Tạp ghi

Duyên Lãng Hà Tiến Nhất : GIÁO HỘI CGVN: MỘT BƯỚC ĐỒNG HÀNH CAY ĐẮNG

GIÁO HỘI CGVN:  MỘT BƯỚC ĐỒNG HÀNH CAY ĐẮNG

 

 

                                                                                  Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất

 

     Sau khi Nguyễn Thế Thảo, chủ tich Ủy Ban Nhân Dân Hànội hằn học nói, bằng mọi cách phải bứng TGM Ngô Quang Kiệt ra khỏi thủ đô, thì toàn thể bộ sậu bọn VGCS trên dưới im re. Tưởng đâu Thảo chỉ hù chơi, nói cho hả giận chứ chẳng làm gì được. Không ngờ đùng một cái, quyết định từ Vatican bổ nhiệm GM Nguyễn Văn Nhơn từ ĐàLạt ra làm TGM phó Hànội với quyền kế vị. Nghĩa là Tòa Thánh đã có chủ trương thay thế đức TGM Ngô Quang Kiệt. Mặc dù ngài vẫn còn tại vị, nhưng việc ra đi của ngài chỉ là vấn đề thời gian. GM Nguyễn Văn Nhơn vớt vát một chút thể diện với các ma soeur rằng, việc bổ nhiệm đối với ông thật là bất ngờ. Bất ngời sao được, tin tức và dư luận đồn ầm ĩ ông sẽ ra Hànội thay thế đức cha Kiệt từ cả tuần lễ trước mà còn bất ngờ cái nỗi gì? Phận làm con chiên như kẻ hèn này không dám nói ông giám mục nói láo, sợ phạm tội bất kính. Nhưng quả thật GM Nguyễn Văn Nhơn nói không thật. Ông làm bộ ngây thơ cụ với mấy ma soeur khờ. Có lẽ họ tin, nhưng người khác thì chưa chắc.  

     Cần phải nói cho rõ, đây là cuộc đọ sức giữa bè lũ cầm quyền tại thành phố Hànội với Tòa Thánh La Mã, chứ không phải với đức TGM Ngô Quang Kiệt, hay Giáo Hội Công Giáo VN, vì quyền bổ nhiệm một vị giám mục là quyền của Tòa Thánh. Màn so găng kể như đã ngã ngũ. Có thể có chuyển biến bất ngờ, nhưng dù sao giới viết lách cũng đã có thể làm tổng kết tình hình được rồi, và mục đầu tiên đáng tổng kết là:  

Một Chuyện Lạ Đáng Sợ

 

     Thời trung cổ, việc đặt để vị giám mục trông coi một giáo phận dưới áp lực không phải là chuyện lạ. Nhưng điều vừa xẩy ra tại Hànội vào thời hiện đại, GH dễ dàng chịu khuất phục do sự đòi hỏi của một tên chủ tịch thành phố thôi, chứ chưa phải là cấp trung ương, thì rõ ràng là chuyện chưa từng có. Điều càng làm ngạc nhiên hơn, theo như chính kẻ đòi đuổi đức TGM Ngô Quang Kiệt là tên chủ tịch thành phố bật mí, là chuyện này xử lý theo đường lối ngoại giao. Đường lối ngoại giao nào thì đây là vấn đề đáng nói.  

     Hiện nay giữa Tòa Thánh và VGCS chưa có bang giao chính thức, nên muốn thương lượng về một vấn đề gì đó giữa đôi bên, thường phải qua nhiều thủ tục nhiêu khê và phiền toái. Còn như qua trung gian một tòa đại sứ của một nước thứ ba tại Roma, thì lại càng không được, vì ai lại đi nhờ vả người ngoài giúp làm cái chuyện hết sức xấc xược và hỗn láo. Quí bạn đọc có thể tưởng tượng được việc đi nhờ một nhà ngoại giao quốc tế nói giúp vói Tòa Thánh để đuổi cổ một vị TGM ra khỏi giáo phận ngài đang cai quản là một hành vi ô nhục như thế nào. Vì thế, chỉ còn cách nhờ ngay người VN tại Roma là tiện nhất, linh mục VN làm việc tại Tòa Thánh không ít. Tên Thảo đã nghĩ ra. Đây là đường lối ngoại giao thiết thực và thích hợp nhất đối với hắn. Chuyện kín này lại do chính hắn úp úp mở mở bật mí ra mới là độc. Đi đời mấy ông cha nhà ta rồi còn gì. Tức thời ông GS Nguyễn Phúc Liên mò ra được những vết chim di (bài Diễm Xưa: làm sao em biết những vết chim di). Trong bài báo “Giáo Dân VN Phản Đối Vatican ” ngày 02-5-2010, GS Liên đăng nguyên văn một lá thư từ trong nước gởi ra. Lá thư có đoạn viết:  

……Về Dức Ông Dung (dưới tôi 6 lớp) thì quả thật từ lâu chúng tôi đã rất thất vọng. Bản thân cũng như gia đình Dung rất được CS o bế và ngược lại Dung cũng rất thân thiết với cán bộ CS. Mỗi lần về Huế (đặc biệt qua hai đám tang thân mẫu và thân phụ), Dung bao giờ cũng gặp mặt, tặng quà (hàng triệu đồng) cho mấy tên Công an tôn giáo (như trung tá Phạm Đức Thuận và trung tá Nguyễn Hồng Lam…). Lần đám tang thân mẫu của Dung, Đức Cha Thể ban đầu không muốn chủ sự lễ an táng (như ý Dung mời), nhưng khi nghe Dung nói là chính quyền và công an tôn giáo tỉnh đã đến phân ưu, Đức Cha liền thay đổi thái độ, nhân làm chủ tế.

Lần Dung về Hà Nội ngày 15-02-2009 cùng với Đức Ông Parolin và Đức Ông Nguyễn Văn Phương, chúng tôi đã nghe rằng Dung có lập trường đẩy Đức Cha Kiệt khỏi Hà Nộị. Lần đó phái đoàn không ở Tòa Giám mục mà ở nhà khách chính phủ, và CS đã cho xe vào Huế chở mấy em của Dung ra Hà Nội cho Dung gặp, ở lại nhà khách chính phủ cùng với Dung.  

Mỗi lần về Huế, Dung chỉ gặp Đức Cha Thể và gặp những cha nào có lập trường thỏa hiệp với CS thôi, không bao giờ gặp cha Giải (thầy dạy), cha Lý và ….. (cùng cha bảo trợ, cùng giáo xứ, cùng chủng viện). Thậm chí hôm đám tang thân phụ (ông Cao Minh Hiếu), Dung cũng không mời cha Giải và …… đồng tế vì sợ liên lụy.  

     GS Liên còn cho biết ông đã cẩn thận check lại nguồn tin rồi mới xin phép đăng. Theo ông Liên, nguồn tin là một linh mục có uy tín. Một linh mục, và là linh mục có uy tín, tiết lộ về một linh mục khác thì khẳng định không phải là chuyện dèm pha nói xấu. Phải nói là chuyện thật. GS Nguyễn Phúc Liên xưa nay có tiếng là người thẳng ruột ngựa. Những người loại này không biết nói láo. Theo cách đánh giá của ngành an ninh thì tin tức này có giá trị A1, nghĩa là xác suất đáng tin cậy cao nhất. Chúng ta thấy, chỉ chi có 3 triệu bạc tiền VNCH cho bọn tướng bất lương mà CIA giết được anh em TT Ngô Đình Diệm và tiêu diệt được cả một chế độ là một cái giá quá hời. Nguyễn Thế Thảo nếu chỉ tốn công sức chút đỉnh như lá thư trên tiết lộ mà xúi được Tòa Thánh bứng đi chiếc ghế của  một vị TGM được lòng dân  thì quả là hắn lời quá lớn. Affair này hời hơn của CIA rất nhiều.  

Những Hậu Quả Của Sự Việc 

     Việc thay đổi nhân sự tại tòa TGM Hànội đối với đại đa số tín hữu VN bị coi như một sư đầu hàng của Tòa Thánh. Chính quyền Mỹ giết TT Diệm để dần dần giao VNCH cho VGCS. Bứng đức TGM Ngô Quang Kiệt đi, không lẽ Tòa Thánh cũng có ý định giao GHVN cho bọn giặc cờ đỏ? Hai sự việc, một ý nghĩa. Thật sự người giáo dân VN không thể ngờ được chuyện xẩy ra đến nông nỗi này. Nhưng không tin cũng không được, vì đức TGM Ngô Quang Kiệt phải ra đi khỏi Hànội là điều rõ như ban ngày. Những hệ lụy của sự việc đang và sẽ dồn tới, đặc biệt hai vấn đề quan trọng người tín hữu không thể không lo lắng. 

1. Tòa Thánh Mất quyền chọn giám mục –  Hệ lụy đầu tiên là Tòa Thánh mất đi quyền chọn giám mục. Một vị giám mục được truyền chức và bổ nhiệm cai quản giáo phận, ngài phải lựa ngay, thường là 3 ứng viên linh mục có thể kế quyền mình, và gởi lên cho Tòa Thánh để phòng khi bất trắc. Khi cần thiết phải có người thay thế vị giám mục, thì Đức Giáo Hoàng sẽ chọn 1 trong 3 vị được đề nghị. Việc lựa chọn là thế, nhưng dưói chế độ VGCS, Đức Giáo Hoàng chỉ còn quyền đề nghị các ứng viên, quyền chọn lựa nay đã chuyển qua tay đảng VGCS. Thường thì Tòa Thánh phải đề nghị các ứng viên cho tới khi CS chọn được người vừa ý chúng mới thôi. Như thế tức là Tòa Thánh đã mất quyền tự do lựa chọn và bổ nhiệm các giám mục của mình. Một tên chủ tịch thành phố thôi mà bàn tay đã che được trời như vậy, thì cả cái guồng máy mà hắn phục vụ, sức mạnh của nó ghê gớm tới đâu! Quyền tự do tôn giáo quan trọng này đã bị mất đứt vào tay bọn VGCS.  

     Từ việc CS có quyền lựa chọn những người lãnh đạo cho GH, đạo CG tại VN trở thành một giáo hội quốc doanh là việc đương nhiên. Nhưng đúng ra chỉ nên nói là quốc doanh phi quốc doanh, bởi vì các giám mục vẫn còn phục quyền Đức Giáo Hoàng. Với tình trạng này, GH cho dù có hiệp thông với Tòa Thánh thì đó chỉ là việc làm chiếu lệ. Các giám mục làm tôi hai chủ thì ông chủ cụ thể và quyền uy ngay bên cạnh hẳn có thế giá hơn Chúa ở đâu không thấy, lại là Đấng vô hình. Khi các giám mục thuần phục CS rồi thì hàng ngũ linh mục cũng cứ thế mà theo, vì đầu đã xuôi không lẽ cái đuôi lại không lọt. Hệ quả tất yếu của việc CS được quyền lựa chọn giám mục là, khi một giám mục được CS che chở có lỗi, Tòa Thánh không thể tự tiện truất quyền. Theo qui luật đó, khi các linh mục coi xứ được bọn cầm quyền địa phương bao che thì dù có thế nào các giám mục cũng đành chịu bó tay. Trường hợp “Phan Khắc Từ” là một điển hình. Tình trạng có thể xẩy ra tức cười thế này là, ông linh mục bố sản xuất ra hàng lô linh mục con, và cứ thế cha truyền con nối mà cai quản họ đạo. Những chuyện vui nho nhỏ khác thì vô kể. Thân thiết với cán bộ, ăn nhậu với công an, tụ tập hát karaoke với đủ hạng người để vui chơi giải trí hầu mua sự dễ dãi cho các công việc của giáo xứ. “Không vào hang hùm sao bắt được cọp con”, đó là phương châm của không ít linh mục trẻ sử dung để mở mang nước Chúa. Kể cũng có lý, ngày xưa Chúa đã chẳng ăn uống với bọn thu thuế, lê la gần hạng người tội lỗi là gì! 

2.  Giáo Hội Mất niềm tin của giáo dân –  Việc Tòa Thánh truất quyền lãnh đạo của đức TGM Ngô Quang Kiệt được coi là cú shock mạnh đập vào toàn thể khối giáo dân trong cũng như ngoài nước. Thứ nhất là đức cha Kiệt không có tội tình gì cả. Đức TGM Ngô Quang Kiệt làm đúng mà bị bay chức, trong khi Phan Khắc Từ phạm giáo luật công khai thì vẫn ung dung coi xứ. Như vậy có phải là trong GH có hai tiêu chuẩn (standard) luân lý không? Và thứ hai là Tòa Thánh không có lý do gì phải khuất phục bọn cường quyền vô đạo một cách dễ dàng như thế. Tình trạng mất niềm tin của giáo dân vào GH còn gây ra bởi 2 nguyên nhân khác nữa là sư chia rẽ trong hàng ngũ lãnh đạo GH, và sự tha hóa nếp sống đạo đức của một số vị về các mặt chức tước và quyền lực. Hiện tượng chia rẽ giữa các giám mục đã phô bầy ra hiển nhiên, cho dù nói thế nào cũng không thể lấp liếm được. Cứ nhìn vào chủ trương và cung cách hành xử của hai vị HY Phạm Minh Mẫn và giám mục Cao Đình Thuyên thì thấy được. Trước những biến cố đau thương xẩy ra cho GH, HY Mẫn vẫn tỉnh queo tự tại: “Tôi cố gắng đi theo con đường mới Công đồng Vatican II đã mở ra, là đối thoại và hợp tác với mọi tổ chức văn hoá và tôn giáo, kinh tế và chính trị trong cộng đồng xã hội, trên cơ sở sự thật và công ích.” Trong khi đức cha Thuyên đanh thép: “Việc của Thái Hà là việc của chúng tôi”. Và: “Giáo phận Vinh không chỉ có một Cao Đình Thuyên, mà có những 300.000 Cao Đình Thuyên”. Hai lập trường và hai chủ trương hành động như nước với lửa trong cùng một cơ cấu như thế thì làm sao gọi là có đoàn kết nhất trí được. 

     Thế nhưng nguyên nhân quan trọng nhất làm cho giáo dân mất dần tin tưởng vào GH là tính nô lệ vào Tòa Thánh của một số lãnh đạo, lúc này đây lại được phụ họa và cổ võ ồn ào bởi một vài phần tử cuồng tín tại hải ngoại. Thật vậy, những vị như HY Phạm Minh Mẫn, giám mục Bùi Văn Đọc luôn trình bầy Tòa Thánh Vatican như một đế quốc có quyền hoạch định đường lối chính sách mà GHVN phải tuân theo, trong đó việc đối thoại với VGCS như một đường lối bắt buộc. Nếu thế thì TGM Ngô Quang Kiệt và đức Cha Cao Đình Thuyên phải kể là những vị phản lại Tòa Thánh hay sao? Chẳng ai tin rằng Tòa Thánh lại áp đặt đường lối riêng của mình cho các GH địa phương để giải quyết các vấn đề đất nước của họ. Mỗi GH địa phương có những khó khăn riêng và có quyền áp dụng đường lối riêng phù hợp để giải quyết những khó khăn của mình. Lại nữa, nếu đối thoại là nguyên tắc của Phúc Âm như các ông hiểu, thì các ông lại quên mất rằng Chúa đã khiển trách các kinh sư và bọn Pharisieu giả hình và mù quáng. Ngài nguyền rủa chúng là thứ mồ mả tô vôi bên ngoài cho đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Chúa cũng còn phẫn nộ xua đuổi những kẻ buôn bán súc vật trong đền thờ vì họ lạm dung nơi tôn nghiêm để làm giầu và chia lợi tức cho bọn kinh sư và Pharisieu. Giả sử như nếu Chúa chịu khó đối thoại với bọn đầu lãnh trong đền thờ thì nhất định Ngài đã chẳng bị chúng giết, mà biết đâu chúng còn giúp đỡ để Chúa có điều kiện mà truyền đạo cho thong thả.  

     Tư tưởng mất gốc trong GH còn được cổ võ ồn ào bằng những lời lẽ đao to búa lớn của một vài phần tử cuồng tín rất hung hăng tại hải ngoại. Bọn này kẻ thì ra rả thóa mạ và bôi bác những tiếng nói của những người có lương trị. kẻ thì huênh hoang lòe bịp thiên hạ với những tổ chức không tưởng của chúng, nào là Đạo Binh Giáo Hoàng, nào là Khối Công Dân Công Giáo, rồi thì triều đình Vatican v.v. Không biết cái đạo binh hay cái khối của bọn này có được mấy ngoe. Tòa Thánh Phêrô bị chúng trần tục hóa một cách bẩn thỉu như nơi hội họp quan lại của một thời phong kiến đã đi vào dĩ vãng. Cái đạo binh Giáo Hoàng bon này thiết lập ra để làm gì. Giáo Hoàng có cần đến đạo binh của chúng không? Theo Ts Joel Richardson, trước năm 2001 thì hàng năm có khoảng 25.000 người Mỹ bỏ Thiên Chúa Giáo đi theo Hồi Giáo. Sau vụ tấn công World Trade Center ngày 11-9-2001 con số tăng lên gấp 4 lần. Và từ đó người Hoa Kỳ đi theo đạo Hồi tăng lên phi mã. Tại các nước Tây Âu cũng tương tự. 80% các nguời Mỹ theo đạo Hồi được giáo dục tại các trường học Thiên Chúa Giáo (Joel Richarson: The Islamic AntiChrist, p.4-5). Bọn cuồng tín có nên suy nghĩ về hiện tượng cải đạo này và những con số, rồi đặt ra câu hỏi là tại sao không. Đường lối sai, lối sống trần tục hóa, hành động cuồng tín há chẳng phải là những nguyên nhân trực tiếp sao? Phải chăng bọn cuồng tín muốn lập đạo binh Giáo Hoàng để phát động chiến tranh chống lại người Hồi Giáo? 

     Xét cho cùng thì cả lãnh đạo mất gốc lẫn con chiên cuồng tín đều phát sinh từ một nguyên nhân là người ta đã chẳng hiểu đạo là gì, và đời là gì. Lẫn lộn tùm lum giữa các khái niêm về tôn giáo và dân tộc. Tín ngưỡng nói nôm na là niềm tin vào một đấng linh thiêng vô hình, có quyền năng tuyệt đối. Tín ngưỡng của một số đông được định chế thành văn hoặc bất thành văn, cụ thể thành tôn giáo. Tôn giáo cần được quản trị và phát triển nên tự động lập nên giáo hội. Mỗi cá nhân trong một quốc gia đều mang trong mình hai con người, một là con người công dân của một quốc gia, và hai là con người tín hữu của một giáo hội nào đó. Hai con người trong một cá nhân này cần phân bìệt nhau. Con người công dân phải chu toàn trách nhiệm và bổn phận đối với đất nước. Trong khi con người tín hữu phải làm tròn các giao kết tinh thần đối với đấng thiêng liêng theo luật lệ mà giáo hội đặt ra. Lãnh đạo vong bản và con chiên cuồng tín cứ ù ù cạc cạc cho rằng việc nào cũng là việc đạo cả, việc quốc gia cũng phải theo chỉ thị của Giáo Hoàng mà thi hành. Hã trả cho Caezar những gì của Caezar và cho Thiên Chúa cái gì của Thiên Chúa. Đó là lời Chúa dậy. Cái may mắn nhất cho con người là con người có thuộc tính tín ngưỡng. Trái lại điều bất hạnh nhất cho con người là con người đấu tranh với nhau vì lý do tín ngưỡng, hoặc lợi dụng tín ngưỡng cho những dục vọng riêng tư.  

Kết :  Phép Lạ Ông Thần Tài 

     Mọi người đều cho rằng cộng sản vô thần, nhưng kẻ hèn này thì không. Hồ Chí Minh mong ước sau khi chết được gặp Marx, Lenin. Phạm Văn Đồng về già sớm tối gõ mõ tụng kinh. Thằng thiếu tá trại trưởng trại tù nơi tôi bị nhốt, lúc đặt cây đòn giông của cái hội trường mới cất, bắt lính chạy đi mua nhang để cúng kiếng lấy hên. Chả biết nó cúng ai, nhưng dù sao cũng là cúng. Những tên đầu sỏ tôn thờ chủ nghĩa duy vật mà không vô thần thì còn ai là vô thần nữa? Ba tên loại đầu sỏ vô thần không nói lên biểu hiện về một dạng tín ngưỡng nào đó là gì? Ngày xưa thì chưa thấy, nhưng bây giờ người ta đã thấy rõ ràng, CS có tín ngưỡng. Thượng đế chúng thờ là Ông Thần Tài. Cứ theo như tin tức của GS Nguyễn Phúc Liên đưa ra thì đúng là ông Thần Tài đã ban ơn giúp cho Nguyễn Thế Thảo đẩy được đức TGM Ngô Quang Kiệt đi khỏi Hànội. Nếu tên này lấy lòng thành mà cầu thì có thể sẽ được những ơn to lớn về lâu về dài nữa. Chẳng hạn, đức ông Cao Minh Dung sẽ hoặc là được bổ nhiệm là giám mục phó, rồi TGM phó vói quyền kế vị tại Hànội, vì TGM Nguyễn Văn Nhơn đã 72 tuổi rồi, hoặc đức ông sẽ được cử sang làm đại sứ Tòa Thánh tại Hànội. Chuyện đoán mò này rất có khả năng trở thành hiện thực, nếu các tin tức về đức ông Cao Minh Dung do GS Nguyễn Phúc Liên phổ biến là xác thực. Những việc tiên đoán như vậy nếu xẩy ra thì phải hiểu là do tác động của thượng đế là ông Thần Tài chứ kông phải do Chúa Thánh Thần, bởi vì như triết gia Nietzsche người Đức cho biết, ở nơi đó Thiên Chúa đã chết rồi. 

Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất

error: Content is protected !!