THĂNG HOA CUỘC ĐỜI – Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng | Kỳ 54: Ba Anh Em Tây Sơn Vương
THĂNG HOA CUỘC ĐỜI
Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng
Kỳ 54 Ba Anh Em Tây Sơn Vương
Nói về Nguyễn Nhạc xử dụng Đông cung Nguyễn Phúc Dương với ý đồ tóm thâu đất Phú Yên khi quân chúa Nguyễn đánh lấn ra, ngoài phía Bắc lại bị Hoàng Ngũ Phúc ép vào, với tình thế lưỡng đầu thọ địch ấy, Nhạc cốt ý gã Thọ Hương cho Đông Cung để an bề chống đỡ phía nam và Nguyễn Nhạc đóng vai cha vợ hòng dụ lòng tin của Tống Phúc Hợp đang khai chiến; nhưng giờ đây sau khi thắng trận và lấy được đất Phú Yên, Nguyễn Phúc Dương mới biết mình bị lợi dụng và định trốn thoát vào Nam đặng mưu đồ nghiệp bá.
Biết được ý định như vậy, Nguyễn Nhạc lập tức cho quân lính bắt giam Nguyễn Phúc Dương tại chùa Thập Tháp gần thành Đồ Bàn rồi chọn ngày lành tháng tốt đặt hương án cáo yết thiên địa tự xưng là Tây Sơn vương nhằm vào năm Bính Thân (1776).
Nguyên chùa Thập Tháp Di Đà được một vị Hòa Thượng họ Tạ húy là Nguyên Thiều từ xứ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung quốc đến lưu trú và xây dựng vào năm Quý hợi (1683) đời vua Lê niên hiệu là Chánh Hòa trên gò đất có mười ngôi tháp Chàm. Đây là ngôi chùa cổ nhất thuộc dòng Lâm Tế, với tổng thể hài hòa, tôn nghiêm, cổ kính. Chùa tọa lạc trong vườn cây cổ thụ; quanh năm đắm chìm trong mầu xanh của ao đầm, cây cỏ sum suê, chim muôn cầm thú ríu rít bốn mùa; phía bắc có con sông Kôn uốn lượn qua dòng nước chảy trong veo. Thành Đồ Bàn của Chiêm Thành ngày xưa nằm ở phương nam đã xây nên mười ngôi tháp án ngữ phía bắc, vì vậy khi Hoà Thượng Nguyên Thiều xây dựng ngôi tam bảo nơi đây thì tên chùa gắn liền với danh lam Thập Tháp.
Nguyễn Nhạc cũng không nỡ giết con rễ của mình, vua chỉ giam lỏng ở khuôn viên chùa Thập Tháp đặng chờ ngày bành trướng thế lực. Tây Sơn vương cần mở mang thanh thế bèn sai bào đệ của mình là Nguyễn Lữ cầm binh tiến chiếm đất Gia Định. Vâng lịnh vương huynh, Nguyễn Lữ đem theo bốn chục thớt voi, một đội kỵ mã, bốn chục chiến thuyền và tám ngàn quân tinh nhuệ tiến binh vào phương nam.
Đường sá gập ghềnh lên đồi xuống thác cheo leo, tới Diên Khánh quân binh của Nguyễn Lữ không thể tiến thêm được nữa, ông ra lệnh hạ trại nghỉ tạm một vài đêm rồi nhân đó dân địa phương tại Diên Khánh hiến kế bán ngựa mua thuyền đi đường thủy vào Gia Định thì tiện lợi hơn.
Nghe xong, Nguyễn Lữ cho là hữu lý bèn mướn tất cả ghe thuyền của dân địa phương làm chiến thuyền xuôi gió tiến vào nam. Đường thủy lách vào các sông ngòi nơi đất mới thật chằng chịt, nhiêu khê nên phải mất mười lăm ngày đêm thuyền bè mới đến chân thành Gia Định. Lúc bấy giờ quan quân đang phò Định Vương Nguyễn Phúc Thuần tức là Duệ Tân nhà chúa Nguyễn rất lơ là, do đó Nguyễn Lữ đã đem quân vây hãm thành Gia Định suốt trong năm ngày đêm rồi dùng cảm tử quân phá thành tấn công.
Uy danh của quân Tây Sơn bắt đầu vang dội khắp nơi qua trận chiến giữa Nguyễn Huệ thắng Tống Phúc Hợp lấy đất Phú Yên, nên khi thúc thủ trong thành, quân binh của Nguyễn Phúc Thuần đã hoảng sợ với chiến công đó cộng thêm sự hò hét, thuyết phục và hù dọa của quân lính Nguyễn Lữ, rốt cuộc thành Gia Định đã dễ dàng thất thủ và lọt vào tay của nhà Tây Sơn.
Chiếm xong Gia Định thành, Nguyễn Lữ cho quân binh gom góp tất cả của cải, châu báu, chiến lợi phẩm, đồng thời bổ sung binh mã đầy đủ rồi giương buồm trở về mà lại không cắt cử quan quân ở lại giữ thành. Nguyễn Huệ được tin chiến thắng từ đội quân của em trai mình nhưng lại không giữ thành liền nảy ra một ý nhằm phân hóa thế lực của chúa Nguyễn bèn cách bày mưu cho Đông cung Nguyễn Phúc Dương trốn thoát vào Gia Định thành.
Tướng Lý Tài trước kia theo giúp Nguyễn Nhạc nhưng sau đó phản phúc theo hàng quân chúa Nguyễn, phò tá cho Đông Cung vào Gia Định để gây áp lực với Duệ Tông Hiếu Định đặng lập ngôi chúa mà Nguyễn Phúc Dương trở thành tân chính vương, tướng Lý Tài nắm giữ binh quyền. Trong khi đó, Duệ Tông bị áp lực trở thành Thái Thượng vương có Đỗ Thành Nhân theo phò, Nguyễn Phúc Ánh bấy giờ còn nhỏ tuổi nhưng vẫn được tham dự quốc sự ở dưới trướng.
Đỗ Thành Nhân thấy Nguyễn Nhạc xưng là Tây Sơn vương bèn tự phong cho mình là Đông Sơn vương để làm thế đối kháng. Quân binh Chúa Nguyễn tự nhiên phân hóa ra thành hai khối, một của tân chính vương Nguyễn Phúc Dương, một của thái thượng vương Duệ Tông.
Với những chiến công thắng lợi dồn dập từ Phú Yên đến Gia định, Nguyễn Nhạc thấy cần thiết phải tạo thêm chính danh để an bang thiên hạ qua việc tự xưng là Tây Sơn vương, lấy thành Đồ Bàn làm kinh đô, phong cho bào đệ Nguyễn Huệ làm Phụ Chính đại thần coi việc đối nội, đối ngoại; phong cho bào đệ Nguyễn Lữ làm Thiếu Phó Tổng Quản Binh Bị.
Mặc dù tự xưng vương nhưng phía bắc uy danh của chúa Trịnh vẫn còn nể phục, Nguyễn Nhạc rất dè dặt chưa dám thiết triều nghi và mở mang thành quách Đồ Bàn rộng rãi. Trong giai đoạn này, Nguyễn Nhạc đang ra sức củng cố quyền lực, chiêu dụ binh sĩ ngày đêm luyện tập thủy, bộ và chuẩn bị mở cuộc tấn công đại quy mô ra cả hai miền Nam và Bắc hà.
Tình hình Gia Định thành phân hóa trầm trọng giữa Lý Tài và Đỗ Thành Nhân, hai vương chúa Nguyễn cũng không thuận lòng nhau khiến cho đất Việt từ Bắc chí Nam đều trở thành những vùng đất với các thủ lãnh sứ quân. Riêng Bắc hà thì chúa Trịnh thống lãnh đến tận Quảng Nam; Tây Sơn vương ở Quy Nhơn, Phú Yên và Diên Khánh. Miền Nam thì đang lình xình tùy lúc chúa Nguyễn kéo đến thì đất Gia Định thuộc về chúa Nguyễn, nhưng khi quân Tây Sơn kéo đến thì thuộc Tây Sơn vương. Người dân ba miền Nam Trung Bắc giờ đây sống trong hoàn cảnh loạn lạc mà các vương chúa tranh nhau giành giật ảnh hưởng. Cuộc sống trở nên khó khăn hơn vì lương thực một phần lớn phải cung ứng cho nhu cầu binh mã.
Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc xuất thân từ nông dân nên thấu hiểu nổi khổ của dân, vả lại thành Đồ Bàn cũng là vựa lúa lớn nên vương đốc thúc quân binh tăng gia sản xuất nông phẩm bên cạnh việc luyện cung, tập kiếm hàng ngày. Mặc khác, dù xưng vương, Nguyễn Nhạc vẫn muốn dựa lưng vào chúa Trịnh để khôi phục uy danh cho vững chãi, vì vậy mà năm Đinh Dậu (1777) Tây Sơn vương dâng sớ xin chúa Trịnh Sâm cho trấn thủ đất Quảng Nam.
Thấy Nguyễn Nhạc có ý tùng phục mình, hơn nữa muốn tiêu diệt Tây Sơn cũng chưa chắc đánh thắng chi bằng nhất cử lưỡng tiện, vừa được thêm đồng minh lại vừa được sáng cái đức minh quân của Bắc hà, Trịnh Sâm liền phong cho Nguyễn Nhạc làm Quảng Nam Trấn Thủ, Tuyên Uý Đại Sứ Cung Quận Công.
Mặt Bắc tạm yên không cần phòng ngự, Tây Sơn vương triệu tập binh tướng bàn việc quốc sự lập kế hoạch hành quân tấn công phía Nam. Nguyên, năm ngoái khi chiếm được Gia Định thành, Nguyễn Lữ không áp dụng chính sách an dân hoặc chiêu dụ binh tướng ở lại giữ thành mà chỉ cốt dương oai diệu võ, thu vén của cải, tài nguyên trong kho rồi kéo quân trở về. Thành Gia Định bỏ ngõ cho nên Lý Tài lại hộ tống Tân chính vương chiếm thủ lại đụng đầu với Đỗ Thành Nhân đang hộ giá Thái thượng vương Duệ Tông quay về thành quách cũ.
Thấy thời cơ vô cùng thuận tiện cho việc thống nhất một nửa cơ đồ, Nguyễn Nhạc bàn định kế sách thật chu đáo rồi sai bào đệ Nguyễn Huệ trực tiếp điều khiển thủy binh đi vào Gia Định thành, Nguyễn Lữ dẫn kỵ binh xa mã đi đường bộ yểm trợ cho thủy quân đổ bộ ở Trấn Biên. Quân của Lý Tài đóng trên sông Sài côn (nay là Sài Gòn) bị thủy quân của Nguyễn Huệ tấn công đột ngột làm tan rã hàng trăm chiến thuyền, Lý Tài chống đỡ mãnh liệt nhưng không đủ sức và bị chết trong đám loạn quân. Nguyễn Lữ đem bộ binh tấn công đất liền giáp giới thành Gia Định làm binh sĩ của chúa Nguyễn tan rã mau lẹ, một phần vì thiếu sự tập luyện và tổ chức binh bị, một phần vì nể trọng uy danh của anh em nhà Tây Sơn nên quân binh chúa Nguyễn hầu như buông khí giới đầu hàng.
Khi bàn định kế hoạch trước lúc tấn binh, quan thần nhà Tây Sơn đều đưa ra quyết nghị phải tận diệt mầm móng còn sót lại của chúa Nguyễn để trừ hậu họa, do đó quân binh Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đuổi theo rất gắt để bắt cho được Tân chính vương và Thái thượng vương.
Bị truy đuổi quá gấp, Tân chánh vương Nguyễn Phúc Dương phải chạy về Rạch Chanh rẽ qua Trà Tân vòng qua Ba Vác để chuẩn bị xuống thuyền trốn ra Bình Thuận, tuy nhiên kế hoạch bất thành thì Tân chính vương bị bắt giết cùng một số tùy tướng vào mùa thu năm ấy.
Thái thượng vương Duệ Tông từ Rạch Chanh chạy đến Tài Phụ rồi qua Cần Thơ, Long Xuyên thì cũng bị bắt cùng một số tôn thất nhà Nguyễn. Tháng mười năm Đinh Mùi thì Duệ Tông bị giết chết. Người cháu là Nguyễn Phúc Ánh nhờ giám mục người Pháp là Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) giấu kín dưới mạn thuyền cho đến cuối năm Đinh Mùi mới dám cho lên đất liền, nhờ vậy mà Nguyễn Phúc Ánh mới thoát chết. Lấy xong đất Gia Định Nguyễn Huệ kéo quân vào thành vỗ về dân chúng, sắp đặt kế hoạch trị dân đưa Tổng đốc Chu lên coi sóc nhân dân tức quan trấn thủ Gia Định thành.
Mùa Đông năm ấy có bão lớn và gió chướng chuyển hướng quá sớm, thuyền binh của Nguyễn Huệ phải đợi đến tiết trọng đông mới kéo binh về lại Quy Nhơn. Nguyễn Lữ đi đường bộ để chuyển quân về từ tiết mạnh đông năm ấy có mang về một số thổ sản và hạt giống để trồng tỉa tại thành Đồ Bàn; đó là loại mãn cầu xiêm và măng cụt của đất Long Xuyên.
Tin thắng trận quá dồn dập đưa về cho Tây Sơn vương khiến thế lực Nguyễn Nhạc càng ngày càng mạnh mẽ, điều này làm cho các quan của chúa Trịnh lo ngại ngày đêm về mối nguy Bắc tiến của anh em nhà Tây Sơn. Vua Lê Hiển Tông được các quan tâu trình mọi việc trong nước nên đâm ra hoang mang về ngai vàng đang đặt trên nền móng không lấy gì làm vững chắc cho lắm. Mãi suy nghĩ nên vua Hiển Tông lâm trọng bịnh mà triều đình thì quá mục nát, không có những chính sách cụ thể để phát triển quốc gia mà các quan phần nhiều chỉ biết mối lợi riêng tư thiếu người nhiệt tâm lo lắng cho sự hưng vong của xã tắc.
Qua những chiến công vang lừng từ Phú Yên đến Gia Định đã khẳng định lực lượng Tây Sơn thật sự lớn mạnh từ tổ chức hành quân, điều khiển binh mã và kế hoạch chiến đấu già dặn kinh nghiệm, và nhất là Nguyễn Huệ đã chỉ huy những trận xung kích quyết liệt, mưu thuật binh bị xuất quỷ nhập thần làm cho đối phương khiếp đảm uy danh của anh em nhà Tây Sơn. Nhận thấy thời cơ vô cùng thuận lợi cả về chính trị, quân sự và kinh tế nên Tây Sơn vương thị oai, quyết định không thèm thần phục chúa Trịnh như xưa nữa mà chuẩn bị sự nghiệp đồ vương cho riêng mình.
Gió nồm vừa chấm dứt thì quân báo về cho Tây Sơn vương biết tin vui, hai lộ quân của các bào đệ Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ chiến thắng những trận đánh lớn ở đất Gia Định, vỗ về dân chúng trong thành, cắt cử các quan cai trị dân chúng, đặt ra luật lệ nghiêm minh để thi hành. Bờ cõi dưới sự kiểm soát của Tây Sơn vương kéo dài từ Quảng Nam đến tận Long Xuyên, Cần Thơ, một dãy đất hứa hẹn nhiều phước lộc do thiên thời, địa lợi và nhân hòa nên Nguyễn Nhạc tự cáo yết đất trời rồi lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Đức, đổi thủ phủ Đồ Bàn của đất Chiêm Thành ngày trước ra Hoàng Đế thành vào năm Mậu Tuất (1778), sắc phong cho Nguyễn Huệ làm Long Nhượng Tướng Quân trông coi việc an dân đối nội, đối ngoại. Đồng thời, hoàng đế cũng sắc phong cho bào đệ Nguyễn Lữ làm Tiết Chế kiểm soát binh mã, quân lương.
Từ đây ba anh em nhà Tây Sơn gồm Nguyễn Nhạc là anh cả, Nguyễn Huệ là thứ giữa và Nguyễn Lữ là em út mở ra trang sách mới trong dòng lịch sử Lạc Hồng cuối thế kỷ thứ XVIII sang đầu thế kỷ thứ XIX lưu danh thiên cổ.
Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng