Tài liệu

Bí ẩn về ngôi mộ của ông Trần Phú

Trước năm 1975, ngoại ô Sài Gòn có một nghĩa trang rộng lớn, được đặt tên là “Nghĩa trang Đô Thành”, nằm trên đường Lê Văn Duyệt (nối dài Sài Gòn) – đối diện là trại lính Nhảy dù Nguyễn Trung Hiếu, và sau lưng là Cư xá Sĩ Quan Chí Hòa (Bắc Hải).

Nghĩa trang này bị giải tỏa vào năm 1998, một phần đất phía sau bị chia chác biến thành nhà ở, còn một phần mặt tiền trở thành Công viên Lê Thị Riêng.

Khi làm việc đào phá tại nghĩa trang này vào ngày 4.1.1999, lao công bất ngờ tìm thấy mộ của ông Trần Phú (Tổng bí thư đầu tiên của đảng CSVN).

Qua đó, sau 68 năm ngày ông Trần Phú chết, nhà cầm quyền ở thành Hồ mới “phát giác” ra một “chứng tích lịch sử” vô cùng quan trọng – để rồi ngày 12.1.1999 vội vã đưa số xương cốt này về tái an táng tại quê nhà của ông ở tỉnh Hà Tĩnh.

Câu chuyện “bí ẩn’ là ở chỗ, tại sao mộ của một Tổng bí thư đảng CSVN lại nằm trong khu Nghĩa trang Công Giáo, ở phía sau Nghĩa trang Đô Thành (sát với con rạch của Cư xá Sĩ quan Chí Hòa). Nơi  dành riêng cho những người có đạo (có tên Thánh) mới được chôn cất.

Và tại sao tư liệu và lịch sử Đảng CSVN chỉ viết ông bị bắt và mất vào cuối năm 1931, ngoài ra “không ai biết ông mất trong hoàn cảnh nào và chôn cất ở đâu”.

Theo lịch sử hình thành Đảng Cộng Sản ở VN, thì ông Trần Phú là “học trò xuất sắc của Chủ tịch HCM”, được ông Hồ đưa về từ Quảng Châu vào tháng 4 năm 1930.

Cuộc đời làm “Kách Mệnh” của Trần Phú thật ngắn ngủi. Vào ngày 18.4.1931 ông Phú bị Pháp bắt giam, nhưng đến ngày 6.9.1931 (tức chỉ sau 5 tháng) đã qua đời tại bệnh viện Chợ Quán vì bệnh lao, lúc mới 27 tuổi (như vậy khó mà có thể tạo hào quang cho ông Phú là đã bị Thực dân hành hạ dã man đến chết trong tù).

Mới đây trên facebook của ông Trần Đăng Phiệt có nói đến việc mộ của ông Trần Phú được tìm thấy ở Đất Thánh họ đạo Chợ Quán nằm sau Nghĩa trang Đô Thành, với mộ bia và tên tuổi đầy đủ.

Nhà cầm quyền CSVN cũng bán tín bán nghi, nhưng sau khi thử DNA thì xác nhận đây chính là hài cốt của ông Trần Phú nên mới cho đem về Bắc, để lập khu tưởng niệm.

Câu chuyện ly kỳ ở chỗ: “Một cụ già lão thành Cách mạng (bị giam chung với ông Trần Phú) ở Trà Vinh khi tình cờ biết tin “tìm được mộ TBT Trần Phú” trên báo SGGP đã viết một lá thư dài tường thuật đầy đủ quá trình bị giam giữ, theo đạo, rửa tội, chết và an táng của ông Trần Phú tại nhà thương Chợ Quán rồi gởi cho Cha sở xứ đạo Chợ Quán vào ngày 03.7.2018″.

Cha sở họ đạo Chợ Quán lúc đó là Linh mục FX Lê Văn Nhạc; Ngài đã kiểm tra lại tài liệu lưu trữ của Giáo xứ giai đoạn 1930-1940 thì phát giác sổ rửa tội năm 1931 có ghi tân tòng Phê-rô Trần Phú. Sau đó ngài cho sao chụp hồ sơ lưu sổ rửa tội, và bức thư của cụ lão thành Cách mạng Trà Vinh ra làm ba bản. Một gởi cho Chính quyền TP, một gửi lên tòa Tổng Giám mục SG, một lưu tại giáo xứ.

Hiện nay tại bệnh viện Nhiệt Đới (nhà thương Chợ Quán cũ) số 764 Võ Văn Kiệt, P.1, Q.5; bước vào cổng phía tay trái có một công viên nhỏ và tượng đài Đức Mẹ nay vẫn còn lưu giữ, là nơi các dì phước thời xưa mỗi buổi chiều đến thăm nom, chăm sóc bệnh nhân và đưa Mình Thánh cho các bệnh nhân có đạo được rước Chúa. Vào các chiều thứ bảy, các dì tổ chức dạy Giáo lý và có các Cha đến giải tội.

Ông Trần Phú là một trong những bệnh nhân được cảm hóa, tin Chúa và cảm mến Chúa để được rửa tội tại đây. Đi vào hành lang bên tay phải, nhà cầm quyền cho dựng lại “một chuồng cọp” nói là nơi giam giữ ông Trần Phú lúc được đem đến đây chữa bệnh. Người ta cũng dựng lên một bức tượng của ông tại đó.

Một nữ y tá làm việc lâu năm tại nơi này cho biết: “Cái nhà đá nói là nơi giam giữ ông Trần Phú là chuyện tưởng tượng. Bởi thời đó Bệnh viện là bệnh viện, và nếu là phạm nhân thì họ chỉ cần còng tay vào giường và có người canh gác là đủ”.

Riêng Cha sở Lê Văn Nhạc nay đã 80 tuổi. Ngài đang nghỉ hưu tại GX Hạnh Thông Tây, Gò Vấp”. (Hết trích).

Cần biết, một người trưởng thành xin rửa tội vào đạo Công Giáo thủ tục còn khó hơn đứa trẻ sơ sinh. Giáo hội đòi hỏi người tân tòng phải học đạo, có người “đỡ đầu”, và trí óc còn minh mẫn (nếu là bệnh nhân).

Câu chuyện trên, chắc chắn không được nhà cầm quyền CSVN công nhận, bởi Lm Lê Văn Nhạc cho biết, ngài từng được Cán bộ CS đến hỏi thăm khi nhận được “hồ sơ” về việc rửa tội xin vào đạo Công Giáo của ông Trần Phú, và yêu cầu ngài không phổ biến tin tức này.

Và nếu phải nói về việc “ngoài dự kiến” không hay ấy, các văn nô viết lịch sử Đảng cũng sẽ nói “bọn thực dân và tay sai” đã ép buộc Đ/c Trần Phú vào đạo, để phá bỏ hình ảnh “vô thần” của Tổng Bí Thư.

Cho đến nay CSVN đã có 12 người làm TBT, nhưng rất nhiều ông khi chết đã bị hé lộ chuyện vẫn tin tưởng có thế giới bên kia, chứ không “vô thần” như lúc tuyên thệ vào Đảng.

Ông HCM cũng nói khi chết sẽ đi gặp Các Mác và Lê Nin. Ông Lê Khả Phiêu trong nhà có bàn thờ Phật to tướng, và khi hạ huyệt có nhiều sư tụng kinh gõ mõ..v.v.

Hiện nay, khi đi vào Công viên Lê Thị Riêng, người ta sẽ thấy phía bên trái có một tượng đài được xây dựng vào tháng 9.2005 dành cho ông Trần Phú với phù điêu mang hình cờ Đảng, cùng câu nói “nổi tiếng” của ông: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Cần biết, trước 1975 đây là nơi đầy “oan khiên, chướng khí”.

Vào năm 1963, gần trăm xác của các binh lính trung thành với TT Ngô Đình Diệm bị quân đảo chính bắn chết, và được đưa về đây.

Đến năm 1968 hơn 2 ngàn xác của Cộng quân bị hạ sát trong trận Tổng tấn công Tết Mậu Thân cũng được “tập kết” thành một lỗ.

Thê thảm hơn, vào ngày 30.4.1975 trên 3 ngàn xác chết của binh lính hai bên, và thường dân cũng được kéo về bỏ chất đống ở nghĩa địa, khiến dân chúng quanh vùng Ngã Ba Ông Tạ phải “ngộp thở” vì mùi tử khí trong nhiều ngày.

Và tất cả những người xấu số chết vào giờ thứ 25 này, đều đã được vùi chung trong một hố chôn tập thể.

Chưa hết, sau Tháng Tư Đen 1975, nhiều chuyến vượt biên không thành với vài chục xác chết của dân vượt biển (ở ấp Hàng Dầu) cũng được chở về đây, chờ người thân đến nhận.

Bên trong Công viên Lê Thị Riêng hiện nay còn có một hồ nước, nhưng không ai dám cho con em đến gần, bởi “các hồn ma nghĩa địa” đã kéo nhiều em chết chìm khi chơi dưới hồ, dù nước không sâu!

Nguyễn Vy Túy

Theo FB