Tài liệu

RUPERT NEUDECK – ĐẠI ÂN NHÂN CỦA THUYỀN NHÂN VIỆT NAM

RUPERT NEUDECK – ĐẠI ÂN NHÂN CỦA THUYỀN NHÂN VIỆT NAM.

Le Sa Long


Ngày 31-5-2016, tại Bệnh viện Koln ở nước Đức, đã có một trái tim nhỏ ngừng đập ở tuổi 77. Đây là một tin gây rúng động cho nhiều cộng đồng, đặc biệt là người Việt Nam di tản hiện đang sống tại Đức, vì người đó là Tiến sĩ Rupert Neudeck – một nhà Thần học Công giáo, một nhà báo, nhà hoạt động xã hội.

Những năm 70-80 của thế kỷ XX, do phương tiện truyền thông bị hạn chế, cũng như tin tức về người vượt biên rất nhạy cảm theo quan điểm của nhà cầm quyền, nói chung chưa có Facebook, Twitter… như thời bây giờ nên những vụ đắm tàu, cướp biển tấn công, hãm hiếp người di tản, một số nước châu Á cho tàu quân đội ra xua đuổi tàu chở thuyền nhân khi vào lãnh hải của họ… ít người biết đến. Nhưng lúc đó, ở các nước phương Tây, tin tức này là thời sự, nó cũng như cảnh ta đang xem trên tivi mới đây về những người dân Somalia, Lybia vượt biên chết hàng loạt trên biển.


Tình cảnh thê lương cùng đường bị xua đuổi như tội đồ của họ đã đánh động trái tim của TS Rupert Neudeck. Nó thúc đẩy ông dấn thân hành động bằng cách kêu gọi chính quyền Đức, cộng đồng xã hội, tôn giáo, các bằng hữu hãy cứu giúp những thuyền nhân Việt Nam đang bị nạn như thuyền hết xăng dầu, lương thực, chết máy, bị cướp bóc… đang lênh đênh trên biển. Khi bị nhà cầm quyền từ chối, ông không nản lòng mà đã cầm cố ngôi nhà của mình, kêu gọi bạn bè thân nhân góp tiền của để đóng thuyền ra khơi cứu người Việt Nam.

Câu chuyện về người có trái tim nhân ái này được ông Franz Alt, sau này là giám đốc Đài truyền hình Baden, kể lại vô cùng ấn tượng: “Ông ấy gõ cửa xin tôi phát lời kêu gọi cộng đồng, tôi bảo không thể làm thế được vì một ý kiến cá nhân. Ông ấy kêu gào: “Chẳng lẽ chúng ta cứ nhìn thảm cảnh như vậy mỗi ngày sao?”. Tôi trả lời: “Tôi có thể làm được gì?”. Ông ấy trả lời: “Tôi có thể cầm cố ngôi nhà đang ở để khởi sự cho chuyến đi biển”. Tôi đành nhượng bộ trước quyết tâm của con người này và cho ông ấy hai phút để phát sóng”.


Đúng vậy, sau lời kêu gọi trên đài, chỉ ba ngày sau, cả nước Đức đã hưởng ứng với số tiền đóng góp lên đến 1,3 triệu mác (tiền Đức thời bấy giờ) để thuê chiếc tàu Cap Anamur đầu tiên ra khơi vào ngày 9-8-1979 với sứ mệnh cao cả là cứu vớt người Việt Nam gặp nguy khốn trên biển Đông.
Tiếp theo đó là thêm hai chiếc Cap Anamur được hạ thủy nhờ vào sự ủng hộ của những người có từ tâm. Trong thời gian 7 năm hoạt động (1979-1986), tổ chức Cap Anamur đã cứu vớt được 11.300 người vượt biển trên 223 chiếc ghe/thuyền và hầu hết được định cư tại nước Đức. Để làm được việc này, chính ông cùng với nhà văn Heinrich Boll – người đoạt giải Nobel Văn chương năm 1972 – và thân hữu đã thuyết phục thành công chính quyền Đức cho thuyền nhân Việt Nam được nhập cư vào nước này.


Được biết, ngoài việc cứu giúp cho người Việt, tổ chức do ông sáng lập đã có hoạt động giúp đỡ nạn nhân chiến cuộc tại Somalia, châu Phi, Afghanistan, Pakistan. Để tỏ lòng trân trọng công lao to lớn của ông, nhà cầm quyền Đức đã tặng ông Huân chương Chevalier cao quý, nhưng hai lần ông từ chối.
Chính ông đã đánh động lương tâm của nhiều người, trong đó có người Mỹ và người Việt Nam tại Mỹ. Năm 1979, chính Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã ra lệnh cho 5 tuần dương hạm đi cứu vớt những thuyền nhân và cho họ được nhập cư vào Mỹ.


Hãy tưởng tượng 11.300 người, từ năm 1979 đến nay, hơn 40 năm, số lượng này tăng lên bao nhiêu, nếu tính luôn việc họ bảo lãnh cho người thân từ Việt Nam sang thì có hàng chục ngàn số phận đã đổi thay từ nhân duyên này.


Ông kể về thời niên thiếu của ông:
Lúc còn bé, thời Đệ nhị Thế chiến, ông và gia đình đã nhỡ một chuyến tàu tỵ nạn và chuyến tàu xấu số đó trúng thủy lôi của Hồng quân Liên Xô, chìm ngoài biển, mang theo trên 9.000 người. Có lẽ biến cố này đã gây ấn tượng quá lớn với một cậu bé để, khi trưởng thành, nó thôi thúc ông làm một nghĩa cử gì đó cho những nạn nhân trên biển cả chăng?


Ông ra đi về nơi thanh thản sau khi làm được việc lẽ ra của Thượng Đế, là đem sự sống lần thứ hai cho hàng chục ngàn người, và nhờ đó ông trở thành bất tử.


(*) Theo fb Pham Phu Yen.

error: Content is protected !!