DS XUAN GIAP THIN 2024

Trang Đặc san Xuân Giáp Thìn 2024

Vui lòng bấm vào hình để đọc sách
SO-TAO-QUAN

“Thất Tinh Lão Hội” Lập ngày 7 tháng 12 -2023 tại thành A Lý. Texas

Hội Què Mù Điếc

Luật trời đất: đến cơn già lão
Lắm kẻ buồn, ảo não sầu bi
Rời nhà nửa bước ra đi
Mang theo cây gậy nó thì giúp cho
Chống thật vững không lo té ngả
Lăn giữa đường tá hỏa tam tinh
Đâu rồi sức lực bình sinh
Của thời trai trẻ tận tình rong chơi…
Lại có kẻ khơi khơi bị điếc
Nói bên tai chẳng biết điều chi
Nên đành thả tiếng cười khì
Lời mây tiếng gió mấy khi chạnh lòng
Lúc họp mặt bạn đồng trang lứa
Ngồi bên nhau mấy đứa lắng nghe
Âm thanh những tiếng rè rè
Chừng như tiếng nhạc nhiều bè hòa âm
Đôi lúc tưởng ầm ầm gió thổi
Chừng hiểu ra thấy nỗi đắng cay
Tai sao cái lỗ tai này
Tiếng to tiếng nhỏ mà mày chẳng nghe
Lại có kẻ te te bước tới
Ngả lăn đùng thì mới biết ra
Mắt ta nay đã gần lòa
Đất trời nghiêng ngả biết là nơi đâu
Chân què, mù, điếc như nhau
Cùng nhau lập hội bạn bầu đôi khi
Bỏ ngoài những thị phi thiên hạ
Bạn bè vui xuân hạ thu đông
Đất trời một cõi mênh mông
Hơn nhau một chữ “Thong Dong” tuổi già…
Khà khà khà…

Phong Châu
Ngày 7 tháng 12- 2023

Như Một Lời Tri Ân Người Lính VNCH

Nguyễn Thuận Long

1. Trong một lần về quê dự giỗ tộc cách đây nhiều năm, năm 1995, tôi được gặp anh Phan. Giỗ tộc là dịp để con cháu nội ngoại trong tộc tụ tập về lễ bái nhớ ơn tổ tiên và cũng là dịp để bà con gặp gỡ thăm viếng nhau mà sinh kế đã buộc họ đi xa làm ăn sau một hoặc nhiều năm. Anh Phan là cháu ngoại của tộc, mẹ anh là bà con xa bên tộc tôi. Điều gắn kết giữa anh với anh chị em tôi ngoài về mặt huyết thống còn vì anh là một thương binh VNCH ngày xưa.

Anh bị đạn vào đùi khi đang mang lon hạ sĩ chỉ 3 tháng trước ngày mất miền Nam. Đang điều trị và dưỡng thương thì bị đuổi khỏi quân y viện khi “quân giải phóng vào tiếp quản”. Về quê trong tình trạng chân chưa lành, chỉ còn lại một chân với đôi nạng gỗ, bị làng xóm “vùng giải phóng” đố kị, miệt thị là thử thách không nhỏ với anh. Ruộng tốt được hợp tác xã chia hết cho dân nên anh chỉ nhận vài sào đất xấu và thiếu nước. Tôi đi làm xa về nghe anh chị mình kể rằng anh phải ra cuốc ruộng với một chiếc ghế, một cặp nạng và một cái cuốc. Đặt ghế trên ruộng, ngồi lên đó và cuốc ngày này qua ngày khác để trồng lúa kiếm cơm bằng một nghị lực phi thường đáng nễ.

Rồi Trời Đất thương, chân anh khôi phục dần dà và mùa màng thu hoạch tốt đã giúp anh có thêm niềm tin vào cuộc sống để cùng với vợ lo cho bầy con. Trong nhà, chỉ mình anh đi lính cộng hòa, mẹ và vợ con anh ở lại “vùng giải phóng” với bữa đói bữa no. Anh về như có thêm trụ cột để vực kinh tế gia đình lên, tránh được nạn thiếu đói triền miên hàng năm.

2.  Người Việt xa quê dù ở bất cứ đâu, nhất là ở ngoại quốc đều luôn luôn hướng về đất nước, về cội nguồn dân tộc. Ở đó họ có bà con, gia đình, mồ mả tổ tiên và kỷ niệm. Tôi biết có nhiều người luôn chắc chiu từng đồng tiền kiếm được để gửi về giúp đỡ. Xa hơn, họ nghĩ về những đồng đội ngày xưa, vợ con những người đã mất và những người còn sống đã không may gửi lại chiến trường một phần thân thể. Do vậy, từ rất lâu, ở ngoại quốc có những tổ chức cứu giúp thương phế binh và quả phụ tử sĩ VNCH bằng các chương trình quyên góp, các hoạt động gây quỹ như một nhà văn viết về chiến tranh Việt Nam ở hải ngoại đã dùng tiền tác quyền xuất bản các tác phẩm của mình gửi tặng quỹ. Một cách để chia sẻ với đồng đội mình vì anh cũng từng là người cầm súng, việc làm rất đáng trân trọng và cảm phục. Tôi cũng được biết có lúc tiền quyên góp gửi về đã đến tay nhiều đối tượng này qua Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế SG dù luôn bị chính quyền làm khó dễ, cản trở.

Khi Vườn rau Lộc Hưng ở quận Tân Bình Sài Gòn bị cưỡng bức giải tỏa, rất nhiều nạn nhân ở đây là gia đình TPB VNCH, họ cũng đã dược nhiều cá nhân, tổ chức đem tiền đến giúp đỡ. Qua truyền thông, tôi được biết có người không dư dật gì nhưng cũng dành dụm tiền để tổ chức một chuyến đi thăm Đà Lạt vài ngày cho vài anh thương phế binh từng sống ở Lộc Hưng.

Tất cả những nghĩa cử trên đều thể hiện một tấm lòng: lòng biết ơn đối với những người lính ngày xưa đã có nhiều cống hiến để bảo vệ chính nghĩa VNCH.

Tôi đi làm ăn xa quê nhưng biết làng tôi có hai anh dân vệ, một lòng với chế độ VNCH ngày xưa sống quá cực khổ, anh chị tôi đã xin tiền những bà con, bạn bè ở Mỹ, thỉnh thoảng đem đến biếu họ dù không nhiều lần và số tiền mỗi lần chỉ dưới 100USD. Do vậy, thương anh Phan, tôi cũng có ý xin tiền giúp anh từ các tổ chức, họ yêu cầu gửi tên, địa chỉ, số quân và đơn vị cuối cùng trước 1975. Tôi làm đúng theo yêu cầu nhưng không có phản hồi và đành bỏ cuộc. Sau này về thăm lại, thấy nhà anh khang trang do con cái làm ăn có tiền nên tôi không còn nghĩ đến chuyện này nữa,

3.  Giả sử một người cầm súng từ năm 1974 lúc 20 tuổi, họ phải sinh từ 1954 và nay đã gần 70. Vậy thì những người lính cũ sinh trước đó đã quá già, số người còn sống không nhiều. Viết bài này tôi chỉ mong ước rằng, việc thắp sáng lòng biết ơn Quân đội VNCH trong người Việt nhất là thế hệ F1 ở hải ngoại luôn luôn là việc đáng làm. Mọi quyên góp gửi về giúp đỡ anh em TPB là việc vô cùng cần thiết và an ủi cho tuổi già của họ. Giúp đỡ cho các gia đình cô nhi quả phụ cũng quan trọng và cần thiết không kém. Đó chính là cách để chồng, cha của họ an nghỉ ngàn thu nơi chín suối. Một việc khác người viết cũng ước ao là được thấy tiền quyên góp được còn dùng vào một việc khác cần thiết tương tự là: ngoài số tiền cấp dưỡng đều cho các cháu nên chăng chúng ta dành một khoản học bỗng và phần thưởng để khuyến khích những cháu học giỏi, nổi trội. Làm được việc này sẽ có tác dụng giúp các cháu tự hào về những đồng đội xưa của cha ông mình và biết phải làm gì cho đất nước, cho ngọn cờ cha ông cháu đã chiến đấu, trong tương lai, một mai khi các cháu trưởng thành.

Sài Gòn, nhân ngày mất của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu.

NGUYỄN THUẬN LONG

Ký Sự Tháng Giêng Mùa Xuân

Xuân Quý Mão đã qua khỏi mấy ngày mồng cả ba tuần rồi. Ở đây – vùng mình cư ngụ chẳng còn âm hưởng gì của ba ngày tết nữa. Ngay trong cả những ngày tết từ mồng một cho đến mồng mười nếu bạn không bước chân ra khỏi nhà và lái xe đến chùa, đến nhà thờ hay khu vực sinh hoạt buôn bán của người Việt hay người Tàu thì bạn cũng như mình – có lẽ bạn chỉ nhìn được vài cành hoa mai hoa đào chưng trong phòng và mấy cái bánh tét bánh chưng nằm im trong tủ lạnh.

Mấy câu mở đầu trên thuộc loại “suy bụng ta ra bụng người” của mình chứ thực ra rất nhiều người, nhiều gia đình nơi đây “ăn tết” cũng tưng bừng lắm. Mình không thuộc thành phần nói trên. Về phần nghi lễ, tập tục cổ truyền ngày tết thì mình cũng có thực hiện được phần nào trong phạm vi gia đình như chiều ba mươi làm mâm cơm cúng ông bà tổ tiên rồi cùng các con cháu dùng bữa cơm gia đình và lì xì cho các cháu. Đối với bên ngoài, bạn bè và thân nhân thì phương tiện gọn lẹ nhất để chúc tết là ngồi trước bàn phím gửi những câu chúc mừng…hạnh phúc – an khanh – thịnh vượng – may mắn – bình an…là những tĩnh từ đẹp đẽ nhất trong ngôn ngữ Việt Nam mà người nào cũng thích để chúc qua chúc lại. Mình chưa thấy có những chữ nào khác ngoài những tĩnh từ trên. Thôi thì ông bà tổ tiên cho ta chừng ấy chữ đẹp nghĩa đẹp ý thì ta cứ xài vậy, chắc ông bà tổ tiên cũng vui.

Sau đây là chuyện “ăn tết” ngoài nhà của mình. Sáng mồng một, hai cụ già chúng tôi đi lễ chùa cúng Phật như mọi năm. Thường từ nhà đến chùa gần nhất là chùa Viên Thông chỉ mất mười lăm phút lái xe. Mình chạy được ba phần tư đường thì xe bị kẹt, nhìn về phía trước thấy toàn xe là xe đang “nhúc nha nhúc nhích” từng centimet một. Nhìn đồng hồ thấy 10 giờ 30. Những tưởng chừng năm mười phút là có thể vào đến sân chùa nhưng không phải vậy. Trong đầu cũng hơi thắc mắc không biết tại sao? Vì là độc đạo nên không thể quay xe lui. Thế là cứ ngồi trước tay lái để hát bài ca “một chiếc xe nhúc nhích này, hai chiếc xe nhúc nhích này…trăm chiếc xe nhúc nhích nhúc nhích…cũng đủ làm ta vui vầy…” nhại theo lời bài hát vui của Hướng Đạo. Khoảng ba mươi phút sau thấy xe nhích được hơn chục thước và cứ thế nhích lên nhích lên tiến về hướng cổng chùa. Thấy nhiều người gồm nam phụ lão ấu bước ra khỏi xe và làm cuộc hành trình “đi bộ” vào cổng chùa. Họ tìm cách đậu xe ở trước sân của một số sơ sở của người Mỹ đóng cửa ngày chủ nhật, một số xe đậu bừa trên lề cỏ. Nhích tới tí nữa thấy bên trong sân đầy nghịt xe, kể cả những chỗ có bảng “no parking”. Thường những ngày cuối tuần, Phật tử đến chùa khá đông nhưng chỉ đậu xe khoảng một nữa nơi được phép đậu xe, khoảng 100 chiếc. Mình cũng có ý định tìm một chỗ bên ngoài để đậu rồi cuốc bộ vô chùa nhưng nhìn quanh nhìn quất chẳng thấy chỗ trống. Đối diện với chùa là sân bay nhỏ West Houston nhưng cổng vào không thấy mở, sân bay này dành cho các loại phi cơ loại nhỏ của tư nhân dùng để đi làm việc hàng ngày. Cuối cùng thì mình và người ngồi bên cạnh nhích từng tí từng tí cũng lọt được vào bên trong cổng chùa. Với ý nghĩ…cứ vào bên trong chùa rồi chạy vòng vòng thì thế nào cũng có kẻ ra về vì họ đi chùa sớm. Lúc này đã là 11 giờ ba mươi. Mình chạy bên trong hàng rào và thấy xe đậu kín dọc theo hàng rào, chạy đến vòng thứ ba thì nhìn thấy có một khoảng trống vừa cho một xe, chắc có ai đó mới ra về, nên mình vội vàng vui vẻ đưa xe vào trám chỗ trống ấy. Rõ là một kỳ công.

Vào chánh điện lễ Phật, nghe giảng Pháp rồi trở ra sân trước xem mấy con lân nhảy nhót và nghe pháo nổ inh tai. Khung cảnh quanh chùa rõ là khung cảnh của mùa xuân, hoa mai hoa đào tứ phía, thật có mà giả cũng có. Thiếu nữ thanh niên với những chiếc điện thoại cầm tay thi nhau bấm. Họ đứng bên những cội mai cây đào đang trổ bông (thiệt lẫn giả), làm dáng làm duyên, nhoẻn miệng cười cười nói nói vui vẻ. Ở phòng bán thức ăn chay người ta xếp hàng dài để được vào mua thức ăn. Mình cũng hùa theo xếp hàng nhưng đứng chờ khoảng 10 phút, thấy lâu lắm mới vào được nên bèn rút lui có trật tự. Trở ra ngoài sân thấy người mỗi lúc mỗi đông, nhìn ra ngoài cổng vẫn còn thấy một hàng dài các loại xe đang nhúc nha nhúc nhích. Những năm trước mình vẫn đi chùa vào sáng mồng một nhưng chưa bao giờ gặp canh “nhúc nhích” như thế này cả. Ban đầu mình chẳng hiểu tại sao. Sau mới ngộ ra rằng: hôm nay là ngày chủ nhật, mồng một tết rơi đúng vào ngày chủ nhật nên quý ông bà Phật tử đủ mọi lứa tuổi không phải đi làm, các em nhi đồng không phải đi học nên cả nhà cùng nhảy lên xe lái đến chùa lễ Phật và xin lộc. Đó là lý do phải mất hơn cả tiếng đồng hồ mới lọt được vào cổng chùa.              Có một hiện tượng lạ mình chứng kiến sáng một một, rất đông (xin nói lại: rất đông) nam Phật tử đến chùa với chiếc áo dài đủ kiểu, màu sắc sặc sỡ với những hoa văn đủ loại khiến mình liên tưởng đến cảnh tết tại Sài Gòn xem trên youtube. Màu thì xanh – đỏ – vàng – nâu – đen -trắng- lục…đều có. Hoa văn thêu hoặc vẽ trên áo thì có con mèo – con cọp – con rồng – con ngựa…đều hiện diện cùng với những hoa hòe hoa sói trông rất nhức mắt. Chẳng những đám thanh niên và trẻ con mặc dài như thế mà mình thấy có một số cụ cỡ ngoài sáu bó cũng tròng vào mình những chiếc áo dài thuộc loại thời trang “lục phủ ngũ tạng” như trên. Lại có vài cặp tuổi đã quá cái “sồn sồn”, anh chồng, ngoài chiếc áo dài đỏ chóe có hình hai ba con rồng đang bay lượn trong mây còn đội trên đầu chiếc nón cao bồi loại, bà vợ cũng chơi một chiếc nón của dân chăn ngựa Texas trên đầu luôn, có lẽ để bày tỏ thái độ “đồng vợ đồng chồng tát hồ nông cũng cạn”, nhại theo câu “Đồng vợ đồng chồng tát bể đông cũng cạn”.  

            Hôm đó mình có mang theo chiếc điện thoại cầm tay nhưng không chụp được tấm ảnh nào.

***

            Nói đến thành phố Houston, mình đã có đến vài chục lần đề cập đến vấn đề thời tiết. Nó lộn tùng phèo chứ chẳng theo một “quy trình” nhất định nào. Điều này cũng khiến cho các nhà dự báo khí tượng lắm lúc không biết giải thích ra sao với bàng dân thiên hạ! Trong ba tuần đầu của tháng giêng mùa xuân này nhé: Mồng một mồng hai mồng ba trời nắng đẹp, không mưa, có một tí gió. Từ mồng bốn đến “mồng 13” thời tiết lạnh, có mưa…khi to khi nhỏ. “Mồng 14” và rằm trời đẹp và nắng ấm. Qua đến 16 cho đến 21 trời u ám và lạnh, thỉnh thoảng có vài “giọt nắng bên thềm”. Ra đường phải mặc áo ấm.

            Mình có dự hai cuộc họp mặt vào “mồng 14” và ngày rằm. Buổi họp mặt vui xuân đầu tiên của năm Quỹ Mão là buổi sinh hoạt của anh chị em Hướng Đạo – Tráng sinh Toán Lam Sơn, về tuổi tác thì một số anh chị chừng ngoài năm chục, số còn lại đã về hưu, có anh đã chín bó, đa số là ngoài bảy bó. Hướng Đạo hễ gặp nhau là vui, là trò chuyện Hướng Đạo, là ăn uống vui vẻ và ca hát kiểu Hướng Đạo rất ư là rùm beng. Hướng Đạo chúng tôi không hát những bài ca mà thiên hạ thường hay hát, tuy nhiên hôm đó, có bao nhiêu bài hát về mùa xuân là chúng tôi đem ra hát tất. Mở đầu là bài ca nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương “Ly Rượu Mừng” rồi những “Đón Xuân”, Hoa Xuân, Bài Ca Xuân, Xuân Ca, Xuân Đã Về…Mỗi người hát mỗi tông khác nhau như tông vịt đực, tông vịt mái, tông gà tồ, tông tu hú, tông chích chòe, tông chèo bẻo…làm thành những bản hợp tấu vô tiền khoáng hậu. Vì thế cho nên có một chị giọng “chèo bẻo” mới phán cho một câu “hát như dùi đục chấm mắm nêm”. Ui chao ui! Hát mà nghe âm thanh rộn rã kèm theo với mùi hương của “mắm” thì trên thế gian này không tìm đâu ra cho được một ban đại hợp xướng như vậy.

            Hát hết một lố các bài về mùa xuân, nhóm ca sĩ “đa giọng” chuyển qua mục hát “Du Ca” là sở trường của nhóm nói riêng, của các đấng Hướng Đạo đủ mọi lứa tuổi nói chung. Nào là “Về Với Mẹ Cha, Anh Em Tôi, Bài Ca Tuổi Trẻ, Đường Việt Nam, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ…”. Và để nhớ đến vua Quang Trung chiếm thành Thăng Long, đánh thắng 20 vạn quân Thanh vào ngày mồng 5 tết Kỷ Dậu (1789) có hai cụ Tráng sinh đọc hai bài thơ do các cụ sáng tác, sau đó cùng hát bài “Đại Phá Quân Thanh” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Bài này được hát một cách rất ư là “lụp chụp” chẳng khác nào bọn giặc Thanh hối hả tranh nhau chạy qua cầu sông Nhị…Mọi người đều vỗ tay khen mình hát hay “không bằng hay hát”. Buổi họp mặt chấm dứt lúc 9 giờ tối. Tay đã nắm lấy tay rồi mà còn ráng hát thêm bài “Chèo đi bơi đi, nước sông đang chờ ta, bơi đi vững cầm tay lái và hát vang lên cho lòng hăng hái…”. Ngoài trời mưa lất phất và có một chút gió lạnh.    

Sáng chủ nhật đúng ngày rằm, mình tròng áo dài khăn đóng và xách ô đen đến viếng hội xuân của các em Hướng Đạo Liên Đoàn Đất Việt tại nhà thờ Lộ Đức nằm ở phía tây bắc thành phố Houston. Liên đoàn này do mình và năm anh em Tráng sinh thành lập vào tháng 6 – 2006 sinh hoạt đến nay gần 17 năm. Các nam huynh trưởng và các em đều mặc quốc phục thời trang (kiểu này từ Việt Nam xâm nhập qua), các Trưởng lớn tuổi thì áo dài khăn đóng theo lối của các cụ xưa. Phái nữ đều mặc áo dài đủ màu sắc làm tăng thêm sắc xuân truyền thống Việt Nam nơi hải ngoại. Đặc biệt lời chúc tết đến linh mục giáo xứ, các phụ huynh và huynh trưởng, các em đều nói bằng tiếng Việt một cách suôn sẻ. Đó là do công lao của Trưởng và phụ huynh lúc nào cũng hướng dẫn cho các em không quên nguồn cội của mình, trong đó Tiếng Việt là quan trọng. Sau phân nghi thức là phần tặng quà và lì xì cho các em. Tiệc xuân bằng một bữa ăn ngoài trời do phu huynh cung cấp.                                           

Dưới ánh nắng xuân ấm áp, các em đã cùng nhau vui chơi trong không khí tết cổ truyền Việt Nam và đó cũng là hình ảnh của những thế hệ Việt Nam kế tiếp nơi đất khách quê người: Các em là người  Việt Nam dù có tên gọi dưới bất cứ loại chữ nghĩa nào.

Nghỉ cho khỏe một tuần rồi tiếp tục vui xuân. Số là có chị nhà mời dự Hội Xuân Quý Mão vào ngày 12 tháng 2 – 2023, nhằm “mồng hai mươi hai” của hội Cựu Nữ Sinh Gia Long. Có mấy chị yêu cầu mình đóng vai “Ông Đồ” để hôm đó tròng áo dài khăn đóng đứng xớ rớ nói đôi câu vui vui cho thiên hạ vui theo. Eo ui! Mấy chị có sáng kiến (không phải tối kiến) coi bộ độc đáo thiệt! Nhưng việc này xét ra là gây trăm bề khó khăn đối với mình. Từ chối thì các chị xúm vô buồn và giận, mà nhận làm thì từ bé tới lớn mình chưa bao đóng vai ông đồ đứng chường mặt để nói vài câu lảm nhảm, không khéo phát ngôn bừa bãi sẽ bị các chị túm áo lôi ra khỏi hội trường. Mất vui! Thế nên sau ba đêm “thao thức – thức không được” mình đã tìm ra một giải pháp. Đó là cho phép mình bày một màn “Bói Kiều Đầu Xuân”. Đây là một trò chơi tao nhã có tính cách văn chương chữ nghĩa của các cụ ngày xưa dùng Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du để đoán vận mệnh trong năm…nào là công danh sự nghiệp, nào là hôn nhân, nào là tình duyên, nào là gia đạo, nào là tiền tài, nào là thi cử…vân vân. Bắt chước theo trận đồ bát quái Càn Khảm Cấn Chấn…và thập can Giáp Ất Bính Đinh…để bày trận bói Kiều. Trước ngày mở hội mình phải bê mớ hàng lỉnh kỉnh đến địa điểm tổ chức để bày biện trước, chuẩn bị đón khách thập phương du xuân ngày hôm sau.

Sáng chủ nhật đẹp trời, có nắng ấm (ông trời thương các mợ Gia Long) mùa xuân, mình bệ vệ trong chiếc áo the dài khăn đóng của một mợ không biết mượn của ai đem đến và bắt mình phải mặc vào trong khi mình cũng có vài bộ vía khăn đóng áo dài. Mà thiệt! Bộ the dài này mặc vào có vẻ là ông đồ của đầu thế kỷ hai chục khiến các chị cứ chạy đến khen nức nở rồi bắt mình ngồi vào bàn làm “người mẫu” (giống như ông già Noel) để cho các chàng bấm cell phone lia chia. Nội cái màn chộp hình cũng thấy vui, các chị rủ nhau đứng trước mặt hoặc bên cạnh thầy bói để chộp với chậu mai có cánh vàng rực rỡ… không bao giờ rụng.

Có ngoài ba trăm khách đến dự hội xuân, đặc biệt là phái “các chị” tò mò khi nhìn thấy có tẩm bảng ghi “Gia Long Vui Xuân Bói Kiều” nên ghé đến hỏi thăm. Khi biết đây là màn bói theo sách Kiều của cụ Nguyễn Du đủ mọi chuyện trên đời nên nhiều chị lần lượt xếp hàng nhờ coi cho một quẻ (có chị nhờ coi luôn hai ba quẻ). Đa số các chị coi về gia đạo, về sức khỏe, về con cái, về hôn nhân, về công danh sự nghiệp, về tài lợi…Lại có mấy chàng ghé vào nhờ coi quẻ tình riêng. Những câu bói trích ra từ Kiều và các chị các anh quay đúng một trong 6 câu, mình sẽ đọc lên câu kiều trong sách. Thí dụ có một chị muốn coi về “tâm sự riêng” thì sách Kiều phán chon hai câu:                                                                    

Hổ sinh ra phận tơ đào                                                                                                             

Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành

Lý giải hai câu thơ này đại khái như sau: “Phận đàn bà con gái, đến khi lấy chồng thì phải lo cho chồng, lo cho đàn con, lo cho cha mẹ của mình, cha mẹ bên chồng, lo làm lụng vất vả và lo cho cả “người yêu”…chẳng khác nào một cây phải cõng cả trăm cành vạn lá vậy. Vị khách nữ này phán ngay: “Đúng phóc”. Và cười hớn hở.

Có chị muốn coi quẻ về “con cái” và chị quay đúng câu:                                                               

Lần lần thỏ bạc ác tà                                                                                                        

Nở nang mày mặt phận là mẹ cha

Lý giải: Cha mẹ tuổi càng cao thì con cái trong gia đình đều đã có công danh sự nghiệp hiển đạt, gia thất đề huề, gia đạo yên vui…càng làm cho các đấng cha mẹ hãnh diện và hạnh phúc về sau.

Có một nữ khách mặt trông quen quen xin bói một quẻ về sức khỏe. Kiều của cụ Nguyễn Du phán rằng:    Sư rằng cũng chẳng hề chi                                                                                      

Đã tu, tu chót qua thì thì thôi

Lý giải: Trong quá khứ có gặp tai nạn hay bệnh tật nhưng mọi chuyện đều qua khỏi. Từ nay sống hạnh lành tu tập thì mọi sự dữ hay bệnh tật cũng đều biến mất. Sau khi nghe giải chị này kể rằng hồi đó chỉ bị té nặng tưởng chừng la liệt (la vì tê liệt) nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, bệnh đã khỏi.                   

Có một tấm hình hai chị nghe Kiều phán thuận tai nên ôm chầm lấy nhau mừng rỡ. Mình cũng mừng cho hai chị.

Về phái nam, có một anh tuổi quá “xồn xồn” ghé đến và yêu cầu tự tay anh giở sách Kiều để bói vì thấy có hai cuốn Kiều để trên bàn. Vậy thì nhớ “nam tả nữ hữu” tức là khi mở sách ra, anh phải xem hai câu đầu tiên ở trang bên trái. Hai câu rằng: 

Khi gió gác khi trăng sân                                                                                                        

Bầu tiên chuốc rượu câu thần nối thơ                                                                                                                             

Ảnh đọc xong hai câu thơ bèn há miệng cười ha hả ra điều khoái chí rồi phán rằng: Thơ của cụ Nguyễn Du “thần” sầu” thiệt. Chắc không cần phải lý giải thì quý bạn đọc cũng biết anh này trúng số cả cuộc đời với túi thơ bầu rượu cùng gió mát trăng thanh, được vợ nuôi cho ăn chơi tới bến…

Chưa hết! Có một chị sau khi được Kiều bàn về việc gia đạo, chị vội vã đi tìm ông chồng đang lang thang đâu đó rồi kéo ông đến gặp thầy đồ. Chị ta nhờ thầy đồ khuyên ông chồng là từ nay trở đi không được la rầy vợ. Sau khi nghe lời khuyên, ông chồng tuyên bố: Từ nay em sẽ không rầy la vợ nữa…em chỉ đánh mà thôi…! Ông đồ đưa tay sờ râu và phán: “quẻ này có phản ứng phụ”.

Đến giờ khai mạc mình bỏ “gánh” để chạy lên phía trước chộp vài tấm ảnh với nghi thức khai mạc, giới thiệu Ban Chấp Hành, tặng quà cho giáo sư… Sau đó là các tiết mục văn nghệ bắt đầu với “Ly Rượu Mừng”, tiếp theo là những màn vũ, đơn ca, tam ca ba miền, biểu diễn đàn tranh, nhạc quyền (tập thái cực quyền theo điệu nhạc)… Màn hợp ca để kết thúc chương trình là một bài hát có lẽ đa số người đến dự chưa được nghe bao giờ nên họ rất ngạc nhiên khi, một – một bài hát “lạ” và hai –  bài hát này có sự tham gia của mấy chàng rể Gia Long. Đó là bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của nhạc sĩ Du Ca Nguyễn Đức Quang (1944 -2011). Khách đến dự vừa ăn vừa thưởng lãm tài tổ chức của các cựu nữ sinh Gia Long Houston với nhiều lời khen ngợi. Tiệc tàn lúc ba giờ. Những ai muốn cho đôi chân khỏe mạnh thì tiếp tục ra sàn nhảy.

Trong thời buổi cô vít cô veo chưa dứt mà các cựu nữ sinh Gia Long tổ chức Hội Ngộ Mùa Xuân thành công là cả một kỳ công đáng nể. Nhiều người khen. Trong đó có kẻ viết bài này.

            Phong Châu                                                                                                            

Cuối Tháng Giêng Quý Mão

Dưới Bóng Cây Tần Bì

(Sous les frênes – HENRY GRÉVILLE)

TháiLan dịch

Hai người đang đi chầm chậm trên lối đi hẹp bằng đất thỉnh thoảng có những con đường mòn xanh mơn mởn cắt ngang, mà cứ hai năm một lần những xe đẩy chở cỏ khô hoặc lúa mì lại ùa vào những đám hoa cúc và cỏ. Những cơn mưa gần đây đã tạo thành từng vũng ao nhỏ ở những đoạn lồi lõm; nhưng ở phần giữa đường, đầy bụi bặm và rải rác có dấu vết móng ngựa, thì khúc đường cũng khá rộng để hai người có thể sánh đôi.

– Vậy là nàng không đồng ý phải không?

Anh thanh niên hỏi một cách gượng gạo, đôi mắt nhìn xuống đất và ngón tay quay quay một cọng yến mạch dại. Cô gái vẫn im lặng. Ôi, sao anh ấy có thể tàn nhẫn khi nói rằng chính cô là người không muốn! Tại sao trong những ngày tháng dài như thế mà anh không đoán được chính anh là người mà nàng yêu?

Cô cúi đầu xuống và cầm góc tạp dề màu xanh lên, mân mê, cuộn tròn rồi lại thả ra trong đôi tay run rẩy của mình để tỏ ra không lúng túng, cũng giống như anh xoay vòng cọng cỏ của mình để có thái độ vững vàng.

– Có thật là nàng không muốn? Nàng có nhớ không, chúng ta đã cùng nhau Rước Lễ Lần Đầu, nàng không còn nhớ gì sao?

Cô liếc nhìn tháp chuông nhỏ nhô lên trên hàng rào rồi lại nhìn con đường, bây giờ đám bụi dày đặc đã tạo thành một tấm thảm nhung.

– Thời đó nàng đã yêu tôi rất nhiều, – anh tiếp tục nói một cách cay đắng – nhưng trái tim em đã thay đổi: lúc đó em nói là không thể sống mà không có tôi bên cạnh; rồi sau đó, em đã không còn thích thú khi nhìn thấy tôi nữa.

Cô không nói gì; đôi má cô bỗng ửng hồng thêm lên; anh nghĩ cô sẽ nói điều gì, nhưng cô vẫn im lặng, và tiếp tục đi bên cạnh anh.

Con đường trở nên hẹp hơn, những nhánh cây tần bì và những cây cỏ đang giăng qua đầu họ. Một ngày ảm đạm, êm dịu, thật ngậm ngùi đang đến với họ, len lỏi qua những tán lá, và những tia nắng mặt trời vừa mới nhảy múa dưới chân họ trên con đường được lót bằng thảm cỏ hoang, ở đó hầu như không còn nhìn thấy những con đường mòn nữa.

Anh tiến lại gần hơn và nắm lấy góc tạp dề mà không chạm vào bàn tay run rẩy của cô gái.

– Vâng, tôi nghĩ rằng em đã yêu tôi; tôi đã nghĩ rằng hai chúng ta sẽ dành cả cuộc đời bên nhau; gia đình em không giàu có, tôi cũng chẳng khá hơn; điều này chẳng ảnh hưởng gì đến chúng ta cả, đúng không nàng? Dù thế nào đi nữa, chúng ta vẫn hạnh phúc bên nhau, chỉ cần trong gia đình ta có tình yêu là đủ? Nhưng em đầy tham vọng, tôi hiểu rồi, em chỉ muốn giàu có và trở nên nghiệp chủ, chắc hẳn là thế; em rất sợ phải sống trong nghèo khó… Ôi! Nếu tôi suy nghĩ như em, về phần tôi, giờ này tôi đã kết hôn, đã có một cô vợ bên tôi rồi! Nhưng rồi tôi tự nhủ: Ta sẽ chỉ kết hôn với người ta yêu, và tôi đã tự hứa với mình như thế, không sai vào đâu được! Còn em, trái tim của em muốn tìm kiếm một nơi khá hơn, có địa vị hơn, phải không? Em muốn vươn lên khỏi vị trí hiện tại của em, đúng không?

Anh buông góc tạp dề ra và bực bội nhìn cô. Những người nông dân gặt lúa đang mài lưỡi hái của họ ở cánh đồng cỏ bên dưới; ta có thể nghe thấy tiếng cối xay đang xoay đều đặn trên dòng sông nhỏ. Một điệp khúc của một đoạn hát vượt qua không gian đang mơn man trên đầu họ, và tan nhanh trong bầu khí tháng sáu nóng rực…

– Ôi chàng của em! – cô gái thốt lên, vừa đặt cả hai tay lên vai chàng, và nhìn anh bằng đôi mắt sâu thẳm, đẫm lệ – em vẫn luôn yêu anh, nhưng anh chưa bao giờ nói lời nào, và sáng nay cha đã hứa gả em cho một người khác, chàng ơi chàng!

Cô buông lơi hai bàn tay một cách chậm chạp, chán chường xuống chiếc yếm… Trên kia những tia nắng óng ánh đổi màu đang nhảy múa qua những chiếc lá, và họ đứng đó, bất động, chỉ biết nhìn nhau, lòng mang một nỗi tuyệt vọng khôn cùng; và ở một nơi xa xăm, một gã nào đó vô cùng hạnh phúc đang hân hoan ngân lên bài ca thánh thót, xuyên qua cỏ cây núi rừng, vang rền, bay bổng trên đầu hai người đau khổ.

TháiLan dịch 

Mùa Xuân Này Nắng Lên

Minh Thúy Thành Nội

          Trời bên ngoài đã chuyển thu hơi lạnh, Nguyên quấn chiếc khăn choàng cổ và đội mũ len ra khỏi nhà cùng với Jim. Nàng níu tay Jim tránh sự vấp ngã đi ra con suối Cherry Creek ngay dưới chân dãy núi Rocky. Qua màn mờ của con mắt, nàng vẫn cảm nhận được ánh nắng đang len lỏi qua hàng cây lá, trời trong xanh bao la xuống gần vây con suối. Dạo quanh những bước chậm rãi, Nguyên nhìn con vực và dòng suối đang chảy như nhìn xuống những thương đau của đời nàng…

          Bốn năm nay Nguyên qua Mỹ đoàn tụ cùng con gái ở Seattle. Lòng mẹ thương con, ở Mỹ lo cho con trai còn ở VN, quay về VN lại thương nhớ con gái bèn quay lại Mỹ. Cuộc sống con gái quá bận rộn, tan ca tới bảy giờ tối, ghé chợ vội vã, về nhà nhào vào bếp lo buổi cơm tối. Rể ra sớm hơn qua nhà bà nội đón hai cháu về lo tắm rửa. Nhìn vợ chồng tối mặt Nguyên thấy xót xa muốn giúp bớt điều gì, đôi lúc muốn rửa chén hay nấu phụ món nào để con gái bớt vất vả, nhưng các con lại không yên tâm: nào mẹ bấm thức ăn hai phút trong microwave con lại lo bấm lộn hai mươi phút, văn lò trên bếp con lại sợ bị cháy nhà. Tất cả chỉ vì các con thương mẹ, nhưng mẹ nhìn cuộc sống tất bật của các con cũng xót ruột, đau lòng vì không chia xẻ được điều gì, dù Nguyên có kể con gái nghe “hình như mỗi đêm mẹ cầu nguyện Chúa nên bây giờ mắt mẹ nhìn rõ hơn, khá hơn”, nhưng con gái vẫn lo lắng.

Suốt ngày Nguyên đi ra đi vào, gọi phone chuyện trò bè bạn hoặc mở laptop mò mẫn gõ vài câu thơ nhưng đôi mắt nhòe nhoẹt ướt nên con chữ bị sai nhiều, bạn bè hiểu ý câu thơ và rất thương cảm. Ngày xưa Nguyên học thêm nơi hội Việt Mỹ, đã từng quen Mỹ dẫn về lớp cho bạn bè tập nói. Mấy chục năm trên bảng đen phấn trắng dạy học, vậy mà khi qua Mỹ tự nhiên Nguyên đâm ra rụt rè sợ hãi, đi ra đường hay vào siêu thị không dám mở miệng. Nguyên thành thật kể điều này cho bạn ở Colorado nghe, bạn nghĩ ra cách giới thiệu ông Jim (người sinh hoạt chung trong hội thánh Tin Lành) cư ngụ nơi thành phố Englewood, mục đích cho Nguyên dạn dĩ nói chuyện, ứng dụng sinh ngữ với người bản xứ và cũng để giết thời giờ.

Từ đó mỗi tối vào khoảng tám giờ bên Seattle Nguyên nhận phone ông, nói chuyện qua lại hơn một năm nay. Thói quen và tìm hiểu thêm, dần dà hai người cảm nhận được sự thông cảm gần gũi. Nguyên được biết ông đã vượt tuổi về hưu lâu rồi, nhưng còn đi làm hãng điện tử. Vợ ông nằm trong nursing home gần mười năm và đã qua đời cách đây bốn năm. Ông có một trai một gái, con gái làm việc ở Cali, con trai sống với ông trong căn apartment.

Tháng tư năm nay Jim bay qua Seattle thăm Nguyên ở lại chơi mấy ngày. Các em lập gia đình sống quanh đó, cũng như con gái Nguyên đều welcome ông thân mật, họ nhận xét “Jim có nét mặt hiền hậu dễ mến, biết chị mình bị mù nhưng vẫn đến nên mọi người đều có cảm tình. Các em Nguyên thay phiên nhau chở ông đi vòng vòng, cho ăn món Việt như phở Thanh Hương, phở Như Ý. Sau chuyến qua diện kiến, Jim có vẻ muốn siết chặt hơn, phone nhiều hơn, nhắn nhiều hơn mỗi sáng ông thức dậy sớm, hoặc giờ lunch trong hãng. Ông thúc giục Nguyên qua chơi để biết thủ đô Denver.

Jim đón Nguyên về chung sống gần tháng nay, ngoài dự tính Nguyên chỉ chơi một tuần, nhưng ông nài nỉ cho đến khi nàng chấp thuận, ông đổi vé máy bay chưa có ngày về.

Qua đây Nguyên được tự do nấu bếp, bù lại sống với con gái nàng không được làm bất cứ chuyện gì dù việc nhẹ nhất. Ban đầu Jim cũng cấm cản, nhưng Nguyên năn nỉ “nếu ông không cho tôi làm, tôi cảm thấy mình bất lực sống thừa thãi của một kiếp phế nhân, tôi càng dễ điên loạn hơn nữa, hãy để tôi thử xem”. Jim cho nàng thử và tạm ok.

Mỗi sớm Jim thức dậy, nàng nấu nước sôi pha cà phê Trung Nguyên hiệu G7, đổ trứng hoặc lấy cheese để dĩa cùng hai lát mì nướng. Chiều Nguyên nấu cơm điện, lúc xào tôm với các thứ rau đậu, khi xào mì với thịt bò xay. Jim làm về dẫn con đi bộ hai tiếng, sau đó dẫn Nguyên ra con suối này hưởng không khí thoáng mát rồi mới về dùng cơm tối. Có điều lạ Nguyên khó nuốt được thức ăn kiểu Mỹ, ghiền các thứ mắm cà, mắm ruốc, mắm tôm, giờ đây điều huyền diệu nào khiến nàng ăn được Hamburger, Tacos, Pizza dễ dàng, gọn gàng nữa là dùng hộp Clam Chowder hâm lại thay đổi món.

Cuối tuần ngày thứ bảy Jim chở Paul chạy vòng vòng đây đó nhìn cây cảnh, phố xá bốn tiếng đồng hồ theo yêu cầu của con từ lâu. Ngày chủ nhật dẫn Nguyên đi chợ King Soopers, hoặc ngồi các quán cà phê hưởng không khí an nhàn. Jim hứa sẽ có ngày đưa Nguyên đến xem ngọn núi nổi tiếng Pikes Peak và Longs Peaks, dù mắt nàng chẳng thấy rõ nhưng vẫn thích đi nhiều nơi.

Vào nhà Jim, nàng tìm hiểu thêm chuyện mà trước đây ông chưa hề kể. Con trai ông nay đã bốn mươi tuổi vẫn còn nương tựa cha. Paul sinh ra lớn lên ăn học rất bình thường, đến năm mười tám tuổi bỗng nhiên trở bệnh tự kỷ (Autism). Paul bỏ dỡ việc học, suốt ngày đóng cửa phòng, sợ đám đông, lầm lì không nói chuyện, nhưng bắt cha chịu đựng ngồi nghe con nói suốt buổi lái xe những điều không đâu. Cha đã nhận lương hưu nhưng vẫn muốn kiếm thêm tiền từ công việc điện tử, cần có thêm phần thu nhập lo cho con trai sống thoải mái. Những công việc nặng nề cha khuân vác một mình, không hề tỏ thái độ bực dọc với con, nét mặt phúc hậu, cách chiều chuộng con khiến Nguyên gọi thầm ông là Phật, là Chúa hay là ông tiên giữa đời thường. Càng chứng kiến Nguyên càng thấy kính nể tình cảm người cha dành cho con vô bờ bến, gánh chịu một mình ôm ấp đứa con bịnh hoạn vào lòng trong tình phụ tử thiêng liêng…

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, Nguyên chợt rùng mình nhớ lại giai đoạn tàn khốc của đời mình bị màn đêm bao phủ ….

Sau 75 Nguyên học tiếp ba năm rồi tốt nghiệp Anh văn từ trường Đại Học Sư Phạm Huế. Nguyên được bổ nhiệm về Long Khánh dạy cấp ba trường Thống Nhất 2.

Nguyên gặp Lợi dạy cùng trường, yêu nhau và gầy dựng ngôi nhà hạnh phúc sinh được một trai, một gái. Lúc đó Nguyên còn mở sạp vải, quần áo trước mặt nhà, nhờ bà con coi ngó, ngoài giờ dạy Nguyên buôn bán thêm để có đồng ra đồng vào sinh sống thêm. Chồng Nguyên ban đầu làm hiệu phó, sau đó lên làm hiệu trưởng. Gia đình hạnh phúc ấm êm nào ngờ chưa tới năm mươi tuổi thì tai họa ập đến. Một hôm Nguyên đang đứng trên bục gỗ giảng dạy, bỗng nhiên thấy trước mắt có nhiều con ruồi đen lớn bay qua, hỏi học trò chẳng ai thấy ruồi đen bay vào lớp. Biết con mắt có vấn đề, Nguyên khám bác sĩ, họ cho ở lại bệnh viện, chích mũi thuốc theo dõi, hôm sau Nguyên nhìn thấy khoảng 4%, bác sĩ cho về. Nguyên còn nhớ rõ hôm đó là ngày mồng hai Tết đến mồng sáu Tết mắt bỗng khép lại không còn thấy gì nữa. Nhờ cậu học trò bác sĩ làm giấy tờ giúp cô giáo qua Singapore chạy chữa, Nguyên bán sạp vải và nhà cửa thu gọn dời lên Sài Gòn mua căn hộ trong chung cư, một phần cũng nhờ các em định cư ở Mỹ giúp đỡ thêm.

Qua Singapore bác sĩ chẩn đoán bị giời leo. Nguyên hỏi mẹ cho biết: năm đó Nguyên bị phỏng rạ (nhọt nước) nên không thể chích đậu mùa. Bác sĩ chẩn đoán một dạng của giời leo, con virus sẽ chạy tùm lum có khi lên mắt, có khi lên bộ não. Hồ sơ bệnh trạng ghi: virus ăn hết nên bị hoại tử võng mạc và lấn tới con ngươi, chung quanh con ngươi bị ăn mòn, bác sĩ phải nhíp lại nhưng còn may mắn hé được hai lỗ nhỏ. Trở về VN Nguyên cho con gái đi du học Mỹ, con trai du học Nhật. Năm sau chồng Nguyên mắc bệnh Parkinson ảnh hưởng lên não rối loạn thần kinh, chạy chữa bác sĩ và dùng thuốc loại nặng. Miệng anh thường chảy nước dãi, chân bước đi không vững, người bật ngửa ra sau muốn té. Giai đoạn này Nguyên phải thuê người trả lương khá cao vì công việc cực nhọc, nhưng ai đến ở một tuần hay quá lắm là nửa tháng thì bỏ việc, có lẽ họ thấy vợ mù, chồng la lết, họ không đủ sức chăm nom?


          Cả một địa ngục trần gian đày đọa lên vợ chồng Nguyên từng ngày. Có lần anh lết theo Nguyên mù lòa băng qua đường, níu tay ai họ cũng tránh ra, tới được quán phở đứng xếp hàng dài, chủ quán thương tình cho vào trước, vợ chồng ngồi ăn vội trong tủi nhục, đau buốt. Nhiều hôm sáng sớm nàng mò giường gối xếp dọn cho ngăn nắp, bàn tay rà trên giường thấy có mấy cục chocolate khô (trước đó bạn Việt kiều đến biếu thăm). Nguyên bốc đưa lên mũi ngửi không ngờ đó là phân người, anh không còn tỉnh táo nhiều nữa đã tiểu tiện, đại tiện ngay trên giường. Hằng đêm Nguyên nguyện với Chúa “xin giải nghiệp dùm con”. Tinh thần và thể lực suy yếu dần hồi, nước mắt phải nuốt ngược vào trong, cắn răng chịu đựng. Nguyên giấu các con chỉ nói sơ, vì không muốn con lo lắng mà ảnh hưởng việc học, chỉ mong muốn con ăn học thành tài. May mắn con gái Nguyên gặp bạn trai yêu thương, kết hôn và ở lại sống yên thân trên đất Mỹ. Con gái bảo lãnh ba mẹ nhưng không còn kịp nữa, chồng Nguyên đã ra đi về miền đất lạnh…

Jim dìu Nguyên xuống tảng đá gần đó ngồi nghỉ chân, cắt đứt dòng tư tưởng của nàng xa cơn muộn phiền. Tiếng suối nghe róc rách vui tai, gió thổi mát bay mái tóc của Nguyên vào mặt Jim, nàng hát khẽ “Hãy ngồi xuống đây trên lưng cuộc đời thách đố thương đau. Hãy ngồi xuống đây vai kề sát vai cho da thịt này đốt cháy thương đau” (*1), dù không hiểu nhưng Jim lắng nghe giọng nàng như để hòa chung cùng không khí thần tiên này. Nguyên tựa đầu trên vai chàng, nàng đang cần một bờ vai, đó có phải là tình yêu hay vì hai tâm hồn trống trải cần tìm đến nhau? Nguyên chẳng hiểu mình nữa?!! Khi chồng mất, nàng chỉ biết nhớ thương chồng, nỗi nhớ thương dày vò từng đêm không ngủ được, lặng lẽ nhìn bóng tối trong nỗi hoang mang “anh chỉ đến trong trái tim mình nhưng không bước cùng mình đến cuối cuộc đời, anh để lại cho mình quá nhiều đau khổ và hụt hẫng”. Chưa bao giờ Nguyên nghĩ mình sẽ quen người đàn ông khác, và ai dám quen người đàn bà lớn tuổi lại bị khiếm thị. Cũng sẽ không bao giờ nghĩ với tuổi này nàng lại có những cung bậc cảm xúc lạ lùng khác thường. Nguyên là người đàn bà Á Đông, có chút kiến thức chỉ đam mê đi tìm Chân, Thiện, Mỹ của cuộc đời và yêu cái đẹp ấy, không ham vật chất, chẳng mê tiền bạc. Hạnh phúc đối với nàng là được chăm sóc qua nghĩa cử nhỏ, qua bữa ăn với tất cả chân tình biểu hiện bằng tình thương. “Một trái tim sẽ chẳng thể kết nối với một trái tim khác chỉ bằng sự hoà hợp thông thường. Thay vào đó, chúng chỉ thực sự quyện chặt vào nhau qua những nỗi đau”. Có lẽ Nguyên đã cảm nhận ra điều mà tiểu thuyết gia Nhật Bản Murakami đã nhận thức sâu sắc về nỗi cô đơn, về niềm đau của con người cũng như sự hình thành gầy dựng tình yêu.

Tiếng Jim nhắc bên tai “We should go home”.  Nguyên đoán trời đang phủ nhẹ hoàng hôn, không gian yên ắng, màu nắng nhạt dần. Hai người đi bên nhau, nắm tay xiết chặt để chuyền hơi ấm, chuyền sức sống, chuyền niềm tin cho nhau. Một ngày sẽ qua, một ngày của sự bình an trong cuộc sống, ngày mai sẽ đến, sẽ tiếp tục che chở nỗi cô đơn của hai tâm hồn đóng băng từ lâu, nay đến với nhau không vì sinh lý nhục dục, mà bằng hai trái tim cùng nhịp thở đồng điệu.

Nhìn lịch đã hơn một tháng chơi nơi đây, con gái Nguyên gọi phone muốn mẹ về, mà Nguyên cũng thấy nhớ cháu ngoại, nên nhờ Jim đặt vé ngày về. Bữa cuối trước ngày chia tay, Jim chở Nguyên ra ngoài ăn tối. Chàng đặt thẳng câu hỏi

– Can you marry me?

Câu hỏi bất ngờ mà nàng chưa hề nghĩ đến, Nguyên muốn tránh nhưng sợ Jim buồn, nên nói lời hứa hẹn bâng quơ:

– Please give me time to think

Nguyên đoán Jim đang nhìn nàng bằng ánh mắt tha thiết dịu hiền

– OK, I hope you reply soon

                                        ********

Trở về với con cháu, trời đã cuối thu, khung cảnh ở Seattle thật tuyệt vời qua màu trời mờ ảo. Chiều nào Nguyên cũng đi bộ chậm rãi tới công viên gần nhà, nơi có hàng cây đã đổi màu sắc, lá rụng trơ cành gần hết. Nguyên suy nghĩ thật nhiều về lời đề nghị của Jim, nàng nghĩ với số tuổi hiện tại thì đâu cần ràng buộc trách nhiệm mà chi, tuổi của “vô thường” đang rình rập ngày mai gần kề với cỏ sương đất lạnh. Nàng thương cảm căn bệnh tự kỷ của Paul, tôn trọng tình nghĩa cha con của họ, đã từng trọn vẹn trước đây, sợ con trai sẽ buồn vì sự xuất hiện của Nguyên, sẽ chia sớt bớt tình cảm của người cha lâu nay. Thôi thì “Hãy cứ là tình nhân. Để mong mỏi đợi chờ. Để chiều chuộng nâng niu. Và sợ điều tan vỡ. Hãy cứ là tình nhân. Để tháng ngày hoa mộng. Đề hẹn hò yêu đương. Và khắc khoải chờ nhau…” (*2). Tâm trạng nàng thật hoang mang bối rối, cuối cùng nàng muốn nói thật ý nghĩ mình cho Jim hiểu “Nhìn ông tôi cũng xót xa với lứa tuổi ấy còn đi cày, gánh vác mọi chuyện nặng nhọc, chiều chuộng con hết cỡ, nhưng con ông bệnh, ông không thể sống khác, bản chất ông lại hiền hoà giỏi chịu đựng, thú thật tôi thương ông nhưng lương tâm không cho phép mình giành giựt chiếm đoạt tình thương của ông, vả lại chính vì nhìn ông thương con nên tôi càng kính trọng và yêu ông hơn”.

Từ đó Nguyên và ông chẳng nhắc lại vấn đề “get marry” nữa. Gọi phone chỉ kể những sinh hoạt trong ngày hoặc FaceTime thấy mặt nhau như đang kề cận bên cạnh, dù mùa đông lạnh lẽo vẫn đủ sưởi ấm tâm hồn cho nhau.

                                   **************
          Thời gian vùn vụt qua nhanh. Mùa xuân đã đến. Cây lá tươi xanh, lộc chồi non biếc, các loài hoa đang chớm nở khoe sắc. Lòng Nguyên thấy rộn ràng khi Jim hứa sẽ qua Seattle ăn Tết Việt Nam cùng nàng. Chỉ còn vài ngày nữa thôi, lòng nàng thấy háo hức muốn đi chợ Tết mua sắm nhiều thứ.

Sáng nay Nguyên nhờ chị hàng xóm chở đi chợ Hau Hau: các gian hàng trưng bày bánh mức trông hấp dẫn đẹp mắt. Nàng đến dãy bán thức ăn nhờ chị bạn mua nem, chả, giò thủ, hộp mứt đủ loại, bánh tét, bánh chưng, đến hàng trái cây mua Bưởi, Nho, Thanh Long. Chị hàng xóm giúp bê các thứ ra xe trước, rồi quay lại dẫn Nguyên tiếp tục đến khu vực bán hoa mua nhành Đào, nhánh Mai tươi rực. Tuy vật giá năm nay leo thang kinh khủng, nhưng nàng chẳng e dè quan tâm, trên đường về lại nhờ chị bạn ghé chợ Việt mua thêm ít thứ nữa. Tới nhà, Nguyên bày đầy bàn, ngắm nghía các thứ mình mua lòng thỏa mãn vui vui.

Jim đến đúng ngày 28 Tết. Các em chở Nguyên và ông dạo những khu VN trang hoàng không khí Tết cho ông biết.

Sáng nay nắng hồng chiếu rực rỡ trên những chậu hoa Miniature Rose, chậu Harvest Mums, vạt hoa Cúc do con gái Nguyên trồng trước thềm lóng lánh thật đẹp. Cành Đào hồng đang còn búp, hoa mai vàng nụ vừa hé nở. Vạn vật khoác lên bộ mặt tươi sáng chuyền sức sống cho nhân thế. Xuân đã về. Tình xuân phơi phới. Hồn xuân ngất ngây.

Xuân đang ngự trị trong lòng nàng và Jim.

Nguyên dẫn Jim đi ngắm những bông hoa đang chào đón mùa xuân. Nàng thấy yêu trời đất, yêu cảnh vật chung quanh, yêu màu nắng hồng đang sưởi ấm và hát khẽ (*3) “Anh, lại đây với em, ngồi đây với em trong cuộc đời này. Nghe thời gian lướt qua. Mùa xuân khẽ sang chừng như không gian đang sưởi ấm những giọt tình nồng…”

Minh Thúy Thành Nội


(*1) Hãy Ngồi Xuống Đây (Lê Uyên Phương)

(*2) Hãy Cứ Là Tình Nhân (Tú Minh) (*3) Tình Tự Mùa Xuân (Từ Công Phụng

ĐÂU  PHẢI  TẾT 
Thêm một năm xa nhà
Bước chân đời viễn xứ
Lặng lẽ ngắm Xuân qua
Chồi xanh chưa kịp nhú
Hàng thông đứng im lìm
Sớt chia dùm nỗi nhớ
Thương quãng đời chơ vơ
Mây không buồn ôm niú
Núi trơ trọi giữa trời
Trắng một màu sương tuyết
Rõ ra một mùa Đông
Nào phải đâu Lễ Tết
Lạnh phủ trùm cô liêu
        Hoàng Mai Nhất

Ý  XUÂN
Xuân
   đem mộng ước đến muôn người
Xuân   với ngàn hoa quá đẹp tươi
Xuân   chỉ phô bày bao dáng vẻ
Xuân   càng thể hiện nét môi cười
Xuân   đầy thắm đượm tình đôi lứa
Xuân   lại vầy duyên chuyện cuộc đời
Xuân   chẳng hoài công mình kết tóc
Xuân   gieo tưởng nhớ khắp phương trời
                                      Hoàng Mai Nhất

* Chào đón Xuân Giáp Thìn 2024
                           Hoàng Mai Nhất
                     Seattle, WA Jan 26/2024

error: Content is protected !!