Tác giả và Tác Phẩm

Nhà Văn TS Nguyễn Hồng Dzũng (TT/VTLV 2016)

Nhà Văn TS Nguyễn Hồng Dzũng

 

hongdung

Tiến Sĩ Nguyễn Hồng Dũng sinh tại Quảng Ngãi, định cư tại Hoa Kỳ theo diện Tỵ nạn Chính trị. Tốt nghiệp Electronics Engineer in San Jose State University & Doctor of Philosophy in Business Administration in Southern California University. Công việc: SMT & QA Engineer & Product Manager cho các hãng Solectron Inc, Wellex Manufacturing Company, Pemstar Electronics Inc. Giảng sư Trường Đại học California State University Hayward, Project Diversity Screening Committee choThành phố San Jose, Quản Trị hệ Thống Vegetarian Di Lac. Sinh hoạt Cộng đồng: Phó Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành NgườiViệt tại miền bắc California (Federation of Vietnameses American in Northern California), Phó Chủ Tịch Hội Văn Thơ Lạc Việt Hải Ngoại; Chủ Tịch Tổ Chức Văn Hóa Việt Mỹ (Vietnamese American Culture Foundation VACF), Sáng lập viên Trường Cao Đẳng Phật Giáo Thực Dụng (The Practical Buddhism College). Chủ bút Báo Hoa Cành Nam. Chủ biên và bình luận thời sự về Chính trị, Văn hóa, Giáo dục trênHệ thống Direct T.V truyền hình Viên Thao. Và  hệ thống truyền thông Calitoday Media.

 

Tác phẩm đã xuất bản:

-Nước Mắt của Biển (1992)
-PhápVũ (2008)
-TườngVân (2010)
-Búp Sen Hừng Sáng (2011)
-Chuyến Đi Biền Biệt (2012)
-Quang Trung Hồn Việt (2013)
-Kinh Thơ Diệu Pháp Liên Hoa (2015)
-Lam Sơn Hồn Việt (2016)
-Ngàn bài bình luận
-Lịch Sử Việt Truyền Hình

Tác phẩm sẽ in:

-Thân Chứng
-Hoa Nghiêm Trường Thi
-Duy Ma Cật Trong Thời Đại Kỷ Thuật Số
-Kim Cang Kinh Thi Phẩm

 

tac-pham-nhdung_6  tac-pham-nhdung_4  tac-pham-nhdung_3  tac-pham-nhdung_1

CHỮ NHO

PHƯƠNG TIỆN CHỐNG ĐỒNG HÓA TỪ THỜI BẮC THUỘC

Tiến Sĩ Nguyễn Hồng Dũng

 

Đất nước, con người, văn hóa, nghệ thuật, ngôn ngữ hay đình chùa miếu mạo xưa nay nếu không nằm trong quy luật vô thường, ẩn hiện, tương đối thì không bao giờ có cái thường và tuyệt đối. Nếu không có cái thường và tuyệt đối, thì ngày nay ta chẳng bao giờ được gặt hái một kết quả  cao thượng, vì vậy mà sự vô thường và cái tương đối là sự tiến hóa của muôn loài, bao gồm Tổ quốc và Dân tộc từ ngàn xưa đến tận ngày nay.

Nếu chúng ta lấy mốc thời gian khởi thủy dòng Việt tộc từ họ Hồng Bàng với mười tám đời vua Hùng Vương truyền ngôi trên đất nước Văn Lang (1) thì năm tháng khởi thủy nhất định vẫn là một sự bàn cãi của các sử gia chưa được thống nhất. Theo sách sử ghi chép thì vua Hùng Vương thứ mười tám có người con gái Mị Nương xinh đẹp đến tuổi cập kê nên Thục Phán là vua nước Âu Lạc muốn hỏi làm vợ, Vua Hùng không gả khiến cho Thục Phán tức giận gây chiến, Vua Hùng Vương cậy mình có tinh binh dõng tướng mà lơ là việc quốc phòng liền bị Thục Phán khởi binh đánh thắng năm 257 trước Tây lịch, sát nhập Văn Lang vào Âu Lạc, tự xưng là An Dương Vương đóng đô ở Phong Khê, xây thành Cổ Loa tại Đông Anh, Hà Nội.

Bấy giờ ở nước Tàu có vua Tần Thỉ Hoàng thống nhất thiên hạ khắp phương Bắc nên muốn bành trướng đất nước về phương nam bèn sai tướng Đồ Thư đem binh đánh lấy đất Âu Lạc cùng các bộ tộc Bách Việt. An Dương Vương chống cự không lại nên chấp nhận thần phục nhà Tần. Đồ Thư chia đất vừa lấy được ra làm ba quận là Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận; người dân Bách Việt không quy phục nên chống lại người Tàu, giết chết Đồ Thư. Bấy giờ vương triều nhà Tần phương bắc suy vi, giặc giã nổi lên chống triều đình và quan quyền nên loạn lạc xãy ra khắp cùng trong thiên hạ.

Đất Âu Lạc của An Dương Vương phát triển trở lại và cậy có nỏ thần trong thành Cổ Loa nên ỷ y không lo canh phòng, Quan Thái Úy quận Nam Hải là Triệu Đà lập mưu với ý đồ thôn tính Âu Lạc mà không thành công nên dùng kế kết nghĩa hòa thân bằng cách cho con trai là Trọng Thỉ sang cưới Mị Châu tức con gái An Dương Vương để làm nội gián. Sau khi biết nỏ thần là bảo vật chống giặc nên Trọng Thỉ tráo đổi và quay về Nam Hải tường trình việc quân bị. Triệu Đà biết rõ cơ mật liền đem quân đánh lấy Âu Lạc năm 207 trước Tây lịch, lập ra nước Nam Việt, xưng là Vũ Vương, đóng đô ở Phiên Ngung.

Thời điểm Triệu Đà lập quốc thì nhà Tần suy yếu, Lưu Bang nhà Hán đang phát triển vương triều, nước Tàu đại loạn, bản thân Triệu Đà là người Tàu, làm quan cho nhà Tần nhưng muốn kiến tạo Nam Việt là quốc gia độc lập tự chủ ở phương nam nên thiết lập triều chính, pháp luật, văn hóa, chữ viết giống với người phương bắc. Trong suốt 70 năm trị vì, Triệu Đà đã áp dụng những tập tục phong hóa gần như tương đương với vương triều nhà Tần, nhà Hán bên Tàu, đặc biệt là cách viết chữ Hoa  [花] một loại chữ tượng hình, tượng thanh vuông vức rất đẹp như các đóa hoa nên được gọi là chữ Hoa. Năm 137 trước Tây lịch thì Triệu Đà băng hà hưởng đại thọ 121 tuổi, truyền ngôi cho Triệu Văn Vương, Triệu Minh-vương, Triệu Ai-vương và cuối cùng là Triệu Dương-vương cả thảy được bốn đời. Triệu Dương Vương làm vua được chừng một năm thì vua Vũ Đế nhà Hán bên Tàu sai Phục ba tướng quân Lộc Bác Đức và Dương Bộc đem năm đạo quân đánh lấy Nam Việt, triều đình chống lại mãnh liệt nhưng bị thua và bị sát hại tất cả, nước Nam Việt bị người Tàu đô hộ từ năm 111 trước Tây lịch, đổi tên là Giao Chỉ Bộ.

Mục đích của triều đình nhà Hán là muốn thôn tính Nam Việt, sát nhập vào nước Tàu hay còn gọi là đồng hóa cùng dòng tộc nhà Hán với nhau. Đây là tính tự nhiên của một dân tộc nhỏ hơn về diện tích, ít dân hơn về chủng tộc, thiếu văn minh hơn về nhân văn trong sự giao tiếp thường nhật. Tuy nhiên người Hán không đủ sức để làm việc này bởi lẽ số binh lính và quan lại người Tàu không nhiều để áp đảo số lượng dân chúng tại địa phương nên thiểu số phải phục tùng đa số, do vậy mà cuối cùng là những kẻ xâm lược muốn tồn tại phải chấp nhận theo học, thực hành những gì mà dân bản xứ đang sử dụng tại địa phương. Người Nam Việt chẳng những không mất đi bản sắc dân tộc mà còn được tiếp nhận thêm một số tập tục, cách thức hay ho của những kẻ muốn sang đồng hóa.

Các quan lại người Hán dùng Hán [漢]tự trong các văn kiện, sớ sao, ấn chỉ v.v..nhưng không cần phải cưỡng bức bởi vì chữ Hán bấy giờ tức chữ Hoa trước kia đã được lưu chuyển, giao dịch công văn, ngôn tự truyền đạt từ thời vua Vũ vương Triệu Đà nên từ tầng lớp thượng lưu trí thức đến các hương mục, sĩ tứ thứ dân đều không bị áp lực cưỡng chế, thỏa mái trong thông tri và phát âm theo địa phương mà kẻ xâm lược lại ngẫn ngơ không hiểu nỗi.

Trên thực tế đồng hóa giữa hai dân tộc với nhau diễn ra trong hình thức hòa trộn nền văn hóa, kẻ nào mạnh hơn, nền văn hóa hấp dẫn hơn, đông dân hơn thì đối tượng kia ít dân hơn, lạc hậu, không có bản sắc văn hóa riêng sẽ bị phụ thuộc. Tiếng nói là một công cụ quan trọng nhất để định hình một dân tộc, trong cùng một nhóm, một bộ tộc hay một cộng đồng thì ngôn ngữ gốc là một sợi dây vô hình nhưng thiêng liêng thần thánh tuyệt vời trói buộc những con dân của bộ tộc thành một sắc thái đặc thù riêng biệt. Mất đi ngôn ngữ chính gốc sẽ là hiện tượng đồng hóa với dân tộc mà mình đang sử dụng ngôn ngữ đó, nên bản sắc dân tộc gốc sẽ bị mai một và biến mất theo thời gian. Do đó, tiếng nói là một thành tựu của văn hóa, bảo tồn tiếng Việt là bảo tồn giống nòi, bảo tồn văn hóa và con người thuần chủng.

Từ năm 111 trước Tây lịch người Hán thực hiện ý đồ thôn tính Nam Việt bằng nhiều kiểu xuyên qua ngành học thuật, văn hóa, cách sống v.v.. nhưng ngôn ngữ vẫn là phương tiện truyền đạt dễ dàng làm cho sự đồng hóa giữa hai dân tộc tiến nhanh hơn; tuy vậy tổ tiên chúng ta đã phát hiện thâm ý này sớm hơn những mưu mô của đám quan lại nhà Hán, bởi lẽ từ thời Triệu Đà, tiếng Hoa được sử dụng trong nền giáo dục đại chúng như sổ sách, công văn, chiếu chỉ đều được viết bằng tiếng Hoa, ông cha ta đã dùng văn tự mà không phát âm theo Tàu, ngược lại nói và đọc theo âm Nam Việt thuần chủng. Ví dụ chữ “Việt Nam” khi viết đều giống nhau nhưng lúc phát âm thì chỉ có người Nam Việt đọc là Việt Nam còn người Tàu có nghe cũng không hiểu, trừ khi đọc theo âm Quảng Đông là “Dụyt nàm”.

Trước khi người Hán muốn đồng hóa dân tộc Nam Việt thì chữ viết theo hình vuông được người dân đặt tên là chữ Nho [儒], nghĩa là chữ của kẻ có học hành, có kiến thức. Cũng nên lưu ý rằng chữ Hoa có từ thời thượng cổ, đời nhà Thương, chế tác qua các triều đại trước đời nhà Hán cả năm bảy thế kỷ theo sự  cấu tạo bởi sáu nguyên tắc gọi là lục thư gồm Tượng hình, Chỉ sự, Hình thanh, Hội ý, Chuyển chú, Giả tá.

-Tượng hình là dùng phương pháp vẽ sự vật và hình ảnh để tạo ra chữ viết. Ví dụ chữ mục [目] là mắt phải vẽ sao cho giống con mắt.

-Chỉ Sự là ta suy tưởng ra rồi theo khái niệm trừu tượng về những sự vật vô hình. Ví dụ chữ tam [三] là ba có ba gạch ngang.

-Hội ý là chữ được nối từ hai loại Tượng hình và Chỉ sự ở trên, thêm vào nét chấm, phết thì ra chữ mới. Ví dụ chữ vương [王]có thêm dấu chấm trên đầu là chữ chủ [主] hay dấu chấm bên phải là thành chữ ngọc [玉]. Chữ lâm [林]là rừng dùng hai chữ mộc [木] ghép lại ngụ ý nhiều cây hợp lại tạo thành rừng.

Hình thanh là dùng phần dấu hiệu chỉ ý nghĩa và phần khác thì chỉ âm. Khi muốn viết chữ khác thì có thể thay đổi hình và giữ âm lại. Ví dụ chữ hà [河] là sông gồm bộ thủy cọng với chữ khả thành ra chữ hà.

-Chuyển chú là những chữ cùng chung bộ chữ, có ý nghĩa tương đồng, bổ sung cho nhau.  Ví dụ các loại chim bay đều dùng bộ điểu [鳥] rồi thêm vào cho ra các chữ thuộc về loài có cánh, biết bay như chim phụng [鳳]hoàng. Chữ trường [張]là dài và chữ trưởng [長]là lớn tức là trưởng thành. Do đó hai chữ trường và trưởng cùng một ý nhưng thêm nét cho rõ nghĩa.

– Giả tá là loại chữ mượn âm của chữ đã có sẵn để đặt ra chữ mới cho một sự vật vừa xuất hiện, nói lên ý nghĩa mới chứ không tạo chữ mới. Ví dụ chữ lệnh [令] trong mệnh lệnh mượn làm chữ huyện lệnh. Chữ đạo [道]là con đường cũng viết thành chữ đạo lý [道理]hay đạo đức [道德].

Người Nam Việt từ thời Triệu Đà đã mượn lối viết lục thư nêu trên làm phương tiện truyền thông giao dịch từ triều đình trung ương đến các quan lại địa phương và dần dần lan rộng ra quần chúng. Chữ Nho chính là chữ Hoa nghĩa là chữ đẹp đẽ, vốn chỉ những người học hành, những người có kiến thức, thường được dùng để nói về Nho gia, Nho giáo, Nho học, Nho sinh. Từ khi đạo Khổng, đạo Lão truyền bá vào nước ta với các pho sách Tứ thư(2), ngũ kinh(3), người Việt gọi là sách Nho bởi vì văn hóa Việt bị ảnh hưởng về tôn chỉ của đức Khổng Tử để xây dựng con người và xã hội qua việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ; và muốn đạt mục đích trên, ta cần giữ luân lý Tam cương (vua đối với quân thần, cha đối với con, vợ đối với chồng), nam giới cần có Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), nữ giới cần có Tam tòng (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con) và Tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh). Bởi vậy mà người theo học thuyết này cũng được gọi là đạo Nho.

Từ thời đại Hồng Bàng, nước ta cũng có những ký hiệu để biểu thị truyền thông như hình chim cò, hoa sao, nhật nguyệt. Tuy nhiên chúng ta chưa có đủ thời gian phát triển chữ viết thành một hệ thống riêng lẽ thì thời kỳ Triệu Đà từ năm 257 trước Tây lịch lại phổ biến chữ Hoa nên dân ta có được một phương tiện giao dịch phong phú, còn gì tốt cho bằng. Hơn nữa tổ tiên chúng ta cần giao thiệp, buôn bán qua lại với nước Tàu nên chữ Nho phát triển rất nhanh để dùng làm phương tiện đàm thoại bằng chữ viết là chuyện bình thường. Có thể ý muốn của Triệu Đà phổ biến chữ Hoa cho dân chúng sử dụng mang mục đích đồng hóa và đô hộ toàn dân thành một khối, nhưng sức mạnh văn hóa của Nam Việt đã khiến cho triều đình và quan lại phải nương theo phong tục, tập quán, ngôn ngữ và cả niềm tin của tòan dân mà giao thoa trong cai trị để hòa nhập, cuối cùng con cháu Triệu Đà bị Việt hóa và trở thành dòng giống bách Việt.

Từ khi Hán Vũ Đế bên Tàu sai Phục ba Tướng quân Lộc Bác Đức và Dương Bộc đánh chiếm Nam Việt, nước ta bị nhà Hán đô hộ từ năm 111 truớc Tây lịch, đổi tên là Giao Chỉ Bộ nên có người gọi chữ Hoa hay chữ Nho thành ra chữ Hán, thói quen đó đã thành thông lệ cho đến ngày nay, bởi dòng tộc Hán lớn mạnh ở phương Bắc do Lưu Bang hình thành nên mặc nhiên người đời cho đó là chữ của Hán tộc.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao từ năm 111 trước Tây lịch nước Nam Việt bị các triều đại phương bắc thay nhau cai trị, dân tộc Hán đã muốn đồng hóa người dân phương Nam thành một quận huyện của Tàu, muốn biến cả một đất nước thuộc dòng họ Bách Việt thành một bộ tộc trong đại gia đình Hán tộc, muốn xóa sổ dòng giống Lạc Hồng trên bản đồ thế giới, nhưng rốt cuộc sau một ngàn năm thống trị, người dân Nam Việt lại nổi lên giành lấy chủ quyền mà điển hình là Bà Trưng năm 39 sau Tây lịch, Bà Triệu năm 258; đến cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm của Ngô Vương Quyền năm 938 đuổi quân nam Hán về lại phương bắc, lập nên một thời kỳ tự chủ lâu dài với bản sắc dân tộc không hề thay đổi. Cả một ngàn năm cai trị dân Nam, đáng lẽ nền văn hóa Nam Việt dễ  thường bị nền văn hóa Hán tộc đồng hóa; nhưng điều kỳ diệu là dân tộc Nam Việt chẳng những không hề suy suyển mà còn tiếp thụ cái hay của các tập tục, phong hóa, nghệ thuật để biến thành cái rất “Ta”, rất nhuần nhuyễn hợp người phương Nam, lưu truyền được phong tục và tiếng nói riêng biệt, giữ được hồn dân tộc không bị lai căn.

Chiếc chìa khóa thần kỳ này chính là tổ tiên ta đã khai dụng chữ Nho để học hỏi và truyền tin với nhau, nhưng khi phát âm luôn dùng tiếng thuần Việt, vì vậy mà cả ngàn năm đó tổ tiên chúng ta vẫn giao tiếp thỏa mái với người Hán bằng loại chữ Nho, tức chữ Hán theo cách gọi phổ thông, nhưng khi nói chuyện thì dứt khoát là dùng tiếng Việt phiên âm hay còn gọi là âm Hán Việt; kẻ sĩ có học trong trường ốc hay chiếu chỉ văn sớ cung đình cũng sử dụng âm Hán Việt chứ chưa bao giờ dùng ngôn ngữ Quảng Đông, Phúc Kiến hay Triều Châu để đối thoại lẫn nhau. Các quan lại người Tàu sang cai trị nước ta cũng dùng bút đàm để liên lạc chứ cũng ít kẻ siêng năng ráng sức học ngôn ngữ bản xứ. Do đó mà hai dân tộc dù có ở chung nhau trong một quận huyện cũng chẳng bao giờ hòa hợp với nhau, giống như nước với dầu có khi nào mà dung hòa thể nhập? Đồng hóa thì tương tự như nước với sữa, nhưng dân Nam Việt là nước còn Hán tộc là dầu mà lại là dầu lửa thì muôn đời khó hòa quyện lẫn nhau. 

Các đế quốc thực dân chiếm những nước thuộc địa đều áp chế sự đồng hóa ngôn ngữ, bởi vì chừng khoảng vài trăm năm sau thì các đế chế đó sẽ xóa ngôn ngữ bản địa mà thay thế bằng ngôn ngữ thực dân. Chúng ta nhìn nước Phi Luật Tân sau thời kỳ đô hộ bởi Tây Ban Nha và Hoa Kỳ thì ngôn ngữ dân tộc là Tagalog, một loại ngôn ngữ chính thống Filipino cũng bị thay thế bằng tiếng Anh. Nước Ba Tây bị Bồ Đào Nha chiếm làm thuộc địa từ thế kỷ thứ XV, sang thế kỷ thứ XVII cả nước nói tiếng Bồ Đào Nha mà tiếng bản địa Ba Tây trở thành cổ ngữ!. Một số quốc gia Châu Phi như Togo, Sénegan bị Pháp đô hộ và tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ chính thống, các loại ngữ tộc Togo, Sénegan ngày nào không một ai nhắc tới. Riêng với dân tộc Việt Nam đã bị Pháp đô hộ từ năm 1858, tiếng Pháp đã phổ biến trong các trường học sơ cấp, trung cấp từ sau khi thế chiến thứ nhất chấm dứt năm 1918; Lớp thanh niên đã bắt đầu sử dụng tiếng Pháp trong sinh hoạt, học hành, buôn bán lên đến 50%; nếu như không có những cuộc đối kháng chống Pháp nổ ra như các phong trào Văn Thân (4), Cần Vương (5),  Đông Kinh Nghĩa Thục (6), cuộc Tổng khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc Dân Đảng (7) nổi lên chống lại thực dân Pháp thì việc đồng hóa ngôn ngữ do Phú Lang Sa (8) đề xướng dễ gì thất bại chua cay?

Tổ tiên của chúng ta từ miền nam sông Dương Tử di cư xuống phương nam nên rất hiểu những ý đồ thâm độc của bọn người phương Bắc. Chính sự hiểu biết đó mà cha ông chúng ta đã đề ra những phương cách hữu hiệu ngăn ngừa kiểu đồng hóa ngôn ngữ trước khi đồng hóa dân tộc, các kế sách hay ho dùng để gìn giữ được tiếng nói riêng biệt của nước Nam trong suốt chiều dài hơn ngàn năm bị ngoại bang thống trị là sự khôn ngoan tuyệt vời bảo toàn trọn vẹn lãnh thổ đến hôm nay.

Cũng từ sự hiểu biết đó mà trong huyết quản sâu thẳm của người phương Nam ít chịu sự khuất phục hay điều động từ người phương Bắc, vì vậy mà ý thức đối kháng đã chảy trong từng động mạch, từng sớ thịt của từng người dân Nam khiến cho dù ngàn năm đô hộ giặc Tàu mà tinh thần tự chủ, ý chí bất khuất của dân Việt lúc nào cũng hừng hực cháy. Sự mâu thuẩn giữa kẻ mạnh muốn xóa bỏ văn hóa, ngôn ngữ bản địa lại gia tăng sự hiềm khích, phản đối của dân tộc bị trị, đổ thêm dầu vài lửa cho cuộc trường kỳ kháng chiến chống ngoại xâm. Đó chính là bức rào ngăn cản sự đồng hóa sau ngàn năm thống trị đất Nam Việt bởi nhà Tần, nhà Hán từ phương bắc dòm xuống phương nam.

Chữ Nho là do người Việt đặt tên với hàm ý là người có học, ngưòi Tàu sẽ không biết ý nghĩa này; chữ tự nghĩa là chữ sau này dùng vào các âm ghép như Hán tự, văn tự chứ không dùng Hán Nho, văn Nho dù cùng một nghĩa như nhau. Mượn chữ viết để truyền tin là việc làm đúng đắn, bởi vì bất cứ nền văn minh nào được phát hiện thì con người vận dụng và thừa hưởng là điều thiên kinh địa nghĩa, tổ tiên ta không ngại ngùng trước việc vay mượn chữ Hoa để sử dụng trong chuyện giao tế, thông tin, nhưng quy ước cách đọc là một sáng tạo độc đáo. Mỗi chữ viết, tổ tiên ta đặt một âm Việt tương đương, vừa dễ nhớ, vừa liên tưởng đến vật dụng hàng ngày đặng mau thuộc mặt chữ. Âm Việt của chữ Hoa mà sau này đổi thành chữ Hán gọi là âm Hán Việt tức chữ Nho, vì đọc theo tiếng mẹ đẻ thì tất nhiên dễ dàng hơn học tiếng Quảng đông. Văn hào Nguyễn Du chắc không nói được tiếng Tàu nhưng có thể đọc được tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân (9) bằng chữ Nho nên sáng tác ra Đoạn Trường Tân Thanh tức truyện Kiều, một tác phẩm thi ca tuyệt trần trong kho tàng văn học nước nhà, chắc chắn sẽ sống mãi với nhân gian mà nhà văn Phạm Quỳnh của thập niên 40 trong thế kỷ XX từng nói: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước Việt còn” là một minh chứng cho kết quả cao thượng.

Một ngàn năm giặc Tàu đô hộ nước Nam Việt nhưng không đời nào tiêu diệt được ngôn ngữ bản địa, trái lại tiếng Việt lại càng thêm phong phú tạo ra các tác phẩm thi ca, nhạc kịch, liễng đối quá thâm trầm, ý nhị, âm vận lại du dương khiến người nghe tưởng như lời hát vi vu trong gió. Sự sáng tạo chữ Nho của cha ông chúng ta đã giúp cho Nam Việt tránh được tình trạng bị người Hán đồng hóa đã đành, mà nguy cơ mất đất, mất chủ quyền trong thời gian một ngàn năm Bắc thuộc không hề xãy ra. Nền văn hóa lâu đời của Việt tộc rất phong phú, dồi dào nên khó thay thế bằng một loại văn hóa ngoại lai, tinh thần xã hội và kỷ cang gia đình đã bắt rễ từ thời đại Hồng Bàng nên không thể xen kẻ bất kỳ hình ảnh khác lạ nào vào cuộc sống bình dị, mộc mạc của dân quê. Cái đình làng vốn có hàng ngàn năm trước dù nằm âm thầm dưới gốc cây đa nhưng là một cơ sở kháng sinh mãnh liệt cho bất kỳ loại ký sinh ngoại lai nào xâm nhập vào đời sống dân dã đã có từ thời Hùng Vương.

Vô hiệu hóa những âm mưu đồng hóa của người Hán là những tư duy tuyệt đỉnh của tổ tiên chúng ta. Dùng chung một ngôn ngữ là con đường đồng hóa rồi sát nhập vào nước lớn mau lẹ nhất, nhưng điều này không hề xãy ra trên lãnh thổ nước Việt xưa là bởi dân ta có chữ Nho để sử dụng, có chữ Hoa để bút đàm, cả hai phương tiện này là dòng chảy xuyên suốt đầy cảm thông giữa kẻ thống trị và kẻ bị trị nhưng lại không bao giờ hòa quyện với nhau, do đó mà chuyện đồng hóa còn lâu mới thực hiện được đối với một dân tộc có cá tính riêng, có ý chí bất khuất kiên cường, và có kinh nghiệm sống dưới nỗi hà khắc bất công bởi Bắc thuộc cả một ngàn năm đằng đẳng chua cay.

San Jose February 8-2016

___________________________________________  

Ghi Chú:

(1)Văn Lang tên nước đầu tiên của Việt Nam được thành lập và  cai trị bởi các vua Hùng.

(2) Tứ Thư là bốn tác phẩm kinh điển của Tàu gồm: Đại Học , Trung Dung Luận ngữ và Mạnh Tử

(3) Ngũ Kinh là 5 pho kinh gồm Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu

(4) Phong trào Văn Thân là một phong trào quần chúng do các nho sĩ Việt Nam lãnh đạo với mục tiêu “bình Tây, sát tả” để cứu nước. Phong trào này khởi phát từ năm 1864 bằng cuộc bãi thị của sĩ tử trong kỳ  thi Hương tại các trường miền Bắc và miền Trung nhằm phản đối triều đình nhà Nguyễn  Hiệp ước Nhâm Tuất (1862) nhượng 3 tỉnh miền Đông của Nam phần cho Pháp.

(5) Cần Vương do ông Tôn Thất Thuyết – một đại thần thuộc phe chủ chiến – đưa vua Hàm Nghi ra ngoài, phát hịch Cần Vương chống Pháp năm 1888. 

(6) Đông Kinh Nghĩa Thục (1907), do ông Lương Văn Can huy động để  bỏ lối học từ chương, du nhập những tư tưởng mới từ Nhật hoặc các nước tiến bộ để phát triển văn hoá, thúc đẩy sử dụng chữ quốc ngữ thông qua các hoạt động giáo dục

(7) Tổng khởi nghĩa Yên Bái:  cuộc khởi nghĩa do Việt Nam Quốc Dân Đảng vận dụng khởi xướng ngày 10 tháng 2 năm 1930 chống Pháp.

(8) Phú Lang Sa: France, Pháp thuộc, giặc Tây

(9) Thanh Tâm Tài Nhân tên thật là Từ Văn Trường, một nhà văn đời nhà Thanh thế kỷ  XVII tác giả tiểu thuyết Kim Vân Kiều. Cụ Nguyễn Du đi sứ sang Tàu đọc được tác phẩm này nên sáng tác ra Đoạn Trường Tân Thanh tức Truyện Kiều.

 

Tài liệu:

-Lịch sử cổ đại Việt Nam; Đào Duy Anh

An Dương VươngTừ điển bách khoa Việt Nam

-Từ điển điện tử wikipedia.org/wiki/Chữ_Nho

                -Việt Sử Toàn Thư Phạm Văn Sơn, 1960.

                -http://www.taphopdongtam.org/baiviet/phubientapluc.html

               -Đại Nam liệt truyện, ghi chép về gia phả nhà Nguyễn, 

               -Lê quý dật sử, Bùi Dương Lịch 

Đại Nam Quốc sử Diễn ca  Đỗ Văn Ninh
-The Institute for Vietnamese Culture & Education

 

error: Content is protected !!