THƠ Xướng Họa Chào Mừng THÀNH VIÊN MỚI Ngọc Hạnh – Phương Hoa – Minh Thúy + Hoàng Mai Nhất & LỜI CHÚC MỪNG H/T Lê Văn Hải + 2 Bài Viết “Hoa Thịnh Đốn và Bức Tường Đá Đen” & “Vào Thu” của Tác giả Ngọc Hạnh
Tóm tắt tiểu sử:
Tên: Nguyễn Thị Ngọc Hạnh
Bút hiệu: Ngọc Hạnh
Cử Nhân Văn Khoa Đại Học Văn Khoa Sài Gòn
Cựu giáo Sư Đệ II Cấp Trường Trung Học Nguyễn Trãi Sài Gòn
Định cư VA, Hoa Kỳ năm 1980
*
Thành Viên: Văn Bút Miền Đông Hoa Kỳ, Cô Gái Việt, Minh Châu Trời Đông
Công tác với: Kỷ Nguyên Mới, Đặc San Không Quân, Thương Mại Miền Đông, Diễn đàn huongduongtxd.com
*Giải thưởng Văn Chương của Việt Báo, hạng Danh Dự năm 2019
*
Sách đã Xuất Bản:
Du Ngoạn Đó Đây IV: Xuất bản 2017
Du Ngoạn Đó Đây III: Xuất bản 2012
Du Ngọan Đó Đây II: Xuất bản 2008
Du Ngoạn Đó Đây I: Xuất bản 2007
CHAO-MUNG-NHA-VAN-NGOC-HAN1 HOI-VIEN-MO1Chút Lời Vỗ Tay Chào Mừng!
Lê Văn Hải
VTLV rất hân hạnh, nồng nhiệt đón chào Nhà văn, Nhà thơ nữ Ngọc Hạnh…đã gật đầu tham gia… nhập đàn! với Chúng ta.
Đây là cây bút nữ rất…nặng!…trên cả 100 ký! (Vì lúc nào cũng mang trong người, cả… “bầu!” chữ nghĩa!)
Từ VN, Chị đã tốt nghiệp Cử nhân Văn khoa, Giáo sư trường Trung học nổi tiếng Nguyễn Trãi.
Ra Hải ngoại, sinh hoạt Văn nghệ với nhiều tạp chí, diễn đàn khắp nơi, ít ra cũng đã trên 20 năm!
Cách đây khoảng 2 năm, Chị đã đoạt giải Văn chương “Viết Về Nước Mỹ” của Việt Báo, Thành viên của Văn Bút VN Hải Ngoại, đã xuất bản ít nhất là 4 tác phẩm….
Đây chỉ là ít nét của Cây bút nữ… “dữ dằn” này. (Viết ra chi tiết, phải đi bác sĩ, vì…gẫy cả cái tay!)
Một lần nữa, xin gởi Chị Bó Hoa Chào Mừng! Xin Chị cứ tự nhiên (không cần bỏ giầy, guốc, dép)…rước Chị vào Nhà! (Thay vì lên đồi!)
Kính Mời.
*Đây là tin vui, nên lời văn, có thiếu chút…đàng hoàng, đứng đắn! Mong Chị thứ lỗi.
VÀO THU
Chúng ta đã vào hơn giữa Tháng Tám, trẻ em đã vào trường lại, cây lá mầu xanh đã bắt đầu đổi vàng, trời chiều mang chút sương lạnh, dấu hiệu chào đón…Thu Đã Về!
Mùa Thu, mùa của những…”Con Nai Vàng Ngơ Ngác!” Mùa của thi nhân. Nào mời tất cả chúng ta cùng thưởng thức một Cô Nai say sưa trong Rừng Thu nhé, qua ngòi bút của Chị Ngọc Hạnh. Xin mời…..
LÊ VĂN HẢI
TÌNH THU
Ngọc Hạnh
Trời đã vào Thu, lá trên cành cây chung quanh nhà tôi đã đổi màu tuyệt đẹp, vàng cam, hồng
hồng, vàng tươi….Thỉnh thoảng một cơn gió thoảng qua là hàng ngàn chiếc lá rơi như đàn bướm lượn, đẹp mắt vô cùng.. Nhìn lá vàng rơi tôi nhớ đến những lần đi du ngoạn mùa Thu với bạn bè cùng sống trong vùng, do một nhà văn kiêm nhà thơ lão thành khởi xướng và hướng dẫn. Anh như con chim đầu đàn, từng là chủ bút các Tuần báo, Nguyệt san ở Việt nam và Hoa kỳ, xuất bản nhiều tâp thơ, truyện ngắn, truyện dài… Nhìn thác nước, trời xanh hay bất cứ cảnh đẹp nào anh là sáng tác một bài thơ.Tuổi cao nhưng thơ văn anh ướt át, tình cảm đậm đà chẳng khác chi người trẻ tuổi. Anh yêu thiên nhiên, sông núi, yêu quê hương, và yêu… người đẹp.
Theo anh con người có thể đẹp về thể chất hay tâm hồn. Lúc nào gặp cũng thấy y phục anh cũng tươm tất, chỉnh tề. Tóc anh bạc trắng như ông tiên nhưng nếu ai hỏi anh bao nhiêu tuổi, anh chỉ cười và bảo nhà văn nhà thơ không có tuổi. Lúc chị còn ở trên đời, anh là người chồng tốt, chăm sóc, đưa vợ đi đây đó. Chị bệnh anh tận tình chạy chữa, săn sóc thưc ăn giấc ngủ. Anh còn chịu khó đón đưa các bạn khác đến nhà chơi mà chược với chị cho chị vui. Vì phần lớn thơ anh là thơ tình, ngọt ngào, nên tôi hỏi chị có ghen tị với những người tình trong thơ văn của anh không. Chị trả lời liền, “đó là nguồn cảm hứng để sáng tác, không có thật đâu.” Hỏi chị nếu có kiếp sau chị có bằng lòng làm vợ anh lần nữa không, chi trà lời là “bằng lòng cả hai tay”, vui chưa.
Chị mất ít lâu anh có bạn gái. Tại sao không? Có người trò chuyện cho vui khoảng đời còn lại là điều may mắn, không phải ai cũng có được ở tuổi vàng như anh. Anh quan niệm sống một ngày vui một ngày. Buồn bã, âu sầu phiền muộn ảnh hưởng đền sức khỏe, mang bệnh làm phiền gia đình là không có anh. Các con anh có hiếu, mua xe mới để anh đi lại và đưa đón… bạn gái cho an toàn.
Theo anh tình yêu là đề tài không bao giờ chán từ ngàn năm trước, từ Âu sang Á, từ vị vua sang
cả cho đến thường dân áo vải chân đất. Vì tình yêu mà hoàng tử nước Anh chia tay với vợ, một
công nương xinh đẹp, cưới một phụ nữ lớn tuổi có chồng có con, nhan sắc thua kém vợ mình rất
xa. Vì tình yêu các bà vợ tù không quản ngại đường xá xa xôi, từ Nam ra Bắc tay xách, nách
mang, lội suối qua đèo thăm chồng trong trại cải tạo.
Và hôm nay vì tình yêu cô bạn Hảo của tôi cũng ngất ngư, nàng xin nghỉ một ngày để đến tôi chơi và tâm sự. Hảo có bạn trai. Hai người quen nhau trên mạng lưới. Lúc đầu tưởng là trò chuyện cho vui ai ngờ thành bạn thân. Họ nghiện thư nhau từ lúc nào chẳng biết. Không có thư thì mong.
Xa cách nhau mấy ngàn dặm nhưng họ điện thư cho nhau hàng ngày, kể cho nhau nhưng chuyện
bình thường trong ngày, trên báo chí sách vở, tin tưc …
Hảo học ở anh tính lạc quan, hiếu học. Tục ngữ, ca dao, văn, thơ, địa lý, lich sử, âm nhạc bạn Hảo giảng trơn tru. Ngoài ra bạn Hảo có tính thương người. May mắn được chỗ làm tốt, có lương cao, anh thường giúp đỡ người nghèo, bệnh tật ở quê nhà. Hảo muốn đóng góp với anh trong việc thiện nhưng anh bảo có thể lo nổi môt mình. Anh chuyễn cho Hảo xem thư cám ơn của cá nhân hay hội đoàn. Anh cũng hay nhắc tới người Mẹ đã qua đời với lòng ngưỡng mộ, kính yêu. Lúc sinh tiền bà đã nêu gương tốt cho con, hay giúp đỡ, cưu mang người nghèo khó.
Bạn Hảo còn là người khéo nói. Anh nhẹ nhàng, ân cần, và có tình khôi hài. Được điên thư anh,
Hảo khúc khích cười một mình. Họ có cảm tưởng rất gần gủi nhau tuy cách xa hàng 5, 6 giờ bay.
Hảo vui khi nhận điện thư của bạn, có khi 3, 4 lần một ngày cho đến khi Hảo hết hồn nghe bạn
bảo ngơ ngẩn nhớ thương, muốn vượt ngàn dặm đến thăm Hảo để tính chuyện lâu dài…Hảo
phân vân. Anh chưa hưu trí và ít tuổi hơn Hảo nhưng anh quan niệm giống số người Mỹ, chàng
kém tuổi hơn nàng vẫn có thể yêu nhau và ở với nhau lâu dài, Anh nêu trường hợp của Halle
Berry và Demi Moore… và anh nói tuổi tác chênh lệch, tiếng đời dị nghị, anh không bận tâm. Anh bảo tuổi nào cũng đẹp, cuộc đời nào cũng đáng yêu nếu biết sống cho hợp với tính tình mình, nếu biết yêu đời, biết yêu người và biết vui, biết thụ hưởng những gì trời cho. Anh nói nếu muốn thì có thể xin đổi đi tiểu bang khác dễ dàng.
Xúc động, Hảo tự hỏi thương yêu lúc mùa thu của cuộc đời thì có nên chăng? Hảo phân vân,
vương vấn. Bao nhiêu năm lẻ loi, bận bịu với bổn phận. Nay các con trưởng thành được nhàn hạ tung tăng, gặp chuyện này thật là chẳng giống ai. Truyện Kiều đã có câu
Ma đưa lối, quỷ dẫn đuờng
Tìm chi nhưng lối đoạn trường mà đi ……
Thật là bỏ thì thương, vương thi tội. Hảo bàn với tôi có nên khuyên anh quên đi “dự tính lâu dài” của anh chăng. Bạn bè quý mến nhau, chia sẻ , tâm sư với nhau là quý lắm rồi,là ơn phươc bề trên, tham lam chỉ cực thân thôi.Thừơng quen biết thì nhiều nhưng bạn thân có được mấy người, hiếm như mưa sa mạc. Nghe Hảo tâm sự tôi nhớ lại bài TINH GÌA của Phan Khôi:
……..Ôi, đôi ta tình thương nhau thì đã nặng Mà lấy nhau thi không đặng…Nhưng ……….. Buông nhau thì sao nỡ ….
Theo tôi mỗi người môt duyên phân, tùy quan niêm mỗi người. Nếu có thể đem niềm vui đến cho bạn mình và bản thân, không làm phiền kẻ khác, tại sao không. Đó là ý kiến của người quê mùa nhưng Hảo quyết đinh mà thôi.Vả lại đâu cần phải sống chung mới hạnh phúc. Nhà thơ niên trưởng kể với tôi mỗi ngày ông tặng cho ngươi yêu một bài thơ dù nàng không phải là thi sĩ.
Thỉnh thoảng anh mới găp và đưa nàng đi nghe nhạc, xem phim… Anh vui, khỏe mạnh cho đến
khi lìa đời thình lình vì bệnh tim (?) và các con cũng vui lây.
Nhìn ra sân hoa cúc đang nở rộ màu sắc rực rỡ nhưng sẽ phai tàn, buồn hiu khi mùa Đông đến và tôi chợt nhớ câu thơ của cô em Ngọc Dung:
Xuân của đất trời, Xuân đi rồi đến
Xuân của loài người, Xuân đến rồi đi
Tôi cầu mong Hảo và mọi người có đủ niềm vui, có tình yêu thương,được hạnh phúc, sống vui
trên đời dù ở quê hương hay hải ngoại…
Ngọc Hạnh.
Ký sự:
Hoa Thịnh Đốn và Bức Tường Đá Đen
Ngọc Hạnh
Tuần lễ vừa qua vợ chồng người cháu gọi bằng cô từ Cali đến Virginia thăm tôi. Đã lâu cô cháu chưa gặp nhau, chỉ liên lạc qua điện thoại hay điện thư mà thôi. Mấy lần hai cháu đinh đi thăm cô nhưng việc nhà việc sở lần lữa mãi.
Nhân dịp được nghỉ lễ “Chiến Sĩ Trận Vong“ (Memorial Day) hai cháu quyết đinh ghé Virginia thăm cô và các em họ, trên đường đi Luân Đôn dự lễ tốt nghiệp con gái. Từ Cali bay thẳng đến Luân Đôn giá máy bay rẻ hơn từ Washington DC đi Luân Đôn dù đường bay ngắn hơn.
Tháng 5 vẫn còn mùa Xuân, thời tiết mát mẻ, khí hậu Virginia rất đẹp. Trời không lạnh cũng không nóng nực. Mưa xuân đủ ướt đất cho hoa cỏ xanh tươi mát mắt. Công viên và tư gia sân cỏ xanh mướt, hoa các loại đua nhau nở rộ quyến rũ bướm ong.
Cháu cho biết San Jose thời tiết năm nay hơi bất thường, tháng 5 mà có hôm còn lạnh, ra đường phải mặc ấm. Hai cháu chẳng lạ gì vùng Hoa Thinh Đốn nên chỉ loanh quanh ở nhà với cô và các em cho đến một hôm vào gần cuối tuần, lúc đi thủ đô Washington DC, hai cháu muốn ghé thăm bức tường đá đen “Đài tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Chiến Tranh Việt Nam” (VietNam Veterans Memorial).
Tôi cũng chưa biết bức tường, dù cư ngụ ngay tại vùng thủ đô gần 40 năm. Đến đài Tưởng Niệm các chiến sĩ tôi bùi ngùi xót xa cho gia đình họ, cho những góa phụ cô đơn và các con mồ côi thiếu sự chăm sóc của cha thân yêu. Tôi có đọc báo, xem tin tức cách đây mấy mươi năm khi mới khánh thành bức Tường Đá Đen nhưng toàn là hàm thụ, chưa thấy tận nơi bao giờ. Bà con bạn bè ở xa về chơi đều được các con cháu đưa đi thăm thủ đô và bức tường ghi tên những chiến binh Hoa Kỳ và người ngoại quốc đã chết hoặc mất tích trong chiến tranh Việt Nam.
Lần này tôi cùng đi với các cháu có lẽ vì thấy một số xe mô tô ồn ào chạy trên đường phố nhắc tôi nhớ còn vài ngày nữa là đến ngày lễ “Chiến Sĩ Trận Vong“. Các cựu chiến binh năm nào cũng đến thủ đô đến từ các tiểu bang khác để dự lễ, mỗi người một chiếc mô tô, chẳng ai đèo ai.
Chúng tôi đến khu công viên quốc gia Washington DC., tìm chỗ đậu xe cũng dễ vì không phải ngày cuối tuần nhưng phải đi bộ khoảng ngắn. Đi vào cuối tuần gay go hơn nhiều, khó tìm chỗ đậu, tốt hơn là đi Metro vừa nhanh vừa khỏi tìm chỗ đậu xe khó khăn.
Bức tường Đá Đen nằm trong khu công viên quốc gia, diện tích 8.100 m2, gần khu vườn cây. Nơi đây mát mẻ nhờ cây cao cho bóng mát, dưới đất thảm cỏ xanh mượt êm như nhung, lối đi bằng thẳng phẳng phiu. Những băng gỗ đặt rải rác theo lối đi cho khách nghỉ chân. Những người viếng bức tường đủ sắc tộc, Ấn Độ, người da trắng, da đen, da vàng, trẻ em, người lớn, nam, nữ, cụ già, có em bé trong xe nôi cho mẹ đẩy đi. Ngày thường không mấy đông nhưng vào cuối tuần hay ngày lễ nơi này rất đông người thăm viếng. Người già, trẻ, thanh niên thanh nữ, chen chúc trên con đường ngắn. Hôm tôi đến có những vị mặc quân phục đứng tuổi đến viếng bức tường, dò tìm tên người thân trên bảng đá đen.
Dưới chân bức tường rải rác một vài cành hoa hay nguyên cả bó hoa tươi.
Mới vào khu vườn đã thấy tượng 3 quân nhân mang súng bằng đồng đứng trên bục gần bức tường. Ba người nhưng khác màu da: một da đen, một da trắng, và một người quốc tịch khác, người Á Châu?
Một số du khách đứng chờ chụp ảnh kỷ niệm với bức tượng, có người chăm chỉ đọc những dòng chữ ghi trên bảng đồng dưới chân tượng.
Cách khoảng ngắn cũng trong công viên có tượng mấy phụ nữ cũng bằng đồng, đang đỡ người nam mặc quân phục, một thương binh? Tôi không xem được bảng chú thích nơi chân tượng nên không biết họ là ai. Mọi người chỉ muốn vào xem bức tường Đá Đen. Tuy khu vực này mát mẻ nhờ có bóng cây nhưng nơi bức tường thì nắng, chẳng có bóng cây nào cả.
Từ trước, tôi vẫn nghĩ Bức Tường Đá Đen hình vuông dài nhưng không phải quý vi ơi, tường hình chữ V, trải dài từ cao đến thấp, không cùng một chiều cao đâu. Chỗ cao nhất 3 mét và chỗ thấp nhất 20cm, dài 150 m ghép lại bằng 72 tấm đá hoa cương quý màu đen mang về từ Ấn Độ (Bungalore), ghi tên hơn 58,276 người Mỹ và ngoại quốc đã chết hay mất tích trong chiến tranh Việt Nam (tháng 5/2019). Trong số này có 8 phụ nữ phần lớn là y tá, 16 nhà truyền nhà giáo, 1,200 người mất tích. Lúc đầu chỉ có 57, 937 người có tên trên bảng đá đen lạnh lẽo mà thôi.
Đứng nơi “Bức Tường” quý vị có thể nhìn thấy cây “bút chì”(Washington Monument ) đỉnh nhọn và cao ở xa xa.
Theo tài liệu công viên Tường Đá Đen xây từ 26/3/82 khánh thành 9/11/82, tốn khoảng 9 triệu mỹ kim. Tác giả bản vẽ là cô Maya Lin, sinh viên kiến trúc đại học Yale lúc cô mới 21 tuổi, người Mỹ gốc Hoa. Tuy gốc người Hoa nhưng cô sinh trưởng ở Ohio, Hoa Kỳ. Bản vẽ cô được chọn trong hơn cả ngàn bản vẽ của các kiến trúc sư khác gửi về thm dự cuộc thi tuyển. Bức tường màu đen, tên người khắc vào bức tường màu trắng.
Dù hơn 30 năm tường vẫn sạch sẽ không bám bụi bẩn. Được biết mỗi chủ nhật thứ II trong tháng từ tháng 4 đến tháng 10 có nhóm người tình nguyện nam và nữ đến sắn tay áo nhúng khăn vào nước sà phòng cọ rửa bức tường kỷ niệm. Họ là cựu nam, nữ chiến binh Hoa kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Tôi liên tưởng hình ảnh những người mang hoa thăm mộ người thân trong các nghĩa trang. Họ đâu chờ đến đúng ngày kỷ niệm. Việc làm của họ người ngoài nhìn vào có vẻ như nhàm chán vô nghĩa nhưng thực ra được gần bức tường có ghi tên người thân cũng ấm áp,làm nhẹ nỗi đau buồn ít nhiều. Nếu không đoàn người đi mô tô đâu bỏ công vượt hàng ngàn dặm đường xa thăm bức tưng kỷ niệm mỗi năm.
Tôi chợt nhớ bà hàng xóm cũ. Hai vợ chồng bà có người con trai duy nhất đã tham gia chiến tranh Việt Nam và mất trước khi Mỹ rút quân 2 tuần. Bà kể lại với giọng thản nhiên nhưng tôi biết bà đau lòng khi nhắc lại chuyện cũ.
Thật không hiểu được, tuổi trẻ, con một, nhà khá giả lại đi tham dự cuộc chiến ở quốc gia xa lắc xa lơ, thiếu tiện nghi vật chất, để cho cha mẹ lo sợ nhớ thương. Sau này ông bà bán gian nhà đang ở rộng rãi, mua nhà khác nhỏ hơn có 1 một tầng thôi. Lúc bán nhà Bà mời tôi sang nhà bà chơi bảo thích gì thì lấy và bà nói đùa là” trừ cái đàn piano” vì bà là giáo sư dạy đàn. Nhìn hình con trai bà, một thanh niên khôi ngô sớm vĩnh viễn ra đi cho quê hương Việt Nam, buồn ơi là buồn.
Định mệnh trớ trêu, tre khóc măng. Chồng bệnh, con mất sớm nhưng xem bà có vẻ bình an có lẻ nhờ ở đức tin mạnh mẽ chăng. Tôi thấy ông bà đi nhà thờ mỗi chủ nhật và thường đến thăm bức Tường Đá Đen ở thủ đô dù chẳng phải ngày lễ.
Thật ra Bức Tường Đá Đen cách hồ Tidal Basin thơ mộng thủ đô Washington DC không bao xa, có thể đi tản bộ trước hay sau khi thăm Bức Tường cũng tiện lắm: gió mát, cảnh trí an lành thanh nhã.
Theo cháu tôi công viên quốc gia thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nơi có các đài kỷ niệm đã thu hút người thăm viếng đông nhất nước, 4, 5 triệu du khách mỗi năm…Hai vợ chồng cháu tôi rời Virginia vài ngày trước lễ”Chiến Sĩ Trận Vong” nhưng đã thấy các đoàn mô tô to ồn ào chạy trên đường lộ hướng về thủ đô. Tuy nhiên họ chưa vào thành phố chỉ ngụ các khách sạn ở ngoại ô vùng Virginia. Nhìn là biết họ từ xa về, áo da chắn gió, mũ bảo vệ, kính đen thật to… Chiếc xe thì to gấp rưỡi chiếc xe mô tô bình thường, tiếng máy nổ cũng ồn ào hơn các xe mô tô nhỏ.
Theo tôi biết các tiểu bang Hoa kỳ đều có tổ chức lễ “Chiến Sĩ Trận Vong” vào thứ hai tuần lễ cuối cùng của tháng 5 nhưng có lẻ thủ đô Hoa Thịnh Đốn tổ chức trọng thể nhất. Các cuộc diễn hành đẹp mắt, y phục, đi đứng trang nghiêm từ các học sinh đến các đòan thể, các binh chủng khác nhau… Các đoàn quân nhạc với nhạc khí sáng ngời, y phục thẳng nếp. Các màn múa súng điêu luyện vui mắt. Ở nghĩa trang quân đội Arlington Washington DC trước mỗi mộ bia đều có cắm lá cờ Hoa kỳ nhỏ.
Có lẽ quý vị cũng đã xem diễn hành trên màn ảnh rồi. Tôi chỉ muốn nói đến sự hiện diện của các Hội Đoàn và công đồng người Việt vùng Maryland, Virginia và Washington DC trong buổi diễn hành. Đồng bào hải ngoại cũng vui thấy đại kỳ và cờ Việt Nam Cộng Hòa phất phới trong buổi lễ, các tà áo dài phụ nữ Việt tha thướt xuất hiện trong đoàn diễn hành long trọng và trang nghiêm ở Washington DC.
Trong 32 năm nay, vào ngày lễ “Chiến sĩ Trận Vong” từ các tiểu bang khác, cả ngàn cưu chiến binh lái mô tô trải qua bao nhiêu ngàn dặm, chịu nắng gió nhọc nhằn về Washington DC.
Có tài liệu cho biết năm 2018 khoảng 100,000 người lái xe mô tô về thủ đô dự buổi diễn hành ngày lễ Memorial Day. Tuy đường xa nhưng họ về vừa dự diễn hành vừa thăm tường kỷ niệm, tưởng nhớ, vinh danh các cựu chiến binh anh dũng, các đồng đội đã vì lý tưởng cao quý, hy sinh cuộc sống riêng tư an lành tốt đẹp, tham gia chiến tranh Viêt Nam, một quốc gia xa xôi khác tiếng nói màu da với người Hoa kỳ. Một số lớn những người này bỏ mình nơi xa lạ, không ai ruột thịt thân yêu trong giờ phút lâm chung, vĩnh biệt trần gian vì nước Mỹ từng muốn giúp một quốc gia đồng minh chống Cộng.
Đoàn xe mô tô phủ bụi đường xa được dân chúng thủ đô nhiệt liệt hoan nghênh, đón chào. Tiếng máy xe ồn ào, ầm ĩ vang dội cả khu phố khi đoàn xe đi qua.Ngày thứ hai 27/ 5/19 họ tâp trung và khởi hành từ bãi đậu Pentagon vào buổi trưa, đi qua Memorial Bridge, đại lộ Constitution đến West Potomac Park. Xe nào cũng có lá cờ Hoa Kỳ mới rực rỡ như một rừng cờ di động, Điểm cuối đoàn xe là Vietnam Veterans Memorial.
Thường đoàn Rolling Thunder đến Washington DC vào cuối tuần, thăm viếng vài nơi thủ đô, chuyện trò với các đoàn thể, người quen… và chính thức dự lễ Chiến sĩ Trận Vong vào ngày thứ hai.
Năm nay, 2019, là năm cuối cùng đoàn Rolling Thunder tham dự diễn hành ngày lễ Memorial Day ở Washington DC. Tôi nghĩ họ mệt mỏi do tuổi cao và đường xa, vì các cưu chiến binh người trẻ nhất cũng trên 60 tuổi. Nhưng, theo báo chí nguyên nhân họ không tiếp tục tham dự vì lý do tài chính. Tiền thuê bãi đậu xe và mướn người giữ an ninh ở Pentagon cao. Đoàn mô tô Rolling Thunder diễn hành ngày “Chiến Sĩ Trận Vong” mấy chục năm quen lệ như một “truyền thống”, vắng đòan xe sẽ có nhiều người tiếc nhớ.
Được biết Rolling Thunder thành lập năm 1987 với số thành viên khiêm tốn, năm kế tiếp 1988 có 2,500 người tham dự và từ đó đến nay năm nào họ cũng về thủ đô dự lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Từ đây về sau mỗi năm vào tháng 5, dân chúng vùng thủ đô hết còn nghe tiếng máy xe mô tô ồn ào và rồi những cựu chiến binh trên đường phố, hình ảnh quen thuộc với dân chúng.
Nhìn bề ngoài những người này trông bặm trợn, hùng hổ nhưng thật ra tình cảm họ cũng nồng nàn, tha thiết với chiến hữu, đồng đội. Trông cách họ chịu khó vượt bao nghìn dặm đến thăm đài kỷ niệm, nhẹ nhàng dò tìm tên người thân hay đồng đội trên bức tượng đá vô tri lạnh ngắt thì biết.
Đi viếng đài tưởng niệm tôi xót xa nghĩ đến những người đã nằm xuống cho quê hương tôi dù họ là người Hoa kỳ hay nước khác.Tôi nhớ nghĩa trang Biên Hòa không người thăm viếng thường xuyên như ngày trước và liên tưởng hậu quả tang thương do chiến tranh. Riêng nước VN cả triệu người phải rời bỏ quê hương, cửa nhà tan nát, gia đình ly tán. Họ vượt biển, một số chìm sâu trong lòng biển cả hay mất xác trong rừng rậm, làm mồi cho thú dữ…
Phần lớn những người có tên trên bức tường đen đã có gia đình,có cuộc sống êm đềm với vợ trẻ con thơ hay cha mẹ thân yêu nhưng họ đã chết cho đất nước Việt Nam và con số không nhỏ. Xin vô cùng tri ân các cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam, dù họ qua đời hay còn khỏe mạnh, lành lặn hay thương tật. Quân nhân nhất là chiến binh trong thời chiến theo tôi là những người cực nhất trong các ngành nghề. Họ không quản ngại nắng mưa, vào rừng lên núi , xa gia đình, người thân yêu… Xin ơn trên ban phước lành cho các cựu chiến binh và gia đình họ. Cầu mong họ có đời sống tốt đẹp an vui. Bên ngoài nắng nhẹ, trời trong, đàn chim hót líu lo, nhảy nhót tung tăng và bướm vờn quanh khóm hoa Xuân rực rỡ màu sắc…
Ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong 2019
Ngọc Hạnh
WELCOME TO THE TEAM
CHÀO MỪNG NHÀ VĂN NGỌC HẠNH
CHÀO MỪNG tân khách đến Thành San
Nữ sĩ tham gia với Diễn Đàn
NGỌC HẠNH chữ tuôn lùa gió núi
Giáo sư bút lướt vẹt mây ngàn
VĂN THƠ vinh dự mời vào cửa
LẠC VIỆT hân hoan rước nhập đoàn
Chung sức đồng tâm gìn Việt Ngữ
Truyền lưu quốc sử họ Hồng Bàng
Phương Hoa – BBT VTLV – AUG 18th 2021
**
CHÀO MỪNG NỮ SĨ NGỌC HẠNH
(Họa)
Ngọc Hạnh tin vui đến diễn đàn
Lâu rồi nữ sĩ tiếng đồn vang
Lời vàng bút vẫy hoà mây nước
Chữ phượng vần bay quyện núi ngàn
Lạc Việt mừng dâng chào nhập sở
Văn Thơ hãnh diện đón vào đoàn
Chung tay hợp giữ gìn ngôn Mẹ
Sử sách tồn lưu đẹp họ Bàng
Minh Thuý Thành Nội – Tháng 8/18/2021