Tạp ghi

Kỷ niệm về BS Tôn Thất Niệm (vừa mất)

Trần Thị Vĩnh Tường

Năm 1956-62, gia đình tôi nửa ở Saigon nửa ở Đà Lạt. Ba tháng hè bố cho mấy chị em lên Đà Lạt, 35C đường Thống Nhất, xế nha Địa Dư. Hai nhóc có một trò chơi thần tiên là lao từ dốc xuống chân đồi, đoạn cuối hồ Than Thở vắng người tha hồ hò hét. Một thần tiên khác, buổi tối bố cho lên xe traction đi mua bánh mì nóng. Ngoài trời lạnh run cầm cập nhưng trong ánh điện vàng và hơi ấm từ lò nướng, ủ bánh mì vàng ròn thơm và rất nóng trong áo, thiên thần trên trời nhìn xuống suýt soa lác cả mắt rụt rè xin nửa cái, em trai bẻ cho ngay.

 

Một tối, mang bánh mì về mợ cho hay anh Niệm vừa mới ghé cho trẻ con chocolat ăn với bánh mì. Chocolat lúc đó đắt lắm, không bao giờ ăn thỏa thuê đâu nhé. Lần đầu tiên ăn bánh mì nóng kẹp chocolat chảy tan.

Một hôm, “anh Niệm” cùng người bạn đến bố tôi để hát. Lúc đó tôi chưa hát sõi nhưng gia đình ai cũng hát. Nếu trời sinh ra bố tôi giỏi cơ khí đến nỗi chỉ nghe tiếng máy xe biết hư cái gì, thì cũng phú cho ông một giọng hát ma chê quỉ hờn. Ông bảo “Ma cũng phải sợ ba” thì tôi tin răm rắp.

 

Bố tôi thích hát “Gạo Trắng Trăng Thanh” của Hoàng Thi Thơ cặp Ngọc Cẩm- Nguyễn Hữu Thiết nổi tiếng hát với giọng Quảng mà người Đà Lạt ưa lắm. Ông cũng phát âm giọng Quảng “gạo tắng tong mà nên duyên mặng mà…” mà mợ tôi tấm tắc cho là “duyên dáng khó tả”.

Còn hai chị véo von Ngày Về của Hoàng Giác

“Năm tháng phai mờ lời hẹn ước – trong gió sương hình người tình mến

Oán trách ai quên lời thề lúc ra đi thôi ước mơ chi ngày mai”

 

Nên khi chú Niệm hát thì chị lấp ló nhẩm theo.

“Trông bốn phương mờ hàng lệ thắm – mơ đến em một ngày đầm ấm

Nhớ phút chia phôi cùng ai dứt đau thương tìm đến em nay còn đâu”

 

 

Giọng ông bồi hồi chậm rãi, trìu mến tha thiết như tia nhìn cũng không vào ai mà gửi khoảng không. Về sau, nghe Anh Ngoc, Duy Trác và mới đây Trọng Tấn hát Ngày Về, thì tôi càng tin chắc rằng bài hát này chỉ hợp với giọng đàn ông, chất giọng của người có sự ân cần và từ tâm trong sâu thẳm… mà… đàn bà (chúng tôi) đôi khi… thiếu (Amen)

 

Ba tôi là công chức nên hai năm sau đổi đi tỉnh khác. Từ đó, không bao giờ gặp lại chú Niệm và cũng không biết ông là bác sĩ Tôn Thất Niệm. Ở California trong một buổi tiệc, khi ông cất tiếng thì đúng giọng nói ngày xưa. Người ta có thể thay đổi, kể cả giải phẫu thẩm mỹ, trừ giọng nói. Chắc ông không nhớ bé con áo len đỏ “tròn như một cuộn len”.

 

Ba tôi khuất đã 20 năm, chị Tư tôi mất 11/2015. Nhạc sĩ Hoàng Giác vừa qua đời tháng 9/2017. Và hôm nay, Tôn Thất Niệm.

Là bác sĩ, ông dư biết cả sự chết cũng có ích cho đời sống, thay thế già nua kiệt quệ bằng trẻ trung tươi mát.

Là nghệ sĩ, ông cũng biết cái chết là phát mình vĩ đại nhất mà thượng đế trên cao ban cho loài người

Trẻ con như tôi còn điên cuồng tin là những tài hoa không chết, sẽ còn sống nhiều trăm năm nữa vĩnh cửu ở đâu đó trong ký ức của những người muốn nhớ.

 

Sẽ đến chào ông lần cuối. Chào người tình nhân của trí tuệ.

Cũng chào Tuổi Thơ chào Đà Lạt, chào Bố của con, Chị của em… cùng

“Nhấp chén men say còn vương bóng quê hương dừng bước tha hương lòng đau …”

ÔI NHỮNG NGƯỜI TÌNH NHÂN TRÍ TUỆ …

NĂM THÁNG CÓ PHAI MỜ LỜI HẸN ƯỚC…?

 

Rồi ra sẽ gặp nhau cả đấy mà…

“Lưng trời âu yếm bay tìm đàn

Lòng nguyện giờ đây quên quên hết”

 

15/11/2017

ÔI NHỮNG NGƯỜI TÌNH NHÂN TRÍ TUỆ …NĂM THÁNG CÓ PHAI MỜ LỜI HẸN ƯỚC…?Năm 1956-62, gia đình tôi nửa ở Saigon nửa ở…

Posted by Vinh Tran on Wednesday, 15 November 2017

Bác sĩ Y Khoa Tôn Thất Niệm

 

 

error: Content is protected !!