Tác giả và Tác Phẩm

THI SĨ CHƯỞNG MÔN HÀ THƯỢNG NHÂN CHỊU PHÉP THÁNH TẨY.

Thơ văn của các văn nhân, thi sĩ gởi thăm cụ Hà Chưởng Môn.

 

 Nhạc phổ thơ :  Long Giao Nẻo cụt (NS Nguyễn Văn Thành)
                      Nỗi Lòng Đêm Trăng (NS Hoa Sơn)
                      Mưa Buồn Long Giao (NS Vũ Đức Nghiêm)

   

Phép lạ của Chúa Thánh Thần đã đưa ân sủng đến San Jose.

Hôm nay là một ngày trọng đại. Phép lạ của Chúa Thánh Thần đã đưa ân sủng đến San Jose.

Tháng Bảy vừa qua, một tháng đáng ghi nhớ đối với người đàn anh khả kính của chúng tôi, một tháng sảy ra bao chuyện đổi rời.

Ðầu tháng Bảy người bị té. Chuyện té đối với người như cơm bữa. Tuần phải té vài ba lần. Mỗi lần té tuy không đứng dậy phủi tay, nhưng cũng không có gì trầm trọng. Lần té tháng bảy này khác, nặng hơn nhiều. Nặng đến nỗi phải cấp cứu vô nhà thương. Vào nhà thương phải vá đầu lại, may mấy mũi phía sau ót. Cũng vì mấy mũi may này là đầu ngứa nên phải xuống tóc. Sau nhà thương người được chuyển về nhà an dưỡng ở đường Alvin. Tưởng rằng phải nằm đây vĩnh viễn nên người gọi anh em phải cứu người ra khỏi nurshing home. Cũng may, sau ba ngày người được cho về nhà. Về đến nhà, người tỉnh táo, gần như trở lại bình thường.

Trong suốt thời gian trên, từ tư gia đến bệnh viện, qua nhà an dưỡng, lúc nào bên giường nằm cũng có người thăm hỏi, từ cháu con trong gia đình, em út trong các thi văn đoàn đến bằng hữu khắp nơi đổ về. Tuy không nói được nhiều nhưng ánh mắt lộ phần cảm động và hạnh phúc. Trên mạng, các thư thăm, thơ họa chúc sức khỏe bay về tới tấp trên điạ chỉ của Văn Thơ Lạc Việt mà người làm cố vấn. Mọi người đều muốn bày tỏ tình yêu thương đối với người.

Nằm dưỡng bệnh tại gia, người được một người khách thân tình quen biết cũ đến thăm và từ đó một phép lạ sảy ra. Linh mục Cao Phương Kỷ là người khách thân tình của hơn mười năm trước. Mỗi lần về San Jose cha đều đến thăm mang những lời an ủi khích lệ cho nên mới có buổi hôm nay.

Hơn chín mươi tuổi, suốt đời sống trong sự nghiệp thi ca, đã để lại cho nền văn học hơn 10 ngàn bài thơ. Bài ngắn 4 câu, bài dài 300 câu. Với hơn 100 ngàn câu thơ ấy thì chứa đựng biết bao tình. Tình nhà, tình nước, tình bè bạn, tình yêu cho hết thảy mọi người. Người ca tụng và ban phát tình yêu. Nhưng tất cả tình yêu ấy dù có gom lại cũng không bằng tình yêu cao cả mà người đón nhận hôm nay . Tình yêu Chúa thể hiện trên muôn loài, nhưng tình yêu đặc biệt của Chúa vẫn dành cho Hà Thượng Nhân trong ngày đặc biệt này. Từ cuộc sống bình thường, anh Phạm Xuân Ninh đã đón nhận tình yêu Thiên Chúa trong tâm linh để có một đời mới, hướng đi mới, suy tư mới và những vần thơ mới.

Bóng cây Cù Mộc và Quế hòe đã từng che bóng mát cho gia đình, cho con cháu và cho cả anh em bằng hữu. Nay Cù Mộc, Quế Hòe được lãnh nhận ánh sáng mặt trời huy hoàng soi rọi sẽ lớn hơn, mạnh hơn để tỏa bóng ra khắp mọi nơi, mọi chốn như ân sủng người lãnh nhận hôm nay.

Xin ơn trên phù hộ chúng ta.

Ðông Anh

 

Chúa không lầm

                                                                   

 

Chúa không lầm khi Ngài dựng nên con

Đêm mẹ hoài thai đã vương tội lệ

Tội dài mạch sông tội sâu đáy bể

Tội tình con lỡ phạm trước nhan Ngài

Xin dùng cành hương thảo nhẹ ra tay

Bùn nhơ nhuốc sẽ trắng trong hơn tuyết

Dúm xương mục nghiền tan lòng mộ huyệt

Được nhẩy mừng ca tụng ánh dương quang

Bởi con là con cái Chúa cao sang

Tình Yêu Chúa lớn lao hơn Tội Lỗi

Mở cho con đường thiêng liêng sám hối

 

Chúa không lầm khi Ngài dựng nên con

Nẻo trần gian bước mỏi chẳng cô đơn

Con bên Chúa Chúa dìu con dặm thẳm

Hồn yếu đuối đựng xác thân chĩu nặng

Nụ hôn nào thiêu đốt trọn thịt da

Tai điếc miệng câm đôi mắt mù lòa

Tê đầu lưỡi biết vị nào đắng ngọt

Cõi u mê ngỡ thiên đường vang hót

Lời uyên ương đắm đuối kiếm tìm nhau

Thủa ban sơ tình cuối gọi tình đầu

Hoa nửa buổi ngỡ hoa lòng bất tử

Tình một đời tưởng đỗ bền muôn thủa

Cõi tạm nào chẳng một thoáng chiêm bao

Dẫu thắm tươi ngàn hoa lựu hoa đào

Con đường hẹp chính con đường sự sống

Đường quê trời mở thênh thang cao rộng

Gót chứng nhân mạnh mẽ vượt ngàn non

Chúa không lầm khi Ngài dựng nên con

 

Băng Đình

29-7-2009

 

———————-

                      

Thăm thi sĩ Hà Thượng Nhân

Đông Anh

 

Ngày thứ Tư vừa qua chúng tôi lên nhà thương Regional Medical Center San Jose thăm nhà thơ Hà Thượng Nhân. Lúc đó khoảng 11 giờ sáng. Hỏi tên họ tại phòng tiếp tân, chúng tôi lên thẳng lầu 3 phòng 311.

Ngày Thứ Hai, điện thoại nhà Anh Hà bận liên tục khiến chúng tôi không liên lạc được. Thường ngày đầu tuần anh em thuộc cơ sở Văn Thơ Lạc Việt hay lên thăm bậc trưởng thượng và mời anh đi ăn trưa. Mỗi lần mời anh đi ra ngoài phải có hai người đi kèm để anh khỏi ngã. Tháng trước nhà văn Thanh Thương Hoàng chở anh ra ngoài, khi anh mất thăng bằng, ông Hoàng chạy tới đỡ khiến hai người cùng té, vì vậy mấy độ sau này ít người đến mời anh đi ăn trưa. Ai cũng ngại không đủ sức đỡ anh.

Ngày hôm sau, thứ Ba chúng tôi điện thoại lên thăm nhà thơ Hà Thượng Nhân mới hay anh đang nằm nhà thương. Con anh cho biết ngày hôm qua phải gọi xe cứu thương đưa anh vào nhà thương vì bí tiểu.

Ngày thứ ba, khi chúng tôi tới thăm, anh vẫn phải thông tiểu bằng ống dẫn từ bàng quang ra ngoài. Anh cho biết mỗi lần y tá đặt ống thì đau lắm. Bây giờ giữ cái ống theo người thật là khó chịu, chỉ muốn giật ra thôi.

Cô con gái tên Thục mới từ Oklahoma qua thăm và săn sóc bố. Mỗi lần anh khát nước, cô Thục phải nâng giường lên cao, để ống hút vào miệng cho bố hút. Chỉ nhắp một tý thôi đã sặc rồi, con vội vàng hạ giường xuống để bố thở. Cô chăm sóc tận tình, nói năng từ tốn nhẹ nhàng. Cô cũng cho biết chiều hôm qua mẹ có ở đây với ba, đút súp cho ba ăn làm cho cơn đau của ba dịu đi.

Cô dịu dàng hỏi ba có biết ai đến thăm ba không? Anh nói biết, nhưng tôi cũng tự giới thiệu và trình diện mọi người với anh. Khi đưa cuốn đặc san Lê Hoa Xuân Kỷ Sửu 2009 do Cụ Lê Duy Hồng từ San Diego biếu nhờ chuyển đến anh, anh vội mở trang tìm bài thơ của anh gửi đăng. Anh tìm vậy thôi chứ đâu có thấy gì, tôi phải lật trang có bài thơ Xuân Vẫn Còn Đây đưa anh xem. Anh không đọc được. Một con mắt bên phải đã không còn nhìn thấy sau khi bác sĩ mắt điều trị bằng tia laser. Con bên trái chỉ thấy lờ mờ. Nhìn dáng người, nghe tiếng, đoán được là ai nhưng xem chữ thì không thấy rõ được.

Anh nói với chúng tôi về tuổi thọ của Cụ Hồng, hội trưởng hội Lê Tộc, năm nay cũng 96 tuổi rồi mà còn chịu khó và minh mẫn làm đặc san Xuân hàng năm. Chợt anh nhìn lên và hỏi anh này là Trầm Tử Thiêng phải không? Tôi vội vàng đính chính đây là nhà thơ Phan Tưởng Niệm ở San Jose, Trầm Tử Thiêng đã đi lâu rồi.

Tôi hỏi ban đêm nằm buồn một mình anh có làm thơ không. Có chứ. Anh cho nghe vài câu đi. Quên rồi. Những câu thơ làm ra và quên đi trong khoảnh khắc chắc phải là những câu thơ xuất thần!

Anh nằm nhìn lên trần nhà nói chuyện văn chương về Võ Phiến, về báo Tự Do, về báo Tiền Tuyến, về Sài Gòn. Các chuyện anh nói không liên tục, không mạch lạc. Đang nói về Võ Phiến lại chen chuyện Chu Tử vào. Anh cứ nói không cần có người nghe. Chúng tôi đưa đẩy câu chuyện để anh có dịp nói. Thấy anh nói say sưa, đôi mắt lấp lánh sau mỗi câu chuyện, khuôn mặt rạng rỡ như đang sống lại kỷ niệm xưa. Tất cả chúng tôi cố gắng nghe nhưng không hiểu vì tiếng được tiếng mất, song cũng lây cái hạnh phúc mà anh đang có. Không ai nỡ cắt, không ai nỡ bỏ đi. Anh nhấp chút nước rồi lại lan man nói tiếp.

Tôi mời anh đi họp với Văn Thơ Lạc Việt, cô Thục hỏi anh có đi không, anh trả lời đi chứ rồi hỏi ai đến đón. Chinh Nguyên. Ờ được.

Ngày Thứ Năm 16 tháng 7, nhà thương RMC đưa anh về thẳng nhà an dưỡng do bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi làm chủ ở đường Alvin, San Jose.

Nơi này hơn mười năm trước tôi đã đưa anh đến thăm một người bạn hàng xóm ở Sài Gòn năm xưa. Anh Đỗ Hữu Bài người cùng khóa Cương Quyết Võ Bị 54 với tôi, anh bị cơn đột quỵ năm 1987 sau đó vào an dưỡng tại đây. Anh ở đây tới khi mất vào năm 2000, tính ra 12 năm có lẻ, người trụ trì dài kỷ lục ở nhà an dưỡng. Anh đã từng chứng kiến những người bạn Việt Nam vào sau đi trước rất nhiều. Ở đây anh thèm đủ thứ. Thèm mùi nước mắm, thèm phở, thèm lá húng quế, thèm bóng vợ con, thèm tình bè bạn. Cũng tại nơi này anh Hà Thượng Nhân đã đến dự sinh nhật của nhà văn Phạm Huấn và nhà thơ Hoàng Anh Tuấn do em của Phạm Huấn là Phạm Hùng tổ chức cho anh mình. Cũng từ nơi này Hoàng Anh Tuấn và Phạm Huấn đã ra đi.

Bây giờ anh Hà Thượng Nhân lại đến đây như một cái vòng nhân sinh của tạo hóa bầy ra dẫn tới. Có lần anh nhắc tới nurshing home và mong được vào đó như là niềm vui lúc tuổi già. Không biết anh còn nghĩ đó là niềm vui hay không.

Chiều Thứ Năm, lúc 7 giờ, nhà thơ Chinh nguyên thay mặt anh chị em Lạc Việt vào thăm thi sĩ Hà Thượng Nhân, cố vấn tối cao. Anh nằm trong ánh sáng mờ ảo của căn phòng, ngủ như mê, phải gọi mãi mới tỉnh dậy. Phòng 104 ngay cánh trái của khu an dưỡng. Không có điện thoại mà nếu có anh Hà cũng không nghe được, nhưng bằng hữu đến thăm thì lúc nào cũng chấp nhận. Chỉ cần nghe giọng nói và tiếng cười cũng đủ vui. Chiều Thứ Sáu vào thăm thấy anh đã tỉnh và khỏe hơn nhiều. Buổi sáng chị và các cháu quây quần chăm sóc. Râu đã cạo, tóc đã chải trông quắc thước vô cùng.

Anh bắt đầu một cuộc sống mới. Cuộc sống dần dần xa lánh mọi tục lụy và quên dần chuyện thơ phú văn chương.

 

Trong cái cảm nghĩ như thế tôi xin mạn phép viết thay anh Hà Thượng Nhân bài thơ như sau:

Vào nhà an dưỡng mấy hôm nay

Chợt hỏi trong lòng tỉnh hoặc say?

Đêm mộng hồn ma chàng Phạm Huấn

Ngày mơ bóng dáng bạn Hoàng Tây*

Câu thơ văng vẳng tâm còn động

Hương rượu nồng nàn mắt vẫn cay

Chữ nghĩa văn chương ngoài cánh cửa

Đời người như thể gió mây bay

·           "           Nhà thơ kiêm đạo diễn Hoàng Anh Tuấn tốt nghiệp từ Pháp nên hay gọi là Tuấn Tây.

 

Đông Anh

4 giờ sáng ngày Thứ Sáu 17 tháng 7 năm 2009


Bản tổng kết này sắp xếp theo thứ tự đã nhận được. Nay đưa lên net, trang Văn Thơ Lạc Việt để mời Quý Vị đọc chơi cho vui. Riêng bản dành cho Hà Chưởng Môn đã được in ra chữ lớn và đậm để người dễ đọc.

Thi sĩ Hà Thượng Nhân đã đọc rồi và nhờ tôi chuyển lời cảm ơn đến toàn thể Quý Vị đã quan tâm thăm hỏi với những ân tình không bao giờ quên.

Ghi chú: Cụ Hà đã về nhà rồi. Trở về mái nhà xưa cụ rất vui.

Kính chúc Quý Vị An Khang.

Thân ái/Ðông Anh

 

Thi sĩ Hà Thượng Nhân vào nhà dưỡng lão

Bài Xướng Ðông Anh viết thay cụ Hà

 

Vào nhà an dưỡng mấy hôm nay

Chợt hỏi trong lòng tỉnh hoặc say?

Ðêm mộng hồn ma chàng Phạm Huấn

Ngày mơ bóng dáng bạn Hoàng Tây *

Câu thơ văng vẳng tâm còn động

Hương rượu nồng nàn mắt vẫn cay

Chữ nghĩa văn chương ngoài cánh cửa

Ðời người như thể gió mây bay

* Hoàng Anh Tuấn

 

Ðông Anh

 

 

* Băng Ðình viết:

 

Với Ðông Anh, Lỗ Chiếu Môn tôi có tình anh em đồng đội từ Tiểu Ðoàn 3/12 Sư Ðoàn 4 Dã Chiến (tiền thân Sư Ðoàn 7 Bộ Binh) từ cuối thập niên 50. Và kỷ niệm để đời “Chợ Nhỏ Ðêm Mưa”&

 

Với Hà Chưởng Môn thì Phát Thanh Sài Gòn, Chiến Tranh Tâm Lý, sau cùng lai rai góp bài cho Tiền Tuyến&

Mấy năm trước tôi được hân hạnh gặp gỡ anh chị trong một tiệc cưới tại Wichita, Kansas. Thành phố có kích thước khiêm nhường giữa miền Ðại Thảo Nguyên song lại mệnh danh là Thủ Ðô Hàng Không và Không Gian Quốc Tế

 

Mỗi lần ghé San Jose thế nào tôi cũng được ông anh Ðông Anh đưa tới thăm Lão Thi Hữu Chưởng Môn, tiếp theo là những bữa ăn thịnh soạn& Tiếc một điều tôi không biết uống bất cứ loại rượu nào trừ rượu & tình.

 

Ðược tin báo về sức khỏe Chưởng Môn, chân tôi đã có vấn đề, nên liên tiếp 3 ngày, qua điện thư gửi tới hai vị huynh trưởng kiêm bạn thơ già:

 

Họa Ðông Anh vịnh Hà Thượng (1)

 

ÐÃ CÓ XƯA THÌ PHẢI CÓ NAY

TỈNH RỒI MỚI BIẾT TRẢI CƠN SAY

TỪNG PHI VÓ NGỰA BỜ SÔNG MÃ*

MỚI LỘNG HỒN THƠ KHẮP CÕI TÂY

NHỮNG TƯỞNG ÐỒNG NAI VÙNG TRÁI NGỌT

NÀO NGỜ HIỆP CHỦNG MIẾNG GỪNG CAY

“QUỐC THÙ VỊ BÁO ÐẦU TIÊN BẠCH”

THƯỢNG TRỜI XANH MÂY TRẮNG BAY

 

BĂNG ÐÌNH

17-7-09

* Hà Chưởng Môn gôc Thanh Hóa

 

Họa Ðông Anh vịnh Hà Thượng (2)

 

Thi phú vườn Thanh bấy đến nay

Tám câu bẩy bước Huế còn say

Hoàng Trinh một thủa trời phương bắc

Hà Thượng bây giờ đất hướng tây

Tiền Tuyến bút thay gươm lẫm liệt

Thanh Chương thơ giả gạo chua cay

Chín mươi chưa chẵn chòi đâu nhé

Hà Chưởng Môn còn xoải cánh bay

 

BĂNG ÐÌNH

18-7-09

 

Họa Ðông Anh vịnh Hà Thượng (3)

 

Kể chuyện xưa vì cuộc sống nay

Tạm Dung mình chuốc lấy cơn say

Phát thanh sang sảng nam qua bắc

Báo chí rạch ròi đông tới tây

Hương lửa Việt Viêm đâu dễ tắt

Tội tình Âu Lạc dẫu còn cay

Xuân Ninh Phạm vẫn Hoàng Trinh đó

Thơ gọi Tình ta chắp cánh bay

 

Băng Ðình

19-7-09

 

* Phan Bá Thùy Dương viết:

 

Ðại huynh thân kính

Cám ơm huynh đã cho đọc bài viết thât cảm động về cụ Hà. Tôi đang bận tiếp 2 người bạn từ Úc và Pháp sang thăm, mỗi ngày đều đưa họ đi đây đó, cuối tháng họ mới rời Mỹ. Rất nóng lòng, nhưng không thể bỏ đi ngay. Sau khi họ rời Mỹ tôi sẽ lên thăm tiên sinh và đại huynh.

Văn đàn Ðồng Tâm và anh Mạc Phương Ðình đã đôi ba lần nhờ tôi viết về cụ Hà. Sáng thứ hai vừa rồi tôi đã hứa với họ. Chắc ngày tôi lên sẽ cho Hà tiên sinh xem qua trước khi trao cho VDDT.

Khi nào huynh có dịp thăm cụ thì cho cụ biết tôi rất nhớ và lo lắng về hiện trạng của tiên sinh.

Tình thân,

PBTD

 

* Họa “Thi sĩ Hà Thượng Nhân vào nhà dưỡng lão”

 

Chân yếu ru mà té bấy nay,

Thương ông, nghĩ phận cũng từng say !

Tiếng cha khuyên bảo, như mưa bắc,

Lời mẹ răn đe, tựa gió tây.

Thơ phú như Huynh trời chẳng ngọt,

Văn chương cỡ đệ đất còn cay !

Ví như nam tử được 3 cẳng,

Bão thổi, thi nhân dễ đã bay ?!?

 

CỤ VĂN

 

 

* BÀI HỌA VẬN

 

An dưỡng Ông vào mấy bữa nay

Bơ phờ vừa tỉnh lại vừa say.

Tâm thần bất định mơ trời Việt,

Trí não vô minh mộng cõi Tây.

Thi phú Ngự Bình (1) lòng vẫn đắng,

Văn chương Bạch Hổ (2) dạ hằng cay.

Tình thư một bức trao ai nhỉ ????

Phất phới Trường Tiền vạt áo bay (3)

 

San Jose , 18-7-2009

TRƯỜNG GIANG

 

GHI CHÚ :

(1+2) Núi Ngự Bình và cầu Bạch Hổ là hai địa điểm mà Thi Hoàng và Trúc Tiên thường rủ nhau lên chơi lúc còn ở tuổi học trò.

(3) Là tên một bài thơ của Thi Hoàng tặng Bích Hoàng để nhớ lại tình cảm giữa hai người khi còn học tại Huế.

 

Ngô Minh Hằng viết: (Xin gởi lời ki’nh thăm bịnh Cụ Hà – Chúc Cụ mau bình phuc.)

 

* Kính Họa

Thi sĩ Hà Thượng Nhân vào nhà dưỡng lão

 

Cụ bịnh, nghe tin mấy bữa nay

Hỏi thăm, Cụ ngủ, giấc đang say

Vào mơ, nhớ bạn còn phương Bắc (1)

Ra tỉnh, thương mình vẫn cõi Tây (2)

Cung cũ, Ðàn Ngang, tìm vị ngọt (3)

Dòng xưa, lội ngược, thấm mùi cay(4)

Hậu sinh chúc Cụ mau bình phục

Ðể áng thơ thần lại vút bay …

 

Ngô Minh Hằng

 

1- Lúc ngủ, Cụ mơ, nhớ lại bạn bè, những người trong trại tù cải tạo ngoài miền Bắc VN.

2- Khi tỉnh, biết mình vẫn tị nạn CS ở miền Tây Hoa Kỳ, Cụ buồn cho đất nước và thân phận.

3- “Ðàn Ngang Cung” là tên một mục Thơ Ngang ở tờ báo Tự Do vào mỗi cuối tuần, do Cụ Hà Thượng Nhân phụ trách trong thời Ðệ Nhất Cộng Hoà tại Saigon, nơi NMH, với nghiệp dĩ thơ văn đã có cơ duyên gặp gỡ Thi sĩ Hà Thượng Nhân.

4- Những dòng thơ xưa và dòng lịch sử tràn hùng khí , nay vì thời thế , hoàn cảnh, đôi khi con người đi ngược lại thời gian để thấm vị cay chua của chí anh hùng mà đành nhìn quê bức tử .

 

* Huệ Thu viết không đề, nay mạn phép dùng chữ sau cùng làm đề thơ:

 

Thủy Chung

Gặp đây thương quá tuổi già ông!

Bè bạn tìm nhau quá đỗi mừng

Ðất nước biển dâu còn ngọn núi

Trời mây tan hợp nát lòng sông!

……

Ôi sông ôi núi thương mà nhắc

Hỡi nghĩa hỡi tình nhớ cứ mong

Ði đã tới rồi – Nơi Tứ Xứ

Về đâu mai mốt – Thủy như Chung?

huệ thu

 

* Hoa Sơn viết:

Kính thưa Bác Ðông Anh,

 

Có hôm ba tôi hút xong một điếu thuốc lào, ông ngã lưng xuống ghế và ngâm một câu thơ: “anh châm điếu thuốc lào, mình say mình say sao! mình say mình say sao!”. Tôi đang ngồi bàn computer bên cạnh mới hỏi ba tôi: “Câu thơ đó của ba hả ba, nghe cũng phê lắm chứ!”. Ba tôi trả lời: “Ðâu có mậy! đó là câu thơ cuối cùng trong 1 bài thơ của Hà Thượng Nhân, tao quên mất tên rồi, nhưng tao còn nhớ hơn nữa bài. Tao biết bài nầy hồi còn học tập cải tạo trong tù Vĩnh Phú”. Nói đoạn Ba tôi tay sờ trán và cố đọc lại cho tôi nghe toàn bài thơ. Lúc đó tôi hoàn toàn không biết cụ Hà Thượng Nhân, sau này lên các diễn đàn mới nghe nhiều người nhắc đến tên cụ hết sức tôn kính, và gọi cụ là Hà Chưởng Môn.

Mãi cho đến hôm nay, khi tôi được anh Chinh Nguyên mời tới tư gia để họp mặt Thi Ðàn Lạc Việt thì tôi mới có cơ hội nhìn tận mắt nhà thơ Hà Thượng Nhân, ông lúc này có lẻ đã 90 tuổi, tay chống gậy nhưng vẫn còn sáng suốt. Ngồi bên ông là Nhạc Sĩ Vũ Ðức Nghiêm và thi sĩ Ðông Anh, thi đàn trưởng thi đàn Lạc Việt.

Tôi không phải là thành viên trong thi đàn Lạc Việt, nhưng hôm đó tôi có mang 4, 5 quyển Ðường Thi Hồn Việt để nếu gặp người quen thì sẻ ký tặng. Sau đó tôi đã tặng cụ Hà, nhạc sĩ Nghiêm, và bác Ðông Anh mỗi người 1 quyển. Sau khi nhận được tập thơ, nhạc sĩ Vũ Ðức Nghiêm có đến bên tôi có vẻ thích thú và mời tôi đến nhà ông chơi.Tuần sau tôi đến nhà nhạc sĩ Vũ Ðức Nghiêm, ông có tặng tôi một quyển tập nhạc toàn những ca khúc do ông sáng tác hoặc phổ thơ của các thi hữu. Tôi liền lật các trang nhạc ra xem và tình cờ thấy được bài “Mưa Buồn Long Giao”… với những lời thơ tương tợ như tôi đã từng nghe Ba tôi đọc trước đây.

… tôi xin viết lại lời nhạc và phổ thành ca khúc để riêng tặng người vợ yêu quý của cụ Hà… nhân một đêm trăng nhớ chồng nơi miền Long Giao xa khuất …

 

Nổi Lòng Ðêm Trăng

 

Trăng có điều chi buồn

Mà trầm sâu đáy nước?

Mây trời có chi buồn

Mà nghìn năm lững lờ?

 

Em nhớ anh từng phút!

Em mong anh từng giây!

Ðêm nào không tiếc nhớ

Nhớ nào không ngất ngây?

Tình nào không ngóng chờ?

Chờ nào không đắng cay

Người nào không có tình

Tình nào không đắm say!

 

Ngày hò hẹn bên nhau

Say vầng trăng mùa thu

Tháng năm như triền sóng

Triền sóng vỡ tan tành

Ngày xưa đôi nhân tình

Qua khắp vùng trời thơ

Ngày xưa cánh chim mơ

Lướt qua muôn sông hồ

 

Bây giờ giữa khuê phòng

Nhìn trăng thu ngậm ngùi

cuộc đời như mây trôi

tháng năm đau rã rời

 

Em nương áng mây tình

Cùng trăng sầu mong manh

Quyện mãi hình bóng anh.

 

Hoa Sơn Lê Minh Luân

 

* Ngô Ðình Chương viết:

Thăm Hà Ðại Ca ở Viện Hồi Sức

 

Ðến thăm nhìn mặt đã hơi tươi

Tay nắm tay run chút ngậm ngùi

Vóc dáng năm kia nào thấy nữa

Tâm tư thuở ấy ở đâu rồi

Nhắc thơ huynh đọc vài câu ngắn

Kháo chuyện huynh à một thoáng vui

Nghe nói hai tuần nằm đặc biệt

Huynh về đệ sẽ rủ lai rai

NDC

Chiều 17-7-09

 

 

Kính góp họa cùng Ngô huynh để :

 

* Mừng Hà Ðại Ca hồi sức

 

Bệnh giảm nghe chừng nay đã tươi,

Hân hoan nhưng cũng chút bùi ngùi.

Hùng tâm chắc hẳn còn nung nóng ,

Tráng khí đương nhiên chẳng nguội rồi !

Vận số quê hương gây nỗi hận,

Ân tình đất khách giữ niềm vui.

Mai này khang phục tràn trề sức,

Xướng họa nguồn thơ vẫn dẻo dai. (1)

 

Tuệ Quang TTT

20/7/2009

 

(1) Chữ “rai” khó quá , đành “phá lệ” để “phá rào” đổi thành chữ “dai” . Xin Ngô huynh thông cảm!

 

 

 

* Tố Nguyên viết:

Kính gởi quý vị quý thân hữu thi văn ,TN xin họa thơ của thi huynh Ðông Anh.

Cuối tháng qua TN đã đến thăm Cụ Hà – Bố nói mới bị té lần nữa ,Bố chép miệng :“ Cậu nghĩ coi , lạ nhỉ ! tại sao cứ ngã hoài, mình có làm gì đâu” TN nói :“ Bố đã cao tuổi rồi bố phải dùng ba toong – tại bố cứ tuởng bố còn trẻ- Bố quên là bố đã già… bố nhớ dùng ba toong nhé. TN có nói chị Kim Anh con cụ Trương Bảo Sơn và Nữ văn sĩ Nguyễn thị Vinh ở NaUy email cho TN xin thơ của Cụ Hà chúc mừng Thượng Thọ cụ TBS bố ruột của chị- Cụ Hà nói :“ tôi đọc cho cậu viết gọi là người em 95 tuổi gởi mừng ôngười anh 95 tuổi –&&

Nay Cụ Hà đã phải nằm An Dưỡng Ðường không biết lúc nào trở về nhà sau 4 ngày cấp cư”u ở nhà thương Alexan Brother – ỏ nhà vệt máu còn dính 2 chỗ trên thảm ngay lối vào nhàmà bố đã té , hiện trạng Cụ vẫn mệt nhưng khi tỉnh cụ vẫn nở nụ cười héo hắt vớ TN -TN biết ý nghĩ của Bố không cho bố là già yếu- bố có thều thào với TN :“ nằm ở đây mà làm gì , cậu coi có anh em nào ra mắt thơ cho tôi đi , Cậu bận thì gọi Mạc Phương Ðình nhé ”….. TN có đem bánh cuốn mà bố thích ăn bố chê vì không phải là bánh cuốn Thanh Trì nhưng bố cũng dùng vài miếng cho vui – kế đó chị Phụng Thiên và cô y tá đến – cụ thều thào khoe cô y tá :“ cô xem , tất cả là nhà thơ đến thăm tôi i đó “ TN giới thiệu với cô y tá : “ cô có biết Cụ này là ai – Cụ Hà Thượng Nhân đó “ – “Dạ con mới biết đây , nghe bác sĩ nói” TN đọc cho cô nghe câu :“ tên anh quả thật Cao Kỳ, sao ông lại thấp lùn tì thế ông ???” cô ta cười ngặt ngẽo :“ Cụ có câu thơ nhiều ý nghĩa quá “ ….. vài lời với bà con làng văn thơ-

sau đây là bài họa của TN với Thơ Thi Huynh Ðông Anh :

 

BỐ TƯỞNG CÒN XUÂN

 

Bao lần Bố ngã bấy lâu nay

những tưởng còn Xuân chí ngất say

lạ nhỉ ! ? lăn cù trên đất Mỹ (*)

không ngờ! vực dậy giữa trời Tây

thân già hồn mộng thơ ngon ngọt

tâm trẻ thoát vòng chuyện đắng cay

Bố vẫn hồn nhiên giòng chữ nghĩa

dẫu người khô héo vẫn bay bay .

Tố Nguyên (19/07/2009)

 

(*) mượn lời của Bố

 

* Vũ Ðức Nghiêm viết: Ghi lại những ngày Hà Thượng Nhân nằm Viên Dưỡng Lão

 

SINH ÐIẾU HÀ THƯỢNG NHÂN

 

Ôi, sinh ký tử quy là thế,

Tiễn người đi, giòng lệ tuôn rơi.

Vài năm nữa, chẵn trăm rồi,

Thương ơi ! người đã vội rời nhân gian.

Ta ở lại, bàng hoàng ngơ ngác,

Cánh hạc vàng bay khuất về đâu.

Trời xanh mây trắng bạc mầu,

Ngàn xưa lãng đãng, muôn sau ngậm ngùi.

Còn nhớ thuở “ Bên Trời Lận đận”

Hoàng Liên Sơn khóc hận quê hương.

Xót xa đất nước tang thương,

Ðêm đêm nghiến vỡ hàm răng căm thù.

Hờn căm biến thành thơ lửa giận

Phá oan khiên, thét hận lưu đầy.

Hàm Tân ngậm đắng nuốt cay,

Lào cai, Yên bái bao ngày lao lung.

Chiều Nghệ Tĩnh, anh hùng mạt lộ,

Ðêm xà lim cuồng nộ mưa rơi..

 

Người về nơi ấy thảnh thơi,

Vi lô xào xạc, bồi hồi lòng ta.

 

San Jose, July 18, 2009

Vũ Ðức Nghiêm

 

 

* Xin kính chào chư-vị

Theo chân Thi-sĩ Tố Nguyên, Tiểu Bảo xin phép được đóng góp như là một lời hỏi thăm, an-ủi nhé.

Kính họa

Mời Ông Già Chống Gậy

Ông già chống gậy chuyện xưa nay

Tản-mạn tình Thu cứ muốn say

Bí té vì chưa vô Rượu Ðế

Còn run bởi thiếu uống Vang Tây

Câu thơ chúc bạn càng thêm ngọt

Lời nói than thân cũng hỏng cay

Ước-muốn cuộc đời tròn đạo-nghĩa

Thiên trường địa cửu mộng còn bay

Tiểu Bảo

21-7-2009

*Ông Già Chống Gậy = Cũng là tiếng lóng chỉ cái hình; cán nhãn-hiệu của chai Whisky

 

* Kính chuyển Quý Vị và Quý Bạn cùng chia sẻ,

Ông Bạn Già Hà Thượng Nhân nguyên là Trung Tá QLVNCH, vào đầu thập niên 1970 đang làm Chủ nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến thì đến tuổi về hưu.

 

Tướng Trần văn Trung Tổng cục trưởng Chiến tranh Chính trị đã trình lên Bộ Quốc Phòng bổ nhiệm Tôi (Ðại tá Nguyễn-Huy Hùng Phụ tá Tổng cục trưởng CTCT đặc trách Hướng Ðạo Quân đội) đảm nhiệm trách vụ Chủ nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến thay thế để ông bạn già giải ngũ.

Nhật báo Tiền Tuyến từ ngày ra đời cho đến ngày đóng cửa bất đắc dĩ vào ngày 30-4-1975, được cả thẩy 3 Chủ nhiệm thay phiên nhau điều hành, ông bạn già Hà Thượng Nhân là người Chủ nhiệm thứ hai, Tôi kế vị ông là người Chủ nhiệm thứ ba chăm lo cho tờ báo đến ngày toàn QLVNCH bị đứt gánh. Người Chủ nhiệm đầu là Thiếu Tá cũng đã rời chức vị vì đến tuổi giải ngũ.Một điều kỳ diệu thích thú là sau 30-4-1975 cả 3 nguyên Chủ nhiệm Nhật bào Tiền Tuyến đều bị bắt vào các trại tù tập trung của Việt Cộng, nhưng mỗi người bị giam trong các trại khác nhau trên cả 3 miền đất nước Việt Nam. Ðến cuối tháng 4 năm 1984 thì cả 3 mới có cơ duyên gặp nhau tại Trại Z30C tại Hàm Tân, Thuận Hải miền Nam Việt Nam.Vào dịp Tết năm 1985 thì 2 Chủ nhiệm, thứ nhất là Thiếu Tá (Tôi không nhớ tên) và thứ 2 là Hà Thượng Nhân được tha ra khỏi trại tù tập trung, Chỉ còn lại một mình Tôi tiếp tục ở tù cho đến Tết năm 1988 mới được tha.Thân hữu nào đang cư ngụ tại San Jose có dịp đến thăm Lão Thi Sĩ Hà Thượng Nhân, xin vui lòng chuyển giúp Tôi lời thăm hỏi và chúc sức khoẻ đến Lão Thi sĩ Hà Thượng Nhân dùm, Xin chân thành đa tạ.

Chào kính mến,

NGUYỄN-HUY HÙNG.

 

* Du-Sơn Lãng-Tử viết:

(Thơ Ðông Anh – Du Sơn Lãng Tử kính họa)

Kính chúc Cụ Hà sớm bình phục

 

Bài Họa :

 

Lòng buồn se lạnh buổi chiều nay,

Xướng họa đôi vần tỉnh mộng say.

Thuở trước thơ Ngài vang đất Bắc,

Thời nay danh Cụ rạng trời Tây.

Thân Tùng nhớ nước bờ môi đắng,

Tuổi Hạc thương nhà mắt lệ cay.

Khúc nhạc “Ngang-Cung” đàn réo rắt,

Nghìn năm mây trắng vẫn còn bay.

 

Du-Sơn Lãng-Tử

(Tháng 7 ngày 22 năm 2009)

 

 

* Ðỗ Quý Bái viết:

 

Tin tức hà quân ngóng cả tuần

Không sao biết rõ dạ bần thần

Ðêm qua Ngọc Bích cho hầu truyện

Quỷ mới an tâm ngủ thẳng chân

 

Sáng nay vội hoạ thơ thăm hỏi

Mừng biết Chưởng Môn đã khá dần

Bạn hữu hàng ngày viếng tới tấp

Quỷ thăm hàm thụ góp năm vần :

 

HỒN VẪN CÙNG THƠ SOẢI CÁNH BAY

 

Theo dõi tình hình mấy bữa nay

Hà Quân lúc tỉnh lúc mê say :

Trong mê thường gọi bồ phương Bắc

Khi tỉnh hay kêu bạn hướng Tây

Nhớ nước năm canh mồm đắng ngắt

Thương nhà sáu khắc dạ chua cay

Nằm trong an dưỡng thân tuy mệt

Hồn vẫn cùng thơ soải cánh bay

 

LTÐQB kính thăm Chưởng Môn Huynh

 

* Bùi Tiến viết:

Kính góp họa Thăm Thi Sĩ Hà Thượng Nhân của thi huynh Ðông Anh để chúc Thi Sĩ Hà Thượng Nhân được An Khang.

Chúc thi sĩ Hà Thượng Nhân an khang

 

Rằng nghe tin đã mấy tuần nay,

Hỏi chậm vì e động giấc say.

Nam Bắc ruổi rong trai đất Việt,

Á Âu lăn lộn khách trời Tây.

Ðàn Ngang (1) xưa dạ không hề đắng,

Ðiều Thấy (2) nay lòng lại quá cay.

Kính chúc khang ninh vui tuổi hạc,

Chuyện đời coi thoảng nhẹ bay bay.

 

Bùi Tiến

(1) Ðàn Ngang Cung, Tự Do

(2) Những Ðiều Trông Thấy, Chính Luận

 

 

* Vệ Tuận viết:

Kính Bác Dông Anh,

Xem bài viết của bác về tình trạng của Cu HÀ, tôi cảm xúc vô cùng ! Một sự trùng hợp, là cũng vừa xem 4 DVD của anh Pham phú Nam, được trông thấy hình ảnh của bác và Cụ HÀ Ở

Ðời nguời ai cũng phải bước qua cảnh sinh lão ấy, tôi xin họa bài thơ của bác để viếng thăm Cụ Hà:

Họa THĂM CỤ HÀ

Kiếp nguời sinh lão tự xưa nay

Cụ bệnh, ai vầy cuộc tỉnh say !

Chăm sóc, vợ con tròn phận sự

Viếng thăm, bằng hữu chạnh niềm tây

Còn mong thuởng thức câu thơ dẹp

Ðể đuợc dâng mời chén ruợu caỵ

Cầu chúc thi ông qua vận bĩ

Kịp ngày quang phục ngắm cờ baỵ

 

Linh Công

Kính chúc bác khỏe nhiều

———————————-

Xin vui lòng chuyển giúp đến các thân thi hữu khác nếu quí vị biết.

Cảm ơn

29.7.09

Hình ảnh và tin về sức khỏe Hà chưởng môn

Hình thứ nhất Chả cá Lã Vọng Đoàn Xuân Ngọc và Hà chưởng môn
Hình hai : Cụ bà và Gái Quê đang " bắt " Hà thi lão phải ăn phở ( vì cụ chỉ ăn ít thôi)
Hình ba : Cả hai đồng lõa ép Lão gia phải ăn

Thân kính gửi chung đến các thân thi hữu xa gần,

Thứ hai July -27- 2009 Ngọc Bích đã đi cùng với đàn anh Đoàn Xuân Ngọc ( hỗn danh Ngọc Toét ) đến tư gia của Hà Chưởng Môn và đây là những tin mới nhất về Thi Lão:

Sau khi ở Viện dưỡng lão được ba ngày thì cụ Hà nhất định đòi về nhà lại , cụ cảm thấy không thoải mái ở nơi này, và bác sĩ trông nom về bệnh trạng của cụ cũng đồng ý để cụ về nhà tĩnh dưỡng cùng với 2 người trông nom cụ thường trực ngày đêm thay phiên nhau tuy rằng hiện trạng sức khoẻ của cụ tuy có thuyên giảm và rất có hy vọng bình phục. Dẫu rằng ở tuổi trên chín mươi thì việc hồi phục tuy có chậm chạp thật nhưng khi chúng tôi tới thăm mỗi lần thì đều nhận thấy khả quan hơn và cụ rất vui vẻ, tỉnh táo những lần có bạn bè thân hữu đến thăm và cụ cũng chuyện trò thân mật đồng thời nhắc lại từng kỷ niệm với mọi người. Điều này khiến cho Ngọc Bích nghĩ rằng chúng ta đến thăm và chuyện vãn với cụ cũng là một hình thức góp sức, tiếp tay cho cụ mau lành bệnh. Nói thế có nghĩa rằng chúng ta đến thăm viếng cụ vào thời gian này đã là một món quà tinh thần mà cụ rất yêu thích rồi đó.
Cụ Hà ăn uống bình thường thôi, ăn ít nhưng vẫn ăn theo ý thích với những món quốc hồn quốc tuý như phở , bánh đúc, bún riêu, bánh cuốn v.v cụ không được ăn cơm nhiều vì đường cao.
Sáng thứ ba 28- July- 2009 cụ có ý nhờ bác sĩ Hoàng văn Đức ( nam Cali ) chứng nhận là cụ còn minh mẫn và có ý muốn trở lại đạo vì cụ bà là người bên Thiên chúa giáo . Sau đó cụ và thân nhân cho biết là cụ sẽ làm lễ trở lại đạo vào chiều thứ bảy tuần này nhưng chưa nói rõ là tại địa điểm nào.
Tình trạng sức khỏe của cụ tuy có khả quan coi như đã thoát hiểm, nhưng đôi lúc tỉnh và lẫn cũng vẫn thường sảy ra tuỳ theo người đối diện với cụ và câu chuyện mà cụ theo dõi hoặc nhắc đến. Nhưng có một điều phải nói đến là cụ vẫn giữ đức tính vô cùng quí gía là hòa hoãn, độ lượng ân cần với mọi người đến thăm cụ . Anh Đoàn Xuân Ngọc cũng như tôi đối với cụ luôn cung kính như với một người cha già vậy . Hôm chúng tôi tới thăm là hôm cụ mới đi đi hớt tóc về vì mấy chỗ khâu trên đầu mọc da non nên hay bị ngứa . Chúng tôi gửi đến quý bạn vài tấm hình chụp mới nhất tại tư gia bữa này và vẫn thường xuyên qua lại thăm cụ. Nếu có tin tức gì vui và khả quan hơn về Hà chưởng môn thân tình của chúng ta thì chúng tôi sẽ xin báo đến để gia đình anh em văn nghệ sĩ chúng ta cùng vui nhé.
Đồng thời một nhóm anh chị em trong Thi văn đoàn Bốn Phương và Cơ Sở Thơ Văn Lạc Việt cùng có dự định sẽ tổ chức một buổi họp mặt có tính cách là chúc sức khoẻ Hà thi lão, vừa vinh danh một đàn anh khả kính, vừa như là một sinh điếu khi Hà chưởng môn còn chung vui với chúng ta được.
Điều này tôi có dịp thưa chuyện với Hà thi lão, lâu rồi . Trước thì cụ gạt đi , nhưng sau này thì cụ đồng ý một cách rất vui vẻ và còn mong có dịp gặp lại một số anh em mà cụ nhắc đến tên một cách thân tình như là " Cu này …., cậu nọ… bác kia v.v…dễ có đến bao lâu không gặp, chẳng biết bây giờ ra sao rồi nhỉ "
Do đó cá nhân tôi rất tha thiết đẻ có thể tổ chúc được một buổi họp mặt như thế để hầu đem lại niềm vui nhỏ cho Hà thi lão trong những tháng ngày còn lại .
Xin các bạn vui lòng chung góp công sức để chúng ta cùng vui với nhau và cùng đem lại niềm vui cho vị Thi lã khả kính .
Tình thân và lời cầu chúc sức khoẻ đến Hà chưởng môn và toàn thể gia đình anh em văn nghệ sĩ mà chúng ta cùng có một liên hệ với nhau qua duyên văn nghệ.
Thân kính .
Ngọc
Bích