Văn

THÁO GIÀY – Quyên Di

T H Á O G I À Y
(Bài này không liên quan gì đến chuyện “thầy giáo… tháo giày” và “giáo chức… dức cháo.”)

Tôi nhớ lại một truyện rất lý thú về sự tích đôi giày.

Truyện kể rằng ngày xưa có một ông vua sống rất xa xỉ. Mỗi khi đến đâu, ông bắt dân chúng nơi ấy phải trải thảm nhung trên tất cả những con đường ông đi qua. Càng được đón tiếp long trọng, ông càng thích đi; và ông càng đi, người ta càng phải trải nhiều thảm nhung cho ông bước lên.

Cho đến một ngày, người ta không kịp sản xuất nhung để lót đường cho ông vua. Điều này làm ông tức giận và ra lệnh rằng ông đến đâu mà không có thảm nhung lót đường, cả dân vùng ấy sẽ bị giết chết hết.

Thế nhưng đã có một người đến xin yết kiến vua, ông ta cam đoan rằng nếu vua theo ý ông, vua đi đâu thảm nhung cũng có sẵn mà không phải huy động một ai cả. Vua bằng lòng, và ông nọ dùng hai mảnh nhung nho nhỏ, khâu thành một đôi giày nhung rồi mời vua xỏ chân vào.

Thế là từ đó, vua đi đâu “thảm nhung” đi theo đến đấy.

Kỹ nghệ làm giày từ đó dần dần thành hình và phát triển.

Truyện này khiến tôi suy nghĩ và cảm thấy có liên hệ tới tính chất của những đôi giày. Đôi giày tượng trưng cho sự giàu có, hay ít ra cũng là đủ ăn đủ mặc, đôi giày làm cho người ta trở nên chững chạc, lịch sự. Đi đến nơi nào có vẻ quan trọng một chút, người ta xỏ chân vào đôi giày, tự nhiên trông có vẻ tươm tất ngay. Bà phu nhân của cố tổng thống Phi Luật Tân Marcos có tới vài trăm đôi giày đắt giá (1).

Tôi không biết có ai trong chúng ta có tới vài trăm đôi giày như vậy không, nhưng chừng vài chục đôi thì tôi cũng đã biết có người. Có những người ham thích mua giày, dư tiền một chút, họ đi sắm giày. Những đôi kiểu mới, họ mang thử vào chân, ngắm nghía rồi mua đem về, dù rằng những đôi cũ còn rất tốt, lại có những đôi họ chưa xỏ chân vào lần thứ hai.

Chính vì có nhiều người ham thích mua giày, đóng giày mà kỹ nghệ sản xuất giày phát triển rất mạnh, với nhiều hãng giày nổi tiếng. Có những đôi giày trị giá mấy trăm Mỹ kim (2), trong khi một đôi dép dùng hằng ngày trong nhà có thể chỉ phải mua với giá hai, ba đồng.

Đôi giày làm thành ranh giới của người no đủ và người nghèo đói. Đôi giày cũng làm thành ranh giới của người tự do và người nô lệ. Ngày xưa, trong một số xã hội nào đó, chỉ những người tự do mới được quyền đi giày, còn người nô lệ phải đi đất. Nhưng đôi giày cũng là vật tượng trưng cho sự gò bó. Đôi giày trở nên nỗi cực hình đối với những ai thích cho đôi chân mình được thoải mái. Tôi vốn thích đi dép hoặc xăng đan “cho nó mát.”

Ngày đầu tiên đi dạy học, tôi cũng định lê đôi dép vào trong lớp, nhưng mẹ tôi đã đe: “Nếu con không chịu mua giày và không chịu đi giày, mẹ không cho con tới trường dạy học.” Tôi hoảng quá, đành phải đi sắm giày mà trong lòng lấy làm đau khổ vô cùng. Bây giờ, tôi vẫn có thói quen đi dép hay đi xăng đan. Và đang khi có đôi chân thoải mái như thế, tôi nhìn những người bạn phải đi giày suốt từ sáng đến tối mà thương cho họ. Nhất là những cô phải xỏ chân vào đôi giày cao gót và để đôi giày ấy đeo cứng chân mình, dù đi, dù đứng, dù ngồi; chắc là bí bức, gò bó lắm. Nhưng nói vậy thôi, có nhiều người sẵn sàng chịu sự gò bó để cảm thấy mình đẹp và được khen là đẹp.

Tuy nhiên, tôi cũng thấy có nhiều người, nhất là những người trẻ, bước đi trên đường phố bằng những đôi chân trần không giày dép. Những người trẻ này có lẽ không thích sự gò bó, dù là sự gò bó của đôi giày hay sự gò bó của những luật lệ, định chế xã hội.Có một khoa nhìn giày để đoán ra tính nết người đi đôi giày đó. Người ta nhìn đôi giày mòn ở mũi hay ở đế, mòn phía trong nhiều hay mòn phía ngoài nhiều, rồi từ đó đoán ra người đi đôi giày ấy tính hướng nội hay hướng ngoại, bình tĩnh hay hấp tấp, cương quyết hay e dè v.v…

Tôi không biết những điều ước đoán ấy đúng, sai ra sao, nhưng từ lâu tôi vốn thích ngắm những đôi giày mòn vẹt hơn là nhìn những đôi giày bóng loáng chưa đụng đất trong tiệm bán giày. Giày đẹp mấy mà chưa dùng đến thì cũng chưa đem lại chút lợi ích gì cho con người. Giày càng mòn, càng vẹt bao nhiêu, càng chứng tỏ nó đã giúp cho con người đi chuyển nhiều bấy nhiêu. Đẹp mà không giúp ích cho đời, cũng không quý bằng dù tàn tạ nhưng đã đem lại ích lợi cho đời sống con người.

Ai từng đi giày cũng có một đôi giày mình ưng ý nhất, đôi giày ấy đi vào vừa vặn, bước đi thật êm, nó không cọ xát khiến đôi chân đau bỏng, nó không bó đôi chân lại khiến chân bị tê buốt, nó cũng không lỏng lẻo khiến cho đôi chân muốn tuột ra ngoài. Khi có một đôi giày ưng ý rồi, ta không thích đi đôi giày khác, nhất là không thích dùng giày của người khác. Đôi giày khi đó trở thành vật biểu tượng cho sở thích, cho bản tính của mình.

Có lẽ chính vì thế mà lâu nay người ta có thành ngữ “đi giày nhiều người’.” Thành ngữ này có nghĩa là khi làm việc, ta phải chiều theo tính nết của quá nhiều người thì việc mới thành tựu được. Phải “đi giày nhiều người” là một tình trạng rất khổ tâm của những người muốn hoạt động hữu hiệu cho một mục tiêu cao đẹp, mà cứ phải chiều ý hết người này tới ngườii khác. Mặt khác, “đi giày nhiều người” cũng là câu chê bai dành cho những ai không dám tự quyết, không dám can đảm dấn thân, bất chấp những nhân sự “cản mũi kỳ đà,” mà cứ luôn luôn phải làm theo ý người này, người nọ.

Tôi đã có lần được “tháo giày” một cách hết sức thoải mái.

Chuyện “tháo giày” của tôi không liên quan gì đến nghi lễ tối thứ Năm Tuần Thánh, các viên chức đóng vai mười hai tông đồ, tháo giày ra cho vị linh mục chủ tế, bắt chước Chúa Giê-su, rửa chân cho mình. Chuyện “tháo giày” của tôi hoàn toàn khác. Tôi được gọi đến dự một cuộc tĩnh tâm của giới trẻ. Sau những nghi thức và những bài giảng, đêm đã về khuya. Đây là thời điểm thuận tiện nhất để những người trẻ ngồi lại với nhau, tâm sự về những thao thức, những ước vọng, những suy tư của mình.

Để tạo bầu không khí thân mật, người phụ trách kêu gọi mọi người ngồi xuống đất bên nhau thành vòng tròn, thay vì ngồi trên ghế. Muốn ai cũng có thể ngồi thoải mái, người phụ trách xin mọi người tháo giày ra trước khi ngồi. Khi được lệnh “tháo giày,” tôi là người sung sướng nhất. Lúc nào tôi cũng mong đợi chân mình được tự do! Vừa tháo giày, tôi vừa quan sát những người trẻ chung quanh. Một số tháo giày ra ngay; một số khác còn ngần ngừ, như còn e dè, nuối tiếc gì đó. Nhưng rồi cuối cùng ai cũng tháo giày ra hết. Với đôi chân thoải mái, mọi người ngồi xuống đất, vòng tròn thu hẹp dần, thu hẹp dần, cho đến khi vai người này có thể chạm được vai người khác, đầu người nọ có thể chụm vào đầu người kia. Và họ bắt đầu chia sẻ với nhau về những ưu tư, khát vọng, mơ ước, hạnh phúc, đau khổ của mình.

Đúng lúc ấy tôi nghĩ tới đôi giày mọi người vừa tháo khỏi chân. Đôi giày, nhìn dưới một khía cạnh nào đó, chính là bản chất riêng của mỗi người. Để có thể ngồi sát bên nhau, vai chạm vai, đầu chụm đầu, nghe được nơi nhau những lời chia sẻ thân tình, chúng tôi phải tháo đôi giày, phải cởi bỏ bản chất riêng của mình trước đã, rồi mới có thể hoà đồng trong một bầu khí chung, một tâm tình chung. Những giọt lệ nơi khoé mắt tôi ứa ra một cách kín đáo.

Tôi ước mong trong cuộc sống, tôi và các bạn tôi biết nhận thức rằng: rất nhiều lúc, chúng tôi phải tập “tháo giày,” tập cởi bỏ bản chất riêng để cùng nhau theo đuổi một mục đích chung. Cùng nhau đi chân trần trên đường hướng về lý tưởng, có lẽ thích thú hơn lộp cộp với đôi giày để bước những bước độc hành.Viết riêng cho anh chị em Ki-tô hữu:Dụ ngôn “đứa con hoang đàng” trong Phúc Âm cũng có hình ảnh của đôi giày. Khi đứa con hoang trở về, nghèo đói, rách rưới quỳ xuống chân cha nói lời tạ tội và chỉ mong cha cho trở về, nhận làm kẻ hầu người hạ trong nhà chứ không dám mơ được nhận làm con như trước; người cha nhân lành đã đỡ con dậy, gọi gia nhân đem áo cho mặc, nhẫn cho đeo, giày cho đi. Đôi giày ấy thay cho lời người cha, nói với người con rằng: “Con là con cha, là người tự do, con không phải là kẻ ăn người ở, không phải là hạng nô lệ trong nhà này.”

Có người rất quý trọng đôi giày mòn, vẹt của mình. Người ta kể rằng một tu viện nọ tổ chức một cuộc tĩnh tâm. Cuối ngày, cha tu viện trưởng nói với mọi người để lên bàn vật mình cho là quý nhất. Các tu sĩ lần lượt để lên bàn những báu vật của mình. Người thì đặt lên một cây thánh giá bằng vàng, người khác là một cuốn thánh kinh đóng bìa da công phu, người khác nữa là một cỗ tràng hạt bằng bạc… Đến lần vị tu sĩ kia, ông thản nhiên cúi xuống tháo đôi giày cũ kỹ, mòn vẹt của ông và trịnh trọng đặt lên bàn. Mọi người ồn ào, bất mãn, người ta cho rằng vị tu sĩ kia ngạo mạn và bất kính đối với người khác và đối với những báu vật của họ. Tu viện trưởng ra lệnh cho vị tu sĩ kia giải thích tại sao lại cho đôi giày cũ kỹ bụi bặm kia là vật quý nhất, vị tu sĩ trả lời:

“Vì chính nhờ nó, con đã đem được Tin Mừng của Chúa Ki-tô đến biết bao con người ở những miền đất xa xôi.”

Câu chuyện này khiến tôi liên tưởng đến lời của tiên tri Isaia: “Đẹp thay bước chân người đi gieo rắc Tin Mừng.”Chúng ta học được gì qua hai hình ảnh trên?

QUYÊN DI

(Trích “Nhìn Xuống Cuộc Đời,” 1995)____________________________(1) Bây giờ tôi biết bà Marcos không phải chỉ có vài trăm đôi giày, số giày của bà lên tới con số hàng ngàn.

(2) Tôi thật nhà quê! Giày giá mấy trăm Mỹ kim đã là gì. Có người sẵn sàng bỏ tiền ra mua những đôi giày giá mấy chục ngàn Mỹ kim

error: Content is protected !!