THƠ XƯỚNG HOẠ: “Trong Khám Chí Hòa”- VŨ HOÀNG CHƯƠNG – CAO MỴ NHÂN – PHƯƠNG HOA. VĂN: “DUY LAM, NÓI MÃI KHÔNG CÙNG” Cao Mỵ Nhân.
TRONG KHÁM CHÍ HOÀ
(Bài Xướng)
Thấm thoát vào đây tháng đã tròn
Lông hồng gieo xuống nhẹ như non
Một manh chiếu nát, thân tơi tả
Nửa bát cơm hôi, xác mỏi mòn
Ngày đến bữa ăn thường nhớ vợ
Đêm về giấc ngủ lại thương con
Dẫu bao nước chảy qua cầu nữa
Hồ dễ gì phai được tấc son ?
Thi sĩ VŨ HOÀNG CHƯƠNG
1976.
BUÔNG CÂU THẤT VẬN
(Bài Hoạ)
Nào ai tính được chuyện vuông tròn
Vàng có phai đâu, đá thử non
Lòng dạ người dưng như thiếu hụt
Tâm hồn khách lạ thấy hao mòn
Mong nhiều chẳng đạt niềm tin lớn
Ước mãi không thành giấc mộng con
Nên cứ bâng khuâng câu thất vận
Mệnh trời giữ vẹn trái tim son …
Hawthorne 3 – 2022
CAO MỴ NHÂN
NÉT SON THI BÁ
(Kính cẩn họa)
Cá chậu tuy không dệt mộng tròn
Nhưng ngầm chất chứa những mầm non
Vì chưng quý sách văn nào cạn
Cũng bởi yêu thơ bút chẳng mòn
Sớm tối một lòng vun núi lớn
Tháng ngày quyết chí đóng thuyền con
Chờ khi thoát cảnh chim lồng ấy
Chữ nghĩa tung hoành điểm nét son
Phương Hoa – MAR 3rd 2022
THƠ CAO MỴ NHÂN: Hương Sắc Cũ
HƯƠNG SẮC CŨ
CAO MỴ NHÂN
Tháng ba rồi , vạt nắng đổ hoang liêu
Trên mênh mông đại dương thêu trước mặt
Có phải là sóng lang thang ấp yêu
Đã dội về, hẹn em nhiều mất mát
Biển Đan Hồ lắng nghe bao tiếng hát
Tóc anh phai hay vẫn biếc tươi mầu
Em đợi sóng trôi xa, vun bờ cát
Đang chập chờn theo sát bước hải âu
Sáu năm qua, ôi tình tự trôi mau
Vòng tay anh hơn một lần khép lại
Nhưng chúng ta vẫn chưa ở bên nhau
Khiến phương nam mây về thay áo mới
Anh mỉm cười : tháng ba em đang tới
Cho anh xin gặp gỡ sắc hương xưa
” Hương sắc cũ ” nồng nàn, em ngóng đợi
Một ngày vui, nào phải nhớ nhung thừa …
CAO MỴ NHÂN
DUY LAM, NÓI MÃI KHÔNG CÙNG. CAO MỴ NHÂN
Vốn thân thiết với 2 cặp anh chị Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn – Chu Thị Thịnh và Thế Uyên Nguyễn Kim Dũng – Thuý Sơn, nên hình như là tôi hay được nghe các anh chị trên kể cho nghe về nhiều kỷ niệm trong đại gia đình Nguyễn Tường, họ ngoại, và Nguyễn Kim, họ nội, của 2 nhà văn tên tuổi Duy Lam và Thế Uyên trong làng văn Việt Nam cuối thế kỷ thứ 20 vừa qua .
Nhà văn Duy Lam cứ khuyến khích tôi viết lại một số kỷ niệm về mấy nhân vật trong dòng họ ” rất văn nghệ ” của 2 dòng họ mà tôi có dịp quen biết .
Những vị tôi thường lui tới, cùng đi chơi đây đó vv…
Nhưng tôi cứ lững lờ năm tháng trôi qua, nhà văn Duy Lam bảo rằng :
” Cô có cả kho tài liệu về chúng tôi, hậu duệ của Tự Lực Văn Đoàn, nhất là thời gian cuối thế kỷ trước đây, qua 10 năm đầu thế kỷ sau này, khi còn ông chú tôi ( lẽ ra kêu bằng cậu ) là bác sĩ Nguyễn Tường Bách, bút hiệu Viễn Sơn, thủa cụ còn ở trong nước, chăm sóc báo chí của Tự Lực Văn Đoàn, trước khi cụ Nguyễn Tường Bách bôn ba qua Tàu, lánh nạn Việt Minh thủa 1945 ” .
Nhà văn Duy Lam nói điều trên, khi anh chị Duy Lam còn ở nam tiểu bang California , và khi cụ Bách còn tại thế.
Tôi ậm ừ vì nhiều thứ lý do lắm .
Hậu duệ quý vị dòng họ Nguyễn Tường vẫn có một số khá đông quý ông cầm bút, hay sinh hoạt văn học, văn hoá xã hội vv…như Nguyễn Tường Tâm, con cụ Nguyễn Tường Cẩm, Nguyễn Tường Thiết, con cụ Nguyễn Tường Tam ( Nhất Linh ), Nguyễn Lân, con cụ Nguyễn Tường Long ( Hoàng Đạo ) bác sĩ Nguyễn Tường Giang, con cụ Nguyễn Tường Lân ( Thạch Lam ) vv…
Song, điều hôm nay tôi muốn kể về Nhà văn Duy Lam, trưởng nam của cụ Nguyễn Kim Hoàn, Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn và phu nhân ông, bà Chu Thị Thịnh, mà chúng tôi hay gọi Thịnh Chu, chị còn lấy bút hiệu là An Nhiên .
Mỗi lần nhắc tới anh chị, thì trong lòng tôi cứ nghẹn ngào thương tiếc lắm .
Số là thủa …trước cuộc đổi đời bi thảm ở miền nam VN 30-4-1975, thì gia đình anh chị Duy Lam cư trú ở Đà Nẵng .
Thoạt thì Nhà Văn Duy Lam, tức Đại uý Nguyễn Kim Tuấn ( sau lên Trung Tá ) theo đại tá Hoàng Xuân Lãm ( sau lên Trung Tướng ) từ trung ương ra giữ Sư Đoàn 2 Bộ Binh đồn trú ở Khu 12 Chiến thuật ( bên này đèo Hải Vân ) .
Đại uý Nguyễn Kim Tuấn là Chánh văn phòng Tư Lệnh Đại tá Hoàng Xuân Lãm .
Một thời gian sau, qua nhiều năm, Đại tá Hoàng Xuân Lãm đã thăng cấp Trung Tướng , Đại uý Nguyễn Kim Tuấn đã thăng cấp Trung tá, và cùng thuyên chuyển lên Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I – Quân Khu 1 , đồn trú ở Đà Nẵng .
Trung tướng Hoàng Xuân Lãm giữ chức Tư lệnh QĐI/ QKI từ
1966 – 1972, Trung tá Nguyễn Kim Tuấn tức Nhà Văn Duy Lam cũng song song làm Chánh Văn Phòng Tư Lệnh, nhưng ngoài việc quân binh, ông phải trọng trách tất cả các việc hành chánh và nhất là các sinh hoạt về chính trị, văn hoá xã hội của 5 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi và 2 Thị xã Huế, Đà Nẵng .
Lý do rất đơn giản, là thời buổi chiến tranh đó, Trung tướng Hoàng Xuân Lãm phải dồn mọi nỗ lực vào việc quân binh, nên vị Hoàng Tư Lệnh đã giao các việc nêu trên cho Trung tá Nguyễn Kim Tuấn, người có uy tín làm công tác văn hoá xã hội rộng lớn và phức tạp bên ngoài doanh trại .
Tất nhiên để tổ chức và điều hành công tác hành chánh cùng các phần việc linh tinh khác, Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn đã phối hợp với nhiều quý vị dân sự cùng các huynh đệ chi binh chuyên ngành trong cũng như ngoài đơn vị thuộc Bộ Tư Lệnh QĐI/ QKI như :
Quý ông Giáo sư Thái Doãn Ngà
Quý ông giáo sư Phan Du
Quý ông giáo sư Nguyễn Văn Xuân
Quý ông Tỉnh trưởng và các giáo sư trong Tỉnh Quảng Nam , thị xã Đà Nẵng để thành lập Đại Học Đà Nẵng .
Các Câu lạc bộ Văn Học Nghệ Thuật .
Báo chí, triển lãm tranh ảnh vv…
Với sự tiếp tay của các văn nghệ sĩ Quân Đội và dân sự trẻ thời bấy giờ như : Thi sĩ Thái Tú Hạp, Thi sĩ Luân Hoán, Hoạ sĩ Cao Bá Minh, Hoạ sĩ Lâm quang Phước vv…
Cụ bà Nguyễn Thị Thế là em thứ 5 của quý cụ Nguyễn Tường Thuỵ, Nguyễn Tường Cẩm, Nguyễn Tường Tam ( Nhất Linh ) Nguyễn Tường Long ( Hoàng Đạo ) và là chị của quý cụ Nguyễn Tường Lân ( Thạch Lam ) Nguyễn Tường
Bách ( Viễn Sơn ) thuộc dòng họ Nguyễn Tường .
Cụ bà Nguyễn Thị Thế là phu nhân của cụ ông Nguyễn Kim Hoàn.
Cụ ông Nguyễn Kim Hoàn, người lo phần ” nội vụ các sự việc cho 2 tờ báo Phong Hoá – Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn “, điều này do Nhà Văn Thế Uyên kể cho người viết nghe.
Trở lại gia thế cụ bà Nguyễn thị Thế và cụ ông Nguyễn Kim Hoàn . 2 cụ Nguyễn Thị Thế và Nguyễn Kim Hoàn có 7 người con .
3 ông con trai là : Nguyễn Kim Tuấn ( Duy Lam ), Nguyễn Kim Dũng ( Thế Uyên ), Nguyễn Kim Sơn .
4 bà con gái là :
Nguyễn Thị Châu, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Tuyết, và Nguyễn Cao Thị Liễu .
Có thể nói cụ bà Nguyễn Thị Thế, vai thứ 5 trong dòng họ Nguyễn Tường, đã là người quán xuyến việc nhà giữa 4 ông anh và 2 ông em của cụ thế nào, thì khi cụ có gia đình riêng , cụ cũng lo cho các con, các cháu y như thế .
Do đó 2 nhà văn Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn và Thế Uyên Nguyễn Kim Dũng cũng trong không khí chiều hướng như vậy, nhất là đối riêng với gia đình anh chị Duy Lam .
Khi anh Duy Lam bị đi tù cải tạo sau 30-4-1975, thì chị Duy Lam và 3 cháu gái của nhà văn Duy Lam phải từ Đà Nẵng về Đà Lạt tá túc với cụ bà nội .
Và mặc dầu Nhà văn Thế Uyên có 5 con trai, anh vẫn nói rỡn với tôi, Phương Lan con gái đầu lòng của anh chị Duy Lam là ” đích tôn ” của cụ bà nội nêu trên .
Cách nói đùa để chứng tỏ bà nội trực tiếp lo cho 3 cháu gái
Phương Lan, Lan Anh , Anh Phương con nhà văn Duy Lam đang được bà nội chăm sóc từ A tới Z .
Nhà văn Duy Lam đi tù cải tạo đã đành , chị Duy Lam ít lâu sau cũng đi tù cải tạo với lý do là chống phá cách mạng .
Quý vị sẽ hỏi tôi rằng : nhà văn Duy Lam tức Trung Tá Nguyễn Kim Tuấn mới phải đi tù cải tạo vì thuộc quân cán chính chế độ cũ , chứ bà Duy Lam thì cũng bình thường như các bà phu nhân sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà , sao lại bị tù đày vậy ?
Xin thưa : Sau khi Nhà văn Duy Lam đi tù cải tạo rồi, bà Duy Lam và 3 cháu Tý li, Bé ti và Xu, tên ở nhà của các cháu nêu trên, phải đi vùng Kinh Tế Mới cũng thuộc địa hạt Đà Lạt , Lâm Đồng, thì chị Duy Lam bị trù dập kinh khủng .
Thịnh Chu, phu nhân nhà văn Duy Lam rất đẹp, tính thẳng thắn, trong lúc phải lao động khổ nhọc, chị than thở, điều đó bình thường thôi, nhưng chị đã dẫn chứng câu danh ngôn của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là :
” Đừng Nghe những gì Cộng Sản Nói, mà Hãy Nhìn những gì Cộng Sản Làm ” .
Đối phương bắt chị nhắc lại để truy tội chống cách mạng .
Phu nhân nhà văn Duy Lam cũng kiên cường như nhà văn Duy Lam, bà bình tĩnh, thản nhiên nhắc lại câu trên, không sai một dấu phẩy .
Sau đó, chị phải đi tù nhiều năm .
Ra khỏi trại tù, chị ” bình tĩnh ” thêm nữa, viết nhiều thư từ gởi Văn Bút Quốc Tế, trình bầy và nhờ can thiệp cho Trung tá Nguyễn Kim Tuấn, tức Duy Lam sớm trở về.
Duy Lam từ các trung tâm cải tạo ngoài Bắc, chuyển vô Hàm Tân để chuẩn bị ra trại, chị ra thăm anh ở trại Z.30 , Nhà văn Duy Lam và phu nhân gặp nhau sau nhiều năm xa cách , thản nhiên ôm nhau với cử chỉ thân ái . Anh chị đã bị cúp phép thăm nuôi tức khắc . Nhà văn Duy Lam bị nhốt ngay sau đó vì vi phạm nội quy trại, không hề ghi trên văn bản .
Nhà văn Duy Lam bị tù cải tạo 12 năm, ông trở về đoàn tụ gia đình năm 1987 .
Sau đó chương trình HO, gia đình ra đi tị nạn # 1990 nhưng chỉ 2 cháu Lan Anh và Anh Phương được theo cha mẹ đi thôi, cháu Phương Lan sau có gia đình, phải ở lại VN, Anh chị Nhà văn Duy Lam đã bảo lãnh cho gia đình cháu này ít năm sau đó.
Hiện nay cả 3 cháu con Nhà văn Duy Lam đã ổn định cuộc sống, đều có gia đình và công ăn, việc làm .
Phu nhân nhà văn Duy Lam mệnh chung cách đây 2 năm .
Nay được tin Nhà văn Duy Lam qua đời 4-2-2021 tại Vỉginia sau khá nhiều năm Nhà văn Duy Lam không viết lách nữa , mà lại thích vẽ .
Ông có nhiều bức hoạ từ cách đây ba chục năm. Qua miền đông, ông còn vẽ nhiều hơn, nhưng vẽ để thoải mái tinh thần, không định để làm gì cả, kể cả thơ, nhà văn Duy Lam muốn thử nghiệm cho …vui .
Ngay đến văn là bộ môn chuyên nghiệp của ông, những năm cuối cùng, Nhà văn Duy Lam nói :
” Bây giờ không viết nữa, chỉ đọc lại thôi …”
Thực ra viết về Nhà văn Duy Lam thì ” Nói mãi cũng khôngcùng …” Lý do ông sinh hoạt nhiều ngành văn chương, nghệ thuật, văn hoá xã hội, giáo dục, đảng phái chính trị …vv.
Nhà văn Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn là một nhân vật chức sắc trong đại gia đình Việt Nam Quốc Dân Đảng VN .
Riêng với tôi, thì anh chị Nhà văn Duy Lam mang hình ảnh toàn vẹn cả về nhân cách lẫn tài hoa .
Không ai có thể ngờ là lúc Nhà Văn Duy Lam trên 60 tuổi, ông còn lái xe chở phu nhân ông từ Cali qua Vỉginia . Hay đi mổ mắt, ông đã tự lái xe về nhà ở đoạn đường xa gần 2 tiếng đồng hồ .
Tôi thường đùa ông vốn giỏi võ thuật yoga, bà là Huấn luyện viên Dưỡng Sinh sau tôi một khoá, nên chuyện thao tác thể dục dưỡng sinh quen thuộc với ông bà .
Thi Sĩ Thái Tú Hạp, dịch giả Ái Cầm sửng sốt báo tin cho Cao Mỵ Nhân tôi, chúng tôi và anh chị Duy Lam gắn bó thân tình từ hơn nửa thế kỷ nay, những ngày Trung tá Nguyễn Kim Tuấn và chúng tôi cùng phục vụ quân đội tại Quân Đoàn I / Quân Khu I .
Trung tá Nguyễn Kim Tuấn mãn phần ngày 4 – 2 – 2021, hưởng thọ 89 tuổi ( 1932 – 2021 ) .
Xin thắp nén hương lòng, tưởng nhớ về quá khứ xa xôi, cầu nguyện hương linh nhà văn Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn được sớm phiêu diêu miền vĩnh cửu vô cùng .
CAO MỴ NHÂN