Lê V. Hải,  MỪNG LỄ,  Thơ,  Văn

TRANG CHÀO MỪNG NGÀY PHẬT ĐẢN – RẰM THÁNG TƯ – NHÂM DẦN, 2022 – Phật Lịch 2566.

HỒNG  TRẦN

*

Thế gian nhiều biến đổi

Ta chỉ một dạng thôi

Theo tháng năm tàn lụi

Mấy ai chẳng ngậm ngùi

*

Cõi hồng trần sinh ly tử biệt

Kiếp nhân sinh nọ ai mãi miết

Rồi một ngày tay ng buông xuôi

Về chốn không tranh danh đoạt lời

Chết sống nào cũng là trả nghiệp

Chỉ sớm muộn nợ vay tiền kiếp

*

Mong tái sinh đừng vương lụy

Tâm yên bình thoát hiểm nguy

Vốn dĩ lời chân nguyên Phật

Để muôn người đạt phúc duyên

*

                     Hoàng Mai Nhất

KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN

*

Tháng Tư ĐỨC PHẬT hạ phàm trần

Đem ánh Đạo Vàng cứu thế nhân

THÁI TỬ ly gia rời tục lụy

ĐẠT TA cắt ái biệt tình thân

Tam Quy điều dạy, thay tai kiếp

Ngũ Giới lời khuyên, nhận phước phần

Phật Lịch hai nghìn năm sáu sáu(2566)

Nguyện cầu khắp chốn rạng ngời xuân.

Phương Hoa – MAY 17, 2022

Hoa Sen Bảy Bước

Đi bảy bước hoa sen chớm nở
Gót hồng trần lan tỏa niềm mơ
Cội bồ đề, chánh kiến thiền định
Giác ngộ từ tâm, chuyển hoá cơ.

Phật pháp kinh thư đã chuyển vần
Năm châu, bốn biển độ nhân quần
Thập phương, ý nguyện luân hồi chuyển
Phật tánh Di Đà, quán tịnh thân.

Tế Luân

KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN 2022

*

Mừng Phật Đản, muôn phương thiết lễ

Cúng dường ngày Nhập Thế Thích Ca

Thấm nhuần giáo lý Phật Đà

Tâm bình, thế giới an hòa sống vui

*

Mừng Phật Đản hãy nuôi mầm thiện

Phật xuống đời thị hiện chúng sanh

Nhân gian mừng đón Cha lành

Tháng Tư rằm đến, tâm thành dâng sen

*

Mừng Phật Đản, ghét ghen buông bỏ

Ánh đạo vàng sáng tỏa trần gian

Tại gia thắp nén hương nhang

Trên cao Phật chiếu hào quang sáng lòng

*

Mừng Phật Đản, sen hồng hương ngát

Tiếng Nam Mô lấn át sân si

Hồi chuông cửa Phật từ bi

Âm vơi nghiệp chướng,  xua đi hung tàn

*

Mừng Phật Đản, dâng ngàn lời nguyện

Phật từ bi, Pháp chuyển Trí minh

Khiến cho kẻ ác lui binh

Tan đi sân hận, Hòa Bình Thế Gian…

*

DUY ANH

Đại Lễ VESAK 2022

Chủ Nhật Tuần Này: Kính Mừng Đại Lễ Phật Đản PL 2566. ĐL 2022

Lời Chúc Mừng

Một Mùa Lễ Vesak nữa lại về trên trần gian, Phật Đản mang lại bao niềm hân hoan, vui sướng trong lòng những người con Phật và những ai tin vào giáo pháp cứu thoát của Ngài.

Kính chúc tất cả Quý Vị và Gia Quyến một Mùa Phật Đản: Vạn Sự An Lành, Hạnh Phúc Vui Tươi, Muôn Chuyện Hạnh Thông.

Thắp sáng ánh đèn trí tuệ trong tâm, noi theo đường Đấng Chí Tôn, để có:

-Tâm hài hòa, mỉm cười trước sóng gió cuộc đời.

-Tâm minh tuệ, ứng phó với những biến chuyển thời gian.

-Tâm siêu nhiên, đối mặt với: Sinh, Bệnh, Lão, Tử!

-Tâm bình an, vượt qua khỏi mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, để có hạnh phúc ngay tại trần gian này.

Có Tâm là có tất cả! Tâm bình, thế giới bình!

Ý nghĩa ngày Phật Đản

Phật Đản còn gọi là Quán Phật Hội (hội tắm Phật), Giáng Đản hội (hội giáng sinh) đó là nghi thức tắm Phật. Ngày Phật Đản tức là ngày Đức Phật Thích Ca ra đời.

Mùa Phật Đản năm nay lại về trong niềm vui của mọi người dân Việt, từ Tháng Tư Đen 75, 47 năm, đang sống lưu vong nơi đất khách quê người, cách xa quê nhà cả nửa vòng trái đất. Hơn ba triệu người Việt hiện ở tạm dung trên các nước thuộc Âu Châu, Úc Châu, Mỹ Châu, đang nỗ lực tổ chức ngày “Đại Lễ Phật Đản, Phật lịch năm 2566” để hòa nhịp với niềm vui chung của nhân loại, trong mùa Phật Đản năm 2022.

Nhân dịp ngày Đại Lễ, xin ghi lại chút “Lịch Sử cuộc đời Đức Phật” để cống hiến quý đồng hương Phật Tử bốn phương, cùng tìm hiểu về “Chân lý và nguồn gốc ngày Đản Sinh của Đức Phật, hầu lưu lại cho các thế hệ mai sau, nối gót các bậc tiền nhân, duy trì và phát huy Đạo lý cao siêu của Đức Thế Tôn, trong ánh đạo vàng đến với mọi người trên thế gian.

Ngày Phật Đản hay ngày Giáng sanh của Đức Phật, tiếng Pali gọi là Vesak. Vesak là tên của một tháng, thường trùng vào tháng năm dương lịch. Vesak cũng là tên của một ngày có ý nghĩa trọng đại nhất đối với hàng Phật tử khắp thế giới. Đức Phật sinh nhằm ngày rằm, tháng Vesak, vào buổi sáng, trong thành Kapilavatthu (Ca-ty-la-vệ) gần biên thùy giữa đông bắc Ấn Độ và Népan. Ấy là Thái tử Siddatha Gotama. Cha của ngài là Hoàng Đế Tịnh Phạn (Cuddhodana) họ Cồ Đàm (Gotama), và mẹ của Ngài là hoàng hậu Ma Gia (Mayadevi) Ngài tên là Siddhartha Gautama. Ngài mất mẹ rất sớm. Sau khi hạ sanh Hoàng Tử được 7 ngày thì hoàng hậu thăng hà.

Thái tử sanh ra là một đại hạnh, đại phúc, ơn lành cho tất cả chúng sanh. Dĩ nhiên, đã là Hoàng tử, Ngài sống một cuộc đời vô cùng sung sướng trong cung điện nguy nga, nào biết gì đến cảnh thực ngoài đời. Nhưng ngày qua tháng lại, lần lần trong tâm Ngài tự phát giác sự thật.

Khi Ngài giác ngộ được rằng vạn vật là vô thường, có rồi không, thành rồi bại, có sinh có tử, có gìa có bệnh. Rằng bao nhiêu vinh hoa, phú qúy, khoái lạc vật chất dẫy đầy trước mắt, chẳng qua là một bã hư vô. Ngài mới nhất định xuất gia, bỏ hẳn thế sự, để đi tìm đâu là sự thật, đâu là tịnh lạc. Năm ấy được 29 tuổi, Ngài từ  bỏ cung điện nguy nga và những sa hoa vật chất của một vị Hoàng tử, không phải vì  thắc mắc băn khoăn riêng cho Ngài, mà chính vì cảnh đau khổ trầm luân của chúng sinh.

Lần từ biệt ra đi của Ngài đã giũ sạch nợ trần, để đi tìm một con đường giải thoát cho nhân loại. Suốt sáu năm trời, Ngài hãm thân vào cuộc đời khổ hạnh, hy sinh, chịu đựng muôn ngàn đau khổ với một tấm lòng sắt đá, kiên trì, với một niềm tin vô biên và luôn luôn xả thân để phụng sự. Đây là cuộc đời phấn đấu mà sức người phàm khó lòng chịu nổi.

Rồi một hôm tinh toạ trên mớ cỏ khô dưới cội bồ đề, tại Bồ Đề Đạo Tràng (Buddhagaya), Ngài tự nguyện: “Dù ràng thịt ta phải nát, xương phải tan, hơi phải mòn, máu phải cạn, ta quyết ngồi nơi này đến khi được hoàn toàn đắc quả vô thượng!” Vào ngày rằm, tháng Vesak, Ngài đắc quả Chánh Đẳng, Chánh Giác.  Quả này là kết tinh cuối cùng của một lòng tự tin, tự  lực, tự giác, chớ không phải nhờ ở một quyền lực siêu nhiên nào giúp đỡ.  Ngài đã diệt được bao điều chi phối của ngoại cảnh đối với thân tâm, để trở thành thanh tịnh chứng pháp, lãnh hội rõ ràng chân tánh của một sự vật: Ngài đã là Toàn Giác, Ngài đã thành Phật. Lúc bấy giờ Ngài 35 tuổi. Từ đây người ta gọi Ngài là Đức Phật Cồ Đàm (Gotama), một vị Phật trong trường chi vô lượng Phật quá khứ và vị lai.

Như vậy thì lễ Visak không những là kỷ niệm ngày giáng sinh, mà cũng là ngày đắc đạo của Đức Phật. Khi đã được hoàn toàn sáng suốt và đăc quả Chánh Đảng, Chánh Giác rồi, Ngài gia tâm đi hoằng hoá pháp mầu để rọi sáng dẫn dắt kẻ khác. Được hoàn toàn giải thoát, Ngài gia tâm giải thoát chúng sanh bằng một lối đường Trung Đạo. “Mở rộng cửa chân lý cho những ai muốn tìm chân lý, rót thẳng niềm tin tưởng vào tai những ai muốn tìm tin tưởng.” Đó là câu bất hủ mà ngài đã thốt ra lần đầu tiên, khi bắt đầu sứ mạng hoằng dương đạo pháp của Ngài.

Đầu tiên Ngài lập ra Giáo Hội Tăng Già chỉ gồm có năm vị Thanh Tịnh Pháp Sư, đó là 5 anh em Kiều Trần Như. Đây là hột giống đầu tiên hết sức nhỏ bé mà Ngài đã gieo, để rồi về sau này nở muôn ngàn đầy khắp bốn phương: Là  Giáo Hội Tăng Già ngày nay, khắp thế giới, một hệ thống tổ chức thật sự  dân chủ xưa nhất trong lịch sử  nhân loại. Khi rải các đệ tử đi hoằng hoá Giáo Pháp trong thiên hạ, Ngài gửi lời khuyên nhủ chư tăng như sau: “Hỡi chư Tỳ Kheo, các con hãy mạnh dạn ra đi, đi vì ích lợi cho chúng sanh, đi vì hạnh phúc an vui cho nhân quần, xã hội, đi vì thương xót nhân loại. Các con hãy đi khắp chốn, ban bố giảng dậy Pháp này là diệu Pháp hoàn toàn. Các con hãy nêu cao đời sống Thánh Đức khiết thanh, luôn luôn hoàn toàn và trong sạch.”

Riêng phần Ngài, là hoá thân của Đức Độ cao siêu, trí tuệ luôn luôn sáng suốt, đầy lòng nhân đạo, từ bi, bác ái, hy sinh không bờ bến, đêm nghỉ chỉ một giờ. Trong năm mười hai tháng, hết tám tháng Ngài dãi dầu phong sương khắp chốn, không quản gì thân. Ngài tế độ chúng sanh như vậy suốt bốn mươi lăm năm trường.

Một hôm, khi cảm thấy sức đã kiệt, ngày lâm chung săp đến, Ngài gọi tất cả đệ-tử về và nói: “Kiếp sống thật là ngắn ngủi, Thầy nay tuổi đã già. Thầy sắp xa lìa các con! Từ lâu vẫn nương tựa nơi Thầy.  Các con hãy cố gắng chuyên cần tinh tấn, hãy kỹ càng thận trọng và luôn luôn giữ một lòng đạo đức cao cả, với những tư tưởng trong sạch siêu mẫn, các con hãy giữ gìn bản tâm cho chu đáo. Nhờ tôn chỉ và kỷ luật này, với một đời sống tích cực hoạt động đạo đức, các con sẽ được thoát khỏi vòng sinh tử, tử sanh và chấm dứt được phiền não, đau khổ.  Vạn vật cấu tạo là nhứt dán, là vô thường.  Các con hãy cố gắng lên!

Năm ấy Đức Phật tám mươi tuổi thọ. Ngài trở về Kusinara, là một làng nhỏ bé xa xôi, nơi đây êm ái và an tịnh. Ngài tịch diệt, thân nằm êm giữa hai cây long thọ (Sala), hôm ấy đúng ngày rằm vào tháng Vesak. Như thế Vesak là ngày kỷ niệm gồm ba sự kiện: Giáng sanh, Thành Đạo, và Tịch Diệt của Đức Phật. Ngày nay Phật tử khắp hòan cầu cử  hành cuộc lễ gồm ba sự tích ấy, với một niềm tin  tuyệt vời và một đạo tâm chơn thành.

Ngày nay khoa học và văn minh càng tiến bộ, thì Đạo Phật càng được phát triển, vì hầu hết những khám phá trong khoa học hiện nay, thì Đức Thế Tôn đã nói ra cách đây từ 2566 năm về trước! các kinh sách của Đức Phật đã để lại cho nhân loại một kho tàng quý báu. Tất cả đều dựa trên cái Tâm và Trí  của thực thể con người, không ảo tưởng, không thần thoại, cũng không có cái gì là siêu hình, mê tín. Nên nhiều người nhận định, Phật Giáo là đạo sát với khoa học nhất, thì cũng đúng.

H.G. Wells, là một học giả người Anh đã viết: “Đức Phật là một nhân vật vô cùng giản dị, có Tâm Đạo nhiệt thành, tự lực một mình phấn đâu cho ánh sáng tươi đẹp, một con người sống, chứ không phải là một nhân vật của thần thoại, huyền bí. Bên sau cái bề ngoài hơi ly kỳ thần thoại, mà người đời hay gán cho ngài, chỉ thấy rõ một con người như bao nhiêu vị Giáo Chủ khác. Ngài cũng truyền lại một tuyên ngôn, một hệ thống giáo lý rộng rãi khả dĩ thích hợp cho khắp loài người. Bao nhiêu ý niệm văn minh của ta ngày nay, cũng hòa hợp được với giáo lý ấy. Ngài dậy rằng tất cả cái bất hạnh và phiền não của ta là do lòng ích kỷ mà ra, Ngài đã nhất định không sống riêng cho Ngài, mà phải sống cho kẻ khác, từ đó Ngài sống một cuộc đời siêu nhân trên tất cả mọi người. Xuyên qua trăm, ngàn ngôn ngữ khác nhau.

Đức Phật đã dậy đức từ bi, hỷ xả gần 600 năm trước Chúa Giêsu ra đời. Đứng về một phương diện nào đó mà nói, ta có thể cho rằng, Chúa với Đức Phật có nhiều chỗ giống nhau vậy. Đối với đời sống thực tại của ta, cũng như đối với vấn đề trường tồn bất hoại của kiếp ta, Đức Phật đã tỏ ra biết trước.

Thực vậy, Đức Phật đã nói:

Ta là Phật đã thành,

Các ngươi là Phật sẽ thành.

Vậy mọi người trên thế gian này, nếu có tâm đạo, có ý chí quyết tâm, tu thân, tích đức, loại trừ cái tham, sân, si mà đi theo con đường Đức Phật đã vạch ra, thì cũng sẽ thành Phật, không phải như các huyền thoại khác, lấy tôn giáo để mê hoặc con người, đi tìm một ảo tưởng vô hình. Đức Phật nói đúng, vì chính Phật cũng là một người như ta, nhưng Ngài đã vượt ra ngoài cái khuôn khổ của loài người. để đi tìm lấy một chân lý tối thượng, hầu truyền lại cho con người đi theo con đường Chân, Thiện, Mỹ. Để tiêu diệt cái “Tâm độc ác, cái Trí ngu muội”, trên trần gian. Đem đến cho mọi người được thân tâm an lạc, thanh bình, thịnh vượng, hạnh phúc và có trí sáng tạo.

Ông Bertrand Russell, một học giả triết gia hiện nay người Anh có nói: “Đức Phật rõ là một nhân vật chủ trương thuyết phi thiên cách cao thâm nhất từ cổ chí kim vậy”. Dựa theo giáo lý cuả Đức Phật, Ông Thomas Paine, một học giả uyên thâm khác đã viết theo lời Phật dậy: “Thế giới là nhà ta, nhân loại là anh em ruột thịt ta, và vi thiện là đạo ta”. Từ hơn hai ngàn năm trăm năm về trước, Đức Phật há chẳng nói: “Chớ nên làm ác, hãy làm lành, cố gắng lên, cố gắng làm cho tâm ngày càng trong sạch”. Đó là điều mà Đức Phật dạy chúng ta phải làm, chỉ có bấy nhiêu. Và chỉ nhờ có bấy nhiêu mà ta sẽ diệt đươc ba nạn là: Tham ái, sân hận, và si mê.

Để kỷ niệm ngày Đức Phật giáng trần và cũng là ngày Đắc Đạo sau sáu năm khổ hạnh và 49 ngày  tịnh toạ trên mớ cỏ khô dưới cội Bồ Đề tại Bồ Đề Đạo Tràng (Buddagaya). Hàng năm cứ gần đến ngày rằm tháng tư âm lịch, là toàn thể các tín đồ Phật giáo thuộc các giáo hội trên khắp thế giới, nao nức hân hoan tổ chức kỷ niệm ngày đản sanh. Để nhắc nhở người con Phật, ôn lại những răn dậy tinh hoa của Đức Thế Tôn, làm kim chỉ nam cho đời sống hiện tại cho mỗi người trên trần gian.  

Mặt khác, tưởng cũng nên nhìn lại lịch sử thế giới, ta thấy bao nhiêu bạo lực độc ác của các đế quốc tàn bạo để nô lệ hóa con người, như gần đây nhất, Nga xâm chiếm Ukraine, Trung cộng đòi chiếm Biển Đông, nhưng tất cả, đã và sẽ lần lượt tiêu tan theo thời gian ngắn ngủi! Chỉ có giáo lý cuả Đức Phật là còn tồn tại mãi mãi, bất diệt nơi tâm hồn của hàng triệu, hàng tỉ người Phật Tử nói riêng và nhân loại nói chung. Mỗi ngày một phát triển trên khắp năm châu. Lạ một điều, giáo lý của Đức Thế Tôn đang được phát triển tột đỉnh, rộng rãi trong lòng các dân tộc văn minh Tây Phương! chứ không phải ở Phương Đông!

Mừng Đại Lễ Phật Đản Trên Toàn Thế Giới

Phật Đản là ngày nghỉ lễ quốc gia tại nhiều quốc gia châu Á như Thái Lan, Nepal, Sri Lanka, Malaysia, Miến Điện, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Campuchia,…

* Đại Lễ Phật Đản Sri Lanka

Tại Sri Lanka, hai ngày được dành cho việc cử hành Vesākha, việc bán rượu và thịt thường bị cấm và tất cả các cửa hàng rượu, bia và lò giết mổ phải đóng cửa do nghị định của chính phủ. Chim, côn trùng và thú vật được phóng sinh như là một “hành động mang tính biểu tượng của sự giải thoát”, của sự trả tự do cho những người bị giam cầm, bị bỏ tù, bị tra tấn trái với ý muốn của họ.

* Đại Lễ Phật Đản Ấn Độ

Tại Ấn Độ, Nepal, người dân thường mặc áo trắng khi lên các tịnh xá và ăn chay. Tại hầu hết các quốc gia châu Á đều có diễn hành xe hoa và nghi lễ tụng niệm.

* Đại Lễ Phật Đản Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc có lễ hội đèn hoa sen (Yeondeunghoe) rất lớn. Còn gọi (Bucheonim osin nal) có nghĩa là “ngày Đức Phật đến”, bây giờ đã phát triển thành một trong những lễ hội văn hóa lớn nhất của quốc gia. Lễ hội Phật đản diễn ra tại nhiều nơi công cộng, và trên những đường phố. Trưng bày và diễn hành lồng đèn là một trong những chương trình tưng bừng và gây nhiều xúc cảm nhất.

 * Đại Lễ Phật Đản Miến Điện

Tại Myanmar, ngày Vesak cũng gọi là ngày của Kason. Kason là tháng thứ 2 trong 12 tháng theo lịch Myanmar. Đây là tháng nóng nhất trong năm. Nên trong khuôn khổ lễ hội Vesak, người dân nơi đây, với lòng thành kính, đặt những chậu nước tinh khiết trên đầu đội đến những tự viện tưới xuống cây Bồ đề. Họ tưới cây Bồ đề để cảm ơn giống cây này đã che chở đức Thế Tôn, trong những ngày thiền định trước khi chứng đạo và ước nguyện năng lực giải thoát luôn trưởng dưỡng trong họ.

* Đại Lễ Phật Đản Thái Lan

Thái Lan là quốc gia Phật giáo đã 5 lần tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc. Khí trời nóng bức và không mưa, người ta thường bắn pháo hoa với ước nguyện sẽ có mưa.

* Đại Lễ Phật Đản Trung Quốc

Tại Trung Quốc, Phật giáo đã có mặt gần 2000 năm. Phật giáo từng là tư tưởng dẫn đường chính cho chính quyền và người dân trong một số triều đại xưa. Lễ Phật đản được tổ chức từ thời Tam Quốc, đã ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội qua nhiều giai đoạn lịch sử. Nhưng ngày nay Phật giáo không còn ảnh hưởng nhiều trong xã hội Trung Quốc, từ khi theo xã hội chủ nghĩa. Người dân chỉ còn biết đến Phật giáo như là một tôn giáo lo ma chay, cúng kiếng, võ thuật… Lễ Phật đản chỉ có thể được tổ chức trong khuôn viên chùa, tu viện và ít được xã hội quan tâm.

* Đại Lễ Phật Đản Đài Loan

Phật giáo Đài Loan có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống thường nhật của người dân tại lãnh thổ Đài Loan. Từ năm 1999, ngày Phật Đản đã là một ngày nghỉ lễ quốc gia ở Đài Loan, được tổ chức hàng năm vào ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5 và trùng với Ngày của Mẹ. Nghi lễ thường bắt đầu với điệu nhảy truyền thống và hát ca khúc Phật giáo. Một bức tượng của Đức Phật kèm theo âm nhạc, được rước vào địa điểm và buổi lễ bắt đầu với phần dâng cúng năm vật là hoa, trái cây, hương, thực phẩm và đèn cho Đức Phật

* Đại Lễ Phật Đản Nhật Bản

Tại Nhật Bản, Phật giáo truyền đến từ cuối thế kỷ thứ VI và là tôn giáo chính trong giai đoạn trung và đầu cận đại. Ngày nay, vai trò của tôn giáo ít ảnh hưởng mạnh đến đời sống thường ngày ở Nhật Bản. Lễ Phật đản thường gắn liền với Lễ hội Hoa Anh đào, cũng chỉ giới hạn trong phạm vi tu viện và trong quần chúng Phật tử.

* Đại Lễ Phật Đản Việt Nam

Gần 90% dân số VN theo Phật Giáo, nên Lễ Phật đản được công nhận là một ngày nghỉ lễ (quốc lễ) chính thức tại miền Nam Việt Nam, bắt đầu từ năm 1958, do chính phủ Đệ Nhất Cộng hòa của chính thể Việt Nam Cộng hòa thông qua.

Vào ngày này, người dân tự do tưng bừng tổ chức rất nhiều sinh hoạt, đời cũng như đạo. Cúng lễ tại các chùa, kèm theo nhiều chương trình văn nghệ. Ngoài đường phố, hàng đoàn xe hoa nhiều mầu sắc diễn hành. Cờ Phật Giáo, nhạc Phật vang lừng khắp nơi. CS đã lợi dụng sự tự do này, xúi dục tổ chức nhiều cuộc biểu tình, nhằm làm mất an ninh tình hình hậu phương, cũng nhằm bôi xấu “chính thể VNCH đàn áp tôn giáo” trước dư luận quốc tế.

Sau khi chấm dứt chiến tranh Việt Nam năm 1975, cộng sản chủ trương vô thần, nên mọi hoạt động tôn giáo đều bị cấm. CS còn tuyên truyền “VN ta có “Bác Hồ” không thờ, thờ chi những Ông Ấn Độ, Do Thái!” Thì ngày này không còn là ngày lễ quốc gia nữa! Mọi hoạt động tôn giáo đều phải có giấy phép! Mặc dù có giấy phép, vẫn bị công an quấy nhiễu. Đàn áp nhiều nhất, vẫn là các sinh hoạt của Phật Giáo Hòa Hảo.

Tuy nhiên, những những năm gần đây, ngày Phật Đản được coi là một ngày lễ hội quan trọng, thu hút sự tham gia không chỉ của Phật tử, mà còn là của người dân trên mọi miền của Việt Nam.

Thấy tình hình, dư luận người dân ngả theo như thế, nên ngày này, cũng nhận nhiều sự quan tâm của nhà cầm quyền CS, thường cử các phái đoàn tham dự các buổi lễ, phát bằng khen.

Nhiều chùa “Quốc Doanh” trên bàn thờ Phật, còn có tượng HCM! Sư giảng Phật Pháp, còn chen vào những bài giảng chính trị.

Còn thực tế bình thường, thì mọi buổi lễ Phật đản chung của các huyện, đều có sự tham gia của chủ tịch huyện và các chuyến thăm của chủ tịch mặt trận Tổ quốc, Nếu chùa nào trong hệ thống quốc doanh, còn nhận được sự hỗ trợ kinh phí trong công tác tổ chức Phật đản.

Ngoài ra vào ngày này, các tổ chức từ thiện của Phật giáo, thường tổ chức các hoạt động thăm hỏi, những người khó khăn, trẻ em mồ côi tại các nhà tình thương, những người già neo đơn không nơi nương tựa. Đây chính là điều quan trọng nhất của Đạo Phật, trong việc xây dựng Đạo của sự Từ Bi.

Danh ngôn Phật Pháp

*Về chân lý cuộc đời

Sau đây là những câu danh ngôn Phật pháp và đời sống giáo huấn con người nhận ra chân lý, lẽ phải, để biết cách sống tốt hơn, đẹp hơn:

– Người Phật tử hãy nên nhớ, sở dĩ con người ta đau khổ chính vì mãi đeo đuổi những thứ sai lầm, do không tin sâu nhân quả và tin chính mình là chủ nhân của bao điều họa phúc.

– Nếu chúng ta không muốn rước phiền não vào mình, thì người khác cũng không thể làm cho ta phiền muộn khổ đau, vì ta đã có cây kiếm trí tuệ, nhờ nghe và biết chiêm nghiệm, để rồi tu sửa và làm chủ bản thân.

– Chúng ta hãy luôn cám ơn nghịch cảnh, vì chính khó khăn đó đã giúp cho ta có cơ hội quay lại chính mình. Nhờ vậy tâm ta an tĩnh, sáng suốt mà tìm ra phương hướng để khắc phục.

– Khi ta vui, ta biết mình đang vui và luôn tâm niệm rằng niềm vui này không phải là vĩnh hằng. Khi ta đau khổ do một hoàn cảnh bức bách nào đó, ta nên biết nỗi khổ này cũng không thể lâu dài, vì ta biết buông xả.

– Sự chấp trước của ta ngày hôm nay, sẽ là niềm hối hận cho mai sau, bởi vì ta đã làm tổn thương đến nhiều người, dù có ăn năn hối lỗi, trái tim ta vẫn rỉ máu.

– Bất mãn là thái độ thiếu khôn ngoan và sáng suốt, người trí càng nỗ lực tu học và dấn thân đóng góp nhiều hơn nữa, khi mọi việc chưa được tốt đẹp, để không bị rơi vào trạng thái tiêu cực.

*An lạc trong cuộc sống

Chìa khóa của sự an lạc trong cuộc sống, chính là biết buông bỏ đúng lúc, những gì không thuộc về mình và trân trọng những gì hiện có. Sau đây là những danh ngôn Phật pháp giúp ta biết cách sống an nhiên, tự tại hơn:

– Chúng ta nên nhớ khi con người có quyền và tiền trong tay, thì hạnh phúc tinh thần sẽ mất đi. Vì lo sợ mất mát, sợ người chiếm đoạt và sợ kẻ thù, những thứ không thuộc về mình, mà cố nắm giữ, chỉ gây thêm phiền muộn khổ đau.

– Người Phật tử hãy cho qua hết việc buồn đau, được mất, hơn thua, không gieo oán giận thù hằn, để tâm an ổn, mà sống đời hạnh phúc, ngay tại đây và bây giờ.

– Con người sống không thể không có niềm tin, nhưng niềm tin đó phải là chánh tín nhân quả, được xây dựng trên cơ sở có chánh kiến, chánh tư duy, bằng sự thấy biết chân chính nhờ biết từ bi hỷ xả.

– Người Phật tử chân chính hãy cho qua hết mọi đam mê có hại đến người và vật, biết phát huy tinh thần giúp đỡ sẻ chia, bằng tình người trong cuộc sống.

– Chúng ta nên biết, không tranh thì an ổn, không giết không hại người vật, thì an nhiên tự tại trong mọi hoàn cảnh. Người hay giúp đỡ sẻ chia, thì tâm từ bi rộng lớn mà sống đời an vui, hạnh phúc.

– Người biết đủ, là người giàu có hạnh phúc nhất, vì không thấy thiếu thốn, người tham lam ích kỷ, hà tiện keo kiệt, dù có nhiều tiền vẫn là người nghèo nhất thiên hạ, vì tâm toan tính sợ mất mát.

Danh ngôn về giá trị cuộc sống

Những câu danh ngôn Phật giáo với những giá trị sâu sắc dạy ta hiểu hơn về quy luật sống của thế gian. Hoa nở hoa rơi rồi hoa tàn, tiền tài địa vị cũng sẽ tan, cao sang danh vọng rồi cũng tàn.

– Chúng ta sống phải có niềm tin chân chính về nhân quả thiện ác, do chính mình tạo ra, niềm tin này không phải là tin vào một đấng thượng đế, có khả năng ban phước giáng họa, hay tin vào một điều gì mà mình không hiểu, không biết.

– Người Phật tử phải có hiểu biết, có yêu thương, có trí tuệ, có từ bi và làm lợi ích cho nhiều người, mà không bao giờ tính toán, so đo, nhờ vậy ta sẽ sống bình yên và hạnh phúc.

– Chúng ta phải biết buông bỏ những kiến chấp sai lầm và các tạp niệm xấu ác. Nhờ vậy cuộc sống lúc nào bình yên hạnh phúc, trong từng phút giây.

– Mọi người không nên tiếc nuối về quá khứ tốt xấu, đúng sai mà đánh mất chính mình trong hiện tại, vì ta đang sống hạnh phúc trong từng phút giây của thương yêu và hiểu biết.

– Người Phật tử khi đến chùa đọc kinh nghe pháp, khi hiểu rõ lời Phật dạy, sau đó mới đem áp dụng vào cuộc sống của mình, để có được hạnh phúc cho bản thân, và đem lại lợi lạc cho gia đình xã hội.

– Một niềm tin thiếu hiểu biết gây tác hại, ảnh hưởng xấu, làm trở ngại cho sự phát triển, tiến bộ của xã hội, gieo bất an, khổ não cho nhiều người, thì đó không phải là niềm tin đúng đắn, chúng ta cần loại bỏ.

*Danh ngôn về triết lý nhân quả

Những câu danh ngôn Phật pháp về luật nhân quả, răn dạy chúng sanh phải biết tạo nghiệp tốt, để nhận được quả ngọt:

– Hiểu và ứng dụng lý nhân quả vào trong đời sống hằng ngày, chúng ta sẽ không đổ thừa do số mệnh định sẵn, hay có sự an bài của đấng tạo hóa nào đó, mà không vươn lên làm mới lại chính mình, thay đổi hoàn cảnh cuộc sống.

– Đối với thức ăn vật chất, Đức Phật dạy không nên ăn nhiều, chỉ ăn vừa đủ giúp cơ thể khỏe mạnh, không nên ăn những gì không thích hợp với cơ thể. Đó là cách ăn của chư vị Tổ sư đã thể nghiệm, nên đưa ra pháp tu tương ứng, nhằm duy trì mạng sống chúng Tăng được khỏe mạnh.

– Chúng ta đừng để tâm chạy theo những mối ưu tư của nó, giống như những người bình thường, chưa biết quán sát hơi thở là gì. Một khi ta đã có chỗ an trú, để giữ con khỉ tâm thức, thì nó ngày càng bớt ngang ngạnh và từ từ bớt rong rủi chạy tìm.

– Chúng ta chỉ làm một việc duy nhất, là đơn thuần theo dõi và nhận biết hơi thở rõ ràng, thở vô mình biết mình đang thở vô, thở ra mình biết mình đang thở ra. Hơi thở dài hay ngắn là tùy theo khả năng của mỗi người.

– Ngu dốt là sự không hiểu biết của con người, nên ngu dốt cũng đem tới nhiều tai hại cho bản thân, gia đình và xã hội. Có thể nói, ngu dốt là không có kiến thức, không tin sâu nhân quả, không hiểu biết chân chính về mối tương quan trong thế giới mình đang sống.

Mong rằng với những câu danh ngôn Phật pháp  trên sẽ giúp cho Quý Vị tìm ra được giá trị cuộc sống và tâm hồn sẽ trở nên an yên, thanh thản.

LÊ VĂN HẢI

Ba Bài Thơ Mừng Khánh Đản:

Chùa làng

 Chùa làng soi bóng hồ sen

Tháng Ba đom đóm rước đèn hoa đăng

Rủ nhau đi cấy sáng trăng

Thoảng mơ tiếng mõ đêm rằm nhặt khoan…

Giọt chuông thánh thót tam quan

Nhành mai gọi chú bướm vàng vờn hoa

Sân chùa tiểu quét lá đa

Khói nhang trầm mặc, la đà câu kinh…

Sương vương hồng đóa môi xinh

Gót tiên đội nắng bình minh lên chùa

Thềm nào rụng quả táo chua?

Thị Màu rình rập bỏ bùa áo nâu…

Về làng hồn tựa vào đâu?

Mái chùa cong vút xanh màu rêu phong

Lại đi cấy giữa sáng trăng

Lại nghe tiếng mõ đêm rằm… nhặt… khoan…

Hoàng Anh Tuấn

*

Trầm Hương Khánh Đản

*

Sớm nay trời ửng nắng hồng

Lời chim hót, tiếng ca trong ngọt ngào

Hải triều âm dậy dạt dào

Hỏi ra mới biết Phật vào cõi hương

Sớm nay nhân thế triều dương

Tin vui truyền khắp mười phương đất trời

Vinh quang hạnh phúc cõi người

Ca tì la vệ rạng ngời pháp thân

Rằng nghe Linh thoại ngàn năm

Ưu đàm hoa nở trăng rằm tỏa hương

Viên thành diệu sử một chương

Đản sinh Văn Phật ơi hương ơi trầm

Trời xanh hiện cát tường vân

Trần gian xuân sắc thanh tân diệu kỳ

Mười phương một niệm Tam quy

Chân như hiện bóng từ bi cát tường.

Hạnh Phương

*

Mừng Phật đản

1.

Hai nghìn năm kinh sử truyền ghi

Một sáng tháng Tư đẹp diệu kỳ

Khắp cõi nhơn thiên bừng tỏ rạng

Đón mừng Phật đản, đấng Từ bi.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Ra đời mở cửa huyền vi nhiệm mầu

Cứu muôn loài thoát khổ đau

Đến bờ an lạc dạt dào yêu thương.

2.

Hôm ấy Tỳ Ni bỗng lạ thường

Vô ưu nở rộ ngạt ngào hương

Líu lo chim hót, hoa khoe sắc

Thiên nhạc ngân vang mọi nẻo đường.

Hân hoan nô nức muôn phương

Mừng bậc xuất thế phi thường giáng sinh

Ba ngàn thế giới chuyển mình

Ca Tỳ mở hội cung nghinh thân vàng.

3.

Thắp nén hương lòng con kính dâng

Mừng ngày Phật đản, niệm hồng ân

Nguyện cùng muôn loại đồng khai ngộ

Thông điệp Từ bi chiếu rỡ ràng.

Lưu truyền khắp cõi nhơn gian

Đạo mầu tỏa ánh từ quang rạng ngời

Chúng sanh thoát cảnh lầm mê

Nương nhờ pháp lạc, lối về thong dong.

Tâm Chơn

Chúc Mừng Đại Lễ Phật Đản PL 2566. DL 2022

error: Content is protected !!