VĂN: MỘT HỒN SẦU NHỎ. CAO MỴ NHÂN
MỘT HỒN SẦU NHỎ. CAO MỴ NHÂN
” Chúng tôi ” quen khá đông, có thể nói rất đông nữa, nhưng là để cho biết nhau thôi, chứ thân mật thì không đều khắp, ai có nhóm bạn nào hoặc rải rác vài ba ” vị “, thì tuỳ cách giao hảo của mỗi người .
Thế thì, nhân chuyện cô bạn PHƯƠNG HOA tôi mới hạnh ngộ mấy năm gần đây, nói rằng : ” Chị, là tôi, có nhiều mối tương giao thú vị quá …” khi tôi nhờ Phương Hoa ( PH ) đăng dùm tôi mấy bài thơ trong tập thơ ” NHỮNG VẦN THƠ MA ” của tôi điếu nhà văn bạn tên HỒ LINH vừa mãn phần.
Tôi có dịp trở lại một mối tương giao khác nữa, với 2 nhà thơ tên tuổi một thời trước năm 1975, kéo dài tiếng tăm trong giới thi ca trẻ, hồi đó, cho tới bây giờ .
Hôm nay tôi muốn nhắc tới tên tuổi 2 nhà thơ, mà thủa lớn lên ở Saigon cuối thập niên 50 & đầu thập niên 60 thế kỷ trước, nhị vị ấy là bạn thân của tôi :
VIÊN LINH , và TRẦN DẠ TỪ .
Trước hết, tôi xin khẳng định là tôi chỉ viết lại những kỷ niệm thơ thủa còn đi học, hay đúng ra thủa chúng tôi ở tuổi thiếu niên thôi.
VIÊN LINH tên thật NGUYỄN NAM, TRẦN DẠ TỪ tên thật LÊ HÀ VĨNH , những ngày mới từ miền Bắc di cư vô Nam, Trần Dạ Từ lấy bút hiệu HOÀI NAM .
Hai bạn thơ tôi bấy giờ sớm nghỉ học để đi làm báo cho thoả thích tính ” văn nghệ ” làm thơ, Viên Linh có viết thêm một số tác phẩm văn xuôi.
Ở số tuổi còn chưa 20 bấy giờ, Viên Linh, Trần Dạ Từ rất ngoan hiền trong cách viết, rất tiềm ẩn trong tình cảm phong phú, và thực sự ” tài hoa ” .
Ai trong quý vị và chúng tôi, khi thể hiện tác phẩm văn chương, nghệ thuật không … tài hoa chứ .
Nhưng sớm biểu lộ tài hoa văn chương, nghệ thuật, thì hình như không chú trọng đến chuyện lập thân trên đường khoa cử, hay nghề nghiệp chuyên ngành thực tế.
Tôi vẫn chỉ kể về bạn văn thơ Viên Linh, Trần Dạ Từ thôi, không nghĩ thêm về quý vị văn nghệ sĩ cùng thời khác, để tránh ngộ nhận hoặc hiểu lầm .
Ngay khi Viên Linh và Trần Dạ Từ quyết định làm văn thơ, làm báo, thì 2 bạn ấy thành công ngay .
Thoạt Viên Linh, Trần Dạ Từ là những cây bút tài tử cộng tác với các nhật báo, tuần báo, đặc san vv… ở Saigon đầu thập niên 60 thế kỷ trước, vì còn rất trẻ.
Sau Viên Linh, Trần Dạ Từ đã mau chóng giữ các chức vụ chủ bút, tổng thư ký, thi sĩ Viên Linh còn làm chủ báo nữa .
Khoảng đầu thập niên 60 đó, TRẦN DẠ TỪ còn dám lên tàu lửa xuyên việt ra Huế, đón Trần Thị Thu Vân vô Saigon lập nghiệp, với 2 bàn tay trắng, nhưng từ đó, Trần Thị Thu Vân đã trở thành NHÃ CA, nữ văn sĩ trẻ tuổi và thành công nhất giữa số đông bạn văn thơ còn mất thời gian lâu sau, mới nổi danh được, như quý vị
NGUYỄN THỊ THUỴ VŨ, TUÝ HỒNG, NGUYỄN THỊ HOÀNG vv…
Khả năng và tài nghệ văn thơ NHÃ CA đã đành là thiên phú rồi, nhưng cũng phải công nhận là việc thúc đẩy và hỗ trợ thiết thực vẫn do TRẦN DẠ TỪ mong muốn như cái tên NHÃ CA, Từ đặt cho Thu Vân vậy .
Họ , Trần Dạ Từ & Nhã Ca mặc nhiên trở thành đôi uyên ương văn chương cho tới ngày nay, Trần Dạ Từ & Nhã Ca đã có với nhau nửa tá con, và riêng Nhã Ca đã có hàng chục tiểu thuyết ăn khách nhất thủa đó, đông thời tác phẩm ” GIẢI KHĂN SÔ CHO HUẾ ” của NHÃ CA đã vô hình chung đi vào văn học sử , thời đại Việt Cộng tổng công kích Tết Mậu Thân Huế 1968.
Trở lại VIÊN LINH ( VL ) TRẦN DẠ TỪ ( TDT ) , tôi vẫn nói về thủa thanh thiếu niên, ấy là Thơ của nhị vị này , và đây cũng không phải bài nhận định về Thơ kiểu ĐỌC THƠ , BÌNH THƠ như quý vị cầm bút viết báo đâu. Đó chỉ là những dấu tích một thời nào đó, ai muốn biết cho …vui đúng nghĩa.
Các nhà phê bình Thơ hay cảm nhận của bạn đọc thơ, thường nhận định làm THƠ LỤC BÁT không phải là dễ, thể thơ dễ với những vần điệu chuyên thơ của Thi Sĩ , nó không từa lưa như vè, đôi khi vè còn đúng vần điệu hay hơn thơ ghép 6 x 8 của các vị viết cho có viết thôi chẳng hạn.
Thời gian sơ khai với những cây viết mới, thường khiến một số ” Tiền Bối nghề nghiệp ” ngại ngùng lời thơ và ý tưởng.
Thí dụ có bài rất hay về lời lẽ, vần điệu, nhưng tìm ra ý, thì không có gì đặc sắc hay ngược lại.
Thủa đó, Đại Thi Sĩ VŨ HOÀNG CHƯƠNG đã có biệt danh Thi Bá rồi, nghĩa là gần như nhất trên trời thơ ca, nhưng nghe một bạn văn thơ nào đó, đề cập tới Nhà Thơ trẻ Viên Linh,
cụ VŨ còn như lững lờ, chưa niềm nở đón chào.
Tôi nhớ bài lục bát VIÊN LINH thế này :
( Tựa hình như là NGOẠI Ô )
Người đi phiến động chân trời
Nghe heo may lạnh lùa khơi chiếu nằm
Một hồn sầu nhỏ phân vân
Trời âm u thấp mời thân buồn phiền
Nửa đời đi kiếm bình yên
Thương yêu bỏ lại đôi miền tịch liêu
Bạn bè còn được bấy nhiêu
Người đi quên lãng thêm nhiều ưu tư
Rời vào thành phố phiêu du
Nỗi bao la đã ngoại ô dồn về…
VIÊN LINH
VL tác giả nhiều tập văn, tập thơ đã phát hành trước 30 – 4 – 1975.
Sau này di tản qua Hoa Kỳ , Nhà Thơ VIÊN LINH có thời giữ chức vụ CHỦ TỊCH TRUNG TÂM VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠI khoảng đầu và giữa thập niên 90 Thế kỷ trước, 1993- 1995.
Ông cũng là Trưởng Đoàn Văn Bút VNHN đi dự đại hội VĂN BÚT THẾ GIỚI KỲ THỨ 61 ở PRAHA TIỆP KHẮC 11/ 1994, với các thành viên sau :
Thi Sĩ Viên Linh. Chủ tịch , trưởng đoàn.
Thi sĩ Giáo Sư Nguyễn Sỹ Tế, phụ tá.
Nhà báo Giáo Sư Phạm Việt Tuyền
Thi sĩ Cung Trầm Tưởng. ( phát ngôn viên Pháp ngữ )
Nhà văn Trần Ngọc Nhuận ( phát ngôn viên Anh ngữ )
Thi sĩ Tô Thuỳ Yên
Cao Mỵ Nhân ( nhà thơ )
Theo danh sách nêu trên, thì quý Thi Văn sĩ, Giáo sư : Nguyễn Sỹ Tế, Phạm Việt Tuyền, Cung Trầm Tưởng, Trần Ngọc Nhuận, Tô Thuỳ Yên đã chung cuộc, hiện còn Viên Linh và Cao Mỵ Nhân tại thế .
Đôi bạn uyên ương văn thơ NHÃ CA & TRẦN DẠ TỪ , qua những cơn sóng gió thời đại, sau này , cho tới bây giờ vẫn đang xuất bản nhật báo ” VIỆT BÁO ” ở Hoa Kỳ , và đặc biệt là tổ chức được hằng năm các giải thưởng văn chương, văn hoá VN một chương trình lâu dài : Viết VỀ NƯỚC MỸ , dành cho tất cả quý vị đã tới nước Mỹ tị nạn, lưu vong, tha hương, đã và đang SỐNG TRÊN ĐẤT MỸ .
Thấm thoắt đã cả nửa thế kỷ trôi qua, nhớ lại hồi tôi còn chưa có bằng trung học đệ nhất cấp, với áo dài trắng, tóc đuôi gà, đi xe đạp đến thăm VIÊN LINH trọ học ở chùa Phú Thạnh Phú Nhuận, TRẦN DẠ TỪ thuê nhà gần chùa Vĩnh Nghiêm để bạn ta được chung vui với các bạn khác cùng thích văn thơ, như ĐỖ QUÝ TOÀN ( nay còn tên NGÔ NHÂN DỤNG, PHẠM HOÁN ( em hoạ sĩ PHẠM TĂNG ) vv…
Còn tôi vẫn ở với cha mẹ nơi cư xá HÀNG KHÔNG TÂN SƠN NHẤT, và cũng là nơi 2 bạn thơ quý VIÊN LINH , TRẦN DẠ TỪ năng lui tới thăm chơi cùng ” thông tin văn hoá …học sinh “
trong sáng tuổi 15 hân hoan, tươi trẻ…
Thời gian trôi qua, đã già nửa thế kỷ, VIÊN LINH, TRẦN DẠ TỪ
vẫn sinh hoạt bình thường trong văn giới, dù thay đổi không gian ( từ VN ra hải ngoại ) kể từ sau chính biến 1975.
VIÊN LINH không bỏ nghề cầm bút, VIÊN LINH vẫn tiếp tục xuất bản báo Thời Tập thân quen, đã có từ trước 1975 lưu hành ở miền nam Việt Nam .
Bên cạnh đó, là điều hành một cơ sở in ấn, cộng tác báo bạn ,
xuất bản sách cho bạn bè văn chương … đang tị nạn, tha hương ở các nơi tái định cư, đa phần ở Hoa Kỳ.
Với hành trình thơ văn không tách rời ” thân phận “, và thân thế cũng không vượt được những mùa xuân miên viễn ở thế gian khi bước vào lão tuế, VIÊN LINH hay ai chăng nữa, cũng ra đi về chốn vô cùng thôi.
Được tin ngày 28 tháng 3 năm 2024, Thi Sĩ VIÊN LINH đã giã từ cõi nhân sinh ở miền đông Hoa Kỳ, sau 86 năm rong chơi nơi trần gian đầy hương sắc vui buồn, nhưng lúc nào ông cũng an nhiên, thanh thản .
Mong hồn thơ ông sớm phiêu diêu miền cực lạc, để vỗ về chữ nghĩa còn để lại cho con cháu, bạn bè thân thiết xưa nay.
Rancho Palos Verdes 1 – 4 – 2024
CAO MỴ NHÂN