Tác giả và Tác Phẩm

XUÂN DIỆU VÀ QUÊ MẸ

(Nhân kỷ niệm 35 năm ngày mất của nhà thơ Xuân Diệu 1985-2020)

Nhiều người Bình Định nhận xét “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, “ông hoàng thơ tình Việt Nam” có một khuôn mặt rất “nẫu”, tức rất Bình Định, với nét đẹp cao sang mà hồn hậu, tinh quái mà ngây thơ, mơ màng nhưng ngay thực. Chẳng biết Xuân Diệu nghĩ sao nếu nghe nhận xét này của đồng hương, nhưng sinh thời, trong nhiều bài viết và các buổi nói chuyện, ông thường tâm sự: thiên nhiên, con người, những câu ca dao ở Vạn Gò Bồi, Tùng Giản, Văn Quang, Luật Bình, Kim Trì, ở Bình Định, Quy Nhơn đã làm thành một mảnh rất sâu xa, tinh tế, bền vững trong tâm hồn ông.

Xuân Diệu rất tự hào vì cái gốc “Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong/ông đồ nho lấy cô làm nước mắm” của mình và tình cảm đó làm nên một trong những bài thơ mộc nhất, thương nhất, xúc động nhất của ông:

Làng xóm cười giọng ông đồ trọ trẹ

Nhưng quý ông đồ văn vẻ giỏi giang

Bà ngoại nói: tôi trọng người chữ nghĩa

Nên dám gả con cách tỉnh xa đàng

Tiếng đàn ngoài tiếng đàng trong quấn quít

Vào giữa mái tranh, giuờng chõng cột nhà

Rứa mô chừ? Cha hỏi điều muốn biết

Ngạc nhiên gì mẹ thốt ối chu cha!…

Mẹ thảnh thót: qua thương em nhớ bậu

Cha hát bài phụ tử tình thâm

Năm 18 tuổi, Xuân Diệu bắt đầu xa quê để đi học rồi đi làm ở Huế, Hà Nội, Mỹ Tho, và chỉ vài năm sau, giữa tuổi 20, trong tình cảnh “nỗi đời cơ cực giơ nanh vuốt/cơm áo không đùa với khách thơ”, ông trở thành một trong những chủ soái của phong trào thơ Mới, làm bàng hoàng làng thơ VN thời ấy bằng “một y phục tối tân…lẫn với chút hương xưa của đất nước” như phát hiện của nhà phê bình Hoài Thanh.  Cái “y phục tối tân” thì  có lẽ Xuân Diệu học từ các nhà thơ hiện đại Pháp, còn “chút hương xưa của đất nuớc” , tiếng cây me ríu rít, mùi hương hoa bưởi báo đêm khuya, cái ánh trăng sáng, xa, rộng vô chừng kia thì chắc chắn Xuân Diệu đã mang theo từ đất trời quê mẹ.

Tham gia tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, lên Việt Bắc kháng chiến rồi về thủ đô khi đất nước bị chia cắt cho đến 1975, Xuân Diệu đã phải xa quê đằng đẵng hơn 30 năm. May mắn cho ông, “nhớ, tìm con, má đi tập kết/đem miền Nam ra ở với con”, người mẹ của vạn Gò Bồi, làng Tùng Giản đã lặn lội đi tập kết, đem con cá, con tôm, mắm muối, tiếng hò giã gạo, tiếng chày nện cối suốt đêm sao của quê hương ra sống cùng ông ở thủ đô. Tuy vậy, nhà thơ vẫn không nguôi thương nhớ quê hương “Quê má, quê má yêu/ta mang theo sớm chiều/mang theo trong giọng nói/pha Bắc vẫn Nam nhiều” và tha thiết mơ một ngày trở lại “Ôi bao giờ, bao giờ. Ta tắm vào da thịt. Con sông nhỏ Gò Bồi. Quy Nhơn về ngụp biển. Muối đọng ở vành tai”.

Niềm thương nhớ quê hương trong những năm xa cách đó, ngoài thổ lộ trong thơ, đã được Xuân Diệu dồn vào bài phê bình nghiên cứu tuyệt hay “Sống với ca dao dân ca miền Nam Trung bộ”, năm 1963. Cho đến nay, đây vẫn là bài viết công phu nhất, toàn diện nhất, sâu sắc và giàu cảm xúc nhất về ca dao dân ca miền Nam Trung bộ và Bình Định. Với Xuân Diệu, đây là “một thứ máu của tổ quốc”.

Ở bài viết dài gần trăm trang in này, nhà thơ bồi hồi kể chuyện “tôi với em tôi chen chúc nghe hô bài chòi ngày tết ở chợ làng Văn Quang. Làng nhỏ, chợ nhỏ, đồng bào rất hiền lành, anh hô bài chòi cũng hiền, chuyện đêm nằm đò dọc từ Vạn Gò Bồi xuống Giã (Quy Nhơn), nghe “gió nhẹ hiu hiu phần phật trên buồm” và “sóng nhỏ nghìn gợn đập canh cách dưới thân thuyền”, chuyện tục hát giã gạo ở Vạn Gò Bồi, với những đợt hát kéo dài suốt mấy tháng liền.

Trong ký ức Xuân Diệu, dường như mỗi người Bình Định, nhất là phụ nữ, ai cũng có một “pho” ca dao dân ca riêng. Hồi nhỏ là các dì các mợ, bà vú già giữ em ruột ông, bà ngoại ông. Chính nhờ bà ngoại mà ông biết được bài ca dao rất nghịch mà cũng rất buồn này:

Sớm mai em xách cái thõng ra đồng

Em bắt con cua, em bỏ vô trong cái thõng

Nó kêu cái rỏng

Nó kêu cái rảnh

Nó kêu chàng ơi!

Chàng giờ an phận tốt đôi

Em đây lỡ lứa mồ côi một mình

Và cái ông “Tốc xi măng”  ở Quy Nhơn mà Chế Lan Viên cũng biết . Cái con ngươi dở khờ, đở dại, đôi mắt lạc trí ấy đã tay đập nhịp lên đùi, miệng hát cho Xuân Diệu nghe cả một bản trường ca ca dao huê tình rất dài và thật hay. Rồi đến má nhà thơ. Xuân Diệu đi học, ghi chép ca dao dân ca khắp nơi, mà mấy chục năm trời chẳng ngờ má mình cũng là một cái “mỏ” lớn. Mãi đến khi má tập kết ra với ông được 5 năm, tình cờ nói chuyện, ông mới biết má thuộc vô khối ca dao dân ca hay quê mình. Không những thế, bà còn là tác giả của nhiều câu rất đáo để. Ví như câu “Trồng trầu thì phải xẻ mương/làm trai hai vợ phải thương cho đồng”, bà làm là để nhắc khéo chồng phận “lẽ mọn” của mình (Cha Xuân Diệu đã có vợ ở ngoài Bắc, vô Bình Định lại lấy má ông, nên bà phải là vợ “bé”). Hay như câu này:

Anh ngồi trong bếp lửa

                                    đau cái bụng

Em ngồi ngoài cửa

                                   nát nửa lá gan

Biết thuốc chi mà chữa bệnh chàng

Lấy trầm hương cho uống sao chàng vội quên

là bà “đặt” để nhớ chuyện chữa khỏi bệnh hay đau bụng của cha ông bằng cách lấy gừng vùi vô bếp rồi cho ông uống. Khi “đặt”, bà thấy nói “gừng” thì không hay nên nói thành “trầm hương” cho hay…

Xuân Diệu viết “ca dao dân ca Nam Trung bộ, Bình Định đã ru tôi ngủ và đánh thức tôi dậy với những thương mến bao la của quê hương thứ nhất, nơi má đẻ ra mình”. Bởi vậy, bài viết này là một cách đấu tranh thống nhất đất nước của ông năm ấy.

Nhớ quê, yêu quê, nặng tình quê như thế, nên năm 1976, khi được về thăm quê, niềm vui, hạnh phúc rộn lên trong thơ Xuân Diệu “Ba chục năm dư được trở về/quê mừng mình lại đón mừng quê…/Nước không mất nưã, trời xanh thế/Đất hết chia rồi lộng bốn phương”. Đặc biệt cảm động là chuyến trở về với Tuy Phước, với Gò Bồi được Xuân Diệu ghi lại trong bài thơ “Đêm ngủ ở Tuy Phước”:

Đêm ngủ ở Tuy Phước để mà không ngủ

Những con dế cùng tôi thức suốt năm canh

Thức những ngôi sao, thức những bóng cành

Đêm quê hương thương cái hương của đất

Ngủ không được bởi gió nồm từ biển lên cứ nhắc:

– Trọn mình anh đã nằm giữa lòng tôi

Khi má anh sinh ra

Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi

Nên tới già thơ anh còn đậm đà thấm thía –

Nhà thơ Huy Cận, bạn thân nhất của Xuân Diệu, có nhận xét: càng về cuối đời, tình yêu quê mẹ của Xuân Diệu càng thiết tha, da diết, ông luôn muốn làm nhiều việc để đền đáp nơi sinh thành.

Có lẽ vì thế mà công trình nghiên cứu văn học lớn cuối cùng của Xuân Diệu là về danh nhân Đào Tấn, đồng hương Tuy Phước của ông.

Còn nhớ đó là khi giới nghiên cứu về Đào Tấn tuy đều đánh giá cao các sáng tạo tuồng bất hủ của cụ nhưng về con người, cuộc đời cụ, thì còn không ít nghi ngại, một số người còn mạt sát cụ thậm tệ về việc làm quan to của triều Nguyễn như một bằng chứng phản bội đất nước.  Xuân Diệu nghe được, rất bất bình và quyết định xung trận. Trong hội thảo lần thứ hai về Đào Tấn tại Quy Nhơn năm 1979, Xuân Diệu đã đăng đàn tới hơn một giờ đồng hồ với tham luận “Đọc thơ và từ của Đào Tấn”. Kiến thức uyên bác, tư liệu phong phú, phân tích tinh tế, lý lẽ sắc sảo, Xuân Diệu đã khắc họa chân dung Đào Tấn không chỉ như một “nhân tài nghệ thuật đặc biệt” mà còn là một nhân cách lớn, một con người hết mực yêu nước thương dân. Bằng một linh cảm thiên tài, chỉ qua lời của Tiết Cương, nhân vật tâm đắc của Đào Tấn, “Thế sự đoản ư xuân mộng/nhân tình bạc tợ thu vân/nghiến rằng cười cười cũng khó khăn/ôm lòng chịu chịu càng sung sướng”, Xuân Diệu đã nhận ra việc làm quan của Đào Tấn thực ra là một “chủ động lớn lao của người chấp nhận sự hy sinh và cảm thấy trong việc nằm gai nếm mật của mình niềm vui sướng của sự tự giác tự nguyện”. Những phát hiện của các nhà nghiên cứu lịch sử sau này đã chứng minh linh cảm của Xuân Diệu là hoàn toàn đúng. Đào Tấn không chỉ là một thiên tài nghệ thuật mà còn là một chính khách lớn. mẫu mực.

Tham luận đầy thuyết phục của Xuân Diệu đã là một “chiêu tuyết’ tuyệt vời cho những oan ức mà cụ Đào phải gánh chịu, là đòn quyết định làm câm bặt mọi ý đồ bôi nhọ cụ. Sau này, Xuân Diệu đã dày công phát triển tham luận trên thành một công trình nghiên cứu lớn và những dòng cuối cùng của công trình này được Xuân Diệu viết vào ngày 7/11/1985, chỉ trước khi ông trút hơi thở cuối cùng 11 ngày (18/12/1985)…

Nhà lưu niệm Xuân Diệu ở Gò Bồi Tuy Phước, Bình Định

Hội đua thuyền trên sông Gò Bồi

Theo FB

error: Content is protected !!