Tác giả và Tác Phẩm

Quang Thiện : VÌ DANH DỰ

VÌ DANH DỰ

 

R

ita để ý người thanh niên vừa rời trạm xe đò Las Vegas, đang đứng bên lề đường ngước mắt nhìn ánh đèn màu lấp loé trên bảng hiệu khách sạn Union Plaza và ở các sòng bài lân cận. Nàng kiếm khách ở lề đường đối diện bên này vì đám nhân viên an ninh khách sạn ngăn cản gái ăn sương lảng vảng trước cửa. Thông thường thì Rita không muốn uổng công băng qua đường để khêu gợi loại thanh niên quê mùa như anh ta. Nàng hờ hửng quan sát người khách lạ chân mang đôi giày cao bồi mòn tới gót và vận quần Levis đã sờn với chiếc áo vải ka-ki như những tay bán xăng vẫn mặc. Dưới chiếc nón rơm cao bồi miền viễn Tây, trông da mặt người thanh niên sạm hẳn, vì vậy, Rita đoán anh ta phải là dân chăn bò hoặc thợ xây cất nhà cửa. Kinh nghiệm cho nàng biết loại người này thường trong túi chẳng có tới đôi tờ giấy $20 đô-la. Tuy nhiên, Rita nghĩ, biết đâu, vì từ suốt đêm qua đến giờ, nàng cũng chưa vớ được món nào bở. Hơn nữa Rita đã phải sống tự túc suốt tuần nay kể từ khi Greg, người yêu, bỏ rơi nàng lại đây, chuồn về San Francisco. Suy tính một lúc, thấy phải thử thời vận, nàng nhất quyết băng qua đường.

Không để người nhân viên an ninh khách sạn Union Plaza trông thấy, nàng thong thả qua đường Main tiến về phía bến xe đò. Rita không muốn gấp rút để bị hao sức. Nàng biết mình kém hấp dẫn vì bị sụt cân khá nhiều trong mấy tuần qua mà nàng nghĩ nguyên nhân có lẽ vì thời tiết tháng Tám nóng bức ở vùng khí hậu sa mạc. Nghĩ đến chiếc váy ngắn đang mặc không được hấp dẫn như ý muốn, Rita thấy cần tháo bớt nút áo để bộ ngực hở thêm một chút. Tuy nghĩ ngợi đủ điều, nhưng thâm tâm Rita vẫn tự hào với nhan sắc của mình. Dù sao nàng cũng đẹp hơn các cô gái khác cùng hành nghề ở dọc dãy phố này. Rita chỉ băn khoăn về tuổi tác của mình. Nàng chưa đến tuổi thành niên nên phải sử dụng xảo thuật để trông ít nhất cũng được 18 tuổi, khách mua hoa mới không e ngại.

Rita dừng lại cách khoảng người thanh niên đang đứng ở lề đườngvà lên tiếng:

– Chào anh.

– Chào cô..

Người lạ thoáng nhìn nàng với vẻ lạnh nhạt. Bây giờ Rita mới trông thấy rõ màu da anh ta không phải sạm nắng như nàng tưởng mà là màu đất nâu tự nhiên. Để ý mái tóc dưới chiếc nón rơm, đôi hàng lông mi, lông mày và cả ánh mắt đều đen tuyền, nàng nghĩ thầm khách lạ có thể là dân Mễ.  Rita hỏi làm quen: – Anh chờ ai phải không?

Hắn quay nhìn nàng, đáp gọn: – Không phải.

– Vậy anh chờ taxi hay xe bus chớ gì?

– Không phải.

Lộ vẻ khó hiểu, Rita lại hỏi: – Vậy, anh tính đứng ở đây cho tới khuya hả?

Không đáp lời Rita, người thanh niên, lục trong túi áo lấy mảnh giấy, đưa trước mặt nàng: – Cô biết địa chỉ này ở đâu không?

Để ý nhìn, thấy trên giấy ghi địa chỉ khu chung cư rẻ tiền nằm trên đường West Sahara, nàng đáp: – Tôi biết địa chỉ này ở đâu rồi.

Bất chợt có ý nghĩ thoáng nhanh trong đầu, nàng nói luôn:

– Tôi ở căn chung cư gần đây, nếu anh không gấp đến đó thì anh và tôi có thể…

Thản nhiên lấy lại mảnh giấy từ tay Rita, anh ta nói:

– Tôi cần phải đến đó ngay. Cô chỉ lối cho tôi chứ?

Tuy thoáng chút bực mình vì ý định không thành, nhưng nhận thấy người nhân viên an ninh trước cửa khách sạn để ý mình, Rita làm ra vẻ giúp đỡ du khách:

– Được. Tới ngả tư đằng kia anh đón xe bus có bảng đề ‘Las Vegas Trip’ ở trước…

Người than niên lạ bỗng cắt ngang lời nàng: – Xin cô chỉ đường cho tôi đi bộ tới đó.

– Đi bộ? Anh muốn đi bộ dưới ánh nắng nung người này hả? Vùng này là sa mạc và từ đây đến đó xa tới sáu, bảy miles lận.

– Tôi đi được, cô cứ chỉ.

Trước vẻ ngoan cố của người lạ, Rita khẻ nhún vai, xong chỉ anh ta đi từ phố Main thẳng qua Wyoming và Highland, gặp đường Sahara quẹo phải để tìm số nhà.

Rita dứt lời, người lạ quay lưng bước đi, nhưng nàng gọi thình lình: – Này, đường đi bộ khá xa, anh có thể gửi va-li lại. Trong bến xe có cho khách thuê tủ gửi đồ đạc.

– Người thanh niên có vẻ ngần ngừ, cuối cùng buộc miệng hỏi: – Tủ cho thuê?

– Phải. Tôi sẽ chỉ cho anh.

Dẫn người lạ vào phòng đợi thắp đèn sáng trưng, Rita chỉ dãy tủ, nói:

– Anh phải có hai đồng .25 cents bỏ vào  máy.

Trong lúc giữ cánh của tủ mở rộng để khách lạ đẩy chiếc va-li vào, nàng nói: – Anh có thể gửi đồ đạc ở đây 24 giờ. Để lâu hơn phải bỏ thêm tiền và nhớ đừng làm mất chìa khoá. Nếu không, anh phải điền đủ thứ giấy tờ mới nhận va-li lại được.Thôi nhé! Bây giờ tôi phải đi.

Rita vào phòng vệ sinh phụ nữ, để cánh cửa mở hé và nhìn qua khe hở theo dõi người thanh niên. Nàng thấy anh ta đứng lại giây lát quan sát kỹ chiếc chìa khoá nàng vừa giao, xong mới chịu cho vào túi áo gài nút cẩn thận trước khi rời khỏi bến xe. Rita lén theo sau người lạ ra tới ngoài. Chờ anh ta đi khá xa nàng mới trở vào trong mở tủ, lôi chiếc va-li ra. Mỗi tối, Rita hy sinh .50 cents để thuê tủ lấy chìa khoá và tráo cho bất cứ người khách nào nghe lời nàng chiêu dụ. Đêm nay, Rita nghĩ nàng có thể bị mất tiêu .50 cents, nhưng biết đâu. Người thanh niên lạ ngoan ngoản trở thành con mồi của nàng có thể cất trong va-li một số ma tuý, nếu lấy được nàng sẽ bán hoặc sử dụng. Đang nghĩ ngợi, Rita bỗng cảm giác đầu óc xây xẩm khó chịu khiến phải đứng yên một lúc. Rita biết mình đang bị chứng thiếu máu hành. Nàng đã lấy hẹn ở một phòng mạch bác sĩ để ngày mai đến khám. Chờ cơn choáng váng chấm dứt, Rita lôi chiếc va-li của người lạ ra khỏi tủ và thản nhiên xách về nhà như vật sở hữu của mình.

*     *     *

N

gười thanh niên bước đi nhanh nhẹn như không màng tới nhiệt độ đang nung cháy da. Thành phố Las Vegas nằm trên vùng cao nguyên sa mạc nên cái nóng rất khô, tuy nhiên khách lạ có vẻ quen đi bộ và chịu đựng mồ hôi tuôn ướt đẩm chiếc áo đang mặc. Anh nhận thấy đoạn đường đến địa chỉ ở đại lộ West Sahara không xa như cô gái ở bến xe nói vì anh tới nơi trong vòng không đầy một giờ.

Khách lạ dừng lại quan sát dãy chung cư cũ kỹ có đám cỏ khô vàng mọc trước sân, và mắt chợt dừng ở tấm bảng nhỏ có hai chữ ‘Quản Lý’ gắn trước cửa gian phòng ở cuối hành lang. Nghe khách gỏ trên mặt kính, người đàn ông mập phì mở cửa bước ra, mời anh vào. Khách chưa kịp mở lời, nhưng có lẽ do thói quen nghề nghiệp, ông ta vào đề ngay: – Thuê ở đây phải trả tiền trước, tháng đầu, tháng cuối, thêm $50 đô thế chân tiền điện nước. Nếu có con nít phải thế chân thêm $100 nữa. Anh có con chớ?

Chẳng chút ngạc nhiên, người thanh niên đáp: – Không ai mướn phòng đâu. Tôi tên George Wolf, đến đây nhận lại đồ đạc của Amalie Wolf.

– À, vậy hả?

Ông quản lý ngừng giây lát như để quan sát người thanh niên trước mặt, xong nói tiếp: – Cô ta còn thiếu một tuần tiền thuê phòng. Đúng ra là tám ngày.

George Wolf gật đầu, hỏi: – Bao nhiêu?

Ông ta móc chiếc máy tính ra khỏi túi, bấm mấy nút, xong lên tiếng:

– $70 đô-la, không tính anh tiền điện nước.

Sau khi đếm kỹ số giấy bạc, viên quản lý lôi một thùng giấy bồi khỏi kệ tủ giao cho khách lạ và nói với vẻ ái ngại: – Chỉ có bấy nhiêu thôi. Anh chàng sống với cô gái đã lấy hết mấy thứ đáng giá như TV và giàn máy nhạc rồi.

George không buồn mở chiếc thùng giấy, mặc dù rất nôn nóng muốn nhìn đồ vật của cô em gái lưu lại. Anh không muốn mở ra trước mắt người lạ, nhất là người da trắng. George chỉ nhỏ nhẹ hỏi: – Người đàn ông đã sống chung với em tôi đi đâu?

Người quản lý nhún vai đáp:

– Tôi không chỉ điểm để anh làm hại hắn vì chẳng muốn bị rắc rối.

Nhìn không nháy mắt thẳng vào mặt người đàn ông quản lý chung cư, George hỏi gặn: – Ông nhận thấy có chuyện để tôi phải hại hắn hay sao?

Không giấu được vẻ lúng túng, ông ta đáp: – Em gái anh chết vì sử dụng ma túy quá độ. Cảnh sát không bắt giữ người đàn ông ở với cô ta, tức không kết tội hắn. Tuy nhiên, cách thức suy diễn của nhà chức trách có thể khác biệt với ý nghi ngờ của anh cô ta . Đặc biệt vì…

Đến đây, ông ta bỗng nhún vai và  bỏ lửng câu nói, nhưng người thanh niên tiếp tục hỏi: – Ông muốn nói đặc biệt vì tôi là người da đỏ chứ gì?

– Tôi không nói như vậy đâu nhé!

Cười nhạt trước những lời đính chánh của người quản lý, George nói:

– Tuy không phải người da trắng, nhưng tôi biết rõ tâm tính họ.

Dứt lời, để thêm mấy tấm giấy bạc trước mặt viên quản lý, anh tiếp:

– Cứ cho biết tên và địa chỉ của người đàn ông đó. Tôi hứa sẽ không tiết lộ với ai cả.

Đẩy cây bút và mảnh giấy trên bàn tới trước mặt George, ông ta bảo: – Anh viết đi: ”Tới cuối đường Sahara, cách đây một mile, số….”, xong tiếp lời: – Nhưng bây giờ hắn không có ở nhà đâu, hắn làm việc đêm ở sòng bài, tới sáng mới về.

Chờ ông ta dứt tiếng, nét mặt không lộ chút tình cảm, George nói: – Tôi sẽ chờ hắn.

Sau khi người thanh niên quay lưng bước ra đường, người quản lý chung cư mới thấy lòng nhẹ nhỏm.

*    *    *

R

ita bước ra phố vừa lúc George trở lại bến xe. Nàng đã trả chiếc va-li vào một tủ khác và đang cất chìa khoá mới trong bóp. Tại căn chung cư của nàng, Rita đã lục kỹ chiếc va-li nhưng chẳng thấy có gì đáng giá. Chỉ có vài bộ quần áo, một túi da trống rỗng lớn bằng khổ tờ tạp chí, chạm khắc các dấu hiệu của dân da đỏ, một sợi dây khá dài bằng da thuộc và cuối cùng là một vé xe đò trở về Lame Deer ở tiểu bang Montana. Rita không tìm thấy tiền bạc, cũng chẳng có cocaine, và ngay cả không có một món nữ trang nào nàng có thể đem cầm thế được.

Thấy George trở lại bến xe, Rita vội vả băng qua đường để đón. Nàng muốn nói anh biết đã đưa nhầm chìa khoá của nàng, và cần phải đổi lại. Như vậy, Goerge không thể nghi ngờ nàng khi mọi thứ trong chiếc va-li vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, lúc đến bến xe, Rita nhận thấy người thanh niên không có ý định vào chỗ gởi hành lý. Trái lại, anh ta đến ngồi trên chiếc ghế dài ở phòng đợi, đặt thùng giấy lên đùi và mở ra xem đồ đạc bên trong. Từ chỗ đứng, Rita có thể thấy rõ nét mặt đen sậm của anh trước đó thường lạnh lùng bây giờ đang thẩn thờ và nhuốm buồn.

Đi vòng ngả phòng vệ sinh, Rita rón rén đến sau lưng George và tiến dần đến khoảng cách nàng có thể nhìn qua vai anh. Không hay Rita đang nhìm trộm sau lưng, George lặng lẽ nhặt từng món ở trong thùng và quan sát bằng tất cả lòng trìu mến. Rita thấy anh mân mê chiếc vòng mạ vàng khá lâu. Kế tiếp, anh vuốt nhẹ một sợi tóc dài còn vướng lại ở chiếc lượt, rồi cho vào thùng. George săm soi chiếc khăn choàng cổ, đưa nhẹ vào mũi cố hít chút hơi quen thuộc, xong mở hộp phấn nhỏ, nhìn chăm chăm vào chiếc gương soi xinh xắn, như cố tìm lại hình bóng cũ. Không thể kiên nhẫn hơn, Rita vòng ngang chiếc ghế dài và ngồi xuống bên cạnh người thanh niên. Nàng lên tiếng:- Chào anh.

George thoáng nhìn Rita, xong tiếp tục trông vào gương, nói:

– Thuở nhỏ, tôi được nghe chuyện kể nếu nhìn thật lâu sẽ trông thấy được hình ảnh cuối cùng mà gương đã thu nhận.

Ngừng giây lát, môi điểm nụ cười buồn bã, George hỏi Rita: – Cô nghĩ đúng không?

– Anh muốn thấy hình ảnh ai vậy?

– Em gái tôi. Đã lâu tôi không được thấy mặt nó.

Để hộp trang điểm trở vào thùng, George thở dài nói tiếp:

– Có thể gương chẳng thu được hình em gái tôi trước khi chết, nên chẳng thấy gì cả.

Tuy không chú ý câu nói của người thanh niên lạ, Rita vẫn trả lời:

– Chuyện đời không phải lúc nào cũng đúng.

Chợt cảm giác lòng bàn tay đổ mồ hôi nhớp nháp vì chiếc chìa khoá đang nắm, Rita hỏi thẳng điều nàng muốn biết: – Anh sắp đáp xe đò trở về chốn cũ phải không?

George lắc đầu, ánh mắt như khép lại, mím môi đáp:

– Chưa đâu. Sáng mai tôi có việc cần giải quyết.

Rita nắm lấy cơ hội: – À, như vậy anh phải lấy hành lý để tìm chỗ trọ chứ gì?

Trước khi George có thể phản đối, Rita tự tiện mở nút túi áo người thanh niên lấy chiếc chìa khoá nàng đã thấy anh cất vào đấy vừa nói:

– Anh cứ ngồi đây với mấy món đồ của cô em gái, tôi đi lấy va-li  cho.

Giây lát sau, thấy Rita xách chiếc va-li trở lại, George nói:

– Tận tình giúp tôi, cô thật tốt bụng.

Tự thấy ngượng, Rita miễn cưỡng: – Tôi có việc phải đi. Anh tự lo liệu nhé.

– Khoan. Cô hãy chỉ tôi khu rừng nào ở gần đây nhất.

– Anh hỏi cái gì gần nhất?

– Rừng. Rừng cây. Tối nay tôi sẽ ngủ ở đó.

Rita càu nhàu: – Tôi đã nói với anh rồi. Ở đây vùng sa mạc, không có rừng.

Và ra vẻ thành thạo, nàng tiếp: – Đối diện bên kia đường có khách điếm Sal Sagev – chữ Las Vegas đọc ngược đấy – tiền phòng khá rẻ, anh sang đó ngủ.

– Tôi chẳng còn xu nào vì đã trả nợ cho em gái và phải cho tiền để họ chỉ tôi chỗ ở của một người.

– Ai vậy?

– Một người mai tôi sẽ gặp.

Thấy George ngoan cố, Rita đứng chống nạnh, một chân nhịp trên sàn gạch, nhìn khách lạ như người mẹ thiếu kiên nhẫn trước mặt thằng con trai lì lợm. Sau cùng, nàng lên tiếng: – Nè, suy nghĩ kỹ đi. Ở đây không có rừng và anh cũng không thể ngủ ngoài sa mạc cho bọ cạp chích. Còn nếu ở lại bến xe này, cảnh sát sẽ cum anh vì tội ngủ bậy.

– Tại sao?

– Vì hết tiền. Anh chưa biết không tiền là có tội à? Anh ở đâu tới chứ?

George khẻ nhún vai, đáp: – Ở nơi không bị kết tội vì hết tiền.

Rita nói tận tình như khuyến cáo George:

-Thế thì tốt nhất anh nên trở về nơi đó ngay đi.

– Mai tôi mới về.

Nhìn chăm chú người thanh niên với vẻ ái ngại, nàng hỏi:

– Vậy anh phải ở lại tới mai hả?

 – Phải.

Ngước nhìn đồng hồ treo ở tường bến xe, Rita không ngờ đêm đã quá khuya. Mãi bận rộn với George, nàng quên khuấy chuyện làm ăn. Như vậy ngày mai nàng sẽ rất bi đát. Tuy nhiên vẫn giữ vẻ kiên nhẫn, Rita bảo George: – Thôi, đứng lên đi, tối nay anh có thể nghỉ tạm ở nhà tôi, nhưng sáng mai phải đi sớm vì chín giờ tôi có hẹn với bác sĩ.

*    *    *

Đ

êm đã khuya, Rita mặc chiếc áo choàng vải dài tới gót chân, tay cầm lượt chải mớ tóc rối ướt đẩm, bước ra phòng khách chật hẹp, nói với George đang ngồi lục lọi thùng giấy đựng di vật của cô em gái: – Anh có thể xử dụng phòng tắm được rồi.

Tiếp tục việc làm của mình, không nhìn Rita, George đáp: – Cảm ơn. Tôi muốn kiếm thứ gì của em tôi để đền đáp lòng tốt của cô, nhưng chẳng có thứ nào đáng giá.

Cúi nhìn vào thùng, chỉ chiếc vòng đeo tay, Rita nói:

– Cái đó coi bộ cũng được chút đỉnh.

George lắc đầu, giọng buồn bã: – Chẳng có giá trị gì cả. Anh chàng ở với em tôi đã lấy hết. Nhưng nếu cô thích cái này, tôi…

– Thôi anh hãy cất đi. Xài đồ của người chết, tôi sợ họ nhát ma.

Ngồi trên thành ghế sofa, tiếp tục chải tóc bằng chiếc lượt lớn bản,  Rita tò mò hỏi:

– Em gái anh đã bỏ mạng ở Las Vegas như thế nào?

George trả lời, tiếng nói như từ cõi xa xăm vọng lại:- Chỉ vì sự việc xảy ra cách nay hơn trăm năm… Cô biết chuyện của tướng Custer và địa danh Litte Bighorn chứ?

– Chuyện Custer bị dân da đỏ giết chứ gì? Thuở còn bé ở Milwaukee, cha ghẻ thường dắt tôi đến quán nhậu trong vùng. Ở đó, tôi từng trông thấy khung hình to lớn của ông tướng treo trên vách sau quầy rượu. Nhưng chuyện ông Custer có liên hệ gì tới em gái anh?

– Cô biết, nhiều bộ lạc thổ dân da đỏ đã kết hợp tấn công Tướng Custer tại Little Bighorn. Tuy nhiên, sau khi trận chiến chấm dứt, họ đã phải tẩu tán để tránh khỏi bị hàng ngàn quân Mỹ truy lùng giết chóc trả thù. Sitting Bull, thủ lãnh bộ lạc Sioux đã dẫn dắt dân ông trốn sang Canada. Một số dân bộ lạc Shahiyena mà người da trắng gọi là Cheyenne cũng nhập bọn với dân Sioux. Các thủ lãnh khác như Crazy Dog, Rock Forehead, Little Robe, Wolf Tooth… cũng đưa dân trốn khỏi biên giới miền Bắc nước Mỹ. Wolf Tooth chính là ông cố của tôi và tới thời này tôi trở thành George Wolf Tooth.

Nghe người thanh niên kể lể nguồn gốc, Rita nhũ thầm: “Trời đất, cứ tưởng anh ta gốc Mễ, không ngờ mình đã đem dân da đỏ về nhà nghỉ đêm.” Không đọc được ý nghĩ trong tâm tư nàng, George tiếp tục: – Một số dân Shahiyena không kịp thoát qua Canada hoặc rút về miền Bắc, đành phải trốn xuống phía Nam đến vùng đất ngày nay là Wyoming và Colorado, thời đó không thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ. Nhóm khác vượt qua Nebraska. Vì cuộc đào thoát, người Shahiyena trải rộng khắp nơi nên không bao giờ còn cơ hội kết hợp thành một dân tộc. Cho tới nay, người ta chỉ biết tới dân Shahiyena do vùng họ sinh sống. Vì vậy tôi là dân Chayenne ở miền Bắc bang Montana.

Người thanh niên bỗng ngừng nói, nhìn đăm đăm vào khoảng không một lúc lâu với ánh mắt buồn bã. Rita nhận thấy George cũng có nét  thanh tú, không thô kệch như Greg, người yêu của nàng. Không chú ý Rita đang nhìn mình, khách lạ tiếp lời:

– Em gái tôi lớn lên với cuộc sống chán nản ở miền Bắc, chẳng có gì hứng thú  nên những người trẻ như chúng tôi thường thất vọng và bất mãn, vì vậy phần lớn đã bỏ làng ra đi. Amalie sang sống với bà con của chúng tôi ở Ogalla, bang Nebraska. Tại đó, cô ấy làm hầu bàn trong một quán cà phê nằm trên trục lộ đi Las Vegas xuyên suốt California, cho tới ngày một người đàn ông xuất hiện trên chiếc xe sơn láng bóng…

Rita bỗng ngắt lời George: – Anh không cần kể tiếp. Tôi cũng từng làm việc ở quán đó nên có thể tả đúng hình dạng chàng ta. Hắn đeo kính mát, nước da sậm, mặc áo sơ mi hở ngực thật rộng, để lộ sợi dây chuyền vàng óng ánh đeo ở cổ và khoe với em gái anh hắn có dịch vụ làm ăn khấm khá ở Las Vegas.

Người thanh niên nhún vai, nói: – Tôi không biết anh ta nói gì mà chỉ biết em gái tôi đã đi theo hắn để rồi bị chết vì xử dụng cocaine quá độ.

Nói đến đây, không giấu được vẻ xúc động, George cúi đầu, chậm rải tiếp lời:

– Amalie chết, chúng tôi không biết để nhận xác. Đến khi hay được thì họ đã thiêu thi thể em gái tôi mà không giữ lại nắm tro tàn cho thân nhân người qua cố. Cách thức an táng của dân tôi khác hẳn. Nếu đưa về quê hương, thân xác em tôi sẽ được gói trọn trong chiếc áo lông da thỏ trắng và đặt vào nôi gỗ cây tùng thiết lập ở bờ sông Rosebud, bên trong lót lá thông và lá trần bì tươi tỏa hương rừng thoang thoảng. Chúng tôi sẽ tụ tập cầu nguyện mấy ngày cho linh hồn người chết. Cuối cùng, xác em tôi sẽ được đặt vào chiếc thuyền con chở đầy hoa đồng nội và thả theo giòng Rosebud trôi tới vùng đất thiêng của dân tôi. Tại đó phụ nữ sẽ đặt thân xác em tôi dưới lòng đất và lấy hoa ở thuyền đắp lên nơi an nghĩ ngàn thu. Về sau hoa tàn, hột hoa sẽ nẩy mầm, mọc tươi thắm trên mộ em tôi vào mỗi mùa xuân.

Những lời George miên man kể xâm nhập tâm trí Rita, nàng lên tiếng:

– Cách thức an táng của dân anh thật thơ mộng. Tôi chưa nghe nói bao giờ. Rất tiếc anh không đến kịp trước khi người ta thiêu xác Amalie.

Chợt như nhớ tới thực tại, nàng hỏi George:

– Ngày mai anh sẽ tìm gặp chàng sở khanh đã đưa Amalie tới đất này chứ gì?

– Phải.

Rita nghiêm mặt nói cảnh cáo: – Nè, tôi hy vọng anh không làm chuyện điên khùng. Tôi cho anh biết thành phố Carson của tiểu bang này có nhà tù khắc nghiệt đúng kiểu xưa đấy và tôi được biết tên ấy từng bị nhốt ở đó một thời gian. Các phòng giam rất kiên cố. Anh hiểu ý tôi chứ? Chắc anh không muốn kết thúc cuộc đời ở đó phải không?

George gật đầu xác nhận: – Phải.

– Vậy anh sẽ không làm bậy chứ?

Người thanh niên đáp, vẻ quả quyết : – Không có gì bậy đâu.

Rita nói kẻ cả: – Khôn nhất anh nên quên hắn đi và sáng mai đáp xe đò rời khỏi thành phố này gấp. Ở đây là chỗ của loài người quỷ quái. Nghe lời tôi, anh sẽ không gặp chuyện rắc rối.

Dứt lời, hất hàm về phía gian phòng tắm nhỏ hẹp, nàng nói:

– Bây giờ anh đi tắm được rồi.

Nhìn theo tới lúc George khuất dạng, Rita nghĩ thầm: “Có lẽ anh ta chỉ lớn hơn bốn, năm tuổi, vậy mà mình phải đóng vai bà mẹ. Tiếp xúc mãi với George chắc mai phải đi bác sĩ tâm lý thay vì bác sĩ y khoa”. Dứt ý nghĩ, nàng tiến đến chỗ bí mật, vấn hai mẫu cần sa để hút sau khi khoá kín cửa phòng ngủ.

*    *    *

B

ước ra phòng khách sáng hôm sau, Rita tưởng chừng mình chưa chợp mắt chút nào. Nàng thấy George đang mài chiếc dao cán bằng xương, lưỡi bén ngót, trên một mảnh đá nhỏ. Sau mỗi lần mài, anh đưa dao vào dưới sợi nước máy đang chảy từ vòi. Tự dưng thấy  giận, nàng gằn giọng:

– Hay thật. Đêm qua anh hứa không làm chuyên điên khùng mà.

Quay nhìn nàng, George thản nhiên nói: – Tôi hứa gì đâu?

– Anh định giết tên đó phải không?

Lau dao vào tay áo xong xếp lại, George trả lời Rita:

– Không phải vậy. Tôi chỉ xin chút da đầu của hắn.

– Xin cái gì?

Tắt vòi nước và gói viên đá mài nhỏ vào chiếc túi da lấy ở túi quần, George giải thích:

– Lấy tí da đầu của hắn rộng khoảng một tấc từ trước trán ra tới sau ót. Vậy thôi.

Rita hỏi với giọng ngạc nhiên: – Lột da đầu hắn mà anh bảo là không giết người?

– Hắn không chết, chỉ như bị phỏng nặng thôi.

Càng khó hiểu hơn trước những lời của George, Rita nhướng đôi chân mày nói:

– Tôi nghĩ bị lột da đầu, nạn nhân phải chết chớ!

Nhìn nàng thông cảm, người thanh niên da đỏ mĩm cười, giải thích:

– Tình trạng đó chỉ có ở trong phim người da trắng mà thôi. Chính lính da trắng cũng bắt chước lột da đầu. Thường thì những người bị lột da đầu đã chết trước vì hòn đạn, mũi tên hoặc vì thương, kiếm trong lúc chiến đấu. Nạn nhân thường bị lột da đầu sau khi trận mạc kết thúc. Có thể nhiều người chưa chết cũng bị lột và ở trường hợp này, toàn thể mảng da gồm có tóc để che xương sọ bị lột ra hẳn nên nạn nhân phải chết. Ở đây tôi chỉ lột cảnh cáo một lớp mỏng ở phần da chân tóc nên hắn không chết đâu.

– Lời anh thật khó tin nổi.

Vừa nói Rita vừa tiến ra phòng khách, mệt mỏi ngồi xuống ghế. Thấy nàng giận, George đến, ngồi bệt dưới sàn trước mặt Rita và cố giải thích: – Cô hãy chịu khó nghe tôi nói. Ở  bộ lạc chúng tôi có một lão trượng tuổi hạc đã cao giữ sáu mũi tên thiêng tượng trưng cho sáu kẻ thù truyền kiếp mà dân Shahiyena phải nhớ là người Crow, Ute, Shoshone, Pawnee, Blackfeet và người da trắng. Dân tộc tôi phải bảo vệ danh dự. Nếu một trong sáu kẻ thù vi phạm các điều như trộm cắp tài sản của chúng tôi, phỉnh gạt hoặc dụ dỗ đàn bà con gái trong bộ lạc ra đi…

Rita ngắt lời: – À, thế cho nên anh muốn lột tóc tên đó vì hắn đã dụ đỗ em gái anh tới Las Vegas? Sao anh không nghĩ là Amalie cũng có lỗi? Bởi vì nàng được quyền từ khước mà.

– Đúng. Hội đồng bô lão cũng nghĩ đến trường hợp này. Vì Amalie tự ý theo hắn, nên tôi chỉ lột lớp da tóc chứ không giết chết bởi vì anh ta đã lợi dụng lòng tin của em gái tôi. Hắn khôn lanh và tiến bộ hơn Amalie nên đã gây ảnh hưởng vượt quá điểm hữu lý có thể chấp nhận được. Có phải do hắn mà em tôi biết sữ dụng ma túy đến vong mạng?

Dứt lời, George nhìm chăm chăm vào mắt Rita cố tìm ở nàng một sự thông cảm và anh hỏi: – Cô hiểu chứ?

– Chẳng hiểu gì cả. Vì tôi thấy có gì khác biệt đâu?

George nắm lấy bàn tay gầy guộc của  Rita, vỗ nhẹ, đáp: – Khác nhiều lắm chứ. Cô đã quá tử tế nên tôi không muốn cô có ý nghĩ tôi nguỵ biện hoặc vi phạm lời hứa. Tôi xem cô như người bạn và mong được cô hiểu.

Rita nói chậm rải như cố ngăn cảm xúc trong lòng: – Tôi chỉ hiểu một điều là anh sắp làm lỗi lầm quan trọng và tôi không muốn thấy anh làm điều đó. Vậy thôi.

George lại vỗ về bàn tay nàng, an ủi: – Không có gì rắc rối đâu. Mọi sự sẽ diễn biến mau lẹ và tôi lại ra đi như sương mù buổi sáng tan ngay khi ánh dương ló dạng. Cảm ơn cô quá tốt, đã lo lắng cho tôi.

Và như chợt phác giác được điều gì khác thường, George hỏi:

– Rita, sao cô đơn chiếc vậy? Cô còn trẻ quá mà.

Vẫn với giọng xúc cảm, Rita đáp: – Tôi từng có người yêu ở chung, nhưng hắn đã quất ngựa truy phong cách nay một tuần rồi.

– Quê cô ở đâu vậy?

Mắt Rita bỗng long lên. Nàng hằn học: – Ở Milwaukee, bang Wisconsin, nhưng tôi nhất định không về đó nữa. Anh nhớ tôi kể ông cha ghẻ hay dắt tôi ra quán rượu chứ? Đúng ra mỗi khi mẹ tôi đi làm vắng, ông ta còn hay dắt tôi đến chỗ khác nữa, đó là chiếc giường ở trong nhà. Lâu dần, tôi không biết nói sao với mẹ mình, đành phải bỏ trốn.

Goerge có vẻ quan tâm cho Rita. Anh hỏi, vẻ lo lắng: – Vậy bồ của cô sẽ trở lại chứ?

Nàng làm ra vẻ tươi tỉnh:

– Chắc là như vậy. Thế nào anh ta cũng trở lại, mang quà cho tôi.

Dứt lời, Rita nghĩ mình đã dối lòng. Nàng thấy không nên để George lo lắng cho mình trong khi anh cũng có chuyện riêng cần giải quyết. Rita tự biết Greg đã bỏ đi luôn. Loại người lọc lừa như hắn một khi bòn hết của người này sẽ nhanh chân tìm con mồi khác.

Tin lời Rita, George cảm thấy yên tâm. Anh đứng lên, nói:

– Tôi mừng được biết cô không đơn chiếc lâu. Bây giờ tôi phải đi.

Rita nở nụ cười miễn cưỡng:- Tôi cũng vậy, phải đi bác sĩ. Anh nên cẩn trọng đấy.

Tay xách va-li, tay ôm chiếc hộp giấy bước ra cửa, chần chờ chốc lát, George nói giã từ: – Vâng! Cô cũng vậy. Cảm ơn cô mọi sự.

*    *    *

Đ

ến trạm xe đò, George gửi đồ đạc vào trong tủ thuê, xong bước ra đường. Nắng đã lên cao, sức nóng đang tăng dần. Anh tiến về phía đường Sahara, tay cầm mảnh giấy ghi địa chỉ và tên người đàn ông – Nick Gordon- mà em gái anh đã sống chung. Đôi lúc phải dừng ở ngả tư chờ đèn, George nhìn cái tên viết trên giấy để thử đoán Nick Gordon là người thế nào? Hắn có to con lớn xác không? Sẽ chống cự tới cùng hay qui hàng một cách dễ dàng? Trong túi quần của anh, ngoài con dao xếp bén ngót còn có sợi dây da mềm nhưng cứng chắc, thắt lọng như loại dây dân da đỏ thường dùng để bắt ngựa hoang mà George có thể sử dụng thiện nghệ từ thuở lên tám tuổi. Một khi đã tròng được vào cổ tay hoặc chân thì con vật không thể nào thoát nổi.

Đến đúng địa chỉ, anh đảo mắt dò những thùng thơ để thành hàng ở bên ngoài cho tới lúc thấy mấy chữ Nick Gordon và con số 308 ngay dưới tên hắn. Khu chung cư vắng ngắt, George phóng nhanh lên lầu, đi dọc hành lang đến cánh cửa mang số 308. Anh rút sợ dây da ở trong  túi, nới rộng vòng lọng cho vừa hai nắm tay, xong gỏ cửa.

Một người đàn ông khoảng 35 tuổi, có mái tóc rậm đen và đôi ria mép dài, ló đầu nhìn chăm chú, dò xét khách lạ. George nhận thấy ngoài đôi mắt xảo quyệt, trông hắn khá điển trai.

Người thanh niên lên tiếng: – Xin lỗi, ông là Nick Gordon?

– Phải, có chuyện gì?

– Người ta nhờ tôi đưa ông cái này.

Vừa nói George đưa sơi dây da ra trước. Phản ứng tự nhiên khiến Nick Gordon thò tay nhận, xem thử. Chờ bàn tay hắn đưa tới vừa tầm, George tròng vòng lọng vào, siết cứng. Gordon ngơ ngác hỏi: – Ê, anh làm gì vậy?

Nhanh như chớp, George áp đảo Gordon, vận sức giật người hắn quay lui, bẻ khuỷu tay bị cột lên cao đẩy hắn té sấp vào bên trong và dùng chân hất cánh cửa đóng sầm lại. Anh đạp trên lưng, kéo chân trái cột nhanh vào với tay mặt của hắn thật chặt.

Trước tình thế bất ngờ, Nick Gordon vừa tức giận, vừa sợ. Hắn  phản đối và nói như thương lượng: – Làm gì vậy anh bạn? Muốn tiền hả? Ở đằng hộc tủ kia kìa.

– Tôi không phải kẻ cướp.

Vừa nói George vừa nới sợi dây da quấn quanh cổ Nick Gordon, xong ấn mạnh đầu gối ngay trên ót đè cứng xuống sàn thảm để hắn không thể la thành tiếng. Anh lấy dao xếp ra khỏi túi, bật lưỡi bén lên, xong ngưng giây lát đọc bài kinh lột da đầu bằng tiếng da đỏ Shahiyena. Đôi môi vừa ngưng, George quấn sợi dây vòng quanh sọ hắn ở phần chân mái tóc đen và siết mạnh cho da đầu chùn lại để lột. Tuy nhiên, chưa kịp hành động George hết sức ngạc nhiên khi thấy toàn thể mái tóc tự động bong ra, để lộ lớp da đầu láng bóng của tên Nick Gordon.

Ngỡ ngàng, George đứng bật dậy, nhìn soi mói mái tóc đen đang nắm trong tay. Lợi dụng thời cơ được nới lỏng, Nick Gordon vùng vẩy làm sợi dây da tuộc khỏi cổ và vặn mình cho tới lúc chân trái lỏng ra. Cùng lúc miệng hắn chửi thề bất tận.

George nhìn hắn, xong nhìn trở lại mái tóc. Anh không thể hiểu nổi. Đối với anh, tên Nick Gordon đã đội một bộ da đầu.

Thoát được, Gordon lẩm bẩm: – Đồ  khốn! Tao sẽ giết mầy.

Vừa nói hắn vừa phóng tới chỗ chiếc tủ, lôi ra khẩu súng nhỏ và lấy đạn lắp vào. Trông thấy súng, George sợ  hãi, cầm mái tóc của tên Gordon vọt nhanh ra cửa.

*    *    *

T

rong phòng chẩn bệnh, bác sĩ  Franken nghiêm sắc mặt hỏi:  

– Cô bao nhiêu tuổi, Rita?

– Hai mươi mốt.

Rita trả lời, giọng ngại ngùng và thầm trách đã không trang điểm để có thể trông già dặn hơn. Nàng đã nhiều lần quan sát cách ăn mặc của mấy bà có con đi chợ để bắt chước làm người lớn, nhưng có lẽ chưa hoàn hảo khiến ông bác sĩ nghi ngờ.

– Cô có giấy tờ gì cho biết tuổi thật không?

Rita hằn học: – Ông hỏi như mấy anh bán rượu trong quán.

Người y sĩ, với chòm râu rậm dưới cằm, kiên nhẫn giải thích:

– Rita. Tôi với cô đang có chuyện rắc rối. Nếu cô chưa đủ 18 tuổi như tôi đoán, tôi phải thông báo cho cha mẹ cô biết.

Quan sát vẻ mặt đăm chiêu của ông y sĩ một lúc, nàng lên tiếng:

– Bỏ ý tưởng đó đi. Nhưng mà tôi bị gì vậy?

– Cô bị bệnh lậu, Rita.

Trong ánh mắt thoáng chút yên tâm.  Rita nói: – Thế thôi hả? Tôi từng bị hai lần rồi. không có gì trầm trọng cả. Chỉ cần chích vài mũi penicillin là dứt.

Người y sĩ vẫn với vẻ quan tâm: – Lần này trầm trọng hơn. Cô biết  bệnh AIDS chứ?

Sắc mặt Rita tái hẳn khi nghe tên loại bệnh tai hại. Nàng lạc giọng:

– Không thể nào như vậy được.

Bác sĩ Franken nhấn mạnh: – Đấy là lý do bắt buộc tại sao gia đình cô phải biết. Ngoài ra tôi sẽ liên lạc với trường học để chàng trai nào có liên hệ sinh lý với cô cũng phải đi bác sĩ.

Niềm tự tin hầu như biến mất. Cô bé cảm thấy cổ họng khô khốc. Ánh mắt như thất thần, Rita đáp: – Tôi đâu có đi học. Tôi bỏ nhà đi sống bụi đời.

Người y sĩ có vẻ xúc động trước những lời tiết lộ chân thành của Rita, nhưng cố giữ nét mặt điềm tĩnh, ông giải thích: – À ra vậy. Điều quan trọng là tôi phải liên lạc với đám khách mua hoa của cô, càng nhiều người càng tốt.

Rita lại lắc đầu, nói: – Tôi kiếm sống ngoài phố, và không bao giờ nhận thiệp mời của ai cả. Tuy nhiên, tôi có thể cho bác sĩ biết  nguồn gốc tôi bị bệnh AIDS.

Rita đưa đầy đủ tên họ của Greg cho ông bác sĩ và nói thêm: – Hắn bỏ đi rồi. Chúng tôi đã ở với nhau sáu tháng. Tuần qua hắn trốn đi San Francisco với mấy tên bạn đến đây nghỉ cuối tuần.

Ngừng giây lát, Rita nuốt nước bọt, hỏi: – Tôi sẽ ra sao hả bác sĩ?

– Tôi sẽ giới thiệu cô tới một bệnh viện công cộng ở Phoenix. Tất cả hoàn toàn miễn phí và ở đó cũng có đầy đủ dụng cụ y khoa để khám bệnh cô kỹ lưỡng hơn.

Cố ngăn giọt lệ chực trào ra ở khoé mắt, Rita lộ vẻ lo lắng, hỏi ông y sĩ già:

– Bệnh AIDS làm chết người phải không?

 Bác sĩ Franken kiên nhẫn giải thích: – Bệnh AIDS tự nó không giết người, nhưng là chứng bệnh mới làm cơ thể mất khả năng kháng nhiễm, khiến bệnh nhân dễ chết vì các thứ bệnh khác. Tỉ như cô đã được chữa lành hai lần bệnh lậu thì lần này có thể bị thêm chứng sưng màng óc tấn công não bộ và tuỷ sống hoặc chứng viêm màng tim.

Rita chận ngang: – Thôi, đủ rồi! Tôi không muốn nghe nữa. Bác sĩ cho biết làm sao vào được bệnh viện ông giới thiệu?

– Tôi sẽ gọi ghi danh trước cho cô nhập viện. Cô có tiền vé xe đò đi Phoenix chứ?

– Có, có rồi. Tôi không muốn xin xỏ ai hết. Tôi có tiền riêng.

Bás sĩ Franken lấy bút khoanh tròn tên Greg, vừa đáp lời cô gái:

– Tốt. Về anh bồ của cô tôi sẽ thông báo cho cơ quan y tế San Francisco.

– Bồ cũ thôi.

– Phải rồi, bồ cũ. Còn một việc nữa. Trước khi đi điều trị, tôi muốn cô giúp một việc. Tôi sẽ gọi sở y tế địa phương cho nhân viên đến chụp hình để dán thông báo ở những nơi cô hoạt động, may ra có thể liên lạc được với những người đã liên hệ xác thịt với cô.

Đối với những lời thận trọng vì nghề nghiệp của ông y sĩ, Rita chỉ  nhún vai nói:

– Cũng được. Nhưng tôi không hoạt động nữa đâu.

Bác sĩ Franken rời khỏi ghế, nói:- Tốt. Cô chờ trong phòng này. Tôi sẽ lo mọi việc.

Sau khi ông y sĩ rời khỏi phòng, còn lại một mình trong bầu không khí im lặng nặng nề, Rita ngã người trên chiếc bàn khám, nhắm nghiền đôi mắt và thở dài. Nàng cảm thấy tâm tư mệt mỏi như một người đàn bà đã luống tuổi, và hai hàng nước mắt bất giác tuôn trào.

*    *    *

T

rở về căn chung cư lúc đã quá trưa, Rita  thấy George ngồi dựa lưng trước cửa. Sực nhớ tới chuyện của anh, nàng hốt hoảng nói:

– Trời đất! Nè! Tôi vừa gặp khó khăn đó!

Bất chợt trông thấy vật đen trong tay người thanh niên da đỏ, quay mặt chỗ khác, nàng hỏi: – Anh đang nắm cái đó của hắn phải không?

George đáp lời Rita với vẻ ngỡ ngàng:

– Tên ấy đội da đầu! Tôi chưa kịp làm gì cả nó đã tróc ra.

Nghe nói, nàng quay lại nhìn, vừa tra chìa khóa mở cửa:

– Đồ ngu, đó là bộ tóc giả đấy. Tôi không cần thứ đó.

– Tóc giả? Không phải da đầu sao?

– Không phải.

Dứt lời, Rita nóng nảy giật bộ tóc khỏi tay George, xong lộn trái, để lộ mấy đường chỉ may, đưa trước mặt người thanh niên, nàng giải thích: – Thứ này dùng cho mấy người bị mất mái tóc.

– Vì bị lột da đầu hả?

Liệng trả lại bộ tóc giả cho George, Rita có vẻ bực mình: – Không phải. Người ta bị rụng hết tóc, bị hói, nghe chưa? Thôi đi đi! Tôi đang phải thích ứng với hoàn cảnh hết sức khó khăn mới xảy ra đây.

– Vâng, tôi sẽ đi. Tôi không cố ý chọc giận cô đâu.

George móc trong túi ra một mảnh giấy,săm soi địa chỉ ghi trên đó, miệng lẩm bẩm: “Nhưng tôi phải trở lại gặp hắn mới được.”

Nghe người thanh niên có ý định như vậy, Rita trợn mắt nhìn anh ta:

– Cái gì? Anh khùng hả? Có thể  hắn đã gọi cảnh sát chờ anh tới đó.

George lắc đầu ngoan cố: – Loại người đó không nhờ tới cảnh sát. Hắn có súng mà.

– Hay lắm. Nè, anh đã lấy được bộ tóc của hắn rồi, chưa thỏa mãn à?

Nhìn bộ tóc giả của kẻ thù một cách khó chịu, người thanh niên lên tiếng:

– Tôi muốn lột da chân tóc thật của hắn.

– Nhưng đầu tên đó hói, làm gì có tóc mà lột!  Thôi đi!

George vẫn cãi một cách bướng bỉnh: – Có chớ. Hắn còn tóc ở chung quanh đầu.

Không còn cách để can ngăn người thanh niên da đỏ. Rita nổi cáu:

– Anh có biết mình khùng rồi không? Nhìn miệng tôi nói nè: Anh – khùng – rồi!

Vẻ mặt George vẫn tỏ vẻ cương quyết. Anh đứng dậy quay lưng đi, vừa đáp:

– Tôi muốn thực hiện việc cần thiết phải làm.

Rita gọi giật lại: – Khoan đã. Chờ chút! Đồng ý, chuyện của anh, tôi là ai mà có thể ngăn cản được. Thôi bỏ qua, tôi muốn anh giúp một việc. Anh còn nợ ân nghĩa với tôi phải không?

Thấy George gật đầu, nàng nói tiếp: – Vậy được. Tôi có việc riêng phải ra phố. Anh chờ tôi trở lại thu xếp đồ đạc và anh mang ra bến xe đò giùm tôi được không? Ý tôi muốn nói, thuận đường anh đi đó. Bên ngoài trời nóng lắm, tôi không làm một mình nổi. Anh đồng ý giúp tôi một tay chứ?

George đáp gọn: – Đương nhiên là đồng ý rồi.

– Hay lắm. Anh vào nhà ngồi chơi đi. Tôi sang nhà bà chủ lấy lại chiếc va-li bà đã mượn đi Reno tuần trước.

George ngoan ngoản chờ đợi, tay mân  mê mảnh giấy ghi địa chỉ của Nick Gordon. Hai mươi phút sau, Rita trở lại với hai người cảnh sát mặc sắc phục. Nàng chỉ George và nói với họ: – Người này đây. Anh ta cố ý cưỡng hiếp tôi.

George đứng bật dậy, vẻ mặt ngơ ngác, trong lúc hai cảnh sát viên nhào tới áp đảo, bẻ quặt tay anh sau lưng, còng lại. Lục soát trong túi anh, cảnh sát lấy được con dao xếp. George không thể ngờ, anh tức giận nhìn Rita. Nàng quay chỗ khác tránh ánh mắt hằn học của người thanh  niên da đỏ. Sau đó, một cảnh sát viên đưa George xuống chiếc xe đậu ở lề đường trong lúc người kia làm việc với Rita để lấy lời khai. Sau mười phút, nàng ký tên vào hai giấy bắt giữ George và thưa anh ra tòa. Cuối cùng trao cho Rita bản phụ, người nhân viên công lực dặn dò: – Chín giờ ngày mai cô hãy đến địa chỉ ghi trên giấy để ký tên vào bảng cáo trạng ở tòa án.

– Vâng.

Nhìn qua cửa sổ, Rita trông thấy chiếc xe tuần cảnh chở George chạy đi. Nàng tiến tới chỗ giấu thuốc, quấn một điếu châm lửa hút, xong lôi chiếc va-li cũ ra khỏi gầm giường và bắt đầu thu xếp quần áo. Nhìn đồ đạc của mình, Rita nhận thấy không khác gì lắm so với mấy thứ của cô em George để trong thùng giấy. Bất chợt Rita có ý nghĩ phải chi được quen nhau, nàng sẽ truyền cho Amalie vài bí quyết. Nhưng ý tưởng bỗng tắt ngấm khi Rita nghĩ lại hoàn cảnh của mình cũng chẳng khá hơn. Nàng lẩm bẩm: ”Người mù dắt nhau.”

Điếu cần sa vừa tàn khi Rita hoàn tất việc sắp xếp. Trên lối ra cửa, nàng chợt chú ý mảnh giấy vụn ghi địa chỉ của Nick Gordon mà George hay xem, đang nằm dưới sàn. Cúi người lượm lên, quan sát một lúc, nàng mím môi, nhịp chân, xong nhún vai một cách khó hiểu, và nói một mình: – ”Tại sao không nhỉ?”

*    *    *

G

eorge được phóng thích 60 ngày sau. Bước ra khỏi nhà tù, anh đứng chần chờ một lúc ở lề đường, dưới ánh nắng gay gắt vùng Las Vegas, một tay xách chiếc va-li, tay kia ôm chiếc hộp đựng di vật của cô em gái. Cảnh sát tìm thấy chìa khoá thuê tủ lúc anh bị bắt và đã đến bến xe lấy đồ đạc của người thanh niên. Sau khi lục soát thấy không có gì trái phép họ đã đưa vào kho chứa của cảnh sát. Đến khi George được thả, nhà chức trách trao trả cho anh đầy đủ, kể cả con dao xếp. Trong túi áo, George vẫn còn chiếc vé xe đò trở về Montana, nhưng mảnh giấy ghi địa chỉ của tên Nick Gordon thì không còn. Tuy nhiên, George chẳng quan tâm lắm vì nghĩ vẫn có thể tìm đến đó dễ dàng.

Đang thả bộ xuống phố với ý định gởi hành lý ở bến xe, George bỗng nghe tiếng gọi tên mình ở sau lưng. Quay lại, trông thấy Rita, anh thoáng giận, nhưng khi nàng đến gần, trong thâm tâm anh chợt nảy sinh lòng thương hại không thể tả khi nhìn dáng vóc quá tiều tuỵ của cô bạn. Màu da nàng bây giờ tái nhợt, đôi mắt sâu hun hút, chẳng còn bao nhiêu thần sắc. Tuy nhiên, lúc Rita đi bên cạnh, George nói như oán trách:

– Đáng lẽ cô không nên làm vậy. Suýt nữa tôi đi tù mãn kiếp.

Rita nói chống chế: – Anh không ở tù lâu. Vì thiếu người tố cáo hiện diện. Tôi đã cố tình không ra tòa.

George nói với vẻ bất mãn:- Vậy mà họ cũng nhốt tôi hai tháng vì tội du thủ du thực.

– Không phải vậy đâu. Họ chỉ giam anh 30 ngày vì tội du thủ du thực thôi, còn 30 ngày kia là vì tội anh cứng đầu trước tòa. Tôi biết hết.

Người thanh niên nhìn bâng quơ, nói thấp giọng:

– Nhưng tốt nhất cô chớ nên làm thế.

Rita kéo tay George nói như vỗ về: – Thôi mà! Tìm chỗ nào tránh nắng đi!

Cả hai bước vào bến xe đò mua hai ly trà đá trong quán và cùng ngồi xuống chiếc bàn nhỏ. Rita lên tiếng: – Đố anh đoán được tôi đã ở đâu bấy lâu nay?

Thấy George nhún vai tỏ ý không biết. Nàng nói tiếp: – Ở bệnh viện tận Phoenix, bang Arizona. Tại đó, tôi phải chịu làm vật thí nghiệm y khoa thật quan trọng.

Ngưng giây lát để hớp ngụm nước, Rita tiếp lời với ánh mắt buồn bả:

– Tôi bị chứng Kaposi’s sarcoma.

– Đó là bệnh gì vậy?

Rita thấy khó mô tả những vùng tím thẩm xấu xí nổi đầy trên da mặt, trên đùi, bụng và ở lưng mình. Cuối cùng, nàng nói đại: – Nhưng dù sao tôi cũng là người  đầu tiên được chọn để thử nghiệm loại thuốc tên Ribavirin mà trước đây chỉ dùng cho một vài loại bệnh sốt ở mãi tận Phi Châu. Cuối cùng tuy không đạt kết quả, nhưng danh dự ở chỗ tôi được chọn đầu tiên.

George gật đầu, nói phụ họa:

– Phải rồi. Được chọn đầu tiên cho một việc quan trọng bao giờ cũng danh dự.

Rita bỗng mím môi, nhìn George hỏi:

– Chắc anh thắc mắc tại sao tôi lại có mặt ở đây phải không?

George lắc đầu phát biểu: – Cô vẫn là bạn. Tôi biết lý do những điều cô đã làm, nhưng không thể thay đổi được ý định của tôi.

Có vẻ nôn nóng, Rita đáp lời George: – Nhưng tôi đã làm được.Vì vậy tôi trốn khỏi nhà thương về đây nói cho anh biết tên Nick Gordon cũng đang nằm cùng một bệnh viện với tôi. Chỉ khác là ở khu đàn ông. Hắn mới nhập viện khoảng năm tuần nay và gần chết rồi, có lẽ do đã liên hệ xác thịt với cô nào bị thứ bệnh ghê gớm như tôi.

Nói đến đây, Rita liên tưởng tới hành động cố ý mà nàng thực hiện quá dễ dàng. Rita nhớ tên Nick Gordon đã mở cửa và nàng nói: – Chào ông. Tôi không muốn quấy rầy nhưng ông có thể cho tôi gọi nhờ điện thoại được không? Cô bạn và tôi muốn thuê căn chung cư ở đây. Cô ấy hẹn sẽ đem tiền thế chân đến, nhưng chưa thấy tới. Do đó, tôi muốn gọi thử xem cô ta đi chưa.

Trước mặt hắn, Rita cố ý tháo nút áo để ngực hở, lấy tay phe phẩy quạt và lên tiếng: – Trời nóng quá!  Ước gì trong lúc chờ đợi mà có lon bia lạnh thì nhất.

Nghe nói, tên Nick Gordon mời nàng vào nhà ngay và ở phần tiếp nối, hắn đã cắn câu quá dễ dàng như nàng mưu tính.

Trông thấy Rita có vẻ suy tưởng, George hỏi với giọng nghi ngờ, lôi nàng trở về thực tại: – Cô nói hắn sắp chết? Sao cô biết?

– Có gì đâu. Vì hít cocaine lâu dài, màng mỏng ở mũi hắn bị hỏng, nên khi có liên hệ xác thịt với cô gái nào bị bệnh như tôi, hắn dễ bị ngay bệnh Candida ablicans, tưc bị loại nấm vi sinh mọc đầy trong mũi, miệng và ở cuống họng mà không có thứ thuốc gì ngăn chận được. Như vậy đời anh ta tàn là cái chắc.

Trông thấy ánh mắt nghi ngờ ở George, Rita hỏi tiếp:- Anh không tin tôi hả?

– Tôi vẫn có ý nghĩ cô cố ngăn cản tôi khỏi gây chuyện rắc rối.

Rita chồm người qua bàn, nắm chặt tay George nói với giọng pha lẫn nỗi tuyệt vọng:

– Không đâu. Chính tôi cũng sắp chết. Có thể tôi từng dối anh, nhưng không phải lúc này. Tên Nick Gordon hiện nay không thể nói năng hoặc ăn uống gì được nữa. Trên cơ thể hắn người ta gắn khoảng một tá ống nhựa. Nếu muốn, anh có thể đi Phoenix để tận mắt trông thấy, nhưng có lẽ hắn chết trước khi anh đến hoặc đã chết rồi không chừng.

Ngồi đối diện cô gái, đôi mắt đen tuyền của anh chú mục quan sát Rita  một lúc lâu như cố nhìn sâu trong tâm tưởng nàng. Cuối cùng George mĩm cười nói: – Tôi tin cô.

Đôi mắt sâu thẳm của Rita chất chứa tin tưởng, nhìn George với vẻ xúc động. Để ý thấy Rita rút mảnh giấy mềm lau nhẹ hai khoé mắt, George hỏi:

– Bây giờ cô tính đi đâu? Trở lại bệnh viện hả?

Cố làm ra vẻ quả quyết nhưng Rita không giấu được sự bất an:

– Tôi vĩnh viễn không trở lại đó. Bệnh tình tôi đã phát triển đến giai đoạn cuối. Họ không muốn dùng tôi để thử nghiệm nữa. Bây giờ tôi chỉ còn nước sống vất vưởng cho tới lúc… anh biết rồi.

George hỏi dồn với vẻ quan tâm thật sự:

– Cô làm sao được? Ai sẽ chăm sóc cho cô?

Rita trấn an người thanh niên: – Tôi tự lo được, không cần ai thương xót. Tôi còn chút tiền, có thể thuê phòng ở. Không sao đâu!

 Bằng ánh mắt chân thành, George nắm chặt tay nàng nói:

– Hãy theo tôi về Montana. Dân tôi sẽ lo cho cô.

Tuy chưa biết phiêu dạt phương nào sống làm sao cho hết những ngày đợi chết, nhưng vì tự ái Rita nói liều để George yên tâm, không ngờ anh tốt bụng, nàng nắm lấy cơ hội như người sắp đuối vớ ngay phao cứu.

– Thật không? Anh nói thật chứ?

– Tôi nói thật. Trong những ngày cô còng sống, tôi sẽ chăm sóc cô như em gái tôi .

Rita mĩm cười sung sướng, hỏi dồn: – Và khi lìa đời thì sao? Thân xác tôi có được gói trong áo lông thỏ trắng, đặt nằm trên thuyền chở đầy hoa dại thơm ngát?

George quả quyết: – Chắc chắn cô sẽ được như vậy.

Dứt lời, anh đứng lên, xách va-li và ôm chiếc hộp giấy, nhìn Rita, nói thân mật:

– Hãy đi theo anh.                                                          QUANG THIỆN chuyển ngữ

error: Content is protected !!