Văn Thơ

MỚ TÓC – Cao Mỵ Nhân & TRANH THƠ Lê Văn Hải + THƠ Cảm Tác & Thơ Họa – Phương Hoa & Minh Thúy + Thơ Cảm Tác Lê Tuấn

MỚ TÓC

(Cảm tác từ bài viết “Mớ Tóc” của nữ sĩ Cao Mỵ Nhân)

Mớ tóc ngang lưng vốn mượt mà

Dáng kiều một thuở đẹp như hoa

Áo bay theo gió hồn trong trắng

Tâm quyện cùng mây tuổi ngọc ngà

Sóng biếc làn thu say dũng sĩ

Suối huyền sắc hạ rực gương nga

Đã đành…xuống kéo vì non nước

Tóc ngắn tình dài vẫn thiết tha…

Phương Hoa – May 19th 2021

***

TÓC THỀ

(Họa)

Ngày xưa mái tóc mượt xinh mà 

Thiếu nữ bao thời đẹp tợ hoa 

Hạ đắm khoe tà tô dáng lụa 

Thu say phủ lối điểm thân ngà

Ru mây rắc tím hồn thi sĩ 

Thả gió đơm hồng bóng nguyệt nga

Suối nghiệp đường tình buông quá khứ 

Thay vào kiểu ngắn mộng đời tha 

               Minh Thuý Thành Nội

                   Tháng 5/19/2021

MỚ TÓC

Cao Mỵ Nhân

Nói tới “Mớ tóc” thì không có thể ngắn trên cổ áo như quy định của đoàn Nữ Quân Nhân Quân Lực VNCH chúng tôi thủa trước 30 -4 -1975 được.

Mớ tóc mà quý vị thường thấy trong cuộc đời đàn bà con gái, là những mái tóc dài từ ngang lưng đến phết gót, còn gọi tóc dài đến quét đất, mới là rõ ràng.

Hôm nay tôi nghĩ về những mái tóc dài của quý vị nữ lưu xứ Bắc kỳ ngày xưa, khi tôi lớn lên được thấy.

Và những mái tóc thề thả ngang lưng mà cả một nền văn hoá Huế không thể thiếu, nếu nhắc đến hay bàn về “Mớ tóc VN”

Riêng “Mớ tóc” phụ nữ miền Nam, thì hầu như đã “quốc tế hoá” lâu đời rồi .

Thế thì để đan cử một hình ảnh chung chung rõ nét nhất, tôi xin phép được kể về “Mớ tóc” của tôi.

Khi tôi đưa “Mớ tóc” của tôi ra ánh sáng, là phần nhận xét thắng thế của …anh đã “bất chiến tự nhiên thành”, hay là anh sẽ cười thầm tôi: “Chẳng ai khảo cũng xưng ra, dại thế, hoặc: khờ chi lạ, tự dưng thưa: lạy ông, tôi ở bụi này …”

Nghĩa là tôi rất không phụ nữ tí nào khi bàn tán về mái tóc của mình, lẽ ra phải dấu kỹ , bởi vì “Cái răng, cái tóc là góc con người”, mình phải huyền bí cho đời điểm trang chứ.

Chu choa, tôi lại nghĩ đơn giản thôi, được kể lể về mái tóc rất thờ ơ của mình, có lẽ  chỉ kể từ lúc còn để bum bê, khoảng 5,6 tuổi trở lên thôi, chứ trước nữa, tôi chỉ nhớ qua những tấm ảnh, giống như kể về tóc của ai không phải mình.

Vâng, thưa quý vị “Mớ tóc” của tôi bắt đầu xuất hiện thế này :

Trước hết, giai đoạn còn được lệ thuộc vào bố mẹ, ở Chapa Laokay Bắc Việt, khoảng đã 5,6 tuổi rồi, tôi chả cần soi gương cũng biết mỗi lần tóc lởm chởm ngang vai, là lập tức 2 chị em tôi bé nhất nhà, phải ngồi ở cái tràng kỷ, đợi bố tôi mang cái kéo cỡ vừa và cái lược sừng của chung cả nhà vẫn vắt vẻo trên giá gương ngoài sân vào nhà khách, rồi bảo : “Con MỸ cắt trước”, tức là chị Mỹ tôi phải cắt tóc trước.

Đương nhiên tôi phải đợi bố cắt tóc cho chị Mỹ tôi xong, mới tới lượt tôi.

Tôi không an tâm tí nào, lo lắng cái lưỡi kéo nó xước vào da mặt hay chiếc cổ ngoan cố cứ ngó ngoáy của mình.

Thậm chí có lần nước mắt cứ chảy vòng quanh vì sợ quá. Nếu mẹ tôi vô tình đi ngang, hay mẹ tôi cố ý đứng lại coi bố tôi cắt tóc cho 2 con bé gái thế nào, thì tôi là người nắm chặt tay mẹ, cúi mặt xuống, thút thít khóc.

Bố tôi không nhìn vì còn đang để tâm vào cắt tóc cho chị Mỹ tôi cơ mà, nhưng ông lại nói:

“Cái con Mỵ này mới hay, đã tới lượt mày đâu mà khóc chứ”

Khi nghe bố khẳng định chưa tới lượt tôi cắt tóc, tôi cũng lơ mơ hiểu là việc cắt tóc vô cùng dễ sợ, nên chưa chi tôi đã khóc rồi.

Thế là tôi khóc oà lên, thổn thức xin mẹ tôi cho tôi không phải cắt tóc trời ạ.

Tất nhiên chuyện cắt tóc đã là thường kỳ, chả biết bao lâu một lần, nhưng hễ tóc chấm vai, là bố tôi đã cho kéo tung hoành trên  “Mớ tóc” bé thơ của chị em tôi, biến mớ tóc thành hình “cánh cửa” .

Tóc cánh cửa là tóc để thẳng vòng quanh đầu, riêng phần trán cắt ngang, cho tới sau này, đã già rồi, mà tóc tôi vẫn đang chơi kiểu bum bê hình cánh cửa gọn gàng, dễ gội, chẳng cần phải uốn éo tóc kiểu gì cho mất thì giờ nữa .

Thế rồi tôi ngồi vào ghế đầy tóc rơi của chị tôi, mẹ tôi rũ cái khăn che trước ngực tôi, cột chéo quanh cổ tôi, bố tôi ngó tôi khổ sở vì cắt tóc, cười với mẹ tôi:

“Con MỸ nó ngoan thế, bố cắt mau mắn xong rồi, mà hễ cứ con MỴ này là nó cọ quạy sợ hãi như chết đến nơi vậy”.

Tôi được mẹ tôi ngồi cạnh, cầm bàn tay toát mồ hôi trộm của tôi, tôi cứ nhìn mẹ tôi chăm chăm khổ não. Cho tới khi bố tôi buông kéo, chải tóc tôi, rồi rũ khăn phành phạch, tôi mới hoàn hồn.

Sau giai đoạn tóc “cái cửa”, là tóc bờm xơm, vô tổ chức.

Bấy giờ tôi quanh tuổi lên 10, học tiểu học trường nữ tiểu học Lệ Hải ở Hải Phòng.

Đã bắt đầu mặc áo dài đi học. Chị em tôi có khá nhiều áo dài. Nhưng đặc biệt “Mớ tóc” thì tôi quên béng.

Lúc nhớ là bố tôi cho mỗi đứa một cái lược xước bằng nhựa …Mỗi lần chải tóc xong, là xước cái lược lên tóc, từ trán đẩy ra sau, thay cho kẹp như các chị lớn ngoài đường.

Chị Mỹ tôi lược mầu xanh, tôi mầu hồng.

Rồi từ bỏ lược xước lúc nào không hay. Tóc tôi thả ngang vai, chúng tôi vẫn chưa quan trọng “Mớ tóc” như các bạn tuổi “Teen” bây giờ.

Sau đó, lớn hơn vài tuổi, tóc chúng tôi đã kẹp đuôi gà. Tức là tóc đã dài hơn, túm lại đằng sau, rồi kẹp lại bằng một cái kẹp ba lá.

Chúng tôi đã lên trung học, tóc dài lúc nào cũng không hay như giai đoạn vừa kể trên.

Tôi cũng đã làm thơ và viết truyện nhi đồng gởi đăng báo .

Di cư vô Nam, học nữ Trung học Trưng Vương với “Mái tóc dài quá lưng,” nhưng vẫn kẹp lại.

Một số bạn bè đã uốn tóc. Chị lớn nhất nhà tôi, tên Thy đã uốn tóc cho hợp không khí Saigon.

Tôi giữ mái tóc dài này e cũng 5, 6 năm, hết thời trung học .

Thi vô trường Cán sự Xã Hội Caritas của các soeur dòng Nữ Tử Bác Ái, đường Tú Xương Saigon, nhận bộ đồng phục trắng của các khoá sinh y tá xã hội và tấm voan che đầu.

Gần như mọi học sinh đó phải để tóc ngắn, mới tiện phủ voan che kín cả phần vai áo blouse và tablier, chỉ một mình tôi trong lớp học 10 chị em là còn tóc dài.

Tôi có thể toàn quyền thay đối “Mớ tóc” chứ, đã nhận học bổng, lại buổi sáng đi tập sự ở các nhà thương, buổi chiều lên lớp học lý thuyết với trên 10 môn học, quá sức bận rộn mà tôi chưa chịu cắt tóc cho gọn gàng, gội chải mau chóng, tôi cứ ôm “Mớ tóc” làm gì cho khổ thân, rắc rối.

Song song với việc theo học nghề “Cán sự xã hội”, tôi còn tham gia hướng đạo, tôi là toán phó toán Lê Ngọc Hân, mỗi tuần phải đi họp một lần ở Hội Nữ Hướng Đạo VN, với bộ xiêm áo Hướng Đạo, cũng nên cắt tóc ngắn chứ.

Song, để thích hợp với 2 sinh hoạt nêu trên, tôi đã chia “Mớ tóc” rất dầy của tôi ra làm 2, thắt bím  cuộn lên cao, hay thả trước ngực.

Như thế cũng tạm ổn với “Mớ tóc” dài của tôi, mặc dầu tôi không ưa thích, mà tôi không cắt ngắn mới là lập dị.

Tới khi học xong, ngày mãn khoá cũng vẫn còn 2 bím tóc trên vai. Song, tình thế bắt buộc rồi, chúng tôi đã chính thức tới Cục Xã Hội Quân Đội, với quân phục hoàn toàn không thể dằng dai thêm “Mớ tóc” cổ điến trước sinh hoạt đoàn thể nữ quân nhân, luôn luôn bay nhảy khắp chốn, khắp nơi với mấy dạng bản quân phục dành cho phái nữ, gồm áo xiêm trong văn phòng, đồ trận treilli nơi công tác như thăm viếng tiền đồn, đồng bằng lũ lụt, lội sóng, qua phà vv…

Nghĩa là không còn cách nào giữ “Mớ tóc” dài được nữa .

Tuy nhiên, vì nhà ba tôi đã rời Tân Sơn Nhứt lên Đalat, tôi phải ở lại trường Caritas của các ma soeur, nên tôi hơi buồn , vì chị em cùng khoá ra ngoài phố ở hết, còn mình tôi với bạn bè các lớp khác của trường Caritas, tôi cảm thấy gần khuôn viên nội trú hơn là ra ngoài xã hội.

Thú thực tôi vẫn chưa có ý định gì về “Mớ tóc” của tôi. Nó như là đang mang một lời nguyền chi đó, tôi cứ băn khoăn, nằm úp mặt xuống gối ngày thứ 7 và chủ nhật trong khu nhà ngủ của trường. Tôi từ chối tất cả bạn bè thăm viếng, rủ đi chơi ăn uống, cine’ vv…

Một ngày kia, chị bạn thân của tôi, sau khi học xong, đã ra thuê nhà ngoài phố để ở cho tự do hơn, vô trường tìm tôi, chị ấy thấy tôi nằm khóc, thì cười khuyên rằng:

 “Mớ tóc”  dài thì đẹp đấy, nhưng nó không còn thích hợp với Mỵ nữa rồi. Thay đồ đi chơi mau…”

Tôi buồn thì đi chơi thôi, chị bạn kêu cyclo đến thẳng Tiệm uốn tóc ở ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt Saigon.

Chị nói với chủ tiệm : “Cắt tóc ngắn cho cô này cao trên cổ áo” .

Chủ tiệm uốn tóc là chú Tàu, đảo mắt qua “Mớ tóc” tôi, dừng lại ở cặp mắt đỏ hoe của tôi. Chú ta gật đầu cười như dỗ dành :

“Không sao đâu, tôi sẽ làm cho một mái tóc lẹp ( đẹp).

Vừa nói xong, không đợi tôi trả lời, chú Tàu đưa kéo lên cắt một chùm tóc đánh xoẹt đã, rồi đủng đỉnh mang một lô sách mẫu tóc cũ mới lẫn lộn tới trước mặt ghế tôi ngồi:

“Coi đi, muốn kiểu nào, tôi cắt cho kiểu đó…”

Chị bạn tôi cười rũ ra, nhìn “Mớ tóc” bị cắt một chùm của tôi: ” Bây giờ thì bắt buộc phải cắt tóc ngắn rồi, thực tế đã phải cắt thành kiểu, chứ Mỵ để tóc vầy đi về hả ? “

Tôi không cười được, mà khóc thì càng vô lý hơn .

Cả một sinh hoạt nghề nghiệp nhà binh bắt buộc rồi, đến nam quân nhân còn phải hớt tóc ngắn nữa là tôi, nữ quân nhân mặc xiêm y hằng ngày, tóc dài sao được .

Tôi chỉ một mái tóc thẳng, cúp vào cổ áo, chính là mái tóc bây giờ tôi vẫn để kiểu đơn giản đó đấy.

Chú Tàu cắt từng lọn tóc tôi thả xuống đất, tôi nhìn theo, chị bạn tôi thì dửng dưng vì chị uốn tóc quá lâu rồi.

Hình như con người ta, có vô tâm vô tính thế nào đi nữa, thì đứng trước cảnh hồn nhiên, nếu không muốn nói là “thánh thiện” cũng phải xúc động.

Chú Tàu cắt tóc tôi thủa ấy, cứ thỉnh thoảng lại chép miệng : “Uổng quá, nhưng nghe cô này nói, là chị bạn tôi, cô phải tóc ngắn mới đúng luật đi làm hả ?”

Tôi không trả lời, chợt nghĩ tới hàng chục những người thân quen mà từng ca tụng “Mớ tóc” tôi sẽ hoặc cười vui, hoặc lặng người đi, khi thấy mái tóc ngắn của tôi lát nữa đây.

Chị bạn mời tôi đi ăn cơm tiệm, đi coi một phim ở rạp Eden, rồi đưa tôi về trường Caritas mà hơn 3 năm chúng tôi nội trú, nay tôi đơn lẻ về trường với “Mớ tóc” lạ …

Nhưng mái tóc ngắn này lại phù hợp với không khí và khung cảnh trường Caritas của các soeur tây phương, mà đa phần là các nữ sinh người Pháp, lai Pháp, hay cô nhi Pháp bị bỏ lại…

Tôi vừa xuất hiện ở phòng ăn tối , thì tất cả reo lên :

“Cleopatre”, lý do tôi đã cắt “Mớ tóc” dài cố hữu của tôi, thành một mái tóc thẳng

cúp vào, mà bấy giờ chú Tàu cắt tóc đã không cắt ngắn lắm, còn một chút phủ tới vai, nên giống mái tóc Cleopatre đang chiếu ở các rạp Saigon mùa hè năm 1963 .

Như vậy tôi đã bỏ “Mớ tóc” dài 55 năm nay.

Anh mỉm cười bâng quơ: “Bây giờ photoshop  “Mớ tóc” cho người thơ tìm lại hình ảnh cũ nha, nhưng muốn Mớ tóc dài để làm chi đây?”

Cũng chẳng cần nữa, khi anh gặp mình, mái tóc đã ngưng chảy cả nửa trăm năm rồi mà.

Chúng ta hãy giữ gìn những gì chúng ta đang có, đừng để mất đi, như tôi bây giờ đã thân quý mái tóc ngắn, đã không thể để dài hơn quá cổ áo.

Cái răng cái tóc là góc con người thật. Một khi không còn chúng, là chính ta xa lạ ta hàng vạn …dặm trường rồi .

              CAO MỴ NHÂN

MÁI TÓC

(Cảm tác Lê Tuấn)

Cái gốc con người mái tóc bay

Làm thân con gái thuở hoa cài

Ai mà chẳng muốn người say đắm

Nhiều bóng tình quân, theo gót hài.

*

Ửng hồng đôi má, tuổi hoa niên

Hoa cài mái tóc đẹp như tiên

Say đắm hồn ai làm thi sĩ

Vóc dáng ngây thơ, nụ cười hiền.

Lê Tuấn

error: Content is protected !!