VĂN: THƯ GỬI CHỊ- NGỌC HẠNH
Chị yêu thương,
Hôm nay vùng HoaThinh Đốn nắng vàng rực rỡ, ấm so với tuần trước
trời am u và lạnh, chẳng ai muốn ra khỏi nhà nếu không có việc
cần. Những khóm hoa daffodill khoe màu vàng tươi hay màu trắng xinh
đẹp. Đào, mai, các loại hoa khác trong xóm và dọc theo đường đi đầy
hoa, chẳng thấy lá. TV cho biết hoa đào ở Tidal Basin, thủ đô Hoa Kỳ
đang nở rộ. Năm nay đào ra hoa sớm có lẻ nhờ mấy hôm trời ấm. Cây
trong vườn bắt đầu nhú nụ và lá non. Cảnh vật thật dễ thương và khí
hâu ôn hòa. Ra đường không cần phải mặc áo khoác dày hay mang
ủng cao nữa.
Em càng vui hơn khi vào nhà mở laptop thấy điện thư chị. Đã lâu không thấy chị xuất hiện trên diễn đàn mọi người cũng lo. Niềm vui không kéo dài và em ngạc nhiên khi chị cho biết không được khỏe, hay phiền muộn và mắc bệnh trầm cảm dù có anh ân cần yêu thương săn sóc. Thưa chị vào tuổi chị ốm đau chút ít không sao tránh khỏi nhưng em không hiểu được khi chị cho biết chị bị bệnh “trầm cảm”. Em đồng ý với chị em là chị được Thượng Đế ưu đãi, có mọi thứ người đời ước mơ: xinh đẹp, tiền tài, có người bạn đời hết lòng yêu thương chiều chuộng, các con thành đạt và hiếu thảo…
Thưa chị theo em có người ao ước được một phần của chị là hạnh phúc rồi thi dụ như nhan sắc hay tiền tài. Ngoài ra chị còn sáng tác văn, thơ, được anh chị em hết lòng thương mến vi chị dịu dàng, hòa nhã với mọi người.
Theo em chị không có lý do để “trầm cảm” , chị được rất nhiều ơn phước so với những người cùng tuổi, cùng trình độ với chị. Không cần đâu xa trong nhóm 9 anh chi em chúng ta, 4 ngườì phải sống lẻ loi do bạn đời sớm ra đi, có người mới góa bụa, có người một nửa ra đi hàng mấy chục năm trước. Nếu chị hắt hơi sổ mũi có anh quan tâm thăm hỏi nhưng những người không có bạn đời bên cạnh, con cháu ở xa thì ai là chăm nom khi đau ốm. Quý vị ấy phải tự lo cho bản thân mà thôi. Có người còn phải chăm sóc chồng ốm đau bệnh tật. Chị tưởng tượng những người đơn thân, sống cu ky một mình, dù con cháu bên cạnh, cũng lẻ loi. Con cháu đâu có thì giờ nghe bà già tỉ tê tâm sự. Ai là người cùng “xem hoa nở hay chờ trăng lên”. Khi các con trưởng thành có gia đình, có tổ ấm riêng tư, không mấy cô, cậu chịu sống chung với
cha mẹ nhất là ở các xứ tự do. Vả lại cha mẹ cũng không muốn ở chung với con, mất tư do của người trẻ tuổi. Thường xuyên thăm viếng nếu ở gần, điện thọai trò chuyện nếu vì công việc làm ăn cô cậu phải định cư tiểu bang khác. Sống tử tế, có nghề nghiệp tốt đẹp cũng đủ làm cha me vui lòng rồi.
Em như các anh chị em khác, mong chị mãi binh an và hạnh phúc. Ước chi em là chuyên gia tâm lý hay bác sĩ để giúp chị khỏi bệnh trầm cảm hoặc khi đau ốm. Nhân tháng tư sắp đến, ngày đổi đời của đồng bào miền Nam, em xin kể chuyện ngày xưa của người quen thân trong gia đình, mong chị giải trí, khuây khỏa chốc lát.
Nếu nói tên có thể chị biết vì chị X cũng là dược sĩ như chị, tuy it tuổi hơn, nên em không cho biết tên thật. Anh X chồng chị ấy là Y sĩ trưởng bệnh viện miền Tây. Chị X bỏ việc ở Saigon , theo chồng về miền Tây, đứng tên cho nhà thuốc trong thành phố gần bệnh viện. Dân chúng miền Tây hiền lành,chất phác, đời sống dễ dàng, thực phẩm, trái cây tươi ngon, tôm cá dồi dào, trường học tốt. Lúc đầu anh chị định sống tạm, làm việc ít lâu rồi trở về thủ đô, nơi có ông bà Nội, Ngoại các cháu cư ngụ. Nhưng sau thời gian làm việc với các bác sĩ, nhân viên y tế và văn phòng, sự chân thật, khả năng, tinh thần trách nhiêm của họ làm anh cảm tình và quyết định chọn miền Tây nước ngọt, đất đai phi nhiêu làm quê hương. Anh chị mua ngôi nhà xinh đẹp từ cuối nắm 1973. Cuộc sống yên lành cho đến tháng 4 năm 1975 mọi việc thay đổi. Anh bị đi cải tạo, nhà nước đổi tiền, ai cũng nghèo, bo bo thay cho cơm trắng gạo ngon, thịt cá hiếm hoi trong bửa cơm hằng ngày:
Đang là Bác sĩ thành tù nhân
Chuyên khoa tài giỏi chẳng ai cần
Xa đàn con dại vợ thân mến
Đốn củi chặt tre phải thực hành…
Khi tình hình đổi thay nghiêm trọng, các cố vấn Mỹ cho biết họ đã dành chỗ gia đinh anh nếu anh muốn đi Mỹ. Bố Mẹ anh chị đều là người Bắc di cư, nhưng các cụ tùy anh quyết đinh. Anh nghĩ thời đại nào cũng cần thày thuốc nhất là những năm chiến tranh, miền Bắc không có thì giờ và phương tiện đào tạo những bác sĩ chuyên khoa nhưng anh lầm. Sau khi bệnh viện bị tiếp thu, anh và một số đồng nghiệp bị đưa đi cải tạo. Nhà thuốc chị đứng tên cũng bị nhà nước tiếp thu. Chị vẫn làm việc nhưng là công nhân viên, lương mấy chục một tháng. Anh chị 6 con, đứa bé nhất khoảng 2 tuổi. Các cháu cách nhau vài tuổi nên trước kia nhà có 3 người
giúp việc kể cả chị bếp.
Anh đi cải tạo, chị đi làm việc, các con nhỏ cần người đưa đi học và trông nom săn sóc. May mắn anh chị có chị bếp lâu năm,siêng năng trung hậu,rất thương mến các em. Lương chị X vài chục một tháng nên chị cho người giúp việc nghỉ bớt. Chị bếp tình nguyện ở lại đến khi ở cải tạo anh về rồi tính sau. Với mọi người chị bếp là bà con. Thời gian ấy không ai dám thuê người làm. Vì là công nhân viên nhà nước nên cái nhà to, đẹp anh chị không bị tịch thâu nhưng các vật dụng , bàn ghế, món gì có giá đều bán đi dần để có tiền đi chợ…
Gần 2 năm sau anh được thả nhưng không được trở về nhiệm sở cũ. Bằng mọi giá anh vượt biên dù các con còn nhỏ. Anh chị mang hết các con theo tuy biết cuộc hành trình nhiều nguy hiểm. Nếu chết thì cả nhà cùng chết. Chiếc thuyền nhỏ chở khoảng hơn 40 người gồm gia đình các y, dược sĩ và số ít sĩ quan, toàn những người liều mạng, đi tìm tự do..Có một người chỉ là hạ sĩ quan nhưng giỏi máy móc và đáng tin cậy đươc đi để trông coi máy tàu. Anh mang vợ con theo miễn phí, khỏi đóng góp tiền bạc chi cả. Chuyến đi tưởng là nằm trong bụng cá nhưng may mắn thành công, đến Thái Lan. Sau cùng anh chị được định cư ở Mỹ nhờ có người
bà con bảo lãnh. Mới đến Mỹ chị X đi làm teller toàn thời gian bằng xe bus ở ngân hàng, về nhà còn lo cơm nước để anh đi học lại lấy bằng Bác sĩ. Các con đi học về đứa lớn trông đứa nhỏ, em bé nhất đi mẫu giáo. Cả nhà ở chung với bà chi thời gian đầu.
Khi anh học xong và xin được việc làm, chị đi học lại để lấy bằng hành nghề Dược Sĩ. Trường cách nhà 3 tiếng, chị phải ở trọ chỉ về nhà những ngày cuối tuần. Chị gầy đi nhưng không bệnh và cũng chẳng phàn nàn. Tuy cực thân như khỏe cái đầu, anh nói thế. Anh chỉ tiếc là do quyết định sai lầm làm khổ lây vợ con. Tuy nhiên trời thương, gia đinh còn đầy đủ trong cuộc hành trình khó khăn, thiếu thốn và nguy hiểm. Cậu Út bé nhất cũng bình an khi đi đường. Anh cho biêt tuy cực nhưng so với lúc đi cải tạo thật chẳng thấm vào đâu.
Thưa chị, cùng là dược sĩ nhưng chị thong dong ở ngoại quốc, của cải không bị mất vì anh làm việc nước ngoài trước năm 1975. Ngoài ra lúc nào anh cũng bên cạnh chị còn người quen em thì phải nuôi chồng trong tù. Đến xứ tự do phải đi còn học dược trở lại tuy thời gian ngắn hơn, mới được hành nghề. Có thể chị chưa bao giờ đi học đi làm bằng xe bus lúc trời nắng nóng nực hay khi tuyết rơi lạnh lẽo như bạn em và chưa bao giờ nuôi người thân bị tù.
Chị yêu thương, theo em so với người cùng học lực, chị thật khỏe như thần tiên, dù ngày nay các con của anh chị X đều thành đạt nhờ nhà nước Hoa Kỳ tạo điều kiện dễ dàng. Sáu người con đã có 5 người theo nghiệp cha làm bác sĩ, chỉ một người theo nghề Mẹ làm dược sĩ. Các cháu học giỏi nên được học bổng, anh chị không tốn kém nhiều. Tuy nhiên anh X đã qua đời hơn 10 năm rồi. Chị X sống mình một dù các con đều nhà cao cửa rộng. Chị không muốn phiền các con nên chỉ ở gần mà không ở chung.Tiếc là quê hương chúng
ta lại mất thêm những người trẻ tuổi thông minh, ưu tú…
Thưa chị mấy ai sống đời đời và có bao nhiêu người tránh khỏi phiền muộn trên thế gian.
Theo em chị là con cưng của gia đinh và của…ôngTrời luôn. Mong chị quẳng gánh lo đi, sống vui và sống khỏe để anh và những yêu mến chị được an lòng.
Cầu xin ơn trên ban phước lành cho anh chị và tất cả đồng bào chúng ta, ở quê hương cũng như hải ngoại…
Thương chi rất nhiều.
TB: Em có mấy câu văn vần tặng chị và quý độc giả:
CHỊ TÔI
Xuân về nắng ấm xuyên cành lá
Mai, đào nở rộ trước sân nhà
Chị hiền thân mến than đau ốm
Trầm cảm không vui lúc tuổi già
Cao tuổi chị tôi vẫn mặn mà
Đẹp xinh, quyến rũ và duyên dáng
Chồng yêu bạn quý con thương mến
Chúc chị an vui, hạnh phúc nha
Ngọc Hạnh