Bình luận

Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh: DI SẢN CHIẾN TRANH LẠNH

Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh: DI SẢN CHIẾN TRANH LẠNH

Sự bất đồng có tính cách cục bộ nhằm vào quyền lợi kinh tế ở các khu vực có nhiều mỏ dầu lửa ở Ðông Bắc Iraq, một vùng nằm sát biên giới của Iran. Hiện nay Mỹ đang thực hiện việc chuyển giao trách nhiệm bảo vệ an ninh cho quân đội, Cảnh sát và lực lượng an ninh của Iraq, nhưng điều đáng ngại là trong nhiều trường hợp chính quyền Iraq đã không cáng đáng nổi nhiệm vụ này. Về việc hòa giải, Maliki có vẻ đã đi một nước cờ chiến lược mới vào chủ nhật vừa qua khi ông đến Bắc Iraq mở một cuộc họp đặc biệt với lãnh tụ Kurd là Masoud Barzani, có danh xưng là Tổng Thống Chính phủ Khu vực Kurd, để tìm một thỏa hiệp về việc khai thác dầu lửa. Kết quả Barzani cho biết một phái đoàn cao cấp Kurd sẽ đến Baghdad. Tuy nhiên vấn đề còn gai góc, vì ở vùng Kurd tiếp giáp với Iraq, còn có người Á rập và sắc tộc Turk sinh sống. Những người này vẫn sợ nạn độc quyền của người Kurd. Ðầu tuần này xe bom nổ làm chết 3 người ở một thị trấn nhỏ của trong tỉnh Anbar ở miền Tây Iraq, nơi có nhiều nguời Sun-ni cư ngụ. Tính từ ngày 20/7 đã có 24 người chết vì vì bom ở tỉnh này. Tuần trước một loạt những vụ đánh bom vào các đền Hồi giáo Shi-a ở thủ đô Baghdad đã giết chết 31 người. Ðó là nạn chém giết lẫn nhau giữa hai hệ phái Sun-ni và Shi-a.

Ở Afghanistan tình thế có vẻ còn khó khăn hơn. Hôm thứ hai một quả bom nổ do điều khiển từ xa đã làm chết 10 người, 30 người bị thương trong chợ rau quả thành phố Herat, thuộc miền Tây gần biên giới Iran. Một phát ngôn nhân của Taliban tuyên bố bom đó nhằm vào Cảnh sát trưởng quận Inji lân cận. Các vụ đánh bom đã gia tăng trong mùa hè năm nay, vì nhóm phiến loạn Taliban đã thề phá rối cuộc bầu cử Tổng Thống vào ngày 20/8. Hiện nay quân đội NATO và Mỹ có 101,000 người ở nước này. Riêng Mỹ đã gia tăng đến 62,000 quân trong tổng số kể trên, tức là Mỹ đã tăng gấp đôi quân số so với một năm trước.

Trong tháng 8 quân đội đồng minh đã có 9 người chết vì giao tranh hay vì bị bom, kể cả 3 quân Mỹ hôm thứ bẩy và thêm 3 người hôm chủ nhật, 2 Gia Nã Ðại và 1 Pháp. Tháng 7 là tháng quân đồng minh chết nhiều nhất kể từ năm 2001 khi quân đội đồng minh do Mỹ lãnh đạo đánh chiếm Afghanistan, lật đổ chính quyền Taliban lúc đó bao che trùm khủng bố Osama bin Laden. Trong tháng 7 vừa qua quân đồng minh có 74 người tử trận, trong đó có 43 Mỹ. Phần lớn quân phiến loạn Taliban dùng bom chôn ngoài đường để tấn công quân đồng minh. Quân đội Mỹ cho biết bọn phiến loan nay sử dụng các loại bom có ít hay không có chất kim loại nên rất khó dò tìm. Bọn Taliban còn dùng cách chôn chồng nhiều quả bom lên nhau, và đặt nhiều bẫy bom trong một khu nhỏ. Các Tư lệnh Mỹ dự liệu các vụ đánh bom còn gia tăng thêm cho đến ngày bầu cử 20/8.

Các cuộc chiến khó khăn ở Iraq và Afghanistan làm nổi bật một vấn đề chiến lược chiến thuật rất quan trọng vào đầu thế kỷ 21. Dùng Bộ binh để đánh khủng bố hay can thiệp vào các vấn đề nội bộ của một nước để giúp xây dựng hòa bình và dân chủ là một sai lầm nghiêm trọng. Bộ binh Mỹ và đồng minh đều là quân đội hiện đại nhất thế giới, nhưng đã bất lực trước các nhóm khủng bố vài ngàn người chỉ vì đó là những kẻ lẩn vào trong dân chúng, thành ra chúng vô hình. Chúng chỉ hiện hình sau khi bom tự sát nổ. Thành ra siêu cường đem đại quân đến đánh nhau với những kẻ vô hình, khác nào đem mỡ đến miệng mèo, để chúng sơi tái từng miếng, tích lũy thành số tổn thất thương vong rất lớn.

Việc siêu cường đem quân ra khỏi nước tham gia các cuộc chiến cục bộ chỉ có trong thời gian chiến tranh lạnh sau Thế chiến II. Ðầu tiên là cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-53), khi Bắc Hàn đem quân đánh Nam Hàn với sự trợ giúp của chí nguyện quân Trung Quốc, Mỹ và đồng minh đã tham chiến chống Cộng sản. Sau khi có ngừng bắn, Quân đội Cộng sản rút về Bắc Hàn, Mỹ và đồng minh không tiến quân lên giải phóng Bắc Hàn, nhìn nhận sự chia đôi Nam Bắc. Kế đó đến cuộc chiến tranh Việt Nam khi quân Cộng sản miền Bắc tấn công miền Nam từ năm 1956. Ðến năm 1965 đại quân Mỹ đổ bộ trực tiếp tham chiến giúp Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên đến năm 1972, chính phủ Nixon ký hiệp định ngừng bắn với Bắc Việt để rút hết quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, bỏ mặc quân đội và dân chúng vùng này cho Cộng sản Bắc Việt thôn tính.

Tại sao Mỹ làm như vậy? Trước hết ở Việt Nam cũng như ở Bắc Hàn, Mỹ đem quân tham chiến tại chỗ là vì nhu cầu chiến lược của siêu cường. Mục tiêu của Mỹ chủ yếu là ngăn chặn sự bành trướng của khối Cộng sản mà kẻ cầm đầu là Liên Sô, còn chuyện giúp đỡ dân miền Nam Việt Nam chỉ là thứ yếu. Vì thế sau khi Ngoại trưởng Mỹ Henri Kissenger bất ngờ đến Bắc Kinh, TT Nixon bắt tay được với Mao Trạch Ðông, chiến lược chống Cộng của Mỹ đã toại nguyện ở Ðông Nam Á, vì đã chia rẽ được hai anh Cộng sản lớn nhất là Liên Sô và Trung Cộng, mặt trận Việt Nam không còn cần thiết nữa. Binh pháp từ thời cổ ở Âu cũng như ở Á đã có câu “Chia rẽ kẻ thù là thượng sách”.

Chiến tranh lạnh đã để lại cho thế giới một di sản vô giá. Ðó không phải là một tấm gương để các thế hệ mai sau cứ theo đúng như thế mà làm. Di sản chỉ là một khối những kinh nghiệm được tích lũy trong trường đời, có kinh nghiệm tốt có kinh nghiệm xấu, tóm lại đó là những bài học chiến lược cho những kẻ đi sau. Hãy từ từ rút hết quân Mỹ và đồng minh ra khỏi Afghanistan. “Chỉ có Hồi giáo mới trừ được khủng bố Hồi giáo”. Tàn nhẫn quá chăng? Không nên quên “Chia rẽ kẻ thù là thượng sách” câu nói cổ nhân đã dạy chúng ta vẫn còn đó.

Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh

error: Content is protected !!