Bình luận

Chủ đề thay đổi

CHỦ ĐỀ THAY ĐỔI


Trong năm đầu tiên đến định cư ở Mỹ, nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh đã viết bài quan điểm này. Chúng tôi nhận thấy bài viết có nhũng điểm phù hợp với tình hình cuộc tranh cử ở Mỹ năm 2008, cũng như những vấn đề đổi mới của các chế độ Cộng Sản trên thế giới, từ Nga cho dến Việt Nam trong cả chục năm qua. Bởi vậy chúng tôi đã xin phép được đăng lại bài báo nay. LTS.

 

 

“Thay đổi” có vẻ là từ ngữ của thời đại, Nói đến thay đổi ai cũng thích, ai cũng đòi thay đổi, đôi khi chẳng cần biết thay đổi cái gì, hay thay đổi thế nào. Có lẽ trừ những người đã cằn cỗi, muốn giậm chân tai chỗ cho qua ngày, trừ những kẻ chỉ muốn ôm lấy vinh quang, tưởng tượng hay có thật của quá khứ để mà sống, hầu hết mọi con người bình thường đều muốn có thay đổi với ước vọng muốn thấy một ngày mai hơn hẳn hôm nay. Còn gì khích lệ hơn cho tiến bộ và phát triển bằng một nềm tin vững chắc là tương lai nhất định sẽ rực rỡ và huy hoàng hơn hiện tại.

 

Trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 1992, chủ đề tranh cử gồm hai chữ đơn giản là “thay đổi” đã có vẻ gần như một phép lạ huyền diệu, bởi vì nó đã làm cho tòa Bạch Cung đổi chủ. Một khi cuộc sống trong hiện tại chỉ toàn những khó khăn chật vật, những thất vọng và bất mãn, sự đòi hỏi thay đổi để mong tìm một cái gì tốt đẹp hơn cũng chỉ là phản ứng tự nhiên của người dân. Ngay tại đất nước Việt Nam của chúng ta, những đợt sóng đòi hỏi như vậy đã cuồn cuộn dâng trào từ bao lâu nay, mỗi ngày một mạnh, mỗi ngày một rõ rệt hơn, và ngay chính tai Liên Sô và các nước Đông Âu trong đầu thập kỷ này, những đợt sóng đó đã đánh gục những chế độ đàn áp khắt khe nhất.

 

Nhưng nếu nói rằng đòi hỏi thay đổi chỉ là nhu cầu tùy lúc của con người thì thật không đúng lắm. Thật ra nhu cầu thay đổi là một trong những bản năng tiềm ẩn của con người và đó cũng là lý do tại sao con người đã sinh tồn được cho đến ngày nay. Vì thế chính những người có cuộc sống no đủ mãn  nguyện với hiện tại của mình, cũng vẫn có ẩn núp trong tiềm thức của mình một nhu cầu thay đổi.

 

Sự thay đổi có những ý nghĩa trọng đại như vậy, nhưng có điều là từ ngữ “thay đổi”, thường khi bị bóp méo và đã bị lạm dụng khá nhiều. Thay đổi không có nghĩa là “có mới nới cũ” như câu tục ngữ châm biếm của người bình dân Việt Nam dùng để mỉa mai những kẻ tham lam, và lại được những kẻ cổ hủ lạc hậu ngày nay lợi dụng dể chỉ trích những đầu óc cầu tiến.  Đồng thời hai chữ “thay đổi” cũng bị lạm dụng và lợi dụng khá nhiều trong thời buổi chính trị phức tạp như trong những năm gần đây.

 

Những người Cộng Sản là nạn nhân đầu tiên của các đợt sóng đòi hỏi thay đổi. Năm 1985, khi ông Mikhail Gorbachev lên cầm quyền ở Liên Sô, những người Cộng Sản đã phải nhìn nhận có một cái gì không ổn trong cái khung giáo điều cứng nhắc ý thức hệ của họ rồi. Thật ra trước đó nhiều năm, những lý thuyết gia sáng suốt của Cộng Sản cũng đã đánh hơi thấy mối nguy đang tiềm ẩn đe dọa đến cỗi rễ lý tưởng của họ, khi mà tri và thức của người dân bị trị đã phát triển mạnh đến độ tức nước vỡ bờ, không có sức mạnh nào cản nổi. Nhưng thời đó, phe giáo diều cứng nhắc còn ngự trị, ai dám hở môi? Kẻ mới manh nha một chút như  Khruschev đã bị tặng ngay nhãn hiệu “xét lại” và bị lật nhào, còn giữ được mạng sống là may. Điều đáng chú ý là kẻ tố cáo Khruschev dữ dội nhất thời đó lại là bọn lãnh đạo Trung Cộng, những người giáo điều ù lỳ nhất dưới trướng của Mao Trạch Đông, có lẽ vì phe giáo điều Trung Cộng còn được bện thêm một cái vỏ thép cứng hơn nữa, rất khôi hài trong ý thức hệ Cộng Sản về vô sản quốc tế là : “sự tự mãn dân tộc tính”, đại khái với quan niệm “tư tưởng Mao-ít còn hơn cả tư tưởng Lê-nin-nít”. Nhưng cũng có thể con cháu của Đức Khổng Phu Tử, quen với ý niệm hình nhi thượng học sâu sắc từ mấy ngàn năm nay, đã nhìn thấy rõ cái nguy của sự thụt lùi, dù chỉ có nửa bước của cái gọi là xét lại đó. Nói một cách nôm na là dân Á Đông đã “thâm” hơn dân da trắng phổi bò của Tây Phương vậy.

 

Dù sao, khi ông Gorbachev lên cầm quyền là thời cơ đã chín mùi để ông mở cái khoá miệng và xác nhận cần phải có sự thay đổi. Nhưng ông đã làm thế nào ? Đây là điểm khôi hài nhất: Ông vừa làm….. vừa run. Có thể ông là người có lý tưởng hơn, nên ông sợ rằng thay đổi có thể làm sụp đổ luôn cái lý tưởng Cộng Sản mà ông muốn cứu vãn cho bằng được. Nhưng cũng có thể ông chỉ là một người như mọi người khác, nghĩa là ông sợ cho cái mạng sống của ông. 

 

Bởi vậy ông đã lợi dụng khát vọng đòi hỏi thay đổi của người dân, bóp méo đi một chút để vừa giữ ý thức hệ, lại vừa giữ được mạng sống của mình. Ông đưa ra chủ trương Glasnot và Perestroika. Theo tiếng Nga, hai chữ đó chỉ có nghĩa là “cởi mở” và “tái cấu trúc”. Cởi mở cũng như mở cửa thêm cho rộng ra để căn nhà Cộng Sản chủ nghĩa khỏi tối tăm, u uất và… rùng rợn như trước nữa, và tái cấu trúc xây lại một vài bức tường, mở thêm vài căn phòng để cho nó hấp dẫn hơn. Tóm lại ông muốn thay đổi, nhưng căn nhà vẵn còn là căn nhà chớ không phải đem phá nó đi, đào cả móng lên và xây căn nhà khác.

 

Người ta đã thấy kết quả của ông. Điều thú vị nhất là chỉ mới mở thêm cửa ra đôi chút và phá đi một bức tường nhỏ mà căn nhà đã sụm luôn. Và điều thú vị hơn nữa cho chính bản thân ông  Gorbachev là ông giữ được mạng sống nhờ cuộc thế đã đổi thay, thế giới đã biến chuyển. Nếu như ông làm việc đó dưới thời Stalin thì chưa kịp trở tay, hồn ông đã du Địa phủ. Hoặc nhẹ nhàng hơn như dưới thời Brejnev, ông đã đi lãnh một chức giám đốc một nông trường tập thể gồm mấy trăm con bò chết đói ở một xứ xa xôi hẻo lánh nào đó trong vùng băng tuyết ở Siberia.

 

Trong số những người Á Đông theo con đường “ngon cờ Mác-Lê bách chiến bách thắng”, ngoài những người Cộng Sản Trung Hoa, rất thâm và độc như những ông quân tử Tàu… Cộng, tất nhiên chúng ta không thể quên những nhà Cộng Sản Việt Nam, cũng rất khôn nhưng không ngoan, nghĩa là cái khôn vặt, khôn láu cá của những dân cờ bạc bịp, cái trí trá tiểu xảo sặc mùi anh lý trưởng với cái nhìn không vượt ra ngoài được lũy tre xanh của làng xóm nhỏ. Vì thế khi các bậc đàn anh Liên Sô bắt buộc phải đi nước cờ Glasnot và Perestroika, ở Việt Nam, ban lãnh đạo Cộng Sản cũng đưa ra một từ rất kêu, nhưng lại rất mập mờ đánh lận con đen là “đổi mới”.

 

Thế nào là đổi mới và đổi mới cái gì, kết quả ra sao ? Trong một dịp khác có lẽ chúng ta cũng nên nhìn kỹ hơn cái trò hề bịp bợm của lá bài đổi mới này. Nhưng ở đây chúng ta chỉ ngắn gọn trong ba chữ “vẫn như cũ” . Thật ra đề tài đổi mới đã được bàn cãi nhiều trong mấy năm qua, nhưng chỉ ở trong giới những người Việt sống ở hải ngoại mà thôi, còn ở trong nước đây là một đề tài tối kỵ, đụng vào nó là có thể đưa bạn vào bóng tối vĩnh viễn hay có thời hạn với cái mũ chụp quen thuộc như phản động hay gián điệp…trừ khi bạn nói đúng theo chiều hướng mà đảng đã quy định. Ý nghĩa và chiều hướng đổi mới theo sách vở của đảng chỉ là không thay đổi gì hết. Đổi mới chính trị ư ? Đây chính là màn lừa bịp dài dài, thay đổi vài lớp lang, hoán chuyển một vài diễn viên chóp bu, biểu diễn thêm một vài trò khác về hiến pháp gọi là bầu cử Quốc hội. Ở vào thời đại dân trí tiến triển như thế này, mà lại đem cái trò tiểu xảo ra dùng như bọn tổng lý ngày xưa để mà mắt dân đen thì thật nực cười. Và còn đem cái trò bịp bợm nhà quê đó để lường gạt quốc tế thì còn gì khôi hài hơn nữa.

 

Còn đổi mới kinh tế thì sao ? Đây là một hành động theo nhu cầu. Khốn thay nhu cầu đó không phải là của dân, mà là của đảng, để cứu nguy cho đảng đang tụt dốc nguy hiểm và nhất là để giữ lại quyền lực thống trị trong tay một thiểu số. Thành ra công cuộc đổi mới kinh tế của đảng Cộng Sản Việt Nam rút cuộc tạo ra một hình ảnh cũng tức cười chẳng kém : Đó là hình ảnh một lũ kiến bị hun nóng ở phía dưới, đang chạy loạn xạcuống cà kê lên. Mở cửa, đi theo kinh tế thị trường, gọi vốn ngoại quốc đầu tư, nghe thì thật đẹp thật hấp dẫn, nhưng thực tế thì mọi suy tư mọi hành động đều lẩn quẩn ở trong một cái vòng tròn có đến hai lần vạch ngăn chặn lại, không thoát ra ngoài được, chẳng khác nào một con quỷ bị hai cái vòng phù thủy cản lối, cứ đụng đầu thì phải dội lại.

 

 Cái vòng đai thứ nhất bằng thép, đó là giáo điều của ý thức hệ. Cởi mở kinh tế mà đụng phải những điều cấm kỵ của ý thức hệ Cộng Sản là phải dội lại. Cái vòng đai thứ hai, tuy không làm bằng thép nhưng nó kiên cố vô cùng: Đó là sự sợ hãi. Mở cửa ra quá trớn, ngộ lỡ phản động nó về, ngoại quốc nó đến lũng loạn, gián điệp nó vô nó xúi giục tạo loạn lật đổ thì sao ? Mọi ý chí đổi mới đụng đến chỗ này là bị co vòi lại. Thật đúng như kiểu con kiến mà leo cành đa, leo phải cành cụt leo ra leo vào..!

   

     Nhìn qua một vài cố gắng gọi là thay đổi đó, không phải để phán đoán hay chỉ trích làm gì cho mất công, mà thật ra để tìm một vài luận cứ cho chủ đề thay đổi của chính chúng ta. Có thể đó là những kinh nghiệm, những cái gương tầy liếp để suy nghĩ đến nhu cầu thay đổi.
  

     Thay đổi trước hết là phải thành thật. Thành thật với người và thành thật với chính bản thân chúng ta. Chúng ta thay đổi không phải vì quyền lợi của cá nhân chúng ta hay của một tập thể nào, mà vì quyền lợi của toàn dân và của đất nước chúng ta.


     Thay đổi là phải can đảm. Không phải dễ dàng gì mà con người có thể dứt khoát từ bỏ được những thành kiến, những tập quán cũ để đi tìm cái mới. Phải có can đảm mới dám từ bỏ được sự an toàn của hiện hữu, dù cho cái hiện có cũng chẳng được thỏa mãn lắm, để đi vào một con đường mới có ít nhiều may rủi. Nhưng thay đổi cũng không phải là nhắm mắt nhẩy vào một cái hố hư không, vô đáy. Với kiến thức cao, với sự suy tính kỹ càng, với sự góp ý để đi tới đồng thuận trong bài toán gồm nhiều ẩn số mà chúng ta đi vào, chúng ta có thể tăng cường rất nhiều xác suất “may” và giảm thiểu đến tối đa cái rủi.


     Thay đổi là phải dứt khoát với quá khứ. Ở đây có thể có sự hiểu lầm, cần xác định cho rõ. Chúng ta không thể ôm lấy quá khứ để mà sống, nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng quá khứ có những bài học không thể quên, nhất là có những cái gốc mà bất luận cuộc đổi thay như thế nào, chúng ta cũng phải giữ cho bằng được.


     Cái gốc đó là đất nước chúng ta với ngàn năm uy linh sông núi, là dân tộc với những truyền thống cao đẹp về đạo nghĩa mà ông cha chúng ta để lại.


     Cái gốc đó là lý tưởng của chúng ta, Lý tưởng dân tộc chủ nghĩa, quyết tâm phục vụ cho nước cho dân với một tinh thần ái quốc mãnh liệt.


     Sau hết, chúng ta còn có những cái rễ vô cùng quan trọng để từ đó bắt nguồn cho mọi tư tưởng và hành động của chúng ta. Đó là tinh thần cách mạng. Các đảng phái quốc gia hiện nay hay sau này dù có biến thiên đi để trở thành những chính đảng hay những đoàn thể khác có tính chất tập hợp quần chúng, cũng không nên quên rằng chúng ta đãbắt nguồn từ những đảng cách mạng, hoạt động trong bóng tối trong thời kỳ chống thực dân và chống Cộng Sản. Tinh thần cách mạng là gì,  nếu không phải là tinh thần trách nhiệm quả cảm, hy sinh, chịu đựng, để thực hiện cho bằng được lý tưởng của chúng ta.

 

    Vậy thì thay đổi bắt đầu từ đâu ? Bắt đầu từ chính chúng ta, từ mỗi người chúng ta.

 

Ngày 30 tháng 11 năm 1992

Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh.    


      

 

 

 

 

 

                   

                                                                                                                                                           

  

 

error: Content is protected !!