Tạp ghi,  Tony Nguyễn

Vọng xuân thanh bình

Tony Nguyễn

Nhân Tết Tân Sửu, thay lời chúc, xin mời quý bạn thưởng thức một bài thơ « đọc xuôi, đọc ngược » (thuận nghịch độc) :


Vọng xuân thanh bình
Ðông tàn, đã thắm rộ đào, mai,
Tết chúc mừng: vinh, phúc, lộc, tài.
Sông núi rộn reo hò chốn chốn,
Thị-thành vang hát xướng nơi nơi.
Mong chờ, vẫn biển ngàn ngăn cách,
Ðợi ngóng, hàng năm tháng miệt mài.
Lòng héo úa thêm chồng chất tuổi,
Nông, sâu, đục nước chuyện cùng ai ?

Ðọc ngược, ta có một bài thơ khác, vẫn giàu tính thơ:
Ai cùng chuyện nước đục, sâu, nông ?
Tuổi chất chồng thêm héo úa lòng.
Mài miệt tháng năm hằng ngóng đợi,
Cách ngăn ngàn biển vẫn chờ mong:
Nơi nơi xướng hát vang thành thị,
Chốn chốn hò reo rộn núi sông,
Tài, lộc, phúc, vinh, mừng chúc Tết,
Mai, đào rộ thắm, đã tàn Ðông.
 
                  Đỗ Quang Vinh

Xin mượn bài thơ này gửi đến bè bạn mọi nơi : đây là lúc mà tâm tình những kẻ tha hương, ngày càng giống nhau và gần nhau hơn[1].
Có thể, vì chúng ta gốc gác Việt Nam nên khen « Tiếng Việt tuyệt vời » nghe không chói tai, chứ kỳ thực người nước nào mà chẳng trau dồi tiếng xứ ấy và sẵn sàng gán cho ngôn ngữ ấy hai chữ « tuyệt vời ». Cách « đọc ngược, đọc xuôi » (« thuận nghịch độc ») đâu phải chỉ là sở trường của ngôn ngữ thơ văn Việt Nam. Sử dụng ngôn ngữ như vậy, đọc xuôi, đọc ngược, gọi là « palindromes », tiếng Pháp tiếng Anh đều có cả.
Sau đây là vài thí dụ văn xuôi tiếng Pháp : ta có thể đọc một từ, hoặc một cụm từ, từ trái sang phải, hoặc đọc từ phải sang trái, đều giống nhau, và nghĩa cũng như nhau. Từng từ một, như : « non », « ici », « ressasser », hoặc một câu nhiều từ như : « élu par cette crapule », « Ésope[2] reste ici et se repose », « un roc si biscornu », « engage le jeu, que je le gagne », « eh, ça va la vache », « Léon n’osa rêver à son Noël », « à l’autel elle alla, elle le tua là »…
Tiếng Anh không thiếu trường hợp tương tự, hoặc một từ, như : « eye », « Eve », « noon », « civic », « madam », hoặc một câu nhiều từ như : « was it a car or a cat I saw ? », « even in eden I win eden in Eve », « Tivoli, I lov’it », « a man, a plan, a canal, Panama », hoặc đọc thuận đọc xuôi cả cụm từ : « King, are you glad you are King ? »…


Tuy nhiên, không phải ngôn ngữ nào cũng đưa cách chơi chữ này đến một vị trí như trong tiếng Việt. Theo Nguyễn Văn Ngọc, trong Nam Thi Hợp Tuyển, thơ thuận nghịch độc tuy làm theo thể thơ Đường nhưng lại là một lối riêng của thơ Việt Nam. Làm một bài thơ Đường luật đã khó, nhưng khi làm thơ « thuận nghịch độc » thì mỗi câu thơ lại đọc xuôi, đọc ngược làm sao cho cả hai cách đọc (xuôi, ngược) đều có ý nghĩa và hợp vần luật. Muốn được như thế, phải nắm bắt được một số quy luật, tuy không khó viết, nhưng viết xong lại khó hay. Hàn Mặc Tử, Tự Đức cũng từng làm thơ đọc xuôi, đọc ngược, nhưng nếu đem so những bài này với các bài thơ khác trứ danh, thì không có gì thật là « siêu phàm »[3]. Có người, vì đã nắm bắt được quy luật như thế, cho đăng luôn trên Mạng đúng 400 bài « thuận nghịch độc ». Làm thơ như vậy, đúng là để phá kỷ lục, chứ không phải vì yêu thơ.
Cho nên, thơ thuận nghịch độc tuy không hiếm, nhưng bấy lâu nay, vẫn chỉ thấy có một bài với tám cách đọc, không biết ai là tác giả :[4]


Bài thơ kỳ lạ, tám cách đọc : đọc xuôi, đọc ngược…

1. Bài thơ gốc:

Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười.

2. Ðọc ngược bài gốc từ dưới lên:

Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta.

3. Bỏ hai chữ đầu mỗi câu trong bài gốc,
ta được bài (ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng):

Cảnh xuân ánh sáng ngời
Thơ rượu chén đầy vơi
Giậu trúc cành xanh biếc
Hương xuân sắc thắm tươi
Khách chờ sông lặng sóng
Thuyền đợi bến đông người
Tiếng hát đàn trầm bổng
Bóng ai mắt mỉm cười.

4. Bỏ hai chữ cuối mỗi câu trong bài gốc,
đọc ngược từ dưới lên, ta được bài
(ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng):

Mắt ai bóng thướt tha
Ðàn hát tiếng ngân xa
Bến đợi thuyền xuôi ngược
Sông chờ khách lại qua
Sắc xuân hương quyện lá
Cành trúc giậu cài hoa
Chén rượu thơ vui thú
Ánh xuân cảnh mến ta.

5. Bỏ ba chữ cuối mỗi câu trong bài gốc,
ta được bài (tám câu, mỗi câu bốn chữ ):

Ta mến cảnh xuân
Thú vui thơ rượu
Hoa cài giậu trúc
Lá quyện hương xuân
Qua lại khách chờ
Ngược xuôi thuyền đợi
Xa ngân tiếng hát
Tha thướt bóng ai.



6. Bỏ ba chữ đầu mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược từ dưới lên, ta được bài (tám câu, mỗi câu  bốn chữ):

Cười mỉm mắt ai
Bổng trầm đàn hát
Người đông bến đợi
Sóng lặng sông chờ
Tươi thắm sắc xuân
Biếc xanh cành trúc
Vơi đầy chén rượu
Ngời sáng ánh xuân.
7. Bỏ bốn chữ đầu mỗi câu trong bài gốc,
ta được bài (tám câu, mỗi câu ba chữ) :

Ánh sáng ngời
Chén đầy vơi
Cành xanh biếc
Sắc thắm tươi
Sông lặng sóng
Bến đông người
Ðàn trầm bổng
Mắt mỉm cười.


8. Bỏ bốn chữ cuối mỗi câu trong bài gốc,
đọc ngược từ dưới lên, ta được bài (tám câu, mỗi câu ba chữ):

Bóng thướt tha
Tiếng ngân xa
Thuyền xuôi ngược
Khách lại qua
Hương quyện lá
Giậu cài hoa
Thơ vui thú
Cảnh mến ta.
Âu cũng là một cách thưởng Xuân nhẹ nhàng, ý nhị…
Đ.T.H.
 



[1] http://www.vietnamdaily.com/index.php?c=article&p=14893
[2] Ésope : tác gia ngụ ngôn, gốc cổ Hy Lạp.
[3] https://ocuaso.com/tho-viet-nam/chum-tho-bat-hu/2-bai-tho-thuan-nghich-doc-luc-chuyen-hoi-van-cua-han-mac-tu.html
[4] http://vuhungviet.blogtiengviet.net/2017/03/19/m_tinh

– TẢN MẠN VỀ THƠ THUẬN NGHỊCH ĐỘC Ta thấy, theo bảng luật trên thì câu 1 và câu 8 (2 câu này niêm luật như nhau) đã bị lỗi khổ độc ở 1 chiều đọc, …
http://vuhungviet.blogtiengviet.net/2017/03/19/m_tinh