Cao Mỵ Nhân,  Văn Thơ

TẠ ƠN ĐẤT HỨA

    CAO MỴ NHÂN 

Khi còn ở quê hương VN xa vời, tôi thường nhận được những tấm thiệp hoa, cùng hình ảnh người thân, bạn hữu ở Mỹ gởi về, viết là : ” Ngày lễ Tạ Ơn, đang vui sum họp ” . 

Bấy giờ tôi chưa hiểu được toàn vẹn danh nghĩa ngày lễ Tạ Ơn ngoài dòng chữ rất đẹp :” Thanksgiving Day ” . 

Tất nhiên đó là một ngày lễ Tạ Ơn rồi . Nhưng lịch sử và sinh hoạt nó như thế nào chứ ? 

Song cũng không phải là điều bức thiết khiến tôi phải tìm hiểu ngay, giữa chuỗi ngày cứ chất chồng lên nhau : 

Sống lam lũ , tối tăm, u uất ở xã hội cộng sản vô thần, vô sản, vô tâm, vô ý thức . 

Và mơ ước được sống trong không khí giàu sang, cơm ăn áo mặc dư thừa, tinh thần thoải mái, thanh cao, đức tin chan hoà sùng thượng …

Tất nhiên là thoát khổ, thoát nghèo rồi . 

Cho tới một ngày, chương trình HO mở rộng, gia đình tôi đã đến được Hoa Kỳ vào đầu thập niên cuối thế kỷ vừa qua, chúng tôi đã được hưởng một ngày lễ Tạ Ơn của USA  bao hàm ý nghĩa …cảm tạ trời đất vv…

Có thể hiểu từ những năm 1621 xa xưa, tới khi tôi biết được sự trù phú lương nông, hoa màu sơ khởi đã trải qua bao thời kỳ khai phá, để hình thành nên một xã hội trù phú, tân tiến như  thủa nay, hỏi sao không cám ơn Thượng Đế đã khiến trời đất nở hoa chứ . 

Gia đình tôi được sống trong ân sủng của Đấng Tối Cao, Tối Đại vô cùng, kể từ mùa Lễ Tạ Ơn năm 1991 ấy . Chắc đó cũng là dịp chúng tôi cảm tạ tất cả những gì liên hệ tới cuộc sống tôi ở xứ xở lưu vong này . 

Không biết quý vị trưởng thượng, cao niên từ nơi quý tộc tới chốn bình dân có khái niệm gì về chú gà tây, chứ tôi xin thú thực rằng hồi ở quê hương ” nghèo nàn lạc hậu ” , chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể xơi một miếng gà tây.

Trước hết cái gì bé nhỏ, vừa phải thôi, thì luôn luôn được ưu ái là ” ta, của ta ” thí dụ gà ta, vẫn thả rong ngoài sân vườn mỗi nhà nếu có.

Cái gì to lớn, lạ lùng hơn là có  chữ ” tây ” kèm theo ngay, như ” Gà tây ” chẳng hạn . 

Bên cạnh đó thì có : hành tây, tỏi tây, khoai tây …vv…

Thế nên , sự việc làm một con gà tây đã có vẻ kỳ lạ, mà ăn thịt nó thì chu choa, đơn đớn thế nào . 

Tôi vẫn xin thưa là theo cách nhìn quê mùa của tôi thôi. 

Do đó, cái cảnh ở chợ Mỹ kia, đã đến năm thứ ba, nghe rộn ràng ngày lễ Thanksgiving, tôi vẫn không hề nôn nao chuyện gà tây, gà tồ…

Bà chủ nhà kêu tôi chuẩn bị ra chợ Vons xếp hàng, để được chợ tặng không cho một con gà tây ăn mừng lễ Tạ Ơn . 

Nhưng tôi chỉ đi theo Julie cho biết . 

Bà ta bảo là cứ nhận con gà tây đã làm sẵn sạch sẽ đó, bà sẽ  tặng lại vợ chồng người Mễ nghèo khổ, đông con trong khu nhà tôi đang ở. 

Mãi tới 8 giờ sáng, tôi mới ôm được cái thùng carton đựng con gà tây, biểu tượng cho lòng nhiệt thành của người Mỹ Hợp Chủng Quôc , hậu thân của nhiều lớp di cư tự phát từ châu Âu đi tìm đường sinh sống . 

Bà Julie tươi cười : ” Không sao, không hầm kiểu văn hoá Mỹ , thì cứ nấu nướng kiểu gà thường VN, có sao đâu. Nấu khéo cũng ngon lắm đấy.” 

Cũng dịp đó, tôi đang làm thư ký văn phòng cho trường thẩm mỹ Redondo Beach, không khí trường lớp  có vẻ vui tươi, hồn nhiên, có lẽ tâm tính ” gà tây ” vốn cũng vui vẻ, hoan ca như vậy . 

Bà Julie lại là một giáo viên dạy Nail tóc cho trường, bà bắt đầu phụ bà giám đốc công việc buổi chiều lẽ Thanksgiving năm đó, 1993 . 

Mỗi nhân viên và học viên được tặng một phần quà , gồm một con gà tây đã làm sẵn và một chai rượu vang đỏ bự chát, e phải nặng 2 lít . 

Tất nhiên tôi cũng được, và chẳng lẽ không nhận, mất vui . 

Bà giám đốc là phu nhân một vị Thiếu tá Quân Cảnh, gốc Võ bị Quốc Gia Đà Lạt. 

Vị quan tư Quân Cảnh nêu trên là chỉ huy trưởng Trại Giam Tù binh Cộng Sản Non Nước, thuộc QDI/ QKI của …tôi , nên tôi quen từ trước 30-4-1975, ông bà đã giúp tôi việc làm thư ký trường thẩm mỹ này . 

Tôi có vẻ ngần ngừ không muốn nhận quà Thanksgiving rắc rối ấy. Phu nhân Thiếu tá Quân cảnh nói cũng tếu như chúng tôi : ” Anh, là tôi đấy, người Bắc Kỳ quốc xưa cứ hay gọi bạn gái là anh cho thân thiện , có biết từ thủa 1975, tôi, là bà ấy, sang Mỹ, thú thiệt tôi chả hề nấu cái con gà tây này đâu, nhưng hay đi ăn Thanksgiving ở nhà bạn bè ” 

Tôi tần ngần : ” Thế thì bà cho tôi làm gì chứ ? ” 

Bà cười : ” Để anh thấy ngày lễ của con gà tây, mà này hồi chúng tôi mới sang đây, người Mỹ ở miền đông tôi ở trước , gia đình tôi lại đi nhà thờ nữa, họ welcome lắm, họ bảo mấy người đã đến Đất Hứa, hãy cám ơn Thượng Đế  ” . 

Rút cuộc tôi cũng mang gà tây và rượu vang đỏ về nhà . 

Rượu vang đỏ thì cứ lâu lâu xài nó một lần trong bếp núc . 

Còn con gà tây ngồi làm cảnh trong tủ lạnh vài tuần,chẳng ai thèm xin, nên sau thời gian đó, tôi tống tiễn nó vô túi rác, gởi thùng rác cho nó đi xa. 

Sau này thì dần dà chuyện gà tây ở Hoa Kỳ trong mùa lễ Tạ Ơn Trời Đất cảnh vật mùa màng lương thực, với những người di dân từ nhiều nơi trên thế giới tới, đã trở nên quen thuộc . 

Đôi khi Thanksgiving  Day còn như một nét đan thanh của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, các sắc tộc hiện diện khắp USA , như muốn làm dáng thêm cho cuộc sống tha hương thêm phong phú, ý nhị và nhất là hoà đồng, để không còn cảm giác riêng lẻ bơ vơ nơi quê hương mới, nơi Thượng Đế đã dành cho bất cứ ai tìm tới Ngài. 

Tức là Thượng Đế đã quan phòng và biết chắc bất cứ ai đó tìm về, chạy tới, muốn được và đã hưởng lẽ sống  tự nhiên, bình đẳng của mỗi người ta ở trái đất này. 

          CAO MỴ NHÂN