Lê V. Hải,  Tin thế giới,  Tin tức

TRANG TIN TỨC: TỔNG HỢP TIN CUỘC CHIẾN UKRAINE – LÊ VĂN HẢI

Biến Chuyển Thời Cuộc: Nga & Ukraine!

Tin Quốc Tế

Cuộc chiến Ukraine: Nga chiếm lò nguyên tử lớn nhất Âu Châu, Mỹ cam kết bảo vệ từng tấc đất của NATO

Phụ nữ và trẻ em đang lên xe lửa rời vùng giao tranh Bucha và Irpin hôm thứ Sáu, 4 tháng 3, 2022. Đàn ông ở lại để chiến đấu chống quân xâm lược Nga. Sau hơn một tuần chiến tranh, trên 1 triệu người Ukraine đã lên đường tỵ nạn ở các nước láng giềng phi cộng sản. (Chris McGrath/ Getty Images)

Các quốc gia Tây Phương cũng như nhiều nơi trên thế giới đã chấn động khi hay tin lực lượng Nga tại Ukraine đã chiếm giữ lò điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu. Dư luận chấn động vì hành động liều lĩnh này có thể gây chiến tranh lớn hơn trên lục địa Âu Châu, đưa đến Đệ Tam Thế Chiến.

Trước sự kiểm soát của Nga tại xưởng điện hạt nhân Zaporizhzhia và đe dọa Âu Châu với nguy cơ nhiễm phóng xạ, đồng thời gia tăng tấn công trên toàn Ukraine, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng NATO sẵn sàng tham gia một cuộc xung đột nếu tình hình trở nên nguy hiểm hơn nữa cho Tây Phương.

Mặc dù đám cháy tại lò điện hạt nhân đã được dập tắt, Hoa Thịnh Đốn nói rằng hành động tấn công cẩu thả của Mạc Tư Khoa vào lò hạt nhân này có thể gây ra đại họa.

Bước qua tuần thứ nhì của cuộc chiến, giao tranh diễn ra trên toàn Ukraine với quân đội tiếp tục pháo kích, oanh kích và bao vây lực lượng phòng thủ địa phương. Một cố vấn của tổng thống Ukraine cho biết Ukraine đã tạm thời ngăn chặn cuộc hành quân của Nga tại thành phố miền nam Mykolayiv. Nếu bị chiếm thì thành phố với 500,000 người dân sẽ là lớn nhất lọt vào tay Nga.

Tại thủ đô Kyiv, mặc dù đoàn xe thiết giáp và xe tăng của Nga đang bị kẹt trên đường, còi hụ báo động vẫn thường xuyên kêu vang trong thành phố, kèm với nhiều tiếng nổ vào sáng thứ Sáu.

Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Ukraine gọi cuộc tấn công của Nga vào lò hạt nhân Zaporizhzhia là một “tội ác chiến tranh.” Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby nói rằng cuộc xâm lăng của Nga đã cho thấy sự cẩu thả. “Điều này đã nâng cao hơn nguy cơ đại họa mà không ai muốn thấy xảy ra,” ông Kirby nói với đài CNN.

Một người đàn ông đang hôn chia tay con gái, trong lúc các phụ nữ và trẻ em lên đường lánh nạn tại Irpin ngày 4 tháng 3, 2022. (Chris McGrath/ Getty Images)

Trong khi đó tại Brussels, Bỉ, Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng quân đội liên minhe NATO đang chuẩn bị “sẵn sàng” cho một cuộc xung đột nếu tới giai đoạn đó, nhưng Hoa Kỳ và đồng minh không mong muốn có một cuộc đương đầu với Nga.

Trong ngày thứ chín của cuộc chiến, ông Blinken đã họp với các ngoại trưởng NATO tại Brussels, nơi mà Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg tiếp tục khẳng định NATO sẽ không ban lệnh cấm bay trên không phận Ukraine, mặc dù chính phủ Ukraine đang khẩn thiết kêu gọi NATO hãy ban lệnh này để ngăn chặn chiến đấu cơ, hỏa tiễn của Nga đang bay dồn dập trên lãnh thổ Ukraine.

 “Liên minh của chúng tôi là để tự vệ,” ông Blinken nói. “Chúng tôi không muốn có xung đột. Nhưng nếu xung đột đến với chúng tôi, thì chúng tôi sẵn sàng đối phó và sẽ bảo vệ từng tấc đất của lãnh thổ NATO.”

Ông Blinken nói trong cuộc họp báo sau cuộc họp với các ngoại trưởng NATO, “Đồng thời, như lời ông tổng thư ký đã nói, chúng tôi đang chuẩn bị cho tương lai của NATO và những biến cố xảy ra trong những tuần vừa qua đang tiếp tục tạo nên tương lai đó.”

Ukraine không là thành viên của NATO, nhưng đang xin được gia nhập, và đó là điều Nga chống đối, đưa đến cuộc xâm lăng hiện nay.

Chính phủ Biden đã tuyên bố nhiều lần rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ lãnh thổ NATO. Nhiều quốc gia NATO đang có chung biến giới với Nga và Ukraine.

Tổng Thư Ký Stoltenberg báo động rằng tình hình tại Ukraine đang mỗi lúc một tệ hại hơn và sẽ còn tệ hơn nữa trong những ngày sắp tới, vì nhiều thường dân sẽ bị giết, các bệnh viện bị quá tải, hệ thống giao thông bị tê liệt. Tuy nhiên ông khẳng định NATO sẽ không đứng về phía nào trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Tổng thư ký của NATO nói hôm thứ Sáu, “Chúng tôi không là một phần nào trong cuộc xung đột này. Trách nhiệm của chúng tôi là bảo đảm cuộc chiến không gia tăng và lan ra ngoài Ukraine. Nếu điều đó xảy ra thì sự tàn phá càng nhiều hơn và nguy hiểm hơn, với sự đau khổ cho người dân càng nhiều hơn.”

Tổng Thống Volodymyr Zelensky đã lập lại lời kêu gọi NATO hãy ban lệnh cấm bay trên không phận Ukraine. Liên minh NATO đã ngần ngại ban lệnh vì nếu lệnh cấm bay được ban hành thì phi cơ của NATO phải bay vào không phận để kiểm tra và có nguy cơ đụng độ với phi cơ Nga.

Ông Zelensky nói tiếp rằng nếu NATO không ban lệnh cấm bay thì hãy cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine. Tổng thống Ukraine nói, “Nếu quí vị không có sức mạnh để ban hành và duy trì lệnh cấm bay thì hãy cho tôi máy bay. Điều đó công bình, phải không?”

Tù binh Nga bị bắt tại Ukraine

Trong hình lấy từ Facebook là một quân nhân Nga bị bắt tại Ukraine trong tuần qua. Anh được hỏi cung, “Bạn muốn nói với cha mẹ điều gì?” Anh tù binh Nga trả lời, “Thưa cha mẹ, con không muốn đi, nhưng họ bắt con đi!” Chàng trai này mới sinh sau năm 2000!

Trong cuộc chiến tâm lý, chính phủ Ukraine đã lập một trang web cho người Nga tìm quân nhân bị giết. Ông Viktor Andrusiv, một cố vấn của Bộ Trưởng Nội Vụ Ukraine, nói bằng tiếng Nga trong video đăng trên trang web, “Tôi biết nhiều người Nga đang lo lắng không biết con trai của họ, chồng của họ đang ra sao, thành thử chúng tôi quyết định đưa thông tin này lên mạng để cho bạn có thể tìm người thân của mình, những người đã bị Putin đưa vào cuộc chiến tại Ukraine.”

Ông Andrusiv nói trong ba ngày của cuộc chiến, lực lượng Ukraine đã bắt gần 200 lính Nga và hơn 3,000 lính Nga đã thiệt mạng. Những con số này chưa được kiểm chứng.

Ukraine triệt hạ đội đặc nhiệm Chechen tính đến giết Tổng Thống Zelensky

Trong bài tường trình chiếu truyền hình quốc gia, một viên chức cho biết quân đội Ukraine đã tiêu diệt một nhóm lính thiện chiến được gởi từ Chechnya đến Ukraine với sứ mạng ám sát Tổng Thống Volodymyr Zelensky.

Ông Oleksiy Danilov, Thư Ký của Hội Đồng An Ninh và Quốc Phòng Ukraine, nói hôm 1 tháng Ba rằng đội cảm tử Chechen “đến để giết Tổng Thống của chúng tôi đã bị thanh toán.”

Trước đó, ông Ramzan Kadyrov, một thủ lãnh có thế lực tại Chechnya, có nói rằng một số người Chechen đã bị giết chết trong cuộc chiến xâm lăng của Nga tại Ukraine. Đơn vị thiện chiến này đã được Tướng Kadyrov điều động đến Ukraine. Ông Kadyrov là một đồng minh thân cận của Tổng Thống Nga Vladimir Putin.

Phát biểu trên đài truyền hình Ukraine 24 TV, ông Danilov cho biết, “Chúng tôi đã biết trước về sứ mạng đặc biệt này được thi hành bởi một đơn vị trong lực lượng của Kadyrov. Chúng tôi đã nhận được thông tin từ những người làm việc trong Cơ Quan An Ninh Liên Bang Nga. Những người này không muốn tham gia cuộc chiến đẫm máu tại Ukraine.”

Danilov cho biết đơn vị biệt kích này đã tách ra thành hai nhóm, và cả hai đều bị quân đội Ukraine theo dõi.

Ông cho biết một trong hai nhóm đã đụng độ với lực lượng Ukraine tại Hostomel trong vùng tây bắc ngoại ô thủ đô Kyiv. Nhóm này đã bị thanh toán hoàn toàn. Nhóm thứ nhì “hiện đang bị chúng tôi theo dõi,” ông Danilov nói.

Ông Danilov nói tiếp, “Chúng tôi không cho ai được lấy mất Tổng Thống hoặc đất nước của chúng tôi. Đây là quê hương của chúng tôi. Hãy cút đi nơi khác.”

Từ khi cuộc chiến bắt đầu ngày 24 tháng Hai, Tổng Thống Zelensky, 44 tuổi, từng nói ông có thể bị ám sát bởi lực lượng Nga. Ông nói rằng ông là mục tiêu số một của các tay sát thủ từ Điện Kremlin.” Ông nói, “Tôi là mục tiêu số một, vợ và các con của tôi là mục tiêu số hai.”

Tuy bị đe dọa tính mạng như vậy, ông vẫn bày tỏ tinh thần bất khuất bằng cách thâu hình và cho thấy ông không rời bỏ thủ đô hay các chiến sĩ Ukraine như tin giả được tung ra từ phía Nga.

Thiếu tướng Nga bị Ukraine thanh toán, lính Nga bị bỏ đói!

Một sĩ quan cao cấp của Nga đã tử trận trong cuộc chiến xâm lăng Ukraine. Tin này đã được chính phủ Nga xác nhận hôm thứ Năm, sau khi các nguồn tin từ Ukraine cho biết về cái chết một ngày trước đó.

Thiếu Tướngl Andrei Sukhovetsky đã tử trận hôm thứ Tư và tin này đã gây chấn động, làm xuống tinh thần cho binh lính Nga trong lúc họ đang bị đẩy đánh dồn dập vào các thành phố lớn tại Ukraine. Cái chết của Sukhovetsky cũng là một cú đánh khá đau cho Tổng Thống Nga Vladimir Putin, vì thiếu tướng này là một trong các sĩ quan thân cận với ông Putin.

Thiếu Tướng Andrei Sukhovetsky, 47 tuổi, là chỉ huy trưởng của Sư Đoàn 7 Dù của quân đội Nga, đồng thời cũng là phó chỉ huy trưởng của Lực Lượng Liên Hợp 41. Chức vụ này của ông Sukhovetsky đã được bổ nhiệm bởi chính Tổng Thống Putin hồi năm ngoái, sau khi ông được khen thưởng về sự can đảm được thể hiện tại chiến trường Syria.

Trong khi đó tại thủ đô Kyiv, cựu bộ trưởng hạ tầng cơ sở Volodymyr Omelyan nói với đài Fox News Digital hôm thứ Năm về cái chết của Tướng Andrei Sukhovetsky, “Đúng vậy, chúng tôi đã giết ông ấy.” Cựu bộ trưởng này đã tình nguyện gia nhập lực lượng vũ trang bảo vệ thủ đô.

Tại Nga, ông Sergei Chipilev, một sĩ quan Nga đã loan tin trên mạng xã hội VKontakte, “Với sự đau buồn lớn lao, chúng tôi đã nhận được hung tin về cái chết của bạn chúng tôi, Thiếu Tướng Andrey Sukhovetsky, trên lãnh thổ Ukraine trong cuộc hành quân đặc biệt.” Ông Chipilev viết tiếng Nga và được trang tin Nga Pravda chuyển sang Anh văn. “Chúng tôi xin thành kính chia buồn cùng gia đình ông.”

Chính quyền Kremlin đã gọi sự hiện diện của quân đội Nga trên đất Ukraine là một “sứ mạng đặc biệt” hoặc “chiến dịch đặc biệt,” không dùng chữ xâm lược hoặc chiến tranh.

Tuy nhiên, trên thực tế thì quân đội Nga đã tấn công Ukraine như một đạo quân xâm lăng từ phương bắc, phương đông và phương nam kể từ tuần qua. Mặc dù bị thất thế về quân số cũng như vũ khí, như trứng chọi đá, người Ukraine đã chống cự mãnh liệt hơn so với dự đoán của lãnh tụ Putin. Sau một tuần xâm lăng, quân Nga mới chiếm được thành phố hải cảng Kherson ở phía nam. Quân Nga cũng pháo kích tan nát Kharkiv, một thành phố lớn hàng thứ nhì của Ukraine tại miền tây.

Cái chết của Thiếu Tướng Sukhovetsky cho thấy sự chống cự của toàn dân Ukraine đã tạo một thành quả đáng kể trong chiến lược đánh lại quân thù của họ. Một nguồn tin từ quân đội Nga tiết lộ là Thiếu Tướng Sukhovetsky bị bắn chết bởi lính bắn sẻ Ukraine. Đám tang của ông sẽ được tổ chức tại Nga vào thứ Bảy.

Tính đến sáng thứ Tư, Nga thông báo quân đội của họ đã có 498 quân nhân tử trận. Các viên chức Ukraine nói rằng số tử vong cao hơn rất nhiều, có thể lên tới 9,000 người. Ukraine đã không cho biết lực lượng của họ có bao nhiêu người tử trận. Về phía thường dân thì con số lên tới hàng ngàn người.

Trong một video chiếu cho toàn dân Ukraine xem sáng thứ Năm, Tổng Thống Volodymyr Zelensky đã ca ngợi sự chống cự quyết liệt của người dân của ông. Vị tổng thống trẻ tuổi này nói rằng các thành phố của Ukraine sẽ được xây dựng lại bằng tiền của Nga.

Ông cho biết quân Ukraine đang giữ vững thành trì tại các thành phố Kyiv, Chernihiv, Sumy và Mykolaiv. Tổng Thống Zelensky tuyến bố, “Họ muốn tiêu diệt chúng tôi. Họ đã thất bại. Chúng tôi đã trải qua rất nhiều, rất kinh hoàng và ai cũng nghĩ rằng người Ukraine chúng tôi sẽ sợ hãi và sẽ đầu hàng. Họ đã không biết gì về chúng tôi.” Ông nói thêm, “Chúng tôi sẽ xây lại từng ngôi nhà, từng con đường, từng thành phố. Và Nga sẽ phải học chữ bồi thường. Quí vị sẽ phải bồi thường cho tất cả những gì quí vị đã gây ra cho chúng tôi, bồi thường hoàn toàn.”

Ông nói rằng binh lính Nga đang xuống tinh thần, bị đói và phải đến các tiệm tạp hóa để tìm thức ăn. Ông mô tả những người lính Nga mà phần lớn là giới trẻ thi hành nghĩa vụ quân dịch, “Họ không phải là chiến sĩ của một cường quốc. Họ là những đứa trẻ đang hoang mang và bị lợi dụng.”

Thụy Điển Tố Máy Bay Chiến Đấu Nga Xâm Phạm Không Phận

STOCKHOLM (VOA/Reuters) – Lực lượng Vũ trang Thụy Điển loan báo 4 máy bay phản lực chiến đấu Nga trong một thời gian ngắn đã bay vào lãnh thổ Thụy Điển trên Biển Baltic hôm 2/3/2022. Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển ngay lập tức lên án hành động của Nga.

Hai chiếc SU 27 và hai chiếc SU 24 của Nga trong chốc lát đã bay vào không phận phía Đông đảo Gotland của Thụy Điển trong vùng Biển Baltic, Lực lượng Vũ trang Thuỵ Điển tuyên bố và cho biết thêm rằng Thuỵ Điển đã cho các máy bay JAS 39 Gripen đi thu thập dữ liệu về vụ vi phạm này.

“Lẽ dĩ nhiên việc Nga vi phạm không phận của Thụy Điển là hoàn toàn không thể chấp nhận được”, Bộ trưởng Quốc phòng Peter Hultqvist nói với thông tấn xã TT.

“Việc này sẽ đưa đến phản ứng ngoại giao mạnh mẽ từ Thụy Điển. Chủ quyền và lãnh thổ Thụy Điển phải luôn luôn luôn được tôn trọng”.

Lực lượng Vũ trang Thụy Điển nói tình hình đã được kiểm soát và sự việc này cho thấy tư thế chuẩn bị sẵn sàng là tốt.

“Đối với tình hình hiện nay, chúng tôi xem vụ này là rất nghiêm trọng”.

Thụy Điển ngày 27/2 loan báo sẽ viện trợ quân sự bao gồm 5.000 vũ khí chống tăng cho Ukraine, lần đầu tiên kể từ năm 1939 Thụy Điển gởi vũ khí cho một nước lâm chiến.

Hoa Kỳ và Nam Hàn Tìm Cách Viện Trợ Thêm Hàng Tỉ Mỹ Kim Cho Ukraine

HOA THỊNH ÐỐN (VOA/Reuters) – Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang xin Quốc hội Hoa Kỳ chuẩn thuận thêm 32,5 tỉ Mỹ kim nhằm hỗ trợ cho công việc đối phó với COVID của Mỹ và giúp cho Ukraine, Tòa Bạch Ốc cho biết hôm 3/3/2022, viện dẫn hai lý do là “nhu cầu cấp bách và tức thời”.

Theo đó, 22,5 tỉ Mỹ kim sẽ dành để tài trợ cho ngân sách COVID và 10 tỉ Mỹ kim viện trợ quân sự và nhân đạo khẩn cấp cho Ukraine. Các khoản này được đưa vào Dự luật chi tiêu có bình diện rộng lớn hơn của Quốc hội, cấp ngân quỹ cho chính phủ Hoa Kỳ, dự kiến sẽ được thực hiện vào ngày 11/3, Quyền Giám đốc Văn phòng Quản lý của Tòa Bạch Ốc (OMB), Shalanda Young, cho biết trong một tuyên bố.

Các nguồn lực bổ sung sẽ cho phép chính phủ bảo đảm các phương pháp điều trị, vaccine và xét nghiệm trong những tháng tới và cũng là để chống lại các biến thể trong tương lai, bà Shalanda Young nói. Nó cũng sẽ bảo đảm việc tiếp tục xét nghiệm miễn phí cho cộng đồng, điều trị và tiêm chủng cho các cá nhân không có bảo hiểm.

Bà Young cũng viện dẫn “nhu cầu ngay lập tức” về khoản viện trợ để giúp Ukraine và các đồng minh Trung Âu khác sau cuộc xâm lược của Nga vào tuần trước.

Khoản tiền này sẽ giúp đào tạo quân đội Ukraine, bảo vệ mạng lưới điện, tăng cường khả năng phòng thủ mạng và thực thi các biện pháp trừng phạt, bà Young cho biết thêm.

Tòa Bạch Ốc đã đề nghị Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn khoản viện trợ 6,4 tỉ Mỹ kim để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh ở Ukraine một ngày sau khi Nga xâm lược vào ngày 24/2.

OMB cho biết yêu cầu tài trợ mới nhất có thể không phải là yêu cầu cuối cùng.

Trong một động thái liên quan, Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in hôm 3/3 cho biết đã phê duyệt 10 triệu Mỹ kim viện trợ nhân đạo khẩn cấp, bao gồm cả vật tư y tế, cho người dân Ukraine và người tị nạn.

Trong cuộc điện đàm với ông Moon, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy đã đề nghị trợ giúp nhằm khắc phục khủng hoảng và bảo vệ Ukraine, Nhà Xanh của Nam Hàn cho biết trong một tuyên bố.

Hoa Kỳ Cam Kết Truy Quét Các Nhà Tài Phiệt Nga

HOA THỊNH ÐỐN (VOA/AP) – Hôm 2/3/2022, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết họ sẽ truy quét các nhà tài phiệt Nga và bất kỳ ai khác vi phạm các lệnh trừng phạt sâu rộng do chính quyền Biden áp đặt để đáp lại việc Nga xâm lăng Ukraine.

Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland vừa thông báo thành lập Lực lượng Đặc nhiệm KleptoCapture, một nhóm các đặc vụ và Công tố viên liên bang chịu trách nhiệm điều tra và truy tố bất kỳ hành vi vi phạm nào đối với các lệnh trừng phạt mới và sẽ có trong tương lai.

Chiến dịch này bao gồm việc thu giữ tài sản của các nhà tài phiệt và những người khác vi phạm các lệnh trừng phạt.

Bộ trưởng Garland cho biết trong một tuyên bố công bố các biện pháp trừng phạt rằng Bộ Tư pháp “sẽ làm mọi cách” trong việc điều tra và truy tố “những kẻ có hành vi phạm tội hòng tiếp sức cho chính phủ Nga tiếp tục cuộc chiến phi nghĩa này”.

Anh Quốc Trừng Phạt 4 Viên Chức Quân Đội Belarus

LONDON (VNC) – Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 1/3/2022, Vương quốc Anh nói rằng đã trừng phạt 4 viên chức quân sự cấp cao và hai công ty của Belarus vì nước này đã hỗ trợ Nga xâm lược Ukraine.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết trong một tuyên bố được thông tấn xã AFP trích dẫn, rằng chế độ của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đang tích cực hỗ trợ và tiếp tay cho cuộc xâm lược bất hợp pháp vào Ukraine và sẽ phải gánh chịu hậu quả kinh tế khi ủng hộ ông Putin.

Lệnh trừng phạt này có hiệu lực ngay lập tức, nhằm vào tổng tham mưu trưởng và Thứ trưởng Quốc phòng Viktor Gulevich cũng như 3 viên chức quân đội cấp cao khác.

Bốn người này bị cấm nhập cảnh Anh Quốc và tài sản của họ, nếu có ở Anh Quốc, sẽ bị phong tỏa.

Cũng tại Anh Quốc, tỉ phú Mikhail Fridman hôm 1/3 đã lần đầu lên tiếng từ hôm Nga xâm lăng Ukraine. Ông đã từ chối bình luận về Tổng thống Putin và cho rằng các biện pháp trừng phạt hiện tại của phương Tây sẽ không làm thay đổi chính sách của Ðiện Cẩm Linh. Từ Luân Đôn, thông tín viên Marie Boëda của Ðài RFI tường trình:

Mikhail Fridman lên án chiến tranh nhưng không lên án Vladimir Putin. Tại một cuộc họp báo ở Luân Đôn vào hôm 1/3, ông đã từ chối mọi bình luận về chủ nhân Ðiện Cẩm Linh. Và ông Fridman giải thích rằng, ông phải chịu trách nhiệm về các nhân viên Nga và Ukraine của mình.

Nhà tỉ phú nói: “Đây là một vấn đề rất nhạy cảm, chúng tôi có hàng chục đối tác và tôi không có quyền đặt họ vào tình thế nguy hiểm. Vì vậy, tôi không tin rằng chiến tranh là một giải pháp cho cuộc xung đột này. Tôi nghĩ rằng cần chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt”.

Ông Fridman sinh ra ở Lviv, miền Tây Ukraine, nơi cha mẹ ông vẫn sinh sống. Hiện ông sống ở hai nơi, Nga và Anh.

Ông được coi là một người thân cận với Vladimir Putin. Chính vì lý do này mà ông đã bị Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt. Các biện pháp trừng phạt bao gồm việc phong tỏa một số tài sản và lệnh cấm nhập cảnh, di chuyển trong Liên Hiệp Âu Châu. Ông cho rằng quyết định này không công bằng. Hiện tại, Hoa Kỳ và Anh chưa áp dụng các trừng phạt tương tự.

Mikhail Fridman khẳng định không hề có chút ảnh hưởng nào đối với Tổng thống Nga và theo ông, các lệnh trừng phạt hiện đang được áp dụng sẽ không tác động gì đến các quyết định chính trị của Ðiện Cẩm Linh.

Chuyên Gia Quân Sự Mỹ Cảnh Báo Nga Có Thể Sử Dụng “Bom Áp Nhiệt” ở Ukraine

HOA THỊNH ÐỐN (RFI) – Chính quyền Putin có thể sử dụng các vũ khí có mức độ hủy diệt cao tại Ukraine, báo chí phương Tây hôm 1/3/2022, dẫn lời chuyên gia quân sự Mỹ cho biết như trên. Nhận định được đưa ra tiếp theo tuyên bố của chính quyền Ukraine, khẳng định quân đội Nga đã sử dụng bom áp nhiệt tại một khu vực Đông-Bắc Ukraine.

Trang mạng Hoa Kỳ Foreign Policy, chuyên về chính trị quốc tế dẫn lời một viên chức quốc phòng cấp cao của Mỹ xin ẩn danh khẳng định “Ðiện Cẩm Linh đang chuẩn bị nhiều vũ khí đáng sợ hơn để đánh vào nỗi sợ hãi của người dân, trong bối cảnh các trở ngại về hậu cần đang cản trở giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự”. Nhưng dụng ý của Nga không chỉ gây lo sợ. Một số chuyên gia cho Foreign Policy biết là “dường như Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí này (tức bom áp nhiệt) để tấn công quân đội Ukraine và các lực lượng dân sự tham gia kháng chiến”.

Bom áp nhiệt là một loại vũ khí có độ hủy diệt đáng sợ, dựa trên nguyên lý một vụ nổ kép. Khi quả bom đến sát mục tiêu, vụ nổ đầu tiên giải phóng các hạt chất lỏng hoặc bột kim loại trên bề mặt có bán kính vài trăm mét. Một vụ nổ thứ hai đốt cháy tất cả nhiên liệu đang lan tràn trong không khí. Quả cầu lửa được tạo ra có thể hủy diệt toàn bộ một khu vực diện tích 8000 mét vuông. Người có mặt trong phạm vi này có thể chết do sóng xung kích, do sức nóng, và đặc biệt do bị ngạt thở. Bom áp nhiệt hút hết không khí xung quanh nên còn được gọi “bom chân không”.

Đêm 28/2, sau cuộc họp với các Nghị sĩ Mỹ, Ðại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ, bà Oksana Markarova, khẳng định với báo giới là Nga đã sử dụng bom áp nhiệt tại Ukraine cùng ngày, một vũ khí “bị cấm theo công ước Geneva”. Theo lãnh đạo khu vực hành chính Sumy (Đông-Bắc Ukraine), một quả bom áp nhiệt đã phá hủy một căn cứ quân đội Ukraine ở thị trấn Okhtyrka, khiến 70 binh sĩ thiệt mạng.

Hiện tại, chính quyền Mỹ chưa xác minh cáo buộc này. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nhận định: “Nếu điều đó là sự thật, đây sẽ là một tội ác chiến tranh”. Hôm thứ Hai, một số nhóm bảo vệ nhân quyền, trong đó có Ân xá Quốc tế và Human Rights Watch, cáo buộc quân đội Nga sử dụng các vũ khí bị cấm để tấn công thường dân, như bom chùm.

Hiện tại chưa có xác minh từ phía giới chuyên gia về việc quân đội Nga đã sử dụng bom áp nhiệt tại Ukraine. Euronews cho biết phóng viên của hãng tin Mỹ CNN đã quay phim được một phương tiện được cho là hệ thống phóng bom áp nhiệt, có tên gọi TOS-1, đang trên đường di chuyển đến sát biên giới Ukraine, gần thành phố Nga Belgorod, cách biên giới Đông-Bắc Ukraine khoảng 30 cây số. Dàn phóng bom áp nhiệt TOS-1A gồm 24 phi đạn được coi là một trong những vũ khí đáng sợ nhất của quân đội Nga.

Theo Euronews, bom áp nhiệt được quân đội Nga sử dụng trong cuộc chiến chống các lực lượng ly khai tại Tchetchenia và mới đây nhất là tại Syria năm 2018. Về mặt chính thức, lần đầu tiên quân đội Liên Xô sử dụng bom áp nhiệt tại A Phú Hãn trong cuộc can thiệp quân sự những năm 1980. Hoa Kỳ và một số quốc gia khác cũng sở hữu loại vũ khí này. Theo mạng La Presse của Gia Nã Ðại, quân đội Mỹ cũng đã sử dụng vũ khí này năm 2000 tại A Phú Hãn để tấn công lực lượng Al-Qaida và đồng minh Taliban, ẩn náu trong các hang động.

Tin Việt Nam

Ba Hãng Hàng Không Lên Kế Hoạch Đưa Công Dân Việt Nam Từ Ukraine Về Nước Từ Ngày 6/3

HÀ NỘI (RFA) – Chuyến bay giải cứu các công dân Việt Nam từ Ukraine về nước dự kiến sẽ thực hiện sớm nhất vào ngày 6/3/2022.

Cục Hàng không Việt Nam cho truyền thông hay thông tin trên trong ngày 2/3, sau khi nhận được chỉ đạo của Chính phủ về việc thực hiện các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam từ Ukraine về nước.

Theo Cục hàng không, ngoài Vietnam Airlines đã lên kế hoạch đón công dân Việt Nam tại sáu điểm đón, thì trong ngày 2/3, hãng Vietjet có công văn gửi Bộ Ngoại giao, Giao thông-Vận tải tham gia tổ chức chuyến bay miễn phí đưa công dân Việt Nam tại Ukraine về nước từ thành phố Warsaw (Ba Lan) vào ngày 6/3.

Cũng trong ngày 2/3, hãng hàng không Bamboo Airways đã có văn bản gửi Cục Hàng không về việc hãng sẵn sàng thực hiện 7 đường bay giải cứu kết nối từ Hà Nội đến Prague (Cộng hòa Czech), Bucharest (Lỗ Ma Ni), Warsaw (Ba Lan), Budapest (Hung Gia Lợi), Bratislava (Slovakia), Mạc Tư Khoa (Nga), Minsk (Belarus).

Hôm 1/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết tại cuộc họp báo về tình hình chiến sự tại Ukraine rằng đến trưa 1/3/2022, đã có khoảng 200 người Việt Nam được Tòa Ðại sứ và các hội đoàn tại Ukraine hướng dẫn và hỗ trợ di tản ra khỏi vùng chiến sự. Hiện nay Tòa Ðại sứ tiếp tục tập hợp nhu cầu của người dân tại Ukraine để có thể khai triển phương án phù hợp. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục cập nhật thông tin trong thời gian tới.

Bà Hằng cũng cho biết thêm hiện có khoảng 7.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Ukraine và chưa có thiệt hại nào được ghi nhận sau 6 ngày Ukraine xảy ra chiến tranh với Nga.

Sứ Quán Ukraine cảm ơn sự ủng hộ của giới xã hội dân sự ở Việt Nam

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 5 Tháng Ba, sự kiện gây quỹ ủng hộ Ukraine ở Hà Nội đã diễn ra tại sứ quán nước này ở quận Ba Đình.

Vài giờ trước đó, trang Facebook Đại Sứ Quán Ukraine tại Việt Nam cho biết ông Nguyễn Khắc Mai và ông Nguyễn Đình Cống, đã thay mặt một số tổ chức dân sự đến sứ quán chuyển thư ủng hộ nhân dân Ukraine.

 Bà Nataliya Zhynkina, đại biện lâm thời Ukraine, đón tiếp ba người đại diện giới xã hội dân sự ở Việt Nam. (Hình: Facebook Embassy Of Ukraine In Vietnam)

“Ông Nguyễn Khắc Mai cho biết được sự khuyến khích của người thân, bạn bè, bác đã lập một quỹ ủng hộ Ukraine để bạn bè và những ai có nguyện vọng ủng hộ nhân dân Ukraine có thể cùng góp sức,” Sứ Quán Ukraine viết thêm.

Ngoài ra, trang này cũng “cảm ơn các anh chị người Việt Nam gửi tài trợ để giúp người Ukraine vượt qua thảm họa nhân đạo.”

Một số blogger ở Hà Nội như nhà báo tự do Đoàn Bảo Châu, cho biết trên trang cá nhân rằng ông đã kêu gọi dân mạng đóng góp gần 300 triệu đồng ($13,134) để đem đến trao tại Sứ Quán Ukraine.

Liên quan thư ủng hộ Ukraine của giới xã hội dân sự, Đài VOA Tiếng Việt dẫn lời Giáo Sư Nguyễn Đình Cống: “Chúng tôi kiên quyết lên án hành vi xâm lược trắng trợn của Putin vào Ukraine và hoàn toàn ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân và chính phủ Ukraine. Chúng tôi cũng hiểu rằng, bảo vệ Ukraine lúc này không chỉ là bảo vệ hòa bình mà còn là bảo vệ một nền dân chủ non trẻ vừa mới thoát ra khỏi quá khứ độc tài. Là những người yêu chuộng tự do, chúng tôi luôn đứng bên cạnh nhân dân Ukraine để gìn giữ nền dân chủ của các bạn.”

Trong một diễn biến khác, tờ Tuổi Trẻ hôm 5 Tháng Ba dẫn bình luận “nước đôi” của ông Nguyễn Chí Vịnh, cựu thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam: “Chúng ta phản đối bất cứ hình thức nào áp đặt chiến tranh với Ukraine, kêu gọi hòa bình, ổn định cho người dân. Tuy nhiên, cũng cần góp ý với các bạn Ukraine về việc để đất nước mình trở thành nơi xung đột quyền lực của các nước lớn là rất không ổn.”

Tướng Vịnh cũng nói thêm rằng ông này muốn chia sẻ với Ukraine bài học “ba không” của Hà Nội trong chính sách quốc phòng: “Không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không cho nước ngoài sử dụng lãnh thổ nước mình để chống lại nước thứ ba.”

Tin Cộng Ðồng

Đông đảo giáo dân Công Giáo Little Saigon thắp nến cầu hòa bình cho Ukraine

GARDEN GROVE, California (NV) –  Đông đảo giáo dân vùng Little Saigon có mặt tại Linh Đài Đức Mẹ La Vang trong khuôn viên nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô, Garden Grove, tối Thứ Năm, 3 Tháng Ba, để thắp nến cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine.

Cuộc xâm lăng Ukraine của Nga bắt đầu từ Thứ Năm, 24 Tháng Hai, đến nay gây ra nhiều đau thương cho người dân. Nhiều người phải tìm chỗ lánh nạn, và nhiều người phải tìm cách di tản ra khỏi nước nhà để tránh chiến tranh.

Tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hôm Thứ Tư, 2 Tháng Ba, Bộ Quốc Phòng Nga cho biết chỉ có gần 500 binh sĩ thiệt mạng, và gần 1,600 người khác bị thương, nhưng phía Ukraine cho biết tổn thất của Nga cao hơn rất nhiều.

Nga còn cho biết có hơn 2,870 lính Ukraine thiệt mạng, và khoảng 3,700 người khác bị thương.

Không ai biết được cuộc chiến này sẽ kéo dài đến bao giờ, nhưng ai cũng biết sẽ có rất nhiều người mất mạng hay gặp nguy hiểm.

Mấy hôm trước, Linh Mục Phạm Ngọc Hùng, giám đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange, gửi một thông báo kêu gọi giáo dân gốc Việt ở Orange County đến nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô để thắp nến trước Linh Đài Đức Mẹ La Vang.

Lễ thắp nến bắt đầu lúc 6 giờ 15 phút tối, nhưng trước nhà thờ tổ chức một Thánh Lễ trước đó để cầu nguyện cho người dân Ukraine sau khi bị Nga xâm lăng.

Trước Thánh Lễ, một số giáo dân chia sẻ cảm nghĩ với phóng viên Người Việt về tình hình ở Ukraine và lễ thắp nến.

Ông Hà Thanh Tuấn, cư dân Garden Grove, cho biết: “Tình hình ở Ukraine mỗi lúc mỗi căng thẳng hơn. Tôi nghĩ Tổng Thống Vladimir Putin của Nga là một người quá lạnh lùng, và không hiểu tại sao ông lại tấn công Ukraine như vậy. Tại sao ông không chịu đàm phán để hai nước có một hiệp ước hay thỏa thuận hỏa bình, mà lại đi tấn công thẳng thừng như vậy?”

“Ai cũng là con của Chúa, và Người dạy chúng ta phải biết yêu hòa bình, nên tôi muốn thắp cho Ukraine một ngọn nến. Tuy nhỏ nhoi, nhưng tôi hy vọng Chúa sẽ bảo vệ người dân của quốc gia đó, và giúp họ vượt qua được nguy hiểm là lửa đạn của Nga,” ông Tuấn nói thêm.

 Nhiều giáo dân thắp nến cầu hòa bình cho Ukraine.

Một số giáo dân khác cho rằng quyết định tấn công Ukraine của Tổng Thống Vladimir Putin là thiếu nhân đạo và quá nhẫn tâm. Điều đó khiến họ và gia đình đến nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô để cầu nguyện cho hòa bình.

“Tôi hy vọng Ukraine sẽ an bình, và không có thế chiến xảy ra. Nếu có một cuộc chiến tranh lớn, chắc không ai trên thế giới này sống sót cả,” một giáo dân nói.

Trong Thánh Lễ, Linh Mục Phạm Ngọc Hùng cho biết ai cũng muốn chung sống trong hòa bình, nhưng lòng tham và sự ích kỷ của nhiều người gây ra nhiều đau thương cho nhân loại.

Ông nói mục đích của Thánh Lễ và Lễ Thắp Nến là để cầu nguyện cho người dân Ukraine, nhất là những người sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ người khác như trẻ em và phụ nữ.

Sau Thánh Lễ, giáo dân kéo đến Linh Đài Đức Mẹ La Vang, mỗi người cầm một cây nến trên tay để đặt lên bản đồ Ukraine trước linh đài.

Trên bản đồ là dòng chữ “Cầu nguyện cho Ukraine” (Pray For Ukraine), và giáo dân nào cũng thành tâm đặt nến lên bản đồ để cầu nguyện cho hòa bình.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, cư dân Santa Ana, cho biết: “Thấy bà con đến đông như vậy, tôi rất cảm động. Người Việt Nam mình rất hiểu cảnh quê hương bị chiến tranh tàn phá, nên tôi cầu Chúa và Đức Mẹ La Vang bảo vệ người dân Ukraine qua khỏi cuộc chiến như đã từng bảo vệ người Việt Nam chúng ta.”

Sau khi thắp nến, giáo dân tiếp tục đọc kinh và hát Thánh Ca để cầu nguyện cho Ukraine.

Sau lễ, Linh Mục Phạm Ngọc Hùng bày tỏ sự cảm kích với cộng đồng giáo dân vì có mặt đông đảo để cầu nguyện cho hòa bình.

Linh mục nói: “Tôi hy vọng mọi người không chỉ cầu nguyện hôm nay thôi, mà xin cầu nguyện liên tục cho Ukraine. Quý vị nên cầu xin Thiên Chúa, và những người thuộc các giáo phái khác nên cầu xin ơn trên bảo vệ Ukraine.”

Thị Trưởng Trí Tạ tham gia đồng hành cùng cộng đồng người Ukraine

QUẬN CAM – Chiều ngày thứ Ba, 1 tháng 3, Thị Trưởng Trí Tạ của thành phố Westminster đã có mặt cùng với hàng trăm người Mỹ gốc Ukraine để tuần hành tại khu vực bờ biển Laguna Beach với mục đích lên tiếng chống lại hành động xâm lấn của Nga đang diễn ra.

Thị Trưởng Trí Tạ đã bày tỏ sự quan tâm của ông với chiến sự đang diễn ra tại Ukraine và ông cũng đã cùng mọi người ký tên vào lá thư gửi cho Nghị Sĩ Liên Bang Dianne Feinstein để yêu cầu Quốc Hội Hoa Kỳ hãy đưa ra biện pháp cũng như chính sách hỗ trợ người dân Ukraine chống lại hành động xâm lược trắng trợn của Nga.

Nhiều người tham dự cuộc tuần hành đã giương cao ngọn cờ Ukraine và Thị Trưởng Trí Tạ cũng cho biết ông và cộng đồng người Việt đều ủng hộ cho tinh thần chiến đấu vì tự do của người Ukraine. Được biết, người dân Ukraine hiện nay cũng đang chiến đấu dũng cảm vì sự tự do và sự sống còn cho dân tộc Ukraine.

Bài Vở Bình Luận

‘Người Nga Có Muốn Chiến Tranh Không?’

Misha Đoàn – VOA’s Blog

*

(Hình Misha Doan: Thủ đô Kyiv của Ukraine những ngày còn thanh bình 2015.)

Cháu luôn nghĩ là “Không”. Bởi một bạo chúa không phải là cả nước Nga, cả dân tộc Nga.

Misha Đoàn (*)

Mùa Hè 2015, khi đi dạo trong khuôn viên khu bảo tàng chiến tranh tại Kyiv, bất chợt tôi thấy một đôi tình nhân âu yếm ôm nhau trong khi đang chăm chú quan sát một chiếc… xe tăng. Tôi liền vội vàng giơ điện thoại lên, chộp được khoảnh khắc đó.

Quay trở lại Mỹ, tôi đăng tấm hình đó lên trang Facebook của mình kèm theo một đoạn trích dẫn từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Con đường đau khổ” của nhà văn Nga Aleksei Tolstoy với bối cảnh những năm cuối chiến tranh thế giới lần thứ nhất và cuộc nội chiến Nga.

Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét và sẽ còn lại không phôi pha tấm lòng em nhẫn nại dịu dàng và chan chứa tình yêu thương…”.

Thật sự, lúc đó trích dẫn cho hợp ngữ cảnh thôi chứ chiến tranh còn ở mãi tận Donbass, cách thủ đô Kyiv gần cả ngàn cây số….

Vậy mà vào những ngày này bom đã rơi, đạn đã nổ tại trung tâm Kyiv. Tôi lật lại những tấm ảnh chụp tại Kyiv, nhìn những khuôn mặt của những người không quen trên đường phố lọt vào ống kính và thẫn thờ tự hỏi: Bây giờ họ đang ở đâu, dưới hầm trú ẩn hay trong bệnh viện hoặc trên chiến tuyến?

Tôi bị “shocked” trước những gì đang xảy ra, không tin được đó là sự thật. Những ngày này tôi luôn có tâm trạng u uất, đau khổ lẫn phẫn nộ, thậm chí có cả cảm giác xấu hổ, với những câu hỏi luôn dằng xé “Tại sao? Tại sao?”

Lứa du học sinh thời tôi, và phần đông người Việt Nam hiện tại có sự mặc định lầm lẫn rằng “Liên Xô” (Soviet Union) là Nga. Đối với phần đông chúng tôi, Nga là cách gọi tắt của đế chế Soviet mênh mông gồm 15 nước Cộng hòa tự trị. Mà cũng phải thẳng thắn khách quan thừa nhận rằng thời đó các dân tộc trong Liên Xô sống với nhau khá là hòa thuận tuy có thể đó là vì sự kiểm soát nghiêm ngặt từ phía Chính quyền Trung ương. Vậy nên cũng dễ hiểu khi đối với chúng tôi thì hầu như không có sự khác nhau mấy giữa người Nga hay Ukraine hoặc Belarus; tất cả là một dân tộc, cùng một tổ quốc, dưới một ngọn cờ….

 Tôi có thể may mắn hơn một số bạn sinh viên du học cùng lứa bởi vì có một khoảng thời gian rất dài tôi được sống chung với cộng đồng người Nga (hay chính xác hơn là người Soviet) bản xứ. Tôi được nuôi dưỡng bằng bánh mì Nga, văn hóa Nga, tinh thần Nga… đến nỗi đôi khi tôi cứ ngỡ rằng mình cũng là… người Nga.

Trong sổ thông hành người vợ đầu tiên của tôi, phần Dân tộc (Nation) được ghi là Nga nhưng trên thực tế Họ (Last name) của vợ tôi lại mang gốc Ukraine – GORDEENKO. Cũng có lần tôi đã từng hỏi vợ tôi rằng vậy em chính xác là người Nga hay Ukraine thì cô ấy trả lời là không rõ nhưng cô đã quen với việc coi cô ấy là người Nga rồi. Tôi lại đem câu hỏi đó ra hỏi ông ngoại của cô ấy, ông phẩy tay: “Có gì khác lạ đâu chứ. Nga hay Ukraine đều là một, chúng ta là dân Soviet”.

Ông bà ngoại của vợ cũ tôi đều tham gia Ðệ nhị Thế chiến. Ông tham gia tấn công vào lãnh thổ Đức Quốc xã 1945, bị thương, gặp bà ngoại là Hộ lý tại Quân y viện. Sau chiến tranh hai người kết hôn. Ông bà ngoại thương yêu tôi như con cháu ruột thịt trong nhà, thậm chí thường bênh vực tôi mỗi khi có xung khắc gia đình giữa tôi và vợ, với lập luận rằng: “Thằng Misha (tên gọi của tôi thời sinh viên) ở đây có một mình, chúng ta phải thương yêu nó vì nó ở Việt Nam cũng đã phải chịu bao nhiêu cực khổ vì chiến tranh rồi”.

Hàng năm, cứ đến ngày 9/5 thì cả gia đình vợ tôi lại tập trung quây quần xung quanh chiếc bàn để ngoài vườn dưới cây cherry rợp màu hoa hồng tím.

Ngày 9/5 được coi là Ngày Chiến thắng trong “Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại” (ngày chiến thắng Phát xít Đức) của người Nga. Mới đầu hè, bầu trời xanh thăm thẳm, hoa rực rỡ sau mùa Đông ảm đảm, hít thật sâu vào ngực luồng không khí trong lành có mùi thoảng thoảng của đất và hoa để cảm giác như được truyền một luồng sinh khí mới, người lâng lâng….

Chiếc bàn được bày ra với bao nhiêu là bia rượu, lò nướng được đốt lên với mùi thơm ngào ngạt của món shashlyk (thịt nướng, BBQ) Nga truyền thống. Ông ngoại khề khà kéo đàn accordion cho bà ngoại hát những bài dân ca Nga liên quan đến chiến tranh: “Ôi những con đường lầm bụi, mù sương, lạnh lẽo, lo âu và thảo nguyên cỏ dại…”. Rồi ông đứng lên, cầm ly Vodka và trịnh trọng tuyên bố “Mọi người hãy nâng ly để tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống cho chúng ta được sống, được ngồi quây quần với nhau hôm nay, để những thế hệ tiếp theo của chúng ta không biết đến vũ khí là gì..”. Cả bàn đều đứng lên, cụng ly với nhau rồi ngửa cổ uống cạn hết ly mới được để cốc xuống bàn và phấn khích hét lên “Hurra..”.

Buổi tiệc thường kéo dài từ trưa đến tối, mọi người vừa uống, vừa hát những bài hát nổi tiếng về chiến tranh như “Kachiusa” “Thành phố thân yêu”, rồi xem TV cảnh duyệt binh với điệu quân nhạc trầm hùng “Vĩnh biệt người con gái xứ Slavo”, nghe Mark Bernes hát “Người Nga có muốn chiến tranh không?”

“Xin hãy hỏi sự yên bình tĩnh lặng

Trên những dải ruộng đồng bao la

Xin các anh hãy hỏi những cây dương

Xin các anh hãy hỏi bao người lính

Đang nằm dưới những gốc bạch dương

Hãy để cho con của những người này lên tiếng

Người Nga có muốn chiến tranh không?”

Ông ơi, khi viết những giòng chữ này, cháu lại nghĩ đến ông bà. Ông có hình dung được không, những dàn Kachiusa với tên gọi mới là Grad đang dội bão lửa. Không, không phải dội xuống Bá Linh của năm 1945, mà là dội xuống Kyiv của năm 2022.

Và những người lính Nga đang ngã xuống, không phải để bảo vệ tổ quốc của mình.

Một quốc gia đã góp phần đánh bại hiểm họa Phát xít, quốc gia mà ông đã tôn thờ, đã đổ máu để bảo vệ nó, mỉa mai thay quốc gia đó giờ lại đang trong vai kẻ xâm lược. Và đau đớn thay lại đi giết chính những người láng giềng của mình.

Ông ơi, nếu cõi khác có thật, chắc ông sẽ rất đau lòng khi tổ quốc của ông đã không còn nữa, khi những toan tính, tham vọng của kẻ cầm quyền đã làm hoen ố hình ảnh đất nước của ông, để một số vin vào cớ đó để hoài nghi, phủ nhận những mất mát, hy sinh của ông và đồng đội….

Cháu rất đau lòng khi nghe lại bài hát “Người Nga có muốn chiến tranh không?”

Cháu luôn nghĩ là “Không”. Bởi một bạo chúa không phải là cả nước Nga, cả dân tộc Nga.

Người Nga trong cháu là ông bà, là Puskin, Lermontov, Tolstoy, Paustovsky….

Không, người Nga không muốn chiến tranh, phải không ông?

(*) Tác giả Misha Đoàn từng theo học Khoa Luật, Đại học Tổng hợp Tashkent (Uzbekistan) 1983-1989 và Khoa Báo chí, Đại học Tổng hợp Sankt-Petersburg (Nga) 1993-1996. Tác giả hiện định cư tại California, Hoa Kỳ. Tòa soạn giữ nguyên văn phong và cách phiên âm theo tiếng Nga của một số nhân vật và địa danh mà tác giả đề cập.

Nga Thiếu May Mắn Vì Ukraine Không Chọn ‘Chính Sách 4 Không’

Trân Văn – VOA’s Blog (3/3)

*

Thiên hạ bắt đầu cảm thấy ân hận khi từng để Ukraine loay hoay với tham vọng và sự hung hãn của Nga trong một thời gian dài.

Cuối cùng, ông Putin – Tổng thống Nga – cũng đã lên tiếng. Putin đã ngậm tăm sau khi ra lệnh tấn công Ukraine hôm 24/2/2022 để… “tự vệ trước nguy cơ xảy ra những điều tồi tệ hơn tình trạng hiện nay đối với lợi ích và chủ quyền của nước Nga”. Tại cuộc họp báo được tổ chức ngày 2/3/2022 ở Mạc Tư Khoa, Putin chỉ trích Mỹ và các đồng minh đã chủ động soạn kịch bản, dùng Ukraine như công cụ, dụ Nga tấn công Ukraine và Putin không thể làm khác cho dù ông ta không hề muốn xua quân vào Ukraine (1)!…

Trong cùng ngày, tại New York, 141 trong số 193 quốc gia là thành viên Liên Hiệp Quốc nhất trí lên án Nga tấn công Ukraine, yêu cầu Nga rút khỏi Ukraine ngay lập tức và vô điều kiện… Chỉ có 5/193 quốc gia tán thành hành động của Nga (ngoài Nga tự bảo vệ mình như lẽ tất nhiên, ủng hộ Nga chỉ có Belarus, Bắc Hàn, Eritrea, Syria). 35/193 quốc gia bỏ phiếu trắng (không lên án cũng không ủng hộ), trong số này có Việt Nam, xưa nay vẫn thường song hành với Trung Quốc (2).

Tin mới nhất: Nga cho biết sẽ tiếp tục ngồi xuống với Ukraine trong ngày 3/3/2022 để bàn về việc ngưng bắn…. Chưa biết kết quả thế nào nhưng rõ ràng, chưa bao giờ Nga thiệt hại nặng nề cả trong bang giao quốc tế lẫn kinh tế và nội trị bất ổn, hỗn loạn như vậy….

***

Nếu Ukraine xác lập chính sách quốc phòng “ba không”: “Không tham gia liên minh quân sự”. “Không liên kết với nước này để chống nước kia”. “Không cho ngoại quốc đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác” và đến năm 2019, long trọng bổ sung thêm một “không” nữa vào “Bạch thư Quốc phòng” (3): “Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” như Việt Nam, vị thế chính trị của Ukraine sẽ không như mọi người đã thấy suốt tuần vừa qua.

Không may cho Putin là dân Ukraine thuộc loại bất khuất. Bởi họ đã từng đứng dậy giành lấy và cương quyết giữ cho bằng được quyền lựa chọn những cá nhân đại diện cho chính họ trong các cơ quan dân cử, qua đó kiểm soát các cơ quan công quyền nên mới có Tổng thống Volodymyr Zelenskyy. Nếu Volodymyr Zelenskyy không như mọi người đã biết và đang thấy, chắc chắn dân Ukraine đã không chọn để đặt ông vào vị trí Tổng thống và không cùng ông đối đầu với Nga để bảo vệ quyền tự quyết của Ukraine.

Xưa cũng thế và giờ cũng vậy, thiên hạ chỉ dành thiện cảm cho những người dám sống và chết vì những giá trị mà nhân loại cùng cho là cao đẹp. Bởi dân Ukraine sẵn sàng vứt bỏ tất cả để bảo vệ từ thể diện tới chủ quyền quốc gia của họ, bảo vệ phẩm giá của những người được gọi là Ukrainian, cộng đồng quốc tế mới ủng hộ Ukraine và sử dụng nhiều cách thức khác nhau, trừng phạt Nga, tiếp sức cho Ukraine. Không phải tự nhiên mà cộng đồng Âu Châu xem Ukraine như đại diện cho căn tính, giá trị Âu Châu.

Tại sao dân Ukraine sẵn sàng đối đầu với Nga, bất kể hậu quả để giữ quyền quyết định vận mệnh của họ? Chắc chắn do họ hiểu thế nào là giá trị của độc lập, tự do sau nhiều thế kỷ hết thuộc Mông Cổ, đến thuộc Ba Lan, Thổ, Nga….

Dân Ukraine từng thực hiện “Cách mạng Cam” năm 2004, phế truất Viktor Yanukovych – cựu Thủ tướng muốn dán tương lai của Ukraine vào Nga – đắc cử Tổng thống vì gian lận bầu cử. Dân Ukraine từng tiến hành “phong trào EuroMaidan” (cuối 2013 đầu 2014), phản đối chính phủ thân Nga trì hoãn ký kết Thỏa thuận Hợp tác và Thương mại Tự do với Liên Hiệp Âu Châu, lật đổ chính phủ này. Đó cũng là lý do Nga cưỡng chiếm Crimea, khuấy động các cuộc bạo động đòi tự trị ở Donetsk và Lugansk thuộc khu vực Donbass.

Khi phải làm hàng xóm với một quốc gia vừa nuôi tham vọng chi phối, dẫn dắt các lân bang, vừa hết sức hung hãn như Nga, một dân tộc quật cường như dân Ukraine chắc chắn sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ đảng nào, chính phủ nào định ra và đeo đuổi “chính sách ba không”, thậm chí tạo thêm một… “không” chỉ để duy trì… “sự toàn vẹn của đặc quyền, đặc lợi” cho đảng của mình, chính phủ của mình, chứ không phải giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, duy trì và phát triển các lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Là nguyên thủ của một xứ sở như thế, Tổng thống Ukraine phải như đã biết và đang thấy. Volodymyr Zelenskyy không thể vứt bỏ nhân tâm, dân ý, vặn hỏi những người dân Ukraine bày tỏ sự âu lo về tương lai quốc gia, số phận dân tộc, kiểu như ông Nguyễn Phú Trọng từng vặn hỏi đồng chí, đồng bào hồi 2015, lúc họ nêu thắc mắc, rằng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam sẽ làm gì khi Trung Quốc càng ngày càng hung hăng trong việc xác lập chủ quyền đối với 80% diện tích biển Đông: Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội đảng được không (4)?

***

Sự kháng cự mãnh liệt của Ukraine đối với tham vọng biến xứ sở này thành chư hầu của Nga thêm một lần nữa, phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế đối với cuộc xâm lăng do Nga tiến hành hồi cuối tháng vừa qua, giá mà cả Putin lẫn Nga cùng phải trả… chắc chắn sẽ khiến cả Tập Cận Bình lẫn Trung Quốc phải cân nhắc đến hậu quả của việc tấn công, sáp nhập Đài Loan – lãnh thổ mà mức độ cương cường từ trên xuống dưới dường như chẳng kém Ukraine – vào Trung Quốc.

Còn biển Đông, rộng hơn là Việt Nam thì sao? Có lẽ Tập Cận Bình và Trung Quốc không thèm bận tâm vì trước đã có… “chính sách ba không”, giờ có thêm… “chính sách bốn không” và cam kết tự nguyện tuân thủ những chính sách này một cách nghiêm cẩn.

Suốt tuần vừa qua, rất nhiều người Việt bày tỏ sự phẫn nộ khi nhiều cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam và nhiều sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ủng hộ Putin, ủng hộ Nga. Lên án sự ủng hộ bất kể đạo lý, bất chấp luật pháp quốc tế, lội ngược dòng chảy chung của thế giới văn minh ấy là… “cuồng Nga”, “cuồng Putin” dường như chưa thật đúng và đủ. Cứ ngẫm kỹ hơn sẽ thấy, chỉ trích cả Ukraine lẫn Tổng thống Zelenskyy là chuyện phải làm bởi nếu không, “ba không”, nay là “bốn không” tự nhiên sẽ… lung lay!

Phiếu trắng mà Việt Nam vừa chọn hôm 2/3/2022 là tất yếu. Đã có… “ba không” rồi… “bốn không” thì phải như vậy! Không có… “không” nào nên Ukraine dứt khoát không từ bỏ bán đảo Crimea, khu vực Donbass. Với… “ba không”, rồi… “bốn không”, toàn bộ Hoàng Sa, một phần Trường Sa đã mất là… vô vọng. Thậm chí, tùy… bối cảnh, nhắc để nhớ lấy còn trở thành… “kẻ thù của nhân dân”. Vì sao ký ức về tội ác, dã tâm của Trung Quốc lại trở thành thứ mà không có chủ trương thì không được nhớ, được nhắc?

Thiên hạ bắt đầu cảm thấy ân hận khi từng để Ukraine loay hoay với tham vọng và sự hung hãn của Nga trong một thời gian dài. Sự ân hận đó khiến Nghị viện Âu Châu vừa đẩy mạnh xem xét tiếp nhận Ukraine làm thành viên. Còn với… “ba không”, rồi… “bốn không”, thiên hạ có cơ hội để ân hận với dã tâm và sự hung hăng mà Trung Quốc đã, đang cũng như sẽ còn bày ra với Việt Nam chăng? Khi đó là lựa chọn của riêng Việt Nam, thiên hạ làm gì có… cửa!

Nga Chặn Truy Cập Các Trang Web của BBC, Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA)

VOA Tiếng Việt-Reuters (4/3)

*

Nga vừa cắt đứt việc truy cập vào các trang web của một loạt cơ quan báo chí ngoại quốc vì Nga cáo buộc rằng các đài, báo này phát tán thông tin sai lệch về cuộc chiến của họ ở Ukraine.

Cơ quan quản lý truyền thông của Nga hôm thứ Sáu (4/3/2022) cho biết họ đã chặn các trang web của BBC, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài Âu Châu Tự Do/Đài Tự do, Deutsche Welle và các hãng truyền thông khác.

“Một loạt các nguồn thông tin thuộc sở hữu của ngoại quốc đã bị hạn chế truy cập”, cơ quan quản lý có tên là Roskomnadzor nói trong một tuyên bố.

“Về căn cứ để hạn chế việc truy cập vào các nguồn thông tin này trên lãnh thổ Liên bang Nga, đó là họ lan truyền có chủ ý và có hệ thống các tin, bài chứa thông tin sai lệch”, theo tuyên bố của phía Nga.

Cơ quan quản lý của Nga nói rằng các cơ quan truyền thông kể trên đã tung tin thất thiệt về “bản chất của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, về hình thức của chiến dịch, các phương pháp tác chiến (nào là tấn công vào dân cư, nào là tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự), về tổn thất của lực lượng vũ trang Nga và các nạn nhân dân sự”, một đoạn khác trong tuyên bố viết.

BBC khẳng định họ sẽ không nao núng bởi các biện pháp ngăn chặn của Nga.

“Tiếp cận thông tin chính xác, độc lập là quyền cơ bản của con người, không thể có chuyện người dân Nga bị từ chối quyền này, hàng triệu người Nga dựa vào BBC News hàng tuần”, đài BBC nói.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để BBC News vẫn xem được, nghe được ở Nga, và trên toàn thế giới”, vẫn lời của BBC.

Liên Hiệp Âu Châu trong tuần này đã cấm các hãng truyền thông do nhà nước Nga kiểm soát như RT và Sputnik. Facebook thuộc Meta, Google thuộc Alphabet, YouTube và TikTok đều đã chặn việc truy cập vào RT và Sputnik ở Liên Hiệp Âu Châu.

Twitter cho biết họ sẽ tuân thủ lệnh cấm của EU.

BBC hôm 2/3 cho biết họ sẽ bắt đầu phát đi tin tức bằng tiếng Anh trong 4 tiếng mỗi ngày trên đài phát thanh sóng ngắn ở Ukraine và một số vùng của Nga, hồi sinh một kỹ thuật kiểu cũ từng được sử dụng thời Chiến tranh Lạnh để vượt qua sự kiểm duyệt của nhà nước.

Ở Nga, các trang web tiếng Nga của BBC và Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) không thể mở được hôm 4/3 nếu không sử dụng VPN (Mạng riêng ảo), một phóng viên thông tấn xã Reuters cho biết. Trang web tiếng Anh của VOA có thể truy cập được, nhưng BBC thì không.

Các nhà lãnh đạo phương Tây trong nhiều năm qua đã nêu quan ngại về sự thống trị của truyền thông nhà nước ở Nga và nói rằng các quyền tự do giành được khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 đã bị Tổng thống Vladimir Putin đẩy lùi.

Chiến Tranh Ukraine: Kiev Đã Thắng Nga Trên Mặt Trận Truyền Thông

Trọng Nghĩa

*

Từ khi chiến sự bùng lên tại Ukraine, hầu như cả thế giới đều ủng hộ cuộc kháng chiến của người dân nước này chống quân xâm lược Nga. Theo ghi nhận của giới phân tích, đối mặt với một kẻ thù vượt trội về mặt quân sự, Ukraine ít ra đã giành được một chiến thắng đầu tiên, đó là trên mặt trận truyền thông.

Người đầu tiên góp phần mang lại chiến thắng cho Ukraine trong lãnh vực truyền thông không ai khác hơn là Tổng thống Volodymyr Zelensky. Bằng cách liên tục lên tiếng thông qua các video trên mạng, cho thấy rõ là ông vẫn ở lại Kyiv để tổ chức kháng chiến, Zelensky đã chinh phục được thế giới. Mọi người đều so sánh sự can đảm của ông với sự hèn nhát của cựu Tổng thống A Phú Hãn vào năm 2021, đã vội vã bỏ trốn khỏi Kabul ngay trước khi đất nước rơi vào tay phiến quân Taliban.

Theo phân tích của nhật báo Pháp Le Monde, các lực lượng vũ trang và dân quân tình nguyện Ukraine cũng đã có một nỗ lực đáng kể để cho thấy thế giới thấy là cuộc chiến tranh này xuất phát từ dã tâm của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Vô số đoạn video do các binh sĩ và tình nguyện viên Ukraine tung lên mạng, cho thấy nhiều người lính Nga rất trẻ bị bắt làm tù binh và cho biết tuổi tác, tên tuổi, quê quán. Những thanh niên Nga này có vẻ mất phương hướng, thường giải thích rằng họ đã bị lừa dối, không biết là phải chiến đấu ở Ukraine.

Một điểm đáng chú ý hơn nữa là Bộ Quốc phòng Ukraine đã mời mẹ của các binh sĩ Nga bị bắt đến đón họ về. Sáng kiến này được đưa ra sau khi họ cho ra mắt trang web và kênh Telegram 200rf.com, bao gồm các bức ảnh chụp sổ thông hành và tài liệu quân sự được giới thiệu như là của những người lính Nga tử trận, cùng với các video quay các tù binh.

Các động thái trên của Ukraine đã thành công trong việc cho thấy là Kyiv minh bạch và nhân đạo hơn so với cường quốc Nga, chỉ mới bắt đầu công nhận một số tổn thất nhân mạng của họ vào ngày 2/3.

Chiến Tranh Bị Che Khuất ở Nga

Điểm đáng chú ý là các thông tin của Ukraine về cuộc chiến đang diễn ra, được truyền tải trong thời gian thực, không chỉ là kết quả của một chiến lược ban hành từ trung ương, mà còn bắt nguồn từ vô số người dân vô danh, liên tục quay phim và phát sóng những hành động phản kháng hàng ngày của họ nhờ một mạng điện thoại vẫn đang hoạt động.

Người dân Ukraine cho thấy nỗ lực của họ, như thu nhặt chai rỗng để sản xuất bom xăng, hay như vào hôm thứ Tư (2/3), trong khi Kharkiv bị nghiền nát dưới một trận mưa bom, người dân Ukraine đã có thể quay phim cảnh chặn đường dẫn đến nhà máy điện nguyên tử ở thành phố Enerhodar để ngăn cản lực lượng Nga tiếp cận.

Đối mặt làn sóng thông tin đó, Mạc Tư Khoa đã không có tường thuật nào nhắm đối lại, thậm chí còn phủ nhận thực tế vốn rất rõ ràng. Lý do là vì ở Nga đã có lệnh là không được nói đến chiến tranh.

Dĩ nhiên là cuộc chiến truyền thông cũng có một vài nét lệch lạc hay quá đáng, với việc lưu hành những thông tin không thể kiểm chứng được, như những huyền thoại đầu tiên trên Twitter và Instagram về “bóng ma Kyiv”, một phi công Ukraine được cho là đã bắn rơi năm máy bay địch trên thủ đô, trong ngày đầu tiên của xung đột.

Nhưng dẫu sao thì cảm tình ngày của thế giới dành cho Ukraine cho đến lúc này là bằng chứng cho thấy là Kyiv đã thắng được Nga trên mặt trận thông tin.

Những Người Nhật Bản Tình Nguyện Chiến Đấu Cho Ukraine

VOA Tiếng Việt-Reuters

*

Keiichi Kurogi là một trong số hàng chục người đàn ông ở Nhật Bản xin gia nhập “quân đoàn quốc tế” để chống lại quân xâm lược Nga sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi tình nguyện viên.

Ông Kurogi, một nhân viên văn phòng 39 tuổi sống ở Tây-Nam Nhật Bản, nói với Reuters rằng ông đã gọi điện cho Tòa Ðại sứ Ukraine hôm 28/2/2022, sau khi thấy lời kêu gọi tình nguyện trên Twitter.

“Khi tôi nhìn thấy hình ảnh những người đàn ông và phụ nữ cao tuổi ở Ukraine cầm súng ra tiền tuyến, tôi cảm thấy mình nên làm thay cho vị trí của họ”, ông nói.

Tòa Ðại sứ từ chối đề nghị tình nguyện chiến đấu của ông Kurogi, nói với ông rằng ông thiếu kinh nghiệm quân sự cần thiết.

Báo Mainichi Shimbun dẫn lời một công ty ở Tokyo cho biết, tính đến ngày 1/3, có đến 70 người đàn ông Nhật Bản đã đăng ký làm tình nguyện viên.

Phát ngôn viên của Tòa Ðại sứ Ukraine thừa nhận đã nhận được cuộc gọi từ những người “muốn chiến đấu cho Ukraine”, nhưng từ chối cho biết thêm chi tiết.

Một bài đăng trên mạng xã hội ngày 28/2 từ Tòa Ðại sứ đã cảm ơn người Nhật vì họ đã quan tâm nhiều về hoạt động tình nguyện này nhưng bổ sung thêm một điều khoản như sau:

“Bất kỳ ứng cử viên nào cho vị trí này đều phải có kinh nghiệm trong Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hoặc đã trải qua khóa đào tạo chuyên ngành”.

Trong một Twitter hôm 2/3, Tòa Ðại sứ Ukraine tại Nhật Bản cho biết họ đang tìm kiếm những tình nguyện viên có kinh nghiệm về y tế, kỹ thuật thông tin, truyền thông hoặc cứu hỏa. Hiện vẫn chưa rõ các vị trí tình nguyện làm việc từ xa hay có liên quan đến việc đi đến Ukraine.

Nhật Bản đã yêu cầu công dân nước này ngừng du lịch đến Ukraine vì bất kỳ lý do gì, một cảnh báo được Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno nhắc lại vào hôm 2/3.

Ông nói trong một cuộc họp báo: “Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đưa ra lời khuyên di tản trên toàn bộ Ukraine và chúng tôi muốn mọi người dừng mọi chuyến du lịch tới Ukraine, bất kể mục đích chuyến thăm của họ là gì”.

“Chúng tôi đang liên lạc với Tòa Ðại sứ Ukraine tại Nhật Bản và đã nêu vấn đề di tản công dân”.

Nhật Bản hôm 2/3 cho biết họ sẽ tạm thời đóng cửa Tòa Ðại sứ của mình ở Kyiv do nguy cơ ngày càng gia tăng ở thủ đô.

Cuộc chiến ở Ukraine đã khơi dậy cảm xúc mạnh mẽ ở Nhật Bản, quốc gia có Hiến pháp hòa bình thời hậu chiến đã được diễn giải lại trong những năm gần đây cho phép Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể hoặc viện trợ cho các đồng minh đang bị tấn công.

Hàng trăm người đã tụ tập để phản đối cuộc xâm lược của Nga vào tuần trước ở Tokyo, trong khi Tòa Ðại sứ Ukraine cho biết họ đã quyên góp được 17 triệu Mỹ kim từ khoảng 60.000 người ở Nhật Bản sau khi đưa ra yêu cầu trợ giúp trực tuyến.

Một trong số đó là anh Ryoga Seki, 23 tuổi, đang theo học ngành khoa học máy điện toán tại một trường Cao học ở Osaka, người đã quyên góp cả tháng lương từ công việc dạy kèm bán thời gian của mình – 100.000 Yen (868 Mỹ kim) – cho Ukraine.

“Có nhiều người ở đây, giống như tôi, muốn làm điều gì đó”, anh ấy nói và nói thêm rằng đó là khoản quyên góp lớn đầu tiên của anh ấy và đó là số tiền lớn nhất từ trước tới giờ anh chuyển cùng một lúc từ ngân hàng.

Về phần ông Kurogi, ông kiên quyết rằng ông sẽ tình nguyện trở lại nếu Ukraine thay đổi yêu cầu của mình.

“Tôi thuộc thế hệ không biết gì về chiến tranh”, ông nói. “Không phải tôi muốn tham chiến, mà là tôi thà đi còn hơn là nhìn thấy những đứa trẻ bị buộc phải cầm súng”.

Người Nga Chạy Ra Ngoại Quốc Vì Sợ Thiết Quân Luật Hay Bị Bắt Lính

VOA Tiếng Việt-Reuters (4/3)

*

Khi quân đội Nga từ từ tiến vào thủ đô Kyiv của Ukraine hôm 3/3/2022, một số người ở Mạc Tư Khoa đã cố gắng chạy ra ngoại quốc đến những nơi chưa cấm các chuyến bay từ Nga, bấm bụng chịu giá tăng vọt trong lúc khẩn trương tìm đường trốn thoát.

Ðiện Cẩm Linh bác bỏ đồn đoán rằng chính quyền Nga có ý định thiết quân luật, hay sẽ ngăn chặn nam giới trong độ tuổi chiến đấu rời đất nước, nhưng một số người không muốn mạo hiểm ở lại.

Một người đàn ông Nga, người đã chuyển về Mạc Tư Khoa từ Tây Âu khoảng một năm trước, cho biết anh đã mua vé bay đến Istanbul vào cuối tuần và cho biết sống ở Mạc Tư Khoa có thể không còn khả thi nữa.

“Tôi lo rằng chính quyền sẽ ra lệnh động viên vào ngày mai và tôi sẽ không thể bay ra ngoại quốc”, người đàn ông 29 tuổi này nói, với yêu cầu giấu tên.

“Trong cơn ác mộng tồi tệ nhất của mình, tôi cũng không thấy cảnh địa ngục như vậy khi tôi về nước một năm trước”.

Một người đàn ông khác, 38 tuổi, cho biết ông đã mua được một vé bay rất mắc để bay đến Trung Đông vào cuối tuần.

“Tôi không muốn chiến đấu trong cuộc chiến này. Chúng tôi đã nghe rất nhiều tin đồn và tôi không tin tưởng Ðiện Cẩm Linh nói rằng tin đồn không đúng sự thật”, ông nói với điều kiện ẩn danh.

Giá vé máy bay đã tăng vọt kể từ khi Nga đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không thuộc Liên Hiệp Âu Châu (EU) và nhiều nước khác để ăn miếng trả miếng đối với các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt, hạn chế nghiêm trọng khả năng đi lại của người Nga.

Các biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây đối với Mạc Tư Khoa đã khiến giá cả tăng cao và bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Nga bình thường, trong khi những người biểu tình phản đối đã nhanh chóng bị bắt giữ.

Khoảng 7.669 người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình phản chiến kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24/2, theo nhóm giám sát biểu tình OVD-Info.

Sau khi giao mèo của mình cho gia đình chăm sóc, một phụ nữ 29 tuổi đã bay đến Do Thái vào Chủ Nhật trước khi giá cả tăng hơn nữa, do lo lắng rằng mọi thứ ở Mạc Tư Khoa chỉ có thể tệ hơn mà thôi.

“Tôi xấu hổ vì tôi không ở lại Nga, rằng tôi không chiến đấu đến cùng, không xuống đường biểu tình”, cô nói.

“Nhưng nếu anh xuống đường chống chiến tranh, họ sẽ bắt giữ anh, và có luật này về tội phản quốc”.

Viện Công tố nhà nước Nga hôm 27/2 đã đưa ra lời nhắc nhở rằng bất kỳ ai hỗ trợ tài chánh hay hỗ trợ gì khác cho một nước hay tổ chức quốc tế ngoại quốc gây hại cho an ninh của Nga đều có thể bị kết tội phản quốc và đối mặt với mức án tối đa 20 năm.

Những người khác phải đối mặt với những rào cản thủ tục. Dân Nga phải xin thị thực để vào hầu hết các nước Âu Châu, và trước trung tâm thị thực Ý Ðại Lợi ở Mạc Tư Khoa, vốn chỉ chấp nhận những ai đến theo hẹn trước, có vài người xếp hàng, với buổi hẹn sớm nhất phải hơn một tuần nữa mới có.

“Tôi sẽ đặt hẹn vào ngày 11/3, mặc dù những gì có thể xảy ra trong tương lai gần là đáng sợ và bất trắc”, một phụ nữ Nga 40 tuổi nói.

“Tôi muốn thị thực sẵn sàng. Tôi nghĩ họ sẽ cho tôi vào với xét nghiệm PCR và sau đó tôi sẽ giải quyết được vấn đề”, bà nói thêm.

Vaccine Sputnik V của Nga chưa được EU chấp thuận, điều đó có nghĩa là nhiều người Nga không được chích ngừa với loại vaccine được công nhận ở phương Tây có thể bị từ chối nhập cảnh vì lý do y tế.

Không chỉ người Nga đang tìm cách bỏ trốn. Một phụ nữ Phi Luật Tân làm bảo mẫu ở Mạc Tư Khoa cũng đang xin visa.

“Tôi rất muốn xin visa, tôi sợ ở đây”, cô nói.

Lời Đe Dọa của Putin Về Vũ Khí Nguyên Tử Có Đáng Lo Ngại?

Thanh Phương

*

Hôm Chủ Nhật (27/2/2022), 3 ngày sau khi bắt đầu cuộc xâm lăng Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh đặt lực lượng răn đe nguyên tử của Nga trong tình trạng báo động, gián tiếp đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử. Tuyên bố này đã khiến dư luận Âu Châu nói riêng và cả thế giới nói chung hết sức lo ngại.

Ngày hôm sau, 28/2, khi được hỏi là dân Mỹ có nên lo ngại về một cuộc chiến tranh nguyên tử với Nga hay không, Tổng thống Joe Biden đã trả lời: “Không”. Giống như Khối Minh ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), Hoa Thịnh Ðốn xem tuyên bố nói trên của Tổng thống Nga mang tính “khiêu khích một cách vô ích và nguy hiểm”. Các viên chức Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã giảm nhẹ nguy cơ chiến tranh nguyên tử với Nga, vì theo họ, sau tuyên bố nói trên của ông Putin, phía Nga chưa có những hành động gì cụ thể theo hướng này. Cho nên, cả Hoa Kỳ lẫn NATO đều chưa thay đổi quy chế của lực lượng nguyên tử của mình.

Nhưng một số chuyên gia cho rằng không nên xem thường lời đe dọa của chủ nhân Ðiện Cẩm Linh. Về mặt lý thuyết, cho tới nay, vũ khí nguyên tử chỉ là một vũ khí mang tính răn đe, tức là không sử dụng đến. Kể từ sau Ðệ nhị Thế chiến, tức là kể từ sau khi Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, 5 cường quốc Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc đều đã phát triển một lực lượng răn đe nguyên tử.

Tờ nhật báo kinh tế Pháp Les Echos hôm 1/3 nhắc lại, vũ khí nguyên tử ngày nay không phải như thời Hiroshima. Các phi đạn bây giờ đều là phi đạn liên lục địa rất chính xác và được gắn nhiều đầu đạn nguyên tử, có thể vượt qua được hệ thống phòng không để phá hủy nhiều mục tiêu cùng một lúc. Nga hiện nay là cường quốc nguyên tử hàng đầu thế giới, với tổng cộng khoảng 6.000 đầu đạn nguyên tử, và cũng là quốc gia đi đầu về kỹ thuật phi đạn-đạn đạo và phi đạn siêu thanh.

Điều đáng nói là có sự khác biệt về chủ thuyết giữa Nga với các nước phương Tây, theo nhận định của nhà nghiên cứu Cyrille Bret, Viện Jacques Delors, trên tờ Le Journal du Dimanche hôm Chủ Nhật vừa qua.

Chẳng hạn như đối với Pháp, việc sở hữu vũ khí nguyên tử chỉ là nhằm khiến cho kẻ tấn công không dám dùng đến vũ khí này, bởi lẽ trong trường hợp đó Pháp sẽ đáp trả cũng bằng vũ khí nguyên tử với sức tàn phá ghê gớm hơn nhiều. Trong khuôn khổ lực lượng răn đe nguyên tử, lúc nào Pháp cũng có ít nhất một tàu ngầm phóng phi đạn liên tục di chuyển và sẵn sàng phóng một phi đạn-đạn đạo chiến lược M51 có thể mang đến 10 đầu đạn nguyên tử, với sức công phá mạnh gấp 1.000 lần quả bom Hiroshima. Pháp nói riêng và khối NATO nói chung luôn khẳng định vũ khí nguyên tử chỉ là vũ khí mang tính phòng thủ.

Nhưng đối với Nga, phạm vi sử dụng vũ khí nguyên tử rộng hơn. Chủ thuyết của họ là chỉ sử dụng vũ khí nguyên tử để đáp trả một cuộc tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoặc để chống lại một mối đe dọa đến sự tồn tại của nước Nga. Nhưng theo nhà nghiên cứu Cyrille Bret, Mạc Tư Khoa không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử tại các chiến trường và cũng như không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử trong một cuộc tấn công để chấm dứt nhanh chóng chiến sự.

Thật sự là bây giờ không ai biết rõ là Putin chỉ muốn hù dọa phương Tây, hay thật sự tính đến khả năng chiến tranh nguyên tử. Nên biết rằng ngay trong bài phát biểu sáng sớm ngày 24/2, khi thông báo khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Tổng thống Putin cũng đã ngầm đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử khi ông nói: Những nước nào chống lại cuộc can thiệp của Nga sẽ hứng chịu những hậu quả “chưa từng được biết đến trong lịch sử”.

Nhưng rõ ràng là trước phản ứng vừa đồng lòng, vừa mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, nhất là của phương Tây, cũng như trước sức kháng cự quyết liệt của quân đội và người dân Ukraine khiến quân Nga không thể nhanh chóng đánh chiếm toàn bộ quốc gia này, ông Putin nay dùng đến tư thế của một cường quốc nguyên tử mong tạo một sức ép tâm lý áp đảo được đối phương.

Chiến tranh Ukraine càng kéo dài thì nguy cơ vũ khí nguyên tử càng cao. Nhưng theo nhà nghiên cứu Cyrielle Bret, các nước Âu Châu không nên lo ngại đến mức không làm gì được, mà trái lại càng phải phải tỏ ra cứng rắn với Mạc Tư Khoa, nhắc cho họ biết là các cường quốc nguyên tử khác sẽ không để yên cho Nga dùng đến vũ khí nguyên tử.

Chiến Tranh Ukraine: Nga Ngày Càng Bị Cô Lập Trên Trường Quốc Tế

Trọng Nghĩa

*

Tình hình nóng bỏng tại Ukraine với việc Nga dồn quân đến bao vây thủ đô Kyiv, trong bối cảnh người Ukraine cố tìm cách tổ chức kháng cự, là đề tài được tất cả các báo Pháp ra ngày 2/3/2022 đưa lên thành tựa lớn trang nhất. Tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga cũng được phân tích, với một hậu quả được hầu hết các báo nêu bật: Nước Nga chưa bao giờ bị cô lập như hiện nay.

Như để nhấn mạnh đến tính chất nghiêm trọng của tình hình, báo Le Monde, nhật báo uy tín nhất tại Pháp, đã dành một “ấn bản đặc biệt” cho hồ sơ Ukaraina. Ngay trên trang nhất, dưới tựa lớn chạy dài trên 5 cột báo: “Nước Nga bị cô lập, Kyiv chờ đợi cuộc tấn công”, tờ báo cho đăng một bức ảnh cho thấy một “chiến hào” tại thủ đô Ukraine với lính trang bị súng chống tăng, bên dưới là cảnh đông người tại nhà ga trung tâm của Kyiv, và cảnh người tình nguyện đang chế tạo bom xăng trong một căn hầm trú ẩn.

Lo Ngại Cho Kyiv và Ukraine Dưới Làn Bom Đạn Nga

Nhật báo Công giáo La Croix có cái nhìn bi quan hơn báo Le Monde, ghi nhận trong tựa lớn trang nhất: “Thành phố Kyiv bên bờ vực thẳm”. Theo tờ báo, kể từ hôm 1/3, Quân Đội Nga đã gia tăng cường độ của điều mà họ gọi là chiến dịch “tấn công quân sự” vào Ukraine, bao vây hầu như là hoàn toàn thủ đô nước láng giềng, bất chấp việc đã gây thêm nhiều tổn thất đối với thường dân Ukraine.

Tờ báo thiên hữu Pháp Le Figaro cũng nêu bật trong tựa lớn trang nhất nguy cơ đang rình rập thủ đô Ukraine: “Putin khởi động chiến dịch bao vây Kyiv”. Tờ báo nhận thấy là Nga đang ồ ạt chuyển vận các phương tiện vũ khí hạng nặng đến cửa ngõ thủ đô Ukraine cũng như nhiều thành phố khác. Bom đạn Nga đã rơi xuống các khu dân cư và phá hỏng tháp truyền hình của Đài Quốc gia Ukraine.

Nhật báo thiên tả Libération thì chú ý nhiều hơn đến khía cạnh nhân đạo của cuộc chiến qua tựa lớn trang nhất: “Cảnh chia ly” dưới một tiểu tựa “700.000 người tị nạn Ukraine”, trên nền một bức ảnh cho thấy một cặp nam nữ đang đứng trên sân ga sát một toa tàu hỏa, chàng trai vẻ mặt ân cần, đang nắm tay cô gái có vẻ như đang khóc.

Ngay dưới hàng tựa, tờ báo giải thích: “Cảnh hoảng loạn, tình trạng gia đình ly tán, trên khắp đất nước Ukraine những đám đông sợ hãi, vào hôm thứ Ba (1/3), đã cố gắng tìm ra một chuyến tàu để chạy trốn bom đạn”.

Cái Giá Nga Phải Trả: Bị Cả Các Nước Trung Lập Trừng Phạt

Tờ báo kinh tế Les Echos dĩ nhiên đã tập trung nói về các hậu quả kinh tế thương mại của chiến sự tại Ukraine, đặc biệt đối với các doanh nghiệp Pháp và phương Tây. Tờ báo chạy tưa: “Ukraine: Cái giá của xung đột”.

Có lẽ cái giá lớn nhất mà nước Nga hiện đang phải trả sau khi xua quân xâm lược Ukraine bất chấp luật lệ quốc tế là tình trạng nước này ngày càng bị cô lập thêm trên trường quốc tế. Một ví dụ điển hình đã được Le Monde nêu rõ trong bài: “Chiến tranh ở Ukraine: Đến lượt Thụy Sĩ, vốn trung lập, trừng phạt Nga”.

Theo báo Le Monde, thay đổi thái độ của Thụy Sĩ rất đáng chú vì cho đến gần đây, trung thành với truyền thống trung lập nổi tiếng của đất nước, chính quyền Thụy Sĩ luôn luôn từ chối áp dụng các biện pháp trừng phạt mà quốc tế kêu gọi.

Ngay Cả Thụy Sĩ Cũng Tham Gia Trừng Phạt Kinh Tế

Ngay từ năm 2014, khi Phương Tây quyết định trừng phạt Nga về việc sáp nhập vùng Crimea của Ukraine, Thụy Sĩ đã từ chối đi theo với lý do mình là một quốc gia trung lập và có thể đóng vai trò một trung gian hòa giải tốt giữa các bên tranh chấp. Quan điểm này đã tiếp tục được duy trì khi Nga bắt đầu xua quân tấn công Ukraine.

Thế nhưng, như báo Le Monde ghi nhận, thái độ chần chừ của chính quyền đã vấp phải phản ứng bất bình ngày càng tăng cả ở Thụy Sĩ lẫn ngoại quốc, đặc biệt với hai cuộc biểu tình lớn ở Geneva và thủ đô Bern ngày 26/2 vừa qua.

Trước áp lực càng lúc càng tăng của công luận, chính quyền Liên Bang Thụy Sĩ hôm 28/2 vừa qua đã phải loan báo quyết định tuân thủ tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu đối với Nga và sẽ đóng băng tài sản của những đối tượng bị nhắm.

Đối với báo chí Thụy Sĩ, dù muộn màng, nhưng thà “trễ còn hơn không”, chính quyền Bern đã có được “một quyết định quan trọng sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử trung lập của Thụy Sĩ”.

Theo báo Le Monde, ngoài ý nghĩa “cách mạng” kể trên, quyết định tham gia trừng phạt của Thụy Sĩ sẽ rất tai hại cho chế độ Putin vì quốc gia vùng núi Alpes này là một trung tâm trong hệ thống tài chánh và dầu mỏ của Nga.

Phần Lan và Thụy Điển Bỏ Tư Thế Trung Lập, Giúp Vũ Khí Cho Ukraine

Cũng nhấn mạnh đến việc nước Nga của Putin ngày càng bị cô lập thêm, báo Le Figaro đã nêu lên ví dụ của hai nước gọi là trung lập khác trong bài: “Ở Phần Lan và Thụy Điển, lập trường trung lập không còn phù hợp vào thời điểm này”.

Đối với báo Le Figaro, Phần Lan là một nước có truyền thống không xuất cảng vũ khí sang các vùng có xung đột. Thế nhưng, Thứ Hai vừa qua, Helsinki đã ra tuyên bố cho biết họ sẽ gửi cho quân đội Ukraine 2.500 khẩu súng tấn công, 1.500 súng phóng phi đạn, cùng với đạn dược và khẩu phần ăn ở chiến trường.

Trước Phần Lan, nước láng giềng Bắc Âu của họ là Thụy Điển, vào tối Chủ Nhật, cũng cam kết cung cấp 5.000 súng phóng phi đạn chống tăng do nước này sản xuất cho quân đội Ukraine, cùng với 5.000 mũ sắt và áo giáp chống đạn, với tổng chi phí là 40 triệu Euro. Ngoài ra, Stockholm sẽ cung cấp thêm 50 triệu viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân Ukraine của cuộc xung đột.

Đây là quyết định chưa từng có của Thụy Điển kể từ năm 1939, quốc gia này viện trợ cho láng giềng Phần Lan… bị Liên Xô của Stalin tấn công, nhưng đối với nữ Thủ tướng Thụy Điển, bà Magdalena Andersson, “quyết định đặc biệt” đó là phản ứng trước một “tình huống ngoại lệ”, trước một mối đe dọa hiện đang đè nặng lên “toàn bộ hệ thống an ninh Âu Châu”.

Thủ tướng Thụy Điển khẳng định: “An ninh của chúng ta sẽ được bảo đảm tốt hơn khi hỗ trợ khả năng tự vệ của Ukraine”, điều đã được Bộ trưởng Quốc phòng Peter Hultqvist nhấn mạnh khi ông cho rằng: “Cuộc đấu tranh của Ukraine cũng là cuộc đấu tranh của chúng ta”.

Báo Le Figaro cũng nêu lên một ví dụ khác về lập trường dù vẫn lững lờ của Thổ Nhĩ Kỳ để cho thấy là Nga càng lúc càng bị cô lập. Trong bài “Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển Bosphorus đối với chiến hạm Nga”, tờ báo Pháp cho rằng đây là sự đáp ứng miễn cưỡng của Ankara trước yêu cầu của Ukraine, muốn Thổ Nhĩ Kỳ ngăn tàu Nga qua lại Biển Đen. Hôm 28/2, như vậy là Ankara tuyên bố đóng cửa eo biển Bosphorus và Dardanelles đối với chiến hạm mọi nước, kể cả tàu Nga.

Đồng Rúp Mất Giá, Dân Nga Đổ Xô Mua Ngoại Tệ và Hàng Điện Tử

Nếu các biện pháp hỗ trợ Ukraine trên phương diện quân sự chưa thể có tác dụng trước mắt, thì các biện pháp trừng phạt tài chánh của phương Tây đối với Nga đã cho kết quả trông thấy như ghi nhận của thông tín viên báo Le Monde tại Mạc Tư Khoa trong bài: “Dân Nga bắt đầu bồn chồn lo lắng trước cuộc khủng hoảng”.

Theo báo Le Monde, dù vẫn chưa biết rõ tổng số các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga, cũng như tầm mức tác hại của chúng trên nền kinh tế Nga, nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu khả năng chống đỡ nổi tiếng của Nga có bị suy yếu hay không. Thế nhưng, điều rõ nét, theo tờ báo, là cho dù chưa có tình trạng hoảng loạn, nhưng tại Nga đã xuất hiện tâm trạng bồn chồn, lo lắng nơi người dân, mà dấu hiệu đầu tiên là những cái đuôi dài của những người xếp hàng trước các máy rút tiền ATM đôi khi đã khô cạn.

Tờ báo Pháp ghi nhận là trong những ngày cuối tuần qua, người Nga đã đổ xô vào việc mua ngoại tệ để bảo đảm an ninh tài chánh cho mình. Vào hôm Thứ Hai, nhiều nhà cung cấp đã hạn chế số tiền rút ra, ngay cả đối với đồng Rúp.

Theo báo Le Monde, vào năm 2014, sau khi các lệnh trừng phạt đầu tiên được áp đặt đối với cuộc chiến ở Ukraine và việc sáp nhập Crimea, không có động thái nào như vậy được quan sát thấy. Giới quan sát cho rằng cú sốc được dự đoán có thể tương tự như năm vào 1998 khi nổ ra một cuộc khủng hoảng tài chánh mà chấn thương vẫn còn hiện hữu ở Nga.

Có một chỉ số khác mà người Nga, gần như theo bản năng, luôn theo dõi. Đó là tỷ giá hối đoái của đồng Mỹ kim và đồng Euro, được hiển thị bằng các ký tự phát sáng trên các đường phố, trên cửa sổ của các cở sở đổi tiền. Tỷ giá 100 Rúp ăn 1 Mỹ kim chưa bao giờ bị vượt quá trong lịch sử. Thể nhưng hôm Thứ Hai, ngày 28 tháng 2, tỷ giá này đã lên đến 109 Rúp, trong lúc đồng Euro lên tới 127 Rúp.

Ở một quốc gia mà 43% người dân nói rằng họ không có tiền tiết kiệm, tác động có thể rất tàn khốc, trong bối cảnh giá các mặt hàng thiết yếu đã tăng mạnh trong một năm và mức sống giảm liên tục kể từ năm 2013. Báo Le Monde nhận thấy là giá hàng điện tử hoặc xe hơi đã tăng vọt. Từ ngày 25 tháng 2, người Nga đã đổ xô vào các cửa hàng điện tử để mua hàng về trữ, nhằm đề phòng khủng hoảng. Giá mặt hàng đã bị người bán thay đổi giá nhiều lần trong ngày.

Tờ báo Pháp nêu bật tuyên bố rất mạnh của Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire khẳng định rằng: “Chúng ta sắp gây ra sự sụp đổ của nền kinh tế Nga”.

Tác Hại Ngược của Trừng Phạt Trên Doanh Nghiệp Âu Châu

Cũng trong địa hạt tác động kinh tế, nhật báo Les Echos đặc biệt quan tâm đến tác hại ngược lại của các biện pháp trừng phạt Nga cũng như của cuộc chiến Ukraine trên các doanh nghiệp Pháp nói riêng và phương Tây nói chung.

Đối với báo Les Echos, các công ty của Pháp có mặt ở Ukraine đang phải đối mặt với rủi ro pháp lý và sự an toàn của nhân viên của họ.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp, bị bất ngờ trước cuộc xung đột hiện phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: Bỏ đi hay ở lại. Còn các các nhà đầu tư phương Tây, bị mắc kẹt với các lệnh trừng phạt quốc tế, đang gặp khó khăn trong việc bán chứng khoán của họ. Riêng Bộ Kinh tế Pháp đã thành lập một đội đặc nhiệm để truy lùng tài sản của các nhà tài phiệt Nga thân cận với Ðiện Cẩm Linh.

Chiến Tranh Ukraine: Trừng Phạt Giới Tài Phiệt Nga Có Hiệu Quả Đến Đâu?

Anh Vũ

*

Hôm thứ Hai (28/2/2022) tuần này, Liên Hiệp Âu Châu (EU) đã quyết định trừng phạt nhiều nhà tài phiệt Nga, trong đó có một số nhân vật đã thoát được đòn đánh kinh tế này từ năm 2014. Nhưng cho dù các biện pháp lần này nhằm vào một số tỉ phú có ảnh hưởng nhất, nhiều chuyên gia về Nga không nghĩ rằng các đòn trừng phạt có tác động đến chính sách của Vladimir Putin.

Trừng phạt giới tài phiệt, tỉ phú Nga vẫn là thứ vũ khí ưa dùng của phương Tây để gây áp lực với Tổng thống Vlladimir Putin. Trong vụ xâm lược Ukraine lần này, thứ vũ khí đó lại được sử dụng. Hôm 28/2, Liên Hiệp Âu Châu đã quyết định trừng phạt nhiều nhân vật siêu giàu Nga, cấm các đối tượng qua lãnh thổ Liên Hiệp Âu Châu, phong tỏa tài sản của họ tại các ngân hàng Âu Châu.

Hoa Kỳ, những ngày trước khi Nga khởi sự cuộc tấn công cũng đã có các biện pháp tương tự, kéo dài thêm danh sách các doanh nhân Nga đã từng bị các biện pháp trừng phạt từ năm 2014 sau vụ Mạc Tư Khoa sáp nhập Crimea. Vương Quốc Anh, với thủ đô Luân Đôn vẫn được biết đến như là nơi tập trung đông đảo các dinh thự của giới tài phiệt Nga, cũng đã quyết định nhằm vào một số tỉ phú được cho là thân cận với chính quyền Ðiện Cẩm Linh.

Trừng Phạt Tài Phiệt Nào?

Chiến lược trừng phạt cá nhân này với hy vọng những nhân vật rất giàu có và thân cận với Vladimir Putin có thể gây áp lực đối với Ðiện Cẩm Linh, để họ tránh bị cộng đồng quốc tế đánh vào túi tiền.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn France 24 từ trước khi chiến tranh bắt đầu, chuyên gia về Nga thuộc Đại học Wesleyenne (Connecticut- Mỹ) đã nhận định, những biện pháp trả đũa cá nhân như vậy “có thể biện minh được về mặt đạo đức nhưng lại không hiệu quả thực tế”. Chuyên gia, đồng thời là tác giả của một cuốn sách về giới tinh hoa kinh tế Nga giải thích thêm: “Khó có thể chấp nhận lại không làm gì và bỏ qua cho các doanh nhân đã làm giàu nhờ quan hệ thân cận với chính quyền Nga, tiêu tiền của họ để tận hưởng cách sống phương Tây”.

Tuy nhiên hướng trừng phạt được cho là có ý đồ tốt như vậy vẫn gây không ít phản đối của phần đông chuyên gia về Nga. “Điều quan trọng phải nhấn mạnh là giới tài phiệt quyền lực trong lĩnh vực tư nhân, từ thời Eltsine, có tài sản khắp thế giới. Số này đã biến mất dần và được thay thế bằng giới tinh hoa kinh tế mà với họ tiếp cận được với Vladimir Putin, ân nhân của họ, còn quan trọng hơn là các trừng phạt quốc tế”, theo giải thích của Nikolai Petrov, chuyên gia chính trị Nga thuộc văn phòng tư vấn Anh Chatham House.

Rõ ràng, chính sách trừng phạt nhằm vào các tinh hoa kinh tế Nga tiến hành từ 2014 đã có ít tác dụng vì nhằm không đúng đối tượng. Hoặc đó là những nhân vật không có đủ ảnh hưởng khiến Vladimir Putin phải cân nhắc quyết định. Hoặc là các trừng phạt nhằm vào những nhân vật quá thân cận với Vladimir Putin đến mức họ không cảm thấy xúc động với các trừng phạt quốc tế, như những người là bạn bè từ thời trẻ của Tổng thống Nga.

Thế nhưng lần này, Liên Hiệp Âu Châu tin chắc đã đánh trúng những đối tượng tài phiệt để có thể gây khó khăn thực sự cho chính quyền Nga. Dưới đây là một vài nhân vật điển hình:

Mikhail Fridman, ông chủ quyền lực của tập đoàn Alfa Group, nắm giữ Alfa Bank, ngân hàng tư nhân lớn nhất Nga, nguyên mẫu tài phiệt theo lối cũ. Ông làm giàu nhờ các vụ tư nhân hóa ồ ạt hồi thập niên 1990. “Nhưng không giống với những tài phiệt khác thời Eltsine, ông này đã sống sót được khi Putin lên nắm quyền và còn duy trì được ảnh hưởng đối với Ðiện Cẩm Linh”, Ilja Viktorov, chuyên gia về lịch sử kinh tế Nga hiện đại thuộc Đại học Stockholm nhận định. Nhân vật sinh ra tại Lvov, Ukraine này có tài sản ước tính khoảng 15 tỉ Mỹ kim, vẫn được coi như là chiếc cầu nối giữa phương Tây và Vladimir Putin. Chính vì thế mà cho từ trước tới nay nhà tài phiệt này không bị dính đòn trừng phạt của quốc tế.

Theo nhiều chuyên gia, việc Liên Hiệp Âu Châu quyết định đánh vào doanh nhân vốn kín đáo và thế lực này chứng tỏ sẽ không còn một nhân vật giàu có nào của Nga có thể tránh được trừng phạt quốc tế.

Một gương mặt tài phiệt khác bị trừng phạt lần này là Igor Setchine, Chủ tịch Tổng Giám đốc tập đoàn dầu lửa lớn Rosneft. Nhân vật này nằm trong số những người thuộc giới tình báo, làm giàu nhờ các mối quan hệ cá nhân với Vladimir Putin. Cựu điệp viên Igor Setchine đã gặp Tổng thống Nga hiện nay trong những năm 1990 tại Saint-Pétersbourg và từ đó đến nay họ vẫn gắn bó với nhau. Năm 2008, ông này được đầy lên vị trí hàng đầu trong trường chính trị khi được chỉ định làm Phó Thủ tướng, và nắm giữ cương vị này đến năm 2012, thời điểm ông chuyển sang Rosneft. Ông được đánh giá là Kiến trúc sư chính sách năng lượng của Nga.

Alicher Ousmanov, một tỉ phú tích lũy được khối tài sản khoảng 15 tỉ Mỹ kim nhờ các đầu tư vào kỹ thuật mới chứ không phải các lĩnh vực năng lượng hay khai khoáng như đa phần giới tinh hoa kinh tế Nga. Alicher Ousmanov là một trong những cổ đông chính của Facebook khi mạng xã hội này mới hình thành. Nhưng với Liên Hiệp Âu Châu, mối quan hệ kinh tế của nhân vật này với phương Tây không giúp còn giúp ông tránh được trừng phạt nữa. Alicher Ousmanov được mô tả như là nhà tài phiệt ưu ái của Putin, vì ông bị nghi ngờ đã chi không ít tiền cho nhưng người thân cận với Tổng thống Nga, dàn xếp các vụ làm ăn cho họ.

Nikolaï Tokarev, Chủ tịch tập đoàn năng lượng khổng lồ Transneft. Ông này là chiến hữu lâu đời với Vladimir Putin từ khi còn ở văn phòng KGB tại Dresden, Cộng hòa Dân chủ Đức cũ. Nhân vật này bị nghi là đã hồi hương một phần tài sản về Nga và mang ơn lớn với ông Putin. Theo chuyên gia Ilja Viktorrov, nhân vật này là thí dụ điển hình của kiểu “tài phiệt Nhà nước mà với họ tiền bạc không quan trọng bằng mối liên hệ với Tổng thống”.

Aleksei Mordachov, người giàu nhất nước Nga với khối tài sản trị giá 29 tỉ Mỹ kim. Ông ta đã làm giàu trong ngành thép với tổ hợp Severgroup. Nhưng đó không phải là lý do để hứng đòn trừng phạt của Âu Châu. Nguyên do vì ông này là cổ đông chính của tập đoàn National Media Group, một trong những đế chế truyền thông lớn nhất Nga. Vì thế, nhân vật này bị coi là một trong những người kiến tạo cố máy tuyên truyền Nga đang chạy hết công suất từ đầu cuộc xâm lược Ukraine.

Quá Muộn?

Các trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu nhằm vào đủ giới thân hữu của Vladimir Putin và những doanh nhân nổi tiếng có nhiều ảnh hưởng. Như thế có đủ gây áp lực với Vladimir Putin hay không?

“Không hề có cơ may nào, đã quá muộn để điều đó có thể tác động đến cuộc chiến tranh hay quyết tâm của Vladimir Putin”, Kadri Liik, chuyên gia chính trị Nga tại Hội đồng Âu Châu về quan hệ quốc tế. Theo bà, Vladimir Putin đã cắt cầu nhiều để khỏi bị các tỉ phú gây ảnh hưởng. Đòn bẩy duy nhất của họ có lẽ chỉ là cũng cấp tiền cho các phong trào chống Putin ở Nga. Nhưng những phong trào đối lập giờ còn quá ít ỏi.

Điều quan trọng đối với Vladimir Putin là kết thúc nhanh nhất cuộc xâm lược này. “Thi thể các binh sĩ Nga tử trận ở Ukraine chưa được đưa về Nga, dân chúng vì thế chưa ý thức được cái giá phải trả bằng nhân mạng của cuộc chiến tranh này”, chuyên gia Kadri Liik lưu ý. Cuộc xung đột càng kéo dài, nguy cơ hỗn loạn xã hội trong nước càng lớn đối với Vladimir Putin. Và đến khi đó, có thể tiền và sự ủng hộ của giới tài phiệt sẽ có tác động.

(Theo France24.com)

Putin Người Hùng Làm Bằng Giấy

Ngô Nhân Dụng – VOA’s Blog

*

(Hình AP: Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một phiên họp với Cố vấn Kinh tế tại thủ đô Mạc Tư Khoa, 28/2/2022.)

Khi cuộc chiến chấm dứt, Vladimir Putin sẽ hiện nguyên hình là một người hùng làm bằng giấy, hay bằng rơm theo lối nói của người Việt. Sẽ đến ngày anh hùng rơm phải ra tòa vì tội ác chiến tranh.

Tuần trước, tôi vẫn nghĩ nếu Vladimir Putin tấn công, quân Nga sẽ làm chủ một nửa nước Ukraine trong ngày đầu tiên, tất cả vùng phía Đông sông Dnieper, kể cả thủ đô Kyiv. Quân đội Ukraine vừa ít người vừa thiếu vũ khí sẽ bị tàn sát.

Tôi lầm. Vì không biết thực lực quân Nga. Sau năm ngày, Putin chưa chiếm được một thành phố lớn nào của Ukraine. Đoàn xe chở quân Nga tiến về Kyiv nối đuôi nhau lăn bánh chầm chậm hai ngày chưa đi hết quãng đường vài ba chục cây số. Tình báo Mỹ cho biết đoàn quân ngưng lại vì hết xăng và thiếu thực phẩm! Báo Economist kể ngày Chủ Nhật vừa rồi một đoàn xe Nga bị quân Ukraine phục kích gần thị xã Sumy để lại hàng chục chiếc xe vận tải, hai thiết giáp và một trụ súng tự động, lính Ukraine đã quay phim đưa lên mạng.

Nga có thể chế những phi đạn tinh khôn đánh trúng mục tiêu xa hàng trăm hàng ngàn cây số, nhưng báo Economist nhận xét, quân đội Nga yếu nhất về mặt tiếp vận. Nhiều xe thiết giáp bỏ rơi bên đường vì cạn xăng. Mọi người được coi cảnh lính Nga vào các siêu thị kiếm đồ ăn. Có chiếc xe chở quân Nga đã ghé một trạm cảnh sát Ukraine xin đổ xăng.

Bộ tham mưu quân đội Nga có thể cũng tưởng chính phủ Ukraine sẽ đầu hàng nhanh chóng, không cần chuẩn bị xăng dầu và thực phẩm cho một cuộc hành quân dài. Có thể các tướng, tá Nga cũng tin lời ông Putin nói rằng dân Ukraine sẽ mang hoa ra tặng khi được quân Nga “giải phóng!” Nhưng cũng có thể vì họ thiếu kinh nghiệm chiến trường. Nga đã gửi quân sang Syria, Lybia, nhưng toàn là lính đánh thuê (đạo quân mang tên Wagner có 17.000 người). Đây là lần đầu tiên quân chính quy tấn công một nước khác; 200.000 binh sĩ đòi hỏi một hệ thống tiếp liệu sẵn sàng hàng năm trước. Một nhược điểm khác của quân Nga là không chuẩn bị công binh tác chiến. Khi dân Ukraine phá sập những cây cầu, quân Nga không sửa cầu ngay mà phải đi tìm đường khác. Cũng vì thế, hệ thống tiếp vận bị tê liệt.

Điều ngạc nhiên nhất là trong gần một tuần lễ Nga vẫn chưa làm chủ không phận. Đáng lẽ phi đạn Nga phải phá tan các phi trường và hệ thống phòng không, radar, súng và phi đạn của Ukraine trong một vài giờ đầu tiên. Máy bay chiến đấu Ukraine vẫn cất cánh. Hai phi cơ vận tải Nga bị bắn rớt, mỗi chiếc chở 100 lính dù. Có lẽ các tướng lãnh Nga còn để dành các vũ khí tinh vi nhất chưa dùng, hay là họ không được cung cấp. Hoặc họ không có chút kinh nghiệm nào trong việc phối hợp Không quân với Bộ binh. Không được yểm trợ, các đoàn quân Nga bị những máy bay không người lái đánh từ trên xuống. Nhiều binh lính Nga kinh ngạc, sợ và bỏ chạy trước những “drones” TB2, mua của Thổ Nhĩ Kỳ.

Một nhược điểm lớn nhất của quân Nga là tinh thần binh sĩ. Putin đưa sang Ukraine những người lính đang làm nghĩa vụ quân sự không chút kinh nghiệm chiến trường, có khi chưa được huấn luyện. Lính Nga tưởng được đưa đi tập trận ở Belarus, không hiểu tại sao mình đang ở Ukraine, bắn giết những người vẫn được coi là anh em họ hàng. Có đoạn video cho thấy cảnh một đội thiết giáp Nga bị thường dân Ukraine không vũ khí chặn lại, đã quay đầu bỏ đi luôn. Nhiều toán quân Nga đầu hàng ngay khi gặp quân Ukraine. Các tù binh được phỏng vấn cho biết nhiều xe chở quân bị lính đục thủng bình xăng.

Trong khi đó thì dân Ukraine quyết tâm bảo vệ quê hương, tinh thần lên cao tột nhờ Tổng thống Volodymyr Zelenskiy làm gương hy sinh chiến đấu. Một người lính Ukraine đang làm trách nhiệm đặt bom dưới một cây cầu thì thấy đoàn xe quân Nga tới, thay vì bỏ chạy anh ta đã cho bom nổ phá sập cầu và chết theo. Dân chúng xếp hàng chờ lãnh súng đạn để gia nhập các đội quân tự vệ. Có một bà lớn tuổi không được thâu nhận đã năn nỉ: “Nhưng tôi có thể lau nhà!” Người Ukraine đang ở các thành phố khắp Âu Châu đã bỏ công việc kéo về cứu nước. Một ông 39 tuổi làm nghề giao hàng đã từ Luân Đôn lái xe hai ngày về đến biên giới Ba Lan – Ukraine. Ông nói phải về nước góp sức với đứa con trai 19 tuổi trong quân đội.

Trên mạng cũng lan truyền đoạn phim một phụ nữ Ukraine ở thị xã Henichesk lớn tiếng mắng toán lính Nga trước mặt mình là “quân xâm lăng”, là “phát-xít”. Bà cho mấy chú lính Nga những hạt hoa Hướng Dương, bảo hãy cất trong túi để hoa sẽ mọc trên nấm mồ của họ. Hoa Hướng Dương là một biểu tượng của dân tộc Ukraine. Có 8 triệu người chuyển khúc phim này trên mạng trong mấy ngày đầu tiên.

Một điều lạ nữa là Nga không phá hệ thống truyền thông, internet của Ukraine ngay khi tấn công. Những năm 2015, 16 tin tặc Nga đã phá những nhà máy điện ở miền Tây Ukraine hai lần. Năm 2017 từng làm tê liệt nhiều phi cảng, nhà ga xe lửa và ngân hàng Ukraine. Có lẽ quân Nga để yên hệ thống internet của Ukraine vì muốn sử dụng. Nhiều lính và sĩ quan Nga vẫn dùng điện thoại di động. Dân Ukraine nhân đó đã mở chiến dịch phản tuyên truyền nhắm vào binh sĩ Nga và gia đình họ. Đại sứ Ukraine ở Liên Hiệp Quốc đã trưng ra các “emails” của một người lính Nga với bà mẹ, trước khi anh chết. Cậu lính 19 tuổi tưởng mình được đưa đi tập trận, không biết mình đang ở Ukraine. Một tù binh bị bịt mắt được quân Ukraine giúp gọi điện thoại về cho mẹ. “Mẹ ơi con đang làm tù binh, ở Ukraine – Ủa! Sao vậy?” Bộ Quốc phòng Ukraine đã lập một mạng dành riêng cho tù binh Nga liên lạc với gia đình và các bà mẹ Nga tìm con.

Trước tình trạng hành quân đình trệ, Vladimir Putin sẽ tàn phá vào thủ đô Kyiv tiêu diệt đầu não chính phủ Ukraine trong mấy ngày sắp tới. Năm 1994 Putin đã đánh vào Grozny, thủ đô Chechnya 4.000 quả đại pháo mỗi giờ. Nhưng quân Nga tiến vào Kyiv sẽ gặp sức kháng cự mãnh liệt, không biết bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng. Tình báo Mỹ cho biết nhiều binh sĩ Nga trên đường tới Kyiv đã đào ngũ.

Bao lâu nay ông Putin vẫn làm cho thế giới tưởng rằng ông chỉ huy một quân đội hùng mạnh, cuộc kháng chiến của dân Ukraine cho thấy đạo quân của Putin quá yếu. Điều này cũng dễ hiểu, vì một quân đội mạnh cần một nền kinh tế phong phú hỗ trợ. Kinh tế Nga hiện nay (1,5 ngàn tỉ Mỹ kim) chỉ bằng một nửa kinh tế Pháp (2,7 tỉ Mỹ kim) hoặc Anh quốc (2,8 tỉ Mỹ kim), thua xa Mỹ (21 ngàn tỉ Mỹ kim) hay Trung Quốc (15 ngàn tỉ Mỹ kim).

Vladimir Putin sống trong ảo tưởng vì làm chủ một kho vũ khí hạch tâm và phi đạn từ thời Liên Xô để lại. Nhưng không thể đánh Ukraine bằng bom nguyên tử. Nếu Putin ra lệnh, chắc các người thi hành sẽ đảo chính, vì không ai muốn chết khi bị đánh trả đũa!

Nhưng Putin đã tính trước sẽ chiếm được Ukraine trong hai ngày! Trên tờ báo mạng Ria Novosti của chính phủ Nga ngày Thứ Bảy 26 tháng 2 thấy một bản tin loan báo quân Nga đã làm chủ Ukraine. Bản tin đã được viết trước khi cuộc chiến bắt đầu, đến ngày đó tự động xuất hiện. Khi tình hình chiến sự bế tắc không ai trong tờ báo mạng nhớ đến, không ai để ý tháo gỡ. Báo Economist đăng lại bản tin trước khi bị gỡ xuống, trong đó bộ máy tuyên truyền của Putin viết, “Một thế giới mới đã ra đời trước mắt chúng ta…. Nước Nga đã thống nhất trở lại (Putin vẫn khẳng định Ukraine chỉ là một phần của nước Nga) – thảm kịch năm 1991 (khi Liên bang Xô Viết tan rã) đã được vượt qua… ‘Belarus và nước Nga Nhỏ (Ukraine) đã trở về với Đại Nga…. Lãnh tụ Vĩ đại Vladimir Putin đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử”.

Mặc dù quân Nga chưa chiếm được một thành phố quan trọng nào, chủ nhân của Ria Novosti Dmitry Kisele vẫn lên tivi Kênh Số Một trong ngày Chủ Nhật 27 tháng 2, mô tả chiến thắng huy hoàng: Quân Nga đã tiêu diệt 1,067 cứ điểm quân sự. Quân Ukraine đã đầu hàng tập thể và được đối đãi tử tế… “Tình trạng tuyệt vời! Không ai đánh ai nữa”. Dân chúng Ukraine hoan nghênh quân đội Nga, kể rằng họ đã bị chính quyền “quốc xã” “tra tấn, đánh gẫy xương sườn, đánh vỡ sọ, dùng kìm bẻ và rút răng, đốt cháy da người bằng sắt nung đỏ…”.

Những lời dối trá này cũng trâng tráo như luận điệu của Cộng sản Việt Nam đánh lừa người miền Bắc về “nỗi thống khổ” của dân trong Nam trước năm 1975. Các báo đài, và các mạng xã hội ở Nga bị cấm không được dùng các chữ “chiến tranh”, “xâm lăng”; chỉ được dùng chữ “cuộc hành quân” khi nói đến Ukraine. Nhưng Putin không thể nói dối trắng trợn mãi. Nhật báo Novaya Gazetta vẫn giữ vai trò độc lập trong nước Nga đã loan tin về những người lính Nga và các bà mẹ không biết tại sao con mình đi quân dịch bây giờ lại đang ở Ukraine. Mạng tin tức TV Rain và đài phát thanh Ekho Moskvy vẫn hoạt động chờ cơ hội loan tin xác thực. Các “vloggers” đủ can đảm như Yuri Dud đã loan tin cho 5 triệu người đọc, “Putin đã xâm lăng một quốc gia có chủ quyền…”. Ngay cả các tỉ phú Nga đã làm giàu nhờ dựa vào Putin cũng bắt đầu lên tiếng kêu gọi đàm phán. Oleg Denipaska nói một cách dè dặt, “Hòa bình rất quan trọng. Cần phải đàm phán càng sớm càng tốt”.

Mười ngàn nghệ sĩ và giới văn nghệ Nga đã ký bức thư ngỏ gửi Putin yêu cầu “ngưng chiến và bày tỏ tình đoàn kết với dân Ukraine”. Một nhạc sĩ trẻ mang hiệu Oxxxymiron tuyên bố trên Instagram ông sẽ bãi bỏ sáu buổi ca nhạc ở Mạc Tư Khoa và St. Petersburg dù đã bán hết vé. Ông viết cho hơn 2 triệu người đọc, “Ukraine không xâm lăng lãnh thổ Nga. Chính Nga đang dội bom trên một quốc gia có chủ quyền”. Một nhạc sĩ trẻ vẫn ủng hộ Putin từ lâu, Sergey Lazarev giờ cũng viết cho 4.7 triệu người, “Không ai ủng hộ chiến tranh! Tôi muốn các con tôi sống trong hòa bình!” Nhạc trưởng nổi tiếng Semyon Bichkov phản đối cuộc xâm lăng Ukraine, ông nhấn mạnh, “…nỗi đau khổ của nhân dân Nga lúc này, nỗi hổ thẹn và khó khăn kinh tế họ đang phải chịu đựng là sự thật. Dần dần dân Nga sẽ thấy sự thật… Im lặng khi chứng kiến ác quỷ hoành hành là đồng lõa với quỷ rồi sau cùng sẽ biến thành quỷ luôn”.

Dù Putin có thể chiếm được thủ đô Kyiv thì cuộc kháng chiến của dân Ukraine vẫn tiếp tục. Khắp thế giới, vũ khí đang được chuyển tới biên giới Ba Lan, Bảo Gia Lợi, Lỗ Ma Ni và Ukraine (Hung Gia Lợi không cho phép). Khi cuộc chiến chấm dứt, Vladimir Putin sẽ hiện nguyên hình là một người hùng làm bằng giấy, hay bằng rơm theo lối nói của người Việt. Sẽ đến ngày anh hùng rơm phải ra tòa vì tội ác chiến tranh.

error: Content is protected !!