Nguyễn Hồng Dũng

THĂNG HOA CUỘC ĐỜI – Kỳ 52: Tây Sơn Khởi Nghĩa – Kỳ 53: Nguyễn Huệ Xuất Chiêu.

Kỳ 52: Tây Sơn Khởi Nghĩa

Hồi đầu thế kỷ thứ mười lăm (1400) Hồ Quý Ly cướp ngôi vua của Trần Thiếu Đế lập ra nhà Hồ đặt quốc hiệu là Đại Ngu. Cuộc cách mạng canh tân đất nước với nhiều sáng kiến trong việc trị quốc, mở mang văn hóa nghệ thuật và khai hóa dân trí đang bắt đầu khởi sắc thì nước Tàu ở phương bắc do nhà Minh thống trị đem quân xâm lăng Đại Ngu.

Lên ngôi vỏn vẹn một năm thì Hồ Quý Ly nhường lại cho con là Hồ Hán Thương cai quản để tự làm Thái Thượng Hoàng, mặc dù vậy nhưng nhà Hồ cũng đã kịp trổ tài mưu lược, dùng binh pháp trong quân sự, đặt các phép toán cho các khoa thi, làm ra giấy bạc đầu tiên trên thế giới, sửa sang những hình luật để trị dân thật hợp lý, cách mạng canh tân đất nước với nhiều sáng kiến nâng cao dân trí và khai hóa dân tình. Nước nhà đang trên đà khởi sắc thì nhà Minh bên Tàu đem quân xâm lấn. Tiếc thay, đại nghiệp cai quản sơn hà của họ Hồ chỉ được bảy năm thiếu thời gian cho những công trình tu tạo cơ đồ thì bá quyền bắc phương đầy dã tâm giở trò cướp đất phương nam.

Người tài ba và đảm lược như Hồ Quý Ly mà hết lòng phò trì nhà Lê thì sợ gì nước không mạnh, quốc gia không phú cường mà tiếng tốt lưu danh ngàn thu, nhưng làm vua mà hôn quân vô đạo thì kẻ trượng phu phải có tráchnhiệm truất phế để mưu tìm nền thịnh trị cho nước nhà, âu đó cũng là lẽ đương nhiên trong lịch sử xưa nay mà thôi.

Con cháu của Hồ Quý Ly mấy đời sống tại đất Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An vẫn thừa hưởng những tinh anh của tiên tổ nên lắm kẻ thành danh đỗ phận. Hậu bán thế kỷ thứ mười sáu, Chúa Nguyễn chủ trương đưa dân chúng vào phương nam ở vùng đất mới chiếm được của Chiêm Thành để khẩn hoang, lập nghiệp. Trong nhiều tộc họ ra đi đợt đầu tiên có con cháu Hồ Quý Ly cũng theo đoàn người di cư vào đất phương nam.

Phía trong dãy Hoành sơn thật hoang vu và hiểm trở, hành trình đằng đẵng nhiêu khê, với phương tiện thô sơ bằng đôi chân trần và cặp bò, cây cuốc, cuối cùng nhiều gia đình ở vùng Nghệ An khô cằn đã tìm được đất lành, trù phú để định cư, lấy nông nghiệp làm kế sinh nhai trên mảnh đất màu mỡ nơi làng Tây Sơn, huyện Phù Ly, tỉnh

Bình Định. Phong cảnh hữu tình, cây cao bóng mát, muôn chim ca hót như mừng đón những bước chân khai mở núi rừng, người cháu ba đời của Hồ Quý Ly là Hồ Phi Phúc quyết định dừng chân nơi sơn thủy hữu tình này để khai sơn phá thạch. Định cư an ổn xong thì Hồ Phi Phúc kết hôn cùng Nguyễn Thị Dõng sinh hạ được ba người con trai khôi ngô tuấn tú liền đặt tên con trưởng là Nhạc, con thứ là Thơm và con út là Lữ.

Đất Tây Sơn vốn là vùng núi thoai thoải như gò nẩm ăn thông với dãy Trường Sơn trùng trùng điệp điệp, cách biển ước chừng sáu mươi lăm cây số đường chim bay. Gia trang của Hồ Phi Phúc nằm sâu trong vùng dừa quanh

năm rợp bóng, dù không nghe tiếng sóng vỗ rì rầm nhưng đối diện hàng ngày với rừng thiêng thú dữ, Hồ Phi Phúc đã sớm thúc người con trưởng lên đường tầm sư học đạo ngõ hầu về làng giúp đỡ dân lành sinh sống an ninh. Riêng Thơm và Lữ được cha truyền thụ võ công gia truyền của giòng họ Hồ gồm đủ kiếm pháp, thương đao, chưởng thủ, quyền cước.

Ngọn núi Thiên sơn phía tây nam có một đạo sĩ đa mưu túc trí, võ nghệ tinh tường, một mình hạ cọp mà lòng chẳng nôn nao. Nhạc đã thọ giáo với vị đạo sĩ này khi lên mười tuổi. Trong thời gian năm năm miệt mài tập luyện, những tuyệt kỹ võ công của tôn sư đã truyền thụ cho đứa đệ tử thông minh không sót một pho nên quyền cước trò Nhạc linh hoạt lạ thường.

Sáng mai hôm ấy, một buổi sáng tinh khôi của tiết trời xuân phong nhưng gió lạnh và sương mù phủ quanh tịnh cốc của thầy trò ẩn sĩ. Người đệ tử tinh tấn vẫn dậy sớm pha trà và tập luyện dưới mé suối để gân cốt mạnh hơn và đường quyền chính xác. Sau vài tuần trà thì đạo sĩ chống gậy bước đến bên người đệ tử âm thầm theo dõi rồi buộc miệng khen ngợi :

– Được lắm, được lắm, đường mãn xà phục trận (Thế võ uốn cong như con rắn để đánh vào hạ bộ đối phương) đã khá nhuần nhuyễn nhưng đôi mắt của con vẫn còn tán loạn, tâm ý chưa nhất thống, dễ cho đối phương phá chiêu sát thủ; con gắng sức hít thở điều hòa, luyện chân khí cho thông thì mới kết tụ nội công ngoại tướng đặng biến thành tuyệt chiêu. Ngày hôm nay sắc mặt của con có điều chẳng lành, con nên trở về nhà xem thử có chuyện gì xảy ra hay không. Sau đó trở lại đây luyện thêm vài thế quyền nữa là hoàn tất bộ thần công quyền pháp.

– Dạ! đa tạ sư phụ. Chẳng hay điềm chẳng lành cho đệ tử đó kiết hung thế nào, xin sư phụ nói rõ cho con thông hiểu không ạ! tiếng Nhạc lo âu đầy khẩn khoản.

– À, ta không biết, chỉ thấy sắc diện của con đổi khác nên nói thế thôi, hãy chuẩn bị lên đường cho kịp. Đệ tử sống với thầy như cha con suốt năm sáu năm, Nhạc biết tính ý sư phụ thế nào rồi, ít nói nhưng đã phán ra thì chuyện gì cũng đúng như thần giáng hạ.

Không còn kịp thời gian suy tư mông lung, Nhạc từ tạ ân sư, ven theo mé núi bước trở lại làng Tây Sơn mà lòng xao xuyến bồi hồi như lửa đốt. Xuyên qua bao dãy núi trùng điệp, mặt trời gần ngã xuống cây sào thì cũng là lúc vừa đặt chân đến đầu ngõ, từ trong nhà Lữ hớt hải chạy ra:

– Thưa anh, may quá anh về vừa tới, cha đang trong cơn hấp hối muốn gặp anh để dặn dò điều gì, anh chạy gấp vào trong đi.

Như một tin sét đánh, Nhạc bần thần mấy giây rồi nhanh nhẩu buớc vô. Cái chạng vạng mờ ảo của khoảnh khắc giao thoa giữa hoàng hôn và đêm tối như chuẩn bị ập xuống màu tang thương trùm khắp đó đây. Trong căn nhà cũ, ánh đèn mù u vàng nhạt chiếu chiếc bóng chú Thơm đứng bất động nhìn cha. Hồ Phi Phúc thều thào những lời yếu ớt như đủ cho Nhạc nghe được thinh âm dặn dò nhân nghĩa với xác thân bất động trên giường.

Nửa đêm hôm đó, Hồ Phi Phúc trút hơi thở cuối cùng dưới mái nhà tự xây ở làng Tây Sơn trong bàn tay thân

yêu của ba người con trai. Nhạc cùng hai em chẻ tre bó chiếu thi hài của cha rồi cùng nhau khiêng lên ngọn Thiên Sơn an táng.

Vượt qua hai triền đồi, băng ngang dòng suối chảy xiết, lách qua những hàng tre dày đặt, ba anh em khiêng cha lên tới rừng cây bằng lăng thì trời sắp sáng. Đặt thi hài của cha lên một hòn đá phẳng lì để nghỉ ngơi chốc lát trước khi leo dốc, ba anh em chưa kịp xả hơi và quay lại để tiếp tục lên đường thì ô kìa, hàng triệu con mối đã lẹ làng đùn đất phủ kín thi thể của cha. Dưới ánh trăng mờ đục của nửa đêm hừng sáng, Nhạc thấy chuyện lạ ít có liền bàn với hai em rằng:

– Đây có lẽ là điềm đại kiết. Thôi chúng ta cứ thuận theo ý trời mà để Người nằm lại nơi đây. Bên phía Tây có ngọn Thiên Sơn sừng sững, hai bên có suối róc rách quanh năm, nhất định chốn này phải là nơi có địa linh long mạch. Chúng ta hãy lấy thêm đất đắp cao ngôi mộ cho cha.

Quả thật vậy, trong chốc lát mà những con mối đã đắp xong ngôi mộ như ngọn tháp của Lý Thiên Vương. Ba anh em đắp thêm phía dưới một cái nền to và cao vòng quanh ngôi mô vừa xong thì trời sáng tỏ. Ba anh em quỳ lạy khấn vái một hồi, tự hái những bông hoa rừng tung lên trời như tiễn biệt ngàn thu, tự hứa với cha làm điều nhân nghĩa.

Sắp xếp việc nhà xong, Nhạc lại lên đường thẳng tiến ngọn Thiên Sơn theo thầy học tập. Đi cả một ngày đường, mé suối quen thuộc với giòng nước trong veo tung toé y nguyên nhưng lều cỏ đã san bằng và dấu tích sư phụ biệt vô âm tín. Nhạc bùi ngùi nhìn lại hàng cây sừng sững che mát quanh năm vốn là nơi tập luyện võ công sau bao năm tháng. Chàng men theo dòng nước tiến bước về hướng thượng nguồn với hy vọng gặp được dấu chân của ân sư nhưng màn đêm đã cản bước trước tấm lòng tri ân của người thiếu niên trung nghĩa ấy.

Trở về mái nhà xưa cùng hai em ngày đêm luyện võ, có sở học chính thống truyền thụ từ thầy tổ nghiêm minh, Nhạc dốc lòng huấn luyện Thơm, Lữ tinh thông thủ, cước. Năm mười sáu tuổi, Nhạc thấy cảnh bất công của quan quân chúa Nguyễn càng ngày càng lộng hành trong xóm làng đến tỉnh thành, Nhạc bèn cải đổi từ họ Hồ ra

Nguyễn tức họ mẹ để dễ thu phục nhân tâm, vả lại chúa Nguyễn không dòm ngó để chờ ngày “dấy binh khởi nghĩa”. Riêng Hồ Thơm cũng tự đổi họ tên ra thành Nguyễn Huệ để bày tỏ trí thông minh và lòng vượt thắng của mình ở bất cứ nơi đâu.

Chẳng mấy chốc mà danh tiếng của Nguyễn Nhạc đã được mọi người ca ngợi, võ công cái thế, văn học chân truyền nên vị tri huyện của Tuy Viễn đích thân mời Nhạc giữ chức vụ Biện lại ở Vân Đồn. Vốn tính tình phóng khoáng, lại nhiều mưu mẹo kinh luân, Nguyễn Nhạc quy tụ anh em bạn hữu rất đông tổ chức đàn hát rượu chè, đánh bạc thâu đêm để tìm người kết hợp. Bao nhiêu tiền thuế của cả huyện ông tiêu pha hết vào việc này rồi bỏ nhiệm sở, vào rừng chiêu nạp binh sĩ khởi nghiệp.

Năm Tân Mão (1771) ông lập một đồn điền rộng lớn thuộc đất Tây Sơn, địa thế tương đối hiểm trở đường sá khó đi lại để cho binh sĩ tập luyện cung tên, múa đao, khoa kiếm. Bấy giờ quân binh chúa Nguyễn nghe báo cáo việc tụ nghĩa ở đất Tây Sơn nên đem quân triệt hạ. Vì thế Nguyễn Nhạc tuyên chiến hẳn với quân binh nhà Chúa, dù binh lực và lương thảo đầy đủ nhưng quân chúa Nguyễn khó lòng vào trong doanh trại của Tây Sơn, ngược lại càng ngày thì uy danh Nguyễn Nhạc càng lớn khiến cho quân chúa Nguyễn sợ hãi, e dè rồi bao phen thua chạy để lại biết bao chiến lợi phẩm cho quân Tây Sơn. Cứ mỗi lần quân chúa Nguyễn lui binh thì Nguyễn Nhạc được nhân dân ủng hộ rất đông, vì vậy quân số theo ông càng ngày càng trở nên phát triển mạnh bạo. Ông cũng thường kéo những toán quân quả cảm xuống thành Quy

Nhơn đánh vào các nhà giàu có, quan chức lạm quyền, hà khắc nhân dân để lấy tiền của phân phát lại những người dân nghèo khổ.

Cử chỉ cao thượng này là tiếng đồn tốt cho Nguyễn Nhạc bay rất xa, chính điều đó mà đội quân binh của Nguyễn Nhạc càng ngày càng phải cần có đồn trại lớn hơn, khí giới phải tinh xảo hơn và tổ chức chặt chẽ hơn để chuẩn bị nghiệp lớn!.

Triều đình chúa Nguyễn phía nam thì đến thời tàn lụi, kinh tế quá ư kiệt quệ, loạn thần nổi lên như nấm, kỷ cương giềng mối xã tắc bị đảo lộn ; tham nhũng và hối lộ lan rộng và quan quân chỉ biết hà hiếp dân chúng trong khi chúa Nguyễn Anh Vương thì vô tài, bất tuớng, thế lực suy vi. Trong tình thế như vậy mà quyền thần Trương Phúc

Loan ỷ thân quan mấy đời chúa Nguyễn nên lộng quyền chuyên chính làm nhiều điều tàn ác, bè phái như tìm cách sát hại trung thần, nghe lời sàm tấu nịnh nọt khiến nhân dân đồ thán, còn những ai là trung nghĩa thì tìm cách từ quan trở về ẩn dật. Do đó mà lũ nịnh thần lấn lướt lộng quyền tha hồ hãm nước hại dân.

Trước cảnh đen tối của xã tắc, Nguyễn Nhạc triệu tập anh em nghĩa quân bàn định khởi nghĩa để tiêu diệt lũ dòi mọt đục khoét quốc gia, khai trương tổng hành dinh để điều động binh mã, dựng cờ tía viền vàng thuộc hành hỏa tượng trưng cho uy quyền và sức mạnh của nghĩa quân, khai thác mối bất đồng giữa dân chúng và triều đình, ly gián bọn nịnh thần và khơi dậy mối hiềm khích giữa trung thần với quốc phó Trương Phúc Loan.

Đại hào phú Huyền Khê ở Tuy Viễn thấy hành động hào hiệp của Nguyễn Nhạc bèn dốc tất cả tài sản để nuôi nghĩa binh, bên cạnh đó một võ tướng miền sơn cước tên là Nguyễn Thung cũng kéo quân về giúp sức nên thanh thế binh đội Tây Sơn bành trướng mau lẹ vô cùng. Trận đầu tiên ra quân tiến đánh vùng đồng bằng, chiếm ấp Kiến

Thành xưng là Tây Sơn trại chủ, dồn binh lực kiểm soát hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn phong cho Nguyễn Thung làm đệ nhị trại chủ cai quản huyện Tuy Viễn và phong Huyền Khê làm đệ tam trại chủ lo việc quân lương. Với binh khí thô sơ như dáo mác, nhưng nghĩa quân của Tây Sơn được huấn luyện chu đáo, xuất phát từ lòng dân nên rất hăng say trận mạc để tiêu diệt những quan lại tham nhũng, hà khắc; bên cạnh đó thì chủ soái Nguyễn Nhạc là người mưu trí, táo bạo, dám làm việc lớn bất chấp đến sự an nguy của tính mạng.

Vài năm sau vào khoảng mùa thu năm Quý Tỵ (1773) thì uy danh của Nguyễn Nhạc đã vang dội, triều đình chúa Nguyễn đã bắt đầu lo lắng, quan quân thành Quy Nhơn tìm mọi cách triệt hạ nhưng chưa biết phương nào; tương kế ấy, Nguyễn Nhạc dùng binh pháp theo kế “ban trư ngật hổ” (Một thế trận giả bị bắt để dụ địch) giả làm con

heo trong rọ để dụ con cọp đói tới nhằm xuất kỳ bất ý mà hạ cọp tại chỗ. Nguyễn Nhạc mật báo cho các trại phó Nguyễn Thung và Huyền Khê chuẩn bị binh mã mai phục ngoài thành Quy Nhơn chờ đợi nửa đêm có pháo lệnh và lửa cháy thì xông vào cướp thành, còn chính ông thì tự cho quân lính trói hờ, bỏ vào cũi mang đến dâng nộp cho quan tuần vũ Nguyễn Khắc Tuyên.

Quá mừng rỡ vì cây gai trước mắt đã được trừ khử, Nguyễn Khắc Tuyên lập tức tống giam vào ngục chờ sáng ngày xét xử. Nửa đêm hôm ấy, Nguyễn Nhạc phá cũi, xông ra giết chết lính canh, mở cửa thành, đốt lửa làm hiệu cho hai đạo quân của Nguyễn Thung và Huyền Khê tiến vào. Quan tuần vũ Nguyễn Khắc Tuyên nửa đêm nghe cấp báo, giật mình bỏ cả ấn tín vợ con chạy thoát thân, quân lính trong thành một phần tử trận, một phần trốn thoát, phần thì đầu hàng quân Tây Sơn nên chẳng mấy chốc mà thành Quy Nhơn trở thành đại bản doanh của Nguyễn Nhạc.

===================

Kỳ 53: Nguyễn Huệ Xuất Chiêu

Thừa cơ hội chiến thắng một cách chớp nhoáng bằng mưu kế, Nguyễn Nhạc cử binh tiến đánh đất Quảng Nghĩa và Quảng Nam, nhưng vũ khí nghĩa quân Tây Sơn còn thô sơ không sánh được với đại bát thần công của Chúa Nguyễn Định Vương nã ra dồn dập, buộc lòng Nguyễn Nhạc phải lui binh về cố thủ thành Quy Nhơn.

Qua chiến thắng vang dội tại Bình Định khiến hai tướng Tàu là Tập Đình và Lý Tài cũng chiêu mộ binh mã người Tàu theo giúp Nguyễn Nhạc. Với đạo quân khá đông, Nguyễn Nhạc chia nghĩa quân ra làm năm đạo là trung, tiền, tả, hữu, hậu quân để chuẩn bị tiến đánh những yếu điểm của Chúa Nguyễn phía bắc thành Quy Nhơn.

Nhận thấy Quốc phó Trương Phúc Loan vẫn không lo chống đỡ, ung dung làm nhiều điều tàn ác trong triều chúa Nguyễn, phía nam lại có  quân của Tây Sơn đứng lên khởi nghĩa nên chúa Trịnh Sâm nhân cơ hội này sai đại tướng là Hoàng Ngũ Phúc đem ba vạn quân cùng với Hoàng Phùng Cơ, Hoàng Đình Thể, Hoàng Đình Bảo đi đường thủy và đường bộ vào đất Bố Chánh đánh chúa Nguyễn.

Khai thác lòng dân đang than oán và bất mãn, Hoàng Ngũ Phúc tiến quân đến Quảng Trị cho loan truyền rằng, quân đội của chúa Trịnh vào nam chỉ để tiêu diệt Quốc Phó Trương Phúc Loan mà thôi. Nghe như thế các quan nhà chúa Nguyễn mưu kế bắt Trương Phúc Loan giao nộp cho Hoàng Ngũ Phúc.

Dù bắt được họ Trương, Hoàng Ngũ Phúc vẫn tiến quân vào Nam với lý do tiêu diệt phiến loạn Tây Sơn. Chúa Nguyễn Định Vương biết mưu kế của họ Trịnh muốn lợi dụng thời cơ tấn công Phú Xuân nên sai Tôn Thất Tiệp và Nguyễn Văn Chính đem thủy và bộ quân án tại sông Bái Đáp chờ lệnh.

Hoàng Đình Thể đem quân dọc đường núi đánh úp vào kinh thành Phú Xuân làm cho Chúa Nguyễn và triều đình bỏ chạy vào Quảng Nam ẩn náu. Trong lúc nguy ngập mà chưa có con nối dõi, Chúa Nguyễn lập cháu là Nguyễn Phúc Dương làm Đông cung để lo giữ Quảng Nam, hành dinh tạm thời đóng tại đồn Hòa Vinh thuộc huyện Hà Vinh.

Nguyễn Nhạc thừa cơ hội chúa Nguyễn ẩn náu ở đất Quảng Nam bèn dốc toàn lực gồm năm đạo quân tiến đánh. Thế trận như vũ bão làm cho chúa Nguyễn chống cự không nổi bèn cùng người cháu là Nguyễn Phúc Ánh xuống thuyền chạy vào nam, trú tại đất Gia Định, để Nguyễn Phúc Dương ở lại Quảng Nam chống đỡ.

Nguyễn Nhạc lợi dụng Đông cung Nguyễn Phúc Dương thế cô sức yếu, cho người rước về đóng ở Hội An như một con tin chờ ngày sử dụng. Để được chính nghĩa giúp Chúa Nguyễn giữ lại cơ ngơi, Nguyễn Nhạc sắp đặt công việc rồi cử đại binh đánh Hoàng Ngũ Phúc, giao cho tướng Tập Đình làm tiên phong và Lý Tài làm trung quân còn chính Nguyễn Nhạc đi tập hậu đánh với quân chúa Trịnh.

Trận chiến diễn ra suốt một tháng bất phân thắng bại, phần vì lương thực thiếu thốn, bịnh hoạn cho binh lính nên Hoàng Ngũ Phúc sai Hoàng Đình Thể và Hoàng Phùng Cơ quyết xử dụng kỵ binh xông trận ác chiến một phen. Bị bất ngờ, Nguyễn Nhạc cùng Lý Tài tạm lui binh về Quảng Nghĩa, chuyển Đông cung vào Quy Nhơn lưu trú. Riêng tuớng Tập Đình vì thất trận nên chạy về Quảng Đông bị quan nhà Thanh bắt giết vì lý do hợp tác với Tây Sơn.

Nguyễn Nhạc thấy tình thế nguy khốn, trong Nam thì có Tống Phúc Hợp là quan lưu thủ đất Long Hồ hợp đại binh đánh ép quân của Tây Sơn. Nguyễn Nhạc liệu thế không chống nổi bèn cho người đem vàng bạc và thư từ đến hòa đàm với Hoàng Ngũ Phúc xin giao đất Quảng Nghĩa, Quy Nhơn và Phú Yên và chỉ xin làm tiền khu dẹp giặc của chúa Nguyễn mà thôi.

Không đánh mà thắng là điều mà ai làm tướng cũng muốn, đương đốc thúc binh mã chuẩn bị tấn công thì đối phương lại dâng thành, Hoàng Ngũ Phúc đắc ý làm biểu xin chúa Trịnh phong cho Nguyễn Nhạc làm Tiên phong tướng quân, Tây Sơn Hiệu trưởng. Nguyễn Hữu Chỉnh phụng mệnh chúa Trịnh vào tận đất Quy Nhơn sắc phong cho Nguyễn Nhạc với đủ triều nghi như mão, cờ, ấn và kiếm.

Như vậy, phía bắc có quân binh chúa Trịnh làm hậu thuẩn không phải sợ bị đánh úp, rảnh tay nghĩ đến chuyện bành lấn phía nam, Nguyễn Nhạc bèn dùng nước cờ tình ái là gã con gái Thọ Hương cho đông cung Nguyễn Phúc Dương. Với tư cách là cha vợ, Nguyễn Nhạc cho người đến bàn định với Tống Phúc Hợp, thuộc tướng chúa Nguyễn đang điều binh đánh thắng Bình Thuận, Diên Khánh,  Bình Khánh và một nửa đất Phú Yên.

Tống Phúc Hợp nghe tin Nguyễn Nhạc có ý về hàng với chúa Nguyễn nên bán tín bán nghi bèn sai sứ tiếp xúc thăm dò. Được tin này, Nhạc đưa con rể là Đông Cung Nguyễn Phúc Dương lấy lễ tiếp giao, hai bên ý hiệp tâm đầu nên sứ giả của Tống Phúc Hợp đinh ninh rằng Nguyễn Nhạc muốn phò Đông cung hầu gây nghiệp chúa.

Thấy như vậy, Tống Phúc Hợp định ngày giờ kéo quân ra Quy nhơn hợp với Nguyễn Nhạc đưa Nguyễn Phúc Dương lên ngôi chúa, an bang thiên hạ. Đã được mật báo, Nguyễn Nhạc âm thầm sai em là Nguyễn Huệ đem quân đánh úp Tống Phúc Hợp.

Lần xuất binh đầu tiên, Nguyễn Huệ đã làm tất cả tướng sĩ kinh ngạc bởi thiên tài chỉ huy trận mạc của người tướng trẻ chưa đủ hai mươi hai tuổi đời nhưng quá ư xuất chúng.

Cũng từ ngày đó, lịch sử Việt Nam xuất hiện một nông dân áo vải đặc biệt góp phần cho dân tộc chiến thắng đội quân phương bắc dã tâm xâm lược quê cha, dẹp tan những kẻ vong nô cầu cạnh ngoại bang dày xéo đất tổ, một nhân vật nêu cao tinh thần độc lập của tổ tiên như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn năm xưa, chiến thắng quân Nguyên liên tục ba lần với ý đồ sát nhập mảnh đất phương Nam thành lãnh địa của Thành Cát Tư Hản; hay theo chí anh hùng Lê Lợi, dù kiên trì mười năm khổ ải cũng đuổi được giặc Minh khỏi bờ cõi giang sơn.

Nhà Lê hưng suy cũng bởi sự thạnh suy đất nước, các chúa Trịnh, Nguyễn đều đưa ra chiêu bài phò Lê để giương cao ngọn cờ chính nghĩa, nhưng lòng dân mới là tối thượng, dù dưới danh nghĩa gì mà phản dân, hại nước thì cũng chỉ nhất thời. Dù bất phân thắng bại trên hai trăm năm tưởng như năm tháng lặng lờ trôi dần dà biến thành hai đất nước; nhưng hồn thiêng sông núi dễ gì để phân ly mà khiến xui cho hương đồng lúa nội vun thành cờ đại nghĩa, một con người, một nông dân, một công dân, một bước chân trong cuộc đời nhưng đi trên cuộc đời để mưu tìm cách nào thống nhất giang sơn, quy về một mối

Trong khuôn viên ngôi nhà trồng dừa và cây ăn trái sum sê có người thanh niên khôi ngô tuấn tú, ít nói, ít cười nhưng lúc nào cũng sẵn sàng tập luyện khí giới, nghiên cứu binh thư và chiêm nghiệm thời tiết như một thói quen không thể thiếu trong tuổi ấu niên. Người thanh niên ấy chính là  Hồ Thơm, sau lấy họ của mẹ là Nguyễn và đặt lại danh tánh là Huệ, nhưng về sau đổi lại lần nữa là Nguyễn Quang Bình, sinh năm Nhâm Thân (1752) tại ấp Tây Sơn, thôn An Cư, phủ Hòa Nhơn, tỉnh Bình Định. Trong khoảng thời gian với bối cảnh lịch sử của đất nước bị phân hóa giữa hai lực lượng đối kháng kịch liệt bởi đàng Trong chúa Nguyễn và đàng Ngoài chúa Trịnh.

Đàng Trong thì triều đình chúa Nguyễn đã bị mục nát do đám quần thần quan lại tham ô, Quốc phó Trương Phúc Loan cậy quyền ỷ thế nên sinh ra lắm điều ngang ngược, muôn dân đồ thán. Chính những bất công nhiễu nhương của thời buổi loạn lạc, Nguyễn Huệ ý thức được nhiệm vụ của tuổi trẻ cần phải có võ nghệ, mưu lược và lòng quả quyết để giúp đời, cứu  nước. Sở học được cha truyền thụ và anh hướng dẫn cũng chưa thỏa mãn những ước muốn tuyệt kỹ công năng, Nguyễn Huệ tự tìm thầy giỏi để lãnh hội thêm phần uyên bác.

Nghĩ thế Huệ tìm đến vị giáo thụ Nguyễn văn Hiến đầy đức độ và cao cường. Giáo thụ Hiến đã mở trường dạy học, nhất định không ra làm quan với triều đình mục nát. Những môn đệ của vị giáo thụ này gồm những thiếu niên trong vùng Tây Sơn và phụ cận, tất cả đều có năng khiếu về võ lực mà lại thêm tính chuyên cần trong cách học từ chương. Dù vậy nhưng chỉ có Nguyễn Huệ là được thầy Hiến quan tâm đặc biệt bởi nhân cách khiêm tốn, đằm thắm nhu hòa mà học hành thì ưu hạng, tinh thông cả văn lẫn võ; dĩ nhiên là bọn đồng môn đâm ra nể phục, tung hô và sở cậy. 

Nguyễn Huệ quả có tư chất tuyệt trần và thông minh, làm việc gì cũng lanh lẹ, vóc dáng cao ráo, đĩnh đạc, nên thầy Hiến quyết định truyền tất cả bí kiếp võ công cho người học trò năng động nhưng ít nói để sau này giúp đời, giúp nguời. Vì thế mà những tuyệt chiêu của mình, những sở trường sở đoản từ mấy đời gia truyền trong giòng họ đều được sư phụ truyền trao tận lực.

Vốn thông minh, siêng năng, bao nhiêu tuyệt kỹ về văn võ của thầy giáo Hiến đều được Nguyễn Huệ thụ học một cách tường tận tới nơi tới chốn.

Khi anh cả là Nguyễn Nhạc dấy binh khởi nghiệp để diệt trừ bạn tham quyền cố vị thì Nguyễn Huệ đã được mười tám tuổi. Với sức khỏe phi thường, tài trí linh hoạt, Ông đã giúp cho anh khá đắc lực trong việc xuất quân đánh chiếm thành Quy Nhơn làm đại bản doanh đầu tiên cho quân Tây Sơn.

Đôi mắt quắt thước, gò má cao, cặp chân mày rậm khít với cái trán cao rộng khá dĩnh ngộ đã toát lên sự dứt khoát, táo bạo và cương quyết. Miệng rộng hình cánh cung, mũi cao và thẳng tắp, Ấn đường sâu ẩn dưới bộ râu đen vừa mọc lún phún, đặc biệt hai đường pháp lệnh của Nguyễn Huệ chạy từ cánh mũi tỏa xuống địa cát tăng thêm nét hào hùng của kẻ quân tử tài hoa. Tiếng nói của chàng trong và nhu nhuyến khiến người nghe được cảm tình và dễ bị chinh phục. Hai vành tai to rộng với gương mặt vuông chữ điền là tướng cách đại nhân phúc hậu khiến cho ba quân tướng sĩ dưới trướng đều tỏ lòng kính nể đấng hùng anh tuổi trẻ này. Tướng của chúa Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc kéo quân tiến vào nam diệt trừ được Quốc phó Trương Phúc Loan, lại nhân đà này muốn tiến sâu vào nam để chiếm đất của chúa Nguyễn và Tây Sơn. Được lợi điểm vì vừa thắng trận nên thế quân của Hoàng ngũ Phúc mạnh bạo, hung hăng thừa thắng xông lên. Thấy như vậy nên Nguyễn Nhạc đã họp bàn cùng các cận tướng, dùng kế ‘Dục cầm cố tung’ (Muốn bắt mà lại thả ra) để nới lõng bước đầu rồi thu lợi sau này chẳng muộn. Nghĩ thế nên Nhạc sở cậy hiền sĩ Phan văn Tuế, một nhân vật có khoa ăn nói chẳng khác Trương Nghi, Tô Tần đời xưa mang phẩm vật, thư từ cung kính đến doanh trại của Hoàng Ngũ Phúc thương thuyết với nhã ý xin giao nộp đất Quảng ngãi, Bình định, Phú yên cho chúa Trịnh. Quân binh của họ Hoàng đã thấm mệt, xa gia đình, thời tiết oi bức sanh ra bao bịnh tật, một phần vì phong thổ khác biệt, rừng thiêng u ám, đối đầu cuộc chiến vô nghĩa giữa đồng bào ruột thịt với nhau lâu dài; nay không đánh nhau mà lại được tất cả thì còn gì sánh bằng.

Lão tướng Hoàng Ngũ Phúc không cần suy nghĩ, chấp nhận sự dâng nộp đất đai và dùng Nguyễn Nhạc thay mình trong việc tận thu thiên hạ, đồng thời cho ba quân nghỉ ngơi dưỡng binh.

Tạm yên phía bắc, Nguyễn Nhạc sắp đặt cuộc bàn thảo giữa sứ giả của Tống Phúc Hợp và Đông cung như nguyện vọng chung của ý chí nhà Tây Sơn. Dĩ nhiên Tống Phúc Hợp chưa hẳn tin tưởng nhưng cũng không lấy đó làm mối lo lớn, ung dung dưỡng sức, đợi thời cơ đem quân ra Quy Nhơn phò Đông cung Nguyễn Phúc Dương lên ngôi chúa Nguyễn.

Lợi dụng kẽ hở của đối phương, Nguyễn Nhạc lập tức sai em là Nguyễn Huệ chỉ huy hai vạn quân cấp tốc tấn công thành Phú Yên. Lần đầu tiên thống lĩnh hai vạn tinh binh với nhiệm vụ đánh thắng chiếm thành, Nguyễn Huệ hết sức tin tưởng ở khả năng và tấm lòng đồng nhất của binh sĩ.

Tháng bảy năm Ất Mùi (1775) thành Phú yên đã đón những trận mưa giông. Vựa lúa Phú yên vừa gặt xong nên cánh đồng nhô lên toàn gốc rạ. Huệ chỉnh đốn binh mã, vỗ về quân lính, tập lại cách giao chiến xáp lá cà theo quyền cước, ban khen kẻ xuất sắc và cùng tướng sĩ nhất tề thệ nguyện để chiến thắng đợt này nên ba quân tướng sĩ nức lòng chiến đấu. Thượng tuần tháng Bảy năm Ất mùi, khi chàng Ngưu Lang gặp nàng Chức Nữ trên cầu Ô Thước để thỏa mãn lòng nhớ thương thì cũng là lúc Nguyễn Huệ thắp nhang đèn khấn vái trời đất rồi cho đốt ba viên pháo đại trước khi xuất binh. Ngồi trên lưng ngựa uy nghiêm, dõng dạt, Nguyễn Huệ ra lịnh cho đoàn quân trực chỉ phương nam.

Nửa đêm trung tuần tháng Bảy trăng tròn lĩnh, trời mưa giông càng thêm nặng hạt, nước đọng hai bên vệ đường như những ngấn bạc trắng xóa phủ dấu ngựa xe, đoàn quân của Nguyễn Huệ đã đến vùng núi Bạc Đầu Sơn thì gà vừa gáy sáng, Huệ hạ lịnh cho binh mã dừng lại, nổi lửa thổi cơm và dưỡng sức kỵ mã.

Trăng trung tuần chênh chếch sườn Tây, Nguyễn Huệ dắt tiểu kiếm vào lưng rồi một mình trèo lên chót đỉnh ngọn Bạc Đầu Sơn thăm dò địa thế. Xa xa về phía đông nam, khuất tầm mắt phát ra những tia sáng mờ nhạt của những trụ đuốc tuần canh ẩn hiện lẫn với ánh trăng khuya làm lấp lánh trong bóng đêm những kỳ ảo khá u huyền trầm tịch.

Vị tướng trẻ đứng trên phiến đá trước miếu hoang đão mắt nhìn quanh rồi thầm thì trách cứ, chiến trận sẽ xảy ra nội nhật ngày mai mà binh tướng Tống Phúc Hợp chẳng hề hay biết!. Lần đầu tiên chỉ huy hai vạn tinh binh, dù can đảm đến đâu cũng thấm chút hoang mang, tự vấn. Một làn gió ban mai từ biển đông thổi đến mang theo hơi nước mát mẻ của cơn mưa giông pha chút mằn mặn của biển cả bao la phía đông bắc làm cho thần trí Nguyễn Huệ tỉnh táo, mạnh bạo hơn; thật nhanh chóng Huệ nhẫm tính và ra quyết định: ‘nếu phải đi vòng qua Bạc Đầu Sơn thì quân binh lương thảo vận chuyển ít nhất một ngày, chi bằng theo hướng tây nam qua lối rẽ mòn của người đốn củi, vừa rút ngắn  phân nửa thời gian vừa bảo mật được tính nguyên vẹn, an toàn cho quân đội’.

Tính xong, Huệ tức tốc về tổng hành dinh cắt hai ngàn quân mặc áo đỏ, dựng cờ “Trịnh Vương” tiến về phía Bạc Đầu Sơn do Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy. Nguyễn Huệ đang muốn bắt chước Hàn Tín áp dụng kế «Minh tu san đạo, Ám độ trần thương», (Kế dụ địch làm cho lầm tưởng thật.) để tất chiến thắng Tống Phúc Hợp một cách thần kỳ.

Đích thân Nguyễn Huệ thống lĩnh binh tướng còn lại, bọc ngõ hậu theo đường mòn để “xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bỉ” (thình lình đánh úp) tiến sâu vào đại bản doanh của thành Phú Yên. Lối “hợp đồng tác chiến” giữa đoàn quân của Nguyễn Văn Tuyết giả làm quân binh cờ xí của chúa Trịnh khiến cho binh sĩ phía Tống Phúc Hợp hoang mang, phân tán đặng dồn mọi nỗ lực án binh phía ngọ môn.

Đằng sau thành Phú yên, Nguyễn Huệ đốc thúc quân sĩ trong đội cảm tử quân phóng lên thành chặt cầu tre cho quân binh Nguyễn Huệ tràn vào thành.

Trận đánh chớp nhoáng đầy mưu lược vừa kết hợp hai mặt giáp công làm cho Tống Phúc Hợp đại bại. Quân Nam hà phải bỏ chạy về giữ đất Vân Phong, một số tàn quân thu binh về hòn Khói, Nguyễn Huệ lấy được thành Phú Yên không khó nhọc bao nhiêu.

Khi hay tin đại thắng tại Phú yên, Nguyễn Nhạc liền cho sứ báo tin đến Hoàng Ngũ Phúc biết rõ sự tình. Để vỗ về dân Nam và  lợi  dụng  sau này những trận  đánh với chúa Nguyễn mà mình khỏi nhọc sức, Hoàng Ngũ Phúc dâng sớ xin chúa Trịnh sắc phong cho Nguyễn Huệ nhằm thâu phục lòng hoang mang của dân cư phía nam. Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm tiếp sớ liền sắc phong cho Nguyễn Huệ chức Tây Sơn hiệu Tiên phong tướng quân.

Binh lính Hoàng Ngũ Phúc đóng ở đất Châu Ổ giáp giới Quảng Nam, lúc bấy giờ đất Quảng Nghĩa bị phong thổ bất hòa sinh ra bịnh dịch, phần quân lính từ bắc chưa hợp thổ nhưỡng, rừng thiêng nước độc, phần thì lương thực khan hiếm, do đó, Hoàng tướng quân phải rút binh về giữ Phú Xuân trấn thủ, giao Quảng Nam lại cho anh em Tây Sơn cai quản. Vài tháng sau Hoàng Ngũ Phúc về tới Thuận Hóa thì mất, Bùi Thế Đạt được lệnh Trịnh Sâm vào thay thế cùng Lê Quý Đôn làm Tham Thị giữ đất Thuận Hóa trở ra.

Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng

error: Content is protected !!