Nguyễn Hồng Dũng

THĂNG HOA CUỘC ĐỜI – Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng. Kỳ 48: Hoành Sơn Nhất Đới, Vạn Đại Dung Thân. Kỳ 49: Mở Nước Phương Nam. Kỳ 50: Rồng Bay Về Nam. Kỳ 51:Trịnh Nguyễn Phân Tranh

THĂNG HOA CUỘC ĐỜI

Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng

K 48 Hoành Sơn Nht Đi, Vn Đi Dung Thân

 Núi Yên Tử xanh ngát, từng cụm mây trắng, hồng lãng đãng phủ trên đầu theo gió xuân tan dần khi ánh sớm mai chiếu rọi. Những cụm tùng già nua với các nhánh gãy bởi thời gian còn vương vấn níu kéo tạo biết bao khúc khuỷu đu đưa giữa trời mây lơ lửng nửa chừng. Từng bầy sơn ca túa về từ khắp nẻo như chào đón ánh thái dương vừa chớm bừng lên.

Bến sông Tuyết giang rẽ giữa mạn trung du đã có kẻ đợi đò từ lúc chưa hừng sáng. Họ là những cư dân trong vùng hoặc vài kẻ lãng du đây đó trong chốn hồng trần. Hôm ấy là tiết Thanh minh, khí trời dìu dịu làm ngây ngất lòng người, lại càng se se lâng lâng những tâm hồn thoát tục đang muốn tìm một nơi ẩn dật, tiêu dao thú sơn thủy hữu tình.

Trên bờ sông, ánh thái dương chiếu tia nắng vàng nhạt xuyên qua từng bước chân lữ hành tạo chiếc bóng ngả dài di động về phương tây cùng nhịp nhàng, đều đặn dìu dặt với đôi chân lão đạo sĩ đang tiến đến dãy núi Ngọa sơn. Con đường đất vốn phủ một lớp bụi vàng bị sương khuya rơi hạt làm ướt dẻo mặt lộ tạo những dấu chân in đậm nét khoang dung của lão đạo sĩ như triện ấn vừa đóng xuống chưa kịp ráo mực nơi chốn đương quyền.

Đạo sĩ, vâng, đúng là một đạo sĩ, người lão cao vừa tầm thước, vóc dáng còn sót nét lẫm liệt của thời hùng anh cái thế, nhưng đôi mắt không dấu sự phúc hậu nhân từ của bậc đức hạnh cứu nhân độ thế. Đầu tóc lão búi theo hình trái tim buộc bởi miếng vải điều vắt vẻo ngang vai trong tư thế đường bệ. Chiếc áo đỏ ngả sang màu nâu nhạt đã nói lên dấu tích của kẻ từ quan chán mùi trần tục. Đôi mắt lão đạo sĩ chợt nhìn lên bầu trời, ngừng một giây qua cách suy tư rồi như bừng sáng lên trong ý nghĩ, lão quay sang thúc giục chú tiểu đồng đang lửng thửng bước sau:

-Nào nhanh lên, có khách đang đợi ta ở am Long Vân sơn môn đấy!.

Dứt lời thì lão đạo sĩ đã cận kề bến đò, chiếc ghe cắm sào xôn xao rước khách thương hồ, chờ kẻ cuối cùng lên khoan, thầy trò lão đạo sĩ mới tiếp tục bước xuống ngồi sát mũi ghe. Dòng nước êm ả đưa đẩy chiếc thuyền xuôi chiều dưới nắng ban mai hòa nhịp với đôi bàn tay rắn chắc của cô lái đò duyên dáng khua động cặp chèo lướt nhẹ trên sông.

Giữa sông nước hữu tình đón nhận buổi bình minh rạng rỡ, lão đạo sĩ ngồi yên trong chốc lát chợt như bất thần nhìn nước chảy rồi khe khẽ than rằng: “Lại một trận tranh bá đồ vương!!!”.

Đò cập bến nãy giờ, khách lên bờ đã hết mà đạo sĩ vẫn còn ngồi đấy đăm chiêu. Chú tiểu đồng xớ rớ một hồi rồi lên tiếng:

-Lão trượng! lão trượng! đã đến bờ rồi.

Tâm thần Tuyết Giang Phu Tử như đắm chìm trong nỗi suy tư về thế sự, đạo sĩ buông tiếng thở dài rồi ung dung đứng dậy trả tiền đò, trở bước khỏi khoan cùng tiểu đồng hướng về cửa núi.

Mặt trời bỗng chốc lên cao, nắng xuân bắt đầu đẩy đưa những tia nóng xuống chốn trần thế khiến bộ hành có vẻ khó chịu. Thầy trò đạo sĩ đi ngang qua làng dương liễu theo hướng ngược lên xóm Tràng Xuân, nơi am thất của lão; hai bên vệ đường, những ngôi mộ cổ xưa cùng mả mồ hoang liêu đã được dân quê giẫy cỏ, sửa sang hương khói nhân tiết Thanh Minh khiến quang cảnh chung quanh đượm chút hữu tình  “âm dương đồng nhất lý”.

Trúc vàng lên măng sau mùa đông dài năm ngoái đã xanh tốt đến nỗi tàng lá phủ kín lối đi trước am Long Vân sơn môn. Cây bàng phía trái cổng ra vào vươn nhành lộc ôm ấp hàng hiên cùng nửa góc ao bên hòn giả sơn bốn mùa bất động. Cảnh vật xung quanh thật yên lặng, bình an!

Khách là một đại nhân trung niên mặt mày thông thiên bát cổ nhưng cách ăn bận, phục sức thì quả như một sĩ phu ẩn danh. Áo trắng ngả màu vàng nhạt, trên đầu quấn chiếc khăn nâu trong tư thế vóc người khanh khảnh cao cao. Đôi hài đen phủ một lớp bụi đường chứng tỏ khách là một kẻ phương xa mới đến. Bên cột nhà ngoài hiên, chiếc yên ngựa và roi da nằm sờ sờ một góc nói thêm rằng khách phải đi ngựa từ vạn dặm đến đây tìm chủ nhân có chuyện cậy nhờ.

         Vừa thấy đạo sĩ bước vào dưới tàng diệp trúc vòng qua mé hiên, người khách mặt mày hớn hở chấp tay vái chào rồi tự xưng danh tánh:

-Tôi đây họ Nguyễn tự là Hoàng xin bái kiến Trình Tuyền Hầu Thái Phó Trình Quốc Công.

-Không dám, không dám! hóa ra ngài là Đoan Quận Công đấy à. Bấy lâu lão phu chỉ được nghe danh tướng công mà chưa hân hạnh gặp mặt. Chẳng hay tướng công quang lâm tệ xá của lão phu có điều chi chăng?

…Nguyên, Mạc Đăng Dung soán đoạt ngôi vua, giết chết Lê Chiêu Tông, tự lên ngôi hoàng đế lập ra triều đại nhà Mạc. Biết bao kẻ bất bình và phẩn uất trước sự soán đoạt của họ Mạc, trong đó có con trai của Nguyễn Hoằng Dụ là Nguyễn Kim làm chức Hữu Vệ Điện Tiền Tướng Công An Thành Hầu dựng cờ khởi nghĩa chống lại Mạc Đăng Dung. Tướng Công An Thành Hầu Nguyễn Kim tìm được người con của Lê Chiêu Tông là Hoàng tử  Lê Duy Ninh lập lên làm vua tức là Hoàng đế Lê Trang Tông.

Thế lực nhà Mạc đang hồi thạnh phát, quyền bính tập hợp trong tay Mạc Đăng Dung nên lòng dân càng khiếp sợ. Để đối chọi với họ Mạc một cách hữu hiệu, Nguyễn Kim tập hợp toàn lực binh mã giao cho con rễ là Trịnh Kiểm và con trai trưởng là Nguyễn Uông ngày đêm tập dượt. Nguyễn Kim còn ra sức chiêu nạp binh lương, sai con thứ là Nguyễn Hoàng dò la tung tích các vị quan, tướng bất mãn với nhà Mạc đặng gây thành một thế lực, chung tay góp sức lấy lại cơ đồ nhà Lê từ Mạc Đăng Dung.

Cờ chính nghĩa dựng lên được muôn dân nhất tề ủng hộ. Binh sĩ có kỷ cương, quân lương có trật tự, tinh thần hưng chấn quy phục Lê triều càng ngày càng đông, mà lý tưởng trừ gian diệt ác lại càng ngày càng được hỗ trợ, nên đoàn quân của Nguyễn Kim trở thành thế lực vững chải đủ sức chống lại quan quân nhà Mạc. Được tin động trời như vậy, Mạc Đăng Dung mua chuộc Dương Chấp Nhất tìm cách đánh thuốc độc sát hại Nguyễn Kim.

Trịnh Kiểm điều khiển toàn bộ binh quyền sau khi Nguyễn Kim bị sát hại nên được vua Lê Trang Tông sở cậy đại nghiệp khôi phục cơ đồ. Trịnh Kiểm khởi binh tiến đánh nhà Mạc, đi đến đâu nhân dân hưởng ứng đến đó nên chẳng mấy chốc mà Trịnh Kiểm đã lấy được thành Thanh Hóa, dựng Lê triều đại kỳ chạy từ  Thanh Hóa vào đến cực nam.

Trịnh Kiểm là kẻ thời cơ chủ nghĩa, lòng dạ gian manh, thao túng tất cả quyền hành Lê triều, một tay sanh sát trên dưới, tự tung lèo lái non sông. Thoạt đầu, Nguyễn Uông cũng ở vị trí ngang quyền với Trịnh Kiểm, nhưng dần dà Trịnh Kiểm tiêu diệt tay chân thân tín của Nguyễn Uông khiến vị tướng khai quốc công thần này phải lên tiếng phản đối. Họ Trịnh biết mình khó bề thao túng hoàng cung nếu Lạng quận Công Nguyễn Uông còn là vị trụ tướng Lê triều, Trịnh Kiểm tìm cách ám hại họ Nguyễn và sát hại hàng tuỳ tướng của Nguyễn Uông làm cho những kẻ phản đối Trịnh Kiểm cũng không dám một phen hó hé.

Trước tình cảnh chém giết để tranh giành thế lực xảy ra trong cùng một đại gia đình của đệ nhất công thần Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm càng ngày càng tỏ ra hống hách và biết bao công, hầu, khanh, tướng tận trung với nhà Lê đều phải chết dưới gươm họ Trịnh.  Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng trở nên cô đơn, sống trong triều Lê mà như ngủ dưới lưỡi hái của tử thần, ăn trong bát vàng mà tưởng chừng như nuốt từng liều độc dược. Muốn báo thù cho anh mà trong tay chỉ còn lại trơ trọi những lằng chỉ chi chít vô tình, Nguyễn Hoàng như kẻ sầu đời cho qua những ngày đèn treo trước gió. Trịnh Kiểm càng ngày càng áp đảo vua Lê mà bá quan văn, võ không có ai đủ bản lĩnh lên tiếng can ngăn. Hoặc giã nhiều kẻ sợ liên lụy đến gia quyến mà rũ áo từ quan vui thú điền viên thơi thảnh. Hoặc có kẻ điêu ngoa xảo quyệt được một phen hùa với lũ gian thần đặng kiếm chút quyền hành, bổng lộc. Nói tóm lại, trong triều Lê chỉ còn lại bọn chó săn cho Trịnh, hoặc những kẻ cơ cầu đui, điếc, bất tri. Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng sực nhớ đến vị lý số tài ba nơi am Long Vân sơn môn bên giòng Tuyết giang mà bao đêm họ Nguyễn  nghĩ rằng người này có thể hóa giải cơ trời, giúp ta khôi phục uy quyền của vua Lê cùng báo thù luôn cái hận giết anh để nắm trọn quyền bính trong tay. Vì vậy Nguyễn Hoàng giả cách đi săn đặng lặn lội xa xôi gặp cho bằng được Thái phó Trình Quốc Công tức Nguyễn Bỉnh Khiêm tiên sinh.

Là đệ tử chân truyền của cụ Bảng nhãn Lương Đắc Bắc, một lý số gia tinh thông Thái Ất Thần Kinh nên Nguyễn Bỉnh Khiêm được thọ giáo tất cả những nẻo huyền cơ chi mật từ người thầy quán thông kim, cổ. Nguyễn Bỉnh Khiêm  nổi tiếng là bậc nhân hậu, pháp thuật cao cường, đây đó chu du mà dùng phép mầu diệu dụng đặng giúp ích thế nhân. Năm Đại Chánh thứ sáu triều đại Mạc Đăng Doanh, Nguyễn Bỉnh Khiêm thi đỗ trạng nguyên, phong tới chức Tả Thị Lang, rồi thăng hàm lên Đông Các Đại Học Sĩ .

Mặc dù có chức tước cao trọng như thế, nhưng kẻ sĩ thà “ngày ba bửa vỗ bụng rau bình bịch” còn hơn là phò vua không anh minh, soán đoạt cơ đồ của Lê triều như Mạc Đăng Dung; thì dù được phong tới chức Tể tướng, lão cũng không màn. Nguyễn Bỉnh Khiêm nhất định từ quan, về ẩn dật nơi am thất cửa núi Long Vân, cạnh giòng Tuyết giang để hằng ngày ngao du sơn thủy.

Biết Trình Quốc Công trú ngụ nơi làng quê hẻo lánh này, Nguyễn Hoàng cỡi ngựa thân hành trực chỉ nam phương đặng bái yết tiên sinh thỉnh ý. Nghe câu hỏi vừa dứt, Nguyễn Hoàng nhập đề không chút do dự:

-Thưa lão trượng! Tôi đây có miệng như câm, có tai như điếc, thấy bào huynh bị giết mà chẳng dám nhỏ giọt lệ xót thương. Riêng bổn mạng của tôi chẳng khác nào sợi chỉ treo cả ngàn cân, càng để lâu lại càng nguy đốn. Xin Tiên sinh vì lòng hào hiệp chỉ bảo cho tôi được mở mắt nhìn đời.

Vẫn đứng yên trong tư thế ung dung tự tại, Trình Quốc Công nhìn thẳng vào mắt Nguyễn Hoàng rồi nhết mép cười, đáp:

-Bấy lâu nay lão phu xa lánh việc đời, chuyện trần tục gác bỏ ngoài tai nên thế sự xoay vần mà lão nào có để ý.

Nguyễn Hoàng hạ thấp giọng năn nỉ:

-Thật là khó khăn vô cùng mới tìm được đến nơi tiên sinh, nếu tiên sinh không chỉ bảo đôi điều thì Hoàng này trở về cũng chết.

         Ngẫm nghĩ một đỗi lâu, Trình Quốc Công gật gù rồi bảo:

-Nếu Quận công có lòng chí thành muốn biết kiết hung về đường bổn mạng thì phải ăn chay ba ngày, chí thành khẩn nguyện âm dương. Đúng giờ Tý ngày Mậu thìn lão phu sẽ xủ quẻ Tiên Thiên để đoán xem vận hậu Quận công thế nào.

-Đa tạ tiên sinh.

         Khách vừa bước ra, Nguyễn Bỉnh Khiêm tiễn tận cổng núi Long Vân cho đến khi Nguyễn Hoàng lên ngựa ra roi. Mặt trời đã gần chính ngọ, nắng tháng Ba bắt đầu oi bức mà Trình Quốc Công cảm thấy tê dại trong lòng. Trở gót bước vào thư phòng, vừa đi, Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa như nói với chính mình: “Quốc gia loạn lạc đến kỳ, rồi đây muôn dân còn thêm đồ thán, âu cũng là định mệnh thiên cơ muốn đất nước chia thành hai nẻo.” 

         Đêm xuống thật sâu, bóng trăng mờ nhạt khó khăn tỏa ánh chiếu đục ngầu qua làn sương khuya, vầng trăng không còn rõ nét như một vệt lân tinh chênh chếch chân đồi. Dưới tàng trúc, ánh trăng xuyên qua kẽ lá vẽ lên mặt đất những hình thù kỳ quái, loang lổ. Nguyễn Bỉnh Khiêm tựa lưng vào mỏm đá cạnh hòn giả sơn, mặt quay về núi Yên Tử tìm một phút an nhiên trong thiền định. Trớ trêu thay, càng tập trung tư tưởng bao nhiêu, những hình thù loang lổ dưới chân như múa may quay cuồng bấy nhiêu để đùa giỡn với nỗi niềm dâu bể mà chính tiên sinh chưa dám nghĩ đến. Một làn gió lạnh thổi qua, chiếc áo choàng không còn dịp phần phật rung rinh vì sương khuya như nhuộm ướt cả y trang và thấm sâu vào tâm khảm của người.

         Gà rừng cất giọng đầu canh, tiếng gáy mang chút hoang dã, cô đơn bỗng trở thành tiếng kêu vô vọng. Nguyễn Bỉnh Khiêm bừng mắt, vươn vai như trải qua một cơn mộng ảo. Tiên sinh vừa đi mà tâm trí vẫn còn vướng mắc một nỗi xốn xang chưa hề ngưng đọng: cái hậu quả khốc liệt mà quốc dân phải gánh chịu lâu dài khi mình không cải được ý trời. Thật ra, từ khi sang xuân, tiết Nguyên đán nhân ngày chánh nhật, Tiên sinh đã thu đạt cơ trời nhân xủ quẻ đầu năm khai bút. Chuyện gì đến sẽ đến là lẽ mầu nhiệm của đất trời, một con người như hột cát mỏng manh múa may quay cuồng theo hướng gió, thì Nguyễn Bỉnh Khiêm ta đây cũng chỉ là hạt bụi mong manh dùng thiên cơ để tiết lộ uyên nguyên của vô thường. Vừa suy nghĩ như vậy, tiên sinh như nhận ra chân lý đích thực của hồng trần bèn khe khẽ ngâm nga:

  “Non sông nào phải buổi bình thời,

  Thù đánh nhau chi khéo nực cười.

   Cá vực chim rừng ai khiến đuổi,

   Núi xương, sông huyết thảm đầy vơi…” 

            Tiếng ngâm vừa dứt, Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng bước ra trước mặt Trình Quốc Công rồi cúi rạp người vái chào tiên sinh, nhân tiện cất tiếng hỏi:

         -Chẳng hay lão trượng vừa ngâm bài thơ ý tứ súc tích, lời lẽ trầm hồn, đấy có phải là lời chỉ bảo cho Hoàng đây không?

 Nguyễn Bỉnh Khiêm trầm ngâm giây lát rồi gật đầu nhè nhẹ:

-Cơ trời hiển hiện, nhân gian nào ai chống đỡ được đâu! Thôi, giờ tý đã đến, chúng ta vào trong, Quận công chí thành lễ tổ để lão phu chuẩn bị xủ quẻ âm dương.

Ánh sáng tờ mờ của ngọn đèn mù u chỉ đủ rọi một khoảnh nhỏ chiếu lên chiếc đĩa bạc nạm rồng. Khói trầm tỏa ra từ chiếc lư đồng xông ngát chung quanh phảng phất bầu không gian thật trầm mịch, u linh. Nguyễn Hoàng quỳ trước điện tiền, hai tay chấp hình búp sen bất động. Sau một hồi khấn vái trang nghiêm qua những câu thần phù bí hiểm, tiên sinh nâng tráp gỗ ngang vầng trán rồi xá xá mấy lần đặng mở hộp lấy ra sáu đồng tiền đúc. Không gian chìm đắm trong sự tín thành, Nguyễn tiên sinh kính cẩn gieo từng đồng vào đĩa bạc, tiếng kêu canh cách vang lên một cách khô khan. Mỗi lượt gieo đủ sáu lần tiền, Trình Quốc Công dùng bút lông gạch xuống tấm vải điều theo hình bát quái một lằn rồi đọc to cho cả Nguyễn Hoàng cùng nghe:

-“Càn tam liên tây bắc Tuất Hợi: Triệt” = (Cung Càn trong bát quái đồ hình gồm ba gạch liên tục nằm về hướng Tây bắc thuộc cung Tuất và Hợi, không tốt)

Nguyễn Bỉnh Khiêm gieo đến lần thứ tám thì mồ hôi toát ra từ gáy đến tận trung khu thần kinh khi Nguyễn Hoàng nghe tiếp câu:

          -“Ly trung hư chánh nam đương Ngọ: Vượng” = (Cung Ly trong bát quái đồ hình gồm gạch trên liền, gạch giữa chia hai và gạch dưới liền thuộc hướng Nam, cung Ngọ, thuận lợi).

Nguyễn tiên sinh nhắm mắt bất động. Thân thể và tâm ý ông như theo làn khói nhan trên bàn thờ tổ bay bổng lên hư không. Đoan Quận Công vẫn trong tư thế kính cẩn chí thành quỳ trước điện tiền. Họ không nói với nhau nửa lời vì sợ sự di động nào đó sẽ tan biến đi cái huyền diệu u tịch vô cùng trọng đại này. Cuối cùng Nguyễn Bỉnh Khiêm mở mắt ra nhìn thẳng vào mặt Nguyễn Hoàng rồi chậm rãi nói:

              -“Hoành Sơn Nhất Đới, Vạn Đại Dung Thân” = (Một dãy hoành sơn chia cắt, hãy vào phía nam xây dựng cơ đồ thì an ổn nghìn năm).

                 Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng nghe xong, toát mồ hôi hột rồi đứng lên vái chào Trình Quốc Công và lập tức phóng lên yên ngựa trực chỉ phương Nam.

Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng

***********

THĂNG HOA CUỘC ĐỜI

Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng

Kỳ 49 Mở Nước Phương Nam

Chủ khách từ giã xong, đợi cho Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng phi ngựa ra khỏi thảo am, Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm đánh thức tiểu đồng pha trà và đốt thêm một tuần trầm để xông cõi trần thế ô trược này. Lòng tiên sinh cứ bồn chồn khó chịu vì áy náy với chính mình: đành rằng thiên cơ đã định nhưng mình lý giải ra thì chẳng khác nào như vạch đường cho cơ đồ phân ly chia cách. Một chung trà nóng ngát thơm khiến tiên sinh giảm bớt tạp niệm. Gà rừng gáy thêm chặp nữa, ánh sáng tờ mờ khởi chút vừng hồng tỏa rạng ở phương đông. Giờ Dần đã đến, Tiên sinh ngồi kiết già tỉnh tọa trước điện thờ chư vị Thánh Hiền, nửa canh giờ trôi qua như thế cuộc diễn nhanh trong tâm tưởng, tiên sinh sụp lạy rồi khấn vái thật chí thành để tự mình xủ quẻ Tiên Thiên bói đại vận:

“Xem Thái Ất thần kinh ứng chỉ, đất nước này sẽ chia cắt đến vài trăm năm. Phải có một đại nhân xuất hiện, thống nhất sơn hà thành một mối”. Ta tiếc cho già này không còn sống để chiêm ngưỡng vị minh quân ra đời.

Bình minh trên sườn đồi đã thức giấc. Nguyễn Bỉnh Khiêm đứng dậy nắm những đồng tiền xủ quẻ trong tay, tiên sinh trực chỉ hướng đông nam nơi giòng Tuyết giang bốn mùa trôi chảy. Gió sông gờn lạnh hắt hiu quạt vào mặt như một sự trừng phạt vô hình. Nguyễn tiên sinh nói với chính mình như mượn làn gió sớm làm chứng nhân cho lời thệ nguyện: “Thiên cơ bất khả lậu, ta xin chấm dứt từ đây những lý số ứng linh cho can qua khổ nạn”. Nói xong, những đồng tiền xủ quẻ vụt bay vèo xuống dòng nước không một chút ngân vang để gợn tròn lăn tăn đây đó.

Trình Quốc Công gật đầu ra chiều thỏa mãn, nhìn về hướng tây bắc, ngọn núi Yên Tử của phái Trúc Lâm đang thỉnh chuông cho thời công phu sáng ngân nga tận cõi lòng dẫn tiên sinh vào cảnh u hoài  tịch tịnh. Kể từ đấy thế nhân hết dịp gặp lại Nguyễn Bỉnh Khiêm, Long Vân sơn môn quán chỉ còn chú tiểu đồng ngày nọ qua tháng kia đợi tiên sinh trở về dùng bữa cơm chiều trong tuyệt vọng. 

Ngọc Ninh phủ hôm nay treo đèn kết hoa vô cùng lộng lẫy, gia nhân tất bật nhộn nhịp, lăng xăng sửa sọan cho thật nghiêm trang từ những cành hoa tươi trên bàn đến các chậu kiểng ngoài hàng hiên, đâu đâu cũng hết sức chu đáo, mỹ lệ. Quân lính bên ngoài  được lệnh canh phòng vô cùng cẩn mật vì Trịnh Kiểm chuẩn bị đón rước vua Lê Trang Tông ngự tiệc nhân tiết Đoan ngọ mùng Năm tháng Năm. Từ cổng tam quan sặc sỡ đèn hoa, hai hàng cung nữ như những nàng tiên hạ giới đang nghiêm chỉnh trong xiêm y lộng lẫy để rước thiên tử ngự tiệc chí đến sân Ngọc Ninh phủ vốn đã uy nghi từ trước nay lại còn tăng thêm vẻ trang trọng ác liệt. 

Ngọc Bảo Quận Chúa ngồi trong chánh thất, lộng lẫy với trang phục diễm kiều có một không hai. Vài tỳ nữ  lúc nào cũng chầu chực để được sai khiến bên trong tấm rèm hoa, thị vệ tả hữu túc trực phía ngoài với khí thế đằng đằng, trên tay lăm lăm đốc kiếm.

-“Bẩm quận chúa, Đoan Quận Công phía ngoài xin được vào yết kiến quận chúa”. Một tỳ nữ khúm núm đang tấu trình. Đã bấy lâu, lòng Ngọc Bảo luôn thương tưởng đến người em tài hoa này mà không sao tìm được dịp ghé thăm. Kể từ ngày Lạng Quận Công Nguyễn Uông bị chồng ám hại, tình gia quyến trở nên tương tàn. Nguyễn Hoàng tìm cách xa lánh những hội hè đình đám, một mình giam hãm trong nhà đôi lúc cả năm trời không tham gia một lần giỗ chạp. Ngọc Bảo đang phân vân, chẳng hay ngọn gió tường vân nào đưa đẩy người em thân yêu của ta đến thăm đúng vào dịp thượng hoàng ngự tiệc?

Nguyễn Kim sinh được một gái hai trai đều là tướng của Lê triều. Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng được sắc phong Quận Công. Ngọc Bảo là chánh thất của Trịnh Kiểm nên cả nhà Nguyễn Kim được trọng vọng vào bậc nhất hoàng triều. Tính tình Trịnh Kiểm thì khó lường trước được, lúc nóng giận như hỏa diệm sơn, lúc lạnh tiền như băng tuyết, khi ngọt ngào như từ mẫu âu yếm con cầu, khi điêu ngoa gian hùng chẳng khác nào Tào Tháo khiến quần thần sĩ tốt chẳng biết hư thật thế nào, ngay cả Ngọc Bảo cũng khó lòng đoán biết được chân tướng của lang quân mưa nắng mấy hồi. Nghĩ như vậy rồi lại nhớ đến sự an vui dĩ vãng của gia tộc, bỗng dưng quận chúa xúc động vô độ đến cái chết tức tưởi của Lạng bào huynh dưới gươm của chồng mình, bà vội vàng bước xuống thềm và giục tỳ nữ lập tức mời Đoan Quận Công vào trong phủ để chị em được dịp vấn an.

Vừa thấy bóng em bước vào đầy vẻ khắc khổ phong sương như một người ẩn dật, bộ võ bào trên thân đã sờn cũ, đôi hia mốc thếch bụi đường như kẻ tha phương vừa đến. Quận chúa lộ vẻ xúc động trước tình cảnh thương tâm của gia tộc, nụ cười như chiếu lệ không nở nỗi giữa mặt ủ mày ê. Ngọc Bảo ngồi trên chiếc đôn có nét hoa văn với hình thù kỳ lân sặc sỡ mà tưởng chừng như ngồi trên sự tủi nhục oán hờn. Nguyễn Hoàng liếc nhìn xung quanh, mừng mừng, tủi tủi thăm hỏi qua loa. Biết không có Trịnh Kiểm gần đây nên Đoan Quận Công lựa lời nhờ vả:

-Bấy lâu nay phía Nam không người cai quản, Chiêm Thành ngày đêm rục rịch tiến đánh nước ta, phía ngoài thì họ Mạc hăm he gây hấn, nếu ta không chuẩn bị trước, có lúc trở tay không kịp. Từ ngày thân phụ chúng ta ngộ độc, em vẫn theo phò Lê vương báo đền ơn đức nhưng chưa lập nên công trạng gì để báo bổ non sông. Hôm nay nhân đại yến linh đình, chị cố gắng trình lên Điện hạ chiếu chỉ cho em vào đất Thuận Hóa trấn thủ, như vậy vừa có tướng ở chốn biên thùy án ngữ quân Chiêm, vừa là cách chiêu dân cho triều đình đó. Từ xưa giờ ta vẫn lấy câu “cẩn tắc vô ưu” để phòng hoạn nạn là lẽ thường tình.

-Chuyện em muốn thì cũng không khó, ngặt nỗi sơn lam chướng khí vùng Thuận Hóa kinh hoàng, chị e rằng em vào trấn nhậm chưa tới đâu thì chị lại phải nghe tin buồn em vùi thây nơi rừng thiêng nước độc. Ngọc Bảo có ý cản ngăn.

-Cám ơn chị đã đoái thương cho đứa em máu mủ này. Nhưng thiết nghĩ, làm thân trai ngàn dặm da ngựa bọc thây, sá gì chốn sơn lam cùng cực. Ngặt chỉ mỗi một điều là lâu ngày mới trở về vấn an tôn nhan chị được.

Biết tính khí Nguyễn Hoàng từ thuở ấu thời, một khi lòng đã quyết thì dù có cản ngăn trăm phương ngàn kế chi đi nữa, họ Nguyễn này nhất định phải tìm cách  làm cho bằng được. Thôi thì cũng hợp lẽ người mà an ninh cho cả triều đình thì có gì phải từ chối lời thỉnh cầu của cậu em trai. Nghĩ như thế, Ngọc Bảo quận chúa hứa lời:

-Thôi cũng được, chuyện này để chị tấu trình qua lang huynh của em, thế nào cũng thuận. Còn hơn nửa khắc nữa đại yến cung nghinh hoàng thượng giá lâm ngự tiệc sẽ khai mạc, em hãy nán lại chung vui với phủ Ngọc Ninh rồi vái chào lang huynh của em một thể.

-Cám ơn sự săn sóc chu đáo của chị. Em phải về ngay Long Vân quán, ngày mai là húy nhật, kỵ giỗ Lạng Quận Công đại huynh, chị chẳng nhớ sao ?

-À! em không nhắc chị nào có nhớ. Ngặt một nỗi, đức lang quân của chị lúc nào cũng muốn chị quên phức chuyện cũ ấy đi, nên mấy lần huý kỵ mà lang huynh em không thuận cho chị trở về Long Vân quán để đốt hương tưởng niệm huynh đài. Thôi tiện đây chị gởi chút đỉnh trầm hương, ngày mai em đốt hộ thay chị để Lạng Quận Công bào huynh chứng tri cho.

Nguyễn Hoàng bước tới đở lấy gói trầm. Nghe tiếng thở dài mang bao nỗi sầu lụy bi ai của chị thoát ra, Nguyễn Hoàng cảm động vô cùng rồi rưng rưng như xoa dịu sự đớn đau chảy tràn vào hồn cả hai:

-Chị đừng bi lụy mà héo hắt ngọc diệp kim chi, chuyện sinh tử trong thế gian đều theo duyên nghiệp sanh sanh hoại hoại. Kìa các vị tướng quốc đã tấp nập đến rồi; ngày mốt vào giờ Dậu em trở lại nhận ấn chỉ vào Nam. Chị cố lo cho, em xin đa tạ chị muôn vàng.

Màn đêm khó phủ xuống cung thành khi ánh hoa đăng rực rỡ hắt thứ ánh sáng chói ngời lên ngọ môn nơi bức hoành khắc ba chử “Ngọc Ninh Phủ” lồ lộ, oai phong như lưỡi kiếm sẵn sàng chém xuống đầu những kẻ nghịch mạng lai vãng chốn công quyền đầy uy phong bạo lực.

Tiệc tàn lúc canh hai, khách khứa say tuý lúy. Lê Trang Tông ngà ngà nhưng cố giữ nét oai phong của bậc vương gia. Vài ba quan văn, dăm ông quan võ sợ uy của Trịnh Kiểm nên chen nhau chúc tụng chủ nhân không tiếc lời. Nào Trịnh Kiểm đại nhân đại đức, nào Trịnh Kiểm văn võ song toàn, nào chúa Trịnh  quán thông kim, cổ…làm cho vua Lê cũng áy náy không cùng.  Quan văn Phùng Khắc Khoan nhìn Đỗ Uông và Nguyễn Nhân Thiện lắc đầu ra chiều chán nản cái cảnh cúc cung của bọn gia nô. Những vị quan văn này nể lời của Trịnh Kiểm nên phải tới dự, song họ không dùng rượu như đám gian thần vô tài bất tướng. Võ quan Hoàng Đình Ái và Nguyễn Hữu Liêu ngồi tận góc đại sảnh, uống lấy lệ từng ngụm rượu hoa đào mà ngao ngán nhìn thiên hạ kiêu ngạo chúc phúc cho nhau. Không mấy kẻ chú ý đến nhà vua khi hoàng đế Lê Trang Tông có ý ra về, Phùng Khắc Khoan kéo tay Hoàng Đình Ái, hai người đứng lên như hộ giá cho vua Lê rời Ngọc Ninh phủ vào cuối giờ Hợi. Đoàn kiệu giá đưa hoàng thượng hơi quá nửa sân, Trịnh Kiểm giả vờ  chạy ra có ý luyến tiếc tiệc tàn hơi sớm kèm vài lời cám tạ ân đức Lê triều.

Sự chuyên chế của Trịnh Kiểm càng ngày càng lộ rõ, lấn áp quyền hành của Lê Trang Tông, tiền trảm hậu tấu khiến quần thần nhiều kẻ khiếp đảo, nhu nhược. Sau khi giết chết Lạng Quận Công Nguyễn Uông, ít ai còn dịp lên tiếng phản đối hành động bạo ngược của họ Trịnh. Nhiều kẻ thấy vậy a dua theo, nhưng cũng không ít người khinh khi, bất phục.   

Đợi cho gia nhân dọn dẹp xong xuôi, đèn đuốc được hạ xuống và cổng ngọ môn đã đóng chặt, quân lính ngoại thành đánh cồng báo hiệu sang canh thì quận chúa Ngọc Bảo rón rén tới cạnh phu quân thỏ thẻ:

-Đại yến hôm nay thật là sung mãn. Hoàng thượng và quần thần hết sức hoan hỷ. Thiếp nghe hoàng thượng ban khen cho phu quân tới sáu tuần mỹ tửu lận đấy.

-Đúng vậy! đúng vậy! nhưng hoàng thượng ban khen cho lấy lệ chứ đáng ra ta ban khen cho nhà vua mới phải lẽ!!! Sau một tràng cười khoái chí ra chiều đạt đến trạng thái thống khoái nhất trần gian, bỗng dưng Trịnh Kiểm ngưng ngang, nghiêm sắc mặt, nhìn thẳng vào mắt Ngọc Bảo, hất hàm hạch hỏi:

-Lúc chạng vạng có người báo cho ta biết Nguyễn Hoàng đến đây gặp nàng với dụng ý gì?

Bị hỏi quá sức bất ngờ, hồn vía quận chúa hồn phi thất đảm, nhưng vốn là một bậc nữ lưu có tiếng thông minh hữu hạng ở kinh thành, Ngọc Bảo định thần trong chớp nhoáng rồi bình thản trả lời như thể không có gì xảy ra:

-Đoan Quận Công ghé đây thăm thiếp và lang quân. Thiếp cố mời cậu ấy nán lại để dự đại yến nhưng cậu ấy không thể ở lâu. Dạo này bị bịnh đau gan, vàng ửng cả mắt lẫn da nên phải cần thuốc thang hàng ngày. Thật là tội nghiệp! Cậu ấy than rằng phương Nam triều đình ít chú ý, phòng thủ; nếu Chiêm Thành cử đại binh Bắc tiến thì thật là nguy cập, lúc ra về cậu ấy thưa rằng nếu tướng công rảnh rỗi thì bẩm báo với tướng công định đoạt.    

-À ra thế, ta cũng có nghĩ thoáng qua nhưng công việc chống đỡ nhà Mạc phương Bắc đã mất hết thời gian. Hay là, này quận chúa! Ta thấy Đoan Quận Công ở triều ca cũng chẳng làm gì, chi bằng sắc phong cho cậu ấy trấn nhậm vùng Thuận Hóa thì hay biết mấy.  Trịnh Kiểm nhìn vợ thăm dò, Ngọc bảo nghe như vậy thì lòng mừng thầm vì dẫu sao cũng giúp em toại ý, nhưng nàng giả bộ giẫy nẩy:

-Trời ơi! vùng Thuận Hóa đầy sơn lam chướng khí, đất rộng, người thưa vô cùng hiểm độc. Tướng công sai khiến cậu ấy vào nam thì chắc gì có dịp hàng năm trở về thăm thiếp.   

Trịnh Kiểm đưa tay gãi đầu ra chiều ngại ngùng: 

-À! đừng nghĩ vậy mà oan cho ta. Trịnh Kiểm giải thích: 

-Đoan Quận Công là người có tài, có trí, lanh lẹ khôn ngoan. Người như vậy không dễ gì bó tay trước những trở lực của sơn lam chướng khí. Quận chúa  nghĩ thử ý ta có đúng không?

Sợ phu quân bất ngờ thay đổi ý kiến thì hỏng công việc của em, Ngọc Bảo thở dài một tiếng ra điều khổ não rồi đến bên chồng âu yếm thưa rằng:

-Dòng họ của thiếp chỉ còn Đoan Quận Công, được tướng công đoái hoài thì cũng là phước báu. Thôi thì, chuyện quốc gia bảo vệ biên thùy là việc đại sự không nên chần chừ. Nếu lòng đã quyết, sáng mai thiếp triệu Đoan Quận Công diện kiến cho phu quân sai bảo.

Thật ra, từ khi sát hại Lạng Quận Công Nguyễn Uông thì tâm ý của Trịnh Kiểm ngày đêm lo ngại Nguyễn Hoàng phục hận. Do đó, Trịnh Kiểm nhiều lần mưu hại Nguyễn Hoàng cho bớt nỗi lo canh cánh bên lòng. Ngặt một điều, Đoan Quận Công là người thông minh dĩnh ngộ, nhân hậu khiêm cung,  được lòng các tướng bề trên, không một lỗi nhỏ nên kẻ dưới luôn kính yêu, ngưỡng mộ. Vua Lê Trang Tôn tỏ ra quý mến người tài mà sợ Trịnh Kiểm can ngăn nên mấy lần định sắc phong phẩm trật thì lại hủy bỏ. Nguyễn Hoàng thừa biết chuyện ấy nhưng lúc nào cũng tỏ ra bất cần danh vọng, lại ăn nói lễ độ, khôn ngoan nên Trịnh Kiểm khó lòng trừ khử. Cây gai trước mắt xốn xan con ngươi chưa biết cách nào nhổ bỏ, hơn nữa chuyện sát hại Nguyễn Uông vẫn còn âm ỉ khiến hàng Văn, Võ có kẻ không phục thì Nguyễn Hoàng dù có gì đi nữa cũng phải hạ hồi phân giải. Mặt khác, Ngọc Bảo lúc nào cũng lấy lời lẽ dịu ngọt mà che chở cho em nên khiến Trịnh Kiểm chưa nỡ ra tay sát hại. Trịnh Kiểm như kẻ chết đuối vớt được chiếc phao, bỗng dưng có lời đề nghị cao minh như vậy thì quý hóa vô ngần. Giết không được thì nên đày đi cho đỡ lo lắng, đó là kế hoạch nảy nở trong đầu họ Trịnh.

-Ta đã nghe cấp báo nhiều lần về việc Chiêm Thành động binh quấy phá mạn Nam. Chuyện này như cứu hỏa, trễ nải một ngày thì an nguy bá tánh khôn lường. Ngày mai ta sẽ tâu trình hoàng thượng để xin chiếu chỉ cho Đoan Quận Công trấn nhậm Nam phương. Trịnh Kiểm nở nụ cười khoái chí như vừa trút được gánh nặng ngàn cân.

Trống đã điểm canh hai, gia nhân dọn dẹp xong cũng vừa đi ngủ. Toán thị vệ tuần tra phía Thiên Bửu phủ nghe bước chân  rầm rập vang vọng trong đêm vắng. Ngọc Bảo sửa soạn chăn mùng mời chồng an giấc, Trịnh Kiểm vẫn còn men rượu nên vừa nằm xuống thì tiếng ngáy vang như sấm bắt đầu trổi lên pha với mùi mai quế tửu nồng nặc gian phòng.

Khác với chồng, Ngọc Bảo không tài nào ngủ được. Quận chúa cố dỗ giấc ngủ bằng sự tỉnh tâm nhưng rồi trống đã sang canh mà thân bồ liễu vẫn còn trăn trở. Càng định tâm chừng nào thì hình bóng của Lạng Quận Công càng vởn vơ trong đầu chừng nấy. Quận chúa ngồi dậy uống nước, lần bước ra tự đường đốt một nén nhang rồi quay trở lại. Vừa chợp mắt một xíu, quận chúa thấy một điềm mộng rất đỗi kinh hoàng. Ngọc Bảo ú ớ không thành lời rồi cuối cùng hét lên thất thanh.

-Cái gì vậy quận chúa? tỉnh lại!  tỉnh lại!  giọng Trịnh Kiểm vẫn còn ngái ngủ.

-Ái dào! thiếp vừa trải qua một điềm chiêm bao rùng rợn hãi hùng. Thôi tướng công ngủ tiếp đi rồi ngày mai thiếp kể cho nghe.

Trịnh Kiểm ngồi dậy, vươn vai, vỗ trán lấy lại sự tỉnh táo sau một giấc mê mệt.

-Ta cũng hết buồn ngủ rồi. Hãy kể cho ta nghe thử nào, không khéo ngày mai lại quên mất.

Quận chúa ngồi dậy, mắt vẫn nhìn đăm chiêu ra cửa, hai bàn tay úp trên ngực rồi kể giấc chiêm bao cho chồng nghe trong hơi thở hồi hộp:

-Thiếp thấy một con rồng vàng bay trên Ngọc Ninh phủ bảy vòng rồi hạ xuống trước đỉnh đồng ngoài sân. Nó đi thẳng vào tự đường, dùng chân đá thốc vào chính giữa cửa rồi nhảy lên bàn thờ quậy phá lung tung. Cuối cùng con rồng gắp chiếc bài vị của phụ thân thiếp bay lên cao hướng về phương Nam. Thấy như vậy nên thiếp đuổi theo và rơi vào hang đá bên vực thẳm thiên nhai.                

    Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng.                                                                                        

******************

Kỳ 50 Rồng Bay Về Nam

Nguyên năm Đinh Mão (1567) Quận chúa Ngọc Bảo đang thọ thai được tròn ba tháng, mưa thuận gió hòa và dân chúng làm ăn có phần dễ chịu hơn mấy năm trước. Nhiều nơi trong nhân gian đã làm cối xay gạo hầu sắp đặt gặt hái xong thì lúa sẵn sàng được xay. Để chuẩn bị cho đứa con ra đời với cái tên gắn liền đến sự phát triển của muôn dân, Trịnh Kiểm đã ngẫm nghĩ đặt danh tánh cho đứa bé này phải là cái cối xay cho trăm họ nhờ vả, vì vậy mà sau này cái bào thai đó ra đời mang tên ngộ nghĩnh: Trịnh Cối.  Nghe vợ vừa kể điềm chiêm bao rằng, thiếp thấy một con rồng vàng bay trên Ngọc Ninh phủ bảy vòng rồi hạ xuống trước đỉnh đồng ngoài sân. Nó đi thẳng vào tự đường gắp chiếc bài vị của phụ thân thiếp bay lên cao hướng về phương Nam. Thấy như vậy nên thiếp đuổi theo và rơi vào hang đá bên vực thẳm thiên nhai. Dứt câu chuyện, Trịnh Kiểm khoái chí đứng dậy cười vang vang ra chiều đắc thắng. Tiếng cười ha hả vang vọng trong thinh không khiến đội tuần tra phải mấy lần dừng lại kiểm soát. 

-Như ý của ta, như ý của ta! Trịnh Kiểm tự thốt lên lời.

Từ khi sát hại Nguyễn Uông để tóm thâu quyền lực trong tay, Trịnh Kiểm lấn áp triều đình, coi thường hoàng đế, một mình  chuyên quyền định liệu mọi việc hưng suy của quốc gia. Mộng của họ Trịnh là phải lên ngôi thiên tử như nhà Mạc đương thời đóng đô ở phía bắc. Ngặt một nỗi từ trên các đại thần quan tước, đến dưới muôn vạn nhân dân đều tỏ ra không ưa nhà Trịnh mà chuyện soán ngôi thì thiên hạ phỉ khinh. Từ năm Mậu Thân (Tây lịch 1548) khi vua Trang Tông băng hà thì ý niệm soán ngôi đã hình thành trong đầu Trịnh Kiểm. Thái tử Duy Huyến được bá quan văn võ trong triều tung hô vạn tuế để kế thừa ngôi báu đã làm hỏng kế hoạch của họ Trịnh. Thái tử Huyến lấy hiệu là Lê Trung Tôn lại là người hiền từ nhưng không có con cái để nối dõi tông đường. Sau tám năm trị vì, nhà vua đột nhiên băng hà là cơ hội vô cùng quý giá cho họ Trịnh một lần nữa. Trịnh Kiểm họp bàn cùng chư tướng và quần thần thì trăm người như một là muốn tìm lại con cháu Lê triều để kế thừa đại nghiệp. Tính tới, tính lui  phân vân trăm kế ngàn phương, bổng Trịnh Kiểm nhớ đến một người mà nhân gian tôn sùng như vị thánh sống “thượng thông thiên đường, hạ triệt địa phủ. (Trên thì thông hiểu thiên văn, tinh tú, dưới thì thấu biết địa lý, âm ty). Vì vậy Trịnh Kiểm sai một người thân tín đi tìm Trình Quốc Công lý giải.

Trình Quốc Công không còn ở trong Sơn môn quán, kẻ dò tìm phải mất nhiều ngày đêm vượt núi băng ngàn, đến tận núi Yên Tử, qua Thanh Hóa, đến Hải Dương với nhiều lụa là gấm vóc tưởng cầu thỉnh ý tiên sinh. Nào ngờ đi mãi theo lời đồn đãi của thiên hạ mà  chả thấy tăm hơi. Hơn mười ngày đêm gian truân tìm kiếm khắp chốn, kẻ thân tín định bụng quay về thì vừa đi ngang qua đò trên giòng sông Tuyết Giang, bỗng dưng Trình Quốc Công đứng đó chờ đợi. Kẻ thân tín của Trịnh Kiểm mừng rỡ vô cùng vội vàng dâng lụa là, gấm vóc xin thỉnh ý của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tiên sinh nghe xong thì châu mày rồi nói như thét vào tai kẻ đối diện:

“-Tìm giống cũ mà gieo mạ thì mùa màng hưng thịnh, bằng trái ý tìm lúa mới thì chẳng những thất thu mà còn bị nạn đói hoành hành suốt kiếp”. (Lời khuyên rằng hãy giữ vai trò nguyên trạng, không nên soán nghịch, nếu không thì sẽ bị tai ương).

Được kể lại tỉ mỉ về câu nói ẩn ý của Trình Quốc Công, Trịnh Kiểm ngẫm nghĩ  suốt mấy đêm trường rồi bỏ ý đồ cướp ngôi và thân hành đi tìm cháu, chắt của nhà Lê lập đại nghiệp cho chính danh.  Hành trình truy tìm hậu duệ nhà Lê cũng không mấy vất vả. Nguyên, bào huynh của vua Lê Thái Tổ là Lê Trử có một người cháu huyền tôn là Lê Duy Bang. Trịnh Kiểm bất đắc dĩ mới lập vị tân vương này với danh hiệu là Lê Anh Tông trị vì. Quyền bính lúc này hầu hết vào tay Trịnh Kiểm, mọi định đoạt tối thượng đều phải có sự đồng ý của họ Trịnh, việc đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng kể cả binh mã đều tóm gọn trong tay một người nên Vua Lê Anh Tông như thể một loại trang sức cho họ Trịnh thao túng.

Mặc dù tin lời tiên tri của Trình Quốc Công nhưng ý đồ soán đoạt ngôi thiêntử chưa hẳn đã dứt, Trịnh Kiểm ngày đêm tìm cách tốt nhất để đưa con cháu của họ Trịnh thay thế họ Lê cai trị bá tánh. Do vậy, khi nghe Quận chúa Ngọc Bảo kể câu chuyện chiêm bao vừa xong, Trịnh Kiểm nghĩ ngay đến uớc nguyện của mình và cho đó là điềm cát tường. Rồi đây cái bào thai trong bụng Ngọc Bảo sẽ trở thành Hoàng đế vì rồng vàng lượn ở trời nam đã báo hiệu cho họ Trịnh ngày mai vô cùng hiển hách.

Vừa tản sáng, Trịnh Kiểm thay đổi xiêm y đặng vào cung yết kiến Lê Trang Tông. Mục đích của cuộc yết kiến này là xin được chiếu chỉ cho Nguyễn Hoàng đặng vào Nam trấn ải Thuận Hoá. Vừa nghe tấu trình xong, vua Trang Tông cau mày tỏ vẻ không ưng thuận vì dù sao Đoan quận Công Nguyễn Hoàng cũng là một trụ tướng của triều ca. Hơn nữa, Nguyễn Hoàng không những là người hiền đức mà còn là nơi thân tình của nhà Lê thì khó mà vua đồng ý với Trịnh Kiểm.  Họ Trịnh là người hiểu tâm lý, giỏi thuyết phục, nhưng vua Lê cũng không phải là người vô trí nên vương gia đành bình tâm nghe Trịnh Kiểm phân bày:

-Phía Bắc hiện thời họ Mạc ngày đêm chiêu tập binh mã, lăm le lấy đất Lê vương. Phía Nam Chiêm thành rục rịch lấn sang biên cương lãnh địa. Bắc không phòng, Nam không thủ, thử hỏi bệ hạ ngồi đây thù tạc với kẻ tâm huyết được bao lâu? Ngai vàng là của bệ hạ, xã tắc là của hoàng triều, nếu bệ hạ không nghe những gì tấu trình thì ngày mai chớ xin hờn trách.

Nghe xong, Lê Trang Tông vội vã đứng dậy rồi cười cười nói vớt Trịnh Kiểm: -Khoan khoan! đừng nóng quá, trẫm không nghĩ như vậy. Bấy lâu nay khôi phục giang sơn họ Lê này cũng nhờ vào một tay khanh lèo lái, chuyện phòng thủ phải lưu tâm đúng mức là diệu kế xưa nay. Thôi để ta bảo Phùng Khắc Khoan soạn chiếu chỉ đặng kịp ngày Thìn giờ Thân tiến chỉ.

…Nguyễn Hoàng lăng xăng tiếp khách từ bốn phương về Long Vân quán huý kỵ Lạng Quận Công Nguyễn Uông. Vốn ăn nói hoạt bát, thông văn, thuộc sử lại nghiên cứu kỹ lưỡng về binh thư, đồ trận nên Nguyễn Hoàng rất được nể trọng, từ hàng phẩm trật cung triều cho đến kẻ ngao du sơn thủy, ai ai cũng thích cùng tướng quân đàm đạo kiếm cung. Khách đến đây không những với tấm lòng tưởng nhớ Lạng quận công Nguyễn Uông một thời hưng chấn triều đình, đốt nén hương cầu siêu cho người oan trái, nhưng  cũng là dịp mà khách tứ phương đối ẩm với Nguyễn Hoàng bàn luận kim cổ, đông tây. Chính vì vậy mà hừng đông chưa tỏ đã có kẻ lữ hành lò dò thăm hỏi Long Vân toạ lạc nơi nào.

         Long Vân quán không nguy nga đồ sộ như Ngọc Ninh Phủ, cũng không hẳn tôn nghiêm như cổ tự Linh Sơn mà ngược lại, nó khiêm tốn ẩn mình dưới hàng tre dày đặc về phía nam cung thành Lê triều vài ba mươi dặm. Long vân quán dựa lưng vào ngọn đồi thoai thoải nhìn ra giòng nước chảy về đông của con sông không tên không tuổi. Từ xa nhìn hướng tây nam, ngọn đồi nhấp nhô trên giòng sông khiến người khéo tưởng tượng thấy con rồng uốn khúc trên mây nên chẳng mấy chốc, chiếc am nhỏ của Nguyễn Hoàng thờ tự bào huynh lại mang tên Long Vân quán.

         Tục truyền, ông Nguyễn Hoằng Dụ sinh thời thích uống rượu, ngâm thơ. Vào một đêm trăng sáng, ông vào trong một cái quán ven đường với bầu rượu trên vai. Chủ quán là một ông lão châm thêm rượu cho khách đến nỗi Nguyễn Hoằng Dụ say túy lúy rồi ngủ trên chiếc chõng tre có đến mấy ngày đêm. Tỉnh ra ông thấy mình tọa vị trên phiến đá bằng phẳng, có tàng cây bao phủ như nóc nhà với cảnh trí thiên nhiên vô cùng đẹp đẽ. Từ đó ông quyết định lập nên một thư quán để kẻ mặc khách tao nhân xa gần quy tụ lại chuyện trò thế sự, uống rượu ngâm thơ. Long Vân quán ra đời thật là tự nhiên như hàng tre xanh tốt tự nguyện chở che và Nguyễn Hoàng dùng nơi ấy như một chỗ an vị hương khói bào huynh.

Sau khi Trịnh Kiểm sát hại Lạng quận công xong, thi hài của Nguyễn Uông được mai táng ở núi Ngũ Châu và thờ tự tại quán Long Vân vì Lạng quận công Nguyễn Uông chính là đích tôn của Nguyễn Hoằng Dụ.

Nguyễn Hoàng nhìn mặt trời đang xế về tây, lòng bồn chồn muốn tiễn biệt khách khứa hầu kịp đến Ngọc Ninh phủ theo lời hẹn của bào tỷ đặng dò la quyết định của Trịnh Kiểm hư thực thế nào. Ngặt nỗi, cả năm mới kỵ một lần, tứ xứ anh hùng hào kiệt sum vầy luận đàm thế thái nhân tình cùng những chuyện thiên địa phong vũ cả hồi lâu mới từ tạ ra về.

Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vừa giáp mặt chị đã thấy Ngọc Bảo tươi tỉnh  kể công: -Hoàng thượng đã hạ chỉ nội trong vòng ba ngày em phải vào trấn thủ Thuận Hoá. Rồi hạ giọng vừa đủ cho hai người nghe câu tâm sự như một thành tích lớn lao: -Chị phải thúc lang huynh em cả mấy lần mới được đó.

-Dạ vâng, xin cám ơn chị. Chuyện gì nan giải đến tay chị cũng thành dễ dàng.  Nguyễn Hoàng cười nụ như đáp lại tấm lòng của chị mà cũng là sự đắc ý khi thấy kế hoạch tẩu thoát của mình được chấp nhận để ra khỏi lãnh địa triều ca, nơi mà Nguyễn Hoàng hằng ngày bị dòm ngó theo dõi kỹ càng.

Ngoài trời chỉ còn bóng mờ của cái chạng vạng giao hòa giữa âm dương sáng tối. Nói chuyện một đổi về ngày giỗ Lạng Quận Công năm nay đông đủ thế nào, Ngọc Bảo cúi đầu như một phút mặc niệm đến người anh  tài hoa bị bức hại đặng an lòng nơi chín suối.  Nguyễn Hoàng vội vã cám ơn rồi từ giả bà chị thân yêu với mớ suy tư lộn xộn trong đầu. Viễn ảnh lờ mờ trước mặt mà chính Hoàng sẽ phải đối diện không dễ dàng như bước lên bực đá cheo leo. Nó sẽ khó ngàn vạn lần hơn vì thử thách của gan dạ cùng ý chí đối diện với thực tế hoang sơ man rợ.

-“Hoặc tối, hoặc sáng, đừng tạo cảnh lờ mờ để bóng đêm tràn lan nhận chìm tất cả vào khoảng không vô tận”. Hoàng vừa đi vừa nghĩ mông lung mà bước chân vô tình đã dẫn đến Tây cung hồi nào không biết. Tây cung là nơi thờ tự những vị tiền hiền, anh hùng liệt nữ cũng như những bậc khai quốc công thần, bên cạnh phía hữu là tự đường nơi thiết trí cung nghinh những long vị, bài vị, linh vị của Nguyễn tự đường. Nguyễn Hoàng đứng đó, trước bức hoành phi khảm xa cừ có 4 chữ “Trung Nghĩa Liêm Tiết” với sự thề nguyền phải làm tỏ mặt các đấng tiên liệt, và quyết chí mở rộng bờ cõi thẳng tiến nam phương. Nguyễn Hoàng chấp tay đảnh lễ rồi vội vàng lách mình ra dãy hành lang phía tây để hướng về nam phương trực chỉ.

Rằm tháng Ba khí trời lành lạnh, những bông lê trắng xóa nở rộ chốn hoàng cung thì Ngọc Ninh Phủ cũng bắt đầu việc tế tự Thanh Minh và đại lễ kỵ giỗ Trịnh đường tiên hiền phái. Đây cũng là nơi đặt linh vị của các bậc khai quốc công thần triều Lê đương đại. Gia nhân đang lăng xăng quét dọn trong ngoài, giẫy cỏ ngoài sân, tỉa gọn những cành quất đang trĩu trái trên các chậu sành đời Tống, kê ghế, lau bàn, chưng bình đơm quả. Người quản gia cẩn thận lấy tay quẹt vào đỉnh đồng để chứng tỏ sự sạch sẽ đến độ tuyệt đối trước khi cung nghinh chư vị thượng khách cùng quần thần Lê triều.

Trịnh Kiểm vận thanh bào có thêu những chữ Thọ tròn trĩnh từ cổ xuống chân, chiếc đai nịt màu hồng nhung có điểm vài hạt dạ châu, đôi hài tía cong vút mới thêu hình con bạch hổ trông thật oai nghiêm. Ông chấp tay sau lưng qua lại vài lần trước đại sảnh đường để kiểm tra những gì thiếu sót. Vừa bước tới trước sạp gụ cẩn xa cừ nơi làm bình phong trước bàn hương áng, họ Trịnh chợt nhớ lại điềm chiêm bao của Ngọc Bảo đã nói tuần qua, nên ông tiến thêm vài bước nữa vào trong điện thờ các vị khai quốc công thần. Nhìn qua rồi nhìn lại, dường như không thấy một cái gì, Trịnh Kiểm trầm ngâm rồi tự vấn một mình :

-Ủa, cái long vị thờ Hữu Vệ Điện Tiền Tướng Quân An Thành Hầu đặt đâu rồi nhỉ ?

-Ủa, sao lạ vậy à ? Trịnh Kiểm rướn mình nhìn sâu bên trong, cả cái lư hương cũng biến đi mất !. Như một linh tính thoáng trong đầu óc hoài nghi, Trịnh Kiểm vội vã quay ngược lại rồi nghĩ sao lại tiến thẳng vào nội cung khi vua Trang Tông chuẩn bị yết triều.

Nghe bước chân có vẻ khẩn cấp, vua Lê vừa nhìn ra thì đã nghe cao giọng của họ Trịnh :

-Khải bẩm hoàng thượng, hạ thần vừa suy nghĩ lại, rằng không nên tiến chỉ Nguyễn Hoàng trấn thủ phương nam. Xin bệ hạ thu hồi chiếu chỉ, bắt Nguyễn Hoàng trở lại triều ca gấp gấp. Trịnh Kiểm đang nghi ngờ những hành động ám muội của Nguyễn Hoàng nên mới hồ đồ, bốp chác như vậy, chứ bình nhật thì họ Trịnh một mặt ra chiều cung cúc nhà vua rất phải phép. Nghe xong thì Lê Trang Tông hơi nhíu mày, khó hiểu bèn nêu thắc mắc :

-Tướng công mới vừa đề nghị rồi nay cũng tướng công  khẩn khoảng triệu hồi. Việc trấn giữ phương nam cũng vô cùng quan trọng, nếu không đưa Nguyễn Hoàng cai quản thì ai xứng đáng để trông nom thay thế ?

Bị hỏi đột ngột, Trịnh Kiểm chưa chuẩn bị nhân sự trong đầu thì từ ngọ môn, võ quan Hoàng Đình Ái xăm xăm bước tới, Trịnh Kiểm như mở cờ trong bụng liền ứng đáp lập tức:

-Phía nam có tả tướng quân Hoàng Đình Ái thì hợp cách vô cùng !

Vua Trang Tông dường như cũng hiểu ra một điều bất tường nào đó cho Đoan quận công Nguyễn Hoàng mà cái chết tức tử của Lạng quận công Nguyễn Uông cũng chưa phôi pha. Đang tìm cách cứu nguy Nguyễn Hoàng thì Hoàng Đình Ái không kịp chờ đến buổi yết triều mà quỳ trước long đường tấu trình :

-Khải tấu hoàng thượng! hạ thần vừa được cấp báo, phía bắc Mạc Đăng Doanh vận chuyển binh mã đang tấn công vào vùng đất giáp giới kinh thành. Xin bệ hạ thiết triều thảo luận phương pháp đối địch ngay tức khắc.

Thật ra từ ngày Lê Duy Ninh lên ngôi hiệu là Lê Trang Tông thì đêm đêm quân nhà Mạc phía bắc tìm mọi cách tiêu diệt nhà Lê. Dù đến đời Mạc Đăng Doanh thay cha trị quốc nhưng nhân tâm và hàng sĩ phu vẫn hướng vọng về tôn thất nhà Lê. Vì vậy mà họ Mạc đã bao phen đánh úp đều bị nhân dân tình báo khai trình nên nhà Lê đã kịp thời cảnh giác, canh phòng. Vừa nghe Hoàng Đình Ái tâu trình như thế, và vị vương đang lo đến an nguy của Nguyễn Hoàng nên dùng kế hoảng binh mà Vua liền phán :

-Lổ rò phải đắp gấp để giữ ruộng nước nuôi lúa. Chuyện phương nam tạm thời để cho Nguyễn Hoàng lo liệu, sau khi ổn định xong thì triệu hồi cũng chưa muộn. Theo ta thì phương bắc cần kíp hơn, sẳn đây ta hạ lịnh cho võ tướng Hoàng Đình Ái chuẩn bị binh lương nội nhật hôm nay tấn binh trừ khử bọn giặc Mạc. Xoay qua Trịnh Kiểm đang phân vân suy nghĩ, nhà vua vặn hỏi :

-Tướng quân, ý ta như vậy có hợp với binh thư đại pháp hay không, tướng công có thiện ý nào nữa chăng ? Trịnh Kiểm cũng hơi ngần ngại nhưng vì chưa tìm ra lý lẽ minh bạch nên cũng du di :

-Tâu bệ hạ, tạm thời như vậy cũng được nhưng đồng thời tìm nhân tuyển thay thế để triệu hồi Nguyễn Hoàng về cung càng sớm càng tốt.

Nhà vua mĩm cười lấp lững : -Hay lắm, thôi để cho Hoàng Đình Ái dẹp xong bọn giặc họ Mạc rồi công cử vào Nam thay thế cũng chẳng muộn màng…

Cực chẳng đã, Trịnh Kiểm gục đầu hài lòng mà tâm tư vẫn còn ấm ức. Giờ này thì Trịnh Kiểm mới tự trách sự sai lầm của mình để cho hổ về rừng mọc cánh. Buổi thiết triều hôm đó chẳng có sự hiện diện của Trịnh Kiểm nên không khí khá hòa nhã, thân thiện, vua tôi luận bàn thế sự mà vui vẻ như đêm ba mươi tết.

 Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng.   

*****

THĂNG HOA CUỘC ĐỜI

Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng

Kỳ 51: Trịnh Nguyễn Phân Tranh

Thoát khỏi sự kiềm chế của Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng dẫn gia nhân tùy tùng và một ít binh lính già nua yếu đuối vào trấn nhậm đất Thuận Hóa. Nghe danh Nguyễn Hoàng là người nhân đức, hiền lương và khiêm tốn, nhân dân cũng gồng gánh xuôi nam nên buổi ban sơ khai khẩn đất đai chừng hơn trăm người ôm nhau sinh sống nơi sơn lam chướng khí.

Vốn thông minh, cần cù Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng xem dân như anh em ruột thịt, đối đãi nhau dùng lễ làm đầu nên buổi bình minh của vùng Thuận Hoá lần lần được khai khẩn cho hoa màu và cây trái xanh tươi. Dù thân làm tướng nhưng Nguyễn Hoàng vẫn còn ôm hận vì họ Trịnh giết anh thì ít mà mưu đồ soán đoạt ngôi vua và lấn áp triều đình thì vô cùng to lớn. Biết rằng đại nghịch bất đạo cần phải khử trừ nhưng binh lực họ Trịnh quá mạnh và triều ca lúc này thường phò thịnh chứ chẳng ai buồn ngó đến phò suy. Khi tiến về  nam phương lập nghiệp, Nguyễn Hoàng đã vào từ đường thỉnh bát nhang và bài vị phụ thân theo cùng; như y lời của Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thì sự nghiệp ra đi hết mong ngày trở lại nơi chôn nhau cắt rốn.

Năm Ất Dậu (1558) thiên mệnh như dành sẵn xứ Thuận Hóa cho Tiên Chúa Nguyễn Hoàng, thuộc giòng họ Nguyễn làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, Thanh Hóa. Thúc dục Tiên Chúa dùng Thuận Hóa làm bàn đạp, tiếp bước cha ông, dẫn người Việt đi tiếp đoạn đường trường chinh về phương nam mở rộng cõi bờ.Đất Thuận Hóa hoang sơ như thời tiền sử, không người canh tác, khai khẩn nên sơn lam chướng khí bao quanh càng khiến lòng người mới định cư hoang mang, xao xuyến. Nhưng sự quyết chí của Nguyễn Hoàng, cộng thêm tình người yêu thương gắn bó buổi ban sơ đã xây dựng nên những xóm làng yêu thương, trù phú. Dãy trường sơn trùng trùng điệp điệp như cái xương sống trên vùng đất phía tây đã nẻ ra một dãy Hoành sơn ăn ra tận biển đông chưa có dấu chân người lai vãng. Thú dữ hùm, beo, cọp, sói đã là những chướng ngại nguy nàn khiến không biết bao nhiêu sinh linh mất mạng. Đoàn người đi suốt ngày đêm, cái hừng khí ban đầu tiêu tan thay cho sự chán nản, muốn quay lại kinh thành đô hội, Nguyễn Hoàng an ủi vỗ về và quyết định hạ trại bên giòng sông Hương nơi đất Phú Xuân với bình nguyên bát ngát.

Tấm lòng rộng mở đón chào những hùng anh kiệt hiệt tứ phương của một người đầy đức độ như Nguyễn Hoàng thì chẳng mấy chốc đất Thuận Hóa tràn ngập nhân sĩ; lại nữa đất mới đãi người cần cù nên sau một vụ mùa mà lúa thóc kê đậu dư dả đến nỗi kho độn chất đầy. Dù làm tới tước Quận công nhưng Nguyễn Hoàng ăn bận giản dị, năng nổ cùng người dân cày sâu cuốc bẫm nên danh lừng bốn bể khiến sĩ phu Bắc Hà bất mãn với họ Mạc và chán ghét họ Trịnh chuyên quyền vội tìm vào nam theo Nguyễn Hoàng càng ngày càng đông đúc.

Nhân dân được vỗ về an ủi trong cảnh thái bình với đất rộng, người thưa; thêm vào đó thì sự khai thác về nông nghiệp, lâm nghiệp và hải sản quá ư ưu đãi bởi thiên nhiên nên chẳng mấy chốc mà Thuận Hóa thành khu trù mật khiến Trịnh Kiểm lo ngại khôn nguôi. Lê triều đã có đôi phen triệu hồi mà Nguyễn Hoàng xem chừng như không cần đá động trong khi đất phương Nam cứ thế tiến sâu đầy hoa màu mà bờ cõi cũng một phen mở rộng.

Về phương bắc thì lòng người chán nản sự thoán đạt ngôi vị của nhà Mạc, phần vì sĩ phu, danh tướng của Lê triều cám cảnh nhân tình bị nhà Trịnh bắt nạt chèn ép, kinh tế suy vi, chiến tranh dai dẳng nên càng ngày càng có nhiều nhân tài tìm cách vào Thuận Hóa theo Nguyễn Hoàng lập nghiệp, góp ý xây dựng giang sơn. Những tay anh chị hoàn lương cũng vào nam lập nghiệp mà chẳng mấy chốc đất Thuận Hóa nổi tiếng là trù phú sung túc, hấp dẫn bao thế hệ làm cuộc nam tiến để đổi đời.

Trịnh Kiểm ngồi ở phủ chúa mà lửa đốt tâm can, phần vì chống đở giặc phương bắc do Mạc Đăng Doanh đánh úp, quan quân bất phục rã rời, lòng người than oán tột độ mà vua Lê Trang Tông cũng không mấy can trường, quá nhu nhược nên dân chúng bất mãn dẫy đầy. Tin tức về Nguyễn Hoàng chiêu dụ nhân tài, tích lương luyện mã nên Trịnh Kiểm hối thúc vua Lê triệu Nguyễn Hoàng hồi cung thay thế, nhưng tin đi mà chẳng hồi âm, Nguyễn Hoàng cứ phớt lờ lo củng cố binh lực chống trả.

Sông Linh Giang (còn gọi là sông Gianh thuộc địa phận đèo ngang tỉnh Quảng Bình) cứ lặng lờ trôi nhưng giang sơn nước Việt không dễ thông thương giữa đôi bờ ranh giới. Họ Nguyễn đã ra mặt chống đối họ Trịnh, Trịnh Kiểm xưng chúa thì họ Nguyễn cũng được nhân dân tôn lên làm chúa. Chúa Trịnh đàng ngoài và chúa Nguyễn đàng trong. Một nước có một vì vua: Lê triều; đôi bên cũng giương cờ nhân danh phò Lê diệt kẻ tham tàn.

Năm 1527 Mạc Đăng Dung giết vua Lê Chiêu Tông để tự lên làm vua truyền được năm đời (Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp, Mạc Toàn) thì sự trung hưng của nhà Lê khởi sắc. Nhà Mạc tuy cũng xưng vua nhưng phải bỏ kinh thành Thăng Long mà chạy về Hải Dương rồi tiến lên Lạng Sơn, Cao Bằng nương náu. Đất nước một phen tan hoang, dân chúng ở vùng nào thì bị những kẻ thao túng quyền hành tự tung hành xử như những con cờ trong tay kẻ mạnh. Chiến tranh như lò sát sanh, con cờ ấy được quăng ra chiến trường để sống chết vì một giòng họ mà đất nước tức tưởi cưu mang.

Ai cũng trải qua con đường sanh tử, Trịnh Kiểm có gian hùng hay lương thiện thì cũng chỉ hết một kiếp nhân sanh, năm 1570 thì Trịnh Kiểm qua đời và con trai tên là Trịnh Cối lên thay. Cối là người chất phát, ít mưu lược, không có lập trường nên ai nói gì tin nấy, thích ngâm thơ đọc văn mà chán ghét việc luyện cung tập kiếm nên chẳng bao lâu quyền hành binh lực dần dần về tay Trịnh Tùng, một con người đầy mưu mô xảo quyệt, lập bè lập đảng, lấn áp triều ca, hại kẻ trung thần tiến cử người xu nịnh nên ai ai cũng oán ghét. Lúc bấy giờ vua Lê Anh Tôn đang trị vì thấy kẻ nịnh thần hùa theo Trịnh Tùng, ức hiếp hoàng cung nên lo ngại vô cùng, vương bèn tìm cách họp bàn tính kế với các trung thần còn ít ỏi trong triều, nào dè Trịnh Tùng biết được bèn áp dụng kế sách “tiên hạ thủ vi cường”, ngang nhiên vào cung giết chết Anh Tông rồi lập hoàng tử Duy Đàn lên ngôi vua lấy hiệu là Lê Thế Tôn.

Lòng dân đang hoang mang vì sự việc phế đế làm cho sơn hà cứ thay ngôi đổi chủ, thấy vậy họ Mạc đang ở phương bắc định khởi binh diệt Lê, trừ Trịnh. Trịnh Tùng được mật báo nên vội vã kéo toàn lực binh mã, giương cờ chính nghĩa “phù Lê trung hưng” nên sau mấy ngày đêm Bắc tiến, Trịnh Tùng đã tiêu diệt được toàn bộ binh lực họ Mạc. Dĩ nhiên nhà Mạc phải suy vi vì nhân quả báo ứng, nhưng cũng vì thế mà binh lực của Trịnh Tùng lại quá sức kiêu căng, càng ngày càng làm cho dân chúng muôn phần căm phẩn. Vua Lê Thế Tôn đang ở trong ngôi vị mà nhất cử nhất động đều bị sự giám sát của Trịnh Tùng, quyền hành đối nội, đối ngoại đều phải được thông qua bởi thủ hạ của họ Trịnh nên ngày qua ngày, kẻ trung thần tìm cách ẩn thân mặc cho phe dua nịnh cúc cung tâng bốc, vì vậy mà Tùng tự xưng ngôi vị Chúa Trịnh, vai vế hàng thứ hai, nhưng thực tế thì Trịnh Tùng soán đoạt tất cả quyền hành.                              

            Được tin bất tường như vậy thì phía nam dãy Hoành Sơn, đêm hôm ấy, Nguyễn Hoàng bí mật cùng người hầu cận tìm gặp ẩn sĩ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tham vấn, khí trời tiết thanh minh dìu dịu trong ánh trăng mờ mờ khuất dưới hàng dương liễu, Trạng Trình ngắt một đóa phù dung còn đọng sương khuya rồi nhìn vào đó mà ngâm bài kệ:

“-Hà thời biện lại vi vương.

Thử thời bắc trận, nam trường xuất bôn.

Chim bằng cất cánh về đâu?

Chết tại trên đầu hai chữ quận công.

Bao giờ trúc mọc sang sông.

Mặt trời sẽ lại đỏ hồng non tây.

Đoài cung một sớm đổi thay.

Chấn cung sao cũng sa ngay chẳng còn.

Đầu cha lộn xuống chân con.

Mười bốn năm tròn hết số thời thôi.!” (Khi nào có biện lại làm vua thì Bắc Lê Trịnh phải dứt mà Nam Chúa Nguyễn cũng phải tìm đường mà chạy. Nguyễn Hữu Chỉnh ví mình với chim Bằng tức Bằng Trung Công bị giết. Tôn Sĩ Nghị bắc một cái cầu nổi bằng tre vào Thăng Long nên  Nguyễn Huệ mới xưng Quang Trung Hoàng đế (1788), dẫn quân ra Bắc để đánh đuổi quân Tàu. Ðoài cung là phương tây, ám chỉ Nguyễn Huệ thình lình bị chứng huyết vận chết vào năm (1792). Và chữ Quang có chữ Tiểu trên thì vua Quang Toản có chữ tiểu phía dưới, tất cả làm vua được 14 năm)

Làn gió mang hơi lạnh từ núi Yên Tử hắt vào tấm áo bào mỏng manh của Nguyễn Hoàng, ông vội vă bái chào từ tạ người ẩn sĩ, âm thầm nhẫm đọc những lời ngâm nga của tiên sinh rồi cùng kẻ hầu cận quất ngựa về chốn thành đô trước khi mặt trời ló dạng. Vừa ngồi vào bàn viết, ông đã dùng bút lông viết vào tờ giấy đỏ những lời sấm ký để lúc rảnh rỗi mà suy gẫm ý nghĩa nhiệm mầu ứng hiện ra sao trong những ngày sắp tới.

Mặt trời đỏ rực phản chiếu ánh sáng hừng đông trên mặt nước sông Linh Giang ngày đêm êm đềm trôi chảy. Sáng hôm đó nhân ngày rằm tháng Ba, Nguyễn Hoàng lập tức đăng đàn bái tướng, xưng là chúa phương nam, trấn đóng Thuận Hóa, giương cờ chính nghĩa “diệt Trịnh phù Lê”. Con cháu Lạc Long Quân và Âu Cơ giữa hai bờ sông Linh Giang tự dưng trở thành  đối nghịch bởi từ đây đôi ngả phân ly, kẻ Bắc thuộc cơ ngơi Chúa Trịnh cũng treo cờ dóng trống phù Lê, người Nam thuộc biên cương chúa Nguyễn tự nhận mình có trách nhiệm diệt Trịnh phù Lê, tưởng rằng ngày một ngày hai non sông sẽ thu về một mối, nào ngờ đâu thù hận sâu dày, sông Linh Giang làm mốc ngăn tường để hai họ Trịnh Nguyễn phân tranh, lôi cuốn cả dân tộc vào vòng tranh chấp, muôn dân đồ thán, kinh tế eo xèo, tình người nghi kỵ và nền văn hóa bể thành những mảnh vụn của cục bộ, ly khai.

Trong tình thế đối đầu sống chết, cả hai họ đều tìm cách củng cố quyền hành, khai khẩn đất hoang, chiêu hiền đãi sĩ, chuẩn bị binh lực, cầu cạnh thông thương cùng lâng bang kể cả việc chiếm đất những quốc gia phương nam như sách lược bành trướng lãnh thổ. Phía bắc, sau khi diệt được họ Mạc, chúa Trịnh tìm cách lân la với nhà Minh bên Tàu để làm chỗ dựa vững chắc cho công cuộc chống Nguyễn phía đàng trong. Nguyễn Hoàng cho đắp lũy Trường Dực tại Phong Lộc trên dòng sông Nhật Lệ, Đồng Hới còn được gọi là lũy Thầy để chận đứng cuộc tiến quân từ bắc phương, song song với sự chuẩn bị quốc phòng đầy nghiêm mật, các chúa Nguyễn kế tiếp lấy nước Chiêm Thành và Chân Lạp để mở rộng bờ cõi về phuơng nam. Suốt cuộc phân kỳ có đến bảy lần giao chiến giữa nam và bắc, vẫn không chiến thắng và chiến bại giành cho chúa nào ở đàng ngoài lẫn đàng trong nhưng chắc chắn một điều đớn đau cho cả dân tộc với cuộc nội chiến đầy phi lý chỉ vì cái bản ngã quá to đầy tham vọng, vị kỷ và thù hận của hai họ Trịnh Nguyễn gây ra.

Dòng sông Linh Giang cứ thế lặng lờ trôi trên hai trăm năm, người dân Việt hai miền nam, bắc tưởng chừng như hai quốc gia biệt lập đối đầu. Những sĩ phu ưu thời mẫn thế chỉ biết đốt hương khấn nguyện đất trời cho một vị minh vương xuất hiện, niềm tin về vua Lê không còn giá trị mà đối với chúa Trịnh, chúa Nguyễn cũng chỉ là những kẻ thời cơ, hồn dân tộc như âm dương cách trở; nghĩa đồng bào như sớm nắng, chiều mưa. Triều Lê hưng suy bởi sự thạnh suy của đất nước, chiêu bài phò Lê lạc lẽo như nước ốc lạnh tanh… May thay, dù vật đổi sao dời trên hai thế kỷ mà ngôn ngữ trần gian của dân tộc Lạc Hồng vẫn còn nguyên vẹn, du dương huyền nhiệm như thuở khai thiên, và rồi lời khấn nguyện linh thiêng cũng có lần ứng hiện, ban mai đây khi ánh dương tưng bừng khắp chốn thì biết đâu xuất hiện những bậc kiệt hiệt hùng anh vì đại nghĩa dân tộc mà xông pha trận mạc quyết một lòng thống nhất giang sơn hầu nam bắc quy về một mối.

 Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng

error: Content is protected !!