Tạp ghi

Tạp ghi của NNS, Sơn Nguyễn : Trang Thơ Nhạc

Chúc Thân Hữu một ngày đầu Tuần thật Vui vẻ & Bình An.

Từ 4 giờ sáng đã thức xem trận chung kết giữa Hòa Lan-Tây Ban Nha, giờ vẫn còn buồn ngủ.

Trang Thơ Nhạc (vội vã) sáng nay Kính (mến) gởi đến Thân Hữu:

1. Nhạc

Lý Con Sáo Bạc Liêu

Nhạc Sĩ: Phan Ni Tấn

Ca sĩ: Phi Nhung

"…Khi nào cầu Quay nọ hết quay…

Thì Qua với Bậu mới đứt dây cang thường…".

2. Bài viết:

1. Mấy Nhịp Cầu Quay.

Đỗ Thanh Vân

2. Ký Ức Một Giòng Sông

Phan Trung Nghia.
3.Thơ:

·    Lâm Hảo Dũng

·    Kim Tuấn 

 

Tình Thân.

Kính.

NNS

…………………………………………………………………

 

Bài Viết:

(Chú thích 1: Trong bài hát của Anh Phan Ni Tấn: Lý Con Sáo Bạc Liêu, có đề cập đến Cầu Quay. Hồi còn bé được Mẹ đưa về Mỹ Tho thăm Bà con, trước khi ra đi nước ngoài, NNS thật ấn tượng về (địa danh) cầu Quay. Dù bao nhiêu năm tháng qua đi, NNS vẫn nhớ hình ảnh hai bên đường, qua cầu Quay, là xã Tân Mỹ Chánh, trên đường đi Chợ Gạo. Rồi bên phải là Vàm Kỳ Hôn, với những vườn mận bát ngát. Đứng nhìn qua bên kia Sông, nước chảy cuồn cuộn, thấp thoáng những đệ tử của Ông Đạo Dừa mặc áo màu nâu đi qua đi lại trên chiếc thuyền hoa lớn. Năm 2006 về dạy học và giúp cho chương trình Liên Hiệp Quốc, trên đường xuống Cần Thơ, NNS nói với người Tài xế (của Viện Đại Học Cần Thơ phái lên rướt từ Phi cảng Tân Sơn Nhất), ghé qua đây cho NNS nhìn lại cảnh cũ thời nào. Cũng nao nao trong lòng, dù sinh quán ở tận miền Trung. Chả trách một người nặng lòng với sông nước miền Nam như Anh Phan Ni Tấn, đã từng cỡi xe đạp đi cùng khắp nẻo đường, yêu Quê nhà đến thế đó, thì viết Nhạc Quê hương không hay sao được…

Bài hát thật Ca dao…

(NNS)

Mấy nhịp Cầu Quây

Nhà tôi

ở phía bên kia Cầu Quây, và tôi luôn luôn nghĩ rằng tôi không phải là dân chợ. Hồi đó, cái hồi bắt đầu từ những năm nào tôi không biết cho đến năm 1954, Cầu Quây là ranh giới chia tỉnh Mỹ Tho ra làm hai tuy nó nối liền đôi bờ sông Bảo Ðịnh. Mấy chữ "bên kia Cầu Quây“ đồng nghĩ với mấy chữ "vấn đề an ninh“, tuy chiều chiều nam thanh nữ tú vẫn thường thơ thẩn bên lan can cầu hóng gió và nhìn ghe thuyền qua lại. Dạo ấy, cho tới đầu những năm 50 người bên nây ngại sang bên kia lắm, cũng như vào thời 60, 70 nói tới Cầu Vỹ là ai cũng chùn chân.

Gia đình tôi tản cư lên Mỹ Tho đâu năm 1946 và tìm được một căn phố ở bên kia Cầu Quây, đường Trịnh Hoài Ðức, gần ngả tư, tức là không xa đầu Cầu Quây bao nhiêu. Chiến tranh đã tàn phá gần hết làng tôi, làm tiêu tan cả tài sản ba má tôi, cho nên dù có là con nhà khuê các ai trong hoàn cảnh đó cũng đều trở thành hạt cát. Mỗi ngày tôi phải lội bộ đi học trường Cầu Bắc. Quãng đường đó đối với người lớn chắc cũng đã không gần, huống hồ là cho một đứa bé 7 tuổi, mà đoạn ngán ngẩm vô biên là lên dốc cầu, nhứt là dốc phía bên chợ nó dài và rộng gấp hai lần dốc bên nây, và những phút đi ngang qua cầu giữa mùa nóng đốt. Ba má tôi cũng không có phương tiện di chuyển nào khác, nên phải giải quyết bằng cách cho tôi  ở lại trường buổi trưa. Năm lớp tư, má tôi sáng sớm nấu cơm bỏ vào hộp để tôi mang theo.

Tôi và các bạn nhỏ đã thâu ngắn đường đi bằng cách quăng cái cặp đệm xuống đất, từ đoạn đường d´Ariè trướ Tòa án, đá lài cho cặp đẩy đóng lá me bên vệ đường chạy đùa tới trước rồi chạy theo cặp, và cứ tiếp tục cho đến hết khúc đường có nhiều lá me rơi. Chúng tôi vui thú đến quên đường dài, nhưng tới nơi thì cái hộp cơm bằng giấy của má tôi đã đổi hình thay dạng. Năm lớp ba, tôi được ăn cơm ở cantine trường vì nhà xa và gia đình nghèo.

Tới năm lớp nhì thì tôi được ba má sắm cho một chiếc xe đạp. Thế là con đường không còn dài dằng dặc nữa, nhưng đạp lên cái dốc trước nhà thuốc tây Trần văn Khánh và Ty Ðiền Ðịa thì vẫn còn quá não nề.

Từ khi có xe đạp tôi thường lấy cớ để chạy xe. Tuy sợ dốc cầu nhưng mỗi chiều tôi đều đều đạp xe qua tiệm bán nước đá cây ở con đường sau khám Mỹ Tho, mua một cục cột dây lát máng vào guidon xe về cho cả nhà có nước đá uống trong bữa cơm. Và vui nhứt là khoảng năm 1950 có một tiệm làm bánh mì khám phá ra cách làm bánh mì ngọt và bánh mì ngọt có trộn nho khô. Thế là bọn con nít xóm tôi cứ đúng 6 giờ chiều là hè nhau chạy xe đạp sang chợ để mua bánh mì mới ra lò. Đó là mode "mới“ của dân bên kia Cầu Quây.

Ðời sống bên kia Cầu Quây là đời sống nửa quê nửa tỉnh. Xóm tôi ở xui xẻo là chỉ có toàn con trai ở tuổi tôi với vài chị lớn và một hai bé gái còn nhỏ hơn tôi nữa, nên trò chơi sau trường học của tôi cũng độc đáo. Tức là tôi nhập bọn với đám con trai đi đánh trổng, đá cầu, chọi đáo… , rồi tùy theo mùa mà kéo nhau vô rẫy hái rau đắng về cho dế ăn hay đi vớt lăn quăn ở các đường mương để nuôi cá lia thia đá. Lối sống của hạt cát, hòn sỏi đó đã cho tôi những kniệm tuyệt vời không thể có được đối với những bé gái cùng tuổi ở chợ hay những tiểu thơ măng non trong nhà cao tường kín, những kniệm cùng với một đám "quỷ con“ trong xóm mà sau bao nhiêu vật đổi sao dời chúng tôi cũng còn tìm kiếm nhau lại để thỉnh thoảng trao đổi vài dòng thăm hỏi.

Ðiều khó quên là đời sống ở đó không phải lúc nào cũng êm như bàn thạch. Nghe súng đạn trò chuyện giữa đêm thường xuyên đến nỗi dưới sàn cái divan nhà tôi ngày nào cũng được lau chùi bóng lưởng và trải chiếu cẩn thận. Ðêm đêm má tôi dựng một tấm nệm lớn trước đầu nằm, tưởng như đạn vào nệm sẽ ở luôn đó. Mỗi khi nghe súng nổ nồ, nhứt là khi nghe tiếng nổ to từ bót số 1 gần đầu cầu, là cả nhà lập tức chun xuống sàn. Tánh trẻ con thật vô tư, tôi thấy vui mà ngủ dưới sàn trong khi người lớn lo âu sợ sệt. Tôi nhớ, hồi ở quê tôi cũng đã từng chun xuống tranchée để trốn bom, cái hầm đào sâu xuống đất được trét đất sét láng trơn và mát rượi làm tôi cứ thèm ngủ ở đó.

Ngả tư là khu bán thức ăn đủ loại, là nơi nhậu nhẹt của đám lính Pháp và lính đầu đỏ Việt vào cuối tuần hay ngày lễ. Thế nên ở đây cũng có tiếng lựu đạn nổ hà rầm. Ngày cách-toduy-dê, dân ta gọi thế để chỉ ngày 14 tháng 7. Họ không cần biết là ngày gì, chỉ biết ngày cách-to-duy-dê là ngày nhục nhã buổi sáng và nguy hiểm buổi chiều. Buổi sáng là cuộc lễ to ở đầu cầu, cách bót số 1 vài mươi thước. Năm nào cũng có trò leo cây thoa mỡ bò để lấy phần thưởng ở đỉnh cột, và trò lội sông bắt vịt. Ai có thương cho cái cảnh "năm tấc trèo lên một thước tuột xuống "hay có bắt được rồ vẫn cứ vuột“ thì thương, chớ hàng quan khách Tây Ta và các bà đầm cứ thích thú cười nghi
êng ngửa. Nhưng "vui“ là"vui“ buổi sáng thôi, tới tối khi cả bọn lính đầu đỏ và lính mắt xanh, sau mấy tiếng đồng hồ hò hát vang rân, bò càng bên hàng đống chai rượu là chắc mẽm sẽ có màn quăng lựu đạn từ một góc kín đáo nào đó. Bọn trẻ con chúng tôi bị cấm cung khi mặt trời vừa xuống.

Gia đình tôi dọn nhà qua chợ một năm sau khi tôi đậu vào Lycée Le Myre de Vilers. Trường vẫn còn mang tên Pháp mặc dù niên học tôi bắt đầu cho chương trình Việt. Năm 1954, Pháp về nước. Vùng bất an ninh đã được an ninh. Cầu Quây thật sự là nhịp cầu nối kết hai vùng của tỉnh. Mùi hủ tiếu Phánh Ký bay sang tận bên chợ mời mọc hằng bao nam nữ học sinh của ngôi trường trung học đã được đổi tên thành Nguyễn Ðình Chiểu từ ngày 22.02.1953. Và con đường đi Chợ Gạo không còn là con đường cho hàng dọc xe nhà binh Pháp mang đầy sình đất nặng nề chạy về sau những cuộc hành quân, mà là con đường dẫn xuống nơi gặp gỡ thơ mộng của thanh thiếu niên Mỹ Tho: chùa Vĩnh Tràng!

Ngày nay, với tuổi đời chồng chất mấy nhịp Cầu Quây như thân già yếu ớt, nặng trĩu trên vai nền xi măng nứt rạn và sườn sắt rỉ sét. Cầu Quây chỉ dùng cho người đi bộ. Chỉ còn là biểu tượng cho thành phố Mỹ Tho và là dấu vết đầy thân thương trong lòng dân Mỹ Tho!

Đỗ Thanh Vân (Vinh Lan)

Nội San 14 / 2008

……………………………………………………

 

 

Ký ức một dòng sông
Phan Trung Nghĩa

 

 

 

 
   

Tôi sinh ra trên bờ sông Bạc Liêu, hơn nữa đời người nếm trải nhiều sương gió, đến khi đầu chớm pha sương vẫn quanh quẩn bên bờ sông này. Thế cho nên lòng tôi như con nước rong đầy, cứ chở nặng những kỷ niệm về con sông ấy. Vui có, buồn có và lẩn những niềm đau. Và hơn thế nữa trong lòng bao thế hệ người Bạc Liêu am hiểu lịch sử, đều nhìn nhận con sông nầy như một thứ nguồn cội của xóm làng đồng bái … Tất cả biến thành một nỗi niềm da diết, thúc dục tôi viết gì một cái gì đó về con sông quê mình.

 

Sông Bạc Liêu được cải tạo và đào bới thẳng thớm và sâu rộng như bây chỉ có từ năm 1915. trước nữa nó chỉ là con gạch nhỏ. Sách vở thì gọi là gạch Bạc Liêu còn người dân quê tôi thì gọi là sông cũ. Làng tôi có ông Tám Lượm, nếu ông cón sống thì giờ chắc hơn trăm tuổi. Thuở tôi còn bé thấy ông thường chỉ cho mọi người thấy các vị trí của con sông cũ. Theo định vị của ông Tám thì con sông Bạc Liêu rất ngoằn ngèo và nhỏ. Nó là chi lưu của cửa biển Mỹ Thanh. Có lẽ cuối nguồn của nó ở Hoà Bình (Vĩnh Lợi), chảy qua Cái Tràm – chợ Bạc Liêu – ngã ba Vàm Lẽo (giáp với tỉnh Sóc Trăng) rồi đổ ra cổ cò, một ngách chảy ra cửa biển Mỹ Thanh và nhánh còn lại chảy lên Bảy Xàu rồi hoà nhập với Sông Hậu.

 

Theo vị trí sông cũ ngày xưa thì sông Bạc Liêu mới đạt khoản trên 30km, vậy còn 40km nữa (tính trong địa giới tỉnh Bạc Liêu ngày nay) nằm ở đâu? Tham iện đều tiên của tỉnh Bạc Liêu thời Pháp thuộc là La mothe Decajjej đã làm một báo cáo tổng quát vào năm 1882 nên: "Giữa Bạc Liêu và Cà Mau là đồng cỏ bao la che kín chân trời, mùa nắng cỏ vẫn không chết, mùa mưa cỏ cao đến một mét rưởi. Trong đồng cỏ, ai muốn đi hướng nào thì đi, muổi mồng vô số kể. Mùa mưa xuồng nhỏ tha hồ di chuyển, nhưng ghe thì phải đi theo con đường cong queo, gọi là đường láng. Đường láng đầy cỏ, khi di chuyển phải có người phát cỏ cào sang hai bên. Chổ cỏ dầy mổi ngày di chuyển chỉ có một cây số. Mùa mưa từ Cà Mau đi Sóc Trăng mất 6 ngày, nhưng mùa hạn đi 10 ngày mới tới.

 

Nhà Văn Sơn Nam trong sách lịch sử khẩn hoang miền nam ghi: "con đường láng tức tức đường kéo ghe từ Bạc Liêu qua Cà Mau được Nhà Nước giúp đỡ dân bằng cách cấm nọc làm dấu hai bên đường, mỗi năm 2 lần, cắm vào đầu mùa và lúc dứt mùa mưa" …

 

Căn cứ vào các tài liệu lịch sử trên thì ta không thấy con sông nào nằm dọc nối liền Bạc Liêu – Cà Mau. Và chính vì thế con rạch Bạc Liêu xưa nối liền Sông Hậu chì chạy qua chợ Bạc Liêu một đoạn. Chỉ một đoạn thôi, nhưng con rạch nầy là đường thuỷ nội điạ độc đạo nối liền vùng đất Bạc Liêu với Sông Hậu, Sông Tiền và cả biển đông. Chính vì thế rạch Bạc Liêu đã làm được một nhiệm vụ vô cùng hiển hách là dẫn người Việt từ miệt Tiền Giang, người Hoa từ Sài Gòn Bến Nghé … về Bạc Liêu khai làng dựng ấp.

 

Thuở nhỏ tôi thường nghe ông nội tôi cùng với mấy ông bạn già trong xóm nhậu rồi kể về thuở chân ướt chân ráo dựng nghiệp. Giọng kể của ai cũng chất chứa niềm tự hào về công cuộc nam chinh của mình. Đó là cái thuở Nguyễn Đình Chiểu viết :

 

Bến Nghé, cửa Tiền tan bọt nước

 

Đồng Nai tranh ngói nhóm màu mây.

 

Giặc Pháp gây loạn lạc khắp nơi ở miệt Tiền Giang, rồi địa chủ bốt lột … Thế là sống không nổi, ông nội tôi và lớp người mở đất đã bồng bế vợ con lên những chiếc ghe cui "hành phương nam", những mong tìm được một mảnh đất để khai phá, làm chủ, nhung phương nam cách đây hơn một trăm năm là nơi rừng sâu nước độc. Con rạch Bạc Liêu chảy qua chợ Bạc Liêu là cuối nguồn nên sông nhỏ chứ từ ngã ba Vàm Lẽo đổ về Sông Hậu là nơi "sông sâu nước chảy" và đầy cá dữ. Trong sách của các nhà khảo cứu lịch sử nổi tiếng như Sơn Nam, Dương Hồng Sển … nói rằng ngã ba Vàm Lẽo, Cổ Cò … là nơi Sấu nhiều vô kể, người ta đến đó câu sấu về chợ lớn dèo dưới nước bán. Và hơn thế nữa, lúc đó chưa có hệ thống thuỷ lợi, nghĩa là con người chưa chế ngự được tính hung dữ của các dòng sông … nên từ Sông Hậu về đến Bạc Liêu là bao nhiêu nguy hiểm gian nan rình rập bước chân người đi mở đất. Nổi tiếng nhất là ngã ba Vàm Lẽo, ngã ba Cổ Cò. Đứng xa 2-3 cây số đã nghe tiếng nước xoáy gào thét. Một vùng xoáy  do áp lực của ba dòng nước gặp nhau tạo nên rộng mấy công đất và sâu hun hút như miệng một con mảnh thú. Thảy một cặp dừa khô xuống, nước xoáy nuốt chửng và khoản một tiềng đồng hồ sau nó mới nhã ra và cách đó hàng cây số. Dân thường hể đến các vàm sông phải đậu lại khấn bái thuỷ thần một cặp vịt rồi chờ nước những lớn mới dám vượt ngã ba. Sách củ vẫn còn ghi lại nhiều cái chết thảm khóc ở những đoạn sông này, gây ra bao nổi kinh hoàng cho những người miệt Tiền Giang xuôi về Bạc Liêu mở đất.

 

Đất Bạc Liêu thuở đó ngoài những giồng cát cao do người Hoa mở trước khi giồng nhãn, giồng giữa, và những gò đất do người Khơ me Nam bộ ở như Sóc Đồn … thì đa phần còn lại là hoang du mênh mông, ai muốn khai pá bao nhiêu tuỳ thích. Thế nhưng đó là vùng đất khó làm ăn vì chưa có hệ thống thuỷ lợi và đầy "sương lam chướng khí". Từ ngã ba Vàm Lẽo vào đi một hai dậm đã thấy ven bờ sông bịt bùng rừng sâu, người đo trước treo một cái áo đen để chi cho người đi sau biết rằng nơi đây cọp vừa ăn thịt người! Phía bắc của rạch Bạc Liêu thì "đồng cỏ bao la che kín chân trời" và là đất của : "xứ nào ghê cho bằng xứ cạnh điền, muỗi kêu sư sáu thổi đĩa lội lềnh tợ bánh canh" đất ngập úng, cầm thuỷ lưu niên, phèn xì lên vàng oáng. Lại không có hệ thống thuỷ lợi tiêu túng. Thế cho nên dân khẩn hoang chọn các vàm sông thuận tiện cho việc sổ nước và di chuyển khai khẩn.

 

Còn ở phía nam sông Bạc Liêu thì toàn rừng mắm già, mỗi cây lớn một ôm không giáp. Thuở đó biển hãy cón gần, đêm neo ghe trân rạch Bạc Liêu nằm vẫn nghe tiếng thét rào của biển. Vùng đất phía Nam có lợi thế là cá mấm vô số kể và còn chứa đựng những tiềm năng của biển. Ba tôi kể rằng: hồi ông nội tôi bồng bế gia đình vào ông mới 5 tuổi, ông nội tôi cất cái chòi cao liêu miêu trên trảng ba cây mấm cho các con ở, để ông yên tâm dọn rừng phá ruộng. Bởi vì cọp và heo rừng vẫn còn đầy dưới đất, sở dĩ ông nội tôi chọn phía nam sông Bạc Liêu là vì lúc ở Gò Công nội tôi đã biết nghề đóng đáy … kết thúc câu chuyện bây giờ ba tôi cũng nghe nói câu đại ý. Nếu không có sông Bạc Liêu không biết gia đình đã lưu lạc phương nào! Còn tôi thì thấy xóm làng phì nhiêu quê mình thật sâu dài công đức ông cha.

 

Năm 1882, Nhà Nước phát hành lập tỉnh Bạc Liêu, thì cũng trong năm đó quan chủ tỉnh là  Lamothe Decajjiei đã đề nghị với thống đốc Nam Kỳ: "trong hiện tại Bạc Liêu chưa ra gì nhưng tương lai sẽ trở thành một thành phố lớn nhất Nam Kỳ, sau Sài Gòn". Giải pháp phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bạc Liêu do ông này đề đạt là: "chỉ cần đào một con kênh nối liền Bạc Liêu – Cà Mau rồi lấy đất đó mà đấp lộ … ". Đề nghị trên lập tức được chấp nhận. Thế là Bạc Liêu bước vào công cuộc đào kênh, đấp lộ từ năm 1885 đến năm 1915. với con sông dài 72km. Đây có thể nói là một công cuộc trường chinh đào sông đấp lộ bởi thời gian kéo dài đến hơn 30 năm của nó,  và cũng bởi nó lấy đi biết bao mồ hôi nước mắt của người Bạc Liêu. Nhà Nước Pháp thuộc bộc lộ một ý đồ rất rõ: Thực hiện xong hệ thống đào kênh Cà Mau – Bạc Liêu là thuỷ lợi để tiêu thoát nước cho một vùng đất cầm thuỷ vô cùng rộng lớn, giao thông đi lại dể dàng hơn … vì thế dân sẽ đổ xô vào đây khai phá nhanh hơn và từ đó mẫu quốc sẽ được hưởng lợi từ thu thuế điền, bán đấu giá đất …

 

Thế nhưng mặc dù ý đồ như thế nhưng mà nước Pháp lại ngại xuất tiền công quỹ, họ triển khai đào sông Bạc Liêu bằng cách cho xáng đào sen kẻ với bắt dân xứ bảng làm sâu đào. Hể kênh, lộ ngang tổng nào thì tổng ấy làm. Theo quy định của Pháp thời đó mỗi dân đình chỉ làm nghĩa vụ 2 ngày sau một năm, thế nhưng khi đào kênh Bạc Liêu chính quyền giao cho họ một khối lương mà 2 tháng làm còn chưa xong. Dân ở làng Hoà Bình, Vĩnh Mỹ … kéo lên toà bố đấu tranh đòi giảm công xu, viên phó thanh biện đề nghị bỏ tù họ 10 ngày và phạt 10 đồng tiền vạ. Năm 1895 mùa màng tỉnh Bạc Liêu thất bát nặng nề vì mưa nhiều và đại hạn kéo dài, huê lợi chỉ còn thu 1/10. cai tổng làng Thạch Hưng báo cáo với thống đốc Nam Kỳ: bây giờ dân không biết đi đâu hết, vì nội tổng của tôi không cò lúa, nó đi kiếm ăn đở đói, vậy mà tham biện chú tỉnh lãi huênh hoang rằng: "đã huy động đến 11.484 dân bộ làm sâu đào kênh Bạc Liêu-Cà Mau: trên 46.498 người dân của toàn tỉnh lúc bấy giờ (theo Sơn Nam). Chỉ bấy nhiêu đó ta cũng thấy được sông Bạc Liêu có được từ mồ hôi nước mắt của người Bạc Liêu.

 

Năm 1915 thì công trình đào sông đấp lộ Bạc Liêu-Cà Mau hoàn chỉnh, cũng trong năm nầy đào xong kênh Quan Lộ-Phụng Hiệp  và Bạc Liêu-Cà Mau cùng nối liền đất Bạc Liêu với Sông Hậu, thế nhưng xét từ góc độ khu vực tỉnh Bạc Liêu thì sông Bạc Liêu chiếm vị trí cực kỳ quan trọng hơn, bởi mấy lẽ như sau: sông Bạc Liêu chảy qua thủ phủ tỉnh Bạc Liêu và nằm liền về với quốc lộ 1A, rất thuận lợi cho việc tập kết nông sàn về trung tâm để đưa đi Sài Gòn; xét về mặt thuỷ lợi, vị trí của kênh xáng Bạc Liêu như một trục sương máu, nó chi phối toàn bộ các trục kênh: Cầu Sập – Ngang Dừa – Phước Long – Số 2, Hộ Phòng – Chủ Trí, Láng Trăm … để thoát nước cho vùng đất cầm thuỷ rộng lớn, phía bác quốc lộ 1A ngày nay hãy còn hoang du. Có thể nói rằng khi kênh đào Bạc Liêu và các trục kênh nêu trên hoàn thành thì cũng là lúc bắt đầu một cuộc cách mạng lớn về nông nghiệp của Bạc Liêu – một vùng đất phèn úng lâu đời đã được giải phóng.

 

Hơn nữa kênh xáng Bạc Liêu là con đường truyền thống của dân miệt Tiền Giang về Bạc Liêu khai phá. Thế cho nên hoàn thành kênh đào Bạc Liêu là tạo sự thông thương chủ yếu cho lực lượng đi mở đất. Từ đó dân miệt Tiền Giang ùn ùn đến Bạc Liêu Lập nhiệp. Đó là những đêm trăng rãi đầy sông, đom đóm lập loè trên ngọn bầng ven sông, tiềng vạt ăn đêm cất lên một nổi sầu ly xứ, những mảnh đời tha phương cầu thực trôi nổi trên những chiếc xuồng muôi kèm, đậu ở ngã ba Vàm Lẽo đợi nước. Họ cất lên điệu hò than thuở cho số phận của mình. Người ở trên bờ cám cảnh đời long đong của kẻ đến sau kéo nhau ra bờ sông hò đối đáp. Đêm càng về khuya hai phường hò trên bờ, dưới sông càng đông. Người ta rất dể cảm thông với nhau bởi người mới kẻ cũ đều có chung bản quán miệt Tiền Giang, cũng cùng số phận tha phương cầu thực. Thế nên sau một đêm hò đối đáp là nên tình huynh đệ, người cơ nhở tìm được bến đậu. Cứ thế xóm làng Bạc Liêu hình thành. Những chợ: Trưởng Toà, Bàu Sàng, Chù Trí, Số 2 … là chợ của những người đi khẩn hoan lập nên.

 

Nhân lực đổ về, đất đai dược giải phóng nền kinh tến Bạc Liêu phát triển vượt bậc. Đỉnh điểm là từ năm 1900 trở về sau. Chợ Bạc Liêu ngày càng phồn thịnh, các điền chủ như: Trần Trinh Trạch, Bá hộ Bì … cất chành lúa, xây dựng nhà máy lửa (nhà máy xây xác) rồi mua sấm từng đoàn ghe chày để trở lúa về Sài Gòn Chợ Lớn. Hồi đầu ghe chày chạy bằng sức người, nghĩa là dân đinh đạp gai gốc trên bờ để vằn lưng kéo ghe ở dưới sông. Mãi sau này mới có động cơ máy nổ và đó cũng chính lúc ánh sáng văn minh tạo ra một dấu ấn thật sâu trong lòng người. Mãi mấy chục năm sau, những người đi năm châu 4 biển vẫn còn nghe hoài vọng tiếng còi tàu Lê An vang dài trên bờ sông Bạc Liêu.

 

Làng tôi cũng được hình thành từ cái dòng chảy của người khẩn hoang từ sông Hậu xuôi dòng sông Bạc Liêu về đây. Ong nội tôi xưa làm nghề đóng đáy và làm ruộng. Đến đời ba tôi là nguồn sống chủ yếu của gia đình cũng là sông rạch. Hồi đó chiến tranh bom cày, đạn sới các bờ ao bao ngạn nên nước mặn tràn vào ruộng không thể trồng lúa được, đêm đêm ba má tôi đi đóng đáy trên sông rạch Bạc Liêu hoặc dùng đăng tre bao ví các nhán sông rạch khi nước lớn và khi nước ròng thì bắt cá. Còn ban ngày thì chất chà dưới bến sông. Ơ quê tôi nhà nào cũng chất vài đóng chà ở các bến sông. Chà chất dầy đặc người nơi khác đặt cho xóm tôi cái tên mới là xóm chà. Chà chất nữa tháng thì dở một lần. Khi dở chà thì bà con lối xóm dạn dần đổi công với nhau. Tiếng í ới vang động một khúc sông.

 

Người xưa có câu "Bạc Liêu là xứ quê mùa, dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu". Cá ở sông Bạc Liêu là nhiều vô kể thải cục cơm xuống giữa dòng nước là cá chốt nổi đầu chu vi cở chiếc điệm. Vào những đêm 30 tết, ba tôi đổ một dục đáy là nữa xuồng tam bảng cá kèo. Hồi đó bán rẻ như cho, phải đào hầm mà rộng, chờ nước kém đem bán. Đăng một xèo rạch có khi chở khẳm xuồng tam bảng cá. Nào cá ngát, cá lăn, cá trẻm … có con nặng 5-7 ký.

 

Cứ thế, 10 năm, 20 năm và một trăm năm đi qua, sông Bạc Liêu đã nuôi nấng những kiếp đời ngự trụ trên đôi triền sông của nó. Người quê tôi hiền như con nước những lớn. Mở mất chào đời là đã thấy quê hương mình bát ngát như một dòng sông. Tiếng mẹ ru hời lan dài trên sông ruộng và ngọn gió mát buổi trưa hè đã đưa họ vào những giấc ngủ đầy mộng đẹp. 5-6 tuổi nhẩy ùm xuống sông áp lồng ngực căn đầy trên những ngọn sống, khi đó cái hồn sông nước quê hương nó nhập vào hồn người. Thế cho nên dòng sông không chỉ nuôi nấng thể xác mà còn nuôi dưỡng tâm hồn những cư dân sông nước.

 

Còn tôi khi đầu óc chật cứng những bon chen đô thị là tôi hay về quê rủ bạn bè cũ, mang đàn, mang rượu xuống chiếc tam bản để thả trôi theo dòng nước … sông Bạc Liêu tính từ chợ Bạc Liêu ra ngã ba Vàm Lẽo là vẫn con giử nguyên sơ của nó. Đôi bờ sông xanh rì 2 hàng bầng, mấm chen lẫn với là dừa nước. Xưa, chúa Nguyễn đã từng xuôi ngược nơi này thấy người địa phương ăn trái bầng với mấm sống, chúa nếm thử và khen ngon rồi đặt tên câ bầng là thuỷ liễu, hàng thuỷ liễu tô điểm cho dòng sông bằng cách rắc đầy hoa trắng khi nước lớn đầy và khi đêm xuống, đơm đớm lập loè ngọn thuỷ liễu trở nên lung linh huyền ảo.

 

Thường chùng tôi bắt đầu một cuộc chơi sông khi chiều buông xuống và mây tím trôi lãng đảng. Chiều trên sông Bạc Liêu rất lạ, sáng chiếu nhộm tím thẳm cả dòng sông trông buồn đến ưu uất. Chúng tôi cứ thả thuyền trôi lênh đênh theo con nước ròng về phía ngã ban Vàm Lẽo. Thuyền lênh đênh qua nhiều voi nhiều vịnh, bạn bè tôi bù khú trong một không gian đầy thú vị. Rồi màn đêm chụp xuống trăng trải đầy mặt sông. Có cảm giác rằng đêm trên sông Bạc Liêu sâu hun hút và rồi từ trong rặb lá dừa nước soi bóng ven sông tiếng bím bịp cất lên gọi nước lớn, báo hiệu cho chúng tôi đã đến lúc cho thuyền trôi trở về. Tiếng bìm bịp trong đêm,  trên sông Bạc Liêu cũng rất lạ, nó cứ rền rền âm âm vang dài trên sông như một thứ tiếng từ cỏi nào xa xôi vọng lại. Mỗi lần nghe tiếng bìm biệp như thế là tôi sửng sờ cứ ngở hồn sông nước lẫn khuất đâu đây, cứ ngở tiếng hò xưa của người đi mở đất. Dòng sông này đã trải qua biết bao số phận, biết bao đồi người. Nhiều mảnh đời đã gắn bó với sông nước giờ đã ra đi, chỉ còn lại dòng sông như một nhân chứng. Nhìn sông Bạc Liêu là tôi nhình ra nguồn cọi của làng xóm quên mình.

Chú Thích 2:

(Cho Bạn trẻ của NNS)

Trong bài hát có câu "Vì chưng lẻ bạn mới ốm o cung đàn". Câu này có rất nhiều người hiểu sai, nghĩ là cái chân (vì cái chân, người Nam đọc là cái chưng, cái cẳng). Thật ra đây là Từ cổ xưaCụ đồ Chiểu từng dùng…

"Vì chưng hay ghét cũng là hay thương" nằm trong truyện "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Đình Chiểu. Tác phẩm được sáng tác vào khoảng đầu những năm 50 của thế kỷ 19, khi ông bị mù, về dạy học và chữa bệnh cho dân Gia Định.
Cốt truyện xoay quanh cuộc xung đột giữa Thiện và Ác, nhằm đề cao tinh thần Nhân nghĩa, thể hiện khát vọng lý tưởng của tác giả về một Xã hội tốt đẹp.
Câu thơ này nằm trong đoạn trích từ câu 473 đến câu 504 trong truyện Lục Vân Tiên ( Một quyển truyện thật đặc thù miền Nam, như Chú Tư Cầu sau này của Nhà văn Lê Xuyên hay Xuân Tóc Đỏ của miền Bắc…).
Nội dung là cuộc nói chuyện giữa nhân vật ông Quán với 4 chàng Nho sinh: Vân Tiên, Tử Trực, Trịnh Hâm và Bùi Kiệm.
Những điều ông Quán ghét:
Ghét đời Kiệt Trụ mê dâm. – Ghét đời U, Lệ đa đoan. – Ghét đời Ngũ Bá phân vân. – Ghét đời Thúc, Quý phân băng… Đó là những triều đại Vua chúa say đắm tửu sắc,ăn chơi sa đọa, lộng hành quyền lực làm cho đất nước suy yếu, bấn loạn, nhân dân khốn cùng. Mỗi câu thơ lục bát là một tiếng dân. Nhà thơ đứng về quan điểm của người bình dân để bình phẩm lịch sử.
Những điều ông Quán thương: 
Đó điều là những con người có tài, có đức, muốn hành đạo giúp đời nhưng đều không đạt sở nguyện.
Điển hình như: Thương đức Thánh nhân (Khổng Tử) , vì long đong, lận đận – Thương thầy Nhan Tử:  hiếu học nhưng mất sớm – Thương ông Gia Cát: phí hoài tài năng công sức – Thương thầy Đổng Tử: không có điều kiện để thi thố tài năng. – Thương người Nguyên Lượng: bất đắc chí – Thương ông Hàn Dũ: bị đi đày – Thương thầy Liêm Lạc: không được trong dụng…
"Vì chưng hay ghét cũng là hay thương": Ghét và thương là hai thái cực tình cảm trái ngược nhau ở một con người vậy mà ở Nguyễn Đình Chiểu "lẽ ghét thương" lại xuất phát từ một điểm: Ông ghét cũng vì dân và thương cũng vì dân.

Đó là chân lý sống của một thầy Giáo mẫu mực coi việc dạy người quan trong hơn dạy chữ, đạo đức quý trọng hơn cả tài năng.

……………………………………………………………

Thơ:

Với Long Xuyên
Kim Tuấn

 

.

ngập đồng sóng dạt phù sa
mùa này nước nổi trời oà cơn mưa
tiếng gà gáy ngọn tre thưa
mênh mông sóng gọi thuyền đưa ai về ?

trăm năm tiếng hát não nề
trăm câu vọng cổ xuống xề bi thương
thả hồn mây lạc tha phương
thả đời ta lạc cuối đường phiêu du

chạnh lòng chiếc lá mùa thu
con sông giờ đã xa mù khói mây
tiếng đàn ai đó quanh đây
chén nâng bạn tiễn cuối ngày lênh đênh…

Kim Tuấn

 

Bài Gợi Nhớ Về Châu Ðốc
Lâm Hão Dũng

 

.

em khóc dòng sông, khóc nước sông
ta đi sầu ngát tận trong lòng
nhớ trăng đầu núi, trăng đồng nội
và những mùa trăng sông Cửu Long

em ở bên kia trời cách biệt
mắt buồn vây kín núi Sam xa
ta như lữ khách không nhà cửa
ngủ đậu trên chùa mỗi tháng ba

em khóc dòng sông đó phải không ?
(ngàn năm vẫn nhớ má em hồng)
vẫn yêu đường đá mòn Châu Phú
những chuyến đò đêm nước ngược dòng

bởi ta lười biếng làm sao thấy
em đẹp như là hoa hướng dương
vu vơ em hát hay ta hát
mà tóc tung bay rất ngập ngừng

em khóc dòng sông đó phải không ?
đêm mơ về thấy chín con rồng
vẫy đuôi trên nóc Tây An Tự
đón hội Long Hoa một tối rằm

ta nhớ một đời riêng để nhớ
những mùa trăng cũ bạn hiền xưa
Cồn Tiên bên quán ngồi châm thuốc
rượu ngất ngây hồn vị tiễn đưa

Lâm Hảo Dũng

Kính.

NNS 

error: Content is protected !!