Tài liệu

Chuyện Cây kiếm của vua Hàm Nghi

Và nghi án Nguyễn Phúc Hồng Bảo

Anh và tôi làm chung hãng với nhau khá lâu, rất thân, vừa là đồng nghiệp, vừa người Huế đồng hương. Một hôm anh mời đến nhà chơi, nhân rảnh rỗi bàn luận thế sự. Tôi để ý trên bàn thờ nhà anh có treo bức tranh vẽ một ông quan đội mão rất uy nghi. Anh giới thiệu đó là ông Tổ nhà anh. Tôi tò mò hỏi cụ làm chức chi trong triều? Anh không trả lời, hỏi lại học sử có nhớ việc dưới triều nhà Nguyễn vua Thiệu Trị bỏ trưởng lập thứ là vua Tự Đức? Tôi nhớ có học điều đó, nhưng không biết gì thêm nữa. Anh trịnh trọng nói vị hoàng tử con trưởng vua Thiệu Trị đáng lẽ phải được chọn làm vua đó là: An Phong Công Nguyễn Phúc Hồng Bảo, là người trên bức chân dung đó. Và anh chính là hậu duệ của An Phong Công Hồng Bảo.

Trong giây phút cảm khái theo dòng lịch sử của gia tộc, anh kể tôi câu chuyện thâm cung bí sử sau đây về nghi án của Nguyễn Phúc Hồng Bảo.

“Lúc còn nhỏ ở Huế, tôi không sống cùng Ba Mạ mà sống cùng ông bà nội. Ôn Mệ cưng tôi lắm, nhứt là Ôn. Tôi muốn gì cũng được, thích gì cũng có. Tuy vậy, tôi vốn là một thằng bé ngoan, không đòi hỏi hay nghịch phá gì quá đáng nên hình như không có vấn đề gì. Chỉ một lần duy nhứt, vâng, một lần duy nhứt tôi bị Ôn bắt nằm xuống nã cho mấy roi.

Ở với ôn mệ, tôi được tự do tung tăng nhà trên xóm dưới, bất cứ chỗ nào muốn chơi đùa phá phách gì cũng được, chỉ chừa một chỗ duy nhứt Ôn dặn dò tôi không được đụng tới, đó là dưới gầm bàn thờ. Ôn tôi để một số đồ đạc gì của dòng họ dưới đó, tôi không biết.

Dĩ nhiên tôi rất vâng lời và không hề xâm phạm tới vùng cấm đó. Nhưng chỉ được một thời gian, sau khi đã nhàm chán và quen thuộc với khắp mọi nơi trong nhà, tôi bắt đầu tò mò và để ý đến vùng bí mật dưới bàn thờ mà bao lâu nay bao giờ cũng được một lớp vài điều che khuất. Trí tò mò của tôi trỗi lên mãnh liệt đến nỗi một hôm không dằn được, đợi Ôn Mệ đi vắng tôi vén màn chui vô xem.

Không có gì cả, ngoại trừ một số sách báo cũ từ thời nào. Chỉ có một cái hộp bằng gỗ cũ kỷ, chạm trỗ tương đối khá tinh vi, dài chừng một mét.

Nếu có điều gì bí mật, chắc chắn phải nằm trong cái hộp này. Tôi nhìn một hồi rồi không dằn được, mở ra, và thấy một thanh kiếm.

Một thanh kiếm rỉ!

Tôi ngạc nhiên vô cùng vì cái vật mà ôn tôi giữ kín và tôn trọng như gia bảo lại là một thanh kiếm tầm thường không có gì đặc biệt, giống như con dao dùng trong nhà dài hơn một chút, và bị rỉ sét trông thật xấu xí.

Tôi thất vọng lắm, tuy nhiên óc tò mò đã được thỏa. Tôi bỏ thanh kiếm vào hộp trả về chỗ cũ và lẳng lặng chui ra.

Nếu câu chuyện cây kiếm đến đây là hết thì tôi đã không bị một trận đòn, và không biết khi nào mới biết đến một lịch sử độc đáo của gia tộc.

Số là lũ con nít chúng tôi trong xóm vẫn tụ họp chơi đùa chia phe đánh nhau hằng ngày. Choảng nhau bằng tay hay súng miệng nổ đoành đoành hoài cũng chán. Một hôm tụi tôi quyết định một trò chơi mới. Cũng là chia phe đánh nhau như mọi khi, nhưng lần này tụi tôi sẽ… đánh kiếm. Mỗi thằng về nhà tự chặt tre hay kiếm một thanh gỗ nào đó tạo cho mình một thanh kiếm. Thằng nào siêng thì làm thêm cái bao cho thêm phần le lói, còn không thì cây kiếm tre thắt ngang lưng cũng oai phong lẩm liệt chán.

Tôi cũng định tự mình làm một cây kiếm tre. Nhưng hôm đó không hiểu phải đi đâu hay sao đó mà không thể làm xong. Đến giờ điểm quân chuẩn bị chiến tranh mà chưa có kiếm. Tôi bỗng nghĩ tới cây kiếm dưới bàn thờ và không suy nghĩ thiệt hơn gì nữa, sẵn dịp Ôn Mệ qua nhà hàng xóm ăn kỵ, tôi vào bàn thờ mở hộp lấy luôn cây kiếm và dông một mạch đến chỗ tụi tôi đã hẹn chia phe quyết chiến.

Dĩ nhiên cây kiếm của tôi tuy trông xấu xí và rỉ sét, nhưng vẫn là cây kiếm thật và rõ ràng là một chiến tướng giữa một bầy kiếm tre yếu ớt chỉ đáng làm quân sĩ. Đêm đó, vì vậy, tôi được bầu làm chủ tướng một phe.

Ỷ có cây kiếm sắt, tôi mặc sức tung hoành chiến trận vì mấy cây kiếm gỗ hay kiếm tre địch quân chạm vào kiếm của tôi không gãy cũng bị… cong hay mẻ, nên chúng nó chạy te hết. Phe tôi chiến thắng vẻ vang.

Sau chiến trận, tôi hối hả chạy về nhà để trả thanh kiếm về chỗ cũ.

Nhưng than ôi, thật là tai bay vạ gió.

Thanh kiếm tôi dắt sau lưng nãy giờ đã không còn nữa. Chắc là đã rơi trên đường chạy về mà không hay.  Tôi sợ quá muốn trở lại kiếm nhưng đường từ nhà tôi tới bãi cỏ nơi chúng tôi chiến đấu khá xa, và trời thì đã tối mịch biết đâu mà mò ?  Nên đành lặng câm vô nhà ngủ, và định bụng sáng mai sẽ dậy thiệt sớm trở lại đường cũ kiếm cây kiếm.

Nhưng có lẽ là định mệnh.

Sáng đó tôi ngủ quên và thức dậy khá trể.

Một thằng bạn trong nhóm đánh nhau hôm qua đi đâu sáng sớm nhặt được cây kiếm đem tới nhà trả ngay …ông nội tôi.

Không còn đường chối cãi.

Lần đầu tiên tôi bị Ôn la một trận tơi bời và phạt quỳ gối.

Tôi biết mình có lỗi, nhưng vẫn ấm ức vì nghĩ rằng cây kiếm vẫn còn đó đã mất đâu? Vả lại đó chỉ là cây kiếm cũ kỷ không có giá trị gì cả mà sao Ôn quý nó như vậy!

Càng nghĩ tôi càng tủi thân. Nghĩ rằng Ôn thương cây kiếm hơn là thương tôi. Vì vậy tôi đâm ra hờn dỗi không ăn uống gì cả mấy bữa liền, cứ ngồi khóc tủi thân…

Thấy tôi cứ tấm tức, Mệ nội dắt tôi tới trước bàn thờ chỉ bức ảnh lớn treo trên tường hỏi tôi có biết đó là ai không?

Tấm ảnh này dĩ nhiên tôi vẫn thấy hằng ngày. Đó là bức họa chân dung một người đàn ông bán thân, đầu đôi mão có vẻ như một ông quan. Tôi lúc đó chỉ biết mang máng là ông tổ của nhà tôi, còn ông là ai tên gì tôi cũng không hề biết.

Mệ tôi trịnh trọng nói rằng người đó là  AN PHONG CÔNG Nguyễn Phúc Hồng Bảo, là hoàng tử trưởng của vua Thiệu Trị, mà theo lẽ phải lên làm vua nước Việt Nam sau khi vua Thiệu Trị băng hà.  Nhưng dĩ nhiên trong lịch sử thì Hoàng tử thứ Nguyễn Phúc Hồng Nhậm đã lên ngôi, tức là vua Tự Đức.

Và bà kể cho tôi nghe một câu chuyện năm xưa có liên hệ đến lai lịch của gia tộc nhà tôi.

Ngày đó, thật ra mệ tôi chỉ kể một cách đơn giản rằng hoàng tử Hồng Bảo là con lớn nhất, đáng lẽ phải được lên ngôi vua, nhưng vì mẹ là Đinh Thị phạm tội nên bị đuổi về làm thứ dân (tội gì thì mệ tôi cũng không biết). Cả đến họ Nguyễn của hoàng tử Hồng Bảo cũng phải bị đồi sang họ Đinh là họ mẹ. Cho nên ông Cố tôi là con của hoàng tử Hồng Bảo đã từng có thời mang họ Đinh của mẹ lưu lạc trong dân gian, mà đúng ra nếu vẫn giữ họ Nguyễn sẽ có vai vế chữ “Ưng” theo thứ tự “Đế Hệ Thi” của nhà Nguyễn hoàng tộc là

Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh

Bảo Quý Định Long Trường

Hiền Năng Kham Kế Thuật

Thế Thoại Quốc Gia Xương

Nhưng nếu vậy tại sao ông nội tôi không mang họ Đinh, mà trở lại họ Nguyễn?

Mệ kể rằng khi vua Hàm Nghi thoát ly khỏi kinh thành Huế truyền hịch Cần Vương để chống lại thực dân Pháp, ông Cố của tôi, về vai vế cũng như tuổi tác là vai anh của vua Hàm Nghi, đã vì lòng yêu nước đặt việc công trên việc tư đáp ứng hịch Cần Vương của vua dấn thân chống Pháp. Hai anh em đã nhận nhau trong thời gian kháng chiến chống Pháp này.

Đến đây tôi tạm mở một dấu ngoặc về nghi án Hồng Bảo

Sự việc hoàng tử Hồng Bảo tại sao bị thất sủng và con cháu phải đổi sang họ mẹ vốn là một nghi án lớn của triều Nguyễn.

Dòng họ tôi từ xưa đến nay vẫn truyền miệng cho con cháu rằng:  Hoàng tử Hồng Bảo tuy là con trưỏng, nhưng mẹ Định Thị lại là vợ thứ, và xuất thân dân giả. Hoàng tử thứ hai Hồng Nhậm tuy nhỏ hơn vai em, nhưng lại là con của chánh phi Phạm thị của vua Thiệu trị (Nhà Nguyễn không phong chức Hoàng Hậu cho vợ của vua lúc còn sinh tiền). Do đó, đã có sự đấu tranh giữa hai bà. Họ đã làm gì, đó là bí mật thâm cung bí sử. Chỉ biết rằng mẹ con Đinh thị và Hồng Bảo đã thất thế nên bị kết tội và đuổi về làm dân. Hoàng tử Hồng Nhậm lên ngôi thành vua Tự Đức.

Đó là trong gia tôc tôi kể lại như vậy. Sử sách chính thức đối với việc này hình như không thấy ghi lại. Có chăng là những sử liệu nghiên cứu đã đưa khá nhiều giả thuyết và nghi vấn khác nhau.

1-  Có tài liệu ghi rằng Hoàng Tử Hồng Bảo tuy là trưởng, nhưng là một người ham chơi biếng nhác không đủ tài làm vua. Vua cha Thiệu Trị thấy rõ điều này nên trước khi băng hà đã ủy thác lại cho trọng thần Trương Đăng Quế lập Hoàng tử thứ hai Hồng Nhậm vốn tinh anh mẫn cán, xứng đáng làm vua hơn anh.

2- Tài liệu khác cho rằng vua Tự Đức vốn là con của ông quan Trương Đăng Quế này đã đánh tráo vào cung từ nhỏ. Cho nên có dịp là ông Trương Đăng Quế đã thi hành thủ đoạn sửa đổi di chiếu của vua Thiệu Trị truất phế Hồng Bảo lập Hồng Nhậm lên làm vua.

3- Hoàng Tử Hồng Bảo tin rằng mình bị sang đoạt ngôi báu nên đã âm mưu làm phản mong chiếm lại ngôi. Mưu đồ thất bại, Hồng Bảo bị bắt, được vua Tự Đức tha chết chỉ giam vào ngục. Con cháu của Hồng Bảo đều bị đuổi làm thứ dân mang họ Đinh. Hồng Bảo đã thắt cổ tự vẫn trong ngục chết sau đó.

Caí chết của hoàng tử Hồng Bảo cũng là một nghi án, vì nhiều sử gia suy luận rằng vua Tự Đức không muốn mang tiếng giết anh nên giam vào ngục, nhưng đã âm thầm sai người giết chết, rồi dàn cảnh ông Hồng Bảo tự vẫn để diệt trừ mọi mầm mống phản lọan sau này.

Tất cả cũng chỉ là truyền thuyết được ghi lại mà thôi. Không có gì chứng minh cả.

Trở lại với phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi.

Lúc đó gia tộc tôi phải chịu mang họ Đinh lưu lạc trong dân gian, đối với vua Tự Đức có một ân oán như vậy, nhưng lại không liên hệ gì đến vua Hàm Nghi.

Vua Tự Đức vốn không có con và phải nhận cháu làm con nuôi. Sau khi ông  mất con nuôi là Ưng Chân lên nối ngôi tức là vua Dục Đức. Tình hình đất nước bấy giờ rất rôí ren. Phần thì ngoại xâm, phần thì các quan trong triều tranh đấu lẫn nhau, nên vua Dục Đức làm vua được ba ngày lại bị truất phế. Rồi vua Hiệp Hoà, vua Kiến Phúc lần lượt lên ngôi và bị hại trong một thời gian rất ngắn. Dân gian lúc đó có câu

“Nhất giang lưỡng quốc nan bất thuyết

Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường”

Nghĩa là

“Một sông hai nước, lời khó nói

Bốn tháng, ba vua, điềm chẳng lành”

Hai ông Thuyết và Tường đã được nhắc đến trong hai câu ca dao trên.

Ông hoàng Ưng Lịch, là cháu ruột của cả hai ông Hồng Bảo và Hồng Nhậm được đưa lên làm vua Hàm Nghi. Vua Hàm Nghi  đối với nghi án của ông bác Hồng Bảo có một cái nhìn khách quan hơn, và nhất là cảm cái tình của ông cố tôi đã quên thù nhà mà dấn thân giúp vua chống ngoại xâm. Lúc đó đang ở ngoài thành tranh đấu cùng thực dân, vua Hàm Nghi không có bên mình ngọc tỷ, hay cây kiếm lệnh trượng trưng cho uy quyền của Hoàng Gia. Vua bèn rút thanh gươm của người lính hầu cận đang ở bên cạnh để trượng trưng cho cây kiếm đó và tuyên bố “Trẩm từ nay cho phép hậu duệ của An Phong Công được trở về với họ Nguyễn. Và dòng trưởng được phép tiếp tục theo Đế Hệ Thi của Minh Mạng Hoàng Đế.”

Chỉ dòng trưởng mả thôi, còn dòng thứ chỉ có thể trở lại họ Nguyễn nhưng không được quyền theo Đế Hệ Thi.

Lời vua là kim khẩu.

Điều này giải thích tại sao ông nội tôi là Bửu V., Bác cả, anh của ba tôi là Vĩnh Q.,  và người con trai đầu của bác là Bảo C.  Trong khi thân phụ tôi là con thứ nên chỉ được trở về với họ Nguyễn mà không được theo Đế Hệ Thi.

Ngày đó khi lần đầu tiên nghe mệ tôi kể sơ về nguồn gốc của ông Hồng Bảo, tôi thật không ngờ gia đình mình lại có một lý lịch độc đáo như vậy. Và nếu không có sự cảm thông của vua Hàm Nghi ngày ấy thì bây giờ tôi vốn vẫn còn là họ Đinh chứ đâu phải họ Nguyễn!

Cây kiếm đó vua Hàm Nghi đã ban lại cho gia tộc tôi để làm bằng chứng, Ông cố tôi rất trân trọng vì đây là vật của vua ban, truyền lại cho ông nội tôi cất giữ. Tức là cây kiếm rì mà tôi lấy chơi suýt nữa làm rơi mất.

Nó chỉ là cây kiếm bình thường của một ngưòi lính thời bấy giờ mà thôi, nhưng với gia tộc tôi, trong một khoảnh khắc nào đó năm xưa đã trượng trưng cho uy quyền tối thượng của Hoàng Gia, của dòng họ mà vị vua yêu nước Hàm Nghi ban xá cho chi hệ gia tộc An Phong Công Nguyễn Phúc Hồng Bảo được trở về với họ Nguyễn.

Sau bìến cố tết Mậu Thân 1968, căn nhà đó bị đạn bom đánh đổ. Ông Nội tôi cũng mất trong dịp đó nên cây kiếm không biết đã thất lạc về đâu. Vả chăng, nó cũng chỉ là một thỏi sắt rỉ, chỉ có giá trị lịch sử đối với gia tộc tôi mà thôi, còn ngoài ra không có một giá trị nào khác nữa.

Những chuyện thâm cung bí sử, nguồn gốc của gia tộc nhắc đến ở trên dựa một phần trên quyển gia phả ba tôi đã photo lại trước khi lên đường HO sang Mỹ. Tiếc rằng gia phả nhà tôi viết bằng chử Nho, và bảng dịch tiếng Việt thì chưa hoàn thành và dang dở thiếu sót rất nhiều. Tôi phải tự tìm hiểu lấy, đối chiếu qua sách vở và tài liệu từ Internet mà thôi.Ngày nay, gia tộc tôi dĩ nhiên vẫn truyền tụng về nguồn gốc của dòng họ từ Chúa Nguyễn Hoàng trở về sau. Tuy nhiên, thế hệ con cháu bây giờ chắc không còn ai biết và nhớ đến vật gia bảo cây kiếm của vua Hàm Nghi đó nữa.

Và anh kết luận: Những người Việt trong nước cũng như hải ngoại sau năm 1975 thường diễn giải câu sấm Trạng Trình “Nguyễn đi rồi Nguyễn lại về” nghĩa là ông Nguyễn văn Thiệu đi, nhưng rồi ông Nguyễn Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại khi đó còn sống) sẽ về, không biết rằng câu sấm ấy thực ra đã ứng nghiệm từ lâu rồi. “Nguyễn đã đi, và Nguyễn đã về”, ứng vào việc ngai vàng họ Nguyễn đã có lúc lọt vào tay ngoại tộc họ Trương, tức vua Tự Đức. Nhưng mệnh trời khó cãi, vua Tự Đức vì vậy không thể có con nối dõi, phải trao ngai vàng lại cho họ Nguyễn, tức “Nguyễn đã về.”

Nghe xong câu chuyện, tôi hỏi tấm chân dung ông Hồng Bảo hiện nay trong nhà có phải là tấm ở nhà ông nội anh năm xưa? Anh nói không phải. Tấm ảnh đỏ đã bị mất hay cháy trong tết Mậu Thân. Tấm này do anh tự vẽ lấy theo ký ức còn ghi lại trong đầu.

Anh nói thêm nếu tính theo vai vế thì anh hàng chữ “Bảo”, ngang với hoàng tử Bảo Long, Bảo Thắng. Tuy nhiên thân phụ anh là con thứ nên chỉ có thể trở về với họ Nguyễn mà thôi, không thể có chữ “Bảo” đệm trước tên được.

HẾT

Lời người viết:

Bài viết này hoàn toàn dựa vào lời kể của một người nhận là hậu duệ của An Phong Công Nguyễn Phúc Hồng Bảo, vị hoàng tử mà nếu không vì những thâm cung bí sử xảy ra như ở trên thì đã là vua nuớc Việt, không phải vua Tự Đức. Lịch sử Việt Nam cho đến ngày nay hầu như cố tình bỏ quên, hay có chăng chỉ là những giai thoại, sử liệu mập mờ về vụ án tại sao vua Thiệu Trị bỏ trưởng Hồng Bảo lập thứ Hồng Nhậm, hay cho đến cái chết của ông Hồng Bảo đến nay vẫn là một nghi án.

Người viết chỉ là kẻ ghi lại, không biết gì về gia phả hoàng tộc họ Nguyễn Phước, không có ý định, và càng không đủ tư cách viết lịch sử. Do đó, bạn đọc chỉ nên xem đây như là câu chuyện dã sử, và nhất là không thể dùng câu chuyện này như một chứng liệu lịch sử nào cả.

./.

ThaiNC