Tác giả và Tác Phẩm

Quang Thiện : Ngôi Nhà Trọ

Vì thích phiêu lưu, Đoàn Đình Thông tình nguyện sang Luân Đôn làm thông tín viên viết bài tường trình từ Âu Châu cho đài truyền hình CBC ở Montréal, Canada. Đến Anh quốc, Thông mãn nguyện phần nào với cuộc sống tự  do, không còn bị gò bó trong bốn bức tường văn phòng như trước. Anh thầm tự hào với sự hiểu biết bốn thứ sinh ngữ của mình. Tuổi đời đã ba mươi, đẹp trai, nhưng Thông vẫn còn độc thân. Trong năm đầu làm việc ở Luân Đôn, anh tự nhủ nên sống độc lập để có thể đi đâu tuỳ thích và được làm việc theo sở nguyện. Tuy vậy, chẳng bao lâu Thông bắt đầu si mê Vũ Ngọc Thuý, người thiếu nữ anh gặp tại nhà hát thành phố trong buổi ra mắt vở kịch nổi tiếng. Thông có mặt vì nhiệm vụ ký giả, còn Thuý đến đấy để yểm trợ diễn viên nhà hợp tác tại hí viện Richmond, nơi nàng làm quản trị viên sân khấu. Chàng và nàng cùng uống rượu vang tại quầy tiếp tân. Đến mười giờ, vở kịch chấm dứt, Thông đề nghị lái xe đưa Thuý về vùng ngoại ô ở  Surrey. Hôm ấy đang tiết tháng Sáu, bầu trời đêm trong xanh như mộng.

Thông nghĩ Thượng Đế đã tạo Thuý riêng cho mình, vì anh vốn hạp nhãn với mẫu phụ nữ có thân thể  cao lớn, rắn chắc như nàng. Anh thích mái tóc đen tuyền, phủ dài chấm vai và mùi hương thoang thoảng của bất cứ loại dầu gì nàng xức cho tóc óng mượt. Nhìn toàn diện, mặc dù đôi chân mày trên  khuôn mặt Thuý khá rậm, mắt nàng sắc sảo, vành môi trên hơi lấn, lưỡng quyền cao, nhưng đối với Thông đấy là kiểu tướng cách của người phụ nữ kiêu hãnh, tính tình cương quả. Mỗi lần nàng cười thành tiếng, anh nghe âm thanh như có từ tính cuốn hút mình. Thông vẫn biết, loại đàn ông thích phụ nữ ẻo lã, sẽ cho Thuý là ”thô kệch”, nhưng đối với anh nàng lại rất ”văm”. Thông thích có đàn bà bên mình để ân ái trên giường chứ không phải để trình diễn với bạn bè ngoài đường phố hay trong phòng tiếp tân, và anh vẫn có thành kiến với loại phụ nữ đẹp ”mình hạc xương mai” vì họ thường yếu kém về sinh lý.

Trong đêm đưa nhau về, chàng và nàng đã thấy phát sinh ngay tình cảm hổ tương. Dưới bầu trời đêm trong vắt, đứng trước cửa vào căn chung cư một phòng nàng thuê ở Richmond Hill, Thuý tuy nói lời tạm biệt nhưng vẫn chần chờ, nhìn Thông mê mẫn và bất chợt lên tiếng hỏi:

– Anh đoan chắc là không vừa ở tù ra chứ?

Bằng giọng nói hạnh phúc, chàng đáp:

– Đã gặp em, có lẽ anh sẽ không bao giờ còn là người tự do nữa.

Dứt lời, anh ra dấu hôn nàng, xong quay lưng, bước dọc dãy phố Royal Terrace đến chỗ đậu xe. Trên đầu dốc, Thông có thể trông thấy giòng sông Thames từ xa đang phản chiếu ánh sáng đèn thành phố trông như giải nước bạc đang uốn khúc dưới  hàng cây đen ven bờ.

Để thuận tiện gặp Thuý hàng ngày, Thông bỏ căn chung cư độc thân chật hẹp, dọn tới gian phòng anh thuê tại ngôi nhà trắng khang trang, rộng lớn nhìn xuống đồi cỏ Richmond Green thoai thoải dốc, có con đường mòn lượn quanh dưới những tàng lá xanh. Anh thấy có cảm tình ngay với Hoàng Thúc Trường, mà hàng xóm thường gọi thân mật là “ông Hoàng’, người chủ nhà rất thân thiện là giám đốc công ty buôn  xe Ford lớn nhất trong vùng Surrey. Ông ta  đã mua lại cơ sở này từ mấy năm trước nhờ tiền trúng số độc đắc nhằm lúc cao giá, một pound tiền  tệ của Anh quốc bằng ba Mỹ kim. Có thể  nói, ông Hoàng thuộc thành phần người Việt tỵ nạn giàu có ở thành phố Luân Đôn.

Lần đầu tiên gặp mặt, ông đã niềm nở mời Thông: – Cậu vào nhà, uống chút gì giải khát.

Lẽ đương nhiên anh không thể khước từ. Thông bước theo chủ nhà từ vườn sau đi xuyên gian bếp đến một căn phòng rộng, trên có những cây đà đen mun gác ngang trông thật chắc chắn, dưới sàn trải thảm Ả Rập đắt giá, và trang trí mấy bộ bàn ghế kiểu Jacobean sang trọng. Từ trên một tủ chè bằng gỗ quí, anh trông thấy ảnh gia đình lộng trong mấy khung bạc hình trái xoan.

Chủ nhà rót whisky vào hai cái ly, vui sướng nhìn bọt rượu đang nhẹ nhàng sủi tăm và nháy mắt mời mọc. Thông lặng lẽ gật đầu hưởng ứng, mũi thoáng ngửi hơi men thơm phức đang tỏa rộng. Anh nhấp một chút cho mềm môi, chứ không vội, nghĩ thầm để gia chủ thưởng thức trước. Tự dưng Thông liên tưởng tới nét mặt Thuý, người tình mới quen. Thực ra, trong tứ đổ tường, anh thích đàn bà hơn rượu.

Cả khách lẫn chủ cùng đứng uống rượu đúng kiểu ở Anh quốc. Được giây lát, bà Hồng, nữ gia chủ  bước vào phòng. Bà liếc mắt vào chai rượu với vẻ không ưa, nhưng tươi cười nhìn Thông làm quen. Ông Hoàng hỏi vợ: – Chuyện bếp núc xong rồi hả?

Người đàn bà đáp:- Chưa, hãy còn sớm!

Xong, quay sang Thông, bà ta nói: – Anh dùng cơm tối với chúng tôi nhé, khỏi mắc công nấu nướng. Độc thân làm bếp chắc cực lắm!

– Cám ơn ông bà! Xin khất lần khác. Tôi có hẹn với cô bạn làm việc tại nhà hát ở cuối phố.

– Mới đến Anh quốc mà kiếm được đào ngay, giỏi đấy!

Vừa nói, gia chủ vừa quay về phía bà vợ nháy mắt ra dấu. Ông Hoàng đã đến tuổi trung niên, nhưng mái tóc vẫn còn đen sậm. Thân hình to lớn, đôi cánh tay lúc nào cũng muốn mở rộng, choàng lên vai người đồng hành, bạn bè, thân nhân trong gia đình hay khách hàng, và mọi người hầu như không thể cưỡng lại nụ cười và đôi tay thân thiện của ông ta. Thông được biết bà vợ tên Đào Tuý Hồng, vì anh vẫn thấy tấm nhãn giấy nhỏ dán trên tờ báo giao tận nhà mỗi sáng. Bà Hồng thuộc loại phụ nữ năng động, mỗi ngày đều chịu khó lái xe xuống phố, xăng xái ra vào các cửa tiệm, mua đồ đạc, hoặc đi chợ. Tuy cũng đã xấp xỉ tuổi với ông chồng, bà vẫn thích mặc váy ngắn đến đầu gối, để lộ đôi chân trắng muốt có vài sợi gân xanh lan xuống tới đôi giày gót thấp. Quan sát đến đấy, Thông quay mặt chỗ khác vì không muốn nhìn tiếp, vừa lúc ông Hoàng lên tiếng: – Hãy tự nhiên, mời bạn anh đến chơi tuỳ thích, đừng ngại. Luật lệ nhà này là muốn mọi người vui vẻ.

Bà Hồng hỏi bất chợt: – Bạn gái anh là nữ diễn viên chắc?

 Tính ra cuộc tình của Thông với Thuý đã được mấy tuần êm ả. Buổi sáng thứ bảy, cả hai thong thả dắt tay nhau dạo chơi trong công viên Richmond, ngắm nhìn bầy nai đang dẫm lúp xúp trong đám cỏ cao. Trông thấy bầy ruồi đen bay cách khoảng trên lưng chúng, Thông tưởng tượng mình như đang giữa vùng đất Phi Châu hoang dã. Ngày Chúa Nhật mưa, chàng lái xe đưa nàng đến Teddington thưởng thức trà kem tại ngôi quán tình tự Peg Woffington, mang tên người nữ tài  tử nổi tiếng, một thời từng ở đấy.

Một buổi tối tháng bảy, chàng đưa nàng bước vào ngôi nhà trọ ở ngoại ô vùng Twickenham vừa lúc gặp gia chủ, ông Hoàng đang ngồi ở chiếc bàn gần cửa sau với một người đàn bà có mái tóc đen tuyền. Cả hai đang đối ẩm tương đắc và ông ta âu yếm vuốt đôi bàn tay trắng muốt của nữ khách.

– Chúng mình đi đâu vậy anh? Thuý hỏi khi Thông bất chợt kéo vội người tình vào một gian phòng khác và nói  nhỏ: – Ông chủ nhà của anh đang ngồi với một người đàn bà lạ, không phải vợ ông ta.

Đến lúc ông Hoàng đưa khách ra ngoài, từ khung cửa sổ Thông có thể nhìn thấy rõ vóc dáng hơi mập và mái tóc đen bóng, dắt bín rất kỹ. Anh tưởng tượng bà ta sẽ đẹp hơn nếu thả tóc xỏa tự nhiên. Thông để ý ánh mắt người đàn bà đen nháy, và biểu lộ sự thông minh. Sau đó, ông Hoàng thân ái dìu khách lên xe và rồ máy vụt đi. Nhìn cử chỉ của họ, Thông đoán hai người chắc đã biết nhau từ lâu.

 

V

ào một ngày, nghe Thông than bị ong đốt hành đau ở cổ và làm nhức cánh tay, ông Hoàng nói với vẻ thành thạo: 

– Chắc anh bị dị ứng với nọc của loài ong, để tôi gọi bác sĩ Lâm Thuý Trâm khám thử.

Trong lúc nghe ông Hoàng gọi điện thoại lấy hẹn, Thông để ý, ông ta đang choàng tay trên vai mình.

Văn phòng bác sĩ chẳng xa ngôi nhà cư trú nên Thông chỉ đi vài bước đã tới. Anh trố mắt ngạc nhiên  khi thấy bác sĩ Trâm ra đón ở cửa. Thì ra đây là khách lạ hôm nọ đã ngồi trong nhà với ông Hoàng. Người nữ bác sĩ có vẻ chăm sóc anh đặc biệt. Trong câu chuyện xã giao, Thông  được biết bà ta là bác sĩ riêng của gia đình nhà họ Hoàng từ lâu.

Bác sĩ Trâm nói: – Ông Hoàng rất tốt bụng.

Thông phụ hoạ: – Vâng, tôi cũng thích ông ấy.

– Ông Hoàng chẳng nghĩ tới bản thân và thường giấu chuyện mình rất kỹ, có ai gợi chuyện, ông ấy cũng không hé môi.

Nghe người nữ bác sĩ nói, Thông nghĩ bà ta muốn đề cập đến chuyện dan díu với lão Hoàng, nhưng anh thấy mình sai khi Bác Sĩ Trâm trao mảnh giấy kê toa thuốc, vừa tiếp lời: – Tôi đã khuyên ông Hoàng, ít nhất cũng nên nói thật với cậu con trai của mình những gì đã giữ kín bây lâu, giống như xưng tội, nhưng ông ấy không chịu.

– Cậu con trai nào?

– Người con trai duy nhất tên Hoàng Đình Thất, của hai ông bà chủ nhà anh thuê phòng ở trọ.  Hình của cậu ấy để ngay ở bệ trên lò sưởi đấy.

– Ủa! Tôi thấy trong ảnh người ấy mặc áo linh mục.

– Phải, nhà họ Hoàng theo đạo Thiên Chúa, cậu Thất chọn con đường vào chủng viện và hiện nay đang làm quản nhiệm một họ đạo có đông giáo hữu người Việt ở Yorkshire.

Thông cáo từ ra về, đầu óc nghĩ vẩn vơ về việc hai vợ chồng ông Hoàng có người con thuộc Giáo Hội Vatican và băn khoăn với ý nghĩ ông ta dấu biệt niềm bí ẩn riêng đối với người trong gia đình nhưng lại thố lộ với bà y sĩ, anh nhận thấy có gì bí ẩn trong cuộc sống của lão chủ nhà.

 

M

ột buổi tối, sau khi hưởng lạc vui sướng với Thuý tại gian phòng nhỏ bé của nàng trên đồi, Thông mệt mỏi giả từ người yêu trở về ngôi nhà trọ ở Richmond Green lúc trời đã khuya, anh ngạc nhiên thấy đèn vẫn còn thắp sáng và cửa trước vẫn chưa đóng. Nghe tiếng chân Thông rón rén bước vào, lão chủ nhà bất ngờ xuất hiện, cho biết gia đình đang có cuộc họp mặt quan trọng và ngỏ ý mới vào anh tham dự. Ông ta giới thiệu chủ, khách: 

– Đây là Thất, con trai chúng tôi. Còn đây, anh Thông, thông tín viên đài truyền hình CBC ở Canada, làm việc tại  chi nhánh Luân Đôn và đang ở trọ  nhà mình.

Thông liếc mắt thấy có cả Bác sĩ Trâm. Anh để ý người linh mục trẻ có dáng vẻ rất trầm tĩnh. Trông thấy khách, ông đứng dậy niềm nỡ bắt tay. Bác sĩ Trâm ngồi riêng một phía trong chiếc ghế bành, hai tay nắm ly whisky với vẻ hồi hộp đợi chờ, môi mím và mắt mở lớn theo dõi mọi người hiện diện. Lão Hoàng cũng có ly rượu trước mặt. Bà Hồng và cậu con linh mục đang trong tư thế tình cảm có vẻ căng thẳng. Thình lình, nữ chủ nhân với giọng càu nhàu, lên tiếng giải thích:

– Chúng tôi đang họp gia đình để giải quyết một số vấn đề bất lợi, xem phải đối phó như thế nào.

Lão Hoàng tiếp lời vợ: – Tôi đã có quyết định. Đây không hẳn là vấn đề bất lợi vì đã có nhiều người mặc cả mua lại cơ sở thương mại của tôi với giá rất hời. Tuy nhiên tôi vẫn có thể tiếp tục sinh hoạt làm ăn khấm khá như bấy lâu nay, nhưng…

Gia chủ dứt tiếng không nói hết câu, ngập ngừng với vẻ chờ đợi. Khung cảnh buổi họp đang chìm trong thinh lặng, bỗng bác sĩ Trâm góp tiếng:

– Tôi đã làm mấy cuộc thử nghiệm và khám phá thấy triệu chứng bệnh tim sẽ không cho phép ông Hoàng hoạt động  nữa…

Bà Hồng quay nhìn cậu con trai, nói: – Tại rượu hành đấy!

Lão Hoàng bàu chữa: – Uống rượu là thú vui của tôi, làm sao bỏ được.

Quay sang Thông, ông ta giải thích, cố cho mọi người nghe: – Kế hoạch như thế này. Tôi đã thoả thuận giá cả người ta muốn mua lại cơ sở làm ăn của tôi, tuy không quá lớn lao nhưng cũng đủ để hài lòng. Sau khi thu xếp xong xuôi, tôi sẽ làm một chuyến du lịch sang Canada  thăm các chiến hữu cũ và những nơi đã từng sinh hoạt trong thời tôi định cư ở đó. Đây là uớc nguyện cuối cùng của tôi trong những ngày còn lại.

Thông để ý ông linh mục trẻ nhìn cha mình với  ánh mắt thán phục và lên tiếng tán đồng ý muốn của lão Hoàng, cùng lúc như muốn giải thích cho những ai chưa biết quá khứ của ông ta: – Bố tôi trước kia là Chủ Tịch Cộng Đồng và Phòng Thương Mại Người Việt, trụ sở ở Trenton, Ontario.

Chờ cậu con linh mục dứt lời, lão Hoàng  nói tiếp: – Tôi chẳng hy vọng gặp lại đám bạn già đông đủ, nhưng  ít ra cũng được vài người và đi thăm một số địa điểm quen thuộc.

Dứt lời, ông ta nâng cao ly rượu, hướng về phía Bác sĩ Trâm như cố ý tìm sự thoả thuận. Bà bác sĩ chỉ khẻ gật đầu tán thành.

Mấy tuần sau, lão Hoàng mua vé máy bay khứ hồi đi Canada. Tuy nhiên, cuối cùng, hãng hàng không phải trả lại tiền một lượt vé vì ông ta đã trở thành nắm tro tàn nằm trong lọ do bác sĩ Trâm mang về Luân Đôn.

 

T

hông giải thích hoàn cảnh nhà họ Hoàng cho Thuý nghe trong lúc cả hai đến xem vở kịch Dr. Faustus của Marlowe tại nhà hát Aldwych. Ngồi ở quầy giải khát nhâm nhi rượu gin hâm nóng, Thông nói: – Ông Hoàng thật tốt bụng, lần đầu tiên gặp mặt, tính thân thiện của ông ta khiến anh tưởng như quen nhau từ  lâu.

– Ông ấy chết thật tội nghiệp!

Thông thở dài, tiếp lời: – Chắc tại cuộc sống cô đơn ở Canada, nhưng ông ta lại muốn thế. Bác sĩ Trâm cho anh biết lão mang bệnh từ lâu nhưng vẫn giấu gia đình cho đến giây phút cuối mới tiết lộ.

Sau đó, mặc dù Thuý không muốn nghe chuyện buồn, Thông vẫn kể chi tiết cái chết đột ngột của lão Hoàng ở Trenton mà anh được biết. Một đồng nghiệp của Bác sĩ Trâm tại đó đã theo lời dặn trong tấm thẻ nhỏ lão Hoàng mang theo mình phòng khi bất trắc, điện cho bác sĩ riêng của gia đình nhà họ Hoàng về tin cái chết của ông ta. Cuối cùng, người nữ y sĩ tình nguyện đáp máy bay sang Canada nhận xác mang về cho gia đình. Bà Hồng đồng ý vì tin tưởng bác sĩ Trâm rành về vấn đề này. Tuy nhiên, sau cùng, do sự hiểu lầm từ phía những người trách nhiệm ở Trenton nên khi bà bác sĩ đến nơi thì xác ông Hoàng đã hỏa táng. Tuy ngỡ ngàng, nhưng bác sĩ Trâm thấy cũng tiện, bà gọi điện thoại viễn liên thông báo cho vợ goá của người quá cố biết, xong hôm sau mang nắm tro tàn thân xác của lão Hoàng đựng trong chiếc lọ sứ xinh đẹp màu da trời, trở về Luân Đôn. Đến nhà ở Richmond, hộp tro được bà Hồng đặt ở bệ gạch lò sưởi, bên cạnh tấm hình của người con linh mục, tức Hoàng Đình Thất.

Câu chuyện chết chóc buồn thảm Thông kể làm Thuý mất vui suốt buổi tối. Tuy vậy về phòng Thông đêm đó, sau cuộc ái ân, tâm tính nàng trở lại bình thường và thủ thỉ yêu  cầu chàng đừng kể chuyện lão  Hoàng nữa. Sau đó, sự việc đã có nhiều biến đổi. Thuý băn khoăn vì Thông không còn đến gặp nàng  nhiều như trước. Nàng không rõ chuyện giám đốc đài truyền hình CBC Canada đã yêu cầu Thông trở về văn phòng ở Montreal để thảo luận việc làm tương lai. Vì vậy, tâm trí Thông cảm thấy bất an khi được  biết lý do anh bị triệu hồi về Canada  là vì tình trạng ”thiếu hụt ngân sách”.

Thông từ giả Thuý và hứa hẹn chỉ vắng mặt một thời gian ngắn rồi sẽ trở lại với nàng. Trước khi rời Luân Đôn, anh cũng ghé thăm bác sĩ Trâm nhưng bà không còn hành nghề. Người đồng nghiệp kể lại, vì chán lề lối kiểm soát hành chánh của Cơ Quan Y Tế nên bà không muốn mở phòng mạch tư nữa, mà chỉ làm việc lưu động với một số khách bệnh nhân đặc biệt cần đến bà mà thôi. Cuối cùng, vì hoàn cảnh thay đổi sau cái chết của ông Hoàng, bà đã di dân sang Canada, cư ngụ ở Montreal.

Trong tuần lễ chuẩn bị rời Anh Quốc, mặc dù anh cố tránh né, Thông vẫn phải tiếp chuyện với bà Hồng mấy lần. Anh nhận thấy trong thời gian lão Hoàng còn sống, bà chỉ là chiếc bóng mờ trong gia đình vì ông ta có nhiều thế lực và tiền bạc, chỉ huy hết mọi việc. Bây giờ lão đã qua đời, bà Hồng bỗng nổi bật trước mắt Thông trong lúc anh vẫn còn tiếp tục trọ trong nhà. Từ đó, Thông mơ hồ nhận thấy người đàn bà cô đơn này có vẻ nguy hiểm và muốn đòi hỏi thứ gì anh không thể rõ. Tuy nhiên Thông không bận tâm mấy khi nghĩ mình sắp rời khỏi ngôi nhà trọ đã ở bấy lâu.

Có một hôm, bà Hồng chận đường, mời cho được Thông vào ngồi ở phòng khách đã rót sẵn hai ly whisky. Ly rượu dành cho Thông không đầy, và ly của nữ chủ nhà chỉ có một lớp mỏng ở đáy. Bà Hồng mơ màng nhìn Thông nói:

– Anh sẽ trở lại đây chứ? Tôi muốn biết anh tính sao về gian phòng đang thuê.

Tuần trước, vì lo âu về việc chủ gọi trở về Montreal, Thông đã nói chuyện với bà chủ nhà là mình có thể bị mất việc làm, nên trả lời: – Tôi hy vọng vậy. Nhưng nếu gặp hoàn cảnh bất lợi, tôi sẽ thông báo bà biết ngay để cho người khác mướn.

– Không phải tôi nghĩ về việc cho mướn gian phòng đó để kiếm lợi. Ông nhà tôi chết đi để lại ngôi  nhà này và phần lớn số tiền bán cơ sở làm ăn, cả cậu con linh mục của chúng tôi cũng được thừa hưởng đầy đủ, nên tôi chẳng băn khoăn vì chuyện kiếm sống.

Ngưng giây lát, để hớp một ngụm rượu, người góa phụ nói tiếp:  – Sự kiện chính tôi muốn nhấn mạnh  là sẽ nhớ anh. Đối với tôi  anh đã trở thành gương mặt quen thuộc trong ngôi nhà này.

Đối với những lời tâm tình của người góa phụ, Thông chỉ biết gượng gạo mĩm cười. Anh nhận thấy bà Hồng có vẻ già thêm sau khi chồng chết, mái tóc như cứng hơn và anh để ý làn da láng bóng như tráng sáp mỏng trên lưng đôi bàn tay người đàn bà đang vân vê ly rượu. Thông cảm thấy khó chịu vì hơi thở dồn dập và đôi mắt thèm muốn dục tình hiển hiện trên khuôn mặt chớm đỏ vì men rượu. Anh vội vả cáo từ và như loài hưu trốn chạy sư tử, Thông phóng nhanh ra lộ đi tìm Thuý.

 

V

ề đến Montreal, Thông được biết sự việc xảy ra đúng như nỗi lo của mình. Lão giám đốc, Huỳnh Đình Phát, mặc dù nói rất xã giao và xin lỗi đôi ba lần trong câu chuyện nhưng quyết định rút Thông khỏi Anh quốc như đã được lão ký trên giấy tờ. Đài truyền hình bây giờ chỉ mua bản tin Âu Châu khi cần thiết chứ không mướn người làm việc thường trực nữa. Do đó, Thông về đến Canada lần này chỉ để chờ đợi công ty tìm cho mình việc làm khác. Kết thúc buổi tiếp xúc, lão Phát an ủi  Thông bằng câu tiếng Pháp địa phương: – Bien, c’est pas mal. Dù sao cậu cũng đã được một thời gian mãn nguyện phải không? Mừng cậu trở lại  Montréal.

Thông đáp bất đắc dĩ: – Ông giám đốc đã tính như thế, tôi phải nghe theo thôi!

Tuy nói vậy, nhưng trong thâm tâm, anh quyết định phải trở lại với Thuý, không màng chờ đợi việc làm khác, vì tự thấy không thể xa nàng. Tuy nhiên vấn đề khiến anh nghĩ ngợi không ngớt là làm cách nào để có tiền tiếp tục sinh sống ở Luân Đôn.

Không đoán được ý nghĩ của Thông, lão giám đốc, kéo hộc bàn lấy một tấm vé, trao cho anh và nói:

– Bây giờ, tạm thời cậu hãy vui chơi đã! Vé đấu dã cầu giải Expos đây, đến xem giải khuây đi.

Rời khỏi văn phòng đài truyền hình, Thông đến quán Rainbow ăn lót lòng và uống vài ly bourbon cho đã thèm vì loại rượu này hiếm thấy ở Anh quốc. Sau đó, anh đáp xe điện đến thao trường Olympic. Quang cảnh thật náo nhiệt, thiên hạ chen nhau chật ních xem trận đấu dã cầu hi hửu.Thông tạm thời quên mọi nỗi lo nghĩ, tính toán, để theo dõi. Trong một lần hai đội tạm nghỉ giải lao, anh bất chợt đứng dậy nhìn quanh đám khán giả đông đảo trong thao trường. Thình lình, Thông trông thấy lão Hoàng bằng  xương bằng thịt đang cầm lon bia, ngồi ở sau lưng anh chỉ cách bốn hàng ghế và bác sĩ Trâm nói năng  cười đùa bên cạnh lão ta. Thông chợt hiểu hai người đã lập mưu kế tinh vi, giả tạo cái chết để sang Canada chung sống. Từ đó, anh vừa theo dõi trận đấu, vừa nhìn chừng đôi nhân tình trung niên ở sau lưng mình. Đến lúc trận đấu Expos chấm dứt, thiên hạ kéo nhau về phía lối ra ở cổng thao trường, anh cố ý theo sau, và đối đầu với hai người ở bãi đậu xe. Thông lên tiếng trước:

– Chào ông Hoàng! Tôi không ngờ mình còn gặp lại  nhau!

– À, Thông, mừng được gặp cậu ở xứ này. Trận đấu hào hứng hả? Từ khi sang làm ăn ở Luân  Đôn tới giờ, tôi mới  được xem lại môn dã cầu.

Lão Hoàng nói chuyện tự nhiên như không có gì xảy ra. Cánh tay nặng nề của lão quàng trên vai Thông lúc cả hai đang ngồi ở băng ghế sau xe. Ông  ta không tỏ vẽ lúng túng khi gặp lại anh, trong lúc Bác sĩ Trâm lái xe rẻ xuống phố, thỉnh thoảng liếc nhìn kính chiếu hậu, nét mặt lo âu.

Thông không nói gì nhiều cho đến lúc xe về đến nhà hai người ở Westmount, gần khu công viên. Ngôi nhà mới của lão Hoàng không rộng lớn như ở Richmond, nơi anh từng thuê ở trọ tại Anh quốc, nhưng bên trong bày biện khang trang, ấm cúng, đúng mẫu lý tưởng cho đôi tình nhân yêu nhau ở. Thông chú ý tủ rượu của ông ta trong ngôi nhà mới này, cao, rộng hơn. Sau khi cả ba đã ngồi yên vị với ly rượu đầy trong tay, anh vào đề ngay: – Tôi mừng thấy ông còn sống mạnh khoẻ, nhưng dù không hay đả động đến việc riêng tư của người  khác, tôi vẫn muốn biết câu chuyện ra sao?

– Bây giờ cậu đã rõ rồi! Lẽ tất nhiên là mọi sự đều đã được nguỵ tạo để tôi có thể rời xa vợ tôi, sống với Trâm ở xứ này.”

– Chỉ vì thế mà ông phải tính toán mọi việc một cách mưu mô như vậy?

Đang ngồi rúc người vào mình lão Hoàng như đôi thú tìm hơi ấm nhau trong hang đất, Bác sĩ Trâm lên tiếng phụ họa:  – Đúng thế!

Nhìn cảnh hai người âu yếm, Thông  chợt liên tưởng đến Thuý, người yêu đang cô đơn ở bên trời Âu.

Ngưng giây lát, bà Trâm nói tiếp: – Ngay cả triệu chứng bệnh tim của ông Hoàng cũng do tôi phịa ra. Hai chúng tôi đồng lòng lập mưu như vậy, chứ thực ra ông ấy chẳng bệnh hoạn gì cả. Chúng tôi đã  lừa bà Hồng và cậu con linh mục là ông Hoàng đã giữ  kín bệnh tim của mình trong bao nhiêu năm vì không muốn gia đình lo âu. Sau đó, tuyên bố đã tới lúc trầm trọng, ông cần phải ngưng công việc làm ăn để du ngoạn thăm viếng những nơi chốn có kỷ niệm xưa, kể cả quê  hương Việt Nam, trước khi chết, thực hiện ước vọng của ông, nếu không, chẳng bao giờ còn cơ hội, và cả hai tin ngay, không hề thắc mắc như anh đã biết trong đêm hôm đó.

– Nhưng làm sao bà có thể móc nối với một bác sĩ ở Canada để  chứng nhận cái chết của ông ta?

– Chẳng có ai cả, ông Hoàng chỉ cần gởi  tin thông báo cái chết bằng chữ  ký giả mạo. Sau đó, tôi đưa bà Hồng xem và thuyết phục để tôi lo toan mọi việc. Đáp máy bay tới Montreal, tôi mua một bình đựng di cốt xong  trở về Luân Đôn. Còn nắm tro bên trong tôi lấy tại lò sưởi ở nhà.

Thông nói với vẻ phản đối:

– Hai người tính thì hay đấy, nhưng tôi nghĩ chẳng có gì kín nhẹm được mãi dưới ánh mặt trời.

Châm thêm rượu vào ly, lão Hoàng điềm nhiên hỏi: – Tại sao không chứ? Tôi biết chẳng ai có lý do gì để tìm hiểu sự thật, vì bác sĩ gia đình đã xác nhận tôi chết và chính bà ấy mang tro tàn về. Trong khi vợ con tôi, mỗi người đã được hưởng một phần gia tài và sản vật đáng kể thì còn gì để  thắc mắc? Chỉ có những người cần phải điều tra về cái chết của tôi là bọn bảo hiểm, nhưng may mắn là tôi không hề bảo hiểm sinh mạng mà đã tự tích trữ tiền bạc trong bao nhiêm năm để thực hiện mưu toan này…

Bác sĩ Trâm ngắt ngang lời lão, góp tiếng: – Anh ấy đâu có lấy của cải đi hết. Trong mấy năm sau này, ảnh chỉ rút bớt tiền trong các vụ làm ăn, mua kim cương để về sau, mang theo lúc rời khỏi Anh quốc. Hiện nay chúng tôi sống với  tài sản đem được ra xứ ngoài và số tiền riêng tôi dành dụm được.

– Nhưng vì sao hai người phải toan tính rắc rối làm gì? Ông có thể ly dị bà vợ để cưới người  khác ngay ở Anh, có sao đâu?

– Làm sao đơn giản như vậy được? Anh quên mất cậu con của tôi là linh mục đạo Thiên Chúa sao?

– Tôi vẫn thấy ông phải tính toán quá rắc rối để loại trừ một bà vợ mà ông đã chán.

– Không hẳn vậy. Tôi lại thấy khoái với những toan tính của mình. Anh phải nhìn nhận là sự nhàm chán thường làm khổ con người.

Dứt lời, lão Hoàng choàng tay qua vai bác sĩ Trâm, kéo người yêu vào lòng và cả hai cùng cười mãn nguyện. Xong, quay sang Thông, ông tiếp tục:

– Ngoài ra, bà Hồng hay ngăn cấm tôi uống rượu. Điều này thật vô lý. Bà ấy đã đoạt mất niềm vui của  chồng. Đối với tôi, rượu rất cần thiết cho cuộc sống. Trâm trái lại, biết chìu chuộng ý thích của tôi. Chúng tôi đã du lịch nhiều nơi, hưởng thụ cuộc sống và bây giờ dừng chân nơi đây. Bầu không khí trong ngôi nhà này thật ấm cúng với tiếng nhạc, với những câu chuyện kể về kỷ niệm, về thương yêu về ước vọng.

Nâng ly rượu lên cao, lão lớn tiếng: – Anh phải biết, đây là hạnh phúc tôi hằng trông mong. Bây giờ  tôi có thể nhóm lên bất cứ  lúc nào như nhóm ngọn lửa ấm trong lò sưởi mùa đông.

Nét mặt lão Hoàng bỗng sa sầm thoáng buồn lúc kết thúc câu nói:

 – Ở nhà bên Anh quốc, bà Hồng đâu chịu cho tôi được như thế này. Tôi cứ phải trộm thì giờ để vui chơi đây đó với Trâm. Bà vợ tôi thật khó tính, và ích kỷ, chỉ nghĩ riêng đến bản thân mình nên không thể  thông cảm với tâm tình của chồng.

 

T

rở về khách sạn tạm trú, Thông băn khoăn mãi vì câu chuyện của đôi uyên ương trung niên Hoàng và Trâm. Anh không trách vấn đề lương tâm trong mưu toan của hai người, trái lại Thông cảm nhận hoàn cảnh của cả hai đã tạo trong anh một ý tưởng  hay.

Sáng hôm sau, thức dậy, Thông đã biết phải làm gì. Ăn điểm tâm xong, anh gọi điện thoại cho lão Hoàng:- Tối qua mãi nghe chuyện ông kể nên tôi không thể trình bày hoàn cảnh của tôi.

Trong câu chuyện Thông cho lão chủ nhà cũ biết anh đã bị mất việc làm ở Luân Đôn, và sẽ rất khổ  sở nếu không còn được sống với người yêu ở đó. Cuối cùng Thông kết luận:

– Thú thật với ông Hoàng, bây giờ tôi chẳng biết xoay sở ở đâu cho có tiền để trở lại Richmond sinh sống đến lúc tìm được việc làm khác…

Nói đến đây, Thông ngưng bặt chờ đợi. Bên kia đầu dây, lão Hoàng cũng im lặng dường như để suy tính. Cuối cùng, ông ta lên tiếng với giọng thoáng chút bực dọc:

– Tôi hiểu ra rồi! Anh muốn được ở gần người yêu bên Anh quốc, chúng mình có điểm giống nhau là  cùng vì tình yêu. Thôi được, để tôi giúp anh một số tiền, năm ngàn đô la được không?

– Cũng được. Tiền mặt nhé, ông Hoàng.!

Thông nhận tiền vào ngày hôm sau để trang trải một ít chi phí khách sạn, xong gói hành lý và bỏ vé máy bay vào túi, lên đường. Thông để ý trong lần tiếp xúc này, lão Hoàng và Trâm không hề mời anh ngồi hoặc mời nán lại dùng ly rượu. Thông chỉ biết chụp vội bao thư đựng tiền, đỏ mặt bước nhanh ra khỏi nhà, tự biết hai người đã trả tiền để mong anh đi cho rảnh mắt, và có ý muốn bịt miệng khi anh trở lại Richmond. Tuy nhiên Thông dịu ngay cơn ngượng khi nghĩ đến sự kiện lão Hoàng cũng như Trâm đã gian dối để chung sống với nhau và anh may mắn được biết rõ mưu mô của hai người, dại gì không lợi dụng cơ hội để nhờ cậy?

Đến Anh quốc, Thông mới thấy năm ngàn Mỹ kim đổi ra đồng pound cũng chẳng giúp anh kéo dài cuộc sống thất nghiệp được bao lâu. Trọ một mình ở gian phòng trong ngôi nhà to lớn của bà vợ cũ lão Hoàng, anh có cảm  tưởng người đàn bà vẫn lặng lẽ theo dõi, dòm ngó mình. Bà ta thường kiếm cớ nhờ cậy để được gần Thông, lúc thì  chỉnh TiVi, khi thì phụ dời cái bàn, và trong lúc tiếp xúc, bà Hồng hay  biểu lộ nhiều cử chỉ khêu gợi, mời mọc.

Để tránh né hoàn cảnh cám dỗ, Thông thường phải vắng mặt ở nhà trọ, đi ăn tối lang thang với Thuý tại các hàng quán. Một hôm, nàng bất chợt hỏi người yêu: – Anh thất nghiệp, tiền đâu có mà xài vậy?

– Đừng lo, tiền anh dành dụm.

Và cũng như mọi lần, Thông cố thuyết phục Thuý di chuyển sang Canada để anh có thể tiếp tục việc làm với  đài truyền hình CBC. Tuy nhiên mỗi lần như vậy, Thông đều thất bại vì người yêu nhất quyết ở lại Anh theo đuổi nghề nghiệp. Thuý chỉ muốn tiến thân từ Richmond đến nhà hát thành phố tại West End ở Luân Đôn mà anh không thể nào lay chuyển được quyết  tâm của nàng.

Chẳng bao lâu, Thông lâm tình trạng tài chánh sa sút. Mặc dù thỉnh thoảng anh viết bài cho tờ The Listener kiếm chút tiền nhưng chẳng đủ thiếu vào đâu. Nếu vẫn còn tiếp tục ở bên này bờ đại dương, Thông sẽ không được công ty trả lương. Anh thấy giai đoạn bế tắc đã gần kề khi tiền trong túi cạn dần. Thông cố gạt bỏ ý tưởng làm tiền lão Hoàng. Nhưng cuối cùng, trở về phòng trọ lúc trời hãy còn mờ sương, sau một đêm ân ái mặn nồng với Thuý, anh tự thấy không thể nào xa người yêu trở về Canada để  tránh cảnh bế tắc tiền bạc, trái  lại anh thấy cần thiết phải ở bên nàng hơn bao giờ hết.

Ngày hôm sau, anh gọi điện thoại đến Montreal. Bên kia đầu dây, không tỏ chút ngạc nhiên nào khi nghe tiếng Thông, lão Hoàng nói:

– Tôi không ngờ với số tiền đó, cậu lại có thể ở Luân  Đôn lâu như vậy.

– Xin lỗi, tôi cần thêm tiền để ổn định cuộc sống…

– Vì sao cậu lại nghĩ tôi phải trả tiền cho cậu nữa chứ?

– Nếu ông không chấp nhận, tôi có thể gây rắc rối cho ông.

– Rắc rối như thế nào?

– Ông đã chuyển tiền lậu ra khỏi  nước Anh, vi phạm luật tiền tệ của  xứ này.

– Cậu sẽ chẳng làm gì được tôi vì không có bằng cớ. Tôi đã lo toan chu đáo lắm. Sợ cậu không chứng minh được đấy!

– Ông cũng đã nguỵ tạo cái chết của mình. Đấy cũng là việc làm phạm pháp.

– Trâm đã lo giấy khai tử giả để bà Hồng có thể hưởng gia tài của tôi.  Anh chỉ có thể dựa vào đấy mà  thôi. Anh thực sự muốn Trâm bị rắc rối hay sao?

– Tôi sẽ nói hết cho vợ ông  biết. Bà ta trước sau gì cũng sẽ thưa hai người ra toà.

– Được anh cứ thực hiện ý định của mình. Dù sao tôi cũng hứa sẽ trả tiền cú điện thoại viễn liên này cho anh.

Dứt lời, lão cúp phone. Thấy không thể làm gì hơn, hôm sau, Thông lại thuyết phục Thuý theo anh về Canada sinh sống. Tại đó, anh mới có thể xoay sở việc làm đủ cho hai người chi dụng và anh được ở bên người yêu. Tuy nhiên, nàng quả quyết:  – Em nói lần cuối cho biết, em đã được nuôi dưỡng lớn lên ở đất nước này nên không muốn thay đổi gì cả. Anh nghe ra chưa?

Sau hết, hy vọng chót để Thông có thể mỏi tiền cũng không còn trên cõi đời, thật bất ngờ, đó là cái chết của linh mục Hoàng Đình Thất ở Yorshire. Ông ta tử nạn vì  bị xe đụng đang lúc trên đường về sau khi thăm viếng gia đình một tín hữu có đứa con gái đi hoang. Niềm an ủi cuối cùng của bà Hồng đã tiêu tan trong lần lên miền Bắc nước Anh để tiển đưa cậu con linh mục qua đời đến nghĩa trang trong khu đất  thánh của họ đạo. Bốn ngày sau, bà trở về ngôi nhà rộng lớn ở Richmond, lòng buồn vô hạn.

Bây giờ Thông suy nghĩ có nên kể cho bà Hồng nghe việc chồng bà đã lập mưu bỏ vợ để đi xây tổ uyên ương với người khác hay không. Trước khi ông linh mục qua đời, Thông đã có ý định nói với bà Hồng: ”Bà  phải giúp tôi phương tiện để  tiếp tục sống ở Anh, nếu không tôi sẽ nói cho con bà biết, ông ta có một  người cha tội lỗi đã lừa dối vợ để sống với Bác sĩ Trâm ở Montreal.”

 

B

à Hồng đứng ở chiếc bàn cũ đặt bên hè nhà, đang trồng hoa vào chậu kiểng lúc Thông sắc mặt  chẳng được vui, rời khỏi phòng.  Nhận ra ngay thái độ bất an của người đàn ông trẻ thuê nhà,  bà hỏi ngay: – Anh có chuyện gì vậy?

– Chẳng có gì quan trọng…

Vừa nói, anh vừa chú ý quan sát người đàn bà trung niên có nét mặt tròn trịa mập mạp với mấy sợi tóc bạc trong mớ tóc đen bó gọn bằng chiếc khăn cột túm sau ót, và thâm tâm nghĩ nên cho lão Hoàng một bài học.Tự dưng Thông thấy lòng oán hận nổi dậy vì ý tưởng, nếu không tiền, bắt buộc trở về  Canada, bỏ Thuý lại thì anh cũng phải làm sao để lão Hoàng phải trở về đây đương đầu với trách  nhiệm cho bỏ ghét… Thông tiếp lời:

– Sự thực thì cũng có chuyện để nói. Trong thời gian trở về  Montreal, tôi đã khám phá được  một câu chuyện gian dối kinh khủng..

Nhận thấy vẻ khác thường trong thái độ của Thông, bà Hồng thân mật nắm tay anh dắt đi dưới bóng mát của giàn hoa hồng, vừa nói: – Anh vào trong nhà đã, tôi pha trà uống rồi hãy nói tiếp.

Trong lúc ấm nước sôi rít thành tiếng và bà Hồng cho trà vào ly, Thông kể nhanh câu chuyện đã được biết về lão Hoàng với người yêu Lâm Thuý Trâm của lão ở Canada. Nghe anh nói, từ đầu đến cuối, bà  Hồng vẫn giữ thái độ im lặng. Chờ Thông hớp ngụm trà, bà nhìn vào mắt anh nói:

– Tôi biết hết mưu toan của họ, nhưng vẫn bằng lòng để cho hai người đó ra đi.

Thông há hốc miệng, ngạc nhiên không thể tưởng: – Bà đã biết, nhưng..

– Tôi với ông chồng đã thỏa thuận không để cho cậu con linh mục biết gì cả. Ông ta có thể ra đi, miễn là những ngày còn lại của tôi được sống bảo đảm sung túc và ông ấy phải làm cái chết giả tạo để tránh con tôi, Linh mục Thất, có thể phản đối mạnh vì cha mình đã bỏ mẹ đi xây tổ uyên ương với người đàn bà khác. Do đó, tôi đâu bận tâm chuyện riêng tư của ông ta. Tội nghiệp anh quá, nếu con trai tôi còn sống, anh có thể dọa lão Hoàng để moi tiền được, vì lúc nào ông ta cũng cố tỏ cho cậu con tu hành thấy bố là người đạo đức.

– Bà Hồng đừng chế nhạo nữa. Thú thật, tôi si mê Thuý nên muốn ở lại Richmond, khổ nỗi không thể kiếm được việc làm ở đây.

– Nói thật, tôi cảm thấy thích vì lần đầu tiên được nghe anh gọi đích danh tên tôi.

Dứt lời, nữ chủ nhà đứng dậy, có lẽ định bưng hai chiếc tách tới chỗ rửa, nhưng trước khi bước đi, bà dừng lại sau lưng Thông và nói ngập ngừng: – Tôi có ý nghĩ muốn đề nghị với anh…

Thông lắng nghe, cố chờ xem bà  Hồng nói  gì. Bà ta thong thả tiếp lời:

– Tôi có khá tiền, dư sức để tôi và anh chung sống. Chắc anh cũng đã biết, từ ngày Linh mục Thất qua đời, tôi rất cô đơn. Anh có thể dọn khỏi căn phòng trọ chật hẹp đó, để ở chung trong ngôi nhà lớn này với tôi.

Đang nói, người đàn bà trung  niên bỗng ngưng giây lát như để dò phản ứng của Thông, xong tiếp:

– Tôi sẽ không phản đối việc anh tới lui với Thuý vì nghĩ anh hãy còn thanh niên, tràn đầy sinh lực,  nếu anh chịu chia xẻ tình yêu với tôi thì anh vẫn có thể tiếp tục sống lâu dài ở đây mà không phải lo tới chuyện tiền bạc…

 

Thúy thoáng ngạc nhiên khi thấy Thông đến với nàng đêm nay, chưa làm gì đã vội vào phòng tắm.  Và trong cơn mây mưa, nàng nhận thấy anh không còn mạnh bạo hùng hổ như trước. Thuý không thể rõ vì tình và vì tiền, Thông đã phải cung phụng sinh lý đều đều cho hai người đàn bà cùng mạnh về tình dục.

QUANG THIỆN

 

error: Content is protected !!