Văn

VĂN – KHUNG TRỜI ĐẠI HỌC – MÓN NỢ…CÁI BAND AID – MỘT MÙA XUÂN RẤT XA… Tác giả: Thái Nữ Lan

KHUNG TRỜI ĐẠI HỌC– TháiLan/ nữlan

Thương tặng các bạn cư xá Jeanne d’Arc & Xavier, của một thời vàng son yêu dấu…

&&&&&&

… Trường Đại Học Khoa Học. Năm Dự Bị . Có vài sinh hoạt liên lớp chung, biết được nhiều anh chị em sắp ra trường, hoặc mới vào năm thứ nhất…  

-“Thiên An ơi, có thư nè.- Của ai vậy?- Còn ai trong khoai đất này nữa.”

 Người bạn cùng lớp đưa tôi một tờ giấy học trò xếp thành cái súng,..Bữa ni thì là cây súng, có bữa thì cái hoa, hình trái tim, hình tam giác…

 – “Cám ơn Trực nghe!” Tôi mỉm cười, không biết mình đang nghĩ gì?.. Người viết thư ở cùng phòng cư xá nam với Trực, 3, 4 lần/tuần nhờ chim xanh trao thư cho tôi…Tôi cố không dám nghĩ đến lá thư, vì hình như tôi cũng đã quen với những lời dễ thương trong ấy…câu…

  “Anh có thể viết cho bé được không”… – “Bé thích hình nào?..”

Tôi nghiêm chỉnh nghe thầy giảng bài. Hôm nay là giờ học về Tâm lý của Tuổi Trẻ. Đây là một trong những môn quan trọng cho tất cả các sinh viên, làm người “Gõ đầu trẻ” **(1) tương lai, hoặc làm việc ở bất cứ nơi nào, những môn chính của  sinh viên. Không thể “lọt danh sách” ở kỳ thi cuối năm được! Từ lớp tiểu học, tôi đã là một học sinh có hạng trong các lớp, nay không vì những chuyện “không nhỏ” ấy làm chi phối việc học tập của mình, Công Cha Nghĩa Mẹ Ơn Thầy thật bao la trời biển..

Sau buổi học, tôi và Lan Thanh, cô bạn thân nhiều năm nay, rảo bước về cư xá nữ sinh do các “sơ (soeurs) quản lý. Hai đứa ở chung phòng với Điểu, một cô bạn học Y Khoa , vì cô nàng giỏi những môn không phải là văn chương nên tính tình bộc trực như con trai. Lan Thanh thì hiền thục đoan trang, tôi thì ở giữa hai nàng, có lúc ngỗ nghịch, có lúc ít phá hơn, chỉ đôi khi trèo tường buổi sáng cùng với vài đứa nữa để  chạy ra bờ sông bơi lội rồi về bằng cửa nhỏ mà các sơ để cho giáo dân vào xem lễ ở nhà nguyện nhỏ trong cư xá…  đánh vũ cầu dưới sân rồi mới lên phòng sửa soạn đi học…

 Ôi cái thời sinh viên thật đáng quý làm sao!

 Thời trung học thì không dám đi mô hết, vì rất sợ không cầm được mảnh bằng Tú Tài… Bi chừ thì cũng phải cố gắng , nhưng cũng không đến nỗi lo nhiều như xưa… Với lại bi chừ thì mình cũng… hơi lớn rồi, tim cùng đập loạn xạ khi có đứa bạn khác phái ngồi sau lưng giả bộ mượn tập chép bài vì “Thầy nói nhanh quá, bạn ghi không kịp..” để vẽ bất cứ bức hình gì mà tôi rất thích, mà anh ta vẽ giỏi thiệt, trong vài chục phút mà hoàn thành hình ban nhạc Beatles là thần tượng của bao giới trẻ thời ấy..  hình nhỏ bằng nửa trang vở thôi, nhưng rất giống, rất đẹp, hoặc hình cô gái…kèm theo vài lời dễ thương…”Tại răng mà mắt buồn..?”….”Tại răng mà răng khểnh?”…

 Đợi lúc hai cô bạn ra hành lang hóng mát, tôi mở lá thư ra đọc:

 ” Thiên An ơi, nhớ trả lời cho anh nhé, anh có thể gặp mặt bé chiều mai, sau giờ học, ở phòng khách được không?”…

 Tôi ôm lá thư vào lòng, đây là thư thứ 5 rồi, những lần trước anh chỉ viết vài câu…

 Tôi phải vội vàng viết mấy chữ trả lời:  “Dạ cám ơn anh, nhưng có lẽ để ít lâu nữa được không anh?”

Vì tôi rất sợ đám bạn và các chị em đông đúc trong cư xá, đứng trên lầu tôi đã chứng kiến nhiều màn chọc phá của họ mỗi khi cô sinh viên nào bước xuống , đi dần ra phía phòng khách…

Hẹn lần hoài hoài như rứa,… đến hai tuần sau, tôi cũng phải “gánh chịu” cảnh vừa đi vừa liếc nhìn trên lầu xem nàng nào đang đứng chọc mình… để ra phòng khách tiếp anh … Ngồi nói chuyện, có một sơ đang ngồi làm việc sổ sách cách đó không xa… (Chắc làm bộ làm việc thôi, còn thì chủ yếu là lắng nghe “tụi hắn” nói cái chi…!)

Trước khi nhận lời tiếp chuyện anh, tôi cũng đã viết thư hỏi Ba Me tôi, vì cũng có một anh chàng không quân, rồi một anh dược sĩ…

 Tất nhiên Ba Me tôi bảo nên chọn anh dược sĩ, nhưng rồi sao tôi thấy anh Nhật  rất hiền hậu – tôi nghe nói các anh lái máy bay thì rất bay bướm, còn những anh “sĩ, sư” thì ít trung thành… Sau buổi nói chuyện, anh Nhật  vẫn tiếp tục nhờ Trực mang thư đến lớp cho tôi, có khi kèm theo ô mai là món tôi rất mê (Không hiểu tại sao anh biết món tủ của tôi hè??)…

Anh bảo cho anh gặp vài lần nữa vì hè năm nay ra trường có thể anh sẽ phải nhận nhiệm sở thật xa..- Anh học trên tôi ba lớp -… Gia đình tôi thì ở xứ sương mù, tôi lại phải đi học ở thành phố khác, gặp nhau chắc khó lắm…

 Tôi rất quý sự từ tốn, dễ mến của anh… và

“Một người rất gan lì, luôn muốn đứng đầu, làm lãnh tụ, mà chừ phải chịu thua một cô bé học trò trường mẫu giáo Lê Lợi, bé ơi…”

(Anh đã nói như rứa khi em viết cho anh về tháp đèn của trạm phát sóng Truyền hình: “Anh à, nhìn giống như ông khổng lồ hút thuốc quá, phải không anh?” – buổi tối, sau khi học bài xong, nhìn ra bầu trời xám, chỉ  có một chóp đỏ trên cao của tháp truyền hình, lúc tắt lúc sáng,…có khi có vài đám mây lơ lửng chung quanh như khói thuốc …, )

…Mà cũng rất nồng nàn:

Tôi hỏi anh tại sao anh xếp hình cái súng, cho con trai mà… Anh trả lời:

Vì trong bài hát “Bang Bang”- “Khi xưa ta bé”… Có câu “Em bắn ngay tim”, em đã bắn trúng tim anh rồi , bé ạ, tim anh từ đó chỉ đập khi có em …

Những tháng ngày sắp đến hè, thi cuối khóa, tôi vừa lo phải cố qua tất cả các môn, vừa buồn vì sắp phải xa anh…

Tôi như ngập chìm trong niềm hạnh phúc, anh bảo tôi phải cố gắng học để “hoàn thành bổn phận với phụ thân đã lo cho bé đến hôm nay”, mơ tưởng rồi sang năm học tới tôi sẽ nhận được những dòng chữ đầy yêu thương của anh, chờ đợi tôi…

“Anh muốn bé là mục đích sau cùng của anh, bé đồng ý nhé?”

 Nhưng rồi, cuộc đời ít khi được như lòng người mơ ước, dù đơn giản đến đâu…

Một hôm tôi nghe được rằng có một cô học cùng khóa với tôi nhưng khác ngành đã yêu anh ấy lâu rồi,…

Có thật như thế không? Lạy Đấng Tối Cao…

Tôi đã rất đau khổ khi nghe được tin ấy…

Con phải làm như thế nào đây, Ba ơi, Me ơi…!

Các bạn của tôi, có ai như tôi không…?

Tôi hỏi bạn thân Lan Thanh, và cả Điểu nữa, họ đều nói “Cả trường ai cũng biết là cô ấy thích anh Nhật  từ lâu rồi, nhưng ít người biết  Nhật đã chọn Thiên An…”

Tôi hỏi ý kiến vài người bạn khác, theo họ thì  “Đó là tùy Thiên An và anh ấy thôi, nếu như lâu nay anh ấy viết thư cho An, thì có nghĩa là anh ấy không để ý đến cô kia…”

Tôi là một người hay chịu phần thiệt về mình,… nên đã quyết định… vì tôi rất cứng rắn, tôi chỉ sợ cô kia sẽ có những hành động không tốt đối với anh ấy…? Tôi hy sinh để anh được yên…

Những ngày sau đó… tôi đã không trả lời những tờ thư học trò thương quý của tôi được nữa,.. .tôi đã chọn sự im lặng…

&&&&&&

 Ngày tôi lên phi trường về lại xứ sương mù hai tháng hè,… Lúc leo lên thang máy bay, tôi chợt nhìn thấy…anh đứng ở cửa phòng chờ hành khách, nhìn theo, đôi mắt thật buồn… Làm sao anh biết ngày giờ tôi ra đi để phóng xe lên đây…? Ai đã nói cho anh biết?

 Trong suốt hai tháng hè, tôi đã thật buồn và chán…Anh đang ở đâu, làm gì, anh có hiểu tại sao chúng mình lại như thế này không, anh Nhật ơi…

Đến ngày phải nhập học , tôi trở lại trường…

Ngạc nhiên và buồn , xúc động, đau đớn…khi nhìn thấy anh đứng ở cổng cư xá…chỉ nhìn vào, vì anh biết có vào hỏi “sơ” (soeur) phòng khách, bạn tôi cũng sẽ trả lời là tôi đi vắng…

Tôi cũng không hiểu làm sao tôi biết được anh đã nhận nhiệm sở ở một thành phố miền Nam…

&&&&&&

Năm 1975… Loạn lạc, không ai biết tin tức của ai nữa..

Trực ơi, bây giờ bạn ở đâu? Gia đình bạn ở đâu, có hạnh phúc không? Trực có biết anh Nhật  hiện đang ở nơi nào không?

Nếu Trực có gặp anh ấy, nhắn với anh cho Thiên An gởi vạn lời tạ lỗi, ngày xưa sao An dại quá, và không biết suy nghĩ mình phải hỏi Trực, và hỏi anh ấy sự thật về cô ấy như thế nào, tại sao Thiên An phải hy sinh tình yêu của mình, để rồi cả anh ấy và An đều đau khổ…

Mà nghĩ cho cùng, tại sao An phải hy sinh cơ chứ, phải không Trực? Tại sao ngày ấy bạn không hỏi mình, chắc anh Nhật có tâm sự với bạn chứ?

Anh Nhật ơi, hiện anh đang ở đâu, cho Thiên An nói lời xin lỗi anh,

Giá như.. Giá như…mình có thể nói chuyện với nhau lúc ấy… anh Nhật..

&&&&&&

Nhiều năm qua,…biết được cô gái kia cũng đã có gia đình với người khác,…còn anh tôi không có được tin tức.

Anh đang ở đâu?

Chắc anh chẳng còn nhớ đến con bé học Đại Học mà cứ như còn ở Tiểu học nữa rồi …

Chắc anh đang rất hạnh phúc…

“Trả lại em yêu

KHUNG TRỜI ĐẠI HỌC…

Ðem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ

Ðem nỗi thương yêu vào niềm thương nhớ…” **(2)

Anh đã trả lại hết cho bé rồi, anh không còn nhớ chút gì nữa sao anh ơi…?

***************

“Giòng lệ tưởng trôi phăng đời niên thiếu

Vẫn còn nguyên vang bóng thuở ban đầu

Hơi tiếng người xưa hồ dễ quên đâu…”  – VŨ HOÀNG CHƯƠNG- Ta Đợi Em TBa Mươi Năm

******

Theo mây bay, tìm mãi hướng trăng thề.

Nhắc làm chi? Còn nhắc nữa làm chi…! ” – ĐINH HÙNG- Cánh Chim Dĩ Vãng- 

&&&&&&

Dallas, mùa nhập học thật buồn- 2018-TháiLan/ nlan

===========

Ghi Chú:

1/- Nghề dạy học.

2/- Bài hát “Trả lại em yêu”- Phạm Duy.

*****

MÓN NỢ…CÁI BAND AID

Tựa đề bài viết dựa theo tựa của truyện thật dễ thương ” MÓN NỢ DĨA BỘT CHIÊN” của một huynh đệ Hướng Đạo của tác giả…

 ==============

 –  Mau đi cô nàng, hôm nay có giờ của Thầy Hùng, nhớ không nhỏ? Mi mần chi mà cà rề từ nãy giờ?

  -Dạ vâng, em đây ạ.

Tôi chạy ra hành lang cư xá, nơi cô bạn hiền đang đứng chờ, chắc hơn mười phút rồi. Ngày nào cũng vậy, không hiểu sao mình chậm ghê luôn. Mình đâu có trang điểm gì- nét đẹp hiện hữu trong sự đơn giản mà! Có lẽ vì cứ lấy áo này ra, nhìn trời, rồi lại chọn áo khác..Lúc xưa phải chạy theo cái đồng hồ để lãnh được bằng Tú Tài, nên đôi khi cái áo không thẳng nếp cũng cứ xỏ vô đại. Bi chừ thì. Mình phải “chải chuốt”một tí chứ!

Cư xá Jeanne d’Arc của các soeurs ở Huế không xa khu Đại học với nhiều phân khoa: Khoa Học, Văn Khoa, Sư Phạm, và ở lớp học bên Văn Khoa, trên lầu – ngày xưa là khách sạn Morin -, có thể nhìn ra cầu Trường Tiền mộng mơ của đất Thần kinh, nên không ít cô cậu giành chiếm chỗ ngồi bên cạnh cửa sổ…

Trường Khoa Học. Hôm nay là giờ cuối của môn”Hóa Vô Cơ” là môn tôi không mê tí nào, vì nó quá phức tạp đi thôi ! Nhưng Thầy Hùng rất giỏi, mỗi năm Thầy cứ bay ra-vô Huế-Saigon, thầy tốt nghiệp Đaị Học Dược Khoa bên Pháp với bằng Tiến Sĩ, nên các trường Đại Học Saigon và Huế đều mời thầy giảng dạy. Cộng thêm với những môn khó nuốt của thầy, thầy lại rất nghiêm khắc, không dễ tí nào, nên sinh viên thường gọi thầy là “Ông Kẹ”- kính Thầy, con xin lỗi Thầy-  .

Rồi Thanh và tôi cũng đến giảng đường, và kịp giờ các bạn đang lục đục vô lóp. Giờ học hôm nay tôi lại rất thích thú, có lẽ tôi áp dụng câu “Muốn là được”, mình cố gắng thích môn học này vì nó rất quan trọng!  …

Hay là vì tối nay có cuộc họp vui với mọi người bên cư xá bạn?  -Có lẽ cả hai. Giờ học cuối; sau vài ngày nghỉ lễ sẽ phải làm bài thi, mà không qua được môn này thì..không được tí nào cả! BaMe…phải chăm chú thôi, Ti Lì ơi!….

Chiều cuối ngày. Cả bọn trong cư xá lao nhao, mặc áo gì, quà cáp để trao đổi đã xong chưa?…Trong phòng ba đứa như ba chị em một nhà

 – Nhóc, mi mặc áo khoác ni thì hợp với áo màu đỏ gụ bordeaux nè… – Mi đeo xâu chuỗi này nhé? Hợp với làn da trắng của mi nè – Còn mụ da nâu thì sao? Tôi phụng phịu giận dỗi vì chúng nó cứ lo cho nhau, bọn hắn da dẻ thật sáng, mặc màu nào cũng hợp, còn tôi….!

… Nhưng rồi, cũng xong.

Nguyên một đám sáu đứa trong số 43 của cư xá đồng ý đáp lời mời của cư xá nam láng giềng để dự buổi tiệc cuối năm Dương lịch bên giang sơn của họ. Chúng tôi là những người gần cuối bước vào căn phòng thư viện đã được dọn dẹp bài trí rất gọn gàng dễ thương… Bài diễn văn của anh Chủ tịch, rồi đại diện các cư xá..bài nào cũng thật hay, nhắc nhở bổn phận của mọi người ở xa gia đình nhưng cố chú tâm học hành để khỏi phụ lòng song thân và thầy cô trong kỳ thi cuối khóa, nhất là các anh chị sắp ra trường; và lời chúc may mắn… Ca hát, vui đùa thỏa thích..

Đến giờ ra về, thấy anh Trọng học Y3 (Y Khoa năm thứ 3) dẫn chiếc xe gắn máy nhỏ Caddy mà tôi rất thích, tôi liên hỏi mượn để chạy thử. Vừa đi được một đoạn, loay hoay thế nào, tôi lại té ngã ngay bùng bình trước cư xá. May mà lúc đó cũng hơi khuya, nên đường vắng. Trầy một chút ở cườm tay và đầu gối. Tôi được sơ cứu cẩn thận.

Chiều hôm sau, vài đứa rủ nhau đi chợ để mua quà tặng các soeurs trông coi chúng tôi, vừa về đến phòng, tôi được thông báo là có người đang chờ ở phòng khách. Lại chạy xuống. Đó là người chủ của xe Cady, anh đưa tôi một gói bông băng và nói:

 – Chúc Lang nhớ chăm sóc các vết thương, nhất là vết ở đầu gối bị trầy nhiều, kẻo bị làm độc nhé! Anh Trọng xin lỗi Lang vì cái xe làm Lang đau… – Đâu phải tại cái xe đâu, mà tại vì Lang giỏi quá mà! Ủa mà sao kỳ vậy, lúc nãy anh có nhờ sơ (soeur) trao lại cho Lang một gói rồi mà!  – Không phải của anh đâu, bây giờ anh mới đến, hôm nay bọn anh phải đi thực tập ở nhà thương mới vừa về.

Tôi trả lời qua loa mấy câu hỏi của anh về vết thương, về việc học…Anh dặn nhớ học kỹ hai môn Hóa Hữu Cơ và Vô Cơ nhe.  (lại còn biết tôi không thích hai môn này nữa ta! Sao hay vậy!). Anh về. Tôi lên phòng. Và mở gói kia ra: cũng những lời dặn như anh Trọng, nhưng bên dưới ký tên: Tôn Thất Khôi. Ah! Tôi nhớ ra rồi. Anh Khôi và anh Trọng học cùng lớp, tối hôm qua hai anh đại diện cho một cư xá đến chung vui đây mà. Hôm qua là lần đầu tôi gặp các anh, sao các anh lại biết cư xá của mình vậy ta?

Sau ba ngày nghỉ lễ cuối năm, hôm nay trở lại những ngày học bình thường. Chúng tôi học xong hai giờ đầu, giờ Toán của Thầy Nhơn.

Đến giờ thứ ba là giờ Anh Văn, hôm nay Thầy Ấm phải đi công tác đột xuất nên được nghỉ; vì còn tiết thứ 4 nên không về được, Kim Thanh và tôi bèn rủ nhau qua Hội Quán Sinh Viên ở bên kia đường để xem thử, từ hồi đầu năm đến giờ chưa dám ghé vô, vì nghe nói trong đó có rất nhiều nam sinh viên nên ngại. Thật vậy, quán có vài bàn có vẽ sẵn bàn cờ tướng, nên các anh thường thích vô đây để tỉ thí. Nhưng cũng có hai bàn có nữ sinh viên đang ngồi chuyện trò. Có lẽ các cô từ trường Văn Khoa hay Sư Phạm cũng ngày sát trường Khoa Học đây thôi, họ ghé uống cà phê. Hai đứa tôi vừa uống nước vừa nói chuyện thật thư giãn, làm như ở cư xá không thể tâm sự..Mà thật ra khi về phòng thì đứa nào cũng chúi mũi vào việc học…

Kim Thanh bỗng nhìn vào tay tôi và nói:

 – Sao sáng ni mi băng tay không kỹ chi hết, thuốc thấm ra kìa! Tôi đưa tay lên, và thật vậy, cái band aid đã bị nhuốm thuốc đỏ (vết thương này nhẹ nên tôi xem thường, chỉ chú trọng đến vết thương ở đầu gối bị trầy sâu hơn).

 Ngay lúc đó, có một anh từ bàn bên cạnh bước qua và đưa cho tôi một cái band aid. Đó là anh Minh, bạn của anh của Kim Thanh. Tôi nói:

  – Dạ Lang cám ơn anh, nhưng mà sao anh có sẵn băng hay vậy?  

– Vì anh nghe nói có một cô bé hay bị ngã hoặc trầy xước tay nên thủ sẵn trong bóp…!

Anh Minh học Y Khoa, và sắp ra trường. Tôi chỉ gặp anh một lần ở nhà Kim Thanh, khi vào Đà Nẵng thăm gia đình bác tôi, vài tháng trước đây…

Chúng tôi phải trở về trường, để học giờ Lý.  

Khi về cư xá, Kim Thanh nói tôi là anh Minh sau khi gặp tôi ở nhà bạn, thường hay hỏi thăm về tôi:

-Thanh ơi, tính tình Chúc Lang như thế nào? Ngoan không? – Khỏi phải nói anh ạ, hắn ngoan lắm, chỉ có tội nghịch phá thôi!

– Ha ha! thiệt vàng sợ chi lửa cô nàng ơi? Nè, mà ta hỏi mi nè: nhìn mắt ta xem, sao “họ” cứ bảo mắt ta buồn hả?  

– Chứ còn chi nữa! “Người em sầu mộng muôn đời” mà!  *1/- Với lại, mi còn có cái răng khểnh nữa kia!

 – Ah! cái con ni! Thiệt không đó? nè, muốn ta bao cái chi thì nói nhe, đừng cho ta lên mây! té đau lắm!. ở cư xá ni và cả Viện Đại Học, bao nhiêu người đẹp nổi tiếng, mình chỉ là con số zero mi à  – Cái con khỉ! nhưng mà có lẽ họ thích cái tính chân thật không điệu đà của mi đó nhỏ à  -Vậy sao? Cám ơn nhe!

Rồi Thanh còn nói anh Minh hỏi có nhiều người theo Chúc Lang không, Thanh nói thì cũng có thấy họ gởi thơ, họ nói chuyện với cô nàng, nhưng làm sao biết được con tim của hắn…

….

Sao mà khổ ghê! Hai người Sơn Tinh & Thủy Tinh đem băng bông quà cáp cho tôi thì tôi cho là bình thường. Hoặc ai đó cùng lớp làm thơ ướt át rồi tặng mà sao mình không nhớ chi hết. Tại sao cái band aid nhỏ bé kia cứ làm mình suy nghĩ vẫn vơ..

Đến ngày Tất niên. Tết Nguyên Đán. Các trường Đại Học đều tổ chức Đêm Luật Khoa, Đêm Sư Phạm,…v.v..

Vài bạn học và bạn cư xá đi với tôi để dự Đêm Luật Khoa vì giờ tổ chức sớm hơn, rất phù hợp với bọn tôi vốn rất sợ ma.

Đây là buổi trình diễn văn nghệ rất đa dạng do các sinh viên trình bày. Các anh chị/ bạn/ các em thật là đa tài! Có đủ tân cổ giao duyên, kịch là những màn rất tốn thì giờ để diễn tập, so với đơn ca hoặc hợp ca…

Đến sẩm tối- cũng còn một, hai màn nữa, nhưng chúng tôi phải về.

 Cả bọn sáu đứa chúng tôi ở hai phòng gần nhau nên rất thân nhau, thường tụ tập ở một phòng sau giờ học bài để nấu mì gói – dùng cái resistance điện để nấu nước sôi, lén các soeurs vì tất nhiên là món này bị cấm…

Vừa ra khỏi giảng đường của trường – được dùng làm “rạp hát”-  , thì anh Minh đến, xin phép để tiễn chúng tôi một đoạn. Chúng tôi đi qua Cầu Mới, là cầu mới xây, sau năm 1968 khi cầu Trường Tiền bị người “tốt” giật sập mất một nhịp, khiến người Huế rất phẫn nộ đau buồn…  Các bạn biết ý nên để anh và tôi đi phía sau.

Tối hôm đó trời thật trong, ánh trăng lưỡi liềm chiều xuống mặt sông Hương đang gợn sóng li ti thật đẹp và thơ mộng… Anh kể chuyện vu vơ, chuyện học, chuyện ở quê Đà Nẵng của anh, tả những cảnh vật thật nên thơ bình dị…

Đến lúc sắp chia tay, anh nói : – “Chúc Lang cho anh viết thư cho bé nhe”. Tôi không biết phải trả lời như thế nào…

Từ đó đến cuối năm học, tôi thường nhận được thư của anh, lời thơ thật dễ thương hiền hòa như con người của anh.

Rồi mùa hoa phượng đến, hoa nhuộm đỏ thắm đoạn đường trước trường Văn Khoa, nhất là cây phượng ở góc nhìn ra cầu Trường Tiền…Thật là nên thơ, bảo sao thật nhiều vần thơ cho cây phượng này được những tâm hồn lãng mạn luôn trân quý, và thấy lòng mình lâng lâng khi đứng ngắm chúng trong buổi chiều tà…

 Anh ra trường, đậu rất cao, tên anh đứng đầu bảng kết quả, nhưng không muốn về gần gia đình mà nhận nhiệm sở thật xa, vì anh nói muốn khám phá miền Nam.

Tôi về Cao nguyên của tôi.  

Rồi loạn lạc, bặt tin nhau. Nhiều năm trôi qua.

Mỗi khi bị trầy hoặc đứt tay, dùng band aid, tôi cũng không còn nhớ đến cái band aid năm xưa, vì bị lôi cuốn vào cuộc sống thời đắng cay tủi nhục đau khổ trăm bề…

Nhưng có một năm, khi về thăm lại thành phố thân yêu ấy, thăm trường xưa, cảnh cũ, đến cư xá “của chúng tôi” – bây giờ là một trường cấp hai -, tôi lại chạnh lòng…nhớ đến thời gian đáng yêu ấy, ôi  những “người đi qua đời tôi *2/- “…

Đứng trước phòng khách, nhớ đến anh bạn cùng lớp hàng ngày làm chim xanh cho một người cùng phòng đem thư cho tôi,… rồi một buổi chiều thật đau lòng, họ đến mà tôi không tiếp, vì tôi muốn hy sinh tình yêu mình cho người khác (để rồi cả hai đều đau khổ!!!)  …nhớ đến “Sơn Tinh & Thủy Tinh” đem quà ô mai, búp bê da màu là món tôi rất mê cho đến bây giờ, mặc dù có bao nhiêu là búp bê thật, lớn nhỏ cứ đeo chân mình hàng ngày…rồi có anh tài xế máy bay ngày nào,…

Những dòng ký ức cứ đua nhau hiện về…

Ra khỏi cư xá là ngôi trường mẫu giáo Lê Lợi, mà ngày ấy người viết thư bảo tôi luôn mãi là học trò của trường này thôi…thật là dễ thương, vì tôi chỉ muốn làm con nít, làm người lớn sao…mệt quá!

Đây rồi con đường Trương Định …đi ngang Hội Quán Sinh Viên, và bỗng nhớ đến cái band aid của người xưa…

Hỡi “người Band aid”, anh đang ở đâu? Có nhớ năm nào không?

Nhưng rồi… thời của tin học…

Một hôm, đang lướt lưới tìm tài liệu cho công việc, tôi chợt thấy hàng chữ “blog của Đại Học Y Khoa Huế “…và rồi …

Sự kỳ diệu của thế giới ảo!

Tôi gởi thư hỏi thăm vài người bạn Y khoa năm xưa ở cùng cư xá… Khi nhìn thấy địa chỉ điện thư của tôi, anh ấy nhận ra ngay vì tên tôi rất đặc biệt, có lẽ chỉ có một tên như vậy thôi… .

Qua chừng đó năm …dù có vài mối tình đến với anh, nhưng anh không thể quên cái “band aid” đã đưa cho một người năm nào…

– “Bé band aid ơi, bé có người giữ sẵn băng trong bóp chưa? Bé có nhớ cái band aid ngày nào không?”

– Chúc Lang bị trầy xước nhiều lần, có khi phải băng nguyên cái băng bự to cơ đấy, nhưng không có ai có sẵn băng trong bóp cả, anh à…

  -Chúc Lang có nhớ mình gặp nhau lần đi cứu trợ lũ lụt ở quận Phong Điền, Huế không? Sau khi giúp quý đồng báo ở đó, nhóm sinh viên thiện nguyện đã có một buổi sinh hoạt chung với nhau, ca hát…và khi đứng thành vòng tròn, bé đứng cạnh một nam sinh viên, lúc đó mọi người đang hát bài “Thử Hỏi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh nhìn Lang khi hát “Tay có bằng lòng cho tay nắm lấy?”, và thấy anh ta đang cầm tay bé…anh buồn làm sao!  “

– Ah, tôi mỉm cười khi đọc dòng thư điện tử này- tôi nhớ ra anh chàng đó rồi, có lần đi trại cùng với  liên lớp Pháp ở biển Thuận An, anh ta rất cảm kích khi thấy trên đường về từ kỳ trại, tôi ngồi xuống nhặt cá tươi từ một gánh cá của chị bán hàng bị đổ xuống đất. Hôm sau anh gởi cho tôi hàng chữ : hình ảnh rất dễ thương mà anh không bao giờ quên, thể hiện lòng nhân ái của Chúc Lang… “Time never waits, they often say/But for Love, who knows, it may” ( Thời gian không bao giờ chờ đợi, họ thường nói như thế/ Nhưng biết đâu, đối với Tình Yêu, điều ấy rất khả thi)..

 Đâu có thấy thời gian có thể chờ đợi đâu ta?…

———-

Thư qua tin lại, anh đang sống ở một đất nước rất xa.

Nhưng, cho dù sông có sâu, núi có cao, biển có bao la mấy đi nữa…thì cũng không thể chia cách chúng tôi được nữa …

Đến kỳ họp mặt các cựu sinh viên nhân kỷ niệm 60 năm của Viện Đaị Học Huế, được gặp lại các Thầy Cô kính yêu để dâng lên các vị những lời tri ân sâu sắc… và gặp lại bao nhiêu anh chị em bạn bè ngày xưa thân ái, giờ đây ai cũng con đàn cháu đống. Mừng nhất là gặp được 4 người trong số 6 đứa thân thiết ở cư xá năm nào – lâu nay chúng tôi cũng có liên lạc nhau, cũng nhờ thời điện toán mà tìm ra nhau.

Mọi người đều rất vui mừng khi thấy anh Minh và tôi bây giờ được ở bên nhau.

Tôi nói với các bạn:  ” Món nợ band aid bây giờ đã trả được rồi nè các bạn ơi…!”

Nhưng tôi lại thêm:

” Phải chi hôm ấy đừng…đau

Phải chi hôm ấy đừng trao…cho người *3/-  

(cái band aid)

                                 &&&&&&

Một miếng băng dán nhỏ xíu mà dán được cả hai cuộc đời lại với nhau, mầu nhiệm thay!

Tháinữlan, mùa hè 2017, 60 năm Viện Đaị Học Huế-

 GHI CHÚ:

1/-Người Em Sầu Mộng– Tác giả: Nhạc Y Vân, thơ Lưu Trọng Lư

“Người em sầu mộng muôn đời”…

2/- Người Đi Qua Đời Tôi -Tác giả: Phạm Đình Chương

 ” Người đi qua đời tôi trong những chiều đông sầu”…

3/ – Mưa Bong Bóng – Tác giả: Lý Quang Diệu

“Phải chi hôm ấy đừng mưa

Phải chi hôm ấy đừng đưa em về “…

****

MỘT MÙA XUÂN RẤT XA    –  

Thương tặng các bạn sinh viên Huế, và các bạn cư xá Jeanne d’Arc & Xavier của thời vàng son dấu yêu-

Một ngày mùa hè …

*

 Ba chở tôi đến phi trường Phú Bài, Huế, đón cậu em từ Dalat ra để giúp Ba và tôi trong việc làm ăn của Ba. Me và ba em kia vẫn đi làm đi học ở xứ sở sương mù… Gặp lại em Vũ sau nhiều tháng xa cách, thật mừng rỡ… Lúc xưa cả gia đình Ba Me và sáu người con đều quây quần, rồi chị và anh lớn đi xa để tiếp tục việc học, còn lại bốn chị em rất thân nhau. Ôi bao nhiêu kỷ niệm…

Mới mấy năm nay Ba phải ra Cố đô để làm việc, một mình tôi đổi “cấp độ” từ nhỏ đến lớn, bi chừ là “Học Đại” rồi, nên theo Ba được.  

Em Vũ  mang theo cây đàn tranh cho tôi. Tôi mới học được vài tuần ở Tỳ Bà Viện. Khệ nệ cầm cây đàn, tôi băng qua phòng chờ ở phi trường, rồi lần ra bên ngoài chỗ để xe…Chợt có hai anh lái tàu bay từ bên phi trường quân sự tiến đến, hỏi chuyện…

Có lẽ vì nhìn thấy một con bé với vẻ mặt chẳng có gì là nghệ sĩ mà lại đi chơi loại đàn xưa và rất khó này rồi hai “ông ” ấy tò mò chăng?

 Biết chúng tôi ở xứ ngàn thông, các anh rất thích, họ là người dân xứ biển Nhatrang hiền hòa, và thường bay lên đó, họ rất thích thành phố buồn của chúng tôi…

Vài tuần sau, đến lúc nhập học, em tôi phải trở về Dalat, còn tôi thì vào cư xá “để học cho yên” – Ba bảo như rứa…

Vài ngày sau khi đi học, một anh tài xế máy bay ấy, anh Quang, đã đến cư xá và xin “sơ”(soeur) trông coi phòng khách để gặp tôi.

Tôi chưa gặp anh Quang được, vì tôi chưa thưa chuyện với Ba Me tôi. Anh ấy ra về… Vài ngày sau, tôi nhận được lá thư của anh gởi từ Nhatrang… Tôi đã đưa thư cho Ba đọc, (tự tôi cảm thấy cần cho Ba đọc, vì Ba đâu có cấm cản chi mô?) Ba nói lời thư có vẻ chân thành, nhưng ” chưa biết con ạ, các anh ấy thường rất bay bướm”,…nếu anh ấy muốn gặp con ở cư xá, con có thể nói chuyện (vì Ba biết trong phòng khách, luôn có sơ làm việc giấy tờ), và con có thể trả lời thư…

 Nhiều tháng trôi qua… Anh thường có dịp phải bay ra Huế, có lần anh và bạn đều lái trực thăng vòng vòng quanh sân trường của tôi. Trời ơi! Cứ bay vần vũ quanh quanh như rứa…Thầy Cô và bạn bè không hiểu chuyện gì đang xảy ra..! Chỉ có Kim Thoa & Ngọc Quỳnh ở cùng phòng cư xá với tôi biết là ai thôi :  “Răng mà anh nớ gan cùng mình ghê luôn”!

 Rồi còn đi với bạn để đón tôi lúc tan trường… tôi luôn đi với cô bạn thân Kim Thoa, anh ấy cũng luôn có thêm một người bạn đi cùng…

Muốn độn thổ luôn, trời ạ! Hai ông lính thuộc loại dữ dằn, mặc áo bay, đi kèm với hai con bé “chưa lớn”, làm chúng vừa đi vừa nép vào nhau, che mặt mình không hết, cả trường ào ra như ong vỡ tổ,…ai đi xe ra cũng ngoảnh mặt lại nhìn xem hai “con” nào mà ghê gớm rứa hè..?

Thôi thôi bước đi cho nhanh cho rồi…làm hai ông phải la lên:  “Hai cô làm gì mà như bị ma đuổi vậy?”

Tôi phải cằn nhằn: -” Sao anh muốn đến trường mà không nói trước, để bây giờ … làm sao mà trốn đây? Ngày mai vô lớp học thì chịu sao cho thấu?

– Thì Thanh Lan cứ bảo là: ông anh ở Nhatrang đi công tác ra thăm em thôi mà, có gì nghiêm trọng đâu?…”

Sau này tôi mới biết, anh ấy lúc nào cũng vậy, những việc gì nguy hiểm, kinh khủng…tất cả đối với anh đều … nhẹ “như lông hồng”… Có lúc thì tốt, nhưng có khi lại không tốt đâu nhe!

Ngày thường thì chúng tôi vừa rảo bước vừa nhìn ngắm cảnh thơ mộng của kinh đô các “mệ” ngày xưa,  nhìn qua con sông với cầu Trường Tiền nên thơ, hàng cây Phượng vỹ đến mùa hè nở đỏ rực cả một góc trời…ở xa kia là núi Ngự Bình,.. Ngắm hoài không chán.. Nhưng hôm nay hai đứa chỉ cúi mặt mà chạy, không dám nhìn ngang ngửa chi hết…

 Hai anh chỉ đưa chúng tôi về cư xá, vì chúng tôi không đi ra quán uống nước với các anh, xứ Huế rất cổ kính, và cổ hủ về phong tục, nên chúng tôi rất ngại…

 – Thanh Lan, mai tụi anh lại phải bay đi Pleiku rồi, cho anh nói chuyện với Lan một chút nhé? Bạn tôi lên phòng, anh Hoàng, bạn của anh Quang bảo anh ấy ra quán càphê gần đó đợi …Anh Quang vô phòng khách nói chuyện với tôi một chút, anh hỏi thăm tôi về việc học, về các em,.. rồi dặn tôi nhớ trả lời thư cho anh, khi nào mùa hè tôi về xứ sương mù, có dịp anh sẽ bay lên để thăm Me và các em, rồi sang năm học tới anh sẽ ra đây thăm Ba tôi.

Sang hè, khi tôi về Dalat nghỉ vài tuần, anh ấy  đến nhà và nói chuyện với  Me và các em tôi. Có một hôm, em tôi mới đi lấy hình chụp cả nhà về, và để trên bàn phòng khách, tôi chưa kịp cất, anh ấy đến, và muốn xem. Anh chọn một hình chân dung của tôi, và nói rằng kỳ này các anh sẽ đi Bảo Lộc, sẽ có giờ rảnh, anh muốn vẽ hình tôi…Ít lâu sau tôi nhận được một bức hình vẽ bằng bút chì rất đẹp,..tôi lại biết thêm một tài năng của anh ấy…

Sau này anh vẽ hình các con, chắc là tuyệt lắm nhỉ?  (ôi, lại mơ mộng hão huyền nữa rồi, cô bé ạ)

Anh đưa cho tôi tập thơ “Ta Chờ Em Từ Ba Mươi Năm” của thi sĩ Vũ Hoàng Chương…

Không biết lúc đó anh bao nhiêu tuổi nhỉ?

1975…

Vài tháng thư từ, độ này anh không bay ra Huế nữa…

Tháng 3… Người dân Huế vẫn chưa hết đau thương với Mậu Thân 1968, nay lại lảo đảo chồng chất trên những chiếc xe đò lớn nhỏ để vô Đà Nẵng, có xe traction ngày thường chỉ chở được 5 người, nay chất thành 8, 9, 10 người,.. rồi những xe minivans thì nhét như cá hộp…

 Vô Đà Nẵng cũng không yên,… lại ùa nhau ra phi trường, ra bến cảng … Tôi cùng gia đình người bác ruột lênh đênh trên biển cả một tuần,  (Ba đã đi nước ngoài vì công việc, sắp về lại). Suốt một tuần lễ, lênh đênh cũng mây nước, tôi không biết giờ này Ba Me tôi ở đâu, các anh chị em có được bình an không…Bảy ngày , mà dài như bảy năm, buổi tối dài lê thê, không thể nào chớp mắt với sóng biển dập dềnh, ban ngày thì khô rát, nóng cháy….. rồi anh Quang ơi, gia đình anh có được an toàn không, anh đang ở đâu, cầu mong sao anh làm tròn nhiệm vụ người trai thời loạn, như bậc cha anh, nhe anh,..dù cho có hy sinh cũng không màng, anh ơi,..

Xà lan cặp bến Vũng Tàu… Rồi lên Saigon…

Đến được nhà anh chị tôi, thật mừng rỡ biết bao khi gặp lại gia đình anh chị cùng Ba tôi vừa mới trở về được vài hôm, và Me cùng các em đang đi xe đò từ Dalat xuống đây..

Một buổi trưa, Hòn Ngọc Viễn Đông, trời nóng như thiêu… em Vũ  , – lại cũng cậu em “xe tơ” này, – chở tôi đi Honda trên đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận, đến đường ray xe lửa, đèn đỏ…nhìn qua con đường đối diện,… thấy anh Quang!

 Ôi, phải chăng đây là ý trời…? Nhiều tuần nay không được tin tức… nay được gặp lại anh…

Buổi tối, cuối tháng 4, anh Quang đến nhà anh tôi ở Quận 5,… gặp BaMe tôi (lúc đó cả gia đình đều về nhà anh Chung của tôi), và xin cho tôi được bay đi đảo Guam, xứ Cờ Hoa, với anh cùng đồng đội. Tôi không chịu, vì đi như vậy, biết có gặp lại Cha Mẹ anh chị em được không, với lại đã cưới hỏi gì đâu…?

Vài tháng sau… Gia đình anh, sau khi ở tạm nhà bà con ở Saigon ít lâu, đã trở về miền Thùy Dương..

Tôi theo Ba về Nhatrang để thăm người Cô ruột, chị của Ba.

Tôi được đi ra biển với anh, một buổi chiều…sóng thật lớn…

Suốt bao nhiêu tháng quen nhau, đây là lần đầu tiên tôi đi ra ngoài với anh..

Tôi luôn yêu thương thành phố biển này, ngày xưa cả gia đình thường được Ba chở đi nghỉ hè, cả mấy chị em tôi đều rất mê biển, cát, và sóng… Cả anh và tôi đùa nghịch với cát, nắm cát vào tay, bỏ vào tay đứa kia, nhưng không giữ được, chúng lại tuôn ra…Đi dạo, rồi chạy đuổi nhau ở mép biển, vừa nước vừa cát,..ôi hạnh phúc làm sao…! Đứng nhìn mặt trời lặn, sao đáng yêu quá, tôi luôn yêu cảnh mặt trời mọc hoặc lặn, nhưng sao hôm nay đẹp lạ thường…  “Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ”, nhưng Người vui thì cảnh lại quá thơ mộng…

Hạnh phúc ơi…!

Lúc đưa tôi về nhà Cô tôi, anh đưa tôi một tấm thiệp, hình bầu trời đầy sao, và bên dưới là một cô bé đang nhìn  lên  …  

Bên trong

Người là vì sao nhỏ bé

Ta mãi ước cho lòng làm bầu trời xanh xanh

Người về lòng ta thương nh

Ta khẽ hỏi đưa người hay thầm người đưa ta…”  *(1)

Hôm sau, anh đến nhà thăm Cô và Ba tôi… và xin phép đưa tôi đi dạo một vòng..

Những đường phố xứ biển quá đẹp, với từng hàng cây Phượng vỹ, vẫn còn đỏ rực hoa mùa hè muộn, cây trứng cá với trái nhỏ đỏ li ti thật  xinh  và những hàng  dương liễu dọc theo bờ biển, thơ mộng làm sao…  

Anh đưa tôi lên tượng Phật Bà thật uy nghi trên đỉnh đồi Trại Thủy, đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống thành phố thật đẹp… – đã in trong trí tôi bao nhiêu năm nay, bây giờ mỗi khi ngủ tôi vẫn thường nhớ lại cảnh tượng nên thơ này – Tôi rất thích tìm những cọng hoa mắc  cỡ ( Trinh nữ), rồi đụng vào lá cho chúng khép lại, và nói với anh: – “Anh ơi, mai sau anh trồng hoa mắc cỡ phía sau nhà mình để em chơi như thế này nhé anh?” Anh cười, chắc có lẽ chịu thua cái con bé lớn mà chẳng lớn chi hết này!

Sau khi đi một vòng, đến dưới chân bức tượng Phật, anh cầm tay tôi, nhìn vào mắt tôi thật lâu, và nói

– “Bé chờ anh nhé, bé ơi?”

Tôi thật nghẹn ngào, mãi lúc sau mới nói được: -“Em sẽ là Hòn Vọng Phu, nếu anh không trở về…”

………………..

Phút giây hạnh phúc như bóng câu qua cửa sổ..

Anh vuốt tóc em,  một lần cuối, một lần cuối cùng, rồi thôi….

Anh hốt trăng thanh, trên áo em xanh, một lần cuối, như những lần đó xa xôi“….*(2) 

Đến ngày Ba và tôi trở về xứ Ngàn Hoa, còn anh thì đi …biền biệt… đến bao giờ?

…………….

Trại tù… 

Anh viết : “Mỗi kỳ trăng tròn, anh thường nhìn lên ánh trăng, để tìm ánh mắt em phản chiếu trong đó, Ti ơi…Anh nhớ em quay quắt… nhớ đôi mắt thật buồn của em, bé ơi  …”

Thăm nuôi…

 “Em ngậm ngùi khóc thương

Thương anh đợi mòn mỏi

Hờn căm ngút đoạn trường– ” *(3)

…………………

…Ngày anh Trở về…Mừng mừng tủi tủi…

Kể làm sao cho xiết…

Rồi ngày được định cư ở bến bờ tự do…

Ba ơi, cái ông tài xế máy bay ni không có bay bướm chi hết, Ba à…

Bao nhiêu mùa Xuân đã đi qua… Anh và em đều mong ước một mùa Xuân  được trở về, để đến  những nơi chốn của thuở vàng son ấy…

&&&&&&&&&&&&

Đất Mẹ, ngày trở về, để đón mùa Xuân như ước mơ, nhưng  chỉ có các con và em … Anh đã ra đi…

Saigon, Dalat, Huế…Và sân bay Phú Bài.

Tất cả đã không còn như xưa… Ngôi trường mến yêu, những con đường thân thương …

Nhưng đối với anh và em, vẫn thật đáng quý, những nơi tràn ngập kỷ niệm dấu yêu, kể cho con nghe… Thương quý nhưng nghẹn ngào làm sao…

Và Nhatrang, sóng biển và cát….

Hôm nay ngày rằm cuối năm, trăng sáng vằng vặc, em lại nhìn lên ánh trăng, tìm đôi mắt của anh, như ngày xưa mắt anh và em nhìn nhau trên đó  anh ơi …

Ngày mai em sẽ đưa các con lên đồi Trại Thủy, nơi có tượng Phật Bà, và kể cho con nghe về cái ngày xa xưa yêu dấu ấy, anh ơi…Bây giờ em không thể làm Hòn Vọng Phu để chờ anh được nữa rồi, em còn bổn phận với con cháu..

Anh đang ở đâu hở anh

Anh Quang ơi, từ nơi xa ấy, anh có cùng mẹ con em đi thăm lại những con đường có lá me bay, những đồi thông con suối, không anh…

Một mùa Xuân trọn vẹn của anh và em, sẽ không bao giờ có được…

……………….

Trong phòng của mình, vẫn còn bức chân dung ngày xưa anh đã họa lại hình em đó, Quang ơi… Và chiếc áo bay ngày nào của anh vẫn ở bên em…

Những tưởng yêu thương đến trọn kiếp

Mong sẽ trăm năm cùng bạc đầu

——

Vầng trăng xưa, ngươi có nhớ gì không?- 

Vũ Hoàng Chương- Ta Đợi Em Từ Ba Mươi Năm

TháiLan/nữlan-Dallas- 2016

———————-

1/–  Hai Vì Sao Lạc– Anh Việt Thu

2/- Một Lần Cuối– Hoàng Thi Thơ

3/-  Hai Hàng Cây So Đũa -Thơ: Nguyên Huy- Nhạc: Trọng Minh

error: Content is protected !!