Tài liệu

Cửa Ải Nam Quan qua các giai đoạn lịch sử

Cửa Ải Nam Quan qua các giai đoạn lịch sử

Từ xưa, khi còn nhỏ chúng ta thường nghe câu nói, nước Việt Nam ta “Từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau”. Lúc đó chỉ nghe tên thôi chứ chưa bao giờ biết hình ảnh cửa Ải Nam Quan nó ra sao và ở đâu? Ải Nam Quan chia đôi biên giới hai nước Việt – Tàu. Đường từ Lạng Sơn đi qua cửa Ải Nam Quan, theo bản đồ Pháp vẽ từ những năm 1885 khi quân Pháp đánh nhau với quân Cờ Đen. Từ Đồng Đăng đi về phiá biên giới Tàu, đến Ải Quan Nam là 4km như bảng chỉ đường tại Đồng Đăng. Sau 1885, Ải Nam Quan thay đổi theo những diễn biến của lịch sử.

Năm 1885, Thiếu tướng Pháp De Négrier đem quân đánh với quân cờ đen Lưu Vĩnh Phúc trong khu vực Lạng Sơn, ông đã cho phá tan cổng thành Ải Nam Quan. Như vậy cửa Ải Nam Quan này trước khi bị phá hủy, là do Tàu xây. Sau đó Ải được Pháp dựng lại, hình chụp năm 1896 cho thấy tại vùng đất biên giới, có hai cửa; gồm cửa Ải Nam Quan của Việt Nam và Trấn Nam Quan của Tàu. (1)

Theo hình, khu vực tại biên giới có hai Ải. Một của Việt Nam, cửa Ải Nam Quan (cửa Thành của người An Nam?) và sau Ải Nam Quan Việt Nam là Trấn Nam Quan của Tàu (Thành để trấn áp người An Nam?). Tàu kêu Trấn Nam Quan chắc là có ý miệt thị người An Nam.? Xem chúng ta là man di mọi rợ, cần phải trấn áp. Cửa Ải Nam Quan mới của Việt Nam do Pháp dựng lên; có mặt hình người vẽ trên cổng thành, Ải ngắn và đơn sơ, kéo dài qua hai bên sườn núi. Sau lưng cửa Ải Nam Quan là đường dẫn đến Trấn Nam Quan của Tàu, to lớn và xây dài qua bên nhiều dãy núi. Hiện nay cái gọi là “Hữu Nghị Quan” của Tàu, so với địa điểm vùng đất Ải Nam Quan của Việt Nam và Trấn Nam Quan của Tàu trước kia; thì không giống nhau.

Không biết chắc cửa Ải Nam Quan xây lúc nào nhưng từ thế kỷ 14, khi Nguyễn Trãi chia tay cha Nguyễn Phi Khanh, về phò Lê đuổi Minh thì đó là năm 1414. Sử ghi lại lúc Tàu bắt Nguyễn Phi Khanh và nhiều tù bình Việt giải về Tàu, có đi ngang qua cửa Ải Nam Quan. Nguyễn Trãi đã tiễn đưa cha mình, một đi không trở lại ngay thời điểm lịch sử đó. Khi Liễu Thăng đem quân qua Ải Nam Quan, quân nhà Lê đã dụ cho tướng Tàu đi sâu vào nước Nam. Tại Ải Chi Lăng, Lạng Sơn, Tướng Liễu Thăng đã bị quân Lê Lợi chém bay đầu. Đó là năm 1427, tức 13 năm sau khi Nguyễn Trãi nghe lời dặn của Cha mình tại Ải Nam Quan, về phò Lê Lợi mà phục hận, nợ nước thù nhà.  Vài năm sau đó, nhà Minh lại đem quân qua uy hiếp nước Việt. Mạc Đăng Dung đã trói mình, đi chân đất qua cửa Ải Nam Quan để xin hàng. Đem dâng nước Việt thành một Châu, một Quận hay một Trấn cho nhà Minh. Năm đó sử Việt ghi là 1541.

Cửa Ải Nam Quan đã có từ trước thế kỷ 14, cho đến thế kỷ 15, thời nhà Mạc và kéo dài đến thế kỷ 18. Suốt chiều dài lịch sử này không có nhiều sự kiện để ghi lại và thay đổi. Chỉ đến năm 1885 lúc quân Pháp đánh với quân Cờ Đen, cửa Ải Nam Quan mới bị phá hủy lần thứ nhất, và cho xây dựng lại sau đó. Hình chụp từ năm 1896 với kiến trúc đơn sơ, có hình vẽ trên cổng thành, từ những tấm bưu thiếp còn ghi lại.

Năm 1979, khi chiến tranh Trung-Việt xảy ra, Trung Cộng đã tàn phá nát Tỉnh Lạng Sơn; cửa Ải Nam Quan cũng chịu chung số phận. Từ đó, di tích lịch sử cửa Ải Nam Quan không còn nữa; và những vùng đất từng bị quân csTQ chiếm trong cuộc chiến này, coi như mất vào tay Tàu. Vì vậy đường biên giới mới đã bị Tàu lấn dài xuống phương Nam.

Trong cuộc chiến biên giới 1979. Việt Nam cho là “Trung Quốc đã huy động 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn), 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không.” Tạp chí Quân sự của Mỹ viết “Trung Quốc đưa 200 nghìn quân, 400 xe tăng và 1.500 khẩu pháo trong cuộc chiến Trung-Việt. Riêng tại Lạng Sơn, quân Giải phóng Trung Quốc đã lên tới 70 nghìn quân. Sư đoàn Sao Vàng của Việt Nam bị Trung Quốc bao vây. Trong vòng vài ngày quân Trung Quốc đã gần như xóa sổ Sư đoàn Sao Vàng và tàn phá Tỉnh Lạng Sơn thành bình địa.” (2)

Bản vẽ đường biên giới sau Hiệp Định Biên Giới của csVN, cho thấy khu vực thuộc Ải Nam Quan đã nằm sâu trong ranh phận của Tàu. Trong tài liệu do chính Bộ Ngoại Giao csVN công bố, tố cáo phía csTQ “đã ủi nát mốc biên giới số 18 nằm cách cửa Nam Quan 100 m trên đường quốc lộ để xóa vết tích đường biên giới lịch sử, rồi đặt cột ki-lô-mét 0 đường bộ sâu vào lãnh thổ Việt Nam trên 100m, coi đó là vị trí đường quốc giới giữa hai nước ở khu vực này.” (3)

Trên thực tế, quân Trung Quốc chiếm đóng khoảng 60 km² lãnh thổ và một số nơi như khu vực quanh vùng đất Ải Nam Quan gần Lạng Sơn. Trung Quốc chiếm đóng các địa điểm không có giá trị quân sự nhưng có giá trị biểu tượng. Tại các nơi khác, Trung Quốc chiếm giữ các vị trí chiến lược quân sự làm bàn đạp, để từ đó có thể tiến đánh Việt Nam sau này. (4)

Cái gọi là Hữu Nghị Quan hiện nay cho thấy nó là kết quả cướp đất của Tàu sau cuộc chiến Trung-Việt 1979, và cũng là tội của csVN trước lịch sử; khi đã không bảo vệ được sự toàn vẹn của lãnh thổ Việt Nam.

Theo FB Đỗ T. Công

(1) On 23 February 1885 de Négrier advanced from Lang Son and defeated the demoralised Guangxi Army at Đồng Đăng, close to the Chinese border, driving the Chinese out of Tonkin altogether. De Négrier briefly crossed into Guangxi province and blew up the Gate of China, an elaborate ceremonial gate erected by the Chinese at Zhennan Pass to mark the border between China and Annam. (Picture source: Sur les frontieres du Tonkin)

(2) Peter Tsouras – Military History Magazine

(3) Tài liệu do Bộ ngoại giao csVN công bố ngày 15.3.1979

(4) Edward C. O’Dowd – Chinese Military Strategy in the Third Indochina War and Nayan Chanda – Brother Enemy

(5) Hình Giặc Cờ Đen và vũ khí bị Pháp tịch thu

error: Content is protected !!