Giao Chỉ,  Giới thiệu sách

Giới Thiệu Sách: “HÀNH TRÌNH NHIẾP ẢNH” & “The Best We Could Do”- GIAO CHỈ

GIAO CHỈ GIỚI THIỆU 2 TÁC PHẨM.

HÌNH CHỤP VÀ HÌNH VẼ

Độc giả thân tình.

Mỗi khi khai báo con người có thú vui riêng, tôi vẫn không ngần ngại khai rằng mình là người thích ĐỌC. Vốn sở học của tôi chỉ trung bình. Vừa đỗ trung học đệ nhất cấp tại Nam Định xong. Lên Hà Nội chưa được bao lâu thì có giấy gọi động viên. Năm 1954 Điện Biên Phủ đang bị bao vây, quân đội quốc gia tân lập cần rất nhiều sĩ quan. 300 anh em miền Bắc chúng tôi vừa tốt nghiệp trung học là phải đi lớp sĩ quan trừ bị. Từ 1954 cho đến 1972 tôi mới có dịp tự đọc sách để thi tú tài IBM. Vì vậy phải nói rằng từ tuổi 20 cho đến nay, đa số kiến thức tôi học được trong sách và trong cuộc đời. Tôi đọc sách say mê và ngày nay đọc rất nhiều trên máy tính. Với khả năng của con mọt sách, hôm nay xin giới thiệu với độc giả thân tình hai tác phẩm mà tôi thực sự say mê. Tác phẩm làm cho chúng ta yêu quê hương hơn. Yêu con người Việt Nam hơn. Hai tác phẩm này rất khác biệt cũng do 2 người Việt Nam sáng tác và xuất bản tại Hoa Kỳ. Cuốn thứ nhất là Hành trình nhiếp ảnh của giáo sư Vũ Công Hiển San Francisco và cuốn thứ hai là The Best We Could Do của nữ tác giả Thi Bùi, nguyên giáo sư tại Oakland.

Hành trình nhiếp ảnh:  Tác phẩm của nhà giáo Vũ Công Hiển tốt nghiệp cử nhân rồi cao học Sử tại Sài Gòn, trải qua 10 năm dạy học tại miền Nam. Vượt biên qua Mỹ trở thành sinh viên tốt nghiệp SFSU để trở lại làm thầy dạy các trường trung học Hoa Kỳ trong 20 năm. . Năm 2010 ông thực sự dành toàn vẹn cuộc đời cho nhiếp ảnh. Hơn 10 năm lên thác xuống ghềnh, vượt qua trăm vạn nẻo đường chụp hàng trăm ngàn tấm ảnh để chọn lựa đưa vào tác phẩm gọi là 100 ảnh nghệ thuật và bài viết. Chúng ta là khán giả của các công trình nghệ thuật trình diễn đã từng say mê với Thơ phổ Nhạc. Khi nhạc sĩ danh tiếng mà đi tìm được vần thơ tuyệt vời của thi sĩ thì hạnh phúc sẽ dành cho người thưởng ngoạn. Trong lãnh vực giao duyên của văn chương với nhiếp ảnh, Vũ công Hiển là người đi tiên phong. Đã từ lâu chúng ta có cơ hội xem tác phẩm Vũ Công Hiển trên Youtube với những danh ca hát nhạc Vàng của một thời vang bóng. Những bức hình tuyệt tác xuất hiện tinh tế trên màn ảnh nhỏ qua nghệ thuật trình bày hết sức đơn giản đã làm say mê khán giả bốn phương. Nhưng lần này những câu chuyện đặc biệt viết cho từng bức hình là một sự kết hợp mới lạ đầu tiên dành cho người xem và đồng thời cũng là người đọc. Tấm hình nầy chụp ở đâu, trong hoàn cảnh nào. Kỳ công của tác giả hay là duyên may của người cầm máy. Phần lớn các tác phẩm của tác giả chụp con người. Không hề xử dụng người mẫu của đời thường. Người mẫu là nhân vật của trời đất, và của hoàn cảnh. Vẻ đẹp của trẻ thơ, của ông già thật già, của sức cần lao và núi đồi hay biển cả. Xem từng bức hình xúc động rồi quay sang đọc câu chuyện đời của từng tác phẩm. Bạn đọc sẽ suy tư cho kiếp người và phần lớn sẽ tự thương chính mình. Nhưng thực sự tác giả không nghĩ đến thân phận trầm luân của độc giả. Ông đưa đến cho chúng ta cái tình yêu quê hương, tình yêu đồng loại cũ kỹ mà dường như ta đã bỏ lại cố hương. Tác phẩm của Vũ Công Hiển không kêu gọi đấu tranh, không phê phán cuộc đời.  Tác phẩm của ông là bà già răng đen cuối cùng của dân tộc hay của cả nhân loại. Trẻ thơ thổi bóng hay nghịch nước. Những nụ cười của người ăn mày. Cuộc đua bò vĩ đại hơn cả đấu trường La Mã. Đôi bạn già còng lưng thăm hỏi trên đường quê. Đó đây có những bức hình ghi dấu được giải thưởng khiêm nhường ở một góc. Vinh quang gọi là nhưng không phải là điều hãnh diện.

Tôi có thể bàn với các bạn từng tấm hình khởi đi từ số 1. Phần ảnh miền Bắc tác giả mở đầu bằng h ình Tháp Rùa trong Hồ Gươm. Nhưng sẽ không thấy toàn cảnh Hồ Hoàn Kiếm nổi danh, mà cũng chẳng thấy rõ Tháp Rùa. Chỉ là bức hình treo một cành ngang. Tháp Rùa mờ trong sương khói. Tác giả muốn nói lên điều gì. Hoặc chỉ là vô tình. Đọc bài viết kèm theo mới biết được quanh hồ có trăm chỗ dựng ống kính nhưng dân chơi Hà Nội sao lại cùng nhau chọn chỗ này. Mở xem bức hình thứ 2 tôi bị chinh phục liền. Cô bé HMong đi kiếm củi ngồi nghỉ mệt. Tôi nhớ thời ở trường Võ Bị Đà Lạt đeo ba lô ngồi nghỉ không tháo ra khỏi lưng. Đứng dậy là đi tiếp. Đứa bé này cũng ngồi như thế. Nó duỗi chân dài để vỗ về đôi chân mỏi. Con bé chừng 10 tuổi kiếm củi về cho mẹ. Đôi mắt u uẩn với khuôn mặt mệt mỏi nhìn máy chụp hình. Cháu nghĩ gì. Quá khứ, hiện tại và tương lai. Bạn có chợt nghĩ đến cô bé HMuong vừa được giải thường ở thế vận hội Tokyo. Xem qua bên bài viết thấy những dòng sau đây: Gương mặt con bé chịu đựng như một thói quen. Tôi ngắm tấm ảnh này nhiều lần, nhưng chính con bé lại chưa bao giờ nhìn thấy tấm ảnh chụp của mình. Lại càng không biết tấm ảnh đã dự thi nhiếp ảnh quốc tế và thắng bao nhiêu lần.

Thôi, tôi chỉ dẫn quý vị đi xem 2 tấm hình trong số 100 hình chọn lọc của nhiếp ảnh gia Vũ Công Hiển. Còn lại để các bạn tùy tiện. Có cuốn sách hình này dễ thương quê hương hơn. Dễ thương dân tộc hơn. Rồi thương người như thể thương thân. Sau cùng có bạn hỏi tôi về quan điểm chính trị. Xin nhắc lại: Yêu nước không phải yêu xã hội chủ nghĩa. Chống Cộng không phải chống cả quê hương. Sách hình này khá nặng. 100 trang và giá bán 25$. Liên lạc vuconghien@gmail.com

The Best we could do.

 Đây là một tác phẩm rất lạ bằng Anh Ngữ. Tác giả là một nữ lưu gốc Việt hiện ở Oakland CA. An Illustrated memoir của Thi Bui. Đây là sách hình, tốc họa với ghi chú và đối thoại như loại sách hoạt họa dành cho trẻ nhỏ. Tác phẩm độc đáo này đã được nhiều giải thưởng, đã được nhiều lời giới thiệu của truyền thông Hoa Kỳ và sau cùng được xếp vào loại National Bestseller. Tôi chưa bao giờ thấy một tác phẩm họa hình kiểu con nít do tác giả Việt Nam viết về cuộc đời của chính mình. Đây là một hồi ký bằng tranh vẽ. Một tác phẩm về nhân văn hay chính sự.

Ba trăm ba mươi trang với hàng ngàn tấm hình tốc họa. Hết sự linh động giới thiệu một đại gia đình Việt Nam qua hơn 1 thế kỷ trầm luân. Từ trước 54 cho đến sau 75. Từ những nhân vật là bố của ông nội cho đến đàn con cháu trưởng thành tại Mỹ. Tài hội họa độc đáo của tác giả thể hiện toàn bộ lược sử người Việt từ ông Bảo Đại 1949 cho đến ông Hồ, ông Diệm rồi đến ông Thiệu ông Kỳ gói trọn trên 2 trang giấy 6×8 với đầy đủ chân dung tóm lược thời sự với biết bao nhiều tình tiết dâu bể trăm năm. Bằng những nét vẽ tài tình tác giả đã mở đầu cuốn sách hình bằng một cơn đau đẻ của bà mẹ đem chính tác giả vào đời. Vẫn chưa hết, ở đoạn sau là hình ảnh của chính tác giả sinh đứa con đầu lòng. Dùng văn chương để kể chuyện đàn bà vượt cạn cũng là độc đáo. Làm phim chuyện sinh đẻ cũng là lạ lùng nhưng vẽ cảnh sinh con có lẽ ít người nghĩ đến. Trên 300 trang sách tác giả đưa hình ảnh từ thời chiến tranh tại Việt Nam đến thời sự tại Hoa Kỳ. Cả chuyện tù cải tạo, kinh tế mới và thuyền nhân. Những thành phần trong gia đình đã hòa thuận và xung đột ra sao. Những đứa còn sống và chết, đời sống vợ chồng. Những người con gái lấy chồng Mỹ không có đám cưới. Những xung đột Quốc Cộng trong cùng dòng họ. Mỗi gương mặt phải có nét đặc thù để để phân biệt. Và sau cùng tất cả hình ảnh phải làm thành một câu chuyện lôi cuốn và hấp dẫn. Làm thế nào mà các độc giả và những nhà điểm sách Hoa Kỳ đọc được lịch sử của một gia đình Việt Nam lồng trong lịch sử của cả dân tộc. Khi đặt bút viết rằng người vợ lo lắng thì phải vẽ làm sao cho những nét đơn giản mà thấy cả một trời buồn trên nét mặt.  Sợ hãi, buồn rầu. Lo lắng hay mừng rỡ vui vẻ thể hiện qua từng nét vẽ và cử động rất tinh tế và xuất sắc.. Cuốn sách này quả thực đã hấp dẫn tôi là người đọc bị cuốn hút bất ngờ. Cuốn sách đã được giáo sư tiểu thuyết gia danh tiếng Ng, Việt Thanh phán một câu xanh rờn: Sách đã làm vỗ tim ta rồi hàn gắn lại.

“A book to break your heart and heal it” Tác giả tốt nghiệp đại học Hoa Kỳ và đồng thời theo học về hội hoạ. Tuy nhiên soạn được cuốn hồi ký cuộc đời như tác phẩm này quả là một thiên phú. Sách này có bán trên các hệ thống phát hành của Mỹ. Tôi thấy có những cuốn sách cũ nhưng con mới rao bán có $5 bao cước phí. Hãy mua một cuốn về coi. Đọc sẽ thấy thương người và thương mình hơn nữa. Cảm ơn cô tác giả Thi Bui. Thank you.

Giao Chi San Jose.   giaochi12@gmail.com  (408) 316 8393



error: Content is protected !!