Văn Thơ

Nhà Thơ Đông Anh : Hai tác phẩm Nỗi niềm Viễn xứ & Tình thơ Viễn xứ của Nguyên Hà

 

Kính thưa Quý vị

Hôm nay chúng tôi được hân hạnh nói về tác phẩm của nhà thơ Nguyên Hà với hai tập thơ Nỗi Niềm Viễn Xứ và tập bổ sung là Tình Thơ Viễn Xứ.

Cả hai đều lấy đề tài viễn xứ. Từ nơi xa xôi quê người viết về quê mình, cũng như ngày xưa khi còn trong tù thì “Đem ngòi bút nối tình sau trước, lấy vần thơ gạn đục khơi trong, viết về nỗi nhớ non sông, viết lên thảm cảnh cùm gông đọa đầy”

Bây giờ từ nơi viễn xứ nhớ và viết về non sông ngàn dặm, Nguyên Hà ghi lại nỗi lòng với quê hương:

” mười ngón tay đan vào nỗi nhớ,

bóng ai mỏi bước  giữa đêm khuya,

buồn lên cô quạnh thu vàng úa,

Nắng cũng phai tàn gió nhẹ đưa”

Vào những ngày xuân, nỗi nhớ quê nhà lại càng ray rứt:

”Não nùng gởi trọn tình quê,

viễn thiên cận địa đã kề với ta,

dẫu rằng cách nước non nhà,

xuân sang nồng ấm ngỡ là hồn quê”.

 Nỗi lòng Nguyên Hà gửi vào

“bát nước chè thửơ ấy,

Cứ tưởng chừng đâu đây,

Tình ngát hương thắm đượm,

quê mẹ khuất ngàn mây”

Hết xuân rồi lại thu, nỗi nhớ quê hương cứ dằng dặc theo hoài:

” lác đác lá vàng bay trước gió,

bên bờ lau trắng gợi thu buồn,

giọt mưa thu lạnh đường hoang vắng,

để lại riêng ta nỗi ngậm ngùi”.

Tuy có chút lạc vận cũng như tâm tình nhà thơ cứ mãi mãi lạc loài nơi đất khách.  Nguyên Hà vẫn cứ lang thang nơi viễn xứ:

” Ngoài trời sương lạnh đêm huyền ảo,

Tiếng dế thâu canh trút hận đời,

Phận bạc lang thang trong giá buốt,

 mưa khuya nặng hạt xót không lời”

Đã ra đi tất có ngày về. Từ nỗi niềm viễn xứ đến nỗi lòng thôi thúc trở lại quê hương:

” ta đi xa cách ngàn trùng,

Ly tao vẫn hẹn tương phùng một mai”

khi về:

” Ta về nắng ấm bình minh,

Líu lo chim hót đượm tình quê hương”.

Từ nơi lưu đầy ngàn dặm, Nguyên Hà cứ chớ mong ngày về, nơi đó có đôi mắt mong chờ, có trăng soi bến cũ:

” Quê hương cách biệt xa vời vợi,

Mỏi mắt trông chờ gợi nhớ quê,

đất mẹ ngàn đời dân nước Việt,

 trăng soi bến cũ hẹn người về”.

Ngày cha nơi viễn xứ vẫn mong ngày về bên cha, bởi vì cha là quê hương, cha là nguồn sống của thi nhân:

” tháng năm mưa nắng nhạt nhòa,

ngàn thu hình bóng của cha đâu rời,

bao nhiêu kỷ niệm đầy vơi,

Cha là bóng mát chẳng cầu mong xin”

Đó là tâm tình tác giả gửi vào thơ. Bây giờ xin nói qua về sách. Trong cả hai tập thơ Nỗi Niềm Viễn Xứ và Tình Thơ Viễn Xứ không những gói trọn tâm tình Nguyên Hà mà còn những vần thơ khách cũng gửi gấm lòng mình qua những bài thơ xướng họa đủ thể loại. Bài nào cũng được tác giả họa lại vừa để tạ tình vừa để tiếp nối thêm những nỗi nhớ quê hương. Phần nhiều trình bày ở tập sau là tập thơ mà tác giả bổ túc cho những bài xướng họa ở tập trước.

Tôi vốn khe khắt với Thơ Đường, song cũng tim được nhiều câu xướng họa rất là tương đắc xin lược kê sau đây để mời quý vị thưởng lãm.

Trong bài trang Sử Oai Hùng cùa Nguyễn Công Hoàn có hai câu:

” Gò Đống xương thù phơi nội cỏ,

Rạch Gầm xác giặc giạt chân mây”

Để nói về chiến công hiển hách cuả Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã được Nguyên Hà họa như sau:

” Mười vạn quân Thanh tan khiếp vía,

 ngàn năm chiến tích tựa rồng mây”.

 

“Sự nghiệp nửa đời cam đứt đoạn,

 công danh trọn kiếp bỗng phôi pha”

là tho của nhà thơ Nguyễn Trân trong bài Xuân Bất tái lai với lời họa sau đây của Nguyên Hà:

” Phong sương trĩu nặng cơn mưa bụi,

Phận bạc cam đành giọt lệ pha”.

Dương Quân với lời xướng trong bài Hỏi Lại Quê Nhà:

” Hỏi dùm… người cũ còn nhung nhớ?

Nhắn hộ… tình xưa vẫn vấn vương”

được Nguyên Hà họa lại với hai câu tuyệt vời:

” Lưu luyến hình mai khơi nẻo nhớ,

Mơ màng dáng ngọc mãi còn vương”.

Hai câu trong bài Buồn Vương:

” Nhẹ gót phiêu bồng nơi gió mát,

Lãng du tình tự chốn trăng thanh”

của Nguyên Hà họa hai câu trong bài Đợi Người của Mỹ Linh để thấy ý nọ bổ túc cho ý kia và ý kia đậm đà cho ý nọ:

” Lao xao cành gió vờn đêm vắng,

Ngất ngưỡng tường hoa lộng bóng thanh”.

Hôm nay bước vào hè, nên xin đan cử bài Hè Về của Nguyên Hà. Bài này được đến 20 thi hữu họa lại, từ Vũ Gia Sắc, Băng Tâm miền Bắc Cali đến Hà Trung Yên, Anh Thy của miền biển động Florida cho đến các bạn cùng khắp các tiểu bang Hoa Kỳ như Mẫn Hồ, Xuân Linh, Lam Văn, Vô Tình, Nguyễn Thành Tài, Duy An Đông, Bạch Nga, Gia Linh, Mỹ Linh, Nguyễn Tấn Bi, Phùng Văn Hạnh, Hồ Minh Đào, Phạm Cây Trâm, Việt Linh, Tố Anh và Phương Anh…

Tôi xin trích 6 câu đáng nhớ như sau:

” Chập chờn sóng nước hoa sen nở,

rực rỡ sân đình cánh phượng khoe,

Nhớ mái tóc huyền hương ngát tỏa,

thương tà áo trắng nón nghiêng che,

trải bao dâu bể tình xưa ấy,

tóc đả điểm sương nhớ bạn bè”

 

Hôm nay các bạn bè thân hữu về đây để thấy tình thơ văn luôn luôn tràn đầy trên thung lũng này, để cho Nguyên Hà luôn ghi nhớ. Nhớ tình thơ, tình bạn và tình đất nước quê hương.

Đông Anh

 

 

Mời Quí Vị xem vài hình ảnh buổi Ra mắt Sách của nhà thơ Nguyên Hà đến từ Florida, vào chiều ngày 6/26/11 tại Trung tâm ViVo – San Jose.
mpd.

http://www.youtube.com/watch?v=zcXLgxyXZDA&feature=mfu_in_order&list=UL

http://www.youtube.com/watch?v=gXx_u_4_cJU&feature=mfu_in_order&list=UL

http://www.youtube.com/watch?v=7-IQP0K6WUc&feature=mfu_in_order&list=UL

http://www.youtube.com/watch?v=JTkFlU2xMbU&feature=mfu_in_order&list=UL

http://www.youtube.com/watch?v=1luzdGSlF3c&feature=mfu_in_order&list=UL

http://www.youtube.com/watch?v=if_hgtMY8Z0&feature=mfu_in_order&list=UL

http://www.youtube.com/watch?v=VPYQUTrSilY&feature=mfu_in_order&list=UL

 

 

Bài nói về Thi tập :  NỖI NIỀM VIỄN XỨ

Của Nhà Thơ Nguyên Hà – Võ Văn Viên

     Văn Hữu  Phạm Hoài Hương trình bày

 

Kính thưa Quý Quan Khách

Kính thưa các Văn Thi Hữu

 

Hôm nay, chúng ta lại có dịp gặp nhau để cùng đón chào tác phẩm của nhà thơ Nguyên Hà Võ Văn Viên.     Tôi chưa bao giờ dám nhận mình là nhà văn, nhà thơ. Nhưng từ tinh thần yêu mến văn học nghệ thuật, yêu mến những người cầm bút, xem họ là những chiến sĩ dùng chữ nghĩa làm vũ khí, nói lên những sự thật, những nỗi đau, nỗi đọa đày của dân tộc, sự băng hoại về đạo đức mà người Cộng sản đã và đang gây ra tại Việt Nam gần cả thế kỷ qua.

            Nên – Thưa quý vị , Từ tinh thần đó, tôi nhận lời đồng hương Võ Văn Viên tức nhà thơ Nguyên Hà mà tôi xem như là một chiến hữu, Ông vốn là đứa con của xứ Quảng, xứ mang truyền thống nỗi bậc về văn học nghệ thuật và đấu tranh chống áp bức bất công, để nói về tác phẩm mới nhất của Ông :Thi phẩm mang tên “Nỗi Niềm Viễn Xứ”

            Thưa qúy vị,  Đây là tập thơ với chiều dày 304 trang do chính tác giả trình bày về kỹ thuật làm nổi bật về mặt hình thức.  Với trang bìa mặt trước mang tên tác phẩm và mặt sau tóm lược tiểu sử và các tác phẩm đã và sẽ ấn hành .

            Bước vào phần nội dung, ngoài lời tựa mang tên tình hoài hương trong Nỗi Niềm Viễn Xứ, do nhà thơ Lê Nhật Thăng viết, tác giả đã chia thi phẩm của mình ra làm ba phần.

            Phần thứ nhất :  Nỗi Niềm Viễn Xứ và Yêu Thương.

            Phần thứ hai   :  Thương Tiếc .

            Phần thứ ba    :  Xướng họa của Tác giả và các Thi Hữu bốn phương .

Với tất cả là 214 bài thơ ,  con số nầy đủ để nói lên sức sáng tác sung mãn của tác giả về những sự kiện được chọn lựa làm đề tài.

            Ở phần thứ nhất – trang 11, tác giả mở đầu với bài Khai bút đầu Xuân đánh dấu mốc thời gian chuyển đổi của đất trời năm Kỹ Sửu bước sang năm Canh Dần.

            Trâu sắp về chuồng để nghỉ ngơi

            Lang thang chú Cọp nhắn đôi lời.

Để từ khoảng không gian và thời gian này tác giả đã nói về thân phận mình :

            Tình nhà trĩu nặng còn dang dở

            Nợ nước chưa tròn lắm bể dâu!

Và kết thúc phần thứ nhất với bài thơ mang tên  Thu Sầu Cô Quạnh ở trang 150 với 4 câu cuối :

            Mười ngón tay đan vào nỗi nhớ

            Bóng ai mỏi bước giữa đêm mưa

            Buồn lên cô quạnh thu vàng úa

            Nắng cũng phai tàn, gió nhẹ đưa .

 

Và thưa quý vị.  Bước sang phần thứ hai sau Nỗi niềm viễn xứ và yêu thương là nỗi Thương Tiếc mở đầu với bài  Ngậm Ngùi và Tưởng Niệm ở trang 152 với 24 câu thơ chia ra làm 4 đoạn, Nói về thân phận của người tù cải tạo sau tháng 4/75 mà rừng núi Hoàng Liên Sơn miền Bắc là một trong những nơi tập trung của sự đọa đày trả thù Quân dân Cán Chính miền Nam do Cộng sản Hà Nội chủ xướng, có biết bao chiến sĩ đã nằm xuống .  hãy nghe tác giả than :

            Ơi hởi hồn oan … bước lạc loài

            Nấm mồ sương lạnh … thật bi ai!

            Người đã vì dân – vì Tổ Quốc

            Hồn thiêng yên giấc những đêm dài .

 Và từ thân phận tù cải tạo, Nguyên Hà quay về với dấu ấn lịch sử chống thực dân Pháp của các Anh Hùng Liệt Nữ Quốc Dân Đảng với câu nói “Không thành công thì thành nhân” của Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học được lưu truyền khi cùng với 12 đồng chí của mình hiên ngang khí phách  vào giờ hành quyết.

Nguyên Hà kết thúc bài thơ dài hai trang với 3 câu :

            Tang Yên Bái

            Ngày đau thương toàn dân Việt

            Xin cúi đầu tưởng niệm đấng Anh Linh .

Tiếp nối Tưởng Niệm và Ngậm Ngùi  với bài tấm thẻ bài ở trang 156 , Nhà thơ Nguyên Hà luôn tưởng niệm và vinh danh người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã nằm xuống :

            Tấm thẻ bài, mang tên người chiến sĩ

            Vì giống nòi, Anh chẳng tiếc máu xương.

    Và – Đâu mộ bia – ghi chiến công lừng lẫy

             Để bao người thầm nhắc mãi tên Anh.

Bọn Cộng sản đê hèn phá tượng đài Thương Tiếc và bình địa nghĩa trang biên hòa,

            Đây nghĩa địa :

            Biến thành nơi hoang địa.

            Người góa phụ ngậm ngùi  thương xót!

            Nước mắt Mẹ già, giọt lệ nhỏ… không mồ !?

Để kết thúc bài tấm thẻ bài  với các câu :

            Nghĩa trang xưa

            Ta dựng lại những nấm mồ

            Để tưởng niệm công ơn người chiến sĩ.

 

Đồng thời với tưởng niệm, Nguyên Hà trong phần nầy cũng đã bày tỏ nỗi lòng thương tiếc đến những bạn bè cùng chí hướng với Anh, gần nhất là Dân biểu Trương Vĩ Trí, Trần Thường, Trần Sách, Trịnh Nhâm và khóc cho bào đệ Võ Văn Trác . Kết thúc ở trang 181.

            Bắt đầu từ trang 182 cho đến trang 186 Nguyên Hà đã dành cho Văn Thi Hữu Lãm Thuý với chút cảm nghĩ về thơ chủ đề Thương Tiếc của Thi Hữu Nguyên Hà. Lãm Thuý viết : Nhìn chung, thơ của Thi Sĩ Nguyên Hà bao quát những sinh hoạt thường nhật được ghi lại bằng một ngòi bút thuần thục, đánh dấu những cảm xúc nhạy bén của tác giả trong những tình huống hoan bi, đặc biệt là bi ..

 

            Và ,  Thưa quý vị,

Bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau bước sang phần thứ ba của Thi Tập mà Nguyên Hà đã đặt tên là phần xướng họa, với bài xướng đầu tiên mang tên Đón Mừng Đản Sinh mà chúng ta có thể tâm đắc với hai câu thơ ở trang 188

            Tâm Từ đạo pháp khơi bờ giác

            Rọi bóng Từ Bi vạn nẻo đường.

Được Thi Hữu Kim Tâm họa lại :

            Ba ngàn thế giới tình thương hiện

            Ánh Giác bừng lên khắp nẻo đường

Cảm hứng của Nguyên Hà trong phần ba nầy không khác với phần một, Tôi đã đi qua với 102 bài thơ xướng họa, từ bài Đón mừng Đản Sinh cho đến trang 299 với dấu ấn thời gian của năm Kỹ Sửu mà Nguyên Hà kết thúc thi tập với 2 câu :

            Mong sao Em mãi hồng tươi thắm

            Làm đẹp cho đời khắp thế gian .

Kính thưa quý vị ,

Tôi vừa khái lược 3 phần của Thi Phẩm.  Bây giờ nói về văn phong và kỹ thuật cấu trúc, tôi có thể nói rằng thật khó khăn để đi đến một sự thẩm định, bởi mỗi tác giả đều muốn thể hiện cho mình một thi cách riêng.

            Cho nên ở đây tôi mượn lời của nhà thơ Lê Nhật Thăng viết về thơ Nguyên Hà: Nói chung, rất chân thực về nội dung, có trình độ cao trong bút pháp thể hiện. Đặc biệt Anh viết rất nhanh mà vẫn ôm sát đề tài và cẩn thận đúng đắn về hình thức.

            Thưa quý vị,

Được Ban Tổ Chức dành cho thời gian một tác phẩm  đã được ấn định, do đó điều mà tôi trình bày chỉ mang tính đại lược về những gì mà nhà thơ Nguyên Hà – Võ Văn Viên đã viết.

            Nhưng tôi hy vọng rằng : Từ tinh thần yêu mến văn học nghệ thuật, yêu mến thơ mà chúng ta đã từng nghe những nhà nghiên cứu nói rằng : Mỗi người Việt Nam là một nhà thơ, nhà văn, vì chúng ta từ khi còn nằm trong bụng Mẹ đã được mớm cho lời ru trầm bổng, khi chào đời đã được Cụ Nội, Cụ Ngoại vổ về bằng các câu ca dao ngọt ngào giàu âm điệu. Quý vị và các bạn hãy dành cho tác giả sự đồng điệu qua các câu thơ trong thi tập, nếu không muốn nói rằng : Cám ơn tác giả đã viết thay cho chúng ta những điều mà chúng ta ôm ấp, suy nghĩ, nói thay cho chúng ta những cảnh ngộ đang sống …

            Tập thơ Nỗi Niềm Viễn Xứ với sự trình bày trang nhả như thế này, Quý vị và các bạn hãy cầm nó trên tay, đọc nó vào những lúc cần đọc và hãy xem nó như một thân thiết trong tủ sách gia đình.  Quý Vị và các bạn là những người đang sống xa quê hương, đang là kẻ lưu vong. Hai chữ Viễn Xứ chắc chắn đã gắn liền với thân phận.

            Xin cám ơn quý vị đã nghe tôi nói về tác phẩm Nỗi niềm Viễn Xứ. Xin chúc tác giả mọi điều tốt đẹp, viết thêm nhiều tác phẩm mới .

            Trân trọng kính chào quý vị và các bạn .

 

     Viết tại Orlando,  ngày 9 tháng 4 năm 2011            
Phạm Hoài Hương

 

 

 

error: Content is protected !!