Tác giả và Tác Phẩm,  Thơ

HỒN QUÊ TRONG THƠ LỤC BÁT LÊ NAM SƠN

HỒN QUÊ TRONG THƠ LỤC BÁT LÊ NAM SƠN

Nguyễn Phúc

Sông Lô Lê Nam Sơn tên thật là Lê Nam Sơn, sinh năm 1949 tại Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định, quê quán Quảng Nam, sang Đức năm 1980. Có thơ in trong tập Thơ Việt ở Đức, tập 2.

Không hiểu sao, cứ mỗi lần chạm vào thơ lục bát là mỗi lần tôi chạm vào nỗi nhớ quê. Có lẽ, bởi thơ lục bát từ cái hồn quê mà sinh ra, mà hồn tôi lại được nuôi lớn từ lời ru của mẹ :
Con cò bay lả bay la
Bay từ cửa sổ bay ra cánh đồng..
( Ca dao )


Ca dao lục bát – sáng tác dân gian hay thơ lục bát của các nhà thơ đã có từ rất lâu đời, và được ví như Quốc hồn dân tộc Việt. Thơ lục bát của người ở miền Trung, miền Nam, miền Bắc hay bất kỳ ở đâu, ta đều nhận ra trong nó cái hồn quê Việt. Khi tôi đọc thơ lục bát của Lê Nam Sơn với những câu:


Thèm nghe tí tách bếp hồng
Mái quê nhả khói mục đồng về thôn
Thèm nghe tiếng ốc thổi dồn
Ngư dân háo hức cánh bụồm xa khơi
( Trích – Chiều Hôm )


Thì lòng tôi bỗng trùng xuống một nỗi nhớ quê. Cái thèm của Lê Nam Sơn dội vào cái nhớ trong lòng tôi. Câu thơ chẳng có cánh cò, nhưng cánh cò lại vỗ cánh trong hồn tôi trên sóng lúa rập rờn, trong bóng hình mẹ tôi bên sông, con thuyền ai hun hút đi trong cơn mưa mùa hạ tối đất, tối trời…
Lê Nam Sơn quê ở Điện Bàn, Quảng Nam. Anh sang Đức năm 1980. Thành thực mà nói, tôi biết rất ít về thơ văn miền Nam trước năm 1975. Vì thế khi biết tin có các anh Đặng Lâm, Lê Nam Sơn, Lữ Du từ bên Tây sang tham dự buổi Hội tụ thơ Việt ở Đức, tổ chức ở Thành phố Chemnitz, tôi đã rất háo hức muốn được nghe thơ của các anh. Cần nói rõ hơn điều này, người Việt sống ở phía Tây nước Đức phần lớn là người miền Nam đến từ sau năm 1975, dưới dạng thuyền nhân. Có thể nói, đấy là những cuộc rời bỏ quê hương, ra đi trong thầm lặng, nhưng vô cùng khốc liệt với cả máu và nước mắt. Nó khác cái không khí náo nức, vui tươi của người dân miền Bắc sang lao động, theo ký kết giữa hai chính phủ Việt Nam và Cộng Hòa Dân Chủ Đức từ năm 1980. Do yếu tố lịch sử, nguồn gốc sự ra đi khác nhau, nên sự hòa hợp của người Việt giữa hai miền trong nhiều trường hợp vẫn là rất khó. Tôi vẫn nhớ lời chia sẻ của các anh sau đêm thơ: Thơ không làm chiếc cầu hoà giải, vì thơ vốn dĩ chưa bao giờ có biên giới. Chỉ có tấm lòng thành thực kéo chúng ta lại gần nhau.


Vâng, tôi hoàn toàn đồng ý với các anh. Thơ là tiếng của cõi lòng, hay nói cách khác là sự rung động của tâm hồn, mà hồn ta lại có trong hồn của dân tộc, của giống nòi. Có thế, ta mới cùng yêu được một làn điệu dân ca, yêu khúc hát ca dao và những câu thơ lục bát đã có tự bao đời…Và ngay đêm thơ ấy, qua giọng thơ ấm áp của anh Đặng Lâm, tôi được biết, được yêu thêm một Nguyên Sa, thi sỹ đầy chất trữ tình lãng mạn của miền Nam với bài Áo lụa Hà Đông. Có phải hồn quê đã thấm vào từng đường tơ áo lụa để Nguyên Sa viết Áo lụa Hà Đông giữa Sài Gòn lộng nắng. Và tôi cũng đã lặng đi bởi cái buồn đẹp đến nao lòng, phảng phất hồn thơ Bích khê trong cái sắc mầu huyền diệu của mấy câu thơ Lữ Du:


Rồi những buổi chiều mây vương mầu tím
Cho mắt anh buồn, trời đã vào thu
Sương thu mênh mang, lá vàng rơi rụng
Gió heo may, mưa sắc trắng, sa mù
(Trích, Điệp khúc bốn mùa)


Trở lại thơ lục bát của Lê Nam Sơn. Thơ lục bát thuộc thể thơ không khó làm nhưng khó hay. Điểm đặc biệt trong thơ lục bát của Lê Nam Sơn là bài nào anh cũng gửi được vào đó một chút tình, làm ta cảm động. Đọc thơ anh, ta không có cảm giác nhạt, loãng ấy là bởi anh biết chọn từ ngữ, hình ảnh bám rất sát tứ thơ trong bài, làm cho cấu trúc bài thơ gọn và chặt, nổi lên được cái điều anh định giãi bày. Cũng vì thế, đọc thơ Lê Nam Sơn bao giờ ta cũng lĩnh hội được một điều gì đó: Từ sự cám cảnh trước thân phận những cô gái làng, vùng đồng bằng sông nước Cửu Long, một ngày bỏ mối tình quê, lặng lẽ theo tình khách thương hồ, sống một cuộc đời sông nước lênh đênh, vô định:


Thương ai như đám lục bình
Sông hồ một kiếp lênh đênh theo dòng
Nông sâu, bồi lở, đục trong
Bến quê như thể mãi mong đợi người
Về đâu bèo dạt mây trôi
Về đâu sông nước ai người biết chăng
( Đò Dọc )


Đến chuyện cô gái trú mưa chợt đến, chợt đi như cơn mưa đầu hạ Sài Gòn, để lại trong lòng ta những bâng khuâng tiếc nuối. Đây là một bài thơ hay. Mỗi chúng ta trong cuộc đời, ít nhiều đều có những khoảng khắc rung động, bâng khuâng giống như tác giả. Thơ hay ở chỗ gợi chứ không tả. Câu thơ” Ờ sao em nép thế này”, hai chữ” Ờ sao” đã biến câu thơ thành lời tự vấn, chuyển lời thơ từ tả sang gợi, từ nhìn sang cảm. Từ đây, tác giả không nói sự việc bằng đôi mắt thường, mà từ những rung động của tâm hồn, khiến lòng ta cũng chuyển động cùng với chuyển động trong lòng của thi nhân:


Ờ sao em nép thế này
Để tôi mong mãi chiều nay mưa hoài
Hạt mưa ngắn…hạt mưa dài…
Hạt trong văn vắt… hạt cài tóc em…
Tiếng mưa rả rích reo thềm
Nghe sao như tiếng ru êm bên mình
(Hạt mưa đầu Hạ )


Chính là tác giả biết lắng nghe chuyển động của lòng mình, để cảm xúc tràn lên những ngôn từ, nên thơ Lê Nam Sơn cảm động và có điều tinh tế. Thi sỹ nghe trong gió mầu lá bớt xamh, nắng nhạt bên thềm, nghe tiếng vọng của hồn thu đang về gõ cửa:


Hình như mầu lá bớt xanh
Thoảng trong hơi gió hương đồng dần phai
Nắng như nhạt sắc hiên ngoài
Đã nghe chớm chút u hoài xa xăm
( Hình Như )


Thơ lục bát của Lê Nam Sơn thường mang tâm trạng buồn. Tôi không nghĩ tâm trạng ấy là hoàn toàn bởi cuộc sống tha hương, mà có từ một tâm hồn đa cảm. Ngay ở bài Hạt mưa đầu Hạ, chuyện ở Sài Gòn, hơi thơ đã phảng phất buồn, hoặc trong Đò Dọc, có gì ảm đạm hơn cảnh một con thuyền âm thầm rời bến, lặng lẽ trôi dưới màn trời lất phất mưa bay:


Mưa bay lất phất ngoài sông
Một con đò dọc âm thầm nhổ neo
( Đò Dọc )
Đến Hình Như và Chiều Hôm, không chỉ còn là nỗi buồn nhân thế, thi sỹ thấy mình bơ vơ, lạc lõng bất lực với cuộc đời:
Tà dương vỗ cánh chim trời
Hoàng hôn cúi xuống góc đời tha phương
Nhớ gì bằng nhớ cố hương
Cô giang một mái chèo buông theo dòng
Buồn tay níu lấy thinh không…
( Trích -Chiều Hôm )


Con người ta khi phảỉ níu vào cái không thể níu: níu lấy thinh không, níu vào hư vô là chỉ khi lòng ta tuyệt vọng, tay đưa lên phía trời xanh cầu cứu thánh thần.


Tâm trạng buồn của thi sỹ đâu còn là của riêng anh nữa, nó là nỗi buồn của muôn vạn sinh linh trên trái đất này, khi phải rời bỏ quê hương, rời bỏ cái cái hồn quê, nơi chôn rau cắt rốn của mình…
Đã ba mùa thơ đi qua, ba lần được gặp, được nghe thơ của các anh, tôi lại phải mượn lời của ông Pascal: Tưởng kẻ viết là một nhà văn, không ngờ lại được gặp một người!


Chemnitz 23-4-2019
*****
Giới thiệu những bài thơ của Sông Lô Lê Nam Sơn…

  
Miền Trung với những cơn mưa dầm kéo dài ngày nhiều khi đến cả tuần mà chưa chịu dứt, mưa thì buồn lắm nhất là với kẻ sống xa nhà, nhà thơ Nguyễn Bính tha hương đến Huế đã không từng than thở là gì!


Giời mưa ở Huế sao buồn thế! 
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày 


Nhất là những khi mưa gió bão bùng, nhìn những người đội mưa vì sinh kế, kiếm cái ăn cho gia đình hay hình ảnh một người đơn độc, lặng lẽ đứng trú mưa dưới hiên nhà ai đó luôn là hình ảnh dễ làm tôi chạnh lòng với  ít nhiều thương cảm.
Trong nhạc phẩm “Mưa Rừng” của nhạc sĩ Huỳnh Anh tôi vẫn thích những câu:


Nhất là những khi mưa gió bão bùng, nhìn những người đội mưa vì sinh kế, kiếm cái ăn cho gia đình hay hình ảnh một người đơn độc, lặng lẽ đứng trú mưa dưới hiên nhà ai đó luôn là hình ảnh dễ làm tôi chạnh lòng với  ít nhiều thương cảm.
Trong nhạc phẩm “Mưa Rừng” của nhạc sĩ Huỳnh Anh tôi vẫn thích những câu:

Mưa từ đâu mưa về, làm muôn lá hoa rơi tả tơi…
Hoặc…

Mưa rừng ơi mưa rừng, tìm đâu hỡi ơi bóng người xưa…


Lớn lên vào Sài Gòn học, phải sống xa nhà, tháng 5, Sài Gòn sắp bước vào hè, thường thì không có mưa nhưng nếu có đi nữa thì mưa cũng không dài như mưa miền Trung, mưa ào một cái như trút nước chừng 15 hay 20 phút rồi dừng, khách qua đường gặp những cơn mưa bất chợt như thế thường thì chỉ vội tấp vào bất cứ hiên nhà nào bên đường để trú mưa. Những cảnh trú mưa này ít nhiều đã để lại những kỷ niệm đáng yêu đối với tôi. 

Bài thơ “Hạt Mưa Đầu Hạ” được tôi sáng tác với những tình tiết lãng mạng dưới đây cũng nằm trong cảnh trú mưa đáng yêu đó.


HẠT MƯA ĐẦU HẠ
Hạt mưa đầu hạ trên trời
Theo em mưa xuống hiên ngoài nhà ai
Chạy mưa bước ngắn bước dài
Hiên nhà bỗng chốc mấy ai mà đầy

Ờ sao em nép thế này
Để tôi mong mãi chiều nay mưa hoài
Hạt mưa ngắn…hạt mưa dài…
Hạt trong văn vắt…hạt cài tóc em…

Tiếng mưa rả rích gieo thềm
Nghe sao như tiếng ru êm bên mình
Nép gần thêm nữa đi em
Mùi hương con gái dịu mềm là sao

Mưa đầu mùa mấy dài lâu
Mà sao tôi muốn dài lâu riêng mình
Trú mưa bao kẻ vô tình
Như cơn mưa bất thình lình đó thôi

Thế là đang lúc mưa rơi
Bỗng dưng chậm hạt chưa lơi đã dừng
Thế là mưa chẳng buồn vương
Hạt mưa đầu hạ dễ thường riêng ai

Bước em thấp thỏm vội rời
Ngoài kia trăm ngả bước đời về đâu
Tiếc chi những hạt mưa mau
Tiếc mà chi bước cơ cầu thế nhân

Chiều nay lất phất ngoài sân
Hạt mưa đầu hạ gieo vần thơ tôi


Trước khi hòa bình lập lại năm 1954, gia đình ba má tôi còn ở quê, thời gian này tôi đã được sinh ra và lớn lên dưới lũy tre làng, đã từng nghe tiếng ầu ơ hát ru của mẹ bên dòng sông nhỏ. Với tôi, lũy tre xanh là hình ảnh của một cái gì quen thuộc và thân thương mà tuổi thơ tôi đã trải qua.


Cho đến bây giờ dẫu nơi chốn tha hương tôi cũng không thể nào quên được những lũy tre xanh ngắt của quê nhà, những vòm tre mọc ở bên đường, ngọn tre đan vào nhau và vươn lên từng khóm như muốn ôm ấp mái nhà tranh nhả khói lúc chiều tà. 


Lũy tre xanh, vòm tre xanh là những từ nghe thật gần gủi, êm tai mang hơi hướm cỏ nội hương đồng trong âm vang lùa qua của gió. 


Có sinh ra và lớn lên ở làng quê mới thẩm thấu được trọn vẹn những hình ảnh của lũy tre làng. Bài thơ “Lũy Tre” tôi sáng tác dưới đây là hình ảnh chẳng những của quê hương tuổi thơ tôi mà còn là hình ảnh của quê hương một thời chinh chiến mà tôi đã trải qua.
Em lớn lên từ dưới lũy tre xanh
Dưới tiếng hát mẹ ru bên dòng sông nhỏ…

LŨY TRE
Lũy tre có tự khi nào?
Mà xanh xanh ngắt một màu tre xanh
Thân gầy cành lá xanh đan 
Cho thôn cho xóm nên làng tre ơi
Từ xa thấy lũy tre rồi
Càng thêm háo hức chân người về quê
Chang chang nắng đổ trưa hè
Mái tranh mát với bóng tre quanh làng
Bão bùng tre vẫn hiên ngang
Dẻo dai thân uốn chẳng màng lưng cong
Thẳng người nào chịu đứng khom
Dẫu cành lá vẫn ôm choàng lấy thân
Đời tre cúi xuống đời măng
Là truyền sức sống nuôi mầm tương lai
Những trưa nắng đổ đường dài
Thương người tre đứng miệt mài bóng che
Quê nghèo tre chẳng hề chê 
Đất cằn tre vẫn chẳng nề sinh sôi
Một đời bao bọc quen rồi
Một đời thân thiết với người với quê
Có gì phía sau lũy tre
Tình chòm xóm đã chuyền qua bao đời
Tre xanh thắm cả tình người
Thấm hồn dân tộc thấm lời quê hương


Ngày xưa, thời còn chinh chiến, tôi đã từng qua những, vùng sông nước miền Tây. Nói đến miền Tây, chắc ai cũng biết, nó là miền của sông nước mênh mông, với ruộng đồng sông lạch, vùng của Cửu Long Giang. Ở đây các hoạt động vận chuyển đều phụ thuộc vào thuyền bè trên sông nước. Có lần ngồi uống rượu chung với khách thương hồ trên những chuyến đò dọc tại một bến của dòng sông lớn, được nghe họ kể về những mối tình của họ dọc theo những bến sông mà thấy thương cảm cho những đời gái quê lỡ trao thân theo người tứ chiếng. Tôi sáng tác bài thơ này cũng vì cảm nhận đó.

ĐÒ DỌC
Em tôi bỏ chuyến đò ngang
Em theo đò dọc vô vàn xa xăm
Một lần em có về thăm
Rồi đi đi mãi biệt tăm không về
Nắng chiều thoi thóp bờ tre
Sao em quên vội lời thề với anh
Chắc làng ở cạnh dòng sông
Nên bao cô gái lấy chồng đều xa

Trai làng thì cứ thật thà
Ngêu ngao hát mãi bài ca chung tình
Thương ai như đám lục bình
Sông hồ một kiếp lênh đênh theo dòng

Nông sâu, bồi lở, đục trong
Bến quê như thể mãi mong đợi người
Về đâu bèo dạt mây trôi
Về đâu sông nước ai người biết chăng

Mưa bay lất phất ngoài sông
Một con đò dọc âm thầm nhổ neo


HÌNH NHƯ
Hình như trời chớm vào thu
Tinh mơ đã có sương mù mong manh
Hình như màu lá bớt xanh
Thoảng trong hơi gió hương đồng dần phai

Nắng như nhạt sắc hương ngoài
Đã nghe chớm chút u hoài xa xăm
Lâu nay ngỡ đã yên nằm
Ở trong cùng tận đáy lòng thu ơi

Vào thu chỉ để bao người
Buồn thu hiu hắt đầy vơi ít nhiều
Giao mùa chỉ để cô liêu
Giữa lòng nhân thế bao điều hư hao

Hình như có gió lùa vào
Cửa phòng tôi mở lúc nào chẳng hay


CHIỀU HÔM
Tà dương vỗ cánh chim trời
Hoàng hôn cúi xuống góc đời tha phương
Nhớ gì bằng nhớ cố hương
Cô giang một mái chèo buông theo dòng

Buồn tay níu lấy thinh không
Lao xao con nước thì thầm đuổi nhau
Xa xanh xanh ngắt một màu
Đục trong mấy bến nông sâu mấy dòng

Thèm nghe tí tách bếp hồng
Mái quê thở khói mục đồng về thôn
Thèm nghe tiếng ốc thổi dồn
Ngư dân háo hức cánh bụồm xa khơi

Thèm trong nỗi nhớ chơi vơi
Trong từng hơi hướm ngọt bùi quê hương
Giật mình tóc đã điểm sương
Tàn cơn rong ruổi còn vương bụi hồng

Chiều hôm phủ xuống mênh mông
Quyện vào nỗi nhớ ngập lòng bên song.


GẶP LẠI 
Bao nhiêu vật đổi sao dời
Tan đàn xẻ nghé dập vùi bao phen
Tình cờ ta gặp lại em
Xứ người lưu lạc ngỡ quên nhau rồi
Cũng may còn chút gì rơi
Rớt trong ánh mắt nụ cười ngày xưa
Tóc em sợi nắng sợi mưa
Nét mai ra vẻ xế trưa cũng nhiều
Giữa dòng lưu lạc gieo neo
Thương em tay chống tay chèo lẻ loi
Thơ Kiều lục bát nổi trôi
Có vần nào vận vào đời em chăng
Nợ dâu tội nghiệp thân tằm
Em tôi dang díu nợ nần hồng nhan
Cũng trèo leo với đa đoan
Để rồi trật vuột dở dang nửa chừng
Để rồi nhắm mắt đưa chân
Để rồi lặn hụp giữa dòng mông mênh
Nhìn em rồi ngắm lại mình
Cũng trôi nổi cũng lênh đênh theo dòng
Quê nhà một ngóng hai mong
Hỏi thu thu đợi hỏi đông đông chờ
Hỏi xuân xuân quá hững hờ
Hỏi tình lưu lạc ngu ngơ đáp lời
Nhìn nhau hai đứa cùng cười
Mà nghe thấm thía chiều ơi..! Xứ người


MẸ QUÊ
Thương hoài bà mẹ Việt Nam
Mong con mắt lệ mỏi mòn bao năm
Chiều nay ngoài chốn xa xăm 
Có đời lưu lạc nhớ thầm mẹ quê
Thân cò dầu dãi nắng mưa
Dâu tằm trút mãi sớm khuya tảo tần
Đời con lưu xứ bao năm
Đâu bằng đời mẹ nhọc nhằn mấy mươi
Nuôi con từ thủa nằm nôi
Từ lời ru mẹ à…ơi… ngọt bùi
Mẹ vui khi thấy con cười
Con buồn mẹ lại đứng ngồi không yên
Dạt dào tình mẹ triền miên
Mẹ là tất cả của niềm thương yêu
Mẹ tôi nay đã về chiều
Mà sao mắt mẹ vẫn nhiều lệ rơi
Mưa nhiều ướt lá mồng tơi
Ướt con đường dốc một đời mẹ qua
Mưa nhiều ướt áo bà ba
Ướt màu tóc mẹ phôi pha sắc trời
Con đi mưu chuyện lỗ lời
Héo hon mẹ đợi cuối đời chưa thôi
 

RA ĐI

“Ra đi là sự đánh liều
Nắng sớm ai biết mưa chiều ai hay” (1)
Ra đi cho đó xa đây 
Cho nghe biết mấy lòng đầy gió sương
Ra đi là sự cùng đường
Tìm trong tắc biến dễ thường mấy ai
Ra đi nào biết ngày mai
Thương quê cũng mặc, thương ai cũng đành
Ra đi tóc vẫn còn xanh
Giờ thì tóc đã đổi thành muối tiêu 
Dõi về quê cũ thân yêu
Sông xa mấy khúc, chim kêu mấy ngàn
Tháng năm thương nhớ vô vàn 
Ngẫm đời lưu lạc mà càng thương thân
Sông xưa chắc đã thay dòng?
Người xưa giờ biết đục trong bến nào?
Tìm về trong giấc chiêm bao
Chập chờn hình bóng thủa nào phôi phai
Bạn bè còn mất những ai
Hỏi ra mới biết còn vài đứa thôi
Ai đi về phía quê tôi
Làm ơn cho nhắn vài lời nhớ thương
Ngóng về cố lý mờ sương
Nghe bao sầu nhớ còn vương cuối chiều

(1) ca dao

VỘI                

Cho bà xã Thu Nga 

Em ơi, đừng vội vã già (1)
Trăm năm dẫu ngắn cũng là trăm năm 
Khuyết tròn trăng vẫn là trăng 
Đời cho được mấy nhiêu rằm làm riêng


Em ơi, đừng vội vã phiền
Tình ta mấy lúc mà nên đá vàng
Trách chi chút nghĩa cũ càng
Mấy ai giữ mãi bóng vang một thời


Em ơi, đừng vội ngậm ngùi
Cứ tìm hưng phế cuộc đời mà yêu
Mai kia mốt nọ xế chiều
Thôi em tưởng tiếc ít nhiều mà chi


Nghe em đừng vội làm gì
Cứ thong thả bước mà đi với đời
Dẫu qua bao cuộc đổi dời
Mãi luôn đằm thắm nụ cười nghe em

(1): trích câu thơ Nguyễn Duy

EM GÁI

Hôm qua hạnh phúc đến tìm

Ân cần gõ cửa sao em vắng nhà

Đường lầy em muốn đi xa

Lối trơn em thích vượt qua một mình

Đùa dai dẳng với ái tình

Rồi đem chuyện bất thình lình cợt chơi

Thế là sau mỗi trận cười

Em tôi lệ đẫm đầy vơi má đào

Nhưng rồi em quẹt lệ mau

Thay hương thay phấn đổi màu son môi

Bao nhiêu lần thách thức đời

Bấy nhiêu lần tóc dần phôi phai dần

Thản nhiên xem cứ như không

Em đong em đếm tình gần tình xa

Tình này chẳng mấy thiết tha

Tình kia ừ chỉ mặn mà thế thôi

Quỷ tha ma bắt em tôi

Cứ như giỡn hớt đùa chơi cuộc đời

Chiều nay mưa gió tơi bời

Em tôi bèo giạt hoa trôi nữa rồi

ƯỚC GÌ
Ước gì ôm được quê hương
Vào lòng cho thoả nhớ thương cõi lòng
Ngỡ rằng cách núi ngăn sông
Ngỡ rằng xa mặt cách lòng quê ơi
Càng xa càng nhớ khuôn nguôi
Thiết tha như nỗi nhớ người tình chung

Đôi khi hạnh phúc vô cùng
Trong dòng suy tưởng mông lung tìm về
Chỉ là lắt lẻo cầu tre
Hiu hiu ngọn gió trưa hè con sông
Chỉ là những mái nhà tranh
Chiều về nhả khói quây quần bên nhau
Chỉ là nhịp võng đêm thâu
Mẹ ru con giấc ngủ sâu êm đềm

Bao nhiêu nỗi nhớ không tên
Bấy lâu nay tưởng ngủ quên trong lòng
Thời gian cùng những hoài mong
Là niềm trắc  ẩn mảnh lòng tha phương
Ước gì hôn được quê hương
Như là từng được hôn em thủa nào
Để tôi hôn ngọt hôn ngào
Sông dài biển rộng biết bao nhiêu tình

Ước gì quê ở bên mình
Để trang trải mối u tình với quê
Để cười để nói mải mê
Để lòng tôi thấy hả hê với đời
Để tôi rủ nắng trên trời
Xuống đây sưởi ấm tình người phương xa
Để nhìn chiếc áo bà ba
Bên dòng sông Cửu chan hoà nắng quê
Để nghe rộn bước chân về
Ba mươi sáu phố phường xưa xa nào
Để tôi chẳng hiểu vì sao
Câu thơ lục bát đi vào nón em
Chiều về nắng đổ nghiêng nghiêng
Vàng phai tà áo dài em trên đường

Ước gì làm được khói sương
Để tôi quyện với Trường Sơn, Thái Bình
Im nghe con nước thề nguyền
Núi mòn biển cạn vẫn tròn thuỷ chung
Ước gì làm được dòng sông
Chảy về hợp với Cửu Long, Hồng Hà
Căng bầu sữa mẹ phù sa
Nuôi hai bồ lúa quê nhà bội thu
Xoá tan đi lớp sương mù
Đói nghèo quanh quẩn cầm tù quê hương

Ước gì thấy được quê hương
Như là từng thấy tuyết sương xứ người
Sài Gòn, Hà Nội, Huế ơi !
Ở đây chỉ có một trời nhớ thương
Chân đi khắp lối cùng đường
Vẫn chưa đi nổi một phương quê nhà

Bôn ba khắp nẻo đường xa
Hôm nay cảm thấy nhớ nhà làm sao

error: Content is protected !!