Chuyện tuổi già. Từ bình minh đến hoàng hôn.
Giao Chỉ San Jose viết cho hội Cao niên
Tất cả chỉ là bằng hữu
Đã từ lâu tôi không chịu mình già. Bây giờ còn một năm nữa là đến tuổi 90. Ai hỏi bác muốn gì. Mình chỉ muốn mãi mãi tuổi tám mươi. Như thời kỳ hoa niên, các em choai choai mong mãi mãi tuổi hai mươi. Cùng lắm là Twenty one. Bây giờ thực sự ta không còn trẻ nữa. Anh chị em thương yêu cũng bỏ đi gần hết. Thậm chí những tay chuyên chửi mắng bác Lộc cũng bỏ cuộc chơi. Nhưng thưa quý vị riêng tối hôm nay chúng tôi đón 2 người khách, bà Bích Ngọc đương kim chủ tịch hội người Việt cao niên miền bắc tiểu bang California. Cùng với bà phó là chị trung tá Lê Đình Vọng.Tôi còn nhớ tên nguyên văn Hội người Việt cao niên vùng Vịnh cựu Kim Sơn. Những người khách phụ nữ cao niên đưa tôi về thời quá khứ. Cuối thập niên 70 tôi phụ trách các chương trình cộng đồng cho tổ chức Social của County Santa Clara sau này đổi thành cơ quan IRCC. Nhờ trụ sở khang trang rộng rãi, có thêm nhiều thân hữu hợp tác. Xin nhắc lại tên anh em một lần để còn nhớ mãi về sau. Viên chức sắc tộc Yklong, kịch tác giả Phan Tùng Mai, các luật sư Phan Thế Ngọc, Đình Thành Châu.. Các bạn Vũ Khiêm, Lê Đình Lãm ,Võ thành Văn. Các anh Nguyễn Xuân Phác, Nguyễn Quang Huyến, Vũ thượng Đôn, Trần văn Tước lần lượt theo thời gian tham dự trong hội đồng quản trị và còn rất nhiều bằng hữu mà bất chợt tôi không nhớ hết..
Ca khúc họp đàn
Chúng tôi đã ngồi bàn nhau nhu cầu đầu tiên là mời các bà con ngồi lại để tổ chức các hội ái hữu. Có ngay bạn Trần trúc Việt tổ chức hội hải quân. Anh Nguyễn Quang Vĩnh thành lập hội Không Quân. Gia đình mũ đỏ có anh Bùi Đức Lạc. Cũng không thể quên một hội hoạt động tích cực là phụ huynh và giáo chức. … .
Tất cả các hội đều cùng sinh hoạt trong một ban liên lạc là Liên Hội đó anh Lại đức Hùng làm tổng thư ký và các cụ Đào Đăng Vỹ, Trần Hữu Phúc trong vai trò cố vấn. Trong phạm vi văn nghệ và vận động quần chúng có đoàn Thanh niên quốc gia do anh Trần Mạnh Hòa thành lập. Trên đây là chỉ nhắc đến thời kỳ xa xưa từ thập niên 70 và 80. Qua thập niên 90 thì chuyện dâu bể còn nhiều không thể ghi hết. Thời đó tất cả mọi phương tiện hội họp tổ chức đều do cơ quan IRCC tức Hội quán Việt Nam tích cực yểm trợ. Một trong các hội đoàn hội họp thường xuyên và đông đảo lại là hội Cao Niên. Nhân sự điều hợp cần nhiều phương tiện nên cơ quan IRCC chúng tôi đã cử các cán sự xã hội Đỗ Xuân Hợp và Phạm tài Đôn trực tiếp đảm nhận. Xin nhắc lại thời gian cuối thập niên 70 chính San Jose là nơi tập trung nhiều đồng hương ty nạn. Vì vậy hội Cao niên Việt Nam là hội đoàn đầu tiên chính thức thành lập tại Hoa Kỳ.
Thành tích đầu tiên: Nghĩa Trang Việt Nam.
Thành tích đáng kể chính là việc hoàn tất chương trình Nghĩa trang Việt Nam tại Los Gatos. Công đầu là nhờ sự vận động tích cực của ông tổng thư ký Phạm Tài Đôn. Thay vì các cán sự khác thuộc chương trình CETA trong IRCC lo tìm việc cho đồng bào thì thầy Đôn chỉ lo chỗ chôn cất ty nạn. Ông vận động các cụ già đi gõ cửa mọi nhà đồng ý ký tên đủ 100 người sẽ mua đất tại nghĩa trang Việt Nam. Chúng tôi hăng hái ghi danh cam đoan sẽ yên nghỉ tại ngôi nhà một phòng ngủ duy nhất không có nhà vệ sinh và không có điện nước. Ngôi nhà nhỏ bé để yên giấc ngàn thu. Một hôm thầy Phạm công tác về đã thuyết trình lớn tiếng. Thôi thế là các cụ yên tâm. Sẽ nằm nơi Gối sơn đạp thủy. Đầu quay về núi, chân đạp lên Thái Bình Dương. Nếu nằm trên gối cao sẽ nhìn thấy quê hương.
Thầy Phạm tài Đôn hăng hái nói tiếp, ông Lộc phải ghi nhận công đầu của tôi. Thực sự như vậy. Anh em cán sự tìm việc làm cho cả ngàn người suốt nửa thế kỷ vừa qua. Ai còn nhớ đến ai. Bao nhiêu chương trình ESL ê a cả thập niên dài. Ai còn nhớ đến ai. Nhưng cái nghĩa trang đầu tiên ngày nay bao nhiêu chủ tich và hội viên cao niên đã rủ nhau về Los Gatos an nghỉ. Thi sĩ của hội đã viết ra đôi câu đối treo trên cổng vào. Xác tục ngàn năm lưu đất Mỹ. Hồn thiêng vạn dặm gửi quê hương. Tôi viết lại nhưng không biết còn trúng hay không? Nhưng có điều chính xác là bác tổng thư ký Phạm Tài Đôn cũng đã nằm lại trên đất Mỹ. Ông chính thức gối đầu vào núi non Mỹ quốc để chân đáp về hướng quê nhà bên kia Thái Bình Dương. Ngay đến như bác hội trưởng trẻ tuổi Nguyễn Đình Tuấn cũng ra đi. Mới năm trước đây khi dẫn hội viên thăm nghĩa trang bác Tuấn chỉ dẫn rằng ngôi mộ số 1 trên đường vào ở ngã tư là chỗ của bà mẹ ông Lộc. Chỗ này địa điểm tốt nên ông hội trưởng IRCC dành cho bà cụ mở cửa hàng 7 & 11. Cũng vào năm xưa khi ông Đôn hoàn tất Nghĩa trang thì cụ Lại Đức Chuẩn còn ở tù cộng sản trên Yên Bái. Tưởng rằng ông ra đi ở miền thượng du Bắc Việt. Nhưng 2 bác Chuẩn đã vinh quang đến phi trường SF để ông con trưởng tổ chức đón rước linh đình. Ngày nay 2 cụ nằm bên nhau cũng tại Nghĩa Trang Việt Nam với bia đá hình cờ vàng hết sức nghiêm chỉnh.
Rồi đây, mọi người ai cũng qua đi. Bao nhiêu là lễ hội, bao nhiêu lần biểu tình và biết bao nhiêu văn nghệ đấu tranh. Hội đoàn cũng như các cửa hàng thương mại, tưng bừng khai trương và âm thầm đóng cửa. Hội viên cao niên cũng không còn nữa nhưng Nghĩa trang đầu tiên của cộng đồng Việt tại San Jose vẫn còn mãi muôn đời.
Vinh danh những nhà lãnh đạo.
Sau trận dịch tàn nhẫn làm điêu đứng toàn cầu ngày nay nhân loại đang tập sống với Covid, hội cao niên ngày chủ nhật sẽ họp mặt bà con tại San Jose. Có lẽ phải nhắc lại một lần, thưa với quý vị.Từ cái thuở gần 50 về trước cho đến nay đã biết bao nhiêu vị chủ tịch luân phiên làm việc. Thời gian dài gần đây vị chủ tịch là cụ Trần Hữu Phúc. Quý vị thay phiên nhau làm chủ tịch hội cao niên. Không hề có bất cứ một chuyện phiền phức, rắc rối nào giữa nội bộ. Cũng không có khó khăn nào liên quan tới các hội đoàn và cộng đồng tại địa phương.Toàn là những kỷ niệm êm đẹp. Nhưng tất cả các vị lãnh đạo đã từng làm chủ tịch hội người việt cao niên đó. Bây giờ ở đâu. Chúng tôi cũng theo dõi bước chân của tất cả các hội viên trải qua bao nhiêu năm. Một trong những người làm hội trưởng lâu nhất và chịu đựng nhiều khó khăn là người rất hiền lành nhưng không ai biết cụ vốn là sinh viên sĩ quan Thủ Đức ra trường từ thập niên 50 đưa về các đơn vị miền Bắc Việt Nam. Thiếu úy Trương Đình Sửu được giao chỉ huy trung đội bộ binh của BVN rồi lên trung úy đại đội trưởng tham dự các mặt trận Vĩnh Phúc Yên ở miền Bắc. Ít người biết được chuyện như vậy. Gần như không ai biết ông hội trường cao niên hiền lành và lịch sự của San Jose đã từng là người tham dự các trận chiến sống chết ngoài Bắc. Sau cụ Sửu hội cao niên được giao lai cho các vị nữ lưu đảm trách. Chúng ta đang ở trong thời điểm của những người đàn ông phải ra đi và phụ nữ cùng đợt tuổi ở lại. Bài ca của Trịnh Công Sơn nếu đổi lời sẽ thêm phần ai oán. Trong khi em nằm anh bỏ em đi. Trong khi tôi ngồi chàng bỏ tôi đi. Những ông hội trường bỏ nhau đi và đến phiên các bà lên cầm lái con thuyền cao niên của vùng Vịnh Cựu Kim Sơn. Trong gần 4 năm qua hội trưởng là bà Ngọc Bich quê Sơn Tây nhưng là gái Hà nội chính hiệu. Trong số nữ lưu quanh vùng không ai có nhiều khả năng và nỗ lực hơn con người đã một thời oanh liệt. Bà cũng là một nhà thơ nhà văn nhưng cũng là nhà ngoại giao xuất sắc.
Bà giữ cho hội cao niên đứng ngoài các đề tài tôn giáo và chính trị phức tạp. Bà cũng được người phụ tá đắc lực là chị trung tá Lê Đình Vọng xứ Huế. Trung tá Vọng thời sinh tiền khi chúng tôi thành lập cơ quan định cư cho chiến hữu HO thì mời bác Vũ Đức Nghiêm làm chủ sự và bác Lê Đình Vọng làm phụ tá. Hai ông bà Vọng ngoài giờ hành chánh đã tự đứng ra tổ chức gây quỹ cho thương binh và quả phụ Việt Nam rất thành công. Về sau anh Lê đình Vọng ra đi vì bệnh tim thì chị Vọng sinh hoạt với hội cao niên . Hai chị em cô gái Hà Nói và cô gái Huế ngày xưa cùng trở thành phụ nữ Sài Gòn ra tay xây dựng lại hội Cao Niên từ khi bác Trương đình Sửu đau yếu cho đến khi bác ra đi. Trải qua hơn 40 năm hội cao niên Bắc CA được nam giới lãnh đạo thì ngày nay đến lượt phụ nữ thay thế.
Từ bình minh đến hoàng Hôn:
Nửa thế kỷ trước khi thành lập hội cao niên chúng ta có đông đảo bằng hữu và thực sự ở vào tuổi ngoài 50 đời còn dài. Ngồi lại với nhau là chuẩn bị cho tương lai, cho tuổi già chưa đến. Ngày nay tình thế đã thay đổi. Các bạn ở tuổi 60 không quan tâm đến hội cao niên. Các vị hội trưởng nữ giới lão thành dù hết sức hết lòng nhưng vẫn chỉ có giới hạn. Trong nhiều năm qua chúng ta thấy hội cao niên thực sự đã tham dự trong các sinh hoạt cộng đồng. Dù bạn là Công giáo hay Phật giáo hô hào là hội chúng tôi có mặt. Về chính trị chúng tôi không lạm bàn. Chị em chúng tôi đi giữa quý ông Dân Chủ Và Cộng Hòa. Hội đoàn nào mời là phe nữ giới cao niên đều có mặt. Từ phe quân đội đến phe dân sự ái hữu đều có chúng tôi tham dự. Các hội đoàn xã hội hay văn nghệ tổ chức chị em cao niên cũng tham dự. Đồng phục cũng có thay đổi cho đủ mầu sắc với thiên hạ. Tuyệt đối không theo thời trang Trung Cộng và cũng không theo kiểu cách của cộng sản Việt Nam. Ai kêu gọi quyên góp hội ta cũng đóng góp nhẹ nhàng dù 5 chục hay 1 trăm.. Chúng tôi nhìn quanh thấy quý ông quý bả đều già lão cả nhưng mời vào hội cao niên thì ai cũng từ chối. Quý vị muốn trẻ trung cho đến bao giờ. Niên liễm một năm chỉ có 3 chục mà các thành viên cao niên không chịu đóng. Ai cũng nói rằng San Jose có trên 120 ngàn dân Việt mà trên 30% đã cao niên, tại sao hội viên ghi danh của hội chúng ta chỉ có vài chục người lại không đóng niên liễm. Thực sự tình nghĩa tràn đầy nhưng các bạn lười tham dự và đóng góp hay quý vị tuy tuổi cao nhưng từ chối sự thực. Trời đã về khuya mà tôi vẫn có những câu hỏi cho hai bà lãnh đạo hội cao niên. Hội ta có chỗ nào là trụ sở hội hợp không. Trả lời rằng dù đã có 40 năm sinh hoạt nhưng hội cao niên chúng tôi vẫn Homeless. Hiện nay việc sinh hoạt thu hẹp vì Covid và đồng thời cũng bị giới hạn vì không có ngân khoản. Năm 2018 bắt đầu sinh hoạt bà chủ tịch phải đi từng nhà để quyên góp tiền ủng hộ hàng tháng. Hội không đủ sức tổ chức gây quỹ. Xem qua cuốn sổ ân nhân chỉ có vài trang đơn giản vì sau nửa thế kỷ trầm luân chưa bao giờ có được các hội viên đóng góp đầy đủ niên liêm .. Biết bao nhiêu những nhà triệu phú Việt Nam tại San Jose cao niên khi ra đi đã để lại bạc triệu mà sao lại không nhớ đến hội cao niên thì hội lấy tiền đâu mà sinh hoạt phúng điếu cho nghiệp vụ Quan Hôn Tang Tế. Xem ra buổi bình mình bao giờ cũng tươi sáng. Khi hoàng hôn buông xuống thì cũng rất buồn. Phương Tây nói rằng tuổi già như con tàu đắm. Dù rằng các bà chánh phó hội cao niên hết sức hoạt động những lực bất tòng tâm. Rất cần các hội viên tiếp tay về cả tinh thần lẫn vật chất. Chúng tôi viết bài này để ca ngợi nỗ lực của ban chấp hành phụ nữ cao niên. Hai cô gái Hà Nội và Huế đã sống mãi với Sài Gòn nhưng vẫn không xây dựng được một Sài Gòn Nhỏ cho hội cao niên tại San Jose. Xin quý vị cao niên nam giới tiếp tay. Nhà kinh tế Nguyễn Đức Cường nói rằng khi thủy triều lên thì con tàu cũng nổi lên. Nhưng không phải là con tàu thủng đáy. Hãy sửa chữa con tàu để nó nổi lên theo thủy triều. Bà Ngọc Bích xứng đáng là thuyền trưởng nhưng vẫn cần các chuyên viên kỹ thuật giữ cho con tàu hoàn hảo. Tài chánh sẽ giải quyết được nhiều việc. Tiền chưa giải quyết được thì nhiều tiền việc gì cũng xong. Nhưng trước hết phải quan tâm và có tấm lòng hảo tâm.Chúc hội Cao Niên trẻ mãi không già-
Giao Chi San Jose. giaochi12@gmail.com (408) 316 8393