Văn

Đông Thiên Triết : Hoàng Hạc Lâu

Hoàng Hạc Lâu

 
“Tài liệu tham khảo: Đường Thi Tam Bách Thủ (Ba trăm bài thơ đời Đường) nguyên bản Hán văn, do Tân Hoa Thư Cục Đài Loan ấn loát và phát hành”.
 
Trong quyển Đường Thi Tam Bách Thủ (ba trăm bài thơ “chọn lọc”thời thịnh Đường) thấy ghi lại như sau: Hoàng Hạc Lầu là một bài thơ tuyệt tác của đại thi hào Thôi Hiệu (có người gọi là Thôi Hạc). Bài thơ này, vì vào thời buổi đó, chưa có thơ Đường Luật, nên làm theo lối cổ phong và do chính thi hào sáng tác đã để lại trên vách tường của một căn gác hoang, đó là lầu Hoàng Hạc. Nguyên lầu này tọa lạc tại hướng Tây Bắc, thành Vũ Xương, ngày nay thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Hoa. Do đó người ta gọi là Hoàng Hạc Lầu.
 
Tương truyền rằng: Xưa kia có một vị tiên ông, tên là Phí Văn Vi, sau khi tu đắc đạo thành Tiên, Ngài thường cỡi con hạc màu vàng, rồi bay đến căn lầu hoang vắng này để nghỉ ngơi, cùng lúc ấy, Phí tiên ông cũng thường ngâm vịnh, hay cầm kỳ thi họa cùng các vị tao nhân mặc khách thường lai vãng đến lầu này.
 
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không du Hoàng Hạc Lâu .
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du
 
Những cuộc tao phùng nào mà không có buổi chia ly?, Phí tiên ông cũng không ngoại lệ, thế cho nên trong các buổi cầm kỳ thi họa cùng các vị tao nhân kia được ít lâu, thì bỗng một hôm, Phí Văn Vi đột nhiên cỡi con hạc vàng bay đến một phương trời xa thẳm y như những lần trước, nhưng chuyến cỡi hạc ra đi lần cuối cùng này, Phí tiên ông không bao giờ trở lại phàm trần nữa để tiếp tục đối ẩm, cầm kỳ thi họa cùng các tao nhân mặc khách của Ngài. Nhưng Phí Vi tiên ông nào có ngờ đâu, sự ra đi vĩnh viễn của Ngài, đã để lại đằng sau lưng mình, còn có các vị mặc khách tao nhân kia, mà ở nơi họ, là cả một sự mỏi mòn vì mãi mê chờ đợi bạn tri âm trong tuyệt vọng. Mãi cho đến một ngày kia, tất cả các vị tao nhân này cũng đều phải ra đi vĩnh viễn trong cát bụi, trong hư vô, theo định luật Thành Thịnh, Suy Hủy của càn khôn vũ trụ. (Tục truyền rằng Ngài Phí Văn Vi đã cỡi hạc về cảnh tiên giới để tiếp tục đường tu hành), Vì vậy người ta gọi căn lầu hoang vắng kia là Hoàng Hạc Lầu. (Di tích lịch sử này, hiện vẫn còn tọa lạc tại tỉnh Hồ Bắc TH).
 
Thời gian sau, nhân một chuyến du ngoạn, lúc thi hào Thôi Hiệu đi ngang qua căn lầu hoang vắng này, tiện ghé vào lầu để nghỉ ngơi, thì được nghe kể lại sự tích trên, rồi Ngài dõi mắt nhìn quang cảnh lầu hoang bụi bám, tơ nhện giăng đầy khắp nơi, nhưng người xưa thì nay đà khuất bóng, chỉ còn trơ lại thực tại ngôi lầu hoang vắng, cũ kỹ, nằm trên một triền đồi hẻo lánh, trong khung cảnh âm u của núi rừng sâu thẩm. Nhưng đối với hồn thơ đa sầu, những dạt dào cảm ái của thi hào Thôi Hiệu, thì nó chính là tụ điểm của một bức tranh xuân sơn thủy lục, được tô điểm sắc thái dưới bóng một buổi chiều tà, có ánh ngà hoàng hôn vừa buông sụp, mà ngay khi ấy, tức thì bức màn đêm cũng chừng như sắp sửa buông phủ, để sẵn sàng đè lên những sợi nắng hồng nhạt của buổi hoàng hôn trong cô tịch.
Nếu trông về quang cảnh trước mắt từ phía đằng xa, thì thấy hiển hiện lên những dợn khói sóng trên mặt sông Trường Giang, đang mập mờ tung tóe, bay nhảy trên mặt nước, như đang đùa giởn với bức màn sương dầy đặc, chẳng khác nào như tự nó cố tình, muốn che khuất lối đi nẻo về của người lữ khách đường xa, thì thử hỏi, mấy ai mà tránh khỏi cái cảm giác xúc động này, để rồi ôm vào trong lòng mình những nỗi xót xa dùm cho người lữ khách đó trong đêm nay ?, nhất là đối với tâm hồn thi nhân, thì tránh sao khỏi những cảm xúc, bởi những nỗi niềm riêng lai láng trổi dậy trong hồn thơ của họ.
 
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du .
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị ?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu !
 
Cảnh trí xuân sơn thủy tú này, được lồng trong sáu câu thơ trên đây, đã tô điểm thành một bức tranh sống động mà khiến cho người sáng tác tranh thơ này, khi ngâm nga lên, cũng phải liên tưởng đến hình ảnh cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc, đang ở quê nhà mà hiện giờ này, họ đang trông đợi mình chăng?. Cho nên nó đã trở thành một động lực thúc giục Ngài, làm nôn nóng sự nẩy sanh ra định ý trở về quê hương ngay trong đêm hôm ấy. Nhưng nếu với hoàn cảnh này, hành trình về quê còn xa dài thăm thẳm, bởi phải trải qua các cửa thành Hán Dương, rồi lại phải băng qua bãi Anh Vũ châu, thì mới đặt chân đến chốn ấy được. Nhưng mà giờ này, đường xá quan san diệu vợi, hơn nữa, sương mù, sông núi và mây ngàn còn đang án ngữ, đó chính là những chướng ngại vật trước mắt, cản bước cuộc hành trình, thì biết đến bao giờ Ngài mới phản hồi cố quốc được?
 
Cảm xúc bởi quê hương, quyến thuộc, tình thân, đang len lén xâm nhập vào hồn thơ, nên nó khiến cho ngọn bút thần của Ngài bị tức cảnh mà thi thố thần oai, như phụng múa rồng bay, bằng tám câu thơ trên vách tường, duy chỉ vỏn vẹn 8 Câu Thần, mà đã phát họa nên một bức gấm dệt, hoa thêu, với những nét đặc sắc của một bức tranh trước lầu Hoàng Hạc, cùng đệm lên những khúc điệu lồng trong tâm sự của chính Ngài. Với bút pháp tuyệt kỹ, tạc thành những dòng thơ tuyệt tác, làm thương cảm người đọc, làm xúc động triệu triệu con tim từ thuở ấy cho đến hôm nay. Và kể từ dạo đó về sau, bài thơ này mới bắt đầu được ghi chép lại và truyền tụng khắp dân gian, đó là bài Hoàng Hạc Lâu như vừa đang kể .
 
Về tiểu sử của thi hào Thôi Hiệu, ông sanh vào năm nào thì không ai biết, nhưng chỉ biết ông mất vào năm 754, (Ông mất trước thi hào Lý Bạch 8 năm) ông người huyện Biện Châu, nay là tỉnh Hà Nam, Huyện Khai Phong (T.H). Ông đỗ Tiến Sĩ vào năm Khai Ngyên thứ 11, và làm quan đến chức Thượng Thư Tư Huân Viên Ngoại Lang. Thuở nhỏ bản chất thông minh, bắt đầu làm thơ từ tuổi thiếu thời, văn thơ lỗi lạc, nên được người đời gọi ông là: Niên Thiếu Vi Thư, Danh Thao Khinh Bạt (Tuổi trẻ giỏi văn thơ, tiếng tâm thật lẫy lừng).
Một thời gian sau, khi thi hào Lý Thái Bạch, nhân một hôm đi du ngoạn, cũng có ghé thăm viếng lầu Hoàng Hạc, và Ngài cũng có đọc qua bài thơ của thi hào Thôi Hiệu, với những bút tích vẫn còn y nguyên trên vách tường lầu, khi đọc xong bài thơ, Lý Trích Tiên không tiếc lời khen ngợi thiên tài của thi hào Thôi Hiệu, cho nên Ngài liền thốt ra câu :
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc,
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu .
 
眼 前 有 景 道 不 得
蓷 顥 題 詩 在 上 頭
 
(nghĩa là trước mắt có cảnh, mà ta không thốt nên lời thơ đặng, vì đã có bài thơ của Thôi Hiệu ở trên vách lầu này rồi). Đó chẳng qua là Lý Trích Tiên tỏ ý nhúng nhường chăng? hay để tỏ lòng kính ngưỡng thiên tài thi phú của thi hào Thôi Hiệu?, vì thế mà Ngài Trích Tiên không dùng thần bút của mình để phát họa bức tranh thơ tại lầu này, Ngài bèn đến một nơi khác, nơi đó cũng có một ngôi lầu, quang cảnh cũng tương tự như Phụng Hoàng lầu nơi đây, đoạn Ngài làm ra một bài thơ khác, bài thơ ấy được gọi là: Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài .
 
Có sách ghi lại rằng, Lý Trích Tiên đã dựa trong ý thơ của bài Hoàng Hạc Lầu mà làm thành baì thơ Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài, (vì bài thơ của Ngài, có những ý thơ tương tợ lầu Hoàng Hạc)
 
Dưới đây là nguyên bản của 2 bài thơ Hoàng Hạc Lâu và Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài của thi hào Thôi Hiệu và Lý Thái Bạch, qua sự chuyển ngữ của Đông Thiên Triết.
Nguyên tác bài Hoàng Hạc Lâu của thi hào Thôi Hiệu:
 
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không du Hoàng Hạc Lâu .
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du .
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu .
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu!
 
黃鶴樓
 
昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是,
煙波江上使人愁。
 
崔顥
 
Chuyển ngữ theo thể Đường Luật của Đông Thiên Triết:

Người xưa đã cưỡi hạc về đâu?
Hoàng Hạc Lâu, nay vắng bạn bầu
Một rẽ hạc vàng biền biệt bóng,
Ngàn treo mây trắng lửng lơ lầu .
Dòng sông tạnh dặc dầy Dương thụ,
Thảm cỏ xanh man mác Vũ châu.
Đâu ngõ quê hương chiều sụp tối?
Trường Giang khói sóng khiến ta sầu!
 
Nguyên tác bài Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài của thi hào Lý Thái Bạch:
 
Phụng hoàng đài thượng phụng hoàng du,
Phụng khứ, đài không, giang tự lưu.
Ngô cung hoa thảo mãi u kính,
Tấn đại y quan thành cổ khưu.
Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại,
Nhị thủy trung phân bạch vũ châu.
Tổng vị phù vân năng tỵ nhật,
Trường An bất kiến sử nhân sầu.
 
登金陵鳳凰台
 
鳳凰台上鳳凰游,
鳳去台空江自流。
吳宮花草埋幽徑,
晉代衣冠成古邱。
三山半落青天外,
二水中分白鷺洲。
總為浮雲能蔽日,
長安不見使人愁。
 
李白
 
Chuyển ngữ theo thể Đường Luật
của Đông Thiên Triết:
 
Phụng hoàng cất cánh đã bay đâu?
Phụng vắng lầu hoang, sông chảy sầu
Hoa cỏ rường Ngô vùi nẻo thẳm,
Mão y nếp Tấn lấp đường sâu.
Trời xanh ba núi in trong bóng,
Nước bạc hai ngòi rẽ giữa châu .
Mây phủ giăng tầng che bóng ác,
Trường An mờ khuất, dạ thêm rầu
 
Ngày nay, những đứa con của Mẹ Việt Nam đang lưu lạc khắp nơi trên thế giới, thử hỏi có mấy ai mà chẳng thương nhớ đến quê cha đất tổ của mình? vậy tại sao chúng ta không thông cảm mà cùng nhau chia sẻ nỗi sầu trên đây với thi hào Thôi Hiệu? Hay chúng ta thử có ý định đem so sánh cái tâm trạng hôm nay của chính mình, cùng với nỗi sầu trên lầu Hoàng Hạc của thi hào Thôi Hiệu thuở xa xưa xem sao? Vậy thì nỗi sầu vong quốc của chúng ta hiện nay, chắc hẳn gấp vạn lần so với nỗi sầu của thi hào Thôi Hiệu, đã được Ngài gánh đổ mối sầu ấy, tạc nên những vần thơ trên vách lầu Hoàng Hạc này mãi mãi đến ngàn thu.
 
Tuy nhiên, nỗi sầu của thi hào Thôi Hiệu, không trỉu nặng hơn nỗi sầu vong quốc của chính chúng ta, nhưng thiết nghĩ, vì chúng ta là thân phận hậu bối, âu cũng nên chia sớt nỗi sầu xa xưa của người thiên cỗ đôi chút? Do đó mà sau khi đọc qua bài Hoàng Hạc Lâu này, trong tâm tư của chính tôi, tự nó đã hiển hiện ra cái khung cảnh xuân sơn thủy lục, được hình dung trong một giây phút xuất phát từ ảo giác của tâm hồn mình, và nghe như đâu đây, văng vẳng có những tao nhân mặc khách tự thuở nào, và nghe như họ đang cầm kỳ bên hồ sen chén ngọc hay họ đang ngâm nga thi họa bên gác tía lầu vàng, khiến cho tâm hồn tôi tưởng chừng như chính mình đang được hưởng cái vinh hạnh này, là đang được diện kiến các vị tao nhân, trong những phút giây tức cảnh nên thơ, khi tôi đang đọc qua bài Hoàng Hạc Lâu của thi hào Thôi Hiệu.
 
Ôi! cái mường tượng này, nó đã cấu tạo thành một bức tranh Hoàng Hạc trong ảo giác của tôi, và như tự nó đã họa lên trên mảnh lụa vàng, thành một bức tranh có muôn hoa khoe sắc, để trang hoàng, để tô điểm cho ngôi lầu hoang vắng kia trở nên rực rỡ hơn trong tiềm thức của 3 bài liên hoàn dưới đây: để Kỉnh Vấn Thi Hào Thôi Hiệu, theo thể Đường luật, cốt để gánh tiếp cái nỗi sầu ly hương xa xứ của Ngài, mà trong tâm trạng của chính tôi, cũng là tâm trạng chung của mỗi người đang mang nặng nỗi sầu ly hương vì vong quốc.
 
KỈNH VẤN THI HÀO THÔI HIỆU (khi đọc qua bài Hoàng Hạc Lâu)
 
Tôi cũng như ông xa xứ nhà,
Tâm hương kỉnh lễ hỏi Thôi gia:
Đi đâu ghé lại lầu Hoàng Hạc?
Đứng đó ngắm nhìn bóng Nguyệt Nga?
Hứng gió trông quê, con mắt mỏi,
Đề thơ nhớ bạn, cánh diều xa.
Mấy người chia sớt sầu ông nhỉ?
Hay chỉ mình ông tự gánh à?
 
Tự gánh sầu ông đến gác ngà,
Chẳng may Tiên Hạc đã bay xa.
Phí Vi vui đạo không quày lại,
Mặc khách sầu đời chẳng ghé qua.
Những sớm cầm kỳ bên chén ngọc
Thường đêm thi họa trước thềm hoa
Với tiên, với khách, tao nhân ấy,
Vung ngọn bút thần vẩy nét sa.
 
Thần bút Thôi ông vẩy nét ngà,
Câu câu tuyệt diệu chẳng phai pha.
Xưa đề thơ: Một Sầu Thôi Hiệu,
Nay đọc lời: Ngàn Thảm Dạ Ta.
Thuở ấy Ngài than xa xứ sở?
Bây giờ Tôi khóc mất quê nhà!
Đợi ngày quang phục, lòng như đốt,
Mượn mấy dòng thơ để gọi là ….
 
Đông Thiên Triết
Canh Thìn niên 2000
error: Content is protected !!