Chúc Mừng Đại Hội Không Quân bằng thơ xướng họa
Quý thân hữu thân kính !
Ngày 01/7 /1955 là ngày thành lập Không Quân VNCH .
Thân kính mời quý thân hữu thưởng lãm những bài thơ xướng họa sau :
KHÔNG QUÂN VIỆT NAM UY DŨNG
– Kỷ niệm 54 năm nhập ngũ .
-Thân tặng quý chiến hữu KQ/VNCH .
Thu về nhớ lại tháng năm qua .
Quá khứ vàng son thuở ngọc ngà .
Từ giã thư sinh theo tiếng gọi .
Đăng trình quân chủng thỏa đời ta .
Không Gian Tổ Quốc dân vi quý .
Chiến Thuật Bốn Vùng chính khí ca .
Lịch sử hào hùng danh tỏa khắp .
Việt Nam lừng lẫy ngát hương xa .
Lâm Hoài Vũ
Sept 18 , 2023
+
Họa 1 – Không Quân VNCH
Gợi giấc mơ đầy tháng bảy qua
Không quân một thủa đẹp trăng ngà
Thư sinh xếp bút miền nam Việt
Lính tráng lên đường tổ quốc ta
Phóng vút tầng mây lòng dũng cảm
Dâng chèn núi biển chí hùng ca
Tinh thần bất khuất cùng đồng đội
Nghĩa vụ theo tầm chiến lược xa.
Minh Thúy Thành Nội
June 24 , 2024
………………………
Thân kính mời quý thân hữu thưởng lãm bài thơ xướng họa sau:
LÍNH KHÔNG QUÂN VNCH
Nghe tiếng rền vang chim thép bay
Bồi hồi nhớ lại biết bao ngày
Kề vai với bạn thân thương quá !
Sát cánh bên nàng hạnh phúc thay !
Đêm tối lao mình truy lũ giặc
Hỏa châu tỏa ánh chiếu hình hài
Bốn vùng chiến thuật đoàn phi vụ
Tô điểm sơn hà chính khí say.
Lâm Hoài Vũ
( Trích thi tập GIẤC MƠ HOA)
Họa
MT họa theo
Không Quân VNCH ( hoán vận và 4 vần )
Mây trời rộng lớn trực thăng bay
Nhiệm vụ nào quên tuổi trẻ ngày
Bóng núi bao trùm mờ trước mặt
Làn sương phủ bọc tối lưng mày
Phi hành lực hợp lòng trung giữ
Chiến đấu tâm đồng nghĩa chính say
Được phép dăm chiều thêu lối mộng
Bên nàng dạo phố đẹp tình thay
Minh Thúy Thành Nội
Tháng 6/29/2024
……………………………………………………………
Kể Chuyện Tháng Sáu
Tháng sáu mùa tươi vui của khung cảnh hạ, không còn những cơn mưa và khí hậu lạnh rét run nữa. Trời trong sáng, nắng rực rỡ sắc hồng, cây cối xanh tươi, các loài hoa thi nhau khoe đủ sắc màu, nhất là những đóa quỳnh hồng, vàng nở tuyệt đẹp.
Từ đầu tháng đến giờ tôi đi dự lần lượt: trước tiên là “Mừng Ngày Truyền Thống Cảnh Sát Quốc Gia 1 tháng 6”, kế tiếp “Đại Hội Thiết Giáp QLVNCH”, “Lễ Father’s Day” (hội phụ nữ Bắc Cali tổ chức phối hợp cùng các anh lính Thủ Đức trong nhóm “Cà Phê Lính”.
Tiếp theo chiều nhạc “Khúc Tình Ca Của Lính” do ca sĩ Đồng Thảo cũng là xướng ngôn viên của đài radio Quê Hương tổ chức, điều hợp cùng MC Hoàng Tuấn, với sự góp mặt của “Nhóm Hát Cho Giấc Mơ Việt Nam”. Đây là buổi chiều cho tôi nhiều hạnh phúc được quay về quá khứ, được nhập vai những nhân vật trong bản nhạc, ru tôi êm ái giấc mơ ngày nào …
Hát về lính với những ca từ trong bản nhạc đã đưa tâm hồn mọi người trở về, sống lại những năm tháng trước 75, say mê nhưng cũng đầy luyến tiếc. Muôn đời tôi yêu trời tự do của miền Nam ngày ấy, dẫu năm tháng có phôi pha nhạt nhoà, dòng mê vẫn cuồn cuộn chảy ào về miền quá khứ của khung trời thơ mộng…
Còn gì lãng mạn bằng tình yêu trong thời chiến, anh trở về thăm em trong khung chiều ngây ngất mùi hương hoa Soan phảng phất bên thềm thêu màu nắng nhạt, anh thì thầm… (Tuấn Khanh “Hoa Soan Bên Thềm Cũ”)
Cảm xúc vô bờ bến của một thời lòng dân quý mến người lính Việt Nam Cộng Hoà. Quý mến bằng tấm lòng cảm thông, đã viết tên “trên gấm nhung, trên trán, trên tay, trong gió, trong mây, trong lòng biển lớn sông dài”. Hiểu nỗi niềm “Lớp trai chiến đấu oai hùng ngoài biên thuỳ xa, nơi chiến trường đẫm máu đem tự do cho đời.” “Lo lắng lúc trời gió mưa, lúc nhìn hạt nắng lưa thưa, lúc gối ánh trăng thanh.” (Hoàng Thi Thơ “Tôi Nhớ Tên Anh”)
Bồi hồi, sợ hãi lo âu theo người yêu là lính, đêm đêm nàng mất ngủ tự hỏi, nhớ đến các địa danh “Quang Trung nắng cháy da người. Dục Mỹ hay Lam Sơn? Đồng Đế nắng mưa thao trường”. Pleiku gió núi biên thuỳ? Miền Trung hỏa tuyến địa đầu? Miền Tây tiếng sét U Minh rừng. Tây Ninh tiếp ứng biên thành? Giặc tan trên đất Hạ Lào? Trại Hoàng Hoa tung gió cánh hoa dù?” Nhớ với tâm trạng hồi hộp về người lính chiến đang đùa giỡn với tử thần trong lửa đạn mịt mù. (Khánh Băng “Giờ Này Anh Ở Đâu?”)
Trầm lắng se thắt con tim nghĩ đến những người chiến sĩ thầm lặng chiến đấu cho lý tưởng tự do, lòng dũng cảm hy sinh bỏ lại thân xác trên đồi núi rừng sâu âm u. Bao nhiêu anh linh, hồn thiêng sông núi hoà trong tiếng gió hú nghẹn ngào (Phạm Duy “Chiến Sĩ Vô Danh”)
Say sưa theo lời ca tiếng nhạc, trong khi chiều dần buông ánh nắng bên ngoài , ánh nắng nhạt nhoà như phủ màu sương khói xa xăm chập chờn trong trí nhớ không những về Đại uý Nguyễn Văn Đương, vẫn còn những anh hùng như trung tá Nguyễn đình Bảo, Đại uý Trần Thế Vinh, Trung tá Phạm phú Quốc, Trung Tá Ngụy Văn Thà ..v..v…hay những chiến sĩ vô danh đã nằm xuống, nhưng họ vẫn sống mãi trong lòng người dân niềm kính ngưỡng. (Trần Thiện Thanh “Anh Không Chết Đâu Anh”)
Một buổi thưởng thức, thả hồn theo lyric của những nhạc sĩ tài danh, được ca sĩ diễn tả đặt hết tâm hồn vào lời ca tiếng nhạc thật hay, khiến người nghe thấm niềm rung động. Còn nhiều bản nhạc hay nữa đã đề cao tinh thần chiến đấu của người lính khiến tôi miên man sống lại hình ảnh trong ký ức rõ ràng. Cám ơn những nhạc sĩ đã sáng tác tự do, sáng tác theo cảm xúc chứ không như những bản nhạc miền Bắc bị gò bó. Cám ơn cô Đồng Thảo đã tổ chức chiều nhạc về lính đầy ý nghĩa, cám ơn các ca sĩ, MC Hoàng Tuấn cùng tất cả khán giả đã cùng sống lại ký ức đẹp với sự biết ơn sâu dày về người lính VNCH.
Tôi quý mến và suy nghĩ về người lính VNCH rất đáng thương. Dẫu Nam Bắc đã thỏa hiệp ký kết chia đôi hai miền, người dân miền Nam chỉ muốn sống trong yên lành tự do, nhưng miền Bắc đầy tham vọng cứ xâm lấn. Dù ngày ấy tuổi mới lớn nhưng tôi đã chứng kiến cảnh họ hung hiểm tàn bạo pháo kích vào nhà dân khắp nơi, thảm trạng chôn sống Tết Mậu Thân ở Huế còn dấu tích. Trong khi anh lính miền Nam chỉ chiến đấu phòng thủ, chỉ muốn bảo vệ người dân sống an bình.
Còn nỗi buồn gì hơn khi các thanh niên, sinh viên, thầy giáo phải rời ghế nhà trường lên đường tòng quân nhập ngũ. Súng đạn ngoài chiến trường nào biết tránh ai, nhưng tinh thần họ sẵn sàng chiến đấu vì chính nghĩa. Các anh đánh đổi cuộc sống chăn êm nệm ấm bằng những đêm lội suối băng rừng, những buổi nằm gai nếm mật, sự chết trong từng gang tấc như đang đem sinh mạng đùa giỡn với tử thần. Có người vùi thây trong cát bụi biển lửa. Có người thương phế mất đôi chân, mất cánh tay. Có người bình an trở về. Chiến tranh! nhắc đến hai từ này mà hãi hùng khiếp sợ. Những mối tình, những người thiếu phụ trong thời chiến phải chịu cảnh ly tan goá bụa. Hình ảnh chưa thể xoá mờ trong ký ức của tôi khi trên đường phố rất nhiều vành khăn tang quấn trên đầu những khuôn mặt còn rất trẻ vào tuổi thanh xuân.
Nghĩ đến cuộc chiến đấu bằng tham vọng, không có chính nghĩa là tôi cằm ghét thù hận như quân Nga muốn chiếm Ukraine hiện nay, nó khiến tôi liên tưởng vết đau miền Nam ngày trước. Vận nước nổi trôi ai ngờ được, khi tinh thần chiến đấu các anh còn hăng say đầy nhiệt huyết thì ván bài đen trắng lật ngửa, những con mắt miền Nam đều ngơ ngác nghẹn ngào. Phải chi họ đưa được nước VN tự do no ấm thì chẳng nói, đọc tin tức khắp nơi thấy tệ trạng nhiều mặt, dân còn đói khổ lầm than. Hình ảnh các em lội nước qua sông đến trường học, trong khi người giàu quá cỡ. Chống Mỹ chê Mỹ nhưng rồi kẻ có tiền đều tìm cách cho con du học xưa này, con tìm người yêu kết hôn ở lại. Có số còn tính toán kiểu du lịch mang bầu và sinh con tại Mỹ rồi mới về lại VN. Nếu không có tôi chu cấp thì anh chị tôi cũng không biết lấy gì sinh sống, cháu tốt nghiệp đại học, đi làm nhiều nơi chỉ thời gian sau là công ty mắc nợ tiền lương vì không có trả. Càng nghĩ thì càng buồn thôi ….
Mỗi lần dự lễ, trước bàn thờ các vị tướng tá đã tuẫn tiết trong ngày 30 tháng 4, lòng dân không khỏi bùi ngùi đau xót, đồng thời cũng đầy sự hãnh diện về tinh thần bất khuất của những vị anh hùng đã vị quốc vong thân.
Sau 75 bao nhiêu cảnh tang thương, sĩ quan đi tù tội rừng sâu, lớp bệnh hoạn chết trong tù, lớp trở về thân tàn ma dại. Có những anh vẻ mặt đau khổ than vãn với gia đình “nhục quá chẳng muốn sống nữa”. Có số tìm đường bộ hay đường biển liều thân trốn thoát. Rồi số phận các anh được đền bù qua Mỹ theo diện HO, họ đem theo hoài bão tốt đẹp cho tương lai đất nước, nặng lòng về quê hương yêu dấu.
Trên xứ người, các anh luôn tranh đấu, vận động để những lá cờ vàng được tung bay trên thế giới, lá cờ mang ý nghĩa của tự do dân chủ. Sống lưu vong tỵ nạn với niềm hy vọng về tương lai, giữ gìn lá cờ vàng thân yêu. Hàng năm vào tháng tư đen tổ chức ngày Quốc Hận, tháng sáu ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Ngày tháng đi qua trên nỗi buồn của kẻ mất nước sống đời lưu vong, chiếc bóng thời gian không ngừng nghỉ hằn lên mái tóc họ bạc trắng, thể chất bị lão hoá và tinh thần cũng mòn mỏi. Họ yêu bộ quân phục của lính, họ có quá nhiều ký ức vui buồn đời lính, ký ức trong trại tù. Họ tổ chức họp mặt bạn bè, đồng môn để có cơ hội tâm sự, ôn lại quá khứ.
Vì lòng kính mến và thương cảm đời lính, tôi thường đi dự các buổi tiệc. Có nhiều hôm đến sớm, tôi chứng kiến cảnh người già chung nhau khiêng chiếc thang dựng lên, trèo cao treo banner và trang trí vài nơi. Nhìn vóc dáng gầy gò của tuổi lão gắng sức, lòng tôi đầy ngậm ngùi suy nghĩ: tuổi trẻ bây giờ quá bận rộn công việc không thể tham gia phụ giúp? hay là không thèm chơi với tầng lớp già, như các chị thường nói mỗi lúc đến đâu “tụi nhỏ bây giờ đâu thèm chơi với mình nữa, chỉ già chơi với nhau thôi” khi bạn bè hỏi “tụi nhỏ đâu không đi chung tới”.
Tiệc nào cũng thấy đa số mặc quân phục. Tuy cũng có các anh quan niệm khác nhau
– Mất nước rồi mặc lại thêm buồn tủi
– Một thời không quên, mặc để ôn lại kỷ niệm
– Bộ quân phục là hơi thở, là sự sống, là niềm yêu thương hãnh diện thời trai trẻ. Có cơ hội thì mình cứ mặc dẫu trong hoàn cảnh nào.
Tôi thích được nhìn lại bộ quân phục của lính, để sống lại thời chinh chiến điêu linh mà họ đã phải hy sinh chiến đấu. Nhìn để tưởng niệm những người đã nằm xuống, những người đã hy sinh một phần thân thể máu xương, để nhắc nhở mình có trách nhiệm góp phần giúp đỡ dù nhỏ nhoi, cũng an ủi các anh Thương Phế Binh bên quê nhà phần nào.
Giờ đây tuổi các anh đã bước qua giai đoạn lão và chết dần dần. Thời gian còn quá ngắn, họ họp mặt để an ủi, mừng rỡ, ôn lại kỷ niệm năm xưa, mặc bộ quân phục ngày nào trong sự ấp ủ yêu thương, đó là hạnh phúc của người lính đang lưu lạc trên xứ người.
***
Hôm nay Chủ Nhật là Lễ Cha (16/6) và cũng là ngày Lễ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (19/6) được tổ chức nơi tiền đình quận hạt Santa Clara, địa điểm 70 W- Hedding ST- San Jose CA 95110. Đây là nơi các hội đoàn thường tổ chức lễ chào cờ ngày Tết, 30 tháng 4, hay những buổi ca nhạc trình diễn trong hội trường mà hầu hết đều được các vị dân cử thành phố như nghị viên, giám sát viên quận hạt bảo trợ và đến tham dự.
Sáng nắng rực tươi sáng, lái xe gần tới địa điểm đã thấy cờ vàng treo hàng dài trên đường, lòng bồi hồi xúc động cảm tưởng như quê hương VN được dựng lên trên xứ người. Đến nơi cả rừng người mặc bộ quân phục, tôi dấy lên niềm cảm xúc vô biên.
Buổi diễn hành thật oai hùng và đẹp mắt theo từng binh chủng, tim tôi như nén thở mơ mơ màng màng nửa tỉnh nửa mê của ngày xưa và hôm nay. Nhưng rồi phút mặc niệm đánh thức đầu óc tôi tỉnh táo nghe lời đọc của người MC: Tưởng niệm các vị tướng đã vị quốc vong thân “Anh Hùng tử, Khí Hùng bất tử”. Tưởng niệm các anh linh đã hy sinh chiến đấu vì lý tưởng tự do của miền Nam.Tưởng niệm hơn 58 ngàn lính Mỹ đã chết trong trận chiến Việt Nam. Tưởng niệm đồng bào trốn thoát tìm đường vượt biên đã bỏ mình trên biển cả…Ôi tiếng đàn buồn réo rắc, nước mắt chực rơi, cúi mặt lắng nghe và chỉ biết nguyện cầu các vong linh được siêu thoát, sau đó đến thắp hương dâng lời kính cẩn qua màn khói, tinh thần cảm thấy ấm áp dễ chịu sau buổi dự lễ.
Chương trình tiếp theo ông Lê văn Hải (hội trưởng hội Văn Thơ Lạc Việt, Báo Chí và chủ nhiệm báo Thần Mõ) tổ chức ngày “Lễ Cha” và chương trình ca nhạc “Tình Cha, Tình Lính” do đoàn Du Ca Bắc Cali và các nghệ sĩ khác đảm trách. Tôi rất tiếc có hẹn bạn Việt Nam sang chơi, cùng về Sacramento thăm bà hiệu trưởng trường trung học năm xưa nên không tham dự được. Nhưng tôi không lạ gì với cách sống đầy tình nghĩa của người lính Không Quân Lê văn Hải. Ông luôn thực hiện những điều Chúa dạy như làm việc thiện, tổ chức những buổi phát lương thực cho Homeless nhiều lần trong năm, thân thiết tham dự tiệc của các đồng môn khác binh chủng, chung tay dựng đài thuyền nhân, xây tượng lính VNCH nơi vùng Bắc Cali. Ông sống trong tinh thần đoàn kết hài hòa, đó là điểm son nổi bật mà hầu như nơi miền Bắc Cali này ai ai cũng biết và mến mộ ông, đúng là “hữu xạ tự nhiên hương”.
Tuy nhiên tôi cũng có nhiều suy tư về những sự việc xảy ra bên này: Rằng một thời gian trước đây hộp thư tôi nhận rất nhiều bài viết chống nhau. Ban đầu tôi cũng tò mò đọc xem, nhưng càng lúc càng thấy những người lính chụp mũ lẫn nhau, ai cũng bị mang “nón cối Việt Cộng” làm tôi hoang mang chẳng biết hư thực ra sao. Sau thì tôi cảm thấy sợ hãi và xoá liền không dám đọc. Bạn bè cũng có tâm trạng như tôi trong trạng thái thất vọng chán nản. Nhóm “ếch ngồi đáy giếng” chúng tôi cũng bày tỏ chút bình loạn “Bên này nếu mất sự đoàn kết, nghi ngờ nhau thì chắc VC giờ này đang ngồi uống trà rung đùi thích thú, vì chiến dịch “đâm bì thóc, thọc bị gạo” của họ đã thành công.
Mọi lần nhận thư mời từ các hội đoàn tổ chức nhiều nơi dự lễ “Tháng Tư Đen”. Tôi vẫn chọn nơi đường Hedding, vì ở đó có parking đậu xe rộng nhất, thoải mái địa điểm, phục vụ phương tiện vệ sinh đầy đủ. Tôi từng mơ ước những hội đoàn chung tay tổ chức một địa điểm, các dân cử hội đồng thành phố khỏi mất thì giờ tham dự nhiều nơi. Họ sẽ chứng kiến người VN tập trung một chốn thật đông đảo, trong tinh thần đoàn kết của người dân VN tỵ nạn Cộng Sản thật đẹp mắt. Mơ lắm thay…
Ngồi nhìn ra khoảng sân sau, nắng chiều nhẹ nhàng hôn lên những khóm hoa là đà theo gió. Trước mặt tôi là hai tấm vé dự tiệc hội ngộ của binh chủng Không Quân ngày cuối tháng. Xem như những sinh hoạt tháng sáu trong cộng đồng VN tôi đã kể xong
Tháng sáu của người Cha đã qua đời, tưởng nhớ với nỗi buồn sâu lắng. Tháng sáu của những người lính Cộng Hoà được ưu ái tổ chức nhiều chương trình mang ý nghĩa kính mến và biết ơn.
Minh Thúy Thành Nội
Tháng 6/2024
*** Trong bài viết xin mạn phép mượn những từ ngữ của bản nhạc