Văn

Thiếu Khanh : Trường Ca Việt Nam

Trường ca Việt Nam

Posted: 06/04/2011 by quản thủ thư viện in Thiếu Khanh, Thơ

Thiếu Khanh
Cho Thu Lâm Trương Lợi  (Canada)

Ta phá xiềng Bắc thuộc
Một ngàn năm nếm mật nằm gai
Một ngàn lần quật mình đứng dậy
Ngạo nghễ trước móng vuốt
cường bang bạo lực
Gọi thức giống người đoạn phát văn thân
Giết chết con thuồng luồng quấn cổ
Khơi rộng biển ngòi
Mở rộng giang sơn

Từ đó
Bàn chân ta khai núi
phá rừng
Bàn tay xua loài thú dữ
Mang quả tim lửa bỏng yêu thương
Ta đi về phương Nam
Mặt trời rực rỡ
Đặt mình trên bờ bát ngát trùng dương
Hát bài ca gió nồm
Trong hơi thở nồng ấm
mặn mà
ngào ngạt
Của biển của sông
Và khí phách mấy ngàn năm
phấn đấu
Để sinh tồn

Đã từng phen hưng phế thăng trầm
Đớn  đau thân thể
Ta bùi ngùi kể lể
Bằng gió Thái Nguyên
Rừng Lạng Sơn
Sông Nhị núi Nùng
Nghe từng đàn con tức tửi
Từng bàn chân dã thú ngoại nhân
Dẫm nát những vùng tóc xanh máu đỏ
Mà nhớ những đêm Chí Linh
tiếng thét oai hùng

Cũng nhiều phen ta hò reo
Đẫm mồ hôi thạch mã
Đỏ ngọn sóng Hồng Hà
Lời hịch vang lừng nhát dao chém đá

Ta cựa mình đứng dậy
Nhìn hai mươi vạn quân thù tan tác trôi sông

Đêm Mê Linh
Núi Lam Sơn
Ngọn Bạch Đằng
Gò Đống Đa
Thân ta dựng nên thành cao
bất khuất.

Từ buổi sơ sinh trên bờ sông Dương tử
Ta khôn lớn ở Thăng Long nghiêm cẩn
Về Phú Xuân trang trọng hào hoa
Nhìn ra trùng dương sóng vỗ
Ngọn gió hồng hào thổi suốt châu thân
Thơm mùi biển khơi
rừng sâu
Phù sa quyện tràn hơi thở
Chín con rồng hát khúc bình ca
Trên thân thể ta mượt xanh châu thổ

Bản hùng ca
Bốn ngàn năm khí phách
Bốn ngàn năm bứt phá nanh vuốt bạo tàn
của con hổ dữ
Dựng một trời chiến công
Ngút tỏa hào quang
Trên bờ Đông hải
Với những trường canh nhịp phách lẫy lừng
Ngô Quyền
Lê Lợi
Hưng Đạo
Quang Trung

Ta vừa hát vừa đi
Từ Bắc xuống Nam
Gõ nhịp trên những ngọn tháp Chiêm Thành
đất đỏ

Nhưng một buổi
Bản hùng ca bỗng dứt
Ta đau thương tủi cực
Nghẹn lời trầm ca thê thiết xuýt xoa
Ngọn lửa thù hằn nung cháy nồi da
Ta nhức nhối nằm nghe chín từng thớ thịt
Ngọn sóng Linh Giang
Xô lấp tiếng thét Bạch Đằng
Ta buông rời từng chiếc tóc xanh
Cánh tay cằn cỗi
Không che hết những vết rạch ròi
Bao nhiêu nhát dao bằm trên thân thể

Kể từ đó
Ta thành con-người-một-nửa
Con mắt bên này
Nhìn chới với con mắt bên kia
Trong vết tử thương xả đôi hình hài
Ta nhìn ta
xương thịt
mũi tẹt da vàng
Đã dựng chung lịch sử

Từ thuở sơ sinh trên bờ sông Dương tử
Theo cánh chim Lạc
Bay về với nắng phương Nam
Ta cất tiếng hùng ca
Khai rừng đuổi thú
Bốn ngàn năm khôn lớn đứng dậy
làm người

Bây gìờ một nửa thân ta thương tích
Nằm nhìn con sông Bến Hải
Nằm nhìn hai phần thân thể buông nhau
Bởi chính một dòng huyết mạch

Thiếu Khanh
(trích Trong Cơn Thao Thức; nxb Da Vàng, 1971)

NGUYỄN TRỌNG TẠO: Khoảng 1973-1974 tôi tình cờ có được tập thơ Trong Cơn Thao Thức của Thiếu Khanh. Tập thơ đã rách bìa, và cuối tập thấy ghi in ở Đà Nẵng 1971. Khi đó cuộc chiến tranh đang hồi ác liệt, tôi là bộ đội và Thiếu Khanh chắc là “lính Cộng Hòa” – vì thơ anh là thơ của một người lính. Tập thơ của anh hấp dẫn tôi vì sự chân thật đến nghẹt thở của một người lính chiến. Từ chuyện hành quân, nổ súng, ném bom đến tin vợ sinh con khi ba đang trong trận đánh đều được anh viết chân thật và và lay động tận tâm can. Lúc đó tôi cũng đã làm thơ, đã có thơ in báo và đang chuẩn bị in một tập thơ lính. Đọc Thiếu Khanh, tôi giật mình khâm phục, ước gì viết được những câu thơ gan ruột như anh. Những câu thơ đến giờ tôi còn nhớ:

“Nếu không có con
Biết lấy ai làm chứng cho ba đã có mặt trong đời”

Chỉ có người lính chiến mới nhận ra được cái điều tưởng như đơn giản ấy. Đạn bom đã cướp đi biết bao người lính trẻ “chưa một lần được hôn” (Phùng Quán), họ thành liệt sĩ hay thành vô danh trong suốt cuộc chiến tranh dài như là họ chưa hề có mặt trong đời. Bởi vì cuộc chiến thật khốc liệt, không biết sống chết lúc nào:

“Véo vào da thịt thấy đau
Da thịt còn đau – dấu hiệu sống còn”

Và cái nghịch lý chiến tranh đã tạo nên biết bao bi kịch người lính, kể cả tình yêu mà mình luôn nâng niu trân trọng:

“Anh đi ném bom xé nát trăm miền
Rồi về dưới đó mua cành hoa nhân tạo
Sáng mồng một Tết tặng em”

Những câu thơ chua chát và cay đắng thật hiếm có trong cuộc chiến!

Nhiều lần tới Đà Nẵng, tôi hỏi thăm xem có ai biết Thiếu Khanh không. Năm 1984, nhà thơ Đoàn Huy Giao (con rể nghệ sĩ Hoàng Châu Ký) bảo tôi là có biết anh nhưng không biết Thiếu Khanh hiện đang ở đâu. Rồi lâu quá, tôi nghĩ chắc anh vượt biên hoặc đi ra nước ngoài theo diện HO. Tuy vậy, thỉnh thoảng tôi vẫn đọc những câu thơ của anh khi nói chuyện về thơ lính. Những câu thơ luôn nhận được sự đồng cảm và thán phục của công chúng.

Mãi đến đầu 2010, trên một chuyến xe chở đoàn nhà văn từ Hà Nội đi dự Đêm Thơ Quốc Tế ở Hạ Long, tôi ngồi ghế trước anh ngồi ghế sau mà không hề biết nhau. Xe gần đến Tuần Châu tôi hỏi anh tên gì? Anh rất hiền từ nói tên là Thiếu Khanh, khiến tôi ngạc nhiên vô cùng. Và khi biết tên tôi anh cũng ngạc nhiên không kém. Hóa ra sau này Đoàn Huy Giao cũng đã kể cho Thiếu Khanh là tôi đã có lần tìm anh.

Tôi đọc thuộc những câu thơ gần 40 năm của anh, và anh gật gù đọc nối tiếp. Anh bảo nhiều bài thơ xưa anh không còn nhớ nữa, nhưng những câu thơ tôi thuộc thì anh vẫn nhớ. Hóa ra anh vẫn ở Việt Nam. Sau chiến tranh anh đi làm rẫy 22 năm rồi mới xuống Sài Gòn làm nghề dịch sách văn học, sách từ điển, và vẫn thầm lặng làm thơ. Thơ của anh vẫn nồng hậu và lãng đãng chất lính hào hoa xưa. Xưa “Yêu em ta bỗng thành thi sĩ/ Thơ lính hong ngời mắt mỹ nhân“, và nay thì: “Chỉ hai đứa mình cũng đủ thành giao hưởng/ Mỗi nốt vui khởi xướng cả trăm bè”.

Chúng tôi du thuyền ra Hạ Long, ngồi cáp treo lên Yên Tử rồi chụp ảnh kỷ niệm hai người lính hai chiến tuyến xưa, nhưng thơ thì không còn ranh giới nào cả, bởi thơ là điểm gặp nhau chung nhất của con Người.

Chiều nay tôi nhận được mail và tấm hình anh gửi. Lòng cảm động như nhận thư của người yêu. “Sự gặp gỡ của hai chúng ta trong dịp này khiến tôi hết sức xúc động, nó làm cho những ngày ở Hà Nội của tôi thật có ý nghĩa mà nếu trước đó tôi không đi dự chắc là tôi không biết mình đã đánh mất một điều gì. (Tôi đã định không đi dự hội nghị này vì … sợ không kịp hoàn thành một tác phẩm đang dịch dở dang. Về tới nhà tôi vội lao vào làm việc ngay cho kịp). Tấm ảnh Tạo gửi tôi, năm người chúng ta thật đẹp, và tất cả cùng rất vui. Tôi cũng gởi cho Tạo tấm ảnh chúng ta chụp ở núi Yên Tử. Tôi nhớ chúng ta có chụp một tấm ảnh nữa trước cổng Thiền Phái Trúc Lâm (?), nhưng tôi chưa tìm ra!”

Vâng 37 năm người viết và người đọc mới gặp nhau mà như đã chơi với nhau từ lâu lắm…

Hà Nội, 21.1.201037 năm mới gặp nhau.

5 nhà thơ: Nguyễn Hoa, Thiếu Khanh, Hoàng Hưng, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh.

THIẾU KHANH: Tên thật Nguyễn Huỳnh Điệp. Sanh năm 1942. Tại Bình Thạnh, Tuy Phong – Bình Thuận. Hiện cư ngụ tại Sài Gòn.

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

·  Thơ: Khơi Dòng (chung với Thu Lâm và Nguyên Thi Sinh, Montreal Canada 1968)

·  Trong Cơn Thao Thức (Da Vàng – Đà Nẳng, 1971). Tác phâm được in tại Đà Nẵng vì đó là quê hương người bạn đời của nhà thơ.

·  Một số tác phẩm dịch thuật, Từ Điển Cụm Từ Việt-Anh (ký Nguyễn Huỳnh Điệp).

error: Content is protected !!