Tác giả và Tác Phẩm

Nhà văn Hồ Trường An – Sống Theo Cái Đức

Nhà văn Hồ Trường An – Sống Theo Cái Đức

Hồ Trường An

LTS: Nhà văn Hồ Trường An đã qua đời hôm Thứ Hai, ngày 27 tháng 1, năm 2020, tức Mồng Ba Tết Canh Tý, tại Troyes, Pháp, hưởng thọ 82 tuổi.

Ngoài những sáng tác  của HTA được nhiều người biết đến, là tác giả 60 tác phẩm gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận và bút ký,  Ông còn được dư luận quan tâm khi trao đổi vấnđề xã hội – giới tính – đồng tính luyến ái –… Lúc còn sinh tiền Ông không ngại ngùng và phá biểu thẳng thắn, bộc trực về vấn đề “giới tính”. Việc “đồng tính luyến ái” nay trong những xã hội dân chủ đã trở thành bình thường, bớt thành kiến, thôi không còn “khắt khe” như trước.

Lưu Diệu Vân thực hiện – 15.05.2008

Nhà văn Hồ Trường An tên thật là Nguyễn Viết Quang. Sinh ngày 11 tháng 11, 1938 tại Vĩnh Long. Ông định cư tại Pháp vào năm 1977 và hiện đang sống ở thành phố Troyes. Ông đã cộng tác với nhiều tạp chí văn chương trong và ngoài nước và là tác giả 60 tác phẩm gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận và bút ký. Ông vẫn tiếp tục sáng tác hăng say và hiện là một trong số ít tác giả lưu vong có số sách xuất bản kỷ lục tại hải ngoại. Ông tạo được một chỗ đứng riêng biệt trong dòng văn chương việt qua lối viết gần gũi và đề tài chân quê chất phác.

Hôm nay, ngoài cương vị người viết, nhà văn còn sẽ đến với chúng ta qua một vai trò mới khá thú vị – nhà xã hội học bất đắc dĩ – cũng bằng giọng văn thân thiết, gần gũi và sự chân thật đặc trưng của Hồ Trường An.

LDV: Giới tính là một đề tài khá nhạy cảm và đòi hỏi sự bộc bạch hết sức can đảm từ phía người chia sẻ. Không thiếu những nhà văn Việt viết nhiều về đề tài giới tính, nhưng hầu như ít ai thích nói về nó một cách cởi mở trong những trang viết có tính cách cá nhân, trừ Hồ Trường An. Dũng khí quan trọng như thế nào đối với một người viết?

ho_truong_an_1991

HTA: Cô Vân, tôi chấp nhận cuộc phỏng vấn này là môt lời tự thú trong buổi tàn thu cuộc đời. Tôi đã vào tuổi thất tuần rồi, cô ơi! Mỗi đêm, trước khi đi ngủ tôi luôn tự hỏi: sáng mai, mình có thức dậy được không đây? Hay là mình phải làm một chuyến đi tàu suốt vào giấc ngủ miên viễn? Vậy tại sao mình lại giấu diếm cái bí mật trong cuộc sống tình cảm lẫn tình dục của mình? Chấp nhận cuộc phỏng vấn của cô, tôi muốn cho lớp thế hệ bọn gay sau tôi một vài kiến thức hay một vài kinh nghiệm nhỏ nhoi nào chăng?

Vào những năm đầu của thập niên 80, tiết lộ giới tính và khuynh hướng tình dục của mình mới là hành động can đảm. Hồi đầu thập niên 60, tôi chỉ tiết lộ thân phận mình cho chị Thụy Vũ của tôi cùng một số bạn thân. Bắt đầu năm 1980 tôi có người yêu là dân Pháp chánh gốc, tôi ngang nhiên sống chung với đương sự, tới nay kể ra cũng gần 30 năm. Một phần là tôi tức giận tên Thi Vũ Võ Văn Ái (nhà báo/nhà thơ), nó nỡ đem tâm sự của tôi đi bán rao tùm lum tà la. Cho nên từ đó, khi đi dự các cuộc tiếp tân nào trong giới văn nghệ sĩ kiều bào ở Paris, tôi cũng dắt người bạn lòng của tôi theo. Đương sự nhỏ hơn tôi 9 tuổi, nhưng cái tác của hắn lớn hơn tôi khá nhiều.

Năm 1983, tôi tung ra quyển Hợp Lưu trong đó có nhân vật gay tên Quế, phản ảnh đôi chút tâm trạng của tôi. Trước tôi, vào năm 1967, bạn tôi tên Đỗ Quế Lâm có viết tiểu thuyết tự truyện tựa là ‘‘Vết Hằn Rướm Máu’’ do chính chị Thụy Vũ tôi viết lời tựa. Sau đó, ở hải ngoại, vào năm 1979, thằng bạn khác của tôi tên Lucien Trọng, một kỷ sư thủy lâm có viết quyển L’Enfer Rouge, Mon Amour do Seuil xuất bản. Sau đó nó dịch ra tiếng việt Hỏa Ngục Đỏ, Mối Tình Tôi kể lại mối tình của nó với một chàng trai bụi đời tên Hải trong thời gian hai đứa bị Cộng Sản giam cầm. Đúng như cô Vân nghĩ, hình như những cây bút gay như Đổ Quế Lâm lẫn Lucien Trọng không dám diễn tả huỵch tẹt như HTA, không mô tả cuộc làm tình tỉ mỉ và tới nơi tới chốn như HTA. Tôi diễn tả chuyện giao hợp giữa cậu trai việt và anh chàng gay quí tộc Pháp khá táo bạo và khá đậm đà. Chính nữ ca sĩ Quỳnh Giao thuở thập niên 80 bảo rằng đây là quyển sách mà Quỳnh Giao thích. Song song, cũng có rất nhiều độc giả chửi tôi khá nặng. Họ gọi điện thoại xài xể luôn anh Mai Thảo vốn là người chủ trương tờ tạp san văn chương Văn, tại sao có thể đăng từng kỳ những chương “dơ dáy nhớp nhúa” của quyển Hợp Lưu?

Còn chị hỏi tôi cái dũng khí của người viết văn thì tôi khó trả lời. Thiệt ra, tôi chẳng có một chút dũng khí nào. Sở dĩ tôi dám phô bày chơn tướng mình ra vì tôi tức giận kẻ lẻo mép thối mồm. Đã là một tên gay xấu xí mà dám viết truyện qua cái tôi của mình, một nhân vật đẹp trai như Phan An, Tống Ngọc, chẳng những được bọn gay tôn thờ mà còn được phụ nữ mê sa trầm lụy. Cũng đừng vì mình không kiếm được bồ đực để thương yêu giao hợp rồi lên giọng kích bác kẻ đồng tính luyến ái may mắn hơn mình, khuyên họ phải dẹp bỏ thói ‘‘xấu ấy’’ để trở thành kẻ bình thường. Đã là gay rồi thì trở thành kẻ biết yêu người khác phái tính sao được? Văn chương cần sự thành thật của nhà văn dị tính luyến ái đã đành mà còn của một nhà văn gay.

LDV: Đó là thế giới văn chương, còn trong cuộc sống hiện thực, ông đã từng chứng kiến những người đồng tính luyến ái bị ngược đãi quá mức. Họ có nên thỏa hiệp để tránh việc bị đánh giá thấp?

HTA: Còn ở ngoài đời, hai chàng gay không nên âu yếm ở chốn công cộng vì đa số người chứng kiến vốn không quen cảnh hôn hít trái cựa như vậy, họ sẽ bị dị ứng và chướng mắt ngay. Cũng đừng phùng xòe bộ đi tướng đứng oai phong lẫm liệt một cách phường tuồng mà bị thiên hạ quở rằng các chàng gay đang đóng vai dũng tướng Địch Luông, Địch Hổ trong tuồng Hồ Quảng hay tuồng hát bội. Cũng đừng ẻo lả thục nữ quá thì chẳng có tên gay nào khác tìm đến xáp cục với mình. Gay nào mà chẳng mê mẫu người có phong độ đàn ông tính? Cũng đừng gạ gẫm ve vãn nhưng kẻ dị tính luyến ái mà chuốc lấy sự bêu rếu, sự lăng nhục của hạng người này.

Tôi thường nghĩ đồng tính luyến ái là do trời sanh ra, do cái ác nghiệp từ tiền kiếp hiện hành ở kiếp này. Bản tính mình như thế nào thì mình sống theo bản tính ấy, can gì phải giấu diếm? Đau khổ nhứt cho những kẻ vì bảo vệ nghề nghiệp trong các công sở, vì đã lỡ tạo lập gia đình, nên có cuộc sống song đôi. Họ lén lút ăn nằm với bọn gay bán tình và luôn nơm nớp lo sợ chuyện bí mật của mình bị tiết lộ. Đồng tính luyến ái là cái bản tính tự nhiên của một số người. Bắt những chàng gay sống như người bình thường, cưới vợ để sanh con đẻ cái là bắt họ chống lại thiên nhiên.

Cái tức giận của tôi đối với một tên bạn Võ Văn Ái thèo lẻo ác ôn làm tôi bạo dạn, trở nên thách thức với những kẻ có đầu óc hẹp hòi. Cho nên tôi từ bỏ cuộc sống song đôi, chỉ sống theo cuộc sống bọn gay… cho gọn. Tôi không muốn giả dối, không giấu diếm cái sở thích yêu người đồng phái tính của mình làm chi cho phiền phức. Phải đơn giản hóa cuộc sống, phải sống tràn đầy và nguyên vẹn cuộc đời riêng biệt của mình với tấm lòng thành khẩn thì may ra mới tìm được hạnh phúc.

LDV: Nhà văn Hồ Trường An định nghĩa giới tính của mình bằng đường lối nào?

HTA: Cô Vân ơi, câu hỏi nầy trặc trẹo lắm. Tôi không sao có thể định nghĩa giới tính chính mình. Tôi chỉ biết giới tính chia ra làm ba hạng người: hạng thứ nhất là hạng người yêu đương và thích làm tình cùng người khác phái của mình. Đó là những người dị tính luyến ái (les hétérosexuels). Hạng thứ hai là những người yêu đương và thích làm tình với người đồng phái. Đó là những người đồng tính dục (les homosexuels), nhưng nói cho nhẹ nhàng bóng bẩy một chút thì gọi là đồng tính luyến ái (les homophiles); bên nam giới gọi là gay, bên nữ giới thì được gọi là lesbiennes. Lại có người thích làm tình với người khác phái tính lẫn người đồng phái tính. Đó là những người lưỡng tính luyến ái (les bisexuels). Vua Hán Cao Tổ có nhiều quý phi, cung tần, mỹ nữ. Nhưng ông ta thỉnh thoảng tìm các cậu trai mới lớn nuôi sẵn trong biệt viện để ông ta thay đổi thực đơn hành lạc. Những cậu trai như vậy tiếng Pháp gọi là bé cưng (les mignons). Đó là tôi nói theo nhà Trung Hoa học thuật gia Robert Van Gulik qua cuốn biên khảo ‘‘La Vie Sexuelle dans la Chine Ancienne.’’

Trong giới nghệ sĩ Hoa Kỳ thì Marlon Brando cũng thuộc loại lưỡng tính luyến ái. Anh ta mê phụ nữ da màu và đã trải qua hai đời vợ là Anna Kashfi – lai Ấn, Movita – gốc Mễ-tây-cơ. Nhân tình cũa anh ta gồm có các nữ tài tử France Nuyen – lai Việt, Tarita – người thuộc đảo Tahiti, Rita Moreno – dân Mỹ La-tinh. Nhưng bà vợ Anna Kashfi trong cuốn Brando au Petit Déjeuner xác nhận rằng Marlon Brando lẫn James Dean đều là dân lưỡng tính luyến ái. Trước khi nổi danh, trong thời gian sống ở Paris, Marlon chơi thân với điện ảnh gia Roger Vadim và nam tài tử Christian Marquand. Chính anh chàng Marquand này là người yêu của Marlon Brando. Anh ta người Tây-ban-nha lai Á-rập nhưng sinh sống từ nhỏ ở Pháp, đóng phim Pháp, nổi tiếng đẹp trai và sexy. Christian Marquand cũng là dân bisexuel, sau đó kết hôn với nữ tài tử Tina Aumont. Hư thực ra sao đố ai biết rõ. Chúng ta chỉ biết một khi người vợ bị tổn thương thì việc gì mà không dám nói. Anna Kashfi còn dám viết rằng Marlon Brando có tới ba hòn nang. Khi sống trên tại kinh thành Paris, chàng ta đã cùng Roger Vadim và Christian Marquand đi Monmartre để hành lạc theo kiểu ‘‘nga môn khoái lạc’’ do dân phong lưu Trung Hoa phát minh. Đó là đút dương vật vào hậu môn con vịt, rồi thình lình chặt cổ con vịt để cho hậu môn con vịt siết chặt và buông lỏng liên miên dương vật. Marlon Brando trong quyển hồi ký của mình bảo thẳng thừng rằng : ‘‘Tôi cũng có vài kinh nghiệm về đồng tính dục.’’ Riêng James Dean được báo chí thêu dệt mối tình giữa chàng ta và nữ tài tử gốc Ý Pier Angeli, giữa chàng ta và nữ thần nhục cảm Ursuela Andress gốc Thụy- sĩ. Nhưng lại có tin hành lang cho biết người tình đực rựa của chàng là tài tử bô trai cực kỳ thanh tú và hùng tráng là Tab Hunter.

Về phía lưỡng tính luyến ái phái nữ thì vào thời Đệ tam Cộng Hòa có hai nàng nữ danh kỹ là Liane de Pougy và Emilienne d’Aleçon sắc nước hương trời. Cả hai đã từ dan díu với các chàng trai quý tộc và các kỹ nghệ gia Hoa Kỳ thuộc hạng tỷ phú. Liane de Pougy đã từng ăn nằm với Hoàng tử vùng Galles nước Anh về sau trở thành vua Edouard VII, còn Emilienne d’Aleçon đã từng dan díu với vua Léopold II nước Bỉ. Cả hai cô danh kỹ kia còn là nữ sĩ văn chương. Liane viết 7 cuốn tiểu thuyết, nổi tiếng nhứt là cuốn Idylle Saphique (Tình Yêu Các Cô Đồng Tính Luyến Ái) và cuốn nhật ký Mes Cahiers Bleus ( Những Tập Giấy Xanh Của Tôi). Người tình nuơng mặn mòi thắm thiết nhứt của Liane de Pougy là nữ sĩ kiều diễm người Mỹ Natalie Cliffod Barney. Còn Emilenne d’Aleçon về sau kết hôn với anh nài ngựa người Anh chẳng những trí thức, giàu sụ mà còn đẹp trai. Vì là nài ngựa nên chàng hơi nhỏ con một chút, nhưng rất xinh xắn dễ yêu. Cả hai si mê nhau điên cuồng, yêu đương bỏng cháy. Vì yêu nàng, chàng bỏ quốc tịch Anh và xin vào quốc tịch Pháp. Vì chàng, nàng thôi làm cái nghề đưa ông hoàng ra cửa trước, rước ông tỷ phú vào cửa sau. Chàng nài ngựa bô trai giỏi văn chương Pháp nên dạy Emilienne d’Aleçon làm thơ. Do đó nàng cho trình làng hai thi tập Temple d’Amour (Ngôi Đền Tình Ái) và Les Masques (Những Cái Mặt Nạ). Chàng nài ngựa yểu mệnh, Emilienne d’Aleçon đau khổ không nguôi. Từ đó nàng đoạn tuyệt với đàn ông và chỉ ăn nằm với đàn bà trong đó có nữ nam tước người Ý là Baronne Mimy Franchetti. Cô nữ nam tước nầy cũng đã từng ăn nằm với Liane de Pougy.

LDV: Sự chấp nhận một cách hân hoan về khuynh hướng tính dục đặc biệt của mình đã đem lại cho nhà văn những gì ngoài cõi lòng yên tĩnh cần thiết để cho ra đời những trang viết đầy tình người và sức sống?

HTA: Sống thành thật với chính mình thì dĩ nhiên được thoải mái về mặt tinh thần lắm, có phải không cô Vân? Hồi chưa tiếp xúc với giới đồng tính luyến ái tôi ấm ức trong lòng, khao khát được giao hợp với người mình yêu. Nhưng ở tại một tỉnh lỵ đất Tiền Giang, tôi tìm đâu ra một đối tượng tình yêu thuộc loại người như mình? Cho nên tôi đau khổ, tuyệt vọng, lại còn sợ mọi người chế nhạo mình yêu trai, cho nên tôi không biết ngỏ tâm sự cùng ai. Năm tôi 25 tuổi, tôi lên Sài Gòn học lớp tập sự ngành Dược Khoa, tôi được thằng bạn thân học chung với tôi suốt 6 năm bậc trung học. Nó cũng là dân gay như tôi, nhưng cả hai chỉ là bạn suông trơn mà thôi. Nó giới thiệu cho tôi một ký giả người Pháp, gốc Ba-lan tên là Ilya Mustkatblatz. Sau đó, nó chỉ cho tôi những chỗ hội họp của bọn gay Việt lẫn gay từ các xứ như Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Phi-luật-tân, Đại Hàn, Tàu Chợ Lớn qua làm việc hoặc định cư ở Sài Gòn. Họ thường lui tới rạp chớp bóng Vĩnh Lợi (mà bọn tôi gọi là Vĩnh Lạc Cung) ở đường Lê Lợi và gần Bệnh Viện Đô Thành, rạp chớp bóng Moderne (mà chúng tôi gọi là Mẫu Đơn Đình) ở gần chợ Tân Định. Ngoài ra còn ở nhà hàng Continental, nhà hàng Givral, Bùng Binh trước chợ Bến Thành là những nơi để bọn gay kiếm bồ bịch. Ngoài ra ngôi chùa thuộc Nghĩa Trang Bắc Việt, đền thánh ở Thủ Thiêm cũng là nơi hò hẹn bọn gay.

Không hiểu sao, từ khi tiếp xúc vào xã hội gay, dù lúc tiên khởi tôi nghĩ mình bắt đầu có một cuộc sống lệch lạc về lề thói, về nguyên tắc trật tự trong xã hội. Nhưng chính các lệch lạc, cái trái cựa đó khơi dậy cho tôi biết bao niềm lạc hoan mênh mông và nguồn cảm hứng cực kỳ phồn thịnh. Tôi phải trải rộng cảm hứng đó lên giấy càng nhiều càng tốt. Tôi yêu đời, yêu mọi người. Tôi chỉ mong có nhiều người đọc những gì tôi viết. Nhưng tôi chưa dám viết trực tiếp cái xã hội gay. Nhưng ai cấm tôi sáng tạo những người đàn bà đa tình phản ảnh nguyên vẹn cái tôi đã bao lần xao xuyến tâm hồn và xác thân trước hình bóng những nam minh tinh điện ảnh mà tôi ái mộ? Từ khi lao vào giới gay, tôi vui sống, sáng tác thơ rất nhiều. Tiếc rằng khi bỏ xứ ra đi, tôi không mang theo được gì, chỉ nhớ lõm bõm vài bài thơ nhục cảm để khi ra hải ngoại tôi thực hiện thành thi tập Thiên Đường Tìm Lại.

Vào năm 1966, trước hết, tôi viết truyện ngắn, thơ, kế đó mới tập tành điểm sách, viết tạp ghi. Và sau hết, tôi viết các bài nhận định về kịch ảnh & tân nhạc. Tôi đã từng cộng tác với các tập san Bách Khoa, Tin Văn, Tiểu Thuyết Tuần San, Minh Tinh, Sinh Hoạt Nghệ Thuật, công tác với các nhật báo Tranh Thủ, Tiền Tuyến… Hứng thú đưa đẩy ngòi bút tôi chạy tốc hành trên xấp trang bản thảo khi tôi ngồi vào bàn viết. Nhưng tôi không dám viết cái tôi của mình là gay. Tôi dệt ra những cảnh giao hợp bỏng cháy, tôi nhập vai vào các nữ nhân vật, còn nam nhân vật tuy có tên Việt như Cảnh, Hạo Minh, Tường Ngọc, Huy Châu v.v…, nhưng tôi mường tượng qua các chàng kép có thân vóc cường tráng mỹ lệ.

Bao giờ cũng vậy, khi viết tiểu thuyết không bao giờ tôi dám giết những nhân vật đẹp trai dù các đương sự cùng hung cực ác đi nữa. Tôi chỉ dám giết những nhân vật già nua từ 80 tuổi trở lên (cho họ chết vì già yếu chớ không dám cho họ chết vì bịnh hoạn). Lại nữa, các nhân vật đẹp trai được tôi xe duyên chỉ thắm với những nữ nhân vật nếu không kiều diễm thì cũng duyên dáng mặn mòi. Nếu các cô lỡ có chửa với người chồng bô trai ngó hoài…vẫn thích ngó của họ, thì ở chương áp chót của quyển tiểu thuyết, tôi cho họ xổ bầu đập chum để họ có cái eo thon đẹp, để họ diện áo đẹp đi rước đèn, đi bát phố cùng chồng. Còn nam nhân vật đẹp trai nếu rủi bị bịnh ung thư hay bị bịnh AIDS thì nếu không nhờ thuốc men hiệu nghiệm thì cũng được Đức Thánh Đồng Trinh Maria của thành phố Lourdes hay Đức Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ dùng phép lạ mà giúp họ lành mạnh. Như vậy nữ độc giả sẽ an tâm khi xếp quyển sách cũa tôi lại.

Cô xem đó, khi con người được hạnh phúc, họ dễ có tấm lòng vị tha, không đem giáo điều khe khắc ra buộc tội bất cứ ai. Trong các tác phẩm của tôi hầu như không có kẻ ác. Thường là những kẻ có cái miệng dữ dằn, ngáp ra khói, ói ra tro, ho ra sấm sét, nhưng lòng dạ các đương sự hiền lành như bột sắn, bột khoai. Thường là các mụ đàn bà thuộc loại chằn ăn trăn quấn, ưa ganh tị từ cái ngáp tiếng ho với bạn bè, ưa thèo lẻo trong các cuộc ngồi lê đôi mách, nhưng khi đối thủ của mình gặp hoạn nạn thường ra tay cứu giúp, an ủi, đãi cho kẻ cựu thù những món ăn ngon… chết giấc luôn! Tôi ưa viết những chuyện vạch tật xấu đàn bà, nhưng độc giả của tôi hầu như 75% là đàn bà. Vậy có nghĩa là văn chương tôi không độc địa như siêu vi trùng gây bịnh AIDS, không giúp các nhân vật lao vào những hành động ác ôn côn đồ thổ phỉ, không xô nạn nhân vào cảnh đoạn trường.

LDV: Xã hội phong kiến của Việt Nam có ảnh hưởng một cách tiêu cực đến cái nhìn về giới tính của nhà văn không, trong cuộc sống cũng như trong quá trình viết lách?

HTA: Ở Việt Nam, chuyện đồng tính luyến ái vào thập niên 50, 60 không được xem là trầm trọng. Dân mình cho rằng hễ ai mắc phải ‘‘cái tật’’ yêu người cùng phái tính, một khi được lấy vợ gả chồng thì ‘‘lành bệnh’’ ngay. Nhưng bên Âu Châu vào thời Trung Cổ, những ai có hành động quá thân mật với người cùng phái tính thì bị lôi ra tòa án và Giáo hội Gia-tô xen vào kết án thiêu sống các đương sự. Tôi không nhớ rõ năm nào trong thập niên 90 của thế kỷ 20, Đức Giáo Hoàng Jean Paul II đã từng xin lỗi mọi người trên thế giới về chuyện các Giáo Hội Gia-tô đã lên án xử tử nhà bác học Galilée khi ông ta dám tuyên bố quả đất tròn. Ngài cũng xin lỗi về vụ các tín đồ Gia-tô a tòng với bọn buôn người bắt dân Phi Châu bán cho người da trắng làm nô lệ. Nhưng ngài vẫn không thèm xin lỗi về vụ bọn tăng lữ Gia-tô ở Pháp và ở vài nước Âu Châu đã đem dân gay thiêu sống vì họ cho rằng những người gay cũng như nhừng người phù thủy là ác quỷ Sa-tăng cần phải bị tiêu diệt.

Trong quá trình viết lách, trước kia dám khai huỵch tẹt cái sở thích yêu người cùng phái với mình chỉ có văn hào André Gide ở những quyển nhật ký. Nhưng ở cuốn L’Immoraliste (Kẻ Vô Luân), ông ta chỉ nói mí mí thôi. Văn hào Thomas Mann với quyển Mort à Venise (Chết Tại Kinh Thành Venise). E.M Forster với cuốn Maurice thì viết hẳn hoi về cuộc tình thầm kín hay công khai của các nhân vật gay. Tuy nhiên E.M Forster viết cuốn Maurice khi còn sống, nhưng không dám đăng báo hay xuất bản. Trên giường bịnh chờ chết, ông dặn người nhà khi ôg ta qua đời thì mới cho xuất bản cuốn di cảo ấy. Còn nữ sĩ Natalie Clifford Barney thì viết lách công khai chuyện đàn bà đánh chập chõa với đàn bà. Cả nàng danh kỹ Liane de Pougy dám viết cuộc tình của mình với Natalie Clifford Barney trong cuốn Idylle Saphique của mình. Vậy mà các ông hoàng ở Âu Châu, các triệu phú, tỷ phú Hoa Kỳ vẫn tình nguyện chết chung vào lỗ của nàng. Rồi khi nàng leo lên 40 tuổi có ông hoàng Lỗ-ma-ní nhỏ hơn nàng 15 tuổi cưới nàng làm vợ, cuộc hôn nhân kéo dài tới khi ông ta lìa đời. Lúc đó Liane xấp xỉ 70 tuổi rồi, đành sống cô đơn tới lúc nhắm mắt theo chồng.

Về các nhà văn nhà thơ Việt Nam thì vào năm 1966, đã có Đỗ Quế Lâm viết cuốn ‘‘Vết Hằn Rướm Máu’’. Hai nghệ sĩ diễn ngâm thơ là Đoàn Yên Linh và Hồ Bảo Thanh sáng tác những vần thơ đẹp như gấm và dịu như nhung. Họ xưng mình là em, là nàng cô phụ gửi người tình không chân dung nào đó hoặc người tình có thật trong cuộc sống mà họ đã từng si mê. Tiếc thay cả hai không cho xuất bản các bài thơ đẹp kia thành thi tập, chỉ đăng báo lai rai. Đoàn Yên Linh, Hồ Bảo Thanh và tôi đều là bạn của cây sáo thần Thanh Hà. Nhưng Thanh Hà không phải là gay mà là kẻ thông cảm với bọn gay chúng tôi mà thôi. Tình bạn giữa Thanh Hà và tôi từ trong nước, trước 1975 vẫn kéo dài cho tới bây giờ.

Ra hải ngoại, người xung phong viết chuyện đồng quê Nam Kỳ và chuyện đồng tính luyến ái vẫn là H.T.A. Người thứ hai là Ngô Nguyên Dũng trong quyển trường thiên tiểu thuyết Đêm. Lại có thêm Tạ Thái, Nguyễn Thạch Đàn qua những tự truyện dưới hình thức truyện ngắn đăng trên báo Văn. Lại có thêm Lê Nghĩa Quang Tuấn, em trai của hai nhà văn nữ là Lê Thị Huệ và Lê thị Thấm Vân đã từng đi diễn thuyết đòi quyền sống và đòi chỗ đứng trong xã hội cho dân đồng tính luyến ái trong xã hội. Tuấn lại còn chủ trương tạp san dành cho gay và lesbian. Đó là tờ Đối Diện (Face To Face). Thi tập Ầu Ơ… của đương sự rất tuyệt vời về tư tưởng triết học và xen vào đó có những bài thơ nhục cảm chan hòa mộng đẹp, sinh lực, tinh khí, những tư duy rất nhân bản. Theo tôi, những cây viết ở vào cuối thế hệ thứ nhì và đầu thế hệ thứ ba ở hải ngoại, trong hàng ngũ gay thì có Ngô Nguyên Dũng bên Văn, còn Lê Nghĩa Quang Tuấn bên Thi Ca. Cả hai tài hoa rất mực. Còn bên ca nhạc ở hải ngoại thì cũng ít nhất 5 người. Nhưng mà thôi, tôi không tiện hài danh hà tánh các đương sự, cứ để họ tiếp tục hành nghề và giữ mãi mãi là thần tượng của các cô choai choai có hơn không!

LDV: Khung cảnh tự do của quê hương thứ hai đã đem lại cho ông những thay đổi tích cực gì về khuynh hướng tính dục của mình và của những người đồng tâm trạng chung quanh ông?

HTA: Tôi qua nước Pháp gặp lúc phong hóa đang biến chuyển tiến bộ. Phim sex dành cho bọn gay có chiếu vài rạp ở Paris. Tạp chí dành cho gay là Gaipied bán tràn ngập khắp thị trường sách ốc. Nhà trí thức André Baudry lập câu lạc bộ Arcadie để làm diễn đàn cho dân gay. Chính tại đây, Lucien Trọng đã đăng đàn diễn thuyết và mở cuộc triễn lãm tranh sơn dầu của đuơng sự. Ngoài ra, vũ trường Scaramouche dành cho gay. Hơn một chục phòng tắm hơi dành cho dân gay ở Paris. Các anh chàng gay vào đó tha hồ khỏa thân hoặc quấn chiếc khăn bông ở hạ bộ. Tìm được kẻ vừa ý là cả hai dắt nhau vào căn buồng nhỏ để làm tình. Nếu phòng bị chiếm hết thì tìm chỗ nào hơi tối một chút để giao hoan, chẳng bị ai phá rối.

Nhưng rồi từ năm 1985, bịnh AIDS lan tràn, tôi không dám bén mảng tới bất kỳ chỗ hẹn hò nào, đừng nói chi là phòng tắm hơi. Vả lại, từ năm 1985, tôi bắt đầu phái phì: bụng to như có cái chảo gang hay cái thau nhôm úp lên, lại có cằm đôi như cái nọng heo và còn dến thêm miệng cá má lợn. Đi đâu, tôi cũng vác các bụng bự chang bang như cái bụng chửa sắp tới ngày xổ bầu thì chán quá! Làm diet, chạy jogging, cuốc bộ hàng chục cây số vẫn chỉ sụt bớt 5 kí lô là cùng. Rồi tôi bỏ cuộc vì tôi bị ba chứng bịnh nan y như tiểu đường, cholesterol, cao máu. Từ nằm 1985, người bạn lòng tôi và tôi dù ở chung dưới một mái nhà, ngủ chung một giường, nhưng chỉ là bạn thuần khiết mà thôi. Vào năm 2006, tôi nghe lời bác sĩ thân tín tập thể dục dành cho người già cả, tập thở một cách chăm chỉ theo phương pháp mà Thiền Sư Nhất Hạnh chỉ dạy, tôi gần như hết bịnh tiểu đường, dứt tuyệt chứng cholesterol, giảm bớt cao máu. Nhưng tôi vẫn phải uống thuốc đều đặn. Do đó mà tôi sụt cân. Thể dục làm cho bụng tôi thon, cằm đôi biến mất. Thở theo phương pháp Tọa Thiền làm cho da mặt tôi sáng hồng. Bụng tuy thon nhưng lại hơi nhão, mông không xệ nhưng không tròn. Cằm đôi tuy mất, nhưng cổ tôi nhăn nhúm như cái nhau con heo nái phơi khô. Ngực tôi tuy đầy đặn nhưng không căng phồng như cánh buồm lộng gió. Bọn trai tráng có cặp mông tròn trặn như trái dưa hấu bổ đôi, bụng chẻ ra làm sau miếng như sáu thẻ chocolate. Vì than ôi, tôi đã 70 tuổi rồi, làm sao có thân vóc rắn chắc và mỹ lệ như bọn đờn ông con trai từ 18 đến 45 tuổi? Lại nữa, tôi đâu còn khả năng tình dục nữa, cho nên tôi đành làm bạn với con Chung Vô Diệm (chim vô dụng) mà thôi.

Thật ra, tôi cũng chẳng buồn tiếc cái thời sống lăng loàn hạnh phúc cũ. Nếu vào thuở trung niên tôi vẫn còn có sắc vóc ngoạn mục, biết đâu tôi chơi bời thả cửa, giao hoan thả giàn với bọn gay, để rồi vướng bịnh AIDS. Như vậy trong cái rủi vẫn có cái may, phải không nào? Rất nhiều bạn bè tôi xin tôi chỉ họ phương pháp làm gầy, phương pháp làm cho da mặt mịn màng sáng sủa. Tôi cứ tình thật mà ‘‘khai báo’’. nhưng họ làm không có kết quả. Thiệt tình tôi không hiểu tại sao? Nhưng đẹp lão để làm gì? Khi tôi mặc áo thun, quần jean thì thân vóc tôi vẫn là người đàn ông tuổi ngũ tuần. Nhưng khi vào bãi khỏa thân ở tỉnh nhà thì đây là thân vóc của một ông già, dù có ngực đầy, bụng thon và mông không xệ đi nữa. Ở ngoài đời, da mặt tôi thật lý tưởng mà phụ nữ rất hâm mộ. Nhưng khi tôi được chụp ảnh, khuôn mặt tôi vẫn là khuôn mặt ông già, dù da mặt chỉ có vài nét nhăn mờ mờ ở chuôi mắt đi nữa. Cho nên tôi không thèm nhuộm tóc làm gì. Tuổi của tôi hiện giờ có thể làm ông cố được rồi.

ho_truong_an_2008

Khi qua Pháp, tôi đã 40 tuổi, hưởng thụ không bao lâu, nhưng tôi không thối tiếc một chút cỏn con nào. Mừng là thấy phong hóa tiến bộ một cách tích cực. Có nhiều nước cho phép cặp gay làm đám cưới với nhau. Tôi thấy cái dó không cần cái đó. Nhưng thôi, ai cũng có hoàn cảnh riêng, sở thích riêng, tâm trạng riêng; đừng bắt buộc người khác phải giống mình. Bây giờ ở Gia-nã-đại và ở vài nước Âu Châu có lịnh phạt những kẻ nào dám sỉ nhục những chàng gay trước đám đông. Kẻ sĩ nhục sẽ bị phạt nặng nếu kẻ bị hạ nhục có tìm được nhân chứng. Đối với những nước văn minh tân tiến, tội đó cũng ngang ngữa với tội kỳ thị chủng tộc. Tôi chỉ thương xót các em các cháu gay gặp vấn nạn bịnh AIDS nên không được thoải mái lúc bắt bồ với nhau. Họ không được tâm trạng thảnh thơi như tôi hồi 40 năm về trước khi làm tình với đối tượng của mình.Tôi tin rằng đa số những kẻ gay cũng như tôi được hạnh phúc khi sống trong xã hội được nới lỏng nguyên tắc và giáo điều, sống tràn ngập tin tưởng hơn. Có vậy Ngô Nguyên Dũng sáng tác không hề nhàm mỏi. Có vậy Lê Nghĩa Quang Tuấn mãi mãi là tấm gương can trường dám đứng đầu sóng ngọn gió. Tôi không hiểu tại vì sao càng lớn tuổi, Dũng ưa bỏ chín làm mười bất cứ chuyện gì. Dũng nhìn đời bằng cặp mắt bao dung. Có phải chăng hắn sống trong hạnh phúc và sống với tâm trạng cởi mở nên mới được đức tánh ấy? Dũng yêu thích văn nghệ sĩ giới sáng tác lẫn văn nghệ sĩ giới trình diễn nên không cần lui tới thường xuyên các cuộc hẹn hò trong khi đương sự vẫn còn là kẻ trung niên tuấn tú, có thể bắt bồ vơi bọn gay Đức dễ ợt. Càng lớn tuổi đương sự chuộng tâm linh nghiên cứu Phật Giáo. Còn riêng tôi, trong mùa thu cuộc đời, tôi vẫn nghiên cứu thêm Kinh Đại Thừa như hồi còn ở quê nhà, sưu tầm sách vở, các hình ảnh các minh tinh điện ảnh và ca sĩ ngoại quốc. Bắt đầu chớm xuân, tôi trồng hoa ở bao lơn. Trong nhà tôi bày những chậu cây cảnh những món ngoạn hảo (bibelots) và tranh ảnh. Tôi không có thời giờ để phiền muộn. Hễ khi cái đầu nóng rực vì viết lách hơi nhiều, tôi dừng bút lại, lo săn sóc lau chùi nhà cửa, nấu nướng một món ăn hợp khẩu vị. Đôi khi tôi điện đàm với các bà bạn vốn là độc giả của tôi để học hỏi cách thức làm những món ăn phổ thông hay những món ăn đặc biệt sao cho hợp khẩu vị.

Lũ bạn gay của tôi sinh sống ở Paris thường hỏi tôi suốt gần 30 năm nhà bác tuyệt tích giang hồ. Vậy mà nhà bác chịu đựng được? Có phải chăng ở Troyes có phòng tắm hơi dành cho bọn gay? Hay có những chỗ hẹn hò nào khác? Làm sao tôi nói cho lũ bạn tin rằng tôi đã sống đã tạm đầy đủ rồi. Bây giờ ôn lại ‘‘thời tung hoành’’ cũng chỉ vun quén phong vị cho văn chương và cho tuổi hoàng hôn, đừng quay lại thời dĩ vãng xa lắc xa lơ nữa. Tôi còn nhớ một câu nói của đại kịch sĩ Pháp là Jean Louis Barrault : ‘‘Ở chỗ huy hoàng ánh sáng, hay trong xó kẹt tối tăm, đâu đâu cũng có hồng ân của Thượng Đế’.’

LDV: Văn của Hồ Trường An đầy chi tiết, sống động và tràn ngập nhiều nhân vật nữ với tạo hình thật rõ nét. Định hình giới tính của một nhà văn giữ tầm ảnh hưởng như thế nào đến giọng văn, chủ đề, và thông điệp gởi gấm?

HTA: Văn chương tôi có nhiều chi tiết sống động? Có thể lắm chớ? Tôi viết theo cảm hứng, có nhiều khi rất máy móc, không cần suy nghĩ cho nhuần nhuyện trước khi viết. Thường thường bọn gay chúng tôi thích trào lộng và có óc quan sát mãnh liệt. Do đó tôi tìm những nhân vật độc đáo, xem cách sống, cách suy nghĩ và cách ăn nói của họ. Ai chê hạng người ngồi lê đôi mách là hạng người mất nhân phẩm. Sức mấy mà tôi suy nghĩ như vậy. Các cuộc ngồi lê đôi mách giúp tôi khám phá và tìm hiểu các nhân vật độc đáo, những nhân vật có cá tính mạnh.

Tôi nhớ, hồi xa xưa, tôi ở chung với chị Thụy Vũ. Hôm đó, Tô Thùy Yên và chị nằm trên gác. Cô tớ gái của chị đang lục đục dưới bếp. Tôi và lũ bạn kéo về, quây quần bêm mâm gải khát, bắt đầu kể chuyện ngồi lê đôi mách pha trộn chuyện tiếu lâm. Bọn tôi không hay trên gác có người nên chúng tôi tha hồ mà xả máy đía dóc. Khi câu chuyện bắt đầu rời rạc dần thì chị tôi bước xuống, cười ngất: Nãy giờ tao với ông Tiên (chỉ TTY) nằm ngủ trên gác. Nghe bọn bây đấu hót bừa bãi mà cả hai cười muốn bể bụng, muốn tróc mỡ sa ra. Tao lại mắc tiểu. Nhưng ông Tiên cản tao lại để có thể tiếp nghe câu chuyện tụi bây. Trời ơi, tao nín đái, bọng đái căng phồng muốn bể như cái pháo chuột đây nè. Mấy tên này nên tìm gánh hát gia nhập làm hề là phải hơn.

LDV: Thế kỷ gần đây rất nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có những hành động công khai và cởi mở hơn về khuynh hướng tính dục của họ và điều này đã khuyến khích sự đồng thuận và cái nhìn thấu hiểu ngày một khoan dung của xã hội về khuynh hướng đồng tính. Theo ông, những người nắm giữ sự ái mộ đặc biệt của công chúng có trách nhiệm hướng dẫn dư luận vào lối suy nghĩ bình đẳng hơn trong những nan đề xã hội không?

HTA: Tôi ra hải ngoại vào năm 1977. Tôi có đọc được vài quyển hồi ký cũa các cây bút gay như hồi ký của kịch tác gia Tennessee Williams, hồi ký của Gore Vidal, hồi ký đại minh tinh điện ảnh Pháp là Jean Marais mà tôi còn nhớ cái tựa là Histoire de Ma Vie (Lịch Sử Đời Tôi). Ngoài ra, nhà văn Renaud Camus và nhà văn Tony Duvert có cho xuất bản quyển nhật ký của mình công khai bày tỏ những mối tình và những cuộc liên hệ xác thịt của mình với kẻ đồng phái tính. Còn nhà văn Pháp Dominique Fernandez qua cuốn L’Étoile Rose (Ngôi Sao Hường) cũng không giấu giếm khuynh hướng đồng tính dục của mình. Quyển L’Étoile Rose đã làm cho hàng triệu độc giả Pháp và độc giả các nước nói tiếng Pháp cảm thương cho dân gay bị bọn Đức Quốc Xã giam trong những trại trừng giới, bị xâm ngôi sao hường trên trán, bị đọa đày dã man. Lại nữa, tôi có đọc cuốn hồi ký của nhà văn nữ lừng danh xứ Pháp là Françoise Sagan. Tôi rất cảm phục bà ta ở chỗ dám chia sẻ cảm thông với tâm sự các nghệ sĩ gay. Bà ta viết về kịch tác gia kiêm văn gia Tennessee Williams kết bạn với nữ sĩ Carson Mc Cullers. Ông chồng bà Carson Mc Cullers tự tử vì khám phá ra mình là gay. Bà ta xuống tinh thần, bị suy nhược thần kinh. Ông Tennessee Williams và anh chàng tình nhân ông ta săn sóc bà. Rồi ông ta đưa bà ta sang Ý viếng thăm nữ tài tử Anna Magnani. Tại đây ngôi sao điện ảnh hàng đầu nước Ý này cùng anh tình nhân trẻ tuổi của mình săn sóc người nữ văn gia bất hạnh kia. Tình bạn giữa Tennessee Williams và Anna Magnani cũng rất gắn bó keo sơn. Nhờ cuốn phim Le Rose Tatouée phỏng theo vở kịch cùng tựa của Tennessee William mà Anna Magnani đoạt giải Oscar một cánh vinh quang. Từ đó, cả hai thân thiết nhau. Lại nữa, cô Vân chắc cũng biết qua nữ minh tinh Hoa Kỳ Elizabeth Taylor có 3 người bạn gay thân thiết đã từng đóng phim chung với cô ta là Montgomerry Clft, Rock Hudson, Roddy Mac Dowall. Cô ta giúp do họ vật chất lẫn tinh thần. Khi Rock Hudson chết vì bịnh AIDS, Liz Talor lập ra hội giúp đỡ dân bị séro-positif lẫn dân bắt đầu vào thời kỳ bịnh AIDS bắt đầu phát tác trên hoàn vũ.

Theo tôi, những nhà nghệ sĩ thuộc giới sáng tác bất kỳ trên xứ sở nào cũng không cần phải e ngại kẻ thưởng ngoạn giảm sút sự ái mộ của mình khi những kẻ dó biết họ là gay. Các nhà văn lừng danh trên thế giới như André Gide, François Mauriac, Jean Cocteau, Gore Vidal… vẫn được độc giả ủng hộ và ái mộ như thường. Bên sáng tác nhạc có Tchaikowski, bên hội họa có Michel Ange, Léonard de Vinci tới nay văn phẩm, nhạc phẩm lẫn họa phẩm của họ vẫn được hậu thế truyền tụng.

Những kẻ được quần chúng ái mộ nên đóng góp vào công việc đập tan thành kiến tiêu cực về vụ đồng tính luyến ái, giúp họ sống tự nhiên theo căn tính, theo khuynh hướng luyến ái và sở thích tình dục của họ. Rúng ép, cưỡng bách họ theo bản tính và sự ưa thích của mình tức là làm trái với cái ĐỨC theo quan niệm của Lão Tử, tức là sống theo bãn tính tự nhiên của mình. O ép họ hoặc khiên cưỡng họ sống theo người yêu kẻ khác phái tính là một điều trái tự nhiên, phản khoa học, lại còn độc ác bất nhân. Françoise Sagan, Mae West, Liz Taylor là những người biết sống vì biết thông cảm những kẻ muốn sống tự nhiên theo bản tính nhưng lại bị xã hội đầy những kẻ đầu óc hẹp hòi nguyền rủa, lên án và ngăn cấm.

LDV: Chúng ta đã làm được gì và cần làm thêm những gì để đẩy lùi những sự phân chia kỳ thị giới tính?

HTA: Chỉ cầu mong cho mọi người hiểu rằng đồng tính luyến ái là cái sở thích bẩm sinh, chứ không phải là cái căn bịnh do xã hội tạo ra. Có kẻ bảo rằng người đồng tính luyến ái là do trong người đương sự có những cái gènes (mầm mống) tạo cho đương sự cái khuynh hướng yêu người đồng phái. Dù tôi không nắm vững vấn đề nầy, nhưng tôi không bao giờ để cho Ông Trời hay nhà khoa học hay nhà tâm ly học hoặc nhà phân tâm học nào chữa trị tôi trở thành người đàn ông bình thường. Tôi rất hạnh phúc được làm chàng gay.

Để đẩy lùi sự phân chia giới tính, người đồng tính luyến ái phải tỏ ra có tư cách. Trước hết đừng ve vãn cọ quẹt với những người không phải là gay như mình. Đừng tỏ ra âu yếm quá lố với người tình của mình trước công chúng hoặc làm trò õng ẹo nữ tính. Có vậy các nhà soạn kịch, các nhà viết kịch bản không viết tuồng hát hay viết truyện phim phơi bày cái lố lăng của bọn gay ra. Như thế, bọn gay chúng tôi mới tránh khỏi bị họ vẽ vời qua những đường nét biếm họa lố lăng. Phải sống như người bình thường. Đừng mặc cảm, có vậy mới hóa giải đươc một phần lớn sự phân chia gới tính của kẻ dị tính luyến ái. Còn những người dị tính luyến ái nào vốn thiếu tấm lòng thông cảm bao dung phải tìm hiểu vì sao thời buổi này vấn đề đồng tính luyến ái được một vài nước nới lỏng, không bị ngăn cấm gắt gao. Đó có phải là cái kết quả tích cực của biết bao công việc nghiên cứu của các nhà tâm lý học, nhà phân tâm học, nhà xã hội học, nhà nhân chủng học, nhà sinh lý học, nhà tình dục học v.v… Dần dần họ mới khám phá cái bí nhiệm của kẻ đồng tính luyến ái và đi đến kết luận tích cực như sau: đồng tính luyến ái không phải là cái bệnh, cũng không phải là tật xấu mà là một trạng thái tâm lý học lẫn sinh lý học như bao nhiêu trạng thái muôn màu muôn vẻ của con người sống trên trái đất này.

LDV: Ông có tin vào tầm ảnh hưởng lớn của văn chương không? Ông có tin nó có thể giúp chúng ta xóa bỏ những ranh giới khác biệt giữa người và người không?

HTA: Có chứ cô Vân. Hồi 2 thập niên 30 và 40, văn hào André Gide dám phô bày cái đồng tính luyến ái của mình qua nhiều văn phẩm có giá trị nghệ thuật nên một thiểu số dân Pháp chẳng những không buộc tội bọn gay mà còn đặt lại vấn đề để tìm hiển dân gay sâu xa hơn. Tôi còn nhớ khi nhà đạo diễn James Ivory thực hiện cuốn phim Maurice phóng tác theo tác phẩm cùng tựa của E.M. Forster, khán giả Pháp đến xem chật rạp. Đa số dều chia sẻ tâm sự chàng Maurice do James Wilby đóng. Vào năm 2005, khi cuốn phim Le Secret de Brokeback Mountain của Ang Lee tung ra cũng được giới thưởng ngoạn ủng hộ nồng nhiệt. Đọc những quyển sách của ông André Gide, của ông Robert Peyrefitte (chẳng hạn như quyển Les Amitiés Particulièrs/Tình Bạn Kỳ Đặc) hoặc xem những cuốn phim mà tôi vừa kể thì kẻ thưởng ngoạn phải suy nghĩ và đặt lại vấn đề kỳ thị dân gay chứ! Nên tôi mãi tin, văn chương có tầm ảnh hưởng đáng kể.

LDV: Với tư cách là một nhà văn và một người trong cuộc, ông có những lời khuyên nào cho những ai vẫn còn chưa tìm được sự bình an trong tâm hồn về định hình giới tính của riêng họ?

HTA: Mình hạnh phúc hay không là do chính mình. Mình phải thành thật với chính mình, phải xem xét hoài bão và nguyện vọng của mình để tìm một lối sống riêng biệt cho mình với điều kiện mình không làm mất lòng ai, không dẫm chân và phóng uế vào đời tư kẻ khác. Mình phải chủ trương đời mình miễn sao đừng làm hại kẻ khác. Tôi xin nhấn mạnh những gì tôi đã phô bày, cạn tỏ mình nên sống bằng cuộc đời của mình, đừng sống bằng đời của kẻ khác. Đó là sống theo cái ĐỨC. Sống bằng đời kẻ khác, hoặc sống tuân theo luật lệ xã hội một cách khít khao mà không để một khe hở nhỏ nhoi cho ánh nắng tượng trưng cho sự tự do, cho sự quyền biến, cho sự cảm thông lọt vào thì cuộc sống của mình trở nên lệch lạc nếu không bảo là què quặt tật nguyền.

LDV: Xin trân trọng cảm tạ nhà văn Hồ Trường An đã dành cho độc giả những tâm sự hết sức cá nhân và lòng chân thật đáng quý trong cuộc nói chuyện này.

*Ảnh trên: nhà văn HTA vào năm 1991. Ảnh dưới – nhà văn HTA vào năm 2008.