Hồi ký

VÀI KỶ NIỆM VỤN VỚI CÁC VỊ THẦY

VÀI   KỶ   NIỆM   VỤN  VỚI  CÁC VỊ  THẦY

Trần  Trung  Chính

( học sinh Chu Văn An 1965 – 1968)

Hôi Ngộ Chu Văn An Toàn Cầu 2017 - Hội Ngộ Chu Văn An Toàn Cầu 2017 | San  Jose

Chữ VỤN được dùng trong bài viết này mang tính cách rời rạc, kích thước nhỏ và không liên tục. Tôi không dùng nhóm từ giáo sư như các đồng môn CVA khác, vì “giáo sư”chỉ là tiếng Hán Việt để chỉ nhóm chữ thuần Việt là “thày giáo”, chứ không phải thầy giáo để chỉ các thầy dạy bậc tiểu học và giáo sư để chỉ các thầy dạy bậc Trung Học.

 Các vị thầy được nêu trong bài viết này là :

Thầy Đặng Văn Biền – Giám Thị lớp Đệ Nhất

Thầy Đào Văn Dương – dạy môn Toán Hình Học và Lượng Giác lớp Đệ Nhị

Thầy Trần Đình Ý – dạy môn Việt Văn lớp Đệ Nhị và dạy môn Pháp Văn lớp Đệ Nhất

Thầy Thẩm Nghĩa Căn – dạy môn Sử Địa lớp Đệ Tam

Thầy Vũ Ngọc Đạm – dạy môn Công Dân (Kinh Tế) lớp Đệ Nhị

Thầy Nguyễn Văn Mùi  – dạy môn Sử Địa lớp Đệ Nhất

Thầy Bùi Đình Tấn – dạy môn Địa Lý lớp Đệ Nhất

Thầy Trần Đức An – dạy môn Triết lớp Đệ Nhất

Đầu năm 1967, toàn trường CVA hầu như ngưng học để chuẩn bị đón Tết Đinh Mùi, nhất là sau ngày 23 tháng Chạp đa số các thầy ngồi lại phòng giáo sư nhưng học sinh không ai bỏ về nhà cả,  có nhóm chuẩn bị dán bích báo, có nhóm xí phần đi bán báo xuân tại các trường bạn, nhóm nào cũng muốn đi bán báo Xuân ở các trường có nữ sinh như Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bá Tòng, Hưng Đạo…khiến Ban Đại Diện Học Sinh phải tố chức bốc thăm cho công bằng. Nhưng 2 ngày trước khi nghỉ Tết, tất cả các lớp đều tổ chức Tiệc Tất Niên. Các lớp Đệ Nhất tổ chức Tiệc Tất Niên xôm tụ nhất : có 3 anh mặc áo dài bằng gấm xanh dương, vàng , đỏ, ngực thêu  Tướng , Sĩ, Tượng. Một trong 3 người mặc quần short trắng đi guốc mộc, 2 người còn lại mặc quần lụa trắng, một đi hia, một đi giày hàm ếch; cả 3 anh Tướng +Sĩ+ Tượng đều đội khăn đống cùng màu với áo dài của mình. Một số khác ăn diện bảnh bao và dẫn vũ nữ thứ thiệt vào lớp để nhẩy đầm. Trong khi đó, học sinh các lớp đệ Nhị và đệ Tam vẫn mặc áo trắng (tuy quần thì không hẳn là xanh dương nhưng vẫn là màu sậm).

Trần Doãn Huyễn, trưởng lớp Đệ Nhị  B2, tị nạnh với nhóm Đệ Nhất, khiếu nại với thầy Đặng Văn Biền bị thầy Biền quạt tơi tả : “ Cái thằng mở miệng ra hỏi là lòi cái NGU, thế mà cũng hỏi. Chúng nó có rớt Tú Tài 2 thì đi lính cũng được là sĩ quan. Còn chúng mày, thi rớt thì thành Trung Sĩ, là lính khổ lắm đó các con ạ !”. Thầy Biền nói có lý quá, nên không những Trần Doãn Huyễn mất cả khí thế hăng hái mà chúng tôi đứng xung quanh cũng chuyển bại thành…xụi lơ. Thấy vậy, thầy Biền an ủi : “Cố lên, đậu được Tú Tài 1 sang năm lên Đệ Nhất thì các Thầy cũng dễ dãi y như vậy”.

Thầy Đào Văn Dương dạy 2 môn Hình Học Không Gian và Lượng Giác cho lớp đệ Nhị, môn Toán chiếm 8 giờ học trong tổng số 26 giờ học trong mỗi tuần mà 2 môn của thầy Đào Văn Dương chiếm mất 6 giờ (môn Đại Số – Giải Tích do thầy Lê Mậu Thống phụ trách chỉ chiếm có 2 giờ trong một tuần). Thầy Đào Văn Dương nghiêm trang và nguyên tắc, ngay trong giờ học đầu tiên thầy đã ban hành một số nguyên tắc, như là :

A/ Kỳ thi Tú Tài Phần Thứ Nhất rất quan trọng cho nam sinh (thi rớt là bị nhập ngũ đi học Trường Hạ Sĩ Quan) cho nên nhiệm vụ của tôi là giúp các anh thi đậu. Tôi không nói là các vị giáo sư trường tư dạy dở, nhưng các vị giáo sư trường tư không đi chấm thi tại các Hội Đồng Chấm Thi nên không biết chỉ dạy cho học sinh những sơ suất của học sinh  làm bài thi, mà những sơ suất này có thể khiến bài thi không đạt điểm tối đa nên thí sinh có thể không đủ điểm đậu. Tôi sẽ tập cho các anh làm bài kiểm hàng tuần như là đi thi thật sự.

Ghi chú : trong kỳ thi Tú Tài Phần  Thứ Nhất ban B, môn Toán chiếm hệ số 5, Lý Hóa chiếm hệ số 4,Việt Văn chiếm hệ số 2, Sinh ngữ I chiếm hệ số 2, Sinh ngữ II chiếm hệ số  1, Công Dân- Kinh Tế chiếm hệ số 1,Vạn Vật chiếm hệ số 1, Sử Địa chiếm hệ số 1. Tổng Cộng 17 hệ số, tức là phải đạt 170 điểm mới được chấm đậu.

B/ Mua giấy khổ  lớn có kẻ ngang để làm bài kiểm , không chấp nhận giấy kẻ carreaux ô nhỏ, không chấp nhận giấy vở.

C/Phần đầu của 4 trang , đo từ mép giấy xuống  5cm , kẻ một lằn ngang, rồi kẻ 2 đường chéo góc nơi trang 2, 3 và 4 giống như là phần sẽ rọc phách của bài thi. Riêng trang đầu sẽ phải điền thông tin cá nhân như khi đi thi thật. Việc làm này rất cần vì đã có những thí sinh đã làm bài trong phần rọc phách nên bài làm bị mất điểm : bị rớt mà cũng không biết tại sao .

D/Từ mép trái của mỗi trang, đo 3 cm rồi kê dọc 2 lằn đôi (có người gọi là chừa lề).

E/Bắt buộc chép lại đầu đề của bài toán vào trang thứ nhất, vì vậy hình vẽ của bài toán phải xuất hiện nơi trang 2, và giám khảo không phải lật đi lật lại để coi lại hình vẽ ít nhất được 2 -3 câu trả lời.

F/ Bắt buộc phải làm phần các câu hỏi giáo khoa trước, làm bài toán sau, vì ít nhất cũng đạt được  4 hay 5 điểm trước. Vì bài toán thường có 4 hay 5 tiết mục cần phải chứng minh và chiếm 14 hay 15 điểm trong tổng số 20. Nếu làm bài toán trước và gặp truc trặc không thông suốt, học sinh đi thi mới quay qua làm phần câu hỏi giáo khoa thì không còn kịp thì giờ nữa, thế là mất toi 5-6 điểm trong tổng số 20.

G/ Luôn luôn phải đánh số và viết lại tiêu đề mà đề bài đã ghi. Thí dụ  , câu số 2 đòi hỏi “Chứng minh AD = BF “ .

Bài kiểm soát đầu tiên, hết 2/3 học sinh trong lớp chúng tôi chỉ được 01 điểm; thầy Đào Văn Dương cho biết những người bị 01 điểm vì không tuân thủ toàn vẹn 7 điểm mà thầy đưa ra. Phải mất 5-6 lần bài kiểm như vậy, toàn thể lớp chúng tôi không còn ai thiếu sót những điều căn dặn vừa nói trên. Lúc đó thầy mới nói : “ tôi đi dạy từ 1948 – nghĩa là trước khi các anh ra đời. Và cũng gần 10 lần làm Chánh Chủ Khảo các Hội Đồng Chấm Thi, nên cách trình bày mà tôi bắt buộc các anh thực hiện, khiến các vị giáo sư chấm thi biết ngay là bài làm của học sinh trường công”.

Giờ đầu tiên của môn Toán Lượng Giác, thầy Đào Văn Dương cho biết hệ thống đo lường của Anh Mỹ và hệ thống đo lường thập phân của Pháp đều lấy vòng tròn xích đạo của quả địa cầu làm mốc quy chiếu. Nước Pháp dùng đơn vị grad để đo góc, nước Anh dùng degree làm đơn vị để đo góc. Nước Pháp định nghĩa 01 kilometre là chiều dài của 01 dây cung có góc là 01 minute của 01 grad, trong khi nước Anh định nghĩa chiều dài của dây cung của một góc có 01 minute của 01 degree là một hải lý.

Thầy Trần Đình Ý dạy Việt Văn lớp Đệ Nhị B2 niên khóa 1966- 1967, cũng lưu tâm vấn đề thi đậu của học sinh đệ nhị, thầy nói : “ các anh vì ít đọc sách và trình độ lý luận kém cộng thêm không biết cách trình bày vấn đề được mạch lạc và khúc chiết, nên nếu làm  bài thi môn Việt Văn mà chọn luận đề luân lý, thì không cách gì đạt được điểm tối đa. Đó là chưa kể các vị giám khảo chấm bài có ác cảm với thí sinh chọn luận đề luân lý là những người lười không chịu học thuộc  thơ”.

Cũng như thầy Đào Văn Dương, thầy Trần Đình Ý bắt buộc học sinh chúng tôi phải làm 4-5 câu hỏi giáo khoa trước rồi mới làm bài luận sau, thầy nói, ít ra các anh đã đạt được 4-5 điểm làm câu hỏi giáo khoa trước. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ về thầy Trần Đình Ý là giai thoại đối đáp thơ của 2 nhân vật lịch sử Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhiệm.

Khi bắt được đối thủ của mình, Đặng Trần Thường ra câu đối:

“ Ai công hầu , ai khanh tướng – Trong trần ai , ai dễ biết ai “

Ngô Thời Nhiệm đáp trả :

“ Thế Chiến Quốc , thế Xuân Thu – Dẫu thời thế , thế thời thì thế “

Thầy Trần Đình Ý cho biết văn học nhà Nguyễn luôn luôn dè bỉu, hạ thấp giá trị nhân cách của nhà Tây Sơn nên đã sửa chữa câu đáp trả nguyên gốc của Ngô Thời Nhiệm thành ra :

“ Thế Chiến Quốc , Thế Xuân Thu – Gặp thời thế , thế thời phải thế “

Câu văn được sửa chữa đã biến con người Ngô Thời Nhiệm thành kẻ XU THỜI, trong khi nhân cách và khí khái của ông đã chứng tỏ Ngô Thời Nhiệm là người THỨC THỜI. Thực tế lịch sử chứng minh rằng nếu Ngô Thời Nhiệm là kẻ xu thời thì ông đã không bị Đặng Trần Thường đánh 100 hèo và  về đến nhà thì qua đời. Thầy Trần Đình Ý dặn dò bọn học trò chúng tôi rằng “dù hoàn cảnh có thế nào đi nữa thì hãy chọn thái độ THỨC THỜI, đừng nên chọn thái độ XU THỜI để được ĐẮC THỜI mà tâm hồn không được thanh thản và nhất là mang  tiếng xấu với người đương thời”.

Thầy Thẩm Nghĩa Căn dạy môn Sử Địa lớp đệ Tam, thầy cho biết nguyên nhân tại sao các khoa học gia chọn kinh tuyến Greenwich là kinh tuyến chuẩn của giờ quốc tế GMT. Kinh tuyến đối nghịch với kinh tuyến Greenwich chạy từ Bắc Cực xuống tới Nam Cực mà không đi qua bất kỳ quốc gia nào nằm ở giữa Thái Bình Dương được chọn làm chuẩn (vì không gặp được sự tranh cãi của các đại biểu, ai cũng muốn tên quốc gia của mình được chọn) nhưng kinh tuyến này lại không có tên, cho nên tất cả các đại biểu của các nước tham dự đồng ý chọn tên của đài thiên văn Greenwich  mà kinh tuyến đối nghịch làm chuẩn đi qua thị trấn Greenwich để làm chuẩn cho giờ GMT (Greenwich Mean Time). Kinh tuyến chuẩn lúc ban đầu được gọi là kinh tuyến đổi ngày, nghĩa là người ta vượt kinh tuyến đổi ngày từ phía Tây sang phía Đông thì được lợi 01 ngày. Ngược lại vượt kinh tuyến đổi ngày từ phía Đông sang phía Tây thì lỗ mất 01 ngày, thí dụ :  những người đi Việt Nam khởi hành từ San Francisco lúc 11 : 00PM ngày 20 tháng 5 chả hạn, khi đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt thì đang ở ngày 22 tháng 5, chứ không phải ngày 21 tháng 5. Thầy Thẩm Nghĩa Căn giải thích thêm , đó là lý do nhân vật chính của tiểu thuyết Vòng Quanh Thế Giới 80 Ngày (do Jules Verne sáng tác)   tưởng rằng mình thua cuộc vì thấy mặt trời mọc 80 lần nhưng đã trở về London vào ngày thứ 79  !!

Môn Công Dân Giáo Dục của lớp đệ Nhị chỉ học về Kinh Tế Đại Cương do thầy Vũ Ngọc Đạm phụ trách . Ngân phiếu (checking account) được chuyên gia Kinh Tế gọi là “ Bút Tệ “ . Thầy Vũ Ngọc Đạm cho biết Tiền (currency) do Ngân Hàng Quốc Gia phát hành, trị giá hối đoái tùy thuộc  vào  số vàng dự trữ thì gọi là Kim Bản Vị ; nhưng nếu căn cứ vào số dự trữ dollars của Mỹ hay Sterling của Anh thì gọi là “ngoại tệ bản vị”. TỆ = là những gì không phải là TIỀN do Ngân Hàng Quốc Gia phát hành , nhưng được dùng như TIỀN . Thời 1966 – 1967, bọn học sinh chúng tôi  biết TỆ chỉ có 2 loại là “ ngoại tệ” và “bút tệ”, bây giờ ở Hoa Kỳ TỆ còn có thêm credit card , money order, cashier chek , traveler check , gift card của các công ty lớn như Target , Sears , Walmart…

 Thầy Nguyễn Văn Mùi dạy Sử Địa, nhưng thầy Mùi không dạy lớp B2 . Câu chuyện tôi kể ra đây do anh Vũ Hiệp , đậu Tú Tài vào năm 1965 – kể lại : khoảng những năm 1948 – 1952 , thầy Mùi làm việc trong Tòa Thị Chính Hà Nội  có 2 ông bà cụ già đem khai sinh . học bạ… đến Tòa Thị Chính xin cải đổi tên  nhân vật lịch sử Ký Con – Đoàn Trần Nghiệp trở lại thành Ký Con – Đặng Trần Nghiệp , vì khi gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng , ông Ký Con sợ liên lụy đến gia đình + bố mẹ nên đã đổi từ họ Đặng sang thành họ Đoàn. Thầy Nguyễn Văn Mùi nói : “ Thưa hai cụ, dù biết 2 cụ  trình ra giấy tờ thực sự của ông Ký Con , nhưng Ký Con – Đoàn Trần Nghiệp đã là một cái tên của Lịch Sử. Không một ai có thẩm quyền và tư cách để sửa đổi Lịch Sử !!! “

Thầy Bùi Đình Tấn chỉ dạy môn Địa Lý của lớp đệ Nhất B2, thầy Tấn lập lại định nghĩa 2 chữ Quốc Gia (mà học sinh chúng tôi đã học trong môn Công Dân Giáo Dục lớp đệ Lục) bao gồm 3 yếu tố Lãnh Thổ – Chính Quyền – Dân Chúng . Nhưng trong một quốc gia , chính quyền không giáo dục dân chúng  biết đến Lòng Yêu Nước  thì không thể có TỔ QUỐC. Thầy Bùi Đình Tấn đưa ra thí dụ các quôc gia Châu Phi mới được Anh – Pháp trao trả độc thì chỉ có “quốc gia” mà không có “tổ quốc” vì phần đất mà Anh hay Pháp cai trị (thời thuộc điạ ) bao gồm nhiều bộ lạc , nhiều sắc dân khác nhau về tiếng nói , khác nhau về chủng tộc , khác nhau về tôn giáo , khác biệt về hệ phái tôn giáo… cho nên dù được trao trả độc mà các cuộc nội chiến tranh dành quyền lực giữa các nhóm  xảy ra khốc liệt hơn hồi 2 đế quốc Anh – Pháp cai trị. Và dĩ nhiên số người bị giết càng tăng vọt.

Môn Triết của lớp đệ Nhất do thầy Trần Đức An phụ trách , nhưng môn Triết của ban B không có học  Tâm Lý Học và Đạo Đức Học của ban B coi như tóm gọn của Đạo Đức Học ban C . Chủ yếu của môn Triết ban B là học về Luận Lý Học, cho đến bây giờ, tôi vẫn còn lùng bùng lẫn lộn giữa Luận Lý và Lý Luận. Thầy Trần Đức An cho biết nhóm chữ “logic” hơi rắc rối nên khi dùng phải rất cẩn thận. Thực sự hệ quả của “logic” là chỉ có 2 giá trị đối nghịch nhau, như Đúng hay Sai , không có giá trị trung gian như “không Đúng mà cũng không Sai” hoặc là “vừa Đúng vừa Sai” . Thầy An thí dụ không nên nói “ Trời không nắng ắt phải mưa” vì có những lúc trời vừa nắng vừa mưa hay là không nắng cũng không mưa !!!         

Thầy Trần Đức An cũng nêu một số lắt léo của môn Luận Lý, thí dụ như người ta thường cho rằng “ cái gì HIẾM thường là QUÝ “ ; nhưng thực ra cái gì đó chỉ được đánh giá là QUÝ khi cái đó phải có công dụng tốt. Thí dụ : Con ngựa trắng thì hiếm, do đó con ngựa trắng có thể QUÝ – Con ngựa trắng có 3 chân thì lại càng hiếm . Nhưng con ngựa trắng có 3 chân thì không thể kết luận nó là con ngựa QUÝ được, vì nó không có công dụng gì cả.

Lập luận theo mô thức thầy Trần Đức An chỉ dạy, tôi thấy trên internet có website SACHHIEM nhưng đọc vài  lần tôi nhận ra không phải là SACHQUY vì công dụng của website này chỉ tạo ra sự mất đoàn kết , hiềm khích và đối đầu giữa các nhóm người Việt với nhau.

Niên khóa 1967 – 1968 , thầy Trần Đình Ý phụ trách môn Pháp Văn  (Sinh Ngữ I ), Bộ Giáo Dục chuẩn nhuận lớp đệ Nhất chỉ học 12 bài tiêu biểu trong quyển Cours de Langue et Civilisation do giáo sư Mauger biên soạn. Sách gốc có bán tại nhà sách Xuân Thu trên đường Tự Do và nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi nhưng giá rất đắt, do vậy thầy Trần Đình Ý cho in ronéo 12 bài này. Tết Mậu Thân xảy ra, học trò được nghỉ gần 3 tháng. Khi tình hình an ninh tương đối vãn hồi, chỉ có học sinh các lớp đệ Nhất và đệ Nhị phải đi học lại để hoàn tất học trình ( để đi thi) . Khi đi học học lại ,thầy Trần Đình Ý bị ngã nên chân phải bó bột, thầy không thể leo lên lầu 3 nên chúng tôi phải từ lầu 3 xuống tầng trệt mượn phòng thí nghiệm của thầy Trịnh Xuân Vụ để học Pháp Văn. Phạm Gia Hiệp ngồi bàn nhì lo nói chuyện bị thầy Ý chỉ định đọc tiếp bài lecture để analyse logique. Hôm đó Hiệp không mang tập ronéo, nên quay qua phía sau lấy bài của tôi. Thầy Ý hỏi : “ Tại sao anh không có cours ? “ . Nguyễn Gia Quang ngứa miệng ngồi tuốt gần chót dãy giữa nói : “ Cua của thầy gẫy càng rồi còn đâu ?”. Thầy Ý nói : “anh nào vừa mới nói cái gì thế ?” , khổ nỗi là thầy không đứng dậy được nên không tìm ra anh nào đã phát ngôn bừa bãi.

Khi dạy Việt Văn lớp đệ Nhị , thầy  Ý có kể một chuyện ngoài việc học hành : khi thầy làm chủ tịch Hội Đồng Kỷ Luật xét xử một học sinh can tội ăn cắp chuông xe đạp của người bạn . Thầy kể “ ra trước Hội Đồng Kỷ Luật, người cha của học sinh vi phạm kỷ luật xin quý vị giáo sư tha thứ cho con của mình. Người cha đã nói “ Tất cả là do lỗi của tôi, tôi đã quá nghiêm khắc và dữ đòn với con cái. Lại nữa con tôi đã lớn nhưng tôi không cho nó mang tiền, nên khi xe đạp của nó bị mất cái nắp chuông nó không có tiền để mua cái khác và sợ bị đòn nên đã đi gỡ cái nắp chuông của một xe khác. Nếu quý vị giáo sư trừng phạt nó, tôi e rằng cuộc đời của nó sẽ rẽ sang một hướng khác “. Tất cả các giáo sư trong Hội Đồng Kỷ Luật đồng ý tha tội và cũng không ghi hồ sơ gì hết.

Năm Mậu Thân, chúng tôi thi Tú Tài phần Hai vào ngày 22 tháng 6 năm 1968 tại trường Bồ Đề trên đường Nguyễn Thái Học kế cận khu Chợ Cầu Muối và Khu Dân Sinh. Thông thường phải đến 6-7 tuần sau mới có kết quả (niêm yết tại trường Trung Học Gia Long – đường Phan Thanh Giản , quận 3 Sài Gòn). Theo ý kiến riêng của tôi, thời gian 6 – 7 tuần lễ chờ công bố kết quả là thời gian sảng khoái nhất vì đi chơi thoải mái không bị giới hạn giờ giấc mà còn được bố mẹ cho tiền để xả stress nữa. Vào một buổi chiều mưa, vào tháng 7/1968 , tôi và Phạm Gia Hiệp đèo nhau trên chiếc velo solex đi qua rạp Rex , nhìn lên paneau quảng cáo thì thấy tựa đề cuốn phim là LES INCOMPRIS – Những kẻ không hiểu nhau, lạ là không thấy diễn viên nữ mà chỉ thấy khuôn mặt của Anthony Quayle và 2 cậu nhỏ. Lạ hơn nữa là khi đổi xuất hát những khán giả đi ra về cũng đều khóc hết cả. Tò mò 2 đứa mua vé vào xem và khi ra về cũng khóc luôn.

Chuyện phim như sau : Sir Anthony là một nhà ngoại giao Anh, vợ ông vừa mới qua đời ít lâu vì mắc bệnh tim, để lại 2 cậu con trai nhỏ, đứa lớn 12 tuổi, đứa nhỏ cỡ 9 – 10 tuổi. Nhà ông là một lâu đài lớn có hồ lớn trong khuôn viên nhà. Ông nhờ người anh trai đã già nhưng không có gia đình qua sống chung và coi sóc 2 đứa nhỏ.  Dĩ nhiên, Sir Anthony phải thuê gia sư để kèm  2 đứa nhỏ sau giờ học và cũng để kèm làm homework  . Một hôm trên đường từ phi trường về lâu đài nhà mình, ngồi trong chiếc Roll – Royce ông thấy 2 đứa trẻ đèo nhau trên  một chiếc xe đạp, đứa lớn một tay cầm tay lái, một tay kia thì đu vào cái thang leo lên nóc của một chiếc xe bus. Khi chạy đến gần chiếc xe bus, Sir Anthony mới nhận ra đó là 2 quý tử của mình . Về nhà, ông giảng morale cho cậu lớn hồi lâu, cho đến khi cậu hứa là sẽ không tái phạm lỗi lầm như thế nữa.

Đúng vậy, cậu con yêu quý của ông không bao giờ tái phạm, nhưng lại làm lỗi lầm khác, không lần nào giống lần nào. Thời gian sau, khi bước xuống phi trường, ông không thấy chiếc Roll – Royce của ông đứng chờ sẵn, mà chỉ thấy bác tài xế đứng cạnh một chiếc xe renting. Hỏi ra, bác tài xế nói 2 cậu con nghịch ngợm sao đó mà chiếc Roll Royce chạy tuột xuống hồ, hiện phải thuê xe tow trục vớt nó lên bờ.

Ông làm Đại Sứ Anh tại Ghana, nên ngày Quốc Khánh của Ghana, ông mời các sinh viên Ghana du học tại Anh đến lâu đài của ông dự tiệc mừng Quốc Khánh. Ông ngồi đầu bàn , khách mời ngồi 2 bên bàn dài. Hai cậu con của ông ngồi cuối cùng, cũng đối diện nhau. Nhưng khi khách khứa và Sir Anthony cười nói vui vẻ và cụng ly chúc mừng sức khỏe của nhau, ông thấy 2 cậu nhỏ nói chuyện với nhau trong im lặng (chúng nhìn môi của nhau là đã hiểu nhau , không cần lên tiếng). Ông nói trong khi mọi người nói to, tất cả mọi người cùng nghe mà 2 con nói với nhau không nghe cả là bất lịch sự, nhưng cậu con lớn cúi gằm xuống bàn không nói, Sir Anthony quay qua dụ cậu con nhỏ thì cậu này nói : “Anh Hai nói, mấy thằng mọi đen này đã từng ăn thịt người  ! “

Sau sự việc đáng tiếc vừa nêu, Sir Anthony xin chuyển nhiệm sở,  ông qua làm Đại Sứ Anh Quốc tại Tòa Thánh Roma. Một lần về thăm gia đình ông thấy cậu con lớn ngủ mê man nồng nặc mùi rượu, hôm sau tỉnh ngủ và tỉnh rượu , cậu con  bị đứng nghe một bài giáo dục nào là trẻ con dưới 21 tuổi không được uống rượu , uống rượu sẽ làm tổn hại hệ thần kinh, làm hại gan… mà ông Đại Sứ lại không hỏi duyên cớ nào đã khiến cậu bé lấy rượu của bố ra uống. Cậu lí nhí xin lỗi và cam đoan không bao giở uống rượu nữa.

Sau khi trở lại nhiệm sở, vài tháng sau ông nhận được điện thoại khẩn cấp của người anh vì thằng con lớn của ông đang hấp hối , ông cũng nhận được điện tín của bác sĩ gia đình báo tin con trai của ông bị tai nạn gẫy xương sống khó qua khỏi trong vòng 24 giờ tới. Về tới nhà, mọi người cho ông hay là 2 đứa con trai của ông leo lên cây bên cạnh hồ lớn để chơi trò Tarzan, bất thình lình cành cây đang nắm bị gẫy khiến cho câu bé té ngửa, thân mình chạm vào cành cây bên dưới nên xương sống bị gẫy. Hôn mê từ lúc té đến bây giờ, bác sĩ phải đem bình oxy đặt trong lồng kiếng ngay tại phòng ngủ của cậu, vì di chuyển là cậu bé đau đớn chịu không nổi. Thỉnh thoảng, tỉnh dậy đôi chút thì chỉ đòi gặp cha của cậu. Sir Anthony bước vào phòng cầm tay cậu con (qua lồng kiếng) chỉ nghe cậu phều phào nói quá nhỏ. Bỏ lồng kiếng ra,ghé sát lỗ tai sát với miệng của cậu thì Sir Anthony mới hiểu cậu con bảo bố vào bàn học chọn bài luận nào cao điểm nhất đọc cho cậu nghe.

Lúc bắt đầu đọc bài làm thì mới biết đầu đề của bài luận là : “Hãy mô tả người cha yêu quý của em”. Tôi bỏ qua những hoa lá cành của bài luận mà chỉ tập trung vào 3 điểm mà cậu bé giải thich nguyên nhân của 3 mistakes làm cha của cậu phiền lòng và la rầy cậu.

1/ Giải thích lý do tại sao chiếc xe Roll-Royce chạy xuống hố, cậu bé viết : “ 2 anh em chúng tôi muốn dành cho cha tôi một ngạc nhiên là chính 2 anh em chúng tôi dự định xịt nước rửa sạch và lau khô đánh bóng chiếc xe như bác tài xế thường hay làm. Nhưng khi chiếc xe xuống dốc cậu bé không thể làm dừng nó lại được vì chân cậu quá ngắn đạp thắng không tới.

2/ Khi cậu nói mấy người Ghana ăn thịt người  vì sách trong thư viện mà cậu đọc viết như vậy.

3/Mẹ cậu thường hay hát ru ngủ các con, bà đã thu lời nói an ủi các con và gửi các lời ca âu yếm cho 2 con vì mẹ cậu bị bệnh đau tim có thể chết bất đắc kỳ tử vào bất cứ lúc nào. Cha cậu thì thường hay vắng nhà nên mỗi khi nhớ đến những người thân yêu, cậu thường mở cassette để nghe lại giọng nói của mẹ mà cậu không bao giờ gặp lại nữa . Một hôm, do xui xẻo, cậu vô ý bấm nút xóa nên cuốn tape thành trống rỗng. Cậu lang thang khắp London vào từng tiệm thu băng hỏi có phương pháp nào restore lại giọng nói đã mất ? Tất cả đều trả lời là không thể làm được. Cậu về nhà mà lòng buồn bã tan nát. Sở dĩ cậu mở tủ lấy rượu của cha ra uống, vì mỗi lần cha cậu buồn cậu lại thấy ông  mở chai ra rót rượu vào ly  rồi uống rượu một mình. Cậu viết : “ Cha ơi, con muốn con trở thành một người đàn ông như cha đã là ”

Kết luận của bài luận ,cậu bé viết : “ Tôi  biết Cha tôi thương tôi nhiều lắm , muốn tôi trở thành một người đứng đắn . Nhưng cha ơi, cha chưa bao giờ là bạn của con”

Đọc tới đây, Sir Anthony nước mắt ràn rụa, ông cầm bàn tay của đứa con trai đặt trên vùng trái tim của mình và gật đầu nhè nhẹ biểu lộ sự thấu hiểu. Cậu con trai mỉm cười từ từ nhắm mắt ra đi trong thanh thản : Ôi những người thân thương sống cạnh nhau bao năm trời mà chẳng hiểu nhau ; đến khi hiểu nhau thì một người vĩnh viễn ra đi không bao giờ gặp lại.

Phim LES INCOMPRIS chấm dứt với cảnh cậu con trai thứ nhì chơi nhồi banh một mình và hỏi cô giáo dạy kèm : “Cô ơi, chừng nào anh Hai mạnh giỏi ra sân chơi banh với con ? ”. Tôi và Phạm Gia Hiệp ra về mà vẫn khóc như bao khán giả đã khóc trước đó.

Đọc xong bài viết này, tôi có thắc mắc là quý đồng môn CVA của chúng ta , có người đã là ông ngoại ông nội cả rồi, đã từng nghĩ lại xem “chúng ta đã bao giờ là bạn của con mình hay chưa? “

San José ngày 10 tháng giêng năm 2016

Trần Trung Chính

(CVA 1965 – 1968)

error: Content is protected !!