Bình luận

Thiện Ý : TỪ TUNISIA QUA YEMEN, ĐẾN AI CẬP, BAO GIỜ ĐẾN CỘNG SẢN VIỆT NAM?

TỪ TUNISIA QUA  YEMEN, ĐẾN AI CẬP, BAO GIỜ ĐẾN CỘNG SẢN VIỆT NAM?

 

Thiện Ý

        

       

        Cảnh sát chống bạo động đã xử dụng vòi rồng và lựu đạn cay cùng các vũ khí chống biểu tình đưa đến những cuộc đụng độ đổ máu. Đến nay, sau sáu ngày bạo động, đã có hàng trăm  người biểu tình bị chết và bị thương, hàng ngàn người bị bắt. Một số xe của cảnh sát có cả xe bọc thép và cơ quan chính phủ, trụ sở của đảng cầm quyền đã bị quần chúng biểu tình đốt cháy. Các cuộc  biểu tình của các giới người dân Ai Cập đã có chiều hướng gia tăng cường đô xung đột và mức độ lan rông khắp nơi với hậu quả khó lường. Chính quyền của Tổng Thống Mubarak đã ban hành  lênh giới nghiêm ở những nơi có biểu tình.

         Người ta được biết biểu tình là chuyện hiếm thấy xẩy ra tại Ai Cập, nơi mà Tổng Thống Mubarak và đảng Dân Chủ Quốc Gia của ông cai trị chuyên chế suốt hơn 30 năm qua và những người bất đồng chính kiến bị đối xử một cách không nhân nhượng, chỉ thua cường độ đàn áp các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam dưới quyền thống trị độc tôn của đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Trước đây vào năm 2005 cũng đã có cuộc biểu tình lớn nhưng đã bị nhà cầm quyền dập tắt. Cuộc biểu tình lần này xuất phát từ các nhà hoạt động cho dân chủ kêu gọi quần chúng nổi dậy trong một thông điệp phổ biến trên mạng internet và đã được hàng chục ngàn người dân Ai Cập hưởng ứng .

        Theo tường thuật và hình ảnh của các hãng thông tấn quốc tế, được phổ biến rộng rãi trên màn ảnh truyền hình khắp thế giới, cho thấy những người tham gia biểu tình không chỉ thuộc giới thanh niên sinh viên nam mà cả phụ nữ, người buôn bán nhỏ; thậm chí cả công chức mang cặp và mặc veston, thắt cà vạt cũng tham dự biểu tình lần này. Mục đích của các cuộc biểu tình là đòi dân chủ, cải tổ chính trị và nhất là đòi Tổng Thống Mubarak phải từ chức vì là nguồn gốc chính yếu của tình trạng bức bách về chính trị, bất công xã hội và đời sống kinh tế khó khăn của nhân dân Ai Cập.

          Nguyện vọng của  người dân Ai Cập được thể hiện qua những biểu ngữ, khẩu hiệu được hô vang trong các cuộc biểu tình, trong đó có việc gọi đích danh Tổng Thống Mubarak là nhà độc tài và đòi ông từ chức lập tức. Vào thứ sáu tuần trước (28-1-2011) Tổng Thống Hosni Mubarak đã giải tán nội các, bổ nhiệm ông Omar Suleiman, phụ trách cơ quan tình báo Ai Cập vào chức  Phó Tổng Thống, một chức vụ bị bỏ trống từ khi Ông Mubarak nắm quyền Tổng Thống Ai Cập vào năm 1981, từ vị thế Phó Tổng Thống, vào thời điểm tổng thống Anouar el Sadate bị ám sát. Đồng thời Tổng Thống Mubarak cũng đã chỉ định tướng Ahmed Shafik, nguyên bộ trưởng bộ Hàng không làm thủ tướng thàng lập nội các mới. Nội các cũ do ông Ahmed Nazif đã bị tổng thống Mubarak giải tán hôm thứ sáu,28/01/2011.Tân phó tổng thống và tân thủ tướng Ai Cập đều là những người thân cận của tổng thống Hosni Mubarak.

         Tất cả nỗ lực cải tổ chính phủ này dường như vẫn không đáp ứng được yêu sách của quần chúng biểu tình, họ không muốn một sự cải tổ vá víu, mà muốn thay đổi hoàn toàn chế độ, với sự ra đi của cá nhân ông Mubarak và đảng cầm quyền chuyên chế, thay vào một chế độ dân chủ.

     Theo nhận xét của giới báo chí, sở dĩ lần biểu tình này có sự tham gia đông đảo,  với quyết tâm cao và không khoan nhượng là vì nhân dân Ai Cập được thúc đẩy từ sự thành công của “Cuộc cách mạng Hoa Nhài”  nổ ra ở Tunisia, cũng là một nước Hội giáo Châu Phi vào đầu tháng này, đã lật đổ được chế độ độc tài  của Tổng Thống Ben Ali. Nhiều người biểu tình ở Ai Cập tuyên bố sẽ tiếp tục cho tới khi lật đổ được chính quyền Mubarak. Chính cuộc “cách mạng Hoa Nhài” ở Tunisia thành công này cũng đã là cảm hứng cho nhân dân một nước Hồi giáo khác là Yemen xuống đường biểu tình rầm rộ ở thủ đô Sanaa,  đòi Tổng Thống  Ali Absullah Saleh phải từ chức cũng sau hơn 30 năm nắm quyền cai trị độc tài.

     Như vậy là chỉ trong một tháng đầu năm 2011 đã có các cuộc biểu tình qui mô lớn của nhân dân ở ba nước Hồi giáo là Tunisia, Yemen và Ai Cập. Tất cả các cuộc xuống đường này đều có nguyên nhân và mục tiêu giống nhau.

      Nguyên nhân là vì  nhân dân cả ba nuớc đều bị thống trị bởi ba nhà độc tài cầm đầu ba đảng độc tôn, cai trị độc quyền kéo dài trong nhiều thập niên. Hệ quả là các nhân quyền và dân quyền căn bản bị hạn chế hoặc bị tước đoạt, kinh tế bất ổn, giá cả leo thang, tỷ lệ thất nghiệp lớn, tham nhũng tràn lan và xã hội đây rẫy bất công, sự cách biết giầu nghèo sâu sắc với thiểu số chức quyền giầu có thống trị trên tuyệt đại đa số nhân dân lao động nghèo khổ. Hệ quả này đã gây bất mãn, phẫn nộ trong mọi tầng lớp nhân dân ở cả ba nước .

      Và do đó mục tiêu tối hậu của các cuộc xuống đường biểu tình của nhân dân ba nước Tunisia, Yemen và Ai cập đều giống nhau là nhằm lật đổ những nhà độc tài đứng đầu nhà nước  và cả các đảng hậu thuẫn cầm quyền ở cả ba nước, để thay thế bằng những người cầm quyền và đảng phái chính trị biết  tôn trọng các quyền tự do, dân chủ, nhân quyền và nhân quyền,  trong một chế độ dân chủ đa nguyên, một xã hội công bằng, đời sống kinh tế ổn định và bảo đảm hơn cho nhân dân lao động nghèo. Mục tiêu tối hậu này đã thành đạt tại Tunisia, một trong ba nước đã và đang muốn giành lại chính quyền bằng sức mạnh của quần chúng nhân dân qua các cuộc xuống đường biểu tình lật đổ chính phủ phản dân chủ.

       Tân chính phủ Tunisia nói là  họ sẽ công nhận các đảng chính trị bị cấm hoạt động, gồm cả tổ chức Hồi giáo…, đồng thời ân xá toàn bộ tù nhân chính trị.Loan báo này được đưa ra khi nội các Tunisia họp phiên đầu tiên, gần một tuần sau khi tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali bỏ nước ra đi trước làn sóng phản đối của dân. Điều này có nghĩa là sau cuộc “Cách Mạng Hoa Nhài” thành công Tunisia sẽ đi theo chiều hướng chế độ dân chủ đa nguyên đáp đúng ý nguyện của nhân dân, phù hợp với xu thế thời đại: dân chủ hoá chế độ độc tài các kiểu và thị trường tự do hoá về kinh tế trên phạm vi toàn cầu.

       Trông người lại nghĩ đến ta. Nhân dân Việt Nam tự hỏi: Bao giờ Việt Nam sẽ có cơ hội thực hiện một biến động như thế, để nhân dân Việt Nam bằng sức mạnh “Tức nước vỡ bờ” của mình, vùng lên quật ngã tập đoàn thống trị độc tôn độc quyền là đảng cộng sản Việt Nam, để giành lại quyền làm chủ đất nước, trong một chế độ tư do, dân chủ thực sự?

        Lời giải đáp đã có ngay trong câu tự hỏi, rằng Việt Nam rồi cũng phải có một ngày như thế, nếu như…Cộng đảng Việt Nam vẫn ngoan cố. Bởi vì tiền đề dẫn đến sự nổi dậy của quần chúng thực tế đã có ở Việt Nam từ lâu, không khác mà còn có phần vượt trội các nước Tunisia, Yemen và Ai Cập, về cường độ và mức độ của các nguyên nhân dẫn đến tình trạng “Tức nước vỡ bờ”.

         Thế nhưng, sở dĩ ở Việt Nam “đã tức nước”“chưa vỡ bờ” là vì tập đoàn đảng trị Cộng sản Việt Nam đã khôn lanh quỷ quyệt thực hiện chính sách “mềm nắn rắn buông”, biết “lùi kịp thời” để thoát hiểm trước áp lực của  nhân dân và đòi hỏi của quốc tế, để kéo dài tuổi thọ cho chế độ độc tài toàn trị cộng sản, đồng nghĩa với kéo dài thời gian cho một tập đoàn thống trị khai thác lợi nhuận độc quyền, bảo vệ các ưu quyền đặc lợi của giai cấp thống trị. Nhờ đó, mức độ “tức nước” của người dân khi gần đến biên độ “vỡ bờ”, thì nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tìm cách “dừng bơm thêm hay xả bớt nước”bằng chiêu bài “hoãn binh chi kế”. Thực hiện chính sách khôn lanh này, có lẽ là hơn ai hết, họ đã thuộc nằm lòng quy luật đấu tranh giai cấp với luận điểm Marxist- Leninnist về tình thế cách mạng chín mùi, rằng:

         Khi mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị phát triển thành mâu thuẫn đối kháng với mọi giai cấp trong xã hội, là lúc “tình thế cách mạng chín mùi”, cuộc cách mạnh của quần chúng nổ ra nhất định thắng lợi. Vì khi đó giai cấp thống trị hoàn toàn bị cô lập, đến ngay các lực lượng nòng cốt bảo vệ giai cấp thống trị là quân đội, công an mật vụ cũng đứng về phía nhân dân, buông vũ khí không còn giám bắn vào người dân nữa.

         Luận điểm này đã như một quy luật được thực tế chứng minh qua sự sụp đổ tan tành từ nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên Liên Xô, kéo theo sự tiêu vong của cả hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990. Luận điểm này cũng đã manh nha trong các cuộc biểu tình của nhân dân Ai Cập hiện nay, với sự tham gia của hầu hết giai cấp bị trị trong xã hội đang có nguy cơ biến thành mâu thuẫn đối kháng (một mất một còn) của toàn xã hội với giai cấp cầm quyền, và một số nơi biểu tình và nhà tù cảnh sát, quân đội đã bỏ nhiệm sở, tù nhân tự phóng thích….Phải chăng “tình thế cách mạng sắp chín mùi” ở Ai Cập, để cuộc cách mạng của quần chúng nhất định sẽ giành được thắng lợi nay mai?

       Có thể nhờ thấm nhuần luận điểm đã như một quy luật về đấu tranh giai cấp Marxist-Lennist trên đây, cùng những bài học thực tiễn về sức mạnh của quần chúng nhân dân, mà Cộng đảng Việt Nam mới có được kinh nghiệm, thủ đoạn kéo dài được sự tồn tại, không chỉ 30 năm như các nhà độc tài ở các nước đang có sự nổi dậy của quần chúng, mà đã kéo dài chế độ độc tài toàn trị CS, áp bức, bất công hơn nửa thế kỷ qua (1954-1975 trên nửa nước và từ 1975- 2011 trên cả nước).

       Tuy nhiên, kéo dài được tuổi thọ cho chế độ, không có nghĩa là không có ngày tận vong, tập đoàn thống trị độc tài, độc tôn và độc quyền CSVN cũng thừa biết điều này. Có điều, rồi dây liệu tập đoàn thống trị này có đủ khôn ngoan để chọn “một cái chết êm ả trong môi trường mật ngọt” (tự nguyện tự giác trao trả lại quyền làm chủ thực sự cho nhân dân) hay chấp nhận “Một cái chết đau đớn trong môi trường mật đắng” ( bằng sức mạnh vùng lên của quần chúng nhân dân bị áp bức, bóc lột tận qua lâu đến tận cùng).

     Câu trả lời chính xác xin dành cho những người lãnh đạo chóp bu chế độ giả hiệu “Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” bao gồm: Bộ tứ  Nguyễn Phú Trọng, , Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng, các thành viên Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư, Ban Chấp Hành Trung Ương đảng “Cộng Sản Việt Nam” (giả danh)

       Để góp ý thêm cho câu trả lời và hành động phù hợp với thực tiễn của tập đoàn thống trị Cộng sản Việt Nam, xin được lấy cái nhìn của kinh tế gia, nhà nghiên cứu chính trị nổi tiếng của Pháp là Jacques Attali, trong bài viết tựa đề "Tunisia, rồi sau đó?" đăng trên tờ L’Express hôm 19/01/2011, bình luận về sự kiện ở Tunesia mà ông gọi là “Cuộc cách mạnh hoa nhài”, rằng những gì xảy ra tại Tunisia không phải là điều bất ngờ. Cả thế giới biết rằng thực tế trong ít nhất hai mươi năm nay, làn sóng dân chủ đã tràn qua cả thế giới. lý do không phải bởi các diễn biến chính trị, mà chính vì nền kinh tế thị trường. Đất nước Tunisia, chuyển sang kinh tế thị trường, chỉ có thể trở thành một quốc gia dân chủ. Attali viết, “sau đó sẽ là các trường hợp của Ai Cập, của Việt Nam, Trung Quốc, các nước hạ Sahara ở châu Phi; và sau nữa có thể tới Algeria rồi Syria…”.

       Bởi vì, cũng đúng  như chúng tôi đã nhiều lần dùng thuật ngữ “Môi trường mật ngọt kinh tế thị trường” để lý giải về quá trình  tiêu vong của “chế độ độc tài toàn trị cộng sản” tại Việt Nam theo ý nghĩa câu tục ngữ Việt Nam có giá trị như quy luật “Mật ngọt chết ruồi”. Nghĩa là “Con ruồi cộng sản Việt Nam” đã và đang sa vào và sẽ chết dần trong môi trường “ mật ngọt kinh tế thị trường theo định hướng tư bản chủ nghĩa”.

         Vì chính trong môi trường này: các cán bộ đảng viên cộng sản đã và đang được “Tư sản hoá” (thành các nhà tư bản đỏ, các đại gia…)- Nhà nước cộng sản đã và đang được “Tư bản hoá” (Giải tư các ông ty quốc doanh…) và chế độ độc tài toàn trị đã và đang được “dân chủ hoá” từng bước ( Nhà cầm quyền đã phải trả dần các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền…).

         Vấn để chỉ còn là ở cuối quá trình “diễn biến hoà bình” này, tập đoàn thống trị Cộng sản Việt Nam có biết khôn ngoan hơn, tự nguyện tự giac trả lại đúng lúc toàn bộ quyền làm chủ cho nhân dân (chế độ dân chủ đa nguyên, đa đảng), hay phải để nhân dân nổi giận dùng bạo lực của quần chúng để đạp đổ bạo quyền, giành lại quyền làm chủ, như nhân dân các nước Tunisia, Yeman và Ai Cập đang làm.

Thiện Ý

Houston, ngày 31 tháng 1 năm  2011

 

error: Content is protected !!