Hoàng Nguyên, người nhạc sỹ lãng mạn và tài hoa
NGUYỄN TRỌNG TẠO
Hơn nửa thế kỷ nhầm nơi sinh quê quán.
Thật lạ là hơn nửa thế kỷ người ta tin là nhạc sĩ Hoàng Nguyên sinh ở Quảng Trị. Tất cả tiểu sử giới thiệu tác giả, đều ghi quê quán Quàng Trị, đến nỗi từ điển Bách khoa toàn thư Wikipedia ghi rõ: “Hoàng Nguyên (1932 – 1973) là một nhạc sĩ tên tuổi, tác giả các ca khúc nổi danh như Ai lên xứ hoa đào, Cho người tình lỡ… Ông tên thật là Cao Cự Phúc, sinh 3 tháng 1–1932 tại Quảng Trị. Lúc nhỏ theo học trường Quốc học Huế. Đầu thập niên 1950, Hoàng Nguyên có tham gia kháng chiến nhưng rồi từ bỏ quay về thành phố”.
Các tư liệu ấy có 2 cái nhầm: Nơi sinh và năm sinh của ông.
Sự thực, ông sinh ra tại xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tên thật ông là Cao Cự Phúc, sinh ngày 3.1.1930 (sau này ông khai là sinh năm 1932), mất ngày 21.8.1973.
Tôi quen với Giáo sư Cao Cự Bội sinh năm 1936 tại Diễn Bình là chú của Cao Cự Phúc, nhưng cháu hơn chú 6 tuổi, lớn lên lại biết dạy võ cho chú. Tất nhiên tuổi thiếu thời của Phúc sống và học tập ở quê cùng chú Bội gần chục năm mới rời quê hương. Anh Phúc rời quê là vì mẹ đã mất sớm, cha đi làm sở điện, đến lúc anh 15-16 tuổi theo ông nội vào Vinh học và tham gia quân đội chống Pháp khi còn trẻ. Tổ chức thấy anh thông minh, giao ông nhiệm vụ vào tìm bố làm việc bưu điện ở Quảng Trị để hoạt động bí mật. Anh Phúc vào học xong ở Huế rồi bị bắt vì làm nhạc trong phong trào Hòa bình. Được thả, 1955 lên Đà Lạt dạy Anh văn và âm nhạc, hướng nghiệp cho Nguyễn Ánh 9 sau này trở thành nhạc sĩ. Năm 1957 bị bắt đày ra Côn Đảo vì thành phần Việt minh cũ và cất trữ bản nhạc Tiến quân ca và Trương Chi của nhạc sĩ Văn Cao. Ra tù, 1961 học thêm đại học Sư phạm Sài Gòn, dạy học, sáng tác âm nhạc. Năm 1965, Hoàng Nguyên bị động viên vào Trường Bộ Binh Thủ Đức. Sau khi ra trường chuyển về Cục Quân Cụ, dưới quyền của Đại tá nhạc sĩ Anh Việt và được giao phụ trách ban nhạc Hương Thời Gian.1973 mất vì tai nạn xe hơi ở Vũng Tàu.
Gần đây tôi có gặp ông Lương Tử Miên, người xã Diễn Bình kém anh mấy tuổi có biết anh Phúc. Ông kể: sau năm 1945, anh Cao Cự Phúc đang ở nhà ông bà nội anh ấy (ở cùng xóm với tôi cách nhà nhau chừng 100m). Hàng ngày tôi vẫn vào nhà học nhóm với chú ruột Cao cự Phúc là Cao Cự An và gặp anh Cao Cự Phúc. Có lần Cao Cự Phúc hướng dẫn cho chúng tôi về âm nhạc. Cao Cự Phúc cũng học Trường Nguyễn Xuân Ôn, trên chúng tôi 2 lớp. Quảng năm 1948 anh Cao Cự Phúc rời nhà ông bà nôi sang nhà bà Hàn Lương cháu nội cụ Nguyễn Xuân Ôn ở xã Diễn Thái vừa làm gia sư vừa đi học tiếp trung học. Từ đó cho đến khi tôi đi lính thì không gặp anh Cao Cự Phúc nữa. Khoảng năm 1949-1950 nghe tin anh Cao Cự Phúc tham gia đoàn tuyên truyền kháng chiên liên khu 4 cùng với nhà văn Bửu Tiến và anh Cao Xuân Hạo (sau này là giáo sư ngôn ngữ học) đi vào chiến khu Ba Lòng (Cam Lộ – Quảng Trị) hoạt động tuyên truyền kháng chiến. Thông tin về Cao Cự Phúc sau đó không có nhiều ở quê nên ít người biết. Còn nói về gốc gác quê hương bản quán và tuổi trẻ thì phải nói anh Phúc quê ở Xóm Chợ xã Diễn Bình huyện Diễn Châu – Nghệ An bây giờ
Như vậy, Cao Cự Phúc xuất hiện ở Quảng Trị đi tìm bố, từ khoảng 19 tuổi, khi ấy anh đã học nhạc ở ban nhạc họ Cao Diễn Châu, học nhạc Nguyễn Văn Thương quen ông nội ở Vinh và sáng tác âm nhạc. Mẹ đẻ anh mất lúc 2 tuổi, mấy năm sau bố anh là ông Thông Bàng lấy vợ kế, sinh con ở Quảng Trị. Từ khi tìm bố ở Quảng Trị, Cao Cự Phúc vào học ở Huế khai tụt 2 tuổi và lấy bút danh Hoàng Nguyên. Sự kiện 1955 bị bắt và được thả đã thôi thúc ra đi, và thẳng Đà Lạt dạy Việt văn, Anh văn và âm nhạc, xuất hiện chùm ca khúc Đà Lạt nổi tiếng của Hoàng Nguyên: Ai lên xứ hoa đào, Bài thơ hoa đào, Đà Lạt mưa bay. Không ai ngờ rằng, Hoàng Nguyên là người nhạc sĩ tài hoa quê tận Diễn Châu, Nghệ An.
Âm nhạc cuộc sống và lãng mạn.
Nếu nói về sáng tác âm nhạc thì Cao Cự Phúc – Hoàng Nguyên là một nhạc sĩ rất nổi tiếng thập niên 50, 60 thế kỷ trước. Ông không chỉ sáng tác nhạc mà còn dạy nhạc, dàn dựng tác phẩm và phát hiện bồi dưỡng những nhạc sĩ trẻ. Nguyễn Ánh 9 là một nhân tố mà ông yêu quý, chăm sóc trở thành người nhạc sĩ tài hoa sau này. Người học trò thuở đấy đã nghĩ về Hoàng Nguyên là một con người có lý tưởng chống Pháp, và âm nhạc của anh đã hiện rõ lý tưởng đó: Có lẽ trong lòng những người yêu nhạc sẽ mãi mãi vang vọng những giai điệu đầy kỷ niệm của thời kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp… “Nếu hiểu rằng anh đi vì lũ giặc tham tàn, thì em ơi, em chớ sầu thương chi! Em thấy chăng khói súng của giặc thù còn mịt mùng và còn che khuất mờ…”. Nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã viết ca khúc Anh Đi Mai Về này ở tuổi 20 tràn đầy nhiệt huyết trong bối cảnh cả dân tộc đang trường kỳ kháng chiến. Bài hát tức khắc được đón nhận nồng nhiệt và phổ biến rộng khắp. Hiếm có những nhạc sĩ trẻ xưa nay tìm được thành công dứt khoát ngay tác phẩm đầu tay của mình và nhanh chóng thành danh như anh.
Có lúc Hoàng Nguyên đã sáng tác ca khúc khi làm tuyên truyền quân khu 4, cùng tinh thần sáng tác ca khúc với Cao Xuân Hạo đồng hương, nhưng rồi do nhiệm vụ khác nhau. Hoàng Nguyên học ở Huế, các hoạt động Việt Minh bị cách trở thấy xa xăm. Nhiều đêm anh nhớ cảnh hoạt động cùng đồng đội mà vẫn phải chịu đựng qua ngày tháng:
Quên đi những chiều nhìn mây vương sau đèo
Nắng vàng đùa thông reo bên bờ dòng suối lắng
Cùng nhau vỗ súng ca cho đời biên khu
Xa rồi ơi đàn
Đâu đêm trăng vàng cùng chung vui bên rừng
Tiếng trầm hùng vang vang, bóng từng đoàn chiến sĩ,
nguyền dâng sức sống cho quê nhà
Đêm nay xa rồi ơi đàn
Đàn ơi xa rồi,
Lòng vắng mơ chi ngày về, đàn ơi dứt đi đường tơ
Đàn ơi xa rồi, tơ lòng đừng vương vấn
Buồn chi khi non sông còn vương máu, và chiến chinh đang tràn lan
(Đàn Ơi, Xa Rồi)
Ngay cho đến khi đất nước chia đôi, tinh thần thống nhất đất nước vẫn luôn trỗi lên trong anh. Tất cả những mối liên lạc hoạt động như mất hết với anh, và niềm khắc khoải day dứt cùng lý tưởng chỉ lặng lẽ với anh. Anh nghĩ tới “cách chia”, “chia lìa” và vẫn “nhớ thương”, “mong chờ”. Chính vì vậy mà bài hát “Em chờ anh trở lại” đã ra đời sau hiệp thương 1954 như một khao khát nước nhà thống nhất:
Ngày anh ra đi, đường nắng chưa phai màu
Dòng sông chia ly, lờ lững chưa hoen sầu
Ngờ đâu chân anh, lạc bước khi qua cầu
Chiều nay bâng khuâng, chợt xót thương đời nhau.
Ngày anh ra đi, rặng liễu chưa xanh màu
Mà nay bên sông, liễu khuất bến giang đầu
Mười mấy năm qua rồi còn gì đâu? Còn gì đâu
Có chăng là đớn đau.
Em chờ anh trở lại chốn đây
Đường xưa còn đó sánh đôi vai gầy
Em chờ anh tìm về lối cũ
Có em còn đây bên sông này
Đợi chờ ai đến trong vòng tay.
Bài hát là bài tình khúc, khao khát và chia lìa, lãng mạn trên đau khổ. Những bài hát như vẫn phảng phất lý tưởng dân tộc trong đất nước chia đôi. Đó chính là lý tưởng của người nhạc sĩ Hoàng Nguyên trong một giai đoạn lịch sử hiện thực chi phối cả dân tộc.
***
Từ thời Hoàng Nguyên phiêu bạt vào Đà Lạt, anh tung một chùm bài hát trữ tình, lãng mạn rất tươi đẹp, như cảm xúc của du khách rất yêu đời. Những người du khách, nghệ sĩ nghe nhạc, nhập vào những âm thanh bên hồ, tiếng suối, tiên cảnh nên thơ. Có người nghe nhạc Đà Lạt của Hoàng Nguyên rồi gọi ông là “người đội vương miện cho nhan sắc Đà Lạt”. Vâng, âm nhạc của anh xứng đáng vẻ đẹp và tươi sáng của xứ hoa như vẫy mọi con người. Và lời ca của Hoàng Nguyên rất giàu chất thơ, gây mê người thưởng thức:
“Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi
Thông reo bên suối vắng lời dìu dặt như tiếng tơ
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ
Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa
Ai lên xứ hoa đào dừng chân bước lần theo đường hoa
Hoa bay đến muôn người ngại ngần rồi hoa theo chân ai
Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên”
Những câu nhạc như dài ra hơn bình thường. Những nốt nhạc lên xuống như núi đồi nối nhau. Những hoa bướm, bướn hoa; những quên lãng, lãng quên như quấn quýt lấy nhau trong một khúc thức mở ra không cùng lấp lánh. Qua bài hát, ta thấy tài năng cả nhạc và lời của Hoàng Nguyên như được trời cho:
Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa
… Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má aị
Có thể nói Hoàng Nguyên đã mê say Đà Lạt trinh nguyên thuở ban đầu. Chỉ trong thời gian ngắn, 2 ca khúc về Đà Lạt được anh sáng tác, và trở thanh 2 ca khúc bất hủ cho vùng đất này. Bài thứ 2 là “Bài thơ Hoa Đào” anh viết trong một căn phòng đơn sơ của một thầy giáo, “trong khuôn viên Trường Bồ Đề Đà Lạt, nơi anh đang dạy Anh văn cho các lớp trung học. Một chiếc giường đơn, một bàn viết bằng gỗ thông và một cây đàn guitar treo trên vách. Thời gian đó, Hoàng Nguyên còn phụ trách các buổi phát thanh của Hội Phật giáo trên làn sóng Đà Lạt”. Nguyễn Ánh 9 đã nhớ lại như vậy, và đã nghe anh hát cho nghe giai điệu đầu tiên đầy quyến rũ:
Ngày nào dừng chân phiêu lãng
Khách tới đây khi hoa đào vương lối đi
Màu hoa in dáng trời
Tình hoa lưu luyến người
Bồi hồi lòng lữ khách thấy chơi vơi
…Ôi! Đà Lạt là mơ
Giấc mơ tiên nữ giáng xuống trần
Tóc mây buông lơi tha thướt bên hồ
Đợi tình quân đến trong giấc mơ…
Và vẫn còn “đợi tình quân đến trong giấc mơ” của anh lính Cao Cự Phúc ngày nào. Với âm nhạc say sưa da diết như vậy, người ta tin là anh đã gắn bó với đất này như thiên đường của tuổi trẻ. Nhưng anhthú nhận với người học trò yêu quý ngay sau khi anh viết xong bài hát này: “Không, anh chỉ ghé chân để tạm mưu sinh và tìm cảm hứng…”. Vâng, sự “ghé chân” đã dâng lên trog bài hát:
Nhưng rồi mùa hoa tàn
Người hoa sao vắng mãi
Bao chiều lòng mong chờ
Đường hoa sao hững hờ
Để lòng lữ khách tê tái
Cất bước đi nhớ hoa đào trên má ai
Màu hoa in trên má
Làm khách lưu luyến mãi Đà Lạt ơi!
Chính vì tâm sự ấy mà nỗi lòng bâng khuâng mãi với Đà Lạt, bâng khuâng mãi với lữ khách muôn thời.
Cũng với Đà Lạt, anh còn có những bài hát nữa như “Đường nào lên thiên thai”, “Đà Lạt mưa bay”… Bài hát nào cũng muốn cái đẹp của Đà Lạt như Thiên Đường, không bị phai tàn. Có thể đó là mơ mộng:
Cầm tay em anh hỏi
Đường nào lên Thiên Thai,
Đường nào lên Thiên Thai,
Đường nào lên Thiên Thai?
Nơi hoa xuân không hề tàn,
Nơi bướm xuân không hề nhạt,
Nơi tình xuân không úa màu bao giờ
Và Hoàng Nguyên cứ tin cuộc đời là vậy, với đôi mắt trong đẹp ngây thơ:
Nhìn trong đôi mắt đẹp,
lòng chợt vui như say;
kìa đường lên Thiên Thai,
Ấy đường qua ngõ mắt thơ ngây, tiếng nhạc êm lẫn tiếng thơ say,
Đưa hồn anh lạc vào tận tim ai.
Rồi một ngày anh chỉ “ghé chân” nơi Đà Lạt, phải rời xa nơi này bởi tù đày vì yêu đời yêu nhạc yêu ca. Âm nhạc của anh vẫn vang lên cũng cuộc sống:
Chừ anh đi rồi mình tôi còn ở lại
Dalat buồn mưa mãi mãi không thôi…
Rời Đà Lạt, Hoàng Nguyên tiếp tục một cuộc sống khác, nhưng chỉ mấy năm gắn bó bằng âm nhạc, bằng lời thơ, bằng trái tim yêu đời cùng thành phố hoa thơ mộng, anh đã trở thành “Người nhạc sĩ đội vương miện cho nhan sắc Đà Lạt”.
***
Thời gian “sau Đà Lạt” thì cuộc đời rất phức tạp và éo le với Hoàng Nguyên. Năm 1956, anh bị chính quyền lùng bắt ở Đà Lạt do hoạt động tuyên tuyền Quân khu 4 kháng chiến chống Pháp từ lâu và lấy cớ trong nhà có bản Tiến Quân Ca của nhạc sĩ Văn Cao, người mà Hoàng Nguyên rất ái mộ, nên anh đã bị bắt và đày ra Côn Đảo năm 1957. Bị tù ở Côn Đảo, do tài giỏi, anh được Chủ đảo mời dạy nhạc cho con gái 19 tuổi, thầy trò đã yêu nhau bốc lửa và mang bầu, phải vận động cuộc tự do để thả Hoàng Nguyên ra tù về Sai Gòn theo ý Chủ đảo. Anh ra tù không lấy con Chủ đảo vì éo le, tiếp tục dạy học và theo học Đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm 1961, anh quen ông Phạm Ngọc Thìn, thị trưởng thành phố Phan Thiết và bà Huỳnh Khanh là nữ diễn viên mến mộ tài năng nhận anh làm em nuôi, rồi trở thành con rể ông bà. Năm 1965, Hoàng Nguyên bị động viên vào Trường Bộ Binh Thủ Đức, sau đó chuyển về Cục Quân Cụ, lý ban nhạc Hương Thời Gian xuất hiện trên truyền thanh và truyền hình Sài Gòn đến khi bị tai nạn xe hơi kết thúc cuộc đời.
Thời kỳ này âm nhạc miền nam không chỉ nhạc vàng tình yêu, nhạc xanh, nhạc sến mà còn nhạc trẻ, nhạc tây. Hoàng Nguyên từ dòng tiền chiến lãng mạn đến tình yêu sang trọng, rồi nhập vào dòng tân nhạc hay hiện đại. Nhưng câu chuyện tình yêu trong ca nhạc muốn vượt lên, nhưng vẫn phảng phất nỗi niềm tủi đau. Trong khi chuyện gia đình người vợ làm anh u uất không vui, và âm nhạc cũng gieo vào tâm sự:
Những tưởng dài lâu
như trăng như sao cho đến bạc đầu.
Nào ngờ trời mưa
mưa rơi không thôi nát tan tình đầu
Nước mắt rơi mau
long lanh giọt sầu xót xa niềm đau.
(Đừng trách gì nhau)
Ai dám đợi chờ ai
Và người nay đi xa
Từ giã bến sông dài
Để đến hôm nay tôi ngồi đây
Lặng ngắm hoa soan rơi rụng đầy
Người ơi! thơ ngây đã lỡ rồi
Tình xa rồi thì cho tôi chép lại vần thơ xưa.
(Thuở ấy yêu nhau)
Và bài hát “Cho Người Tình Lỡ”,dù là một chuyện tình đã lỡ, nhưng cái con người nhân văn của nhạc sĩ luôn luôn trĩu nặng trong từng lời thơ nốt nhạc. Âm nhạc cũng mới mẻ lên, nhịp điệu cũng dào dạt hơn, để lại tâm tình càng sâu nặng sau bao yêu thương đau khổ. Bài hát “Cho Người Tình Lỡ”,có gía trị, và được chọn thu vào đĩa 45 vòng do Hãng đĩa Tình Ca Quê Hương sản xuất do Thanh Lan hát cùng bài “Không”của Nguyễn Ánh 9 được Khánh Ly hát. Và đây là đầy đủ lời ca của Hoàng Nguyên”:
Khóc mà chi, yêu thương qua rồi
Than mà chi, có ngăn được xót xa
Tiếc mà chi, những phút bên người
Thương mà chi, nhắc chi chuyện đã qua
Anh giờ đây như là chim
Rã rời cánh biết bay phương trời nào
Em giờ đây như cành hoa
Trót tả tơi đón đưa ngọn gió nào.
Mình nào ngờ, tình rơi như lá rơi.
Người tình đầy, vòng tay ôm quá lơi.
Để giờ này một người khóc đêm thâu,
Một người nén cơn đau nghe mưa mà cúi đầu.
Thế là hết, nước trôi qua cầu
Đã chìm sâu những thánh ngày đắm mê
Thôi đành quên, những tiếng yêu đầu
Những lời yêu ấy nay đã quá xa.
Nẻo đường cũ giăng đầy mưa
Khuất mù lối khiến nên tình đành lỡ
Ta giờ đây như rừng thu
Nắng liệm với chiếc lá vàng cuối mùa.
Có thể nói, từ “Ai lên xứ hoa đào”đến“Cho Người Tình Lỡ”,là 2 đỉnh cao của ca khúc đầu đời và cuối đời của nhạc sĩ Hoàng Nguyên.
Hoàng Nguyên – Nhạc sĩ của công chúng.
Thường thì một đời, một sự nghiệp âm nhạc phụ thuộc vào tác phẩm được công chúng yêu thích. Có nhạc sĩ cả nghìn bài đươc 1 bài nổi tiếng, được công chúng ghi danh. Có nhạc sĩ trăm bài được vài bài, dăm bài nổi tiếng là để lại nhiều thế hệ yêu thích. Và có người qua đời, không để lại tác phẩm nào cả. Điều đó là công bằng, tác phẩm được sàng lọc qua thời gian.
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên/Cao Cự Phúc mất sớm do tai nạn khi 43 tuổi, không còn từ năm 1973 đến nay đã 45 năm, nhiều bài hát của anh vẫn còn được công chúng yêu thích, được khắc trên đá, được vang trong cuộc sống. Đó là niềm vinh dự của người nhạc sĩ trong cuộc đời này. Có thể nói, các thế hệ không quên những tác phẩm nổi tiếng của anh, và biết ơn anh.
Và anh có quê, quê gốc nhiều đời, quê cha mẹ sinh ra xã Diễn Bình, Diễn Châu của anh; quê tuổi thanh niên Quảng Trị cùng cha đẻ, mẹ kế và các em của anh; và các miền quê phiêu bạt đã làm nên sự nghiệp của anh.
Là một người bắt đầu hoạt động chống Pháp từ khi còn trẻ, dù môi trường công tác khác nhau có thể mất cả đường dây hoạt động, bị khủng bố, tù đày nhưng anh vẫn trở về cuộc sống nhân văn làm gốc với con người, xã hội. Và cho dù làm với bên này bên kia bằng ngòi bút sáng tác, bằng người dạy học mang kiến thức cho mọi người. Thật đáng kính.
Vì vậy những người yêu anh đã khắc những bản nhạc của anh lên đá, những phù điêu hình ảnh của anh nơi công cộng, và cũng có những người đề nghị đặt tên đường cho anh trên đất Đà Lạt, con đường nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Và theo tôi, nên đặt cả tên đường của anh trên đất Diễn Châu, Nghệ An và trên đất Quảng Trị.
Vâng, sự nghiệp của anh bằng âm nhạc thật rõ ràng. Anh, Hoàng Nguyên/Cao Cự Phúc là người nhạc sĩ lãng mạn và tài hoa.
Hà Nội, 15.7.2018