Biên khảo

Tạ Quang Khôi : Có nên định lại Giá trị Ðoạn Trường Tân Thanh không ?


Góp ý bài viết Nhân Vật Truyện Kiều của cụ Tạ Quang Khôi

Xin chuyển đến các bạn hai bài viết của cụ Tạ Quang Khôi về tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh mà tôi nhận được từ chị Trương Kim Anh (Na Uy), hiền nội của nhà thơ Dương Kiền.
Một trong hai bài viết này, Nhân Vật Truyện Kiều, đã được chị Kim Anh chuyển đến nhiều bằng hữu (mà chị gọi là "Các bạn không chân dung") vào khoảng đầu năm nay, 2009, kèm theo cái email của cụ Khôi gởi cho chị:

Thân gửi Chị ,
Mời Chị đọc một bài về Truyện Kiều để biết cũng có người chê Kiều chứ không a dua người ta mà tôn thờ Truyện Kiều một cách mù quáng.
Thân,
TQK

Cụ Khôi là một "Bát thập lão ông" đáng kính, một cựu giáo sư Trung học mà nhiều người ở trong nước còn nhớ. Nhưng chính hai chữ "mù quáng" trong email của cụ Khôi nói về những người yêu truyện Kiều đã khiến tôi viết một bài "góp ý" ngắn ngay vào dịp đó, nhân đây xin chuyển đến các bạn cùng đọc cho vui.

Thiếu Khanh.

Góp ý bài viết Nhân Vật Truyện Kiều của cụ Tạ Quang Khôi

Từ trước đến nay Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du không chỉ được ca tụng không thôi (thực ra không phải hoàn toàn là mù quáng đâu) mà cũng bị không ít người chê. Người khen và người chê Truyện Kiều không cùng đứng trên một mặt phẳng mà họ thuộc hai phạm trù riêng biệt, có lẽ không liên quan gì với nhau: Văn chương và luân lý. Người khen cho Truyện Kiều là một viên ngọc về văn chương, người chê cho Truyện Kiều là dâm thư, có hại cho tinh thần đạo đức của… phái nữ! ("Đàn ông chớ đọc Phan Trần / Đàn bà chớ đọc Thúy Vân Thúy Kiều"). Nhưng cũng có thể với quan niệm "Văn dĩ tải đạo" – Văn chương để chuyên chở đạo lý – mà người ta kết án cả mặt văn chương của Truyện Kiều.

Việc chê Truyện Kiều về mặt luân lý để ghép tác phẩm vào hàng dâm thư thì cần được xem xét lại. Ngày nay cuộc sống đã thay đổi, các khái niệm đạo đức luân lý đã không còn như trước, nên lời chê đó có lẽ không còn hiệu lực nữa.  Thế thì ta bàn về chuyện khen ngợi.

Sự ca tụng Truyện Kiều về mặt văn chương, nếu xét từ thời điểm tác phẩm của cụ Nguyễn Du ra đời có lẽ ta sẽ thấy dễ hiểu, và không có gì là quá đáng. Cách đây gần hai trăm năm,  ngôn ngữ văn học tiếng Việt đang ở mức độ mà, nói theo "phong cách" bây giờ,  "sự phát triển hoàn hảo còn ở phía trước," mặc dù từ lâu trước đó đã có những tác phẩm thơ nôm của Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm….  Đọc thơ của các cụ ấy dường như chúng ta có cảm giác mình đọc… tư liệu văn học,  chớ ít thấy cảm xúc; ngay cả thơ nôm của cụ Trạng Trình giàu tính dân dã  mộc mạc cũng thế.  Mặt khác, và sở dĩ như thế, vì tác phẩm của các cụ chủ yếu là thuật sự, thuật hoài, kể lại các cảm nghĩ, cảm xúc của cá nhân mình trải nghiệm với cuộc sống, cũng của cá nhân tác giả.  Trong tác phẩm của các cụ, ngay hình ảnh của chính tác giả đã khá lờ mờ, dù các cụ có mô tả một đối tượng nào khác thì cũng chỉ với vài nét chung chung, mơ hồ, được nhìn từ xa qua ống kính khuôn mẫu ước lệ. Không một con người nào, không một khuôn mặt nào được vẽ rõ ràng, nói chi đến có một cuộc đời nào được kể ra cho rành mạch. Đó là một trong những tính chất đặc trưng của thể loại văn học phổ biến trong giới nhà nho ngày trước, sản xuất những tác phẩm lụn vụn ngắn ngủn, với bốn câu, tám câu, từ hai mươi chữ (ngũ ngôn tứ tuyệt), 28 chữ (thất ngôn tứ tuyệt) 40 chữ (ngũ ngôn bát cú) và 56 chữ (thất ngôn bát cú). Một truyện ngắn trăm chữ ngày nay chỉ vẽ được vài nét bút sắt nhỏ ri ri, thì với 56 chữ người ta phải "nén" mọi thứ cần diễn tả, và độ nén ấy phải "đậm đặc" hơn cả các "file" nén .rar hay .zip trên máy tính bây giờ! Cho nên khi một tác phẩm "dài hơi" như Truyện Kiều ra đời đã làm cho người ta… choáng.

Truyện Kiều với 3.254 câu thơ  gồm 22.778 chữ đủ là  một kỷ lục ghê gớm rồi, lại mô tả rất nhiều con người thuộc nhiều thành phần trong xã hội thời đó là một chuyện rất mới. Nhưng điều đặc biệt và đặc sắc hơn hết là ngôn ngữ của thơ rất trau chuốc, bóng bẩy, khiến thể thơ lục bát đằm thắm của ca dao trở nên càng lộng lẫy sang trọng trong lâu đài văn học. Dù người ta có thể kể ra một số câu thơ  khá "vè" kiểu như  "Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân," hoặc  "Thanh minh trong tiết tháng ba /  Lệ là tảo mộ hội là đạp thanh" vân vân, nhưng so với nhiều truyện thơ dân gian khác ra đời sau, vào khoảng thế kỷ 19, như "Phạm Công Cúc Hoa," "Lâm Sanh Xuân Nương," Thạch Sanh Lý Thông," v.v.. thì Truyện Kiều quả là một viên ngọc mà quãng cách đối với các tác phẩm kia là quá xa.

Với ba cái nhất từ lúc bấy giờ: tác phẩm dài nhất, nội dung mô tả mới nhất, ngôn ngữ hay nhất, (chưa nói đến sự thành tựu rực rỡ của thể thơ Lục Bát của dân tộc trong tác phẩm) khiến người ta khen ngợi không tiếc lời là phải. Không mù quáng gì đâu.

Trước khi Truyện Kiều ra đời đã có bản dịch Chinh Phụ Ngâm rất hay của bà Đoàn Thị Điểm (dài hơn bốn trăm câu, có thuyết nói do Phan Huy Ích dịch) từ tác phẩm bằng Hán văn của Đặng Trần Côn; truyện thơ nôm Phan Trần (chưa tới một ngàn câu, có chỗ nói Bà Đoàn Thị Điểm là tác giả), và có lẽ trễ một chút hoặc đồng thời với Truyện Kiều là truyện thơ Hoa Tiên (gần hai ngàn câu) của Nguyễn Huy Tự. (Cả Hoa Tiên và Phan Trần cũng đều "cải biên" từ những tác phẩm văn học Trung Quốc, như Truyện Kiều). Trong số ba tác phẩm đó, Chinh Phụ Ngâm được nói đến nhiều hơn cả. Thế nhưng lời khen ngợi về văn chương có vẻ chỉ tập trung nhiều nhất vào Truyện Kiều. Ngay cả điều này cũng không phải vô cớ. Suốt tác phẩm Chinh Phụ Ngâm người ta chỉ  nghe thấy một tiếng than dài não nuột và bất tuyệt của một người vợ lính, trong khi Truyện Kiều vẽ ra gần như cả một xã hội với nhiều tầng lớp người, với nhiều hoàn cảnh và tâm trạng phức tạp của người trong cuộc. Cụ Hoa Đường Phạm Quí Thích không quá lời khi nói rằng tác giả của nó, cụ Nguyễn Du có cái tâm và con mắt nhìn thấu suốt ngàn đời.

Trong Chinh Phụ Ngâm, theo cách mô tả ước lệ truyền thống, dung nhan người chinh phụ thế nào ta không rõ; ngoài việc nhớ chồng đi chinh chiến, sinh hoạt hàng ngày của nàng thế nào ta cũng không biết. Trong khi đó, mỗi nhân vật truyện Kiều được khắc họa rất rõ chân dung, đến nỗi không những danh tính của họ đã đi vào ngôn ngữ của chúng ta như những nhân vật điển hình, mà cả trong cuộc sống của xã hội hiện đại, tưởng chừng ta có thể nhìn thấy một số họ đang nhởn nhơ trước mắt: những Mã Giám Sinh "mày râu nhẵn nhụi áo quần bãnh bao," những tú bà "ăn gì to lớn đẫy đà làm sao," vân vân.

Tôi không phải là nhà nghiên cứu văn học, thành ra đây là những cảm nhận cá nhân có thể là không đầy đủ và không sâu sắc,  nhưng tôi thấy người ta không "tôn thờ Truyện Kiều một cách mù quáng".

Ông Tạ Quang Khôi nói người ta "tôn thờ Truyện Kiều một cách mù quáng" theo tôi là không đúng. Tuy nhiên những nhận xét của ông về các nhân vật Truyện Kiều thì quả là không sai. Đây không phải là chuyện "ba phải," mà thuộc hai phạm trù khác nhau (cũng như có người khen ngợi văn chương Truyện Kiều trong khi người khác chê Truyện Kiều là dâm thư). Điều ông Tạ Quang Khôi nói là thuộc về lãnh vực xây dụng tâm lý nhân vật.

Các nhà văn xưa của ta có vẻ hoàn toàn không quan tâm đến khía cạnh này. Một phần là do nền văn học của ta lúc đó chưa phát triển, chưa có "nhà văn", và (cho nên) chưa có nhu cầu khắc họa tính cách nhân vật. (Trong khi trong văn học Tàu có những hình tượng điển hình nổi bật như Tôn Ngộ Không, Bát Giới… [Tây Du Ký], Tào Tháo, Trương Phi… [Tam Quốc Chí], Lỗ Trí Thâm, Lý Quì… [Thủy Hử] v.v…). Phần khác, có thể nào những cái bất cập trong tính cách các nhân vật truyện Kiều mà ông Tạ Trọng Khôi nêu ra vốn đã có sẵn từ trong tác phẩm "gốc" của nó là bộ Thanh Tâm Tài Tử của Tàu mà khi "cải biên" thành Đoạn Trường Tân Thanh cụ Nguyễn Tiên Điền (tuy có con mắt thấu suốt nghìn đời nhưng vốn chưa quan tâm đầy đủ đến tâm lý nhân vật) đã không nhận ra sự không nhất quán của các tính cách ấy chăng?

Nói cụ chưa quan tâm đầy đủ, vì nên biết rằng Thanh Tâm Tài Tử không phải là một tác phẩm nổi tiếng trong văn học cổ Trung Quốc, và cô Kiều trong đó khá "phô" đã được cụ Tiên Điền "tút" lại mới đẹp đẽ thanh lịch tài hoa như thế đấy. Nhưng khi gọt dũa lại nhân vật, cụ đã để sót những điều biểu lộ sự không nhất quán trong tính cách của họ như ông Tạ Quang Khôi đã vạch ra chính xác. Nhưng đó là sự thiếu sót của một tác giả cách đây hai trăm năm, thời văn học tiếng Việt chưa phát triển. Sau Nguyễn Du gần hai trăm năm, nhà văn Lê Văn Trương đã từng bị coi là người bất chấp tâm lý nhân vật trong các tiểu thuyết "người hùng" của ông đó thôi.

Thiếu Khanh.

 

 

                     Có nên định lại

      Giá trị Ðoạn Trường Tân Thanh không ?

                                          Tạ Quang Khôi        

 

T

ừ ngày nhóm tân học (Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim…) ca ngợi và  bênh vực Truyện Kiều trước sự lên án của một số nhà Nho thủ cựu, hầu như không còn ai dám lên tiếng chê bai Truyện Kiều nữa, về bất cứ phương diện nào. Người ta dần dần có thói quen chỉ ca tụng, rồi tôn thờ Truyện Kiều. Ai cũng coi Truyện Kiều là một đại tác phẩm, vì Phạm Quỳnh đã nói : “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn.” Ai có khám phá mới lạ về Kiều, những “khám phá” đó cũng chỉ có tính cách tôn vinh thêm, hùa theo những người đi trước, để đưa Kiều lên địa vị độc tôn trong văn học Việt Nam.

Ai cũng ca tụng Ðọan Trường Tân Thanh của Nguyễn Du là đại tác phẩm, nhưng chưa thấy ai định nghĩa thế nào là “đại tác phẩm”. Muốn biết một tác phẩm văn chương có bất hủ không, chúng ta tìm hiểu nội dung hay hình thức ? Hay cả hai ? Theo nhiều nhà nghiên cứu văn học, một tác phẩm văn chương muốn trở thành bất hủ hay cũng gọi là “đại tác phẩm”, nội dung phải là một thông điệp gửi cho nhân loại và các thế hệ mai sau. Muốn như vậy, thông điệp phải nói lên nhưng điều sát với thực tế, sát với những nhu cầu cần thiết của con người, cả về tinh thần lẫn vật chất và đôi khi còn có tính cách tiên tri nữa.

Vậy, còn hình thức thì sao ? Ðã gọI là một tác phẩm văn chương, phần hình thức cũng không kém quan trọng. Tư tưởng cao siêu mà không biết cách diễn tả để truyền đạt tư tưởng đó cho ngườI khác thì tư tưởng đó cũng không có lợI gì cho ngườI đời. Nhưng riêng vớI Ðoạn Trường Tân Thanh, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta không cần phảI quan tâm tớI vì ai cũng biết rằng thơ của Tiên Ðiền thi sĩ đều “lờI lờI châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”. Chính những lờI thơ trác tuyệt đó mà Truyện Kiều được tôn sùng ngay từ khi tác giả vừa viết xong, cách đây hơn 180 năm. Ngòai ra, chúng tôi nghĩ rằng lời văn (hình thức) mỗi thời mỗi khác. Ngôn ngữ luôn luôn thay đổi, cách nói của con người mỗi thời mỗi biến dạng. Chẳng hạn thời của Nguyễn Du, người ta thích dùng điển cố để câu văn xúc tích, nói ít mà hiểu nhiều. Chỉ những người có học mới lãnh hội được tòan vẹn ý tưởng của tác giả. Không những thế, thời xưa, các nhà nho chỉ viết truyện bằng thể thơ lục bát, nên thể thơ này được gọi là thể “truyện”. Dùng thơ đê viết truyện, tất nhiên sự diễn tả sẽ bị hạn chế rất nhiều. Do đó, người viết phải dùng điển cố. Truyện Kiều được viết gần hai thế kỷ trước nên chúng ta không ngạc nhiên khi thấy có nhiều điển cố. Ngày nay người ta viết văn xuôi giản dị hơn để ai (dù ít học) cũng có thể hiểu được.

Vậy thì chúng tôi xin bỏ qua phần hình thức.

Trở lại giá trị của Ðoạn Trường Tân Thanh, chúng ta chỉ cần tìm hiểu nội dung để xem tác phẩm này có phải là một “đại tác phẩm” như nhiều người vẫn ca tụng không ?

Muốn tìm hiểu nội dung, chúng ta trước hết phải tìm hiểu triết lý căn bản của truyện. Theo nhiều học giả, như Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Bùi Kỷ, Nguyễn Quảng Tuân…đạo Phật là triết lý nòng cốt của Ðoạn Trường Tân Thanh. Vậy, chúng ta hãy căn cứ vào triết lý ấy để tìm hiểu Truyện Kiều.

Phật giáo trong Ðoạn Trường Tân Thanh

Nàng Vương Thúy Kiều, vì Nghiệp của kiếp trước, đã phải sống một cuộc đời gian truân, đau khổ suốt 15 năm trời, “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”. Nhưng, dù chịu nhiều cay đắng, nàng vẫn giữ được cái tâm trong sáng nên đã gieo được cái nhân tốt để được hái quả tốt ngay trong kiếp này. Vì thế, nàng đã được gặp lại gia đình và người yêu để hưởng hạnh phúc cuối đời.

Sư Tam Hợp đã nói về cái tâm của Kiều như sau :

                                                     “Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều,

                                                “Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm.

                                                     “Lấy tình thâm trả nghĩa thâm,

                                                “Bán mình đã động hiếu tâm đến trời.

                                                     “Hại một người, cứu muôn người,

                                                “Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng.

                                                     Thửa công đức ấy ai bằng,

                                                “Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi !”

Giáo lý của nhà Phật là khi đã mắc nợ (Ðã mang lấy Nghiệp vào thân), chúng ta phải trả cho đến hết mới được siêu thoát hay được hưởng cái quả mới do mình vừa gieo nhân. Như vậy, Phật giáo cho rằng con người có hoàn toàn tự do trong cuộc sống của mình, không có một “đấng tối cao” nào can thiệp, gián tiếp hay trực tiếp, vào những hành động của mỗi cá nhân. Những tư tưởng, những hành động của con người sẽ định đọat tương lai của chính họ. Gieo nhân tốt, hưởng quả tốt và tất nhiên gieo nhân xấu phải hái quả xấu. Ngoài đời thực tế cũng vậy, gieo bắp, sẽ được ăn bắp. Nhưng trong Ðoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du đã cho một ông Trời định đọat mọi việc.

Khi Kiều bị Tú Bà hành hạ, nàng rút dao tự tử. Trong cơn mê, nàng gặp Ðạm Tiên và nàng Ðạm đã cho biết :

     Rỉ rằng : Nhân quả dở dang,

“Ðã toan trốn nợ đoạn tràng được sao ?

      Số còn nặng nghiệp má đào,

“Người dù muốn quyết, TRỜI nào đã cho !

Ngay cả đến đạo cô Tam Hợp, người đã tu hành đắc đạo, cũng tin có một ông Trời ngự trị trên cao và quyết định mọi việc :

     “Sư rằng : Phúc họa đạo TRỜI,

“Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.”

Và trong đọan kết của Truyện Kiều, Nguyễn Du đã quả quyết :

     “Ngẫm hay muôn sự tại TRỜI.

“TRỜI kia đã bắt làm người có thân,

     “Bắt phong trần, phải phong trần,

“Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”

Người ta không ngạc nhiên khi thấy Nguyễn Du đưa ông Trời vào đạo Phật. Tiên sinh là một nhà Nho mà đạo Nho coi Trời là đấng tối cao cầm cương nẩy mực cả vũ trụ này. Các nhà Nho tin ở thuyết “Thiên mệnh”, vì thế vua là con trời (thiên tử) nên thay trời định đoạt mọi việc trong khu vực mình cai trị. .

Trong Ðoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du không những đã không theo sát giáo lý nhà Phật, mà còn đi ngược lại. Phật giáo chủ trương trả nghiệp là trả món nợ đã vay từ kiếp trước (hay nhiều kiếp trước). Thế mà Kiều chưa trả xong nợ đã giết hết các “chủ nợ”. Trong cuộc báo ân trả oán, nàng giết những người đã gây đau khổ cho nàng : Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh,Bạc Hạnh, Bạc Bà. Như vậy là nàng đã gây nghiệp mới cho những kiếp sau của nàng, không đúng với giáo lý nhà Phật.

Một giai thoại của Phật giáo kể rằng có một nhà sư tu hành đã gần đắc đạo có thể nhìn thấy nghiệp kiếp trước của mình và biết rằng mình khó có thể đắc đạo vì còn một món nợ chưa trả xong. Một hôm, vị sư ấy đi qua một khu rừng, trông thấy một con hổ đang núp trong một bụi rậm để chờ nhà sư. Ông có thể trốn tránh dễ dàng, nhưng chợt nhận ra rằng con hổ chính là kẻ đã bị ông hại trong một kiếp trước. Ðó là món nợ cuối cùng mà ông phải trả nếu muốn được siêu thóat. Ông bình tĩnh đi đến trước con hổ và đã bị nó xé xác. Như vậy, nhà sư đã trả xong nghiệp.

Một chuyện khác kể rằng có một vị sư đi khất thực, hàng ngày thường gặp một ông nhà giầu rất rộng rãi, vui vẻ và hay giúp đỡ. Nhưng sau cái vẻ tươi vui, cởi mở của ông, nhà sư thấy có một cái bóng u ám. Nhìn kỹ, sư biết rằng ông ta sắp gặp một tai nạn có thể nguy đến tính mạng. Sư định báo cho ông nhà giầu biết để đề phòng, nhưng lại chợt nhận ra rằng tai nạn chính là một cái nghiệp kiếp trước của ông ta. Nếu ông tránh được tai nạn, nghiệp vẫn còn đó, tức là nợ chưa trả xong. Sau một lúc suy tính, nhà sư quyết định để cho ông nhà giầu trả nghiệp. Từ ngày đó, sư không khất thực trong khu vực đó nữa. Nửa năm sau, sư trở lại và biết tin ông nhà giầu bị cướp đánh đến bại liệt. Khi gặp lại ông ta, sư không còn thấy cái bóng u ám chung quanh ông nữa. Như vậy là ông đã trả xong nghiệp.

Chuyện có vẻ hoang đường nhưng đã nói rõ được cái cách trả nghiệp mà Phật giáo quan niệm. Thật ra, nói đến tôn giáo, chẳng nhiều thì ít, đều có chút hoang đường. Nếu xét kỹ, những chuyện đó cũng không hẳn là hoang đường. Khi có niềm tin tuyệt đối vào một điều gì, người ta sẵn sàng chết cho niềm tin đó. Ở nước ta, vào thời nhà Nguyễn cấm đạo, hàng trăm, hàng ngàn tín đồ Thiên Chúa giáo sẵn sàng tử vì đạo. Các tín đồ Hồi giáo tin rằng nếu giết những người ngoại đạo, họ sẽ được lên thiên đàng. Vì thế mới có những vụ đeo bom tự sát để giết hàng lọat…người không theo đạo Hổi.

Phật giáo không chủ trương trả thù vì đã coi là nợ thì phải trả, trả cho đến hết, có thể việc trả nợ kéo dài trong nhiều kiếp. Nhưng Nho giáo lại dung túng việc trả thù. Trong lịch sử Việt Nam, không thiếu những chuyện trả thù một cách khủng khiếp, tàn bạo. Vua có thể “tru di tam tộc”, giết mấy trăm người một lúc, kể cả những đứa bé mới sinh. Ðời nhà Lê, người ta dựng nên chuyện Thị Lộ để giết ba họ một đại công thần là Nguyễn Trãi.

Nguyễn Du là một nhà Nho nếu hành sử theo đạo Nho cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Phật giáo chủ trương xuất thế trong khi Nho giáo khuyến khích mọi người nên nhập thế. Vào đời thì phải sống theo phong tục tập quán của đời để đạt được những mục đích mình mong ước.

Trong cuộc trả oán này, Kiều còn giết oan hai tên Khuyển Ưng. Chúng chỉ là những tên đầy tớ tuân theo lệnh của chủ. Trong khi đó, chủ của chúng là Hoạn Thư (Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư) lại được tha bổng sau một hồi kêu nài, trần tình. Khi ra lệnh cho quân sĩ của Từ Hải hành hình các tội phạm, Kiều còn đặt ra cách hành hình là “thề sao thì lại cứ sao ra hình”. Ðối với những kẻ đã thề thốt, quân sĩ dễ thi hành nhiệm vụ :

                                                     “Lệnh quân truyền xuống nội đao,

                                                “Thề sao thì lại cứ sao ra hình.

                                                     “Máu rơi thịt nát tan tành,

                                                “Ai ai trông thấy, hồn kinh phách rời.”

Nhưng đối với hai tên Khuyển Ưng, họ không biết phải hành hình thế nào vì chúng không hề thề thốt.

Như vậy, chúng ta có thể quả quyết rằng đạo Phật không phải là triết lý căn bản của Ðoạn Trường Tân Thanh như nhiều người đã nhận định.

Xã Hội Trong Truyện Kiều

Chúng ta thử tìm hiểu xã hội mô tả trong Ðọan Trường Tân Thanh có liên quan gì đến xã hội Nguyễn Du sống không ? Sự so sánh này cũng có thể cho chúng biết có phải tác giả muốn gửi gắm tâm sự vào tác phẩm không ?

Ngay phần đầu, tác giả cho biết thời đại Kim Vân Kiều là thời nhà Minh vào những năm có niên hiệu Gia Tĩnh. Theo sử Trung quốc, nhà Minh bắt đầu từ nắm 1368, sau khi Chu Nguyên Chương đánh đuổi được quân Mông cổ. Niên hiệu Gia Tĩnh bắt đầu từ năm 1522. Như vậy, Trung quốc đã được hưởng  hòa bình 154 năm (Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng.)  Khi người dân được hưởng một nền hòa bình lâu dài, người ta thường nghĩ đến chuyện hưởng lạc, từ đó nẩy sinh nhiều tệ đoan và bất công. Vì thế, người ta không lạ khi thấy Thúy Kiều, một cô gái xinh đẹp, tài hoa phải sa vào chốn thanh lâu tới hai lần.

Trong khi đó ở nước ta, vào những năm Gia Tĩnh của triều Minh, nhà Lê đã suy vi, Mặc Ðăng Dung tiếm quyền cướp ngôi nhà Lê (1527). Từ đó, nước ta không được yên ổn, loạn lạc kéo dài. Nhà Lê được Trịnh Kiểm giúp, lấy lại ngôi vua, trở về Thăng Long. Họ Mạc phải rút lên Cao Bằng. Ðến năm 1592, vua cuối cùng của nhà Mạc là Mạc Mậu Hợp bị Trịnh Tùng bắt, giải về Thăng Long chém đầu. Nhưng từ đó, vua Lê chỉ là một ông vua bù nhìn, quyền hành chuyển vào tay chúa Trịnh hết. Nguyễn Hoàng không phục chúa Trịnh, vào Nam lập nghiệp, gây nên cuộc chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh kéo dài hơn 160 năm, từ năm 1527 đến năm 1788, năm Nguyễn Huệ ra Bắc diệt Trịnh. Nhưng sau cuộc Trịnh- Nguyễn phân tranh, nước ta vẫn đám chìm trong loạn lạc triền miên. Ngoài Bắc, quân Mãn Thanh, do cầu viện của vua Lê Chiêu Thống, kéo vào nước ta, lấy cớ “cứu giá”, nhưng thực tâm muốn chiếm nước ta, biến thành quận huyện của chúng. Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế ở Phú Xuân, lấy hiệu là Quang Trung, kéo quân ra Bắc diệt quân Thanh vào ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789). Trong Nam, Nguyễn Ánh đem quân về Gia Ðịnh đánh Tây Sơn. Năm 1802, Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Gia Long. Vì Nguyễn Du có thành tích chống lại Tây Sơn, lại là người có tài, vua Gia Long vời ông ra làm quan.

Như vậy, hai xã hội, một được mô tả trong truyện Kiều và một là ngoài đời thực tế ở nước ta, không có một điểm nào trùng hợp. Khó mà biết Nguyễn Du đã gửi gắm tâm sự như thế nào. Có người cho rằng tiên sinh đã gửi tâm sự của mình vào nhân vật Từ Hải. Vì thế, Từ Minh Sơn, chỉ là một tên giặc cỏ đã được tiên sinh tô điểm cho thành một bậc anh hùng :

                                     “Râu hầm, hàm én, mày ngài,

                                “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.

                                     “Ðường đường một đấng anh hào,

                                “Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

                                     “Ðội trời đạp đất ở đời,

                                “Họ Từ, tên Hải vốn người Việt Ðông.

                                     “Giang hố quen thú vẫy vùng,

                                “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.”

Quan Tổng đốc trọng thần là Hồ Tôn Hiến cũng nhận định như sau :

                                     “Biết Từ là đấng anh hùng…”

Nhưng chính Thúy Kiều lại nhìn bằng con mắt khác. Khi khuyên Từ ra hàng, nàng đã nói :

                                     “Làm chi để tiếng về sau,

                                “Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào.”

Như vậy, nàng chỉ coi Từ là một tên tướng giặc. Không lẽ Nguyễn Du ký thác tâm sự mình vào một tên tướng giặc ?

Ðến đây, chúng ta có thể biết chắc rằng qua Ðọan Trường Tân Thanh (tức Truyện Kiều) Nguyễn Du không gửi một thông điệp nào cho nhân loại và hậu thế. Tiên sinh chỉ phóng tác Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (hay Thanh Tâm Tài Tử) sang chữ Nôm, theo thể truyện là thơ lục bát. Khi phóng tác tiên sinh theo sát nguyên bản, tuy cũng có chọn lưa hoặc thay đổi một vài tình tiết. Sự thay đổi có lúc hợp lý, nhưng cũng có lúc lại gây thắc mắc cho người đọc. Chúng ta thử đọc một số tình tiết khác thường.

Mùa Xuân Trong Truyện Kiều .

Mùa xuân trong Truyện Kiều đã gây thắc mắc không ít cho nhiều người. Mùa xuân đó đã kéo dài một cách kỳ lạ.

Chị em Kiều du xuân, xem hội Đạp Thanh, vào đầu tháng ba, tức là tháng cuối cùng của mùa xuân :

     “Ngày xuân con én đưa thoi

“Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.”

                                                                                    

     “Thanh minh trong tiết tháng ba…”

Trong cuộc du xuân này, Kiều đã gặp Kim Trọng và hai người thầm yêu nhau :

     “Người quốc sắc, kẻ thiên tài,

“Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.”

Khi xa nhau, hai người tưởng nhớ đến nhau. Kim Trọng đã tương tư Kiều đến độ phải tìm gặp nàng, rồi thuê nhà bên cạnh nhà nàng để :

     “Song hồ nửa khép cánh mây,

“Tường đông ghé mắt, ngày ngày hằng trông.

     “Tấc gang đồng tỏa nguồn phong,

“Tuyệt mù nào thấy bóng hồng vào ra.”

Thế rồi chàng phải chờ thêm hai tháng nữa mới có dịp làm quen với nàng

     “Nhẫn từ quán khách lân la,

“Tuần trăng thấm thoắt nay dà thêm hai."

Như vậy, kể từ tiết Thanh minh đến lúc Kim làm quen được với Kiều, đã hơn hai tháng trôi qua. Lúc đó ít sớm cũng phải là tháng năm, tức là đang mùa hè. Nhưng đến ngày “sinh nhật ngoại gia”, người ta lại thấy :

     “Lần lần ngày gió đêm trăng,

“Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua.”

Bây giờ tác giả mới cho mùa xuân trôi qua, mà thực tế là đang giữa mùa hè. Vậy mùa xuân trong Ðoạn Trường Tân Thanh kéo dài gần năm tháng ? Ðó là một điều khó hiểu đối một tác phẩm được coi là “đại tác phẩm”

Tâm Trạng Người Đang Yêu 

Thúc Sinh nghe lời khuyên của Kiều, về thăm Hoạn Thư, định tâm báo

cho vợ biết mình mới có thiếp. Nhưng vì rụt rè, e sợ, ở nhà suốt một năm trời mà Thúc không nói được gì. Sau đó, chàng lên đường trở lại Lâm Truy với tâm trạng nhớ Kiều tha thiết. Nhưng nhớ người yêu như vậy, sau  một năm trời xa cách (nhất nhật bất kiến như tam thu hề!), Thúc không tìm con đường ngắn nhất để đi, lại chọn con đường xa lắc xa lơ :

     “Lâm Truy đường bộ tháng chầy,

                                                “Mà đường hải đạo sang ngay thì gần.”                                                                                    

Thúc mê muội đến độ không biết “đường hải đạo” sao ? Có đúng tâm trạng của một kẻ đang yêu và mong được gặp lại người yêu càng sớm càng tốt không ?

Vì Thúc đi đường bộ nên không kịp gặp Kiều trước khi nàng bị Khuyển, Ưng bắt về Vô Tích. Mãi đến khi Thúc ông đã làm ma cho cái  “thây vô chủ” xong xuôi, chàng mới về đến nhà:                 

     “Lễ thường đã đủ một hai,

                                                “Lục trình chàng mới đến nơi bấy giờ”.

Kiều Bị Đánh Thuốc Mê  

Muốn bắt cóc Kiều hai tên đầy tớ của Hoạn Thư phải tưới thuốc mê cho

nàng mê đi :

     ”Đầy sân gươm tuốt sáng lòa,

                                                “Thất kinh nàng chửa biết là làm sao.

                                     “Thuốc mê đâu đã tưới vào,

                                                “Mơ màng như giấc chiêm bao biết gì.”

Sau đó, chúng đưa nàng về Vô Tich , tức là nơi cách xa Lâm Truy một tháng đường bộ, mà đường thủy nếu có gần cũng phải mất từ một tuần đến nửa tháng.

     “Nước trôi hoa rụng đã yên,

                                                “Hay đâu địa ngục ở miền trần gian,

                                     “Khuyển, Ưng đã đắt mưu gian,

                                 “Vục nàng lên ngựa để an dưới thuyền.

                                     “Buồm cao lèo thẳng cánh xuyền,   

                                 “Đè chừng huyện Tích, băng miền vượt sang.

                                     “Dỡ đò lên trước sảnh đường,

                                 “Khuyển, Ưng hai đứa nộp nàng dâng công.

                                     “Vực nàng tạm xuống môn phòng,

                                                “Hãy còn THIÊM THIẾP GIẤC NỒNG chua phai.”

Như vậy Kiều đã mê man ít nhất một tuần hay nủa tháng. Với thời gian dài ấy, nàng còn có thể sống được không ?

Ba Năm Hay Sáu Tháng ?

Ngay sau khi vừa thề thốt với Kiều, Kim Trọng được tin chú từ trần ở tận Liêu Dương. Cha chàng cho gọi chàng về gấp để giúp việc tang ma :

                                                     “Liêu dương cách trở sơn khê,

                                                “Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang.”

                Hai chữ “hộ tang” mỗi người giải thích một khác. Theo bản chính bằng chữ Hán, Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân do Tô Nam Nguyễn Ðình Diệm dịch, khi chú Kim Trọng chết ở Liêu Dương, chàng được cha gọi về gấp để cùng đi với ông tới Liêu Dương đón linh cữu. Phần lớn các học giả đều chú thích là “giúp đỡ việc ma chay.” Riêng Ðào Duy Anh, có lẽ bị ảnh hưởng câu “Ngoài nghìn dặm, chốc ba đông” lại chú thích thêm :”Vì ông chú không có con trai, Kim Trọng là cháu thừa tự nên phải về để săn sóc việc tang.” (Từ điển Truyện Kiều, trang 181). Nhưng nếu chàng Kim phải để tang ba năm, làm sao giải thích khoảng thời gian chỉ mới sáu tháng chàng đã trở về vườn Thúy để tìm Kiều ?

                Khi từ biệt Kiều để về hộ tang chú, Kim nói :

                                                     “Ngoài nghìn dặm, chốc ba đông,

                                                “Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy !”

                Nhưng chỉ mới có sáu tháng, chàng đã trở về :

                                                     Từ ngày muôn dặm phù tang,

                                                Nửa năm ở đất Liêu Dương lại nhà.

                                                     “Vội sang vườn Thúy dò la,

                                                «Nhìn xem phong cảnh nay đà khác xưa.»

                Theo Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Trọng không nói tới chuyện phải xa Kiều ba năm mà chỉ than thở phải theo cha tới Liêu Dương lo việc tống táng chú. Vì thế, mới bốn (không phải là sáu) tháng sau, chàng đã trở về, không có điều gì đáng thắc mắc. Người ta không hiểu tại sao Nguyễn Du lại bắt Kim Trọng phải xa Kiều những ba năm, thế rồi lại chỉ mới sáu thàng đã cho chàng trở về ?

Ngòai những điều khác biệt trên, chúng tôi cũng thấy một vài thay đổi nhỏ. Trong cuộc trả ân báo oán, tiên sinh giữ lại chuyện Kiều giết Khuyển Ưng, nhưng lại bỏ hình phạt Hoạn Thư phải chịu (bị đánh 100 roi). Khi hành hình các tội phạm, Kiều chỉ ra lệnh «thề sao thì lại cứ sao ra hình». Trong nguyên bản, Thanh Tâm Tài nhân đã kể tỉ mỉ cuộc trừng phạt. Chẳng hạn, về Sở Khanh, cuộc hành hình được mô tả như sau :

Kiều sai quân sĩ nấu một vạc nhựa thông lẫn với vỏ cây gai, lột hết quần áo Sở Khanh, tưới nhựa thông đang sôi lên người hắn, rồi tưới nước lạnh cho nhựa thông nguội đi. Người Sở Khanh bị nhựa thông bọc cứng đờ như sắt. Quân sĩ tìm những chỗ có vỏ gai mà kéo mạnh ra. Da Sở Khanh bị nhựa thông nóng làm cho nát nhừ nên dễ dàng tuột ra, để lộ thịt đỏ. Khi Sở Khanh chỉ còn là một đống thịt nhầy nhụa máu, quân sĩ lấy nước vôi đổ lên…

Nguyễn Du tránh cho độc giả phải chứng kiến cảnh trả thù dã man ấy nên chỉ tóm tắt :

                                                     «Máu rơi,  thịt nát tan tành,

«Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời.»

                Nhưng cũng có chi tiết đáng giữ lại, tiên sinh lại đổi đi làm cho truyện thành vô lý. Khi Kiều được gặp lại gia đình, Vương ông muốn Kiều bỏ tu để về nhà, nàng cho biết nàng muốn ở lại với Giác Duyên, người đã cứu sống nàng khi nàng tự tử ở sông Tiền Ðường.. Vương bà và Giác Duyên khuyên Kiều nên nghe lời Vương ông. Kiều đành phải từ biệt ni cô cứu mạng. Thế mà trong tác phẩm của Nguyễn Du, Vương ông lại nói một câu rất vô lý và ngang ngược :

                                                     «Phải điều cầu Phật, cầu tiên,

                                                «Tình kia hiếu nọ ai đền cho đây ?»

                Kiều bán mình để cứu cha vẫn chưa phải là đã trả hiếu sao ? Thúy Vân thay chị lấy Kim Trọng thì tình của Kiều đối với chàng Kim vẫn chưa trọn vẹn sao ? Vương ông còn muốn đòi hỏi gì hơn nữa ? Buộc tội Kiều chưa trả xong hiếu và chưa trọn tình với Kim lang, Vương ông đã tỏ ra là một người cha quá khắc nghiệt và đòi hỏi quá đáng !

Như vậy, cái hay của Ðoạn Trường Tân Thanh được nhiều người ca tụng nằm ở đâu ? Thưa, cái hay đó nằm ở phần hình thức với những lời thơ trác tuyệt của Nguyễn Du. So với các truyện dịch hay phóng tác từ truyện Tàu, như Hoa Tiên, Nhị Ðộ Mai, Phan Trần…văn của Tiên Ðiền thi sĩ tuyệt tác hơn nhiều, một trời một vực.

                Trong Ðoạn Trường Tân Thanh, chúng ta có thể tìm thấy những câu thơ tuyệt tác trong bất cứ trang sách nào. Chúng tôi xin đưa một vài thí dụ để biết rõ văn tài của tác giả.

           Tâm trạng Thúy Kiều sau khi phải vào thanh lâu lần thứ nhất

                                                     “Lầu xanh mới rủ trướng đào,

                                                “Càng treo giá ngọc, càng cao phẩm người.

                                                     “Biết bao bướm lả, ong lơi,

                                                «Cuộc say đầy tháng, trận cười thâu đêm.

                                                      «Dập dìu lá gió, cành chim,

                                                «Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh.

                                                     «Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,

                                                «Giật mình, mình lại thương mình xót xa.

                                                     «Khi sao phong gấm, rủ là,

                                                «Giờ sao tan tác như hoa giữa đường !

                                                     «Mặt sao dầy gió, dạn sương,

                                                «Thân sao bướm chán ong chường bấy thân !

                                                     «Mặc người mưa Sở, mây Tần,

                                                «Những mình nào biết có xuân là gì.

                                                     «Ðòi phen gió tựa, hoa kề,

                                                “Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu.

                                                     “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,

                                                “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ !…”

                                                    

Tiếng đàn của Thúy Kiều

                Ðàn cho Kim Trọng nghe :

                                                     “Trong như tiếng hạc bay qua,

                                                “Ðục như nước suối mới sa nửa vời.

                                                     “Tiếng khoan như gió thoảngngoài,

                                                “Tiếng mau sầm sập như trời dổ mưa.”

                Ðàn cho Hồ Tôn Hiến nghe trong tiệc hạ công :

                                                     “Một cung gió thảm mưa sầu,

                                                “Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay.

                                                     “Ve kêu vượn hót nào tày,

                                                “Lọt tai Hồ cũng chau mày rơi châu

     “Hỏi rằng : Này khúc ở đâu ?

“Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay.

     “Thưa rằng : Bạc mệnh khúc này,

“Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ.

     Cung cầm lựa những ngày xưa,

“Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây.

     “Nghe càng đắm, đắm càng say,

“Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình.”              

                Về lời văn, nghệ thuật tả cảnh, tả tình, không ai có thể bằng Nguyễn Du. Nhưng nếu chỉ căn cứ về mặt hình thức mà tôn lên hàng đại tác phẩm, bất hủ có phải là điều quá đáng không ? Ai cũng biết rằng ngày xưa, khi Nho học còn thịnh, người ta trọng lời văn hơn nội dung vì tư tưởng nào cũng không thể vượt qua được tư tưởng Khổng Mạnh. Truyện nào cũng phải nằm trong khuôn khổ Khổng giáo, lấy luân thường, đạo lý làm gốc. Tôi phải trung với vua, con cái phải có hiếu với cha mẹ, người đàn bà khi đã “xuất giá” thì phải hết lòng “tòng phu”… Không ai có thể vượt qua những kỷ cương ấy.

                Vì thế, người xưa xét Truyện Kiều về khía cạnh hình thức nhiều hơn nội dung. Vậy, ngày nay chúng ta có nên định lại giá trị Ðọan Trường Tân Thanh không ?  Chúng ta có nên đặt tác phẩm vào đúng chỗ của nó hay cứ lẳng lặng đi theo ngườI xưa mà tôn sùng một tác phẩm văn chương chỉ đẹp về mặt hình thức ? Nhưng có một điều đáng buồn là nếu chúng ta “truất phế” ÐoạnTrường Tân Thanh, nền văn học Việt Nam sẽ có một khoảng trống lớn vì cho đến nay, cả trong lẫn ngoài nước, chưa có một tác phẩm nào khả dĩ thay thế, dù chỉ về mặt hình thức.

.

                                                                                 Tạ Quang Khôi

                                                                                        3/2006

       NHÂN VẬT TRUYỆN KIỀU

                    Tạ Quang Khôi

 

H

ầu như chúng ta ai cũng đã đọc Kiều, thương xót cho thân phận một cô gái khuê các bị rơi vào lầu xanh vì chữ hiếu. Nhưng có lẽ chúng ta ít ai tìm hiểu sâu xa về các nhân vật trong truyện. Hôm nay chúng tôi thử làm cái việc mà có thể bị những người tôn thờ Truyện Kiều cho là “bới bèo ra bọ”. Nhưng khi một cuốn sách được coi là đại tác phẩm thì cuốn sách đó phải chịu đựng được mọi cuộc thử lửa. Trong bài ngắn này, chúng tôi cũng chỉ muốn xem xét một số nhân vật quan trọng với những bất thường của họ.

                Trước hết, chúng tôi nhận xét hai nhân vật chính là Thúy Kiều và Kim Trọng. Sau đó chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm một vài nhân vật phụ.

Về Thúy Kiều, Nguyễn Du đã tả như sau :

                                   Kiều càng sắc sảo mặn mà,

                                      So bề tài sắc lại là phần hơn.

                                         Làn thu thủy, nét xuân sơn,

                                      Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

                                         Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

                                      Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.

                                         Thông minh vốn sẵn tính trời,

                                      Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.

                                         Cung, thương lầu bậc ngũ âm,

                                      Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

                                         Khúc nhà tay lựa nên chương,

                                      Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân.

                                         Phong lưu rất mực hồng quần,

                                      Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

Như vậy, chúng ta biết rằng Thúy Kiều đẹp, thông minh và tài hoa. Theo quan niệm của cổ nhân, người đã đẹp lại có nhiều tài tất sẽ bị trời đất ghen, đầy đọa cho bõ ghét. Thúy Kiều vừa đẹp lại vừa tài hoa làm sao thoát khỏi kiếp đoạn trường. Có những điềm hoặc lới nói báo trước cho Kiều biết đời nàng sẽ nhiều gian truân. Năm nàng còn thơ ngây, một thầy tướng đã đoán :

                                   Anh hoa phát tiết ra ngoài,

                                      Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.

Rồi sau khi dự hội Ðạp Thanh, nàng lại mơ thấy Ðạm Tiên cho biết nàng “cùng hôi cùng thuyền” với Ðạm, nghĩa là cũng sẽ trở thành một kỹ nữ :

                                  Mà xem trong sổ đọan trường có tên.

                                           Âu đành quả kiếp nhân duyên,

                                        Cũng người một hội một thuyền đâu xa.

Những điềm báo trước và những lời nói ấy đã ảnh hưởng tới tâm lý của nàng rất nhiều. Lúc nào nàng cũng nghĩ rằng đời mình sẽ chẳng ra gì. Sau khi mơ thấy Ðạm Tiên, nàng đã :

                                     Một mình lưỡng lự canh chầy,

                                         Ðường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh.

                                            Hoa trôi bèo dạt đã đành,

                                         Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi.

Khi thấy Kim Trọng thuộc loại “chẳng sân ngọc bội, cũng phường kim môn”, nàng đã tự so sánh :

                                     Thấy người lại ngẫm đến ta,

                                         Một dày một mỏng biết là có nên.

hoặc :

                                      Bây giờ rõ mặt đôi ta.

                                         Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao.

Nỗi buồn rầu và lo lắng cho tương lai đã ảnh hưởng tới tiếng đàn của Kiều. Chính Kim Trọng đã nhận xét :

                                      Rằng :”Hay thì thật là hay,

                                         Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào.

                                             So chi những khúc tiêu tao,

                                       Dột lòng mình cũng nao nao lòng người.

Sau này, Hồ Tôn Hiến cũng phải thắc mắc :

                                     Hỏi rằng :”Này khúc ở đâu,

                                       Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay.”

Tiếng đàn bạc mệnh ấy chỉ hết buồn thảm khi nàng đã trải qua mười lăm năm luân lạc và đã được gặp lại gia đình, tái hồi cùng chàng Kim.

Ngoài tâm trạng đau buồn và bất an của Kiều, nhìn chung, nàng la một người tốt, có hiếu với cha mẹ, thủy chung với người tình. Nhưng trong cuộc đời luân lạc của nàng, người ta cũng nhận thấy có những lúc nàng xử sự không đúng hoặc tự mâu thuẫn. Khi mới gặp Từ Hải, nàng đã khen Từ như sau :

                                       Nàng rằng :”Lượng cả bao dong,

                                          Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.”

Nghĩa là nàng đoán Từ sẽ có ngày lên ngôi vua. Vậy mà khi Hồ Tôn Hiến dụ hàng, nàng đã khuyên Từ với lời lẽ khinh miệt :

                                                  Ngẫm từ dấy việc binh đao,

                                                       Ðống xương Vô Ðịnh đã cao bằng đầu.

                                                            Làm chi để tiếng về sau,

                                                       Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào

Nàng đã coi Từ như một tướng giặc, không còn là một đấng anh hùng làm nên sự nghiệp đế vương nữa. Thật ra, Hoàng Sào cũng không phải là mộ tướng giặc tầm thường. Họ Hoàng muốn cướp ngôi nhà Ðường, chiêu binh mãi mã nổi lên, đã chiếm được Trường An, nhưng rồi bị thất bại. Cái lệ ở đời là “được làm vua, thua làm giặc” Rõ ràng là Thúy Kiều đã tiền hậu bất nhất. Vì lời khuyên của nàng Từ đã bị họ Hồ phản bội và chết đứng giữa trận tiền.

Khi Kiều báo ân trả oán, người ta cũng nhận thấy có nhiếu điểm vô lý, thiếu sót. Có hai người đã giúp đỡ nàng khi nàng bị hành hạ, nàng chỉ trả ơn có một người. Ðó là Mã Kiều và mụ quản gia trong nhà Họan bà. Nàng đã quên Mã Kiều, chỉ nhớ có mụ quản gia. Thật ra, Mã Kiều mới đáng được trả ơn.

Khi Kiều mắc lận Sở Khanh, bị Tú Bà bắt về đánh đập rất tàn nhẫn :

                                       Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra,

                                          Ðang tay vùi liễu, dập hoa tơi bời.

                                              Thịt da ai cũng là người,

                                         Lòng nào hồng rụng, thắm rời chẳng đau.

                                              Hết lời thủ phục, khẩn cầu,

                                         Uốn lưng thịt đổ, dập đầu máu sa.

Sau khi Kiều van xin và hứa hẹn :”Chút lòng trinh bạch từ sau cũng chừa Tú Bà mới nguôi và đòi phải có người bảo lĩnh. Mã Kiều vì thương Thúy Kiêu nên đã đứng ra bảo lĩnh :

                            Bầy vai có ả Mã Kiều

                            Xót nàng, ra mới đánh liều chịu đoan

Còn về mụ quản gia, chỉ sau khi Kiều bị mẹ Hoạn Thư đánh đòn phủ đầu và bắt làm thị tì, mụ mới tỏ lòng xót thương, rồi khuyên :

                                             Ở đây, tai vách, mạch dừng,

                                                      Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi

Có người cho rằng cả Mã Kiều lẫn mụ quản gia đều chỉ là “cò mồi”, làm nhiệm vụ được chủ giao phó, không thật sự có lòng thương xót Kiều. Nếu đúng như vậy, tại sao Kiều chỉ nhớ ơn mụ quản gia mà quên Mã Kiều ?

Nhân vật thứ hai chúng tôi muốn nói tới là Kim Trọng. Tác giả tả chàng Kim như sau :

                                                    “Hài văn lần bước dặm xanh,

                                                “Một vùng như thể cây quỳnh, cành dao.

                                                    “Phong tư tài mạo tuyệt vời,

                                                “Vào trong phong nhã, ra ngoàihào hoa.”

nghìa là Kim Trọng rất đẹp trai, tính tình hào hoa và lịch sự. Nhưng có thật Kim Trọng “vào trong phong nhã ra ngòai hào hoa” như tác giả tả không ? Chúng ta đọc đoạn thơ sau đây để có thể xác định rõ hơn :

                                               Nhẫn từ quán khách lân la,

                                                    Tuần trăng thấm tioắt nay đà thêm hai.

                                                        Cách tường phải buổi êm trời,

                                                    Dưới đào dường có bóng người thướt tha.

                                                        Buông cầm, xốc áo vội ra,

                                                    Hương còn thơm nức, người đà vắng tanh.

                                                        Lần theo tường gấm dạo quanh,

                                                    Trên đào nhác thấy một cành kim thoa.

                                                        Giơ tay, với lấy về nhà,

                                      Này trong khuê các đâu mà đến đây.
Khi Kim Trọng đã phải “giơ tay với lấy” tức là chàng đã thò tay sang nhà hàng

xóm để lấy kim thoa, vì kim thoa mắc trên cành đào trong vườn nhà Thúy Kiều, hơi xa hàng rào. Xuân Phúc, trong cuốn “KIM-VÂN-KIỀU” (nhà xuất bản Thanh Long ở Bruxelles, Bỉ, năm 1986) dịch sang chữ Pháp như sau :”Etendant le bras, il prit l’objet et le ramenant chez lui.”  Còn giáo sư Huỳnh Sanh Thông dịch sang Anh ngữ là :”He reached for it and took it home.” (The Tale Of Kiều, trang 17). Như vậy, rõ ràng Kim Trọng thò tay sâu vào nhà hàng xóm để lấy kim thoa. Thế mà hôm sau chàng lại nói với Kiều :

                                               Thoa này bắt được hư không,

                                                    Biết đâu Hợp phố mà mong châu về.

                “Bắt được hư không” có nghĩa là tình cờ mà nhặt được chứ không phải với tay sang nhà người ta mà lấy trộm. Ðã ăn cắp đồ lại nói dối nữa, có phải là tư cách của một người “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” không ? Cách đây khoảng nửa thế kỷ, tôi dạy một lớp đệ Tam C, một nam sinh đã nói đùa :

                “Chàng Kim con nhà giầu, đẹp trai, học giỏi, chỉ có tội ăn cắp vặt thôi.”

                Nhân vật thứ ba chúng tôi nói tới là Thúc Sinh. Tác giả tả chàng Thúc như sau :

                                                   Khách du bỗng có một người,

                                                        Kỳ Tâm họ Thúc cũng nòi thư hương.

                                                             Vốn người huyện Tích, châu Thường,

                                                       Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Truy.

                Thúc vừa là nhà buôn giầu vừa còn đi học. Có lẽ Thúc ông giầu lắm nên con trai mới được làm rể một quan Lại bộ và chàng Thúc mới có lối ăn chơi hoang phí :

                                                   Thúc sinh quen thói bốc rời,

                                                       Trăm nghìn đổ một trận cười như không.

                Thúc là con nhà giầu, ham chơi hơn ham học nên lúc nào cũng chỉ là sinh viên. Trong khi đó, Kim Trọng và Vương Quan đều đỗ đạt, ra làm quan. Một sự tình cờ là mười mấy năm sau Kim Trọng được làm quan ở Lâm Truy. Thúy Vân bỗng mơ thấy Kiều, kể lại cho chồng nghe. Chàng Kim bèn mở cuộc điều tra. Viên lại già họ Ðô chỉ biết có một phần câu chuyện nên đề nghị quan hỏi “Thúc sinh viên”. Như vậy, đi học (sinh viên) là một nghề của Thúc, không phải là một phương tiện để tiến thân như mọi người.

                Về tính tình, Thúc cũng không phải là người tốt. Khi dụ Kiều trốn khỏi thanh lâu, Thúc đã mạnh bạo hứa hẹn :

                                                         Ðường xa chớ ngại Ngô, Lào,

                                                                Trăm điều hãy cứ trông vào một ta.

                                                                    Ðã gần chi có điều xa,

                                                                Ðá vàng cũng quyết, phong ba cũng liều.

                Vậy mà khi Kiều bị Hoạn Thư bắt về Vô Tích để hành hạ, Thúc không dám công khai bênh vực nàng, chỉ “khôn ngăn giọt ngọc, sụt sùi nhỏ sa”. Khi bị vợ hạch hỏi tại sao khóc lại nói dối là nhớ thương mẹ mới chết. Hình như, ngoài tiền bạc, chàng Thúc còn nhiều nước mắt nữa. Khi Kiều bị quan Phủ đánh đòn, chàng cũng chỉ biết khóc mà thôi. Chưa có người đàn ông nhiều nước mắt như chàng.

                Sau này, khi biết không còn hy vọng sống với Kiều nữa, chàng nhẫn tâm đuổi khéo nàng :

                                                           Tông đường chút chửa cam lòng,

                                                                  Nghiến răng bẻ một chữ đồng làm hai.

:

                                                                      Liệu mà xa chạy cao bay,

                                                                 Ái ân ta có ngần này mà thôi.

                Kiều không còn lối nào thóat nên đành phải trốn đi :

                                                           Cất mình qua ngọn tường hoa,

                                                                Lần đường theo bóng trăng tà về tây.

                                                                       Mịt mù dặm cát đồi cây,

                                                                Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giầy cầu sương.

                                                                       Ðêm khuya thân gái dặm trường,

                                                                Phần e đường xá, phần thương dãi dầu.  

                Nhân vật thứ tư chúng tôi muốn nhận xét là sư Giác Duyên. Về vị sư này, chúng tôi cũng có một vài thắc mắc. Trước hết, chúng tôi nghĩ rằng bà là một nhà tu vô trách nhiệm. Trước khi trốn khỏi nhà HoạnThư, Kiều đã ăn cắp chuông vàng, khánh bạc để phòng thân. Nàng may mắn được gặp sư trụ trì chùa “Chiêu Ẩn Am” là Giác duyên tiếp đón nồng hậu. Nàng liền trao cho sư những bảo vật đó. Sư không thắc mắc gì nhiều, cho nàng được trú chân trong chùa. Sư còn tỏ vẻ quý mến nàng vì thấy nàng thông tuệ khác thường. Cho đến một ngày, có một người “đàn việt” nhận ra nguồn gốc của chuông vàng khánh bạc thì sư hốt hoảng hỏi Kiều :

                                                           Giác Duyên thực ý lo lường,

                                                                Ðêm thanh mới hỏi lại nàng trước sau.

                                                                       Nghĩ rằng khôn nỗi giấu mầu,

                                                                Sự mình nàng mới gót đầu bày ngay.

                                                                      “Bây giờ sự đã dường này,

                                                                “Phận hèn dù rủi dù may tại người.”

                                                                      Giác Duyên nghe nói rụng rời,

                                                                Nửa thương nửa sợ, bồi hồi chẳng xong.

                Sau đó, sư tìm cách đuổi Kiều ra khỏi chùa. Sư giao nàng cho một mụ chuyên môn buôn người không thua gì Tú Bà. Ðuổi Kiều xong, sư phủi tay, không còn nhớ đến nàng nữa. Mãi đến khi nàng trả ân, báo oán, cho rước mời sư tham dự sư mới gặp lại nàng. Trong thời gian đó, nàng đã bị Bạc Bà ép lấy Bạc Hạnh rồi đưa nàng sang châu Thai bán cho lầu xanh. Tu hành như vậy mà cuối cùng Giác Duyên cũng đắc đạo, “mây bay, hạc lánh”, cũng “hái thuốc phương xa” thì kể cũng lạ.

                Ngoài tinh thần vô trách nhiệm của Giác Duyên, chúng tôi còn thấy tình cảm của nhà sư vẫn chưa thoát khỏi phàm tục. Khi biết chuông vàng khánh bạc do Kiều mang tới là bảo vật của nhà họ Họan, sư hốt hoảng, lo sợ, không bình tĩnh như người đã tu hành lâu năm. Ðã thí phát đi tu thì việc đời còn có gì đáng lo sợ nữa đâu.

                Cuối cùng, chúng tôi xin nói qua về Hồ Tôn Hiến, một quan Tổng đốc trọng thần của nhà Minh.

                                                     Có quan tổng đốc trọng thần

                                                 Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài.

                                                     Ðẩy xe vâng chỉ đặc sai,

                                                 Tiện nghi bát tiễu, việc ngoàidổng nhung.

                Hãy xin bỏ qua chuyện lừa gạt của họ Hồ trọng vụ đầu hàng của Từ Hải, vì việc quân ngoài chiến trường có thể tùy cơ mà ứng biến, dù theo sử nhà Minh, họ Hồ bị các quan trong triều phản đối chuyện giết người đã đầu hàng. Chúng tôi chỉ muốn đề cập tới chuyện Hồ đối sử với Kiều. Nhờ Kiều, Hồ đã giết được Từ Hải, nên đã tỏ lòng biết ơn, nói với nàng rằng :

                                             Ðã hay thành toán miếu đường,

                                                  Chấp công cũng có lời nàng mới nên.

                                                      Bây giờ sự đã vẹn tuyền,

                                                  Mặc lòng nghĩ lấy, muốn xin bề nào ?

                Lúc đó, Kiều chỉ xin chôn cất Từ một cách đàng hoàng. Nhưng về sau này, trong tiệc “hạ công”, Hồ nửa tỉnh nửa say ép nàng tấu đàn :

                                              Một cung gió thảm mưa sầu,

                                                  Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay.

                                                       Ve ngâm, vượn hót nào tày,

                                                  Lọt tai, Hồ cũng nhăn mày, rơi châu.

                                                       Hỏi rằng :”Này khúc ở đâu,?

                                                  “Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay.

Trong cơn “ngây vì tình”, Hồ ngỏ ý muốn nạp Kiều làm thiếp, nhưng nàng từ chối                                           

                                   Còn chi nữa, cánh hoa tàn,

                                      Tơ lòng đã dứt dây đàn tiểu lân.

                                          Rộng thương còn mảnh hồng quần,

                                     Hơi tàn được thấy gốc phần là may.

Có lẽ vì lời từ chối đó nên khi tỉnh rượu Hồ đã để tâm thù, nghĩ rằng mình là “phương diện quốc gia” đâu phải phường trăng gió. Ðáng lẽ, nếu là một quân tử, Hồ phải cho Kiều về với gia đình. Nhưng ông là người tiểu tâm nên gả nàng cho một thổ quan, vừa chứng tỏ mình không có tình ý gì với nàng vừa muốn đầy đọa nàng cho bõ ghét. Ðường đường là một “quan tổng đốc trọng thần” mà đối sử với một cô gái chân yếu tay mềm như vậy kể cũng là tiểu nhân.

Theo Dư Hoài trong “Ngu Sơ Tân chí”, ba nhân vật Hồ Tôn Hiến, Từ Hải và Thúy Kiều có thật. Từ Hải, hiệu là Minh Sơn, đã từng đi học, nhưng thi mấy khóa không đỗ, quay ra đi buôn, trở nên giầu có. Nhưng theo Phạm Quỳnh, Từ Hải đã từng đi tu, có đạo hiệu là Minh Sơn. Từ là người phóng khoáng, hào sảng, thích giao du với giới giang hồ, hiệp khách. Còn Thúy Kiều là một kỹ nữ, người Lâm Truy. Khi nàng nhảy xuống sông Tiền Ðường bị chết chìm, không được cứu sống như trong truyện.

                Sau khi nhận xét qua một số nhân vật, chúng tôi thấy trong Truyện Kiều, chỉ có Hoạn Thư và Thúy Vân là những người có những hành động hợp lý và đáng khen nhất.

Hoạn Thư không đánh ghen một cách ồn ào, mù quáng và tàn ác như nhiều người lầm tưởng. Chúng tôi đã có một bài riêng để minh oan cho Hoạn Thư về chuyện đánh ghen nên trong bài này chỉ xin nói vắn tắt.

Hoạn Thư sẵn sàng chấp nhận chồng có vợ nhỏ, miễn chàng Thúc phải thông báo cho đúng phép tắc. Nàng đã ướm lời trước để chồng thú nhận, nhưng Thúc ngu dốt tưởng giấu được vợ nên làm lơ :

                                                Rằng :”Trong ngọc đá, vàng thau,

                                                     Mười phần ta đã tin nhau cả mười.

                                                         Khen cho những miệng dông dài.

                                                    Bướm ong lại đặt những lời nọ kia.

                                                         Thiếp dù vụng chẳng hay suy,

                                                    Ðã dơ bụng nghĩ lại bia miệng cười.”

Nếu là người khôn, Thúc đã nhân cơ hội này mà thú thật, chắc Hoạn Thư cũng phải tha thứ và chấp nhận. Nhưng Thúc lại tưởng Hoạn không biết chuyện mình có vợ nhỏ nên đã bỏ lỡ cơ hội.

Sau khi sai Khuyển Ưng bắt cóc Kiều về, Hoạn  cũng tỏ ra có cảm tình với Kiều. Nàng chỉ hành hạ Kiều để dằn mặt chồng cho bõ tức. Khi đã hả cơn giận, nàng cho Kiều ra Quan Âm Các để tu. Không những thế, nàng còn khen Kiều viết chữ đẹp :

                                                 Khen rằng :”Bút pháp đã tinh,

                                                       So vào với thiếp Lan đình nào thua.”

Như vậy, Hoạn Thư là người có lòng nhân từ. Nàng không đánh đập, đầy đọa Kiều như nhiều người đàn bà khác đánh ghen. Nàng cũng không cho người truy lùng, bắt Kiều lại khi Kiều ăn cắp chuông vàng khánh bạc trốn đi. Vì thế, sau này, trong cuộc báo ân trả oán, Kiều đã phải tha Hoạn Thư dù coi Hoạn là “chính danh thủ phạm”.           

 Cuối cùng, chúng tôi xin nói tới Thúy Vân. Có người cho rằng Vân đã giả dối khi nhường lại Kim Trọng cho chị trong bữa tiệc đoàn viên. Chúng ta thử đọc lại đọan văn đó để xét tình ý của Thúy Vân xem như thế nào ?

                                                               Tàng tàng chén cúc dở say,

                                                                      Ðứng lên Vân mới giãi bày một hai.

                                                                          Rằng :”Trong tác hợp cơ trời,

                                                                      Ðôi bên gặp gỡ một lời kết giao.

                                                                          Gặp cơn bình địa ba đào,

                                                                      Vậy đem duyên chị buộc vào duyên em.

                                                                          Cũng là phận cải duyên kim,

                                                                      Cũng là máu chảy ruột mềm chứ sao.

                                                                          Những là rày ước mai ao,

                                                                      Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình.

                                                                          Bây giờ duyên vỡ lại lành,

                                                                      Khuôn thiêng lừa lọc đã dành có nơi.

                                                                          Còn duyên may lại còn người,

                                                                      Còn vành trăng bạc, còn lời nguyền xưa.

                                                                          Quả mai ba, bảy đương vừa,

                                                                      Ðào non sớm liệu se tơ kịp thì.

                Thúy Vân đã rất thành thật khi đề nghị Kim Trọng và Thúy Kiều nối lại tình xưa, với những lý do sau đây :  

1. Nàng chỉ là một người đã làm tròn nhiệm vụ được giao phó. Sau khi bán mình

để lấy tiền chuộc cha và em ra khỏi lao tù, Kiều nhớ đến mối tình của Kim Trọng nên đã năn nỉ Thúy Vân thay mình mà trả nghĩa cho tình lang :

                                                                Cậy em, em có chịu lời,

                                                                Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa. 
                                                       

Thúy Vân là người phúc hậu, hiền lành (khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang) nên khi đã nhận lời giúp chị thì cố gắng làm tròn bổn phận. Thật ra, trong cuộc gia biến ấy, mọi người phải cố gắng góp sức giải quyết những khó khăn.

2. Tục lệ cổ của người Trung Hoa xưa, người đàn ông có quyền “năm thê, bảy thiếp”. Có những trường hợp chưa chọn được chính thê, người đàn ông có thể cứ lấy vợ, nhưng đều là vợ nhỏ (thiếp). Thúy Vân tự coi mình là một thiếp của Kim Trọng.

3. Thúy Vân lúc nào cũng thương nhớ người chị đã hy sinh cả cuộc đời mình cho gia đình. Ðó là một hy sinh quá lớn đối với một thiếu nữ khuê các vừa đến tuổi cập kê. Vì thế, khi Kim Trọng đến trấn nhậm Lâm Truy, nàng bỗng nằm mơ thấy Kiều. Tỉnh dậy, nàng nói ngay cho chồng biết để thăm dò tin tức Kiều. Ðiều này chứng tỏ lòng thành thật biết ơn của nàng với người chị can đảm và xấu số.

Vậy, khi gia đình đã được đoàn tụ trở lại sau mười lăm năm luân lạc của Kiều, Thúy Vân đã thành thật nhường lại Kim Trọng cho chị và sẵn sàng lui xuống hàng thiếp thì có gì là giả dối đâu vì đó cũng là một cách trả ơn chị,

   Chúng tôi hy vọng bài nhận xét ngắn này sẽ giúp các bạn có thể hiều hơn về một cuốn truyện vẫn được coi là đại tác phẩm của nền văn học Việt Nam.

                                                                                                                  TQK

                                                                                                        Tháng 11, 2008

 

—————————————————

Xin chuyển đến các bạn một số kiến giải về truyện Kiều của nhà thơ Trần Vấn Lệ dưới đây.
 Đây là những kiến giải tuy rất mới nhưng không phải là không khả thủ. Riêng về đề xuất Truyện Kiều không phải được thi hào Nguyễn Du "diễn thơ" từ cuốn sách Thanh Tâm Tài Nhân của Tàu mà ngược lại chính người Tàu đã dịch Đoạn Trường Tân Thanh ra thành Thanh Tâm Tài Tử (Cái tên Thanh Tâm Tài Nhân này được nhiều người gọi. Tôi căn cứ bản dịch của cụ Tô Nam Nguyễn Đình Diệm do Nha Văn Háa – Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa (VNCH) xuất bản năm 1971 mà tôi đang chỉ còn lại Quyển 2 – tựa đề Kim Vân Kiều – Thanh Tâm Tài Tử), thì nhà thơ Trần Vấn Lệ hoàn toàn không gây sốc đối với tôi. Trước anh đã có người nêu lên vấn đề này. Đó là cụ Đàm Duy Tạo, hiệu Hương Ngạn Đào Tử, trong cuốn sách (còn dạng bản thảo đánh máy chưa xuất bản) tựa đề "Truyện Kim Vân Kiều – Giảo Đính (và) Tường Giải" (Các bạn có thể đọc ở đây:
http://kimvankieu.wordpress.com
)
Trong bản thảo cuốn sách này, cụ Đàm Duy Tạo (đã qua đời từ lâu) cho biết Nguyễn Du đã căn cứ theo một cuốn sách có tên là Phong Tình Lục ("Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh" – Kiều), thay đổi thêm bớt ít nhiều để sáng tác thành Đoạn Trường Tân Thanh, tức Truyện Kiều, để ngầm ký thác tâm sự của mình, rồi (một) người Tàu thấy Truyện Kiều hay nên dịch sang tiếng Hoa văn xuôi thành cuốn Thanh Tâm Tài Tử và hô hoán lên rằng Nguyễn Du đã "dịch" từ cuốn sách đó ra thành Truyện Kiệu và hầu hết người Việt chúng ta tưởng thiệt bèn tin theo.
Tuy cụ Đàm Duy Tạo có đưa ra một số bằng chứng "nặng ký" để chứng minh (chẳng hạn trong Thanh Tâm Tài Tử có một số chi tiết thuộc phong tục tập quán riêng của người Việt mà người Tàu không hiểu nên giải thích rất tầm bậy), nhưng (bản hảo) cuốn sách của cụ không nhằm vào mục đích đó mà chỉ nhằm chú giải Truyện Kiều, cộng với việc cuốn sách của cụ chưa chính thức được xuất bản nên có lẽ vì vậy vấn đề này chưa được thảo luận tới nơi tới chốn. Dù sao các ý tưởng của nhà thơ Trần Vấn Lệ – từng là một giáo sư Việt Văn trước năm 1975 – là rất lý thú.
(Tôi chỉ xin phép anh Trần Vấn Lệ xóa tên ông Hiệu Trưởng "của chúng mình" trong email của anh – chúng ta là đồng môn rồi! Tôi cũng học ở đó vào thời của ông HT đó, và cùng có một "kỷ niệm" với ông ta, tuy không bị đuổi học như anh! Và xin anh đừng có "Kính anh Thiếu Khanh" nữa, tội nghiệp! Cũng là hai con ngựa thôi mà.)
Thiếu Khanh.

 ——————————————

 

anh Thiếu Khanh,
 
Đọc i meo của anh rồi đọc bài viết của anh, tôi buồn.
 
Tôi xin nói ngay:
 
1, Nguyễn Du không bao giờ là Cụ, ông hưởng dương 56 tuổi, nhỏ hơn anh, hơn tôi nhiều.
 
2, Khi viết Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du chắc trên dưới ba mươi lăm tuổi.
 
3, Đoạn Trường Tân Thanh là Truyện Thơ làm theo Kim Vân Kiều Truyện, văn xuôi, chữ Nho, tác giả là Thanh Tâm Tài Nhân, một bút hiệu của Nguyễn Du (Nguyễn Du còn có bút hiệu Thanh Hiên), nhiều người lầm tưởng là của Tàu, bên Tàu trước năm 1956 không có cuốn này, trong Văn Học Sử và Lịch Sử Tàu hoàn toàn không có vết tích nào vê tác phẩm Kim Vân Kiều và tác giả Thanh Tâm Tài Nhân – sở dĩ từ 1958, Tàu có Kim Vân Kiều Truyện là do Tưởng Kinh Quốc đại diện Tưởng Giới Thạch, Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc, Đài Loan, sang Sài Gòn để khánh thành Tòa ĐẠI SỨ Trung Hoa (giống như cái chùa ở đường Hai Bà Trưng), thấy có bán cuốn Kim Vân Kiều truyện gốc do Trung Tâm Học Liệu Sài Gòn xuát bản, người dịch là Nguyễn Đình Diệm, bèn mua về và biến nó thành của Tàu, Trung Cộng Lục Địa lợi dụng in và phát hành ngay trong nứoc luôn.
 
3, Ông Nguyễn Đình Diệm thú thật lý do có cuốn truyện gốc là khi vào Thư Viện Trường Bác Cổ Viễn Đông thấy có một cuốn duy nhất, viết tay, bèn thuỗng về làm của riêng.
 
4, Ông Phạm Quý Thích là bạn thân của Nguyễn Du, nhận lời Nguyễn Du đọc Đoạn Trường Tân Thanh và in giùm;  Ông Phạm Quý Thích nhớ mang máng mình đã có đọc một cuốn nội dung na ná là Kim Vân Kiều Truyện nên mạo muội sửa lại nhan đề thành ra Kim Vân Kiều Tân Truyện rồi đem in tại Phường In Thăng Long, bản này gọi là Bản Phường (bản sau này in tại Thần Kinh, thời vua Tự Đức gọi là Bản Kinh).  Ông Phạm Quý Thích viết một bài Tựa rất hay.  Phạm Quỳnh là hậu duệ của Phạm Quý Thích, nghĩ đến tiên tổ mình nên "gáy" Kim Vân Kiều Tân Truyện và gọi tắt là Truyện Kiều.
 
5, Nguyễn Du rất buồn về sự ngu dôt của Phạm Quý Thích, từ đó không muốn nói chuyện với bất cứ ai, kể cả với vua Gia Long (mở sử ra thấy chỗ này khi vua Gia Long vỗ vai Nguyễn Du vấn an)
 
6, Nguyễn Du buồn, sinh bệnh, chết sớm.  Trước khi chết "khẩu chiếm" 2 câu:  Bất Tri Tam Bách…Hai câu này không dính dấp gì tới bài Độc Tiểu Thanh Ký vì nếu là 2 câu Luận và Kết thì trật lất mà Nguyễn Du chưa hề làm thơ sai niêm luật 
 
7, Tất cả Giáo Sư Việt Văn vì tin theo Phạm Quỳnh mà giảng tác phẩm của Nguyễn Du sai bét.  Đúng là Quân sư phụ, nói theo cách nói Quân chó đẻ, Quân ăn cươp, không phải là Vua (Lê Chiêu Thống), Thầy (Chùa), Cha (Cha xứ).  Cao Thế Dung bảo Quân Sư Phụ là Tam Cương mới khốn nạn thay!
 
8, Nguyễn Du viết Đoạn Trường Tân Thanh theo đề tài ông tự đặt ra sau khi chứng kiến cảnh Nồi Da Xáo Thit suốt 15 năm (1787 -1802) giữa quân Tây Sơn với nhà Lê, chúa Nguyễn.  Tên nhân vật đèu có nghĩa theo ý của tác giả, thí dụ  Kim Trọng: Bạn Tốt, Thúc Kỳ Tâm:  người họ Thúc có lòng Tốt nhưng xụi lơ đúng là Thúc Sinh, kẻ bó tay, Từ Hải: từ bỏ nghề giặc biển để chịu đầu hàng triều đình…
 
9, Nguyễn Du đặt nặng nỗi buồn của người Đàn Bà (không người đàn bà nào hạnh phúc từ Mẹ của mình, chị, em gái mình, các bà mệnh phụ)’  Đàn ông luôn luôn sướng, ngay cả tên Hồ Tôn Hiến (dùng mưu chồn, hồ cáo, dâng hiến lên Trên, Vua, thành tích của mình)
 
10, Nguyễn Du nói mà không ai để ý:  từ Cảo Thơm biến ra Lời Quê.  Nguyễn Du muốn người đọc phải thắc mắc, đếch có ai thắc mắc.  Bọn Giáo Sư đều dốt (tôi cũng từng là Giáo sư Việt Văn, hỡi ôi!).  Hồi tôi đi học, vì thắc mắc mà tên Hiệu Trưởng (. . .) đuổi tôi ra khỏi trường!
 
11, Nguyễn Du có 2 câu tuyệt tác thay cho lời chửi mắng: "Người một nơi hỏi một nơi, mênh mông nào biết biển trờì nơi nao!".  Người đọc phớt lờ và sinh ra nói phét!
 
12, Nguyễn Du biết chẳng ai hiểu mình, đúng lắm chớ!  Nguyễn Du đâu có làm Đĩ sao gán Nguyên Du với Tiểu Thanh, với Đạm Tiên, với Thúy Kiều?
 
*
 
Anh Thiếu Khanh ơi, tôi nói như thế, anh có giận tôi không?  Chắc là có.  Nhưng xin anh hồi tâm suy nghĩ lại…Chúng ta thương Nguyễn Du mà thương bậy thì Nguyễn Du đã nói: "Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau". 
 
Ước chi đời đâu cũng vui, người ai cũng vui, mình nói chuyện với nhau thật vui!  Tôi biết tôi làm anh buồn tự nãy giờ.  Tôi xin anh tha lỗi cho…chỉ vì tôi thấy anh quá lịch sự với một người đồng nghiệp với tôi.  Hỡi ơi Lương sư hưng quốc!  Hồi nào?  Bất Lương…Sư Vong Quốc, đó, bây giờ, bảo thế sao nhổ phẹt vào mặt tôi?
 
Trần Vấn Lệ, Los Angeles, U S A

 

 

error: Content is protected !!