Tác giả và Tác Phẩm

Nguyễn Ngọc Chính: Nhân văn – Giai Phẩm: Trần Dần, phản cách mạng hay cách tân?


Tôi đã sống rã rời cân não

Quãng thời gian nhưng nhức chuyện đi Nam

Những cơn mưa rơi mãi tối xầm

Họ lếch thếch ôm nhau đi từng mảng

Tôi đã trở nên người ôm giận

Tôi đem thân làm ụ cản đường đi

– Dừng lại!

                Đi đâu?

                           Làm gì?

Họ kêu những thiếu tiền, thiếu gạo

Thiếu cha, thiếu Chúa, thiếu vân vân

 

Trần Dần viết những dòng thơ trên trong bối cảnh hàng triệu người rời bỏ miền Bắc để di cư vào Nam năm 1954. Bài thơ Nhất định thắng (1) được đăng trong Giai phẩm Mùa Xuân và tạp chí bị tịch thu ngay sau đó. Có lẽ đưới mắt các lãnh đạo ‘văn hóa-tư tưởng’ những cụm từ như ‘sống rã rời cân não…” và ‘thiếu vân vân…’ tiềm ẩn một tư tưởng… chống đối cách mạng?

 

Ngày giải phóng thủ đô Hà Nội được Trần Dần mô tả rất ‘tự nhiên, đời thường’ với cờ treo đầy phố, đầy nhà nhưng lại là ‘phản động’ dưới con mắt soi mói của chính quyền vừa tiếp quản miền Bắc:

 

Tôi bước đi

                không thấy phố

                               không thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa

                     trên màu cờ đỏ

 

Có lẽ ‘tội’ nặng nhất của Trần Dần trong bài thơ này là câu lấp lửng, ‘vô thưởng, vô phạt’ nhưng lại ám chỉ một tư tưởng chống đối, người ta tự hỏi ‘Bóng chúng’ là bóng của ai?

 

Bóng chúng

                đè lên

                     số phận

                             từng người

 

để khiến Trần Dần phải than thở:

 

Người tin tưởng nhất như anh

                              vẫn có phút giây ngờ vực

 

 

Trần Dần (1926-1997)

 

Các tác giả viết về Trần Dần nói riêng và Nhân văn-Giai phẩm (NVGP) nói chung đều dựa vào 2 nguồn tài liệu được coi như ‘chính thống’ theo quan điểm chính trị đối nghịch của hai miền Nam và Bắc trong cuộc chiến vừa qua. Đó là tác phẩm Trăm hoa đua nở trên đất Bắc của Hoàng Văn Chí, tức Mạc Định, do Mặt trận Bảo vệ Tự do Văn hoá xuất bản tại Sài Gòn năm 1959 và tập Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước toà án dư luận do Nhà xuất bản Sự Thật (nay là Nxb Chính Trị Quốc Gia), in tháng 6/1959, tại Hà Nội.

 

Cuốn xuất bản tại Hà Nội là tài liệu 370 trang, tập hợp những bài viết hoặc bài diễn văn có mục đích tố cáo, lên án hoặc buộc tội những người được xếp vào hàng ngũ Nhân văn-Giai phẩm. Trong phần cuối cuốn sách, có một chương nhỏ, trích ‘những lời thú tội’ của các thành viên NVGP. Gần như toàn thể tài liệu dành cho phía công tố ‘phát hiện tội’, với những lời lẽ vô cùng khiếm nhã, khó thể tưởng tượng từ miệng, hoặc từ ngòi bút của giới được gọi là ‘trí thức văn nghệ sĩ’ đối với các đồng nghiệp và bạn hữu của mình đã tham gia phong trào.

 

Danh sách những bài luận tội bao gồm 83 văn nghệ sĩ, đoàn thể, báo chí, cũng như các nhân vật trong ban chấp hành trung ương Đảng. Trong đó, nổi bật nhất có những tên tuổi như: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Phạm Huy Thông, Trần Hữu Tước, Đặng Thai Mai, Nguyễn Huy Tưởng, Hồng Cương, Nguyễn Văn Bổng, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Hồ Đắc Di, Vũ Đức Phúc, Quang Đạm, Bàng Sĩ Nguyên, Ngụy Như Kontum, Hằng Phương, Lương Xuân Nhị…

 

‘Ngã tư xưa’, ký họa của Trần Dần

 

Trần Dần đã ‘dám’ phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, người phụ trách toàn bộ công tác lãnh đạo văn nghệ thời kỳ đó. Nhà thơ không có bài trên báo, nhưng trong nhật ký Trần Dần ghi: “Tố Hữu nhìn sự vật nó chính trị quá, công thức quá, lười tìm tòi quá. Chỗ nào hay thì lại là lắp lại Nguyễn Du, Tản Đà, ca dao… Tố Hữu chưa đem tới một cách nhìn mới mẻ gì”.

 

Trần Dần nhận xét tập thơ Tố Hữu là “nhỏ bé, nhạt nhẽo trước cuộc sống vĩ đại và mắc một sai lầm nghiêm trọng là sùng bái cá nhân, thần thánh hoá lãnh tụ”. Theo Vũ Tú Nam trong bài Sự thực về con người Trần Dần đăng trên báo Quân đội Nhân dân, trong buổi toạ đàm ngày 4/3/55, Trần Dần gọi thơ Tố Hữu là “tí ti la haine, tí ti l’amour” (tí ti căm thù, tí ti tình yêu). Về phần mình, Tố Hữu đã thẳng tay buộc tội Trần Dần:

 

Cuộc tấn công vào chế độ ta và Đảng ta đã bắt đầu trên mặt trận văn nghệ từ đầu năm 1955, ngay khi hòa bình vừa lập lại. Trong khi bọn gián điệp còn giấu mặt chờ đợi thời cơ, và bọn tờ-rốt-kít Trương Tửu, Trần Đức Thảo tích cực chuẩn bị lực lượng ở trường Đại học, thì bọn Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, hai tên phản Đảng ẩn nấp trong báo Văn Nghệ của Hội Văn Nghệ cùng bọn Trần Dần, Tử Phác cũng là những tên phản Đảng trong phòng Văn nghệ quân đội, đã kết thành một bè phái chống Đảng trong Văn nghệ.

 

Theo Tố Hữu, việc phê bình tập thơ Việt Bắc là do cái bè phái ấy sắp đặt để đánh vào sự lãnh đạo và đường lối văn nghệ của Đảng, đồng thời đề xướng cái mà ông gọi là ‘điệu tâm hồn của chủ nghĩa cá nhân tư sản, mở cửa cho lối sống tự do sa đọa.

 

Đương nhiên cái điệu tâm hồn ấy của Lê Đạt xướng lên không thể nào hoà được với cái điệu lớn của cách mạng, và cũng rất tự nhiên nó chỉ hoà được với tiếng sáo tiền kiếp lóc gân của tên mật thám Trần Duy”.

 

Trần DầnTử Phác, được Tố Hữu gọi là ‘những đứa con hư hỏng của Hà nội cũ’, bỗng cảm thấy đời sống trong quân đội nghẹt thở, chỉ vì thiếu cái tự do trở lại đời sống trụy lạc cũ. Thêm vào đó, với ít nhiều chất phản động của Hồ Phong, Trần Dần đã gióng lên tiếng trống tương lai’, nhục mạ cán bộ chính trị là người bệnh, người ròi, người ụ. Họ đòi trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ. Cụ thể là thủ tiêu chế độ chính trị viên trong các đoàn văn công quân đội tức là thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng và kỷ luật của quân đội đối với họ.

 

Trần Dần và Tử Phác bị ‘cấm trại’ (không cho về nhà) từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1955. Một tháng sau đó, cả hai được gửi đi tham gia Cải cách ruộng đất tại Yên Viên, Bắc Ninh, từ tháng 11/1955 đến tháng 2/1956. Cũng vào thời điểm này, Giai phẩm Mùa xuân ra đời, đăng bài thơ Nhất định thắng, Trần Dần và Tử Phác bị bắt giam. Ông đã dùng dao cạo cứa cổ phải đưa vào bệnh viện.

 

Việc Trần Dần cứa cổ, Hoàng Cầm kể lại: “… Anh kéo cái phản ra chỗ ánh sáng từ trên nóc hầm rọi xuống, cởi áo ngoài, để phơi áo sơ mi trắng bên trong ra, lấy một cái mince lame trong túi, nằm ngửa lên phản, dùng lưỡi dao cứa vào cổ cho máu phun ra ngực áo, rồi giẫy đạp ầm ĩ, cốt cho anh lính gác nghe thấy. Anh lính gác nhìn xuống thấy thế hoảng quá: Nó tự tử, phải đưa cấp cứu ngay! Một lát sau, cửa hầm mở, người ta đưa Trần Dần đi cấp cứu ở một bệnh viện gần đó. Té ra là bệnh viện Hà đông. Ở đây, Trần Dần may vớ được một người quen bèn viết mẩu giấy nhờ đưa đến Tổng cục chính trị nơi anh công tác. Nguyễn Chí Thanh lập tức đến bệnh viện và lệnh tha ngay cả Trần Dần và Tử Phác”.

 

Lưỡi dao cùn để lại một vết sẹo. Vết thương sau này trông tưởng đã lành, nhưng ba mươi năm máu vẫn chảy bên trong tựa như những giọt rơi tí tách gõ nhịp tháng năm một trái tim bị chấn thương cho đến ngày tử bỏ cõi đời.

 

Cứ giả dụ cái lưỡi dao ấy không cùn. Nó rạch toang cổ, máu nhiễu xuống có vòi, dẫy lên, hét lên, kiểu Nguyễn Văn Trỗi… ‘chính chúng bay là giặc’! Khi đó, chắc Miền Nam sẽ tung hô ông, kẻ chết vì tự do và chính nghĩa, đặt ông lên hàng… thánh tử vì đạo! Còn ở Miền Bắc, chắc giới văn nghệ sĩ sẽ lặng đi vì sợ hãi và trở nên dễ ‘cải tạo’ đến độ không hô vẫn theo, không dạy vẫn ngoan!

 

Chân dung Trần Dần với vết sẹo trên cổ

do Nguyễn Sáng vẽ năm 1956 và đăng trên Nhân Văn số 1

 

Bên cạnh những lý do chính trị, người ta hiểu Trần Dần bị kỷ luật còn vì chuyện tình cảm: yêu một người con gái có đạo, cha mẹ đã đi Nam nên không được đảng cho phép cưới. Trần Dần đã tự ý bỏ trại, về với người yêu ở phố Sinh Từ (được nói đến trong bài thơ Nhất định thắng).

 

Những mối tình vào thời đó thường ngang trái vì có ‘quan hệ xã hội phức tạp’: Trần Dần và bà Bùi Thi Ngọc Khuê, Lê Đạt và bà Thúy, Hoàng Cầm và bà Yến và Đặng Đình Hưng với bà Thái Thị Liên (có người con trai là nhạc sĩ dương cầm sau này nổi tiếng thế giới, Đặng Thái Sơn).

 

Đến giữa tháng 5/1955, Trần Dần viết hai lá đơn xin ra khỏi đảng và xin giải ngũ trong đó ông trình bày những lý lẽ của mình với một sự thẳng thắn, nếu không muốn nói là ‘ngây thơ lạ lùng’, trong bối cảnh chính trị ở miền Bắc vào lúc đó.

 

Con người nói chung, và nhà văn ‘phản cách mạng’ nói riêng, hoàn toàn mất giá qua những áp lực, từ miếng ăn đến tư tưởng, trong thời kỳ này. Tội của họ rất đa dạng, từ ‘âm mưu lật đổ Trung ương bằng phương pháp hòa bình’ mà ngày nay được biết đến qua cụm từ ‘diễn biến hòa bình’ cho đến tội gián điệp như trường hợp của Nguyễn Hữu Ðang và Thụy An (2).

 

Phùng Cung đã có những phản ứng không khoan nhượng, khi học tập chính trị, ông ‘hỗn’ đến độ bị đuổi khỏi lớp. Ông chửi “Mẹ nó, nhục lắm. Mình xin về nhà có được không nhỉ?”. Trần Dần khuyên, rằng nên ‘đầu hàng’ vì họ là ‘chân lý’, không nên xin ra khỏi biên chế vì lúc này mọi hành động phản kháng đều có thể bị coi là một sự tiến công của ‘tư tưởng thù địch’.

 

Tháng 5/58, Hội Nhà Văn cho phép nhà văn tự kiểm thảo và sáng tác. Ai cũng phải tự phê bình. Về mình, Trần Dần tự kết tội là “…giặc – bút, viên đạn xét lại, mũi tên độc địa của chủ nghĩa cá nhân đồi trụy, chủ nghĩa vô chính phủ và đầu óc làm phản…” , và rồi ông dí dỏm “…tôi sáng tác thêm vài chữ để miêu tả chân tướng mình, cho nó hết lòng một thể”.

 

Hoàng Cầm cũng lắm tội, nghiện thuốc phiện, lại bị ra tòa về việc chung sống với bà Yến. Ông đã thú thật với Văn Cao: “Mình dát, bị đánh quá, mụ đi như ‘con đồng’, họ hỏi đâu thì cứ phun ra tuồn tuột, không nghĩ gì cả nữa”. Văn Cao, chắc có Tiến Quân Ca là cái lá chắn, cũng nhỏ to: “Tao chỉ có tội chống Tố Hữu, chứ tao có chống Ðảng đâu?”.

 

Khi thế kỷ còn rung chuông lừa bịp
Những canh gà báo trượt rạng đông
Con rắn lưỡi cắn người như cắn ngoé
Khi xe tăng chửa đi cấy đi cày
Như một lũ tội nhân cần cải tạo
Khi con thò lò ngày đêm hai mặt đói meo
Còn quay tít trên kiếp người hạ giá…

(Hãy đi mãi, Văn, 1957)

 

Từ trái sang phải:

Họa sĩ Dương Bích Liên, nhà thơ Đặng Đình Hưng,

nhà thơ Trần Dần và họa sĩ Nguyễn Sáng

 

Nhà văn Nam Dao kể lại:

 

Về Hà Nội hè năm 88, tôi sững sờ, không biết là buồn hay vui khi nạn nhân Nhân Văn-Giai Phẩm đều ‘được’, và đều ‘nhận’, phục hồi hộ tịch. Văn Cao trước đấy được Huân chương hạng tư, hân hoan càvát vét-tông đi chụp ảnh, với Hải-Không quân, vì là tác giả của những bài hát biểu trưng những binh chủng này… Tôi trách Văn Cao. Tôi bảo, tiếng tăm anh chỉ mất đi chứ thêm được gì với cái Huân chương đó. Anh giả say, mắng tôi là quân khiêu khích -agent provocateur- rồi giơ tay dọa đánh.”

 

Phần Trần Dần, anh buồn, im lặng. Con cọp ngày khật khừ, nhướng lên, ánh mắt không rừng rực như cọp nhớ rừng. Với thời gian, anh thành cọp nhà, cọp phố Vũ Lợi, cọp chống gậy đi dọc Yết Kiêu, đến Trần Hưng Ðạo rẽ trái, và lững thững bước về phía Bờ Hồ. Vài ngày sau anh bay ra Huế.

Tại Sài Gòn, cọp nheo mắt chóa nắng, lừng lững chống gậy đứng lên trong lần đầu tiên vào miền Nam. Trong Xổ Bụi, Nam Dao nhớ lại một cuộc hội ngộ kỳ thú tại Sài Gòn giữa ‘cọp ngày’ Trần Dần từ phương Bắc và ‘đười ươi’ Bùi Giáng ở phương Nam:

 

Liên hoan trên gác ba nhà Nguyễn Quang Sáng. Nguyễn Duy mới đi Liên Xô và Ðông Âu về, đang đánh tiết canh vịt dưới bếp. Ðã hẹn, nhưng sao mãi chưa thấy Trịnh Công Sơn. Khoảng bảy giờ, có tiếng chân, tiếng người. Sơn đi trước, Lữ Quỳnh đang xốc Bùi Giáng theo sau. A, hay thật là hay. Con đười ươi Tề Thiên tối nay gặp cọp ngày.

 

Chỉ thấy đười ươi huyếch miệng cười khan và sáp lại, mắt hấp háy. Cọp bất động, nhưng nhìn đười ươi chằm chằm. Anh em xếp cho đười ươi ngồi trước mặt cọp. Sơn tươi tỉnh ‘…anh Giáng, hứa không được phá nghen!’. Móm mém, Giáng cười, tiếng cười trong vắt hồn nhiên. Chưa đụng vào đũa, Giáng bi bô chỉ trỏ vào Dần, và nói, tay vung lên, miệng say sưa. Chẳng ai hiểu gì! Vì anh nói một thứ tiếng lai tiếng Ðức, tiếng Anh, tiếng Pháp, nghĩa là thứ tiếng riêng của Bùi Giáng, lộn nhộn đủ loại ngữ ngôn.

 

Lạ thật, Dần gật gù. Thình lình, Giáng đứng lên ghế, tiếp tục nói, như diễn thuyết. Sơn ra bên cạnh, kéo Giáng ngồi xuống, nhắc ‘…phá quá cha nội! Hứa gì quên rồi ư…’. Giáng cười khì khì, giả ngồi yên. Sơn vừa về chỗ, Giáng lại đứng dậy. Con đười ươi Tề Thiên nghiêng ngả, kêu chí choét, lại nói. Lúc ấy Dần giơ tay. Giáng ngừng ngay, mắt trố lên nhìn. Con cọp giọng trìu mến thốt ‘…người ta bảo Bùi Giáng giả điên!’ Giáng lại kêu chí choét, như giục, còn gì nữa? Dần im lặng. Giáng vùng đứng lên ghế, rồi giả xiêu giả vẹo. Lữ Quỳnh phải chạy lại đỡ.

 

Con đười ươi Tề Thiên cứ thế, diễn màn độc thoại, nhưng vô ngôn, có lẽ dành riêng cho cọp. Lữ Quỳnh và tôi, mỗi người một bên, dìu Giáng xuống thang, ra đường gọi xe xích lô. Ðẩy Giáng lên, chúng tôi trả tiền xe. Vừa quay lại thì Giáng đã nhảy tót xuống xích lô, tay chìa ra, miệng kì kèo ‘.. ‘tau’ không đi xe, mi chia ‘tau’ một nửa tiền xe hỉ!’. Rồi Giáng lẩn trong bóng đêm trên đường xưa là Công Lý, nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa, vạt áo bà ba trắng vụt biến vụt hiện như một linh hồn lạc lõng. Lữ Quỳnh lo cho Giáng. Sơn cười ‘…già ấy tỉnh, khôn thấy mồ tổ, đừng lo!” (2)

 

 

Như đã viết trên tiêu đề của bài này, tại sao tôi lại xếp Trần Dần vào loại nhà thơ ‘cách tân’? Đơn giản là vì ông đã tạo một hình thức mới trong thơ mà có người gọi là… ‘thơ bực thang’. Đó là những câu thơ bị ngắt dòng, và khi xuống dòng lại nhô ra, dòng sau bao giờ cũng nhô ra nhiều hơn dòng trước trông tựa… bậc thang.

 

Thực ra, không phải Trần Dần là người đầu tiên dùng lối thơ ngắt dòng nhưng ông có sáng tạo trong cách ‘tạo bực thang’ ở những câu thơ quan trọng. Với lối ‘cách tân’ này, mỗi khi Trần Dần xuống dòng là có dụng ý nhấn mạnh ý tưởng, đồng thời với hình thức ‘bậc thang’ ông tạo cho người đọc một hiệu quả ‘trực quan’ khi thưởng thức những dòng thơ ông. 

 

Tôi khóc những chân trời
                                       không có
                                                   người bay
Lại khóc những người bay
                                       không có
                                                     chân trời


Trong lối cách tân, Trần Dần còn tạo ra lối ‘lảy thơ’, đó là những câu thơ rất ngắn nhưng xúc tích nhiều ý nghĩ thâm thúy. Trần Dần gọi đó là Thơ mini. Ở Sổ bụi (năm1988) khi nói về Thơ mini ông viết: “Tôi thích viết cái chưa biết, mặc các ông viết cái đã biết. 90 có hoàn thành không? có thành công không để mà đốt đi? Tôi đã đốt tôi đi không phải chỉ đôi lần…cái chưa biết- cái khó – thậm chí cái bất khả thu hút và đắm đuối tôi”.

 

Theo tôi, những câu ‘thơ mini’ này đều có thể xếp vào loại danh ngôn, dù chưa phải là lời hay ý đẹp nhưng cũng đáng để chúng ta suy gẫm. Trần Dần luôn bộc lộ bản chất của người khai phá. Những con chữ của ông luôn cựa quậy cùng sự sống. “Làm thơ là làm chữ, làm con chữ” là một quan niệm được ông tận hưởng và chia sẻ trong suốt cuộc đời.

 

Chính vì thế mà thơ ông không lẫn với người khác, và thực tế ông đã tạo ra một từ trường thơ thu hút bao người. Ông là một người đầy khát vọng về cuộc sống tốt đẹp. Đó cũng là khát vọng đi tới chân trời nghệ thuật mới lạ. Và cũng vì thế, những điều ông viết ra khiến người ta phải suy nghĩ.

 

sáng bảnh-bành-banh

mày vẫn ngủ-ngù-ngu

 

tóm lấy tu từ vặn nghoẹo cổ
viết như khạc nhổ mọi tu từ

 

nói tao biết mày viết thế nào

tao sẽ nói mày sống chết ra sao

 

văn chương lom khom

sao lại cho tôi nhiều xương sống thế?

 

nhân loại – tôi không chơi với các anh nữa

ván nào anh cũng ăn gian

 

thức khuya mới biết đêm ngắn

kẻ ngỡ đêm dài là chửa thức khuya

 

Thơ Mini của Trần Dần cũng có thể là thơ nhiều hơn hai dòng theo cách ngắt câu tùy hứng của nhà thơ:

 

rồi ra tôi sẽ buồn như núi

lặng như ngày

đau đáu như mây  

 

hoa soi, hoa sói, hoa sòi

hoa khói

ga cuối của lòng

tim cuối

hai bàn chân cuối

khóc đi thôi

 

Đôi khi ‘lảy thơ’ lại chỉ có vỏn vẹn một câu, một dòng:

 

tôi đứng tuổi mà không đứng gió

 

một đám ma đen đi mãi không tới huyệt

 

mưa rơi không cần phiên dịch

 

 

Trần Dần vẫn thầm lặng sáng tác. Từ năm 1954 đến 1989 ông vẫn đều đặn viết nhật ký, đầu tiên là Ghi vặt (năm 1973), sau thành Sổ thơ và từ năm 1979 biến thành Sổ bụi. Nhận xét về giai đoạn này, ông nói: “Mình ngồi ba chục năm quen rồi. Ngồi mà vẫn đi, vẫn ngao du. Mình có cuốn sổ “bụi”, sổ “ngao du”. Mình đi chơi lang thang trong cuốn sổ này. Đây là sổ để ghi tất cả những gì mới nghĩ ra. Có khi ngoài cả ý thức. Đó là cách đi của mình”.

 

Năm 1961 ông trở về Hà Nội và từ đó đến năm 1986, kiếm sống bằng nghề dịch sách, tô màu ảnh, vẽ tranh, không tham gia đời sống văn học chính thống. Trong hồi ức của các con ông, Trần Dần ít khi buồn, không có một phàn nàn và không bao giờ kể chuyện đời mình.

 

Trần Dần vẫn kiên trì công cuộc ‘cách tân’ thơ của mình. Sổ bụi cuối cùng viết năm 1989, trước khi những năm cuối cuộc đời bệnh tật đã cướp đi của ông trí nhớ và sự minh mẫn. Đặc biệt, Trần Dần không bao giờ mất lòng tin đến một ngày tác phẩm của mình được xuất bản trở lại. Sau khi ông mất, trong di cảo của ông, các con ông đã tìm thấy một tập bản thảo có ghi Trần Dần tự xuất bản và tập thơ Bao giờ em đi lấy chồng mà ông đã tự trình bày và minh họa sẵn cách đấy 35 năm.

 

Đến thời kỳ Đổi mới, bước vào giai đoạn tác giả có thể bỏ tiền tự in, tự phát hành với sự cấp giấy phép của Nhà xuất bản, vài tác phẩm của ông được xuất bản trở lại như Trường ca Bài thơ Việt Bắc năm 1990 (cho dù chương 12 của bản Trường ca là toàn bộ bài thơ Nhất định thắng phải bỏ) và tập thơ tiểu thuyết Cổng tỉnh năm 1994, tác phẩm sau này đã đoạt giải thưởng của Hội nhà văn. Ông mất tại Hà Nội năm 1997 với một niềm tin lạc quan của một nhà thơ, nhà văn và đồng thời là một họa sĩ:

 

Hãy tin chắc
                   Rồi ta
                            Xứng đáng

Một vòng hoa đỏ nhất
                                  Phủ quan tài.

 

 

===

 

Chú thích:

 

(1) Trần Dần sáng tác bài thơ Nhất định thắng năm 1955, đăng trong Giai Phẩm Mùa Xuân 1956. Bản gốc dưới đây rất dài so với bản trong cuốn Trăm hoa đua nở trên đất Bắc của Hoàng Văn Chí do Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hoá xuất bản tại Sài Gòn năm 1959. Trong cuốn sách này, bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần, tác giả đã lược bỏ những câu, những đoạn sắt máu, có tính cách khẩu hiệu, tuyên truyền, khiến cho tác phẩm hay hơn, nhân bản hơn, được độc giả miền Nam chấp nhận, nhưng đã làm lệch ý của Trần Dần trong thời điểm 1955-56. Bản in lại trong tập Trần Dần thơ (nxb Đà Nẵng, 2008) cũng là bản của Hoàng Văn Chí.

 

Tôi ở phố Sinh Từ

Hai người

Một gian nhà chật,

Rất yêu nhau sao cuộc sống không vui ?

Tổ quốc hôm nay

tuy gọi sống hòa bình

Nhưng mới chỉ là trang thứ nhất

Chúng ta còn muôn việc rối tinh…

 

Chúng ta

Ngày làm việc, đêm thì lo đẫy giấc

Vợ con đau thì rối ruột thuốc men

Khi mảng vui – khi chợt nhớ chợt quên

Trăm cái bận hàng ngày nhay nhắt.

Chúng ta vẫn làm ăn chiu chắt.

Ta biết đâu bên Mỹ miếc tít mù

Chúng còn đương bày kế hại đời ta?

 

Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc

Đất hôm nay tầm tã mưa phùn

Bỗng nhói ngang lưng

máu rỏ xuống bùn

Lưng tôi có tên nào chém trộm ?

A! Cái lưỡi dao cùn!

Không đứt được mà đau!

Chúng định chém tôi làm hai mảnh

Ôi cả nước! Nếu mà lưng tê lạnh

Hãy nhìn xem: có phi vết dao?

Không đứt được mà đau!

Lưng Tổ Quốc hôm nay rớm máu

Tôi đã sống rã rời cân não

Quãng thời gian nhưng nhức chuyện đi Nam

Những cơn mưa rơi mãi tối xầm

Họ lếch thếch ôm nhau đi từng mảng

Tôi đã trở nên người ôm giận

Tôi đem thân làm ụ cản đường đi

– Dừng lại!

Đi đâu?

Làm gì?

Họ kêu những thiếu tiền, thiếu gạo

Thiếu cha, thiếu Chúa, thiếu vân vân

Có cả anh nam chị nữ kêu buồn

– Ở đây

Khát gió, thèm mây…

Ô hay!

Trời của chúng ta gặp ngày mây rủ?

Nhưng trời ta sao bỏ nó mà đi?

Sau đám mây kia

Là cả miền Nam

Sao nỡ tưởng non bồng của Mỹ!

Tôi muốn khóc giữ từng em bé

– Bỏ tôi ư? – Từng vạt áo – gót chân

Tôi muốn kêu lên – những tiếng cộc cằn…

– Không! Hãy ở lại!

Mảnh đất ta hôm nay dù tối

Cũng còn hơn

Non bồng Mỹ

Triệu lần…

Mảnh đất dễ mà quên?

 

Hỡi bạn đi Nam

Thiếu gì ư sao chẳng nói thật thà?

Chỉ là:

– Thiếu quả tim bộ óc!

Những lời nói sắp thành nói cục

Nhưng bỗng dưng tôi chỉ khóc mà thôi

Tôi nức nở giữa trời mưa bão.

Họ vẫn ra đi.

– Nhưng sao bước rã rời?

Sao họ khóc?

Họ có gì thất vọng?

Đất níu chân đi,

Gió cản áo quay về

Xa đất Bắc tưởng như rời cõi sống.

Tưởng như đây là phút cuối cùng

Trăng trối lại: – Mỗi lùm cây – Hốc đá

– Mỗi căn vườn – gốc vả – cây sung

Không nói được, chỉ còn nức nở

Trắng con ngươi nhìn lại đất trời

Nhìn cơn nắng lụi, nhìn hạt mưa sa

Nhìn con đường cũ, nhìn ngôi sao mờ

Ôi đất ấy – quên làm sao được ?

Quên sao nơi ấm lạnh ngọt bùi

Hôm nay đây mưa gió dập vùi

– Mưa đổ mãi lên người xa đất Bắc…

Ai dẫn họ đi?

Ai?

Dẫn đi đâu? – Mà họ khóc mãi thôi

Trời vẫn quật muôn vàn tảng gió

Bắc Nam ơi, đứt ruột chia đôi

Tôi cúi xuống – Quỳ xin mưa bão

Chớ đổ thêm lên đầu họ

– Khổ nhiều rồi!

Họ xấu số – chớ hành thêm họ nữa

Vườn tược hoang sơ – cửa nhà vắng chủ

Miền Nam muôn dặm, non nước buồn thương

Họ đã đi nhưng trút lại tâm hồn

Ơi đất Bắc! Hãy giữ gìn cho họ!

 

Tôi ở phố Sinh Từ

Những ngày ấy bao nhiêu thương xót

Tôi bước đi

không thấy phố

không thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa

trên màu cờ đỏ

 

Gặp em trong mưa

Em đi tìm việc

Mỗi ngày đi lại cúi đầu về

– Anh ạ !

Họ vẫn bảo chờ…

Tôi không gặng hỏi, nói gì ư?

Trời mưa, trời mưa

Ba tháng rồi

Em đợi

Sống bằng tương lai

Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi

Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã

 

Em đi

trong mưa

cúi đầu

nghiêng vai

Người con gái mới mười chín tuổi

Khổ thân em mưa nắng đi về lủi thủi

Bóng chúng

đè lên

số phận

từng người

Em cúi đầu đi mưa rơi

Những ngày ấy bao nhiêu thương xót

 

Tôi bước đi

không thấy phố

không thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa

trên màu cờ đỏ.

Đất nước khó khăn này

sao không thấm được vào thơ ?

Những tủ kính tôi dừng chân dán mũi

Các thứ hàng ế ẩm đợi người mua

Nhưng mà sách – hình như khá chạy

À quyển kia của bạn này – bạn ấy

Quyển của tôi tư lự nét đăm đăm

Nó đang mơ : – Nếu thêm cả miền Nam

Số độc giả sẽ tăng dăm bảy triệu

Tôi đã biến thành người định kiến

Tôi ước ao tất cả mọi người ta

Đòi thống nhất phải đòi từ việc nhỏ

– Từ cái ăn

cái ngủ

chuyện riêng tư

– Từ suy nghĩ

nựng con

và tán vợ.

Trời mưa mãi lây rây đường phố

Về Bắc Nam tôi chưa viết chút nào

Tôi vẫn quyết Thơ phải khua bão gió

Nhưng hôm nay

tôi bỗng cúi đầu

Thơ nó đi đâu ?

Sao những vần thơ

Chúng không chuyển, không xoay trời đất ?

Sao chúng không chắp được cõi bờ ?

Non nước sụt sùi mưa

Tôi muốn bỏ thơ

làm việc khác

Nhưng hôm nay tôi mê mải giữa trời mưa

Chút tài mọn

tôi làm thơ chính trị.

Tôi bước đi

không thấy phố

không thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa

trên màu cờ đỏ.

 

Em ơi ! – Ta ở phố Sinh Từ

Em đương có chuyện gì vui hử ?

À cái tin trên báo – ừ em ạ

Chúng đang phải dậm chân đấm ngực!

Vượt qua đầu chúng nó,

mọi thứ hàng

Những tấn gạo vẫn vượt đi

Những tấn thư, tài liệu

Vẫn xéo qua đầu chúng, giới danh gì?

Ý muốn dân ta

là lực sĩ khổng lồ

Đè cổ chúng mà xóa nhòa giới tuyến

Dân ta muốn trời kia cũng chuyển

Nhưng

Trời mưa to lụt cả gian nhà:

Em tất tả che mưa cản gió

Con chó mực nghe mưa là rú

Tiếng nó lâu nay như khản em à

Thương nó nhỉ – Nó gầy – Lông xấu quá

Nó thiếu ăn – Hay là giết đi ư?

Nó đỡ khổ – Cả em đỡ khổ.

Em thương nó – Ừ thôi chuyện đó

Nhưng hôm nay em mới nghĩ ra

Anh đã biến thành người định kiến

Những ngày ấy bao nhiêu thương xót

 

Tôi bước đi

không thấy phố

không thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa

trên màu cờ đỏ.

Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc

Tai bỗng nghe những tiếng thì thầm

Tiếng người nói xen tiếng đời ầm ã

– Chúng phá hiệp thương

– Liệu có hiệp thương

– Liệu có tuyển cử

– Liệu tổng hay chẳng tổng ?

– Liệu đúng kì hay chậm vài năm ?

Những câu hỏi đi giữa đời lỏng chỏng.

Ôi xưa nay Người vẫn thiếu tin Người

Người vẫn thường kinh hoảng trước Tương lai

Người quên mất Mỹ là sư tử giấy.

Người vẫn vội – Người chưa kiên nhẫn mấy

Gan người ta chưa phải đúng công nông

Người chửa có dạ lim trí sắt

Người mở to đôi mắt mà trông!

 

A tiếng kèn vang

quân đội anh hùng

Biển súng

rừng lê

bạt ngàn con mắt

Quân ta đi tập trận về qua

Bóng cờ bay đỏ phố đỏ nhà…

Lá cờ ấy lá cờ bách thắng

Đoàn quân kia muôn trận chẳng sờn gan

Bao tháng năm đói rét nhọc nhằn

 

Từ đất dấy lên

là quân vô sản

Mỗi bước đi lại một bước trưởng thành

Thắng được chiến tranh

giữ được hòa bình

Giặc cũ chết – Lại lo giặc mới

Đoàn quân ấy kẻ thù sợ hãi

Chưa bao giờ làm mất bụng dân yêu

Dân ta ơi! chiêm nghiệm đã nhiều

Ai có Lý ? Và ai có Lực ?

Tôi biết rõ đoàn quân sung sức ấy

Biết nhân dân

Biết Tổ Quốc Việt Nam này

Những con người từ ức triệu năm nay

Không biết nhục

Không biết thua

Không biết sợ !

Hôm nay

Cả nước chỉ có một lời hô

THỐNG NHẤT

Chúng ta tin khẩu hiệu ta đòi

– Giả miền Nam!

Tôi ngửa mặt lên trời

Kêu một tiếng – Bỗng máu trời rơi xuống

Vài ba tia máu đỏ rớt vào tôi

Dân ta ơi!

Những tiếng ta hô

Có sức đâm trời chảy máu.

Không địch nào cưỡng nổi ý ta

Chúng ta đi – Như quả đất khổng lồ

Hiền hậu lắm – Nhưng mà đi quả quyết…

 

Hôm nay

Những vần thơ tôi viết

Đã giống lưỡi lê: Đâm

Giống viên đạn: Xé

Giống bão mưa: Gào

Giống tình yêu: Thắm

Tôi thường tin ở cuộc đấu tranh đây

Cả nước đã bầu tôi toàn phiếu

Tôi là người vô địch của lòng tin

Sao bỗng hôm nay,

tôi cúi mặt trước đèn ?

Gian nhà vắng chuột đêm nó rúc.

Biết bao nhiêu lo lắng hiện hình ra.

Hừ! Chúng đã biến thành tảng đá

chặn đường ta !

Em ơi thế ra

Người tin tưởng nhất như anh

vẫn có phút giây ngờ vực

Ai có lý ? Và ai có lực ?

Ai người tin ? Ai kẻ ngã lòng tin ?

Em ơi

Cuộc đấu tranh đây

Cả nước

Cả hoàn cầu

Cả mỗi người đêm ngủ vẫn lo âu

Có lẫn máu, có xót thương lao lực

Anh gạch xóa trang thơ hằn nét mực

Bỗng mặt anh nhìn thấy! lạ lùng thay!

Tảng đá chặn đường này!

Muôn triệu con người

Muôn triệu bàn tay

Bật cả máu ẩy đá lăn xuống vực!

Anh đã nghĩ: Không có đường nào khác

Đem ngã lòng ra

Mà thống nhất Bắc Nam ư?

Không không!

Đem sức gân ra!

Em ơi em!

Cái này đỏ lắm, gọi là TIM

Anh dành cho cuộc đấu tranh giành Thống Nhất

 

(2) Xem Nhân văn-Giai phẩm: nhà văn Thụy An http://nguyenngocchinh.multiply.com/journal/item/20

 

(3) Đọc thêm về Bùi Giáng qua Bùi Giáng – thơ Tiên hay thơ Điên:

http://nguyenngocchinh.multiply.com/journal/item/77

http://nguyenngocchinh.multiply.com/journal/item/78