Tài liệu

Vua Thành Thái thiết lập Quốc Học

Chỉ dụ Hoàng Đế Thành Thái thiết lập Quốc Học

Emperor Thành Thái’s Edict to Establish the Quốc Học, 1896

Lê Minh Khai / Tôn Thất Tuệ dịch

Năm 1896, Triều Nguyễn thiết lập một học đường ở Kinh Đô để dạy Pháp Văn, là Quốc Học từ tên gốc là Quốc học trường 國學場; tên tiếng Pháp là Collège National (thời ấy “national” – quốc gia – có nghĩa học tiếng Pháp).

Chính quyền thuộc địa Pháp đã có sáng kiến nầy và được vua Thành Thái (TT) chấp thuận qua sự đồng ý của triều đình.

Để chính thức thành lập Quốc Học, TT đã ban hành một chỉ dụ bằng chữ Hán, nói rõ vua thuận phê chuẩn sự thiết lập nầy. Ít lâu sau, toàn quyền Paul Armand Rousseau ký một nghị định thi hành công lệnh ấy tức là thiết lập ngôi trường, kèm theo bản dịch tiếng Pháp chỉ dụ nêu trên.

So sánh công lệnh Hán Việt và bản tiếng Pháp, thì người dịch đã bỏ nhiều điều. Nếu đọc nguyên văn chỉ dụ nầy, chúng ta có thể biết cái nhìn của vua và triều đình về thế giới rất sâu sắc, không có trong bản đính kèm nghị định của Rousseau.

Chỉ dụ Thành Thái mang nhiều chi tiết thực tiển như cách chọn giáo sư, cách tuyển học sinh thì được dịch chính xác và đầy đủ. Nhưng phần mở đầu của chỉ dụ không được như thế.

Công lệnh bắt đầu với lời giải thích vì sao cần có một trường dạy Pháp ngữ. Bản dịch và bản chính có sự khác biệt to lớn. Sự khác biệt nầy giúp người đọc thấy rằng Hán Văn cổ điển và tiếng Pháp không những thuần túy chỉ là hai ngôn ngữ tách biệt, mà chúng còn cho chúng ta một ý niệm rõ ràng về sự khác nhau giữa hai nền văn hóa và hai thế giới quan khác nhau.

Trích bản dịch: Quand on veut donner un développement sérieux à l’instruction, on ne se borne pas à un enseignement exclusif, de même que pour assurer la régularité de l’enseignement, il est indispensable de créer des cours d’études. Or, eu dehors des livres sacrés de Chine, il existe d’autres ouvrages des divers pays et le mandat de porter la parole est chose très importante dans les relations internationales. ngưng.

Diễn qua chữ Việt: Nếu muốn đem lại cho nền giáo dục một sự phát triển đứng đắng thì không nên tự giới hạn trong sự dạy dỗ chuyên biệt độc quyền. Cũng giống vậy, để bảo đảm tính cách điều hòa của ngành giáo huấn, cần mở thêm các ngành học mới. Ngày nay ngoài những Thánh Điển từ bên Tàu và tác phẩm từ nhiều nước khác nhau, khả năng nói, đàm thoại là điều vô cùng quan trọng trong các mối liên lạc quốc tế.

諭學無常師, 欲其博也。教必立學, 欲其專也. 蓋六經之外別有方書,列國之交,重在辭命。Dụ học vô thường sư, dục kỳ bác giả. Giáo tất lập học, dục kỳ chuyên dã. Cái lục kinh chi ngoại biệt hữu phương thư, liệt quốc chi giao trọng tại từ mệnh.

(Trong phương cách học mà không cần có thầy giáo thường xuyên, thì người học tự tìm cách mở rộng kiến thức. Nhưng trong việc giáo huấn, cần có một học đường dạy những phần chuyên môn hóa. Ngoài “Lục Kinh” còn có sách vở từng khu vực địa phương. Nhưng trong việc giao thiệp giữa các nước cần có khả năng biện thuyết, đàm thoại).

Những danh tự sau đây cho thấy thế giới quan của TT. Học vô thường sư 學無常師; học không cần thầy thường xuyên; Lục Kinh 六經 và phương thư 方書, sách vở từng vùng; từ mệnh 辭命, khả năng thuyết giải, đàm thoại, và liệt quốc chi giao 列國之交, giao tiếp giữa các quốc gia. Nhưng chúng không có trong bản dịch.

Học vô thường sư 學無常師, tìm tòi cầu đạt những kiến thức một cách rộng rãi, nhiều nơi chứ không với một ông giáo kỳ cựu “sỉa rẹn” một chỗ. Ý nầy trước đây học giả Hàn Dũ 韓愈 nhà Đường đã nêu trong luận văn danh tiếng nhan đề sư thuyết 師說.

聖人無常師:孔子師郯子、萇弘、師襄、老聃。郯子之徒,其賢不及孔子。孔子曰:「三人行,則必有我師」。是故弟子不必不如師,師不必賢於弟子。聞道有先後,術業有專攻,如是而已。

Thánh nhân vô thường sư: Không Tử sư Đam Tử, Trương Hoằng, Sư Tướng, Lão Đan. Đam Tử chi đồ kỳ hiền bất cập Khổng Tử. Khổng Tử viết: Tam nhân hành tất tắc hữu ngã sư. Thị cố đệ tử bất tất bất như sư. Sư bất tất hiền vu đệ tử. Văn đạo hữu tiên hậu, thuật nghiệp hữu truyền công. Như thị nhi dĩ.

Thánh nhân không có thầy cố định. Khổng Tử chọn làm thầy những ông Đam Tử, Trương Hoằng, Sư Tướng, Lão Đan, nhóm người như Đam Tử không giỏi, không khôn bằng Khổng Tử. Khổng Tử nói: ba người đi trước mặt ta, nhất định có một người là thầy ta. Như vậy đệ tử không nhất thiết kém hơn thầy; và thầy không nhất thiết giỏi hơn khôn hơn đệ tử. Chuyện là một kẻ đã học đạo trước một kẻ khác; hoặc một người nào đó có kỹ năng chuyên môn hóa. Chỉ chừng đó thôi.

TT mở đầu như vậy để giải thích với quần thần vì sao vua đã ra lệnh thiết lập một trường dạy tiếng Tây. Hẵn rõ TT đang gặp sự chống đối của các học sĩ chính thống cửa Khổng sân Trình; nhóm nầy xem người Pháp là man rợ có kiến thức kém. Do đó vua dùng Khổng học mà biện luận. Khi nói Khổng Tử và các hiền giả đều học với bất cứ ai, TT muốn nói con các quan, con triều thần có thể học với người Pháp.

Vua giải thích rằng kiến thức của người Pháp nằm ngoài Lục Kinh (Lục Kinh chi ngoại 六經之外) nhưng nằm trong sách vở từng vùng khác nhau ngoài nước Tàu (phương thư 方書). Người Tây viết về điểm nầy như sau: Or, eu dehors des livres sacrés de Chine, il existe d’autres ouvrages des divers pays. Ngoại trừ những thánh điển của Tàu, còn có những tác phẩm khác từ nhiều xứ khác nhau.

Khi TT chỉ nói Lục Kinh thì bản dịch là các sách linh thiêng của Tàu (les livres sacrés de Chine). Người Tây xem những chương sách người An Nam học là sách Tàu, của Tàu, nhưng TT chỉ đơn giản nói Lục Kinh. Xa hơn tí nữa, trong bản dịch, người Pháp xem Lục Kinh và sách ngoài (phương thư 方書) cùng mức giá trị như nhau; nhưng bản Hán tự của TT không xem như vậy. Thay vào đó, Lục Kinh và phương thư có hệ cấp giá trị không tương đồng.

“Phương” xem như nghịch với trung ương, thủ đô. Phương thư ở cấp tỉnh, Lục Kinh ở kinh đô. Một sự so sánh khác nữa sẽ được dùng là Khổng học phân chia văn 文, viết và ngôn 言 nói; văn giá trị hơn ngôn. Kinh đô là nơi mình có thể thấy vua và quần thần, tức là nhóm người có tài và sính diễn đạt tư tưởng bằng cách viết và tự cho mình là gương mẫu nêu cao nền luân lý trong Lục Kinh. Ở vùng xa kinh đô, dân chúng mù chữ chỉ có khả năng diễn tả ý nghĩ bằng lời nói, do đó người đô hội xem họ thấp kém nhiều phương diện.

Thế giới quan Khổng học đậm đặc như vậy không thể giúp TT nhìn một cách trung hòa bình đẳng Pháp ngữ, là một ngôn ngữ nói (language parlé).

Thứ nhất, khi ghép tiếng Pháp vào phương thư, TT đã truyền đạt ý niệm thấp kém, bởi vì chỉ có dân quê mới diễn tả tư tưởng bằng lỗ miệng, bằng cách nói; có nghĩa tiếng Pháp không thể đứng ngang với Lục Thư.

Thứ hai, khi nói từ mệnh 辭命, khả năng nói, là rất quan trọng trong mối liên lạc giữa các xứ khác nhau, TT đã cho thấy so sánh cao thấp. Hai chữ nầy nằm trong một đoạn danh tiếng trong sách Mạnh tử 孟子. Vài môn đệ của Khổng Tử nói rất hay (thiện vi thuyết từ 善爲說辭). Nhưng Khổng Tử cho biết ông không giỏi nói. 我於辭命則不能也, ngã ư từ mệnh bất năng dã.

Những câu chuyện nhỏ thế này đã nuôi giữ trong đầu các học giả Á Châu hệ cấp bất bình đẳng giữa viết và nói. Khổng Tử không giỏi nói có hề chi vì nói không phải là giá trị hàng đầu. Lập lại, TT gặp khó khăn khi phải giải thích sự cần thiết một ngôi trường dạy Pháp ngữ. TT giải thích vì sao chấp nhận ổn thỏa phải học ở những người một mặt đặt “nói” cao hơn “viết” trên nất thang giá trị, đồng thời thuộc hàng tỉnh chứ không phải trung ương.

Chỉ dụ thành lập QH có nhiều điều hấp dẫn. TT phải đương đầu với những thay đổi khó tin xẩy ra quanh mình. Thế giới đổi thay nầy được phản ảnh qua ngôn từ đã dùng như phương thư và liệt quốc chi giao 列國之交, giao tiếp giữa các quốc gia.

Ngày nay có thành ngữ quan hệ quốc tế 國際關係 (international relations) nhưng chưa có vào thời TT cũng như danh từ ngoại giao 外交, diplomacy chưa có. Trước khi người Pháp đến vào thế kỷ 19, VN chỉ có danh từ bang giao 邦交, liên lạc cấp vùng (domainal relations). Danh tự nầy dùng cho một hệ thống đẳng cấp Đông Á giữa chính quốc (Tàu) và các nước nhỏ chung quanh, những tiểu quốc chư hầu. Thành ngữ nầy xuất hiện 500 năm trước Tây lịch, và thời chiến quốc Xuân Thu. Sách lễ ký 禮記 ghi trong đoạn nói về các nghi lễ triều cống của chư hầu dâng lên vua nhà Chu. Ở VN trước thế kỷ mười chín, danh tự nầy biểu lộ đẳng cấp trong tương quan chính quốc và tiểu quốc giữa nhà Thanh và nhà Nguyễn.

Liệt quốc chi giao 列國之交, interrelations between various countries, người VN bắt đầu dùng vào thế kỷ 19 để nói về sự liên lạc mới có đối với các dân tộc tây phương; đâu đó giữa bang giao và ngoại giao. Trong lúc ấy, liệt quốc chi giao đòi hỏi một kỹ năng mới là nói tiếng Tây; mà lại vào thời 1896, người Việt không sành món nầy.

Do đó phát sinh nhu cầu chính đáng phải mở trường QH năm 1896. Nhưng đó cũng là thách thức của TT: làm sao thuyết phục các học vị trong triều, tức là những người học cách khinh thị những thành phần như người Pháp, khinh thị kiến thức và cách thông tri của họ. Nhưng nay phải đồng ý cho con cháu học những kiến thức ấy, học với những kẻ thấp hèn ấy.

Người Pháp không đủ sức hiểu và không cần hiểu những suy tư thâm sâu và bác học của vua Thánh Thái. Ngày nay với những người thông hiểu Hán tự, chiếu chỉ của Hoàng Đế Thành Thái sẽ cung hiến cái nhìn đầy đủ về thời đại của vua và những khó khăn vua phải đương đầu.–

Bản tiếng Anh gốc: https://leminhkhai.blog/emperor-thanh-thais-edict-to…/

———————————————————–

Vài ghi nhận của người dịch

1.- Một Facebook về lịch sử đăng một bài nhan đề Chiếu Chỉ vua Thành Thái Lập QH, không nói dịch từ chỗ nào. Nhưng xem mấy hàng đầu, độc giả có thể biết từ bản dịch người Pháp kèm vào nghị định của Toàn Quyền Rousseau; tức là bản dịch mà Lê Minh Khai cho thấy sai lạc thiếu sót.

Quand on veut donner un développement sérieux à l’instruction, on ne se borne pas à un enseignement exclusif, de même que pour assurer la régularité de l’enseignement, il est indispensable de créer des cours d’études. Or, eu dehors des livres sacrés de Chine, il existe d’autres ouvrages des divers pays et le mandat de porter la parole est chose très importante dans les relations internationales. (xem hình)

Muốn cho việc giáo dục được hoàn bị, không nên hạn chế học vấn trong khuôn khổ hẹp hòi. Trái lại, để đảm bảo cho việc giáo huấn được điều hòa cần mở ra các lớp học thường xuyên. Nay ngoài những thánh kinh, hiền truyện của Trung Hoa lại còn nhiều sách trước tác ở các nước khác và trách nhiệm của người đại diện phát ngôn trong lúc giao thiệp trên trường quốc tế rất là quan trọng.

Thánh Kinh? The Bible? “Trách nhiệm người phát ngôn?”. Tôi không tin người dịch có một ý niệm căn bản về Hán Tự và Pháp ngữ. “Mandat” trong ngữ cảnh nầy chỉ là khả năng, kỹ năng. “Porter la parole”, một động từ và danh từ bổ túc, là lối nói văn hoa dành cho công việc hằng ngày là phát ra tiếng nói bằng mồm, hoặc cao hơn như biện thuyết, diễn thuyết. Ở đây không có phát ngôn viên. Porte-parole mới là spokeman.

2.- Theo Võ Hương An, người biết rất nhiều về Huế qua các sách khảo cứu, Quốc Học là tên rút ngắn từ bốn chữ Quốc Gia Học Đường; 4 chữ nầy ghi trên một bức hoành nghi hiện treo tại trường. VHA làm rể nhà thầy Nguyễn Đình Hàm, hiệu trưởng đầu tiên khi trường mang tên cũ QH, tiếp theo tên Quốc Học Ngô Đình Diệm 1955. Nguyễn Phúc Bá, lang quân của Lương Thúy Anh, cho biết hiện nay trường còn lưu giữ một văn kiện ghi tên trường Quốc Gia Pháp Tự Học Đường. Về sau còn có tên nhiều người biết là Khải Định. Khải Định, QH nói chung, là những tên về sau. Quốc học trường là tên trên chiếu chỉ nhà vua. Ba chữ nầy nằm ở góc trái trên hình chữ Hán đính kèm.

3. Nhiều người sẽ ngạc nhiên về thuở ban đầu QH là một trường ngôn ngữ. Không rõ lúc nào trường trở nên một học đường đầy đủ. Tham luận với tác giả Lê Minh Khai, tôi cho rằng QH là một Sorbonne của Trung Kỳ, sản xuất một phần lớn thành phần trí thức, cho đến 1975. Nhiều người đã có tú tài QH Khải Định mà chưa một ngày ở trong trường này vì quân lính Pháp đồn trú từ 1946 đến 1954 theo hiệp ước sơ bộ ký với Sainteny. Trường chia làm hai, một nửa xuống trường Việt Anh sau thành Nguyễn Tri Phương cũ, một nửa gởi rể bên Đồng Khánh.

Cách mạng “bài phong” 1954 đã hất cẩm bào Gia Long khỏi đường ngã giữa, tuột áo Khải Định nhưng không tuột … Đồng Khánh để còn giữ cho đến 1975.

4. Vua Thành Thái đề cập “lục kinh” có ý khác “tứ thư ngũ kinh” của Tàu diễn tả Khổng Học. Công thức nầy có từ thời Chu Hy nhà Tống (gọi là Tống Nho), chỉ dùng ngũ kinh, tuy từ trước là lục kinh. Bớt đi kinh nhạc, vì kinh nầy đã mất khi Tần Thùy Hoàng cho đốt sách, chỉ còn đôi chương không quan trọng, nay ghép vào kinh lễ thành tiểu mục nhạc ký. Ngũ kinh là: kinh thi, kinh thư, kinh dịch, kinh lễ và kinh Xuân Thu. Tứ thư: Đại Học, Trung Dung, Khổng Tử và Mạnh Tử. Đa số các sách tiếng Anh thì theo vua Thành Thái và gọi lục kinh là Six Classics.

5. Sau 1954, theo quan điểm chính thức của trường, người sáng lập là ông Ngô Đình Khả, thân sinh của ông Ngô Đình Diệm. 1972, tôi tình cờ gặp thầy cựu hiệu trưởng 1956 Nguyễn Đình Hàm đi họp chi đó nơi tôi làm việc, thầy cho một nội san “Quốc Học” theo đó người sáng lập là toàn quyền Paul Armand Rousseau. Sự thật là ông Ngô Đình Khả được chỉ định thúc đẩy việc xây trường, xem như hiệu trưởng. Toàn quyền Paul Armand Rousseau có ký nghị định thành lập nhưng là một văn kiện thi hành chiếu chỉ của vua Thành Thái; nghị định nầy đã tham chiếu chỉ dụ của vua. Trong hành chánh, nghị định thấp hơn chỉ dụ. Như vậy phải nói người sáng lập QH là Hoàng Đế Thành Thái.

Hình ghép vua Thành Thái và trường QH, dãy lớp học nầy từ ngoài vào nằm bên trái.

Chỉ dụ của vua Thành Thái. Ba chữ Hán ở góc trái phía trên là Quốc Học Trường

Điều 13.- Thành phần trẻ nào đã đậu kỳ thi ra trường sẽ hưởng các quyền lợi, đặc quyền dự trù trong Chỉ Dụ hoàng triều đính kèm nghị định nầy.

Điều 14.- Chi phí nhân viên, vật liệu, xây cất và bảo trì trường ốc sẽ do Chính Phủ An Nam đài thọ.

Điều 15.- Khâm Sứ tại An Nam, Cơ Mật Viện chiếu nhiệm vụ thi hành nghị định nầy.

Hà Nội, ngày 18 tháng Nov, 1896. Ký tên A. Rousseau.

Phó thự bởi Khâm Sứ An Nam., Brière

Kinh đô thành thị coi trọng việc viết (writing); ngoại ô và thôn quê chỉ sành nói (speech).

Theo FB

error: Content is protected !!