà rất buồn bã.
Bà Viên Thị Thuận chia sẻ: “Cũng có thể trong lòng bà ấy đã có ý trung nhân nào khác nhưng ở thời kỳ nữ quyền vừa bắt đầu những bước đi đầu tiên, vẫn mang nặng tư tưởng phong kiến thì việc dành tình cảm cho người con trai nào đó, dẫu “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” là điều không thể. Nên khi phải về lấy chồng bà ấy rất buồn… Trước khi lấy chồng, bà Phạm Thị Lý đã sáng tác bài thơ ‘Hai sắc hoa ti gôn’ gửi đăng báo bằng bút danh TTKH, với mục đích giấu tên.
Bà không ngờ được bài thơ mình sáng tác trong cái giây phút ngẫu hứng lại trở nên nổi tiếng cho đến ngày nay. Hôm đó, bà Lý cùng tôi đến tòa soạn gửi bài thơ rồi đi thẳng nên chẳng ai tìm được tác giả”.
Bà Thuận cũng cho biết thêm: “Trước khi gửi đăng báo, bà Lý từng đọc cho các bạn trong lớp nghe…”.
Sau này, rất nhiều giả thiết được đưa ra để xác định tác giả thực sự nhưng đều dừng lại ở mức độ nghi vấn, vì tác giả bài thơ chưa bao giờ lên tiếng xác nhận.
Hình như, dù là cuộc hôn nhân “ép buộc” nhưng cuộc đời bà lại vô cùng hạnh phúc. Có thể vì thế, những cảm xúc đầu đời cùng bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn” được bà Lý cất gọn trong kí ức.
Vợ chồng bà sinh được 10 người con, sau này bà theo chồng sang Mỹ định cư và mất ở tuổi 80. Và, tác giả của một bài thơ nổi tiếng giờ vẫn là bí ẩn trong văn đàn.
Một nữ sinh nổi tiếng khác của trường Đồng Khánh, không thể không nhắc đến là GS Lê Thi tên thật là Dương Thị Thoa, con gái của cố GS Dương Quảng Hàm.
Bà cùng các anh chị em được cha mẹ cho ăn học tử tế ngay từ khi còn nhỏ. Bà chính là một trong hai nữ sinh đã kéo cờ trong ngày độc lập đầu tiên tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945.
Gần 80 năm đã trôi qua, nữ sinh trường Đồng Khánh cùng khóa bà Thuận chỉ còn lại vài người. Nhưng mỗi dịp có cơ hội gặp gỡ, họ vẫn tranh thủ ngồi lại hàn huyên và ôn lại những kỉ niệm vàng son thủa nào…
—-
(Theo : Vietnam.net)
-
Vua Thành Thái thiết lập Quốc Học
Chỉ dụ Hoàng Đế Thành Thái thiết lập Quốc Học
Emperor Thành Thái’s Edict to Establish the Quốc Học, 1896
Lê Minh Khai / Tôn Thất Tuệ dịch
Năm 1896, Triều Nguyễn thiết lập một học đường ở Kinh Đô để dạy Pháp Văn, là Quốc Học từ tên gốc là Quốc học trường 國學場; tên tiếng Pháp là Collège National (thời ấy “national” – quốc gia – có nghĩa học tiếng Pháp).
Chính quyền thuộc địa Pháp đã có sáng kiến nầy và được vua Thành Thái (TT) chấp thuận qua sự đồng ý của triều đình.
Để chính thức thành lập Quốc Học, TT đã ban hành một chỉ dụ bằng chữ Hán, nói rõ vua thuận phê chuẩn sự thiết lập nầy. Ít lâu sau, toàn quyền Paul Armand Rousseau ký một nghị định thi hành công lệnh ấy tức là thiết lập ngôi trường, kèm theo bản dịch tiếng Pháp chỉ dụ nêu trên.
So sánh công lệnh Hán Việt và bản tiếng Pháp, thì người dịch đã bỏ nhiều điều. Nếu đọc nguyên văn chỉ dụ nầy, chúng ta có thể biết cái nhìn của vua và triều đình về thế giới rất sâu sắc, không có trong bản đính kèm nghị định của Rousseau.
Chỉ dụ Thành Thái mang nhiều chi tiết thực tiển như cách chọn giáo sư, cách tuyển học sinh thì được dịch chính xác và đầy đủ. Nhưng phần mở đầu của chỉ dụ không được như thế.
Công lệnh bắt đầu với lời giải thích vì sao cần có một trường dạy Pháp ngữ. Bản dịch và bản chính có sự khác biệt to lớn. Sự khác biệt nầy giúp người đọc thấy rằng Hán Văn cổ điển và tiếng Pháp không những thuần túy chỉ là hai ngôn ngữ tách biệt, mà chúng còn cho chúng ta một ý niệm rõ ràng về sự khác nhau giữa hai nền văn hóa và hai thế giới quan khác nhau.
Trích bản dịch: Quand on veut donner un développement sérieux à l’instruction, on ne se borne pas à un enseignement exclusif, de même que pour assurer la régularité de l’enseignement, il est indispensable de créer des cours d’études. Or, eu dehors des livres sacrés de Chine, il existe d’autres ouvrages des divers pays et le mandat de porter la parole est chose très importante dans les relations internationales. ngưng.
Diễn qua chữ Việt: Nếu muốn đem lại cho nền giáo dục một sự phát triển đứng đắng thì không nên tự giới hạn trong sự dạy dỗ chuyên biệt độc quyền. Cũng giống vậy, để bảo đảm tính cách điều hòa của ngành giáo huấn, cần mở thêm các ngành học mới. Ngày nay ngoài những Thánh Điển từ bên Tàu và tác phẩm từ nhiều nước khác nhau, khả năng nói, đàm thoại là điều vô cùng quan trọng trong các mối liên lạc quốc tế.
諭學無常師, 欲其博也。教必立學, 欲其專也. 蓋六經之外別有方書,列國之交,重在辭命。Dụ học vô thường sư, dục kỳ bác giả. Giáo tất lập học, dục kỳ chuyên dã. Cái lục kinh chi ngoại biệt hữu phương thư, liệt quốc chi giao trọng tại từ mệnh.
(Trong phương cách học mà không cần có thầy giáo thường xuyên, thì người học tự tìm cách mở rộng kiến thức. Nhưng trong việc giáo huấn, cần có một học đường dạy những phần chuyên môn hóa. Ngoài “Lục Kinh” còn có sách vở từng khu vực địa phương. Nhưng trong việc giao thiệp giữa các nước cần có khả năng biện thuyết, đàm thoại).
Những danh tự sau đây cho thấy thế giới quan của TT. Học vô thường sư 學無常師; học không cần thầy thường xuyên; Lục Kinh 六經 và phương thư 方書, sách vở từng vùng; từ mệnh 辭命, khả năng thuyết giải, đàm thoại, và liệt quốc chi giao 列國之交, giao tiếp giữa các quốc gia. Nhưng chúng không có trong bản dịch.
Học vô thường sư 學無常師, tìm tòi cầu đạt những kiến thức một cách rộng rãi, nhiều nơi chứ không với một ông giáo kỳ cựu “sỉa rẹn” một chỗ. Ý nầy trước đây học giả Hàn Dũ 韓愈 nhà Đường đã nêu trong luận văn danh tiếng nhan đề sư thuyết 師說.
聖人無常師:孔子師郯子、萇弘、師襄、老聃。郯子之徒,其賢不及孔子。孔子曰:「三人行,則必有我師」。是故弟子不必不如師,師不必賢於弟子。聞道有先後,術業有專攻,如是而已。
Thánh nhân vô thường sư: Không Tử sư Đam Tử, Trương Hoằng, Sư Tướng, Lão Đan. Đam Tử chi đồ kỳ hiền bất cập Khổng Tử. Khổng Tử viết: Tam nhân hành tất tắc hữu ngã sư. Thị cố đệ tử bất tất bất như sư. Sư bất tất hiền vu đệ tử. Văn đạo hữu tiên hậu, thuật nghiệp hữu truyền công. Như thị nhi dĩ.
Thánh nhân không có thầy cố định. Khổng Tử chọn làm thầy những ông Đam Tử, Trương Hoằng, Sư Tướng, Lão Đan, nhóm người như Đam Tử không giỏi, không khôn bằng Khổng Tử. Khổng Tử nói: ba người đi trước mặt ta, nhất định có một người là thầy ta. Như vậy đệ tử không nhất thiết kém hơn thầy; và thầy không nhất thiết giỏi hơn khôn hơn đệ tử. Chuyện là một kẻ đã học đạo trước một kẻ khác; hoặc một người nào đó có kỹ năng chuyên môn hóa. Chỉ chừng đó thôi.
TT mở đầu như vậy để giải thích với quần thần vì sao vua đã ra lệnh thiết lập một trường dạy tiếng Tây. Hẵn rõ TT đang gặp sự chống đối của các học sĩ chính thống cửa Khổng sân Trình; nhóm nầy xem người Pháp là man rợ có kiến thức kém. Do đó vua dùng Khổng học mà biện luận. Khi nói Khổng Tử và các hiền giả đều học với bất cứ ai, TT muốn nói con các quan, con triều thần có thể học với người Pháp.
Vua giải thích rằng kiến thức của người Pháp nằm ngoài Lục Kinh (Lục Kinh chi ngoại 六經之外) nhưng nằm trong sách vở từng vùng khác nhau ngoài nước Tàu (phương thư 方書). Người Tây viết về điểm nầy như sau: Or, eu dehors des livres sacrés de Chine, il existe d’autres ouvrages des divers pays. Ngoại trừ những thánh điển của Tàu, còn có những tác phẩm khác từ nhiều xứ khác nhau.
Khi TT chỉ nói Lục Kinh thì bản dịch là các sách linh thiêng của Tàu (les livres sacrés de Chine). Người Tây xem những chương sách người An Nam học là sách Tàu, của Tàu, nhưng TT chỉ đơn giản nói Lục Kinh. Xa hơn tí nữa, trong bản dịch, người Pháp xem Lục Kinh và sách ngoài (phương thư 方書) cùng mức giá trị như nhau; nhưng bản Hán tự của TT không xem như vậy. Thay vào đó, Lục Kinh và phương thư có hệ cấp giá trị không tương đồng.
“Phương” xem như nghịch với trung ương, thủ đô. Phương thư ở cấp tỉnh, Lục Kinh ở kinh đô. Một sự so sánh khác nữa sẽ được dùng là Khổng học phân chia văn 文, viết và ngôn 言 nói; văn giá trị hơn ngôn. Kinh đô là nơi mình có thể thấy vua và quần thần, tức là nhóm người có tài và sính diễn đạt tư tưởng bằng cách viết và tự cho mình là gương mẫu nêu cao nền luân lý trong Lục Kinh. Ở vùng xa kinh đô, dân chúng mù chữ chỉ có khả năng diễn tả ý nghĩ bằng lời nói, do đó người đô hội xem họ thấp kém nhiều phương diện.
Thế giới quan Khổng học đậm đặc như vậy không thể giúp TT nhìn một cách trung hòa bình đẳng Pháp ngữ, là một ngôn ngữ nói (language parlé).
Thứ nhất, khi ghép tiếng Pháp vào phương thư, TT đã truyền đạt ý niệm thấp kém, bởi vì chỉ có dân quê mới diễn tả tư tưởng bằng lỗ miệng, bằng cách nói; có nghĩa tiếng Pháp không thể đứng ngang với Lục Thư.
Thứ hai, khi nói từ mệnh 辭命, khả năng nói, là rất quan trọng trong mối liên lạc giữa các xứ khác nhau, TT đã cho thấy so sánh cao thấp. Hai chữ nầy nằm trong một đoạn danh tiếng trong sách Mạnh tử 孟子. Vài môn đệ của Khổng Tử nói rất hay (thiện vi thuyết từ 善爲說辭). Nhưng Khổng Tử cho biết ông không giỏi nói. 我於辭命則不能也, ngã ư từ mệnh bất năng dã.
Những câu chuyện nhỏ thế này đã nuôi giữ trong đầu các học giả Á Châu hệ cấp bất bình đẳng giữa viết và nói. Khổng Tử không giỏi nói có hề chi vì nói không phải là giá trị hàng đầu. Lập lại, TT gặp khó khăn khi phải giải thích sự cần thiết một ngôi trường dạy Pháp ngữ. TT giải thích vì sao chấp nhận ổn thỏa phải học ở những người một mặt đặt “nói” cao hơn “viết” trên nất thang giá trị, đồng thời thuộc hàng tỉnh chứ không phải trung ương.
Chỉ dụ thành lập QH có nhiều điều hấp dẫn. TT phải đương đầu với những thay đổi khó tin xẩy ra quanh mình. Thế giới đổi thay nầy được phản ảnh qua ngôn từ đã dùng như phương thư và liệt quốc chi giao 列國之交, giao tiếp giữa các quốc gia.
Ngày nay có thành ngữ quan hệ quốc tế 國際關係 (international relations) nhưng chưa có vào thời TT cũng như danh từ ngoại giao 外交, diplomacy chưa có. Trước khi người Pháp đến vào thế kỷ 19, VN chỉ có danh từ bang giao 邦交, liên lạc cấp vùng (domainal relations). Danh tự nầy dùng cho một hệ thống đẳng cấp Đông Á giữa chính quốc (Tàu) và các nước nhỏ chung quanh, những tiểu quốc chư hầu. Thành ngữ nầy xuất hiện 500 năm trước Tây lịch, và thời chiến quốc Xuân Thu. Sách lễ ký 禮記 ghi trong đoạn nói về các nghi lễ triều cống của chư hầu dâng lên vua nhà Chu. Ở VN trước thế kỷ mười chín, danh tự nầy biểu lộ đẳng cấp trong tương quan chính quốc và tiểu quốc giữa nhà Thanh và nhà Nguyễn.
Liệt quốc chi giao 列國之交, interrelations between various countries, người VN bắt đầu dùng vào thế kỷ 19 để nói về sự liên lạc mới có đối với các dân tộc tây phương; đâu đó giữa bang giao và ngoại giao. Trong lúc ấy, liệt quốc chi giao đòi hỏi một kỹ năng mới là nói tiếng Tây; mà lại vào thời 1896, người Việt không sành món nầy.
Do đó phát sinh nhu cầu chính đáng phải mở trường QH năm 1896. Nhưng đó cũng là thách thức của TT: làm sao thuyết phục các học vị trong triều, tức là những người học cách khinh thị những thành phần như người Pháp, khinh thị kiến thức và cách thông tri của họ. Nhưng nay phải đồng ý cho con cháu học những kiến thức ấy, học với những kẻ thấp hèn ấy.
Người Pháp không đủ sức hiểu và không cần hiểu những suy tư thâm sâu và bác học của vua Thánh Thái. Ngày nay với những người thông hiểu Hán tự, chiếu chỉ của Hoàng Đế Thành Thái sẽ cung hiến cái nhìn đầy đủ về thời đại của vua và những khó khăn vua phải đương đầu.–
Bản tiếng Anh gốc: https://leminhkhai.blog/emperor-thanh-thais-edict-to…/
———————————————————–
Vài ghi nhận của người dịch
1.- Một Facebook về lịch sử đăng một bài nhan đề Chiếu Chỉ vua Thành Thái Lập QH, không nói dịch từ chỗ nào. Nhưng xem mấy hàng đầu, độc giả có thể biết từ bản dịch người Pháp kèm vào nghị định của Toàn Quyền Rousseau; tức là bản dịch mà Lê Minh Khai cho thấy sai lạc thiếu sót.
Quand on veut donner un développement sérieux à l’instruction, on ne se borne pas à un enseignement exclusif, de même que pour assurer la régularité de l’enseignement, il est indispensable de créer des cours d’études. Or, eu dehors des livres sacrés de Chine, il existe d’autres ouvrages des divers pays et le mandat de porter la parole est chose très importante dans les relations internationales. (xem hình)
Muốn cho việc giáo dục được hoàn bị, không nên hạn chế học vấn trong khuôn khổ hẹp hòi. Trái lại, để đảm bảo cho việc giáo huấn được điều hòa cần mở ra các lớp học thường xuyên. Nay ngoài những thánh kinh, hiền truyện của Trung Hoa lại còn nhiều sách trước tác ở các nước khác và trách nhiệm của người đại diện phát ngôn trong lúc giao thiệp trên trường quốc tế rất là quan trọng.
Thánh Kinh? The Bible? “Trách nhiệm người phát ngôn?”. Tôi không tin người dịch có một ý niệm căn bản về Hán Tự và Pháp ngữ. “Mandat” trong ngữ cảnh nầy chỉ là khả năng, kỹ năng. “Porter la parole”, một động từ và danh từ bổ túc, là lối nói văn hoa dành cho công việc hằng ngày là phát ra tiếng nói bằng mồm, hoặc cao hơn như biện thuyết, diễn thuyết. Ở đây không có phát ngôn viên. Porte-parole mới là spokeman.
2.- Theo Võ Hương An, người biết rất nhiều về Huế qua các sách khảo cứu, Quốc Học là tên rút ngắn từ bốn chữ Quốc Gia Học Đường; 4 chữ nầy ghi trên một bức hoành nghi hiện treo tại trường. VHA làm rể nhà thầy Nguyễn Đình Hàm, hiệu trưởng đầu tiên khi trường mang tên cũ QH, tiếp theo tên Quốc Học Ngô Đình Diệm 1955. Nguyễn Phúc Bá, lang quân của Lương Thúy Anh, cho biết hiện nay trường còn lưu giữ một văn kiện ghi tên trường Quốc Gia Pháp Tự Học Đường. Về sau còn có tên nhiều người biết là Khải Định. Khải Định, QH nói chung, là những tên về sau. Quốc học trường là tên trên chiếu chỉ nhà vua. Ba chữ nầy nằm ở góc trái trên hình chữ Hán đính kèm.
3. Nhiều người sẽ ngạc nhiên về thuở ban đầu QH là một trường ngôn ngữ. Không rõ lúc nào trường trở nên một học đường đầy đủ. Tham luận với tác giả Lê Minh Khai, tôi cho rằng QH là một Sorbonne của Trung Kỳ, sản xuất một phần lớn thành phần trí thức, cho đến 1975. Nhiều người đã có tú tài QH Khải Định mà chưa một ngày ở trong trường này vì quân lính Pháp đồn trú từ 1946 đến 1954 theo hiệp ước sơ bộ ký với Sainteny. Trường chia làm hai, một nửa xuống trường Việt Anh sau thành Nguyễn Tri Phương cũ, một nửa gởi rể bên Đồng Khánh.
Cách mạng “bài phong” 1954 đã hất cẩm bào Gia Long khỏi đường ngã giữa, tuột áo Khải Định nhưng không tuột … Đồng Khánh để còn giữ cho đến 1975.
4. Vua Thành Thái đề cập “lục kinh” có ý khác “tứ thư ngũ kinh” của Tàu diễn tả Khổng Học. Công thức nầy có từ thời Chu Hy nhà Tống (gọi là Tống Nho), chỉ dùng ngũ kinh, tuy từ trước là lục kinh. Bớt đi kinh nhạc, vì kinh nầy đã mất khi Tần Thùy Hoàng cho đốt sách, chỉ còn đôi chương không quan trọng, nay ghép vào kinh lễ thành tiểu mục nhạc ký. Ngũ kinh là: kinh thi, kinh thư, kinh dịch, kinh lễ và kinh Xuân Thu. Tứ thư: Đại Học, Trung Dung, Khổng Tử và Mạnh Tử. Đa số các sách tiếng Anh thì theo vua Thành Thái và gọi lục kinh là Six Classics.
5. Sau 1954, theo quan điểm chính thức của trường, người sáng lập là ông Ngô Đình Khả, thân sinh của ông Ngô Đình Diệm. 1972, tôi tình cờ gặp thầy cựu hiệu trưởng 1956 Nguyễn Đình Hàm đi họp chi đó nơi tôi làm việc, thầy cho một nội san “Quốc Học” theo đó người sáng lập là toàn quyền Paul Armand Rousseau. Sự thật là ông Ngô Đình Khả được chỉ định thúc đẩy việc xây trường, xem như hiệu trưởng. Toàn quyền Paul Armand Rousseau có ký nghị định thành lập nhưng là một văn kiện thi hành chiếu chỉ của vua Thành Thái; nghị định nầy đã tham chiếu chỉ dụ của vua. Trong hành chánh, nghị định thấp hơn chỉ dụ. Như vậy phải nói người sáng lập QH là Hoàng Đế Thành Thái.
Hình ghép vua Thành Thái và trường QH, dãy lớp học nầy từ ngoài vào nằm bên trái.
Chỉ dụ của vua Thành Thái. Ba chữ Hán ở góc trái phía trên là Quốc Học Trường
Điều 13.- Thành phần trẻ nào đã đậu kỳ thi ra trường sẽ hưởng các quyền lợi, đặc quyền dự trù trong Chỉ Dụ hoàng triều đính kèm nghị định nầy.
Điều 14.- Chi phí nhân viên, vật liệu, xây cất và bảo trì trường ốc sẽ do Chính Phủ An Nam đài thọ.
Điều 15.- Khâm Sứ tại An Nam, Cơ Mật Viện chiếu nhiệm vụ thi hành nghị định nầy.
Hà Nội, ngày 18 tháng Nov, 1896. Ký tên A. Rousseau.
Phó thự bởi Khâm Sứ An Nam., Brière
Kinh đô thành thị coi trọng việc viết (writing); ngoại ô và thôn quê chỉ sành nói (speech).
-
Nguyễn Văn Tường (1824-1886)
Năm 1883, vua Tự Đức băng hà, trong tình hình Bắc Kỳ đang bị thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai. Mặc dù Henri Rivière cũng bị giết chết trong một trận đánh do Hoàng Tá Viêm làm tổng chỉ huy, Lưu Vĩnh Phúc trực tiếp cầm quân, các tỉnh Bắc Kỳ vẫn chưa thu hồi được, kinh đô Huế lại đứng trước nguy cơ bị tấn công. Và thật sự Thuận An, cửa ngõ của kinh đô, đã bị thất thủ, không lâu sau ngày vua Tự Đức mất. Do đó, cùng với Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường lần lượt lập rồi phế bỏ 2 vua Dục Đức, Hiệp Hòa (với lý do: một thân Pháp, “tả đạo”; một cấu kết với Pháp qua De Champeaux), nhằm mục đích đưa lên ngai vàng một vị vua yêu nước, quyết chiến với thực dân Pháp.
Bấy giờ, quân Thanh đã sang đất Bắc Kỳ để phối hợp đánh Pháp, theo những lần thương nghị giữa Nguyễn Văn Tường, đại diện triều đình Đại Nam, và Đường Đình Canh, đại diện triều đình Đại Thanh (Trung Hoa), từ năm 1881. Nhưng trong thực tế, quân binh nhà Thanh lại mưu mô quy phục Lưu Vĩnh Phúc nhằm mục đích cùng Pháp chia đôi Bắc Kỳ (“Bắc Kỳ mỏ” và “Bắc Kỳ gạo”), lấy sông Hồng làm ranh giới.
Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết thực hiện kế sách quân sự “tọa sơn quan song hổ đấu”, thúc đẩy chiến tranh giữa Pháp và Hoa nổ ra, còn triều đình Huế đứng vào thế trung lập.
Nhưng triều đình nhà Thanh lại ký Hòa ước Thiên Tân với Pháp, cô lập hoàn toàn triều đình Huế. Triều đình Huế bị bắt buộc phải ký Hòa ước Giáp Thân (còn gọi là Hòa ước Patenôtre, 1884). Trong tình thế ấy, hai vị phụ chính đại thần vẫn cố gắng tiếp tục thúc đẩy chiến tranh Pháp – Hoa tiếp diễn, nhằm làm suy yếu lực lượng cả Pháp lẫn Hoa và tranh thủ thời gian để xây dựng cơ sở cho phong trào Cần Vương. Một loạt sơn phòng được củng cố, xây dựng, gồm cả “hậu lộ kinh đô”, Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị). Đích thân Nguyễn Văn Tường chỉ đạo xây dựng “kinh đô kháng chiến” hoặc “kinh đô tị địa” này.
Vua Kiến Phúc lại không may mắc bệnh, băng hà. Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép khá kĩ lưỡng như sau:
“ Vua không khỏe, tháng tư trước, ngọc thể vi hoà, đình thần đã xin vua tĩnh dưỡng, và chia nhau đi cầu đảo các linh từ; sau đó đã khỏe, nhưng chưa được bình phục như cũ; đến ngày mồng 7 tháng này, ngày kỷ mão, mới ngự điện Văn Minh, chịu lễ chầu mừng, ban thưởng lụa hoa cho các bầy tôi có sai bậc, rồi sau lại không được khỏe. Thái y tiến thuốc, không thấy công hiệu. Ngày mồng 10, nhâm ngọ, bệnh kịch; giờ ngọ hôm ấy vua mất ở chính điện Kiền Thành. Hoàng thái phi bèn vời bọn Tôn nhân phủ Miên Định, phụ chính phủ thân đại thần Hồng Hưu, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và Hộ bộ thượng thư Phạm Thận Duật, truyền bảo hoàng đế di chúc rằng:
Hoàng đế đức mỏng, có em là Ưng Lịch có học có hạnh, hoàng đế như có mất đi, truyền bảo tôn nhân phụ chính nên lấy Ưng Lịch vào nối ngôi lớn, để phụng tôn miếu; lại đại lễ tiên hoàng đế chưa xong, và lấy của dùng chưa sẵn, vậy hợp thành tang lễ châm chước làm được 4, 5 phần mà thôi, chớ cầu thể lệ.
Bấy giờ, Miên Định công và phụ chính thân đại thần truyền lệnh cho biết. Tôn nhân phủ, văn võ đình thần bèn hợp từ tâu lên Từ Dụ thái hoàng thái hậu; hoàng thái hậu rước công tử Ưng Lịch (là con thứ 5 Kiên Thái vương Hồng Hợi, biện phụng vương ấy), vào nhà tang xưng là tự quân, phàm việc tâu xin tuân hành; chọn ngày lành làm lễ tấn tôn (đó là vua Hàm Nghi)…[1]
”
Ngày 12 tháng 6 âm lịch, năm Quý Mùi (1884), Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cùng Tôn nhân phủ, đình thần lập vua Hàm Nghi lên ngôi.
Hai vị phụ chính cùng các thành viên nhóm chủ chiến (Trần Xuân Soạn, Trương Văn Để…) đã có một vị minh quân để tiếp tục đương đầu với Pháp cũng như với bộ phận khá lớn giáo dân Thiên Chúa giáo được cho là bị các cố đạo phỉnh gạt, cầm súng, đào hào, tiếp tế lương thực cho Pháp.
Chính phủ Pháp quyết thực hiện xâm lược toàn bộ Đại Nam. De Courcy được cử sang với mục đích hoàn tất việc chiếm trọn Bắc Kỳ và bắt đầu tấn công chiếm cứ kinh đô Huế. Câu nói của De Courcy, hầu như ai cũng biết, “cần phải giải quyết việc này ở Huế”; và ông ta đã vạch kế hoạch bắt sống hoặc tiêu diệt nhóm chủ chiến triều đình Huế, đứng đầu là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết.
Cuộc kinh đô quật khởi và bị thất thủ (05-7-1885)
Bài chi tiết: Trận Kinh thành Huế 1885
Ngày 23 tháng 5 âm lịch, Ất Dậu (khuya ngày 4 tháng 7, bước sang ngày 5 tháng 7 năm 1885), tuy thi hành kế sách “không biết gì”, nhưng thực sự ông cùng Tôn Thất Thuyết chỉ huy cuộc tấn công một cách bất ngờ vào Sứ quán Pháp bên kia sông Hương và doanh trại Pháp tại Mang Cá (Huế), nhưng thất bại. Thực chất đó chỉ là đòn đánh trước để giành thế thượng phong, mặc dù biết rằng De Courcy cố dùng kế khích tướng, ép buộc quân Đại Nam phải tấn công trước (Đại Nam tấn công trước thì không nước nào trách được việc Pháp vi phạm các hòa ước).
Nguyễn Văn Tường cho người rước vua Hàm Nghi và Tam cung (thái hoàng thái hậu Từ Dũ, Trung phi Vũ thị, Học phi Nguyễn thị) ra khỏi kinh thành; trong khi đó, Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn vẫn cố kìm giữ sự tấn công của Pháp. Trần Xuân Soạn là vị tướng can trường, ông có nhiệm vụ rút quân cuối cùng.
Theo dự kiến mà nhóm chủ chiến đã vạch ra trong trường hợp kinh đô thất thủ (phương án 2), Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lúc ấy liền quyết định đưa vua ra thành Quảng Trị, rồi sẽ đưa lên Tân Sở (tại huyện Thành Hóa, tức là Cam Lộ) để tránh đạn quân xâm lược Pháp, đồng thời phát Dụ Cần vương.
Trong lúc đó, một mặt được lệnh của bà Từ Dũ và vua Hàm Nghi, mặt khác là thực hiện phương án 2, ngăn cản Pháp truy kích xa giá, thực thi kế sách “kẻ ở người đi” (đàm và đánh), nên ông đã quay lại điều đình với Pháp[2]. Nguyễn Văn Tường đã nhờ giám mục Caspar (có tên tiếng Việt là Lộc) của giáo đường Kim Long đưa sang Sứ quán để gặp tướng De Courcy (qua môi giới Caspar cũng là cách mà vào năm 1883, khi Thuận An thất thủ, Trần Tiễn Thành, Nguyễn Trọng Hợp đã thực hiện trong việc “cầu hòa”). Sau khi De Courcy buộc Nguyễn Văn Tường ban bố một vài lệnh lạc “hòa hảo giữa hai nước Việt – Pháp”, ông ta lại ra thời hạn cho Nguyễn Văn Tường: trong vòng hai tháng phải tìm cách để đưa vua Hàm Nghi và Tam cung về.
Nguyễn Văn Tường phái Phạm Hữu Dụng cầm sớ ra Quảng Trị, tâu xin rước vua về, nhưng Tôn Thất Thuyết cản sớ không cho vua biết. Tôn Thất Thuyết dặn Phạm Hữu Dụng: Nguyễn Văn Tường cố gắng thương thuyết với Pháp 2 điều là Pháp không được tiếp tục bức hiếp và phía ta cũng nên “đoàn kết” với Pháp. Nếu được như thế, mới có thể rước vua Hàm Nghi về lại kinh đô.
Nguyễn Văn Tường lại viết sớ vấn an Tam cung, và đệ trình về việc Tam cung tạm về Khiêm lăng (lăng Tự Đức) trong khi chờ vụ việc được giải quyết.
Về việc Tôn Thất Thuyết cản Phạm Hữu Dụng trực tiếp dâng sớ lên vua Hàm Nghi và cũng không cho vua biết: Đây có thể là một khía cạnh mâu thuẫn trong sách lược mà hai vị phụ chính đã bàn với nhau, và chắc hẳn đúng hơn là do tình huống mới nảy sinh, nên đó chỉ là một “động tác giả”, để thực hiện thủ thuật “hai mặt”, nhằm đối phó với Pháp. Nhưng ngay sau đó, bằng sự liên lạc mật, họ lại nhất trí vẫn duy trì kế sách “kẻ ở người đi”. Từ Tân Sở, Dụ Cần vương chính thức và duy nhất được ban bố, cùng thời điểm vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết gửi về Huế một bản sắc dụ cho Nguyễn Văn Tường. Mật dụ của vua Hàm Nghi (và Tôn Thất Thuyết) từ Tân Sở gửi về Nguyễn Văn Tường, cùng một ngày phát Dụ Cần vương, 2 tháng 6 năm Ất Dậu (13 tháng 6 năm 1885):
“ … Tôn Thất Thuyết còn giữ giá vua còn đóng ở Phòng Quảng Trị, đã kèm vua ra Lệnh dụ Thiên hạ cần vương, lại sẽ dụ bảo Nguyễn Văn Tường và yên ủi những người họ mạc ở trong kinh, đều một đạo, do đường dịch lộ chuyển chạy về kinh. (Khi ấy tự Phòng đến kinh ống trạm còn chuyển đệ được). Đó đều là việc từ mồng 7 tháng này trở về trước.
Ngày mồng 2 dụ Văn Tường, lược nói:
Y [De Courcy] thấy ta càng khuất, y càng ngày càng lấn, khiến Triều đình không còn mặt mũi nào, vạn bất đắc dĩ mà ta mới phải làm cái kế bỏ thành đi ra ngoài. Nay đại thần Tôn Thất Thuyết cùng ta cùng quanh quẩn, còn ngươi là phụ chính đại thần thì ở lại mà thương đàm, kẻ ở người đi đều lấy lòng yêu nước lo dân làm căn bản. Trời đất thực cũng chứng giám. Ngươi nên khéo thể tấm thịnh tình của tiên hoàng đối với nước láng giềng rất có thuỷ chung và cùng y giảng rõ về lý thế, cân nhắc về lợi hại, hết lòng thoả hiệp, phàm những khoản gì bách thiết, chung nhau bàn đổi, cốt khiến cho hai nước như anh em, vinh nhục cùng quan hệ, vui lo cùng chung nhau mười phần chân thành, không còn dùng đến uy thuật. Lúc này ta mệnh cho hồi loan, trên để phụng dưỡng ba cung, dưới để yên lòng thần dân, khanh cùng với Tôn Thất Thuyết trung trinh chói lọi, muôn thuở cùng sáng, những phường nịnh tử gian phu, đều phải lặn hình giấu bóng. Nam triều ta há chẳng hân hạnh ư, nước Đại Pháp chắc cũng vui vẻ mà cùng giữ lấy cường thịnh vậy.
Nếu không như thế thì các miếu xã lăng tẩm và các vương công không kịp đi theo ấy thì hết thảy uỷ cho khanh. Ta duy có chọn đất lánh ở, sợ trời vui trời, rường cột cương thường, cả nước cùng thế, không đâu không phải là Triều đình và không phải là tôi con vậy. Trẫm quyết không cùng với họ tranh được thua vậy.
Tình thế ví lại không thôi, trẫm nguyện phái thêm cán viên, lấy đường đi khắp các nơi, nghiêm sắc cho Ninh Bình trở về phía Bắc, bao nhiêu quan tỉnh, phủ, huyện đều để ấn lại mà đi, người nào như có trung nghĩa tài lược không kể quan hay dân, đều cho được tiện nghi làm việc [nhân dân, sĩ phu khởi nghĩa], cốt không phụ tấm lòng tốt của triều đình dưỡng dục, tác thành, yên được bóng thiêng liêng ở trời của liệt thánh, và đáp phó được nguyện vọng [khởi nghĩa chống Pháp] tha thiết của thần dân trong nước. Khanh nên nghĩ cho kỹ nhé, có muốn nên tâu đối, thì gởi theo đường trạm chờ xét cũng chẳng hại gì.[3]
”
Sau đó ít hôm, vào ngày 7 tháng 5 năm Ất Dậu (18 tháng 7 năm 1885), vua Hàm Nghi (và Tôn Thất Thuyết) lại từ Tân Sở gửi một mật dụ về Huế cho hoàng tộc:
“ Ngày mồng 7, dụ các người trong họ, đại lược nói:
Dụ Thọ Xuân vương, phụ chính Hoài Đức công và các bọn hoàng phiên, công chúa nghĩ coi: Nước Nam ta nhiều lần bị kẻ khác bức hiếp nhiều khoản, phàm có tai mắt khí huyết không ai là không uất ức buồn rầu, chẳng riêng người trong họ ta mà thôi. Trẫm vâng di mệnh của tiên quân, và các vương công phụ thần cùng suy tôn lên quyền giữ việc nước. Phàm có trăm điều đều duy kiến nghị, phải ấy thì theo. Trẫm tuổi trẻ, kiến thức chưa rộng, dám đâu chuyên trái việc gì, cho nên hễ khi tiếp được thư của nước Đại Pháp gửi đến khoản gì, nếu quá lăng nhục và yêu sách quá đáng, nhân tình không thể chịu được, mật nghe vương công và các phụ chính khuyên bảo, không đâu là không cưỡng tự đau đớn nín náu, chịu theo êm việc, vì muốn bảo toàn xã tắc, để họ mạc lâu dài hưởng tôn quý giàu sang vậy. Không ngờ sứ Pháp ngang ngược ngày thêm, không còn được chút quốc thể, cúi xuống đất, ngửa lên trời, xiết bao hổ thẹn, vạn bất đắc dĩ mà phải làm ra việc này; quay nhìn nơi lăng miếu và các bậc ý thân, thực không biết bao nhiêu là tưởng nhớ, chả biết trong tôn tộc từng có tin đến sự lo xuôi nghĩ ngược của ta không? Nay đã có phụ chính huân thần là Nguyễn khanh [Nguyễn Văn Tường] ở lại giảng nói, che chở nhiều việc, hơi được yên ổn; huân thần tâm sự như thế, cáng đáng như thế, thực là đau khổ quá chừng. Nhân vật nước ta, những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được. Trẫm cũng dụ cho đại thần ấy hết lòng bàn tính công việc, tâu chờ quyết định. Vương công đều là cốt nhục chí thân, đều nên thương ta khổ tâm, thể tất ta vô cùng. Phàm việc gì cùng với Nguyễn khanh châm chước thoả đáng, cốt không trái với cương thường của trời đất. Nên được nền bình trị lâu dài của quốc gia, ngõ hầu để được tiếng thơm muôn đời, thế là lành lắm, tốt lắm. Trời đất dài lâu, gặp nhau có hẹn. Nước nhà suy thịnh, gặp hội đổi thay, càng nên trân trọng di dưỡng, để yên tấm lòng xa của người tuổi trẻ. Còn ra sẽ uỷ cho Nguyễn khanh sẽ vì ý thân điều đình cho thoả đáng, vụ được như thường. Phàm người họ ta, cần tin lời ta nhé, thế thì ta mới yên lòng.[4]
”
Trong hai tháng đó, Nguyễn Văn Tường hoàn toàn bị Pháp quản thúc ngay tại Sở Thương bạc, do một trung đội lính viễn chinh thuộc Pháp canh giữ, sĩ quan Schmitz chỉ huy. Tất cả mọi sắc dụ ký tên thái hoàng thái hậu Từ Dũ đều do Miên Định (chú ruột vua Tự Đức, hiện giữ chức nhiếp chính giám quốc) bàn bạc, thông qua và Nguyễn Nhược Thị Bích (tác giả Hạnh Thục ca) chấp bút.
Tuy ở trong thế bị quản thúc nghiêm ngặt, Nguyễn Văn Tường vẫn đấu tranh hết sức gay gắt với nhóm người “đón gió xoay buồm”, trực diện là với Nguyễn Hữu Độ (người đã có ý theo Pháp từ 1873—theo ghi chép đã xuất bản của Jean Dupuis và theo Đại Nam thực lục chính biên), trong việc phong chức hàm cho ông ta với quyền hạn “phó vương” tại Bắc Kỳ, thành lập Nha Kinh lược tại đấy, mà thực chất là mất hẳn Bắc Kỳ vào tay Pháp và các cố đạo như Puginier.
Trong khi đó, phong trào “Cần vương, bình Tây, sát tả đạo” đã bùng nổ ra khắp cả nước, đặc biệt là ở các tỉnh tả kì (phía trái cửa ngõ vào kinh đô, tức là phía Nam). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chính Nguyễn Văn Tường đã lãnh nhiệm vụ chỉ đạo tổng quát ở miền đất ấy, trong khi Tôn Thất Thuyết phụ trách các tỉnh hữu kì (phía Bắc) (xem cáo thị khi giặc Pháp bắt Nguyễn Văn Tường bên dưới).
Lưu đày và cái chết nơi biệt xứ (1885–1886)
Hết hạn hai tháng, đúng vào ngày 27 tháng 7 Ất Dậu (5 tháng 9 năm 1885), Pháp ra lệnh bắt Nguyễn Văn Tường. De Courcy chỉ thị De Champeaux công khai cáo thị khắp nước. Quốc sử quán ghi nhận như sau:
“ Đô thống Đại Pháp là Cô-ra-xy [De Courcy] bắt thái phó, Cần Chánh điện đại học sĩ, lãnh Lại bộ thượng thư, kiêm sung Cơ mật viện đại thần, Kì Vĩ quận công, là Nguyễn Văn Tường xuống tàu thủy chạy đi Gia Định.
Cứ theo lời cáo thị của khâm sứ Tham-bô [De Champeaux] nói: Văn Tường từng đã chống cự nước ấy [nước Pháp] thực đã nhiều năm. Từ khi cùng Tôn Thất Thuyết sung làm phụ chánh, chỉn [vốn] lại đổng suất quan quân nổi dậy công kích quan binh nước ấy; và Văn Tường do đô thống ấy xin [chính phủ Pháp] cho hai tháng [nhằm để] lo liệu việc nước cùng Bắc Kỳ cùng được lặng yên vô sự; [kì thực] đến ngày 27 tháng ấy hết hạn, mà các tỉnh tả kỳ về phía Nam, có nhiều nơi nổi quân chém giết dân giáo. Đến đây đô thống ấy định án, ưng [nên; phải] kết tội lưu.
Hôm ấy chở đem Văn Tường đến cửa biển Thuận An; buổi chiều Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình đi tàu thủy Pháp cũng về đến cửa biển ấy.
(Thuyền Pháp chở Văn Tường đến Gia Định, sau chở gồm cả Phạm Thận Duật, Lê Đính [Tôn Thất Đính] đem về nước ấy [thuộc địa Tahiti]; Thận Duật trong khi đi đường bị ốm chết ở trong tàu, buông xác xuống biển)…[5]
”
Không những người Pháp ở Gia Định đổ một loại hóa chất gây cháy bỏng vào miệng Nguyễn Văn Tường, khi tra tấn (để khỏi la hét, gào rú), De Courcy còn đánh điện tín cho Caffort, chúa đảo Côn Đảo: “Tầm quan trọng của những tù nhân chính trị này đòi hỏi họ phải được giám sát nghiêm ngặt với bất cứ giá nào”; trong đó, Nguyễn Văn Tường là “kẻ thù nguy hiểm nhất” đối với Pháp[6].
Khi ông và hai người bạn tù của ông đã bị giam giữ tại Côn Đảo, chính phủ Pháp lại chuẩn bị lưu đày họ tận Tahiti; bấy giờ, triều Đồng Khánh, dưới sự chỉ đạo của De Courcy, đã “xử án vắng mặt” nhóm chủ chiến triều đình Huế, với nội dung chính là hành trạng của họ từ ngày 5 tháng 7 đến 5 tháng 9 năm 1885. Bản án chung thẩm ấy được xét xử, công bố vào tháng 8 âm lịch Ất Dậu (tháng 9 năm 1885):
“ Tôn nhân phủ và đình thần dâng sớ tâu bày tội trạng của Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, xin tước hết quan tước và tịch thu gia sản; tham tri Trương Văn Đễ đã quá cố, và chưởng vệ Trần Xuân Soạn, đều là bè đảng làm loạn, cũng tước cả quan chức. Trong bọn ấy, thì Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, xin do quan địa phương xét bắt bằng được và chém ngay, để tỏ rõ hiến pháp trong nước. Vua nghe theo.[7] ”
Lúc khoảng 4 giờ 30 sáng ngày 30 tháng 7 năm 1886, tại Papeete, một làng trên quần đảo thuộc địa Tahiti của Pháp, Nguyễn Văn Tường mất vì bệnh ung thư cổ họng[8]. Sau một vài tháng quàn giữ, di thể ông được Tôn Thất Đính đưa về Đại Nam.
Trước tác
Một số văn bản tài liệu
Lúc sinh thời, ông nổi tiếng là người sắc sảo, cả quyết và mưu trí. Trong khi làm quan, ông đã dâng lên vua nhiều tấu sớ. Hầu hết các tài liệu này đã được vua Tự Đức đích thân phê duyệt, và được các quan lưu giữ tại các nha môn, bộ, viện và tại Quốc sử quán. Số di cảo này đã được Nhóm Tư liệu Hán – Nôm lịch sử cận đại Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhóm giảng viên Đại học Sư phạm Huế sưu tầm, dịch thuật.
Nam Kỳ tấu nghị (chưa xuất bản toàn bộ, chỉ mới ấn hành từng phần)
Bắc Kỳ tấu nghị (chưa xuất bản, chỉ mới ấn hành từng phần)
Thương bạc viện phúc (chưa xuất bản, chỉ mới ấn hành từng phần)
Văn thư thương thuyết Nhà Thanh viện binh tiễu phỉ.
Sáng tác thơ ca
Nguyễn Văn Tường còn có một tâm hồn thơ ca và những bài thơ giàu cảm xúc, đầy trách nhiệm trước vận nước. Nhưng đa số thơ được Nguyễn Văn Tường sáng tác, hiện còn lại, chủ yếu là trong 5 năm tiễu phỉ ở núi rừng phía Bắc và một vài tỉnh gần kề với Lạng Sơn
-
Chuyện chiếc cầu tăm
05/10/2020
Tác giả, GS Trương Nguyện Thành. Nguồn: VNN
Câu chuyện xảy ra với tôi cách đây 40 năm trước và từ đó đến nay tôi chưa hề nói với ai kể cả người trong gia đình.
Trong lúc tranh luận với ông Biden, ứng viên tổng thống từ đảng Dân Chủ, TT Trump truyền đạt thông tin cho nhóm cực đoan white supremacy Proud Boys ‘stand back and stand-by’ như mệnh lệnh của cấp chỉ huy ‘lui về và chờ lệnh tôi’.
White supremacy là một nhóm người da trắng, tin rằng người da trắng hoàn hảo về mọi mặt kể cả thông minh hơn tất cả chủng tộc khác. Những cảm xúc của 40 năm về trước ùa về và tôi quyết định nói ra mặt trái của xã hội Mỹ về phân biệt chủng tộc ngày hôm nay.
Khi mới qua Mỹ, tôi phải học lại một năm trung học vì không biết tiếng Anh và cũng không có một tài liệu minh chứng trình độ học vấn nào trong người. Gần cuối học kỳ mùa đông năm ấy (1981), thầy lớp Vật lý đưa cho mỗi học sinh hai hộp tăm và một ống keo dán bảo mỗi hs làm một cái cầu với khoảng trống tối thiểu là xx inches. Sau đó sẽ có một cuộc thi coi cầu nào có sức chịu nặng cao nhất. Tất cả mọi công việc xây dựng cầu phải làm trong lớp và không được đem về nhà.
Tất cả các bạn trong lớp háo hức bắt tay vào việc xây dựng mô hình cầu. Còn tôi thì vào thư viện lấy hết tất cả các sách nói về cầu, tôi đem về lớp ngồi xem từng cái cầu và suy nghĩ về những yếu tố cần thiết để có cây cầu vững mạnh. Tư duy này sau này tôi mới hiểu từ câu nói của TT Lincoln ‘Cho tôi 6 tiếng để đốn cái cây thì tôi bỏ 4 tiếng để mài rìu’.
Sau hai ngày phần lớn các bạn trong lớp đã xong hơn nửa còn tôi thì chưa bắt đầu. Các bạn chọc ‘Ủa, bạn không biết làm sao à? Chứ sao không thấy bạn làm gì cả?’ Tôi chỉ cười. Đến ngày thứ 3 tôi mới lấy viết chì vẽ kiểu trên tờ giấy và vẽ đường cong mẫu cho hai cột ngang dưới chính. Nhờ có bản vẽ với kích thước thật 1:1 nên tôi hoàn tất cầu tăm cũng khá nhanh chóng.
Buổi thi đấu bắt đầu, tất cả cầu tăm được dán số, được chưng ở hành lang trường dẫn đến phòng ăn trưa để tất cả học sinh trong trường bầu chọn chiếc cầu được thiết kế đẹp nhất. Cuối ngày khi đếm phiếu, cầu tôi được giải ‘đẹp nhất’.
Ngày hôm sau thi đấu kỹ thuật. Các thẻ tạ 5 và 10 lbs được để lên cầu đến khi nó gãy. Các bạn háo hức thử cầu của mình nên tôi thử chót. Đến lượt tôi thì cầu chịu nặng nhất là 90 lbs. Khi cầu tôi lên 100 lbs thì ai cũng trầm trồ.
Tôi như nín thở khi để tạ lên. 105, 110, 115, 120, 125, 130, 135, 140 lbs tôi thấy cầu bắt đầu run và bung một cây chống ngang nhỏ ở dưới đáy. Tôi nói thầy: ‘Em không muốn thử nữa. Đủ thắng rồi và em muốn giữ nó làm kỷ niệm.’ Thầy OK và nói với cả lớp, kỷ lục xưa này của lớp là 120 lbs và tôi đã phá kỷ lục vượt lên trên 140 lbs (vì cầu chưa gãy). Hôm đó tôi vui lắm ôm hai giải cups về khoe cha mẹ nuôi.
Chiếc cầu tăm của tác giả. Ảnh: Trương Nguyện Thành Vài ngày sau đó, trên báo của trường có một bài bình luận nặc danh đưa ra một thuyết âm mưu “Để một đứa tị nạn từ Việt Nam, tiếng Anh thì không biết, kiến thức thì cũng không mà có thể đạt được cả hai giải vật lý và phá kỷ lục xưa nay bởi 20 lbs là điều không thể. Điều đó chỉ có thể xảy ra là người đó ‘cheat’, lừa đảo hay gian lận bằng cách nào đó mà chưa phát hiện được mà thôi“.
Khi vào lớp Lý, một bạn đưa bài cho tôi đọc. Thầy hôm đó rất giận, mắng các bạn rất nhiều, tôi không rõ hết (vì tiếng Anh còn kém) nhưng đại khái ‘Các em thấy bạn Thành biết bỏ thời gian chuẩn bị, biết nghiên cứu, biết ngồi tính toán và thiết kế, các em đã không có làm điều đó. Kết quả cuộc thi quá rõ ràng như thế… các em thua thì cũng nên thua một cách lịch thiệp (‘loose gracefully’)…’
Trường tôi nằm ở miền Bắc tiểu bang Minnesota, ở một khu vực đồng quê khá hẻo lánh và đa số là người da trắng. Trong trường chỉ có một vài đứa da màu là con nuôi của những gia đình Mỹ trắng và tôi là một trong số đó. Lớp Lý của tôi có một số bạn thật là hoàn hảo, học giỏi, chơi thể thao giỏi, chơi nhạc cụ cũng giỏi, chẳng những thế mà còn đẹp trai đẹp gái nữa và theo tôi biết từ các bạn khác thì họ là con của những nhà giàu trong khu phố nhỏ.
Một hôm trong lớp Lý, tôi xin phép được đi vệ sinh. Chừng một phút sau thì tôi thấy một số (4) bạn trong lớp (trong nhóm học sinh hoàn hảo) cũng vào phòng vệ sinh. Một bạn to lớn (dân chơi football) đứng dang tay, dang chân chặn cửa không cho tôi ra trong khi ba bạn còn lại bắt đầu la hét vào tai tôi hoặc đưa mặt sát vào mặt tôi la hét.
– Thằng ngu xuẩn kia mày tưởng mày thông minh lắm hả. Mày là một thằng ngu xuẩn, tiếng Anh thì không biết nói, mày từ những cái chòi tranh vách đất mà tao thấy trên TV. Vậy mà mầy nghĩ mày thông minh hả…
– Mày hãy về lại cái chòi của mày đi. Ở nước Mỹ này không welcome mày và cũng không có gì cho mày. Cút về Việt Nam đi đồ khốn.
Tôi van xin cho tôi đi ‘Please, let me go’ nhưng tên to con đã dùng thân cản cửa ra vào và còn hét vào mặt tôi ‘Tụi tao đang nói chuyện với mày đấy, mày có biết không thằng ngốc’. Chúng liên tục chửi bới và tôi phải đứng yên chịu trận. May quá tiếng chuông reo hết tiết đã cứu tôi. Trước khi bỏ đi chúng còn hăm dọa ‘Mày mà báo cáo với trường thì chúng trao sẽ treo cổ mày như mấy thằng da đen đấy’.
Tôi không phải là người thông minh. Nhưng mỗi lần nhìn vào cái cầu tăm này tôi có thêm động lực để phấn đấu vượt qua mọi khó khăn và quyết tâm để lại dấu ấn ở những nơi tôi học hay làm, để những người theo chủ nghĩa white supremacy phải suy nghĩ.
Khi ông Trump bảo nhóm Proud Boys ‘stand-back and stand-by’ đã thể hiện ông ta là thủ lĩnh của nhóm White Supremacy. 40 năm sống ở Mỹ, chưa khi nào mà tôi thấy xã hội Mỹ phân rẽ tồi tệ như 3-4 năm qua và ông Trump trong cương vị Tổng Thống chỉ đổ dầu thêm vào lửa.
Qua trải nghiệm của năm đầu sống ở Mỹ, tôi trở nên rất nhạy bén nhận ra những người kỳ thị chủng tộc. Tôi có thể nói rằng ông Trump là một người theo chủ nghĩa White Supremacy, kỳ thị người da màu và không xứng đáng là một tổng thống của một nước hùng mạnh nhờ vào đa dạng chủng tộc. Tuy thế tôi vẫn cầu mong cho ông chóng khỏi bệnh dịch covid-19. Tôi nghĩ ông sẽ chóng khỏi thôi vì với ông, nó chỉ là một bệnh cảm bình thường không có gì phải quan ngại!
Tôi biết rất nhiều bạn Việt Nam ủng hộ ông Trump vì ông ta chống TQ. Nhưng tôi sẽ bầu ông ra khỏi ghế Tổng thống trong tháng sau. Bầu cử lần này không phải để bầu một người vào vị trí ứng cử, mà để truất phế người đang ngồi ở vị trí đó.
——————————
Trương Nguyện Thành : Đại học, bằng cử nhân với danh dự (honors) ngành hóa cộng với 4 ngành phụ Toán, Lý, Công Nghệ Thông tin, và xác suất thống kê. Có 6 bài báo nghiên cứu khoa học quốc tế trong đó hai bài là tác giả chính và một bài viết với sư tổ (sư phụ của sư phụ) John Pople (Chemistry Nobel prize winner năm 1998). Kỷ lục này không biết có ai ở đó phá chưa. Tuy nhiên rất khó đấy vì trung bình một luận án Tiến sĩ có bốn bài báo quốc tế.
Cao học, được vào Tiến sĩ dự bị chỉ sau 4 quarters (sớm nhất từ trước đến lúc ấy). Lúc ấy tôi đã có hai bài báo quốc tế với GS hướng dẫn rồi. Luận án ra trường TS với 16 bài báo quốc tế, 90% là tác giả chính. Kỷ lục này đến nay ở khoa này vẫn chưa ai phá vỡ.
Ở ĐH Utah, thăng chức từ Assistant Professor lên Associate Professor trong 5 năm với danh sách 40 bài báo quốc tế. Thăng chức từ Associate Prof lên Full Prof cũng trong 5 năm với danh sách 100 bài báo quốc tế. Hai kỷ lục này thì từ khi TNTthăng chức Associate Prof cho đến nay, gần 25 năm chưa ai trong khoa phá vỡ.
***
-
TRIỀU ĐÌNH ANNAM VÀ VUA DUY TÂN DƯỚI CON MẮT NHÀ VĂN SĨ HÀN LÂM EUGÈNE BRIEUX
Vào khoảng năm 1910, nhà văn sĩ có chân trong Hàn lâm Viện Văn chương Eugène Brieux [a] được cử đi du lịch phương Đông.
Sau cuộc hành trình ấy về, ông có cho xuất bản một quyển sách viết theo lối nhật ký, nhan đề là “Voyage en Indochine. ‒ Simples notes d’un touriste”, trong ấy ông đã mô tả một cách rõ rệt tình hình các xứ Viễn Đông, nhất là tình hình chính trị ở xứ Đông Dương ta.
Dưới đây là một đoạn văn ông nói về triều đình An Nam và vua Duy Tân, một đoạn mà chính ở báo này, ông Trần Thanh Mại đã có nhắc qua một lượt.
Nay xin trích dịch ra đây cho đầy đủ, gọi là cung cho độc giả một món tài liệu về sử học, việc mà Sông Hương vẫn theo đuổi lâu nay.
***
Chúa nhật 12 Novembre
Tôi đã thấy vị hoàng đế trẻ con ấy rồi. Ông Khâm sứ và tôi đã mang bộ lễ phục đen, về dịp ấy ‒ khi mười giờ mai! Tôi đã tự lấy làm hổ thẹn về tấn kịch khôi hài mà chính tôi, tôi cũng phải đóng trước cậu bé ngây thơ ấy.
Các quan Phụ chánh, như một đàn quạ, đến chào chúng tôi; tôi có cái cảm giác khó chịu trong khi nắm trong tay mình những bàn tay móng dài và cong, chỉ sợ gãy bể đi mất, nó bắt nghĩ đến những vuốt của thú vậy.
Họ đi trước chúng tôi, mời chúng tôi đi qua một cánh cửa nhỏ. Đây chúng tôi đã vào tới chỗ chính điện. Các vật đầu tiên mà tôi thấy, trong khi trong óc tôi còn mường tượng những tội ác ngày xưa đã xảy ra ở đây, các vật đầu tiên ấy là một thức chơi của trẻ con, một chiếc ô-tô mà thường người ta vặn máy lò xo cho chạy ấy. Thật là buồn cười quá đi mất! Một cánh cửa khác mở ra, rồi trước hàng đình thần ghê tởm, một anh chàng tí hon mặc toàn sắc vàng, đến trước chúng tôi, đạo mạo, nghiêm trang, bị chăn giữ, bị xô đẩy nữa, và đưa tay ra chào. Trông dạng cậu bé không tới sáu tuổi.
Ấy thế mà thương hại! Cậu lại có dáng điệu lắm đấy! Những cử chỉ cậu đã dùng để chỉ chỗ ngồi cho ông Khâm sứ và tôi, đầy những vẻ bệ vệ oai nghi. Nhưng thấy vậy, người ta chỉ có thể cảm động thương tâm mà thôi.
Những thị vệ ăn mặc lôi thôi mang thuốc xì gà và rượu sâm banh lại ‒ trong giờ nầy! ‒ Những kẻ dâng cái cúp bằng kim khí cho vua, đều quỳ xuống cả.
Câu chuyện bắt đầu trao đổi, nhờ một viên thông ngôn cúi gãy đôi người ra và nói nhỏ tiếng vì cung kính. Các quan đại thần thì chú mắt vào cậu bé và như ở đây, mà cũng còn nhắc cho cậu những câu vấn đáp họ đã soạn sẵn. Người ta có thể nói đó là những anh gõ đầu trẻ đứng trông học trò mình thi, cái cuộc thi nó sẽ định đoạt tương lai của họ.
Trong khi vua đang trao đổi những câu lễ phép lấy lệ với quan Khâm sứ, tôi cố nhìn. Vua vẫn có một bộ mặt thông minh, nhưng xét cho kỹ thì thấy có dáng lo lắng buồn rầu hơn là nghiêm trang. Vua tỏ ra bộ sợ không thuộc bài của mình; trông hai bàn tay chút xíu măn mo một chiếc khăn lụa thì biết vua đang bực tức lắm. Rồi trong khi những tiếng “Tâu Hoàng thượng” lặp đi lặp lại nhiều lần, văng vẳng đến tai tôi, tôi nhìn cái mũ nho nhỏ hất lên trời ấy, cái trán nho nhỏ ấy, rồi tôi chỉ muốn nói: “Thôi được rồi! Cậu trả lời được đúng cả rồi đấy. Bây giờ cho cậu đi chơi!”.
Nhưng vua đã xây lại tôi, và hỏi tôi đi tàu có bình an không, cái mục đích cuộc hành trình của tôi, v.v… Mỗi lần trước khi nói, vua nín lặng lâu như để cố nhớ lại đã. Nếu như không buồn thảm đến thế, thì tôi đã bật cười vì thấy cách mệt nhọc của vua trong khi gắng làm cho ra bộ thích nghe những câu trả lời của tôi.
Xong mấy câu thi lễ cần thiết, ông Khâm sứ xoay cuộc nói chuyện ra một chiều thân thiện hơn. Bây giờ thì vua bắt đầu nói tiếng Pháp, và nghe hiểu cũng kha khá. Vua chỉ muốn cười, và mỗi khi cười thì cái mũi nho nhỏ của ngài nhăn lại ở phía trên sống, như một đứa con nít nhỏ lắm ấy. À! Thật thế ư? Ra người chú ngài đi tàu bể lại say sóng kia! Thế thì chẳng buồn cười lắm nhỉ? Rồi một giọng cười trong trẻo đưa ra, làm cho không khí bấy giờ phải ngạc nhiên… Nhưng bây giờ ông chú ấy ở đâu rồi nhỉ? Ở thành Avignon, gần thành Avignon. (1)
Người ta còn cắt nghĩa cho vua rằng vì lòng tử tế mà chính phủ Pháp lựa xứ ấy cho chú ngài ở, vì khí hậu ở đấy cũng gần giống như ở An Nam. Vua lại cười nữa, và nói rằng mình sợ ngựa lắm.
Nhưng bỗng nhiên vua dừng nín bặt, e lệ và nhìn trộm năm ông quan im lặng mặc y phục thâm vẫn đứng nhìn vua cung kính lắm.
Chúng tôi ra về. Vẫn là cái bắt tay bệ vệ oai nghi như trước. Chúng tôi ra xa. Tôi đoái lui thì thấy cậu bé mặc áo vàng như muốn chạy theo nhưng mấy quan Thượng thư đã lôi lại.
Chúng tôi lại đi qua các cánh cửa ngày xưa ít khi nào mở, và để lại sau mình, tức là ở giữa cậu bé và sự tự do, những đền đài không mỹ thuật, ẩm thấp, vắng vẻ, những thành trì xây theo kiểu Vauban, với hào, với lũy, với tất cả cánh cửa làm ra để giam cầm vua lại hơn là để bảo hộ cho vua.
Thương hại cho cậu bé!
Cung điện của cậu giống như một viện bảo tàng nhân chủng, ở trong ấy người ta chăm nom mà cất kỹ cái mẩu cuối cùng và quý báu của một giống đã mất rồi.
Cậu bé ấy có tính đa cảm lạ thường, nóng nảy như tính cha. Người ta kể cho tôi rằng hễ bị rầy một tí là cậu đã đâm ra khóc nức nở.
Không phải là cậu không biết cái địa vị của cậu. Ngay bây giờ cậu đã có nhiều cơn giận dữ, còn là vô hiệu, khiến nhiều khi cậu trở lại đương đầu với các vị Thượng thư và nói với họ rằng: “Ta là vua”.
Vua cũng giữ thể diện của mình lắm. Có một viên thầy thuốc nhà binh mới qua, đã đến thăm vua nhiều lượt rồi mà khi nào cũng mặc áo quần trắng thường. Một hôm, vua bảo ông ta rằng:
‒ Như tuồng tôi chưa bao giờ thấy ông mặc lễ phục cả thì phải.
Viên thầy thuốc xin lỗi:
‒ Mặc âu phục thì phải cái nóng lắm.
Vua liền gắt:
‒ Thế thì ông sẽ chịu nóng vậy!
Vua lại còn có nhiều câu nói ngẳng và xấc nữa. Trong một cuộc đại lễ, một vị quan to tưởng phải đọc cho vua một tờ chúc từ cho thật dài, vua ngắt đi nửa chừng mà bảo:
‒ Ông không mệt à?
Tôi có hỏi người ta có ý đem vua sang Pháp khi nào không, thì họ trả lời:
‒ Có chứ! Nếu như có một cuộc đấu xảo, thì sẽ đem vua đi.
Thương hại cho cậu bé! [b]
EUGÈNE BRIEUX
Nguồn:
Sông Hương, Huế, s. 19 (5 Décembre 1936), tr. 1.
Chú thích
(1) Ám chỉ đức ông Hoài Ân vương Bửu Yêm, hồi ấy qua du học bên Pháp.(nguyên chú của tòa soạn S.H.)
[a] Eugène Brieux (1858-1932) người Pháp, nhà viết kịch, nhà báo, nhà du lịch; cuốn du ký kể tên trong bài xuất bản năm 1910.
[b] Bài dịch không ghi tên dịch giả; vậy tác quyền thuộc tòa soạn, tức là do Phan Khôi dịch.
-
Campuchia-Từ Hun Sen đến Hang Chuon Naron
Đất nước Campuchia là đất nước trải qua 2 giai đoạn cộng sản. Giai đoạn đầu là Cộng Sản Kmer Đỏ, quân này cho truy giết tầng lớp trí thức và chỉ giữ lại tầng lớp dân ngu dễ trị, trong đó có 80% giáo viên bị giết. Chính vì vậy nên trí tuệ dân tộc này gần như trở về số zero tròn trĩnh. Sau thời CS Kmer thì đến CS Heng Samrin, đâu là một chế độ bù nhìn do Việt Nam dựng lên và tất nhiên bên trong nó cũng rập khuôn Việt Nam. Cộng Sản nào cũng như nhau cả, cũng thực hiện chính sách ngu dân để trị. Có điều chính quyền CS Heng Samrin thì thực hiện chính sách giáo dục ngu dân còn chính quyền CS Kmer Đỏ thì giết trí thức.
Đến năm 1993 đất nước Campuchia chuyển sang thể chế Quân Chủ lập Hiến và Hun Sen- một cựu bộ trưởng ngoại giao trong chính quyền CS Heng Samrin được ngồi vào ghế đồng thủ tướng cùng với hoàng thân Norodom Ranariddh. Năm 1998 thì Hun Sen đảo chính lật Norodom Ranariddh và độc chiếm ghế thủ tướng cho đến nay. Nói cho cùng Hun sen cũng là CS, vì vậy mà sau thời CS Heng Samrin, Hun Sen cần phải có một thời gian đủ dài để ông ta gột rửa được tư duy CS đã thấm vào người ông ta.
Và thực tế cho thấy Hun Sen chứng tỏ rằng ông ta đã thoát khỏi mớ lý thuyết giáo điều của CNCS và có cái nhìn chiến lược hơn. Trong các nước Đông Nam Á thì Singapore là quốc gia có mô hình phát triển dựa trên sự học hỏi Phương Tây trong việc tuyển chọn con người tài cho đất nước và thiết lập cơ chế minh bạch. Hun Sen đã nhìn sang Singapore và cho đến hôm nay, ông ta đã vứt bỏ toàn bộ những thứ cặn bã của CS trong người ông và hướng tới xây dựng mô hình giống Singapore.
Học Lý Quang Diệu trong công cuộc xây dựng quyền lực cho gia tộc, ông Hun Sen đã đầu tư cho con trai Hun Manet xuất ngoại và học tại Học Viện Quân Sự West Point danh tiếng của Hoa Kỳ và sau đó trở về tiếp quản dần quyền lực. Con đường ông chọn khá giống với cách mà Lý Quang Diệu đào tạo Lý Hiển Long.
Năm 2013 ông Hun Sen đã mạnh dạn bổ nhiệm Hang Chuon Naron một nhà kinh tế tốt nghiệp đại học Lyon – Pháp làm bộ trưởng bộ giáo dục. Đây có thể nói là một bổ nhiệm thành công của ông Hun Sen khi ông ta nhìn thấy tài năng thực sự của ông này.
Đứng ở góc độ kinh tế, ông Hang Chuon Naron nhìn nhận rằng, không chỉ ở Campuchia, mà ở các nước phát triển cũng vậy luôn có những người có khả năng tiếp thu nền giáo dục tiến bộ và những người không khả năng. Những người có khả năng ấy nguồn chất xám tiềm năng rất lớn cho sự phát quốc gia, sẽ lãng phí rất lớn nếu đất nước không thể khai thác nguồn chất xám này. Như vậy cải cách giáo dục là chính sách cốt lõi để cho những người có khả năng ấy có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến.
Khi tiếp quản nền giáo dục Campuchia, ông Hang Chuon Naron đã nhìn ra ngay cái tỷ lệ 80% đậu tốt nhiệp trung học là ảo. Vì ông ta thừa biết nền giáo dục của Campuchia trải qua 2 đời CS cai thị thì nội lực bên trong không còn gì cả. Và bước sang thời Quân Chủ lập Hiến thì đất nước này vẫn chưa có lần cải cách giáo dục triệt để nào để thay đổi. Vậy nên ông ta muốn lột bỏ cái tỷ lệ dối trá 80% ấy để xem chất lượng thực tế của nền giáo dục Campuchia là như thế nào?
Để lột được tỷ lệ 80% dối trá đó, việc đầu tiên là ông tăng lương giáo viên lên gấp đôi để giáo viên sống được vì lương, tiếp theo ra luật phạt nặng những giáo viên nào dính tiêu cực để cho họ biết sợ mà chùn bước, và cuối cùng ông áp dụng cơ chế minh bạch để đảm bảo rằng, ai đã làm dối thì không thể che đậy. Kết quả là tỷ lệ đậu tốt nghiệp từ 80% rớt xuống còn 26% vào năm sau. Đấy là một cuộc cải cách chấn động xã hội. Tuy nhiên với tỷ lệ đậu tốt nghiệp 26% là tỷ lệ thật, dựa vào đó ông ta và bộ máy giáo dục mới có định lượng mà ra chính sách.
Với chính sách hợp lý thì từ năm 2014 thì tỷ lệ đậu tốt nghiệp tăng dần qua hàng năm và hiện nay đã đạt 64% năm 2017, và 64% này là thỉ lệ thật. Khi tỷ lệ đậu tốt nghiệp tăng lên đến 80% thì xem như Hang Chuon Naron đã thay 80% đậu tốt nghiệp giả tạo thành 80% đậu tốt nghiệp thật, và đây là nền tảng để thay máu nguồn chất xám cho đất nước Campuchia trong tương lai. Song song đó, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa các lớp 10 đến 12 giảm từ 23,8% năm 2015 xuống còn 19,4% năm 2016. Tất nhiên, với chính sách tăng gấp đôi lương và nhiều chương trình cải cách thì ngân sách giáo dục đã tăng lên từ dưới 10% chi tiêu quốc gia vào năm 2013 lên 18,3% vào năm 2016.
Cũng với con mắt của một chuyên gia kinh tế, ông Hang Chuon Naron cho rằng, muốn rút ngắn khoảng cách với thế giới nhanh nhất là đầu tư vào công nghệ. Điều này phù hợp với xu hương thế giới và việc Tàu Cộng phát triển công nghệ vượt Tây Âu và tiệm cận với Mỹ là minh chứng. Hiện nay ông cho thiết lập chương trình thúc đẩy vai trò của công nghệ trong trường học bằng cách xây dựng các phòng thí nghiệm CNTT-TT được trang bị tốt và khuyến khích học sinh học tập do các nhân viên đào tạo về phương pháp giảng dạy sáng tạo. Sắp tới ông ta cho triển khai ở 200 trường học tại tất cả 25 tỉnh thành và ông ta dự tính mất khoảng 10 đến 15 năm sẽ thu hẹp được khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Hun Sen là một kẻ tham quyền, tuy nhiên ông ta không mù quáng và ích kỷ đến mức hy sinh quyền lợi quốc gia để bảo vệ quyền lực cho gia tộc như ĐCS Việt Nam đang làm mà ông ta chọn cách cách khác, ông ta nâng cao năng lực lãnh đạo cho con cái để làm sao chúng theo kịp với mặt bằng thế giới. Về vấn đề quốc gia đại sự, ông ta không chọn người bất tài như người kiểu chọn Phùng Xuân Nhạ của nhóm lợi ích ở Việt Nam, mà ông ta mạnh dạn chọn người có năng lực vào ghế bộ trưởng và giao quyền để họ kiến thiết quốc gia. Chỉ một mình Hun Sen cũng đủ bỏ rất xa bộ Chính Trị ĐCS Việt Nam về tầm nhìn chiến lược và khả năng quản trị đất nước.
Như chúng ta thấy, bệnh dối trá ở Campuchia đã được Hang Chuon Naron triệt tận gốc trong vòng 4 năm thì tại Việt Nam được CS nuôi dưỡng và phát triển nó đã đến mức bất trị. Ngày xưa nạn bằng cấp giả, học hành giả tràn lan nhưng chưa ai dám công khai dùng bộ máy công an bảo vệ cái giả đó, thế nhưng hiện nay thì chuyện đó đã xảy ra ở đất nước này. Vụ ông Bí thư Đăk Lăk Bùi Văn Cường bắt giam ông Phạm Đình Quý và ông Hoàng Minh Tuấn là ví dụ. Điều đáng nói là chính quyền CS cũng đang dùng báo chí để dung túng cho điều đó. Đây là cái thua rõ ràng của Việt Nam trước người anh em Campuchia.
Hậu CS, thì sẽ mất một thời gian để quốc gia hiệu chỉnh chính sách tạo đà theo những nước phương Tây. Và hiện nay Hun Sen đã tạo đà cho đất nước campuchia bằng cách đào tạo con cái có thực học và chọn người tài vào bộ máy. Hậu Hun Sen thì Việt Nam chỉ có thể ngửi khói Campuchia mà thôi.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
-
ĐỀ ĐỐC TRẦN VĂN CHƠN
(100 năm ngày sinh)
– Sanh ngày 24 tháng 09 năm 1920 tại Vũng Tàu
– Năm 1952, tốt nghiệp Thủ khoa khóa 1 Sĩ quan Hải quân Nha Trang, cấp bậc Hải quân Thiếu úy
– Năm 1953, Chỉ huy phó Hải đoàn Xung phong ở Vĩnh Long, cấp bậc Hải quân Trung úy
– Năm 1954, Chỉ huy phó Hải đoàn Xung phong Ninh Giang
– Năm 1955, Chỉ huy trưởng Trợ chiến hạm Linh Kiếm HQ-226, Chỉ huy trưởng Lực lượng Giang đoàn, cấp bậc Hải quân Đại úy
– Năm 1957 – 1959, Tư lệnh Quân chủng Hải quân kiêm Giám đốc Hải quân Công xưởng, cấp bậc Hải quân Thiếu tá, Hải quân Trung tá
– Năm 1960, du học lớp Chỉ huy tại trường Hải chiến Hoa Kỳ
– Năm 1962, Chỉ huy trưởng Lực lượng Tuần giang
– Năm 1966, tái nhiệm Tư lệnh Quân chủng Hải quân, cấp bậc Hải quân Đại tá
– Năm 1968, thăng Phó Đề đốc, cấp bậc Chuẩn tướng
– Năm 1970, thăng Đề đốc, cấp bậc Thiếu tướng
– Năm 1974, giải ngũ
– Năm 1975 – 1987, bị bắt đi tù chính trị
– Năm 1991, định cư tại California, Hoa Kỳ
– Ngày 02 tháng 05 năm 2019, qua đời tại nơi định cư
– Đệ Tam Đẳng Bảo quốc Huân chương, nhiều huy chương trong và ngoài nước
-
Ý nghĩa niên hiệu của 12 vị vua triều Nguyễn
Việt Nam thời các hoàng đế trị vị, việc đặt và ban hành niên hiệu đều có liên quan mật thiết đến ý chí chính trị của hoàng đế. Bằng hình thức niên hiệu, hoàng đế đã đưa ý chí chính trị của mình thẩm thấu vào cuộc sống thường nhật của quốc gia.
Trước triều Nguyễn, hoàng đế Việt Nam không chỉ có một niên hiệu, thường có việc đổi niên hiệu. Sau chịu ảnh hưởng của đời Minh – Thanh, mỗi đời vua một niên hiệu. Triều Lê Trung Hưng bắt đầu thực hiện mỗi đời vua một niên hiệu. Đến triều Nguyễn thì chế độ này đã được cố định.
Triều Nguyễn có tổng cộng 13 vị hoàng đế, trừ vua Cung Tông kế vị ngắn ngủi 3 ngày ra không có niên hiệu, tổng cộng đã đặt ra 12 niên hiệu, trong đó niên hiệu Hiệp Hòa chưa được sử dụng. Các vua Việt Nam tuy đã nhạt nhòa theo lịch sử nhưng những niên hiệu mà họ để lại làm cho chúng ta sau hàng trăm năm vẫn cảm nhận được ý thức chính trị của họ.
Gia Long – Niên hiệu của vua Nguyễn Thế Tổ (18 năm, 1802 – 1819)
Nguyễn Thế Tổ Nguyễn Phúc Ánh là người sáng lập ra triều Nguyễn. Năm 1802, Nguyễn Thế Tổ đánh bại triều Tây Sơn, thu phục cựu đô Phú Xuân, Quảng Nam và đổi tên là Thuận Hóa. Năm sau, đổi niên hiệu Gia Long, lập ra triều Nguyễn. Đặt quốc hiệu là Nam Việt, về sau, triều Thanh sắc phong ông làm Nam Việt Quốc Vương.
“Đại Nam thực lục – đệ nhất kỷ” có ghi: “Lấy ngày 1 tháng 5 năm nay chiếu cáo thiên hạ, hôm sau chiếu cáo các Thánh, Kỷ Nguyên Gia, lấy kỷ thống nhất để biểu thị mới cái đức”. Ý nghĩa của cái tên Gia Long lấy từ cụm từ “Gia Định Thăng Long”, để bày tỏ ý nghĩa thống nhất thiên hạ (Việt Nam).
Sử Trung Quốc “Thanh sử cảo – Việt Nam truyện” có chép: “Nguyễn Phúc Ánh có được quốc gia nhờ Gia Định, Vĩnh Long binh lực nhiều, nên lấy hai tỉnh làm niên hiệu, gọi là Gia Long”. Nhưng chúng tôi nhận thấy rằng niên hiệu của hoàng đế lấy ý nghĩa trong 2 từ Gia Định, Thăng Long. Bởi lúc đó khi triều Nguyễn vừa thiết lập, niên hiệu này cũng cho thấy hàm ý triều Nguyễn kế thừa triều Lê chính thống trị vị toàn bộ Việt Nam.
Giai đoạn Gia Long tại vị trị vì, tình hình Việt Nam dần ổn định. Ông đã tiến hành cải cách trên các lĩnh vực quân sự, hành chính, kinh tế, văn hóa, xây dựng lớn nhiều đô thành, đường xá. Tham khảo “Đại Thanh luật” của Trung Quốc, ông đã ban hành “Gia Long luật thư” (sách luật Gia Long), đương thời gọi là “Hoàng triều luật lệ”.
Cuốn “Quốc triều chính biên toát yếu” (bản tóm tắt chính biên triều đình) biên soạn trong những năm Duy Tân triều Nguyễn, đã đánh giá Gia Long Nguyễn Phúc Ánh là:
“Vua đã phục hưng sáng nghiệp, công lao và đức độ đều lớn, tạo phúc cho dân to lớn chưa từng có. Khi bắt đầu lập quốc, vua cho xây dựng thành quách, tu sửa lăng tẩm, dựng đàn Giao Tế, đàn Xã Tắc, ban thưởng tước lộc, mở khoa thi cử chọn nhân tài, chấn hưng lễ nhạc, trường học, định ra pháp luật chế độ, điều luật, bảo tồn dòng dõi nhà Lê, Trịnh, kéo dài chế độ thế tập cho công thần, ngăn quan tướng Tây Sơn, đề phòng cẩn mật Xiêm La, bao dung Chân Lạp, vỗ về Vạn Tượng, uy danh chấn động muôn phương, nhân đức bao trùm các nước nhỏ, quy mô che phủ rộng lớn xa xôi“.
Minh Mạng – Niên hiệu của vua Đại Nam Nguyễn Thánh Tổ (21 năm, 1820 – 1840)
Đại Nam Thánh Tổ, tên húy Nguyễn Phúc Đảm, lên ngôi năm Gia Long thứ 18 (1819), đổi niên hiệu Minh Mạng. Trong thời gian ông trị vì, quốc lực cường thịnh nhất. Sau này vào ngày Giáp Tuất tháng 3 mùa xuân năm Minh Mạng thứ 19, đổi tên quốc hiệu là Đại Nam. Niên hiệu Minh Mạng lấy từ sách “Thượng thư – Hàm hữu nhất đức”: “Khắc hưởng thiên tâm, thụ thiên minh mạng” (Được hưởng lòng trời, thì được cái mệnh sáng của trời).
Vua Minh Mạng là con thứ 4 của Nguyễn Thế Tổ Gia Long. Sau này, hoàng thái hậu Anh Duệ mất sớm, chuyển kế thừa cho con của hoàng hậu Thiên Cao, và coi ông là “đích tử”. Sau đó Nguyễn Phúc Đảm đổi tên thành Nguyễn Phúc Kiểu, được lập làm hoàng thái tử. Niên hiệu Minh Mạng cũng biểu lộ ngôi vị của ông là chính thống, ông lên ngôi là do thiên mệnh.
Trong thời gian vua Minh Mạng trị vì, ông đã tiến hành rất nhiều cải cách. Minh Mạng đã xây dựng thể chế quan lại hệ thống hóa mô phỏng theo triều Mãn Thanh, hoàn thiện chế độ khoa cử, xây dựng chế độ hành tỉnh, đưa triều Nguyễn vào giai đoạn cực thịnh. Một lòng mong muốn xây dựng Việt Nam thành đại đế quốc như triều Thanh, ông đánh nam dẹp tây, mở rộng cương thổ của Việt Nam lớn nhất, thôn tính sát nhập Cam Pu Chia và Lào.
Nhưng về đối ngoại ông lại thi hành chính sách bế quan tỏa cảng. Trong nước thì cấm truyền bá Cơ Đốc giáo, bức hại giáo sỹ, làm cho phương Tây ác cảm, bị người phương Tây gọi là “Nero phương Đông”, đã để lại một mối hậu hoạ sau này. Cuốn “Quốc triều chính biên toát yếu” đã đánh giá Minh Mạng:
“Vua với tư cách thánh thượng kế thừa đại đinh, dốc sức trị quốc, tô điểm thái bình. Học điển cố xưa, sửa sang lễ nhạc, cẩn trọng quyền lực, rà soát pháp luật chế độ, đặt khoa cử chọn nhân tài. Vua cày ruộng khuyến nông, cử quan tuần các tỉnh, đặt chức kinh sát để kiểm tra quan lại. Cho đến ngăn chặn kẻ thân cận lộng quyền, ngăn ngừa cảnh giới hoạn quan, lệnh hoàng thân quốc thích không được can dự việc bên ngoài, ý vua ngăn chặn tệ nạ từ khi còn manh nha ra rất sâu sắc. 21 năm lo nghĩ, cần mẫn, khoan thứ, việc chính sự luôn giữ hàng ngày, phàm tất cả sắc lệnh, phê duyệt, dụ chỉ, bố cáo đều tự vua viết. Bắt đầu dạy chữ giáo hóa các vùng man di, uy danh chấn động Xiêm La, Lào, thánh đức thần công, không thể kể hết“.
Thiệu Trị – Niên hiệu của vua Đại Nam Hiến Tổ (7 năm, 1841 – 1847)
Đại Nam Hiến Tổ Nguyễn Phúc Tuyền tên ban đầu là Nguyễn Phúc Miên Tông, con trai trưởng đích hệ của vua Minh Mạng. Năm Minh Mạng thứ 21 (năm 1840) lên ngôi, niên hiệu Thiệu Trị. Thiệu Trị kế thừa đế quốc Đại Nam hùng mạnh, lãnh thổ bao gồm cả Cao Miên (Cam-pu-chia), Vạn Tượng (Lào)… Để bày tỏ kính trọng cha – vua Minh Mạng nên định niên hiệu là Thiệu Trị, với ý nghĩa là “Thiệu tiên hoàng Minh Mạng chi Trị” (Nối nghiệp trị vì của tiên hoàng Minh Mạng).
Thời gian trị vì Thiệu Trị tôn trọng không thay đổi cách trị vì của vua cha, giữ lại các phép cũ. Về thái độ với phương Tây, Thiệu Trị cũng giống y như vua cha Minh Mạng, có thái độ bảo thủ và đối địch với các nước phương Tây, nhưng trong những năm Thiệu Trị cấm thiên chúa giáo có hòa hoãn hơn thời Minh Mạng. Thiệu Trị tiếp tục các chính sách của vua Minh Mạng, thưởng cho những người bắt các giáo sỹ phương Tây, và đưa các giáo sỹ bị bắt về Thuận Hóa giam giữ, lệnh cho họ dịch các sách phương Tây. Sau này người Pháp bắn pháo đánh Đà Nẵng. Vua Thiệu Trị nổi giận, lại tuyên bố lệnh cấm Thiên Chúa giáo, và tăng cường đàn áp giáo đồ Thiên Chúa giáo trong nước.
Tự Đức – Niên hiệu của vua Đại Nam Dực Tông (36 năm, 1848 – 1883)
Đại Nam Dực Tông Nguyễn Phúc Thì tên gốc là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, con trai đích hệ của vua Thiệu Trị (con trai thứ 2), năm Thiệu Trị thứ 7 lên ngôi, năm sau đổi niên hiệu là Tự Đức. Trong “Đại Nam thực lục đệ tứ kỷ” viết, nghĩa của Tự Đức là “Tự tiên hoàng Thiệu Trị chi Đức” (kế thừa đức của vua cha Thiệu Trị).
Trong thời gian Tự Đức trị vì, nước Đại Nam dần dần suy yếu, người Pháp xâm nhập, xâm chiếm mấy tỉnh phía nam, ký hiệp ước bất bình đẳng, Việt Nam dần dần trở thành thuộc địa Pháp. Về văn hóa, cũng như vua cha coi trọng giáo dục văn hóa là Nho gia, biên soạn nhiều bộ sách sử như “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, và viết “Tự Đức Thánh chế tự học giải nghĩa ca”… Niên hiệu Tự Đức là niên hiệu sử dụng lâu nhất của triều Nguyễn. Các vua kế vị sau là Nguyễn Cung Tông và Hiệp Hòa cũng dùng niên hiệu này.
Tự Đức qua đời tháng 6 năm Tự Đức thứ 36, con nuôi trưởng của ông là Nguyễn Cung Tông Nguyễn Phúc Ưng Chân kế vị, nhưng kế vị được 3 ngày thì bị quyền thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết soán cải di chiếu phế bỏ, và cũng chưa đặt niên hiệu. Sau khi Nguyễn Cung Tông bị phế, quyền thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lập con thứ 29 của vua Thiệu Trị là Lang Quốc Công Nguyễn Phúc Hồng Dật lên ngôi, đổi tên là Nguyễn Phúc Thăng, sửa niên hiệu từ năm sau là năm Hiệp Hòa thứ nhất.
Hiệp Hòa
Hiệp Hòa có xuất xứ từ sách “Thượng thư – Nghiêu điển” là “Hiệp Hòa vạn bang, lê dân ư biến thời ung” (hòa hiệp với vạn nước thì nhân dân thời biến loạn sẽ trở lại yên bình hài hòa). Đại Nam lúc này đã tơi tả thảm hại, vua mới hy vọng dưới sự trị vì của mình có thể hòa hiệp với nước Pháp, để nhân dân an định. Nhưng vua Hiệp Hòa chỉ là bù nhìn, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết chuyên quyền khiến vua hết sức bất mãn, muốn tiếp nhận chính sách bảo hộ do người Pháp đưa ra để chống lại đại thần phụ chính cường thịnh.
Sự việc bị Nguyễn Văn Tường biết và tấu bẩm Từ Dụ thái hậu. Ngày 29 tháng 11 năm 1883 đảo chính, Tường giết chết Trần Tiễn Thành và phế truất vua Hiệp Hòa, sử sách gọi là phế đế. Vì kế vị 4 tháng vẫn trong năm Tự Đức thứ 36, niên hiệu Hiệp Hòa vẫn chưa chính thức sử dụng.
Kiến Phúc – Niên hiệu của vua Đại Nam Giản Tông (1 năm, 1884).
Đại Nam Giản Tông tên húy là Nguyễn Phúc Hạo, tên gốc là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, là con nuôi của Tự Đức (con thứ 3). Quyền thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết sau khi phế giết vua Hiệp Hòa, ngày 30 tháng 11 năm 1883 lập Giản Tông, đổi niên hiệu là Kiến Phúc. Trị vì 1 năm, thời gian đó Việt Nam và Pháp ký “Hiệp ước Thuận Hóa thứ 2”, Việt Nam trở thành nước bảo hộ của Pháp. Việt Nam đem ấn vàng Việt Nam Quốc Vương do triều Thanh ban nấu chảy, tuyên bố thoát ly quan hệ triều cống với triều Thanh.
Hàm Nghi – Niên hiệu của vua Đại Nam Xuất Đế (năm 1885, phong trào Cần Vương sử dụng đến năm 1889)
Vua Hàm Nghi tên húy là Nguyễn Phúc Minh, tên gốc là Nguyễn Phúc Ưng, con của Kiên Thái Vương. Vua Kiến Phúc mất, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết chuyên quyền không muốn để con nuôi thứ 2 của Tự Đức Nguyễn Phúc Ưng Kỳ lên ngôi, bèn đưa em trai Nguyễn Phúc Ưng Kỳ là Nguyễn Phúc Ưng Ủng lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Hàm Nghi. Hàm Nghi có nguồn gốc từ “Thi Kinh”: “Cảnh viên duy hàn thụ mệnh hàm nghi, bách lộc thị hà” (Núi Cảnh Sơn có sông lớn bao quanh, triều kế thừa triều Thương là thu mệnh trời, tất cả đều thích hợp, trăm lộc đều có cả). Nó phản ánh khát vọng cho nhân dân được yên vui của Hàm Nghi.
Khi vua Hàm Nghi trị vì, Việt Nam đã là thuộc địa của Pháp, người Pháp đối với hoàng thất cũng rất kiêu căng ngỗ ngược. Vua Hàm Nghi được Tôn Thất Thuyết phò tá lấy danh nghĩa hoàng đế ban “Cần vương chiếu”, và xin Mãn Thanh sắc phong, hiệu triệu nhân dân các địa phương nổi dậy chống sự thống trị của người Pháp. Các nơi khắp Việt Nam ào ào khởi binh hưởng ứng. Phong trào nổi dậy chống sự thống trị của người Pháp này được đời sau gọi là phong trào Cần Vương. Sau đó Hàm Nghi bị phản đồ bán đứng cho Pháp, bị bắt và lưu đày ở Algeria.
Đồng Khánh – Niên hiệu của vua Đại Nam Cảnh Tông (4 năm, 1885 – 1888)
Đại Nam Cảnh Tông tên húy là Nguyễn Phúc Biện, tên gốc là Nguyễn Phúc Ưng Thị, là con nuôi thứ 2 của vua Tự Đức, năm Tự Đức thứ 35 được vua Tự Đức sắc phong làm Kiên Giang Quận Công. Sau khi vua Hàm Nghi ra đi phát động phong trào Cần Vương, chính quyền thuộc địa Pháp để vỗ về dân chúng đã thương lượng cùng Từ Dụ thái hậu lập Kiên Giang Quận Công Nguyễn Phúc Ưng Thị làm hoàng đế.
Thế là ngày 9 tháng 8 năm Hàm Nghi thứ nhất, đổi tên theo tên đế hệ là Nguyễn Phúc Biện và làm lễ tấn quang, ngày 10 lên ngôi vua, đổi niên hiệu là Đồng Khánh, từ ngày 22 tháng 5 năm Hàm Nghi thứ nhất đổi là năm Ất Dậu Đồng Khánh, năm sau bắt đầu gọi là năm thứ nhất. Đồng Khánh có nghĩa là “Trung hưng đồng khánh” (phục hưng lại, tất cả đều vui mừng).
Lúc này triều Nguyễn hoàn toàn phụ thuộc vào Pháp nên để che giấu màu sắc thuộc địa, nên xưng là vua Đồng Khánh và người Pháp hợp tác khôi phục trung hưng Đại Nam. Vua Đồng Khánh tự nhận là “Quả nhân khôi phục lại hưng thịnh”, Đồng Khánh kế vị dưới sự bảo hộ của người Pháp tuyên bố Đại Nam là “Quốc thái dân an, phổ thiên đồng khánh” (Quốc thái dân an, khắp trời đều vui).
Thành Thái – Niên hiệu của vua Thành Thái
Vua Thành Thái tên húy là Nguyễn Phúc Chiêu, tên gốc là Nguyễn Phúc Bửu Lân, là con của Cung Tông. Năm Đồng Khánh thứ 3 vua Đồng Khánh qua đời, Khâm sứ Trung Kỳ người Pháp Lê-na đưa Nguyễn Phúc Bửu Lân lên ngôi, và đổi tên theo tên đế hệ là Nguyễn Phúc Chiêu, đổi niên hiệu là Thành Thái. Thành Thái có nguồn gốc từ “Dịch Kinh” là “Thái, tiểu vãng đại lai, cát hanh. Tắc thị thiên địa giao, nhi vạn vật thông dã” (Thái, đi nhỏ về lớn, tốt lành. Tức là trời đất giao hòa, vạn vật hanh thông). Có ý nghĩa là quẻ Thái là trời đất giao hòa mà Thành. Thái có nghĩa là an định.
Vua Thành Thái lên ngôi chú ý đến quốc sự, đi thị sát dân tình. Trong thời gian trị vì, thể hiện tương đối thân thiện với xã hội phương Tây, cũng là vị quân vương Việt Nam đầu tiên học lái xe, cắt tóc ngắn theo kiểu phương Tây. Tuy chịu ảnh hưởng của giáo dục nước Pháp sâu sắc, nhưng ông cảm thấy đau buồn vì quốc gia mình bị người Pháp khống chế. Năm Thành Thái thứ 17 (1907), vua Thành Thái bổ nhiệm một số quan lại mà chưa được sự đồng ý của chính quyền thực dân Pháp, làm cho người Pháp không tín nhiệm ông. Thế là Khâm sứ Trung Kỳ người Pháp phế truất vua Thành Thái.
Duy Tân – Niên hiệu vua kế tiếp Đại Nam (10 năm, 1907 – 1916)
Vua Duy Tân tên húy là Nguyễn Phúc Hoảng, tên gốc là Nguyễn Phúc Vĩnh San, là con trai vua Thành Thái. Năm Thành Thái thứ 17, Nguyễn Phúc Vĩnh San mới 8 tuổi được lập làm hoàng đế, đổi tên là Nguyễn Phúc Hoảng, đổi niên hiệu là Duy Tân, Duy Tân có nguồn gốc từ sách “Thượng Thư” là “Hàm dữ duy tân” (Tất cả đều được đổi mới), với ý nghĩa là Đại Nam dưới sự bảo hộ của người Pháp, đất nước đổi mới, mọi người dân được an lạc.
Trong thời gian vua Duy Tân trị vì, người Pháp kiêu căng ngỗ ngược, vua Duy Tân cực kỳ căm ghét. Cuối tháng 4 năm 1916 (năm Duy Tân thứ 10), vua Duy Tân bí mật gặp các thành viên của Việt Nam Quang Phục Hội, lên kế hoạch đảo chính. Nhưng đảo chính thất bại. Người Pháp dự định đưa vua Duy Tân trở lại hoàng thành làm hoàng đế, nhưng vua không muốn làm bù nhìn. Thế là vua Duy Tân và vua cha bị lưu đày ở đảo Reunion.
Khải Định – Niên hiệu của vua Đại Nam Hoằng Tông (10 năm, 1916 – 1925)
Tên húy là Nguyễn Phúc Tuấn, tên gốc là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, là con của vua Đồng Khánh. Ngày 18 tháng 5 năm 1916 (ngày 27 tháng 4 năm Duy Tân thứ 10) Nguyễn Phúc Bửu Đảo được thực dân Pháp lập làm hoàng đế Việt Nam, đổi niên hiệu là Khải Định. “Khải” là khai mở, “Định” là bình an, an định. Vì 2 vua Thành Thái, Duy Tân làm trái ngược ý chí của người Pháp, Khải Định mang ý nghĩa cam chịu làm bù nhìn cho người Pháp nên đặt niên hiệu là Khải Định. Trong thời gian trị vì ông đã ban bố nhiều pháp lệnh có lợi cho người Pháp. Ông cũng giống cha ông không nhận được nhiều thiện cảm của người dân Việt Nam.
Khi trị vì, Khải Định đã đến Marseille Pháp, tham gia triển lãm các nước thuộc địa Pháp. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, hoàng đế xuất ngoại thăm viếng. Nhưng chuyến đi Pháp này bị mọi người chê trách. Sau khi vua Khải Định lên bờ cảng Marseille, thì gặp phải sự phản đối của nhóm người Việt lưu vong ở Pháp.
Bảo Đại – Niên hiệu hoàng đế cuối cùng
Vua Bảo Đại, hoàng đế cuối cùng của Việt Nam tên húy là Nguyễn Phúc Thiển, tên gốc là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Năm Khải Định thứ 10 (1926), Khải Định tạ thế, ông kế vị làm hoàng đế, đổi niên hiệu là Bảo Đại. Bảo Đại lấy từ “Tả Truyện – kỳ lục nhật” là “Tuy vạn bang, lũ phong niên, bảo đại, định công, an dân, hòa chúng” (Dẹp yên vạn nước, liên tiếp được mùa, giữ được vị trí nước lớn, lập công đức, làm dân yên ổn, hòa hợp với tất cả mọi người), ngụ ý là kéo dài phúc tộ nhà Nguyễn, lập công dựng nghiệp.
Các vị Vua triều nhà Nguyễn