Bình luận

GS Sơn Điển Nguyễn Viết Khánh : BÀI HỌC CỦA QUÁ KHỨ

BÀI HỌC CỦA QUÁ KHỨ


Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh

 

Tổng Thống Barack Obama đã công bố quyết định tăng quân và chiến lược của ông tại Afghanistan tối thứ Ba tại Ðại học viện quân sự Mỹ West Point. Số quân được gia tăng là 30,000 người từ nay cho đến tháng 5 năm 2010. Ðợt đầu tiên, một số đơn vị Thủy quân Lục chiến sẽ đến vào dịp lễ Giáng Sinh năm nay. Về chiến lược ông chủ trương thúc đẩy chính quyền Karzai phải tích cực hoạt động xây dựng lực lượng quân sự và Cảnh sát có đủ khả năng bảo vệ an ninh cho đất nước của họ. Và ông dự liệu đến tháng 7 năm 2011 quân đội Mỹ sẽ bắt đầu triệt thoái ra khỏi nước này. Chiến tranh Afghanistan khởi sự tháng 10 năm 2001, 9 năm đã trôi qua. Thiết tưởng cũng nên nhìn lại quá khứ một chút. Trước ngày TT Obama ra quyết định tăng thêm quân ở Afghanistan báo chí thế giới cũng như các hãng thông tấn quốc tế như AP, Reuter và AFP đã loan ra một câu hỏi: Vì sao quân đội Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội bắt trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2001? Theo Thông tấn Mỹ AP, một bản báo cáo của Thượng viện Mỹ tuần này cho biết vào khoảng ngày 16-12-2001, rõ rệt bin Laden đã ở trong tầm tay của quân đội Mỹ trong vùng núi non hiểm trở Tora Bora sát biên giới Pakistan. Nhưng lúc đó các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đã có một quyết định mang nhiều hậu quả về sau là đã không truy lùng bin Laden gắt gao với toàn bộ sức mạnh của quân Mỹ có mặt ở đó. Bản báo cáo của Ủy ban Ðối ngoại Thượng viện hiện đảng Dân Chủ nắm đa số là một tài liệu về quân sự đã có từ 8 năm qua, nhưng giờ đây một số chi tiết được công bố để nhắc nhở những ai muốn chống lại việc tăng thêm quân ở Afghanistan. Bản báo cáo đó cho thấy tình trạng mặt trận gay cấn hiện nay ở Afghanistan là do quyết định của hai nhân vật dưới quyền của TT George W. Bush là Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld và Tướng Tommy Franks, Tư lệnh cao cấp nhất của quân đội Mỹ thời đó, hiện đã hồi hưu. Bản báo cáo ghi nhận: “Bắt giữ bin Laden tại mặt trận 8 năm trước có thể cũng không loại trừ được hết nạn khủng bố trên khắp thế giới. Nhưng quyết định mở ra một đường cho bin Laden chạy thoát qua Pakistan đã khiến bin Laden trở thành một thần tượng tiêu biểu để thâu hút những kẻ cuồng tín cũng như tiền bạc nuôi dưỡng chúng. Không bắt được bin Laden là làm lỡ một cơ hội tốt đẹp khiến cuộc chiến ở Afghanistan trở thành khó khăn thêm cũng như đã tạo ra một tương lai mới cho bọn khủng bố khắp nơi trên thế giới”. Bản tin của Thông tấn Pháp AFP còn cho còn biết thêm: “Theo báo cáo vào thời điểm đó ở Tora Bora, sức mạnh quân sự của Mỹ gồm có những thiện xạ chuyên bắn từ xa của các sư đoàn di động Thủy quân lục chiến và Bộ binh”. Nhưng bộ Tư lệnh Mỹ lại chọn cách dùng Không lực oanh tạc và dân quân Afghanistan vốn thiếu huấn luyện quân sự để truy lùng bin Laden. Bọn dân quân này đã bỏ trốn luôn vì sợ đụng độ với khủng bố. Vào thời điểm bị lực lượng quân sự Mỹ bao vây, bin Laden đã nghĩ hắn sẽ chết và đã viết chúc thư để lại. Qua ngày sau bin Laden vẫn sống. Lúc đó có khoảng 100 biệt kích Mỹ ở hiện trường đã kêu gọi thêm viện binh để mở cuộc tấn công thẳng vào nơi bin Laden ẩn náu, nhưng lời kêu gọi bị bác bỏ. Kể cả lời kêu gọi đưa quân Mỹ mai phục chặn các đường nhỏ chằng chịt trên các sườn núi cũng bị bác bỏ. Vào ngày 16-12-2001, hai ngày sau khi viết chúc thư, bin Laden và toán vệ sĩ của hắn đã ra thoát khỏi Tora Bora, vượt biên giới qua Pakistan. Lúc đó Rumsfeld nói nếu tăng thêm nhiều quân, sứ mạng của Mỹ ở Afghanistan có thể gặp phản ứng ngược lại vì dân chúng nước này sẽ có tư tưởng bài Mỹ. Bản tin AFP cho biết thêm Mỹ đã để lỡ một cơ hội, làm “dân Mỹ bị nguy hiểm thêm về nạn khủng bố, khiến khủng bố có cơ sở ở Afghanistan, đưa đến tình trạng chiến tranh lay lắt ở đây, gây nguy hiểm đến nước Pakistan ở bên cạnh”. Vấn đề Pakistan năm 2009 đã trở thành một yếu tố chiến lược quan trọng của Mỹ. TT Obama tối chủ nhật vừa qua đã có một phiên họp riêng với Hội đồng cứu xét chiến cuộc Afghanistan, có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và Cố vấn An ninh quốc gia James Jones để cho biết quyết định sau chót về chiến lược mới. Ðồng thời TT Obama cũng hội đàm qua video với Ðại tướng Stanley McChrystal, Tư lệnh Mỹ ở Afghanistan. Sau đó Obama thảo luận với Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Anh Gordon Brown và Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev. Chiến lược mới của Obama nhằm mở rộng sự hợp tác đồng hành với Pakistan, nhằm thúc đẩy chính quyền đang lung lay của nước này phải có nỗ lực nhiều hơn nữa để diệt trừ đến tận gốc bọn cực đoan theo khủng bố đang lộng hành ở vùng biên giới tiếp giáp Afghanistan. Báo Mỹ Washington Post loan tin TT Obama đã gửi một bức thư cho Tổng Thống Pakistan Asif Ali Zardari, cho biết Mỹ ngay lúc này không rút quân ra khỏi Afghanistan và sẽ tăng cường hợp tác quân sự và kinh tế với Pakistan. Báo Post còn cho biết TT Obama kêu gọi một sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của Pakistan để chống lại các nhóm khủng bố. Người trao bức thư của TT Obama cho TT Zardari chính là C
ố vấn An ninh James Jones. Ông này đã thẳng thắn cảnh cáo Zardari nếu Pakistan không tiễu trừ khủng bố ở biên giới giáp Afghanistan, Mỹ sẽ dùng mọi phương tiện sẵn có để tiêu diệt bọn khủng bố ở đó. Ðại tướng McChrystal muốn tạo cho chính quyền Afghanistan một lực lượng 400,000 người, trong đó có 240,000 quân chính quy và 160,000 Cảnh sát. Ðây chỉ là việc củng cố quân lực nước này. Nhưng còn có câu hỏi gay gắt nhất: Khả năng và tinh thần chiến đấu của lực lượng đó như thế nào? Riêng về số Cảnh sát, báo chí thế giới đều biết Cảnh sát Afghanistan cho đến nay là một bọn dân nghèo đói, xin ra làm Cảnh sát chỉ để kiếm ăn. Nhưng lương bổng của chính phủ không đủ để nuôi gia đình, nên họ phải sống nhờ tiền hối lộ, nhũng lạm. Bởi vậy khi có đụng độ với khủng bố, hoặc khi có bom khủng bố nổ, họ là những người đầu tiên vứt súng để chạy cho thoát thân. Không giải quyết được nạn này, mọi sự tăng quân đều vô ích. Quốc hội Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu những quyết định của TT Obama. Khi Mỹ tấn công Afghanistan năm 2001, đại đa số dân Mỹ ủng hộ vì nghĩ rằng cuộc chiến này rất cần để loại trừ bin Laden và bộ hạ sống ở đó.
Nhưng mấy năm sau chiến tranh kéo dài, đa số người Mỹ đã nản lòng về cuộc chiến này. Kế hoạch của Mỹ tăng quân để rồi rút là nhằm giúp chính quyền Afghanistan có thêm thời giờ để cải cách nội bộ và huấn luyện các lực lượng an ninh của họ, để họ tự bảo vệ đất nước cũng như tiếp tay với quân đội Mỹ hoàn thành nhiệm vụ.

Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh

error: Content is protected !!