-
Truyện Ngắn: GIÓ NGÀN & Tham Luận: SỨ MẠNG VĂN HÓA VIỆT NAM – Chu Tấn
GIÓ NGÀN (truyện ngắn) * Chu Tấn.
“Đi sông bến lạnh lên ngàn
Khóc thời xa cũ đã tàn thanh âm.”
(Hoài Khanh)
PHẦN I .
1
Nhân đang theo chiếc thuyền lớn bằng 2 bàn tay chạy vào bờ thì nghe tiếng nói: Anh ấy đấy. Anh Nhân ơi… Nhìn lên, nhận ra người gọi là Dũng, người bạn đi thả thuyền với Nhân hơn một tuần nay, Nhân cúi xuống vớt chiếc thuyền cầm tay, bước lên bãi cát, cười gật đầu chào lại cô gái đứng cạnh Dũng, rồi nói:
tranh “Thiếu Nữ Dâng Trà” của Lê Phổ
– Tưởng hôm nay cậu không đi, tôi ra đây cả tiếng rồi.
– Em đi hơi trễ, vì chị Điệp em đây cũng muốn đi coi thả thuyền, rồi lại tìm anh ở phía bên kia mất khá lâu.
– Mình thay chỗ coi xem sao, phía này gió dìu hơn – Nhân nói, rồi nhìn cô gái: Điệp đã đi thả thuyền bao giờ chưa?
– Dạ chưa. Mấy hôm nay nghe Dũng nói nhiều về chuyện thả thuyền với anh, nên Điệp muốn đi coi cho biết.
– Vậy Điệp xuống nước thả thuyền với chúng tôi hay đứng trên bãi cát.
– Điệp ở trên bờ coi thôi.
Trong khi Nhân và Dũng lội ra xa, Điệp nhìn cảnh tượng xao động dưới nước, cả trên trăm người thả thuyền với những tiếng gọi và tiếng cười. Những con sóng nhỏ trào vào bãi cát vàng thoai thoải, nhưng những con thuyền nhỏ lại không bị sóng cuốn theo. Chúng dập dềnh chạy ngang hay chạy theo vòng tròn. Thỉnh thoảng có chiếc bị lật úp thì chủ chiếc thuyền bị lật vội vớt thuyền lên, dốc cho nước chảy hết, điều chỉnh lại buồm và bánh lái, rồi lại thả cho thuyền đuổi theo những chiếc đang chạy trước. Theo những lượn sóng, những chiếc thuyền dài chừng 2 hay 3 gang tay với những cánh buồm nâu, trắng, xanh, đỏ tỏa rộng khắp khu vịnh nông, đã đem đến nguồn vui trong buổi chiều lộng gió cho cả người trẻ lẫn người già.
Ở phía xa, nước sâu quá đầu gối, Dũng nhập vào một toán cả chục cậu ngang tuổi, còn Nhân đang thả thuyền một mình. Nhìn chiếc thuyền chạy vát quanh mình mấy vòng, Nhân vớt thuyền lên, điều chỉnh bánh lái và buồm cho thuyền chạy vát vào bờ, rồi bước theo con thuyền cho tới khi những con sóng sắp trào lên giải cát thì Nhân vớt thuyến lên đi đến chỗ Điệp.
– Vui nhỉ, anh Nhân. Ra Cát Bà mấy hè mà hôm nay Điệp mới biết trò chơi thả thuyền.
Nhân nói:
– Điệp ra đây mà không vào khu vịnh làng chài thì làm sao thấy. Chỉ vùng vịnh này, biển nông, bãi cát thoai thoải chạy ra xa, mới có thể lội xuống nước thả và đi với thuyền. Hè năm ngoái ra đây, đi lang thang gặp mấy cậu cỡ tuổi Dũng, mỗi cậu cầm một chiếc thuyền, tôi hỏi đem thuyền đi đâu? Mấy cậu ấy trả lời là đi thả thuyền. Tôi đi theo, thấy trò chơi thú vị nên kết. Rồi mấy ngày sau tôi tới đây nhập bọn với chiếc thuyền tôi làm.
– Làm thuyền có khó không, anh?
– Tôi đi coi hai buổi, quan sát những chiếc thuyền lớn nhỏ, chiếc nào cũng làm bằng một khúc gỗ thông khô. Phải gọt thành thuyền, rồi đục khoang, làm bánh lái, làm cột buồm và buồm. Khó thì không khó, nhưng phải làm tỉ mỉ. Rồi tới lúc thả, phải tập điều chỉnh bánh lái, buồm, cho thuyền chạy thẳng, chạy vòng, chạy vát theo gió, theo sóng – Nhân cười: Điều chỉnh khó, tôi phải quan sát người thả điều chỉnh ra sao, phải hỏi mấy cậu thành thạo, rồi tự tập một mình cả tuần mới có thể nhập toán đua. Mấy tháng hè, sẵn gỗ, tôi làm cả chục chiếc thuyền lớn, nhỏ, thay đổi hình dáng theo ý mình.
Điệp đưa tay:
– Anh cho Điệp coi chiếc thuyền.
Cầm chiếc thuyền, nhìn trên dưới, bánh lái và buồm, Điệp nói:
– Anh khéo tay, chiếc thuyền này đâu có thua gì những chiếc thuyền bày bán trong mấy cửa hiệu đồ chơi ở Hà Nội.
Nhân cười, lắc đầu:
– Không bằng thuyền của cửa hiệu đâu. Tôi chưa thấy những chiếc thuyền đó, nhưng biết chắc là nó đẹp và tinh sảo hơn, vì do thợ chuyên môn làm. Họ làm nhiều và có đủ dụng cụ. Còn mình thì làm bằng mấy con dao nhà bếp với chiếc đục cùn.
Điệp cười, đưa lại Nhân chiếc thuyền:
– Cả tuần nay, ngày nào Dũng cũng say sưa nói về chuyện đi thả thuyền và đang làm một chiếc lớn hơn chiếc này. Mê thuyền đến độ quên cả sách vở.
– Nghỉ hè mà sách vở gì.
– Nghỉ nhưng vẫn phải ôn toán cũ và học toán mới để khi vào lớp mới, học cho dễ.
– Điệp và Dũng chăm chỉ đến vậy đấy hả. Còn tôi thì hè chỉ đi chơi và đọc truyện.
– Anh đọc loại truyện gì?
– Kiếm hiệp, tiểu thuyết và trinh thám… Ngày ở tiểu học thì chỉ đọc kiếm hiệp, còn bây giờ đọc thêm tiểu thuyết và trinh thám. Điệp có đọc truyện không?
Điệp đáp:
– Ở tiểu học không đọc, nhưng lên trung học Điệp đọc tiểu thuyết của một số nhà văn như Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan và Hoàng Công Khanh.
Có tiếng cười reo hò ở phía xa. Nhân quay nhìn bật cười. Cả mấy chục người lớn nhỏ đang đua thuyền. Họ reo hò, hình như để trợ lực cho thuyền của mình. Điệp nhìn chăm chú xuống đám người đua thuyền, bỗng hỏi:
– Dũng thả thuyền thạo chưa anh Nhân?
Nhân cười:
– Học rất nhanh. Bây giờ đua thuyền với Dũng, tôi thua luôn, nên Dũng kết với mấy người khác để thi có hào hứng hơn. Tôi ít đua, thường chỉ cho thuyền chạy một mình để xem sự điều chỉnh bánh lái và buồm được chính xác tới đâu. Quê tôi cũng đảo, nhưng không có trò chơi làm thuyền, thả thuyền. Ra đây mới biết thú vui này.
– Quê anh ở đảo nào?
– Đảo Vạn Hoa.
– Tên hay quá, Điệp chưa nghe.
– Tên hay nhưng không hùng vĩ, ngoạn mục bằng đảo Cát Bà.
– Bây giờ anh vẫn ở Vạn Hoa?
– Không, tôi đã theo ba tôi vào Quảng Yên để đi học. Đảo Vạn Hoa nhỏ, ít dân, nên trường học chỉ có tới lớp ba. Muốn học lên, phải vào thành phố như Cửa Ông, Cẩm Phả.
Điệp hỏi:
– Ở Quảng Yên có mấy trường trung học?
– Một trường, trường Trần Quốc Tuấn và chỉ có tới lớp đệ tứ. Muốn học lên phải qua Hải Phòng hay lên Hà Nội. Ở tỉnh lẻ đi học khó lắm, chứ không có sự thuận lợi như Điệp là gia đình ở Hà Nội.
Nhân ngừng lại, quay nhìn đám đông đang reo hò. Họ reo hò cho những chiếc thuyền đang trên sóng nước hay sắp tới mức đến. Cả một bên bầu trời ngoài biển vàng đỏ chói chang. Những dãy núi cao như những lớp trường thành của đảo biến thành xanh, xám và tím. Dưới biển đã bớt người thả thuyền, nhưng những tiếng reo hò xa gần vẫn vang lên. Để ý tìm Dũng không thấy, Nhân nói: Mải tranh đua, Dũng quên cả về – Rồi hỏi: Lên trung học, Điệp học trường nào?
– Trưng Vương, anh ạ. Thi vào đệ thất khó lắm, nhưng Điệp may mà đỗ được.
Nhân nói:
– Chăm chỉ và thông minh như chị em Điệp thì thi đỗ là chuyện thường. Nghỉ hè, tôi chỉ cầm mấy cuốn truyện, còn Điệp vẫn cặm cụi với sách vở.
Điệp cười:
– Điệp cũng đọc truyện, nhưng đọc vào buổi tối, còn ban ngày học ôn. Anh bảo học chăm thì đúng, còn thông minh thì không. Điệp học toán, lý, hóa chậm lắm. Có điều đặc biệt là mấy năm nay, từ ngày ba Điệp ra đây làm việc, cứ đến hè là Điệp háo hức nghĩ đến cái vui đi nghỉ hè xa. Bạn bè đa số ở lại Hà Nội, còn Điệp ra biển mà biển đó lại là biển vịnh Hạ Long.
Nhân hỏi:
– Từ Hà Nội ra đây, đi như thế nào, mất bao lâu?
– Mất hai ngày, anh ạ. Một ngày xuống Hải Phòng, sáng hôm sau đi tàu từ Hải Phòng ra Hòn Gai. Rồi từ Hòn Gai đi tàu hoặc thuyền ra Cát Bà. Tàu Hải Phòng – oHòn Gai dừng lại Bến Ngự cả tiếng, nhưng Điệp chưa lên phố Quảng Yên lần nào.
– Ông còn làm việc ở Cát Bà thì Điệp sẽ có dịp biết Quảng Yên. Tỉnh nhỏ, chỉ có mấy con phố, nhưng buổi chiều thì đầy lính, vì Quảng Yên có nhiều trại lính với mấy trung tâm huấn luyện lính mới.
Điệp hỏi:
– Học xong ở Quảng Yên, anh sẽ tiếp tục học ở đâu?
– Hải Phòng, vì tôi có gia đình ông chú ở Hải Phòng. Nhưng hy vọng một, hai năm nữa trường Trần Quốc Tuấn sẽ có những lớp tam, nhị, nhất thì khỏi phải đi xa.
Nhìn chiếc thuyền trên cát, Nhân cười thầm là mê mải chuyện trò, quên cả việc thả thuyền. Nhân tính lên bảo Điệp xuống gần nước để chỉ cho Điệp thấy việc điều chỉnh bánh lái và buồm cho thuyền chạy theo ý muốn ra sao, nhưng Điệp đã dẫn Nhân đi xa, và Nhân cũng bỏ mất ý định ban đầu. Điệp hồn nhiên và phong phanh chiếc áo cánh lụa trắng và chiếc áo đã làm nổi lên khuôn cổ cao tròn với nét mặt tươi rạng rỡ ở đôi môi và đôi mắt đen sắc. Theo những điều Điệp hỏi cùng với sự hồn nhiên, Nhân cảm thấy một nguồn vui dâng lên khi thấy Điệp tự nhiên như đã quen biết Nhân từ lâu. Bỗng nhớ lại việc đọc truyện, Nhân hỏi:
– Từ ngày đọc truyện, Điệp đã đọc truyện kiếm hiệp bao giờ chưa?
– Chưa, anh.
– Tôi có đem theo mấy bộ. Muốn đọc thử thì ngày mai qua tôi, lấy một bộ về đọc cho biết.
– Vâng, ngày mai anh cho Điệp mượn một bộ – ngừng một lát, Điệp hỏi: Lại sắp hết hè, hôm nào anh về Quảng Yên?
– Khoảng cuối tháng, về trước ngày tựu trường một tuần.
– Vậy Điệp về Hà Nội trước anh một tuần. Anh cũng đi tàu thủy?
– Không, tôi đi xe hàng từ Hòn Gai về Quảng Yên.
Điệp trầm ngâm một lúc, rồi nói:
– Tàu thủy hay xe thì anh cũng chỉ mất một ngày, còn Điệp phải mất hai ngày. Nhưng về Hà Nội lại nhớ trời xanh, biển xanh buổi sáng và nhớ những con sóng lóng lánh leo lên những ngọn núi chơ vơ giữa biển.
– Cát Bà ở giữa núi non trùng điệp, uy nghi hùng vĩ, nhưng tôi nhớ nhất là những cánh buồm ở ngoài khơi vào buổi chiều, vì nghĩ đến con thuyền cô độc giữa biển trong đêm – Nhân nhìn ra biển một lúc – Dũng đua thuyền quên cả về. Bây giờ phải qua bên kia tìm cậu ấy.
Bỗng Điệp chỉ tay nói:
– Dũng đang chạy tới kia.
Nhìn theo hướng tay Điệp, Nhân bật cười:
– Từ đây mà đưa thuyền đua tới bên kia.
2
Trên đường về nhà, Nhân dừng lại coi toán lính chơi bóng chuyền trước sân dinh Phó Tỉnh Trưởng Quảng Yên, bỗng nhận ra một người:
– Dũng ơi.
Cầu thủ nhỏ nhất trong đội bóng quay lại, vẫy tay cười vui, chạy băng ra đường, ôm lấy Nhân:
– Em tìm anh cả tuần nay.
– Không biết địa chỉ, tìm ở đâu?
– Em hỏi mấy ông lính.
– Bằng tên anh hay tên ba anh?
– Cả tên anh và tên ba anh.
Nhân cười nói:
– Anh không quen mấy người lính gác dinh phó tỉnh trưởng, còn ba anh mấy năm nay đều làm việc ở các quận, nên họ không biết đâu.
– Vậy nếu anh không qua đây thì phải chịu chớ làm sao tìm.
– Rồi cũng sẽ gặp, vì anh ở phía sau dinh phó tỉnh, trên phố Hoàng Hoa Thám. Cổng sau dinh đi ra Hoàng Hoa Thám, gần căn nhà anh.
Nhân nắm tay Dũng băng qua đường đi tới một quán nước lộ thiên dưới một cây bàng lớn. Đến trước chị bán quán, Nhân nói: Chị cho 2 cốc thạch găng – Rồi cùng Dũng ngồi xuống hai cái ghế thấp, bên chiếc bàn gỗ tạp.
– Quán này gọi là quán Cây Bàng, chỉ bán thạch găng và nước chanh. Không biết thạch găng ở Hà Nội thế nào, chớ ở Quảng Yên thì thạch găng quán này đứng hạng nhất – Chủ quán nghe khen, cười nhìn Nhân – Thấy thế Nhân hỏi:
– Thạch găng ở đây làm bằng lá găng trên rừng hay găng trong vườn, chị?
– Phần lớn làm bằng găng trên rừng, khi nào không đủ mới phải dùng găng vườn. Lá găng trên rừng xanh trong và ngon hơn như em vừa nói.
– Nhà chị có trồng không?
Chủ quán lắc đầu:
– Không, trồng găng phải có nhiều đất. Chị không có đất. Chị có mối lá găng rừng, người ta cung cấp khá đều.
Dũng khuấy cốc thạch găng, rồi xúc uống mấy thìa:
– Ở Hà Nội chỉ có thạch đen, thạch trắng, chớ em không biết loại thạch này.
Nhân nói:
– Thạch găng tự nó có mùi thơm của lá găng, còn mùi thơm của thạch đen, thạch trắng là mùi thơm của dầu chuối… Cũng có người cho thêm vài giọt dầu chuối vào thạch găng. Còn anh thì không. Em thử ăn không dầu chuối xem sao…. À, thế gia đình em xuống đây ngày nào, còn ba em vẫn ở Cát Bà?
– Không, anh. Ba em về Quảng Yên từ tháng trước, còn gia đình em xuống đây đã hơn 2 tuần rồi.
Nghĩ đến cái mê thả thuyền của Dũng, Nhân cười hỏi:
– Về Hà Nội có thả thuyền không?
Dũng cười:
– Dạ, có. Em thả thuyền trong ao nhà, chỉ mình em. Chị Điệp ở Cát Bà thì đòi đi xem thả thuyền, còn ở Hà Nội thì không để mắt tới.
– Ở Cát Bà, mấy trăm người thả mấy trăm chiếc thuyền, đông vui như ngày hội. Còn ở Hà Nội chỉ một mình cậu, một chiếc thuyền trong ao tù thì có gì vui mà coi.
Dũng gật đầu:
– Hai năm trước ở Cát Bà về Hà Nội, em không có gì nhớ. Còn năm ngoái về thì nhớ những buổi chiều thả thuyền và cứ mong tới hè ra Cát Bà. Nhưng từ nay thì hết được ra đó. Ở đây có chỗ nào thả thuyền không anh?
– Ở đây có sông, có những hồ nước cạnh sông, nhưng không thể thả thuyền như ở biển, vì sông hồ sâu, mình chỉ đứng trên bờ chớ không lội xuống được. Thả thuyền ở sông hồ thì thuyền đi luôn hay mình phải xuống bơi theo nó.
Ăn hết cốc thạch găng, Dũng đặt cốc xuống nói:
– Thạch găng ngon hơn thạch đen, thạch trắng.
– Vậy ăn thêm một cốc nữa.
Dũng lắc đầu:
– Thôi anh ạ, để lần khác. Em còn ở đây lâu.
Nhân đứng dậy vào quán trả tiền, mượn cây bút ghi địa chỉ đưa cho Dũng.
– Sáng mai tới anh chơi. Đi cổng sau tới nhà gần hơn. Bây giờ mình về.
3
Nghe tiếng nói: Nhà số 8 đây, Nhân bước ra cửa, vừa lúc Điệp và Dũng bước lên thềm. Nhân nắm tay Dũng: Năm ngoái Điệp ước được lên Quảng Yên thì nay điều ước đã thành. Câu nói đã giúp Nhân che bớt sự lúng túng trước cái nhìn của Điệp. Mới một năm mà Điệp đã thay đổi nhiều, cao lên với những đường nét mềm mại, thuôn thả, mặc dù Điệp vẫn mặc chiếc áo lụa cổ tròn.
Vừa ngồi xuống ghế, Điệp nói:
– Chỉ ở cách nhau khoảng 400 mét mà hai tuần không nhìn thấy nhau. Điệp ở trong nhà không nói làm gì, còn Dũng có mấy khi ở trong nhà.
Nhân cười nói:
– Dũng ở ngoài sân, nên chiều qua tôi mới nhìn thấy. Gần thế chớ cũng khó gặp, vì tôi ở phía sau và từ đầu phố Hoàng Hoa Thám có thể băng qua sân vận động để ra phố chợ mà không cần đi ngang qua phố Lê Lợi trước dinh. Vậy mà gặp được nhau cũng là nhanh rồi.
Điệp mở cái xách lấy ra 1 hộp bánh Petit Beure và 1 cuốn sách để lên bàn:
– Từ Hà Nội xuống mà đi như chạy loạn, nên Điệp không kịp mua cho anh quà Hà Nội. Em và Dũng đem cho anh hộp bánh và cuốn truyện.
– Cám ơn Điệp và Dũng, chạy loạn mà vẫn nhớ đến bạn. Nhân nhìn bìa tập truyện, rồi nói:
– Cuốn Nắng Đào của Nguyễn Xuân Huy, tôi đã đọc bài phê bình trong báo từ lâu, nhưng nhà sách ở đây không có.
– Còn Điệp thì có người bạn giới thiệu, đọc thấy hay nên mua thêm một cuốn dành cho anh – Điệp nói rồi hỏi:
– Chỉ có một mình anh ở nhà thôi ư?
– Có hai em, chúng nó đang chơi với chị người làm ở phía sau. Còn mẹ tôi bán hàng ở chợ, mãi đến tối mới về. Ba tôi đã về Quảng Yên, nhưng đã đi làm từ sáng. Nghe Dũng nói ông Bang đã về Quảng Yên từ tháng trước.
– Sau Hiệp Định Đình Chiến, ba Điệp lên Hà Nội đón gia đình xuống đây.
– Hà Nội như thế nào mà Điệp nói là chạy loạn?
– Người ta hoảng sợ, bỏ nhà cửa, lũ lượt chạy xuống Hải Phòng để di cư vào Nam. Gia đình Điệp cũng bỏ nhà chạy như thế.
– Hiệp Định có ấn định thời gian cho từng tỉnh. Hà Nội thì Việt Minh được tiếp thu sớm, nên dân Hà Nội phải chạy. Quảng Yên thì còn thời gian. Bây giờ người ta gặp nhau chỉ để nói chuyện đi chuyện ở với nhiều lo lắng tương lai.
Nhân đứng dậy tới kệ sách lấy ra cả chục cuốn để xuống bàn:
– Có mấy bộ kiếm hiệp hay, tôi tặng Điệp bộ Giao Trì Hiệp Nữ, còn Dũng bộ Nhất Chi Mai – Rồi chỉ lên mấy kệ sách: Trên này hầu hết là truyện kiếm hiệp, trinh thám và tiểu thuyết. Điệp và Dũng cần đọc cứ qua lấy.
Thấy Điệp và Dũng xếp gọn bộ truyện cầm trong tay, Nhân nói:
– Cứ để truyện lại đây, lúc về sẽ lấy, bây giờ mình đi ăn sáng. Năm ngoái ở Cát Bà, Điệp và Dũng cho tôi ăn nhiều thứ: mì, bánh bao, phẳn, cháo gà ở mấy hiệu Tàu. Hôm nay đến phiên tôi mời lại, Quảng Yên có nhiều thứ như mì, phở, xôi, bánh bao, bánh tôm và bún riêu cua đồng…, Điệp và Dũng chọn thứ gì, tùy ý.
– Điệp ăn bánh tôm.
Dũng lưỡng lự một lát rồi nói:
– Em ăn bún riêu.
Nhân cười:
– Bánh tôm và bún riêu đều là món đặc biệt của Quảng Yên. Bây giờ chúng ta tới một quán có cả hai thứ đó.
Nhân ra sau, đóng cửa lại, dẫn hai người đi hết phố Hoàng Hoa Thám, rồi đi dọc phố Lê Lợi bên Sân Vận Động.
Dũng chỉ sân vận động:
– Sân rộng và có tường đẹp thế mà như bỏ hoang.
– Sân này dài hơn cây số, chiều rộng cũng tới 7 hay 800 mét. Do chiến tranh không được tu sửa, nhưng vẫn đẹp, vì có nhiều loại cây như phượng vĩ, đại và bàng.
Dũng nói:
– Chiều nay em đãi anh và chị Điệp thạch găng ở quán Cây Bàng.
Điệp cười, nói:
– Không biết thạch găng quán Cây Bàng ngon thế nào mà từ chiều qua Dũng nói mãi về cái quán này.
– Quán lụp sụp, nhưng món thạch găng thì ngon. Chiều tới sẽ biết – Nhân nói, rồi ra dấu cho Điệp rẽ vào một cái cổng gỗ đầy hoa giấy màu tím. Quán ở trong sân, ngay cổng một ngôi nhà gạch lớn kiểu cổ.
Nhìn thấy Nhân, bà chủ quán nói:
– Cậu Nhân hôm nay lại có bạn nữa.
– Thưa bà, bạn cháu từ Hà Nội xuống đấy ạ.
Nhân ngồi xuống chiếc bàn ở ngoài sân, rồi nói:
– Bà cho hai đĩa bánh tôm, mỗi đĩa 3 cái, và một bát bún riêu.
Điệp nói lại:
– Bà cho 1 đĩa 2 cái thôi.
Dũng lưỡng lự, rồi nói với Nhân:
– Em đổi, anh cho em bánh tôm luôn.
Nhân hướng về phía bà chủ quán:
– Chú em tôi đổi ý bỏ bún riêu, lấy bánh tôm. Bà cho thêm một đĩa bánh tôm.
Khi bà quán đem bánh đến, Nhân cắt bánh cho Điệp và Dũng. Đẩy đĩa bánh đến trước Dũng, Nhân nói:
– Ngày khác mình sẽ ăn bún riêu, xem bún riêu Quảng Yên hơn thua bún riêu Hà Nội ra sao.
Trong khi ăn kẹo chè lam và uống nước chè tươi, Điệp nói:
– Về Hà Nội sau kỳ nghỉ hè năm ngoái, Điệp và Dũng cứ nhắc lại việc anh dẫn đi thả thuyền, đi đáp cá, đi vào làng mua hồng, và những lần đi trên con đường đá sát biển từ Bang vào làng chài, đường dài trên cây số mà nước đập vào những khe đá, bắn tung tóe lên chân, lên quần và nao nức nghĩ đến hè năm nay… Thế là vĩnh biệt Cát Bà.
Nhân nói:
– Không ra Cát Bà thì xuống Quảng Yên. Ở đây cũng có nhiều chỗ, nhiều thứ đặc biệt, chẳng hạn đê sông Chanh, buổi chiều trong những ngày nắng đẹp có thể nhìn thấy những ngọn núi của Vịnh Hạ Long. Làng La Khê có nhãn, hạt nhỏ như hạt bắp. Làng Quỳnh Lâu có những đồi ổi, từ dưới đồi đã dậy mùi thơm. Có hai rạp ciné là Lido và Majestic. Có phở Bạch Đằng, kem Á Đông, và gần chúng ta hơn là một gia đình chuyên làm bánh dầy, bánh giò và bánh khoai sọ có tiếng. Có thể đêm nay Điệp và Dũng sẽ nghe tiếng rao: Bánh dầy, bánh giò… bánh khoai… Đó là tiếng rao của cụ Nhâm đẩy xe đi bán ba thứ bánh đã gần 40 năm.
– Hè năm ngoái đi với anh, Điệp mới biết nhiều nơi đẹp và những thú vui ở Cát Bà, còn trước đó chỉ biết khu bãi biển trước Bang, khu phố chợ và những ngọn núi giữa biển.
– Tôi đi chơi với mấy người bạn ở làng chài nên mới biết được nhiều nơi. Bây giờ ở Quảng Yên, tôi lại làm hướng đạo.
4
Ciné Majestic đã đầy người khi Nhân, Điệp và Dũng tới. Người dẫn ghế đưa 3 người tới khoảng giữa, chỉ vào 3 ghế trống, Dũng vào trước, đến Điệp rồi Nhân. Chương trình đang chiếu phim phụ. Chợt nhớ mấy gói lạc rang mua của ông già Tàu khi Điệp và Dũng vào mua vé, Nhân đưa cho Điệp và Dũng mỗi người một gói. Gần 2 tuần, sau khi Nhân gặp lại Điệp, ngày hôm qua chị em Điệp tới Nhân cho biết là gia đình Điệp sẽ qua Hải Phòng để đi vào Sài Gòn bằng máy bay. Chuyện di cư vào Nam là chuyện người ta nói hàng ngày sau Hiệp Định Đình Chiến Geneve, và qua báo chí, Nhân biết là Hiệp Định Geneve đã chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 17, phía bắc tỉnh Quảng Trị. Chính phủ Quốc Gia Bảo Đại và Pháp được phần lãnh thổ từ phía nam vĩ tuyến 17 trở vào nam. Còn chính phủ Việt Minh được phần lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở ra bắc. Theo Hiệp Định, các tỉnh phía Bắc và phía Nam đều có thời gian ấn định để quân và dân chúng ở hai miền có thời gian chuẩn bị vào Nam hay ra Bắc theo ý muốn. Với miền Bắc thì Hải Phòng là địa điểm tập trung quân và dân và cũng là địa điểm cuối cùng để người dân tới và đi vào Nam bằng tàu thủy hay máy bay.
Việc gia đình Điệp xuống Quảng Yên để di cư là chuyện Nhân đã biết, nhưng không ngờ lại đi sớm như thế. Khi gặp Điệp và biết chuyện, Nhân nghĩ là gia đình Điệp sẽ ở lại Quảng Yên lâu, vì thời gian ấn định còn tới bốn tháng và nghĩ thầm là biết đâu hai gia đình sẽ cùng đi trên một chiếc tàu.
Chương trình đã đi vào phim chính. Đó là một phim Cao Bồi miền viễn tây Hoa Kỳ. Nhìn lên màn ảnh, nhưng Nhân không để ý gì đến phim mà chỉ nghĩ đến ngày Điệp vào Nam và sẽ không cách nào gặp lại. Năm ngoái ở Cát Bà, hơn một tháng biết Điệp đã đem đến cho Nhân một cái nhớ và một niềm vui khi nhìn thấy Điệp. Những lúc ấy nhìn ánh mắt Điệp, Nhân cảm được là Điệp cũng ở tâm trạng như mình, nhưng chỉ có thế. Và hàng ngày nguồn vui sẽ kéo dài trong một buổi thả thuyền, một buổi đi vào thôn xa, một buổi đi ăn mì ở phố chợ, bên bờ vách đá nước xanh của biển. Điệp về Hà Nội một năm Nhân không biết tin, cả hai trong ngày từ giã không có lời hẹn, tuy vậy Nhân vẫn nghĩ là tới hè sẽ gặp lại. Hè là một lời hẹn. Nhưng lần này thì muốn hẹn cũng không được, vì người đi trước, người đi sau, đều không biết mình sẽ tới đâu. Vì thế Nhân nghĩ lần này là lần gặp cuối cùng của người mới lớn đi vào vòng hệ lụy.
Nhân tựa đầu vào nệm ghế, đặt cánh tay sát cánh tay Điệp. Hai đầu gần nhau. Người Điệp toát ra một mùi thơm, mùi hương Nhân đã gặp theo làn gió biển khi ngồi với Điệp trên một tảng đá hay đi trên đường ven biển. Nhân nhìn ngang và bắt gặp ánh mắt Điệp. Trong bóng tối của màn ảnh trong đêm trăng mờ, ẩn hiện đàn ngựa đi dưới chân đồi. Điệp ngồi thẳng và mùi hương vẫn phảng phất. Một nỗi sợ cùng với sự khao khát bỗng dâng lên đưa bàn tay Nhân nắm lấy bàn tay Điệp và cảm thấy bàn tay Điệp ấm lên trong tay mình theo nhịp đập của tim. Nhân buông tay Điệp khi ánh sáng bừng lên trên màn ảnh. Điệp cúi xuống lâu. Khi màn ảnh đi vào bóng đêm, Điệp ngồi thẳng lên, nắm bàn tay Nhân một lúc và để lại trong tay Nhân chiếc khăn tay. Nhân bỏ chiếc khăn tay gấp nhỏ vào túi, rồi tìm bàn tay Điệp và hai bàn tay không rời nhau nữa.
Trên màn ảnh trận chiến giữa hai phe trải rộng trên một cánh đồng mênh mông với những dẫy đồi thấp. Ngựa phi từng lớp băng qua cánh đồng, tiếng súng và những kỵ mã trúng đạn, thân bật về phía sau. Qua trang phục và phụ đề, Nhân hiểu đây là một trận chiến giữa một bộ tộc Da Đỏ và những người da trắng trên đường lấn chiếm.
Nhân nhắm mắt lại nghĩ đến dụng ý của Điệp trong việc mời Nhân đi ciné và khi đi vào cửa Điệp đã đi giữa Dũng và Nhân. Hôm nay, lần đầu tiên Nhân thấy Điệp mặc áo dài lụa màu mỡ gà. Tà áo vàng nhạt vời quần trắng mỏng đã biến Điệp thành một giải lụa mềm khi bước nhẹ trên hè đường và Nhân đã ngẩn ngơ bên mái tóc xõa trên giải lụa ấy. Còn những ngày ở Cát Bà và tuần vừa qua đi đâu cũng chiếc áo cánh cổ tròn. Trưa nay hai chị em qua Nhân sớm và Điệp đã nói với Nhân là cho Điệp đi qua một con đường đẹp nhất Quảng Yên để nhớ một thành phố chỉ đến được một lần. Nghe thế, Nhân bảo Quảng Yên có mấy con đường đẹp, theo cảm quan của mình, nhưng không thể nói con đường nào là đường đẹp nhất, vì mỗi đường có cảnh sắc và nét riêng của nó. Chẳng hạn con đường đê ở Bến Ngự, đi về phía phố Khê Chanh, quanh bước đi là sông, ao đầm, còn phía xa tít mù tắp là những dãy núi của Vịnh Hạ Long. Con đường đó Điệp đã đi và khen là đẹp. Con đường thứ nhì, Điệp cũng đã đi và khen là đường Lam Sơn, chạy dọc một bên Sân Vận Động, nhà nào cũng cổng xây theo lối cổ với bờ tre, dậu dâm bụt, và trong sân nhiều nhà có hàng chục gốc hồng, hoa nở quanh năm. Và trưa nay Nhân đã dẫn hai chị em Điệp đi qua con phố Yết Kiêu, đường dài khoảng hơn cây số, hai bên đường có những ngôi nhà cổ, nhà mới xây và cả những nhà lợp tranh, nhưng nhà nào cũng có dàn hoa giấy đỏ tím lan theo bờ tường hoặc bờ dậu. Cạnh đó là những cái ao nhỏ nuôi bèo và thả rau muống. Đi hết con đường sẽ vào giữa phố Độc Lập, con phố thương mại, trung tâm thị tứ của thành phố. Khi ngồi ăn kem ở Á Đông để chờ tới giờ vào Ciné, Điệp nói là trong ba đường Điệp đã đi thì đường hôm nay đẹp nhất.
Nhân cười hỏi:
– Đẹp nhất, tại sao?
– Con phố yên tĩnh, đơn sơ mà đậm đà. Điệp chưa thấy ở đâu nhiều hoa giấy như ở phố Yết Kiêu, hai bên đường như hai tường hoa tím thẫm.
Nhân gật đầu:
– Mấy năm ở Quảng Yên, khi nào ra phố Độc Lập tôi cũng đi theo phố Yết Kiêu và nhận ra rằng từ sự ồn ào, người xe và bụi bặm của Độc Lập mà rẽ vào Yết Kiêu sẽ thấy nhẹ người.
Qua mấy lời yên tĩnh, đơn sơ mà đậm đà, Nhân chợt nghĩ đến chiếc áo cánh lụa Điệp thường mặc. Lâu nay Nhân cảm một điều gì đó, nhưng không nghĩ ra thì hôm nay Điệp đã nói lên thành lời. Cảm nghĩ ấy đã dấy lên trong lần đi với chị em Điệp vào một thôn sâu trong đảo mua hồng. Dũng chạy tung tăng từ cây này qua cây kia, hình như cậu ấy không biết dừng ở đâu vì cây nào cũng trĩu quả. Còn Nhân ở trên cây hái hồng đưa xuống cho Điệp, và lúc ấy mỗi lần Điệp giơ tay đỡ túi hồng, Nhân chỉ nhìn thấy đôi mắt đen sắc và cái cổ áo tròn bọc khuôn cổ Điệp, và rồi cái cổ áo cũng biến mất chỉ còn cái cổ và đôi vai.
Bây giờ không như ở Cát Bà, người trên cây kẻ dưới đất, mà tay trong tay, nhưng Nhân lại cảm thấy bâng khuâng lo sợ. Gặp lại sau một năm, Điệp tặng cuốn Nắng Đào, có ý nghĩa sâu đậm hơn là Nhân tặng lại bộ Giao Trì Hiệp Nữ, vì mỗi trang Nắng Đào đượm tình, còn Giao Trì Hiệp Nữ chỉ là những trang giấy mua vui, tiêu khiển. Tặng rồi mới nhận ra là với Điệp, Nhân đã hiểu sau và đi sau.
Nhân buông bàn tay Điệp khi trên màn ảnh bừng lên với đoàn kỵ mã đi thành hàng bên rừng, còn phía sau là ánh lửa dài cả cây số của ngôi làng bị đốt.
PHẦN II
1
Dựng chiếc xe đạp trước nhà sách Phú Nhuận, Nhân cầm xấp báo đi vào, vừa nói: Chào bà – vừa đặt tờ Tự Do trên quầy. Bà chủ tươi cười: Chào cậu – Rồi như chợt nhớ ra, bà nói: A, hôm nay cuối tháng rồi, để tôi đưa cậu tiền báo – Bà mở ngăn kéo lấy tiền đưa cho Nhân.
– Cám ơn bà, chào bà.
Nhân bỏ tiền vào túi, vừa định bước ra thì có người cầm tay kéo lại. Nhân ngước nhìn chưa kịp nói thì người kéo tay hỏi:
– Anh còn nhớ em không?
– A, Dũng! Nhân vừa nói vừa choàng tay qua vai Dũng kéo ra ngoài.
Dũng nói:
– Nghe tiếng “chào bà”, em nhìn lại, nhận ra anh ngay.
– Thời buổi loạn ly mà chúng ta vẫn gặp lại nhau. Ở Quảng Yên thì tôi nhìn thấy cậu trong dinh phó tỉnh, còn ở Sài Gòn thì cậu nhận ra tôi trong tiệm sách.
Dũng giơ cuốn “Kim Chỉ Nam Của Học Sinh” ra trước mặt Nhân:
– Nhờ vào nhà sách tìm cuốn này mà gặp được anh, thật may.
Nhân nói:
– Cậu ghi cho tôi địa chỉ. Bây giờ phải đi, ngày mai tôi sẽ tới.
Dũng nói:
– Nhà gần đây, anh ghé nhà ít phút cho biết, rồi hãy đi.
– Nhà gần đây ư, vậy thì tốt quá – Nhân cười, bỏ xấp báo vào cái giỏ ở trước ghi đông, rồi nói: Cậu ngồi lên đây, tôi chở đi cho nhanh.
Dũng nói:
– Em cao lớn thế này, ngồi lên sợ gẫy xe mất. Thôi đi bộ, anh ạ.
Buổi chiều, giờ đi làm về, đường Võ Di Nguy, dưới mặt đường là những dòng xe đạp, xe gắn máy đi sát nhau, còn trên lề thì người đi bộ, có chỗ gần như chen nhau. Dũng muốn đi ngang Nhân, nhưng rừng người cứ đẩy Nhân với chiếc xe về phía sau, nên Dũng phải đi trước.
Tới ngã tư Phú Nhuận, Dũng quẹo trái đường Võ Tánh, đi chừng hơn 300 mét thì dừng lại trước một ngôi nhà lầu có giàn hoa giấy trên cổng.
– Nhà đây anh – Dũng nói rồi đẩy cánh cổng cho Nhân dắt xe vào sân.
– Chị Điệp ơi, chị Điệp. Ra đây em cần nói chuyện này.
Điệp xuất hiện ở cửa, chợt sững người lại khi nhìn thấy người đứng với Dũng ở giữa sân.
– Chị nhận ra ai không?
– Anh Nhân! Điệp bước vội ra như muốn ôm chầm lấy Nhân, nhưng Nhân đã giơ tay cầm tay Điệp cùng đi vào nhà.
Điệp kéo Nhân tới ghế salon:
– Anh ngồi đây, để Điệp đi lấy nước.
Điệp đi vào đem ra một chai cam vàng và một cái ly có nước đá, rồi rót nước vào ly để trước Nhân.
– Anh uống nước.
– Cám ơn Điệp.
Điệp ngồi xuống ghế đối diện với Nhân:
– Đường phố đông người mà nhận ra nhau. Sao lại có chuyện ngẫu nhiên như vậy nhỉ?
Dũng nói:
– Không phải gặp ngoài đường. Em vào nhà sách Phú Nhuận tìm cuốn “Kim Chỉ Nam Của Học Sinh” của Nguyễn Hiến Lê và gặp anh trong nhà sách.
Nhân nói:
– May mà cùng vào nhà sách, chớ ở ngoài đường Võ Di Nguy thì khó có thể nhận ra nhau. Dũng cao lớn, mập mạp, thay đổi nhiều.
Điệp nhìn Nhân:
– Anh cao lên, nhưng gầy đi, khuôn mặt thì vẫn vậy.
Bà mẹ Điệp bước ra, Nhân đứng dậy:
– Chào bác, con là bạn của Dũng ở Quảng Yên.
Bà nhìn Nhân một lát, vui vẻ:
– Tôi nhớ rồi. Ngày chúng tôi rời Quảng Yên sang Hải Phòng, cậu đã ra bến xe tiễn chúng tôi với một gói bánh giò và một gói bánh khoai sọ …, Mấy năm rồi mới gặp lại, ai nhận ra ai trước.
– Thưa bác, Dũng nhận ra con trước.
– Vào Sài Gòn, bây giờ gia đình cậu ở đâu?
– Dạ, con ở khu ngã ba Ông Tạ.
– Vậy thì cũng không xa đây, nhưng khu Ông Tạ với khu Phú Nhuận trái đường nên gặp được nhau cũng khó lắm. Mới đó mà đã 3 năm, người nào cũng cao lớn cả rồi. Thôi, cậu ngồi chơi với các em. Đã gặp lại nhau, nhớ năng đến chơi.
– Dạ, cám ơn bác. Con sẽ đến luôn ạ.
Sau khi mẹ Điệp vào nhà được một lát, Nhân uống cạn ly nước, rồi nói:
– Bây giờ tôi phải đi có việc. Để hôm khác sẽ đến chơi.
Điệp và Dũng đi với Nhân ra đường. Khi Nhân ngồi lên yên xe, Điệp nói:
– Anh nhớ đến chơi, đến buổi sáng. Buổi chiều Điệp đi học.
– Tôi cũng học buổi chiều – Nhân gật đầu cười nói, rồi đạp xe trở lại ngã tư Phú Nhuận, ngược lên đường Chi Lăng, vào mấy hẻm bỏ nốt những số báo Tự Do, Ngôn Luận còn lại.
Trên đường về, khi qua nhà Điệp, Nhân nghĩ hơn một năm đi bỏ báo qua con đường này mà không bao giờ gặp Điệp hay Dũng. Đêm nào Nhân cũng dừng lại chiếc xe chiên bánh tiêu và dầu cháo quẩy gần phía đối diện với nhà Điệp, mua một cái bánh tiêu, rồi vừa đạp xe vừa ăn. Gặp lại Điệp lòng Nhân trĩu nặng và giao động vì thấy sự cách biệt giữa hai đời sống.
Vào Sài Gòn ba Nhân giải ngũ và thất nghiệp. Mẹ Nhân buôn tần bán tảo ở chợ Ông Tạ. Có cái may là được bạn hàng chỉ dẫn, cha mẹ Nhân mua được một mảnh đất diện tích trên 500 mét vuông trong ấp Cả Trắc. Với cây, gỗ, ván tạp, ba Nhân và một người bạn đã làm được ngôi nhà lá 3 gian. Thế là yên được chỗ ở, nhưng còn sinh kế thì khó khăn, nên Nhân đã phải theo mấy người bạn đi bỏ báo tháng để tìm cách tự túc cho việc đi học.
Còn gia đình Điệp, chỉ nhìn bề ngoài qua ngôi nhà hai tầng lớn ở mặt tiền đường phố và qua nét đài các của mẹ Điệp và Điệp, Nhân thấy là dù di cư, nhưng gia đình Điệp vẫn ở tầng lớp giàu có hay trung lưu như ngày còn ở ngoài Bắc. Gặp Điệp Nhân sửng sốt trước sự thay đổi của Điệp, vì Điệp đã trở thành một thiếu nữ khuê các lồ lộ đường nét căng đầy. Nhìn lại mình, quần một manh áo một mảnh, mỗi tối đi bỏ mấy chục tờ báo với chiếc xe đạp để ở đâu cũng không cần khóa, Nhân cảm thấy Điệp đã quá xa cách. Gặp Nhân, Điệp mừng cũng như Dũng đã cầm tay Nhân kéo lại, nhưng Nhân thầm nghĩ có lẽ giờ này Điệp đang nghĩ về mình cũng như mình đang nghĩ về Điệp. Đừng để cho Điệp phải khó xử về chuyện gặp lại – Nhân lẩm bẩm: Phải giải thoát cho cô ấy. Và lòng Nhân bỗng chùng xuống khi đi đến quyết định là cứ đến Điệp một, hai lần, rồi sẽ đi luôn không trở lại nữa.
2
Sáng chủ nhật Nhân đến cà phê Gió Bấc ở đường Phan Đình Phùng được chừng 15 phút thì Điệp tới. Điệp mặc áo dài màu xanh dương, khóa chiếc Velo Solex, rồi xách một gói lớn đi vào quán. Điệp cười khi nhìn thấy Nhân và thản nhiên trước những cái nhìn của khách cà phê.
– Anh đợi em có lâu không?
Nhân cầm tay Điệp khi nàng ngồi xuống ghế:
– Không lâu, anh cũng mới đến – Nhân đáp, rồi nói: Bên cạnh đây có quán bánh cuốn. Em ăn bánh cuốn?
– Em ăn ở nhà rồi, uống cà phê thôi anh ạ.
Cô tiếp viên đến, Nhân hỏi Điệp: Em uống cà phê sữa?
– Dạ.
– Cô cho tôi hai cà phê sữa.
Khi cô tiếp viên bước đi Nhân nói:
– Mấy năm, anh vẫn nghĩ là gia đình chúng ta đều sống ở Sài Gòn cả, loanh quanh ở những khu tập trung nhiều dân di cư như Phú Thọ, ngã ba Ông Tạ, ngã tư Bảy Hiền, đường Trương Minh Giảng, đường lê Văn Duyệt, khu Bàn Cờ và vẫn hy vọng là một buổi chiều nào đó sẽ gặp em trên đường Lê Lợi.
Điệp nhìn Nhân một lúc:
– Em cũng nghĩ như anh, nhưng thời gian cứ đi, nên hy vọng cũng nhạt dần.
– Có một điều, sau khi gặp em, anh mới chợt nhận ra là nếu anh thông minh, nhanh trí một chút thì anh đã gặp em từ lâu. Đầu óc quá chậm nên đến nay mới nhờ cái đụng đầu Dũng trong nhà sách mà tìm lại được cô Điệp Cát Bà.
Điệp bật cười, rồi nói:
– Anh nói em không hiểu.
Nhân cười:
– Có gì mà không hiểu. Ở Hà Nội em là học sinh Trưng Vương thì vào đây em cũng học Trưng Vương. Nếu nghĩ ra sớm, anh đến đứng ở trước cổng Trưng Vương thì sẽ thấy Điệp. Một việc đơn giản như thế mà mấy năm không nghĩ ra.
Điệp ngẩn ra một lúc, nhìn Nhân:
– Không nghĩ ra nên mới mất ba năm… Nhiều lần đi ăn kem với Dũng ở Mai Hương, em thường ngồi lâu vì hy vọng sẽ trông thấy anh trên hè đường Lê Lợi. Thật tiếc, khi chạy khỏi Hà Nội, mọi người hoảng loạn cả, em đâu biết Trưng Vương sẽ di cư. Nếu biết Trưng Vương cũng vào Sài Gòn thì em đã dặn anh. Khi từ giã, em sợ mình sẽ lạc nhau, vì chúng ta cùng đi tới một nơi không có địa chỉ.
Nhân hỏi:
– Gia đình em ở lại Hải Phòng bao lâu?
– Trên hai tuần, anh ạ. Gia đình em vào Sài Gòn bằng máy bay, ở trại tạm cư Bình Đông 2 được hơn hai tháng thì ba em vào và đi làm ở Bộ Nội Vụ, nên me em thuê nhà ở đường 20, nay là đường Phan Thanh Giản.
– Gia đình em lên đường Võ Tánh từ năm nào?
– Khoảng giữa năm 1955, chỉ thuê nhà mấy tháng thôi. Me em mua nhà ở mặt tiền để bán gạo.
Nhân cười:
– Vậy là trên một năm qua, ngày nào anh cũng đi qua nhà em mà không bao giờ thấy người.
– Anh không thấy ai cũng phải, vì mặt ngoài là cửa hàng bán gạo. Em ít khi ra đó. Hơn nữa anh lại đi vào buổi tối khi nhà đã đóng cửa.
Thấy phin cà phê đã chảy hết, Nhân bỏ phin ra, đổ thêm nước vào 2 tách, khuấy cho sữa tan đều rồi đặt tách cà phê trước Điệp.
Nhìn Điệp hồn nhiên như những ngày ở Cát Bà và Quảng Yên, Nhân băn khoăn về những điều mình nghĩ về Điệp. Chủ nhật tuần trước đến Điệp, Nhân đã ngạc nhiên trước những lời ân cần của nàng: Em đã lớn và được phép giao du bạn bè. Ở nhà khách ra vào mua gạo, rồi có me em, mình chẳng nói được gì. Có chỗ nào, thỉnh thoảng mình đi chơi với nhau. Em vẫn nhớ những ngày ở Cát Bà và Quảng Yên. Nhân bảo: Chỗ đi chơi trong thành phố có Ciné, công viên và những quán cà phê yên tĩnh, còn ngoài thành phố ở đâu anh không biết mà mình cũng không có phương tiện đi xa. Nghe thế, Điệp đã chọn quán cà phê và Nhân đã hẹn Điệp ở Cà phê Gió Bấc, đường Phan Đình Phùng, nơi thỉnh thoảng Nhân đã tới để làm quen với hương vị cà phê miền Bắc, cả mùi thơm lẫn phong cách uống.
Nâng tách cà phê uống mấy hớp, rồi Nhân nói:
– Gia đình em may mắn, đi sớm, lại đi máy bay. Rồi vào đây, gia đình vẫn giữ được nếp sống ở ngoài Bắc. Còn gia đình anh khó khăn hơn. Mãi tháng 10 mới qua Hải Phòng, 3 tuần sau đi tàu Mỹ vào Sài Gòn, ở trại tạm cư Bình Đông 3 được chừng một tháng thì ra ngoài thuê nhà ở cho thoải mái và phải tính chuyện làm ăn.
– Từ Bình Đông 3, gia đình di chuyển thẳng tới ngã ba Ông Tạ?
Nhân lắc đầu:
– Đâu có nhanh và gọn vậy em. Từ Bình Đông 3 tới Phú Thọ trường đua, rồi Phú Thọ Hòa. Cuối năm 55 mới tới khu Ông Tạ. Đó là chuyện ở, còn chuyện sống thì vào Nam, ba anh thuộc quân đội nên phải giải ngũ và thất nghiệp. Cách đây mấy tháng ông mới xin được một việc trên tàu đánh cá biển. Mẹ anh vào đây phải tần tảo ngay sau khi ra khỏi trại tạm cư. Tới chợ Ông Tạ, khởi đầu bán bún riêu, sau đó kiếm được một chỗ tốt, bà đổi sang bán cơm.
Nhân dừng lại, nâng tách cà phê uống mấy hớp:
– Trước hoàn cảnh gia đình như thế, anh may mắn xin được vào trường Chu Văn An, vì là học sinh trường trung học Trần Quốc Tuấn, và là con binh sĩ, nhưng phải tìm cách tự túc đỡ cho cha mẹ, nên anh đã theo mấy người bạn, xuất thân từ Trại Học Sinh Phú Thọ, đi bán báo Tự Do và Ngôn Luận vào buổi tối. Khởi đầu phải bán rao, nhưng sau đó nhiều gia đình mua thường xuyên nên chuyển thành mối. Cứ 7 giờ chiều tới nhà in lấy báo, rồi đi bỏ mối. Bỏ mấy chục mối báo mất nhiều thì giờ, vì phải đi nhiều đường. Trước kia anh lên cả Xóm Mới, nhưng xa quá nên phải bỏ…. Thời gian đầu đi rao báo, thường thì đi vào mấy ngõ hẻm, anh nhớ lại tiếng rao “bánh dầy, bánh giò, bánh khoai” của cụ Nhâm ở Quảng Yên. Tiếng rao của cụ lanh lảnh, nhất là trong những đêm mưa. Anh không biết tiếng rao của mình ra sao trong những đêm mưa, nhưng vào mấy ngõ sâu, anh nghe tiếng rao như lạc mất trong mưa.
Nhân nâng tách cà phê lên, rồi lại bỏ xuống:
– Buổi chiều gặp được Dũng là do anh tới đưa báo cho nhà sách Phú Nhuận. Anh bỏ báo ở đó cả năm rồi. Và khu vực anh bỏ báo là đường Võ Di nguy, Chi Lăng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Huệ, vòng trở lại Võ Di Nguy nối dài. Hơn năm nay, anh thường đi lại đường Võ Tánh và đêm nào khi bỏ báo xong, anh cũng phải đi qua Võ Tánh để về nhà.
– Vậy từ ngày mai anh bỏ báo Tự Do cho nhà em, có Văn Nghệ Tiền Phong thì bỏ cho em luôn.
– Hiện tại em lấy báo của ai?
Điệp lắc đầu:
– Không, nhà không lấy báo của ai. Hàng ngày mua ở sạp báo đối diện trước nhà. Rồi em sẽ giới thiệu cho anh mấy mối nữa trên đường Chi Lăng.
– Em phải hỏi những gia đình đó là đang lấy báo của ai. Nếu họ bảo đã có người bỏ báo thì thôi. Vì số anh em đi bỏ báo không nhiều mà cũng biết nhau cả.
Nhìn mấy ông đọc báo Tự Do với tách cà phê và điếu thuốc, Nhân nói:
– Quán này là của dân Bắc, chắc là đồng hương Hà Nội với em, và khách cũng toàn dân Bắc. Ở Quảng Yên, mấy tiệm ăn đều có ghi cà phê, nhưng cà phê hình như không thông dụng, thành ra mấy năm ở Quảng Yên anh chỉ được uống ít lần, loại cà phê sữa bột Nestlé của Pháp. Vào đây chỉ một thời gian ngắn là quen vị cà phê đen, quán cà phê ở khắp nơi.
Điệp hỏi:
– Nhà ở khu Ông Tạ mà sao anh lên tận đây uống cà phê?
– Chỉ thỉnh thoảng thôi, nhưng tới đây vì cà phê có hương vị đặc biệt, quán của người lớn tuổi và yên tĩnh. Mình bỏ miền Bắc vào tuổi mới lớn, chưa được sống nhiều, nhưng hai chữ Gió Bấc có âm hưởng quyến rũ gợi nhớ gió biển Cát Bà, gió bấc mưa phùn Quảng Yên và những rặng núi xanh, xám mùa đông.
Thò tay vào túi quần, Nhân lấy ra chiếc khăn tay màu hồng lợt và từ túi áo lấy ra tấm ảnh nhỏ kẹp trong mảnh giấy vuông. Vừa nhìn thấy chiếc khăn tay, Điệp xúc động:
– Anh vẫn còn giữ được…
Nhân nhìn Điệp: Cả cuốn Nắng Đào – Nhân cũng xúc động nên yên lặng một lúc lâu mới tiếp: Mảnh giấy nhỏ trong khăn tay em ghi ít chữ với địa chỉ ở Hải Phòng. Tháng 10 qua Hải Phòng, anh đã tìm đến hiệu bánh Phúc Châu, nhưng tiệm đóng cửa và nhà bên cạnh cho biết là gia đình Phúc Châu đã di cư vào Nam.
– Gia đình em đi với gia đình Phúc Châu. Căn nhà ở Võ Tánh cũng do người em của Phúc Châu giới thiệu.
Điệp nhìn tấm ảnh bán thân nàng chụp cuối năm 1953, gói trong chiếc khăn tay tặng Nhân buổi đi coi Ciné ở Quảng Yên:
– Bây giờ em khác nhiều, anh nhỉ?
Nhân không để ý đến điều Điệp hỏi mà tiếp tục theo dòng ý nghĩ của mình:
– Hy vọng gặp em ở Hải Phòng sẽ có địa chỉ ở Sài Gòn, nhưng em đã đi, nên chỗ cuối cùng anh bấu víu là ba anh, vì hy vọng ông sẽ biết ba Điệp ở đâu. Nhưng anh đã sai, vì hành chính và quân đội không có liên hệ gì với nhau, vào Nam thời gian cũng khác nhau. Rồi ba anh giải ngũ, thế là hết dấu vết.
Điệp gấp lại chiếc khăn với tấm ảnh và rót cho Nhân chén nước:
– Anh uống nước, rồi mình về. Chẳng cần dấu vết mà mình vẫn gặp nhau, ngẫu nhiên như ở Cát Bà và Quảng Yên.
Quán còn ít khách, Điệp nhìn lên những bức tranh treo trên tường, và chú ý bức ảnh chụp Hồ Hoàn Kiếm trong mưa phùn và Tháp Rùa như lẫn vào màn mưa. Điệp bồi hồi nhìn bức ảnh, nhớ lại những ngày mưa phùn trắng thành phố, nàng đã đi qua đây. Giờ thì đã xa quá, nhưng mỗi lần nàng nghĩ đến Hà Nội thì hình ảnh tháp rùa lặng lẽ trong nắng, dưới mưa, uy nghi mà thân tình lại ập trở về…
Khi Nhân uống cạn chén trà, Điệp cầm gói giấy mà nàng đã đem theo đưa cho Nhân:
– Em mua cho anh một ít vải để may quần áo và tập truyện “Trăng Nước Đồng Nai” của Nguyễn Hoạt.
Nhân nhìn Điệp một lúc lâu:
– Em còn là học sinh, sao lại cho anh nhiều thế?
– Ba và me cho, em để dành. Vải quần áo cũng như mì, bánh bao, phẳn ở Cát Bà hay bún riêu, thạch găng, kem Á Đông ở Quảng Yên.
Nhân cầm gói giấy: Cám ơn em – Rồi đứng dậy nói: Mình về, Điệp.
Nhân đứng lại quầy trả tiền, rồi theo Điệp ra chỗ để xe, dắt chiếc Solex xuống đường cho nàng. Dưới ánh nắng gắt, Điệp đưa tay cho Nhân nắm một lúc, rồi xỏ tay vào đôi găng trắng:
– Thôi em về.
Chiếc Solex lao đi với tà áo xanh trong dòng xe đạp trên đường Phan Đình Phùng.
3
Nghe tiếng xe Solex dừng ở cổng, Nhân đi vội ra đỡ xe cho Điệp:
– Em tìm nhà dễ dàng chứ?
– Em theo những điều anh ghi và vẽ trên giấy.
Nhân dựng xe ở sân, rồi dắt Điệp vào nhà.
Ngồi xuống ghế Điệp hỏi:
– Ở nhà chỉ có mình anh thôi ư?
Nhân đáp:
– Hai em đi học, ba anh đi biển đánh cá, còn mẹ ở chợ tới 2, 3 giờ mới về.
Điệp nói:
– Nhà rộng, vườn rộng, lại ở giữa một cái làng đầy cây thế này thì yên tĩnh và mát. Nhà trên phố quạt máy suốt ngày đêm, đến gió từ quạt cũng nóng lên.
Nhân vừa rót nước trà ra tách, vừa nói:
– Cái làng này cũng gần giống con phố Yết Kiêu, con phố em bảo là đẹp nhất Quảng Yên, phần lớn nhà cửa vách ván, lợp lá, chừng 1/3 lợp tôn và ngói. Đường đất nhỏ, nhưng chỉ ra khỏi làng là gặp những con đường lớn, xe và người tấp nập.
Điệp hỏi:
– Nhờ ai chỉ dẫn mà ông bà lại mua được đất nhà trong làng, một chỗ tốt như thế này?
– À, khi mới tới khu Ông Tạ, phải ở nhà thuê và mẹ anh sang được một cái sạp nhỏ ở chợ Ông Tạ bán bún riêu. Sau đó chuyển qua bán cơm, chính khách ăn cơm đã chỉ cho bà khu đất này – Nhân ngừng một lát, rồi tiếp: Gia đình anh là dân di cư vào làng này đầu tiên. Hồi mới tới, con đường vào đây, hai bên là lũy tre với những khu vườn trồng hoa và rau. Ở đầu đường là một tiệm mì và cà phê vợt mà anh đã làm quen với cà phê ở tiệm này. Bây giờ thay đổi khá nhiều. Dân di cư mua đất, đã phá bờ tre ở phía đầu đường để làm nhà và mua tiệm mì, rồi phá đi xây thành nhà hai tầng, mở lò bánh mì Hạnh Phúc.
Điệp nói:
– Con đường đất cát lồi lõm, nhưng đi vào thấy mát mắt với màu xanh của bụi tre, vườn và cây cối.
Nhân gật đầu:
– Ngày đó em vào tới đây là thấy những vườn hoa cúc, hoa huệ, hoa mào gà và vườn rau cải, sà lách và rau thơm bao quanh những ngôi nhà nhỏ. Dân Bắc di cư tràn tới, dân Nam bán đất đi chỗ khác. Bây giờ chỉ còn một số dân Nam sống về nghề trồng hoa, trồng rau ở mãi phía trong – Nhân chỉ qua cửa sổ: Nhà bên cạnh kia vách ván, lợp ngói cong, tiêu biểu cho nhà cửa của ấp này, họ buôn bán và chạy xe ngựa đường Ông Tạ – chợ Cầu Ông Lãnh.. Những buổi sáng dậy sớm, anh thường nghe tiếng chặc lưỡi gọi ngựa và tiếng vó ngựa lịch kịch kéo xe ra đường.
Điệp nói:
– Cách đường lớn không bao xa mà điện vẫn chưa vào tới đây. Ban đêm tối tăm quá, đúng là cảnh thôn dã chớ không như đường Yết Kiêu, thôn dã mà có điện, có nước máy và đường trải nhựa.
Nhân chỉ ra sân:
– Trước bếp là cái giếng sâu trên 3 mét, nước ngọt và rất trong. Em thấy đời sống ở đây là nước giếng, rau vườn và đèn dầu. Những đêm mưa gió thì mịt mù với tiếng ễnh ương, ếch nhái. Còn những đêm trăng thì mờ ảo.
Nhân chỉ lên kệ sách:
– Anh có bộ Liêu Trai Chí Dị do Đào Trinh Nhất dịch. Đọc Liêu Trai trong những đêm mưa bên ánh đèn dầu mới cảm được sự huyền ảo ma quái trong Liêu Trai. Em có đọc Liêu Trai không?
– Dạ, em mới đọc một số truyện do Nguyễn Hoạt dịch – Như chợt nhớ ra, Điệp hỏi: Anh đã đọc “Trăng Nước Đồng Nai” chưa?
– Đọc rồi. Trăng Nước Đồng Nai bắt mình nghĩ nhiều về cái làng cù lao giữa sông Đồng Nai, ở giữa 2 cây cầu dài… sông nước, trăng, người và hoa bưởi. Có dịp nào, chúng ta thử tới cái làng đó hái bưởi cũng như đi vào sơn thôn có mấy chục nóc nhà hái hồng ở Cát Bà. Có thể em không để ý, nhưng do anh thường đọc Liêu Trai, lại đọc trong khung cảnh làng quê, tối tăm đèn dầu với tiếng giun dế, nên anh để ý đoạn Nguyễn Hoạt nói về tính chất Liêu Trai của những cái cổng và những cái tháp trong mấy nghĩa trang ở bên đường đối diện với núi Châu Thới. Con đường Sài Gòn – Biên Hòa, mình đã đi biết bao nhiêu lần, nhưng không để ý đến những cái cổng và tháp nghĩa trang – Nhân cười – Có lẽ Nguyễn Hoạt dịch Liêu Trai Chí Dị nên ông đã bắt được khung cảnh ấy để đưa vào Trăng Nước Đồng Nai.
Điệp hỏi:
– Ngoài Trăng Nước Đồng Nai, Nguyễn Hoạt còn có tác phẩm gì khác nữa không anh?
– Xuất bản thì hình như chỉ có Trăng Nước Đồng Nai, còn truyện đang đăng báo thì có Tỵ Bái trên Tự Do. Ông còn viết mục Đàn Ngang Cung trên Tự Do với bút hiệu Hiếu Chân.
Nhân tới kệ sách lấy một cuốn bìa nâu đưa cho Điệp:
– Đây là quà tặng của một người Hà Nội.
Nhìn mấy chữ: Nắng Đào – Nguyễn Xuân Huy, Điệp cười với ánh mắt lung linh nồng nàn:
– Anh đóng bìa đẹp thế này ư? Em giữ được bộ Giao Trì Hiệp Nữ, và thường đọc lại nhiều đoạn, nhưng em đã quên việc đóng bìa.
Nhân đặt tay lên vai Điệp:
– Thấy Nắng Đào cũng như thấy em, cảm được điều em muốn nói. Vì thế, ba năm em biệt tích anh đã sống với Nắng Đào, tấm ảnh và cái khăn tay. Ông bà mình kiêng tặng nhau khăn tay, vì khăn tay để lau nước mắt… Từ Nắng Đào anh nhớ Cát Bà với những ngày đi trên con đường lát đá cạnh núi với sóng biển dạt dào, nhìn em kéo quần tránh nước đập vào đá tung tóe lên đường, nhìn sóng biển leo núi ngoài khơi, với ngày đi hái hồng, anh nhớ cổ áo tròn với đôi mắt sắc mà nồng nàn ngước lên đỡ túi hồng. Từ Nắng Đào, anh nhớ Quảng Yên. Hôm đi coi Ciné, anh không để ý đến phim mà suốt buổi chỉ nghĩ đến việc em đi. Buổi sáng từ giã ở bến xe, anh dõi theo chiếc xe hàng màu vàng cổ dụt chạy ra đường, rồi mất hút trên đường Khê Chanh. Trên đường về, anh đi theo phố Yết Kiêu, nghĩ là giờ này, chiếc xe vàng đã dừng lại ở bến Rừng, qua phà sông Rừng, rồi đi qua dãy núi Tràng Kênh. Đến trưa anh nghĩ giờ này xe đã qua núi Đèo tới bến đò Bính, qua phà, vào bến. Em xuống xe và mất hút, vì anh không còn …
Điệp bật khóc:
– Anh đừng nói nữa – Nàng lấy khăn tay lau nước mắt, yên lặng một lúc lâu, rồi nói:
– Khi vào Nam em sợ, nhưng mấy năm qua em vẫn tin là mình sẽ gặp lại nhau, niềm tin mơ hồ, nhưng em vẫn tin như thế. Chúng ta còn đi học, hoàn cảnh của anh khó khăn hơn em. Đêm đêm lăn lộn với mấy chục tờ báo, nhưng đó là cách thích nghi với hoàn cảnh. Và bây giờ, nhà chỉ mình anh mà khu vườn tươi tốt thế kia.
– Cám ơn Điệp đã nghĩ như thế. Ai cũng bận nên vườn không có gì nhiều. Cây ăn trái có ổi, đu đủ và chuối, còn rau thì chỉ có mồng tơi, rau đay và rau thơm.
Nhân để cuốn Năng Đào lên kệ sách, rồi nắm tay Điệp:
– Bây giờ mình đi hái ít ổi và đu đủ.
Ra tới sân, Nhân đi nhanh xuống bếp lấy một cái rổ và một cái túi xách bằng cói. Đưa cho Điệp cái túi xách và chỉ mấy cây ổi, Nhân nói:
– Em hái ổi, còn anh đi coi mấy cây đu đủ xem có trái nào chín.
Nhân bưng 3 trái đu đủ trở lại hàng ổi, trong khi Điệp vẫn đang đứng nhìn từng cây, ngắm nghía những trái ổi vàng bóng.
– Em hái được nhiều chưa?
– Dạ, được chừng hơn chục trái, anh ạ, mà sao trồng cùng thời gian mà có những cây lớn nhỏ khác nhau?
Nhân cười:
– Mấy cây lớn là do chủ cũ trồng, còn những cây nhỏ mình trồng và phải 2 năm nữa mới có trái.
Nhân tới một cây cao, vin cành, chỉ: Em hái mấy trái này – Rồi cứ thế vin cành cho Điệp hái.
Thấy giỏ đã nặng, Điệp nói:
– Thôi anh ạ, nặng rồi. Em sợ cái giỏ này không đựng hết 3 trái đu đủ.
– Có thể đủ, để thử coi – Nhìn trái thứ ba, gần sát miệng giỏ, Nhân cười: Em thấy chưa, vừa vặn. Rồi một tay xách giỏ, một tay dắt Điệp vào nhà.
Nhìn đồng hồ, thấy đã hơn 11 giờ, Điệp nói:
– Em về, anh ạ.
– Trưa rồi, phải kiếm cái gì ăn. Đi ăn phở với anh.
Nhân đang loay hoay buộc giỏ ổi vào cái giỏ sắt sau xe Solex thì nghe tiếng:
– Thưa anh, em đi học về.
– Chào chị.
Nhân nhìn lên, nói:
– Phượng, em gái út – rồi chỉ Điệp: Chị Điệp, bạn của anh.
Điệp cầm tay Phượng:
– Phượng học trường xa hay gần em?
– Dạ, em học trường Khuông Việt gần đây.
Điệp lấy trong sắc tờ 20 đồng đưa cho Phượng:
– Chị cho em để mua sách, mua quà.
Phượng nhìn anh.
Nhân nói:
– Chị cho, em cầm lấy.
– Em cám ơn chị.
– Anh đi với chị Điệp ra ngã ba Ông Tạ. Em hâm cơm và đồ ăn, chờ Thanh về ăn một thể – Nhân dặn em, rồi nói:
– Thôi, mình đi, Điệp.
Nhân dắt xe đạp đi trước, Điệp dắt Solex theo sau. Ra tới cổng, Nhân chỉ khu vườn đối diện:
– Kiểu nhà với vườn trồng hoa và rau kia là tiêu biểu của ấp này. Nhà mình lúc mới mua cũng thế, chỉ khác là nhà lợp tranh.
Điệp nhìn một lúc:
– Người ta trồng rau cải, hoa cúc và hoa huệ.
– Vào sâu một đoạn nữa, vườn nào cũng rau, hoa cúc, huệ và mào gà.
Đi hết đoạn đường nhỏ, tới đoạn có bờ tre, đường rộng hơn, Điệp dắt xe đi song song với Nhân.
– Bố mẹ mua nhà ở ấp này, nên anh được sống giữa làng hoa, huệ và cúc, nhưng chỉ có thế. Anh không biết làng hoa Nghi Tàm ở Hà Nội đẹp thế nào mà nhiều nhà văn đã viết về cái làng hoa đó. Thời ở Hà Nội, em đã tới Nghi Tàm chưa?
– Em đã tới những làng hoa này nhiều lần. Nghi Tàm ở bên Hồ Tây, nên là một thắng cảnh. Làng hoa ở Nghi Tàm trồng nhiều thứ hoa như cúc, hồng, lay ơn, cẩm chướng, mẫu đơn, hoa ly…, đặc biệt là đào và quất. Cuối tuần dân Hà Nội thường xuống đây chơi, nhất là vào dịp Tết, người ta xuống Nghi Tàm để mua đào và quất. Em có một ít ảnh chụp trong mấy làng hoa Nghi Tàm, hôm nào em đưa anh coi. Anh sẽ thấy, vào đến làng hoa Nghi Tàm là vào rừng hoa với màu xanh, đỏ, tím, vàng, trắng – Điệp cười – Chớ không chỉ một màu xanh của lá cây và rau như làng hoa của anh.
– Đó là ban ngày, còn ban đêm em vào đây thì chỉ thấy một màu đen với đom đóm lập lòe và thỉnh thoảng đôi ánh đèn dầu leo lét từ mấy căn nhà vườn.
– Thế những đêm mưa tối tăm, đường lồi lõm thế này thì đi làm sao?
– Ở đâu quen đó, em ạ.
Đến đầu ngõ ra Thoại Ngọc Hầu, Nhân nói:
– Bây giờ em đi trước, Solex theo sau anh sẽ khó đi. Tới ngã ba Thoại Ngọc Hầu – Lê Văn Duyệt thì quẹo trái chừng hơn 200 mét sẽ thấy phở Thiên Thai ở bên trái.
Điệp gật đầu, lên xe, gài tà áo dài vào sau xe, đạp chừng chục mét rồi hạ máy, chiếc xe lao đi.
Nhân đạp xe theo sau và thấy tà áo dài xanh của Điệp bung lên như cánh buồm no gió.
4
Nhân dừng xe bên đường đối diện với núi Châu Thới, nhìn vào cái cổng mái cong và mấy cái tháp. Điệp chỉ vào phía cổng mái cong gần nhất:
– Khu này là khu Liêu Trai của Nguyễn Hoạt. Đồng hoang chỗ thấp, chỗ cao bát ngát màu xanh, xám, giờ này chớ buổi chiều thì đúng là miền đất của hồ ly, ma qủi.
– Em lên xe, mình vào chỗ cái cổng kia tìm chỗ nghỉ chân – Nhân nói rồi đạp máy, cho xe đi chậm khoảng 300 mét thì quẹo vào con đường đất đỏ, hai bên đường là những bụi cây thấp. Nhân dừng lại trước cái cổng mái cong. Đó là khu nghĩa địa với những ngôi mộ xây. Ở phía dưới chừng 500 mét có một cái cổng mái cong nhỏ hơn.
Nhân dựng xe:
– Mình ngồi đây một lúc. Thật may, đi chơi lại gặp ngày nắng nhẹ, chớ ngày nắng gắt thì cái mũ không che kín hai má em đâu. Nhân lấy bình nước đưa cho Điệp. Hai người ngồi trên bực xi măng của cái cổng gạch mái cong.
– Khu này người Tàu mua làm nghĩa trang, nhưng họ không xây qui mô như nhiều nơi ở ngoại ô Sài Gòn – Nhân chỉ lên mấy chữ Hán ở Cổng: Anh đọc được hai chữ Triều Châu, chắc là nghĩa trang của Bang Triều Châu thuộc Biên Hòa.
Điệp ngả người tựa vào vai Nhân:
– Họ làm nghĩa trang theo từng Bang chớ không làm chung hả anh?
– Người Tàu ở Việt Nam có tổ chức chặt chẽ với những Bang Hội, qui tụ những người cùng tỉnh thành một Bang, như ở Sài Gòn anh thường nghe Bang Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu. Có lẽ dân ở mấy tỉnh này qua Việt Nam nhiều. Họ sống theo Bang để trợ giúp nhau và khi chết thì cùng nằm một chỗ, thành ra mỗi Bang có nghĩa trang riêng – Vừa nói Nhân vừa nắm tay Điệp để lên đầu gối mình.
Từ ngày Điệp tới nhà Nhân tới giờ, nàng đã tới 3 lần nữa, một lần đi với Dũng để ăn giỗ, và lần nào nàng cũng xin phép mẹ. Còn Dũng đã kể lại chuyện gặp Nhân ở Cát Bà và ở Quảng Yên mà theo Điệp nói thì bà vui vẻ, khen Nhân chững chạc và có chí. Còn Nhân và Điệp sau lần hẹn nhau ở Cà phê Gió Bấc thì hai người còn hẹn nhau nhiều lần nữa, nhưng chỉ loanh quanh ở trung tâm thành phố như đi Ciné, nghe nhạc, vào Sở Thú hay công viên Tao Đàn. Mới đây mượn được chiếc xe gắn máy Capri của người bạn thân, Nhân đã chở Điệp xuống Nhà Bè ăn ở nhà hàng bên sông. Hôm nay đi núi Châu Thới, đi tới vùng đất Liêu Trai của Nguyễn Hoạt và dự trù vài tuần nữa sẽ đi tới làng cù lao giữa sông Đồng Nai ở Biên Hòa. Thấy Điệp yên lặng, Nhân đặt tay vào trán vào cổ Điệp.
– Em có sao đâu – Nàng ngồi thẳng lại rồi nói: Buổi sáng mà ở đây vắng quá.
Nhân cười:
– Khu nghĩa địa, ai tới làm gì, ngoại trừ những người đi tìm hồ ly, ma quái.
– Buổi chiều, buổi tối ai dám vào đây?
– Có Bồ Tùng Linh, nếu ông ấy tái sinh ở Việt Nam.
Điệp cười rồi hỏi:
– Anh có nhớ bài thơ Cô Vọng Ngôn Chi gì đó của một nhà văn, viết cảm đề cho Liêu Trai Chí Dị?
– A, bài tứ tuyệt của Vương Ngư Dương, mỗi lần giở tập Liêu Trai của Đào Trinh Nhất đều đọc nên nhớ:
Cô vọng ngôn chi, vọng thính chi
Đậu bằng qua giá vũ như ti
Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ
Ái độc thu phần quỷ xướng thi.
Nghĩa của 4 câu này:
Nói lời lảm nhảm, nghe lời lảm nhảm
Mưa như tơ trên giàn dưa, giàn đậu
Giọng đời đã chán không muốn nhắc tới nữa
Chỉ thích nghe quỷ dưới mồ mùa thu ngâm thơ.
Bài thơ hay nói lên được tâm sự của Bồ Tùng Linh qua Liêu Trai Chí Dị, đã có nhiều người dịch, nhưng anh chỉ nhớ bài của Tản Đà, có thể nhớ sai vài chữ vì lẫn bài nọ qua bài kia:
Nói láo mà chơi, nghe láo chơi
Giàn dưa lất phất hạt mưa rơi
Chuyện đời âu hẳn ta đà chán
Thơ thẩn nghe ma hát mấy lời.
Điệp nói:
– Như vậy chắc Vương và Bồ là hai bạn tâm giao.
– Không phải. Họ Vương đậu tiến sĩ, làm quan tới thượng thư và là nhà thơ, nhà văn. Còn họ Bồ chỉ dạy học ở tư gia và nghèo. Khi Vương làm quan ở Sơn Đông, quê của Bồ Tùng Linh, đọc Liêu Trai Chí Dị, khen và viết Liêu Trai đề từ gửi cho Bồ Tùng Linh – Nhân ngừng lại nhìn ra xa một lúc rồi nói: Cả một đời lận đận thi cử và nghèo, nhưng Bồ Tùng Linh đã giàu và phong lưu trong thế giới hồ ly, ma quỷ. Ông tung hoành múa bút trong thế giới này thành ra ông muốn lià thực để sống trong mộng:
Chuyện đời âu hẳn ta đà chán
Thơ thẩn nghe ma hát mấy lời.
– Bây giờ đi được chưa cô? Nhân nâng cằm, nhìn vào mắt Điệp hỏi, rồi đứng dậy cầm tay Điệp kéo lên, nhưng Điệp đã quàng tay qua cổ Nhân, đu người khi Nhân bước xuống mấy bực xi măng.
Con đường đi vào núi Châu Thới khoảng hơn một cây số, cũng đất đá, đầy cỏ nhưng rộng. Đến chân núi, Nhân dừng xe trước cổng đá, có mấy chữ: Châu Thới Sơn Tự bằng chữ Việt và chữ Hán, rồi nhìn lên những bậc đá của đường lên chùa với cây rợp bóng và cỏ mọc lan vào đá. Dắt xe đến một cây lớn, Nhân chỉ vào mấy tảng đá:
– Ngồi đây một lúc em ạ.
Điệp chỉ con đường lên chùa:
– Nhìn những tảng đá mòn với rêu phong kia có thể đoán tuổi của chùa Châu Thới.
– Thế em đoán bao nhiêu?
– Trên trăm năm.
Nhân lắc đầu:
– Em đoán thế thì chùa này còn mới quá. Theo tài liệu anh đọc nhân câu chuyện mình nói về vùng đất Liêu Trai của Nguyễn Hoạt và núi Châu Thới thì chùa Châu Thới được xây dựng từ cuối thế kỷ 17 và là một trong nhưng ngôi chùa cổ nổi tiếng của đất Gia Định ngày xưa. Núi cao trên 80 mét và con đường kia phải trên dưới 200 bậc. Đi bộ thì thú vị đấy…
– Em tưởng ở đây có đường cho xe hay có chỗ gửi xe.
– Anh cũng nghĩ thế, nhưng chỉ có con đường bậc đá kia. Có lẽ vào những ngày lễ như Phật Đản, Vu Lan hay Tết, người ta mới làm bãi giữ xe ở những khu đất dưới chân núi. Muốn viếng chùa thì phải đi vào mấy ngày lễ đó.
Điệp nói:
– Thôi để dịp khác, Sài Gòn tới đây đâu có bao xa. Hôm nay mình đi vòng dưới chân núi rồi tìm chỗ nào mát ngồi chơi anh ạ.
– Phải vậy thôi.
Nhân đạp máy xe, nhìn con đường đi vào phía trong vắng vẻ, cây cối rậm rạp như rừng, nên đi trở ra và vòng theo chân núi ở phía ngoài. Nhưng chỉ đi được khoảng hơn nửa cây số thì con đường đi vào khu rừng cao su, Nhân thầm nghĩ, phía ngoài này là rừng cao su thì không đi thêm nữa và cho xe đi vào giữa rừng phía gần chân núi. Gặp một vùng cỏ xanh dưới bóng mát của cây cao su, Nhân dừng lại một khu nhiều bóng râm.
– Ở đây có thể ngồi chơi được, mát mà có thể nhìn xa – chàng nói, rồi dựng xe cạnh một cây cao su lớn.
Sau khi lấy cái túi xách đựng đồ ăn, nước uống để trên tấm vải nhựa trải trên cỏ, Nhân đi quanh ra phía bờ ranh rừng cao su, vừa để vận động chân tay, vừa quan sát khu nhiều cây cối rậm rạp dưới chân núi. Khi trở lại, chàng thấy Điệp trong tà áo dài nâu, đang đi giữa những hàng cây. Lần đầu tiên nàng mặc áo dài nâu, nâu thẫm, còn lâu nay Nhân chỉ thấy nàng mặc áo màu xanh, màu trắng và vàng nhạt. Sáng nay thấy Điệp mặc áo nâu, Nhân nghĩ, đi chơi xa và lên chùa nên nàng mặc áo nâu, nhưng Điệp có biết đâu là áo dài nâu cổ thấp đã nâng khuôn cổ cao và làm nổi lên làn da trắng như ngó cần ở cổ và ở hai chỗ xẻ tà.
Khi đến gần thấy Nhân nhìn mình đăm đăm, Điệp đi nhanh, vừa ngả người vào Nhân, vừa nói: Quanh núi Châu Thới, chỗ nào cũng vắng quá.
– Núi xa làng thì lấy đâu ra người, ngoại trừ những người đi tìm Bồ Tùng Linh – Nhân cười, đỡ Điệp rồi cầm tay đi đến chỗ tấm vải nhựa:
– Lên chùa không được thì vào rừng. Bây giờ ăn, khoảng 1 giờ mình về.
Điệp ngồi xuống tấm vải nhựa:
– Sáng ăn phở còn no, anh cho em trái quít.
Nhân lấy trái quít, dùng con dao nhỏ bóc quanh phần trên rồi đưa cho Điệp.
Điệp hỏi:
– Anh ăn pâté chaud hay croissant?
– Anh cũng còn no, thôi theo em ăn quít.
Điệp cười, đưa trái quít đã bóc vỏ cho Nhân:
– Vậy anh ăn trái này, đưa em trái khác. Quít lớn quá, em ăn nửa trái thôi.
– Thế mỗi người một nửa, khỏi phải bóc thêm.
Ăn xong nửa trái quít, uống mấy hớp nước, Điệp ngồi tựa vào vai Nhân:
– Mẹ em và Dũng quí anh lắm đó. Nghe Dũng kể chuyện đi đáp cá, hái hồng ở Cát Bà và chuyện đi ăn bánh tôm, bún riêu ở Quảng Yên, bà bảo là sao ở Quảng Yên không cho bà đi theo.
Nhân nói:
– Như thế may cho chúng ta. Bà vui tính và phúc hậu, còn gặp những bà mẹ khó tính thì rất khó.
Từ thế tựa, Điệp xoay người nằm gối đầu lên đùi Nhân. Ánh mắt nồng nàn với đôi môi hồng đã kéo Nhân cúi xuống. Rừng cây im lặng như tờ, đây đó ánh nắng xuyên qua kẽ lá thành những vệt sáng trên cỏ. Nhân ngước đầu lên nhìn cổ Điệp và phần căng lên ở ngực, núm vú hằn lên dưới lớp vải nâu mỏng. Cái cổ áo lụa tròn biến mất ngày đi hái hồng ở Cát Bà đã theo Nhân suốt mấy năm, bây giờ hiện hình, chỉ cách mặt Nhân một gang tay. Chàng cúi xuống đặt môi mình lên hai phần căng ở ngực. Điệp vòng tay qua ngực kéo khuy áo. Mấy tiếng kêu nhẹ và phần áo ở ngực bung ra và Nhân đã tìm thấy chỗ biến mất theo cổ áo lụa ở Cát Bà. Nhân ngạt thở và ngước lên. Bụng Điệp mịn trắng lồ lộ trên phần vải ở đùi trong căng ra theo thế chân duỗi. Chàng cúi xuống, bỗng giật mình ngồi dậy với ý nghĩ xẹt qua đầu: Còn là học trò nghèo. Nhân không dám nhìn xuống dưới mà kéo lại vạt áo dài, cài lại khuy.
– Anh xin lỗi em.
Điệp nhìn Nhân một lúc, rồi ngồi dậy bật khóc. Nàng khóc nức nở, hai vai rung lên từng hồi.
– Đừng khóc nữa, anh xin lỗi em – Nhân nói như van xin, nhưng tiếng nói đã đưa tiếng khóc lên cao hơn.
Nhìn Điệp cúi đầu trên gối nức nở với quần áo xộc xệch, Nhân cũng bật khóc và chàng muốn lấy tiếng khóc để chuộc cái lỗi đã gây ra tình cảnh này, nên để cho nước mắt dàn dụa cho đến khi thấy vai Điệp thôi rung mới lấy khăn lau mặt. Nắm chiếc khăn ướt đẫm, Nhân ngồi yên lặng nhìn những hàng cây cao su và không dám nói vì sợ Điệp khóc nữa.
Chừng nửa giờ sau, Điệp đứng dậy nói:
– Cho em về.
Nhân gấp miếng vải nhựa để vào túi xách, quàng lên xe, rồi không biết nói điều gì nên lặng lẽ ngồi lên xe đạp máy. Trên đường về chàng dừng lại ở Thủ Đức để đổ săng và vào một tiệm kem để Điệp có chỗ lau mặt.
Đêm ấy Nhân nghĩ là chỉ một, hai ngày mọi chuyện sẽ qua và Điệp sẽ lại vui cười đón Nhân khi chàng đến đưa báo. Nhưng mấy buổi tối kế tiếp không có Điệp đón chờ. Rồi đêm thứ tư, Dũng đưa cho Nhân bức thư của Điệp. Nóng lòng muốn biết Điệp nói gì, Nhân đã dừng xe bên một cột điện, nghĩ là Điệp sẽ viết nhiều để bày tỏ nỗi lòng, nhưng không, cả một tờ giấy chỉ có mấy hàng:
Anh Nhân,
Em không ngờ anh lại như thế. Anh coi thường và xúc phạm em. Em ân hận và xin nói với anh một điều là chuyện của chúng ta kết thúc ở đây.
Vĩnh biệt anh.
Nhân bỏ tờ giấy vào túi, rồi lảo đảo đạp xe đi. Trời đêm gió mát, nhưng Nhân toát mồ hôi ướt áo. Chuyện đến thế kia sao? Tình cảm trai gái, nếu là lỗi thì đâu phải lỗi một người… Ánh mắt nồng nàn đắm đuối của Điệp ngày gặp lại ở Quảng Yên, tiếng kêu “anh Nhân” như reo lên khi gặp lại ở Phú Nhuận và tiếng khóc giữa rừng cao su Châu Thới, tất cả đều là sự biểu lộ tình cảm… Nhưng sao tình cảm ấy lại có thể lấy kéo cắt như cắt sợi dây… Nhân không hiểu và mải nghĩ nên quên rẽ vào con đường ấp Cả Trắc. Chàng quay lại, đi vào con đường hai bên bờ tre tối tăm, từ xa chỉ có những ánh đom đóm lập lòe.
PHẦN III
1
Nhân bước ra khỏi Barracks trong khi mọi người còn ngủ. Chàng đi lên dốc đường, rẽ vào quán cà phê. Chủ quán cười, gật đầu chào.
– Chào chị. Chị cho tôi ly cà phê sữa.
Chị chủ quán đem cà phê đến, đặt ra bàn, rồi nói:
– Hôm qua phái đoàn Mỹ đến, anh lại bận rộn cả tuần.
Nhân nói:
– Bận rộn mà vui, chị ạ. Vui vì bà con, anh em đến tấp nập đầy phòng, đầy sân chờ vào phỏng vấn và vui vì nghĩ là sắp đến phiên mình.
– Diện của anh nhanh lắm, chỉ 4 hay 5 tháng thôi – Chủ quán vừa bước đi vừa nói.
Nhìn hộp thuốc Dunhill màu nâu với ly cà phê và nghe Hà Thanh hát Mấy Dặm Sơn Khê từ máy cassette, Nhân thấy những năm tháng vừa qua ở Việt Nam như một giấc mộng dữ, và nay chàng hy vọng là sẽ tìm lại được đời sống của mình. Đời sống đó là yên vui, không sợ hãi những người quanh mình, và có thể nghĩ đến tương lai. Trên tàu Cao Ủy Tỵ Nan đi nhặt những người vượt biển bị trôi giạt vào những đảo nhỏ thuộc Indonesia, Nhân đã hỏi người đại diện Cao Ủy là ở Galang chúng tôi có thể làm gì? Ông cười trả lời: “Đảo chứa mấy chục ngàn người, nên phải có những cơ sở phục vụ như bệnh viện, Kho thực phẩm, vệ sinh, trường học… Các anh có thể làm việc trong những cơ sở ấy. Nhưng quan trọng hơn là các anh phải học tiếng Anh để chuẩn bị cho ngày đi định cư”. Vì thế chỉ mới lên đảo được hai tuần chàng đã nhận lời làm trưởng toán phụ giúp cơ quan JVA (Joint Voluntary Agency) của Mỹ thay thế ông thiếu tá không quân tên Long đi định cư, qua sự giới thiệu của Ban Đại Diện Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản ở Galang.
Khách cà phê đã bắt đầu vào nhiều. Hai người mới vào đến bên Nhân:
– Chào anh.
– Chào hai anh – Nhân chào lại, rồi nói: Nhìn sắc diện, tôi đoán hai anh có tên vào phỏng vấn kỳ này.
– Anh đoán thật hay. Bọn em nghe tên trên loa phóng thanh từ chiều hôm qua.
– Xin mừng hai anh – Nhân đứng dậy bắt tay hai người, rồi nói: Uống cà phê rồi lên cho sớm.
Hai người chào Nhân, rồi nhập bọn với hai người khác mới vào đi đến chiếc bàn ở góc trong.
Một người trong toán hỏi với qua một bàn khác:
– Sơn, mày cũng có tên kỳ này?
Người tên Sơn cười:
– Gia đình tao và cả họ nhà thằng Phong nữa. Kỳ này đi hết, giã từ Galang.
Nghe những lời rộn ràng và nghe loa phóng thanh liên tục đọc tên những người được vào phỏng vấn sáng nay, Nhân cười nghĩ đến việc mình với mấy người thuộc toán JVA Việt Nam đã làm suốt chiều qua để có kết quả của việc gọi tên những người được vào phỏng vấn.
Quán đã đông và ồn ào. Nhân nghe hết bản “Cuối cùng cho một tình yêu” do Khánh Ly hát, rồi đứng dậy tới quầy trả tiền. Bước ra khỏi quán, đi lên đoạn đường dốc thoai thoải, Nhân thấy nhẹ người và tận hưởng những cơn gió mát của Galang vào sáng sớm. Chàng chưa quen cái nắng và nóng của nơi gần xích đạo làm ẩm người, dù Galang là đảo với núi rừng bạt ngàn. Nhưng đặc biệt là khoảng chiều tối, khi mặt trời đã khuất thì những cơn gió mát trở về đưa tới cái lạnh trong đêm.
Lên hết dốc, rẽ vào Trung Tâm JVA, Nhân tưởng mình tới sớm, nhưng vừa lên tới sân đã nghe những tiếng cười nói của mấy chục anh em nam nữ đang xếp dọn lại bàn ghế.
– Chào anh.
– Chào chú.
– Morning…
Nhân cười:
– Chào các bạn. Các cô các cậu đều ở Galang 2 mà tới đây trước tôi.
– Những ngày JVA làm việc là những ngày vui trên đảo, nên bọn em dậy sớm đi uống cà phê để đón chào những người được may mắn đi sớm.
Nhân nói:
– Trước sau chúng ta cũng sẽ đi hết. Hôm nay mình vui với cái vui của bà con, ngày mai mình sẽ vui với cái vui của mình. Biết đâu kỳ này sẽ có một số anh em chúng ta vào phỏng vấn, chẳng hạn cô Vân, cô Thanh và cậu Tuấn …, nhưng khi Vân, Thanh đi rồi thì khó có thể tìm được cô nào có thuật đánh máy như mưa rơi trên mái tôn của hai cô (có những tiếng cười), còn Tuấn mà đi thì chúng ta mất một người trẻ, đẹp trai và nói tiếng Mỹ như người Mỹ. Và còn ai nữa, toán chúng ta trên 30 người mà người nào cũng đáng yêu đáng quí… ra đi thì sẽ nhớ nhau…, (có những tiếng cười khúch khích)
– Anh Nhân nói đúng. Chúng ta nhớ nhau và sẽ đi định cư cùng nhau.
– Ghép form thì đi định cư chung chớ khó gì.
Những tiếng cười rộ lên của toán JVA đã kéo theo tiếng cười của những người lên chờ vào phỏng vấn.
Đúng 8 giờ, toán JVA Mỹ tới, người nào cũng tay xách và ôm những cặp hồ sơ. Cùng với những tiếng chào nhau, toán thanh niên JVA Việt Nam đã xuống đường giúp toán Mỹ khiêng lên những thùng Coca, Pepsy và Seven Up ngâm nước đá, những thùng bánh mì sandwich và chocolate. Lần này toán JVA gồm 6 người, ngoài bà Nancy là toán trưởng, còn 5 người phụ trách phỏng vấn.
Sau khi nhân viên Mỹ và những người thông dịch đã ngồi vào bàn, Nhân nói với người phụ trách gọi tên: Bắt đầu đi anh Châu – Rồi cầm một xấp danh sách đi qua chỗ hai cô đánh máy:
– Cô Vân đánh danh sách ngày mai, còn cô Thanh, danh sách ngày mốt.
Nhân trở về chỗ coi lại xấp danh sách, rồi lẩm bẩm: Đây mới một nửa. Như vậy họ phải ở lại cả tuần. Chợt Nhân mỉm cười với xấp danh sách dày và nghĩ đến niềm vui của những cái tên sẽ được gọi trong tuần này.
– Anh Nhân, tứ diệu đế và bát chánh đạo dịch thế nào?
Nhìn về phía người hỏi, ông Đại Đức Tâm Hòa ở chùa Galang 2 và người thông dịch đang chờ, Nhân lấy tờ giấy đi đến vừa nói vừa viết: The Four Noble Truths and Noble Eightfold Path, và dịch cho ông sư một câu rồi trở về chỗ.
Vừa định đọc tiếp tập danh sách thì Nhân nghe tiếng gọi:
– Anh Nhân.
– Nhân nhìn lên, đứng bật dậy sửng sốt: Điệp – và phải đứng một lúc mới có thể bước ra: Gặp Điệp ở đây ư? Chàng nói rồi bước qua chỗ bàn đánh máy lấy chiếc ghế đem về để trước bàn:
– Điệp ngồi đây.
Điệp ngồi xuống, vừa định nói thì nước mắt trào ra, nên vội lấy khăn lau những dòng nước mắt lăn xuống má.
– Đừng khóc nữa …, tôi chưa biết gia đình Điệp ra sao, nhưng Điệp thoát được tới đây là bước qua một cuộc đời khác – Nhân chờ một lúc rồi hỏi: Điệp đi với những ai?
– Em đi một mình và tới đây từ tháng 7 năm ngoái – Điệp ngừng lại đưa khăn lên mắt… bị trục trặc giấy tờ nên mãi tới tháng 2 năm nay mới được gọi lên phỏng vấn, nhưng không may lại bị lây dịch đau mắt đỏ, nên bị hoãn… Mắt mới hết đỏ từ tháng trước. Hôm nay em định tới đây hỏi xem những người bị hoãn đến bao giờ sẽ được phỏng vấn, không ngờ lại gặp anh.
Nhân nhìn Điệp một lúc rồi nói:
– Mọi chuyện sẽ nói sau, còn bây giờ tôi sẽ hỏi bà Trưởng Phòng Nancy xem có thể giúp gì trong trường hợp của Điệp.
Vừa lúc ấy bà Nancy bước ra khỏi phòng đi đến chỗ để thùng Coca ướp đá lấy một lon.
– May quá, bà ấy ra kia, đi theo tôi, Nhân vừa nói vừa bước nhanh tới chỗ Nancy:
– Excuse me, Ms. Nancy, I would like to talk to you some words and I hope you’ll give me a favor.
Nancy cười:
– What can I do for you?
Nhân chỉ Điệp:
– Bà Điệp là bạn tôi từ thuở nhỏ tôi mới vừa gặp lại, được vào danh sách phỏng vấn từ tháng 2/1985, nhưng bị bệnh mắt đỏ nên bị hoãn. Nay bệnh đã hết, bà Điệp nhờ tôi hỏi bà xem bà có thể giúp gì trong trường hợp này.
Bà Nancy nhìn Điệp, rồi nói:
– Việc đó dễ, tôi có thể cho bà Điệp phỏng vấn kỳ này. Anh lên trụ sở JVA lục tìm hồ sơ của bà Điệp, rồi ghép vào danh sách phỏng vấn ngày mai.
Bà Nancy nói rồi tới bàn của Nhân lấy một tờ giấy viết mấy hàng đưa cho Nhân:
– Anh đưa tờ giấy này cho ông John. Ông ấy sẽ mở cửa văn phòng. Anh vào tìm thùng có mấy chữ “Bệnh Mắt Đỏ”. Hồ sơ của bà Điệp trong thùng đó.
Bà Nancy quay lại Điệp:
– Mừng bà gặp được bạn cũ trên một đảo tỵ nạn Cộng Sản.
Điệp nói:
– Cám ơn bà đã giúp tôi.
– Tôi rất vui là đã giúp được bà, vì đó là việc của tôi – Nancy nói rồi quay lại Nhân: Bây giờ anh có thể đi chứ?
– Vâng, cám ơn bà, tôi đi ngay bây giờ và trong khi tôi vắng mặt, nếu bà cần gì, xin gọi Cường.
– Được rồi – Nancy gật đầu nói rồi đi vào phòng.
Nhân để tập danh sách vào ngăn kéo, rồi cùng Điệp đi ra sân.
Điệp hỏi:
– Em có thể đi với anh được không?
– Trời nắng, Điệp chờ ở đây để tôi đi một mình cho nhanh. Chỉ có một thùng hồ sơ thì dễ tìm – Nhân nói rồi đi nhanh xuống những bậc xi măng ra đường.
Khoảng hơn một giờ sau Nhân về, tay cầm một kẹp giấy, vừa bước lên mấy bậc xi măng đã thấy Điệp bước ra:
– Tìm được hồ sơ rồi, hả anh?
Nhân đưa kẹp giấy cho Điệp:
– Tìm thì nhanh, nhưng phải chờ ông John khá lâu.
Chàng đứng lại dưới bóng râm của mấy cây dương, nhìn lại Điệp sau gần 30 năm: Vẫn dáng thanh tú, dù hơi đẫy đà. Mặt vẫn tươi, hồng nhuận với đôi môi và đôi mắt đen sắc. Cổ vẫn tròn cao trong cổ áo sơ mi rộng. Nhìn bàn chân, bàn tay, Nhân thầm nghĩ: Chân tay thế kia thì sau 75 Điệp không vất vả.
Điệp lật coi qua hồ sơ, rồi đưa lại cho Nhân:
– Cám ơn anh, không gặp anh thì chẳng biết đến bao giờ họ mới xét lại hồ sơ của những người đau mắt.
– Tôi nói với bà Nancy cũng là cầu may vậy thôi. Có thể bà ấy có thiện cảm với Điệp nên đã quyết định nhanh chóng. Cứ cho đó là cái may của Điệp ngày hôm nay – Nhân đưa tay cầm tay Điệp: Chúc mừng Điệp. Bây giờ Điệp về nghỉ để chuẩn bị cho ngày mai.
Điệp lấy quyển sổ trong cái túi xách, xé một tờ, ghi số Barracks đưa cho Nhân:
– Em ở Barracks 16, phòng 4, Galang 2. Chiều nay anh lên em được không?
– Chiều nay tôi phải sắp xếp một số việc ở đây, lên Điệp thì muộn quá. Thôi để sau phỏng vấn.
2
Sau bữa cơm chiều, Điệp đưa Nhân lên quán cà phê Gió trên giải đồi cao, gần khu Barracks. Hai người chọn chiếc bàn ngoài trời gần mấy tảng đá lớn.
Chủ quán là một thanh niên đi nhanh tới, đon đả:
– Chào anh, chào chị Điệp, đã khá lâu không thấy chị lên uống cà phê. Anh chị uống chi ạ?
Nhân nói:
– Anh cho tôi cà phê sữa và một bao DunHill – rồi hỏi: Em cũng cà phê sữa?
Điệp đáp:
– Không, em không uống cà phê – rồi nhìn chủ quán: Anh cho tôi Milo thêm sữa.
Chủ quán đi nhanh vào quán, một lúc sau có tiếng hát từ máy cassette vọng ra.
Nhân lắng nghe bản Nhà Anh Nhà Em một lúc, rồi nói:
– Bao nhiêu năm, hôm nay mới nghe lại giọng lả lơi của Trúc Mai. Quán Cà phê trên đồi này thật đắc địa. Dưới đường lên không bao xa, rồi lại gần những Barracks.
– Thế mà khách không bao nhiêu, anh ạ. Có lẽ người ta ngại lên dốc. Quán ở dưới đường đông khách hơn.
Khi chủ quán bưng khay cà phê, milo đến để ra bàn, Nhân hỏi:
– Ở đảo thế này, anh mua cà phê, milo, thuốc lá và những thứ hàng khác ở đâu?
Chủ quán đáp:
– Ở đây hàng tuần có chuyến tàu đi Penang. Chúng tôi xin phép đi những chuyến tàu đó, sáng đi chiều về. Penang là đảo lớn, là thành phố, hàng hóa như núi.
– Anh mở quán thế này, khi được đi định cư thì tính sao?
– Sang cho người khác. Gọi sang là có người bắt ngay. Quán Gió này tới nay đã qua tay nhiều người. Tôi sang quán đã được trên 2 năm, và mong sớm có ngày kêu người sang lại để ra đi.
Nhân cười:
– Galang có những tên quán thật hay, không quán nào đề bảng, nhưng có tên mà ai cũng biết như Tống Biệt, Vượt Biển, Biển Đen, Người Ở Người Đi… Quán này lấy tên Gió thật tuyệt, vì ở trên đỉnh đồi cao, gió biển gió núi đều bay thổi đây.
Chủ quán cười, vừa bước đi vừa tiếp: Còn Tình Sù, Tình Nhớ, Tình Câm… Thôi mời anh chị.
Nhân cười nhìn theo chủ quán, rồi nói:
– Năm 1957, gặp lại em ở Sài Gòn, anh mời em tới cà phê Gió Bấc. Năm 1985, gặp em ở đảo Galang, em đưa anh tới cà phê Gió… Ở đây phải gọi là Gió Biển hay Gió Ngàn. Năm 57, anh chỉ uống cà phê, còn năm 85 thêm thuốc lá – Nhân mở bao DunHill, rút một điếu xoay vòng ngắm nghía, rồi bật diêm châm – Đêm từ tàu Cao Ủy lên bến tàu Galang, trong khi ngồi xếp hàng để người ta gọi tên, kiểm lại người, Ban Đại Diện Người Việt Tỵ Nạn mời mỗi người một điếu thuốc 3 số 5. Đêm gió mát, với cái vui cập bến đã biến điếu thuốc thành hương vị đặc biệt. Anh chưa bao giờ được hút một điếu thuốc ngọt ngào và ý vị đến như thế.
– Tàu vượt biên vào đảo nào mà tàu Cao Ủy phải tới đón?
– Tàu anh đi là tàu đánh cá loại nhỏ, chạy được một đêm một ngày thì bể máy, và trôi theo sóng gió một ngày một đêm thì dạt vào đảo Subii, một đảo nhỏ, dân số chừng trên 500. Anh phải ở đó 3 tuần thì được tàu Cao Ủy, trong chuyến đi nhặt người tỵ nạn giạt vào các đảo nhỏ, nhặt về.
Điệp đang nâng ly Milo uống, nghe thế bỏ xuống:
– Tàu em đi cũng lạc vào một đảo nhỏ, tên dài khó nhớ và phải ở đó trên 3 tháng. Dân trên đảo thiếu gạo, phải ăn độn khoai lang và củ mì, nhưng rất tốt, chia cho mình từng ký gạo, ký khoai.
– Em vượt biên một mình, thế gia đình em và các cụ đâu?
Điệp lặng đi một lúc, mắt chơm chớp như muốn khóc:
– Toàn là chuyện buồn cả anh ạ. Ba em đi tù cải tạo về và mất đầu năm 1982, còn bà cụ mất cuối năm 1982. Dũng đi Thủ Đức sau Mậu Thân, tình nguyện vào Thủy Quân Lục Chiến và chết ở Quảng Trị năm 1972 – Điệp ngưng lại một lúc lâu – Còn em, sau chuyện của chúng ta, em buồn, lấy học làm vui. Xong tú tài em vào được Đại Học Sư Phạm, ra trường phải xuống Cần Thơ dạy và lấy chồng, một giáo sư dạy cùng trường. Sau 75, anh ấy dạy toán nên vẫn được tiếp tục dạy, còn em dạy văn, sử địa nên phải nghỉ. Năm 81, chồng em và đứa con trai, đứa con duy nhất, vượt biên. Tàu bị hải tặc cướp và phá vỡ ở vịnh Thái Lan…. Mẹ em để lại cho em một số vàng, nhưng vượt biên mấy lần cụt hết vốn. Không biết làm gì để sống nên em liều. Gia đình rủi cả, chỉ có em may tới được Galang và gặp được anh.
Trời về chiều với những cơn gió cuốn đi cái nóng ban trưa, và quán đã nhiều khách. Cả một khu đồi rộn lên tiếng nói, tiếng cười với mùi cà phê và thuốc lá.
Nhân hỏi:
– Trước 75 ông cụ còn đi làm hay đã về hưu?
– Ba em về hưu năm 72. Sau 30/4/75 ông không đi trình diện, nên tháng 6/75, họ tới nhà bắt và phải đi cải tạo ở trại Long Giao, rồi Z30A, Xuân Lộc, Long Khánh. Cuối năm 81 ba em được về, nhưng chỉ được 3 tháng thì mất – Điệp ngừng một lúc rồi hỏi:
– Còn anh phải đi cải tạo ở đâu?
Nhân châm điếu thuốc khác, hút mấy hơi:
– Cùng với đội quân tan rã ở Thừa Thiên tháng 3/75, anh bị bắt và bị giam ở nhiều nơi, rồi sau tháng 4/75 một thời gian được chuyển tới trại cải tạo Bình Điền, Thừa Thiên.
– Anh chỉ ở một trại cải tạo hay phải qua nhiều trại?
Anh chỉ ở Bình Điền cho tới ngày được tha, cuối năm 82. Hoàn cảnh của anh không khác em. Chỉ khác là phải đi tù cực khổ hơn. Khi được về thì gia đình cũng chẳng còn ai. Ông bà cụ mất sau 75 một hai năm, em vượt biên vào những ngày sau 30/4/75 và mất tích, còn vợ con, anh cũng chỉ có một đứa gái, đi kinh tế mới đã chết, con đi trước, mẹ đi sau, vì thiếu ăn và bệnh.
Điệp nói:
– Khoảng đầu năm 58, Dũng đã tới anh nhiều lần và lần nào cũng kể em nghe những gì Dũng và anh đã nói với nhau. Và đến hè 1958 thì Dũng cho em biết gia đình anh đã bán nhà và chủ nhà mới cho biết là gia đình anh di chuyển lên Đà Lạt. Em ngạc nhiên, vì gia đình anh đã yên ổn ở khu Ông Tạ. Ai cũng có việc, tại sao lại bỏ để đi lên một chỗ mới, một thành phố nhỏ, làm ăn sẽ khó khăn hơn.
– À, gia đình di chuyển lên Đà Lạt vì ông cụ xin được việc làm ở Bệnh Viện Đà Lạt, bà cụ tiếp tục bán cơm ở chợ, còn anh có thể xin chuyển vào trường Trần Hưng Đạo. Nhưng đúng như em nói, ở Sài Gòn anh có việc bán báo, còn lên Đà Lạt thì chẳng biết làm gì. Vì thế, lên đó được chừng hơn một tháng, anh trở lại Sài Gòn. Thời gian đầu ở nhà người bạn đã cho anh mượn chiếc xe gắn máy Capri để chở em đi chơi. Sau đó, anh kiếm được một chỗ kèm trẻ ở tư gia, và thuê được một căn gác xép ở cuối đường Trương Minh Giảng. Vẫn đi bỏ những mối báo cũ nên thường đi qua khu Phú Nhuận và thỉnh thoảng buổi chiều, anh thấy em trên đường Hai Bà Trưng hay Võ Di Nguy, vẫn áo dài xanh, trắng và mỡ gà, thêm màu nâu nữa, lao xe Solex vun vút giữa phố đông người.
Điệp xúc động:
– Anh vẫn nhìn thấy em ư…, vậy anh ở Sài Gòn đến năm nào?
– Hết hè năm 60, xong tú tài, anh lên Đà Lạt kiếm chỗ dạy học và làm vườn cho đến năm 66 phải động viên vào Thủ Đức. Chín tháng ở trường Bộ Binh Thủ Đức, những ngày thứ Bảy, Chủ Nhật được nghỉ phép về Sài Gòn, anh vẫn thường đi qua đường Hai Bà Trưng, Võ Tánh và mong có một buổi chiều nhìn thấy Điệp.
Mắt Điệp chơm chớp:
– Thời gian này em đã xuống Cần Thơ dạy học.
Nhân nói:
– Trong những năm quân ngũ ở chiến trường Thừa Thiên, Quảng Trị anh thường nghĩ là em vẫn còn ở Sài Gòn. Sau khi ra tù, sống ở Sài Gòn, đi qua đường Võ Tánh thấy nhà em thay đổi với những người lạ và sân không còn giàn hoa giấy nữa, anh lại nghĩ là gia đình em đã vượt biên.
– Nhà bị họ chiếm sau khi bà cụ mất, vì em đã sống ở Cần Thơ từ năm 66 nên không có hộ khẩu, còn người cháu gái con ông bác ở với bà cụ đã bị đuổi ra khỏi nhà. Chuyện vượt biên với gia đình em và họ hàng bên em là một thảm kịch, vì hai gia đình chú bác sạt nghiệp vì vượt biên mà con cái đều chết cả. Phần em thì đi ba lần mới thoát, cũng có cái may là không bị bắt lần nào.
Bỗng Nhân đứng dậy nói:
– Anh vào gọi thêm cà phê. Em uống Milo nữa không?
– Dạ, anh cho em một ly nữa.
Nhân đi vào quán và khoảng 15 phút sau bưng một cái khay có cà phê, Milo và một gói bánh quế. Chàng khuấy ly Milo để trước Điệp, rồi bóc gói bánh quế, lấy một cái đưa cho Điệp:
– Bánh này làm ở Singapore, em ăn xem có bằng bánh quế Sài Gòn không?
Điệp ăn chiếc bánh quế rồi nói:
– Trước kia em ít ăn bánh quế nên không nhớ hương vị ra sao, nhưng em nghĩ bánh sản xuất ở Singapore phải ngon hơn, vì họ làm để xuất cảng, phải cạnh tranh. Còn mình làm chỉ để tiêu thụ trong nước.
– Ở Sài Gòn không biết có mấy nhà sản xuất bánh quế, nhưng anh chỉ nhớ bánh quế Bảo Hiên Rồng Vàng, chuyên dùng cho những đám hỏi – Nhân cười: Thời gian ở Đà Lạt mỗi lần nhà được biếu quà đám hỏi, anh thường thấy một hộp bánh quế Bảo Hiên, một hộp trà Chính Thái hoặc trà Bảo Lộc, một quả cau và mấy lá trầu, đôi khi có thêm hai chiếc bánh xu xê.
Nghe hai tiếng đám hỏi, Điệp nhìn Nhân một lúc, rồi hỏi:
– Trong mấy năm đầu xa nhau, có bao giờ anh có ý định tìm gặp lại em không?
– Có nghĩ chứ. Bao giờ anh cũng nhớ em, nhưng không dám gặp.
Nhân nâng ly cà phê uống mấy hớp, rồi để xuống:
– Cuối năm 57, Dũng thường đến anh và lần nào cũng bảo anh tìm cách gặp lại em và Dũng sẵn sàng làm trung gian để giải hòa. Anh cảm động vì Dũng qúi mến anh và quá nhiệt thành muốn chúng ta trở lại với nhau. Anh cũng muốn thế, nhưng nghĩ đến mấy dòng chữ quyết liệt của em, nên đã nói với Dũng là khi tình cảm đã chết là hết, chẳng có gì nối lại được. Bao nhiêu năm nay nghĩ lại, thật sự anh không hiểu em và cứ truy vấn mãi về cái lỗi của mình – Nhân ngừng lại châm điếu thuốc khác. Trăng đã lên cao, soi tỏ những hàng cây trên đồi. Giữa không gian ấy có tiếng hát, tiếng nhạc từ một quán nhỏ vọng ra. Tiếng hát Việt Nam vang lên giữa núi rừng ở một xứ xa lạ. Bỗng Nhân nghẹn thở với ý nghĩ là chàng đang nói lại chuyện tình cho người tình của 30 năm trước nghe, trên đỉnh đồi của một hòn đảo cưu mang người Việt trên đường chạy trốn khỏi quê nhà. Nhân uống cà phê và hút mấy hơi thuốc cho dịu cơn xúc động, rồi tiếp: Anh truy vấn mãi về cái lỗi của mình. Nhưng có phải cái lỗi đó chỉ mình anh gây ra?
Điệp nói:
– Lỗi ở em. Bao nhiêu năm em ân hận về sự tự ái vô lý của mình. Lúc đó thái độ bất ngờ và lạ lùng của anh đã làm em nổi giận vì xấu hổ và tự ái.
– Bất ngờ và lạ lùng, em nói đúng, vì anh đã giật mình ngừng lại với ý nghĩ: Học trò nghèo. Em thử nghĩ, nếu chúng ta đi tới và em có thai thì cuộc đời của chúng ta sẽ ra sao? Anh có thể nói gì với mẹ em khi bà tin yêu mình?
– Sao anh không nói những điều này ngay lúc ấy?
Nhân lắc đầu:
– Không thể nói, phải tự hiểu. Anh nghĩ em hiểu vì chúng ta đã lớn chớ đâu còn như thời đi thả thuyền ở Cát Bà.
Điệp nói:
– Em không nghĩ như thế mà nghĩ là anh coi thường em và chê em nên em hận.
Nhân nhìn Điệp một lúc:
– Sao lại có thể nghĩ như thế Điệp? Chúng ta là gì của nhau mà coi thường nhau? Nghĩ vậy là em quên mất lúc anh nắm bàn tay em suốt buổi ciné ở Quảng Yên, quên mất lời anh nói là ba năm em biệt tích khi di cư vào Nam, anh đã coi chiếc khăn tay, bức ảnh và cuốn Nắng Đào như sự hiện hình của em… Mà sao em không viết thư nói những điều này, vì nếu viết như thế anh sẽ có thư trần tình và chúng ta sẽ cùng hiểu một lẽ chớ không có tình trạng mỗi người hiểu một cách để phải đoạn tuyệt nhau – Nhân ngừng lại uống mấy hớp cà phê, rồi tiếp: Cái đêm mà sáng hôm sau gia đình anh di chuyển lên Đà Lạt, anh với người bạn tên là Vịnh, người cho mượn chiếc xe Capri, đã đi bộ lên đường Võ Tánh. Khi anh rủ Vịnh đi bộ lên ngã tư Phú Nhuận, Vịnh hỏi: Có xe sao lại phải đi bộ?. Anh trả lời: Mấy năm bán báo, đi lại nhiều con đường thuộc khu Phú Nhuận, Chi Lăng, nhưng tôi nhớ nhất đường Võ Tánh, vì Võ Tánh là đường về mỗi đêm. Đêm nay là đêm cuối cùng tôi muốn đi để ghi nhớ những ngày vui, buồn, mưa nắng trên đường này và đi bộ để giã từ nó. Nghe thế, Vịnh cười, gật đầu.
Tới ngã tư Phú Nhuận, anh quay lại và dừng ở chỗ cái xe bán bánh tiêu, dầu chao quẩy, ở phía trước nhà em, em nhớ cái xe đó chớ?
– Dạ nhớ, em cũng thường mua bánh tiêu, dầu chao quẩy ở đó.
– Anh mua 2 cái bánh tiêu, đưa Vịnh một cái và nói: Mấy năm bán báo, tôi đã ăn không biết bao nhiên cái bánh tiêu ở đây. Cứ mỗi đêm khi về là mua một cái. Vịnh đứng, anh ngồi trên cái ghế đẩu ở gần cột điện, nhìn lên phía gác, phòng của em, lúc đó khoảng hơn 10 giờ, hình dung là em đang ngồi học bài hay đọc sách và cảm được sự kín cổng cao tường của một tiểu thư khuê các. Vịnh mua thêm bánh tiêu, đưa anh một cái và nói: Ăn bánh tiêu nóng kiểu này ngon hơn ở nhà. Hai tay cầm hai cái bánh tiêu, anh vẫn nhìn lên phía cửa sổ có ánh đèn vàng… và lúc ấy anh mới cảm được là em đã ở xa và cao quá, với không tới.
– Với không tới hay là chê?
Nhân nhìn Điệp:
– Em vẫn giữ ý nghĩ đó ư?
Điệp cầm tay Nhân:
– Em buột miệng nói đùa, xin lỗi anh.
Nhân nâng ly cà phê uống mấy hớp, rồi nói:
Thời gian đó anh đọc một truyện ngắn của nhà văn Trung Hoa do Vi Huyền Đắc dịch, trong đó có hai câu thơ:
Thiên nhai hải giác hữu cùng thì
Duy chỉ tương tư vô tận xứ.
(Chân trời góc bể còn đi tới
Chỉ có tương tư không bến bờ)
Cả tập truyện anh chỉ nhớ hai câu và hai câu ấy đã đi theo anh mấy chục năm.
Điệp lấy khăn tay lau những dòng nước mắt chảy dài trên má, rồi nắm tay Nhân:
– Sao lúc đó không đi tìm em? Anh đi tìm, em sẽ hết tự ái, hết hận.
– Thư đoạn tuyệt viết như thế, sao dám đi tìm.
– Em xin lỗi anh. Lỗi ở em, sự kiêu hãnh, tự ái của tuổi trẻ – Điệp bật khóc …. nghẹn lời – đã làm đời chúng ta dang dở.
– Chuyện đã gần 30 năm, mất nửa đời. Bây giờ gặp nhau mà hiểu được chuyện ngày trước thì đời chúng ta vẫn còn đó. Đừng khóc nữa Điệp… Hãy nghĩ đến hai cái vui em đang có trong tay: Cái vui thoát nạn và cái vui lưu lạc chân trời góc biển mà gặp được nhau.
Điệp ngước lên với cái khăn tay trên má:
– Cám ơn anh đã giải tỏa cho em cái hận ngày trước.
Nhân nói:
– Chuyện cũ buồn, nhưng đã qua. Chúng ta thả nó ra biển để nghĩ đến chuyện ngày mai.
Hai người yên lặng. Nhân lắng nghe Hà Thanh hát bản Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa và đang định nói với Điệp về chuyện đi định cư thì Điệp hỏi:
– Anh có biết ngày nào đợt được phỏng vấn kỳ ày sẽ đi Bataan không?
– Anh không biết rõ, nhưng theo lịch trình thuờng lệ thì khoảng 2 hay 3 tuần họ sẽ đưa em qua Singapore, rồi từ Singapore đi máy bay qua Phi Luật Tân. Em sẽ ở Bataan 6 tháng để học tiếng Anh và văn hóa Mỹ. Thời gian này cũng là thời gian để người tỵ nạn tìm người bảo lãnh ở Mỹ.
Điệp Nói:
– Em có người bạn thân ở Denver, tiểu bang Colorado. Chị ấy sẽ bảo lãnh em.
– Thế thì yên đường đi định cư.
– Vậy còn anh?
– Anh có mấy người bạn ở Cali, Texas và Washington, nhưng chưa định nhờ ai bảo lãnh. Khi nào qua Bataan sẽ tính. Theo bà Nancy thì những sĩ quan đi cải tạo, dễ xác minh, nên sẽ được phỏng vấn trong vòng 4 hay 5 tháng. Có thể anh sẽ gặp em ở Bataan 1 hay 2 tháng trước khi em đi Mỹ – Nhân cười – Biết đâu mình sẽ có dịp đi với nhau ra Manila.
Điệp như reo lên:
– Cứ hy vọng như thế đi anh.
Nhân nhìn Điệp một lúc, rồi nói:
– Mấy người bạn ở Mỹ gửi cho mấy trăm. Anh chia cho em một ít – vừa nói Nhân vừa với tay bỏ vào túi áo Điệp 200.
Điệp nói:
– Anh còn ở đây lâu, lại thời gian ở Bataan nữa, cho em rồi anh lấy gì chi dùng?
– Phụ nữ có nhiều nhu cầu hơn… Về thôi em ạ, kẻo lạnh – Nhân nói rồi đứng dậy vào quán trả tiền.
Dưới ánh trăng, Điệp cầm tay Nhân đi xuống đồi. Đến trước Barracks 16, thấy có nhiều người kê ghế ngồi ở hàng hiên, nên Điệp chỉ nắm chặt tay Nhân một lúc, rồi nói:
– Chiều mai anh lên ăn cơm với em.
Nhân gật đầu:
– Chiều mai anh lên.
oOo
Khi Nhân tới bến tàu Galang thì bến đã đầy người đưa tiễn. Sân trong là một cái nền xi măng dài lợp tôn với vách gỗ chỉ tới nửa người, đã có 5 hàng người ngồi chờ. Chừng 20 phút sau, 4 chiếc xe kiểu GMC chở đầy người từ Galang 2 tới. Nhân cười vẫy tay khi nhìn thấy Điệp trên xe thứ hai. Người trên xe xuống xếp hàng đi vào sân trong. Nhân đứng cạnh lối vào nên khi Điệp đi tới, chàng giơ tay nắm tay Điệp: Em đi may mắn, khỏe mạnh. Điệp nói: Anh ở lại khỏe mạnh. Hẹn gặp anh ở Bataan.
Đã tới giờ xuống tàu. Những người xếp hàng, nghe gọi tên, lần lượt đi xuống 4 con tàu sơn trắng, đậu dọc kè bến. Khoảng 15 phút sau thì tàu nổ máy, tháo dây buộc. Khi 4 con tàu rời bến thì trên bến có người khóc, người cười, người vẫy tay.
Nhân đứng tựa vào vách ván nhìn Điệp xuống tàu thứ ba, và đã nhìn theo con tàu cho tới khi màu trắng của tàu biến mất trong màu xanh của biển.
Nhân rút điếu thuốc, bật diêm châm. Hơn hai tháng trước đến đây vào đêm nên Nhân không thấy gì, chỉ biết là mình đã ngồi xếp hàng trên cái nền có mái tôn để người ta gọi tên, được một điếu thuốc thơm rồi lên xe về Barracks. Hôm nay Nhân mới thấy toàn cảnh bến tàu Galang. Công trình xây dựng đơn giản, thô sơ, gồm mấy ngôi nhà lợp tôn và một bến dài mà tàu lớn có thể vào như chiếc tàu của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đã đi nhặt những thuyền nhân tỵ nạn trên các đảo nhỏ vừa qua. Đối diện với bến tàu là một đảo nhỏ án ngữ, cách bến khoảng gần một cây số với rừng cây xanh biếc. Màu xanh của eo biển nhập vào màu xanh của đảo xanh thành một bức tranh. Bến tàu Galang là một bức tranh hiền hòa mà ngoạn mục. Nơi đây đã chứng kiến niềm vui của người cập bến và người rời bến.
Nhân nhìn ra khơi, biển xanh thẫm lóng lánh màu nắng vàng và nhủ thầm chỉ vài giờ nữa Điệp sẽ lên Singapore. Năm 1953 ở đảo Cát Bà, Nhân đã tiễn Điệp đi Hải phòng, cũng trên chiếc tàu sơn trắng mà Nhân đã nhìn theo cho tới khi tàu khuất sau những hòn núi giữa biển. Hơn 30 năm sau, trên đảo của xứ người, Nhân tiễn Điệp đi về một nơi bình yên không phải quê hương mình. Đứng lặng dõi theo những đám mây trắng ở chân trời, Nhân lẩm bẩm: Rồi mình cũng sẽ tới đó.
* Chu Tấn
******************
SỨ MẠNG VĂN HÓA VIỆT NAM TRONG THỜI ĐẠI TOÀN CẦU HÓA
(CHU TẤN)
SỨ MẠNG VĂN HÓA VIỆT NAM TRONG THỜI ĐẠI TOÀN CẦU HÓA (CHU TẤN)
Tháng 8 27, 2019
”…vấn đề “SỨ MẠNG VĂN HÓA” cần phải làm sáng tỏ và tiến hành một cách dũng mãnh hơn. Chúng ta khẳng định “Văn hóa Việt Nam có sứ mênh “Chống cái Ác để mưu cầu Tư Do, Dân Chủ và Nhân Quyền cho Con Người và Xã Hội…”
– Văn hóa là cái gì còn lại khi tất cả những cái khác bị quên đi, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả. (Edouard Herriot)
– Văn hóa là tiếng khóc của con người khi đối mặt với số phận. (Albert Camus)
– Tôi không muốn ngôi nhà của mình bị vây kín giữa những bức tường và những khung cửa sổ luôn luôn bịt chặt, tôi muốn văn hóa của mọi miền đất tự do thổi vào ngôi nhà đó. Nhưng tôi sẽ không bị cuốn đi bởi bất cứ ngọn gió nào. (Mahatma Gandhi)I. DẪN NHẬP:
Người xưa thường đề cập tới VĂN KINH CHÍNH GIÁO một cách rất trang trọng. Vậy VĂN KINH CHÍNH GIÁO là gì? Xin thưa đây là nói tắt của 4 bộ môn quan trọng ảnh hưởng đến quyền lợi, họa phúc của người dân và sự hưng vong của Quốc Gia Dân Tộc. Bốn bộ môn đó là VĂN HÓA, KINH TẾ, CHÍNH TRỊ và GIÁO DỤC. Mỗi bộ môn này đều có vai trò, chức năng và sứ mạng riêng song đều hướng đến một cứu cánh chung là phục vụ người dân được sống trong thanh bình, an lạc hạnh phúc,và đem lại sự giầu mạnh vinh quang cho Đất Nước. Đứng về mặt “cứu cánh” mà xét, thì đây là “Nguyên Tắc kinh điển”, là “Chính Nghĩa” hay “Đạo Thống Quốc Gia”. Nhưng chúng ta không quên là cả bốn bộ môn chính yếu này đều do con người sáng tạo và thiết dựng lên, nên trong tiến trình “hiện thực hóa” văn hóa chính trị, kinh tế, giáo dục …. không phải lúc nào cũng theo một “chiều thuận”, “tiến bộ” mà thường theo “chiều nghịch” “tha hóa” “suy đồi”. Tại sao lại có hiện tượng Văn hóa tiến bộ và Văn hóa suy đồi? Tại sao lại có chính trị cấp tiến và chính trị bảo thủ dẫn đến suy vong? Tại sao lại có nền kinh tế thịnh vượng và kinh tế lụn bại tụt hậu? Tại sao lại có nền giáo dục “Nhân bản” “Dân tộc”, “Khai phóng” và nền giáo dục “phi nhân bản”, “phi dân tộc”, “phản khoa học”, cổ hủ lỗi thời? Riêng bộ môn Văn hóa, bộ môn quan trọng nhất có vai trò, chức năng và sứ mạng nào trước các vấn nạn của thời đại ? Nhất là trong thời đại toàn cầu hóa? Nhằm làm sáng tỏ các câu hỏi trên, trong bài tiểu luận này chúng tôi xin thảo luận cùng quí bạn đọc các điểm sau:
– Tương quan Văn Hóa Chính Trị
– Họa phúc của người dân tùy thuộc cá nhân hay tập đoàn cầm quyền tốt hay xấu và tùy thuộc cơ chế chính trị xưa và nay như thế nào?
– Văn hóa Quốc Gia trong thời đại Toàn cầu Hóa
– Vai trò và chức năng Văn Hóa.
– Sứ mệnh Văn Hóa trong thời Đại Toàn Cầu Hóa.
II. TƯƠNG QUAN VĂN HÓA CHÍNH TRỊ:
Trong bốn bộ môn VĂN KINH CHÍNH GIÁO, người xưa xếp Văn hóa đứng hàng đầu là rất đúng vì về phương diện chuyên môn, người ta phân tách ra thành các bộ môn khác nhau, nhưng đích thực theo nghĩa rộng và tổng quát nhất thì cả 3 bộ môn kia: kinh tế, chính trị, giáo dục hay nhiều bộ môn khác như tôn giáo, xã hội, luật pháp, y tế, địa lý, lịch sử, dân tộc học, nhân chủng học v..v… đều có liên quan ít hay nhiều, và đều thuộc về bộ môn Văn hóa cả. Có điều nổi bật nhất, đặc biệt nhất mà chúng ta cần chú ý là Văn hóa có tính chất lý thuyết, nặng về “phần TRI”, còn Chính trị thiên về “phần HÀNH” (Thực tế, thực tiễn, thực dụng, thực quyền, thực hành, điều hành….). Do đó mới đầu phát sinh ra 2 hiện tượng, rồi sau trở thành 2 chiều hướng lớn trong lịch sử nhân loại:
Khi văn hóa (TRI) và chính trị (HÀNH) cùng “song hành”, “thuận chiều” với nhau trong sứ mạng phục vụ người dân và phụng sự đất nước – vì nền văn hóa nào xuất hiện, sẽ có một nền chính trị “tương ứng” hay “đồng dạng” – TRI HÀNH HỢP NHẤT theo lối nói của triết gia Vương Dương Minh thì đây là điều ĐẠI PHÚC cho Quốc Gia Dân Tộc (sẽ đem lại kết quả “Dân giàu nước mạnh”, quốc gia văn hiến, văn minh).
Ngược lại khi Chính trị “không song hành”, “không thuận chiều” theo văn hóa, mà vì quyền lợi của cá nhân, phe nhóm, hay đảng phái lợi dụng khi nắm được chính quyền lũng đoạn chính trị, biến chính trị thành vai trò THỐNG SOÁI LÃNH ĐẠO tất cả, coi văn hóa, kinh tế giáo dục, pháp luật đều chỉ là “công cụ” của Chính tri thì đây là ĐẠI THẢM HỌA của Quốc Gia Dân aTộc.Nếu nền chính trị độc tôn, độc tài toàn trị này lại nhân danh một Ý Thức Hệ (Như ý thức hệ Cộng sản), đề cao “cách mạng bạo lực”, “thượng tôn giai cấp cầm quyền” theo chủ trương “vô sản chuyên chính” thì nền chính trị này không còn là nền chính trị phục vụ con người, phụng sự Tổ Quốc mà là nền chính trị phản dân hại nước, đầy đọa con người, giam hãm con người trong địa ngục trần gian, gieo rắc đau thương đói khổ kinh hoàng cho dân cho nước,tai họa không thể nào kể xiết đươc.
III. HỌA PHÚC CỦA NGƯỜI DÂN TÙY THUỘC CÁ NHÂN HAY TẬP ĐOÀN CẦM QUYỀN TỐT HAY XẤU VÀ TÙY THUỘC CƠ CHẾ CHÍNH TRỊ XƯA VÀ NAY NHƯ THẾ NÀO?
Họa phúc của người dân tùy thuộc cá nhân hay tập đoàn cầm quyền tốt hay xấu xưa và nay như thế nào?
A.1- Thời đại Quân chủ phong kiến xưa:
Dù là tại Trung Hoa hay Việt Nam trong thời đại Quân Chủ Phong kiến, đều có các đấng Minh Quân (Vua sáng suốt) điển hình như Vua Lý Thánh Tông (1054-1072) của Việt Nam, Vua có lòng nhân từ, “biết thương dân như con đỏ”… và các quan lại “thanh liêm”, “chính trực” “có đức có tài “ hết lòng chăm sóc đời sống của dân chúng, lo cho dân được an cư lạc nghiệp, được cơm no, áo ấm, đời sống sung túc, giầu có hạnh phúc… Nhưng tiếp theo những vị “Chúa Sáng Tôi Hiền” kể trên, cũng thường xuất hiện những Hôn quân (Vua u tối-chỉ biết sống xa hoa trụy lạc – không ngó ngàng gì đến đời sống đói khổ của dân chúng ) và bọn quan lại vô tài kém đức, chỉ biết hành hạ dân, bóc lột dân bằng nhiều hình thức sưu cao thuế nặng, không bình trị được đất nước, khiến chiến tranh triền miên, lại thêm tệ nạn tham nhũng, cường hào ác bá khiến người dân chịu khổ cực trăm chiều… Nhà ái quốc Phan Bội Châu đã không tiếc lời lên án loại vua quan hủ lậu đó bằng lời thơ vô cùng thấm thía:
“Một là Vua sự dân chẳng biết
Hai là quan chẳng thiết gì dân
Ba là dân chỉ biết dân
Mặc quân với quốc, mặc thần với ai”(Trích trong “Hải Ngoại Huyết Thư)
Thực ra khi vua thì u tối, quan lại tham ô nhũng lạm thì thân phận người dân bị áp bức bóc lột đến tận cùng … Người dân “thấp cổ bé miệng” nào biết nương dựa vào ai, trông cậy vào ai, kêu cứu nơi đâu để giải oan cho bao nỗi oan khuất, bất công phi lý mà mình phải chịu đựng…. Ca dao Việt Nam cũng đã cực tả thân phận “thấp cổ bé miệng” của người dân dưới chế độ chuyên chế thối nát thời quân chủ phong kiến
“Ếch kêu dưới vũng tre ngâm
Ếch kêu mặc ếch, tre dầm mặc tre” …A-2: Thời Cộng sản Thống trị nay:
Thời quân chủ phong kiến, nhà vua nắm toàn quyền cai trị đất nước, sang thời đại Cộng sản, Đảng chính là “Vua Tập thể” cai trị dân bằng đường lối chính sách vô cùng độc hại và tinh vi hơn nhiều. Sự sai lầm độc ác, không còn trong phạm vi cá nhân mà trở thành sự sai lầm, độc ác có tính hệ thống … gieo rắc đại họa cho dân, chưa từng thấy trong lịch sử loài người! Ngoại trừ những đảng viên cộng sản gộc, nay nghiễm nhiên trở thành “giai cấp thống trị mới”, còn toàn thể dân chúng, dù thuộc thành phần “nông dân”, “công nhân” đến “trí thức” đều là nạn nhân của chế độ CS:
Thân phận giai cấp Nông Dân:
“Nông dân là khối người đông đảo chiếm đến trên 70% dân số cả nước.Khi chưa chiếm được chính quyền Đảng CS ra sức ve vãn, phủ dụ nông dân, gọi nông dân là «hậu bị quân», là “một trong những chủ lực quân” của “cách mạng” để họ “sướng cái bụng” đem tiền của, sức lực và thậm chí cả thân mạng của mình hết lòng ủng hộ ĐCS với niềm tin vững chắc mà ngây thơ là khi cách mạng thành công, ĐCS sẽ thực hiện “ước mơ ngàn đời” của mình là “người cày có ruộng”! Nhưng thực tế lại quá phũ phàng cho bà con nông dân nước ta!
Quả lừa tiếp theo là ĐCS “phát động cải cách ruộng đất” nói là để tiêu diệt giai cấp địa chủ, tước đoạt ruộng đất của giai cấp này chia cho dân cày, trước nhất là bần cố nông. “Thắng lợi vẻ vang” (!) của cuộc Cải Cách Ruộng Đất hồi giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, báo chí đã nói nhiều, giờ chỉ xin nhắc lại vài điều thôi. CCRĐ thực sự là một cuộc thảm sát có tính diệt chủng đã làm cho 172 nghìn 008 người dân ở nông thôn, chủ yếu là nông dân, trở thành nạn nhân, nghĩa là bị bắn giết, đọa đày đến chết, trong số đó 123 nghìn 266 người (tức là 71,66%) về sau được xác nhận là oan; riêng 26 nghìn 453 người bị quy là địa chủ cường hào gian ác thì có đến 20 nghìn 493 người (tức là 74,4%) được xác nhận là oan! Còn 62 nghìn người bị quy là phú nông thì có đến 51 nghìn 003 người (tức là 82%) được xác nhận là oan! Trong số những người bị oan cũng có hàng nghìn cán bộ, đảng viên cộng sản (tài liệu chính thức trích từ cuốn Lịch sử kinh tế Việt Nam, tập 2). Đó là chưa nói đến những hậu quả nguy hại khác của cuộc tàn phá khủng khiếp ở nông thôn mà ĐCS gọi là “cuộc cách mạng long trời lở đất” là: bằng cuộc CCRĐ theo khuôn mẫu Mao-ít, ĐCS đã phá vỡ truyền thống tốt đẹp,hòa hiếu, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau ở nông thôn mà cha ông ta đã tạo dựng hàng mấy nghìn năm trước; đã phá hoại đạo lý, luân thường của dân tộc và tạo nên một lối sống giả dối, man trá, điêu ngoa, vu khống, bất nhân mở đầu cho sự băng hoại đạo đức, nhân cách sau này; đã phá hủy cuộc sống tâm linh vốn có lâu đời, vì chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ, những nơi thờ tự… đều bị phá phách, triệt hạ… CCRĐ kết thúc, một số bần cố nông hớn hở được nhận ruộng tưởng rằng “ước mơ ngàn đời” của họ đã bắt đầu được thực hiện. Họ được chụp ảnh, quay phim để ĐCS tuyên truyền khoe khoang “công ơn” của đảng đối với nông dân, thì… chưa đầy một năm sau, ĐCS đã lùa những bần cố nông đó, cùng các nông dân khác bắt họ đem ruộng đất tư vốn có của họ vào hợp tác xã, vô hình trung ĐCS tước đoạt mất quyền tư hữu mà giao ruộng đất của họ cho các chủ nhiệm hợp tác xã quản lý. Đấy, ĐCS đã thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng” một cách bịp bợm như vậy!
Đến quả lừa “vĩ đại”, tồi tệ nhất của ĐCSVN đối với nông dân và nói chung cả với toàn dân ta, là… khi soạn thảo và thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1980, bằng điều 19 của Hiến pháp, ĐCS đã nhẹ nhàng, gần như thầm lặng, không “long trời lở đất” tí nào, chuyển quyền tư hữu đất đai (tức là toàn bộ thổ canh thổ cư, nói nôm na là ruộng đất) của nông dân và của nhân dân nói chung sang cái gọi là “sở hữu toàn dân”! Từ đây, thực tế ĐCS đã “quốc hữu hóa”, hay nói chính xác hơn “đảng hữu hóa” ruộng đất của nông dân và nhân dân. Từ đây, quyền tư hữu ruộng đất của người dân hoàn toàn bị xóa bỏ, và ruộng đất bây giờ thực tế nằm trong tay sở hữu của ĐCS là đảng độc tôn thống trị đất nước” (1*) Từ đây dẫn tới hiện tượng DÂN OAN….. lại càng bi thảm gấp bội, gây bao đau thương cho nhân dân không bút nào tả xiết ….
Thân phận giai cấp Công Nhân
Theo ông Trần Quang Thành một đảng viên CS đã bỏ đảng trốn ra nước ngoài để vận động Quốc tế yểm trợ cho việc thành lập Cộng Đoàn Độc Lập ở trong nước, đã cho biết về số phận người công nhân dưới quyền thống trị của CS hiện nay như sau:
“Năm 2006 thấy tình hình Việt nam có những cuộc đình công mà không có cuộc hướng dẫn của ai cả thì một số anh em trong nước và ngoài nước thấy cần thiết phải thành lập Công Đoàn độc lập. Ngày 20/10/2006 tại Hà Nội đã tuyên bố thành lập Công Đoàn độc lập Việt Nam.Và cũng kêu gọi chính phủ Việt nam cho phép Công Đoàn độc lập được hoạt động để giúp đỡ những người công nhân Việt Nam.
Sau đó 1 tuần tại Warsaw, thủ đô nước Cộng Hòa Ba Lan, chúng tôi đã tổ chức hội nghị về quyền lao động quốc tế gồm trên 70 thành viên,gồm cộng đồng người Việt và quan khách Quốc Tế trong nhà Quốc hội Ba Lan. Mục đích của cuộc họp đó để yểm trợ Công Đoàn độc lập trong nước.Cuộc họp đó được chính phủ Ba Lan hết sức ủng hộ, ngồi ghế chủ tọa là ông Phó chủ tịch Cộng đoàn Đoàn kết và ông Chủ Tịch Hiệp Hội Tự Do Ngôn Luận.
Nhưng một điều đáng tiếc là sau khi Việt Nam họ gia nhập tổ chức WTO và họ tổ chức thành công hội nghị APEC tại Hà Nội thì họ nuốt lời hứa và quay ra đàn áp những người tranh đấu vì quyền nghiệp đoàn của công nhân. Những người sáng lập và cổ vũ cho nghiệp đoàn như là luật Sư lê Thị Công Nhân, Luật Sư Nguyễn Văn Đài đều bị bắt. Anh Lê Trí Tuệ là Phó chủ Tịch Công đoàn độc lập bị truy đuổi và sau đó phải trốn chạy sang Cam Pu Chia, nhưng cũng bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt và đến nay không rõ tung tích.
Năm 2008 một nhóm các anh em hoạt động dưới cái tên là Phong trào lao động Việt tiếp tục hoạt động bán công khai, giúp đỡ những người công nhân.
Khi nhà máy Mỹ Phong ở Trà Vinh quịt lương của công nhân, quịt bảo hiểm xã hội thì anh em đã hướng dẫn trên 10 ngàn công nhân đình công trong vòng 1 tuần. Giới chủ nhân đã đáp ứng phần lớn yêu cầu của công nhân. Nhưng sau đó nhà cầm quyền bắt ba người hướng dẫn trực tiếp cho công nhân. Họ tuyên án anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 9 năm tù, Cô Đỗ Thị Minh Hạnh, cũng như anh Đoàn Huy Chương 7 năm tù.
Ngoài ra chúng tôi cũng nói rõ cho thế giới biết rằng hiện nay Việt Nam có Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, nhưng họ là cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản. Tổng liên Đoàn Lao Động Việt nam từ khi ra đời từ năm 1946 đến giờ chỉ giữ vai trò thay mặt đảng kiềm tỏa người công nhân chứ không tranh đấu cho quyền lợi của người công nhân !!!
Cộng việc của chúng tôi rất là thầm lặng. Anh em ở trong nước hoạt động hầu như là bí mật”… (2*).
Thân phận người Trí Thức:
Tại Việt Nam chỉ có các cá nhân các nhà trí thức, chứ không có tập thể trí thức. Đa số giới trí thức đều sơ hãi cam tâm làm công cụ cho Đảng CS, nói theo lệnh Đảng! Một thiểu số can đảm nói lên tiếng nói của Dân, đòi hỏi Dân Chủ Tự Do và Nhân quyền cho mọi người công dân Việt Nam. Họ là những người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền và thường bị gán ghép chụp mũ là những phần tử phản động bị theo dõi, trù dập bắt bớ tù đầy, hay bị ám hại thủ tiêu! Một số người bị tra tấn, đánh chết ngay trong đồn công an rồi vu cho chết vì bệnh ác tính hay treo cổ tự tử !!!….
Họa phúc người dân còn tùy thuộc vào Cơ Chế Chính Trị Xưa và Nay như thế nào?
B1- Thời Quân Chủ Phong Kiến Xưa:
Tại Đông phương,trong thời đại quân chủ phong kiến xưa, có 3 đường lối cai trị dân nổi bật nhất, và được nhiều người bàn luận nhiều nhất, sôi nổi nhất là : ĐẾ ĐẠO, VƯƠNG ĐẠO và BÁ ĐẠO.
– ĐẾ ĐẠO:
Đây là đường lối cai trị dân bằng Đạo Đức (còn có tên gọi khác là “Đạo trị” hay “Đức Trị”) của các bậc Thánh Vương mang tính chất Hoàng kim thời Đại -thời vua Nghiêu, vua Thuấn. Mục đích của Đế Đạo là xây dựng một xã hội lý tưởng, đặt nền tảng trên tình thương lòng nhân ái. Thông qua “lễ nghi và giáo dục” mọi người dân biết yêu thương tha thứ bao dung nâng đỡ nhau, không hề có sự tranh giành chém giết lẫn nhau… Nhà vua và các quan lại đều là những nhà đạo đức, nêu gương sáng cho dân, noi theo, giáo hóa dân xa lánh điều ác, thực hiện những điều thiện, tạo nên thuần phong mỹ tục, đưa việc hành thiện trở thành thói quen thường ngày của con người. Đưa xã-hội đi vào con đường Chân Thiện Mỹ một cách tự-nguyện, tự-giác chính là mục-đích của Đế-Đạo. Kết quả của xã hội “Đế Đạo”: Nhà nhà đi ngủ mà không cần đóng cửa. Ngoài đường không có ai nhặt lươm của rơi… Thật là lý tưởng, thật đáng mong ước!
Đế Đạo lấy việc thuyết phục giáo hóa làm tôn chỉ hướng dẫn và uốn nắn xã hội. Đế Đạo không dùng đến pháp luật, nên không cần xây dựng nhà tù hay các biện pháp chế tài nào khác…
Nếu bất đắc dĩ mới phải dùng đến biện pháp chế tài! Mà khi đã dùng đến biện pháp chế tài thì có nghĩa là đường lối, tôn chỉ Đế Đạo đã thất bại !!?? “Lý tưởng Đế Đạo đã bị sụp đổ !! Đế Đạo chưa bao giờ nếm mùi thất bại và sụp đổ, lý do dễ hiểu vì Đế Đạo chưa bao giờ được thực hiện trên trái đất – bất kỳ ở Đông hay Tây Phương! Đế Đạo thực chất chỉ có trong tưởng tượng hay trong ước mơ của loài người! Dẫu sao Đế Đạo cũng đem lại cho người đời một GIẤC MƠ ĐẸP không kém GIẤC MƠ THIÊN ĐƯỜNG…
Trong lịch sử Trung Quốc có nhắc đến Đế Đạo thời Vua Nghiêu (2337-2258 TCN) vua Thuấn ( ?- 2184 TCN) – được coi như khuôn vàng thước ngọc của Hoàng Kim Thời Đại! Theo Trúc Thư Kỉ niên: Việc Vua Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn chứ không truyền ngôi cho con là Đan Chu thường được sử sách đời sau xem là tấm gương mẫu mực của việc chọn người tài đức chứ không vì lợi ích riêng tư của dòng họ.(3*)
Trong thiên Thái Bá sách Luận ngữ, Khổng Tử ca ngợi Đế Nghiêu: “làm vua như Nghiêu thật là vĩ đại! Thật là cao quí thay! Chỉ có trời là cao lớn nhất, cũng chỉ có Nghiêu thật là người biết đựa vào đạo trời. Công đức vua Nghiêu to lớn khôn cùng, dân chúng không thể ca ngợi cho xiết. Công lao của Nghiêu vô cùng vĩ đại. Chế độ lễ nhạc do Nghiêu đặt ra vô cùng sáng tỏ, chiếu tỏa hào quang khắp mọi nơi”
Các thế hệ sau Khổng Tử thường nêu lên câu hỏi: Tam Hoàng Ngũ Đế thời sơ sử của Trung Quốc có phải là những con người bằng xương bằng thịt hay đó chỉ là “Huyền Thoại”? Liệu có một Thời hoàng kim thật sự thời Vua Nghiêu vua Thuấn? Tại sao Đức Khổng Tử hết sức ca ngợi công lao của Vua Nghiêu mà không nói rõ bí quyết hay đường lối trị nước theo Đế Đạo của Vua Nghiêu như thế nào? Nếu “Đế đạo chỉ là giấc mơ không có thật trong thực tế thì lời khen công đức của Vua Nghiêu của Không Tử cũng chỉ là “huyền thoại? hay “hư chiêu” mà thôi ư ??
Theo quan điểm của chúng tôi: Sở dĩ Đức Khổng Tử hết lời klhen ngợi công lao của Vua Nghiêu vì quả tình Vua Nghiêu là người Đạo cao Đức trọng thật sự… Hơn nữa Không Tử muốn lấy Tấm gương Vua Nghiêu làm khuôn vàng thước ngọc cho các thế hệ Vua Chúa sau này, lấy đó để làm ĐIỂN MẪU cho việc cai trị dân đúng theo Đạo Trời – nhằm giúp cho thế hệ các Vua sau này nếu không theo được ĐỀ ĐẠO thì ít ra cũng là theo VƯƠNG ĐẠO, chứ đừng đi theo BÁ ĐẠO hay TÀ ĐẠO… Đây là “Chiến thuật” hay “Đạo thuật” của Không Tử áp dụng phương pháp:“Thác Cổ Cải Chế”(Thác lời người Xưa để răn dạy Người Thời Nay… Thiết nghĩ đây cũng chính là Bản Tâm của Đức Khổng Tử vậy..).
VƯƠNG ĐẠO:
Nói vắn tắt Vương Đạo là dùng Đức trị, hay Nhân Trị còn bá đạo dung lực trị, “Dĩ lực phục nhơn giả Bá, dĩ đức phục nhơn giả Vương (Mạnh Tử Công Tôn Sửu) Dùng võ lực mà thu phục người là “Bá đạo”. Dùng đức mà thu phục người là “Vương đạo”…Theo triết gia Linh Mục Kim Định, chúng ta cần xác định lập trường hay chủ trương đó bằng đưa ra những điểm khác nhau theo 5 nguyên tắc sau đây:
Nguyên Tắc Thứ Nhất: Cử Hiền
Trước câu hỏi quyền bính thuộc về ai? Người có tài đức hay võ lực, hoặc dòng tộc?
Vương đạo chủ trương thuộc người hiền đức, cắt đặt người hiền tài có năng lực (cử hiền dữ năng) Khi Mặc Tử viết: “Thượng hiền cử năng vi chính” “tôn trọng người có đức, dùng người có tài năng làm chính sách (Chương Thượng Hiền) là tỏ ra Mặc Tử còn trung thành với Khổng trong phương diện này). Chủ trương đó chống với câu “Bất thượng hiền sử dân bất tranh” của Lão Tử và cũng là đối lập với câu “kế thừa huyết thống Thượng Đế” của quí tộc, xây trên thần thoại với chế độ kế tử “cha truyền con nối” kể cả trong hàng quan lại. Đó là chủ trương “thiên hạ vi gia các thần kỳ thân” lấy thiên hạ làm của riêng gia đình ngược với câu Luận ngữ “Phiếm ái chúng nhi thân nhân”, “Rộng yêu mọi người nhưng thân hơn với người nhân đức” (L.N.16) sẽ được giảng diễn ra thành thuyết “Đại đồng” trình bầy trong Thiên Lễ vận“ Đại đạo chi hành dã, thiên hạ vi công”.
Nắm chủ trương then chốt đó rồi ta dễ dàng hiểu những câu khác. Chẳng hạn câu “Thiên mệnh mỹ thường” trong Kinh Thi, thiên Đại Nhã, thiên mênh không phải trường tồn, có đức thì còn, mất đức thì hết, vì quyền bính thuộc người Hiền Đức chứ không thuộc dòng tộc. Câu đó thường được nhắc nhở luôn dưới nhiều hình thức. Mạnh Tử nói:“Lập hiền vô phương”,(IV B.20) cắt đặt người hiền thì không kể đến phương, tức nơi xuất xứ, cũng lại Mạnh Tử viết: “Tam đại chi đắc thiên hạ giả dĩ nhân, kỳ thất thiên hạ giả dĩ bất nhân” “Ba đời vua trước được thiên hạ vì có đức nhân, mà mất thiên hạ vì không có đức nhân: Nhà Hạ lên với Vũ có nhân, mất với Kiệt bất nhân. Nhà Thương được thiên hạ với Thành Thang có nhân, mất thiên hạ với Văn Võ, Châu Công nhân đức, mất thiên hạ với U lệ bất nhân (Mạnh,VII3). Theo nguyên lý đó Khổng Tử chỉ chú trọng tài đức mà không kể đến dòng họ. Trọng Cung có tài đức mà không được đắc dụng chỉ vì thuộc tầng lớp thường dân. Khổng ví Cung với con bò tơ sắc đỏ sừng tốt (đủ đều kiện để tế) người ta không dám dùng để tế vì mẹ nó lang, nhưng thần sông núi có từ đâu? (L.N.VI.4) Theo chủ trương kế hiền thì Trọng Cung không những nên cử làm quan mà cả đến làm Vua “Ung giả sử nam diện” Trò Ung (tức Trọng Cung) có thể bầu làm Vua (L.N.VI.1).Ông thường khen Tử Lộ mặc dầu áo thường cũng không ngại đứng vào hàng đại thần (L.N.IX.25) và hy vọng lớn nhất của ông đặt vào một người bình dân nghèo xác sơ trong nhóm môn đệ tức Nhan Hồi. Cũng trong tư tưởng đó Khổng Tử đề cao sự quan trọng của chức quan Đại Thần.Do đó ông đặt việc Vua Nghiêu sợ ông Thuấn không ra giúp mình, Thuấn sợ ông Cao Dao bất hợp tác (Mạnh III.4) Trọng Cung vấn chính viết “tiên hữu ty, xá tiểu quá, cử hiền tài” (XIII.2) Dưới con mắt Khổng lúc nhà Châu thịnh đạt nhất là thời nhiếp chính của ông Chu Công.Trong L.N.XIV.20 hỏi tại sao Vệ Linh Công vô đạo mà nước còn? Được trả lời là tại biết giao cho quan đại thần cai trị (Trọng Thú Ngữ giữ ngoại giao, Chúc Đài giữ nội vụ. Vương Tôn Giả giữ bộ binh) vì thế mà nước còn. Đó là chủ trương “quan cai tri vua kiểm soát” tức sự quan trọng đặt nơi quan chứ không nơi vua, quan phải trung với đạo chứ không trung với cá nhân vua “dĩ đạo sư quân, bất khả tắc chỉ” (L.N.XI.23). Chủ trương đó sau này Mạnh Tử đặt nổi bằng câu “Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” hoặc câu của Tuân Tử “Trụ bạo quốc chi quân nhược tru độc phu” (Tuân Tử chính luận) giết vua tàn bạo cũng như giết kẻ độc phu (chẳng thần thánh gì). Thật là sớm sủa khi ta so sánh với sự kinh hoàng của bao người Tây Phương coi việc giết Louis XIV như một tội phạm sự thánh. Chung qui đó là hậu quả của thuyết kế Hiền.
Nguyên Tắc Thứ Hai: Giáo Chi
Chủ trương cử hiền tài như trên thật đúng là Tinh Thần dân chủ chỉ chưa có phổ thông đầu phiếu. Nhưng bù lại ông đã có sự bình dân hóa việc học cố gắng giật cái độc quyền học thức ra khỏi tay phái quyền quí để mở rộng ra trong quần chúng, không phân biệt quí tiện: “Hữu giáo vô loại”(l.N.XV.38) trong việc giáo hóa không có phân biệt giai cấp quí tiện sang hèn. Với chúng ta hiện nay, điều này quá tầm thường nhưng đời Khổng thì đó là một cuộc cách mạng tận nền. Điều đó dễ hiểu khi ta nhận xét bên các nước Âu Mỹ có tiếng là tiên tiến mà mãi tới năm 1850 mới mở cửa giáo dục cho toàn dân. Còn trước kia dành riêng cho quí tộc (C.C 152) Như thế ta thấy việc của Khổng thật là táo bạo sớm sủa và là một cú chí tử đánh vào thể chế “Quyền quý thế tập” dưới con mắt của họ việc nhận người nghèo hèn, người thường dân vào trường dạy cai trị là một việc phá rối quốc gia. Đời ông việc giáo dục toàn dân chưa được mở rộng, số người chống đối vì thế còn ít, sau nhờ môn đệ hết sức nối chí Khổng Tử là dạy đời không biết mỏi mệt (Hối nhân bất quyện) nên mới gây ra nhiều phản đối pháp gia chủ trương giữ độc quyền giáo dục cho quyền quý thế tộc.
Ở đây nên ghi nhận câu trong Luận Ngữ “dân chỉ có thể theo chứ không thể hiểu được” (dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi) (L.N.VII 10.) coi như nghịch với chủ trương trên đây. Nhưng nên chú ý, nếu câu đó thật là của Khổng Tử thì chúng ta không biết được trong trường hợp nào ông đã nói câu đó và nhân đấy giới hạn câu đó đến đâu (C.C.219). Do đấy có thể dịch khác nhau, hoặc “dân chỉ cần sai khiến, không cần dạy bảo” như thường thấy. Dịch thế là đi ngược với chủ trương “giáo chi” vừa nói trên… Hoặc là “dân chỉ có thể theo mà không biết được” thì dẫu ngày nay cũng không có gì đáng trách cả, bởi nói về đạo lý hay cả về chính trị, thì làm sao cho toàn dân hiểu được. Ngay đời ta giáo dục phổ thông đã tràn ngập mà đại chúng còn chưa hiểu nổi chính trị và đạo lý phương chi đời ấy. Nên thánh hiền theo nguyên lý tùy năng lực, ai có khiếu học hiểu thì đi học mà làm quan để làm chính trị, còn nếu không đủ năng lực thì nên làm theo. Nếu không chịu hiểu như thế thì câu trên phải cho là xen vào sau, nó giống với câu Lão trong Đạo Đức Kinh 65 “dân mà khó cai trị là tại nó học biết” Câu đó đi ngược với câu “tiểu nhân học đạo tắc dị sử giã” (L.N.17-24) người thường dân có học đạo thì dễ cai trị.
Nguyên tắc Thứ Ba: Phú Chi
Muốn cho dân nhờ giáo dục thì phải có của dư dả mới tìm ra thì giờ nhàn rỗi đi học, nếu như bụng đói thì hết có thể nói đến học với hành, có hô hào cũng vô ích. Vì thế tất cả sách Mạnh Tử phản chiếu mối lo âu làm sao dân giàu “dân khả sử phú dã” (Mạnh Tử VII.23) không có sách nào trong triết học tha thiết về vấn đề làm giàu bằng, nên trước khi nói “giáo chi” Khổng Tử đặt “phú chi” Điểm này cũng phản lại pháp gia chủ trương làm giàu Chúa, yếu dân (phú quốc, cường binh) Khổng trái lại làm giàu dân: “bá tánh bất túc, quân thục dữ túc” (L.N.XII.9) bá tánh không đủ ăn thì vua đủ ăn với ai. Ông đã từ Nhiễm Hữu là người đi sái tinh thần “phú chi” bằng câu “quân tử chu cấp bất kể phú”( L.N.VI 3) “người quân tử thì cấp phát cho khắp hết, chứ không gia thêm cho người giàu”. Kinh Dịch quẻ Ích . “Tổn thượng ích hạ, dân duyệt vô cương” “Lời Thoán nói rằng: quẻ Ích là lấy bớt của người trên mà thêm cho người dưới thì dân ủng hộ vô bờ bến”.
Chính Khổng Tử thường tuyên bố coi phú quí phi nghĩa như phù vân (L.N.VII 15). Muốn hiểu câu này, nên chú trọng thời đó chưa có kỹ nghệ, buôn bán chưa mở mang, người ta không có cách làm giàu nào mau chóng hơn là làm quan để bóc lột dân chúng. Chính vì tình trạng đó có câu “vi nhân bất phú, vi phú bất nhân (Mạnh Tử III3). Vì thế Khổng nói “Nước vô đạo mà giàu có phú quí là điều đáng sỉ nhục, cũng như nước có đạo mà mình nghèo nàn bần tiện cũng là đáng sỉ hổ” (L.NVIII.14). Khi Quí Khương Tử ngỏ ý sợ dân ăn trộm, Khổng Tử liền trả lời thẳng: Nếu ông trút bỏ được lòng tham, thì có thưởng dân cũng không thèm ăn trộm (cẩu tử bất dục, tuy thưởng chi bất thiết) (L.N.XIII.17)
Điều lo âu của ông vẫn là “bất hoạn quả như hoạn bất quân (L.N. XVI.1). Không lo không có của mà lo có của nhưng chia không đều, vì nó dễ chảy vô vào tay mấy người có quyền thế.
Nguyên tắc quân phân tài sản đó sau này được Mạnh Tử phát huy rộng trong chủ trương “Minh quân chế dân chi sản” (I,6) bậc minh quân phải lo phân chia tài sản đều cho dân (đọc thêm Mạnh 1,12,36, 38) và làm cho dân giàu thì nước mạnh. Và nhân đấy ông đề cao phép tỉnh điền cũng như Nho giáo chống đối việc bán đất mà sau này đời nhà Tần, Thương Ưởng đã cho phép (Zanker 193. C.A Maspéro314). Cho bán đất tức coi đất là của riêng (thiên hạ vi gia) và nếu coi là công thì phải để chung rồi cứ thời hạn mà phân phát “Quân cấp”đời Lê Lợi cũng như phép hạn chế ruộng không được giữ quá 10 mẫu thời Trần bên ta là hậu quả của thuyết quân phân này. Gọi là công điền hay là đất của Vua chỉ khác danh từ mà thôi. Nhiều người tỏ ý mỉa mai những luật cấm không ai được tậu đất làm của tư kẻo mất quân bình. Mà không thấy rằng từ khi bãi bỏ thể chế đó đã cho phép mua bán đất (Đời Tần) thì sự chênh lệch trở thành quá đáng: đưa đại chúng vào cảnh nông nô cơ cực làm cớ cho cuộc nổi loạn của Vương Mãn, An Lộc Sơn. Ở những kỳ đó thì đất vào tay những đại điền chủ, ruộng công chỉ còn 5% (Xem chẳng hạn Histoire de la Chine de René Grousset: 77,114, 208, và 353) Đây là một thí dụ cụ thể chứng tỏ khi một thể chế được bảo trợ là vì nó gây điều kiện thuận lợi cho chủ trương Vương đạo. Tuyên bố mọi đất của Vua tức là một lối thi hành câu “Thiên hạ vi công” nhờ đó “Người 50 tuổi có lụa mà mặc, 70 tuổi có thịt mà ăn (Mạnh Tử VII.22). Những cải cách điền địa hiện nay, những khẩu hiệu “đất đai thuộc người cày người cấy” tuy khác thể chế mà tinh thần đều là “Hoạn bất quân” của người xưa vậy.Không nên câu chấp danh từ để nhắm mắt trước thực tại.
Nguyên tắc Thứ Tư: Lễ Trị
Con người hễ đã giàu có thì sinh lễ nghĩa, nhân vị cao lên. Bởi vậy tiếp theo chương trình “giáo chi”, “phú chi” ông chủ trương lễ tri “Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn vô sỉ. Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thá cách” Dùng chính trị hình luật mà cai trị thì dân mới chỉ biết tránh phạm luật, dùng đạo đức và lễ nhạc dân mới trau dồi nhân cách”
Việc Lễ trị tuy phe đối lập có chủ trương nhưng muốn dành riêng cho phái quyền quý còn thường dân thì trị bằng luật “lễ bất hạ thứ dân, hình bất thượng đại phu”(Couvreure 153) Tuy câu này có trong Lễ ký, nhưng chắc do Pháp gia đưa vào, vì nó trái với chủ trương không phân biệt quí tiện của Khổng Tử “Quân tử vô chúng quả, vô tiểu đại”(L.N.XX.20). Người quân tử không phân biệt ít hay đông, lớn hay nhỏ, như không phân biệt Kinh Thượng ở đâu cũng phải cư xử cung kính, trung tín “Cư xử cung chấp sự kính. Dữ nhân trung. Tuy chí Di Địch, bất khả khí dã” ( L.N.XIII.19) “cư xử phải tự trọng, khi thi hành việc (với người khác) phải kính tôn. Đối với tha nhân phải trung tín. Giầu sang miền Di Địch (Mường rợ 785) cũng không thể bỏ được những nguyên tắc đó (không được phân biệt Kinh với Thượng trong lối đối xử. Ở đâu cũng là người cả)
Trước kia người ta dành riêng cho quý tộc được quyền đặt tên tự, mãi sau này mới mở rộng đến toàn dân. Đó là việc làm của Thưởng Ưởng nhưng người cổ động đâu tiên là Khổng Tử (C.A. Maspéro P.95). Và lễ gia tiên, ban đầu cũng dành cho quý tộc, về sau nhờ Khổng Tử cổ động nên đã mở rộng tới toàn dân không phân biệt sang hèn (R. Grousser, Histoire de la Chine (P.15). Như thế không thể bảo Khổng Tử phân biệt quý tiện, mà chính ông là người muốn đại chúng hóa lối cai trị bằng Lễ.
Bởi nó là lối cai trị trung dung giữa hai Thái Cực là hình pháp và thả lỏng, và là lối xứng hợp quan niệm con người cao cả hơn hết như sẽ bàn sau.
Nguyên Tắc Thứ Năm: Thành Tín
Lễ trị là một lối cai tri tôn trọng người dân; coi người dân như người cộng tác với chính quyền. Đã nói đến cộng tác thì chữ Tín là cần “Thượng báo Tín tắc dân mạc cảm bất dụng tình (L.NXIII). Nếu người trên thành tín thì không ai không hết tình. Đã tín thì phải coi ý dân làm trọng. Bên phía pháp trị coi trọng thần lực và dùng quyền uy vũ lực, ít chú ý đến lòng dân. Bên Lễ trị thì chủ trương lất tín làm đầu “Kính ư dân hưng, kính ư thần vong” (Tả truyện). Kính nể dân thì hưng thịnh, đi cầu quỉ thần thì sẽ bị diệt vong và “đắc thiên hạ hữu đạo, đắc kỳ dân, tự đắc thiên hạ hỹ (Mạnh Tử IV.9), có một đường lối để được thiên hạ, đó là được lòng dân và “đắc hồ khâu dân nhi vi thiên tử (Mạnh Tử VIIb, 14) được lòng dân ở đồng bái là làm được thiên tử (nên đọc cả câu trong sách)
Trong ba vấn đề “túc thực, túc binh, dân tín nhi dĩ hĩ” thì ông cho Tín là quan trọng hơn cả bởi vì “dân vô tín bất lập” (L.N.XII.7) “Dân không tín nhiệm chính quyền hết đứng nổi”. Do đó chủ trương “Hữu nhơn tắc hữu địa” có dân tự nhiên có đất (ĐH.10) để trả lời vào mặt ông cai trị chuyên lo mở rộng đất đại, tích chứa giầu sang mà không chú ý được lòng dân. Ông ghét nói đến chiến tranh binh lực “Ký bất xưng kỳ lực, xưng kỳ đức dã” (L.N. XIV.35) con ngựa ký được xưng tụng không vì có sức mạnh mà vì đức. Sau này Mạnh Tử đã phát huy chủ trương chống bạo lực rộng rãi “người hiếu chiến thì tội chém chưa đủ đền” (nhất tướng công thành vạn cốt khô) và nhân đó gây ra trong văn hóa Viễn Đông một bầu khí “trọng văn khinh võ” khác hẳn ở xã hội chẳng hạn của Platon “luôn luôn nói đến chiến tranh binh lực”
Thân hữu có thể đọc đầy đủ trong Kim Định Nho giáo nguyên Thủy ) (4*)
BÁ ĐẠO:
Bá đạo là dùng vũ lực và luật pháp (Cũng gọi là Pháp trị) để cai trị dân. Có điều danh từ Pháp trị ở đây chúng ta phải để ý có sự phân biệt rõ rệt như sau:
– Thời quân chủ Bá đạo dùng luật pháp để cai trị dân và gọi đó là “Pháp trị” (Khác với “Đức Trị” “Nhân Trị”của Vương Đạo)
– Thời Dân Chủ cũng dùng luật pháp để cai trị và gọi là thượng tôn luật pháp. Nhưng có sự khác nhau giữa “Quân chủ Pháp trị” và “Dân chủ Pháp Tri
+ Quân chủ Pháp trị= (luật Pháp do nhà Vua và quan lại triều đình tự lập ra – Tất nhiên không có ý kiến của dân chúng)
+ Còn Dân Chủ Pháp trị= (Luật pháp do những vị “Nghị sĩ hay dân biểu” là những người đại diện cho dân soạn thảo ra – tức luật pháp do ý kiến của dân chúng). Luật Pháp của nền “Dân Chủ Pháp trị” do Hiến Pháp qui định.
Tại Trung Hoa Bạo chúa Tần Thủy Hoàng là tiêu biểu cho đường lối Bá đạo (5*)… Bá Đạo là phương pháp dùng vũ lực + luật pháp của kẻ cầm quyền bắt dân chúng phải răm rắp tuân theo. Để thi hành bá đạo Tần Thủy Hoàng chủ trương đốt sách chôn học trò.( học trò là tiếng nói của kẻ sĩ – rất nguy hiểm cho chế độ độc tài cần tiêu diệt từ trong trứng nước – Hai hành động tàn ác này của Tần Thủy Hoàng nhằm “triệt tiêu”mầm chống đối tại trong nước. Không cho tiếng nói chống đối của người dân được cất lên hay thậm chí lời bàn tán xầm xì trong dân chúng! Trên cả nước, chỉ có tiếng nói hay pháp lênh duy nhất – là luật pháp của triều đình ban ra bắt dân phải tuân theo).
B2- Thời Đại Dân Chủ Nay
Cơ chế Tư Do Dân Chủ
“Thế chế hay chế độ chính trị là mô hình tổ chức nhân xã, nói một cách dễ hiểu, là tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp của một cộng đồng con người.
Người ta thấy có chế độ độc tài, chế độ dân chủ. Trong chế độ độc tài có nghĩa là chế độ mà quyền hành trong tay một người hay một nhóm người (oligarchie) Trong chế độ dân chủ là chế độ mà quyền hành nằm trong tay người dân, người dân có quyền quyết định số phận mình, người ta thấy có dân chủ trực tiếp như ở Thụy Sĩ, những quyết định quan trọng đều do trưng cầu dân ý quyết định và chế độ dân chủ gián tiếp người dân bầu ra đại diện của mình trong nhiệm kỳ, những người được bầu này thay mặt dân lấy những quyết định. Hiện nay phần lớn nhũng chế độ dân chủ là những chế độ dân chủ gián tiếp.
Trong chế độ dân chủ gián tiếp, người ta thấy có chế độ tổng thống như ở Hoa Kỳ, chế độ đại nghị như ở bên Anh, và phần lớn các quốc gia trên thế giới. Người ta cũng có thể thêm chế độ nửa tổng thống chế, nửa đại nghị chế như ở bên Pháp.
– Sự quan trọng của thể chế chính trị trong đời sống con người.
Thể chế chính trị giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển đời sống con người. Vì vậy có người ví thể chế chính trị như mảnh đất và người dân như hạt mầm. Con người dù là da vàng, da trắng hay da đen có thể ví như hạt mầm, nếu hạt mầm này được gieo vào một mảnh đất tốt, tức sống dưới một chế độ tốt, chế độ tôn trọng con người, những quyền căn bản của con người được bảo đảm, đồng thời được hướng dẫn, dìu dắt bởi một nền giáo dục tốt, một hệ thống an sinh xã hội tốt, thì hạt mầm này sẽ kết bông nẩy trái… người dân sẽ sống trong an lạc hạnh phúc… Điển hình như quốc gia Nam Hàn. Từ khi chế độ độc tài chuyển sang chế độ dân chủ đất nước đã vô cùng phát triển:
“Nển khoa học kỹ thuật tân tiến hiện nay được coi là ngành điện thoại cầm tay, vì trong đó là cả một cái máy điện toán tối tân, thế mà Nam Hàn với hãng Samsung đứng đầu trong việc sản xuất và bán trên thị trường đã lâu, trên cả hãng Apple của Hoa Kỳ và hãng Nokia của Phần Lan. Ngành xe hơi cũng vậy, hãng Kia của Nam Hàn mặc dầu mới xuất hiện nhưng số lượng bán cũng không thua gì những hãng quốc tế nổi tiếng từ lâu đời khác như hãng General Motor, Toyota, Volkswagen, Renault. Nam Hàn từ mấy chục năm nay đã nổi tiếng về giáo dục, người thợ Nam Hàn có một trình độ hiểu biết tổng quát đứng đầu thế giới. Người chuyên viên Nam Hàn cần cù làm việc, chịu khó học hỏi đi làm nơi nào cũng được trọng. Bằng cớ là hai tổ chức quốc tế quan trọng nhất thế giới là Liên Hiệp Quốc và ngân hàng quốc tế, đều được cầm đầu bởi người Nam Hàn.
Được như vậy tất nhiên do nhiều nguyên do, nhưng một trong những lý do chính đó là dân Nam Hàn được sống dưới một chế độ tư do, dân chủ, mặc dầu chế độ này mới được thiết lập vào khoảng thập niên 80..
Không nói đâu xa, chúng ta trở về Việt nam thời cận đại. Hai chế độ miền Nam Việt Nam thời trước 1975 là hai chế độ cộng hòa, Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa. Hai chế độ này, vào thời đó có thể so sánh với những nước dân chủ tiên tiến, nhưng nó là một trong những nước dân chủ đầu tiên ở châu Á, chỉ thua có Nhật. Chính vì vậy mà miền Nam cũng đã phát triển hơn cả Nam Hàn và Đài Loan lúc bấy giờ. Nếu tính theo sản lượng đầu người hàng năm thì vào cuối thời Đệ Nhất Cộng Hòa, sản lượng của miền Nam Việt Nam là 118$ trong khi đó cũng của Nam Hàn và Đài Loan là trên dưới 80$.Sự phát triển của miền Nam được ngay những người cộng sản công nhận, như ông Lê Đăng Doanh, “nhà kinh tế Cộng sản, trong một bài phỏng vấn của đài BBC cũng công nhận là sau 1975 ông vào miền thăm Miền Nam đầu tiên, ông đã phải ngạc nhiên về trình độ phát triển, ông đi thăm những vùng quê, ông thấy nơi nào cũng có điện, có máy cầy, đời sống người dân tương đối đầy đủ. Nhà văn Dương Thu Hương cùng với “đoàn quân chiến thắng” vào miền Nam, trước đời sống dân miền Nam, bà đã sững sờ bà tìm một góc phố, như lời bà kể, để khóc, và sau đó tuyên bố “Tôi đã cùng một đoàn quân chiến thắng nhưng mô hình tổ chức xã hội của kẻ chiến bại lại văn minh hơn mô hình của kẻ chiến thắng.” Chính “Luật người cầy có ruộng” của thời Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam đã được chính phủ Đài Loan bắt chước và đem áp dụng thành công ở nước này. Chỉ tiếc rằng những gì đã được xây dựng ở miền Nam đã bị cộng sản đổ xuống sông xuống biển. Chính vì vậy mà dân miền Nam đã có câu “Năm đồng đổi lấy một xu, người khôn đi học, thằng ngu làm thày (“6*).
B3- Chế Dộ Độc Tài Toàn Trị Cộng Sản:
Ngược lại với Nam Hàn, chế độ Bắc Hàn là một chế độ cộng sản độc tài, người dân sống dưới chế độ này không những không thể phát triển được mà hàng năm còn bị nạn đói hoành hành từ bao chục năm nay. Ngoài xã hội thì những hãng xưởng thiếu điện để chạy nhà máy, trong khi những công thự chỗ tôn thờ lãnh tụ thì điện chan hòa cả ngày lẫn đêm. Giáo dục là một nền giáo dục nhồi sọ, từ trẻ em cho đến người lớn chỉ biết vâng lời, gọi dạ bảo vâng, nhắc lại những khẩu hiệu tuyên truyền rỗng tuếch… Người ta nói “chế độ độc tài là chế độ cái loa, cái còng và cây súng” là vậy.
Nhìn vào lịch sử cận đại, 2 chế độ cái loa, cái còng và cây súng là chế độ độc tài phát xít Hitler và chế độ cộng sản. Cả hai đều dựa trên quan niệm triết lý, tư tưởng bất bình thường: Hitler cho rằng chủng tộc Aryen là chủng tộc tinh khiết, không pha trộn với những chủng tộc khác. Đây là một điều vô cùng phản khoa học. Theo Hitler dân tộc Đức tiêu biểu cho chủng tộc này, nên thông minh, đáng để cầm đầu thế giới. Chính vì vậy nên Hitler đã không ngần ngại phát động chiến tranh khắp nơi. Marx thì cho rằng lịch sử con người là bạo động, là đấu tranh giai cấp, không ngần ngại mở đầu Bản Tuyên Ngôn Thư Cộng Sản “Lịch sử nhân loại từ xưa tới nay là lịch sử đấu tranh giai cấp”. Đây cũng là một cái nhìn quá phiến diện và tổng quát hóa, chẳng có gì là khoa học, như những người cộng sản bắt đầu bởi Marx thường rêu rao “Khoa học lịch sử, Khoa học biện chứng” không cần chứng minh dài dòng, chúng ta chỉ nhìn chính chúng ta và những người chung quanh, xét cuộc đời thì chúng ta rõ: Bình thường con người muốn sống hòa bình. Con người chỉ dùng bạo động trong những trường hợp bất bình thường. Điều này đúng với cả lịch sử của những quốc gia. Marx và những người cộng sản đã lấy cái bất bình thường làm cái bình thường, nên từ lý thuyết cho đến chế độ đã trở nên bất bình thường, bệnh hoạn. Đấy lại chưa nói đến ngay từ lúc đầu, chế độ cộng sản, bề ngoài thì mang nhãn hiệu “Thế giới đại đồng, anh em cộng sản” nhưng bên trong là chủ nghĩa quốc gia cực đoan, bành trướng. Bề ngoài mang nhãn hiêu “Liên Bang các cộng hòa xã hội sô viết (URSS), nhưng bên trong, Lenine, qua tay em của mình là Staline, vì lúc đó Staline đã đặc trách về vấn đề các dân tộc chung quanh, bắt họ đi theo Liên Xô. Bằng chứng rõ ràng là khi đế quốc Liên Xô sụp đổ năm 1989, thì những dân tộc này nổi lên đòi độc lập.
Chính vì mang đầu óc quốc gia cực đoan, bành trướng, nên đã có những vụ tranh chấp Nga-Hoa ở biên giới vào những năm 60, tranh chấp giữa Việt Cộng và Trung Cộng, rồi đi đến chiến tranh năm 1979, tranh chấp Việt Miên rồi cũng đi đến chiến tranh trước đó năm 1978.
Sau khi Liên Xô sụp đổ thì Việt Cộng chạy sang thần phục Trung Cộng, mở đầu bằng Hội nghị Thành Đô tháng 3/1990, và không ngừng ký những hiệp ước dâng đất nhượng biển cho Trung Cộng. Nhưng vì Trung Cộng từ xưa đã mang mộng bành trướng đế quốc, nay lại được cấy vào vi trùng bất bình thường Mác Lê, nên mộng bành trướng càng ngày càng mạnh. Mặc dầu cả 2 bên, lúc nào cũng rêu rao “Bốn tốt và mưới sáu chữ vàng” nhưng đùng một cái, Trung Cộng cho đặt giàn khoan, xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam.
Nhiều người vì tin tưởng ở những câu nói đầu môi chót lưỡi của cộng sản “Tình huynh đệ tốt, Môi hở răng lạnh, Tình đồng chí cộng sản” đã ngỡ ngàng về sự việc Trung cộng đặt giàn khoan dầu ở quần đảo Hoàng Sa, thuộc về chủ quyền Việt Nam. Thực ra nếu chúng ta xét lịch sử xa của cộng sản, thì chúng ta không có gì ngạc nhiên.Trung cộng và Việt cộng đã nhiều lần đánh nhau.
Bởi lẽ đó, chừng nào hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa vẫn còn phải mang cái ách chế độ cộng sản, lấy lý thuyết Marx làm nền tảng cho chế độ kêu gọi đấu tranh giai cấp, một lời kêu gọi chiến tranh triền miên, không những chiến tranh chính nội bộ, mà còn chiến tranh với nước ngoài, chừng đó hai dân tộc không thể nào sống hòa bình với các nước chung quanh và với cộng đồng thế giới.
Người dân sống dưới chế độ độc tài phát xít hay độc tài cộng sản không những chỉ như một hạt mầm gieo trên một mảnh đất khô cằn mà còn bị giới lãnh đạo dùng như những bia đỡ đạn cho tham vọng bành trướng và đế quốc của mình.
Vì vậy, ngày hôm nay, những chế độ độc đoán độc tài, không phát triển hay phát triển chậm hơn những chế độ dân chủ và đi ngược lại trào lưu tiến hóa của con người là như vậy.
Quả thực nhân loại đã trải qua 5 nền văn minh, từ trẩy hái qua du mục, quân chủ, tới dân chủ ngày hôm nay, mỗi một nền văn minh tương xứng với một mô hình tổ chức nhân xã khác nhau hay nói một cách rõ hơn, hiện đại hơn là cách tổ chức chính trị, kinh tế khác nhau, từ thể chế gia tộc, bộ lạc, tới quân chủ và dân chủ.
Nước Tàu và Việt nam hiện nay nói riêng và các nước phương Đông nói chung trong đó có cả các nước Trung Đông, những nước này đã có một nền văn minh rất sớm, hơn cả Tây phương. Nhưng tiếc rằng chế độ quân chủ kéo dài quá lâu. Ngày hôm nay chế độ cộng sản ở Tầu và Việt Nam cũng chỉ là một chế độ quân chủ phong kiến trá hình. Chế độ cộng sản để rồi sẽ tắt luôn như một nhóm lửa trước khi tàn.
Tây phương mặc dầu văn minh đến chậm hơn Đông phương, nhưng đã biết từ bỏ sớm chế độ quân chủ để bước sang chế độ dân chủ, và kinh tế thị trường đã phát triển rất mạnh, vượt mặt Đông phương.
Đối với những chế độ quân chủ, từ lạc hậu như ở các nước Trung Đông cấm đoán ngay cả những người phụ nữ làm đủ mọi nghề, ra đường phải bịt mặt, tới chế độ cộng sản tước hết mọi quyền căn bản nhất của con người, người xưa có câu “Trễ còn hơn không”. Hãy từ bỏ thể chế chính trị quân chủ phong kiến, độc tài cộng sản để bước sang chế độ dân chủ tôn trọng những quyền căn bản của con người, trong đó có nam nữ bình quyền, tự do tư tưởng và ngôn luận, thì mới hy vọng theo kịp những nước văn minh. Gương Nam Hàn và Đài Loan cho ta thấy rõ. Hai nước này đã từ bỏ chế độ độc tài vào thập niên 80, để bước sang chề độ dân chủ, thế mà ngày hôm nay cả 2 nước đã có thể sánh cùng với những nước văn minh khác trên thế giới.
Đất nước và dân tộc đang đứng trước hiểm họa diệt vong, trong thì đảng cộng sản mặc tình cấu kết với ngoại bang bán đất dâng biển, hèn với giặc, ác với dân, giết hết tinh anh, triệt mọi cơ hội phát triển của người dân, ngoài thì Tầu cộng lộng hành, ngang nhiên kéo dàn khoan đến vùng biển Việt Nam. Con đường duy nhất để chống ngoại xâm là bằng mọi cách phải thay đổi thể chế chính trị từ độc tài cộng sản qua Dân chủ Tự do, vì có như thế, giới lãnh đạo mới quy tụ được sức mạnh toàn dân, vận động được các quốc gia và cộng đồng yêu chuộng Tự Do và Hòa bình trên thế giới cô lập và bẻ gãy mọi mưu mô bá quyền của Tầu cộng (7*).
IV. VĂN HÓA QUỐC GIA TRONG THỜI ĐẠI TOÀN CẦU HÓA VĂN HÓA:
“Trong hiện tình văn hóa thế giới hôm nay có thể khẳng định rằng bên cạnh quá trình toàn cầu hóa kinh tế đang diễn ra như một xu thế tất yếu và đang trở thành đề tài sôi nổi và nóng bỏng trên thế giới thì chúng ta còn nhận ra một trào lưu toàn cầu hóa, thậm chí còn quyết liệt hơn, sâu sắc hơn,đó là toàn cầu hóa về văn hóa.
Với tình đặc thù và tính độc lập tương đối của mình, quá trình toàn cầu hóa diễn ra rất gần song song với toàn cầu hóa nói chung và toàn cầu hóa kinh tế nói riêng. Trên cơ sở sự tăng cường mạnh mẽ của toàn cầu hóa kinh tế, sự tăng cường mạnh mẽ của các thành tựu khoa hoc, công nghệ, đặc biệt là giao thông và viễn thông; sự tăng cường giao lưu ảnh hưởng và xích lại gần nhau giữa các dân tộc, các quốc gia, khiến văn hóa các dân tộc có nhiều cơ hội giao lưu ảnh hưởng, cọ sát, học hỏi chia sẻ lẫn nhau. Trong quá trình như vậy, một mặt văn hóa các dân tộc vừa phong phú đa dạng hơn, mặt khác cũng không loại trừ sự mất mát, thui chột của các nền văn hóa, các yếu tố văn hóa lỗi thời, không còn sức sống cạnh tranh. Như vậy, cũng như toàn cầu hóa nói chung, mà cốt lõi của nó là toàn cầu hóa kinh tế, thì toàn cầu hóa văn hóa cũng đương nhiên hiện hữu. Vấn đề chỉ còn là toàn cầu hóa văn hóa như thế nào, theo tiêu chuẩn nào, mức độ nào mà thôi. “Toàn cầu hoá văn hoá có thể được hiểu là quá trình văn hoá các dân tộc, thông qua giao lưu, dung hợp, xâm nhập và bổ sung lẫn nhau, không ngừng phá vỡ tính hạn chế về khu vực và về mô hình của văn hoá dân tộc mình và trong sự bình phán và chọn lọc của loài người mà đạt được sự hoà đồng văn hoá, không ngừng chuyển các nguồn khu vực của văn hoá dân tộc mình thành các nguồn hưởng thụ chung, sở hữu chung của loài người. Tuy nhiên, điều cần chú ý là toàn cầu hoá văn hoá là một quá trình bao gồm sự xung đột, giao lưu, dung hợp giữa các nền văn hoá dân tộc, đồng thời bản thân nó cũng là một kết quả, tức là các nguồn khu vực của văn hoá các dân tộc có thể được loài người cùng hưởng cùng sở hữu. Nhưng nó tuyệt nhiên không có nghĩa là sự mất đi của các nền văn hoá dân tộc để hình thành nên một thứ văn hoá có tính toàn cầu thống nhất, liên thông, phổ quát”
Như vậy, toàn cầu hoá văn hoá đã tạo ra những cơ hội, thách thức và rủi ro đối với các nền văn hoá khác nhau trong việc quảng bá nền văn hoá của mình ra bên ngoài. Trong quá trình toàn cầu hoá, các nền văn hoá đều bình đẳng, giao lưu với nhau trong thế bình đẳng, đều có những chỗ “mạnh”, những chỗ “yếu”, đều có “quyền” tự do nhìn nhận, lựa chọn, thử nghiệm để tiếp nhận từ “kẻ khác” những gì mà họ muốn tiếp nhận.
Tuy nhiên, không phải mọi quốc gia đều tham gia vào quá trình toàn cầu hóa với những mức độ giống nhau và đều được bình đẳng như nhau. Khi tham gia vào toàn cầu hóa, các nước phát triển có rất nhiều lợi thế. Phần còn lại của thế giới thì chịu thiệt thòi về nhiều mặt và gặp nhiều thử thách. Mặc dù vậy, trong thế giới ngày nay, các quốc gia không thể tẩy chay hoàn toàn toàn cầu hóa hoặc đứng ngoài quá trình toàn cầu hóa. Vấn đề đối với tất cả các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển, là phải có chiến lược thích ứng và khôn ngoan để vượt qua thử thách và chớp lấy thời cơ; trong quá trình hội nhập thế giới, phải có ý thức, giữ vững chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ để đưa quốc gia dân tộc mình đến chỗ phồn vinh” (8*).
V. VAI TRÒ VÀ CHỨC NĂNG VĂN HÓA:
Càng ngày người ta càng nhận thức rõ tầm quan trọng, quá quan trọng của văn hóa. Có thể nói “Vai trò” và “Chức năng” Văn Hóa giữ vai trò quyết định toàn bộ “Sinh Mênh” con người, xã hội, dân tộc, quốc gia và nhân loại. Vấn đề là chúng ta có “quán chiếu sâu sắc” nhận thức rõ vai trò và chức năng văn hóa để “hiện thực” và “diệu dụng” văn hóa trong thời đại của chúng ta hay không?!
1. Vai Trò Văn Hóa:
Văn Hóa có các vai trò chính yếu sau đây:
a- Văn Hóa giữ vai trò khai sáng trí tuệ con người. Không những trên phương diện Triết học, Văn học, Luật học, Khoa học mà còn trong Chính Trị học, Văn Hóa học, v.v…
b- Văn hóa có vai trò chủ động đấu tranh, giúp con người làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, vượt thoát, giải thoát chính con người mình…hòa đồng cùng vũ trụ, vạn hữu.
c- Văn hóa giữ vai trò: Truyền sinh: SỐNG CÒN NỐI TIỀN HÓA
d- Văn hóa có vai trò: Chống cái ác, Phát huy cái thiện, dẫn đưa con người tới Chân Thiện Mỹ.
Ngoài 4 vai trò chính yếu trên, Văn hóa còn có các chức năng có tính cách đa năng, đa hiệu như sau
2. Chức Năng Văn Hóa:
a- Văn hóa có chức năng tìm tòi, học hỏi thảo luận nghiên cứu.
b- Văn hóa có chức năng “Ứng xử” với tha nhân, “Thích nghi” với mọi hoàn cảnh…
c- Văn hóa có chức năng “Sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến”, “Phát minh” Khoa Học Kỹ Thuật.
d- Văn hóa có chức năng “Giáo dưỡng” “Giáo hóa” con người.
e- Văn hóa có chức năng tạo ra “Xung đột” “Đối kháng” “Mâu thuẫn” “Tán tụ” “Bảo thủ” “Tiến bộ” theo qui luật “Âm Dương” “Sinh Khắc Chế Hóa”.
f- Văn hóa có chức năng “Điều hợp” “Hóa giải” mọi mâu thuẫn trong cuộc sống.
g- Văn hóa có chức năng “Chuyển hóa” thời cuộc. “Thăng hoa con người” và “Thăng hóa xã hội”
h- Văn hóa có chức năng “Thẩm thấu” sâu rễ bền gôc tạo nên Thuần Phong, Mỹ Tục của mỗi Dân Tộc…
i- Văn hóa có chức năng “Hội nhập” con người vào hoàn cảnh mới, cộng đồng mới…
j- Văn hóa có chức năng “Vượt thoát” và “Sáng Hóa”
k- Văn hóa có chức năng “Chọn lọc”, “Tiếp thu” tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác, đồng thời “Đào thải” những cổ hủ lỗi thời.
l- Văn hóa có chức năng “Hiện đại hóa” xã hội thời đại.
VI. SỨ MẠNG VĂN HÓA VIỆT NAM TRONG THỜI ĐẠI TOÀN CẦU HÓA:
Có người quan niệm rằng “văn hóa thì “trường cửu”, còn chính trị là “nhất thời” rồi đi đến quan niệm: Cần phải tách “chính trị” ra khỏi “Văn hóa”… Nhận định trên văn hóa có giá trị trường cửu hơn chính trị thì đúng, nhưng nhận định thứ hai “Tách chính trị ra khỏi văn hóa lại là sai! Văn hóa và chính trị tuy là hai bộ môn có những điểm khác nhau, nhưng lại có nhiều điểm giống nhau nhất là về mục đích và cứu cánh. Hơn thế nữa Văn hóa còn là “nguyên lý” “nguyên tắc” hướng dẫn chính trị, phục sự con người. Chỉ có nền chính trị vô nhân, vô đạo như chính trị độc tài “quân phiệt” độc tài “giáo phiệt” kiểu độc tài Hồi giáo cực đoan” hay chính trị “độc tài toàn trị cộng sản” mới lợi dụng văn hóa, dùng văn hóa là công cụ phục vụ “chính trị” bá đạo thì không kể. Trong trường hợp này Văn hóa bị “tha hóa” bởi chính trị và cả hai “văn hóa” cũng như “chính trị” đều bị suy đồi… Không còn là văn hóa, chính trị tiến bộ hay văn hóa chân chính nữa. Chúng ta không bàn đến loại “văn hóa suy đồi” ở đây.
Trở về văn hóa chân chính tiến bộ, chúng ta đã nhận định văn hóa có chức năng và vai trò vô cùng quan trọng như đã nói trên, nên văn hóa có “Sứ mệnh” là điều hiển nhiên và tất yếu, không ai có thể phủ nhận được..
1. Sứ mệnh Văn Hóa theo kinh Dịch:
Theo học giả Nguyễn Đăng Thục, nguyên nghĩa danh từ Văn hóa của tây phương có thể tìm thấy ý nghĩa tương đồng rút từ “Lời thoán” của Kinh Dịch: “Quan thiên văn dĩ sát thời biến, quan nhân văn dĩ hóa thành thiên hạ” (Nhìn hiện tượng trên trời để xét sự biến đổi của thời tiết. Nhìn hiện tượng của nhân quần xã hội để hóa nên thiên hạ, thay đổi thế giới). Theo cái nhìn của Kinh Dịch: Văn hóa có chức năng và sứ mạng thay đổi nếp sống con người và thay đổi cả vận mạng thế giới. Sứ mạng văn hóa chỉ tóm gọn như vậy thôi. Lối nói của Kinh Dịch là lối nói “cô đọng” “hàm súc” ít lời mà nhiều ý, đòi hỏi chúng ta phải trầm tư sâu sắc mới lĩnh hội được hết ý tứ của người xưa! (Xin xem định nghĩa văn hóa thứ hai trong bài “Bàn về 25 định nghĩa văn hóa của Chu Tấn cũng trong tuyển tập này).
2. Sứ Mạng Văn Hóa Theo Lý Thuyết Gia Lý Đông A
Cụ Nguyễn Hữu Thanh tức Lý Đông A (9 *) Tổng Thư Ký của Đảng Đại Việt Duy Dân và cũng là nhà Văn Hóa lớn của Việt Nam, thế giới có đưa ra 5 lời thề cho các chiến sĩ cách mạng của Đảng Đại Việt Duy Dân như sau:
Thề Giác Biện chứng Lớn
Thề Tu Tính Mệnh Ta
Thề Cứu Nòi Giống Việt
Thề Thương Loài Người Khó
Thề Cùng Vũ Trụ Hòa.
Qua 5 lời thề trên tuy Lý Thuyết gia Lý Đông A không nói đến danh từ “Sứ mạng văn hóa” nhưng xét vào nội dung 5 lời thề nói trên, đích thực chúng ta thấy đây là 5 sứ mệnh lớn của Văn Hóa Chính Trị Việt Nam.
– Lời Thề 1: Thề Giác Biện Chứng Lớn:
“Biện chứng Lớn” ở đây không phải là “Biện chứng pháp Duy Tâm” ( “Idalistic dialectic” của Hegel) hay
“Biện Chứng Pháp Duy Vật” (Materialistic dialectic” của Karl Marx) mà là Duy Dân Tung Hợp Biện Chứng của Lý Đông A).
– Lời Thề 2: Thề Tu Tính Mệnh Ta.
Các cụ ta xưa có câu: “Từ Thiên tử (Vua) cho đến thứ dân ai ai cũng phải lấy việc TU THÂN làm gốc ( Tu thân vi bản)
– Lời Thề 3: Thề Cứu Nòi Giống Việt:
Dân tộc Việt Nam bị “linh lạc” bị “điêu linh thống khổ” dưới ách đo hộ Tầu, thực dân Pháp-Nhật, rồi C.S nên rất cần phải cứu nguy.
– Lời Thề 4:Thề Thương Loài Người Khó:
Chỉ đại đa số nhân loại bị nghèo khổ áp bức bóc lột trên toàn thế giới
– Lời Thế 5:.Thề Cùng Vũ Trụ Hòa:
Chỉ khi nào người dân Việt chúng ta hoàn thành được 4 lời thề trên, tâm hồn mình mới được thảnh thơi, tự tại hòa đồng cùng Vũ Trụ
Năm lời thề của Lý Thuyết Gia Lý Đông A lớn lao thay! Vĩ đại thay! Cao cả vô cùng… Đây cũng chính là Sứ Mạng Cao Tột Của Văn Hóa Chính Trị Việt Nam. Lý thuyết gia Lý Đông A còn gián tiếp, bí nhiệm khuyên chúng ta: “Sinh Mênh Việt Nam Luôn Gắn Bó Với Sinh Mênh Nhân Loại Không Thể Tách Rời”
3. Sứ Mạng Văn Hóa theo Học Giả Hồ Hữu Tường:
Trong cuốn Tương lai Văn Hóa Việt Nam Học giả Hồ Hữu Tường đã định nghĩa “Văn hóa là cái gì làm cho con người trở thành NGƯỜI (Chữ Người viết Hoa). Theo định nghĩa này thì sứ mệnh văn hóa Việt Nam sẽ vô cùng cao quí và lớn lao. Hiện nay dân số Việt Nam ở trong nước là 95 triệu người (Quốc nội và Hải ngoại) xấp xỉ 100 triệu người. Nếu trong tương lai văn hóa VN có thể đào luyện cho 100 triệu người dân thường đều trở thành 100 triệu CON NGƯỜI (Viết Hoa) thì nền văn hóa chính trị Việt Nam sẽ hùng mạnh vinh quang và rực rỡ đến như thế nào… (Đây là “dự phóng” hay “giấc mơ văn hóa” của học giả Hồ Hữu Tường. Xin tất cả độc giả và toàn dân Việt Nam đều nên lắng nghe, chia sẻ và góp phần vào sứ mệnh văn hóa cao cả vĩ đại này. (Xin xem lại định nghĩa văn hóa thứ 6 của học giả Hồ Hữu Tường trong bài “Bàn về 25 định nghĩa văn hóa của Chu Tấn).
4. Sứ Mạng Văn Hóa theo Văn Hào André Malraux:
Nhà văn hào Pháp André Malraux (10*) có định nghĩa Văn hóa như sau:
“Văn hóa là tất cả các hình thái của nghệ thuật, tình yêu và suy nghĩ, những thứ mà trong sự tồi tệ cũng như trải qua bao nhiêu thế kỷ đã khiến cho con người trở nên ít nô dịch hơn”
Trong định nghĩa này nhà văn hào André Malraux tuy xác định văn hóa có sứ mạng giải phóng con người, thoát khỏi các chế độ và tất cả các hình thức “nô dịch” con người. Nhưng tác giả tỏ ra rất bi quan là qua tác dụng và hiệu năng văn hóa trải qua bao nhiêu thế kỷ đã khiến con người trở nên ít nô dịch hơn!”. Có nghĩa là “Thân phận con người- “Condition humaine” trong nhân loại cho đến thế kỷ 20 – thời đại mà André Malaux đưa ra định nghĩa văn hóa vừa nói – Con người vẫn còn bị các hình thức “nô dịch” tồi tệ chưa hết được! Phải thế không?
Thấp hơn hay đặc biệt hơn, Văn hào Albert Camus định nghĩa “Văn Hóa là tiếng khóc của con người khi đối diện với số phận”
Văn hóa chỉ có tính cách “phản ứng” lại bằng “Lời than” hay “tiếng khóc” thôi sao? Điều này chúng ta không lấy làm lạ vì Albert Camus còn là triết gia theo triết thuyết Hiện sinh – Ông cho “cuộc đời là phi lý” – nhưng không buông xuôi theo số phận mà chống lại số phận, phản kháng lại số phận bằng bất cứ biểu hiện nào…dù là “Lời than hay tiếng khóc”…cũng là cách phản kháng ….(11*)
Cùng quan tâm, suy tư về “Sứ mạng Văn Hóa” song Lý thuyết gia Lý Đông A và học giả Hồ Hữu Tường thì hoàn toàn tin tưởng và “lạc quan”. Trái lại hai văn hào André Malraux và Albert Camus thì quá “dè dặt và bi quan”… Vậy người làm văn hóa trong thời đại chúng ta nên có thái độ nào?
Thiết nghĩ, từ cuối thế kỷ 20 và bước sang đầu thế kỷ 21 chúng ta đã kinh qua bốn biến cố lịch sử lớn sau đây:
Một là: Cuối thế kỷ thứ 20 nhân loại đã bùng nổ cuộc cách mạng truyền thông- Internet- có tác dụng thu hẹp không gian và rút ngắn thời gian:Chỉ một biến cố nhỏ xẩy ra-tân Phi Châu hay châu Đại dương –mấy phút sau đã trở thành tin tức lan truyền khắp thế giới,…
Hai là: Năm 1989 chế độ CS tại các nước Đông Âu và đế quốc CS Liên Sô sụp đổ, chấm dứt thời kỳ chiến tranh lạnh và đã đánh dấu thời điểm “cáo chung chủ thuyết sai lầm không tưởng Mac-Xít”.
Ba là: Vào đầu thế kỷ 21 đánh dấu kỷ nguyên “Toàn Cầu hóa” từ văn hóa, chính trị, kinh tế, thương mại…vv…
Bốn là: Năm 2011 “Đợt sóng dân chủ thứ tư” đã chính thức bùng phát và trào dâng trên toàn thế giới… Với bốn biến cố lịch sử này nên “Độ gia tốc chính trị Văn hóa” đã tiến rất nhanh, không còn trì trệ như trước nữa. Đây là 4 chứng cứ lịch sử hùng hồn nhất, cho phép chúng ta khẳng định người làm văn hóa trong thời đại hiện tại, không chỉ có niềm tin lớn, mà còn có thái độ lạc quan có tính cách viễn kiến, thống quan và được kiện chứng bằng thực tiễn lịch sử. Chúng ta cần quan niệm “Sứ mạng Văn Hóa” quan trọng và lớn lao này, nhịp theo đà tiến của Lịch Sử Văn Hóa Toàn Cầu Hóa.
4. Văn Hóa Việt Nam Trong Thời Đại “Toàn Cầu Hóa”:
Có các sứ mệnh sau đây:
Khai sáng trí tuệ con người, hình thành Minh Triết nhân loại.
Giáo hóa con người.
Làm cho cuộc sống lên hương, làm cho cuộc đời thêm tươi thêm đẹp. Văn hóa đem lại nguồn vui sống cho con người.
Thăng tiến con người, phát triển, thăng hóa xã hội trên mọi phương diện.
Văn hóa có sứ mệnh ngăn chặn cái Ác để mưu cầu Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyền cho con người và Xã Hội.
Văn hóa có sứ mệnh khuyến khích con người làm việc THIỆN, phụng sự Con Người, Xã Hội,Tổ Quốc và Nhân Loại, Liên Hành Tinh.
Giải Phóng con người ra khỏi mọi chế độ độc tài và nhiều hình thức “nô dịch” “nô lệ hóa” con người.
Thiết dựng chế độ dân chủ (Tam quyền phân lập) trên qui mô thế giới, làm nền tảng căn bản tiến tới chế đô “Nhân Chủ Quốc Gia” và“ Nhân Chủ Toàn Cầu”
Văn hóa có sứ mệnh: Phát huy “Dân tộc Tình”, “ Dân Tộc Tính” và “Dân Tộc Chí”…
Văn hóa có sứ mệnh: Tôn Vinh Đạo Sống, Bảo vệ Sư Sống Phát triển Sư Sống, Thăng Hoa Sự Sống, Khoáng trương Sư Sống và Thành Toàn Sư Sống, con người Dân Tộc, Nhân loại. Liên Hành Tinh.
Văn hóa có sứ mệnh gin giữ hòa bình và xây dựng nền Thái Hòa Nhân Loại
Sau cùng Văn Hóa có sứ mệnh khó khăn nhất và cũng cao đẹp nhất là giúp con người Tự Vượt Và Tự Thắng Chính Mình
VII. KẾT LUẬN:
Từ thời cổ đại, nhân loại đã khám phá ra sức mạnh hay sứ mạng của Văn Hóa. Tuy nhiên theo bản chất văn hóa nặng về phần TRI (Lý thuyết) còn Chính trị nghiêng về phần HÀNH (hành động, thực hiện) nên trong thời quân chủ vẫn thường diễn ra tệ trạng: “Minh quân’ (Vua sáng suốt) thì ít còn “Hôn quân” (Vua u tối) thì nhiều, “Thanh quan” thì ít còn “tham quan ô lại” thì nhiều! Ngay cả sang thời đại Dân Chủ vẫn có một số nước theo chế độ tài kiểu độc tài “Quân phiệt” độc tài “Giáo phiệt” kiểu Hồi giáo cực đoan” hay nền chính trị độc tài toàn trị Cộng Sản!!! Chính vì chính trị lấn át Văn hóa, bắt Văn hóa phải làm “công cụ” cho chế độ độc tài nên “Sứ mạng văn hóa” vẫn chưa được phát huy đúng mức… khiến nhà văn hào Pháp André Malraux đã phải than thở: “Thân phận con người” (Condition humaine) trải qua bao nhiêu thế kỷ vẫn còn bị tình trạng “Nô dịch”hay chính trị “Nô lệ hóa con người”
Tuy nhiên tình trạng tồi tệ này không thể là mãi mãi! Lịch sử phải sang trang….
Bước sang thế kỷ 21 nhân loại đã tiến sang thời đại “Toàn cầu hóa Kinh tế” “Toàn cầu hóa Chính tri” và “Toàn cầu hóa Văn hóa: nên vấn đề “SỨ MẠNG VĂN HÓA” cần phải làm sáng tỏ và tiến hành một cách dũng mãnh hơn. Chúng ta khẳng định “Văn hóa Việt Nam có sứ mênh “Chống cái Ác để mưu cầu Tư Do, Dân Chủ và Nhân Quyền cho Con Người và Xã Hội…
Văn hóa có sứ mệnh thiết dựng chế độ Dân chủ (Tam quyền phân lập) trên qui mô toàn thế giới, làm nền tảng căn bản tiến tới chế độ “Nhân chủ Quốc Gia” và “Nhân Chủ Toàn Cầu” không là lời lẽ “khoa trương” hay “cường điệu” mà là thông điệp Văn Hóa “Minh Nhiên”, “ Tự nhiên” vậy.
Chu Tấn
Tài Liệu Tham Khảo:
(1*) Vấn đề nông dân đầu thế kỷ 21- Nguyễn Minh Cần (Nguồn: Đài RFI ngày 7-09-2012)
(2*) Phỏng Vấn Ông Trần Quang Thành về “Công Đoàn Độc Lập” (Nguồn: Đài RFA)
(3*) Vua Nghiêu: (2337 TCN-2258 TCN )-Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia
(4*) Kim Định (Nguồn: Newvietart.com)
(5*) Tần Thủy Hoàng (259-TCN -210 TCN) –Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia.
(6*) Sự quan trọng của Thể chế chính trị trong đời sống con người- Chu Chi Nam-(Nguồn: Đối Thoại 08-6-2014).
(7*) Tại sao chúng ta phải thay đổi thể chế chính trị trước khi chống giặc ngoại xâm- Chu Chi Nam (Nguồn: Đối Thoại 08-6-2014)
(8*)Hue.edu./vn/vi/id129 Nhìn nhận thế nào về Toàn Cầu Hóa Văn Hóa- Đặng Thị Minh Phương…
(9*)Tiểu Sử Lý Đông A (1921-1947) Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia.
(10*) Tiểu Sử André Malraux (1901-1975) Bách khoa Toàn Thư Mở Wikipedia.
(11*) Thuyết Hiện Sinh qua Tư Tưởng các Triết Gia-Võ Công Liêm- (Nguồn: NEWVIETAR.COM ).
-
CÓ NÊN KẾT ÁN TỬ HÌNH NHỮNG TRỌNG TỘI KHÔNG??? GS Lê Thị Nguyệt Ánh
CÓ NÊN KẾT ÁN TỬ HÌNH
NHỮNG TRỌNG TỘI KHÔNG???LUẬT PHÁP đặt ra là để bảo vệ AN NINH, giữ gìn TRẬT TỰ, bảo vệ QUYỀN LỢI Con Người với Con Người, bảo vệ MẠNG SỐNG và TÀI SẢN của cá nhân và cộng đồng Gia Đình, Quốc gia và Quốc tế.
Những người đứng ra cầm cán cân Công Lý, là Đại Diện Công Lý, là nhân danh Công lý, bao giờ cũng nên Nghiêm minh, Chính trực, Công Bằng, Vô tư phán xét những ai vi phạm luật lệ Nhà Nước đặt ra, cũng chính là để hướng dẫn, giáo dục Con Người cả nước đến với CHÂN THIỆN MỸ.
Theo hình luật, ngoài những tội do từng quốcgia qui định còn có những tội sau đây mà không quốc gia nào dung chế, tha thứ cho được, mà còn kịch liệt bài trừ với hình phạt nặng nề gắt gao. Đó là: ‘Tội Giết Người’ (Sát Nhân), ‘Tội Hiếp Dâm’ và ‘Tội Buôn Bán Ma Túy’, ‘Hẻroine’, vì nó giết chết mạng sống, giết chết cả tương lai, cuộc đời của Con Người, nên không một quốc gia nào trên trái đất này chấp nhận được!
Tất cả, ai ai cũng đều ‘Muốn Sống’, Không-Ai-Muốn-Chết, nhất là Bị-Giết-Chết, Bị-Tước-Đoạt-Mạng-Sống, Bị-Sát-Hại!!!
Vậy tại sao chính ta Muốn Sống, Không-Muốn-Bị-Giết-Hại mà lại đi ‘Bức Tử’, Tàn Sát Người khác?!
“Điều gì ta không muốn người khác làm cho ta thì ta không nên làm cho người khác”! Thế mà:
1/ Ai ai cũng vui thích đồng ý đón nhận châm ngôn này, nhưng, trên thực tế, hình như có ít người thực hiện ĐÚNG theo, mà đa số thì lại thản nhiên gây-tạo-cho-người-khác-những-gì-chính-bản-thân-không-muốn-người-khác-làm-cho-ta!2/ Đến như cả các vị phán quan, các quan chánh án cầm cân nẩy mực, ngồi ghế xét xử, khi luận tội những trường hợp như ‘Giết Người’, ‘Hiếp Dâm’, ‘Buôn Bán Ma Túy’ là những ‘Trọng Tội Khó Tha Thứ’ được mà lại như vô tình thản nhiên tuyên “Án Tử Hình” họ!!! Có những trường hợp Giết Người, hay Buôn Bán Ma Túy, cảnh ngộ rất thương Tâm mà các quan không lý tới!
Sao lạ vậy, khi mà theo Luật pháp: “Dù dưới hình thức nào, dù bất kỳ nguyên nhân gì, cũng không ai được quyền tước đoạt sinh mệnh của bất kỳ ai!”
3/ “Khó thể tha thứ được” đâu có nghĩa là phải ‘Giết Chết Kẻ Phạm Tội’, như họ đã giết chết ai đó?!
Chẳng lẽ không có hình phạt nào dành cho những kẻ ‘Trọng Tội’ khó thể tha thứ được, khiến họ phải đau đớn thống khổ, bi ai, thê thảm nhứt là sự dày vò, ân hận về tinh thần vì tội ác họ đã gây tạo cho người khác, và làm liên lụy đến nhiều người phải khốn khổ theo, là gia đình ‘bị cáo’ và gia đình nạn nhân ‘nguyên cáo’, khiến cho họ, có người phải Sống-Không-Bằng-Chết’ hay sao?! Hình phạt đó không đáng sợ gấp trăm ngàn lần hơn hình phạt họ hải sợ chỉ có mấy ngày, mấy tháng, hay mấy năm, nhất là chỉ một thoáng mấy phút trước giờ ‘Hành Hình’ thôi sao?!4/ Vả chăng, có thể đó là án OAN!!! Nếu xử tử rồi, về sau có cơ hội nhắc đến, thẩm tra lại, biết họ đã ‘Bị OAN’ thì làm sao cứu chữa ‘SAI LẦM’ vì đã giết họ chết rồi ?!
5/ Và, nếu kẻ có tội chí tình ‘Ăn năn, Sám hối’ tội lỗi họ đã gây tạo, và họ có thể ‘Đới Công Chuộc Tội’ xứng đáng, thì không phải là đáng tiếc lắm sao?!
Con Người có ai mà không từng phạm những điều Sai Trái, Lỗi Lầm, dù nhẹ dù nặng?!
Điều quan trọng là họ Biết-Nhận-Lỗi-Tội của họ, nhận sự ‘Sai Lầm’, và Biết-Ăn-Năn, Hối cải Lỗi Tội của họ! Đó không phải là điều dễ dàng mà ai cũng dũng cảm làm được!!!
Và một khi họ đã không hèn nhát mà can đảm nhận Tội, không trốn tránh, thì sao lại không-giúp-họ-có-thời-gian, cho-họ-có-cơ-hội-để-Ăn-Năn-Cải-Hối-Sữa-Đổi, Đoạn trừ Dứt Lỗi Tội?!6/ Thưa rằng:’Nếu Giết họ Chết Đi rồi, thì chủng tử Xấu Xa, Độc Ác, Hung Dữ, Nguy Hại đến thế nào đó, sẽ chấm dứt , chứ không phải sẽ vẫn đeo đẳng theo họ suốt từ kiếp này đến kiếp khác sao?! Họ sẽ mãi mãi vẫn còn là người cùng hung cực ác, họ vẫn còn cứ gây bao tai họa cho biết bao người, cứ gây tạo thảm kịch triền miền, biết bao giờ mới chấm dứt, nếu không tạo cho họ có cơ hội để họ thắm thía nỗi thống khổ do ‘Tội Ác’ của họ, để Giúp Họ Tĩnh Thức để Ăn Năn , Sữa Đổi, Đoạn trừ Lỗi Tội ?!
“Nhứt nhựt VÔ THƯỜNG tại,
“Phương tri mộng lý nhân.
“Vạn bang đô bất khứ,
“Duy chỉ “NGHIỆP” tùy Thân!”Một mai Tử Thần đến,
Mơ màng biết về đâu?!
Vạn nơi khó thể cầu!
Họa Phước mãi dính “Thân”!7/ Đã nhân danh Công Lý, là đại diện cho Công Lý trừng phạt, ngăn ngừa những kẻ ‘PhạmTội’, dù là những tội nặng đến thế nào, như ‘Tội Sát Hại Người’, thì nên chí công và ‘vô tư’ xét xử. Cho điều tra chu đáo: vị tất, không một trường hợp nào mà Kẻ Bị-Hại (‘nguyên cáo’) không có Lỗi, kèm bên ‘Tội’ của kẻ phạm Tội (‘bị cáo’)! Nếu đúng vậy thì cả hai đều phải bị thẩm xét, bị bị ‘luận tội’ và phải bị ‘trừng phạt’, nếu có thể được thì cũng nên giảm án cho phạm nhân, Không nên ‘Bức Tử’?!
8/ Những ‘Tội về Chính trị’, thuộc An Ninh Quốc gia: Người Phạm tội nặng, nhẹ thế nào đó, thì do họ có lập trường, có chánh kiến, có hoài bão, ước vọng, lý tưởng của họ, hoặc có thể do họ bị quyến rủ, bị ép buộc, bị khống chế…!
Trên đời, “Không Ai Hoàn Toàn” (“Nul n’est parfait ici-bas”) thì “cũng Không Có Tư Tưởng nào, Lập Trường, Chủ trương, Quan niệm, Chánh kiến, Chế độ, luật lệ nào v.v…’Hoàn Hảo’ hết! Có phải vậy không?! Tốt có, thì Xấu cũng có; Đúng có, Sai Lầm cũng không tránh khỏi; có ích lợi cũng có tai hại; có ưu điểm thì bên cạnh cũng có khuyết điểm. Hể có ‘quân tử thì cũng có ‘Tiểu nhân’ một bên! Cũng như có “Dương” thì cũng có “Âm”, không bao giờ thiếu mất một trong hai.
Vậy thì tại sao chúng ta bắt buộc người khác phải chấp nhận theo chủ trương, lý tưởng v.v..của ta mà không được thực hiện lý tưởng của họ, cho là họ SAI, họ LẦM ?!
Tại sao ta cho rằng ta ĐÚNG, người khác SAI? Cũng như “5 người Mù xem VOI”! Mỗi người chỉ rờ vào để quan sát một phần nơi cơ thể Con Voi mà thôi! Thế rồi người nào cũng quả quyết cho rằng mình diễn tả hình dáng Con Voi Rất Đúng, rất chính xác, còn tất cả những người khác đều SAI bét?!
Hóa ra Ai cũng Đúng, theo sự nhận xét, hay theo kinh nghiệm cá nhân mỗi người, nhưng mà là SAI theo tổng thể, theo nhiều phương diện, nhiều khía cạnh, nhiều mặt, mà vì chưa rõ biết, chưa thấy, chưa từng trãi?!
Nếu thấy họ quá-nguy-hiểm-cho-chế-độ của mình, cho sự lãnh đạo, cai trị, lèo lái Con Thuyền Quốc gia mà mình đang đảm trách, thì tại sao không-Giam-Cầm-Họ lại mà lại ‘sát hại’?!
Và kiên nhẫn dùng chính sách NHÂN ĐẠO, để cảm kích, để lôi cuốn, để họ tâm phục khẩu phục ?!
Nếu không thành công đi nữa, thì cũng Nên-Tôn-Trọng-Ý-Chí, Quyền-Tự-Do-Của-Con-Người, Sự Dũng Cảm của họ.
Vậy thì cứ Giam-Cầm-Họ-lại, đối xử tử tế, nhân đạo, để cảm hóa, cho đến khi nào có thể trả lại Tự Do cho họ, không được sao?! Lại còn sẽ gây ảnh hưởng Tốt Đẹp sâu sắc cho Chế độ. Tiếng đồn Lành sẽ vang xa, và sẽ không vô tình ‘Làm Hư Hỏng Chế Độ !
Dù cho có Thất Bại , không thu phục được họ thì vẫn lưu được ‘Tiếng Thơm Tiếng Tốt’ muôn thuở trong sách sử! Có vậy mới đúng là có Chánh Nghĩa!
Và Chánh Nghĩa, Công lý bao giờ cũng thắng!
9/Huống chi, Công Lý, là cái lý công bằng, là phải Chí Công, Vô Tư.
Chí là hết sức, là rất, Công là công bằng, công minh, công chính, không thiên vị, không nghiêng lệch bên nào! Chí Công là Rất-Rất-Công-Bằng, không thiên vị một ai.
Vô là không, tư là tư lự, là tư tưởng, nghĩ ngợi. Vô Tư là không tư tưởng lung tung, không nghĩ ngợi đủ điều lợi hại, là hồn nhiên, trong sáng, không có điều gì vẫn đục, mờ ám, khuất lấp …..
Một khi đã Bất Bình, Không Thể Chấp Nhận Cái Việc Tước Đoạt Sinh Mệnh của Bất Kỳ người nào, thế thì vị Thẩm Phán nếu tỉnh bơ tuyên bố ‘Xử Tử’cái người đang bị xét xứ, ‘Dứt Bỏ Mạng Sống’ của họ thì không phải là mâu thuẩn hay sao???!!!
Vì một khi đã Phẩn nộ, đã hết sức bất bình hành vi cùng hung cực ác của Kẻ Sát Hại Nhân Mạng người khác, họ đã nhúng Tay vào Máu, tước Đoạt Mạng Sống của Người khác, thì vị Quan Tòa phải hành động khác họ: Nếu “Xử Tử Hình” người tội nhân ấy, thì không phải đã ‘Ra Tay’ giống y tội nhân đã làm rồi?! Thì chẳng khác nào một người cha thường hay rầy la phản đối kịch liệt người con chớ có “cờ bạc”, rượu chè, mất hết tư cách Con Người, mà người cha thì ngày nào cũng ‘Ghi Số Đề”, và hay được bạn bè mời đi “nhậu lai rai” giải sầu là sao? Thế thì có dạy răn được người con hay không?!
Vậy thì, hóa ra “Chẳng có ai được phép, được quyền “Giết Chết” ai, mà chỉ có Quan Tòa, nhà lập pháp, và nhà lãnh đạo Nước MỚI CÓ QUYỀN “XỬ TỬ” người này người nọ thôi?!
Luật Pháp đặt ra là để giữ gìn an ninh trật tự trong nước, là để giáo dục toàn dân, dù chức vị lớn cở nào thì cũng phải xử tội, nếu có tội, để ‘Làm Gương” mà không bỏ qua, không tha thứ Lỗi Tội.
Đó cũng là bổn phận, là trách nhiệm và cũng là quyền lực của Nhà Lãnh đạo Nước, người quyết định cuối cùng ( là Vua, là Tổng Thống, là Chủ tịch Nước).
Cho nên, ‘Nhà Cầm Quyền’ tức ‘Chánh phủ’, nói chung, nhà Lập Pháp và Quan tòa, nói riêng, ‘Không-Kết Án-Tử-Hình dù ai có ‘Trọng Tội’ nào, thì có nghĩa là Tha-Tội-Chết , mà Bắt-Tội-Sống, là “Giam Cầm lại”! Đó là một sự trừng phạt nặng nề, đau khổ nhứt!
“Nhứt nhựt tại ‘Tù’, thiên thu tại ngoại!”
THA CHẾT là THA-KHÔNG-GIẾT-CHẾT, chứ không phải THA-KHÔNG-BẮT-TỘI mà phải Xử TỘI đã làm! Và tùy theo cách gây tội mà ra hình phạt.
Chỉ trừ trường họp “BỊ CÁO” không có LỖI TỘI , hoàn toàn do nguyên cáo. hay rủi ro thế nào đó, thì bị cáo mới được TRẮNG-ÁN.
10/Đã là NGƯỜI thì AI cũng có QUYỀN SỐNG! Và tất cả ai ai cũng đều CÓ-QUYỀN- TỰ-DO! Vì TỰ DO là cái QUYỀN THIÊNG LIÊNG CAO QUÝ NHẤT CỦA CON NGƯỜI !
Con Người mà MẤT ĐI QUYỀN TỰ DO rồi, tức là BỊ TƯỚC ĐOẠT “QUYỀN ĐƯỢC SỐNG” theo Ý Muốn của mỗi người, không-Được-Tự-Mình-Làm-Chủ-Lấy-Mình, Bị khống chế , bị câu thúc, bị bắt buộc nhất nhất phải làm theo lệnh, theo ý người khác, là-bị-tước-đoạt-QUYỀN-LÀM-NGƯỜI, thì còn gì đau đớn, thống khổ, bi ai, cực nhục cho bằng !
Thì Con Người đó chẳng khác gì một ‘CON VẬT”, thì không phải là đáng thương tâm lắm lắm sao?! Họ làm sao sống có Ý Nghĩa, Sống Đẹp, Sống Vui, Sống Hiên Ngang, Hùng Dũng ?!
Không-một-ai-có-quyền-Tước-Đoạt ‘Quyền TỰ DO’ thiêng liêng cao quý của bất kỳ ai! Phải vậy không?! Không ai có quyền Bắt-Buộc-Ai-Phải-Sống-Theo-Ý-Của-Ai! Chỉ trừ khi nào:LÀ KẺ CÓ TỘI, Nặng, Nhẹ, tùy theo đó mà Giam Cầm, lâu hay mau! Huống hồ họ còn bị hành hạ khổ sở thế nào đó về thể xác cũng như tinh thần, thì há không phải là họ sẽ Sống-Đau-Thương, Thống-Khổ, Tũi-Nhục, Sống-Không-Bằng-Chết hay sao?! Cần gì phải “Giết Chết”!
Nếu suy gẫm cho cùng, chính những kẻ sát nhân, hại người tàn ác thì chính những kẻ đó mới là những Con Người khốn khổ đáng thương. Vì họ còn quá Mê Muội nên mới Thấp Kém, mới Hung Ác. Để rồi, họ sẽ phải ‘Đền Tội’, phải chịu ‘ Quả Báo’ cho việc tàn ác họ đã làm! Và họ sẽ còn thê thảm hơn những người đã bị họ làm khổ! “Ác nhân Ác Báo” không tránh đâu cho khỏi, dù họ có được tha thứ cở nào, họ cũng không tránh được luật “NHÂN QUẢ”, nói nôm na là “Lưới Trời”. Người thế gian dù có xử phạt thế nào vị tất cân xứng với hình phạt của họ phải thọ lãnh!11/ Có điều, tôi cứ lấy làm lạ và thấy thật đáng tiếc! Vì nghĩ, quý giới chức lãnh đạo quốc gia, đại diện nhân dân, cầm quyền, lèo lái con thuyền quốc gia, và các vị Chánh án, các quan tà, là người đại diện Công Lý, là những người có quý tướng, có địa vị cao sang quyền quý trong xã hội, được mọi người trọng vọng nể kính, thế mà chỉ vì những kẻ ‘Có Tội’ mà lại vô tình khiến tự bản thân bị lôi cuốn theo ‘Kẻ Ác Dữ’, và điềm nhiên tọa thị một cách vô tư vô lự ‘tự Chiêu Lấy Tội Ác’ khi bất bình mà lên ‘án Tử Hình’, buộc kẻ Có Tội Phải Chết (!) là vô tình tự chiêu lấy Sự Nghiệt Ngã cho chính bản thân mình! Một khi ‘Tuyên Án TỬ’, tức là ra lệnh ‘GIẾT CHẾT’, ‘BỨC TỬ’, để rồi phải mang TỘI BÁO thảm hại về sau, thì chẳng phải là đáng tiếc lắm sao?!
Sao lại để phải đến nỗi như vậy?!
Là người-Vô-Can, sao lại đi Gánh-Lấy-Cái-GÔNG-Vào-Cổ, ôm lấy nỗi đoạn trường cho tự thân về sau này?!
Họ GIẾT NGƯỜI, quan tòa đứng ra xét xử, để đem lại ‘An ninh’, ‘Trật tự’ cho xã hội, đem lại sự Bình An cho người người, và hướng Con Người về với CHÂN THIỆN MỸ, mà sao Ra-cái-Lệnh “PHẢI GIẾT CHẾT”, là “Tước Đoạt Mạng Sống của Một Người”, chứ đâu phải bảo giết con heo, con gà, con chó, con dê…cũng có ‘Tội báo’ nữa mà!
Vậy thì không phải chính’Quan Tòa’, hay Chủ Tịch Nước, hay Tổng Thống, bị cuốn hút theo kẻ-có-tội nên tỉnh bơ phạm đúng y theo vào cái ‘sự-Giết-Người’, và vô hình chung trở thành là “Người-Sát-Nhân” kế-tiếp theo sau kẻ ác dữ đó hay sao?!
Không phải vậy sao?!
Sao lại thế hỡi quý quan tòa, hỡi quý vị lãnh đạo quốc gia các nước?!12/ Không ai phản đối các nhà lãnh đạo nước (Vua, Nữ hoàng, Thổng Thống, Chủ tịch Nước) , thế nhưng mà, theo như Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni đã từng khuyên nhủ chúng sinh rằng: “Trồng Dưa được Dưa. Trồng Đậu được Đậu” . Nếu làm điều lành, tốt, thiện hảo đem lại an vui sung sướng, hạnh phúc cho người khác, thì sẽ được hưởng PHƯỚC BÁO. Còn nếu trái lại, gieo rắc đau thương khổ não cho ai, thì rồi, dù vì bất kỳ lý do gì, một ngày nào đó, sẽ phải hứng lấy TAI HỌA, tức là phải chịu TỘI BÁO, phải ‘đền Tội’ đã gây tạo mà thôi!
“Không nên “BẤT MUỘI NHÂN QUẢ!”
Đó là LUẬT BÁO ỨNG, là LUẬT NHÂN QUẢ, là gieo ‘Nhân’ nào thì gặt ‘Quả’ đó!
Có ai gieo hạt xoài Cát Chu mà lại gặt hái được trái Xoài Cát Hòa Lộc không?! Và một khi một hạt xoài, mít, xoài riêng …chi chi đó, gieo xuống rồi ( gieo ‘hạt’ là gieo‘NHÂN’ ) thì có bao giờ vài ngày hay vài tháng sau là thu hái được quả mít, trái xoài v.v…để ăn được liền không, mà không phải chờ đợi đủ ngày tháng, tùy loại, mới ra hoa, rồi mới kết trái , rồi lại phải chờ thời gian để trái già, chín, mới thu hoạch được sao ( hái ‘trái’ là được‘QUẢ’ )?!
Cũng vậy, một khi làm việc Thiện Lành, hay điều Ác Dữ, thì cũng phải chờ một thời gian, tùy việc, phải hội đủ nhân duyên mới được thọ hưởng ‘Phước báo’ (việc Lương thiện ) đã làm, hay gặp khốn khổ thế nào đó (Tai ách, Hoạn họa) phải chịu ‘Tội Báo’ để đền lỗi tội đã làm! Nếu chưa thấy được thọ hưởng ‘Phước’ chi, hay chưa bị trừng phạt, bị ‘Họa, Tai’ chi, nên cho rằng là không có ‘Phước Báo’ hay ‘Tội Báo’ chi hết, nên không hãi sợ, nên cứ điềm nhiên tác ác túa xua, thì không phải là MÊ LẦM lắm sao?!
“Trước khi làm việc gì thì phải nghĩ đến kết quả của nó”. Đức Phật đã dẫn dắt Con Người nên dùng lòng Từ Bi Nhân Thiện đối với nhau, để người người được Sung Sướng, An Vui. Ta đem sự sung sướng vui vẻ bình an đến cho người thì người cũng đối lại với ta như vậy, tức là ta cũng sẽ được An Lành, được HƯỞNG PHƯỚC! Làm trái ngược lại, chỉ gieo đau khổ, tạo nhiều nỗi đoạn trường cho ai thì sẽ bị ĐỀN TỘI đã gây tạo, phải KHỐN KHỔ, gặp lắm HỌA TAI, còn khổ hơn họ nhiều. “Gieo Gió thì gặt Bảo!”
Như đức Chúa JÉSUS CHRIST đạo Công giáo, đã từng khuyên, từng dẫn dắt các ‘Con Chiên’, tín đồ của Đức CHÚA rằng: “Hãy tra gươm vào vỏ, Những kẻ ‘Dùng Gươm’ thì sẽ phải CHẾT ‘Vì Gươm’!”.
Thế thì không phải Đức Chúa đã khuyên răn Con Người nên có lòng ‘Bác ái’ đối với nhau sao? Là ‘Không nên tàn sát nhau, giết hại nhau sao? Vì ‘Giết Người’ thì sẽ bị ‘ Người Giết’ lại!
ĐỨC KHỔNG TỬ cũng đã khẳng định : “SÁT NHÂN GIẢ TỬ!”” Đạo TIN LÀNH, cũng là Đạo tôn thờ kính ngưỡng Đức CHÚA JÉSUS CHRIST. Đặc biệt đã cho thành lập “Thành Trú Ẩn”! Đấy là nơi dành cho những người phạm TỘI NẶNG như “GIẾT NGƯỜI”, thì phải mau mau chạy đến ẩn trú nơi ‘cái Thành’ đó, để khỏi-bị-GIẾT-CHẾT! Chả lẽ Đức Chúa Trời lại đi che chở, bảo vệ ‘kẻ Ác dữ’?!
Thế nhưng, nơi đây có các vị mục sư hằng ngày chí thành giáo dục về Tâm Linh, khiến cho người tội phạm ý thức được TỘI LỖI của mình mà ĂN NĂN, mà thành tâm SÁM HỐI, SỮA ĐỔI, CHỪA BỎ những thói hư tật xấu, biết Kềm Chế lòng Tham Sân, chịu XẢ BỎ nỗi ai oán, mà dứt trừ sự hung ác v.v… và là để “CHỜ-GIỜ-PHÁN-XÉT”, khỏi nhọc công tìm kiếm truy bắt ! ,là để họ chờ đợi nhận lãnh hình phạt theo tội lỗi họ đã gây ra, chứ không phải là Đức Chúa bao che kẻ có tội,’THA TỘI’ họ!). Thành Trú Ẩn này có mục đích cao cả như vậy là do noi gương ‘Bác Ái’ cao cả của Đức CHÚA JÉSUS, là người vì lòng thương xót Con Người, muốn CỨU CHUỘC TỘI LỖI cho nhân gian nên đã dũng cảm nhận chịu cực hình “ĐÓNG ĐINH TRÊN THẬP TỰ GIÁ”, để phải CHẾT Đi SỐNG Lại bao phen! Và cuối cùng NGÀI đã được PHỤC SINH! Đó là kết quả của TÂM THÁNH THIỆN của Đức Chúa!
Đức PHẬT Thích ca Mâu Ni, cùng Chư PHẬT Chư BỒ TÁT đã dẫn dắt chúng sinh hãy nên dùng lòng TỪ BI ban rải. “BI thể giới Lôi chấn”! Lòng TỪ BI (ban rải Tình THƯƠNG, KHÔNG HẬN THÙ ) có thể hóa giải mọi NGUY NAN!
Cho nên nếu kính ngưỡng ĐỨC PHẬT, ĐỨC CHÚA… thì nên y giáo phụng hành, nên đem lòng TỪ BI, BÁC Ái đối xử với nhau, Không-Nên-Làm-Khổ-nhau, Tàn-Sát nhau!“TỪ BI và BÁC ÁI” là sự mềm dẽo của Tình Thương, của sự Nhẫn Nại, của sự HIỂU BIẾT.
13/ Những người xấu ác, không thể làm được những điều Lành Thiện, tốt đẹp, cao quý là vì họ chưa Tiến hóa được cao, tâm linh họ còn mê muội, còn ấu trỉ, không phải sao ?!
Ví như một đứa trẻ con còn ấu trỉ thể xác, mới lên 4, lên 5 tuổi. Nếu người lớn để món đồ chi trên cao, hơn vóc dáng đứa trẻ (như để trên bàn, trên kệ, trên đầu tủ) và bắt buộc đứa trẻ phải lấy cho kỳ được món đồ đó! Vậy xin hỏi đứa trẻ con ấy có vói lấy được món đồ ấy hay không, dù có nhón gót cở nào, một khi quá tầm-tay-vói của trẻ con?!
Cũng thế, một người còn ấu trỉ tâm linh, thì họ còn u tối, còn thấp kém, nên còn hèn hạ, xấu ác, còn Tham Sân, còn gian xảo, quỷ quyệt, bất nhân, bất nghĩa thế nào đó v.v…tức là tâm họ còn ‘ấu trỉ’ nên còn ‘mê muội’, chưa thanh cao tốt đẹp được!
Vì thế cho nên, họ rất cần phải được học hỏi, cần phải được rèn luyện, được un đúc, uốn nắn! Họ rất cần phải được ‘giáo dục’ để Tiến hóa lên, để trở nên ngày một tốt lành hơn; ‘Xả Bỏ’ Tâm Ác, ‘Phát’ Tâm Lành, thì họ mới được là người ngày càng thánh thiện, có nhân, có nghĩa, ít phạm Sai Trái, Sái Quấy, Lỗi Lầm, ít tạo Tội tạo Nghiệp Xấu, Ác, rổi sẽ dứt hẳn tác ác, mới làm được Người tốt đẹp, lương hảo, thanh cao.
Những ai được Tiến Hóa cao hơn, ví như người đứng trên cao, kẻ xấu, ác phải ở dưới thấp! Vậy thì người đứng trên cao (tức người Tiền hóa hơn) có nên phun nước bọt xuống người đứng dưới thấp hơn , có nên khinh khi , ghét bỏ, tức giận, phẩn nộ, có nên nhục mạ, hành hạ, người đứng dưới thấp (kém Tiền hóa!) hay không, thì nói gì đến việc “BỨC TỬ” họ, “TƯỚC ĐOẠT MẠNG SỐNG” của họ?!
Vậy có nên Từ Bỏ họ, Khử Trừ họ, Giết Chết họ không?!
Một khi người đứng trên cao (đã Tiến hóa) mà phun nước bọt, tức khinh thị nhục mạ người đứng dưới thấp thì người đứng dưới thấp (hèn hạ, xấu xa, độc ác v.v..) sẽ phải lãnh đủ sự nhục nhã, xấu xa, họ phải gục mặt tủi hổ, ai cũng chê bai khinh ngạo! Làm sao né tránh cho được?!
Và trái lại, nếu người đứng ở dưới thấp hơn mà ngửa mặt phun nước bọt lên người đứng ở trên cao hơn (tức là người có nhân, có đức), thì người càng đứng trên cao chừng nào, tức phẩm hạnh càng lớn, càng cao, thì liệu người đứng dưới thấp có phun trúng tới được người đứng trên cao hơn không ? Và ‘nước bọt ấy’ sẽ phải rơi xuống ngay từ chỗ nó đã xuất phát, phải vậy không?! Tức lả cuối cùng thì kẻ xấu xa, tồi tệ. bạc ác chừng nào thì chính họ sẽ phải lãnh đủ sự nhục nhả, sẽ phải bị khinh chê nhiều chừng ấy.
Họ sẽ phải KHỐN KHỔ thôi, theo luật ‘NHÂN QUẢ’. Đó chính là ‘LUẬT BÙ TRỪ’ (‘La Loi de Compensation’) đấy mà thôi!!!
Vậy thì, chẳng phải là:Làm điều gì thì sẽ nhận y chang điều đó hay sao, dù THIỆN dù ÁC? Vậy thì, nếu Luật Người Không-Xử thì Luật Hóa Công trong Tạo vật, cũng sẽ xử! “THIÊN VÕNG KHÔI KHÔI, SƠ NHI BẤT LẬU!” Lưới Người có thể Thoát được, nhưng Lưới Trời lồng lộng, không một ai tránh né, thoát đi đâu cho khỏi được!
Bao giờ một vật chi, như cục đá, nếu ném vào khoảng trống không thì nó sẽ mất hút, không còn thấy tâm dạng. Còn nếu ném vào vật gì, người nào, ở ngay trước mặt, trúng vào đó, lực càng mạnh, thì nó sẽ ‘Dội Trở Lại’ không sai, và càng mãnh liệt hơn, từ chỗ nó đã xuất phát !Cho nên, đối với Những KẺ CÓ LỖI, CÓ TỘI, thì nên làm thế nào để họ thấy, biết , hiểu là họ CÓ LỖI, CÓ TỘI!
Không phải là để NHỤC MẠ, PHỈ BÁNG, HÀNH HẠ HỌ , mà là để DẪN DẮT, để giúp họ Ý Thức “LỖI TỘI chỉ đem lại bao ĐAU THƯƠNG THỐNG KHỔ, nhứt là cho chính bản thân, hơn ai hết, khi GÂY ĐAU KHỔ CHO AI!
Một khi họ ý thức được rồi, thì họ sẽ tự động XẢ BỎ, ĐOẠN TRỪ LÀM VIỆC ÁC HẠI NGƯỜI, sẽ KHÔNG TÁI PHẠM nữa!
Vậy cần có biện pháp, phương cách tốt để hướng dẫn, giáo dục sao cho có hiệu quả!
Nếu GIẾT CHẾT KẺ CÓ TỘI, mà không DẪN DẮT, KHÔNG CHỈ BÀY, KHÔNG CHO HỌ CÓ CƠ HỘI để cho họ THẤY, BIẾT, HIỂU, để HỌ nhận chân được rằng: những gị họ đã GÂY TẠO Cho Người Khác thì là chính họ sẽ PHẢI NHẬN, PHẢI RƯỚC LẤY, sẽ PHẢI LÃNH ĐỦ những gì họ đã làm, đã gây tạo!
Và một khi giúp họ nhận chân được điều đó thì xin thưa rằng: Họ có còn DÁM LÀM VIỆC BẤT PHẢI, CÒN DÁM GÂY TỘI ÁC nữa không, nếu KHÔNG Giải Bày thấu đáo, KHÔNG DẪN DẮT được, và « Không Cho họ Có Cơ Hội » nhận chân “ Triết lý” ấy thì không phải là tàn nhẫn lắm sao, là vô tình lắm sao , là thiếu HIỂU BIẾT, là thiếu lòng TÙ BI THƯƠNG XÓT giữa CON NGƯỜI với CON NGƯỜI lắm lắm hay sao?!14/ Đó là nói những người phạm tội trong mọi thành phần trong một quốc gia và quốc tế.
Còn đặc biệt với người lãnh đạo một nước, nếu là Tổng Thống, hay Chủ Tịch Nước, hay vua chúa, nếu có PHẠM TỘI TRỌNG gì, thì trong lúc họ còn tại vị, nếu có quyết định chi mà nhân dân thấy có nguy hại cho người dân, cho đất nước thì, tại sao người người trong cả nước không cùng đứng lên, họp lại dũng cảm can gián, khuyên ngăn chí tình, lại cuối đầu tuân phục lệnh ban ra ?! Rồi đợi đến khi họ mãn nhiệm kỳ, hết Chức hết Quyền, người dân mới nổi lên phản đối, xử TÀN NHẪN, TỆ BẠC, ĐỘC ÁC, công khai Luận Tội Nặng và KẾT ÁN TỬ HÌNH, dù dưới bất kỳ hình thức nào!!! Họ nếu Có TỘI, thì người DÂN KHÔNG CÓ LỖI sao?!
Dù họ đã mãn nhiệm kỳ, trở lại làm người bình thường trong Nước, nhưng đó cũng là một người đã từng lãnh đạo nước bao nhiêu năm, không có công lao gì với quốc gia dân tộc hay sao mà lại nở đem ra XỬ TỬ một người đã từng được Tiền-Hô-Hậu-Ủng, bao người phải kính cẩn nghiêng mình chào đón, rước đưa rần rộ, uy nghiêm, hiển hách ?!!!
Nếu không-khép-chặt-cửa-lòng, mở rộng lòng Từ Bi Bác Ái Nhân Thiện cho những người phạm tội một ‘Con Đường Sống’ để họ TỈNH THỨC, để ĂN NĂN, HỐI NGỘ, SÁM HỐI LỖI TỘI thì không đáng thương tâm lắm sao!
Đối với loài động vật hạ đẳng như con Khỉ, con Ngựa, con kiki, con ột ệt, con Trâu, con Cọp, con Beo, con Voi v.v…mà còn huấn luyện được thay, thì với Con Người có Trái Tim Biết Cảm, có Khối Ốc Biết Nghĩ Suy, thì làm sao Không-Cảm-Hóa được, không rèn luyện, giáo dục được sao?! Và đối với người bình dân còn nên như vậy, huồng hồ từng là một vị nguyên thủ quốc gia của cả nước ?!
Nếu có TRỌNG TỘI chi Không-Thể-Tha-Thứ được, thì sao không cho LƯU ĐÀI NGƯỜI ĐI BIỆT XỨ, mà CHẲNG NÊN KHỬ TRỪ, DỨT TUYỆT MẠNG SỐNG để họ có-thì-giờ-rộng-rãi BÌNH TÂM Nghĩ Suy mọi lẽ?! Chắc chắn họ sẽ Ân Hận sâu sắc và sẽ SÁM HỐI !15/ Một điều nữa, nếu cho rằng là ‘tâm linh kẻ Xấu Ác còn Thấp Kém’, cũng không hẳn có nghĩa là họ đều là những Con Người ngu dốt, khờ khạo, hạ tiện, u tối, mà có thể đó là những người cực kỳ thông minh, tài giỏi, cũng chưa biết chừng! Nếu họ Tỉnh Thức ‘quay đầu lại’, quyết chịu dứt trừ xả bỏ tập nhiễm xấu ác độc dữ, tham lam, tàn nhẫn v.v…, thì họ lại là những người rất đặc sắc, tuyệt vời, là người đắc dụng, xã hội rất nhờ cậy!
Có giống cây ăn trái, hay bông hoa chi đó, hể đó là một loại cây trái quý hiếm, rất ngon , rất bổ dưỡng, hay là một loại bông hoa vừa đẹp vừa thơm kỳ lạ thì thường rất khó trồng, hay có nhiều sâu bọ! Nếu ‘nhà làm vườn’ biết kiên nhẫn, chịu khó chăm sóc, cắt tỉa lá sâu cành hư, bón phân tưới nước cẩn thận mà-không-nhổ-quăng-vứt-đi, thì rồi sẽ gặt hái được những trái thơm ngon, những đóa hoa tươi đẹp, rất quý hiếm !
Con Người cũng vậy. Không ai là người đáng-phải-BỎ-ĐI, đáng phải Giết, phải Chết! Đến như sạn, sỏi, cát, đá, cây cỏ nhỏ nhoi trên trái đất mà cũng còn hữu ích, huống hồ là một Con Người!
Nếu biết cảm hóa, biết hướng dẫn người xấu ác dữ, biết cách ‘chuyển tâm họ’ để họ ‘quay đầu lại’, xả bỏ TÂM ÁC PHÁT TÂM LÀNH thì họ lại là những Người rất năng nổ, đa tài, đắc dụng. Họ dù cùng hung cực ác thế nào cũng có vài đức tính đáng ngưỡng mộ, có ích cho nhân quần, một khi được cảm hóa. “Sắt’ mà ‘được toi’ trong lò luyện với ‘lửa cao độ’ thì sẽ trở nên là “THÉP” rất đắc dụng!
‘Không ai hoàn toàn TỐT LÀNH, THIỆN HẢO!’ Cũng không ai hoàn toàn XẤU ÁC , BẤT NHÂN BẤT THIỆN’!
Vậy thì có nên phát tâm TỪ BI, BÁC ÁI, THƯƠNG XÓT, những người còn thấp kém, xấu xa, hèn hạ, nham hiểm, độc dữ , cùng hung cực ác thế nào đó không???
“CÓ HIỂU BIẾT MỚI THƯƠNG YÊU”, MỚI XÓT XA! Đức PHẬT đã dạy khuyên như vậy.
Nói tóm lại, CÔNG LÝ thì phải Nghiêm Minh, Công Bằng, Vô Tư, nhưng cần phải có TỪ BI, BÁC ÁI kèm theo, thì mới tạo được AN VUI HẠNH PHÚC cho người người, giúp nhau TIẾN HÓA!Một triết gia, trong quyển “Zen và Ý Thức về Ăn Chay’, tr. 220-222 đã than rằng “Kiếp nhân sinh sở dĩ lắm ĐAU THƯƠNG là vì CON NGƯỜI ‘THIẾU LÒNG TỪ BI’ đối với nhau: Con Người khép chặt cửa lòng. Cam tâm ‘nô lệ’ cho SI, THAM, SÂN, ÁI (ái dục và Chấp trước), kiếm đủ cớ để chia rẻ nhau, lửa bịp nhau, lung lạc nhau, ngược đãi nhau, khống chế nhau, hận thù nhau, tranh đoạt nhau, tàn hại nhau, gieo rắc biết bao đau thương thống khổ cho nhau! Nào hay tự mình là người Khổ Trước, trên hết và nhiều hơn hết.”
Ni sư AYYA KHÉMA Ấn Độ cũng nhận xét chí lý rằng:” Tất cả chúng ta đều là KHÁCH trên trái đất này! Không ai sở hữu được thứ gì, dù là những gì thân, yêu, quý, nhất của ta!”
Đức ĐẠT LAI LẠT MA Tây Tạng đã than thở và có ý khuyên răn, nhắn nhủ người đời rằng:
“Chào Đời hai bàn tay trắng!
“Lìa Đời trắng hai bàn tay!
“Sao mãi nhặt cho đầy?
“Túi Đời như Mây bay?!”
Vậy thì tại sao Con Người không ý thức điều chí lý ấy để HIỂU BIẾT, để kềm chế thất tình lục dục, để cảm thông nhau, để cố gắng ban rải TÌNH THƯƠNG cho nhau, để rồi tha thứ cho nhau, xóa bỏ tất cả ‘oan trái’, ‘hận thù’, không ai làm ‘Đao Phủ’ của ai nữa, thì lo gì khi chết đi phải sa ‘ĐỊA NGỤC’, khi chinh Con Người đã tạo lấy biết bao cảnh Địa Ngục thê thảm nơi trần gian này rồi! Rất nhiều người đã vô tình đóng vai những kẻ ‘Đầu Trâu, Mặt Ngựa’ tay-thước-tay-đao, và biến nhau thành những kẻ “Tội Đồ”, những kẻ “Bị lưu Đày” thê lương, thống khổ?!
Hỡi quý giới chức Lãnh đạo các Nước, hỡi các nhà Lập pháp, hỡi quý vị quan tòa nước VIỆT NAM và trên toàn thế giới, hãy suy gẫm lại xem:“CÓ NÊN LÊN ÁN TỬ HÌNH NHỮNG TRỌNG TỘI KHÔNG???”, dù là Trọng Tội gì, dưới bất kỳ hình thức nào ???Và các vị lãnh đạo Nước nếu có phạm lỗi chi nặng, thay vi LUẬN TỘI và Lên ÁN XỬ TỬ HÌNH thì người dân có nên chỉ cho « LƯU ĐÀY ĐI BIỆT XỨ », THA TỘI CHẾT mà KHÔNG THA TỘI SỐNG vậy?! CÓ ĐƯỢC KHÔNG???
16/ Và sau đây, xin lạm bàn thêm về vấn đề ‘HẠN CHẾ SINH SẢN’ để bảo vệ SỨC KHỎE CHO NGƯỜI MẸ, là bảo vệ Hạnh Phúc Gia Đình, tức bảo vệ An Vui, Cường Thịnh cho xã hội, cho quốc gia! Nếu-Sanh-Con-Quá-Nhiều thì Nuôi Dạy Cực Khổ và Khó Chu Toàn Cho Tất Cả Các Con, nhất là các trẻ sanh sau chót! Và gây khổ nhọc, thương đau nhất cho người “LÀM MẸ”, người phụ nữ.
Nhưng, thay vi Chỉ-Sanh “HAI-CON” mà thôi, thì CÓ-NÊN-CHO-SANH “BA-CON”???
Vì rằng:1/ Tài nguyên thiên nhiên tối yếu trong vũ trụ là có BA: THIÊN–ĐỊA–NHÂN. Đó là “TAM TÀI”:Trên là TRỜI, Dười là ĐẤT, ở giữa là CON NGƯỜI!
TRỜI CHE TA, ĐẤT CHỞ TA.
Có BẦU TRỜI CON NGƯỜI mới có Không khí để thở để Sống Còn, có ánh sáng mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú, Con Người mới có sinh khí để Sinh Tồn.Và CÓ ĐẤT thì CON NGƯỜI mới có nơi ăn chốn ở, mới tạo dựng được nhà cửa để cư trú. CÓ ĐẤT mới trồng trọt, mới có được ruộng vườn, cây trái, hoa mầu; mới có sông, hồ, ao, rạch ; mới có núi đồi, rừng cây, biển cả; mới có các loài động vật, thực vật!
Thì, CON NGUÒI mới có gạo, có thức ăn , mới có muông thú v.v.. thì CON NGƯỜI MỚI CÓ THỂ SINH TỒN được!
2/ Đứa Con Thứ Ba thường lại là‘Kinh Nghiệm’ của 2 người ‘Cha và Mẹ’ (Nam-Nữ) chung sống với nhau, có kinh nghiệm trong sự hòa hợp thể xác và tinh thần, về đời sống kinh tế, lịch lãm hơn, vững chải hơn, thoải mái, nhẹ nhàng hơn, về vật chất cũng như tinh thần. Và có sự thương yêu quí mến, trân trọng nhau, hạnh phúc bên nhau hơn, nên khi bào thai được kết tụ sẽ được hưởng nhiều lợi lạc về nhiều phương diện hơn hai lần đầu. Cho nên, các vĩ nhân, những thiên tài, những người con ưu tú về tài đức, thì có thể thường thấy xuất hiện ở người con thứ 3e! Phải vậy chăng?
Vậy, “NẾU CẢN” ‘KHÔNG-CHO-SINH-ĐỨA-CON-THỨ-BA’ thì gia đình cũng như xã hội, quốc gia, Đất Nước sẽ Mất-Đi-Biết-Bao-Nhân-Tài, có thể đó là nhà bác học, là bác sĩ, lương y đại tài, là nhạc sĩ, văn sĩ, thi sĩ, hiền triết nổi tiếng, là vĩ nhân, cũng chưa biết chừng v.v… Đó là những Con Người Ưu Tú!
3/a- Vả lại, có thể nói không quá đáng chăng: Nếu không-cho-sanh-đứa-Con-Thứ 3e thì, nếu lở đã kết thành Bào Thai, dù chưa tượng hình hay đã thành hình, người Cha và người Mẹ vì Sợ-Phạm-Luật sẽ bị phạt, nên phải uống thuốc PHÁ-THAI, hay dùng phẩu thuật thì, chẳng khác nào như là XỬ-TỬ-một-Người-đang-còn-trong-Bụng-Mẹ vậy !!! Trẻ đó có TỘI gì mà phảiBỊ XỬ TỬ ?!
3/b- Hoặc, Để-Ngừa ĐẬU THAI, thì người đàn bà Phải-Uống-Thuốc-Ngừa-Thai, RẤT -RẤT-NGUY BIẾN! Đó là cả một Tai-Họa!
Vì, Nếu Rủi Đậu Thai thì chắc chắn Đứa-Trẻ-Sanh-ra-Thường-Bị-Dị-TẬT, đủ mọi loại; hoăc Trí Suất IQ RẤT-THẤP-KÉM (!), có khi chẳng khác nào một-loài-động-vật-hạ-đẳng, chỉ biết ĂN UỐNG NGỦ mà thôi ! Ngoài ra không biết sinh hoạt chi hết, ngay như tắm rửa, mặc áo quần, cầm đủa muỗng v.v..cũng không biết làm, có người lại không thể nói năng được, không biết thương yêu giận ghét v.v…thì làm-sao-Làm-Một-Con-Người để Tiến Hóa lên?!!! Đó là một CON NGƯỜI BẤT HẠNH, và là gánh nặng cho gia đình và xã hội!!!3/c- Hoặc, Nếu đặt-Vòng-Xoắn để TRÁNH ĐẬU THAI’ thì, đó là một vật bằng kim loại, đặt vào bộ phận sinh dục người đàn bà! Đặt vào trong mình lâu ngày có thể sanh bệnh KHÓ-TRỊ (cancer) thì đáng thương biết bao! Một khi người đàn bà trong gia đình BỆNH HOẠN thi biết bao vấn đề bi thảm sẽ đến với gia đình đó!
3/d- Nếu theo luật ÂM DƯƠNG thì ‘HAI’ là ĐÚNG! Nhưng trong vũ trụ có Tài Nguyên Thiên Nhiên là “TAM TÀI”, là 3 BẢO BỐI RẤT QUÝ, thì thiếu mất một rồi vậy!!!
Nếu chỉ có BẦU TRỜI và TRÁI ĐẤT mà Không-Có-CON-NGƯỜI, thì đó chỉ là tình trạng sơ khai thuở Tạo-Thiên-Lập-Địa mà thôi!!!
Vậy thì “Chẳng-nên-chỉ-cho-sanh-Hai-Trẻ” mà là “NÊN-CHO-SANH “ĐỨA-CON-THỨ-BA”, phải vậy không???!!!
Vì đức HIẾU SINH xin có đôi lời trăn trở, xin quý vị Nguyên thủ quốc gia và các Nhà Lập pháp , trong nước và trên thế giới suy gẫm minh triết.23/02/2020
GIÁC ĐẠO-LÊ THỊ NGUYỆT ÁNH
Một Cựu Giáo Chức VĨNH LONG
(Cựu Chuyên viên Nghiên cứu Giáo Dục SAIGON trước 1975) -
Quan hệ sâu sắc với phong trào ‘Tái lập vĩ đại’ cấp tiến của Chủ nghĩa toàn cầu
Biden có quan hệ sâu sắc với phong trào ‘Tái lập vĩ đại’ cấp tiến của Chủ nghĩa toàn cầu
Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden phát biểu trước đám đông tại một sự kiện ở tòa thị chính tại Clinton College vào ngày 29 tháng 8 năm 2019 ở Rock Hill, Nam Carolina (Ảnh của Sean Rayford / Getty Images) “Bình mới rượu cũ” – Chủ nghĩa toàn cầu đang lợi dụng dịch viêm phổi Vũ Hán để khởi động phong trào gọi là “Tái lập vĩ đại” nhằm phá bỏ chủ nghĩa tư bản tự do và trật tự thế giới cũ, tập trung quyền lực và tiền cho thành viên của chủ nghĩa toàn cầu… Nó sẽ biến xã hội hiện tại thành xã hội mang màu sắc xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.Chủ nghĩa toàn cầu có vẻ không còn hợp thời ở các nền dân chủ, nhưng những người ủng hộ nó đang lên kế hoạch cho một sự phục hưng trở lại vào tháng Giêng năm nay, nơi họ sẽ khởi động “Cuộc tái lập vĩ đại” từ cái nôi của Davos giàu có, hoàn toàn dựa trên nền tảng lý luận về xã hội chủ nghĩa.
‘Tái lập vĩ đại’ – định nghĩa khác của Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản toàn cầu
Trong nhiều thập kỷ, những người cấp tiến đã cố gắng sử dụng biến đổi khí hậu để biện minh cho những thay đổi chính sách tự do. Nhưng nỗ lực mới nhất của họ – một đề xuất mới được gọi là “Tái lập vĩ đại” – là kế hoạch cấp tiến và đầy tham vọng nhất mà thế giới đã thấy trong nhiều thập kỷ gần đây. Tại một cuộc họp trực tuyến đầu tháng 6/2020 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức, một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp quyền lực nhất hành tinh, các quan chức chính phủ và các nhà hoạt động đã công bố đề xuất “thiết lập lại” nền kinh tế toàn cầu.Thay vì chủ nghĩa tư bản truyền thống, nhóm này cho rằng thế giới nên áp dụng các chính sách gần gũi và thực thi hình thái xã hội chủ nghĩa, chẳng hạn như đánh thuế tài sản cao, các loại thuế môi trường cao, ủng hộ làn sóng di cư từ nước nghèo sang nước giàu, điều này sẽ tạo ra chính phủ cực lớn, chính phủ sẽ thu tài sản của dân (qua thuế) và phân phối lại (qua quyền chi tiêu, đầu tư và phúc lợi), tất cả nằm dưới một ngôn từ đẹp đẽ “Thỏa thuận Xanh Mới”. Klaus Schwab, người sáng lập và là chủ tịch điều hành WEF, viết trong một bài báo đăng trên trang web của WEF: “Nói tóm lại, chúng ta cần một ‘Sự tái lập vĩ đại’ của chủ nghĩa tư bản”. Schwab cũng nói rằng “tất cả các khía cạnh của xã hội và nền kinh tế của chúng ta” phải được “cải tiến”, “từ giáo dục đến hợp đồng xã hội và điều kiện làm việc”.
Người sáng lập và chủ tịch điều hành của WEF Klaus Schwab bắt tay với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong WEF vào ngày 27 tháng 6 năm 2016 tại Thiên Tân, Trung Quốc (Ảnh của Wang Zhao – Pool / Getty Images)Tham gia cùng Schwab tại sự kiện WEF là hoàng tử Charles, một trong những người đề xuất chính của “Tái lập vĩ đại”; Gina Gopinath, nhà kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế; António Guterres, tổng thư ký Liên hợp quốc; và các CEO và chủ tịch của các tập đoàn quốc tế lớn, như Microsoft và BP. Các nhà hoạt động từ các nhóm như Tổ chức hòa bình xanh quốc tế – Greenpeace International và nhiều viện nghiên cứu cũng đã tham dự sự kiện hoặc bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với “Sự tái lập vĩ đại”. Cho đến giờ, các nguyên tắc chung của kế hoạch Tái lập vĩ đại đã rất rõ ràng: Thế giới cần các chương trình lớn của chính phủ mới; các chính phủ lớn hơn, quyền lực hơn và người dân, doanh nghiệp ngày một phụ thuộc vào chính phủ. Chương trình nghị sự đưa ra các cải cách chính sách sâu rộng, giống hệt với những chính sách được đưa ra bởi những người theo chủ nghĩa xã hội Mỹ như Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (I-Vt.), và đại diện Alexandria Ocasio-Cortez (DN.Y.) trong kế hoạch Green New Deal (Thỏa thuận Xanh mới) của họ .Thẳng thắn mà nói, Davos kêu gọi phát triển chủ nghĩa toàn cầu theo hình thái chủ nghĩa xã hội (cộng sản) – một khái niệm mà WEF đã cố tình tránh sử dụng, đánh tráo bằng khái niệm ‘Tái lập vĩ đại’; bạn có thể dễ dàng kiểm chứng trong vô số kêu gọi và kế hoạch xã hội chủ nghĩa, ẩn danh dưới mỹ từ ‘tiến bộ’ của WEF, được vận hành bởi giới “tinh hoa” mà thôi. Tổng thư ký của Liên đoàn Công đoàn Quốc tế, Sharan Burrow cho biết: “Chúng ta cần thiết kế các chính sách để phù hợp với đầu tư vào con người và môi trường. Nhưng trên tất cả, viễn cảnh dài hạn là về tái cân bằng các nền kinh tế”.
Virus Corona Vũ Hán là cơ hội để chuyển đổi nền kinh tế thế giới sang Chủ nghĩa xã hội toàn cầu?
Một trong những chủ đề chính của cuộc họp tháng 6/2020 là đại dịch viêm phổi Vũ Hán, đã tạo ra một “cơ hội” quan trọng cho nhiều thành viên của WEF để thực hiện chuyển đổi căn bản chủ nghĩa tư bản, điều mà họ thừa nhận rằng sẽ không thể thực hiện được nếu không có đại dịch .“Chúng tôi có cơ hội vàng để nắm bắt điều gì đó tốt đẹp từ cuộc khủng hoảng này – những đợt chấn động chưa từng có của nó có thể khiến mọi người dễ tiếp nhận những tầm nhìn lớn về sự thay đổi”, Thái tử Charles cho biết tại cuộc họp và nói thêm sau đó. “Đó là cơ hội mà chúng tôi chưa từng có trước đây và có thể không bao giờ có nữa”.
Thái tử Anh Charles có bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, vào ngày 22 tháng 1 năm 2020. (Ảnh của Fabrice COFFRINI / AFP/Getty)Bạn có thể tự hỏi làm thế nào những nhà lãnh đạo này lên kế hoạch thuyết phục thế giới thay đổi hoàn toàn nền kinh tế về lâu dài, vì đại dịch viêm phổi Vũ Hán chắc chắn sẽ không là một cuộc khủng hoảng mãi mãi. Câu trả lời là họ đã xác định được một “cuộc khủng hoảng” khác sẽ cần đến sự can thiệp rộng rãi của chính phủ: Biến đổi khí hậu. “Mối đe dọa của biến đổi khí hậu đã xuất hiện dần dần [so với COVID-19] —nhưng thực tế tàn khốc của nó đối với nhiều người và sinh kế của họ trên khắp thế giới, và tiềm năng phá vỡ ngày càng lớn của nó, vượt qua cả Covid-19”, Thái tử Charles nói.Tất nhiên, các quan chức chính phủ, các nhà hoạt động và những người có ảnh hưởng không thể tự mình áp đặt một sự thay đổi mang tính hệ thống ở quy mô này. Đó là lý do tại sao họ đã bắt đầu kích hoạt mạng lưới rộng lớn bao gồm các nhà hoạt động cánh tả trên khắp thế giới, những người sẽ yêu cầu những thay đổi trong suốt năm 2021 phù hợp với “Sự tái lập vĩ đại”.Theo WEF, hội nghị thượng đỉnh Davos năm 2021 bao gồm hàng nghìn thành viên của Cộng đồng Shapers Toàn cầu, các nhà hoạt động thanh thiếu niên ở 400 thành phố trên khắp hành tinh. Chương trình Global Shapers đã tham gia vào các “cuộc đình công về khí hậu” trên diện rộng năm 2019 và hơn 1.300 người đã được đào tạo bởi Dự án Thực tế về Khí hậu, một tổ chức hoạt động vì khí hậu có tầm ảnh hưởng lớn, được tài trợ bởi cựu Phó Tổng thống Al Gore, người phục vụ trong Ban Quản trị của WEF .
Sự đáng sợ của “Tái lập vĩ đại”
Đối với những người ủng hộ thị trường tự do, “Sự Tái lập vĩ đại” thật đáng sợ. Chắc chắn là hệ thống tư bản thân hữu hiện tại của chúng ta có nhiều lỗ hổng, nhưng trao quyền nhiều hơn cho các nhân viên chính phủ, những người đã tạo ra hệ thống thân hữu đó và làm xói mòn quyền sở hữu không phải là cách tốt nhất.Mỹ là quốc gia thịnh vượng, hùng mạnh nhất thế giới, chính vì những nguyên tắc thị trường mà những người ủng hộ “Tái lập vĩ đại” không chỉ bất chấp mà còn đang chối bỏ tất cả các giá trị làm nên nền tảng thịnh vượng bền vững của Mỹ và nhiều nền kinh tế khác. Những người ủng hộ “Tái lập vĩ đại” đã cố gắng lờ đi các thảm họa nhân đạo, các chính quyền độc tài chuyên chế, đói nghèo, bất bình đẳng, áp bức chính tín và đàn áp dân chủ tại các quốc gia có chính phủ thâu tóm tài sản, phân phát lại quyền lợi cho người dân doanh nghiệp trong đất nước của họ theo con đường xã hội chủ nghĩa hoặc cộng sản chủ nghĩa như Triều Tiên, Venezuela, Trung Quốc, Cuba,… Làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn, cánh tả đã chứng minh trong suốt đại dịch viêm phổi Vũ Hán rằng nó có thể thay đổi hoàn toàn thực tế chính trị giữa cuộc khủng hoảng, vì vậy không khó để thấy rằng “Tái lập vĩ đại” cuối cùng có thể thành hiện thực như thế nào.Bạn có thể tưởng tượng George W. Bush hoặc Bill Clinton in hàng nghìn tỷ USD và gửi nó cho hàng triệu người không bị mất việc làm? Điều này không thể tưởng tượng được chỉ vài thập kỷ trước. Ngày nay, chính sách này nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Khôi hài, Thái tử Charles đã đúng: Đại dịch hiện nay là “cơ hội vàng” để thay đổi triệt để. Và nếu Al Gore, Thái tử Charles và các thành viên còn lại của WEF có thể thuyết phục đủ mọi người rằng – nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu cũng đáng để thúc đẩy nhân loại hướng tới sự kiểm soát nhiều hơn của chính phủ – thì thay đổi triệt để – và thảm khốc – chính là điều chúng ta đang làm để có được.
Khẩu hiệu ‘Xây dựng lại tốt hơn’ của Biden và ‘Tái lập vĩ đại’ của Chủ nghĩa toàn cầu
Nếu, chỉ là NẾU Joe Biden có thể được bầu làm tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ, hầu hết người Mỹ vẫn chưa biết sự thật về hệ tư tưởng cấp tiến của Biden.Mặc dù đã tự coi mình là một đảng viên Dân chủ “ôn hòa” trong nhiều thập kỷ, Biden vẫn luôn cho thấy rằng quan điểm của ông về chủ nghĩa toàn cầu và vị thế của Mỹ trên thế giới khác xa với xu hướng chủ đạo và giá trị cốt lõi mà Mỹ đang theo đuổi. Lập luận này được chứng minh rõ ràng nhất bằng cách xem xét mối quan hệ chặt chẽ của Biden với WEF, diễn đàn hiện đang thúc đẩy một cuộc “Tái lập vĩ đại” đáng lo ngại với chủ nghĩa tư bản tự do, và nhiều tuyên bố mà Biden đã đưa ra trong vài năm qua đều lặp lại tư tưởng Tái lập vĩ đại.Phong trào Tái lập vĩ đại đã được nhiều nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm người đứng đầu Liên hợp quốc, Thái tử Charles, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, các tổ chức công đoàn quốc tế và Giám đốc điều hành của các tập đoàn lớn áp dụng rộng rãi.Sử dụng đại dịch viêm phổi Vũ Hán và biến đổi khí hậu làm vũ khí tranh đấu cho sự chuyển đổi cơ bản của nền kinh tế thế giới, phong trào Tái lập vĩ đại nhằm tiêu diệt chủ nghĩa tư bản hiện đại và thay thế nó bằng một hệ thống xã hội chủ nghĩa, thậm chí là cộng sản chủ nghĩa, chẳng hạn như hệ thống thu nhập cơ bản và Thỏa thuận Xanh Mới, cũng như buộc tất cả các công ty trên toàn thế giới phải thực hiện các mục tiêu công bằng xã hội của cánh tả, vốn giống hệt với phương pháp “cào bằng” mà các quốc gia thất bại chủ nghĩa xã hội đã theo đuổi. Trong một bài báo đăng trên trang web của WEF, người sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab – người đang dẫn đầu phần lớn phong trào ‘Tái lập vĩ đại’ trên toàn cầu – đã viết rằng “thế giới phải hành động chung và nhanh chóng để cải tiến mọi khía cạnh của xã hội và nền kinh tế của chúng ta, từ giáo dục đến hợp đồng xã hội và điều kiện làm việc”.Schwab cũng viết: “Mọi quốc gia, từ Hoa Kỳ đến Trung Quốc, đều phải tham gia, và mọi ngành công nghiệp, từ dầu khí đến công nghệ, đều phải chuyển đổi. “Nói tóm lại, chúng ta cần một cuộc ‘Tái lập vĩ đại’ của chủ nghĩa tư bản”.Schwab và những người ủng hộ “Tái lập vĩ đại” đổ lỗi cho nhiều vấn đề của thế giới là do sự thất bại của “khế ước xã hội” hiện có và cái mà họ gọi là “chủ nghĩa tư bản cổ đông” – hệ thống kinh tế hiện tại ở phần lớn thế giới phương Tây. Theo “chủ nghĩa tư bản cổ đông”, các cá nhân có thể mua cổ phần của các công ty, sau đó dự kiến sẽ sản xuất hàng hóa và dịch vụ mà họ có thể bán cho khách hàng để thu lợi nhuận. Mặc dù Biden (theo quan điểm của tác giả) chưa bao giờ được hỏi trực tiếp về việc liệu ông ta có ủng hộ “Tái lập vĩ đại” hay không, nhưng Biden đã đưa ra nhiều nhận xét lặp lại những quan điểm tương tự. Ví dụ, vào tháng Bảy, Biden kêu gọi chấm dứt “kỷ nguyên của chủ nghĩa tư bản cổ đông”. Điều này thật đáng sợ! Chắc chắn là như vậy.
Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden và Thượng nghị sĩ Kamala Harris (D-CA) lên sân khấu để phát biểu tại Trường trung học Alexis Dupont vào ngày 12 tháng 8 năm 2020 ở Wilmington, Delaware (Ảnh của Drew Angerer / Getty Images)Ngoài ra, cũng giống như WEF và những người ủng hộ Cuộc tái lập vĩ đại, Biden đã nói rằng chính phủ nên sử dụng đại dịch như một lời biện minh để “viết lại hợp đồng xã hội” của Hoa Kỳ.Các kế hoạch “Xây dựng lại tốt hơn” (Build back better) của Biden chính xác là nội dung trong sổ tay của phong trào Tái lập vĩ đại. Trong nhiều năm, những người ủng hộ cuộc Tái lập vĩ đại tại WEF và các nơi khác đã nói về việc “xây dựng lại tốt hơn” bằng cách mở rộng đáng kể quyền lực của chính phủ, theo đuổi các kế hoạch cơ sở hạ tầng “xanh” tốn kém và tăng đáng kể thẩm quyền của các tổ chức quốc tế. Các đề xuất của Biden sẽ làm được điều đó và tên “Xây dựng lại tốt hơn” quá giống với những gì những người khác liên kết với phong trào Tái lập vĩ đại mà WEF đã cho là chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.Ví dụ, vào năm 2016, một chuyên gia phát triển tại Ngân hàng Thế giới, thảo luận về các thảm họa thiên nhiên liên quan đến biến đổi khí hậu, đã viết cho WEF: “Áp lực đối với các chính phủ hiện nay là không phải đợi đến khi một thảm họa xảy ra để ‘xây dựng lại tốt hơn’. Thay vào đó, nhu cầu cấp thiết là phải xây dựng tốt hơn ngay bây giờ, và đánh giá kỹ lưỡng các rủi ro hiện tại đối với cơ sở hạ tầng công nghiệp”. Vào tháng 5 năm 2020, WEF đã đăng lên trang web của mình một bài báo có tiêu đề “‘Xây dựng lại tốt đẹp hơn’ – Đây là cách chúng ta có thể điều hướng những rủi ro mà chúng ta phải đối mặt sau COVID-19”, trong đó người viết lập luận: “Chúng tôi đã xem xét các cách để ‘xây dựng lại tốt hơn’ và rõ ràng là đầu tư vào các nền kinh tế xanh hơn sẽ là một phần rất lớn trong nỗ lực phục hồi”.Vào ngày 13 tháng 7 năm 2020, chưa đầy một tuần sau khi Biden kêu gọi “chấm dứt kỷ nguyên của chủ nghĩa tư bản cổ đông” trong khi quảng bá kế hoạch “Xây dựng lại tốt hơn” của riêng mình, WEF đã xuất bản một bài viết có tiêu đề “Để xây dựng lại tốt hơn, chúng ta Phải phát minh lại chủ nghĩa tư bản. Đây là Cách thức mà chúng ta cần làm”. Và những ví dụ này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Có nhiều người khác cho thấy WEF sử dụng khẩu hiệu “xây dựng lại tốt hơn” trước và sau khi Biden phát hành các đề xuất chính sách Xây dựng lại tốt hơn của mình.Biden cũng có quan hệ chặt chẽ với nhiều người ủng hộ ‘Tái lập vĩ đại’ và các nhà lãnh đạo tại WEF, nơi Biden đã nhiều lần đưa ra các bài phát biểu quan trọng.Cựu Ngoại trưởng John Kerry – đồng chủ tịch “Đội đặc nhiệm thống nhất” về biến đổi khí hậu của Joe Biden và là người mà nhiều người tin rằng có thể phục vụ trong chính quyền của Biden – đã công khai ủng hộ ‘Tái lập vĩ đại’ và kêu gọi cải cách “khế ước xã hội” của Mỹ. Thị trưởng South Bend Pete Buttigieg, người được bổ nhiệm vào nhóm chuyển tiếp của Biden , là thành viên của Diễn đàn các nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu của WEF. Cố vấn chính sách khí hậu của Buttigieg – David Victor, liên kết với WEF và là tác giả của một bài báo dài cho Đại học Yale vào tháng 6 năm 2020 với tiêu đề “Xây dựng lại tốt hơn: Tại sao châu Âu phải dẫn đầu phục hồi xanh toàn cầu”.Hơn nữa, Biden có mối quan hệ chặt chẽ với ít nhất ba thành viên hội đồng quản trị WEF , những người ủng hộ, ở các mức độ khác nhau, nền tảng “Tái lập vĩ đại”: Al Gore, David Rubenstein và Laurence Fink, chủ tịch và giám đốc điều hành của BlackRock, người mà nhiều nhà tài trợ đảng Dân chủ đã báo cáo rằng sẽ trở thành sự lựa chọn của Biden cho vị trí Bộ trưởng ngân khố.
Laurence Fink, chủ tịch và giám đốc điều hành của BlackRock, người mà nhiều nhà tài trợ đảng Dân chủ đã báo cáo rằng sẽ trở thành sự lựa chọn của Biden cho vị trí Bộ trưởng ngân khố. (Ảnh: FABRICE COFFRINI/AFP via Getty Images)Ngoài ra, thành viên hội đồng quản trị WEF và Giám đốc điều hành Salesforce, Marc Benioff là người ủng hộ lâu năm của Kamala Harris.Có thể tìm thấy thêm bằng chứng về mối quan hệ mật thiết của Biden với những người ủng hộ “Tái lập vĩ đại” trong sự ra mắt của Viện Biden, có trụ sở tại Đại học Delaware. Vào năm 2017, khi Viện Biden lần đầu tiên bắt đầu, Biden cho biết ông muốn mô hình hóa một số hoạt động của tổ chức mới sau WEF, và thậm chí ông đã gặp lãnh đạo của WEF và người ủng hộ lớn nhất thế giới về Tái lập vĩ đại, Klaus Schwab, để giúp phát triển một kế hoạch cho tương lai của Viện.Tổng hợp lại, các kế hoạch chính sách, thông điệp chiến dịch và mối liên hệ của Biden với các nhân vật quan trọng của “Tái lập vĩ đại” dường như chỉ ra một kết luận rất khó hiểu: Joe Biden có khả năng là người ủng hộ “Tái lập vĩ đại” triệt để, một đề xuất mà nếu được ban hành, sẽ đại tu hoàn toàn nền kinh tế thế giới – ủng hộ chủ nghĩa tập thể hơn và tập trung quyền lực vào tay giới tinh hoa quốc tế.Nghe có vẻ khó tin, nhưng khi có khói, hầu như luôn có lửa.Thiện Nhân – Thanh Đoàn
Nước Mỹ của Đảng Dân chủ đang đi theo vết xe đổ của chủ nghĩa xã hội dân chủ?
Trong cuốn sách “Sự cám dỗ của Chủ Nghĩa Xã Hội” đã nhấn mạnh lý do tại sao, cụ thể ở đây là chủ nghĩa xã hội lại hấp dẫn người Mỹ đến vậy – không chỉ sinh viên mà ngay cả những người bảo thủ lâu năm. (Wikimedia Commons) Theo Iain Murray, Chủ Nghĩa Xã Hội làm tốt công việc nói lên các giá trị cốt lõi của nước Mỹ, ngay cả khi trên thực tế, nó làm xói mòn những giá trị đó.Sự ủng hộ đối với chủ nghĩa xã hội ở Mỹ không phải là mới, cũng không phải là sự thúc đẩy mang lại thành công cho các chính sách xã hội dân chủ. Nó dường như xuất hiện lại sau vài thập kỷ qua, nhưng theo Iain Murray, lần này sự hiểu biết của mọi người về chủ nghĩa xã hội kém hơn nhiều. Iain Murray – người đứng đầu Trung tâm Tự do Kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Cạnh tranh ở Washington, cho biết: “ Hiện tại, thật khó để xác định ý nghĩa của chủ nghĩa xã hội”. Nếu được hỏi, người ta có thể nhắc đến “một nền kinh tế như Thụy Điển”. Ngoại trừ việc Thụy Điển xếp hạng cao hơn Hoa Kỳ về thương mại thị trường tự do, có nhiều mô hình trường học để lựa chọn cạnh tranh và đánh thuế các tập đoàn ở mức tương đương với Hoa Kỳ. Mọi người có thể đề cập đến hệ thống phúc lợi của Thụy Điển, bao gồm chăm sóc sức khỏe miễn phí, chứ không nghĩ rằng hệ thống như vậy tạo ra nhiều cầu hơn cung có thể đáp ứng.Vì vậy, nếu bạn hỏi tiếp “Mong muốn của mọi người là gì?”. Những người theo chủ nghĩa xã hội sẽ nói: “Chúng tôi chỉ muốn sự dân chủ”. Murray nói tiếp: “Họ có xu hướng muốn nói đến một nhà nước mở rộng hơn về pháp lý. Nhà nước sẽ kiểm soát nhiều hơn các ngành công nghiệp và dịch vụ công – một hình thức kiểm soát gián tiếp, kiểm soát vi mô. Cuối cùng sẽ dẫn đến trực tiếp can thiệp vào các doanh nghiệp, từ đó, người chịu trách nhiệm sẽ không phải các doanh nhân mà là quan chức và Chính phủ”. Trong cuốn sách mới của Murray, “Sự cám dỗ của Chủ Nghĩa Xã Hội”, ông đã nhấn mạnh lý do tại sao, cụ thể ở đây là chủ nghĩa xã hội lại hấp dẫn người Mỹ đến vậy – không chỉ sinh viên mà ngay cả những người bảo thủ lâu năm.Ông nói: “Nó thực hiện rất tốt công việc nói lên các giá trị cốt lõi của nước Mỹ, và nó nói với họ ở cấp độ giá trị đó. Có ba giá trị thực sự cốt lõi của Mỹ, đó là công bằng, tự do và cộng đồng.”
“Nó thực hiện rất tốt công việc nói lên các giá trị cốt lõi của nước Mỹ, và nó nói với họ ở cấp độ giá trị đó. Có ba giá trị thực sự cốt lõi của Mỹ, đó là công bằng, tự do và cộng đồng.” (The Epoch Times)Những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội nói rằng xã hội hiện tại không công bằng, và chủ nghĩa xã hội là giải pháp sẽ tạo ra sự công bằng đó. Họ nói rằng mọi người không thể được tự do đúng mức trong xã hội này, bị áp bức và bóc lột (các gói cứu trợ ngân hàng và khoản nợ của sinh viên vùng hẻo lánh). Ông cho biết thêm: “Nó trực tiếp đề cập đến những giá trị này. Nhiều người nói rằng chủ nghĩa xã hội là đơn giản, nhưng tôi không nghĩ là như vậy. Nhưng nó rất dễ dàng cung cấp câu trả lời trực quan cho những vấn đề này”. Murray đề cập đến “nhận thức văn hóa” trong cuốn sách của mình, điều này phân tách người Mỹ thành bốn nhóm giá trị: Những người theo chủ nghĩa truyền thống, chủ nghĩa quân bình, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa định mệnh. Những người ở nhóm bốn tin rằng mọi thứ đều do may rủi và họ thường không tham gia bỏ phiếu, vì vậy nhóm thứ tư này không phải là trọng tâm chính của bất kỳ chiến dịch chính trị nào. Trong khi đó, ba nhóm trên có thể bỏ phiếu hoặc thay đổi chọn sang đảng phái khác. Những người theo chủ nghĩa quân bình là những người đã bị chủ nghĩa xã hội lừa gạt hết lần này đến lần khác, vì xã hội từ xưa đến nay chưa bao giờ hoàn toàn bình đẳng. Nhưng có thể thấy phe chủ nghĩa cá nhân ủng hộ việc tái phân phối của cải dưới danh nghĩa cơ quan chính phủ, còn những người theo chủ nghĩa truyền thống chấp nhận các chính sách xã hội chủ nghĩa để trừng phạt các doanh nghiệp, bởi vì các công ty thường không ủng hộ các giá trị truyền thống, Murray viết. “Đó là một triết lý rất duy tâm và chủ nghĩa duy tâm có xu hướng không lo lắng về chi tiết, nhưng chi tiết lại rất quan trọng”, Murray nói. Nó có thể nói lên các giá trị của người Mỹ, nhưng trên thực tế “chúng làm suy yếu những giá trị đó”.
Chủ nghĩa xã hội dân chủ ở Anh
Murray lớn lên ở Anh vào những năm 1970. Cha của ông là một thợ điện không thể kiếm được việc làm vì ông ấy không tham gia công đoàn, và ngược lại không thể tham gia công đoàn vì ông ấy thất nghiệp. Mẹ của ông là một giáo viên và chịu sự cạnh tranh thiên vị. Murray nói: “Tất cả các ngành công nghiệp và tiện ích, v.v. đều đã được quốc hữu hóa, và nói thật đó là một nơi ảm đạm và buồn tẻ trong những năm 1970”. Các liên đoàn lao động có toàn quyền, vì vậy những người không thuộc tầng lớp này phải chịu đựng thống khổ.
“Tất cả các ngành công nghiệp và tiện ích, v.v. đều đã được quốc hữu hóa, và nói thật đó là một nơi ảm đạm và buồn tẻ trong những năm 1970”. (Minh họa: Public Domain)Các công đoàn thực hiện tất cả các quyền thương lượng với doanh nghiệp, điều đó dẫn đến các cuộc đình công thường xuyên. Cũng có nghĩa là sự mất mát của các dịch vụ và tiện ích công cộng là một phần của cuộc sống hàng ngày và trên quy mô lớn, bao gồm cả lạm phát quốc gia và mất tiền tiết kiệm. Vì vậy đình công là một công cụ. “Khi còn nhỏ, tôi phải làm bài tập ở nhà dưới ánh nến vì các nhân viên điện lực đã đình công. Có một thời kỳ được gọi là Mùa Đông Bất Mãn, nơi mọi dịch vụ công đều đình công theo cách này hay cách khác, cho dù đó là công nhân bệnh viện, hay thậm chí là người bốc mộ…. Đến mức có những đống rác khổng lồ trên đường phố bởi vì các công nhân vệ sinh đình công và những người chết nằm không được chôn cất vì những người bốc mộ đang đình công”. Nước Anh cũng giống như Thụy Điển, sau đó bắt đầu tư nhân hóa các ngành công nghiệp sau khi các thử nghiệm chế độ xã hội chủ nghĩa dân chủ hút cạn của cải quốc gia và hạ thấp mức sống.
Nước Anh cũng giống như Thụy Điển, sau đó bắt đầu tư nhân hóa các ngành công nghiệp sau khi các thử nghiệm chế độ xã hội chủ nghĩa dân chủ hút cạn của cải quốc gia và hạ thấp mức sống. (Minh họa: Public Domain)Tất nhiên, hầu hết mọi người sẽ thường được giải thích rằng “bất kỳ nỗ lực nào nhằm cải tạo ra một nhà nước xã hội chủ nghĩa trong quá khứ đều không phải chủ nghĩa xã hội thực sự”. Khi các chính sách xã hội chủ nghĩa được thông qua thành luật, mọi người ăn mừng sự thật rằng chủ nghĩa xã hội đích thực cuối cùng cũng đã xảy ra. “Vài năm đầu, mọi thứ dường như đang đi đúng hướng, nhưng sau đó bánh xe mới thực sự bắt đầu vận hành. Mọi thứ bắt đầu trở nên sai trái vì những mâu thuẫn cố hữu của chủ nghĩa xã hội, bởi vì doanh nghiệp không thể có quyền kiểm soát dân chủ đối với mọi quyết định kinh tế”, Murray nói. Tại thời điểm đó, những người theo chủ nghĩa xã hội bắt đầu đổ lỗi cho những kẻ phá hoại, từ các tác nhân trong nước đến nước ngoài. Sau đó, khi có sự cố bùng phát không thể tránh khỏi xảy ra, họ có thể bỏ đi và tuyên bố rằng đó không phải là chủ nghĩa xã hội thực sự.
Tại thời điểm đó, những người theo chủ nghĩa xã hội bắt đầu đổ lỗi cho những kẻ phá hoại, từ các tác nhân trong nước đến nước ngoài. (Minh họa: Public Domain)Những năm 1970, nước Anh được coi là “kẻ bệnh hoạn của châu Âu” và những năm gần đây thực trạng này đang lặp lại. “Đảng Lao động ở Anh đã đi theo chủ nghĩa xã hội cực đoan hơn trong chiến dịch bầu cử cuối cùng kể từ khi tôi thấy từ những năm 1980”; Murray cho biết: “Chúng tôi biết các chính quyền xã hội chủ nghĩa trước đây đã thất bại, nhưng chúng tôi sẽ làm đúng trong lần này”. Sự sụp đổ của họ thực sự là do hứa hẹn quá nhiều thứ miễn phí. “Ngay cả các cựu thành viên Lao động của Quốc hội cũng chỉ trích điều này bởi vì họ biết một lúc nào đó, mọi người sẽ không còn tin vào những lời hứa. Và rõ ràng, với quy mô thất bại của Đảng Lao động, họ thực sự đã đi quá giới hạn”, Murray nói.Murray chủ yếu hy vọng người Mỹ sẽ hiểu chủ nghĩa xã hội là gì. “Điều quan trọng là chỉ ra những mâu thuẫn của chủ nghĩa xã hội. Thử hỏi tại sao, nếu chủ nghĩa xã hội là bình đẳng, nó luôn tạo ra một giai cấp thống trị mới gồm những quan chức với những đặc quyền riêng của họ? Tại sao, khi những người theo chủ nghĩa xã hội nói rằng họ muốn giống như Thụy Điển, nhưng họ lại không muốn nền kinh tế tự do và cởi mở như Thụy Điển có?”, Murray nói.
Thử hỏi tại sao, nếu chủ nghĩa xã hội là bình đẳng, nó luôn tạo ra một giai cấp thống trị mới gồm những quan chức với những đặc quyền riêng của họ? (Public Domain Vectors)Trong cuốn sách, Murray cũng lưu ý rằng Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chiến thắng trong cuộc bầu cử bằng cách nói lên các giá trị ở cấp độ giá trị: Một xã hội công bằng hơn, tự do và tinh thần khởi nghiệp, và thúc đẩy cộng đồng.“Nếu những người chống lại chủ nghĩa xã hội muốn thành công trong thông điệp của họ, họ cũng cần phải làm như vậy”, ông nói.Thiên Bình
Theo The Epoch Times -
Dịch Thuật và Lựa Chọn
Dịch Thuật và Lựa Chọn
Aug 6, 2020
Phạm Thị Hoài
Hai ngày sau bài phát biểu kịch liệt chống Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 23/7/2020 tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon, VnExpress rồi nhiều trang báo đầu đàn khác ở trong nước, như VTC, đồng loạt đăng cùng một bản dịch tiếng Việt, nhưng một ngày sau lại đồng loạt rút xuống[1]. Chủ đề “bài phát biểu dậy sóng” này vẫn hiện diện trên truyền thông chính thống ở Việt Nam, song chỉ còn là đề cập gián tiếp qua tóm tắt hay trích dẫn chọn lọc từ báo chí nước ngoài. Tất cả những động tác đó không có gì lạ và đã thành thông lệ, thậm chí là truyền thống của báo chí nhà nước; nhưng muốn thế nào, mỗi ca kiểm duyệt kể một câu chuyện và câu chuyện lần này đáng lưu ý vì những tình tiết sau đây.
Bác Trung, bảo Cộng
Ở điểm trũng nhất của quan hệ Mỹ-Trung sau không ít thăng trầm kể cả Thiên An Môn, bài phát biểu của ngoại trưởng Mỹ lần này gây ngạc nhiên không phải vì sự gay gắt, mà vì nó chĩa mũi dùi vào sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như ý thức hệ cộng sản và nói thẳng không một chút úp mở rằng đó là nguồn gốc tất yếu, không thể làm ngơ nữa của hiểm họa Trung Quốc đối với Hoa Kỳ và thế giới tự do. Đó là điều mà các chính quyền Hoa Kỳ, bất kể Dân chủ hay Cộng hòa, cho đến nay ít nhiều đều tránh đề cập. Việt Nam hiển nhiên lâm vào thế kẹt, Bắc Kinh trước sau vẫn là hình mẫu cầm quyền cho Hà Nội dựa vào và noi theo, hệ tư tưởng cộng sản ở Việt Nam trước sau vẫn là quốc đạo. 31 lần ông Pompeo gọi tên “cộng sản”, bản dịch tiếng Việt giữ lại đúng 2 lần, đổi cả nhan đề và loay hoay xoay xở để có thể vừa truyền đạt tương đối những chỉ trích với Trung Quốc, vừa bảo toàn đảng cộng sản và chế độ cộng sản, để tránh những sự kiện gắn liền với chính sách đàn áp khét tiếng của chính quyền cộng sản, và để bỏ qua xung đột thể chế giữa hai mô hình độc tài cộng sản và dân chủ tự do.
Chỗ nào biến hóa được thì biến hóa, những người Duy Ngô Nhĩ “trốn khỏi các trại tập trung ở Tân Cương”thành “rời khỏi Tân Cương”, những người “sống sót ở Quảng trường Thiên An Môn” thành “từng có mặt trong sự kiện Thiên An Môn”, Tập Cận Bình “độc tài cai trị” thành “điều hành”, thách thức từ Trung Quốc đòi hỏi nỗ lực và năng lượng “từ các nền dân chủ” thành “từ nhiều quốc gia”, Đài Loan “vẫn nở rộ thành một nền dân chủ cường tráng” thành Đài Loan “vẫn phát triển”…
Chỗ nào không biến hóa được thì cắt tỉa: “Nếu bây giờ chúng ta quỳ gối, con cháu chúng ta có thể bị phó thác cho ân huệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà hành động hiện đang là thách thức lớn nhất cho thế giới tự do” thành “Nếu chịu khuất phục, con cháu chúng ta có thể phải hứng chịu những hậu quả từ Trung Quốc.”; “có thể chúng ta đã ngây thơ về chủng loại Trung Hoa đầy độc tố của chủ nghĩa cộng sản” thành “có thể chúng ta quá ngây thơ về Trung Quốc”; “làm ăn với một công ty được ĐCS Trung Quốc chống lưng” thành “làm ăn với một công ty Trung Quốc”; “chúng ta phải cổ động và phú quyền cho nhân dân Trung Quốc vốn năng động, yêu tự do, hoàn toàn khác với ĐCS Trung Quốc” thành “chúng ta phải tiếp xúc với người dân Trung Quốc”; “những vi phạm nhân quyền thô bạo của ĐCS Trung Quốc” thành “những hoạt động vi phạm nhân quyền”; “những gạ gẫm món hời hay những ve vuốt của ĐCS Trung Quốc” thành “những đề xuất béo bở của Trung Quốc”, mục đích của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc là “duy trì sự thống trị tuyệt đối của giới tinh hoa trong ĐCS Trung Quốc và bành trướng một đế chế Trung Hoa” thành “nhiệm vụ của họ là mở rộng đế chế Trung Quốc”; “để bảo vệ lý tưởng của mình trước những chiếc vòi bạch tuộc của ĐCS Trung Quốc” thành để bảo vệ “lý tưởng trước Trung Quốc”…
Chỗ nào không cắt tỉa được thì chặt phăng: Nguyên cả câu “Chúng ta phải ghi nhớ rằng chế độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc là chế độ Mác-Lênin”. Nguyên cả đoạn vinh danh Vương Đan và Ngụy Kinh Sinh, hai nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc nổi tiếng được mời dự sự kiện, và nguyên cả đoạn tiếp theo: “Tôi lớn lên và phục vụ trong quân đội suốt thời Chiến tranh Lạnh. Và nếu có điều gì tôi học được thì đó là: những người cộng sản gần như luôn nói dối. Sự dối trá lớn nhất mà họ rêu rao là ý tưởng rằng họ đại diện cho 1,4 tỉ người bị canh giữ, áp bức và không dám lên tiếng. Hoàn toàn ngược lại. ĐCS Trung Quốc sợ những ý kiến trung thực của người dân Trung Quốc hơn bất kì kẻ thù nào, và không có lý do gì để sợ như vậy, trừ lý do lo đánh mất quyền lực của chính mình.”
Hà Nội tự thủ tiêu
Đoạn: “I have faith. I have faith because of the awakening I see among other nations that know we can’t go back to the past in the same way that we do here in America. I’ve heard this from Brussels, to Sydney, to Hanoi” được dịch “toàn văn” là “Tôi có niềm tin. Tôi có niềm tin bởi thấy nhiều quốc gia đã thức tỉnh và hiểu rằng không thể trở lại quá khứ giống cách chúng ta đang thực hiện ở Mỹ.”, tức câu “Tôi đã nghe điều đó từ Brussels đến Sydney, Hà Nội” bị thủ tiêu.
Vậy Hà Nội thực sự đã nói gì với Ngoại trưởng Mỹ mà nhạy cảm thế? Đợi đến lúc một cựu cán bộ ngoại giao Việt Nam nào đó tiết lộ những “chuyện bây giờ mới kể” trong những trích đoạn hồi ký an toàn nào đó trôi nổi trên mạng, đúng công thức đã được thử thách tí ti cấp tiến tí ti phá rào dâng trào cảm xúc, thì lịch sử đã sang mùa quýt khác, hiện tại chúng ta chỉ biết rằng Hà Nội không thích thú gì bị nêu đích danh cạnh EU và Úc, những đồng minh quân sự truyền thống của Mỹ. Nói cách khác, chớ hy vọng Hà Nội sẽ sốt sắng hoan nghênh cái liên minh chống Trung Quốc mà ông Pompeo đang khẩn thiết kêu gọi, chính thức gia nhập thì chắc chắn càng không.
*
Như mọi thao tác ngôn ngữ, dịch thuật là công cụ của quyền lực. Quyền lực có thể chính trực, quảng đại, khai phóng. Quyền lực có thể gian tà, nhỏ nhen, giam hãm. Quyền lực có thể đắc thắng và quyền lực cũng có thể bất lực. Bản dịch tiếng Việt bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ nói trên, được gọi là “toàn văn” nhưng rõ ràng là phiên bản được cắt gọt điều chỉnh cho phù hợp với khí hậu chính trị Việt Nam, cho thấy khí hậu ấy đã có phần thay đổi. Chưa bao giờ kể từ Hội nghị Thành Đô, một văn bản phê phán Trung Quốc hạng nặng như vậy từng xuất hiện trên truyền thông chính thống ở Việt Nam, dù đã gắn giảm xóc và chỉ thọ không hơn một ngày. Song bản dịch ấy còn cho thấy rõ hơn một quyền lực chao đảo bởi những giằng xé cốt tủy mà chọn lựa nào cũng đe dọa tai họa ngang nhau. Ai đang mừng rằng những tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc của Hoa Kỳ là có lợi cho Việt Nam, đang mong rằng Việt Nam có thể tranh thủ những tín hiệu tích cực ấy, đang chờ Mỹ đi trước trong công cuộc thoát Trung, có vẻ đang móc ảo tưởng từ một chiếc ví rỗng ra xài. Tuyên ngôn chống cộng mới toanh của Hoa Kỳ không mở đường cho Hà Nội, trừ khi đó chỉ là động tác tu từ. Trên trận tuyến ý thức hệ, Hà Nội không có lựa chọn. Không có lựa chọn thực ra là có duy nhất một lựa chọn.
(Tuần báo Trẻ 6/8/2020)
[1] Ở thời điểm tôi viết bài này, chỉ còn trang PetroTimes của Hội Dầu khí Việt Nam chưa hạ bản dịch:
https://petrotimes.vn/toan-van-phat-bieu-keu-goi-chong-trung-quoc-chuyen-che-cua-pompeo-574854.html.
*****
Toàn văn phát biểu kêu gọi chống ‘Trung Quốc chuyên chế’ của Pompeo
26/07/2020
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo mô tả mối đe dọa từ Trung Quốc với nền kinh tế và chính trị Mỹ trong bài phát biểu tại Thư viện Nixon ngày 23/7.
Thật vinh dự khi được có mặt tại Yorba Linda, nơi sinh ra và lớn lên của cố tổng thống Richard Nixon. Xin cảm ơn những nhân viên và ban điều hành Trung tâm Nixon, những người giúp tổ chức sự kiện ngày hôm nay, vốn diễn ra trong giai đoạn rất khó khăn.
Chúng tôi cũng rất vinh dự được thấy những người rất đặc biệt có mặt tại sự kiện, gồm Chris Nixon, người tôi quen biết từ lâu. Tôi cũng muốn cảm ơn Tricia Nixon và Julie Nixon Eisenhower vì sự ủng hộ của họ.
Tôi cũng muốn nhắc tới nhiều người bất đồng chính kiến Trung Quốc đã tới đây sau một hành trình dài. Và xin cảm ơn tất cả các vị khách đã có mặt ở đây, cũng như những người theo dõi qua truyền hình trực tiếp.
Cuối cùng, như thống đốc vừa nói, tôi được sinh ra ở Santa Ana, cách đây không xa. Vợ chồng em gái tôi cũng ngồi dưới hàng ghế khán giả. Cảm ơn hai người đã có mặt, tôi đoán là cả hai không bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ đứng trên này.
Ngoại trưởng Pompeo phát biểu tại Thư viện Nixon, bang California, ngày 23/7. Ảnh: AFP. Bài nói phát biểu của tôi xếp thứ tư trong loạt bài phát biểu về Trung Quốc mà tôi đề nghị Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Chris Wray và Bộ trưởng Tư Pháp William Barr đưa ra.
Skip
Chúng tôi có mục đích và nhiệm vụ rất rõ ràng. Đó là giải thích nhiều mặt khác nhau của quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc, sự mất cân bằng nghiêm trọng đã tích tụ suốt hàng thập kỷ qua, cũng như mục tiêu hướng đến chế độ chuyên chế của Trung Quốc.
Mục tiêu của chúng tôi là làm rõ mối đe dọa mà chính sách về Trung Quốc của Tổng thống Trump đang tìm cách giải quyết, cũng như chiến lược của chúng ta nhằm bảo đảm quyền tự do.
Cố vấn O’Brien nói về hệ tư tưởng. Giám đốc Wray đề cập tới hoạt động gián điệp. Bộ trưởng Barr nhắc đến nền kinh tế. Còn tôi muốn tổng hợp mọi thứ cho người dân Mỹ, đề ra chi tiết về mối đe dọa của Trung Quốc với kinh tế và tự do của chúng ta, cũng như tương lai của nền dân chủ toàn cầu.
Năm sau sẽ đánh dấu tròn nửa thế kỷ diễn ra nhiệm vụ bí mật của Tiến sĩ Kissinger đến Trung Quốc, trong khi năm 2022 sẽ kỷ niệm 50 chuyến thăm của cố tổng thống Nixon.
Thế giới khi đó rất khác ngày nay.
Chúng ta đã kỳ vọng kết giao với Trung Quốc sẽ mang tới một tương lai đầy hứa hẹn về sự thân thiện và hợp tác.
Nhưng giờ đây tất cả chúng ta đều vẫn phải đang đeo khẩu trang và chứng kiến số người chết vì đại dịch tăng từng ngày vì Trung Quốc đã thất hứa với thế giới. Chúng ta mỗi ngày đều đọc những bài báo về tình hình đàn áp ở Hong Kong và Tân Cương.
Chúng ta chứng kiến những thống kê sửng sốt về việc Trung Quốc lạm dụng thương mại, khiến người Mỹ mất việc làm và giáng nhiều đòn nặng nề vào nền kinh tế khắp nước Mỹ, bao gồm cả khu vực nam California. Chúng ta cũng thấy quân đội Trung Quốc ngày càng mạnh hơn và rõ ràng là ngày càng trở nên hăm dọa.
Tôi sẽ nhắc lại câu hỏi trong tâm trí người Mỹ từ California đến Kansas và nhiều nơi khác: Người dân Mỹ phải thể hiện gì sau 50 năm kết giao với Trung Quốc? Liệu những lý thuyết về sự phát triển hướng đến tự do và dân chủ tại Trung Quốc do các lãnh đạo của chúng ta đề xuất đã trở thành sự thật? Đây có phải định nghĩa của Trung Quốc về tình huống hai bên cùng có lợi hay không?
Đứng trên quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ, liệu nước Mỹ có an toàn hơn không? Liệu chúng ta có khả năng xây dựng nền hòa bình cho mình và những thế hệ tiếp theo hay không?
Chúng ta phải thừa nhận một sự thật phũ phàng. Nó sẽ dẫn đường cho chúng ta trong hàng chục năm tới nếu chúng ta muốn một thế kỷ 21 tự do, thay vì hoàn thiện giấc mộng của ông Tập Cận Bình. Mô hình quan hệ mù quáng với Trung Quốc sẽ không làm được điều đó. Chúng ta không được nối tiếp, không được quay trở lại với nó.
Tổng thống Trump đã khẳng định rằng chúng ta cần chiến lược bảo vệ nền kinh tế và lối sống Mỹ. Thế giới tự do phải chiến thắng chủ nghĩa chuyên chế mới này.
Trước khi tôi bị cho là quá hào hứng phá bỏ mọi di sản của Tổng thống Nixon, tôi muốn làm rõ là ông ấy đã làm những điều được coi là tốt nhất với người dân Mỹ vào thời điểm đó, rất có thể ông ấy đã đúng.
Ông ấy là học trò xuất sắc của Trung Quốc, một chiến binh lạnh lùng nhưng đầy mạnh mẽ, cũng là người rất ngưỡng mộ người dân Trung Quốc, tôi nghĩ tất cả chúng ta đều như vậy. Ông ấy đáng được tôn vinh nhờ nhận ra tầm quan trọng của Trung Quốc, ngay cả khi đất nước này bị suy yếu vì những vấn đề nội tại.
Nixon đã giải thích chiến lược tương lai trong một bài viết rất nổi tiếng trên tạp chí Foreign Affairs năm 1967. Ông ấy cho rằng “về tầm nhìn dài hạn, chúng ta không thể để Trung Quốc đứng ngoài đại gia đình các quốc gia. Thế giới không thể yên bình cho tới khi Trung Quốc thay đổi. Mục tiêu của chúng ta là tác động đến những sự kiện, đích đến là thúc đẩy sự thay đổi”.
Tôi nghĩ rằng câu chủ chốt trong toàn bộ bài viết chính là “thúc đẩy sự thay đổi”. Với chuyến thăm lịch sử tới Bắc Kinh, Tổng thống Nixon đã khởi động chiến lược hợp tác của chúng ta. Ông ấy theo đuổi thế giới tự do và an toàn hơn, đồng thời hy vọng đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ đồng tình với quyết tâm này.
Khi thời gian trôi qua, các nhà xây dựng chính sách Mỹ ngày càng tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ mở cửa và tự do hơn khi trở nên thịnh vượng, bớt là mối đe dọa ở nước ngoài và ngày càng thân thiện hơn. Tôi nghĩ rằng mọi thứ khi đó dường như sẽ chắc chắn xảy ra.
Tuy nhiên, giai đoạn đó sẽ chấm dứt. Hình thức hợp tác mà chúng ta theo đuổi đã không mang tới những thay đổi trong nội bộ Trung Quốc mà Tổng thống Nixon hy vọng sẽ tạo ra.
Sự thật là những chính sách của chúng ta và những quốc gia tự do đã hồi sinh nền kinh tế kiệt quệ của Trung Quốc, để rồi Bắc Kinh quay lại lấy oán trả ân.
Chúng ta chào đón công dân Trung Quốc, để rồi thấy chính quyền của họ lợi dụng xã hội tự do và mở cửa của chúng ta. Trung Quốc cử những chuyên gia tuyên truyền vào các hội thảo báo chí, trung tâm nghiên cứu, cơ sở giáo dục và cả những cuộc họp phụ huynh trong trường học.
Chúng ta đẩy những người bạn ở Đài Loan sang bên lề, nhưng họ vẫn phát triển.
Chúng ta cấp ưu đãi kinh tế đặc biệt cho Trung Quốc, để rồi chứng kiến họ yêu cầu các công ty phương Tây làm ngơ hành động vi phạm nhân quyền nếu muốn đặt chân vào thị trường này.
Cố vấn O’Brien đã đề cập một số ví dụ như Marriott, American Airlines, Delta và United phải xóa mọi thông tin về Đài Loan trên website để tránh làm Trung Quốc tức giận. Hollywood, trung tâm của nền sáng tạo và công lý xã hội của Mỹ, cũng chứng kiến việc che giấu những thông tin không có lợi cho Trung quốc.
Điều này cũng diễn ra trên khắp thế giới.
Sự nhiệt thành thế này đã hoạt động như thế nào? Liệu sự nịnh hót có được khen thưởng? Tôi sẽ trích một câu nói trong bài phát biểu của Bộ trưởng Barr tuần trước: “Tham vọng tột độ của giới lãnh đạo Trung Quốc không phải giao thương với Mỹ, mà là tấn công nước Mỹ”.
Trung Quốc sao chép những bí mật kinh tế và tài sản sở hữu trí tuệ của chúng ta, khiến hàng triệu người mất việc khắp nước Mỹ. Họ hút sạch những chuỗi cung ứng khỏi Mỹ và sử dụng cả lao động cưỡng bức. Họ khiến những tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới trở nên kém an toàn hơn cho thương mại quốc tế.
Tổng thống Nixon từng nói ông sợ rằng đã tạo ra một “Frankenstein” khi mở cửa thế giới với Trung Quốc, và giờ chúng ta ở đây.
Những người thiện chí sẽ tranh luận về việc những nước tự do để điều tồi tệ đó diễn ra suốt bao năm. Có thể chúng ta quá ngây thơ về Trung Quốc hoặc ngủ quên trên thắng lợi Chiến tranh Lạnh, hoặc bị đánh lừa bởi phát biểu của Trung Quốc về “sự trỗi dậy hòa bình”.
Dù lý do là gì đi nữa, Trung Quốc ngày càng độc đoán trong nước và hung hăng ở nước ngoài. Và Tổng thống Trump đã nói: đủ rồi.
Tôi không nghĩ nhiều người sẽ tranh cãi về những sự thật mà tôi đề cập hôm nay. Nhưng thậm chí ngay bây giờ, vẫn có người muốn chúng ta duy trì mô hình đối thoại chỉ vì mục đích đối thoại.
Chúng ta sẽ tiếp tục đối thoại, nhưng nội dung sẽ khác. Tôi đến Honolulu cách đây vài ngày để gặp Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì. Nó vẫn là câu chuyện quen thuộc, rất nhiều lời nói nhưng không có đề xuất nào nhằm thay đổi hành vi.
Lời hứa của ông Dương, cũng giống chính quyền Trung Quốc, là trống rỗng. Ông ấy dường như kỳ vọng tôi sẽ chấp thuận yêu cầu của Bắc Kinh, vì nói thật đây là điều quá nhiều chính quyền tiền nhiệm đã làm. Tôi thì không, Tổng thống Trump cũng sẽ không như vậy.
Như cố vấn O’Brien đã giải thích, Tổng bí thư Tập Cận Bình là người rất tin tưởng vào ý thức hệ toàn trị đã cũ nát. Đây là ý tưởng thúc đẩy tham vọng hàng chục năm của ông ấy về chế độ chuyên chế toàn cầu của Trung Quốc. Nước Mỹ không còn có thể phớt lờ khác biệt cơ bản về chính trị giữa hai nước.
Kinh nghiệm của tôi khi còn ở Ủy ban Tình báo Hạ viện, sau đó là Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và hơn hai năm làm Ngoại trưởng đã dẫn tới kết luận sau:
Cách duy nhất để thực sự thay đổi Trung Quốc không phải hành động dựa trên lời nói của giới lãnh đạo, mà là cách họ hành xử. Các bạn có thể thấy chính sách của Mỹ phản ứng với nhận định đó. Tổng thống Ronald Reagan từng cho biết ông đối phó với Liên Xô dựa trên nền tảng “tin tưởng nhưng phải chứng thực”. Với Trung Quốc, tôi nghĩ chúng ta cần “mất tin tưởng và chứng thực”.
Chúng ta, những quốc gia yêu tự do, phải thúc đẩy Trung Quốc thay đổi như mong muốn của Nixon. Chúng ta phải hối thúc Bắc Kinh thay đổi bằng những cách sáng tạo và quyết đoán hơn, bởi hành động của họ đe dọa người dân và sự thịnh vượng của chúng ta.
Chúng ta phải bắt đầu bằng cách thay đổi góc nhìn của người dân và đối tác về Trung Quốc, không thể coi đó là một quốc gia bình thường như các nước khác.
Chúng tôi hiểu rằng giao thương với Trung Quốc không giống những nước bình thường, tuân thủ luật pháp. Bắc Kinh coi các thỏa thuận quốc tế như công cụ để thống trị toàn cầu.
Nhưng việc theo đuổi những điều khoản công bằng, như cách đại diện thương mại của chúng ta làm khi đạt thỏa thuận kinh tế giai đoạn một, có thể buộc Trung Quốc tính toán hành động đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ và những chính sách làm hại người lao động Mỹ.
Chúng ta hiểu rằng làm ăn với công ty Trung Quốc khác với doanh nghiệp Canada. Họ không thuộc quyền quản lý của những hội đồng độc lập, nhiều công ty trong số đó được chính quyền tài trợ và không cần theo đuổi lợi nhuận.
Một ví dụ cụ thể là Huawei. Chúng ta đã ngừng coi Huawei là một công ty viễn thông vô tội vốn chỉ xuất hiện để bảo đảm các bạn có thể nói chuyện với người thân. Chúng tôi đã gọi đúng bản chất của nó là một mối đe dọa an ninh quốc gia và hành động tương xứng.
Nếu các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, họ có thể vô tình hoặc cố ý hỗ trợ những hoạt động vi phạm nhân quyền.
Bộ Tài Chính và Bộ Thương mại đã áp lệnh cấm vận, liệt nhiều quan chức và tổ chức Trung Quốc vào sổ đen vì lạm dụng quyền cơ bản của con người. Nhiều cơ quan đã phối hợp để bảo đảm lãnh đạo doanh nghiệp nắm được cách chuỗi cung ứng của họ hoạt động tại Trung Quốc.
Chúng ta cũng biết rằng không phải tất cả sinh viên và người lao động Trung Quốc là những người bình thường, đến đây chỉ để kiếm một chút tiền và thu thập kiến thức. Quá nhiều người đến Mỹ để đánh cắp tài sản trí tuệ và mang về quê nhà.
Bộ Tư pháp và nhiều cơ quan đang tìm cách trừng phạt những tội phạm đó.
Chúng ta biết rằng quân đội Trung Quốc không phải đội quân bình thường. Nhiệm vụ của họ là mở rộng đế chế Trung Quốc, chứ không phải bảo vệ người dân.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã đẩy mạnh các nỗ lực, cũng như những chiến dịch duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan. Chúng ta đã thành lập Lực lượng Vũ trụ để răn đe Trung Quốc trên ranh giới cuối cùng.
Chúng tôi cũng xây dựng loạt chính sách mới để đối phó Trung Quốc tại Bộ Ngoại giao, thúc đẩy mục tiêu của Tổng thống Trump về công bằng và có đi có lại, điều chỉnh thâm hụt đã mở rộng suốt hàng chục năm qua.
Ngay trong tuần này, chúng tôi đã yêu cầu Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston đóng cửa, vì nó là trung tâm hoạt động gián điệp và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ.
Cách đây hai tuần, chúng tôi đã đảo ngược 8 năm làm ngơ vấn đề luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Chúng tôi cũng kêu gọi Trung Quốc điều chỉnh năng lực hạt nhân, tuân thủ những thực tế chiến lược trong thời đại này.
Mọi cấp của Bộ Ngoại giao trên khắp thế giới đã giao tiếp với những người đồng cấp Trung Quốc để đòi hỏi sự công bằng, có đi có lại.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Mỹ không thể chỉ xoay quanh hành động cứng rắn, điều đó khó lòng mang đến kết quả chúng ta mong đợi. Chúng ta cũng phải tiếp xúc với người dân Trung Quốc.
Điều đó bắt đầu với chính sách ngoại giao gặp mặt trực tiếp. Tôi đã gặp nhiều người Trung Quốc tài giỏi và cần cù ở khắp mọi nơi.
Tôi đã gặp những người Duy Ngô Nhĩ và dân tộc Kazakh rời khỏi Tân Cương. Tôi đã nói chuyện với các lãnh đạo phong trào dân chủ Hong Kong như Hồng y Zen, Jimmy Lai và Nathan Law.
Hồi tháng trước, tôi đã nghe những câu chuyện của những người từng có mặt trong sự kiện Thiên An Môn. Một trong số đó đang có mặt tại đây.
Hãy tưởng tượng thế giới và Trung Quốc sẽ tốt hơn đến thế nào nếu chúng ta được nghe tiếng nói của các bác sĩ ở Vũ Hán, cũng như họ được phát cảnh báo về bùng phát đại dịch do nCoV.
Suốt hàng chục năm, các lãnh đạo của chúng ta đã phớt lờ hoặc giảm nhẹ những tiếng nói chỉ trích dũng cảm tại Trung Quốc, những người đã cảnh báo về chính quyền chúng ta đang đối mặt.
Chúng ta không thể phớt lờ điều đó nữa. Tất cả đều hiểu rằng chúng ta không thể quay về trạng thái cũ.
Nhưng thay đổi cách hành xử của đảng Cộng sản Trung Quốc không phải nhiệm vụ của riêng người dân Trung Quốc. Các quốc gia tự do phải hành động để bảo vệ tự do. Đó không phải điều dễ dàng.
Tôi tin rằng chúng ta có thể thay đổi Trung Quốc, tôi có niềm tin vì chúng ta đã từng làm điều đó. Tôi có niềm tin vì Trung Quốc đang lặp lại nhiều sai lầm của Liên Xô, như xa rời các đồng minh tiềm tàng, gây mất niềm tin trong và ngoài nước.
Tôi có niềm tin. Tôi có niềm tin bởi thấy nhiều quốc gia đã thức tỉnh và hiểu rằng không thể trở lại quá khứ giống cách chúng ta đang thực hiện ở Mỹ. Tôi tin chúng ta có thể bảo vệ nền tự do vì chính sức hấp dẫn của nó. Hãy nhìn những người biểu tình Hong Kong vẫy cờ Mỹ.
Thực tế là vẫn có những khác biệt. Trung Quốc tích hợp sâu vào nền kinh tế toàn cầu, nhưng Bắc Kinh phụ thuộc vào chúng ta nhiều hơn là chiều ngược lại.
Tôi bác bỏ quan điểm rằng chúng ta đang sống trong thời đại không thể thay đổi, rằng một số cạm bẫy đã được thiết lập sẵn và sự thống trị của Trung Quốc chính là tương lai. Cách tiếp cận của chúng ta khó lòng thất bại chỉ vì Mỹ đang suy thoái. Thế giới tự do vẫn đang chiến thắng. Chúng ta chỉ cần tin tưởng và tự hào về điều đó. Nhiều người trên khắp thế giới vẫn muốn đến sinh sống ở một xã hội cởi mở. Họ đến đây để học tập, làm việc và xây dựng cuộc sống. Họ không tìm mọi cách để tới định cư tại Trung Quốc.
Đã đến lúc rồi. Thật tuyệt khi ở đây hôm nay. Thời điểm hoàn hảo. Đã đến lúc các quốc gia tự do hành động. Không phải nước nào cũng tiếp cận Trung Quốc theo cách giống nhau, họ cũng không nên làm vậy. Mỗi nước cần tự thấu hiểu cách bảo vệ chủ quyền, sự thịnh vượng kinh tế và lý tưởng trước Trung Quốc.
Dù vậy, tôi vẫn kêu gọi lãnh đạo mọi quốc gia bắt đầu hành động như Mỹ, đơn giản là theo đuổi sự có đi có lại, minh bạch và có trách nhiệm từ Trung Quốc.
Những tiêu chuẩn đơn giản và mạnh mẽ đó sẽ mang lại kết quả tuyệt vời. Chúng ta đã để Trung Quốc kiểm soát điều khoản hợp tác quá lâu, nhưng điều này sẽ chấm dứt. Các quốc gia cần hoạt động theo cùng nguyên tắc.
Chúng ta phải vạch ra những đường hướng chung, không bị cuốn theo những đề xuất béo bở của Trung Quốc. Đó là điều Washington đã làm khi bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông. Chúng tôi cũng hối thúc các nước trở thành Các quốc gia Trong sạch để thông tin cá nhân của người dân không rơi vào tay Trung Quốc. Chúng ta làm vậy bằng cách đề ra tiêu chuẩn.
Điều này sẽ rất khó khăn với một số nước nhỏ. Họ sợ bị cô lập, không có khả năng hoặc không đủ dũng khí để đứng cùng nước Mỹ vào thời điểm này.
Chúng ta có một đồng minh trong khối NATO không đứng lên theo cách cần có về vấn đề Hong Kong, vì họ sợ Bắc Kinh sẽ hạn chế khả năng tiếp cận thị trường. Đây là hành động sẽ dẫn đến thất bại lịch sử và không được lặp lại.
Chúng ta không thể mắc những sai lầm trong quá khứ. Thách thức từ Trung Quốc đòi hỏi nỗ lực từ nhiều quốc gia ở châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ và đặc biệt là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Nếu không hành động ngay bây giờ, Trung Quốc sẽ làm xói mòn nền tự do và trật tự thượng tôn pháp luật mà chúng ta gây dựng. Nếu chịu khuất phục, con cháu chúng ta có thể phải hứng chịu những hậu quả từ Trung Quốc.
Tổng bí thư Tập Cận Bình sẽ không trở thành người vĩnh viễn điều hành cả trong và ngoài Trung Quốc, trừ khi chúng ta để điều đó xảy ra.
Đây không phải vấn đề kiềm chế và kiểm soát, mà là hàng loạt thử thách mới mẻ và phức tạp và chúng ta chưa từng đối mặt. Liên Xô đóng cửa với thế giới bên ngoài, trong khi Trung Quốc đã hiện diện trong biên giới của chúng ta.
Vì vậy nước Mỹ không thể một mình đối mặt thử thách này. Liên Hợp Quốc, NATO, các nước G7 và G20, nền kinh tế, ngoại giao và sức mạnh quân sự của chúng ta sẽ đủ sức đối phó thử thách nếu chúng ta chọn đúng hướng đi.
Có thể đã đến lúc thành lập một nhóm với các quốc gia có quan điểm tương đồng, một liên minh mới của những nền dân chủ. Chúng ta có công cụ, tôi biết chúng ta làm được điều đó. Chúng ta chỉ cần có đủ ý chí. Xin trích dẫn Kinh Thánh, tôi muốn hỏi liệu “tinh thần của chúng ta mạnh mẽ nhưng thể xác lại yếu đuối”?
Nếu thế giới tự do không thay đổi, không chịu thay đổi, Trung Quốc chắc chắn sẽ thay đổi chúng ta. Bảo đảm tự do trước đảng cầm quyền Trung Quốc là mục tiêu trong thời đại này, và nước Mỹ đang ở vị trí hoàn hảo để dẫn đầu xu thế đó nhờ các giá trị của chúng ta.
Như tôi đã giải thích ở Philadelphia tuần trước, khi đứng ở Hội trường Độc lập, đất nước chúng ta được thành lập dựa trên nền tảng rằng mọi người đều có những quyền bất khả xâm phạm. Công việc của chính phủ là bảo vệ những quyền đó, đây là sự thật đơn giản và mạnh mẽ. Điều đó biến chúng ta thành ngọn đèn dẫn đường tự do cho người dân toàn thế giới, trong đó có cả những người ở Trung Quốc.
Richard Nixon đã đúng khi viết rằng “thế giới không thể an toàn trừ khi Trung Quốc thay đổi”. Đã đến lúc chúng thực hiện lời của ông ấy.
Hôm nay hiểm họa đã rõ ràng. Hôm nay sự thức tỉnh đang diễn ra. Hôm nay thế giới tự do phải hành động. Chúng ta không thể trở lại quá khứ.
Cầu Chúa phù hộ các bạn. Cầu Chúa phù hộ người dân Trung Quốc. Cầu Chúa phù hộ người dân Mỹ.
Xin cảm ơn tất cả các bạn.
*Tricia Nixon và Julie Nixon Eisenhower là con gái cố Tổng thống Nixon, Chris Nixon là con của Tricia.
Theo VNE
-
30/4/1975 – Bao giờ nước mắt có thể “lay lòng gỗ đá”
30/4/1975 – Bao giờ nước mắt có thể “lay lòng gỗ đá”
Huy Đức
Hai bức ảnh chụp cách nhau 13 năm, đều nói về ngày đoàn tụ của hai người tù, hai người cùng một mẹ Việt Nam, nhưng từng bị đặt ở hai bên chiến tuyến.
Bức ảnh thứ nhất, chụp ở ga Hòa Hưng năm 1988. Người đàn ông râu tóc bạc phơ trong ảnh, được xác định, là Đại tá VNCH Nguyễn Công Vĩnh. Ông từ trại cải tạo theo đường xe lửa trở về, được vợ và anh trai (chứ không phải là con trai – theo một người thân của gia đình cho biết), ra sân ga đón [không rõ ai là tác giả bức ảnh tuyệt vời này].
Bức ảnh thứ hai được nhà báo Lâm Hồng Long chụp ngày 4-5-1975, người đàn ông trong ảnh là Lê Văn Thức, tử tù Côn Đảo, khóc trên vai mẹ, bà Trần Thị Bính, quê ở xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ông Thức được cài vào Quân lực VNCH, tốt nghiệp Trường Sĩ quan Thủ Đức, được chính quyền Sài Gòn đưa đi học khóa “tình báo tác chiến” tại Malaysia. Về nước, với lon thiếu úy. Tháng 4-1968, Lê Văn Thức bị Tòa án binh vùng 4 chiến thuật tuyên tử hình vì tội “hoạt động nội tuyến cho Cộng sản”.
Đoàn tụ chắc chắn đều là mong ước của mọi gia đình. Nhưng họ khóc. Thật khó để nói, đó là những “giọt nước mắt vui” hay là những giọt nước mắt tức tưởi. Ngày 30-4-1975, gia đình thiếu úy Lê Văn Thức nằm trong số “triệu người vui”; gia đình đại tá Nguyễn Công Vĩnh nằm trong số “triệu người buồn”. Thật trớ trêu, cả hai sau đó đều không có ai được hưởng ân huệ của hòa bình cả. Đại tá Nguyễn Công Vĩnh bị đưa đi cải tạo suốt 13 năm. Chỉ cần nhìn những chiếc răng rụng của người vợ một thời xinh đẹp của ông, đủ thấy họ đã cơ cực thế nào kể từ khi “miền Nam giải phóng”.
Nhưng, nếu như giọt nước mắt ở ga Hòa Hưng năm 1988 của gia đình đại tá Nguyễn Công Vĩnh đã khép lại một bi kịch kéo dài hơn một thập niên. Thì, giọt nước mắt của mẹ con thiếu úy Lê Văn Thức lại mở ra những ngày buồn trước mắt. Bức ảnh mang lại cho nhà báo Lâm Hồng Long nhiều vinh quang nhưng không thể hóa giải tính khắc nghiệt của chiến tranh hằn lên nhân vật.
“Với lý lịch ‘thiếu úy ngụy’, kể từ ngày hòa bình trở về, Lê Văn Thức không được bố trí công tác mới. Mãi sau này, khi một cán bộ công tác ở UBND huyện Châu Thành, Bến Tre tình cờ đọc được những bài báo viết về nhân vật trong bức ảnh ‘Mẹ con ngày gặp lại’(1991), đã tìm đến nhà anh Thức phỏng vấn và viết bài ‘Viên thiếu úy mang bản án tử hình’ (đăng trên báo Đồng Khởi thứ Bảy). Nhiều người ở địa phương mới biết đến các hoạt động trong quá khứ của anh. Và các cơ quan chức năng mới nhiệt tình vào cuộc để rồi công nhận những đóng góp, hy sinh có thực của Lê Văn Thức”[Theo Hoàng Bình Minh, báo CAND].
Mấy hôm nay, chương trình thời sự của VTV vẫn như 45 năm qua, sắp tới 30-4 là xe tăng, pháo lớn lại nổ đinh tai nhức óc. Hơn 15 năm trước, Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, người mất vợ và 3 người con trong chiến tranh, đã phải đi một vòng các tỉnh miền Tây, gặp gỡ rất nhiều lãnh đạo, nhà báo địa phương, ông gần như khẩn thiết kêu gọi họ đừng kỷ niệm 30-4 theo cách làm cũ nữa; đừng tiếp tục nã xe tăng đại bác vào quá khứ.
Cuối năm ấy, 2004, ông trả lời tuần báo Quốc Tế, số Xuân: “Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu”.
Hàng chục nghìn bản số báo Xuân đã in của tuần báo Quốc Tế, phải đình lại, bóc bài… Mãi tới 31-3-2005, quan điểm này của ông Võ Văn Kiệt về cuộc chiến trước 30-4-1975 mới được đưa ra công chúng.
Cũng năm ấy, trước 30-4-2005, Thành ủy TP HCM gửi cho ông Võ Văn Kiệt “Dự thảo diễn văn” Bí thư Thành ủy đọc tại Lễ kỷ niệm “30 năm ngày giải phóng miền Nam”. Ông vô cùng thất vọng vì bài diễn văn vẫn lặp lại những ngôn từ sáo mòn, công thức; vẫn xe tăng, vẫn đại bác… tiếp tục nã vào người anh em.
Đã 15 năm qua, tuy liều lượng có bớt đi nhưng cách tiếp cận của bộ máy tuyên truyền vẫn không thay đổi.
Khi nghĩ về ngày kết thúc chiến tranh, cả Trịnh Công Sơn và Văn Cao đều khá lạc quan. Trịnh Công Sơn tưởng rằng, những “giọt nước mắt vui” có thể “lay lòng gỗ đá”. Văn Cao cũng hy vọng, nước mắt “sưởi ấm đôi vai anh”. Và ông tưởng:
“Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người…”
Sự khác nhau giữa Văn Cao và Trịnh Công Sơn, có lẽ ở chỗ, với một tâm hồn đầy trắc ẩn như Văn Cao, cho dù thốt ra như vậy, nhưng các dự cảm buồn vẫn ám ảnh từng phách, nhịp trong “Mùa Xuân Đầu Tiên” của ông.
Bao giờ, quê hương tôi mới hết những giọt nước mắt tức tưởi; bao giờ mới thực sự có “những giọt nước mắt vui”; bao giờ lòng người Bên Thắng Cuộc mới thôi gỗ đá.
H.Đ.
Nguồn: FB Truong Huy San
-
Nếu Facebook, Google… tạm biệt chúng ta
Dạ Lữ
(NLĐO) – Dự thảo Luật An ninh mạng VN làm dậy sóng mấy ngày nay vì có thể dẫn đến nguy cơ các nhà cung cấp ứng dụng Facebook, Google, Viber, Skype… rời bỏ Việt Nam.
Tranh cãi nằm ở Khoản 4, Điều 34 Dự thảo Luật An ninh mạng: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”.
Phản biện dự thảo này, VCCI cảnh báo quy định buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam là trái với các cam kết quốc tế mà chúng ta đã tham gia và ký, như WTO, EVFTA, TPP (đàm phán xong). Trong khi đó, lý do cơ quan soạn thảo đưa ra là “đặc thù Việt Nam”, “bảo đảm an ninh mạng và an toàn thông tin”, cũng như phòng thủ trước các cuộc tấn công mạng…
Đây rõ là biểu hiện của nỗi sợ quản không được thì cấm. Điều gì sẽ xảy ra nếu những ông lớn công nghệ nói trên rời bỏ Việt Nam?
Hội nhập quốc tế càng sâu rộng, chúng ta càng phải tuân thủ luật chơi chung. Đừng đem cái “đặc thù Việt Nam” ra để nói chuyện với bạn bè quốc tế nếu chúng ta bẻ gãy luật chơi. Đó không chỉ là uy tín quốc gia mà còn là quyền lợi của hơn 95 triệu dân trong nước.
Thấy cũng lạ, mỗi khi đưa ra các quy định gây phản ứng, cơ quan hữu trách thường bảo để “cho phù hợp thông lệ quốc tế”, còn cái này thì làm ngược lại. “Quốc tế” thì chỉ có một, đâu có nhiều “quốc tế” mà nói khác nhau?
Thống kê của We Are Social đến đầu năm 2017 cho thấy đã có gần 40 triệu người Việt Nam sử dụng Internet, trong số này 51% dùng Facebook và YouTube của Google cũng thu hút được tới 51% công dân “số” người Việt sử dụng. Và các số liệu này càng tăng. Điều đó chứng tỏ sự tiện dụng và hiện đại do các ứng dụng này mang lại. Nên nhớ, chúng ta sử dụng các ứng dụng do Facebook, Google, Viber… phát triển hầu như là “xài chùa”, không tốn tiền nhưng độ ổn định và an toàn thì hơn hẳn nhiều dịch vụ trong nước.
Gần 10 năm trước, Việt Nam tung ra mạng xã hội go.vn với tuyên bố sẽ thay thế Facebook nhưng rồi go.vn biến mất tăm mất dạng; nhiều mạng xã hội do nội địa phát triển cũng lần lượt bái biệt không kèn không trống. Trong khi người Việt bây giờ, nếu thử hỏi 10 cư dân mạng, sẽ có ít nhất 9 người có sử dụng một trong các dịch vụ của Facebook, Google, Viber, Skype…
Còn nhớ, 20 năm trước, Việt Nam hoà mạng Internet với nhiều băn khoăn, trong đó có băn khoăn về quản lý. Nhưng rồi, như chúng ta đã thấy, cùng chính sách mở cửa, Internet đã giúp chúng ta phát triển như thế nào. Nhiều chuyên gia công nghệ nhận định quốc gia nào vắng mặt trên xa lộ thông tin toàn cầu, quốc gia đó sẽ quay về thời kỳ đồ đá. Câu nói của dân mạng Việt “nếu tôi chết, hãy chôn tôi ở nơi có Internet” cũng là vì vậy!
Thế thì xin hỏi các nhà soạn thảo dự luật, tại sao chúng ta đi ngược xu thế thế giới, đi ngược xu thế phát triển? Chúng ta giúp được gì tốt hơn cho dân trong khi các dịch vụ số trong nước còn èo uột? Chúng ta đã ký cam kết quốc tế, toàn những sân chơi lớn, mà sao lại đi bẻ cong quy định, vậy làm sao ăn nói với người ta?
Luật thì phải cấp tiến, bám sát thực tiễn cuộc sống và phù hợp thông lệ quốc tế, đừng để vừa ra đã sửa như một số luật đã từng mắc phải. Khó như vậy nên cử tri, người dân mới cần và tin tưởng vào những “công bộc” tài trí của mình.
“Tôi không dùng Facebook, Viber, Zalo, YouTube vì mấy thứ này rất đau đầu và mất thời gian. Tôi thường nói vui với bạn bè là dùng mấy thứ này suốt ngày cứ phải vào xem có ai chọc ngoáy, có ai chửi mình hay không, rất nhức đầu. Mỗi người comment một tí thành ra phiền toái” – Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Thanh Hải nói trong tọa đàm “Chia sẻ Nghiên cứu sáng kiến về Công nghệ thông tin cơ bản và an toàn Internet tại Việt Nam” hôm 3-11.
Thưa ông Cục trưởng, minh bạch và trong sạch thì chẳng việc gì phải sợ. Thủ tướng Hun Sen của nước bạn Campuchia còn buộc các thành viên chính phủ phải dùng mạng xã hội để trao đổi công việc đấy ông ạ!
Có phải sợ đau đầu, sợ bị chửi… là lý do? Nói thật, còn tư duy lỗi thời như vậy thì việc hô hào cách mạng 4.0 chỉ là sáo rỗng!
http://nld.com.vn/noi-thang/noi-thang-neu-facebook-google-tam-biet-chung-ta-20171105091932692.htm
-
Phan Thanh Giản, nỗI đau trăm năm
Từ thời lập quốc dân tộc Việt Nam trãi qua nhiều gian khổ chống ngoại xâm giữ nước, dù bị ngàn năm Bắc thuộc, gần 100 năm thuộc điạ cuả Pháp, Dân tộc Việt Nam giành lại độc lập, tự do. Từ thời Cổ Đại khi Ngô Quyền (899 – 944) xưng vương năm 939, biên giới giữa nước ta và Chiêm Thành là dãy Hoành Sơn, nằm phiá nam tỉnh Hà Tĩnh ngày nay. Di tích lịch sử phần lớn ở miền Bắc là cái nôi văn hóa, để mở rộng bờ cõi về phiá nam vua Lê Đại Hành (970-1005) đánh Chiêm Thành năm 982 (Nhâm ngọ).
Chiến tranh rồi cũng có lúc hiếu hòa qua cuộc hôn nhân Việt- Chiêm năm 1306 (Bính ngọ) vua Chế Mân (Simhavarman lll) cưới Huyền Trân Công Chúa, sính lễ là hai Châu Ô và Châu Rí (Lý) mở rộng tới Quảng Nam và các triều đại kế tiếp dần dần chiếm phần đất cuối cùng của Chiêm Thành…Chúa Nguyễn nghĩ đến vùng đồng bằng Chân Lạp (Chen-La Cambodia). Năm 1620 Sãi Vương gả công chúa thứ 2 Nguyễn Phúc Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey-Chetta ll, cũng vì nhu cầu đất đai mở rộng biên giới. Qua nhiều lần tranh chấp nội bộ người Chân Lạp gây chiến tranh với Việt Nam, người Việt đã chiến thắng, từ năm 1757(Đinh sửu) cương thổ nước ta chính thức được hình thành cho tới ngày nay.
Trong cuộc Nam tiến những đợt di dân từ miền ngoài đến miền Nam khai phá rừng hoang, lập nên ruộng đồng, làng mạc, nhờ phù sa sông Cửu Long nên ruộng đất phì nhiêu sản xuất nhiều lúa gạo là vựa lúa nuôi sống miền Nam giữ một vài trò vô cùng quan trọng trong nông nghiệp. Nhờ phong thổ, khí hậu sông nước, làm chơi ăn thiệt nên đời sống người miền Nam phóng khoáng và giọng nói cũng nhẹ nhàng hơn, văn học từ đó cũng phát triển theo mang những nét đặc thù qua thi ca, hò nam bộ, cãi lương, ca vọng cổ … đóng góp cho văn học nước nhà thêm phong phú. Thời xa xưa các bậc khoa bảng đều xuất thân ở miền Trung và Bắc, vì thời đó phương tiện lưu thông chưa phát triển. Từ miền Nam muốn dự các kỳ thi phải về Kinh Đô Huế đường xá xa xôi. Phan Thanh Giản là người đầu tiên đậu tiến sĩ xuất thân từ miền Nam, cũng là người mang nỗi đau vì để mất các tỉnh miền Nam vào tay thực dân Pháp, chết cũng không yên bị đục bia tiến sĩ, cách chức rồi phục hồi danh dự, Từ năm 1975 hai trường trung học mang tên Phan Thanh Giản ở Cần Thơ và Đà Nẵng đều bị đổi tên? Để trả lại sự thật cho lịch sử, chúng ta có bổn phận phải chia xẻ nỗi đau của Phan Thanh Giản dù ngài đã mất cách đây 150 năm (1867-2017).
Xem trọn bài
-
Ai có quyền viết sử VN?
TRẦN TRUNG ĐẠO
9/23/2017
Từ hậu bán thế kỷ 19 đến nay, có bao nhiêu cuộc chiến, trong đó các bên đã đổ máu, diễn ra trên đất nước Việt Nam?
Câu trả lời tùy thuộc vào người bạn hỏi là ai.
Nếu bạn hỏi một sử gia người Mỹ có thể ông hay bà sẽ trả lời, Chiến tranh Việt Nam (Second Indochina War hay Vietnam War) là cuộc chiến tranh chống CS bành trướng xuống vùng Đông Nam Á bắt đầu từ ngày 1 tháng 11, 1955 khi Nhóm Cố Vấn Quân Sự Hoa Kỳ (U.S. Military Assistance Advisory Group) được thành lập tại Sài Gòn và chấm dứt khi Thượng sĩ Max Beilke, người lính tác chiến cuối cùng bước lên chiếc C-130 tại phi trường Tân Sơn Nhất để về quê anh ở Minnesota ngày 29 tháng 3, 1973.
Đối với các sử gia Mỹ, cuộc xung đột quân sự tại Việt Nam là xung đột giữa Mỹ một bên và CSVN một bên. Việt Nam Cộng Hòa chỉ là một phần phụ thuộc vào Mỹ.Nếu bạn hỏi Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng CSVN, ông ta sẽ trả lời cuộc chiến “chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa, thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa CS trên toàn lãnh thổ Việt Nam chính thức bắt đầu vào tháng Giêng, 1930 tại Cửu Long, Hương Cảng và chấm dứt vào sáng 30 tháng Tư, 1975.”
Đối với Nguyễn Phú Trọng, chính bí thư thứ nhất đảng Lao Động (CS) Lê Duẩn, trong tác phẩm Dưới Lá Cờ Vẻ Vang Của Đảng đã xác định cuộc chiến từ sau 1954 đến 1975 là chiến tranh của đảng Cộng Sản. Trong diễn văn đọc tại Sài Gòn đầu tháng 5, 1975 Lê Duẩn khẳng định “Vinh quang này thuộc về đảng Lao Động Việt Nam quang vinh, người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.” Lê Duẩn không che giấu mục đích của đảng CSVN từ khi thành lập vào năm 1930 cho đến nay, tuy khác nhau về chiến lược của mỗi thời kỳ và hoạt động dưới nhiều tên gọi nhưng hoàn toàn nhất quán về tư tưởng và mục đích chính trị: Chiếm Việt Nam bằng bạo lực và cai trị Việt Nam bằng sắt máu.
Tuy nhiên, nếu bạn tìm được cách vào tù để hỏi Trần Huỳnh Duy Thức có thể anh sẽ trả lời khác. Cuộc chiến giành độc lập và tự do cho dân tộc Việt Nam bắt đầu vào ngày 1 tháng 9, 1858, khi quân Pháp dưới quyền Đô Đốc Charles Rigault de Genouilly tấn công Đà Nẵng chính thức mở đầu cuộc chiến tranh vì độc lập tự do và cuộc chiến đó vẫn còn đang tiếp diễn cho đến hôm nay.
Người viết tin anh Trần Huỳnh Duy Thức trả lời như thế, bởi vì trong Con đường Việt Nam, anh khẳng định “sẽ không có sự độc lập nếu không có tự do. Và sẽ không có độc lập dân tộc nếu không có độc lập cá nhân. Điều này là chân lý.”Đúng vậy, độc lập cá nhân có quan hệ hỗ tương và nhân quả với độc lập dân tộc và do đó, cuộc chiến chống Thực Dân Pháp và cuộc đấu tranh chống độc tài CS là một cuộc vận động vì độc lập, tự chủ, dân chủ, tự do liên tục của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Đó là con đường đầy máu nhuộm, đầy hy sinh nhưng rạng ngời chính nghĩa.
Bộ máy tuyên truyền của đảng CS nhuộm đỏ nhận thức người dân Việt Nam bằng lý luận chỉ có đảng CSVN mới là đảng duy nhất thật sự mang lại độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.
Không phải.Đừng quên rằng, bảy mươi mốt năm trước khi đảng CSVN thành lập năm 1930, con đường chiến đấu vì độc lập, tự do của toàn dân tộc Việt đã bắt đầu. Bắt đầu với máu của Đô Đốc Lê Đình Lý bị trọng thương ở Đà Nẵng, bằng thanh gươm của Tổng Đốc Võ Duy Ninh tự sát sau khi thành Gia Định thất thủ, được tiếp tục lót bằng sự hy sinh của Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Trương Công Định, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Phan Đình Phùng, Tôn Thất Thiệp, Tôn Thất Đạm, Nguyễn Duy Hiệu, Tống Duy Tân, Đinh Công Tráng, Hoàng Hoa Thám và vô số anh hùng dân tộc khác.
Đừng quên rằng, bốn mươi năm trước khi Hồ Chí Minh đặt chân trở lại Việt Nam lần đầu năm 1941, các tư tưởng dân chủ khai phóng của Jean-Jacques Rousseau, Montesquieu, Voltaire, Duy Tân Nhật Bản đã được các nhà cách mạng Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và các nhà cách mạng của phong trào Duy Tân truyền bá khắp ba miền. Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục do các nhà tân học miền Bắc như Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ đề xướng được đông đảo đồng bào ủng hộ. Phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu kêu gọi đã thúc giục hàng trăm người Việt yêu nước như Lương Ngọc Quyến, Hoàng Trọng Mậu lên đường sang Nhật theo học tại các trường đại học quân sự Nhật.
Đừng quên rằng, hai mươi năm trước khi đảng CSVN ra đời đã có rất nhiều đảng phái chính trị chống thực dân Pháp được thành lập như Việt Nam Quang Phục Hội do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo, đảng Lập Hiến của nhà cách mạng Bùi Quang Chiêu, Thiên Địa Hội của Phan Xích Long, Việt Nam Quốc Dân Đảng do nhà cách mạng Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Các tổ chức cách mạng đó có khác nhau về phương pháp thực hiện nhưng đều đặt cơ sở trên nền tảng dân tộc và hướng tới một chế độ Cộng Hòa. Hai nhà cách mạng Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh chỉ khác nhau về đường lối tiến hành cách mạng chứ không khác nhau về mục đích và thể chế chính trị sau khi cách mạng dân tộc thành công. Ngay từ thời điểm đó, hai cụ Phan cũng đã khẳng định chế độ Cộng Hòa là con đường thời đại và là chế độ mang lại tự do, dân chủ và thịnh vượng cho dân tộc Việt Nam. Cương lĩnh của Việt Nam Quang Phục Hội do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo vạch rõ mục tiêu của cách mạng là “đánh đuổi thực dân Pháp giành lại nước Việt Nam độc lập, thành lập Cộng Hòa Dân Quốc Việt Nam.”
Đừng quên rằng, chín mươi năm trước khi Tạp chí Cộng Sản ra đời 1955, mấy mươi tờ báo đã được phát hành khắp nước như Gia Định Báo (1865), Tiếng Dân (1876), Nông Cổ Mín Đàm (1901), Đông Dương Tạp Chí (1913), Nam Phong Tạp Chí (1917), An Nam Tạp Chí (1926), Phụ Nữ Tân Văn (1929), Tiểu Thuyết Thứ Bảy (1934) và nhiều báo Pháp Ngữ. Dù khác nhau lập trường chính trị, lề lối điều hành nhưng tất cả đều nhằm thúc đẩy tiến trình khai dân trí tại Việt Nam.
Đừng quên rằng, năm 1945, theo tài liệu chính thức của đảng CSVN, tổng số đảng viên CS chỉ vào khoảng năm ngàn người trong khi con số người Việt yêu nước bị tù đày trên Côn Đảo qua nhiều thời kỳ, đã lên đến hai trăm ngàn người. Điều đó cho thấy, dù số lượng đảng viên CS có tăng dần, đại đa số những thế hệ Việt Nam chống Pháp là những người không Cộng Sản. Bức ảnh bi thương của ba chiếc đầu Đặng Đình Nhân, Nguyễn Trị Bình và Nguyễn Văn Cốc đựng trong rọ sau khi bị chém ngày 8 tháng 7 năm 1908 trong vụ Hà Thành Đầu Độc là một trong vô số bằng chứng hùng hồn truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.
Nhưng tại sao CS thắng?CS thắng chỉ vì họ không từ chối bất cứ một thủ đoạn nào dù bất nhân đến bao nhiêu, không hề tính toán cân nhắc phải chết hay phải giết chết bao nhiêu người, miễn là đạt được mục đích CS hóa Việt Nam. Song song đó, đảng CS áp dụng một chính sách tuyên truyền tẩy não, lợi dụng lòng yêu nước, bưng bít thông tin một cách tinh vi và tàn nhẫn nhất trong lịch sử loài người.
Một trong những ông tổ tuyên truyền thời hiện đại là Joseph Goebbels cũng đã phải bái phục bộ máy giết người và hệ thống tuyên truyền CS. Trong diễn văn khá dài đọc trước đại hội đảng Quốc Xã vào tháng Chín, 1935, Joseph Goebbels phân tích chủ trương tuyên truyền CS “bắt đầu với nguyên tắc cứu cánh biện minh cho phương tiện”, và tố cáo đó là “sự giả dối và vu khống, khủng bố con người và quần chúng, trộm cắp và đốt phá, đình công, phá hoại, gián điệp…” Tuyên truyền CS, theo Goebbels nhằm “ám sát cá nhân, ám sát con tin, giết người tập thể là các phương pháp được CS ưa thích để loại bỏ đối kháng…” Joseph Goebbels nghiên cứu và tố cáo chính sách tuyên truyền tẩy não, trấn áp, khủng bố CS nhưng trong thực tế y đã áp dụng hầu hết các biện pháp CS với một mức độ dã man không kém.
Các đảng phái quốc gia Việt Nam không làm được điều đó. Họ nhân ái quá. Họ Việt Nam tính quá. Chính vì lòng nhân ái và Việt Nam tính đó mà phần đông những nhà cách mạng độc lập và dân chủ đã chết, không chỉ chết dưới máy chém thực dân mà còn do CS thủ tiêu như Đức Huỳnh Giáo Chủ, Trương Tử Anh, Phạm Quỳnh, Khái Hưng, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Bùi Quang Chiêu, Hồ Văn Ngà, Nguyễn Thế Nghiệp v.v..
Và hôm nay, một trăm năm mươi chín năm từ buổi sáng ngày 1 tháng 9, 1858 ở Đà Nẵng những Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga v.v.. lại tiếp tục con đường Phạm Hồng Thái, Lương Ngọc Quyến, Tôn Thất Thiệp đã đi, để viết nên trang sử độc lập tự do cho mỗi người Việt Nam và cho dân tộc Việt Nam.Không ai có quyền viết sử Việt Nam ngoài chính dân tộc Việt Nam đang chịu đựng dưới ách độc tài CS. Con đường có thể còn xa nhưng là con đường chính sử. Chuyến xe có thể phải chậm vì chạy bằng máu của chính mình nhưng là chuyến xe tự chủ, không nô lệ cho bất cứ một ngoại bang nào.
Trần Trung Đạo
(23 tháng 9, 2017)