• Tin Buồn: Phân Ưu,  Trang Tưởng Niệm TH Thích Tuệ Sĩ,  Văn Thơ Lạc việt

    Trang Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

    VĂN THƠ LẠC VIỆT khóc người hiền

    THÍCH TUỆ SỸ sư đã thoát phiền

    Cầu nguyện Người về nơi Phật Quốc

    Độ trì dân Việt hết truân chuyên…

              Văn Thơ Lạc Việt

    Kính Tiễn Hoà Thượng Tuệ Sỹ

    Gió lạnh thu sầu lá ngập hiên

    Tin buồn Hoà Thượng đã nằm yên 

    Nhà thơ đạo pháp ban lời ngọc

    Tu sĩ kinh từ khỏa bút nghiên 

    Cốt cách oai nghi ngài đạt diệt 

    Tâm tư vững chải bậc tham thiền 

    Nhân quyền giải thưởng tùy duyên hợp 

    Phật quốc cao đăng đấng thánh hiền 

               Minh Thúy Thành Nội 

                 Tháng 11/24/2023

    Tiếc Thương Thầy Tuệ Sỹ

    Người đã đi về phương trời xa thẳm

    Thịt da người máu đỏ thấm chân đi

    Tư tưởng người trái tìm còn nóng bỏng

    Vì tha nhân còn ảo vọng sân si.

    Ánh hào quang chiếu sáng thời hiện tại

    Tuyệt tác văn chương chứng tỏ nhân tài

    Đức khiêm nhường tự cho mình nhỏ bé

    Lúc đêm khuya vằng vặc ánh sao mai.

    Để một thoáng nơi trần gian tạm trú

    Cánh hạc bay rồi đến tận chân mây

    Thầy Tuệ Sỹ vĩnh hằng nơi chín suối

    Lòng bồi hồi chưa kịp nói chia tay.

    Tiếng kinh cầu âm vang nơi cửa Phật

    Mái chùa cong bóng dáng vị sư già

    Thích Tuệ Sỹ người hiền từ chân chính

    Xác thân này xin phủ áo cà sa.

    Tế Luân

    Thành kính phân ưu

    Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

    KÍNH TIỄN THẦY THÍCH TUỆ SỸ

    *

    Một đóa huỳnh sen mới rũ tàn

    Đau buồn Phật tử khắp nhân gian

    Viện Tăng Thống giữ tài danh kiệt

    THÍCH TUỆ SỸ còn đức tiếng vang

    Học giả văn chương từng rực rỡ

    Giáo sư dịch thuật đã huy hoàng

    Thầy đi kính tiễn – tâm hương gửi

    Cực Lạc người về hưởng phước an

         Phương Hoa – NOV 25 2023

    ĐIẾU THI BÁI BIỆT

    Nam mô nhất niệm chí thành Hồng ân Tam Bảo:

    Giữa dòng đời thành trụ hoại không,

    Như bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông;

    Theo mưa dầm nước lũ,

    Trời đất đã sang Đông.

    Báo tin đầy thương tiếc:

    Hòa thượng Thiền sư Tuệ Sỹ,

    Sau 81 năm trụ thế, 74 mùa bản hạnh viên dung,

    Trí tuệ, từ bi pháp thân hư huyễn,

    Vừa theo mây nước ra đi:

    “Lời tiễn biệt nói gì sau tiếng hát,

    Hỏi phương nào cho nguyện ước Trường Sơn.”

    Nhớ hương linh xưa…

    Thầy đã đến và đã ra đi từ vạn cổ,

    Mỗi kiếp đời là một bước uyên nguyên:

    Tiểu kiếp kia mặc áo hồ cừu,

    Tiểu kiếp nầy mặc áo cà sa,

    Tiểu kiếp nọ mặc hoàng bào…

    Muôn tiểu kiếp vạn ta bà thế giới,

    Hơn bảy mươi năm trước,

    Chú Thương vượt Trường Sơn tìm nẻo Đạo,

    Paksé, Nam Lào, Quảng Bình, Lao Bảo…

    Núi thẳm, rừng thiêng, truông dữ, mặc đèo cao:

    Vĩnh quyết, nhất tâm, nương mình Phật đạo.

    Thắng duyên một thuở,

    Nơi xứ Huế trầm lắng, đơn sơ,

    Mà được xem là kinh đô Phật giáo.

    Bởi mái chùa và viện chủ là… Ôn:

    “Ôn” là Ông mà cũng là ôn nhu, ôn hòa, ôn nhã, ôn hậu, ôn tồn…

    Đem ân pháp truyền thừa cho sa di 7 tuổi đời là Tuệ Sỹ.

    Tuệ thông thái mà phát huy danh Sỹ,

    Nên uyên thâm tài trí song toàn,

    Đại tạng, hàn lâm, nội điển, kinh tàng…

    Hán, Phạn, Pháp, Anh, Nhật, Đức… ngữ văn,

    Quán thông triệt giữa trường văn thế đạo.

    Thích Tuệ Sỹ:

    Tuổi đôi mươi (1964) đã tốt nghiệp đại học Phật giáo,

    Tuổi thanh xuân (1970) thành giáo sư đại học        

     do những công trình nghiên cứu uyên thâm.

    Tuổi trung niên: Một cõi tài hoa văn đàn thi phú,

    Biên và dịch nhiều danh phẩm Đông Tây kim cổ…

    Đạo và đời tương tác nhân văn.

    Chiên đàn hương hỷ lạc,

    Vườn hoa tâm thơm ngát là thơ.

    Lời phiêu hốt bi hùng như sóng cả…

    Giấc mơ Trường Sơn và những chân trời tuyệt lạ,

    “Yêu rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng”

    Lịch sử sang trang,

    Sư về bên cổ tích.

    Từ tâm trong thế cuộc can qua,

    Sách vở văn chương một thời xa lạ,

    Nhân thế trông nhau qua những cặp kính màu.

    Một thân thế một tâm hồn bên góc trời miên viễn,

    Không ẩn tàng mà xuất xử với năm châu.

    Cửa Thiền không khép,

    Giữa cuộc bể dâu.

    Thời thế, thế thời, thế thái biết về đâu;

    Bát Nhã xuất ly; Đại Bi nhập thế,

    Cõi tâm hư thao thiết tìm cầu:

    Là tu sĩ không chỉ nguyện cầu,

    Là thi nhân thơ càng dậy sóng…

    Là học giả tay không nghìn phương trượng,

    Quyết dấn mình ngọc bối vớt nông sâu.

    Nước trong không sợ vương tay,

    Cây ngay không tày chết đứng;

    Nên đã trải qua mấy bờ sinh diệt,

    Nắng dọi, Thu về, vĩnh kết vẫn hôm nay!

    Thầy Tuệ Sỹ,

    Hòa thượng thiền sư Tuệ Sỹ,

    Nhà thơ  học giả Tuệ Sỹ,

    Nhiều tên gọi một phiến đời kẻ sĩ,

    Đã trùng trùng nối tiếp bước chân qua.

    Nhậm vận thịnh suy – thăng trầm thành bại,

    Giữa vàng thau lẫn lộn cõi Ta Bà.

    Và cứ thế phiêu linh vời vợi,

    Cứ an nhiên như đã về đã tới!

    Xuất thì vui hồn nhiên như ngày mới,

    Xử thì hoàn không về quán niệm cõi Tây Phương.

    Thầy vừa mới đó…

    Chiều êm vắng tiếng dương cầm tịch tĩnh,

    Và hôm nay vân hành Bồ Tát Đạo,

    Vạn lý du bước tiếp cuộc hành trình,

    Bọt nước bèo mây như như hoa đóm,

    Mắt nhắm mơ hồ thư pháp rọi kinh xưa.

    Có chín phẩm hoa sen làm nụ cười phụ mẫu,

    Hiển bày sen nở thấy Phật trọn niềm vui,

    Bồ tát viên dung là bạn lành.

    Cuộc đời là quán trọ,

    Nẻo về là thiên phương.

    Nên trong Nẻo Về dặn dò giải thoát:

    “Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn,

    Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về?”

    Chân không diệu hữu,

    Thầy vừa ra đi như bóng mây bay qua,

    Sư tử hống Trường Sơn uy nghi rừng thẳm,

    Nắng xế trăng tà không lại hoàn không.

    Theo diệu lý Khổ, Duyên, Không;

    Tam pháp ấn Thế tôn truyền dạy.

    Đường về Bến Giác thuần thanh tịnh.

    Tứ chúng tri ân bái biệt Thầy.

    Pháp quyến, môn đồ,

    Thiện hữu, thiền duyên…

    Tiếp dẫn pháp hành vãng sanh Cực Lạc,

    Chí tâm đồng niệm:

    Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

    Nguyên Thọ

    A-1-Trang-Tuong-Niem-Hoa-Thuong-Thich-Tue-Sy-11-25-23-copy-2

    HUYEN-THOAI-VE-THAY-TUE-SY-KIEU-MY-DUYEN

  • Tin tức

    Tưởng Niệm Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn (1936 – 2023)

    Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn sinh tại huyện Gia Lâm thuộc tỉnh Bắc Ninh (về sau đổi thành quận Gia Lâm tỉnh Hà Nội) và di cư vào Nam năm 1954.

    Ông đóng góp nhiều sáng tác văn học nghệ thuật dưới nhiều dạng: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, bút ký. Tác phẩm Áo mơ phai đoạt Giải Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng hòa năm 1973.

    Nguyễn Đình Toàn viết nhiều truyện dài đăng thành nhiều kỳ trên các báo chí Việt Nam Cộng hòa như tạp chí VănVăn Học và các nhật báo như Tự DoChính LuậnXây dựng, và Tiền Tuyến.

    Ông cũng có tay trong việc phát triển tân nhạc Miền Nam qua chương trình phát thanh Nhạc chủ đề trên đài phát thanh quốc gia Việt Nam Cộng hòa mỗi tối Thứ Năm.

    Sau năm 1975, ông bị bắt và giam học tập cải tạo 10 năm mới được thả. Năm 1998 ông cùng vợ được xuất cảnh sang Hoa Kỳ và định cư ở California nơi ông tiếp tục viết cho báo Viet Tide.

    Những nhạc phẩm trứ danh nhất của ông gồm “Sàigòn niềm nhớ không tên” (nguyên nhan đề là “Nước mắt cho Sàigòn”) và “Tình khúc thứ nhất”, “Em đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi” do Vũ Thành An phổ nhạc. Ca sĩ Khánh Ly đã thâu âm và phát hành hai dĩa hát với những sáng tác của ông.

    Ông tạ thế hồi 19 giờ 15 phút ngày 28 tháng 11 năm 2023 tại tư gia, theo giờ California.

    Thương Tiếc Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Toàn 

    Nhạc sĩ Đình Toàn bỏ chớm đông 

    Còn đây tác phẩm tiếc trong lòng 

    Thương tình độc giả buồn yêu bạn 

    Thấm cảnh hiền thê khổ khóc chồng 

    Gió lạnh đìu hiu lùa trước ngõ

    Mưa sầu ảm đạm rớt ngoài song 

    Trầm ngâm quán tưởng Sinh rồi Lão

    Bệnh, Tử am tường lẽ Sắc, Không 

              Minh Thúy Thành Nội 

                 Tháng 12/1/2023

  • CHU LYNH (Vietnam Film Club),  Văn

    Thằng Kevin – Truyện Ngắn CHU LYNH

    Thằng Kevin

    Chu Lynh

    Chú Ngôn hích cùi chỏ vào tay Kevin. Nó giật mình mở mắt.

    • Tới đâu rồi chú? 

    Không trả lời, chú Ngôn chỉ cảnh biển bên phải. Nó la lên:

    •  Biển đẹp quá!

    Kevin hiểu ý chú Ngôn, lôi chiếc máy Canon gồ ghề ra khỏi túi xách.  Kevin vui ra mặt, nói đây là cảnh đẹp nhất nó bắt gặp từ ngày về Việt Nam.  Nó chê biển Vũng Tàu tạp nhạp, cảnh Suối Tiên giả tạo, phố xá Sài Gòn ô nhiễm.  Coi bộ thằng nhỏ mê chụp hình giống chú hồi đi lính, về hậu cứ hay ngoài mặt trận, lúc nào cũng kè kè chiếc máy Petri bên mình.  Mà thiệt, hình nó chụp cái nào cũng có góc cạnh độc đáo.

    Biển một màu xanh biếc, lặng im với vài chiếc tàu lẻ loi xa xa.  Bên đường lộ, là một cơ sở du lịch, lèo tèo vài chiếc xe hơi, không có dấu hiệu hoạt động tấp nập.  Khu du lịch này tương phản với những xóm dân cư vừa đi qua với màu đất khô cằn, nhà cửa nghèo nàn, dân chúng khắc khổ.  Nó nói chụp trên xe khó mà có hình nghệ thuật, chuyến về cho nó xuống biển mới có dịp trổ tài.

    Bỗng chiếc xe đò giảm tốc độ rồi đột ngột thắng gấp.  Hành khách chúi đầu về phía trước sắp đụng vào ghế xe. Xe gặp tai nạn?  Trời đất, ngay giữa lộ, một thằng bé non choẹt thản nhiên ra hiệu cho xe đò quẹo vào bên trái.  Thằng Kevin buột miệng kêu lên:

    •  Oh My God! Cảnh sát giao thông Việt Nam là một thằng nhóc!

    Thằng bé khoảng 12 tuổi khoát tay điệu nghệ như một cảnh sát công lộ.  Tài xế như đã quen thuộc, lái xe vào bãi đất trống trước mặt một cái quán. Trong sân đã có hai chiếc xe đò. Một thanh niên từ trong quán chạy ra cài lại hàng rào kẻm gai, y như người lính bảo vệ đồn thời chiến. 

    Quán Thùy Dương.  Bảng hiệu màu sắc lòe loẹt tương phản với cái tên.  “Chào mừng quý khách, cà phê, giải khát, điểm tâm, cơm, các món nhậu, có lẩu dê, đặc biệt nem nướng Ninh Hoà, phục vụ tận tình, giá đặc biệt, kính mời”. Bà chủ xela lớn:

    –  Bà con xuống xe ăn cơm.  Xuống hết nghe!

    Chú Ngôn cúi xuống sàn xe tìm cặp nạng. 

    –  Đây là đâu chú?

    –  Gần tới Cam Ranh.  Xuống xe mày.

    –  Làm gì chú?

    –  Vào ăn cơm.

    –  Cháu không đói.

    –  Không đói cũng phải vào.

    –  Cháu muốn ngồi trên xe.

    –  Mày ngồi trên xe, mấy thằng lơ hỏi thăm mày liền.

    –  Tại sao?

    Chú Ngôn không trả lời. Nó cũng không hỏi nữa.  Trên xe đò từ Sài Gòn ra Trung thăm bà ngoại, cái thằng cháu ba mươi tuổi luôn miệng hỏi.  Đôi khi chú gắt lên:

    •  Cái xứ sở này là vậy, không có gì là vô lý cả!

    Xe ngừng, không khí trong xe càng ngột ngạt.  Hành khách dành nhau xuống xe. Cái nạng cũng giúp chú Ngôn một chút ưu tiên.  Kevin đưa tay đở chú, nhưng bị gạt đi:

    – Tao đi một mình được rồi.

    Nói vậy nhưng chú cũng để nó dìu đi.

    – Mày chưa thấy mấy thằng ăn xin ở Sài Gòn.  Cụt hai chân, đít lót vỏ xe, băng qua đường bằng hai tay còn nhanh hơn người thường.  Xẹt một cái, đu theo xe buýt như trong gánh xiếc.

    – Họ là những anh hùng.

    – Anh hùng mẹ gì.  Kiếm ăn là bất chấp.  Mấy năm trước tao cũng bầm dập như họ.  Tụi bây không gởi tiền về, không đi bán vé số tao cũng đi ăn xin.

    Thằng Kevin bỗng nhìn chú với ánh mắt lạ.  Trong những thằng cháu từ Mỹ về, chú thích nhất thằng Kevin, bởi nó là thằng duy nhất biết nói tiếng Việt, mà nói sành sõi.  Chú nói với mọi người, nó không phải dân Mỹ mà là thằng da vàng mủi tẹt chính gốc a na mít.  Chú không kêu nó là Kevin mà một hai đều Út, coi như con nít.

    Về Sài Gòn lần đầu, nó theo chú đi khắp hang cùng ngõ hẻm.  Nó khoái đi xe ôm hơn taxi.  Nó nói đường phố Sài Gòn con gái toàn là nurse, con trai là pilot.  Mới đầu chú không hiểu, sau ngẫm ra mới thấy thằng này cũng mang máu khôi hài đen của dòng họ Phan.  Nó nhìn người Sài Gòn qua cái khẩu trang và cái nón bảo hiểm! 

    Nó có thể ngồi trên gác nhâm nhi cốc rượu thuốc để nghe chuyện đời lính ngang dọc của chú.  Nó ít nói, thích quan sát và hay tò mò.  Cái gì nó hỏi đừng hòng lẫn tránh, phải có câu trả lời thỏa đáng cho nó.

    Nó bắt chú dẫn ra Trung thăm ngoại, quên béng đi chú là phế binh một giò khập khiễng với cặp nạng cũ mèm từ năm 1972.  Xem ra nó khác với những thanh niên về nước.  Nó không kiểu cách, khoe khoang.  Cái gì cần là nó sẵn sàng chi, không cần là một xu cũng không bỏ ra.  Ngoài cái tánh tò mò, chú nghĩ thằng Út quan tâm đến chuyện gì đó khi về nước.  Nó hỏi như một người ngây ngô nhưng chú tin đầu óc nó không ngây ngô chút nào.  Có phải đó là cách biểu lộ học được ở người Mỹ hay tại bản tánh nó?

    Hai chú cháu đã vào trong quán.  Quán Thùy Dương ồn ào như cái chợ, kẻ kêu thức ăn, người kéo ghế, một nhóm khác múc nước rửa tay chân.  Đằng sau quầy thức ăn và một nồi cơm to tướng, một người đàn bà mập phì phà điếu thuốc đầu lọc.  Thấy khách vào, bà giục điếu thuốc xuống đất, đưa chân chà đi chà lại.  Một cô gái ăn mặc theo lối nhà quê đến bàn chú Ngôn đưa cái khăn cũ lau xẹt xẹt mấy cái rồi hỏi:

    – Mấy chú ăn gì?

    Chú Ngôn đưa mắt nhìn Kevin.

    – Mày phải ăn một cái gì. Hơn tiếng nữa mới tới nơi.

    Kevin lắc đầu, kêu chai nước suối.  Chú Ngôn kêu đĩa cơm sườn và một ly trà đá lớn.  Hai chú cháu cùng nhìn qua chiếc bàn tròn lớn bên cạnh.  Bà chủ xe, tài xế và hai lơ xe được hai người bồi chăm sóc chu đáo, trong khi các bàn khác mạnh ai nấy ăn uống.  Chú Ngôn hỏi thằng Út:

    – Mày biết tại sao tài xế kêu hành khách phải vô hết trong quán không?

    – Cháu không biết?

    – Mày không biết là phải, nhưng hành khách ai cũng biết.  Chủ xe thích ăn quán nào là biểu tài xế tắp vào.  Hồi nãy mày không thấy tụi nó lấy kẻm gai vây kín lại, không cho ai ra khỏi khu vực.  Chủ quán chơi đẹp với ê kíp xe đò, bao luôn cả lơ xe.  Họ kêu đồ ăn thả giàn, uống bia Heineken, hút thuốc ngoại.

    – Cháu hiểu rồi.  Hành khách sẽ trả tiền cho họ?

    –  Mày thông minh.  Chủ quán sẽ chặt đẹp hành khách.  Mấy ông nhà quê đem theo bánh mì cũng phải mua một cái gì đó, nếu không sẽ lôi thôi.

    Bà chủ xe mặc đồ mousselin mỏng dính, tay kè kè túi xách đựng tiền.  Trên tay bà óng ánh đồ trang sức nặng chịch.  Bà đang lớn tiếng thuật lại đêm qua tên quản lý thị trường đến khám xe bà đang chất hàng ở Ngã Sáu.  Bà chửi thề ngọt xớt.  Hằng tuần bà đóng hụi chết cho cả đám, vậy mà lâu lâu lại kiếm chuyện kiếm chác thêm. 

    Tài xế lầm lì ngồi ăn không nói, hai thằng lơ hì hục ăn như chưa bao giờ được ăn ngon. 

    Ra đi lúc ba tuổi, Kevin giữ trong trí nhớ một Việt Nam lờ mờ.  Bây giờ nó chạm mặt thực tế mới thấy cái xứ sở này nhiều điều kỳ lạ không hiểu nổi.  Nó muốn tự tìm hiểu.  Kevin tự nhiên quên đi không khí ồn ào trong quán, đưa cặp mắt đảo một vòng quán ăn như chiếc máy đang quay phim phóng sự.  Có cái gì độc đáo ở đây mà hắn không thấy ở Sài Gòn. 

    Cô gái mang đồ ăn ra rồi biến vào trong.  Kevin bỗng nghe gần cửa ra vào giọng một ông già:

    –  Bà chủ. Cho đổi tô bún. 

    Một cô gái mặc áo bông sặc sỡ từ trong quầy hàng tiến lại.

    –  Gì mà ông la dữ dzậy?

    –  Không la làm sao cô tới? Tô bún này thiu rồi.  Đổi tô khác.

    –  Này ông già.  Hồi sáng tới giờ khách ăn hà rầm, có ai kêu ca gì đâu? 

    Người đàn bà mập bỏ nồi cơm chạy lại.  Cô gái phân bua:

    –  Má coi, ông già này cứ nói mình làm bún thiu cho ổng ăn.

    Người đàn bà chỉ ngón tay trỏ vào mặt ông già:

    –  Này ông anh, quán này uy tín, chưa bao giờ bán đồ thiu.

    –  Bà ăn tô bún này sẽ biết.  Mấy người lấy tiền trước, rồi thảy cho khách đồ thiu.        

    –  Ông ăn nói đàng hoàng nghe.  Tôi nễ ông già rồi, không muốn chuyện lôi thôi.

    –  Bà mới là người kiếm chuyện! Không đổi tô khác thì trả lại tiền cho tôi!

    –  Ông không ăn thì ráng chịu. Không trả lại tiền!

    Trước thái độ quyết liệt của bà chủ, ông già tức tối.

    –  Đem vô trong cho cả nhà tụi bây ăn

    –  Ông cà chớn vừa thôi nghe!

    Vừa lúc đó, một tay anh chị bặm trợn, không biết từ đâu đến bên bà chủ quán

    –  Chị Bảy để em.

    Kevin chỉ kịp nghe tay anh chị lớn tiếng “Ê ông già giỡn mặt hả” là thấy ông ngã cái rầm xuống nền xi măng.  Hắn cầm ngay tô bún thiu đổ ụp lên đầu ông già.  Lúc này tài xế với bà chủ quán đến năn nỉ tên du đảng.  Hắn cứ sấn tới, nhưng bà ôm nó vào trong.  Bà còn quay lại chưởi hùa theo mấy câu. Hành khách tiếp tục ăn uống, không màng đến chuyện ông già bị nạn. 

    Ông già bỗng đứng dậy, làm như cú đấm của tay anh chị không nhằm nhò gì.  Nhưng một bên mặt sưng lên thấy rõ, mắt phải híp lại.  Thằng ác ôn chơi ngay gần con mắt.  Một tay che mắt, một tay chỉ mặt bà chủ, ông hét lên:

    –  Nghe cho rõ đây. Tụi bây mở quán để ăn cướp, nuôi du đảng để lột tiền khách đi đường.  Thí cho tụi bây mười ngàn.  Ăn cho cố rồi ỉa ra, ăn vô trở lại.

    Đột nhiên tay anh chị quay trở lại, nhanh như chớp tung cú đấm thứ hai vào mặt trái ông già. Quá bất ngờ, tài xế và bà chủ xe chỉ biết ôm chặt tên anh chị.

    –  Bỏ qua đi chú mày, chấp chi ông già khùng.

    Ông khách già gần như bất động trên nền nhà. Rất nhanh, Kevin bật dậy khỏi ghế nhào đến đở ông già ngồi lên. Máu mủi trào ra, má trái sưng bầm lên. Nếu ở bên Mỹ, Kevin sẽ gọi cảnh sát ngay để đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Nhưng đây là Việt Nam, nó không biết phải làm gì. Nó mở ngay ba lô lôi ra cọc napkin, tìm cách cầm máu cho ông già.

    Thấy nguy kịch, bà chủ xe bảo Kevin đưa nạn nhân ra xe.

    Chú Ngôn đã theo dõi việc làm của thằng cháu. Thằng Kevin không ngây ngô như chú nghĩ.

    Hành khách lục tục lên xe. Ông già ngất đi. Xe chạy được một lúc thì ông tỉnh lại. Ông nói không sao, nhưng Kevin biết chắc khi đến Nha Trang, người ta phải đưa ông nhập viện. Chú Ngôn xoay qua thằng cháu:

    –  Ông già nói đúng.  Mấy quán cơm vùng này đều có du đảng bảo kê.  Không phải người dân nào cũng được mở quán.  Không có công an đở đầu, đừng hòng làm ăn.  Ở đây xài luật rừng.  Tao còn hên hơn ông già, cơm không thiu.  Mày cũng hên, không ăn gì.

    –  Bộ ở đâu cũng vậy sao chú?

    –  Rừng nào cọp đó. Nhưng chuyện này chưa đến nỗi nào.  Ra ngoài Bắc còn ớn lạnh hơn.  Du đảng trong Nam là thứ du đảng bề nổi, khôn khéo có thể tránh được. Du đảng ngoài Bắc nhẹ nhàng nhưng rất thâm hiểm. Mày không thỏa mãn nó là hết đường chạy.  Nó lột sạch. 

    Tao đã đi buôn ngoài Vinh một chuyến với mấy cô mày.  Một chuyến đi kinh hoàng, về tao tởn luôn.  Tụi nó ăn cướp có tổ chức, có ăn chia với công an trên tàu.  Tụi nó lên tàu điểm mặt người đi buôn và ép mua lại hàng với giá rẽ.  Mấy cô mày không chịu, cứ tưởng đưa hàng tận nơi được giá hơn.  Ai ngờ đến Vinh, đứng từ trưa tới chiều không mống nào ngó đến.  Cuối cùng phải bán lại cho tụi nó với giá rẻ mạt.  Riêng tao còn bị tụi nó xin tiền ăn phở, tao nói không có, bị lột sạch không còn một cắc.

    –  Cháu không hiểu tại sao ông già bị đánh.  Ông chỉ muốn chủ quán đổi tô bún.

    –  Quán mở ra để vét tiền hành khách, không phải để phục vụ.

    Kevin lẩm bẩm.

    –  Not fair! 

    –  Ở Việt Nam bây giờ không chỗ nào fair cả. Cái xứ sở này ở đâu cũng đáng sợ.  Sợ dao du đảng, sợ hàng xóm nổi máu giang hồ, sợ công an phường làm tiền, sợ mất chỗ làm, sợ chính quyền lấy đất… Sợ đủ thứ. Đâu cũng có côn đồ du đảng. Tao nói du đảng đây là bao gồm cả công an, cán bộ. Tụi nó là siêu du đảng.

    Kevin im lặng một lúc rồi buông một câu:

    –  Cháu muốn bảo lãnh chú qua Mỹ.

    –  Tao không muốn đi Mỹ. Mày gởi về chút đỉnh để tao chăm sóc mồ mả ba mày là được rồi.

    Chú Ngôn nhìn kỹ Kevin một lúc lâu khiến nó ngạc nhiên. Nó đoán chú nó sắp có câu hỏi quan trọng.

    •  Nói thật đi, mày dấu tao chuyện gì phải không?
    •  Sao chú lại hỏi câu đó?
    •  Mấy ngày nay tao muốn hỏi mày, nhưng chuyện mày làm với ông già vừa rồi, tao muốn mày nói thật. Mày về thăm tao nhưng mày còn có chuyện gì khác nữa?
    •  Cháu chỉ muốn giúp ông già cầm máu thôi.
    •  Tuần trước, mày đi đâu hai ngày?

            Như chột dạ, Kevin làm thinh. Chú Ngôn đáng nễ thiệt. Một lúc sau nó mới từ tốn nói:

        – Cháu nghĩ chưa đúng lúc để nói với chú. Cháu có một số bạn trẻ ở Việt Nam thường xuyên liên lạc với nhóm của cháu bên Mỹ. Công việc của tụi cháu rất đơn giản là tạo nên một ảnh hưởng tốt trong cuộc sống của một số bạn trẻ trong nước, khởi từ tình bạn, tình gia đình đến xã hội, tôn giáo. Cháu không có tham vọng thấy kết quả việc mình làm, cũng không có tham vọng mở rộng số bạn trẻ đi xa hơn, nhưng tin rằng việc làm tốt sẽ đóng góp hay ảnh hưởng tốt đến xã hội.

          Mầy không sợ công an trà trộn vào tổ chức?

    • Tụi cháu không là một tổ chức, không có danh xưng, cho nên không ngại công an trà trộn. Chú muốn nghe tiếp không?
    • Mày cứ nói, tao không ngắt lời là mày hiểu.
    •  Nhờ họ, cháu nắm bắt được tình hình ở Việt Nam nhanh hơn truyền thông bên Mỹ. Có những thứ tụi nó hiểu rộng hơn cháu nghĩ, có lẽ đa số có thân nhân ở hải ngoại hay là gia đình thuộc chế độ cũ. Cũng có một số du học sinh tham gia. Có những cuộc họp mặt để training vể kỹ thuật, để tổ chức cứu trợ thương phế binh của Việt Nam Công Hoà và cả bộ đội miền Bắc. Có chuyện này nhờ chú giúp.
    • Cứ nói.
    • Chú cứ chống nạng đi các con hẻm tìm gặp những đứa bé bỏ học bán vé số hay lượm ve chai, chọn khoảng mười đứa nghèo khổ nhất. Tụi cháu sẽ giúp tụi nó đi học trở lại.
    • Tiền bạc đâu để giúp hết những đứa trẻ bất hạnh?
    • Nhóm gồm những đứa có job ổn định. Đa số tụi nó nằm trong các tổ chức tôn giáo hay các hội từ thiện. Tụi cháu thỉnh thoảng cũng đi rửa xe gây quỹ giúp các quán cơm từ thiện ở Sài Gòn. Giúp được bao nhiêu tuỳ khả năng của mình. Phần còn lại Trời sẽ giúp.
    • Ăn cắp câu này ở đâu vậy thằng nhóc?
    • Ăn cắp của mẹ.
    • Mầy làm chuyện này bao lâu rồi?
    • Cũng gần năm năm.
    • Ai xúi mấy làm?
    • Mẹ cháu. Mẹ không xúi, chỉ đưa ra một số việc làm thiện nguyện để cháu chọn lựa.

          Chú Ngôn nghĩ về gia đình. Kevin sinh đầu tháng tư năm 75  lúc ba nó đang quyết tử với Bắc quân tại trận Xuân Lộc những ngày cuối cùng trước khi có lệnh buông súng. Ba nó sống sót tìm cách ra đi nhưng bất thành. Thoát chết trong chiến tranh nhưng ông lại ra đi vì bị hành hạ trong trại tập trung ngoài Bắc. Lúc đó Kevin mới ba tuổi, nên mẹ nó không thể dẫn đi thăm ba nó trong tù. Nó gần như không có kỷ niệm thời thơ ấu về người cha của mình.

    • Mẹ cháu nói cuộc sống giá trị bằng việc làm hơn là đi chùa nhiều lần. Gia đình mình yên ổn bên Mỹ, nhưng trẻ em Việt Nam thì bươi rác, bán vé số, làm thuê làm mướn để sống qua ngày. Sau những giải thích của mẹ, cháu biết mình phải làm gì. Cháu làm việc này vì ba cháu, một người lính chiến đấu đến cùng. Chịu đựng trong tù mà không đòi hỏi gia đình chu cấp gì trong các đợt thăm nuôi. Chết vì kiệt sức trước sự tra tấn của cán bộ tù. Với cháu, ông là một anh hùng!

         Một khoảng im lặng.

         Không biết Kevin đang nghĩ gì, riêng Chú Ngôn thì hồi tưởng đời quân ngũ của mình. Bị thương ở mặt trận An Lộc năm 1972, nơi mà chú nói mỗi thước vuông là mỗi quả pháo của Việt Cộng.  Một quả rớt ngay hầm phòng thủ, hai thằng bạn biệt kích 81 đi đong, chú may mắn sống sót nhưng sau đó phải cưa một giò.  Chú nói không tiếc cái giò mà tiếc cái ba lô đựng những tấm hình chụp công phu về chiến trường An Lộc.

    Chú không bị đi tù, nhưng gia đình chú khốn đốn sau ngày mất nước.  Ngày xưa, trong khi cha của Kevin thi đậu xong Tú Tài II là nhảy vô Võ Bị Đà Lạt, còn chú cứ nhẫn nha học Văn khoa.  Đùng một cái, chiến sự leo thang, chú nổi hứng đầu quân vào Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Dù.  Giải ngũ năm 1972, chú sống lây lất nhờ viết cho vài tờ báo.  Sau năm 1975, số phận chú còn thê thảm hơn.  Tay chân lành lặn còn xấc bấc xang bang, huống hồ chú chỉ một giò.  Chú đi làm phụ hồ, đào giếng, làm bất cứ gì để sống qua ngày.

    Nghe thằng cháu tâm sự, chú Ngôn thực sự xúc động. Chú tự hào về ba nó, cũng tự hào về thằng cháu.

    • Chú Ngôn! Sao làm thinh vậy?
    • Tao đang nhớ … ba mày. Mày nói đúng. Ba mày là một anh hùng. Mày cũng … giống ba mày.
  • Phong Châu

    Lễ Tạ Ơn Đầu Tiên


    (Tặng Những Nười Tỵ Nạn Cộng Sản Việt Nam)

    Dạo còn ở Việt Nam, trước năm 1975 qua sách báo tôi có đọc và biết được tại Hoa Kỳ có một ngày lễ gọi là lễ Tạ Ơn. Chỉ biết thế thôi chứ không có gì đặc biệt để ghi nhớ vào đầu ngoài những sự kiện liên quan đến lịch sử Hoa Kỳ mà tôi biết vì lý do nghề nghiệp. Chẳng hạn như chuyện ông Christopher Columbus khám phá ra lục địa Mỹ Châu 1492, ngày lễ Độc Lập 4 tháng 7 – 1776, cuộc nội chiến Nam – Bắc 1861 – 1865, Mỹ tham gia thế chiến thứ hai và thả hai trái bom nguyên tử xuống Nhật và giải phóng Âu Châu ra khỏi tay phát xít Đức…Gần hơn thì có Mỹ tham chiến trận chiến Nam – Bắc Triều Tiên 1950 – 1953 và sau đó là những hệ lụy liên quan đến cuộc chiến tại Việt Nam…

    Cho đến khi tôi và gia đình được qua Mỹ theo diện tỵ nạn cộng sản thì mới hiểu rõ hơn về ngày lễ Tạ Ơn, chuyện vòng vòng như sau:

    Chuyến máy bay cuối trong cuộc hành trình đưa gia đình chúng tôi về thành phố Houston đúng ba tuần trước ngày lễ Tạ Ơn. Chúng tôi ngơ ngơ ngáo ngáo như mấy chú thím Mán về thành. Từ trên máy bay nhìn xuống thành phố lúc mười giờ đêm thấy ánh sáng muôn màu lấp lánh chẳng khác nào nhìn xuống một rổ kim cương khổng lồ. Trên đường về nơi tạm trú thấy đèn hoa kết đầy trên cây cối hai bên đường, các cửa tiệm đều giăng đèn cùng với hình ảnh trang trí như ngày lễ hội. Trong số hình ảnh bắt gặp thấy có hình mấy chú gà tây và những quả bí đỏ được vẽ trên các mặt kiếng trước các cửa tiệm. Thấy vui và lạ chứ chẳng biết gì hơn cho đến khi…

    Cả nhà sáu người được ở trong một căn của apartment vùng tây bắc thành phố. Người lạ cảnh cũng lạ! Rồi chúng tôi cũng được biết là sắp đến ngày lễ Tạ Ơn nhưng cũng chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện Tạ Ơn như thế nào. Trong khu apartment chúng tôi ở có người Mỹ lẫn Mễ và thoáng thấy có cả người Việt Nam nhưng chưa có cơ hội làm quen hay chuyện trò. Cho đến một hôm tôi còn nhớ rõ, vào ban chiều, có ai đó đến gõ cửa và khi tôi mở cửa thì thấy một người đàn ông Việt Nam, chắc chỉ lớn hơn tôi vài tuổi, tay ôm một con gà tây và bảo tôi “biết anh chị mới qua Mỹ…sắp đến ngày lễ Tạ Ơn…tôi biếu anh chị con gà tây để nấu cho các cháu ăn lễ…”. Tôi đưa tay bê con gà tây và không quên nói lời cám ơn anh. Được biết anh tên Sơn cũng ở cùng apartment và từ đó thỉnh thoảng gặp anh trong khuôn viên apartment để trò chuyện và anh cũng chỉ dẫn cho tôi “hiểu ra” nhiếu thứ tại nơi chúng tôi đang ở.

    Chú gà tây nặng chừng bốn năm ký mà chúng tôi chẳng biết làm thành món gì để ăn, về sau mới biết thường gà tây được nướng để ăn trong dịp lễ Tạ Ơn cùng với món bánh bí theo như truyền thống của người Mỹ. Cuối cùng thì chú gà tây được nấu thành món ra – gu để ăn với bánh mì. Cả nhà gồm sáu người quây quần quanh chiếc bàn ăn nhỏ và lần đầu tiên cùng nhau thưởng thức món gà tây nơi miền đất tự do. Không biết bây giờ anh Sơn ở đâu? Cám ơn anh đã cho chúng tôi món gà tây trong mùa lễ Tạ Ơn đầu tiên.

     Chuyện lòng vòng tiếp theo là chuyện lạnh. Thành phố nơi chúng tôi ở cũng có bốn mùa xuân hạ thu đông. Tôi cảm nhận được rằng: mùa xuân và mùa thu nơi đây ngắn ngủi nhưng mùa hè và mùa đông thì kéo dài. Mùa hè nóng gắt, mùa đông lạnh tái tê. Tôi còn nhớ khi nhận được chú gà tây từ anh Sơn, tối hôm đó chúng tôi kéo nhau đi chợ để mua các thứ linh tinh về làm món ga gu. Chưa có xe nên chúng tôi cả nhà kéo nhau đi bộ đến chợ Kroger cách nhà chừng gần cây số. Lúc đó cũng chưa biết thời tiết lạnh bao nhiêu độ F nhưng cảm thấy “lạnh lắm” chừng như là gần 0 độ C. Hai tai tôi lạnh ngắt và cứng đơ tưởng chừng như búng vào thì nó rớt ngay. Hai tay thọc kín vào túi áo ấm và người nào cũng khom người bước đi cho nhanh vào chợ…rồi bước cho nhanh về nhà…

    Lần đầu tiên được hưởng lễ Tạ Ơn, ngoài món gà tây nấu không đúng cách (nướng thay vì nấu ga ru), chúng tôi còn được đi xem diễu hành vào buổi sáng thứ năm tại downtown. Nhờ người quen chở xuống thảy dưới phố với trong người chỉ có chiếc áo lạnh “tị nạn” không đủ ấm nhưng chúng tôi rất vui. Chín giờ cuộc diễu hành mới bắt đầu mà bảy giờ chúng tôi đã có mặt. Không biết làm gì hơn trong khi chờ đợi nên chúng tôi chỉ biết đứng túm tụ một chỗ và “mạnh ai nấy run”, muốn trở về nhà cũng không được. Trong khi đó thấy mấy ông mấy bà và con trẻ Mỹ trắng Mỹ đen Mỹ nâu tà tà đến, nhiều người trùm cả tấm chăn quanh người cho ấm, lại mang theo ghế xếp bằng vải để ngồi…Cuộc diễu hành bắt đầu lúc 9 giờ và hơn một tiếng đồng hồ sau thì chấm dứt. Chúng tôi được đón về nhà thì trời đã trưa nhưng vẫn còn lạnh…lạnh kinh khủng…

    Rồi tôi biết câu chuyện những người tị nạn tôn giáo Pilgrims vượt Đại Tây Dương trên con thuyền mang tên Mayflower đến vùng đất mới Mỹ Châu và được những người bản xứ Da Đỏ giúp đỡ lương thực và chỉ dẫn cho họ việc canh tác săn bắn để tái tạo lại cuộc sống. Sau vụ mùa đầu tiên những người tị nạn tổ chức tiệc ăn mừng để tạ ơn những người bản xứ.

    Hậu bán thế kỷ thứ 20, từ một quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á Châu đã có hàng nghìn hàng vạn con thuyền “Mayflower” vượt Thái Bình Dương để tìm về những vùng đất Tự Do. Lịch sử tái diễn!

    Ngày mai thứ năm – ngày lễ Tạ Ơn – gia đình tôi có cuộc họp mặt đông đủ để ăn mừng. Nhân danh tôi và gia đình, xin cám ơn đất nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, những người Mỹ đã giúp tôi tái tạo lại cuộc sống và đã ban cho tôi hai chữ Tự Do đã bị chính người cùng tổ tiên của tôi tước đoạt gần nửa thế kỷ trước.

    Phong Châu                                                                                                             Ngày 22 Tháng 11 – 2023

  • Minh Thúy

    RỪNG THU THAY LÁ

    Đang ngồi ngắm mấy bông hoa sáng nay mới nở búp thật đẹp, sau thời gian bôn ba đi Walmart, Home Depot lùng ít cây về trồng, bỗng nghe phone reng, Thuận vào nhà bắt máy, đầu dây bên kia tiếng nói vui tươi trong trẻo của cháu Vũ gọi sang từ Việt Nam

    – Con đây …dì có khỏe không?

    – Ờ… ờ… con và mẹ có khỏe không?

    – Dạ khỏe hết dì, con báo dì tin vui là đã mua được căn nhà khá tươm tất, mấy hôm nay dọn dẹp đồ đạt, con tìm thấy hộp thư ba làm thơ về dì nhiều lắm nhưng con giấu mẹ sợ người buồn..hi..hi…ai ngờ ba con có thời …thích dì ghê ha.

    Nói xong cháu cười hồn nhiên, hỏi năm ba câu thêm rồi xin gác phone vì đang bận, hẹn lần sau nói chuyện nhiều hơn.

    Thuận thẫn thờ nhìn ra vườn nhưng hình như không thấy gì trước mắt, tâm hồn chị thoáng bị giao động vì Vũ đã vô tình gợi lại giấc mơ xưa trở về thật gần như mới ngày nào…

    Hồi đó Thuận đang học trường Nữ Thành Nội lên lớp 10 (1977) thi đậu vào trường Nông Lâm Súc để được lãnh $18 cũng như 18 ký gạo mỗi tháng trong hai năm bổ túc văn hoá, đến lớp 12 được thi vào ngành. Trường có những khu vực đất đai, học sinh vừa làm vừa lao động lúc ra Quảng Trị, Đông Hà, lúc các vùng chung quanh ra sức trồng khoai sắn.

    Thuận gặp Tú học chung lớp, những lúc đi lao động trồng rau hay cuốc đất, Tú thường đem theo phần ăn trưa hai ổ bánh mì lo thêm phần chị, gặp công việc nặng bạn đỡ đần gánh gồng cho chị luôn.

    Dần dà hai người trở thành đôi bạn thân thiết. Thỉnh thoảng rủ nhau học bài chung với bạn khác ở tận ngã Nguyệt Biều, Thuận và Tú đạp xe lên con dốc gập ghềnh khó đi, nhiều đoạn phải xuống xe dẫn bộ. Con đường có những đoạn trông như khu rừng, cây lá um tùm, đôi bạn dừng chân ngồi nghỉ dưới bóng mát của buổi nắng hè, nhưng đến mùa thu lá đổi màu nhìn thật thơ mộng. Tú vốn có tâm hồn thơ thẩn, mơ mộng của tuổi thanh niên mới lớn, có thứ tình cảm mơ hồ lâng lâng cảm giác êm đềm mỗi lúc đi bên Thuận, nên đã đặt tên con đường là “Rừng Thu Thơ Mộng” gợi trao chút ý tình nhẹ nhàng và cũng để tạo kỷ niệm khi đi trên con đường này. Lúc ấy Thuận cũng mến bạn nhưng cả hai như “tình trong đã ngỏ mặt ngoài còn e”

    Sau 75 cuộc sống dân miền Nam bị đảo lộn, nhà nào cũng đói rách tả tơi, buồn rầu, chán nãn và lo sợ. Thuận đang tuổi dậy thì, trái tim vừa hé mở niềm tin yêu cuộc sống, thì đã bị hụt hẫng theo thời thế, đôi bạn tựa vào nhau tìm sự an ổn phần nào về mặt tinh thần, điều tự nhiên của tuổi học trò đơm chút bông hoa tình cảm đầu đời. Đôi bạn cố gắng học hành cho đến khi tốt nghiệp lớp 12 chuẩn bị thi vào ngành.

    Năm 1979 ba và các anh chị đi vượt biển được tàu Tây Đức vớt, năm sau qua Mỹ do anh đầu bảo lãnh. Gia đình bị công an đến nhà tra khảo nhiều lần. Mẹ Thuận bán lẹ nhà giá rẻ bèo cho cán bộ vì biết nếu không bán được sẽ bị tịch thu. Nửa gia đình còn lại lặng lẽ đi tàu đêm vào Sài Gòn. Thuận ngơ ngẩn chia tay bạn, Tú đến sân ga nhìn “chuyến tàu hoàng hôn” lần cuối nếm nỗi buồn ly biệt.

    Vào Sài Gòn còn lại mấy chị em dưới sự cấm đoán của Ba viết thư về căn dặn “không ai được lập gia đình, để chờ ba bảo lãnh”. Bóng thời gian đi qua lẹ làng. Thuận nghe ngóng tin tức bạn bè, được biết Tú bị động viên đi thanh niên xung phong bên Campuchia. Thời điểm này có buồn cũng đành giấu trong lòng nhìn thẳng cuộc sống thực tế, khi mà dòng người ồ ạt tìm cách chui tàu trốn thoát VC. Cả một miền Nam tang thương đói khổ chẳng thấy tương lai. Anh kỹ sư, ông bác sĩ , thầy giáo đồng lương chật vật. Nhiều trường hợp cũng nhắm mắt chọn con buôn, tiệm vàng chẳng cần tình yêu, chỉ mong được vào làm rể tựa ơn mưa móc.

    Năm 1984 cả nhà qua Mỹ theo diện đoàn tụ. Thuận đi học lại trường college, sau đó làm hãng điện tử. Công ăn việc làm tạm ổn định và cũng yên bề gia thất. Chị bắt đầu nghĩ về Tú, người bạn tốt đã giúp đỡ, chia sẻ rất nhiều nơi chốn học đường năm xưa trong giai đoạn khó khăn, bằng cách liên lạc nơi các bạn cũ. 

    Một chiều nhận thư từ Đào (cô bạn chơi chung nhóm) báo hung tin Tú đã chết, bạn kể tỉ mỉ… Sau khi đi nghĩa vụ hai năm về, Tú có việc làm ở bưu điện Quảng Nam, lập gia đình và có bé trai đầu lòng một tuổi. Năm sau Tú được thuyên chuyển về bưu điện Huế, chuyến cuối cùng anh nhắn vợ vào thăm, đi chơi lần cuối trước khi ra Huế. Chuyến xe chạy trên đèo Hải Vân, trên đường trở về thì tai nạn đau thương xảy ra, xe bị lao xuống vực thẳm. Tú chết tại chỗ, vợ bị chấn xương nặng, riêng cháu bé được thoát chết nhờ văng ra mắc kẹt trên nhành cây.

    Thuận sững sờ theo bao nhiêu ngày đêm khó ngủ, nhờ Đào tìm cách liên lạc với vợ Tú để biết thêm tin tức. Cuối cùng Thuận liên lạc được với Loan (vợ Tú), đã bị liệt cả người nằm một chỗ, đang ở nhà ngoại trên vùng Nam Giao. Giai đoạn này Thuận đã sinh được hai cháu trai, cuộc sống cũng âu lo đủ điều, nhưng hai tấm ảnh Loan gởi qua đã làm xao động tâm tư Thuận quá nhiều. Một tấm hình hai vợ chồng lúc mới cưới xứng đôi đẹp lứa, một tấm hình cháu trai khoảng ba, bốn tuổi ngồi kề đầu giường mẹ với cái bánh sinh nhật, do bác (anh của Tú) cho. Loan nằm ngoảnh mặt nhìn con cười. Thuận không ngờ, nhìn Loan khi bị bịnh, già gấp đôi số tuổi và nhan sắc xinh đẹp cũng biến đi đâu mất, chẳng tìm thấy lại nét như tấm hình kia. Thuận bị ám ảnh về lẽ vô thường theo thuyết nhà Phật, cuộc đời có đó rồi chia lìa, hạnh phúc rồi khổ đau. Sao mà quá ngỡ ngàng,,.Tú ra đi nhưng còn để lại người vợ thật thương đau, Thuận cảm thấy choáng ngợp và tim bị đè nặng khi đối diện với sự thật…Mảnh ký ức lãng đãng đi về từ góc kín trong tâm hồn, từ trái tim có lẽ đã bị bụi thời gian phủ mấy lớp, nay được vén nhẹ bức màn cho thấy hình ảnh sân trường, những buổi trong lớp học, những giờ đi lao động, người thanh niên tên Tú cao ốm, nét mặt thanh tú hiền hoà. Những buổi cả nhóm đi học chung, những buổi vào mùa thu đạp xe ngắm lá vàng, Tú thường nói “lá thu thì đổi sắc nhưng hồn thu muôn đời vẫn dạt dào trong tim Tú”, người thanh niên thích đàn hát và mê thơ văn, giờ đây đã an giấc nghìn thu….

    Một tuần trôi qua …Thuận mất ngủ vì suy nghĩ quá nhiều, chị chia sẻ câu chuyện này với chồng và chị em mình, mọi người càng sững sờ cảm xúc dâng nghẹn. Quang (chồng Thuận) thúc giục vợ giúp đỡ thực tế, các anh chị cũng đóng góp chung, chị thực hiện ngay công việc gởi về số tiền lớn. Thuận đọc được câu danh ngôn của Robert Southey “No distance of place or lapse of time can lessen the friendship of those who are thoroughly persuaded of each other ‘s worth (không sự cách biệt về không gian hay thời gian nào có thể làm yếu đi tình bạn của những người thực tâm bị thuyết phục bởi giá trị của nhau).

    Nghĩ đến Loan hoàn cảnh nằm một chỗ, tuổi còn trẻ giống như mình, hạnh phúc đến quá nhanh rồi đi, nỗi thương tâm ám ảnh hoài Thuận cần phải cố gắng giúp đỡ hơn nữa. Xứ Mỹ ai mới qua rất dễ bị xa hoa vật chất mê hoặc, vợ chồng Thuận chẳng ham muốn điều gì. Chồng chị xuất thân từ dưới làng quê thuộc con nhà nghèo học giỏi, thi vào đại học tổng hợp có điểm cao miệt mài bốn năm, nhưng khi tốt nghiệp khó kiếm việc, được anh chị Cả lo cho vượt biên, tới đảo làm thông dịch viên và dạy Anh văn. Qua Mỹ học nghề Car repair and Check mock, Quang chỉ muốn cơm cá kho kiểu đồng quê chẳng hề biết hàng quán, Thuận sống giản dị không đua đòi với ai, chị tận dụng coupon sale cắt từ báo quảng cáo thực phẩm, chưa hề đi xe mới vì chồng biết sửa xe. Đời sống giản tiện hết sức nhưng chồng chị luôn cổ động giúp hoàn cảnh của Loan, nên chị vẫn đều đặn thực hiện. Dần dà các anh chị em của Thuận cũng quen luôn với Loan, anh này gởi xe lăn, anh kia về VN xây mồ mã đều ghé thăm Loan.

    Trở về Mỹ kể lại cuộc sống của Loan thật xót thương, càng làm Thuận tiết kiệm hơn trong cuộc sống để tiếp viện thêm. Khi các con lên tám lên mười, trong buổi cơm nghe chuyện ba mạ kể về dì Loan, các con nói hớt

    – Tội dì Loan mẹ ơi, mẹ gởi thêm tiền nữa đi. Thuận nghe con nói rất xúc động, nhưng cố làm bộ mặt tỉnh bơ

              – Gởi thêm nữa thì bớt phần gạo, các con phải ăn cơm ít lại có được không?

    – Được chứ mẹ, con bớt lại một chén

    Cả hai con cùng nhao nhao nói làm chị phải phì cười khi nhìn nét mặt ngây thơ hồn nhiên, biết thương người thật đáng yêu.

    Hơn hai mươi năm Thuận vẫn giữ tình bạn thân thiết với Loan, bòn nhặt chia sẻ tiền bạc, cũng như cổ động tinh thần bạn vững lên. Dần dà Loan đã ngồi được xe lăn, được đẩy ra ánh sáng nghe chim hót, phơi nắng hồng, nhìn thấy bông hoa, cây cỏ xanh mướt trong khu nhà vườn thoáng rộng. Bé Vũ học rất giỏi, đó là nguồn an ủi động viên lớn nhất đối với Loan. Thuận cố gắng thêm để cháu Vũ đi nốt con đường học vấn, hầu sau này cháu có nghề nghiệp vững chắc bảo bọc cho mẹ. Ông trời vẫn còn một góc tình thương dành cho những cảnh đời bất hạnh, nay cháu Vũ đã thành giáo sư đại học dạy môn Anh Văn trường sư phạm.

    Còn nhớ lúc Minh (con đầu của chị) tốt nghiệp trung học vào trường UC San Diego học ngành Biology and Chemistry, Minh rất nhanh nhẹn, từ từ quen giờ giấc học hành và sinh hoạt chung quanh. Mấy tháng hè cháu không về nhà, thường gọi phone hỏi mẹ

    – Mẹ còn giúp dì Loan không? Nên giúp đi mẹ, ở đây con đủ trả tiền nhà, tiền ăn, mẹ đừng gởi thêm cho con nữa. À mẹ ơi! Nho nơi đây $4.99/1lb có đắt không mẹ? Chị thấy con có máu hà tiện giống mình cũng bật cười nhưng khuyên con

    – Cứ ăn đi con, mắc cũng mua ăn cho đủ chất trong người, khi đó mới lấy sức học được.

    Cháu lại khoe tiếp

    – Mẹ ơi con xin được các việc lặt vặt kiếm tiền, mùa tới mẹ không cần lo, con đủ khả năng trả tiền nhà (hùn chung đám bạn), và tiền ăn.

    Thuận không yên tâm hỏi gặng con

    – Con lo dồn tâm trí học, làm việc gì kể mẹ nghe xem

    – Con làm bốn job lận, tiệm sinh tố ba tiếng buổi trưa, một tiếng job dẫn chó đi ra ngoài, một tiếng đọc truyện cho cụ già Mỹ, cuối tuần giữ một cháu trai.

    – Trời ơi con làm vậy thì giờ đâu học nữa, mẹ đủ sức lo cho con tiền ăn ở mà

    – Không sao đâu mẹ, con học được mà, mẹ dư giúp dì Loan tiếp nhé

    Nghe con nói Thuận muốn ứa nước mắt. Nhớ lúc các con ở với mình, vợ chồng thay phiên nhau chở con học trường Việt ngữ Văn Lang trên San Jose, các con học giỏi được phần thưởng cuối mùa, trường lại thiếu giáo viên nhờ các con dạy tiếp. Khuôn mặt Minh và Việt non choẹt mới mười sáu, mười tám tuổi, các em nhỏ gọi “Thầy” thật mắc cười. Các con tự học, Thuận chỉ biết chăm lo bồi dưỡng, mỗi tối gõ cửa phòng đem sữa, trái cây gọt sẵn nói vài câu ngọt ngào khuyến khích.

    Thế rồi Minh chuyển qua University of Michigan, Ann Arbor, mượn tiền trường học, nay đã tốt nghiệp bằng dược sĩ làm trên San Francisco. Việt (con trai thứ nhì) vào trường UC Berkeley học ngành Public Health, ngày ra trường cháu tự động tìm tòi lá cờ Việt Nam Cộng Hòa thân yêu dán lên mũ đội. Làm việc vài năm Việt nhảy qua New York theo công việc Solutions Architect (build software).

    Thỉnh thoảng các con gọi phone nói chuyện đều hỏi câu

    – Dì Loan nay sao rồi mẹ? có cần con cho tiền để mẹ gởi không?

    – Không cần con, mẹ có tiền mà, nhưng bây giờ con trai Dì Loan dạy học có lương cao bảo đảm lo đầy đủ cho dì Loan rồi, không sao đâu con.

    Đến nay các con của chị đều có công ăn việc làm ổn định, cháu Vũ (con của Loan) cũng đã mua nhà thay đổi chỗ ở cho mẹ Loan thoải mái hơn. Nghĩ đến các con và cháu Vũ, chị thấy lòng nhẹ nhõm, niềm vui lâng lâng tràn ngập. Bao nhiêu mùa thu đi qua, bao nhiêu lần thay lá nở hoa tiếp nhận xuân hạ, nhưng hồn thu vẫn còn đó, vẫn ghi hình ảnh ngày nào có đôi bạn đạp xe trên con dốc cao ngắm lá vàng rơi, dẫu rằng rừng thu đã thay lá bao nhiêu lần theo thời gian….

    Minh Thúy Thành Nội

  • Minh Thúy,  Sinh hoạt VTLV

    Chiều Nhạc Mùa Thu & Lễ Tạ Ơn

    Có những ngày mưa lạnh trước đây nhưng tới Chủ Nhật (19 tháng 11/2023) thì trời nắng ấm. Dòng người sinh động, đường phố đông đúc và lòng người cũng rộn ràng chuẩn bị đón mùa lễ Thankgiving sắp tới. Và chúng tôi cũng không ngoại lệ.

    Vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày 19 tháng 11/2023, tại Quán Cà Phê Lovers nằm trên đường Aborn thuộc thành phố San jose. Cơ Sở Văn Thơ Lạc Việt do ông Lê văn Hải làm chủ tịch đã tổ chức “Chiều Văn Nghệ : Tình Khúc Cảm Tạ & Em Không Nghe Mùa Thu”, và cũng để mừng sinh nhật các thành viên VTLV sinh trong quý 3 (tháng 10,11,12 ); đồng thời giới thiệu 3 tác phẩm mới của nhà văn Chinh Nguyên viết bằng Song Ngữ (English-Vietnamese ): Please Come In …( Vào Đi Tình Ơi …! ), Anti- Authoritarian Handbook (Cẩm Nang Chống Độc Tài – Dịch từ sách tác giả Phạm Đoan Trang) và Thorn In The Heart (Anh Ngữ), tạm dịch “ Bụi Gai trong tim “.

     Chỉ hơn 3 giờ chiều mà quán Coffe Lovers đã đông đúc.  Khoảng gần 200 khách, trong số đó có sự hiện diện của các phóng viên, nhà báo cùng những tên tuổi nổi tiếng sinh hoạt trong cộng đồng. Tôi gặp những người quen như ca sĩ Thu Nga, ca sĩ Đồng Thảo và đặc biệt có sự hiện diện của nhà thơ Lưu Hồng Phúc phụ trách chương trình “Thi Ca Hương Thời Gian” trên làn sóng của đài Radio Sài Gòn ở Dallas.

            Hình ảnh các Ma Soeur dẫn đoàn em nhỏ tuổi độ từ 3 đến 5 dự góp phần trong mục văn nghệ, thật là điều quý hoá và vô cùng cảm kích. Nhóm “Tuổi Trẻ Hải Ngoại” do cô Thanh Loan và thầy Thái Phạm đảm nhiệm. Cô Thanh Loan là khuôn mặt đại diện tuổi trẻ nơi hải ngoại, lanh lẹ thông minh, nhiều hoài bão, chọn cách sinh hoạt hướng dẫn, truyền đạt thế hệ trẻ nói tiếng Việt lưu loát, giữ gìn và lưu truyền ngôn ngữ mẹ trên quê hương xứ người.

    Nhóm văn nghệ “Sài Gòn Nhớ” do chị Thuý Nga đảm trách. Chị là ca sĩ có giọng hát rất hay, chuyên về dòng nhạc tiền chiến. Cùng với chị là một số ca sĩ địa phương điêu luyện với những bản nhạc đi vào lòng người.

    Buổi lễ bắt đầu qua những nghi lễ chào cờ Mỹ, quốc ca VN và phần tưởng niệm do anh Hoàng Thưởng hướng dẫn chương trình thật trang trọng.

    Kế tiếp ông chủ tịch Lê văn Hải có đôi lời chúc vui trong mùa lễ. Ông phó ban ngoại vụ tiến sĩ Nguyễn Hồng Dũng giới thiệu ba tác phẩm của cựu hội trưởng Chinh Nguyên. Nhà văn Chinh Nguyên lên sân khấu phát biểu tâm tình: “Sau những lần nói chuyện với Cha Lý qua Zoom, ông thấy ngài nay đã già yếu, chịu đựng những cơn bệnh của tuổi già, sau những năm sống trong lao tù để tranh đấu trực diện với Cộng Sản đòi hỏi tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam mai sau. Hiện tại Cha Lý đang đau nặng không đầy đủ thuốc men và sống cô đơn tại nhà dòng Công Giáo Huế”. Nhà văn Chinh Nguyên sẽ dùng tất cả số tiền ủng hộ, bán sách chuyển về tận tay Cha Lý.

    Cũng xin nói qua về Chủ tịch Lê văn Hải của VTLV, và cũng là chủ nhiệm báo Thằng Mõ. Ông luôn luôn rất hào phóng với bất kỳ buổi tổ chức nào tại quán Cà Phê Lovers. Mỗi người khách tham dự nhận được một vé uống nước free và Ticket sổ xố trúng thưởng. Ngoài ra, ông còn điều hành nhóm Mõ Nhân Ái và phát cơm cũng như quà cho người vô gia cư đều đặn hàng tháng nữa.

    Quan điểm và ước mơ của Văn Thơ Lạc Việt là “Tiếng Việt Còn, Nước Việt Còn” để có thế hệ tiếp nối mai sau. Trong tinh thần này thầy Thái và cô Thanh Loan cùng chung một hoài bão, nên đã góp tay thực hiện.

    Các em trong nhóm “Tuổi Trẻ Hải Ngoại” tuổi vừa độ trăng tròn hát Dân ca Ba miền, Ghé Bến Sài Gòn, và những bài về mùa Thu với cung cách trình bày rất điêu luyện duyên dáng.

    Phần văn nghệ đầu tiên với hình ảnh rất dễ thương, Ma Soeur đệm đàn guitar, các em nhỏ mặc đồng phục áo đỏ lên hát tiếng Việt rành rọt những bài yêu Cha, quý Mẹ do các Ma Soeur dạy dỗ tập luyện, được mọi người chụp hình và vỗ tay nhiệt liệt.

    Đặc biệt, ban hợp ca gồm 4 chị em nhỏ Gia Đình Màu Tím trình bày nhạc phẩm “Lá Thư Gửi Thiên Đường” quá tuyệt vời! Tất cả các em nói tiếng Việt rất lưu loát không thua gì người lớn.

    Những giọng ca của nhóm Sài Gòn Nhớ đã được khán giả nồng nhiệt tán thưởng và làm cho chương trình thêm phong phú.

    Kế tiếp là phần sổ số có thưởng thật hào hứng. Sau cùng phần mừng sinh nhật của các là thành viên của VTLV có ngày sinh nhật trong ba tháng cuối năm; kể cả khách đến tham dự có chung tháng sinh nhật cũng được mời lên phát quà và cắt bánh chung vui.

    Phút cuối nhà văn Chinh Nguyên lên báo cáo tổng kết số tiền bán sách  vượt quá 4 số, chứng tỏ sự phát triển văn học và tình nghĩa của mọi người qua nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tấm lòng biết ơn đến sự hy sinh của Cha Lý đã vì dân tộc VN mà đứng lên đấu tranh.

    Bế mạc chương trình bằng những nụ cười tươi vui rộn ràng thân mật. Nụ cười mà mọi người luôn mong giữa cuộc đời này; nhất là hội trưởng Lê văn Hải luôn hằng muốn được thấy nụ cười thân ái và đoàn kết của tất cả mọi người.

    Xin cám ơn hội trưởng của VTLV, anh Chinh Nguyên, thầy Thái, cô Thanh Loan, anh Hoàng Thưởng, chị Thuý Nga, các em nhỏ, em lớn, các ca sĩ cũng như ban nhạc đã phối hợp tổ chức để chúng tôi được thưởng thức giọng ca, niềm vui trong không khí hoà nhã, thân mật.

    Bên ngoài trời bắt đầu se lạnh, hồn thu dịu vợi, bóng thu man mác như đang chào đón mùa lễ Tạ Ơn. Tôi cảm tưởng như mình đang ở một thiên đàng nơi trần thế.

    Minh Thuý Thành Nội

    Mùa Lễ Tạ Ơn 2023

  • Minh Thúy

    Giữ Trọn Tình Quê

    Lời phi lộ

              Kính thưa quý đồng hương Sịa.

              Trong niềm cảm xúc MT muốn viết đôi điều về tổ chức “Hội Ngộ Đồng Hương Sịa Hải Ngoại Lần Thứ 5” tại Bắc Cali như cất một kỷ niệm thân thương quý giá. Vì là dâu Sịa, chưa hề biết hoặc về thăm Sịa, nên cần nhờ ông Google chỉ lối, nhưng không thấy và không hiểu về nhiều làng có đặc điểm chi, nên đã viết trong sự hiểu biết hạn hẹp.

            Bài này chỉ viết theo cảm xúc riêng tư của mình. Xin quý đồng hương đọc trong sự hoan hỷ

                                Giữ Trọn Tình Quê

              Cuối tháng hai chú Lê Hữu Thọ (em chồng) dặn tôi nếu có phone người lạ vùng SF nhớ mở lên nghe. Thì ra anh Thuận sinh hoạt chung với tôi nơi “Văn học cỏ thơm”, tôi chỉ biết chứ không quen. Anh T mời tôi làm MC cho đại hội Sịa sẽ mở đầu tháng 7. Tôi được biết 3 người bạn thân cùng là lính VNCH, cùng đi tù nơi Ái Tử, Bình Điền, có nguồn gốc con dân Sịa đứng ra tổ chức. Các hội ngộ ĐHS Hải Ngoại 1, 2 & 4 tổ chức ớ Nam Cali, Hội Ngộ 3 tổ chức ở Arlington Dallas (TX).

              Đáng lý một ông cố vấn tổ chức kế tiếp kỳ 5 tại Bắc Cali, nhưng năm 2020 bị trình trạng Covid-19 xảy ra, 2022 định thực hiện thì ông bị mổ tim cần dưỡng bệnh. Ba người bạn xin phép tổ chức và được khuyến khích. Tôi cũng phân vân vì thường MC phải đủ điều kiện dáng dấp, trẻ đẹp, ăn nói hay, mà mình thì đã già và chỉ có con zero. Kế tiếp trưởng ban gọi nhắc lại vai trò MC và muốn tôi hứa một tiếng để ban tổ chức yên tâm, tôi cũng thắc mắc tại sao không mời người chuyên làm MC, anh nói “chỉ muốn dân Sịa, anh em cây nhà lá vườn mình làm cho vui, gắng giúp một tay chứ trong 3 năm vừa qua dân Sịa từ giã cõi đời nhiều lắm. “Câu nói sau như sự nhắc nhở” cuộc đời ngắn ngủi, mọi sự đều vô thường” đã gây sự xúc động nên tôi nhận lời vì biết phần nghi lễ, giới thiệu quan khách đã có cố vấn đảm trách, phía văn nghệ chỉ giới thiệu người hát thì cũng đỡ lo.

              Mạ chồng tôi là con quan Thượng Thư Nguyễn Viết Song (sau này, các đài truyền hình Huế có đến phỏng vấn con cháu và chụp hình ngôi nhà). Mạ lấy chồng gốc Sịa tên ba Lê Hữu Đãn, cha chồng là ôn Lê Hữu Hàm (thường được gọi là ôn Quản Hàm), ông nội chồng là cố Lê Hữu Hiệu làm quan dưới triều Nguyễn. Nghe trong nhà kể lại thời đó được tin mật báo cho biết ôn Lê Hữu Hàm và ba Lê Hữu Đãn có tên trong danh sách sẽ bị VC thủ tiêu, nên gia đình chạy trốn lên Huế, phần ba Đãn làm việc trong ngành thông tin, đổi đi nhiều nơi nên chọn đất Huế sinh sống từ đó.

              Ngày xưa mạ là hoa khôi trường Đồng Khánh, tiểu thư đài các hiền thục, khi về làm dâu mạ chồng gốc Sịa, được bà nội dạy nữ công gia chánh, nên mạ giỏi giang không thua ai. Mạ sinh con, hầu hạ ba mạ chồng nơi căn nhà trên đường Mai thúc Loan hướng ra cửa Đông Ba.

              Tôi lấy chồng xứ Sịa, nhưng chưa hề biết Sịa và về thăm Sịa. Hồi xưa có thấy xe đò “Huế-An Lỗ -Sịa” đậu bến xe Nguyễn Hoàng, giữa đường Thượng Tứ và Kỳ đài Phu Văn Lâu, thỉnh thoảng nghe bạn bè hay nói làm đày “con ni Sịa hí” câu nói quen miệng chứ tôi cũng không hiểu ý, có lẽ chê hỉ? Hay là ví theo câu “Ui cha Sịa! Láo thiên láo địa láo từ bên Sịa láo qua… Nội Thành” nếu ngày xưa tôi hiểu và đã lấy chồng Sịa thì sẽ trả treo lại “Nhất Huế nhì Sịa” đó tề.

              Khi gia nhập vào gia đình nhà chồng, tôi thường nghe mấy O em chồng, hoặc chồng tôi kể lại “mỗi lần có tế làng hay cúng giỗ, thường đi theo ông Nội về Sịa ăn uống no nê, hoặc lúc ba làm ngành thông tin, thỉnh thoảng chở mấy anh em về thăm bà con, ở lại ngôi nhà ông Nội xây để con cháu về nghỉ ngơi vào dịp mùa hè, hiện nay ngôi nhà vẫn còn, cho con cháu người làm giữ dùm và hương khói mồ mả tổ tiên.

              Sau 75 có cơ cực mới hiểu bà con xứ Sịa sống rất giàu tình nghĩa. Dù nơi đâu cũng thiếu thốn tả tơi, nhưng ở Sịa còn có mảnh vườn trồng rau trái, khoai sắn. Nhiều lần ông xã tôi và chú Thọ đạp xe về làng, bà con cắt bầu bí, mướp ngọt gởi theo, hoặc thỉnh thoảng họ đem khoai sắn lên thành phố tiếp tế, mạ chồng níu tay mời ở lại dùng …bột mì nướng, nhưng O chú, dì, dượng nhất định không ở lại, bảo về cho kịp chuyến xe đò, nhưng ai cũng hiểu ngầm bà con tránh, sợ tốn miếng ăn của gia đình đông con thiếu thốn. Nghĩa cử đó cả đời không quên, anh em trong gia đình nhắc nhở hoài, nhắc để biết đền đáp mỗi dịp Tết đến hoặc những lúc bà con đau yếu bệnh hoạn.

              Tôi tìm hiểu về đất Sịa, nhờ ông Google đưa đường dẫn lối trên các websites, rất muốn biết đặc điểm của các làng, nhưng tìm chẳng thấy, đành đại khái đôi điều:

              “Sịa là thị trấn của huyện Quảng Điền, nằm ở phía Bắc Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế 30 km theo hướng Đông trên Quốc lộ một. Sịa là vùng quê trù phú với bao giá trị văn hoá lâu đời mà nay vẫn còn được lưu lại ở làng Khuông Phò và một số làng khác như Thủ Lễ, An Gia, Thạch Bình, thuộc huyện Quảng Điền. Đó là những di sản viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm như các sắc chiếu, gia phả, bằng cấp giá trị vô cùng”.

              Làng Sịa có gốc gác quan quân và vua chúa. Ngày trước, vua Lê Thái Tông vào Nam dẹp giặc Chiêm Thành ở Thuận Hóa và Quảng Nam khi trở về Bắc, khu vực Sịa vua giao phó cho một số quan quân tình nguyện ở lại khai canh. Thế là có Khuông Phò, Thủ Lễ, Tráng Lực. Từ ba làng chính này, sau này Sịa phát triển thêm một số làng khác. Khi Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam đã thay các ngài khai canh. Đời hậu Lê dựng nghiệp, vua Lê Thánh Tông lấy một bà họ Nguyễn làng Tráng Lực. Nghe ông bà kể lại, bà này xinh đẹp, cốt cách quý phái, dáng dấp thanh tao, sinh được một thái tử khôi ngô, tuấn tú… Vì vậy dân làng Sịa mới có truyền thống văn hóa, sống có khuôn phép, lễ nghĩa, đạo đức. Cuộc sống của dân làng sung túc, buôn bán phồn thịnh “Làng Thủ Lễ – thị trấn Sịa- huyện Quảng Điền là một vùng đồng bằng gần với phá Tam Giang. Lịch sử của làng Thủ Lễ gắn liền với lịch sử ra đời của vùng Sịa”. Các công trình dù lớn hay nhỏ cũng đều là sự đóng góp, xây dựng của dân cư từ những buổi đầu lập ấp dựng làng. Nơi đây có ngôi đình làng Thủ Lễ, là biểu tượng sức mạnh của một làng quê giàu truyền thống văn vật với sự đoàn kết tình làng nghĩa xóm, đã giữ gìn nếp sống tốt đẹp. “Sịa nổi danh là một vùng quê trù phú, văn vật, với biết bao giá trị văn hoá mà cho đến nay vẫn còn ngời sáng”

              Theo sử sách của làng, Thủ Lễ có nghĩa là “giữ lễ”, họ có cuộc sống về tinh thần, văn hoá rất là phong phú. Hàng năm, làng tổ những ngày lễ tế như tế làng, cúng cô hồn không nơi nương tựa diễn ra trong 3 ngày đêm. Tế trời đất thánh thần cầu nguyện mưa thuận, gió hòa, dân làm ăn ra, sống an lành hạnh phúc. Tế các bậc tiền nhân có công với làng nước để dạy con cháu sống phải biết ơn với tổ tiên theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Ngày xưa đời các cố, hai bên nội ngoại như ông Lê Hữu Hàm, ông Hồ Đăng Sao ăn mặc chỉnh tề cúng tế thể hiện sự tôn trọng việc làng nước. Thêm vào các sinh hoạt nhân gian: hò giã gạo, hò mái nhì, vè rất được lòng dân ưa chuộng. “Hiện nay làng có 14 họ tộc, những ngôi nhà thờ họ được con cháu giữ gìn chu đáo, nhiều họ còn có cách làm hay để giáo dục con cháu giữ nếp nhà bởi làng có truyền thống giữ lễ. Sịa có rất nhiều nhân tài đỗ đạt vào làm quan như ông Trần Hữu Khác sinh làng Thạch Bình, năm 27 tuổi đậu bằng tiến sĩ dưới thời Tự Đức, và 54 người thuộc làng Thủ Lễ được làm quan dưới triều Tây Sơn. Đó là điều hãnh diện cho làng Thủ Lễ có 2 đền Văn Thánh và Võ Thánh. Đình làng Thủ Lễ có lối kiến trúc độc đáo nhà cổ, được công nhận di tích quốc gia. “Sịa nổi danh là một vùng quê trù phú, với nhiều giá trị văn hoá mà cho đến nay vẫn còn sáng ngời”. Tâm tánh con người thì hiền lành thật thà, có nếp sống đạo đức nhân hậu, đặc biệt những con dâu Sịa giỏi việc buôn bán, bếp núc giỏi việc gia đình, khéo tay làm đủ món nem tré, chả tôm, chả lụa, cho đến bánh trái nữ công gia chánh đều hoàn hảo. Sở dĩ tôi biết vì nhìn qua bà mụ, bà nội bên chồng là…tái mặt vì mình không được một phần của thế hệ xưa (tìm hiểu tài liệu qua bài viết của cô Bùi Kim Chi và Diên Thống)  

    Trở lại chuyện tổ chức Đại Hội Sịa Kỳ 5.

            Buổi họp đầu tiên anh Hoá xin địa chỉ email và số phone để liên lạc làm việc chung. Buổi thứ hai trưởng ban cần tìm người thủ quỹ, chỉ định, yêu cầu nhưng không ai nhận, anh than thở “tiền ủng hộ gởi tới rồi không biết giao ai”, thế kẹt nhờ tôi, cuối cùng tôi cũng xuôi tai nhận làm thủ quỹ.

              Trưởng và phó ban bắt đầu in thiệp, dùng địa chỉ nhà tôi gởi đi khắp nơi và trên tấm thiệp ghi luôn số phone của tôi. Nghe mấy anh kể lại truyền thống của 4 kỳ đại hội trước do 3 ông trưởng bối (trong đó có chú Trực bà con nhà chồng tôi), đặt ra phương châm là: không bán vé, không nói giá tiền, tùy bà con ủng hộ. Kết quả những lần trước rất phấn khởi dư được số tiền khả quan dùng làm việc cứu giúp anh em Thương phế Binh, hoặc cho “Cây Mùa Xuân” bên quê nhà, bây giờ đại hội kỳ 5 cũng phải đi theo đường lối đó. Tôi là người luôn ăn chắc mặc bền, tính chuyện thực tế rõ ràng trong cuộc sống khác hẳn với thơ văn thì luôn buộc gió thả mây. Từ khi in thiệp mời, có nhiều người hỏi giá vé trên diễn đàn hội Sịa, anh trưởng ban Ngô Hóa trả lời hiền lành thật thà “Mời bà con về dự, đừng hỏi chuyện tiền bạc, tôi sẽ không nhận tiền của ai hết …” Ôi trời! không biết bữa đó anh có uống lộn thuốc hay có men rượu không?!!! tôi vừa đọc xong là mặt tái xanh cỡ màu nước biển, miệng muốn á khẩu, tự dưng thấy hồi hộp lo âu vô cùng.

             So sánh ngày trước giá đặt tiệc chỉ khoảng $25, $30 hay hơn một tý nơi các vùng khác, kinh tế thời đó cũng sung túc, bà con làm ăn khấm khá nên được nhờ. Vật giá tại bắc Cali nổi tiếng đắt đỏ nhất, sau vụ Covid -19 bùng nổ, đến nay đã có 4 nhà hàng đám cưới, tiệc tùng đóng cửa, chỉ còn lại một nhà hàng Dynasty. Kinh tế khủng hoảng, bà con thất nghiệp, vật giá leo thang kinh khủng. Ban tổ chức đã đến chọn đặt loại trung bình $65, chưa kể phần mua rượu bỏ lên bàn, như vậy giá chót bèo lắm cũng phải $75 một ghế ngồi. Thôi thà mất lòng trước được lòng sau, “đứa cháu dâu này xin lỗi chú Trực…phải vượt rào đi lối khác thôi, chỉ mình con …sai trái chứ BTC đàng hoàng thật thà lắm. Con vô cùng xin lỗi cả những tiền bối khác, ai tha thứ thì nhờ, ai ghét thì chịu, dù giờ này chú đã yên giấc nghìn thu, nhưng con vẫn mong được chú…chấp nhận.

              Tôi nhảy vào diễn đàn lên tiếng:

              – Anh Hóa nói chi nghe như ở Chùa rứa? Hôm trước đặt mỗi bàn là $650, dù tui không thể ủng hộ thêm, nhưng tui cũng phải trả phần ăn của mình chớ, nếu anh không nhận $ thì tui không đi mô nghe, mà anh không nhận lấy tiền mô trả nhà hàng?

              Ông trưởng ban có vẻ mắc cỡ trả lời:

              – Nói đến tiền bạc Hóa ngại ngùng lắm, không muốn đề cập tới.

             Tôi mắc cười nghĩ thầm “Ui…dzậy thì chết cha ngộ dzồi, mấy ông tổ chức hiền lành mở miệng không ra, thì thôi để mình tui …quậy vậy, ai biểu kêu tui làm thủ quỹ …”

              Từ đó mỗi ngày tôi nhận tiền tới tấp, xa gởi check hoặc qua zelle, gần nhắn đến nhà lấy. Phone gọi liên tục, bình thường tôi không mở phone lạ, nay mở ra đúng toàn bà con Sịa.

              Gia đình đầu tiên là anh Phan Gia Hòa ghi tên 22 người.

       Ngạc nhiên và ngầm thán phục tôi hỏi anh

              -Răng anh dụ mấy cháu nhỏ chịu đi tài rứa?

    Anh cao giọng

              – Không đi mà được à, nơi chốn ông cha nó sinh ra, gầy dựng nuôi chúng nó nên người, phải đi để biết tông biết tổ, anh tuyên bố trước để chận đứng “không được đứa mô đi chơi xa trong khoảng thời gian đó, phải có mặt đi dự hội Sịa”.

              Tôi nghe vô cùng kính nể lối sống trọng tình trọng nghĩa của anh, có được phước báu đàn con cháu vô cùng hiếu thảo với ba má. Thời gian ở VN, nhà anh chứa biết bao nhiêu gia đình có diện HO qua Mỹ từ Huế vào, được tá túc nhà anh cho đến ngày đi, ngày cả người không quen, chỉ biết dân làng Sịa đã vào lập nghiệp vùng Qui Nhơn từ lâu, cũng được ở nhờ qua bà con giới thiệu. “Hữu xạ tự nhiên hương”, tiếng tốt đồn xa, cho đến bây giờ mọi người vẫn thường nhắc ân tình quý báu năm xưa.

              Kế tiếp gia đình anh Hồ Đăng Lăng ủng hộ 22 người, khỏi nói về gia đình anh và chị Nguyệt thì ai cũng biết. Tuy làm ăn phương xa đến đất Sài Gòn, nhưng anh chị luôn hướng lòng nơi quê Sịa, về thăm và đóng góp rất nhiều việc đại sự cho đất Sịa, nên được khắc tên để dân làng ghi ơn. Qua Mỹ anh chị lại càng thiết tha hơn về quê cha đất tổ, quyên góp hàng năm trong việc cúng tạ trời đất của dân làng.

              Gia đình con cháu chú Hồ Lang ghi danh 22 người, rất vui vẻ náo nức mong chờ ngày họp mặt bà con Sịa, hăng hái làm tài xế đón đưa đồng hương từ các tiểu bang xa về.   

              Gia đình con cháu ba Lê Hữu Dãn 25 người. Rể Anh làm trưởng ban văn nghệ và MC, con gái Tịnh Tâm trưởng ban tiếp tân, con trai Lê Hữu Thọ đưa đón phi trường và xe đò Hoàng, dâu Minh Thuý làm thủ quỹ, góp một bàn tay chung vai gánh vác lần này.

              Cũng kể luôn gia đình cố vấn Trần Quỳ, gia đình O Diệu Thanh & chú Bùi Miều cũng hăng hái ghi danh 1 bàn.

              Co lần, người con trai gốc Sịa email riêng cho tôi, muốn ghi danh thêm 2 khách nữa, gởi zelle liền $600 nhưng dặn tôi dấu tên, vì ngày đại hội cũng là ngày Anniversary 58 năm của ba mạ, yêu cầu xếp bàn chung dành surprise 2 người khách, nên tôi ghi trên list là “cháu Sịa”.​ 

              Từ xa những tiểu bang Virginia, Boston, Orlando, Washington DC, Massachusetts, Indiana, TX, Seattle WA…v..v… các chú bác, anh chị em ghi tên tham dự đông đã ủng hộ rất hậu hỷ, cũng kể thêm hầu như mọi người đều nâng giá cao hơn so với phần đặt nhà hàng nữa. ​​Ngoài ra còn các chú, O, anh chị không tham dự, gởi tiền ủng hộ rất nhiều. Thật vô cùng cảm kích những tấm lòng đậm đà tình đồng hương trong nghĩa cử đẹp.

              Nhờ vai trò thủ quỹ mà tôi quen được rất nhiều O, Chú gọi phone hỏi thăm “rứa con là con của ai?”, “Dạ là dâu Sịa”. Được biết có nhiều cố vấn và ban xã hội của xứ Sịa được tổ chức quy mô dù người ở Nam Cali, người ở Houston, người ở Boston… v..v..nhưng vẫn liên kết chặt chẽ làm việc chung.

              Từ xa chú Võ Minh, anh Nguyễn Hữu Lợi, chị Như Khuê, Lê Quyên, chị Hoàng Thị Nga, anh Trần Đại Bản, chị Ngọc Khánh, em Võ Quỳnh Phương & Huy Thái, anh Nguyễn Khoa Hoạt, Lê Thành, Hoàng Vũ Khiêu & Mỹ Lệ, ghi tên tham dự đã ủng hộ rất hậu hỷ, cũng kể thêm hầu như mọi người đều nâng giá cao hơn so với phần đặt nhà hàng nữa. ​​Ngoài ra còn các chú, O, anh chị không tham dự, gởi tiền ủng hộ họ và tên như sau: Phan Gia Nhuận, Ngô Chương, Nguyễn Bá Chẩn, Lê Ngà, Phan Gia Quýnh, Phan Thị Hoa, Nguyễn Đạt & Ngô Thuỳ Dương, Phan Văn Lập & Nguyễn Thị Ái, Lệ Chi & Đặng Chiêu, Trần Thị Thước & Trần Thu Phương, Nguyễn Đức, Lê Nam & Trần Thị Mừng, Bành Kim Lê & Tuyết Mai, Trần Đình Sắc & Nguyễn Kim Chiến, Võ Tuyết Thanh, Trần Thị Hoà (Tâm), Ngô Thị Gái, Gia đình Ngô Bé, Nguyễn Kim Chiến, Trần Đình Sắc, Bành Kim Lệ, Bành Thị Tuyết Mai, Thái Quang Minh, giờ phút cuối Lê Quyên, Thái Lương Trinh, Thái Như Khuê, Võ Minh & Hoàng Kiều Nga không dự được cũng ủng hộ. 

              Thật vô cùng cảm kích những tấm lòng đậm đà tình đồng hương trong nghĩa cử đẹp.

    ​​          Nhờ vai trò thủ quỹ mà tôi quen được rất nhiều O, Chú gọi phone hỏi thăm “rứa con là con của ai?”, “Dạ là dâu Sịa”. Thỉnh thoảng chú Hội bắn qua chọc, chú Tô, chú Thẩm gọi phone khuyến khích bày vẽ, Chú Minh thư thăm hỏi kèm check, chị Như Khuê chuyện trò bằng email, anh Lợi tâm sự chuyện đời, anh Bành Kim Lệ nhận bà con, cùng làng thơ, đọc thơ cho nghe, chưa kể các em các cháu bắn tin chuyển tiền, bà con gọi ghi danh tham dự …thiệt là vui và bận rộn.

              Trong vòng 2 tháng đã có hơn 200 người chuyển tiền. Nhìn kết quả đã giúp tôi bớt bị stress, ổn định tình thần trở lại, cùng cố vấn Trần Quỳ, anh Thuận đến nhà hàng Dynasty deposit tấm check, lòng yên ổn nhẹ nhõm khi đã trả hơn 2/3.

              Lúc thuê tầng dưới của nhà hàng, BTC dự trù 200 người, không ngờ số ghi tên cứ tăng dần tới 250 mọi người đều lo chỗ chật chội ngồi ép không thoải mái. Cho đến khi con số lên gần 280, BTC bắt buộc phải điều đình với nhà hàng, xin phép dời lên lầu. Quy luật nhà hàng phía trên lầu yêu cầu trên 28 bàn, và may mắn đêm đó không có hội đoàn nào tổ chức, nên được chấp nhận. ​Đến nay đã lên 30 bàn, ai nấy thở phào nhẹ nhõm nhìn nhau cười rạng rỡ.

              Bất ngờ một ngày có tin không vui: thím Võ Minh ở Boston bị té gãy xương, gia đình ghi danh 4 người gồm chú thím, Võ Đạo và em gái, nay cancel. Mọi người ai cũng buồn trước tin bất ngờ này. Chú Võ Minh thông báo và ủng hộ số tiền đã đóng. Nhận thấy tấm lòng chú thím quá tốt, cộng thêm sự rộng rãi của con trai, trong lúc thím đang bệnh nên BTC quyết định trả lại $ cho con trai, chỉ nhận $ của Chú Minh.

              Điều này đã khiến tôi có nhiều cảm xúc, nhất là được biết chú thím ăn trường chay, và cảm động trước tấm lòng hiểu thảo của Võ Đạo (con trai chú).

              Từ tin tức này này tôi làm bài thơ, đưọc nhà thơ đồng hương Quang Hà họa lại, cho vào khung thơ trao tặng chú thím Võ Minh đúng kỷ niệm 58 năm ngày cưới. 

    Trong hội Sịa có bác Trần In năm nay đã 98 tuổi thọ là điều quá quý và hãnh diện cho làng Sịa. Ông xã tôi kể “bác rất thân với ba từ bên Sịa, đã từng làm ông mai giới thiệu cô M, nhưng không thành. Vào Sài Gòn cũng thân thiết qua lại, bác nhớ hết tên anh em lớn trong gia đình mình”. Tôi thấy kính trọng vô cùng, nên hứng khởi sáng tác bài thơ Thất Ngôn Bát Cú, nhưng nghĩ chỉ một bài thì không nhân danh hội Sịa, nên gọi anh Thuận (thi sĩ chuyên làm thơ Đường Luật) họa lại, nhờ ông anh BT làm tranh thơ, tôi sang lớn mua khung bỏ vào, làm quà tặng bác trong ngày đại hội,

    Lòng tôi sung sướng khi được đóng góp chút tình riêng không đụng chạm tới quỹ của hội. Các anh em trong ban tổ chức cũng mua xài dè dặt trong vấn đề làm sân khấu và các thứ linh tinh khác, anh Hóa đi dảo giá so sánh rồi cuối cùng ra chợ trời mua giá rẻ.

    Riêng tôi lại càng tiết kiệm sát nút nơi nhà hàng về chuyện thuê người bọc ghế, hoặc trang trí những bình hoa trên bàn, khi nghĩ đến dân nghèo bên Sịa “Cây Mùa Xuân” mỗi năm, và việc khác như Thương phế binh VNCH, nhất là càng quý trọng đồng tiền mồ hôi nước mắt của bà con đóng góp, nếu sau này có ai chê trách thì tôi gắng mở tai ra nghe “lỗi tại tôi mọi đàng” mà.

              Điểm họp mặt ngày tiền hội ngộ tại nhà anh Hồ Đăng Lăng vùng Fremont. Phe đàn ông hằng ngày miệt mài làm sân khấu, đặc biệt Phong (con nhạc sĩ Đinh Miên) yểm trợ vật liệu, Ngô Hoá yểm trợ lều bạt cũng như sự đóng góp công sức của các anh em: Hà Thuận, Hồ Đăng Anh, Hoàng Lương, Lê Hữu Thọ, Hồ Đăng Quỳnh, kể cả 2 ông cố vấn Trần Quỳ và Hồ Đăng Lăng cũng phụ giúp chung tay, đã thiết lập sân khấu ngày tiền họp mặt trong vườn nhà anh Lăng đẹp mắt làm mọi người rất ưng ý. Thức ăn uống, trái cây có người nhà anh Lăng quan tâm, cũng như anh Quỳ, anh Hóa bồi dưỡng đủ món, lúc bánh lọc, bánh ít, khi chả lụa, bánh nậm, bánh cuốn tràn trề kể cả những buổi họp. Nói riêng về cố vấn Trần Quỳ đúng là cây cổ thụ che nắng mưa cho ban tổ chức kỳ này. Tánh tình anh cởi mở, nụ cười thân mật hiền hoà, luôn khuyến khích và sát vai cùng các em bất cứ việc lớn nhỏ, cho chúng tôi cảm giác hăng say quên mệt nhọc.

              Phần văn nghệ đặc biệt là chầu văn, hò Huế nói lên hồn quê hươngđặc điểm dân ca của Huế Sịa ngàn xưa diễn lại. Bà con Bắc Cali quá dễ thương nhiệt tình cho ngày Tiền Hội Ngộ, mỗi người tự nguyện làm một món đem tới điểm tụ nhà anh Hồ Đăng Lăng thiệt hấp dẫn như cá Salmon nướng, gà bóp rau răm, món Ý, món Mỹ, chả giò, xôi, bánh bột lọc trần, gói lá, bánh ít ram, gỏi bò khô, gỏi mít tôm thịt, cơm, mì xào, trái cây, chè Thái Lan, bánh đông sương, chị Hồ Thị Tơ nấu dùm nồi bún chay trong khi trước đó một ngày vừa xong chuyện soi ruột, nàng dâu Sịa đáng nể mặt dám gồng mình khi sức khỏe đang còn yếu ớt . Cũng kể thêm Hồ Dũng (con chú Hồ Lang) tặng bia, nước ngọt, Hồ Đăng Anh & Lê Hữu Thịnh tài trợ phần ban nhạc ngày tiền hội ngộ, Lê Hữu Vinh tài trợ phần rượu Ý đem đến nhà hàng. Không khí càng gần đến ngày càng quýnh quáng hơn, tuy mệt mà vui, vợ anh Hoá, vợ anh Thuận kể “thao thức cả đêm không ngủ được, gần sáng mới thiu thiu thì ông dôn đã thức dậy nhắc nấu món đem đi.”

              Buổi Tiền Hội Ngộ dù trời nóng tới 100 độ, nhưng bà con đến đầy khu vườn trong sự chuẩn bị hết sức công phu. Ban tổ chức mới được bầu Hồ Đăng Anh làm trưởng hội Sịa, Hồ Đăng Quỳnh, Hồ Thuận, Ngô Hoá mỗi người một chức vụ chung nhau làm việc. Riêng tôi thoái thác không chịu nhận chức thủ quỹ tiếp tục theo yêu cầu của các cố vấn, lý do xét đầu óc mình đã nhớ nhớ, quên quên, sợ lúc quên cầm tiền của hội tiêu xài thì nguy nên nhất định từ chối.

              Trong thời gian qua nhờ làm việc mới biết rõ anh Hóa (trưởng ban tổ chức) tánh tình rất hiền hậu đằm thắm, chạy loanh quanh lo đủ thứ việc, anh Thuận (phó ban tổ chức). Thiệt ganh tỵ với anh Thuận, vì trên đời này có bao nhiêu cái tài đều nằm trong người anh hết, thi sĩ chuyên trị thơ Đường, biết lay-out bài vở, viết thư pháp đẹp, design mẫu mã tài, giỏi Computer thật đáng khâm phục. Hồ Đăng Anh là rể trong gia đình nên tôi rành từ lâu, hát hay, hò vè chuyên trị, người có sức khỏe tháo vác, rành chuyện cúng tế. Anh Đăng Quỳnh máu văn nghệ hăng say trời phú giọng hát mạnh, hiền lành dễ chịu. Thật may mắn cho hội Sịa có những người giỏi như vậy, cộng thêm các cố vấn Bùi Phước Ty, chú Thẩm, chúTô, chú Hội, anh Quỳ, anh Lợi, anh Lăng, anh Hoà nhiều kinh nghiệm, luôn góp ý xây dựng và khuyến khích các em bằng sự thương yêu như người một nhà. Chú Hội, chú Tô, anh Lợi rất vui tính và thân thiện, đặt biệt chú Thẩm luôn có máu khôi hài, ăn nói duyên dáng uyển chuyển khéo tài trong phần MC.

                   Tin giờ chót cũng có chuyện vui lẫn chuyện buồn: buồn vì chồng chị Lương Trinh thấy mệt trong người, nên chị không yên tâm, con chị và chị Như Khuê cũng hủy bỏ chuyến đi vì mang tâm trạng “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Vui: là O Duyên Tấn (Thuận), O thuộc vai vế trong bà con nên tôi gọi là O chứ đang còn trẻ, chuyên đi vác ngà voi, lo phần trang trí những tiệc hội chợ, sinh viên, nhà thờ, chùa, hay bất cứ hội đoàn nào nhờ đến. O là người của đất Sịa, vì quá bận rộn không hứa trước sẽ đi dự, nhưng giờ phút chót O đã đủ duyên lên Bắc Cali. Không thể tưởng tượng được vợ chồng O lái 2 xe , gởi thêm xe đò Hoàng các vật liệu trang trí khổng lồ về cảnh thôn quê VN. Vợ chồng O tới nhà hàng xin phép manager, rồi âm thầm trang trí 2 ngày nào là gánh hàng trái cây, ruộng lúa, nón lá, vòm hoa khổng lồ và chữ Sịa to hết chỗ diễn tả. Khi tôi đến sớm thấy O trèo lên cao, chui xuống dưới bò quanh làm việc với đầu bù tóc rối, mặt mày nhợt nhạt, trong khi bà con thi đua nhau xếp hàng chụp hình. Tôi tiếc lúc đó cũng quá lu bu, tại sao không chụp lưu lại hình ảnh người phụ nữ đam mê hết mình vì nghệ thuật và trái tim đầy nhiệt tình hy sinh, dâng hiến niềm vui cho đời. Nhìn công lao O & Chú mọi người muốn ứa nước mắt vì cảm động, O đã đem niềm hạnh phúc lớn lao cho ĐHS và lưu lại kỷ niệm quý giá vô cùng từ hình ảnh.

              Ngày chính thức diễn ra bầu không khí rộn ràng vui nhộn vô cùng. Các cố vấn tuổi đã cao từ xa về áo dài khăn đóng, lòng tôi dâng đầy cảm xúc với bài văn tế của giáo sư Hồ đăng Khác xướng lễ, lệnh chiêng, lệnh trống, chánh bái, bồi bái, giang đăng cùng quý niên trưởng trong ban nghi lễ cổ truyền.

              Ngoài con dân hội Sịa còn có hội Huế, hội Ái Tử Bình Điền, hội Quốc Học Đồng Khánh, và K9B72 SQTB tham dự khá đông, lại được đài Truyền hình Vietoday gửi nhân viên đến làm phóng sự buổi lễ

              Phần văn nghệ đặc biệt là chầu văn, hò Huế nói lên hồn quê hương đặc điểm dân ca của Huế Sịa ngàn xưa diễn lại. Bà con xúm xít hỏi thăm nhau, chụp hình khoe những tà áo dài rực rỡ dưới tranh chiếc xe đò “Huế, An Lỗ, Sịa” ruộng lúa, nón lá rừng hoa đủ màu sắc tươi thắm như muốn trở về ngôi làng thân thương, nơi đồng quê hiền hoà, có lũy tre xanh, có khói lam chiều, có những con người chất phát, những tấm lòng rộng mở chân tình, đầy ắp yêu thương trong tình làng mạc.

              Ngày nay, vì hoàn cảnh người con Sịa sống tha phương nhiều nơi. Đặt biệt nơi xứ người, bà con làng mạc đã tìm kiếm, liên hệ nhau gầy dựng sự đoàn kết, tổ chức những buổi họp mặt nhắc nhở con cháu nhớ nguồn nhớ cội. Lớp tuổi trẻ đã ăn học thành tài góp phần xây dựng cho đất nước Mỹ, được cha mẹ luôn nhắc nhở, giáo dục con cái lối sống đạo đức đùm bọc lẫn nhau, nhất là phải luôn nhớ đến những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật của bà con bên quê nhà để chia sẻ tình nghĩa

                                  Giữ Trọn Tình Quê

                            Tháng bảy xôn xao mùa họp mặt

                            Bắc Cali hạ kết vành hoa

                            Hân hoan chào đón đồng hương Sịa

                            Từ khắp muôn phương tụ một nhà

                            Tung cánh bầy chim bay biệt xứ

                            Bên ni, bên nớ dõi trăng thề

                            Ngậm ngùi năm tháng niềm mơ ước

                            Xa cách nghìn trùng nhớ rứa thê

                            Đất tổ cố hương đành bỏ lại

                            Đàn con lưu lạc chốn quê người

                            Răng quên được thủa dầm mưa nắng

                            Ruộng lúa câu hò vẫn thắm tươi

                            Hoài niệm không ngưng miền đất Sịa

                            Ai về đầm phá bến Tam Giang

                            Dòng sông kỷ niệm khơi thương nhớ

                            Hãnh diện quê ta đậm nghĩa làng

                            Gặp gỡ vui mừng ôi thỏa mộng

                            Bà con ấm dạ phút sum vầy

                            Hò vè, khơi lại hương mùa cũ

                            Giữ trọn tình quê mãi mãi đầy

                                                                 Minh Thúy Thành Nội

                                                                03/7/2023

    Mời quý Đồng hương xem thêm hính ảnh trong link dưới đây

    Hình ảnh

    https://photos.app.goo.gl/2wcNscSFv5DbJEUw8

    Mời quý Đồng Hương Sịa xem thêm hình ảnh theo những youtube dưới đây do đồng hương Trần Quỳ thực hiện

    Hội Ngộ ĐHS Kỳ 5 tại San Jose, Bắc California ngày 2 tháng 7/2023 (phần đầu)

    Hội Ngộ ĐHS Hải Ngoại Kỳ 5, July.2.2023 tại San Jose (phần 2)

    Hội Ngộ ĐHS Hải Ngoại Kỳ 5. July, 2/2023 tại San Jose, Bắc California (phần 3)

    Hội Ngộ ĐHS Hải Ngoại Kỳ 5. July 2/2023 tại San Jose, Bắc California (phần 4)

    Tiền Hội Ngộ Đồng Hương Sịa Hải Ngoại Kỳ 5, ngày 1/7/2023 tại Fremont (phần dầu)

    Tiền Hội Ngộ Đồng Hương Sịa Hải Ngoại Kỳ 5, ngày 1/7/2023 tại Fremont (phần sau)

    Và Livestream dưới đây o do quý đồng hương Trần Quỳ, Hà Thuận, Linh Nguyễn thực hiện:

    https://www.facebook.com/steven.jackson.359126?mibextid=LQQJ4d
  • Thái Lan

    Hạnh Phúc Với Tuổi Hạc

    3 đoạn dịch của ThaiLan

    JÓN KALMAN STEFÁNSSON –  TLdich

    Những bài dịch, nếu xét về phương diện tầm quan trọng  mà chúng mang đến thì thật là khó phân tích. 

    Chúng làm cho mảng kiến thức của ta được nhân lên rất nhiều, cũng như khiến ta trưởng thành hơn, vì ta sẽ hiểu về thế giới nhiều hơn, cũng như hiểu chính bản thân mình sâu sắc hơn.

     Một quốc gia có rất ít kiến thức được dịch từ ngôn ngữ khác và hạn chế sự tìm kiếm, chỉ đào sâu kiến thức phong phú của ngôn ngữ trong những suy nghĩ của chính họ, sẽ có trí tuệ rất hạn hẹp, và nếu có nhiều đất nước như thế, sẽ trở nên mối nguy nan cho các quốc gia khác, bởi vì có vô số kiến thức cần thiết sẽ trở nên xa lạ với họ, vượt ra khỏi thực lực và tập quán đặc thù của họ. 

    Những tài liệu được dịch sẽ mở rộng tầm nhận thức của con người và của thế giới cũng lúc. Chúng sẽ giúp bạn hiểu thêm về những dân tộc xa xôi. 

    Con người sẽ bớt nghiêng về sự thù hận, hoặc nỗi lo sợ nếu như họ hiểu được người khác. 

    Sự thông cảm có khả năng cứu vãn con người khỏi những khó khăn của chính họ. 

    Nếu như bạn hiểu biết về kẻ thù thì các tướng lãnh rất khó để đốc thúc bạn đang là lính của họ phải chém giết phe bên kia-

    Bạn hãy nghe đây, hận thù và thành kiến chỉ là thành quả của nỗi kinh sợ và sự thiếu hiểu biết – bạn có thể ghi nhớ cho rõ, bạn nhé –

    JÓN KALMAN STEFÁNSSON

    NGỢI CA TUỔI HẠC  – JEAN PIERRE SIMÉON – TLdich

    Tôi yêu làm sao những vị cao niên ngồi sưởi nắng bên khung cửa sổ
    Vui thích nhìn đám mây lơ lửng trên cao
    Lúc vào Đông, ánh nắng phớt nhẹ lẫn vào từng con đường, bước thấp bước cao.
    Tôi yêu làm sao
    những gương mặt muôn vàn nếp nhăn
    Là ký ức của vạn nẻo đường đời..
    hình thành một quãng đời đã qua.
    Tôi trân quý bàn tay run rẩy tuổi hạc
    mơn trớn vầng trán mịn trẻ thơ
    Như cành cây yếu đuối nghiêng ngả

    vuốt nhẹ
    con sông trong suốt.
    Tôi yêu làm sao
    Những cử động chậm chạp yếu mềm vào tuổi xế chiều
    Nắm bắt từng khoảnh khắc cuộc đời
    Như nâng niu chén quân bằng sứ .  .  .
    và phần ta, cũng hay chăm chút từng khoảnh khắc như thế
    Với năm tháng trôi qua-

    JEAN PIERRE SIMÉON 

    Thư của Victor Hugo gửi Lamartine 

    “Đây là  lý do tại sao tôi thực hiện tác phẩm Những Người Khốn Khổ


    Victor Hugo(1802-1885), cây đại thụ của văn học Pháp và văn học toàn cầu, tượng trưng cho tính hiện đại trong văn học thế kỷ 19, có tầm nhìn xa của một nhà văn dấn thân trước thời đại, là tác giả của tác phẩm Những Người Khốn Khổ, và nhiều truyện khác. 

    Đó là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, xã hội và triết học nhuốm màu lý tưởng của chủ nghĩa lãng mạn và  chủ nghĩa xã hội, một tác phẩm trọn vẹn, nhiều lần được chuyển thể thành phim: câu chuyện về Jean Valjean và Cosette đã đi vào thần thoại toàn cầu.

    Trong bức thư gửi cho người bạn Alphonse de Lamartine, văn hào lần lượt nêu rõ ràng khởi thủy cấp tiến của tác  phẩm này, phù hợp với những lý tưởng và ước mơ của bản chất con người.

    Một lá thư- một cú đấm từ cha đẻ của những kiệt tác của nền văn học Pháp!

                                                                   ***

    Gởi anh bạn danh tiếng của tôi

    Nếu cực đoan là lý tưởng thì đúng vậy, tôi là người cực đoan.

     . . .

    Phổ cập hóa quyền sở hữu (ngược lại với việc xóa bỏ nó) bằng cách loại bỏ chủ nghĩa ký sinh, đó chính là đạt được mục tiêu này: mọi người đều là sở hữu chủ , không ai là chủ của ai cả, đối với tôi đây là nền kinh tế học thực sự về chính trị và xã hội.

     Đích đến còn rất xa. Đó có phải là lý do để không bước đến đó?

    Tôi nói gọn lại và tóm tắt.

    Vâng, trong khả năng con người được quyền đòi hỏi bao nhiêu thì tôi muốn tiêu diệt định mệnh của con người; Tôi lên án chế độ nô lệ, tôi xua đuổi nghèo đói, tôi chỉ dẫn về sự ngu dốt, tôi điều trị bệnh tật, tôi soi sáng màn đêm, tôi căm ghét hận thù.

     Đây chính là con người tôi và đây là lý do tại sao tôi thực hiện Những Người Khốn Khổ.


    Trong tâm trí tôi,  Những Người Khốn Khổ   chỉ là một cuốn sách lấy tình huynh đệ làm nền tảng và sự tiến bộ là đỉnh cao, không có điều gì khác.

    Bây giờ xin hãy phán xét tôi. […]

    ========================

       Lettre de Victor Hugo à Lamartine “ Voilà pourquoi j’ai fait Les Misérables

    Victor Hugo (1802 – 1885 ), géant de la littérature française et universelle, symbole de la modernité dans la littérature du XIXème siècle, esprit visionnaire et écrivain engagé avant l’heure, est l’auteur, entre autres, des Misérables. Roman historique, social et philosophique teinté des idéaux du romantisme et des exigences du socialisme, œuvre totale, maintes fois adaptée au cinéma, l’histoire de Jean Valjean et de Cosette est entrée dans la mythologie universelle. 

    Dans cette missive adressée à son ami Alphonse de Lamartine, l’homme de lettres énonce haut et fort à son tour l’origine radicale de cette œuvre, à hauteur des idéaux et des rêves de la nature humaine. 

    Une lettre-coup de poing du père de la littérature française!

    +++++++

     

    Mon illustre ami,

    Si le radical, c’est l’idéal, oui, je suis radical.

    [. . .]

     Universaliser la propriété (ce qui est le contraire de l’abolir) en supprimant le parasitisme, c’est-à-dire arriver à ce but : tout homme propriétaire et aucun homme maître, voilà pour moi la véritable économie sociale et politique. 

    Le but est éloigné. Est-ce une raison pour n’y pas marcher ?

     J’abrège et je me résume.

     Oui, autant qu’il est permis à l’homme de vouloir, je veux détruire la fatalité humaine ; je condamne l’esclavage, je chasse la misère, j’enseigne l’ignorance, je traite la maladie, j’éclaire la nuit, je hais la haine.


    Voilà ce que je suis, et voilà pourquoi j’ai fait Les Misérables.


    Dans ma pensée, Les Misérables ne sont autre chose qu’un livre ayant la fraternité pour base et le progrès pour cime.
    Maintenant jugez-moi. […]

  • VFC Trịnh Bình An

    Tuốt Kiếm Phương Xa

    Có gì trong “Tuốt Kiếm Phương Xa” của George J. Veith?

    Trịnh Bình An

    ***

    Tháng 3 năm 2021, nhà biên khảo George J. Veith ra mắt tác phẩm:

    Drawn Swords in a Distant Land: South Vietnam’s Shattered Dreams.”

    Đây là cuốn sách biên khảo thứ tư của ông về Chiến Tranh Việt Nam.

    Tháng 11 năm 2023, cuốn sách được dịch giả Phan Lê Dũng chuyển ngữ, với tựa:

    Tuốt Kiếm Phương Xa – Những Giấc Mơ Tan Vỡ Của Miền Nam Việt Nam.”

    ***

    Theo George J. Veith, cái nhìn về “Vietnam War” của thế giới cực kỳ đơn giản:

    Hà Nội được ban cho chủ nghĩa dân tộc, còn Sài Gòn được định là phải thua.

    Sự sụp đổ thảm hại của Miền Nam tháng Tư 1975 dường như chứng minh cho cách nhìn trên là đúng. Vì lẽ đó, chẳng có gì cần bàn cãi thêm nữa.

    Drawn Swords” là chữ rút ra từ Kinh Thánh. Tác giả ngụ ý: Thất bại của Miền Nam chẳng phải lỗi tự người mà là do Trời giáng xuống oan khiên.

    Shattered Dreams” bởi vì:

    Miền Nam Việt Nam có riêng câu chuyện của họ nhưng lại bị bỏ qua. Đó là câu chuyện củaNhững Ước Mơ” – như lời của một người Miền Nam: “Chúng tôi có rất nhiều ước mơ: ước mơ tự do, ước mơ độc lập, và ước mơ ấm no cho toàn dân. Còn Cộng Sản thì chỉ có độc nhất một tham vọng, đó là dành lấy chiến thắng bằng mọi giá.”

    Lần đầu tiên, một sử gia ngoại quốc khám phá ra “Sự Thật của Miền Nam“:

    Sài Gòn đã thực hiện đồng thời hai mục tiêu:

    Chiến thắng cộng sản và Xây dựng dân chủ.

    Để hoàn thành hai nhiệm vụ to lớn ấy, người dân Miền Nam phải vượt qua di sản suy tàn của chế độ thực dân Pháp. Họ phải đương đầu rất nhiều thử thách: Thiếu đoàn kết dân tộc, xung đột quân dân, thể chế chính trị chưa phát triển, và nhiều vấn đề khó khăn khác.

    Tệ hơn, họ phải giải quyết khó khăn trong khi sát nách là kẻ thù hung hiểm: Cộng Sản.

    Tuốt Kiếm Phương Xa” cho thấy Việt Nam Cộng Hòa không hề là sản phẩm của Mỹ.

    Nền kinh tế Miền Nam VN cho tới nay vẫn bị cho là kém cỏi, nhưng sự thực nền kinh tế ấy đã có những ảnh hưởng to lớn nhờ tạo ra được sự bình đẳng trong dân chúng, như chương trình “Người Cày Có Ruộng.”

    Tuốt Kiếm Phương Xa” còn xem xét kỹ lưỡng vai trò chủ chốt của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong nỗ lực đem lại hòa bình và chiến đấu chống giặc.

    ***

    Từng là một người lính, khi khép lại cuốn sách trên 10 năm biên soạn, “Jay” không khỏi cảm thán khi nghĩ tới số phận nghiệt ngã của những người lính không cùng màu da, không cùng tiếng nói – những người lính “in a Distant Land.”

    Những người Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa không thể giải thích rõ ràng về bản thân họ với những người ngoại quốc. Họ không thể giãi bày với quốc tế về những điều họ đã phải đương đầu.

    Kết quả, mặc dù chiến đấu kiên cường bất khuất, Việt Nam Cộng Hòa đã thua trận trước khi quốc gia non trẻ này có thể hoàn thành việc phát triển.

    Trong rất nhiều năm, Việt Nam Cộng Hòa đã gánh chịu nhiều định kiến nặng nề. Và, những người Quốc Gia (Nationalists) cũng lặng lẽ ôm mối thống hận. Bởi, họ cho rằng mình có tội – Tội làm mất nước.”

    Giờ đây lịch sử phải trả lại công bằng cho Miền Nam Việt Nam.” 

    ***

    Trịnh Bình An

    (11/2023)

    Ghi Chú:

    George J. Veith – Cựu Đại Úy binh chủng Thiết Giáp Hoa Kỳ từng phục vụ tại Đức quốc. Khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt 4/1975, “Jay” chỉ mới tốt nghiệp trung học nhưng luôn quan tâm tới vấn đề POW/MIA. Hai tác phẩm đầu tiên: “Code-Name Bright Light: The Untold Story of U.S. POW Rescue Efforts during the Vietnam War ” (1998), và “Leave No Man Behind: Bill Bell and the Search for American POW/MIAs from the Vietnam War” (2004).

    Khi gặp gỡ Thiếu Tướng Lê Minh Đảo để tìm hiểu thêm về mặt trận Xuân Lộc 1975, tướng Đảo yêu cầu Jay thực hiện một cuộc biên khảo trung thực về Việt Nam Cộng Hòa. Kết quả, cho ra đời tác phẩm “Black April: The Fall of South Vietnam, 1973-75” (2012). Sách tiếng Việt có tựa “Tháng Tư Đen” (2013) do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ phát hành.

    Năm 2021, George J. Veith tốt nghiệp tiến sĩ Đại Học Úc Châu “The Univeristy of Aderlain“với luận án về Việt Nam Cộng Hòa. Tác phẩm thứ năm của Jay có tên “Peace, POWs, and Power.”  (2023). Mời vào thăm trang nhà của George J. Veith: www.thangtuden.info

    Tuốt Kiếm Phương Xa” –  800 trang. Ấn phí $40 usd. Tủ Sách Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2023. Để mua sách qua bưu điện, xin gửi chi phiếu về: VLAC /TS Tiếng Quê Hương –  P.O. Box 4653, Falls Church, VA 22044, USA.

    Liên lạc email: uyenthaodc@gmail.com . Hay, đặt mua online trên trang Barnes & Noble. https://www.barnesandnoble.com/w/tuot-kiem-phuong-xa-dung-phan/1144049817

  • Minh Thúy,  Tin Buồn: Phân Ưu

    Vĩnh biệt Thi sĩ Trịnh Cơ

    Vĩnh Biệt Thi Nhân Trịnh Cơ
    Buốt nhói tim lòng khóc Trịnh Cơ
    Hung tin gởi đến có ai ngờ
    Duyên sinh hội tụ đà in phút
    Nghiệp tử chia ly đã điểm giờ
    Chấm dứt thi đàn thôi ý nhạc
    Không còn xướng họa nghẹn lời thơ
    Vô thường cuộc sống người yên nghỉ
    Lạnh lẽo thu buồn tiếc ngẩn ngơ
                 Minh Thúy Thành Nội
                    Tháng 11/2/2023

  • Phong Châu

    Dốc Sương Mù

    …Mày biết không? Nhà tao ở phía sau đường Bạch Đằng mà dân Đà Lạt hay gọi là cây số bốn, chắc có lẽ từ đó ra chợ Đà Lạt dài bốn cây số. Từ đường Bạch Đằng vô nhà tao phải đi gần cả cây số nữa mới đến, nằm gần phi trường Cam Ly, lúc đi học tao phải đạp xe trên con đường đất nhỏ, bề ngang chừng hơn thước rồi mới đến đường Bạch Đằng nơi giáp với đầu dốc La Sơn Phu Tử. Con đường này dài chưa đến cây số và cuối đường, nếu quẹo phải là đường Phan Đình Phùng, quẹo trái đi lên Mả Thánh nhưng nếu cứ đạp thẳng trên đường nhựa sẽ đến trường Trần Hưng Đạo, đường này mang tên  Nguyễn Hoàng, phía bên phải là ấp Hà Đông chuyên trồng dâu tây và bên trái là một quả núi toàn mồ với mả…không biết chôn từ đời thuở nào mà nhiều vô kể. Nhiều lần tao đạp xe đi ngang đây vào chặp nhá nhem tối, đôi lúc cũng thấy rợn cả người. Nhưng chuyện tao kể cho mày nghe không phải là chuyện ma ở Mả Thánh mà là chuyện có vẻ như là ma…mày có tin không?

    Mày biết không? Đường La Sơn Phu Tử dài chưa đầy cây số mà một phần ba đường này là một đoạn dốc cao giáp với đường Bạch Đằng. Lúc đi học thì tao xổ dốc, còn lúc về thì năm khi mười họa mới đạp nổi lên dốc, thường phải xuống xe dắt bộ lên cho hết đoạn dốc ngắn này. Vừa xuống hết dốc thì gặp đường Hai Bà Trưng. Mày biết không? Tao học lớp sáng nên hôm nào tao cũng dậy sớm mà trời Đà Lạt dạo đó hầu như lạnh quanh năm, phải mặc có khi hai ba chiếc áo ấm mới khỏi lạnh và đi học buổi sáng thì lại có sương mù nên cả người tao, nếu không mưa ướt thì sương mù cũng làm áo quần lẫn tóc tai tao đẫm sương. Tao học ở trường Trần Hưng Đạo từ những năm đệ thất, lúc học sáng lúc học chiều và tao chưa bao giờ vắng mặt một buổi học hay đi học trễ, thế mà…

    Mày biết không? Có một buổi sáng, trời lạnh và sương mù dày đặc, tao đạp hết đoạn đường đất đỏ từ nhà đến đường Bạch Đằng thì tự nhiên như có người bảo bên tai: “quẹo qua đường Phan Đình Phùng đến ngả ba chùa” và tao nghe như thế nhiều lần. Khi tao đạp đến cuối đường La Sơn Phu Tử lại nghe “quẹo qua Phan Đình Phùng đến ngả ba chùa”. Chung quanh tao lúc đó chỉ thấy sương mù dày đặc và trời thì tối om khiến tao không còn thấy đường đi trước mặt. Trong đầu tao cứ nghĩ “thế này thì làm sao đến trường không bị trễ học…”. Đầu thì muốn đạp xe đến trường mà chân cứ đạp xe đi hướng khác. Bình thường tao cũng hay đạp xe trên đoạn đườngnày và nhớ có một fontaine nước nằm bên tay phải, nơi có con đường mòn băng qua đường Hai Bà Trưng. Tao cố nhìn nhưng chẳng thấy cái fontaine nước đâu cả. Trong đầu lại nghĩ “tại sao mình không đạp xe đến trường mà lại đi đường này…”. Nhiều lần muốn quay trở lại nhưng chân vẫn cứ đạp xe về hướng ngả ba chùa. Đạp thêm một đoạn nữa thì phía bên trái là một dãy nhà mười căn nơi có gia đình người bác của tao ở số 256 nhưng tao không còn thấy dãy nhà này nữa, nó biến đi đâu mất và trong tai tao vẫn còn nghe: “đến ngả ba chùa…đến ngả ba chùa…”. Mọi khi vẫn có sương mù nhưng tao vẫn còn nhìn thấy đường để đi, vẫn còn lờ mờ thấy nhà cửa xe cộ hai bên thế nhưng hôm đó tao không còn thấy gì cả mà sương mù hình như mỗi lúc một nhiều thêm . Có một điều lạ là tao cứ đạp xe như thế gần giống như đạp trong bóng tối mà không đụng vào ai và cũng chẳng có người nào chạm vào mình. Quả là kỳ lạ! Tao không biết thời gian đạp xe trên đoạn đường này là bao lâu cho đến khi hình như có một vật gì rất lớn tông vào chiếc xe đạp của tao khiến tao ngả nhào xuống mặt đường, khi hoàn hồn thì thấy cả người lẫn xe nằm chỏng gọng trước cây xăng ở ngả ba chùa. Tao hoảng kinh vội đứng dậy nhìn quanh như người mất hồn. Có mấy người bu quanh và hỏi chuyện nhưng tao thật sự chẳng biết chuyện gì đã xảy ra. Có người cho tao hay: “cậu đang đạp xe phía bên phải bỗng xe đâm sang bên trái rồi ngả xuống đường, may mà không bị thương tích gì…”. Tao đứng dáo dát đâu chừng vài phút và nhận thấy quanh tao không có tí sương mù nào cả, bầu trời trong vắt sau những tia nắng ban mai rọi xuống khắp nơi…Khi tỉnh hẳn tao mới biết là mình đang trên đường đi học. Thế là tao vội vã nhảy lên xe rồi vội vã đạp đến trường. Biết mình trễ nên tao đi thẳng vào văn phòng xin giấy cho vào lớp. 

    Mày biết không? Chuyện xảy ra như thế nhưng tao cứ nghĩ: “chắc mình bị sương mù che nên đi lạc đấy thôi…”. Chuyện này tao không kể cho ông bô bà bô nghe, sợ bị rầy là chuyện hoang đường bịa đặt. 

    Mày biết không? Ngày hôm sau và ngày tiếp sau đó, khi vừa đến đầu dốc La Sơn Phu Tử thì chuyện lại diễn ra như ngày hôm trước. Hậu quả là tao đến trường trễ và bị đuổi về, không cho vào lớp. Tao không thể hiểu được chuyện gì khiến tao lâm vào tình cảnh như thế. Tao có đặt câu hỏi “hay là ma bắt!”. Nếu ma thì phải xảy ra ở Mả Thánh chứ sao lại trên đường đi…mà tao thì chưa bao giờ bước chân lên đến Mả Thánh hay là làm điều gì trái khuấy đối với những người đã nằm sâu dưới những ngôi mộ kia. Sự việc xảy ra làm cho tao sợ vì nếu cứ tiếp tục xảy ra nữa, thế nào tao cũng bị đuổi học. Đến ngày thứ ba khi tao vừa ló đầu vào nhà thì liền bị bà bô phán liền cho một câu: “Mày sao vậy? Giống người người mất hồn, sao không đi học mà trở về? Bị ma bắt hả?”. Nghe hai tiếng “ma bắt” tao càng hoảng kinh hơn và cả ngày hôm đó tao không ăn uống gì và ngủ li bì. Ông bà bô tưởng tao bị bịnh nên cứ để cho tao ngủ suốt ngày hôm đó và qua đêm luôn.

    Mày biết không? Tối hôm đó tao ngủ thấy chiêm bao chuyện xảy ra trước đó. Thế này. Lớp tao có thằng bạn tên Nguyễn Mại học khá giỏi và hiền lành, không bạn bè, không đàn đúm, đến trường vào lớp, tan học lủi thủi về nhà và chỉ có một mình tao chơi với hắn nên hắn cũng mến và nhiều lần rủ tao về nhà hắn chơi. Nhà hắn ở tận dưới ấp Cô Giang và đi học bằng xe đạp mỗi ngày. Hắn có người anh học trên hắn hai lớp. Đến nhà chơi nhiều lần và biết anh hắn có một tủ sách chừng năm sáu chục cuốn nên nhiều lần tao tò mò đến đọc các tựa đề sách. Có lần tao thấy ở gáy một cuốn sách có tựa ghi “Liêu Trai Chí Dị” của Bồ Tùng Linh. Tao từng nghe một người chị nói về sách “Liêu Trai Chí Dị” kể toàn những chuyện ma quái kì ảo lạ thường rất hấp dẫn của tác giả người Trung Hoa viết vào thời nhà Thanh ở cuối thế kỷ thứ 17. Một hôm tao bạo miệng bảo hắn lấy cho tao mượn cuốn “Liêu Trai Chí Dị” để đem về đọc. Lúc đó không có anh hắn ở nhà nên hắn lén lấy cuốn sách đưa cho tao. Về nhà tao đọc một hơi hết cuốn truyện chỉ trong một đêm, đúng là toàn những chuyện thần tiên, ma quái, hồ ly, lang sói cọp beo khỉ rắn…chẳng hạn như chuyện “Thiến Nữ U Hồn” kể chuyện chàng trai họ Ninh trên đường đi vào tá túc trong một ngôi chùa, tình cờ quen Yến Xích Hà. Cô này đã chết 18 năm trước bị yêu tinh khống chế bắt phải quyến rũ người để giết. Chuyện “Họa Bì” kể về một chàng trai đi đường gặp một cô gái nói là bị lâm nạn, chàng trai cứu nàng rồi mang về nhà để sống chung. Một đạo sĩ phát hiện nơi chàng có tà khí nhưng chàng không tin. Về nhà lén nhìn cô gái thì phát hiện ra đó là con quỷ khoác tấm da người. Chuyện “Họa Bích” kể chuyện hai chàng trai họ Mạnh và họ Chu vào chơi một ngôi chùa. Chu thấy trong phòng có một bức tranh vẽ trên tường và thấy một cô gái rồi cùng nhau yêu đương. Mạnh đi tìm không thấy Chu nên hỏi vị sư già. Vị sư liền gọi Chu từ bức vẽ đi ra. Mạnh và Chu hãi sợ bèn bái biệt nhà sư ra về…Đại khái có cả hàng trăm truyện nội dung tương tự như thế.

    Mày biết không? Một hôm có thằng bạn tao đến nhà chơi thấy cuốn “Liêu Trai Chí Dị” để trên bàn học mà tao chưa kịp trả lại cho Mại. Tên này năn nỉ mượn, nói đọc xong ngày mai mang trả liền. Tin lời nên tao đưa cho hắn mượn. Hôm sau không thấy hắn mang trả. Tao có nhắc nhiều lần mà không biết vì cớ gì mà hắn cứ hẹn hết ngày này sang ngày khác. Sau đó tao quên bẳng luôn việc đòi sách và cũng quên luôn việc tao đã mượn cuốn đó của thằng Mại.

    Mày biết không? Một hôm vừa vào đến sân trường thì mấy thằng cùng lớp cho hay là sáng hôm trước thằng Mại bị xe nhà binh đụng chết tại ngả ba chùa gần cây xăng. Tao nhớ ngay là chưa trả cuốn “Liêu Trai Chí Dị” cho hắn. Tối hôm đó tao ngủ thấy thằng Mại hiện về đòi sách. Trong chiêm bao hắn bảo: “vì cho mày mượn cuốn “Liêu Trai Chí Dị” không trả nên khi anh tao thấy trong kệ sách mất cuốn đó thì hạch hỏi tao. Tao không dám nói cho mày mượn và bị anh tao tát cho hai bạt tai…” Bẳng đi cả tuần lại xảy ra việc tao đi học nhưng không đi đến trường mà lại đạp xe đến ngả ba chùa liên tiếp trong ba buổi sáng. Tao nghĩ đến việc phải tìm cách trả lại cuốn “Liêu Trại Chí Dị” cho hắn.

    Mày biết không? Không biết trời xui đất khiến thế nào mà thằng bạn tao mang cuốn “Liêu Trai Chí Dị” trả lại và tao tìm đến nhà để trả cho anh hắn. Đến nơi thì hàng xóm cho biết gia đình hắn đã dời đi nơi khác. Đạp xe từ ấp Cô Giang để về nhà thì trời đã chập choạng tối và suơng mù không biết nơi đâu kéo về che che cả đường đi. Tao đạp xe ngang qua ngả ba chùa, đến cây xăng nơi tao bị vật té ba lần thì dừng lại, vào hỏi người bán xăng là trước đây có người học trò bị đụng xe ở đây phải không? Người bán xăng nhìn tao và đưa tay chỉ phía trái cây xăng nơi có mấy nhánh hoa glaieul đã héo tàn nằm bên vệ cỏ. Lúc đó bên tai tao nghe tiếng của thằng Mại: “Hãy đưa sách cho tao…hãy đưa sách cho tao…”. Thế là tao cầm cuốn “Liêu Trai Chí Dị” đến đặt ngay bên mấy nhánh hoa tàn xong vội vã phóc lên xe đạp một mạch về nhà. Cả người tao ướt đẫm mồ hôi mặc dầu trời lúc ấy rất lạnh.

    Người kể câu chuyện trên tên Lê Văn Hải học cùng lớp nhưng khác ban với kẻ viết lại câu chuyện này. Hải đi Võ Bị khóa 19. Noel năm 1971 tình cờ gặp Hải trong quán Brodard trên đường Tư Do ở Sài Gòn khi Hải về phép. Sau vài câu thăm hỏi, chúng tôi nhắc vài mẫu chuyện xưa khi còn đi học và Hải đã kể cho tôi nghe câu chuyện trên và lúc nào Hải cũng bắt đầu câu nói bẳng “Mày biết không? Mày biết không?” khiến tôi nhớ mãi. Hải tử trận vào ngày 26 tháng giêng năm 1973, một ngày trước hiệp định Paris được ký kết! Phong Châu                        

  • Giao Chỉ

    AI KHÓC CHO TRẺ EM DO THÁI VÀ PALESTINE – Giao Chỉ San Jose. (Ông già viết chuyện chiến tranh) – 2)- Rất Cần Bộ Thắng Cho Một Dân Tộc Anh Hùng.

    Quan sát cuộc chiến này không thể bay trên cao như hỏa tiễn. Hãy ngồi xuống hầm mà khóc với trẻ em…

    Xin đọc và chia xẻ. 

    Giao Chỉ San Jose

    Ông già trong bài tạp ghi với tin tức chiến tranh bên Trung Đông là chính tôi. Giao Chỉ San Jose. Trong tuổi hoàng hôn những người cao niên Việt Nam sống còn sau chiến tranh thực sự ngày nay lại nhìn thấy biết bao đau thương kinh hoàng hàng ngày trên màn ảnh.

    Với những kiến thức rất thông thường, chúng tôi xin ghi nhận những tin tức và cũng có những suy nghĩ thực tế. Nhân loại đang bị lãnh đạo bởi phần lớn các thành phần vô đạo. Putin lãnh đạo nước Nga là một tay cộng sản máu lạnh đóng vai độc tài hết sức tàn nhẫn. Nhân danh người anh hùng muốn đem đất nước trở lại vị trí siêu cường, tay cộng sản sau cùng còn lại quyết tâm tái lập liên bang Sô Viết đem quân chinh phục các nước chư hầu thời trước. Cuộc tấn công Ukraine đau thương làm chết bao nhiêu đàn bà trẻ em vô tội. Lại nói đến Trung Hoa kể từ khi trở thành Trung Cộng dân số dẫn đầu thế giới vẫn còn nằm trong tay một tên máu lạnh da vàng Tập Cận Bình mang giấc mơ chinh phục thế giới. Giữa Nga và Tàu là tay độc tài số 1 của Triều Tiên công khai đóng vai lãnh đạo điên khùng hết sức lạ lùng trên sân khấu chính trị. Cả 3 tay anh chị này đều sở hữu bom nguyên tử sẵn sàng hăm dọa toàn cầu. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, một tổ chức vĩ đại của thế giới sau đệ nhị thế chiến với Hội đồng Bảo An danh tiếng toàn cầu. Lần đầu tiên họp mặt năm nay không có sự hiện diện của Nga, Tàu, Anh và Pháp. Chỉ còn một mình tổng thống già nua của Hoa Kỳ hiện diện. Đại chiến thế giới chưa thực sự xảy ra nhưng địa cầu ngày nay không phải là trái đất bình yên mà chính là một lò lửa.

    Đột nhiên tuần qua trận động đất do con người tạo ra đã nổ lớn ở giải đất tạm yên miền đất Thánh đã từng phát sinh ra 3 tôn giáo đem đến niềm hy vọng cho nhân loại.

    Miền đất mang nặng hận thù tôn giáo và sắc tộc giữa dân Do Thái và Palestine đang tạm thời hưu chiến. Đây là miền đất vô cùng phức tạp. Có chỗ được phân chia ngăn cách bởi bức tường rào cản kiến cố. Có chỗ thì dân 2 bên sống xen kẽ như sôi đậu. Hàng ngày vẫn có đường cho dân Palestine hàng ngàn người qua biên giới đi làm công cho dân Do Thái. Từ bao năm qua dân Palestine cam phận công dân hạng nhì sống bên sắc dân xuất sắc anh hùng nhất thế giới gọi là Israel. Trên thực tế, ngàn năm trước vốn là anh em một nhà. Trên giải đất trầm luân này vốn chỉ có một tên Israel. La Mã và Hy Lạp đến chinh phục. Đa số Israel theo Do Thái Giáo bỏ nước ra đi. Phần còn ở lại thành Palestine theo Hồi Giáo. 700 năm sau Israel đem Do Thái Giáo trở về đất Thánh gặp người anh em xưa theo Hồi Giáo nên trở thành cựu thù truyền kiếp.

    Cho đến ngày 7 tháng 10-2023 vừa qua, cuộc chiến giữa hai dân tộc anh em một nhà ngàn năm trước bùng nổ. Bây giờ chưa biết ngày mai ra sao.

    Hãy xem lại trang sử cũ. Với một vài niên kỷ đơn giản ghi lại như sau. Ba ngàn năm trước đã có người Do Thái mở nước tại Jerusalem và theo Do Thái Giáo với cuốn Kinh Cựu Ước. Rồi tiếp theo dân La Mã đến chinh phục chiếm đóng cho đến khoảng một ngàn năm trước Jesus ra đời nhân danh đấng cứu thế. Ngài bị quân La Mã đóng đinh trên Thập tự Giá. Toàn dân đất thánh cũng tin chúa Jesus nhưng lòng tin chia đôi ngả. Thiên Chúa Giáo tin Chúa Phục sinh và ngả theo Kinh Tân Ước trở thành hệ thống vĩ đại với tòa Thánh La Mã ngày nay. Do Thái giáo vẫn giữ kinh Cựu Ước. Cũng tại miền đất thánh Jerusalem vào khoảng 600 năm sau Công nguyên một nhà tiên tri Muhammad xuất hiện tuyên xưng Hồi Giáo với Kinh Koran xây dựng nền tảng cho một tôn giáo rất đặc biệt với số giáo dân khắp miền Trung Đông hiện nay bao gồm cả người Palestine tại Jerusalem.

    Riêng những người theo Do Thái Giáo mất nước nhưng giữ đạo đi khắp thế giới. Những người anh em còn ở lại theo đạo Hồi. Sau đệ nhị thế chiến 1945 với những đau thương vì dân Do Thái bị Đức quốc xã giết cả triệu người, Liên Hiệp Quốc quyết định cắt đất ngày xưa đưa Do Thái về lập quốc tại quê hương cũ. Những người anh em Palestine khác tôn giáo trở thành thù nghịch. Thế giới tây phương và Hoa Kỳ ủng hộ Do Thái lập quốc. Thế giới Hồi giáo bênh vực để người Palestine được sinh tồn trên giải đất thiêng. Hai trận chiến đã xảy ra giữa Do Thái và các quốc gia Hồi quốc và cả 2 lần Do Thái chiến thắng vẻ vang. Cũng hơn 2 lần Hoa Kỳ phải đứng ra hòa giải mối hận thù truyền kiếp. Năm 1948 Liên quân Ả Rập và các nước Hồi Giáo thề tiêu diệt Do Thái nhưng không thành công. Tiểu quốc Israel chiến thắng. Năm 1967 thêm một lần trong cuộc chiến 6 ngày, Do Thái chiếm toàn thể Jerusalem. Chiến công vang lừng thế giới nhưng thực sự vẫn không tiêu diệt được đám cựu thù anh em. Các chính quyền Mỹ luôn luôn ủng hộ Do Thái nhưng cũng vỗ về Palestine và thế giới Hồi Giáo.

    Năm nay chính quyền Mỹ đang làm hòa với Iran qua vấn nạn bom Nguyên Tử. Mặt khác chuẩn bị thỏa hiệp với ARập Seout mở đường cho kỷ nguyên hòa giải lâu dài. Nhưng hận thù truyền kiếp tại lò lửa Jerusalem chưa tắt. Trong nhiều thập niên hòa bình giả tạo dân tộc anh hùng Do Thái vẫn tiếp tục đày đọa những người anh em tiền kiếp sống đời đói khổ trong vai công dân hạng nhì. Chính quyền hiện nay của Do Thái với vị thủ tướng hết sức cứng rắn đối nghịch với dân Palestine. Với biết bao hận thù chịu đựng, Palestine yểm trợ cho tổ chức Hamas cầm quyền và chuẩn bị 2 năm để phục hận. Các tổ chức tình báo danh tiếng của Do Thái hoàn toàn không biết hoặc tin địa phương có thể theo dõi nhưng vẫn coi thường. Cuộc tấn công của Hamas trở thành trận Trân Châu Cảng của Nhật đánh Mỹ bất ngờ. Cũng tương tự như trận 9-11 của cảm tử Trung Đông đánh tòa cao ốc Nữu Ước. Thủ tướng Do Thái mất mặt đã hùng hổ tuyên bố sẽ dẹp tan Hamas làm cho tổng thống Hoa Kỳ cũng phải hoảng hốt ngăn cản. Dù tàn sát hết lãnh đạo cuộc tấn công nhưng mối thù truyền kiếp mang tên Hamas sẽ mãi mãi tồn tại. Giai đoạn đầu Do Thái đành phải trả đũa bằng những trận mưa hỏa tiễn. Ba trăm ngàn chiến binh tập hợp cấp tốc trong 48 giờ lại thêm 60 ngàn quân trừ bị thực là tổ chức quân sự vô cùng xuất sắc. Toàn bộ quân dân của Palestine đang nằm trong vòng vây của Do Thái. Bom đạn của chiến tranh không thể biết đâu là Hamas đâu là Palestine.Toàn thể đất thù nghịch đã bị cắt đứt mọi phương tiện sống bao gồm điện nước, thực phẩm và hệ thống y tế. Tuyên bố dân Hồi Giáo phải di chuyển xuống miền Nam để tránh trận tấn công hủy diệt. Liên hiệp quốc lên án cuộc bao vây của Do Thái và hành động cắt hết phương tiện sinh tồn của dân Palestine. Các cuộc biểu tình nổi dạy khắp mọi nơi để đấu tranh cho cả hai phía.

    Cho đến giữa tháng 10 hai phe cùng pháo kích qua lại nhưng bộ binh Israel vẫn còn nằm chờ lệnh ở biên giới. Ký giả danh tiếng Thomas Friedman viết bài xã luận hàng tuần cho NY Time đã cho rằng Do Thái cần thông minh để tránh sa vào cạm bẫy của Hamas. Cần nhắc lại lịch sử sau trận chiến thắng 6 ngày năm 1967 Do Thái đã chiếm toàn bán đảo Sinai những điều quan trọng hơn hết là đạt đuoc hòa ước đình chiến ký với Ai Cập. Lần đầu tiên thế giới Hồi Giáo chấp nhận chính thực sự hiện diện của quốc gia Israel tại Trung Đông. Hai bên ký kết tại Hoa Kỳ dưới sự thu xếp và chứng kiến của tổng thống Carter.  Mới đây tổng thống Ai Cập loan báo sẽ tổ chức buổi họp vào cuối tháng 10-2023 để làm mới lại tình thần hữu giữa 2 bên. Hamas mang nặng chủ trương chống Do Thái đã chuẩn bị 2 năm cho cuộc tổng nổi dậy bèn ra tay trước khi Ai Cập mở đường cho việc tái lập hòa bình. Nếu ngày nay Do Thái động binh ra tay tàn nhẫn với Palestine và Hamas sẽ phá tan tinh thần Hòa Bình của Ai cập và thế giới Hồi Giáo. Cả hai phía đều có những phần tử muốn sống chung hoa bình hay quyết tử hiếu chiến. Nhưng cuộc chiến thời nay không phải các tướng lãnh và chiến sĩ đem nhau ra cánh đồng đánh võ. Đám lãnh đạo điên cuồng hai bên chỉ ngồi ở nhà ra lệnh cho vũ khí tàn sát thường dân chết vô tội vạ. Nhưng với cú ra tay tàn nhẫn của Hamas vừa qua trong khi Do Thái có 300 ngàn chiến sĩ sẵn sàng trả thù. Làm sao phe ta có thể nhẹ nhàng lùi bước. Rồi đây ai sẽ khóc cho những đứa trẻ của Israel và Palestine tử nạn. Chiến tranh này không chết người anh khói lửa mà chết toàn em gái nhỏ hậu phương.

    Dân tộc Do Thái tài giỏi, anh hùng vĩ đại thành công xây dựng được đất nước mà lại không chinh phục được lòng người. Nuôi mãi thù hận truyền kiếp mà không diệt được Taliban, tiếp đến Hamas và Hezbollah còn đang nối gót lấy chính thân mình làm vũ khí nổi dậy.Thực sự thế giới Hồi Giáo cũng có 2 phe đã điên cuồng giết nhau. Palestine cũng có phe chấp nhận sống chung hòa bình với Do Thái. Người Do Thái Israel cũng mỏi mệt vì chiến tranh. Làm sao có được những nhà lãnh đạo đủ can trường ngồi lại bàn chuyện hòa bình. Nước Mỹ đã bao phen tìm cách giải hòa thế giới. Những ngày nay chính Mỹ không đoàn kết nội bộ, nhưng điều may mắn là không có mâu thuẫn tôn giáo. Với những lòng tin quyết liệt khác biệt, Trung Đông mãi mãi vẫn là lò lửa của thế giới. Biết ngày mai ra sao??

    Giao Chi San Jose.   giaochi12@gmail.com  (408) 316 8393

    _______________________________________-

    Rất cần bộ thắng cho một dân tộc anh hùng

    Giao Chỉ. San Jose.

    Tổng kết giai đoạn mở đầu:

    Trong 20 ngày qua trận chiến Trung Đông nổi dậy ngày 7 tháng 10-2023 có thể sẽ là ngày lịch sử thế chiến thứ 3 nếu các nhà lãnh đạo liên hệ không tìm cách dập tắt ngọn lửa mở đầu. Trận này do Hamas từ trong khối 2 triệu dân Palestine âm mưu 2 năm đánh qua đất Do Thái. Giữa thế kỷ 21 thiên hạ có đủ loại vũ khí tối tân, quân Palestine Hamas đã tham chiến như đùa, chạy xe ôm chở tay súng bắn loạn dân chúng Do Thái. Quân đội Israel lập tức tập trung ngoài biên giới và oanh tạc dữ dội trả đũa. Tổng kết 20 ngày qua bên Do Thái chết 1.400 người và bị bắt làm con tin 220. Phe Palestine bị bom tàn sát chết 5,800. Chiến tranh kỳ lạ cả hai bên chết toàn dân chúng kể cả đàn bà và trẻ em. Số lính của 2 bên hy sinh không đáng kể. Số người chết bên Do Thái là chuyện đau thương nhưng dân chết bên Palestine lại là số thống kê để giành chính nghĩa. Nếu Do Thái tiếp tục oanh tạc làm cho đám dân láng giềng thù nghịch chết thêm hàng ngàn thì phe Hồi Giáo trở thành chiến thắng.

    Ngay khi cuộc chiến bùng nổ, ông thủ tướng Do Thái hết sức giận vì hệ thống tình báo danh tiếng Do Thái hoàn toàn bất ngờ nên không có phản ứng tức thời. Cùng với quân đội và dân chúng ngài thủ tướng rất hổ thẹn đã lên tiếng hết sức mạnh mẽ thề tiêu diệt hết kẻ thù.

    Xin đọc bài lên tiếng quan trọng sau đây gửi cho nhân loại, cho kẻ thù nhưng thực ra là gửi cho chính dân Do Thái đang căm hờn. Bài nói chuyện như sau.

    Bài phát biểu của Thủ tướng Israel – Benjamin Netanyahu Thủ tướng Israel – Benjamin Netanyahu nói rằng, đất nước mà Liên Hiệp Quốc cho chúng tôi là một sa mạc 65%, mà 60 năm trước, không có quốc gia, không có quân đội. Chúng tôi đã xây dựng “đế chế” nhỏ bé của mình từ không có gì. Lễ Vượt Qua vẫn luôn có ý nghĩa rất lớn với chúng tôi.

    Chỉ 70 năm trước, người Do Thái bị bắt làm thịt như cừu.

    60 năm trước, không có quốc gia, không có quân đội. Đất nước mà Liên Hiệp Quốc cho chúng tôi là một sa mạc 65%.

    35 năm trước, Chúng tôi chiến đấu với 3 quân đội hùng mạnh nhất ở Trung Đông, 7 nước Ả-rập tuyên chiến với nhà nước Do Thái nhỏ bé chỉ vài giờ sau khi thành lập. Chúng tôi 650,000 người Do Thái chống lại hàng triệu người trong thế giới Ả-rập nơi có quân đội hiện đại và nhiều vũ khí của Liên Xô.

    Chúng tôi:

    Không có lực lượng quốc phòng mạnh.

    Không có lực lượng không quân hùng mạnh để cứu chúng tôi mà chỉ có những người Do Thái dũng cảm không còn nơi nào để đi. Và chúng tôi đã quét sạch chúng trong 6 ngày.

    Ngày hôm nay chúng tôi có:

    Một quốc gia.  Một đội quân.  Một lực lượng không quân hùng cường

    Một nền kinh tế tiên tiến với xuất khẩu trị giá hàng tỉ đô la. Có Intel Microsoft IBM

    và nhiều công ty công nghệ cao phát triển các sản phẩm tiên tiến ở Israel.

    Các bác sĩ của chúng tôi nhận được nhiều giải thưởng cho nghiên cứu y học.

    Chúng tôi làm cho sa mạc nở hoa, và cung cấp cam, hoa, rau trên khắp thế giới.

    Israel đã gửi các vệ tinh của riêng mình vào không gian, 3 vệ tinh cùng một lúc

    Chúng tôi tự hào được xếp đồng hạng với: Hoa Kỳ, nơi có hơn 300 triệu dân

    Nga, nơi có hơn 140 triệu dân Trung Quốc, nơi có hơn 1,4 tỷ dân

    Tại sao Mỹ bảo vệ Israel bằng mọi giá?

    Có 14 triệu người Do Thái trên thế giới, 5 triệu ở Israel và 6 triệu ở Hoa Kỳ.

    Con rể của Clinton, Con rể Trump là người Do Thái,

    Hai con dâu và một con rể của Biden đều là người Do Thái.

    Chồng phó Tổng thống Mỹ là người Do Thái  

    Ngoại trưởng Kissinger và Ngoại trưởng Blinken là người Do Thái.

    Cục Dự trữ Liên bang đã là người Do Thái trong gần 50 năm.

    Thẩm phán tối cao Brandeis, ông trùm dầu mỏ Makefile,

    ông trùm chứng khoán người Do Thái Buffett,

    Giám đốc điều hành Goldman Sachs. Người sáng lập Facebook Xiaozhai Jew. 

    Page, người sáng lập Google, là người Do Thái.

    Một phần ba số triệu phú ở Hoa Kỳ là người Do Thái.

    80% quỹ tranh cử tổng thống được cung cấp bởi các tập đoàn Do Thái.

    Quyên góp tranh cử tổng thống,5 vị trí đứng đầu là các tập đoàn Do Thái.

    Bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, tỷ lệ cử tri Do Thái đi bỏ phiếu là 90%.

    18 trong số 40 người đứng đầu danh sách Forbes là người Do Thái.

    Hơn 70% truyền thông Hoa Kỳ do người Do Thái kiểm soát.

    TV lớn là New York Times, Wall Street Journal và Washington Post đều do người Do Thái

    Chủ nhân Warner Bros., MGM, Columbia, Universal, Disney, là Do Thái.

    Bốn gia đình cổ đông của Cục Dự trữ Liên bang đều là người Do Thái.

    Kiểm soát ngân hàng lớn ở Châu Âu và Hoa Kỳ là những gia đình Do Thái.

    Trong 200 nhân vật nổi tiếng về văn hóa ở Hoa Kỳ. 100 là Do Thái.

    Người Do Thái chiếm 75% tổng số luật sư ở Hoa Kỳ.

    40% giáo sư tại các trường đại học danh tiếng ở Mỹ là người Do Thái.

    Hơn một nửa số người Mỹ đoạt giải Nobel là người Do Thái

    65% nha sĩ là người Do Thái.

    Người Do Thái, chiếm 2% dân số Hoa Kỳ, kiểm soát hơn 70% tài sản của đất nước này.

    Einstein, Oppenheimer, cha đẻ của bom nguyên tử,

    Taylor, cha đẻ của bom khinh khí, Von Neumann, cha đẻ của máy tính,

    Bohr, cha đẻ của vật lý nguyên tử và cơ học lượng tử,

    Hillard, người sáng lập lò phản ứng hạt nhân,

    Fleming, người phát hiện ra penicillin, người phát minh ra khí cầu,

    Người phát minh ra máy bay trực thăng, người sáng lập hóa học hữu cơ, nhạc sĩ Mozart, diễn viên Chaplin, Spielberg, đạo diễn đều là Do Thái

    David Ricardo, bậc thầy về kinh tế học cổ điển,

    Người sáng lập Estee Lauder, sáng lập Reuters, sáng lập Dell,

    Soros, người sáng lập Quỹ lượng tử. Starbucks,Intel, Công ty Anglo-Dutch Shell, Goldman Sachs

    và JPMorgan Chase, v.v.Đều là người Do Thái.

    Các cổ phiếu Buffett mua, bao gồm Disney, The Washington Post, Goldman Sachs,

    JPMorgan Chase, đều có Do Thái.

    Ý kiến một người Việt Nam. 

    Người Do Thái đòi chiếm lại  Palestine là nơi họ cư trú cách đây 3000 năm chẳng khác nào người Chàm và người Miên đi khắp nơi rồi quay về đòi lại miền Trung và miền Nam của chúng ta! Ai mà chịu được? Người Palestine đã chịu khổ quá nhiều rồi khi bị Israel chiếm đất và đuổi họ sang 2 bên, không thông thương được với nhau, dải Gaza rất khổ vì không có gì để sinh nhai! Người Do Thái còn mua đất vào sâu trong miền đông Palestine, ăn rỗ mảnh đất này, chẳng khác gì người Tàu xâm thực đất Việt Nam trong giai đoạn hiện nay! Tức nước vỡ bờ nên Hamas mới làm một cú như vậy, vùng dậy đòi quyền sống:

    Trên đây là những tin tức ghi nhận được.  

    Dưới đây cũng là những ý kiến thu lượm được. Tùy các bạn nhận định.

    1)Do Thái với tinh thần Do Thái giáo là sắc dân da trắng xuất sắc nhất ảnh hưởng tại Tây Âu và Hoa Kỳ nhưng thực sự không hoàn toàn hội nhập với quần chúng. Đã có một thời người Mỹ kỳ thị da đen và Do Thái. Trong thế giới da vàng tiến bộ và xa cách là Nhật Bản. Người Việt tỵ nạn không bao giờ hy vọng qua Nhật hay đến Do Thái để trở thành tướng lãnh hay dân cử. May thay, chuyện này chỉ có thể tại Hoa Kỳ.                                                                                                                             

    2) Ảnh hưởng của Do Thái tại Mỹ rất mạnh nên cả hai tổng thống 45 và 46 tuy thù nghịch nhưng đều đồng ý ủng hộ Do Thái. Cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tuy khác biệt nhưng cũng ủng hộ Do Thái. Người Do Thái tại Mỹ 6 triệu dân còn nhiều hơn dân số tại nước Do Thái chỉ có 5 triệu. Mỹ giúp nước Do Thái lập quốc tại quê hương cũ Jerusalem miền Trung Đông vây bủa bởi 2 tỷ dân Hồi Giáo. Nếu không phải là dân Do Thái với tinh thần tôn giáo mạnh mẽ và mối thù hận qua La Mã và Phát Xít thì không thể tồn tại. Do Thái quả nhiên là một dân tộc anh hùng. Do Thái giáo là tôn giáo không chủ trương hòa giải và không quên hận thù.                                    

    3) Thủ tướng Do Thái thuộc phe diều hâu khi bị Hamas tấn công bất ngờ bèn vội vàng lên tiếng tiêu diệt kẻ thù. Tổng thống già của Mỹ vội vàng bay qua vuốt ve và tìm cách hạ hỏa. Ông Biden tuyên bố 4 điều quan trọng.                                                    

    Sẽ yểm trợ vòng ngoài với các mẫu hạm ngoài biển để ngăn chặn chiến tranh.                      

    Sẽ có tất cả mọi phương tiện dành cho Do Thái. Hoa Kỳ sẽ đủ sức yểm trợ cho cả 2 mặt trận bên Âu Châu và Trung Đông.                                                                                           

    Sau cùng ông già lẩm cẩm và hiền lành đã tuyên bố sự thực. Yêu cầu Do Thái tránh hành động sai lầm như Hoa Kỳ sau vụ 911. Đây là lần đầu tiên vị tổng thống Mỹ 46 nhìn nhận chính sách đau thương và sai lầm của các vị tiền nhiệm đối với thế giới Hồi Giáo tại Trung Đông. Trong lãnh vực tôn giáo, không thể nào lấy kinh cựu ước và tân ước để giải quyết được kinh Koran. Nga xô Viết đem kinh Mác Xít vào Trung Đông để tan xương nát thịt phải bỏ của chạy lấy người. Hoa Kỳ tưởng bở nhảy vào thay thế cũng lại bỏ của chạy lấy người còn thê thảm hơn.                                                      

    4) Bao năm qua dân Hồi Giáo đã tự nhận thân phận chậm tiến nhưng nằm trên các kho dầu sa mạc trở thành vàng đen của thế giới. Lấy cuốn Kinh Koran thiêng liêng để chống lại nền văn minh Âu Mỹ. Thành lập các tổ chức quyết tử lấy thân xác chống thế giới văn minh. Hết Al-Qaeda đến Taliban, Shiite rồi Hamas. Chưa bao giờ chiến tranh dùng vũ khí bằng người dân tình nguyện chết. Phe Âu Mỹ dứt khoát lên án đây là bọn khủng bố. Thiên hạ thông cảm nói rằng đây là vũ khí của kẻ yếu. Hãy so sánh giữa cái chết tức thời của đàn bà trẻ em vô tội bị bắn giết trực tiếp bởi chiến binh du đãng với đàn bà và trẻ em cũng vô tội bị chết rất nhiều dưới các cao ốc bị đổ nát vì bom đạn oanh tạc bởi các phi công anh hùng.

     5)Chuyện gì đã xảy ra sau khi Hamas ra tay khủng bố mà cả thế giới biểu tình chống dân tộc Do Thái đang là nạn nhân. Do Thái anh hùng chỉ trong 2 ngày đã tập hợp được 300 ngàn quân tại biên giới nhưng án binh bất động. Những trận không tập ngày đêm làm cho ngàn dân Palestine bỏ nhà di tản và phần lớn còn lại trốn dưới lòng đất. Đám dân đen khốn nạn nằm bên bờ đại dương vừa đói khát tối tăm tuy được đông đảo Hồi Giáo ủng hộ nhưng không nước nào thực sự đón nhận. Do Thái chưa thực sự đưa bộ binh vào đất Jerusalem nhưng đã nhận tin 5 nước Hồi Giáo bên cạnh từ lâu vẫn hưu chiến nay ra mặt tuyên chiến.

    6) Phải công nhận người Do Thái là dân tộc anh hùng. Nước Do Thái là một nước anh hùng. Người Do Thái là một sắc dân vô cùng khác biệt. Phải chăng tôn giáo đã hướng dẫn oán thù phải trả bằng mọi giá. Để xây dựng lại non sông là con đường đi tới, không lùi bước. Nhưng lần này, tuy không lùi bước nhưng rất cần dừng lại. Lịch sử mối thù truyền kiếp đã ghi lại. Nếu tận diệt được Hamas này sẽ lại có Hamas khác tiếp theo. Tiếp tục giết thêm bao nhiêu đàn bà trẻ em Palestine cho đủ món nợ chiến tranh. Ông tổng thư ký của tổ chức Liên Hiệp Quốc vô dụng đã xin hưu chiến. Do Thái lên tiếng yêu cầu Tổng Thư Ký từ chức vì tuyên bố vô duyên. Không ai có thể làm cho Do Thái anh hùng hạ hỏa. Người Do Thái phải tự quyết định dừng bước. Anh hùng không phải là luôn luôn đi tới mà phải biết dừng lại. Nhân loại rất cần tặng cho Do Thái một bộ thắng hết sức mạnh. Nếu không, thủ phạm của thế chiến thứ ba sẽ là Do Thái mà không phải Hamas.

    Giao Chi San Jose.   giaochi12@gmail.com  (408) 316 8393