Nguyễn Hoàng Quý

VTLV VÔ VÙNG THƯƠNG TIẾC NHÀ VĂN THÂN HỮU Nguyễn Hoàng Quý. Anh Ra Đi Để Lại Nỗi Buồn Lớn Cho Bao Người. KÍNH MỜI ĐỌC BÀI VIẾT GẦN ĐÂY NHẤT CỦA ANH: Roma/La Mã -NGUYỄN HOÀNG QUÝ  

VTLV THÀNH KÍNH PHÂN ƯU CÙNG GIA ĐÌNH VÀ BẰNG HỮU NHÀ VĂN NGUYỄN HOÀNG QUÝ

MỜI ĐỌC NHỮNG CHIA SẺ TIẾC THƯƠNG NHÀ VĂN NGUYỄN HOÀNG QUÝ

VĨNH BIỆT THẦY GIÁO NGUYỄN HOÀNG QUÝ

Sáng nay, con đã rất bất ngờ khi biết tin Chú đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 06 Tết Giáp Thìn khi mùa Xuân vẫn còn vương đầy trong ngôi nhà bình yên và ấm áp tình người của Cô Chú. Dù chỉ biết Chú qua FB và chưa lần nào có dịp được gặp gỡ Chú ở ngoài đời nhưng khi biết tin Chú mất, con đã vô cùng bàng hoàng và sửng sốt, huống chi là gia đình và những người thân của Chú đang phải trải qua một nỗi đau mất mát quá lớn.

Qua những trao đổi trên trang cá nhân của mình, Chú Nguyễn Hoàng Quý không chỉ là một người chồng, người cha mẫu mực của gia đình, Chú còn là một Thầy Giáo chân chính có nhiều kiến thức sâu rộng. Với phẩm chất khiêm tốn và cách sống chân thành tận tuỵ, Chú được nhiều thế hệ học trò và bạn bè FB quý trọng và kính nể. Dù đã về hưu nhưng Thầy giáo Nguyễn Hoàng Quý vẫn luôn thao thức trăn trở cho thời cuộc với một tình yêu đất nước sâu sắc.

Con thật may mắn khi đã có một người bạn lớn như Chú luôn đồng hành và đồng cảm với những bài viết của con. Con sẽ không bao giờ quên những dòng tin nhắn thăm hỏi và động viên con rất chân thành của Chú. Con nhớ có một lần, con đã đăng bài viết về một vị sư đi bán bánh chay dạo tại Nha Trang để giúp Chùa có thêm thu nhập trang trải chi phí hoạt động và nuôi thêm một số trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh cơ nhỡ. Chú sau đó đã nhắn tin cho con và nói rất cảm động về nội dung bài viết. Chú còn hứa sẽ đến ngôi Chùa này để gặp trụ trì và để con có thêm tư liệu mới viết bài. Chú hứa và đã luôn giữ đúng lời hứa của mình với tất cả trách nhiệm, sự uy tín và phẩm chất thiện lương hiếm có trong cõi mạng xã hội vốn dĩ phức tạp và xô bồ.

Mới Tết Giáp Thìn này thôi, Chú còn tag tên con trong status chúc Tết của Chú.

Cách đây 4 ngày Chú vẫn còn tương tác và trả lời các comment trên FB, Chú vẫn còn đang nhiệt huyết lên kế hoạch gặp mặt bạn bè cựu sinh viên trường Lương Văn Can – Huỳnh Thúc Kháng sau Tết …

Chú là sự kết nối giữa mọi người mà giờ đây Chú đã rời xa….

Ai nói FB là ảo còn với con những gì Chú đã sống và thể hiện trên mạng đều rất chân thật. Một người bạn lớn trên FB dù con chưa hề gặp mặt nhưng sự ra đi bất ngờ vĩnh viễn của Chú lại làm con rơi nước mắt…

Chú ra đi và sẽ để lại một khoảng trống vô hình khó có thể lấp đầy cho gia đình và những người bạn luôn thương kính Chú.

Con xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình Chú, đặc biệt là đến cô Hoang Thi Kim Ngan, người Vợ mà Chú luôn kề cận và luôn nhắc đến với sự trân trọng yêu thương. Con mong Cô cố gắng giữ sức khỏe và giữ tinh thần vững vàng để sớm vượt qua nỗi đau mất mát lớn lao này. 🙏🕉

Nguyện cầu linh hồn Thầy Giáo Nguyễn Hoàng Quý được an nghỉ nơi vĩnh hằng. Thành kính phân ưu cùng gia quyến. 🙏🙏🙏

Một người bạn nhỏ trên Facebook

Cậu Bảy ơi,

Nếu như cậu biết rằng những bà chị già của cậu, đám cháu của cậu đã bất chấp chạy xe trong đêm để vô với cậu – khi vé máy bay hay vé tàu để mua vào những ngày Tết là điều không thể … có nằm mơ con cũng không thể nghĩ là cậu đã bỏ cuộc chơi, bỏ tụi con mà đi…

Những đứa cháu ruột, cháu dâu, cháu rể U70, U60 của cậu, với vô số nếp chân chim, nếp nhăn trên mặt, có vẻ như đủ kinh nghiệm để sát phạt thương trường, đủ bản lĩnh để điều khiển mọi cuộc chơi, đã choáng váng, xơ xác khi mất cậu…

Cậu biết không, đôi khi cậu như một cây gậy, một chỗ dựa vô hình cho anh em tụi con trong hành trình cuộc đời ngắn ngủi nhưng cũng dài dằng dặc này… Cậu Cả, Mạ con, Dì Năm thực sự tê liệt, suy sụp khi mất cậu…

Với gia đình nhỏ của cậu, vĩnh viễn không có gì bù đắp nỗi sự đau đớn và mất mát của mợ và gia đình các em… tụi con thực sự tri ân tấm lòng của bà con họ hàng, dòng tộc, các cô, chú, cậu, dì, anh chị, em, cháu từ khắp các miền đất nước, các tình thân, yêu, quý, từ nước ngoài đã thương quý và đau xót khi cậu ra đi… và cũng vạn lần tri ân đến bạn bè, đến ngàn ngàn cựu học sinh của cậu mợ… và còn với bao nhiêu mối quan hệ xa gần mà gần 75 năm sống, cậu đã yêu quý, đã tận tuỵ với tất cả, về tất cả…

Cậu cũng không bao giờ nghĩ cậu sẽ vĩnh viễn không có mặt trong hội khoá bạn bè cựu sinh viên Lương văn Can- Huỳnh Thúc Kháng sắp tới của cậu, mà con nhớ cậu đã rất hân hoan, rất hạnh phúc khi nói về… Cậu mất rồi, đám cháu của cậu vẫn sẽ tiếp tục bước tiếp nhưng giữa những cuộc vui, những nói cười, là nỗi trống hoang hoác trong lòng tụi con, mà đâu đó trên những chặng đường đời, là một sự trống vắng kinh khủng đó cậu… chấm dứt tất cả những cuộc vui tưng bừng khi cậu về nhà, vĩnh viễn đám con cháu không còn mong đợi ngày cậu về để mà đón, tiễn….

75 năm, cậu đã sống rất NGƯỜI, với tình thương, sự tận tụy dành cho mọi người, với sự uyên bác, với một tầm kiến thức mà đám cháu tụi con không với tới được… dù muốn hay không tụi con cũng phải chấp nhận sự mất mát này… dù đau đớn bao nhiêu đi nữa tụi con cũng phải chấp nhập chia li là điều không thể tránh khỏi… nhưng anh em tụi con thật sự thấm nỗi đau mất mát người thân như thế nào!

Đường về của tụi con thăm thẳm xa, thăm thẳm buồn, thăm thẳm lệ rơi…. rứa mà cậu đành…..

Cháu của Cậu Nguyễn Hoàng Quý

THƠ GỬI THẦY

Gửi thầy lại vòm chiều chủ nhật

Nơi lưu giữ ân tình một thuở

Giờ đây ghi lại dấu bụi mờ

Xin trả lại dòng sông sử lịch

Người lái đò chèo lái thân thương

Vọng kính tiễn người lần sau cuối

Về lại nơi đất mẹ thiêng liêng

*

Minh Thư vọng bái

Cậu Bảy ơi,


Hôm nay là thất thứ ba của cậu.. con đã xin phép người viết đưa bài này lên- như một nén tâm nhang gửi cậu … ở một nơi nào đó, thong dong và bình yên, con chắc cậu sẽ đọc, sẽ vui và hạnh phúc với những tình cảm yêu quý của rất nhiều người dành cho cậu, những ân tình cậu đã gieo rồi gặt giữa đời… những người thân yêu, những đứa cháu của cậu, vẫn nhói buốt, vẫn những giọt nước mắt lặng lẽ khi nhớ cậu… không thể thay đổi, không thể làm bất cứ một điều gì được nữa cho cậu, khi cậu đã ra đi… cám ơn em Hoa Kim Duong đã dành cho cậu chị một tình cảm rất ĐẸP….

ĐẦU XUÂN …ĐẾN THĂM NHÀ CẬU 7

Thế rồi con cũng đến được địa chỉ 96 – Nguyễn Trãi – Diên Khánh – Khánh Hòa sau 12 tiếng đồng hồ lái xe ngược xuôi trên quốc lộ 1A ngày mùng 7 tết. Cờ tang và những vòng hoa nhạt nhòa trong ráng chiều. Cậu ở đấy, tinh tấn bên lẵng hoa Cẩm Chướng màu hồng rất đẹp. Cô Quỵ, Mợ, Na,Tý, cháu của Cậu và cả những học trò của cô Quỵ đều có mặt đầy đủ… vậy mà Cậu nằm im, không chịu ra tiếp khách giúp Mợ, không chịu giúp Mợ một tay… đã biết Mợ cần hỗ trợ … mà sao Cậu không nói gì rồi lặng yên nằm xuống.

Con đã xuống bếp, ngồi bên chiếc bàn ăn, nơi mà Cậu khoe ai cũng khen khi ưu tiên sửa phòng bếp trước tiên vào năm 2021, con đứng nhìn ra khoảng sân phía sau, những quả Cóc xanh non trĩu quả ở góc hàng rào, bên hông nhà những cây Thiết Mộc Lan vẫn xanh nhờ Cậu chăm sóc chu đáo. Ngồi nhìn bộ móc khóa Cậu sưu tầm treo trên tường, những bức hình của Cậu Mợ, của các cháu mà lòng con quặn thắt. Con ân hận vì trong lòng đã lên kế hoạch đến thăm Cậu Mợ mà không báo trước để bất ngờ… Thì bây giờ con đã đến, có cả con trai của con nữa… vậy mà Cậu chỉ nằm đó không nói, không cười, không hỏi thăm chi cả. Đúng là Cậu đã bỏ cuộc sớm quá. Dẫu biết rằng CHỈ CÙNG  NHAU ĐI MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG là quy luật, con đã không khóc thương bi lụy khi biết tin mà ngược lại đã rất vững vàng quay xe, bình tĩnh nhất để mong sớm đến nhà Cậu để trầm mình trong những hồi ức tươi đẹp về Cậu.
Một đêm ở lại Diên Khánh, sáng sớm đi dọc con đường bên bờ sông Cái – con đường mà Cậu đi bộ vào sáng sớm mỗi ngày, đường Nguyễn Trãi có nhiều quán ăn sáng, nhiều món ngon như chị Hằng từng rủ rê cùng nhau đến nhà Cậu để ăn, để tám…, nhưng bây giờ thì hai chị em cùng thốt lên “KHÔNG TIN LÀ CẬU ĐÃ MẤT” và để những giọt lệ tuôn trào.

Trước khi rời khỏi Diên Khánh, con bước lên những bậc tam cấp bằng gỗ để lên gác, con muốn thăm quan nơi Cậu làm việc, nơi lưu giữ DẤU CHÂN QUA của đại gia đình và cuộc đời Cậu, con đã nhìn thấy những quyển sách được bọc trong nilon cẩn thận để trên kệ sách – những quyển sách mà con sẽ mượn đọc khi nghỉ hưu như lời nói bông đùa năm nào. Khi chia tay, con cầm bàn tay gầy guộc của Mợ và Na nói rằng Cậu sẽ không mất đi trong tâm tưởng của chúng ta, Cậu sẽ ở bên để động viên, để khuyên răn và truyền năng lượng tích cực, trao yêu thương đến tất cả mọi người, bởi Cậu là NGƯỜI UYÊN BÁC- LÀ NGƯỜI NAM CHÂM!

Vĩnh biệt Cậu!

 con phải đi thôi, phải về lại Đà Nẵng, tại Cậu không đón con, không tiễn con thì con phải về, con sẽ không chờ thời khắc lúc 15 giờ ngày 18 tháng 2 năm 2024 (nhằm ngày mùng 9 tết năm Giáp Thìn), con đi qua những tiệm thuốc đóng cửa hôm nào, những con đường đã lưu DẤU CHÂN QUA của Cậu mà trong lòng tràn ngập lòng biết ơn!

 Cảm ơn cuộc đời cho con được gặp Cậu, được kết nối với mọi người trong đại gia đình của Cậu Mợ, để khi Cậu nằm xuống, con vẫn được bao bọc ấm áp trong tình thân của các Anh Chị nhà Cậu Cả, Cậu Hai, đặc biệt là Cô Quỵ, Cô Ba, Các Dì và Cậu của Na, Tý … 

Biết rằng sẽ chông chênh trong khoảng thời gian dài phía trước, nhưng con và mọi người sẽ quen dần với sự thiếu vắng của Cậu, sẽ mạnh mẽ và kiên cường, sẽ làm những việc thiện để trong lòng bình an như Cậu đã từng sống và chia sẻ.

 Con và mọi người sẽ đọc những tác phẩm của Cậu trên Tương Tri, Trẻ hoặc Diễn đàn Lương Văn Can – Huỳnh Thúc Kháng, đặc biệt là Hội khóa sắp đến tổ chức ở Nha Trang.

Tạm biệt ngôi nhà thân thương của Cậu với lời cầu nguyện “Hãy an nghỉ Cậu nhé”.

 Con tin rằng ở thế giới bên kia những điều tốt đẹp luôn đến với Cậu, bởi khi còn sống Cậu đã sống RẤT ĐẸP!

                                                     Đà Nẵng, ngày 18 tháng 2 năm 2024
                                                           Cháu Dương Thị Kim Hoa 

THƠ THÁI NỮ LAN

Anh Quý và Lan

Cái băng aid không đủ khả năng

Để dán qua đại dương

Hai phương trời cách biệt

Nhiều chục năm mất dấu

Mới tìm lại được nhau

4 năm qua Anh thành người anh/

người bạn lo cho em

Từ khi a Thái của L ra đi

8 năm rồi

Anh Q Thăm hỏi dặn dò …

Đùng một cái ! Im hơi !

Buồn quá chị ơi!

Thái Lan

Nguyễn Hoàng Quý và – Keychain Collection, anh ấy vừa gắn xong hôm Dec 2023, trước khi lìa bỏ cõi đời.

Từ nay mãi mãi không thấy nhau 


Đang là Mùa Xuân chứ có phải mùa thu đâu Quý ?

 Mùa Xuân tươi đẹp mà , sao Quý lại hát một khúc ca buồn nhất trong Bài ” Mùa Thu Chết ” rứa Quý hè ?
Tối mồng 2 Tết bạn gọi điện thoại , cuộc điện thoại đầu tiên trong năm mới và cũng là cuộc điện thoại cuối cùng trong cuộc đời . 

Chỉ ” nghe ” thôi như bình thường , sao lần này bạn không chịu , bạn bắt mình phải video call . Khuôn mặt bạn hiện lên trên màn hình chiếc điện thoại Iphone , với nụ cười rạng rỡ . Bạn khoe những nhánh hoa mùa Xuân nhà mình . Rồi bạn nói qua chuyện Hội khoá sắp tới , bạn nói ” N dứt khoát phải đi ” , khi thấy mình còn ngần ngừ . Bạn nói thêm sẽ không còn lần nào nữa đâu . Lời nói như một điềm tiên tri . Chuyển máy cho Kim Ngân . Ngân vẫn yêu đời , lạc quan dù sau một năm dài điều trị . Cả hai đều tươi tắn như Mùa Xuân , chuyển cho mình thật nhiều năng lượng . Vậy mà …

Mùa Xuân , không phải Mùa Thu chết,  mà vẫn có một khúc hát nghẹn lòng . ” Từ nay mãi mãi mãi không thấy nhau ” . 

Vĩnh biệt Hoàng Quý .

 Chia sẻ nỗi đau , nỗi mất mát không gì bù đắp được với Kim Ngân .

 Nếu được ở bên cạnh lúc này , mình muốn cầm lấy tay Ngân và hô khẩu hiệu ” Cố lên Ngân ơi ! “

Đặng Thị Thanh Nhã

MỜI ĐỌC BÀI VIẾT Roma/La Mã -NGUYỄN HOÀNG QUÝ  

Hồi nhỏ, vào tiểu học tôi đã làm quen với các con số và phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Lên lớp trên, biết thêm các số La Mã. Cái tên “La Mã” ngày ấy không gợi lên một ý nghĩ gì. Cho đến khi học sử địa, thủ đô Roma phiên thành La Mã, rồi “đế quốc La Mã,” tôi mới gắn tất cả những từ, những khái niệm đó với nhau để thành cái biết sau này. Đi Roma/ La Mã, một kinh đô có tuổi đời hơn 28 thế kỷ này, với tôi là một hạnh phúc lớn!.

Hồi nhỏ, mẹ tôi mua sữa “hiệu Con chim” (Nestle) dung tích bằng 2/3 lon sữa đặc sau này. Sau lại mua sữa Mont Blanc hình quả núi có tuyết trắng phủ lên. Đi học, biết đó là núi cao nhất trong dãy núi Alps ở Châu Âu. Trên chuyến bay của hãng hàng không Air Italia từ Thụy Sĩ đi Roma, nhìn qua cửa sổ bên trái máy bay tôi được nhìn thấy tuyết trên đỉnh núi, không phải Mont Blanc nhưng có cảm giác như mình đọc “Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro”, bản dịch từ cuốn The Snow of Kilimanjaro của Ernest Hemingway (dù đây là một tác phẩm nặng tính triết lý).

Khi dạy lịch sử cổ đại lớp 10 sau 1975, trong bài “La Mã cổ đại” có nói đến Đấu Trường La Mã (Colosseum) là nơi thi đấu giữa các võ sĩ giác đấu (với nhau hoặc với thú dữ). Cứ ngỡ là nơi này cũng chỉ là một sân khấu lộ thiên bình thường. Đến thăm mới thấy đây là một công trình xây dựng vô cùng to lớn được đưa vào sử dụng từ năm 80 sau CN này có sức chứa lên đến 60.000 người. Colosseum có hai vòng tường. tường ngoài cao tương đương một ngôi nhà 15 tầng (48m), dài 189m và rộng 156m. Tiếc là chiến tranh và động đất khiến nơi này chỉ còn là phế tích!. Có tận mắt chứng kiến những khối đá xây tường, những cây cột đồ sộ ở đây người ta mới kinh ngạc về trí tuệ (trong việc thiết kế) và sức người (trong việc xây dựng) ở một thời đại chưa biết gì đến máy móc.

Tôi đã nhiều lần xếp hàng nhưng chưa bao giờ trong đời như lần xếp hàng đến thăm Cung điện Tòa Thánh Vatican vừa rồi. Mặc dầu đã được nghe nói đến và được con gái, con rể báo trước vì cháu đã từng đi nhưng vẫn không thể nào tưởng tượng nỗi: “Có thể phải chờ lâu vì xếp hàng cả cây số”. Trên con đường dẫn tới bờ thành Vatican, từ lúc 9h30AM khi tôi đến đã có đến 3 hàng sát nhau trên lề và một hàng trên lòng đường theo kiểu zig zag dài chừng 300m/hàng. Hết đoạn này là đến lề đường bên ngoài bờ thành hơn 1200m nữa. Tính tròn số phải xếp hàng đi bộ gần 2.5km mới đến cổng thành! Lạ một điều là đi xa là thế, chờ đợi là thế nhưng không hiểu sao không thấy bực bội mà lòng vẫn cứ hân hoan, vui vẻ!

Ở Vatican có 3 nơi để du khách chiêm ngưỡng: Bảo tàng Vatican bao gồm cả Nhà Nguyện Sistina (Capella Sistina), Khu vườn Vatican (Giardini del Vaticano) và Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê rô (Basilica S. Pietro). Bảo tàng trưng bày hiện vật cổ đại Ai Cập và Cận Đông, Bình cổ Etruscan, Hy Lạp La Mã cổ đại, Cổ vật Ki Tô giáo, Nghệ thuật thế kỷ 12-18, thế kỷ 19-21 . . . Chừng như du khách dành nhiều thời gian nhất cho Nhà Nguyện Sistina là nơi trưng bày các bích họa của Michelangelo mà nổi tiếng nhất là bức “Ngày Phán xét cuối cùng” và đây cũng là nơi khách đông đảo nhất, nhìn ngắm lâu nhất. Để giữ sự trang nghiêm nơi tôn kính này, có biển báo bên ngoài và khách luôn được nhắc giữ im lặng, không được chụp hình nhưng đều không tránh khỏi. Tôi tôn trọng yêu cầu này nên chỉ lấy hình trên net để minh họa.

Phải ra ngoài rồi trở lại gần điểm xuất phát lúc sáng khách mới được vào Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê Rô. Lại cũng xếp hàng rồng rắn, chờ lâu dưới ánh nắng gay gắt của buổi chiều khách mới qua kiểm tra an ninh để vào được Thánh Đường. Có rất nhiều nơi để chiêm ngưỡng trong đó có mộ phần của Đức Thánh Cha Jean Paul II.

Không thể nào diễn đạt hết lòng kính ngưỡng của mình trước những gì được nhìn thấy nhưng lòng vẫn thầm cầu mong cho thế giới bình an và dân mình thoát khỏi hiểm họa mất nước đang cận kề.

Ra về, nghe tiếng chuông từ Thánh Đường đổ hồi trước giờ lễ, nhìn mấy chú bồ câu rỉa lông trên trụ đèn hai bên quảng trường, không hiểu sao nghe lòng mình bình an và thanh thản đến lạ!01/10/2019 – Nguyễn Hoàng Quý

PHỤ BẢN: NỘI TÔI

BÀI VIẾT “NỘI TÔI” CỦA ÁI NỮ CỐ NHÀ VĂN NGUYỄN HOÀNG QUÝ – VTLV XIN CHÚC MỪNG VÀ MONG CÂY BÚT TRẺ NÀY HÃY NỐI BƯỚC PHỤ THÂN ĐỂ BẢO TỒN VIỆT NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

Ảnh minh họa

NỘI TÔI

 Nguyễn Hoàng Thảo Nguyên

“Con đi góc biển, chân trời/ Trong tim không cạn những lời Nội ru” (*)

Lần này về thăm, Nội chỉ cười tiễn tôi đi mà không còn dẫn tôi ra ngõ. Nội ơi! Năm nay Nội tròn 100, cái tuổi ao ước của một đời người, chẳng phải mọi người vẫn hằng chúc nhau bách niên giai lão đó ư?

Với tất cả con cháu trong gia đình, Nội là tấm gương của một mẫu người cực kỳ sạch sẽ, vừa phải và sắc sảo trong từng lời ăn tiếng nói, luôn nhìn thấu đáo và nhiều mặt của mọi vấn đề.

Sinh ra và lớn lên rồi làm dâu đều trong những gia đình khá giả  (có thể nói là giàu có) của thời bấy giờ, đi đâu cũng được võng rước kiệu đưa. Từ nhà chồng về thăm cha mẹ ít ngày, chú cún cũng được cho theo, đủ thấy thuở ấy Nội được chiều chuộng ra sao, vậy mà tất cả những cách đối nhân xử thế của Nội ở đời rất chừng mực vừa phải, chứ không phải như những cậu ấm cô chiêu thường gặp trong phim xưa.

Tôi vẫn thường tự ngẫm với chính mình, được đọc bao nhiêu là sách hay, rồi “chicken soup”, rồi được tham dự bao nhiêu là khóa huấn luyện về các kỹ năng mềm, vậy mà không biết mình được bao nhiêu phần của Nội.

Từ bé, và đến tận bây giờ, tôi đã và vẫn học ở Nội rất nhiều, có thể chỉ gián tiếp thôi qua những câu chuyện Bố kể về Nội, hay những lời nhắc nhở thường xuyên của Nội “Kiến bất thủ như tầm thiên lý” khi thấy mọi người cứ cuống cuồng đi kiếm đồ nọ vật kia, không biết đang được cất giữ ở đâu. Nội cũng rất kỹ càng trong ăn uống, thường xuyên nhắc nhở bọn tôi “Ăn vô thì dễ mà lấy ra thì khó”. Cái thời ăn hàng của chị Trang (chị họ) và tôi, cóc xanh thì còn được Nội hoan nghênh vì tính giải cảm, chứ mít thì tối đa là “3 múi thôi con“.

Dù chỉ về thăm Nội mỗi dịp hè, nhưng những tình cảm gắn bó về quê Nội vẫn thấm đẫm tim tôi. Thuở những năm 198x, chưa có điện thoại nhưng mỗi lần gia đình tôi ở xa về ở lại nhà Nội là cả đại gia đình, nhà bác Cả, bác Hai, cô Ba, cô Năm và tất cả các anh chị đều nhắn nhau ghé Nội để thăm gia đình tôi. Đêm trước ngày chúng tôi đi lại, còn bịn rịn hơn và cả đại gia đình lại ghé lại chào tạm biệt không sót một ai. Tôi nghe kể lại năm tôi lên 3, cô Ba còn đạp xe đạp chạy theo xe đò dưới trời mưa bay bay tiễn tôi đi vì thương quá.

Năm tháng dần trôi, học thi, ra trường, đi làm, lấy chồng, học lên nữa rồi sinh con, những lần về thăm quê Nội của tôi cũng thưa dần.

Và Mẹ, luôn nhẹ nhàng nhắc nhở chị em tôi “Con coi gìn giữ, hâm nóng tình gia tộc”. Có lẽ, tình gia tộc dù thỉnh thoảng vì vài lý do cũng làm tôi cũng nhức đầu đôi chút, nhưng quan trọng hơn, nó đã lớn cùng tôi, nuôi dưỡng tôi, cho tôi một miền quê nồng ấm tình họ hàng để quay về và nạp lại năng lượng cho một hành trình dài phía trước.

 Ở nơi tôi đang sống, tất cả những người tiếp xúc với tôi lần đầu đều bảo tôi là người Hongkong, Singaporean hay Malaysian, nhưng tôi vẫn phải đính chính rằng mình là người Việt. Vì sao ư, vì đó là nơi Nội tôi đã sinh ra Bố tôi, rồi Bố Mẹ sinh ra tôi. Vì sao ư, vì đơn giản tôi yêu Nội và đại gia đình mình. Vì tên tôi là một nhánh trong cái cây phả hệ lớn ấy, chỉ tồn tại ở Việt Nam mà thôi, chứ không ở bất kỳ một nơi nào khác trên thế giới rộng lớn này.

 Đà Nẵng BKK 7-19/7/2013  Nguyễn Hoàng Thảo Nguyên

(*)Thơ Ngọc Khương

error: Content is protected !!